Nghe Contemplation của Himekami và khởi lên trong tâm những suy tư vào một buổi sáng thật đẹp...
Một sáng như bao buổi sáng khác của mùa đông, vẫn rét, vẫn mưa phùn, vẫn ba bốn lớp áo dày, vẫn cà phê thật nóng và đôi bàn tay thật lạnh. Vẫn mặt sân rụng đầy cánh hoa đào và vẫn bầu trời đầy sương mù, xa xăm, mờ ảo.
Đã lâu không có dịp được chìm đắm vào trong thế giới đầy cảm niệm với âm nhạc như thế này. Himekami đưa tôi vào một cõi thênh thang, mênh mông rộng đến ngỡ ngàng, bao la nhưng không gây choáng ngợp, đơn độc nhưng không thấy lạc lõng, an nhiên nhưng không phải hời hợt. Nó vừa đủ. Đủ rộng để mọi tâm hồn ra vào. Đủ chật để ai đó có thể dừng lại thật lâu như một nơi chỉ cho riêng mình. Đủ ồn ã để biết chúng ta còn ở cõi Ta bà lắm vô minh. Đủ yên tĩnh như thể đã tách cái ta thong dong ra khỏi cái thân xác ngốc nghếch trước mặt, lặng người nhìn những thân phận khác cũng đang ngớ ngẩn như ta.
Contemplation như đưa tôi lên một cao nguyên đầy núi đá, ngút ngàn không thấy chân mây. Trời đã về chiều nhưng đôi chân kẻ du hành dường như không muốn ngơi nghỉ, "ta phải đi về nơi có tiếng chuông xa ngân dài kia, trước khi vạn vật đã trở nên quá tăm tối".
Đặt mọi suy tư đầy chữ nghĩa xuống vệ đường như cốc trà đã uống xong, nhặt chút cảm khái với cuộc đời cho vào ba lô, khoác lên vai, cột lại dây giày, ngẩng đầu nhìn trăng, mỉm cười, và rồi cứ thế cất bước.
Hoàng hôn trên đỉnh Phú Sĩ - Tranh của Katsushita Hokusai
Không hiểu sao Contemplation lại khiến tôi nhớ về Hoa anh đào và Điện tử đến lạ. Một thời mà sự phân bua thiệt hơn còn là điều vô nghĩa cho các thế hệ đã qua nhưng là nỗi ám ảnh cho những thế hệ sau đó.
Sanh trụ hoại diệt là cái lẽ đã chi phối mọi cái lẽ khác phải phân tích ở đời. Để ít nhất một lần trong đời độc giả bùi ngùi khi đọc về tình cảnh cô đơn của một nữ hoàng vào tu trong núi hay cái chết ở chiến trường của công tử Atxumori mới mười sáu tuổi, khi chết còn mang theo chiếc sáo trúc. Vị tướng buộc phải giết cậu bé về sau vì quá khổ tâm đã quy y cửa Phật. Nỗi đau khổ về số phận bi đát của con người trong chinh chiến sâu sắc hơn nỗi buồn chán thế cuộc thời Heian…
Và rồi lịch sử buồn và đẹp như khi đó nhà sư Saigo đã viết :
“Sống cô đơn
Giữa núi non
Xa thành thị
Khuất mọi người
Buồn buông trôi”
Ảnh minh họa
Vậy là bữa nay xem như tôi đã dấy lên rồi cái tham vọng được viết tiếp bài thơ của Saigo, tặng cho một nước Nhật của 2012 chứ không còn là thời Sogun, cho tháng Ba năm 2011 chứ không phải cho năm 1233, được viết lời cho Contemplation, được cùng Himekami ngắm hoa anh đào buổi bình minh hay uống trà trên đỉnh Kugami phủ đầy tuyết trắng…
Drolma Từ Ngọc