ĐOẠN TRỪ LẬU HOẶC
Tác giả: Acharya Buddharakkhita
Dịch giả: Pháp Thông
PHẦN I
NGẠO MẠN VÀ PHÓNG DẬT
Mù lòa được xem là một tai họa và gánh nặng đối với con người, thế nhưng sự mù quáng (của tâm) còn thậm tệ hơn thế. Trong số rất nhiều hình thức của sự mù quáng, si mê là loại mù quáng âm ỉ, dai dẳng và thất thường nhất. Và si mê được thể hiện bằng sự lòe loẹt, ngạo mạn và phóng túng. Phóng túng hay dễ duôi là luôn luôn lơ đễnh, và do vậy thiếu thái độ đúng đắn và ý thức. Người ngạo mạn, sống trong một cái thế giới tạm bợ của những giá trị giả tạo, đồng thời thiếu sự chú tâm, vô tàm, vô quý (không biết hổ thẹn và không ghê sợ tội lỗi).
Cũng như con thiêu thân do lòng tham ám ảnh mà bị thiêu rụi bởi chính ngọn lửa đã hấp dẫn nó, người ngạo mạn và dễ duôi cũng vậy, do xao lãng những trách nhiệm đạo đức và tinh thần, do thái độ ích kỷ, cố chấp và nhẫn tâm, họ bất chấp những qui tắc, giá trị, và bị thiêu đốt bởi chính cái khuynh hướng vị kỷ và si mê ấy của họ.
Tính không biết xấu hổ và thông tục chỉ làm cho các lậu hoặc trầm trọng thêm mà thôi. Cũng như chuyện một số vị sư cư ngụ ở Bhaddiya đã sống một cuộc sống không biết hổ thẹn (vô tàm) và quá thông tục. Mặc dù các vị này đã nguyện sống đời thanh đạm và xuất ly để tịnh hóa thân tâm và tiết chế dục vọng, song họ lại làm những chuyện không xứng đáng. Các vị sư này mải miết trong việc theo đuổi những điều được xem là ngược lại hoàn toàn với đời phạm hạnh cả về hình thức lẫn nội dung. Chẳng hạn, họ tỏ ra yêu chuộng lối sống đỏm dáng và cư xử như những người thích ăn diện đúng thời trang vậy.
Chú giải Pháp Cú mô tả rằng: các vị sư phàm tục này thường đam mê trong việc tự chế ra, hoặc bảo người khác chế ra những đôi dép hay những đôi xăng-đan của họ thành những loại khác thường, với những kiểu cách được trau chuốt tỉ mỉ. Ngay cả những vật liệu họ dùng - như các loại cỏ, lá, tơ, len v.v... cũng thật đặc biệt, không hợp với nhân cách của nhà sư. Lối sống khiếm nhã của họ như vậy đã khiến cho các vị sư nghiêm túc cảm thấy lúng túng không ít. Lối sống đó không những ảnh hưởng đến sự tu tập của họ, mà còn ảnh hưởng đến thanh danh của đời phạm hạnh nữa.
Khi vấn đề đến tai Bậc Ðạo Sư, lúc ấy đang ở tại khu rừng Jātiya, ngoại ô Bhaddiya, Ngài cho người đi gọi các vị sư này lại và rồi khiển trách họ rất nặng nề. Bậc Ðạo Sư nói, "Này các Tỳ khưu, các người đã nguyện sống phạm hạnh vì lý tưởng cao thượng, thế mà giờ đây các người lại mải mê trong những việc hoàn toàn ngược lại", và sau đó Ngài nói lên những vần kệ này:
"Việc đáng làm không làm,
Không đáng làm lại làm,
Kẻ ngạo mạn, phóng dật,
Các lậu chỉ gia tăng.
Ai nhiệt tâm hành thiền,
Thường quán thân hành niệm.
Không làm việc không đáng,
Kiên trì việc đáng làm.
Bậc chánh niệm, tỉnh giác,
Các lậu chắc chắn tiêu."
-ooOoo-