ĐOẠN TRỪ LẬU HOẶC
Tác giả: Acharya Buddharakkhita
Dịch giả: Pháp Thông
PHẦN II
BẬC HỮU HỌC VÀ BẠN ÐỒNG PHẠM HẠNH
Người thiên về việc phát triển tinh thần nổi bật nhờ trí tuệ và cách cư xử đầy thiện cảm của họ, và đặc biệt, là việc theo đuổi chân lý và sự tự hoàn thiện mình của vị ấy... Những đặc tính này tương phản rõ nét với cách ứng xử của một kẻ phàm phu.
Như đã đề cập trong bài Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, một kẻ vô văn phàm phu "không biết những pháp nào cần phải được tác ý và pháp nào không cần phải tác ý". Do không hiểu biết đúng đắn, và do không tác ý các pháp đúng đắn, "các lậu hoặc chưa sanh của người ấy sẽ khởi lên và lậu hoặc đã sanh càng tăng trưởng". Nói một cách khác, người ấy hoàn toàn bị rối ren trong mớ bùng nhùng của các lậu hoặc. Trái lại, bậc trí "biết các pháp nào cần phải được tác ý và pháp nào không cần phải tác ý". Do hiểu biết đúng đắn, vị ấy tác ý đúng đắn, tức là tác ý một cách chơn chánh. Và do tác ý chơn chánh, "các lậu hoặc chưa sanh của vị ấy sẽ không khởi lên và các lậu hoặc đã sanh được đoạn trừ".
Bậc trí cũng giống như người thợ rừng thành thạo chui vào một rừng tre rậm rạp mà không bị thương tích và vẫn an toàn. Người ấy chui vào bằng cách phát quang những bụi tre vướng vít đầy gai nhọn và sắc bén, rồi trở ra với những cây tre tốt nhất. Kẻ vô văn phàm phu chui vào rừng tre rậm rạp chỉ để bị vướng mắc, thương tích cùng mình, thậm chí thất lạc hoặc có khi mất mạng, trở ra an toàn còn chưa được, nói gì cùng với những cây tre.
Việc theo đuổi chân lý và sự toàn bích tự nó đã tạo thành suối nguồn, từ đây, sự tác ý chơn chánh và chánh kiến tuôn ra. Ðó là lý do vì sao Ðức Phật đã vạch ra cho thấy đâu là con đường mà các bậc thiện trí đã hướng tâm - họ là những vị thường xuyên yết kiến Bậc Giác Ngộ, thường xuyên yết kiến các Bậc Chân Nhân, thường xuyên vun đắp tình bạn với các đồng phạm hạnh và nhờ vậy, trở nên thành thục trong Pháp của họ: "đây là khổ", vị ấy tác ý chơn chánh như vậy; "đây là tập khởi của khổ", vị ấy tác ý chơn chánh như vậy; "đây là sự diệt khổ", vị ấy tác ý chơn chánh như vậy; "đây là đạo diệt khổ", vị ấy tác ý chơn chánh như vậy; trong khi tác ý chơn chánh như vậy, ba kiết sử của vị ấy được đoạn trừ, đó là thân kiến, nghi và giới cấm thủ.
Do đó, sự định nghĩa về tác ý chơn chánh có thể cô đọng lại trong đẳng thức đơn giản là tác ý các pháp dưới dạng Tứ Thánh Ðế, những chân lý tạo thành tinh túy của Phật pháp và là nền tảng cho sự toàn tri của Ðức Phật.
Ngay khi một người nhìn vào các pháp trên quan điểm Tứ Ðế, thì viễn cảnh tự nó sẽ mở ra với tất cả sự trong sáng và tính chất hiện thực của các pháp càng lúc càng được nâng cao và khai mở, đến độ tâm tất yếu phải vượt qua tầm ô nhiễm của các lậu hoặc. Trong những tột đỉnh hiếm hoi của sự tác ý chơn chánh ấy, nơi đây bầu không khí vô cùng siêu thoát, vô cùng thanh tịnh, và hoàn toàn vượt qua cái không khí ô nhiễm của thế gian với những lậu hoặc của nó. Tâm vẫn ở trong điều kiện an tịnh, thanh khiết và trong sáng không cần nỗ lực. Trong một trạng thái như vậy, không còn khuynh hướng vị kỷ nữa - mọi tư duy, lời nói và hành động đều vô ngã. Không còn hoài nghi, không còn sợ hãi và không còn chấp giữ vào những giới cấm thủ.
Bậc Thánh, người "sống" với những Chân Lý Cao Thượng, thể hiện tự nhiên những quy luật của lòng từ và bi, của bố thí và quảng đại, của chánh trực và tinh khiết, của lối cư xử chân thật và trong sạch. Một con người như vậy không thể còn ganh tỵ hay bỏn xẻn. Kinh nói rằng vị ấy an trú vững chắc trong Ngũ Giới (Panñcasīla), và chính năng lực nội tại của giới này sẽ giải thoát cho vị ấy khỏi mọi đe dọa của sự bất ổn, xung đột và bất hạnh. Vị ấy vượt thoát khỏi sự đòi hỏi của đấu tranh sinh tồn, và vượt qua mọi nhọc nhằn của một thế giới đua tranh. Vị ấy thực sự hưởng được vị an lạc và hạnh phúc cao cả nhờ lòng nhiệt thành với Tứ Thánh Ðế. Vị ấy là bậc "hữu học", mà các đồng phạm hạnh của vị ấy luôn luôn được khích lệ, được sách tấn và được khai sáng.
Sự kiện xuất ly khỏi môi trường ô nhiễm và bước vào bầu khí quyển tươi mát, phấn chấn này xảy ra đồng thời, chúng trùng khớp với nhau. Cũng như sự trùng hợp tất yếu giữa việc đoạn trừ (pahāna) lậu hoặc và việc chứng nghiệm Tứ Thánh Ðế vậy. Từ cách trình bày minh bạch ở trên, chúng ta có thể thấy rằng Tứ Thánh Ðế tạo thành một kinh nghiệm độc nhất. Nó không phải là những giáo lý khác biệt nhau. Cũng giống như bốn mặt của một viên bảo châu, tất cả đều được thấy cùng nhau và tức thì, việc chứng nghiệm Tứ Ðế cũng vậy, nghĩa là thấy một Ðế, tất thấy luôn ba Ðế còn lại.
Về cơ bản, Tứ Thánh Ðế tạo thành nòng cốt của kinh nghiệm thiền quán, của tuệ thể nhập vào những thực tại của vạn pháp. Chúng biểu thị sự hiện thực hóa những chân lý của cuộc sống, của thế gian, và của sự Vuợt Qua. Và sự hiện thực hóa này được phản ánh trong sự chuyển hóa nội tâm, trong sự biến đổi nhân cách, trong sự siêu việt từ trạng thái vô minh đến giác ngộ, từ cái hữu hạn của cuộc sống bị tự ngã ràng buộc đến cái vô hạn của Niết Bàn, từ những bất toàn của hệ lụy trầm luân (Samsāric) đến sự viên mãn của tâm thức Siêu Thế (Lokuttara Citta).
--ooOoo--