- Chương 01: Đời sống của tác giả trước khi tai biến não
- Chương 02: Một môn khoa học đơn giản
- Chương 03: Sự khác biệt giữa hai bán cầu não
- Chương 04: Buổi sáng ngày bị tai biến
- Chương 05: Khó khăn khi tự mình gọi cấp cứu
- Chương 06: Khi bán cầu não trái ngừng hoạt động
- Chương 07: Chỉ còn não phải hoạt động
- Chương 08: Phòng trị liệu thần kinh
- Chương 09: Ngày thứ hai sáng hôm sau
- Chương 10: Ngày thứ ba, mẹ từ xa đến giúp
- Chương 11: Chuẩn bị cuộc giải phẫu
- Chương 12: Giải phẫu sọ
- Chương 13: Người bệnh cần biết
- Chương 14: Con đường dài phục hồi
- Chương 15: Phát hiện mới qua cơn xuất huyết não
- Chương 16: Sức mạnh tinh thần của mỗi người
- Chương 17: Sự an lạc trong tâm hồn
- Chương 18: Chăm sóc ngôi vườn tâm
TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO VÀ SỰ PHỤC HỒI
Tác giả : TS. Jill Bolte Taylor
Dịch giả : TS. Minh Tâm
CHƯƠNG 17
SỰ AN LẠC TRONG TÂM HỒN
Mơ ước đến tương lai; để rồi cảm thấy khổ sở vô cùng vì không làm sao có được những điều mong muốn đó. Chừng nào chúng ta ý thức được thực tế là nên sống trong hiện tại, chúng ta sẽ dễ dàng hơn đi vào mạch thần kinh não bộ phải, với lòng nhường nhịn, chia sẻ, thương yêu - tự xem mình là một phần trong toàn phần, là những dương điện tử, âm điện tử và trung hòa tử đang nhảy múa trong cùng một vũ điệu siêu tuyệt – ta sẽ nhận chân được Hạnh phúc và An lạc trên đời. Xã hội Tây phương đã gặp phải khó khăn trong sự đi tìm chân hạnh phúc, vì từ nhỏ đến lớn con người chỉ được huấn luyện sử dụng bộ óc trái. Phải biết bặt thiệp, biết tính toán, biết tổ chức, biết kế hoạch, biết hơn chứ không được thua, biết cái Tôi là hơn hết. Nếu đạt được những thành tích này, họ sẽ được tưởng thưởng, được ca tụng; nhưng họ không bao giờ cảm thấy được hạnh phúc.
Người Đông phương trong thế kỷ qua cũng vậy. Một số chạy theo nếp sống Tây phương, bị Tây phương hóa nên cũng rất khổ sở; vì tuy có đầy đủ của cải vật chất, nhưng không có hạnh phúc. Một người bạn thân của tôi, tiến sĩ Kat Domingo đã có lần nói: “Giác ngộ không phải là nhờ học thêm điều gì mới lạ, mà là biết bỏ hết đi những gì đã học sai lầm!”.
Thật ra, trở về với não bộ phải không phải là vấn đề khó khăn. Bởi vì chúng ta thường sử dụng cả hai bán cầu não cùng một lúc để tiếp nhận và phân phối dữ kiện qua năm giác quan vào từ bên ngoài từng giây từng phút; có nghĩa là lúc nào ta cũng tiếp xúc với não bộ phải. Miễn là bạn phải học để ý đến những cảm giác vi tế đã xảy ra trong tâm thức hay cơ thể của bạn, thì bạn có thể lập lại mạch vận hành của thần kinh đó khi bạn muốn.
Phần tôi, bài học đầu tiên khiến tôi nhận biết An lạc ở trong tâm là ngay từ buổi đầu bị xuất huyết. Tôi nhận ra mình là một phần trong đại thể của vũ trụ - nơi đó nguồn năng lực miên viễn chảy vào các phân tử tế bào ở thân thể. Biết được như vậy, tôi thấy mình thật an ổn. Làm sao tôi có thể “chết” được khi tôi là một thành phần của cái toàn phần? Trong khi não bộ trái cứ cho biết rằng tôi là một cá nhân riêng biệt, mong manh và dễ “vỡ”, não bộ phải cho thấy rằng, từ bản thể, tôi vốn “tồn tại” mãi với thời gian! Và như vậy, mặc dù tôi đã mất đi một số tế bào của cơ thể và khả năng nhìn thế giới bên ngoài như là không gian ba chiều, phần năng lượng đó của cơ thể tôi không mất mà chỉ là trở về hợp lại với biển thanh tịnh và an vui của vũ trụ. Nhận thức này làm cho tôi vô cùng biết ơn sự hiện diện ở cõi đời với phần tế bào còn khỏe mạnh trong tôi.
Muốn có được phút giây hiện tại, bạn phải tập chậm lại đầu óc suy nghĩ của mình. Đầu óc con người lúc nào cũng suy nghĩ, không thể trống không. Hết nghĩ chuyện nọ, đến chuyện kia. Hết chuyện đã qua, đến chuyện sắp tới. Chuyện làm được và chuyện không chắc có thể làm được. Cứ như vậy mà bực bội, gắt gỏng, thất vọng, chán nản. Năng lực tiêu tán, tâm tình khổ sở, thần sắc bệnh hoạn.
Bộ óc trái làm việc như vậy đó. Bạn hãy tập nói chuyện và ra lệnh với nó. Có khi bạn nên cảm ơn nó với nụ cười: Cảm ơn kế hoạch này tốt; chuyện này làm phải. Có khi bạn phải nghiêm khắc, chau mày với nó, như với đứa trẻ ngỗ nghịch: tôi không thích nghe hay thấy chuyện này xảy ra đâu; đừng bàn tới nữa. Và cho nó 90 giây để ngừng. Nói rõ hơn, khi tức giận ai, cơn tức giận chỉ có trong 90 giây, rồi chuyển sang đề tài khác hoặc bỏ đi chỗ khác thì sẽ không còn nữa. Ngay bây giờ khi bạn đang đọc sách này, để ý xem óc trái bạn còn đang có lệnh gì. Vợ dặn đi chợ, con đòi đi chơi, bạn bè rủ đi giải trí? Vậy là bạn đã không sống trong hiện tại. Kết quả là đọc sách chẳng ra đọc sách. Không chuyện gì ra chuyện gì. Không đọc sách thì không có thêm hiểu biết; không nhớ lời vợ thì gia đạo bất hòa; không chơi với con thì khó mà dạy dỗ chúng; không giao tiếp bạn thì cuộc sống hạn hẹp. Nhưng việc nào phải có thì giờ của việc ấy. Sống trong hiện tại là biết làm chủ cuộc đời mình, làm cho nó thành đơn giản, có ý nghĩa và nhờ đó mà tâm được an lạc.
Ăn, uống, làm vệ sinh, hít thở trong ngày, họp mặt buổi tối với gia đinh... là một vài ví dụ giúp bạn trở về sống trong hiện tại. Khi ăn, chỉ biết có ăn; không suy nghĩ chuyện gì khác. Nếu khi ăn ở nhà, nghĩ đến công ơn vợ đã bỏ ra nấu miếng ăn cho vừa khẩu vị chồng, thì đã thấy hạnh phúc. Còn ăn ở tiệm thì nghĩ tới công ơn của bao nhiêu người đã làm ra món ăn và biết bao nhiêu tỉ người trên thế giới giờ này không được miếng ăn no bụng, mà cảm thấy mình hạnh phúc biết bao nhiêu. Đó là ví dụ bạn dùng não bộ phải.