Duyên Lành Học Phật
Là Phật tử "già nua" của chùa Linh Thứu tại Berlin Đức quốc, tôi rất ít đi tu học phương xa, một lẽ vì tuổi già sức yếu lại thêm câu "chân đi thì tiền cũng đi“, nên thôi đành tu ở chùa nhà cũng được giải thoát. Thế nhưng tại sao tôi lại tham dự "Khóa Tu Học Phật Pháp kỳ 3 tại Hòa Lan“ những 4 ngày từ 28 tháng 3 đến mùng 1 tháng 4 năm 2013. Ấy là do duyên lành từ chị Diệu Thành, một Phật tử thuần thành của Chùa Vạn Hạnh tại Hòa Lan đã giao kết với tôi: sau khóa tu Phật Thất tại Chùa Linh Thứu, tôi phải theo phái đoàn Phật tử Chùa Vạn Hạnh sang Hòa Lan tham dự khóa tu có Hòa Thượng Nguyên Siêu từ Hoa Kỳ sang giảng. Vừa nghe tên vị Giảng Sư độc đáo ấy, tôi vội vào trang mạng tìm mua vé xe lửa xuyên Âu Châu sớm để được giá rẻ. Ai đã từng tham dự những khóa tu học Âu Châu đều phải biết 2 vị Hòa Thượng Giảng Sư thượng hạng đến từ Hoa Kỳ: HT Thắng Hoan và HT Nguyên Siêu. Thế là duyên lành đã hội đủ!
Khóa tu học do Gia Đình Phật Tử Chánh Tín Chùa Vạn Hạnh tổ chức như thông lệ hằng năm, nhưng năm nay kết hợp thêm nhóm Phật tử "già trẻ lớn bé“ nồng cốt của Chùa Vạn Hạnh nữa cho lực lượng thêm phần hùng hậu, cho khí thế tu tập thêm phần dũng mãnh.
Địa điểm là một trung tâm nghỉ dưỡng cho khách du lịch, nằm sâu trong một cánh rừng thông hoang vắng, rất thích hợp cho những buổi thiền hành nếu tiết trời ấm áp.
Số học viên tham dự khóa tu khá đông, lên đến con số 109 trong ngày khai giảng và những ngày về sau tham dự lẻ tẻ cũng đến 130 vị. Đặc biệt nhất là khoảng gần hai chục em Oanh Vũ thật dễ thương, ngoài những buổi sinh hoạt dành riêng cho Oanh Vũ, các em đều có mặt đầy đủ trong những buổi ăn quá đường, thật trật tự và yên lặng nhiều lúc còn hơn cả người lớn.
Chánh Điện là một phòng sinh hoạt ở tầng dưới thật đơn sơ, nhưng với bàn tay khéo léo của các Phật tử Chùa Vạn Hạnh đã biến thành một đạo tràng trang nghiêm và thanh tịnh với 2 câu đối:
Lễ Phật nhất bái tội diệt hằng sa.
Niệm Phật nhất thanh phước tăng vô lượng.
Chỉ với hai câu thôi đã biết pháp môn tu tập của các Phật tử Chùa Vạn Hạnh là gì rồi!
Ban thỉnh Sư cùng hàng rào của các em Oanh Vũ trong Gia Đình Phật Tử Chánh Tín và hồi chiêng trống Bát Nhã đã bắt đầu buổi lễ khai giảng. Với sự hiện diện của Thượng tọa Viện chủ Chùa Vạn Hạnh Thích Minh Giác, Hòa Thượng Nguyên Siêu, Thượng tọa Viện phó Thích Thông Trí, Ni Sư Minh Định (Việt Nam) và Sư Cô Tịnh Ấn (Bỉ). Sau lời khai thị của Thượng tọa Viện chủ đến lời đạo từ của Hòa Thượng Nguyên Siêu đã chấm dứt buổi lễ khai giảng, để bắt đầu cho một chuỗi dài tu học với 6 thời Pháp liên tu bất tận của Hòa Thượng Giảng Sư. Xen kẽ cũng có những giờ giảng về Nghi thức tụng niệm của Thượng Tọa Thông Trí rất dí dỏm, để các học viên khỏi ngủ gật sau những buổi cơm trưa rất ngon miệng.
Đây mới là sơ qua chương trình Tu Học, chứ nội dung thật phong phú không giấy bút nào kể cho hết, nhất là lời của Chư Phật được phát ra từ chính miệng của Hòa Thượng Giảng Sư, người sinh ra chỉ để đi thuyết giảng.
Trước khi đi sâu vào chi tiết các đề tài giảng, Hòa Thượng đã „cố tình“ nhắc đến tinh thần tu chứng và hộ quốc an dân của Thiền Sư Vạn Hạnh, cái tinh thần mà Phật tử Hòa Lan đã dùng để đặt tên cho ngôi Tam Bảo sắp sửa xây dựng (tên đã có từ lâu rồi, nhưng xây cho lớn rộng thêm thôi). Hòa Thượng đã thay lời Thượng Tọa Viện Chủ kêu gọi mọi người hãy đóng góp cho công trình xây dựng, thực tiễn nhất là lót gạch cho Chánh Điện, bao nhiêu mét vuông tùy hỷ công đức không giới hạn. Hãy noi theo tinh thần của Trưởng giả Cấp Cô Độc, thay vì lót vàng thời nay ta lót bằng Euro cũng rạng ngời công đức (câu này là của tôi chêm vào không phải lời Hòa Thượng).
Trong 6 thời Pháp, Hòa Thượng bắt đầu với đề tài Hạnh nguyện độ sinh của Chư Phật, bắt các học viên phải thực hành 4 câu kệ:
Chớ làm các điều ác. Nguyện làm các điều lành.
Giữ tâm ý trong sạch. Đó là lời Chư Phật.
Tiếp đến là Tư tưởng kinh Pháp Hoa qua lăng kính Bồ Đề Tâm, thế nào là Ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai. Ý nghĩa của hoa sen, tại sao lại chọn loài hoa này để đặt tên cho một bộ kinh Đại thừa ? Cũng chỉ là “Trong nẻo luân hồi hoa Sen vẫn nở giữa bùn mà thôi”.
Công đức hộ pháp của người nam nữ cư sĩ Phật tử, chứng minh trên dòng lịch sử Phật Giáo Việt Nam 2000 năm qua và hải ngoại hôm nay. Hộ pháp để nuôi dưỡng niềm tin, tạo dựng duyên lành để tích lũy công đức trên lộ trình tu chứng. Hòa Thượng muốn nhắn nhủ mọi người nên học hạnh của Mạc Lợi Phu Nhân vợ của vua Ba Tư Nặc, hình như trong đạo tràng cũng có rất nhiều vị noi gương lắm.
Đang thao thao bất tuyệt chợt thấy vài vị ngồi nghe Pháp mà chống tay nghiêng đầu, Hòa Thượng đổi ngay sang đề tài Tứ oai nghi : Đi, Đứng, Nằm Ngồi (Đi như tượng vương, Đứng như pho tượng, Nằm như sư tử và Ngồi như chuông úp), câu chuyện nàng Visakha đi đứng khoan thai thà bị mưa ướt áo chứ không chịu mất tướng đoan trang.
Ngày cuối Hòa Thượng giảng về kinh Địa Tạng, về Lòng Từ và Tâm Bi của Bồ Tát Địa Tạng, Nhẫn như đất để hiển bày con đường Bồ Tát Đạo, Bồ Tát Hạnh, Bồ Tát Nguyện; Nhẫn như đất mới đủ nhân tố để hóa độ chúng sinh.
Lúc nào Hòa Thượng cũng cười hiền hòa nói câu:
- Lòng từ bi của Chư Phật, nói suốt đời cũng không hết!
Để tặng các học viên một chút gì để nhớ mang theo về nhà bằng vài câu thơ mộc mạc :
Một chút giận hai chút hờn.
Lận đận suốt đời, ri cũng khổ.
Trăm điều nhịn vạn điều nhẫn.
Thong dong tất dạ, rứa mà vui.
Trước buổi bế giảng có mục Vấn đáp Phật Pháp do Thầy Thông Trí điều khiển chương trình, nhưng tất cả các câu trả lời đều đưa sang cho Hòa Thượng tả xung hữu đột một mình một cõi. Có nhiều câu hỏi khá lắc léo, ngoài vấn đề Phật Pháp còn vòng vo vây quanh cái tướng hảo trang nghiêm rất tuyệt vời của Hòa Thượng. Khoảng giữa có mục văn nghệ bỏ túi, nào kịch nói, ca hát rồi sáu câu vọng cổ những bài nhạc Đạo thật đặc sắc. Phải nói là rất mang ấn tượng đến cho mọi người. Từ đầu đến cuối lúc nào Hòa Thượng cũng khen Phật tử Hòa Lan dễ thương, chắc Người đi giảng Pháp nhiều nơi, gặp khá nhiều nên có nhận xét như thế!
Thầy Thông Trí với các giờ hướng dẫn Nghi thức tụng niệm, tay chuông tay mõ sao cho nhịp nhàng mà không làm chối tai thiên hạ. Theo Thầy khi nghe âm thanh vang lên là biết được người Duy Na và Duyệt Chúng này đã thấm nhuần tương chao chưa? Không đơn giản như ta nghĩ! Còn lạy Phật phải 5 vóc sát đất và cần chú ý đến người đằng sau. Hôm tụng Công phu khuya, Thầy cất cao giọng xướng lên bổng xuống trầm rất điêu luyện, đại chúng chỉ biết là hay nhưng Hòa Thượng còn biết là hay ở chỗ nào rồi hết lời ca ngợi. Nào là Tăng Ni ở hải ngoại kiếm được một người tài năng như Thầy không phải dễ. Phật tử Hòa Lan có phước lắm đấy!
Thầy Minh Giác với bài giảng đầu tiên trong buổi lễ khai giảng làm tôi liên tưởng đến hình ảnh của Hòa Thượng Thanh Từ, người đã cho tôi những bài giảng Phật Pháp đầu tiên trong đời. Vẫn giọng nói chậm chạp hiền từ ấy, sao mà đưa vào lòng với câu chuyện Ông Trưởng Giả 4 vợ, khi ra đi sẽ mang theo được bà vợ nào? Bài giảng cuối của Thầy trước giờ bế mạc nói về Tịnh Độ với Tín, Hạnh, Nguyện. Các loại Niệm như: khẩn niệm, chuỗi niệm, thầm niệm, niệm lớn, quán niệm hay công cứ niệm Phật, một loại đi mướn người niệm Phật rồi trả tiền, vẫn có công đức vì gieo duyên cho người. Khi đạt đến chuyên niệm đi đứng nằm ngồi gì cũng niệm sẽ đưa đến vô niệm, nghĩa là không còn niệm nữa.
Thầy bảo chúng ta phải phát nguyện vãng sanh về Tịnh Độ ngay trong kiếp này, đừng nguyện kiếp sau tái sanh làm người cho gặp Phật Pháp, hãy đổi lời nguyện ngay vì đây là thời mạt pháp. Tôi nghe xong thấy chấn động cả toàn thân, nhớ lời Thầy vừa giảng, một vị lãnh tụ cầm đầu cả một nước chắc kiếp trước phải tạo phước đức nhiều ghê lắm, cho nên kiếp này mới làm lãnh tụ. Thế mà kiếp này không biết tu hành giết hại cả triệu triệu người dân, thì chắc chắn kiếp sau sẽ rơi vào địa ngục!
Nhưng nếu các vị lãnh tụ ấy biết cải tà quy chánh, quay đầu lại như vua A Xà Thế của ngày xưa, hay Tổng Thống Thein Sein của Miến Điện ngày nay thì muôn dân sẽ lợi lạc an hưởng thái bình biết bao!
Phải rồi, không vãng sanh sớm theo Phật A Di Đà, còn đòi tái sanh lại để độ sinh như gương một vị Lạt Ma Tây Tạng bị loài quỷ đỏ phương Bắc nhốt trong ngục sắt, cấm không cho niệm Phật bằng cách bỏ than hồng vào cổ họng. Hay một vị Trụ Trì của ngôi Chùa nhỏ bé trong làng quê hẻo lánh nào đó, bị loài quỷ đỏ phương Nam nhốt trong Trại Cổng Trời, ngày đêm đánh đập chỉ vì tội dám treo cờ Phật Giáo mừng Lễ Phật Đản Sanh. Eo ơi! Sợ quá đi thôi!
Trở lại khóa Tu Học của chúng ta, sau 4 ngày được các Giảng Sư ban Pháp nhũ tràn đầy thật là viên mãn, các ban trai soạn, hành đường và vệ sinh phục vụ hết mình cho chúng ta thực hiện câu “có thực mới vực được Đạo”. Tôi có thêm một số bạn mới đủ mọi lứa tuổi gọi tắt là “già trẻ lớn bé”, lúc chia tay bịn rịn trao vội địa chỉ mail vừa nhanh lại vừa không tốn tiền, chứ không dám dùng điện thoại. Trước khi ra khỏi cửa, gặp ai cũng cúi đầu chào nói câu: “còn duyên gặp lại”, hai bên đều cảm thông nhắc lại câu nói này xem phần đắc chí! Nhưng đến lúc gặp Thầy Thông Trí thì được sửa sai:
- Ý quên! Hai tuần nữa sẽ gặp lại tại Chùa Linh Thứu trong Khóa tu Thọ Bát Quan Trai.
Trên xe lửa với đoạn đường dài đằng đẳng, tôi cố gắng viết lại vài cảm nghĩ về Khóa Tu, về những người Phật tử Hòa Lan dễ thương và nhất là vị Trụ Trì khả kính của ngôi chùa Vạn Hạnh trên đất Hòa Lan.
Ngày xưa mỗi khi có mặt trong đạo tràng tụng kinh Pháp Hoa, tôi hay tìm kiếm những cô Phật tử trẻ biết tụng kinh Pháp Hoa để lựa con dâu vì chỉ tiêu lựa dâu của tôi rất đơn thuần. Nhưng thời buổi này “con cái đặt đâu cha mẹ phải ngồi đấy” nên mộng ước đã như gió thoảng mây bay. Hôm nay tại đạo tràng Tu Học ở Hòa Lan, tôi được nghe một giọng ca truyền cảm xuống sáu câu bài Diệu Pháp Liên Hoa Kinh từ một dáng vóc hiền thục đoan trang. Hỏi ra mới biết con dâu của một bác nào đó trong Chùa, cuộc nói chuyện ngắn gọn như sau:
- Con ca hay và vững như vậy, tại sao lúc nào cũng nói câu “run quá” là làm sao?
Nàng trả lời thật dễ thương:
- Tại con xúc động với lời kinh đến chảy nước mắt nên ca không nổi!
Lần này chính nàng đã làm tôi xúc động và chúc mừng cho gia đình bác nào đó đã có được vợ hiền dâu thảo.
Tôi đã gặp Thầy Trụ Trì Chùa Vạn Hạnh từ mười mấy năm về trước, nếu không ở những khóa tu Âu Châu thì cũng trong những ngày Phật Đản và Vu Lan tại Chùa Viên Giác hay Linh Thứu. Nhưng chưa lần nào được thưa chuyện cùng Thầy ngoài cái chấp tay chào câu A Di Đà Phật rồi lãng xa, Thầy lặng lẽ như một bóng mờ trước các vị Thầy giảng hay nổi tiếng khác. Hôm nay trong đạo tràng của khóa tu học tôi được nghe tới hai bài Pháp của Thầy, thật sự trong lòng dâng lên một niềm cảm kích cho một vị chân tu. Lúc Thầy cười thật tươi tự nhận là mình không có tài giảng nên không được theo phái đoàn hoằng pháp đi thuyết giảng. Tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh của ngài Đại Ca Diếp, cũng không biết thuyết giảng chỉ chuyên tu hạnh Đầu Đà, sống cực khổ âm thầm nơi hoang vắng chẳng ai biết đến tên. Giờ đây Thầy khởi công xây dựng ngôi Tam Bảo cho Phật tử ở Hòa Lan, đối nội có Thầy, đối ngoại không ai tài giỏi hơn Thầy Thông Trí. Con tin chắc rằng ngôi chùa Vạn Hạnh sẽ thành tựu trong năm tới như chương trình đã dự định, cho xứng danh tên gọi của Thiền Sư Vạn Hạnh với tinh thần tu chứng “xem mọi chuyện bể dâu trên đời như hạt tuyết trên đầu ngọn cỏ”, vì mùa này ở Hòa Lan chỉ có tuyết chứ không có sương.
Hoa Lan - Thiện Giới.
Mùa xuân 2013.