THIÊN THAI TRÍ KHẢI
THIỀN VÀ CHỈ QUÁN
PAUL L. SWANSON biên soạn
TỪ HOA NHẤT TUỆ TÂM biên dịch
LUẬN ĐỀ IV
CHUYỂN ĐẠT TƯ TƯỞNG
QUA HAI HOẶC NHIỀU NGÔN NGỮ
(Paul L. Swanson)
Khi dùng Nhật ngữ để biên soạn chủ đề về phương pháp Thiên Thai Trí Khải sử dụng kinh điển, sau đó lại dùng Anh ngữ làm cùng một việc, tôi nhận ra một cách rõ ràng vấn đề của những người làm việc với hai hoặc hơn hai ngôn ngữ, rằng bản văn không thể chỉ đơn giản được “dịch” sang Anh ngữ. Không những từ ngữ và ý tưởng thất bại trong việc chuyên chở cùng sự khác biệt vi tế, nhưng tôi còn cảm thấy chính tôi bị cái lực của văn tự và ý tưởng từ những ngôn ngữ khác biệt lôi kéo đến những phương trời khác nhau, và bản văn vì thế cũng đi về một đường hướng khác. Dường như với tôi những luồng sức mạnh nầy có ít nhất ba thứ bậc (thường thì dẫm chân lên nhau) – đó là từ những chữ hoặc nhóm chữ riêng rẽ; từ những tư tưởng và ngụ ý tổng quát; và từ người đọc.
1. Trước hết, chúng ta hãy khảo sát thứ bậc từ chữ và nhóm chữ. Khi có người phiên dịch một bản văn, người ấy lập tức nhận ra rằng không thể nào có được cái “thực sự” tương đương để dịch một ngôn ngữ sang một ngôn ngữ, cũng như không thể có một bản dịch nào gọi là tối hậu, hoàn toàn chính xác. Mỗi chữ có vô số nghĩa và bao hàm ý khác nhau, là cái không thể chuyển tải qua một ngôn ngữ khác. Khi một chữ nào đó được dùng, nó mang theo với nó bao nhiêu là lớp áo qua những phát triển lịch sử và những tương quan úp mở thường là có mặt một cách vô tình ngay cả đối với người viết ra bản văn, chưa nói đến những đường lối văn tự của Trung Hoa diễn đạt khác với mẫu tự [Tây phương]. Chúng ta hãy lấy ra một vài thí dụ từ tác phẩm Maha Chỉ Quán.
Chữ Thông 通được Thiên Thai Trí Khải dùng nhiều cách, có khi như một thuật ngữ, có khi không. Nếu không phải như một thuật ngữ, nó có nghĩa là đi suốt qua từ nơi nầy đến nơi khác, hoặc với thân hoặc với tâm. Chữ nầy cũng có thể hàm ý “hòa hợp”, đặc biệt trong nghĩa “hòa hợp trí tuệ”, hoặc có thể dùng để nói rằng sự hòa hợp trí tuệ nầy đạt đến được từ pháp quán chiếu. Chữ nầy cũng được dùng để dịch hai chữ “thần thông”, hoặc là một tên gọi của “Thông giáo”, là giáo pháp thứ ba trong tứ giáo của Thiên Thai Tông. Sau nữa còn có nghĩa một tiến trình, một đường lối như chữ Đạo 道 . Hẳn nhiên chúng ta không thể đưa tất cả những khác biệt vi tế nầy vào Anh ngữ, và nếu có người “bất cứ giá nào” cũng nhất định phiên dịch từng chữ sang Anh ngữ thì cũng chẳng có nghĩa gì. Người dịch và người chú giải phải biết cách giải thích thuận hợp với bản văn.
Những việc tương tự như trên cũng thấy với hai chữ Chỉ Quán 止觀. Không thể đầy đủ nếu chỉ nhận diện hai cặp chữ nầy như một sự phiên dịch chữ samatha-vipasyana
từ Phạn ngữ, vì Thiên Thai Trí Khải dùng hai chữ nầy trong những đường hướng mà có thể chưa thấy được dùng trong nguyên bản; và những nét viết của văn tự Trung Hoa chính nó cống hiến những ảnh tượng vi tế không có trong Phạn ngữ. Như chính Thiên Thai Trí Khải từng nói (thí dụ, đọc T46.21b-23c) các chữ Chỉ Quán có thể được dùng như động từ hoặc như danh từ, như hành động và đối tượng, như thực hành và mục tiêu chứng đắc qua sự thực hành. Như vậy, chữ “Chỉ” có các nghĩa dừng lại hoặc đình chỉ vọng niệm và ý tưởng chướng ngại; đạt được tịch tịnh là kết quả của pháp thực hành nói trên. “Quán” là quán chiếu sự vật một cách chính xác, và trí tuệ đến từ sự quán chiếu nầy. Chữ “cessation” có thể dùng để mô tả cả hai mặt của chữ “Chỉ”, nhưng tôi vẫn chưa tìm được một chữ thỏa đáng để dịch chữ “Quán”, ngoài việc dùng chữ “contemplation” chỉ cho mặt thực hành, và chữ “insight” chỉ cho trí tuệ chứng đắc[1].
Một thí dụ thông thường, tôi vừa dịch Maha Chỉ Quán khi tôi bắt gặp nhóm chữ “ngôn ngữ đạo đoạn” 言語道斷 trong một bản văn, khi Thiên Thai Trí Khải luận về tánh bất khả thuyết của chân lý (T46. 21B7), mà tôi đã dịch sang nghĩa đen một cách luộm thuộm là “the way of discourse is severed”. Rốt cuộc, cuốn tự điển của tôi cho tôi biết rằng nguyên văn chữ Phạn là “sarva-vada-carya-uccheda”. Buổi sáng hôm sau, tình cờ mắt tôi chạm phải hàng chữ lớn trên một trang báo (Chunichi Shinbun, 14 March 1993, 12) như sau “Kanemar's Illegal Savings are “Beyond Words” 言語道斷, là tựa đề một bài viết giải thích sự việc những hội viên của hiệp hội tài chánh nầy đã nghẹn lời và chưng hững vì phương pháp khuyếch trương của nhà cựu chính trị gia Kanemar Shin, là người từng phong vương [cho người khác], chất ngất những đóng góp và chia chác bất hợp pháp về chính trị. Sau đó tôi lại thấy nhóm chữ nầy trong nhiều bài viết, và tôi nhận ra rằng các chữ gonggo-dodan trong các buổi đàm thoại bằng Nhật ngữ có nghĩa là “khó nói lên được, vượt ngoài sự miêu tả, không thể biện giải, bên ngoài vấn đề, khiến người ta không tìm được chữ gì để nói, phi lý, kinh hoàng” v.v..., và đối với Thiên Thai Trí Khải, nên được hiểu một cách đơn giản là “vượt ngoài sự miêu tả”. Tôi thường tự hỏi còn biết bao nhiêu những câu văn hoặc nhóm chữ như vậy đã được phiên dịch một cách quá ư là máy móc theo sát nghĩa đen, nhưng nghĩa thực sự thì rất bình thường?.
2. Về ý tưởng, với những chữ đơn độc, người ta thường bị đưa đi qua nhiều hướng khác nhau dù rằng người ấy đã bắt đầu với những chữ rất gần hoặc tương đương trong Anh ngữ và Nhật ngữ. Người ta có thể bắt đầu với tựa đề Anh ngữ và Nhật ngữ của cùng một bài viết nầy, nhưng hẳn rằng có những khác biệt vi tế giữa hai ngôn ngữ. Cũng vậy, trong Nhật ngữ, tôi dùng chữ Kyoten, trong khi trong Anh ngữ, tôi dùng chữ Scripture. Trong chữ Scripture lập tức nói lên những ý tưởng , khuynh hướng, và sự ẩn tàng khác với chữ Kyoten, mặc dù hai chữ trên rất gần nhau nên có thể được dùng để phiên dịch lẫn nhau. Dùng chữ Scripture một cách cân nhắc và khẳng định, tôi đi về một chỗ đứng bao la của ý nghĩa, cảm giác, và sự vi tế có trong từ ngữ nầy, là những khía cạnh trong đó mang theo tín ngưỡng Judeo-Christian, có thể không thích ứng trong một bản kinh Phật.[2] Sự sử dụng những từ ngữ và tư tưởng như vậy lập tức đưa sự chú ý và tranh luận của người đọc về một chiều hướng mà những từ ngữ tương tự không có trong một thứ ngôn ngữ khác.
Cái nằm bên trong sự hiểu và chuyển ngữ những bản văn xưa hoặc thánh điển thì hẳn là cũng xảy ra như vậy, thí dụ như khi Thiên Thai Trí Khải biên soạn Maha Chỉ Quán. Hiểu được điều nầy giúp cho việc làm sáng tỏ những đề mục mà trong đó, dường như dòng tư tưởng không liên tục, hoặc có lúc một cuộc tranh luận lại chen vào – có thể là những vi tế của danh từ hoặc ý tưởng mà chúng ta không hề biết đến, nhưng trong đó mạch văn âm thầm tuôn chảy.
3. Cuối cùng, và không phải là không liên quan đến những điều đã nói trên, có sự ảnh hưởng từ người đời sau. Thí dụ, biên soạn một chủ đề về Thiên Thai Trí Khải cho giới trí thức thuộc truyền thống Thiên Thai tại Nhật Bản (Tendai); và biên soạn cùng một chủ đề nói trên cho hàng học giả Tây phương qua Anh ngữ, không thể không chịu ảnh hưởng về nội dung và hướng đi của bài viết. Trong bài viết cho độc giả Nhật Bản, có thể giả định một số từ ngữ chuyên môn; nhưng đối với bài viết cho hàng độc giả Tây phương thì không như vậy. Mặt khác, một số lớn độc giả Tây phương có thể sẽ quan tâm đến những đề tài chú giải về Thánh kinh, hoặc một số lớn khác sẽ quan tâm đến lịch sử Phật giáo bên ngoài những sự phát triển của Sino-Japanese. Những sắc thái nầy không những là những chi tiết mà người ta phải đưa ra hoặc có thể tránh nói đến, nhưng còn là những chiều hướng đưa đường dòng liên tưởng của người đọc. Điều nầy khiến tôi đặt ra một trong những câu hỏi hầu như không có giải đáp hoặc khó trả lời: Nội dung của Maha Chỉ Quán sẽ khác đi ra sao nếu Thiên Thai Trí Khải dùng Nhật ngữ để thuyết giảng học thuyết nầy tại đại học Ôtani Nhật Bản dưới triều đại Minh Trị Thiên Hoàng (1867-1912)?. Hoặc nếu đại sư dùng Anh ngữ thuyết giảng tác phẩm nầy tại Naropa Institute?. Câu trả lời là: “Rất khác.” Có nghĩa rằng những bản dịch và chú giải mà chúng ta đã tạo ra từ Maha Chỉ Quán với văn ngôn ngày nay của chúng ta là “nội dung” nầy
Từ những điểm nói trên, rõ ràng rằng một bản dịch theo sát nghĩa của từng chữ của bản văn như Maha Chỉ Quán thì không công minh đối với chính tác phẩm, và nhiều thứ bậc ý nghĩa cần được lưu ý để có thể hiểu đúng bản văn. Một bản dịch theo nghĩa đen thì thật là vô vị, mặc dù nó có thể thành công trong việc chuyển đạt một ý nghĩa意義mặt ngoài, nó cũng không thể khai mở tầng lớp ý vị意味 của chân bản. Tôi tin tưởng rằng công việc của một người dịch và chú giải cần phải vượt lên trên lối dịch máy móc chữ-đổi-chữ, đòi hỏi phải nắm bắt được bản văn, ngôn ngữ của bản văn, và thế giới khái niệm làm nên bản dịch giải là cái chuyên chở nhiều tầng lớp phong phú và đa nghĩa của nguyên bản. Dường như đây là phương pháp mà Thiên Thai Trí Khải đã làm đối với các bản kinh: một mặt giữ quân bình đối với sự chính xác, mặt khác rút ra được huyền nghĩa mà đại sư cảm nhận được từ Phật pháp, đưa đến sự chuyển đổi, và ngay cả có lúc trưng dẫn không chính xác xuất xứ.
[1] Hẳn nhiên tôi không biện luận độc đoán. Tôi nghe nói rằng trong một bài viết về Phật học Thiên Thai Tông xuất bản gần đây tại Trung Hoa, hai chữ Chỉ Quán 止觀được người viết dịch là “stop contemplation”. Dịch như vậy thì “theo sát” từng chữ, nhưng thực là sai lầm [có thể đưa đến nguy hại cho hành giả].
[2] Đọc những tiểu luận trong Levering 1989.