NĂM MƯƠI NĂM PHẬT GIÁO VIỆT NAM:
BÀI HỌC TRẢI NGHIỆM
Huỳnh Kim Quang
Năm nay, 2013 là đúng 50 năm pháp nạn 1963 của Phật Giáo Việt Nam. Chi tiết mà nói có 3 sự kiện đáng ghi nhớ: chiều tối ngày 8 tháng 5 năm 1963 trong cuộc biểu tình của đồng bào Phật tử trước đài phát thanh Huế đòi đài này phát thanh lại các bài thuyết pháp nhân ngày Lễ Phật Đản Phật Lịch 2507 đã có 8 em Phật tử bị xe tăng và súng đạn của chế độ TT Ngô Đình Diệm giết chết; ngày 11 tháng 6 năm 1963, Bồ Tát Thích Quảng Đức phát đại nguyện vị pháp thiêu thân tại Sài Gòn; và đêm 20 tháng 8 năm 1963 tất cả chư vị giáo phẩm lãnh đạo cuộc vận động quyền bình đẳng tôn giáo của Phật Giáo Việt Nam và nhiều cư sĩ Phật tử trên toàn quốc đều bị cảnh sát của chế độ nhà Ngô tấn công vào chùa chiền và bắt bỏ tù.
Cần ghi nhận ngay rằng, hai sự kiện sau trong số 3 sự kiện trên đều là 2 sự kiện lịch sử lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam, bởi vì Bồ Tát Thích Quảng Đức là vị Tăng Sĩ Phật Giáo đầu tiên dùng tự thiêu như phương thức bất bạo động tuyệt đối để đòi hỏi quyền bình đẳng tôn giáo cho Phật Giáo Việt Nam; và bởi vì, trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có chuyện một chế độ chính trị cầm quyền đất nước lại mở cuộc tấn công toàn diện vào chùa chiền để lục soát, hành hung, và bắt tất cả những vị giáo phẩm lãnh đạo Phật Giáo bỏ tù như chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong đêm 20 tháng 8 năm 1963.
Năm mươi năm trôi qua, kể từ biến cố pháp nạn 1963, rất nhiều sách báo, tài liệu, hồ sơ viết về sự kiện lịch sử này bằng nhiều thứ tiếng đã được công bố từ trong ra ngoài nước. Trong số những tài liệu đó bao gồm nhiều sắc thái, khen có, chê có, bênh vực có, chỉ trích có, thậm chí xuyên tạc, chụp mũ, ngụy tạo lịch sử, và dàn dựng hình ảnh giả về cuộc tự thiêu của Ngài Quảng Đức cũng có.
Đối với người viết bài này, sự thực lịch sử về biến cố pháp nạn 1963 vốn đã rành rành ra đó, với Chúc Thư của Bố Tát Thích Quảng Đức tự viết ra trước khi tự thiêu,[1] với di chúc 72 chữ của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam viết để lại trước khi uống thuốc độc tuẫn tiết,[2] với bài thơ “Lửa Từ Bi” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương cảm tác khi Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu,[3] với Tự Truyện của Hòa Thượng Thích Trí Quang viết vào cuối năm 2011,[4] với lời tự thuật của Hòa Thượng Thích Đức Nghiệp,[5] và nhiều tài liệu của các nhân chứng lịch sử khác, kể cả các tài liệu được công bố sau này của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ,[6] v.v… đã là quá đủ.
Vì vậy, trong bài này, người viết sẽ không nhắc lại hay bình phẩm các sự kiện lịch sử, mà chỉ muốn nhân dịp kỷ niệm 50 năm biến cố pháp nạn 1963 nhìn lại vấn đề vai trò và sự đóng góp của Phật Giáo cho dân tộc và đất nước.
Trải Nghiệm
50 năm qua, để đáp ứng với đà phát triển nhanh chóng của thời đại văn minh khoa học kỹ thuật và sự mở cửa của xã hội loài người nói chung và đất nước Việt Nam nói riêng, Phật Giáo Việt Nam đã dấn thân sâu chưa từng có vào các sinh hoạt xã hội để thực hiện sứ mệnh hoằng dương chánh pháp, giải khổ nhân sinh mà đức Phật mở đường và lịch đại tổ sư đời đời truyền thừa. Trên bước đường dấn thân phục vụ ấy của Phật Giáo Việt Nam, được thì cũng nhiều, nhưng mất thì cũng không phải ít! Xin nêu ra một số được, mất tiêu biểu của Phật Giáo Việt Nam trong 50 năm qua để cùng suy nghiệm.
Được là, Phật Giáo Việt Nam đã có những thành tựu cụ thể mà suốt nhiều thế kỷ trước chưa có, như:
- Về mặt giáo dục, có một hệ thống trung tiểu học Bồ Đề trên khắp nước, một Đại Học Vạn Hạnh tầm cỡ quốc gia và quốc tế dạy thế học, các Phật Học Viện từ sơ cấp đến cao cấp mở ra khắp cả nước dạy chuyên khoa Phật Học và văn hóa phổ thông cho Tăng, Ni trẻ;
- Về mặt văn hóa, nhiều sáng tác phẩm trong nhiều thể loại văn, thơ, truyện, kịch, báo chí, hội họa, âm nhạc, điêu khắc, kiến trúc, v.v… của nhiều tác giả tăng, ni, cư sĩ, và văn nghệ sĩ Phật tử đã đóng góp cho nền văn hóa dân tộc và Phật Giáo Việt Nam;
- Về hoằng pháp, nhờ mở rộng việc giảng dạy, viết sách báo quảng bá trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng mà trình độ kiến thức Phật Pháp của người Phật Tử Việt Nam ngày càng vững chắc, giảm bớt tình trạng mê tín dị đoan trong dân gian;
- Về từ thiện xã hội, có nhiều chương trình nuôi dạy trẻ em mồ côi, chăm sóc cho những người già cả bệnh tật neo đơn không con cháu tại các cô ký nhi viện, viện dưỡng lão hay ngay tại các chùa, các cuộc lạc quyên và cứu trợ nạn nhân thiên tai, nhân họa cho những người kém may mắn ở nhiều nơi;
- Về mặt giáo dục và nuôi dưỡng tuổi trẻ tương lai cho đạo pháp và dân tộc, nhiều tổ chức thanh thiếu niên, đặc biệt là tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam, Thanh Niên, Sinh Viên và Học Sinh Phật Tử được thành lập và phát triển khắp nơi từ thôn quê đến thành thị;
- Về mặt truyền thông, hầu như ngày nay các Giáo Hội, Tổ Chức Phật Giáo đều có trang mạng để chuyển tải thông tin và truyền bá Phật Pháp tạo điều kiện thuận duyên cho mọi người tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi giáo lý;
- Về mặt cơ sở, chùa chiền dựng lên khắp nơi và ngày càng nguy nga đồ sộ, v.v…
Mất là, Phật Giáo Việt Nam trong 50 năm qua thường xuyên phải đối phó, hoặc thậm chí còn là nạn nhân đối với những âm mưu thao túng, lũng đoạn, phân hóa, kỳ thị, đàn áp từ các thế lực bên trong lẫn bên ngoài Phật Giáo đã làm tiêu hao tiềm lực và nhân lực của Phật Giáo, mà những sự kiện như, pháp nạn năm 1963, sự phân hóa giữa Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang vào đầu thập niên 1970, giữa GHPGVNTN và GHPGVN bắt đầu vào thập niên 1980, hoặc cuộc khủng hoảng của GHPGVNTN trong và ngoài nước bắt đầu vào năm 2007 là bằng chứng cụ thể. Thêm vào đó là tình trạng thiếu khả năng chuyên môn của nhân sự Phật Giáo trong các lãnh vực hoạt động dẫn đến những thất bại không tránh khỏi. Những thoái hóa phẩm chất của nhân sự Phật Giáo khi đối mặt với các thế lực tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, địa vị quyền lực, v.v… trên con đường dấn thân phục vụ cũng đã góp phần làm tiêu hao nhân lực và uy tín của Phật Giáo. Tình trạng này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay, được nói rõ trong bài tham luận của Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Diệu Bản tại “Hội Thảo Tăng Ni Trẻ Với Việc Xây Dựng GHPGVN” vào ngày 12 tháng 10 năm 2012 tại Hà Nội. Ở đây xin trích thuật vài đoạn trong bài tham luận để người đọc hiểu rõ hơn về thực trạng. Bài tham luận có đoạn viết như sau:
“Lâu nay, Chư Tôn Đức thường lo lắng, than phiền về vấn đề tu tập, đạo đức, lối sống, và sự tha hóa về phẩm chất của một số Tăng Ni trẻ thời nay. Một thực tế mà xã hội đang phản ánh và lên tiếng đã đến mức đáng báo động. Có thể nói điều này đang là một vấn nạn lớn của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận và tìm hiểu về các nguyên nhân chủ quan, khách quan để kịp thời khắc phục.
…
Trong cuốn “Đạo Đức Phật Giáo” Hòa Thượng Thích Đức Nghiệp có nhận định: “...Phẩm hạnh và đạo đức của người tu sĩ trẻ nước ta hiện nay đang đứng trước bờ vực của sự suy thoái, lâm vào cảnh “tiến không đường, thoái chẳng nơi”, chơ vơ đơn chiếc, chẳng khác gì chiếc thuyền giữa biển không ai biết lái, như người đi bộ đứng giữa ngã ba, không biết đi đường nào cho phải. Tìm đến căn bệnh tuy có nhiều nguyên do, nhưng cái nguyên do nặng nhất là kém bề hạnh phúc, phần học đa số chỉ mấy câu sáo thường, cưỡi ngựa xem hoa, không hiểu lý nghĩa bất biến, đã không dung thông được tính tướng lại chấp mê ngoan cố, nhắm mắt bước liều, lẽ tự nhiên là phải sụp đổ. Ý kiến không đồng nhau, đường tu không có đích, đoàn thể rời rạc, ai biết phận nấy, ai ngã mặc ai, cùng học một thầy trở lại tương phản lẫn nhau, thậm chí trở lại phản cả lời thầy dạy, tránh sao cho khỏi cái hoạ nghiêng đổ suy tàn…” (Nguồn www.phattuvietnam.net )
Nhân tiện, xin trích dẫn thêm vài đoạn trong bài viết mang tựa đề “Bàn Thêm Về Vấn Đề Phật Giáo Việt Nam Hiện Nay Thịnh Hay Suy” của Đại Đức Thích Thanh Thắng được đăng trên trang mạng Phật Tử Việt Nam vào ngày 23 tháng 3 năm 2013. Trong bài viết này, Đại Đức Thích Thanh Thắng nói về vấn đề thịnh hay suy của Phật Giáo Việt Nam hiện nay, nhưng cũng cho thấy được một số mặt mà các tổ chức Giáo Hội vẫn chưa làm được và cần làm, đó là trách nhiệm của các Giáo Hội Phật Giáo trước những bất an của xã hội. Xin trích như sau:
“Khi đặt khái niệm “thịnh” là cần phải đặt ra vấn đề an lạc, hạnh phúc trong đời sống xã hội, từ đó tương quan với chất lượng sống của người Phật tử. Nhìn vào đời sống thực tế, những con số như sau có thể thống kê: tham nhũng là quốc nạn, nạn nạo phá thai hàng đầu thế giới, tai nạn giao thông hàng đầu thế giới, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khai thác kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên, tin tức đầy chuyện cướp, giết, hiếp, các loại bệnh nan y gia tăng… Lối sống ứng xử văn hoá như lễ hội xô bồ, xả rác tuỳ tiện, ý thức xếp hàng, tham gia giao thông kém, thực phẩm nhiễm chất độc hại, ăn nhậu và giết hại động vật hoang dã (từ côn trùng đế các loài động vật có vú),… Tất cả đều đậm nhạt chỉ ra những bất ổn.
“Vậy nếu nói chúng ta đang rất “thịnh”, thì chúng ta chịu trách nhiệm gì về những con số thống kê và thấy rõ hàng ngày kể trên? Một đất nước đa số là Phật tử mà như thế ư? Muốn hiểu rõ về tình trạng “cải đạo”, cũng nên nhìn vào thực tế này.
…
“Phật giáo Việt Nam dù thịnh hay suy, nhưng những giá trị có thể khái quát ngắn gọn đều đã được lịch sử Phật giáo soi sáng, đó là khi có giặc xâm lăng thì “Hộ quốc an dân”, lúc bất ổn nội loạn thì “Hộ giáo khai quyền”. Chúng ta đã bảo vệ dân, bảo vệ tăng ni, Phật tử trước những bất công, bất an, lo lắng về thân thể và tài sản như thế nào? Chúng ta đã góp ý (khai quyền) gì với chính quyền về một đời sống nhân bản Phật giáo cần phải được phát huy rộng rãi trong xã hội, kể cả trong trường học, thuyết phục và tạo niềm tin về một Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc?” (hết trích)
Dĩ nhiên, đó không chỉ là hiện tượng chỉ xảy ra trong nước mà còn có mặt ở ngoài nước, khi mà người con Phật sống và đối diện thường trực với và trong lòng xã hội văn minh vật chất và khoa học kỹ thuật tại các nước Tây Phương. Đó cũng là hiện tượng phổ quát của nhân loại qua lối sống ngày càng chạy theo hình thức bề ngoài và vong thân trong xã hội tha hóa về nhiều mặt mà đạo đức tâm linh là một.
Cũng cần nói cho rõ để tránh bị quy chụp cho là nhận định hàm hồ, quơ đũa cả nắm, rằng đó là hiện tượng, nhưng không có nghĩa là tất cả mọi người con Phật, mọi nhân sự trong các tổ chức Phật Giáo đểu là như thế. Trong cái chung ắt có cái riêng. Trong cộng nghiệp tất có biệt nghiệp. Trong đêm đen của bầu trời bao la lúc nào cũng còn những vì sao chiếu sáng uy nghi và rạng rỡ, vì đây là cõi phàm thánh đồng cư độ.
Tuy nhiên, có một điều hiển nhiên mà không ai có thể chối cãi được, đó là đã nhập cuộc vào thế sự nhiêu khê thì phải chấp nhận mọi nguy cơ, đã có được thì ắt phải có mất. Vấn đề ở đây là, có con đường nào để Phật Giáo đóng góp vào công cuộc xây dựng con người, xã hội và đất nước mà tránh được tối đa những mất mát không cần thiết chăng?
Trước khi trở lại vấn đề này, xin bàn thêm về hai vấn đề quan trọng có lien quan trực tiếp đến chuyện được và mất của Phật Giáo, đó là tổ chức Giáo Hội và nhân sự Phật Giáo.
Bài Học
Trong công cuộc chấn hưng Phật Giáo Việt Nam vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, lần đầu tiên Phật Giáo Việt Nam đã làm được điều mà trước đó dường như chưa làm được, hay đúng hơn là chưa có điều kiện và cơ duyên để làm như thế, đó là sự kết hợp của nhiều tập đoàn Phật Giáo gồm Tăng Già và Cư Sĩ ở 3 miền Nam, Trung, và Bắc để đi đến việc thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam vào năm 1951 tại Chùa Từ Đàm, Huế. Rồi tiếp theo là cuộc vận động cho quyền bình đẳng tôn giáo vào năm 1963 dưới chế độ của TT Ngô Đình Diệm. Các nhà lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam, cả Tăng, Ni và Cư Sĩ Phật Tử, đều nhận thấy rằng nếu có sự kết hợp các tổ chức Phật Giáo lại với nhau dưới sự điều hợp của một cơ chế chung thì việc làm Phật sự sẽ mang lại nhiều thành tựu lớn lao và rộng khắp hơn. Đó chính là động lực và ý nguyện để Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) được hình thành vào đầu năm 1964.
Giáo Hội là hình thức của một cơ chế tổ chức theo nguyên tắc hành chánh và mô thức điều hành thế gian. Nhưng một Giáo Hội Phật Giáo thì còn có thêm nguyên tắc và ý nguyện khác nữa, đó là nguyên tắc sinh hoạt của truyền thống tập thể Tăng Già lấy giới luật và tinh thần tác pháp yết ma để tạo sự thanh tịnh và hòa hợp, đồng thời mang bản nguyện tự giác và giác tha làm mục tiêu hướng tới. Chính vì vậy, ngay trong bản thân của một Giáo Hội Phật Giáo, dù muốn hay không, đã chứa đựng 2 điều tương khắc, mà nếu không chuyển hóa được sẽ trở thành chướng duyên nội tại rất lớn dẫn đến những mất mát về sau. Hai điều tương khắc đó là gì?
Thứ nhất, đem nguyên tắc hành chánh và mô thức điều hành thế gian, vốn cần thực hiện nghiêm túc tinh thần kỷ luật và chịu mệnh lệnh của quyền lực từ trên, áp dụng vào tổ chức Phật Giáo có chủ trương tinh thần tự giác và không có Giáo Quyền, dễ tạo ra tình trạng không ai nói ai nghe, hoặc thích thì làm theo, không thích thì về chùa đóng cửa tự tu.
Thứ hai, đem lý tưởng giải thoát xuất thế của Phật Giáo đưa vào trong tổ chức mang đặc tính thế gian, nếu không sống được theo tinh thần “nhị đế dung thông,” thì dễ làm cho lý tưởng giải thoát xuất thế bị biến chất để dẫn đến những mất mát không tránh khỏi.
Còn một yếu tố ngoại tại khác góp phần tạo nên những mất mát của Phât Giáo Việt Nam trong 50 năm qua, đó là sự “chiếu cố” thường xuyên của các thế lực chính trị cầm quyền hay không cầm quyền đối với các tổ chức Giáo Hội Phật Giáo. Đơn giản mà nói, sự chiếu cố của các thế lực chính trị đối với các tổ chức Giáo Hội là điều dễ hiểu, bởi vì các tổ chức Giáo Hội là lực lượng quần chúng đông đảo ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo đất nước của các thế lực chính trị cầm quyền. Bất cứ thề lực chính trị cầm quyền nào cũng muốn được lực lượng quần chúng đông đảo ấy của Phật Giáo hoặc là hậu thuẫn, hoặc là không trở thành thế lực chống đối họ. Nhưng nghiêm túc mà nói, vấn đề còn là cơ cấu tổ chức của một Giáo Hội, mà ở đây là Giáo Hội Phật Giáo. Từ 50 năm qua, các tổ chức Giáo Hội Phật Giáo tại Việt Nam đều theo một mô thức tổ chức từ trung ương đến hạ tầng cơ sở địa phương. Nghĩa là Giáo Hội có cơ cấu tập hợp tăng, ni và quần chúng Phật tử từ trung ương xuống tỉnh, thành phố, thị xã, quận huyện và ngay cả xã thôn. Muốn nắm quần chúng, hay muốn được lực lượng quần chúng Phật Giáo này hậu thuẫn thì điều tất nhiên là các thế lực chính trị cầm quyền phải nắm tổ chức Giáo Hội. Nắm bằng cách nào? Dĩ nhiên là có nhiều cách, từ vận động ngầm đến vận động công khai, từ cách mềm dẻo uyển chuyển đế lấy lòng đến cách cứng rắn để áp lực với từng nhân sự hay tập thể của tổ chức.
Về phần nhân sự của Phật Giáo Việt Nam, xưa nay việc đào tạo tăng, ni tại các Phật Học Viện, các trường sơ, trung, và cao cấp đều không có chương trình đào tạo đặc biệt cho việc lãnh đạo và điều hành tổ chức. Vì vậy, khi ra đóng vai trò lãnh đạo và điều hành, chư tăng, ni không có vốn liếng kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn để có thể thực hiện tốt vai trò đóng góp của mình cho tổ chức Giáo Hội nói riêng và Phật Giáo nói chung. Hầu hết nhân sự làm việc trong các tổ chức Giáo Hội của Phật Giáo Việt Nam đều tự mình học hỏi kiến thức, lấy việc dạy việc và rút kinh nghiệm, cũng như tự mình nghĩ ra cách lãnh đạo và điều hành. Nhưng có một trở ngại rất lớn là khi đã lăn xả vào Phật sự đa đoan thì nhân sự Phật Giáo không còn có thì giờ đủ để có thể tự học hỏi thêm kiến thức, và vì không có căn bản kiến thức chuyên môn về lãnh vực mà mình phục vụ nên thường là làm cho có làm, hoặc làm mà không thành tựu được bao nhiêu. Thí dụ, trường hợp làm trú trì một ngôi chùa. Đúng ra trên thực tế, vị trú trì không phải chỉ là vị thầy coi ngó, bảo quản và phục vụ các công tác Phật sự thường ngày như tụng kinh, bái sám, cúng cầu an, cầu siêu cho Phật tử, mà còn là vị thầy làm công tác giáo dục quần chúng, đặc biệt cho tuổi trẻ, là nhà làm văn hóa để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc và Phật Giáo Việt Nam, là nhà cố vấn và trị liệu tâm lý cho bổn đạo, là vị minh sư hướng dẫn cho từng vị tăng, ni và Phật tử sinh hoạt trong chùa về mặt tu tập để thành đạt cụ thể việc ứng dụng Phật Pháp vào đời sống hàng ngày, v.v… Những việc làm của một vị trú trì như thế, đòi hỏi vị trú trì phải được học hỏi kiến thức nhiều mặt khi còn là một học tăng trong các trường Phật Học trước khi ra đảm nhận trú trì một ngôi chùa. Còn một vấn đề quan trọng hơn nữa đối với vai trò trú trì một ngôi chùa, đó là vị trú trì phải là người biết rõ và áp dụng đúng tinh thần giới luật của Phật dạy để góp phần tạo sự thanh tịnh và hòa hợp từ trong nội bộ một ngôi chùa đến cộng đồng tăng già tại địa phương để tránh tình trạng vì cạnh tranh sinh tồn và phát triển chùa chiền mà đưa tới những bất hòa không cần thiết và những mất mát đáng tiếc cho Phật Giáo.
Vậy thì làm thế nào để Phật Giáo đóng góp vào công cuộc xây dựng con người, xã hội, và đất nước với sự mất mát không cần thiết được giảm thiểu tối đa?
Cần nói ngay rằng, không một thành tựu nào mà chẳng đổi lấy bằng những mất mát và hy sinh. Một khi Phật Giáo đi vào sinh hoạt xã hội thì không thể tránh khỏi những tùy duyên, thay đổi, mất mát, và thậm chí tha hóa. Đây là sự thật đã được minh chứng trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại và phát triển của Phật Giáo thế giới và Việt Nam hai mươi lăm thế kỷ qua.
Tuy nhiên, có 2 điều có thể nêu ra để góp phần trả lời cho câu hỏi trên. Đó là con người và phương thức hành đạo.
Con Người
Sở dĩ có đạo Phật và đạo Phật đã được truyền bá sâu rộng trên thế giới này cho đến hôm nay là nhờ vị khai sáng ra đạo Phật là một con người toàn thiện, toàn giác, đó là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Từ con người mà có Phật Giáo. Từ con người mà Phật Giáo được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như vậy, con người là yếu tố then chốt để giữ gìn và phát triển Phật Giáo. Muốn giữ Phật Giáo, phải giữ con người. Muốn phát triển tốt Phật Giáo, phải phát triển tốt con người. Con người ở đây, ngoài đức Phật là vị khai sáng ra đạo Phật, là những người con Phật, xuất gia và tại gia.
Có được người con Phật tốt đòi hỏi 2 đức tính then chốt không thể thiếu: tự giác và giác tha.
Tự giác là nỗ lực tự tu tập, tự thăng hoa của mỗi người dựa theo giới, định và tuệ do đức Phật đã chỉ dạy rất kỹ càng còn lưu truyền trong tam tạng kinh điển, Kinh, Luật và Luận. Đức tính của người con Phật được xác định qua việc thành đạt lợi lạc tâm linh cụ thể trong đời sống hàng ngày bằng nỗ lực tu tập giới, định và tuệ. Thiếu đức tính này, người con Phật chỉ còn có tên gọi mà không có thực chất. Chính thực chất tu tập làm nên phẩm đức khác biệt giữa người con Phật và người thế gian. Chính thực chất tu tập là dưỡng tố nuôi lớn người con Phật vươn lên trong bùn lầy sanh tử và vượt thoát khổ đau. Chính thực chất tu tập bảo hộ người con Phật khi dấn thân vào các sinh hoạt nhiêu khê của xã hội mà có thể giữ vững tâm bồ đề. Không giữ được tâm bồ đề, người con Phật rất dễ bị tha hóa, bị cuốn hút trong vòng xoáy nghiệp lực đảo điên, để rồi chỉ tạo nghiệp chứ không giải nghiệp. Đây chính là ý nghĩa xuất thế của đạo Phật mà cá nhân người con Phật và tổ chức Phật Giáo cưu mang trong tự thân và tập thể.
Giác tha là lý tưởng cảm hóa tha nhân và phụng sự con người, đất nước và xã hội của người con Phật. Để thực hiện lý tưởng giác tha, người con Phật có thể sử dụng nhiều phương tiện thiện xảo khác nhau tùy theo căn cơ cá nhân, bối cảnh xã hội, và tiến bộ của thời đại. Nhưng, phương thức hữu hiệu nhất để thực hiện con đường giác tha mà chính đức Phật khai mở và lịch đại tổ sư truyền thừa qua nhiều thế hệ chính là giáo hóa, hay cụ thể là giáo dục. Giáo dục, nói nôm na, là nuôi dưỡng con người bằng sự dạy dỗ, dạy dỗ qua thân, miệng và tâm ý. Như thế, điều tiên quyết là đòi hỏi người làm giáo dục phải có đầy đủ vốn liếng và khả năng để truyền đạt sự dạy dỗ cho người khác qua hành động của thân, qua lời nói của miệng, và qua bản nguyện của tâm ý. Vốn liếng và khả năng của người làm giáo dục Phật Giáo ngoài phẩm đức tu tập và kiến thức Phật Pháp, còn có kiến thức tổng quát và chuyên môn trong các lãnh vực mà mình hướng dẫn cũng như khả năng nghệ thuật và tâm lý giáo dục. Tất cả những điều kiện này không phải tự nhiên có, mà người con Phật phải được trao dồi, rèn luyện trong môi trường giáo dục đúng mức.
Sứ mệnh giáo dục của người con Phật là làm sao giúp người khác mở rộng tấm lòng và phát huy trí tuệ đến mức cao nhất để họ tự hoàn thành mục tiêu tự giác và giác tha cho chính họ và tha nhân. Nói cách khác, sứ mệnh giáo dục của người con Phật là nuôi dưỡng người khác trở thành hoàn thiện và lợi ích cho bản thân họ cũng như cho cộng đồng xã hội, cho đất nước mà họ đang sống.
Làm được vậy là người con Phật góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển con người, đất nước và xã hội. Một người được giáo dục hoàn thiện trong tinh thần Phật Pháp thì gia đình có được một thành viên tốt, đất nước có được một công dân tốt, và xã hội có được một cá nhân tốt. Nhiều người được giáo dục hoàn thiện trong tinh thần Phật Pháp thì gia đình, đất nước và xã hội có được nhiều thành viên tốt. Được như thế, gia đình sẽ hạnh phúc, đất nước sẽ cường thịnh, và xã hội sẽ thăng hoa, an lạc. Đó chính là lý do tại sao đức Phật đã tận tụy không ngừng nghỉ trong việc giáo hóa quần sinh suốt 45 năm sau ngày thành Đạo cho đến khi nhập Niết Bàn. Chính vì thế, giáo hóa, hay giáo dục từng người là phương thức hữu hiệu nhất để xây dựng con người và xã hội. Bởi vì xã hội là tập hợp của từng cá nhân, xã hội thực sự chỉ là tên gọi của tập thể người, không có cá thể, không có xã hội cho nên, chuyển hóa được từng cá nhân là chuyển hóa được xã hội.
Phương Thức Hành Đạo
Phật Giáo đã đóng góp lớn lao cho công cuộc xây dựng và phát triển con người, đất nước và xã hội Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử trên hai ngàn năm qua, bởi vì, một thực tế là, nếu không như vậy thì Phật Giáo đã không là một bộ phận gắn liền như nước và sữa với dân tộc Việt Nam trong vận hành lịch sử lâu dài đó của đất nước. Vì thế, ở đây hoàn toàn không phải là đặt lại vấn đề Phật Giáo có thể đóng góp được gì cho con người, đất nước và xã hội Việt Nam, mà đúng hơn là suy tư về phương thức tiếp tục thực hiện sứ mệnh đóng góp của Phật Giáo để làm sao có thể nếu có mất mát thì cũng chỉ là mất mát ít nhất.
Xin nêu ra 2 gợi ý góp phần vào việc giảm trừ tối đa sự mất mát cho Phật Giáo Việt Nam khi dấn thân vào con đường xây dựng và phát triển con người, đất nước và xã hội. Đó là việc đào tạo con người và phát huy tối đa hiệu năng của ngôi chùa.
Xin thưa ngay rằng, 2 gợi ý này hoàn toàn không phải mới lạ gì cả, vì nhà lãnh đạo Phật Giáo nào cũng biết, cũng đã từng làm qua. Vấn đề mà người viết muốn nhắc lại 2 gợi ý này là để nhấn mạnh đến tính cách vô cùng quan trọng của nó trong công cuộc xây dựng con người, đất nước và xã hội để tránh được những mất mát không cần thiết, mà chính vì không xem nó hệ trọng nên Phật Giáo Việt Nam đã hao phí nhân lực và tiềm lực rất nhiều.
1/ Đào Tạo Nhân Sự
Như đã nói ở trên, muốn có người con Phật tốt thì phải giáo dục và đào tạo. Nếu thực hiện nghiêm túc, có phương pháp hiệu nghiệm và đưa đến thành công thì Phật Giáo sẽ tiết kiệm được rất nhiều mất mát không chỉ cho riêng Phật Giáo mà còn cho cả dân tộc. Chẳng hạn, nếu các hệ thống Phật Học Viện có phương pháp giáo dục đầy đủ và hiệu nghiệm trong 3 lãnh vực: thể chất, trí tuệ và tâm thức, thì chắc chắn đào tạo ra được các vị Tăng, Ni có tài, có đức, có lòng để phụng sự cho đạo pháp, cho Giáo Hội một cách hiệu quả và do đó, mang lại nhiều lợi lạc cho Phật Giáo và cộng đồng xã hội. Tương tự như thế, nếu Phật Giáo có đầy đủ nhân sự có khả năng làm công tác giáo dục hữu hiệu thực hiện đường lối giáo dục cho quần chúng và Phật tử tại gia từ tuổi trẻ đến thanh niên, trung niên và lão niên, thì lo gì đất nước không có những nhà lãnh đạo tài đức để an bang tế thế và hộ quốc an dân.
Chúng ta không nên chỉ biết ngồi đó nhìn người khác chen lấn và giành giựt người qua việc giáo dục, đào tạo, mà phải dũng mãnh và kiên trì thực hiện các kế hoạch giáo dục và đào tạo con người của chính mình từ hàng ngũ xuất gia đến hàng ngũ tại gia một cách có phương pháp, có hiệu quả với tinh thần Phật Pháp, với khả năng kiến thức từ phổ thông đến chuyên môn được nâng cao đúng tầm mức.
Xin nhớ rằng khi chúng ta không bằng lòng hay phản ứng lại với cách điều hành đất nước của những nhà lãnh đạo là đã quá trễ, vì tình trạng đó đã đến giai đoạn kết quả. Muốn tránh hậu quả tương tự thì chúng ta phải chuẩn bị từ lúc còn là nguyên nhân, nghĩa là chuẩn bị con người bằng con đường giáo dục đào tạo ngay từ thế hệ trẻ. Đây cũng là cách góp phần xây dựng và phát triển con người, đất nước và xã hội hiệu quả nhất và lâu dài nhất. Bằng phương pháp giáo dục đào tạo tuổi trẻ hữu hiệu, Phật Giáo không cần phải mất thì giờ can dự vào việc chính sự và cũng không phải phiền não vì gặp phải những nhà lãnh đạo kỳ thị hoặc áp bức Phật Giáo. Khi làm tròn sứ mệnh chuẩn bị nhân sự qua con đường giáo dục đào tạo đầy đủ rồi, Phật Giáo sẽ tránh được nhiều phiền lụy và mất mát.
Giáo dục đào tạo có nhiều phương thức. Ngày xưa đức Phật còn tại thế, Ngài vân du từ nơi này sang nơi khác vừa khất thực vừa thuyết pháp chuyển hóa từng người dân cũng là cách giáo dục hữu hiệu, nhất là nhờ nhân cách siêu việt của Ngài đã cảm hóa tẩt cả mọi người. Ngày nay, giáo dục đào tạo có thể thực hiện bằng cách mở Phật Học Viện dạy Tăng, Ni sinh; mở trường tư thục tiểu, trung và đại học Phật Giáo dạy thanh thiếu niên ngoài đời; mở khóa tu, lớp học Phật Pháp tại chùa dạy giáo lý và kiến thức phổ thông cũng như chuyên môn cho mọi tầng lớp từ nam phụ lão ấu; mở các cơ quan truyền thanh, truyền hình, báo chí và trang mạng toàn cầu để diễn giảng giáo lý Phật Giáo và hướng dẫn những kiến thức chuyên môn thực dụng có lợi cho đời sống hàng ngày, đặc biệt là giáo dục đạo đức Phật Giáo cho người Phật tử, làm sao cho người Phật tử nhận thức rõ rằng tham nhũng, hối lộ, cậy thế cậy quyền áp bức dân lành, xâm chiếm tài sản và đất đai người dân bất hợp pháp là những tội lỗi, là hành vi xấu ác mà một người con Phật nhất định không thể làm, phải từ bỏ, và phải khuyên can thân nhân bằng hữu tránh xa.
Xin nhắc lại là chúng ta phải thực hiện con đường giáo dục và đào tạo con người một cách thật nghiêm túc, chuẩn xác, và hữu hiệu.
Xin nêu ra 2 thực tế điển hình cho thấy chúng ta chưa làm tròn trọng trách giáo dục một cách nghiêm túc, chuẩn xác, và hữu hiệu.
Trường hợp thứ nhất là vai trò của vị bổn sư thế độ đối với đệ tử xuất gia. Có thể nói mà không sợ sai rằng rất ít vị bổn sư quan tâm đặc biệt đến việc dạy dỗ đệ tử của mình. Nhiều vị Thầy chỉ nhận đệ tử xuất gia rồi bỏ đó, để cho vị đệ tử ấy tự chăm lo con đường học vấn, tự phát triển tài năng của mình, nếu có. Ngay cả việc tu tập của đệ tử mà nhiều vị Thầy cũng lơ là không quan tâm đúng mức, ít khi vị Thầy ngồi nói chuyện nghiêm túc về quá trình tu tập và những thành tựu cũng như chướng duyên nào mà vị đệ tử từng trải để rồi góp ý, dạy dỗ hay khích lệ. Lẽ ra, theo gương đức Phật mà trong kinh, luật còn ghi lại, vị Thầy bổn sư thế độ là người có trách nhiệm nặng nề và quan trọng nhất đối với người đệ từ xuất gia. Vị Thầy vừa là thầy dạy dỗ về kiến thức, về tu tập, về cách hành xử, cách ăn ở, oai nghi tế hạnh cho đệ tử, vừa là người bạn thân tín có thể chia xẻ tất cả mọi tâm tình với đệ tử và ngược lại. Và quan trọng không kém hơn nữa là vị Thầy còn đóng vai trò là người cha dạy dỗ đệ tử biết cách phát triển tâm lý tình cảm đi đôi với sự phát triển của thể chất để có thể điều chỉnh những lệch lạc về suy nghĩ và hành động, giúp người đệ tử vượt qua được những chướng duyên trên con đường tu tập.
Trường hợp thứ hai là vai trò của vị Thầy bổn sư đối với hàng đệ tử tại gia. Có bao nhiêu bị Thầy sau khi làm lễ Quy Y thọ Ngũ Giới và cho Pháp Danh cho người Phật tử tại gia quan tâm đúng mức đến việc giáo dục và hướng dẫn con đường tu tập cho người đệ tử? Thực tế, có nhiều vị Thầy còn không nhớ, không biết là mình đã nhận bao nhiêu đệ tử tại gia và pháp danh của từ vị là gi! Trong khi đó là trách nhiệm thiêng liêng và cao quý mà vị Thầy đang gánh vác đối với vận mệnh tu tập của mỗi người đệ tử tại gia. Có bao nhiêu vị Thầy thường xuyên thăm hỏi từng người đệ tử tại gia về việc học Phật Pháp và tu tập theo Chánh Pháp tiến bộ ra sao, có chướng duyên gì cần vượt qua, và vượt qua bằng cách nào? Có bao nhiêu vị Thầy chăm lo đúng mức trách nhiệm giáo dục đối với hàng đệ tử tại gia của mình? Nếu không thì chúng ta chỉ tạo ra số lượng Phật tử cho đông, nhưng thực chất nội lực tu tập thì không được bao nhiêu, có chăng cũng là do chính người đệ tử tại gia đó tự lo liệu. Làm như vậy thì bảo sao tránh cho được tình trạng bất an của xã hội ngày càng gia tăng, ngay trong khu vực có chùa chiền, có Tăng, Ni hành đạo! Làm như thế thì làm sao Phật Giáo có thể đào tạo ra được những người dân là rường cột, là nhân tài cho đất nước!
2/ Phát Huy Hiệu Năng Ngôi Chùa
Muốn giáo hóa từng người thì phải bám lấy quần chúng, đi sâu vào sinh hoạt quần chúng, sống và làm việc với quần chúng. Đó chính là 4 phương pháp cảm hóa tha nhân mà đức Phật đã dạy với tên thường gọi là Tứ Nhiếp Pháp: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, và Đồng sự. Muốn bám lấy quần chúng thì phải có cơ sở hạ tầng rộng khắp. May thay, Phật Giáo Việt Nam vốn đã có sẵn một hệ thống cơ sở hạ tầng chằng chịt và rộng khắp từ thôn quê đến thành thị. Đó là những ngôi chùa ở giữa khu phố, nằm ngay trung tâm thành thị, và có mặt tại mỗi thôn làng xa xôi hẻo lánh trên khắp đất nước Việt Nam. Tại hải ngoại cũng vậy, nơi các quốc gia định cư, Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam đã xây dựng nhiều chùa chiền, tu viện, niệm Phật đường khắp nơi.
Chùa nằm ngay bên cạnh nhà dân. Ông Thầy là người thân thuộc với bà con hàng xóm. Người dân Việt Nam, từ lâu xem ngôi chùa như là nơi thân thiết, ấm cúng và gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày. Người Việt Nam khi có bất cứ chuyện gì cũng đều nhờ đến ngôi chùa, từ việc coi ngày giờ cất nhà, sửa nhà, đám cưới đám hỏi, đám tang, tiệc tùng, đến việc tụng kinh cầu nguyện và những dịp lễ lộc dân gian như Tết, Rằm Tháng Giêng, Rằm Tháng Bảy, v.v… Đây là ưu điểm mà cũng là lợi điểm cho Phật Giáo Việt Nam góp phần xây dựng và phát triển con người và đất nước.
Chính vì vậy, Phật Giáo Việt Nam cần phát huy hết hiệu năng của ngôi chùa. Nhưng hiệu năng của ngôi chùa là gì?
Nhiều lắm. Chùa có rất nhiều hiệu năng. Về mặt tổ chức, Chùa là cơ sở hạ tầng căn bản nhất của tổ chức Giáo Hội để tiếp cận quần chúng Phật Tử. Các cấp Giáo Hội từ Trung Ương đến tỉnh và huyện chỉ là một tập thể nhân sự lãnh đạo và điều hành theo phương cách hành chánh, nhưng không tiếp cận trực tiếp với người dân, với Phật tử. Chùa thì làm được điều này mà còn làm một cách cụ thể và hữu hiệu. Về mặt tài chánh, chùa là nơi nhận trực tiếp tiền cúng dường của quần chúng Phật tử, cũng là nơi có thể tổ chức các kế hoạch gây quỹ, kinh doanh để kiếm tiền làm Phật sự. Về mặt hoằng pháp, giáo dục và đào tạo, chùa là cơ sở tiện lợi nhất để thực hiện các chương trình lễ lộc, diễn giảng, tu học, và đặt biệt dạy văn hóa cho các em của gia đình nghèo không có tiền để đến trường học. Chùa cũng có thể trở thành trung tâm văn hóa bảo trợ cho những sinh hoạt văn học nghệ thuật như ra báo, in kinh sách, tổ chức các kỳ triển lãm hội họa, trình diễn văn nghệ và dạy các em về những bộ môn văn nghệ này.
Thực ra điều này không phải là mới, bởi vì trong quá khứ lịch sử ngôi chùa cũng đã từng đóng vai trò là trung tâm văn hóa và giáo dục để đào tạo nhân tài cho đất nước khi mà các triều đại chưa thiết lập hệ thống giáo dục công lập để đào tạo nhân tài.
Nhưng để có thể phát huy được tối đa các hiệu năng của ngôi chùa thì điều kiện tiên quyết nhất là phải có một vị trú trì có đủ tài và đức. Muốn có những vị trú trì tài đức thì phải có chương trình giáo dục đào tạo đặc biệt cho chuyên ngành trú trì. Như thế, vị Tăng hay Ni trú trì một ngôi chùa cần hội đủ một số điều kiện cơ bản như phải có trình độ học vấn thế học ít nhất là từ xong trung học trở lên và trình độ Phật học tương đương—tùy theo ngôi chùa nằm ở khu vực nào thành phố lớn hay miền thôn quê hẻo lánh mà yêu cầu trình độ học vấn khác nhau --, phải biết về khoa nghi lễ, phải hiểu tổng quát về giới luật Phật và luật pháp quốc gia, về tâm lý giáo dục trẻ em, và cách cố vấn tinh thần cho Phật tử, v.v…
Đó là lý thuyết, trên thực tế khó có thể đào tạo hay kiếm ra được số lượng trú trì có đủ điều kiện tài đức như vậy để đáp ứng với nhu cầu Phật sự tại những ngôi chùa trong và ngoài nước. Điều khả thi là có thể giáo dục và đào tạo những vị trú trì hội đủ một vài điều kiện cần thiết để hoàn thành vai trò và trách nhiệm tốt khi gánh vác Phật sự, như một vị trú trì không cần phải có kiến thức nhiều mặt và giỏi hết mọi việc mà chỉ cần có khả năng điều hành, biết cách lãnh đạo tập thể, thực hiện được các nghi lễ cần thiết, nắm vững Phật Pháp căn bản là cũng đã tốt lắm rồi.
Còn một vấn đề khác nữa là làm sao giữ gìn nề nếp thiền môn, bảo vệ uy tín Tăng Bảo và tạo sự thanh tịnh hòa hợp trong tập thể Tăng Già để tránh tình trạng bất hòa, hay xung đột không cần thiết giữa vị trú trì này với vị trú trì kia, giữa chùa này với chùa nọ.
Cách giải quyết vấn đề này đã có từ ngày đức Phật còn tại thế vì chính đức Phật đã dạy nhiều giới luật cho Tăng, Ni hành trì và được lưu giữ đầy đủ trong Luật Tạng. Việc này thì chư Tăng, Ni hiểu rõ và có thẩm quyền để nói cũng như làm hơn là người viết. Tuy nhiên, để giúp người đọc có cái nhìn khái quát thì xin nêu ra mấy điểm như sau.
Các vị trú trì trong một khu vực địa dư giới hạn nào đó thích hợp với việc di chuyển, liên lạc, tụ họp có thể thành lập cộng đồng Tăng Già địa phương, có thể từng xã, huyện, hay thị xã và thành phố, v.v… Cộng Đồng Tăng Già này sẽ sinh hoạt thường xuyên với nhau để bố tát, tổ chức lễ lạt, tác pháp yết ma lấy quyết định thực hiện những công tác Phật sự có liên quan đến các thành viên khác trong cộng đồng Tăng Già này và liên quan đến Phật Giáo. Đó là phương thức hữu hiệu nhất để duy trì và phát huy sự thanh tịnh và hòa hợp trong Tăng Già. Trong Cộng Đồng Tăng Già Địa Phương thỉnh cử một vị lãnh đạo để đại diện liên lạc trong nội bộ và với Giáo Hội cấp trên, cũng như điều phối các Phật sự trong Cộng Đồng.
Như thế, tổ chức Giáo Hội chỉ có tính cách pháp lý và điều hành hành chánh, còn thực lực sinh hoạt Phật sự tại cơ sở địa phương đều nằm trong các Cộng Đồng Tăng Già này mà từng vị trú trì ngôi chùa trong khu vực là thành viên có quyền quyết định mọi Phật sự. Thông qua vị trú trì và ngôi chùa, Giáo Hội tiếp cận quần chúng Phật tử các giới và mọi dự án Phật sự đều có thể thực thi một cách hữu hiệu.
Lời Kết
Phật Giáo lấy tâm làm gốc. Tâm vừa vô hình vô tướng, vừa là tất cả pháp. Biên tế giữa động và tịnh, giữa tướng và vô tướng, giữa thiện và ác nằm ở một móng tâm.
Phật sự là việc Phật. Việc Phật là việc tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Làm Phật sự bằng tâm Phật thì làm là tu, làm là chuyển hóa nghiệp lực, ngược lại là tạo nghiệp và thọ khổ. Làm Phật sự bằng tâm Phật thì giữ được phần cốt lõi, phần ruột, phần nội dung của Phật Giáo, ngược lại là chỉ xây hình danh sắc tướng bề ngoài và mục rã bên trong, sớm muộn rồi cũng đổ nát, hư hoại.
Cứ nhìn vào lịch sử hai mươi lăm thế kỷ truyền bá của Phật Giáo trên hành tinh này thì biết. Cái gì cốt lõi thì còn, cái gì giả tạm bên ngoài hình danh sắc tướng thì mất. Đừng nói đâu xa, chỉ nhìn vào thực tế Phật Giáo Việt Nam thì cũng rõ. Các pháp môn Thiền, Tịnh, Mật được nuôi dưỡng trong tâm của các hành giả nên trải qua hàng ngàn năm mà vẫn còn tinh anh sáng chói. Một bài kệ của Thiền Sư Vạn Hạnh – Thân như điện ảnh hữu hoàn vô… -- chuyên chở cốt lõi Phật Giáo nên còn lại cả ngàn năm trên những đống gạch vụn của đền đài, điện miếu của các triều đại hưng suy.
Làm Phật sự thời đại ngày nay thì lại càng khó khăn gấp trăm ngàn lần hơn thời xưa. Khó không phải vì Phật Giáo không có nhân sự giỏi mà vì nhân sự quá giỏi, quá lanh, quá cơ tâm. Đem cơ tâm làm Phật sự thì chẳng khác gì xây lâu đài nguy nga tráng lệ bằng cát trước ngọn sóng của đại dương.
Nói như thế không hề có ý phê phán và trách móc gì với bất cứ ai. Nói như thế để thấy rằng 50 năm qua Phật Giáo chịu nhiều thăng trầm vinh nhục, nhưng không phải vậy mà 50 năm tới Phật Giáo có thể được an cư lạc nghiệp để hoằng pháp độ sinh. Nói như thế để cùng nhau cẩn trọng.
(Viết để cúng dường mùa Đản Sinh lần thứ 2637 của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni)[1] http://quangduc.com/file_chinh/view-detail-2260-3-86-bt_quang_duc.html
[2] http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=143907&zoneid=271
[3] http://www.phapvan.ca/pv/Default.asp?15659=5&596=11&759=1636&59615=4
[4] http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-135_4-16361_14-1_5-50_6-1_17-52_15-1/tri-quang-tu-truyen-tac-gia-thich-tri-quang-sach-dang-ebook.html
[5] http://www.chuathanhhai.org/lich-su/nhan-vat/102.html