Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sách Văn Học Phật Giáo
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ và Phương Trời Mộng - Tập 3

04 Tháng Tám 201300:00(Xem: 25700)
Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ và Phương Trời Mộng - Tập 3
tue_sy_dao_su_tap_3

TUỆ SỸ ĐẠO SƯ

Thơ và Phương Trời Mộng Tập III


Tập hợp các bài viết của Nguyên Siêu & Nhiều tác giả

Hình bìa: wunderground.com

do Ban Tu Thư Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang

xuất bản tại California, tháng 8 năm 2013

 


Xem bản PDF đầy đủ

{Mời xem thêm [tập 1] [tập 2]}




Lời Nói Đầu

“Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ và Phương Trời Mộng” là tên của một quyển sách, do thầy Phạm Công Thiện đặt cho. Bây giờ Thầy đã lên tới đỉnh cao, bỏ lại sau lưng là hố thẳm. Dưới lòng hố thẳm ấy còn vang vọng âm ba một thời Thầy đã vung bút vẽ vời những tiếng kêu trầm thống, thiết tha của nhân thế, hay những ngôn ngữ dị thường, chân thường vượt thoát thế nhân. Có người hỏi, tôi đặt tên một quyển sách mà bao gồm tên một vị Thầy giỏi Kinh, Luật, Luận - Tam tạng kinh điển - "Tuệ Sỹ có tâm hồn thơ văn phủ lấp cả chân trời Đông Tây" (lời của nhà thơ Bùi Giáng). Rồi hình ảnh nhà thơ ấy in sâu vào tâm thức của con người để từ đó bật lên tiếng thét: "Đơn sơ mà kỳ vĩ, bi ai mà hùng tráng, im lặngsấm sét, tĩnh tọa mà phiêu bồng, khốc quỉ kinh thần của Tuệ Sỹ, một thi sĩ dị thường, một tâm hồn cô liêu cùng tuyệt. Hồn thơ khốc liệt u ẩn, ngân dài trên giai điệu trầm tư tối thượng…" (lời của Tâm Nhiên). Rồi mang tính giáo dục hướng thượng, toàn diện của bậc "Đạo Sư". Vị Thầy sách tấn, hướng dẫn con người trên con đường chân thiện mỹ. Là vị Thầy giảng dạy đàn con đi bằng đôi chân của chính mình, phải biết tự trọng, không làm điếm nhục tông môn. Đó là cung cách của vị "Đạo Sư" đang hiện hữu. Liên quan đến "Thơ" của tên sách, là cả một hương vị nồng nàn trong đời sống, là một tâm hồn vượt thoát phiêu bồng như cuộc rong chơi cát bụi; tiếng gầm của biển cả, bọt trắng phủ ghềnh, núi xanh trùng điệp, thác đổ muôn trùng, như gởi gấm một tâm sự đầy lại vơi, sống rồi chết, mê rồi ngộ trên con đường phiêu lưu, hồ hải:

Từ núi nọ đến biển im muôn thuở

Đỉnh núi này và hạt muối đó chưa tan.

Cười với nắng một ngày sao chóng thế

Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng.

Thơ là thế đó. Là đỉnh núi, hạt muối, suối nguồn, thác đổ, trùng dương... Cuối cùng là "Phương Trời Mộng." Phương trời mộng là phương trời ước mơ, gởi gấm tâm sự. Hay mộng một phương trời. Mộng về nơi xa xăm, xa tít chân mây. Nơi đó có thác ghềnh, núi khơi, sương tuyết. Hay nơi phương trời mộng dệt thành giấc mộng thái bình cho nhân sinh, cho nhân gian, cho loài người trên mặt đất hoang vu, cô liêu... Một cái tên của quyển sách mà bao trùm hết tất cả những ý nghĩa như vậy thật khó hiểu. Tôi trả lời, nếu muốn hiểu thì hỏi thầy Phạm Công Thiện. Kể từ ngày đó đến nay hai quyển "Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ và Phương Trời Mộng I và II" đã được quý độc giả hâm mộ và hiện nay đã hết.

Cũng trong tình bạn hữu, người có tâm hồn thơ văn khuyên tác giả nên tiếp tục cho xuất bản quyển "Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ và Phương Trời Mộng tập III". Bởi vì giá trị của thơ văn là làm giàu cho nền văn học nước nhà, cho nhiều thế hệ mai sau tham khảo để biết được tư tưởng, tâm hồn to lớn một thời của cha ông. Nghe vậy, để tỏ lòng biết ơn lời khuyến khích, tác giả khởi sự viết bài cũng như góp nhặt một số bài viết của thầy Tuệ Sỹ và các văn hữu để tập thành "Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ và Phương Trời Mộng tập III" cống hiến bạn đọc. Hòa tan một giọt nước biển trong đại dương để thấy mình cũng có vị mặn mà cảm nhận được tinh thể của đất trời, núi cao, sông rộng, hay vô cùng của không gian và vô hạn của thời gian.

Chân thành cảm ơn quý bằng hữu tri thức. Những người bạn cùng cái nhìn về Phương Trời Cao Rộng của nền văn học nước nhà mà giúp đỡ mọi phương tiện, công sức, thời gian để "Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ và Phương Trời Mộng tập III" được có mặt hôm nay.

Nguyên Siêu

San Diego, ngày 5.12.2012


Quảy Gánh Ra Đi

 

NGUYÊN SIÊU

Hướng về rặng núi xa, đồi cây xanh, Thầy quảy trên vai hai túi đồ, có lẽ một túi đựng đồ dùng cá nhân và túi kia là y hậu, đôi cuốn sách đọc... đếm từng bước trên con đường mòn của miền thôn dã. Đầu đội chiếc nón lá. Thân mặc áo khoát. Chân mang đôi dép mòn, trông như một bộ hành trên con đường thiên lý không quán trọ để nghỉ chân. Thầy đi. Quảy gánh ra đi. Đi như một định mệnh. Một sứ mệnh. Một sự vận hành của quê hương, dân tộc. Hay đi là một khốn cùng của tâm thức bị vây hãm bởi bóng người. Bóng đêm của phố thị. Quảy gánh ra đi để thấy từng viên đá cụi nằm bên lề đường, chịu nắng mưa năm tháng. Để thấy hoa đồng cỏ nội chen chúc với đám lau xanh. Để thấy mây trời bay trên đầu và bụi đường hoăn đôi chân. Ra đi mới thấy núi cao, hùng vĩ. Mới thấy rừng xanh, cây xanh. Lá xanh. Thầy quảy gánh ra đi như một vượt thoát của dòng tư duy lâu đời bị kìm hãm. Ra đi như một sự nổ tung của ý thức trước bóng đêm tăm tối. Ra đi để hòa quyện với hương rừng, sương đêm, nắng sớm. Sự vùng dậy của ý thức như tiếng hú vọng về từ sườn non, vách đá, như tiếng gọi của núi rừng, một phương trời mộng còn cách xa.

docduonggiobui

Dọc đường gió bụi

Sáng nay, sương mù phủ kín miền cao nguyên. Những ngọn lá xanh cúi đầu thầm lặng. Trời không gió. Chẳng nắng vàng. Sương đêm còn đầy đặc. Ngồi ngủ trước cổng chùa, Thầy vỗ đầu sư tử xin được tá túc qua đêm. Quấn mình trong chiếc y, co ro dưới bụng sư tử đá, như một gã ăn mày lang bạc, đầu đường, xó chợ đâu không phải là nhà - vô trụ xứ Niết bàn, hay tùy sở trụ xứ thường an lạc của một tâm hồn an nhiên, tự tại. Tùy duyên hóa độ, Bồ tát hóa thân dưới mọi hình tướng. Ngài Hàn San, Thập Đắc lưỡng đầu đà thường ăn cơm thừa, canh cặn của Tăng chúng, tối lại kéo nhau xuống nhà bếp ngủ, sáng thức dậy lang thang ngoài đường. Áo quần rách bương, lem luốc. Người đời nhìn đâu có ai biết là hai vị Bồ tát hóa thân. Cõi đời ác năm trược này được gọi là Ngũ thú tạp cư địa hay còn gọi là phàm thánh đồng cư độ. Người phàm, bậc thánh sống chung với nhau. Đâu ai phân biệt được Thánh phàm khi chưa chứng đắc lục thông - Thiên nhãn thông, để nhìn thấy và biết, đây là bậc quân vương nhưng còn quá nhiều tham, sân, dục vọng và đây là người cùng tử xin ăn, nhưng đã giảm thiểu quá nhiều đa tâm, tạp tưởng. Kẻ cùng tử ấy trở về ngôi nhà xưa để tiếp nhận gia tài. Đâu là phàm. Đâu là Thánh. Nhận diện tướng mạo, chân dung? Trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật. Văn học Thiền đã dạy như thế. Vô niệm. Vô ngôn. Vô sở trụ. Vô phân biệt.

Hành trạng của Thầy hóa thân vào đời là vậy đó. Như Thầy đã nói trong lời "Gate Gate": "Tôi đi lang thang theo đám mây trôi, phương trời vô định. Bờ sông, hốc núi, đây cũng là chỗ vùi thây. Một chút duyên còn ràng buộc thì có cơ hội ngội, đời này hoặc đời sau. Thị Ngạn Am vô trụ xứ, tàn thu, Tân Mão, 2555. 10/21/2011. Tuệ Sỹ."

"Tôi đi" mà không phải anh đi, người ta đi hay ai đó đi. Lời nói này đã khẳng định chủ từ "Tôi". Tôi là biệt lập với anh, với em, với tất cả hình thù, dáng dấp mọi sự vật. Hữu tình. Vô tình. Động vật. Thực vật. Khoáng vật. Nhưng nếu bức "Tôi" ra, biệt lập với tất cả thì "Tôi" ấy cũng chẳng thành cái gì hết. Vì tương duyên, tương sinh. Do cái này có, nên cái kia có. Do cái này sanh, nên cái kia sanh. Do cái này diệt, nên cái kia diệt. Một chuỗi duyên sinh trùng trùng vô tận. Vậy "Tôi" của Thầy là "Tôi" trong vô lượng cái "Tôi". "Tôi" trong giáo pháp duyên khởi. "Tôi đi" có nghĩa là, "Tôi" duyên khởi đi. Duyên sinh đi. "Tôi" là triết lý sống của vũ trụ vạn hữu. "Tôi" là sự tự tồn của sự sự vật vật - nhân sinhvũ trụ.

"Tôi" là tất cả, thì Thầy là tất cả. Tất cả là "Thầy". Sự liên hệ duyên sinh mật thiết nên vận mạng của quê hương, sử mệnh của quê hương, sự hao mòn của tuổi trẻ, sự đọa đày của dân tộc, chính là của chung tất cả, trong đó có Thầy. Nên "Tôi đi chấn chỉnh sơn hà. Hồng rơi vánh đá mù sa thị thành" là vậy. (Tỉnh Thất. 2000-2001). Một khi đã khẳng định "Tôi đi" có nghĩa là những người khác không đi. Những người khác ở lại. Ở lại với "Tôi" của họ. Biết vậy, chúng ta thử coi cái "Tôi đi" của Thầy như thế nào. "Lang thang", "đi lang thang" có nghĩa là không điểm tới. Không điểm khởi đầu. Không điểm chung cục. Đi như gió thổi bụi bay. Đi như gió cuốn hoa bay. Đi như gió đẩy mây bay. Đi tự nhiên. Đi mà tâm không cầu. Tâm không mong. Tâm không vướng bận. Tâm không ràng buộc bởi bất cứ cái gì. Đi bằng an nhiên tự tại. Hình dung hai chữ "lang thang" như kẻ không nhà. Vô trụ xứ. "Lang thang theo đám mây trôi" có nghĩa là "đám mây trôi" về đâu thì Thầy lang thang "theo đám mây trôi" đó. Mây trôi về phương Nam thì Thầy theo về phương Nam. Phương Tây. Phương Đông... lòng nhẹ như mây, bềnh bồng giữa hư không. Nói đến đám mây là nói đến sự không ràng buộc. Sự tùy thuận. Sự dễ hợp mà cũng mau tan, biến thái nhiều về hình tướng. Tùy duyên mà thành. Cũng tùy duyên mà tan. Hợp tan là lẽ thường tình.

Qua ý thứ hai của sự ra đi là "phương trời vô định". Không nhất định một phương trời nào. Tùy duyên thì đến mà cũng tùy duyên để đi. Thật là ngoạn mục cho một tâm tư phiêu bồng, nhẹ như mây và vô định phương trời. Chúng ta đọc lại Ngục Trung Mị Ngữ sẽ thấy lại những tư tưởng này. Bài Trách lung:

"Trách lung do tự tại

Tản bộ nhược nhàn du

Tiếu thoại độc cảnh hưởng

Không tiêu vĩnh nhật sầu."

Dịch: Lồng chật:

"Lồng chật vẫn tự tại

Qua lại như nhàn du

Nói cười chơi với bóng

Tiêu sái tù thiên thu"

Khi xưa còn ở tù, mà vẫn tự tại, nhàn du, nói cười chơi với bóng. Nếu không có một chất liệu sống an nhiên, tự tại, vượt thoát tất cả mọi sự ràng buộc, kể cả cái chết, thì khó có được tâm hồn siêu thoát như vậy. Siêu thoát như "đám mây trôi", "phương trời vô định". Một tâm hồn lớn của bậc xuất trần. Trong bài Tự vấn:

"Vấn dư hà cố tọa lao lung

Dư chỉ khinh yên bán ngọc khung

Tâm cảnh tương trì kinh lữ mộng

Cố giao già tỏa diện hư ngung."

Dịch: Hỏi mình

"Hỏi mình sao phải lao tù?

Song thưa cửa ngục có tù được mây?

Kiên trì cuộc lữ vàng bay

Lời xưa còn đó phút giây không sờn."

Song cửa tù không thể nhốt được mây. Cánh cửa nhà tù không thể nhốt được tâm tư của Thầy. Vì tâm tư của Thầy nhẹ nhàng như mây. Vô trụ như mây, bềnh bồng như mây. Thơ mộng như mây. Cửa tù làm sao nhốt được tâm tư ấy. Mặc dù thân ở trong tù nhưng tâm thì ngao du sơn thủy, nay thì đỉnh núi nọ, mai thì gềnh biển kia. Thân bị nhốt trong tù mà tâm thì an nhàn, tịnh lạc như ở các cõi Thiền. Trong Ngục Trung Mị Ngữ, bài thơ Biệt Cấm Phòng:

"Ngã cư không xứ nhất trùng thiên

Ngã giới hư vô chân cá thiền

Vô vật vô nhơn vô thậm sự

Tọa quan thiên nữ tán hoa miên."

Dịch: Tù xà lim

"Ta ở tầng trời Không vô Biên

Nơi ấy tịnh nhiên Thiền thật Thiền

Không vật không người không đa sự

Nhìn xem hoa vũ bởi tiên thiên."

Tất cả những ý trên là chân thân hằng hữu. Tâm thức tuyệt cùng của lý tánh nhất như. Vô trụ. Bất thủ như "đám mây trôi". Như "phương trời vô định". Một tâm hồn lớn. Tâm hồn của Bậc Đại Sĩ.

trovesau_3_tuankhatthuc

Trở về sau 3 tuần khất thực


Đọc tiếp "Gate Gate" để thấy những hình ảnh, những ảnh tượng, những sắc thái. Hình thù đơn điệu, cô liêu trên mặt đất. Hình ảnh ấy như là: "Bờ sông, hốc núi, đâu cũng là chỗ vùi thây." Vùi thây có nghĩa là khỏa lấp, chôn cất cái thân đã chết. Cái thân không còn cử động. Không đi. Không đứng. Không nằm. Không ngồi. Không biết thương yêu, thù tạc. Cái thân do tứ đại hợp thành bất động. Cái thân do ngũ uẩn hợp thành bất động. Thân chết. Thân vô tri. Vô giác. Nhưng tại sao Thầy lại nói "Bờ sông, hốc núi, đâu cũng là chỗ vùi thây?" Làm người đọc phải suy tư dữ lắm mới có thể hiểu đôi chút ý nghĩa của lời nói này. Tại sao khi chết - Thầy chưa chết, không ở một chỗ đàng hoàng, có vòng hoa phúng viếng, có liễn đối chia buồn, có điếu văn phân ưu, có lời Kinh siêu độ, có quý Thầy môn đồ pháp quyến cầu nguyện siêu sanh Thượng Phẩm, mà phải "vùi thây" nơi "bờ sông, hốc núi"? Thì ra, cái chết là bình đẳng. Dù chết ở đâu. Chết trên long sàng. Chết trong nệm ấm, chăn êm. Chết trên giường bịnh. Chết dưới gốc cây. Tất cả cái chết đều giống nhau. Một ông vua chết giống như một người dân nghèo chết. Một anh hùng chết giống như một tên lính chết. "Thông minh tài trí anh hùng, ngu si dại dột cũng chung một gò". Có khác chi đâu. Nếu có khác chăng, thì khác ở người sống. Nghĩa thứ hai là vô thường. Đang đi có thể chết. Đang ngồi có thể chết, và đang là có thể chết. Từ sự chết ấy nơi bờ sông, nơi hốc núi bằng tâm vô phân biệt của Bồ tát thì đâu cũng là nơi xã bỏ báo thân tịch tịnh, Khi xưa đức Thế Tônbáo thân nơi rừng Sa la Song thọ. Dưới những gốc cây Sa la trái mùa hoa nở. Nhưng khi đức Thế Tôn thâu thần nhập diệt, Niết Bàn vô dư thì hoa rừng nở rộ để cúng dường. Khi đức Thế Tôn quyết định nhập Niết bàn nơi rừng Kusinara - Câu Thi Na, thì bao chư vị Thánh đệ tử, bao nhiêu vua quan, đại thí chủ, thưa thỉnh đức Thế Tôn nên nhập Niết bàn trong thành Vương Xá, Ma Kiệt Đà... là những thành phố lớn có đông dân, giàu có, sang trọng, để cho Lễ trà tỳ, phân chia xá lợi được đông đảo người, chiêm bái, cầu nguyện. Nhưng đức Thế Tôn đã từ chối. Ngài nhập Niết bàn giữa vùng núi rừng thanh vắng. Thầy đã học theo cái hạnh của đức Thế Tôn. "Bờ sông, hốc đá" là nơi thanh vắng. Nơi yên tỉnh, thích hợp cho sự xã bỏ báo thân, dưới cái nhìn của bậc Thượng sĩ. Một ý nghĩa khác mà chúng ta có thể hiểu, Thầy chẳng quan trọng gì cái chết. Nhẹ như lông hồng. Nhẹ như bông. Nhẹ như tuyết. Thân có sinh ra thì thân có chết. Chết là điều tất nhiên. Chết nơi phố thị kiêu sa. Lầu son gát tía. Nơi cung vàng điện ngọc, hay rừng vắng núi sâu. Tất cả đều chết. Với ý nghĩa chết này, Thầy đã bao lần nghĩ tới. Trong bài thơ Trầm Mặc:

"Anh ôm chồng sách cũ

Trầm mặc những đêm dài

Xót xa đời lữ khách

Mệnh yểu thế mà hay"

(Giấc Mơ Trường Sơn)

Trong Giấc Mơ Trường Sơn, Thầy muốn "mệnh yểu thế mà hay" nhưng mệnh vẫn không yểu. Cho đến thời gian ở tù, Ngục Trung Mỵ Ngữ, Thầy lại muốn "mệnh yểu" nữa, qua bài thơ Tác Thi Sự:

"Tự tâm tự cảnh tự thành chương

Tự đối bi hoan diệc tự thường

Tha nhật Nhan Hồi tọa tán ngẫu

Tàm ty cát đoạn tán thương thương."

Dịch: Làm thơ

"Cô độc canh tâm thơ tự xuất

Tự ngắm buồn vui tự thưởng thức

Nhan Hồi gặp gỡ trong lòng đất

Cắt nhỏ tơ tầm tung không trung"

Mệnh yểu thế mà hay để gặp Nhan Hồi trong lòng đất. Vì Nhan Hồi - chết yểu. Còn Thầy thì đâu có "mệnh yểu" mà "thọ mệnh" để vuốt lông mi làm thơ. Trong bài: Mộng khứ mộng lai:

" Bán niên cấm cố mộng thành ty

Đạp biến giang hồ phóng nhiệm quy

Mộng khứ mộng lai thân ngoại vật

Mộng tàn ngốc tọa bát trường mi."

Dịch: Mộng đến mộng đi

"Nửa năm cấm cố thanh tơ

Đi khắp non sông giảng huyền cơ

Mộng đến mộng đi thân thành mộng

Mộng tàn khẽ vuốt mi làm thơ"

Vuốt mi làm thơ để lại cho đời thưởng thức những đêm đen lộng gió. Những buổi chiều tà hoàng hôn buông phủ. Những bọt sóng nhấp nhô gào thét giữa đại dương. Những đỉnh núi cao. Những gềnh biển sâu. Những tâm tưởng là gỗ mục, nhưng hàm tàng một "nguồn thơ thâm viễn u u..." Do vậy, thi sĩ Bùi Giáng đã đề nghị sau khi đọc bài Khung trời cũ: "Tôi hoảng vía đề nghị: Đại Sư nên gác bỏ viết sách đi. Và làm thơ tiếp nhiều cho, nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn." Vậy, sự sống, sự chết nơi đây được coi như là huyễn, mộng, bào, ảnh của pháp hữu vi, thì sá gì "bờ sông, hốc núi" đâu chẳng là nơi Bồ tátbáo thân. Như Tôn giả A Nan bay lên hư không, ở giữa sông Hằng dùng lửa Tam muội thiêu thân, tro rơi xuống sông Hằng trôi ra đại dương tan biến hòa nhập vào bản thể thiên nhiên, vũ trụcuối cùng của lời "Gate Gate" là câu kết rất có hậu. Rất có tình. Có nghĩa. Có lòng thương tưởng của hạnh nguyện độ sinh. Của tâm Bồ tát cứu khổ độ mê mà không quay lưng bỏ lại mặc ai sống ai chết. "Chút tình mang xuống tuyền đài chưa tan". Tan sao được khi mà hạnh nguyện độ sinh chưa tròn "chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ đề". Do vậy mà: "Một chút duyên còn ràng buộc thì có cơ hội ngộ, đời này hoặc đời sau". "Một chút duyên" ấy nhưng nó mãi miên man đến vô cùng, vô tận. "Cái phút ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm chưa dễ đã ai quên". Hay "Cái tình là cái chi chi, dẫu chi chi cũng chi chi với tình". Ấy là chuyện thế nhân nói nghe vui chơi. Còn cái "duyên" của Bồ tát thương chúng sanh còn nặng nhiều hơn nữa. Còn lâu dài "ràng buộc" nhiều hơn nữa, thì đâu thể gọi là "có chơ hội ngộ" mà là hạnh nguyện độ sinh. Là bổn phận. Là trách nhiệm. "Đời ác năm trược, con xin nguyện vào trước, để độ chúng sinh. Ngày nào còn có một chúng sinh chưa được hóa độ, thì con nguyện không chứng nhập quả vị Nê-hoàn". Lời của Ngài A Nan thưa thỉnh nơi đức Thế Tôn chứng minh. "Một chút duyên" mà tự tánh muôn trùng. Ràng buộc "chút duyên" ấy như mắc lưới đế châu, phạm võng. Chút duyên "sinh vô lượng duyên". "Có cơ hội ngộ" hay vô lượng lần hội ngộ, cho đến cùng tận biên tế thời gianvô cùng của không gian. Do vậy, "có cơ hội ngộ, đời này hoặc đời sau" chỉ là ngôn từ để nói. Để phô diễn. Để đùa giởn của cái hữu hạn với cái vô cùng mà thôi. Phương tiện để nói nhưng cứu cánh không thể nghĩ bàn. Không thể nghĩ bàn ở chỗ, Thầy nói:

"Lặng lẽ nằm im dưới đáy mồ

Không trăng không sao mộng vẫn vơ

Tại sao người chết, tình không chết?

Quay mấy vòng đời môi vẫn khô"

Thân xác "nằm im dưới đáy mồ", có nghĩa là con người đã chết. "Tại sao người chết" còn "tình không chết" vì tình ấy là Đại bi tâm. Tình ấy là Từ bi tâm, Bồ đề tâm. Giải thoát tâm... làm sao chết được. Nếu "tình" cũng chết theo "người" thì "tình" ấy là "tình" của thế gian. Của nhơn ngã bỉ thử. "Tình" của sự so đo tính toán. "Tình" sai biệt trong dòng đời sinh diệt. "Tình" hơn thua. "Tình" hận thù. "Tình" cho đi và muốn lấy lại.

Đấy là đôi dòng nói vẩn vơ của hình tướng ngôn ngữ. Còn cái gì muốn nói thì không thể nói. Dù muốn nói về "đám mây trôi", "phương trời vô định", "đời này", "đời sau", hay "một chút duyên có cơ hội ngộ". Tất cả là thế ấy. Từ từ, chậm rãi của sự suy tư!

Giờ này, người viết thắp ba cây hương cắm vào lư hương để trước mặt. Ngồi ngắm làn hương quyện tỏa, lan dần, lan dần rồi tan vào hư không. Ba cây hương đã cháy hết hơn nửa, mà cứ đọc tới đọc lui lời của người tường thuật về chuyến đi của Thầy. Đọc hoài mà nghĩ không ra. Càng đọc càng bí lối. Vỏn vẹn chỉ có bảy, tám hàng chữ viết mà sao thấy nó mênh mông vô tận. Mênh mông ở chỗ người hiện thân vào cát bụi để gần gũi với cát bụi. Và vô tận ở chỗ là một thân mà liên hệ đến vô lượng thân. Sự mênh mông, vô tận của người tường thuật: "Em nói nó bình thường đến mức mình không tưởng tưởng nổi là ý nghĩa như vầy: đúng nghĩa "giang hồ"! Chị tưởng tượng được không, em gặp lại một ông già râu xồm xoàm, mặc áo mưa, đầu đội nón lá, vai gánh cây gậy tre (ông lượm được dọc đường) một đầu là cái giỏ nilon để cái vỏng và mấy thứ linh tinh, đầu kia cái đảy thầy tu đựng y và sách! Nghe ông kể chuyến đi mà rùng mình không hiểu sao ông chịu đựng nổi, cứ như một quyển tiểu thuyết. Ông đi bộ trung bình mỗi ngày 30 km, qua các đoạn đường đèo, đường rừng, tối ngủ đình, miếu cô hồn, có hôm nằm ngủ trên sạp bán bún riêu khi người ta đã bán xong và dọn hàng về. Có đêm ngủ trong chòi kiểm lâm trên rừng, có đêm ngủ bến xe bị bảo vệ ra đuổi, lại xách gói đi tiếp.v.v... Nhưng mừng là ông rất khỏe, da rám nắng nhưng hồng hào, nét mặt tươi rất thanh thản thoải mái, và đặc biệt giọng nói rất mạnh, to, chứng tỏ một nội lực được tích lũy lớn."

Lò hương đã lụn. Khói hương đã tan. Tàn hương đã nguội mà bao hình ảnh cứ lũ lượt kéo về trong tâm tư. Một ông già râu tóc dài. Đầu đội chiếc nón lá rộng vành. Vai quảy gậy trúc. Thân người mảnh khảnh như thân cây sậy - cây sậy có tư tưởng, lang thang trên khắp nẻo đường. Khi thì ngồi nơi góc chợ, để xem người đi qua, lúc thì ngủ nơi miếu cô hồn bên vách núi. Có phải là hóa thân của Bố Đại Hòa Thượng, của Bồ tát Quán Thế Âm, của Đại Tạng Vương Bồ Tát chống tích trượng vào ba đường ácthể hiện lòng từ, thương người, cứu vật, chia sẻ nỗi khổ đau trong đời. Rồi lắm lúc ngồi tựa dưới gốc cây, bên bờ suối mà ngắm mây trôi, trong rừng già mà nhìn lá rụng, bên dòng sông thấy nước lững lờ. Bên đống rác thấy trẻ mưu sinh và còn nhiều hình ảnh ẩn tàng trong tâm thức của ông già râu tóc xòm xoàm ấy. Một trong những hình ảnh lưu lộ và luôn tuôn chảy dạt dào trong lòng của Thầy là ý thức để nhận chân tuổi trẻ, một năng lực sinh tồn mảnh liệt của dòng sử mệnh Phật Việt và Tộc Việt. Thầy viết trong "Suy Nghĩ Về Hướng Giáo Dục Cho Tuổi Trẻ" như sau: "Tuổi trẻ học Phật không có mục đích trở thành nhà nghiên cứu Phật học, mà học Phật là tự thực tập khả năng tư duy bén nhạy, linh hoạt, để có thể nhìn thẳng vào bản chất sự sống. Cho nên, sự học Phật pháp không hề cản trở sự học thế gian pháp; kiến thức Phật học không xung đột với kiến thức thế tục. Duy chỉ có điều khác biệt, là học Phật khởi đi từ thực trạng đau khổ của nhân sinh để nhận thức đâu là hạnh phúc chân thật. Bi và trí là đôi cánh chắc thật sẽ nâng đở tuổi trẻ bay lượn vào suốt không gian vô tận của đời sống."

Quảy gánh ra đi không phải chi riêng cho mình, mà ra đi chung cho một vận hội, dù sự ra đi ấy có vùi thây nơi "bờ sông", "hốc núi". Sự quảy gánh ra đi là thể hiện lòng yêu thương cho mình, cho người. Ra đi như bỏ lại bụi đường sau lưng, hướng về núi xanh phía trước để sống với cái hồn nhiên. Thiên nhiên. Man nhiên như tự thuở nào. Tự thuở tâm người thánh thiện. Lòng người chân như. Bức thư gởi Gia đình Lam, đã gói trọn tình yêu thương, tính bất biến của Phật pháp được diễn đạt trong bức thư ấy. "ACE thân mến, Xuân muộn, hoặc xuân trể. Tùy theo mùa mai nở. Mà cũng còn tùy ước hẹn của tình riêng. Muộn hay trể, tôi vẫn muốn gởi đến Anh Chị, trong và ngoài Gia đình Lam một cành mai. Gốc mai già cổi. Tương truyền cũng đã mấy ngàn năm. Giữa mùa đông giá lạnh, trong đêm đen, ngoài kia sương rơi, hay mưa bão, không biết. Tôi giật mình như gốc mai già. Vội vã lần ra trước sân. Gốc mai già vẫn còn đó. Bẻ một cành hoa để dành bằng hữu. Lỡ khi sương gió không thương tình, thì mình còn giữ được chút tình nào, để tặng những người mình yêu?

Thao thức chờ mặt trời mọc. Tôi mang cành mai ra tặng Mặt trời. Bấy giờ, tôi còn mơ hay đã tỉnh, để khi nhìn lại, cành mai trong tay thật, hay giả, mà chỉ có sắc, không hương? Thật hay giả, soi bóng mặt trời, vẫn không nhận thức được. Nhưng dù thật hay giả, tôi vẫn gởi đến Anh Chị. Vì, ngoài cái thật, và cái giả, còn có một tấm lòng! Trước cổng vườn xuân Tân Tỵ - Tuệ Sỹ - Đình Tiền Tạc Dạ Nhất Chi Mai."

Quảy gánh ra đi trên đôi vai gầy. Trên tấm thân bé bỏng, gầy guộc, nhưng trong tâm thức tồn trử một lượng sóng người nhấp nhô, hùng vĩ, xô dạt, phá tung mọi thành trì ngăn chắn, như vách đá, tường đồng, để hiện thân trên cánh đồng hoang lô nhô những dấu chân người của thời tiền nhân. Quì xuống, gào thét cho bùng vỡ cuộc say của nhân thế. Cho đêm trường tỉnh mộng đi hoang, mà vực dậy những gì đã mất. Lấy lại những gì đã vượt ra khỏi tầm tay cho một quê hương, dân tộc nhiều đọa đày.

Một lần quảy gánh ra đi, để rồi không đi nữa. Vì đã có một quê hương thanh bình. Quê hương đó được tưới tẩm bằng tình yêu thương chân thật. Bằng lý tưởng sống thanh cao. Bằng phẩm chất Phật từ bi, hỷ xã.

 

San Diego, ngày 9 tháng 01 năm 2013

Nguyên Siêu

Bếp Lửa Đêm Thâu

 

NGUYÊN SIÊU

Ánh lửa sáng, đốt cháy những khúc củi khô. Lửa trong lò bập bùng thâu đêm. Lửa nấu chín nồi bánh tét trong đêm 28 tết. Lửa sưởi ấm lòng người trong đêm khuya lạnh. Lửa làm người dừng chân trên mọi nẻo đường. Lửa nung khí nóng cho người bộ hành khi mỏi chân trên vạn đường dài. Lửa là sức sống, kiêu hùng, cuồng nhiệt, đốt cháy mọi chướng ngại trên bước tiến. Lửa là lửa. Lửa mang chí hiên ngang trên ngàn núi cao. Lửa tiềm tàng trong mọi vật thể. Lửa hóa thân có mặt muôn nơi.

Bây giờ là 1 giờ khuya, theo giờ địa phương, giữa chốn núi rừng u tịch, Thầy ngồi đẩy từng khúc củi khô vào bếp, nấu nồi bánh tét. Mọi người đều yên giấc. Loài côn trùng kêu than dưới làn lá khô, trong lòng đất lạnh. Lửa trong lò cháy tí tách, tí tách... Nước nồi bánh tét sôi sùng sục, bốc hơi lên không gian, làm ấm cả một góc Thị Ngạn Am.

Có ai ngờ, Thầy ngồi chụm củi nấu bánh tét để cho dân làng ăn tết vào những ngày cuối năm giữa núi rừng miền cao nguyên. Bởi vì, Thầy được người đời tôn xưng là Thiền sư, Đạo sư, là người làu thông Tam Tạng Kinh Điển; là nhà thơ phiêu bồng, trác tuyệt; là nhà văn hóa, học thuật, giáo dục Tăng Ni nhiều thế hệ; là dịch giả, chú thích lược giảng nhiều bộ Kinh, Luật, Luận; là người tự học và thông hiểu nhiều ngoại ngữ, và còn nhiều tài hoa khác nữa...

Những đức tính có trong Thầy đủ để chúng ta học trọn đời cũng không hết. Học mãi cho đến đời sau khi mà cái tâm u mê, đần độn còn có đó, trí tuệ chưa bùng vỡ, thì trăm kiếp ngàn đời vẫn là u mê, đần độn, thì lấy gì để được như Thầy.

Cái mà người ta không ngờ ấy, chỉ là tri thức của thế gian. Sự cảm nhận thường tình của con người xã hội, hỉ, nộ, ái, ố... mà thôi. Còn những bậc xuất trần, ly dục, hay nói theo thuật ngữ Phật giáo là "Nhị đế dung thông" thì có gì của sự đến đi hay cao thấp. Ngồi trong thư phòng dịch kinh, luật, ngang bằng việc chống gậy lên non; cuốc đất trồng khoai, tưới nước. Đứng trên bục giảng triết học Đông Tây, như thể bửa củi, gánh nước dưới nhà bếp, giá trị như nhau. Những Thiền sư, Đạo sư, hay những nhà tư tưởng lớn không câu nệ, hẹp hòi trong sự sai biệt của hai phạm trù thế gianxuất thế gian. Từ những pháp của thế gian tác thành sự tu chứng của xuất thế gian. Từ sự đối đãi, nhị nguyên giữa lòng đời hai bờ sinh tửgiác ngộ có sự tương quan mật thiết với nhau. Không sinh tử thì làm gì có Niết bàn. Không có thế gian thì làm gì có Xuất thế gian. Do vậy, không phàm phu thì muôn đời chẳng có bậc Thánh. Thầy ngồi chụm củi nơi bếp lửa hồng, hình ảnh được thi vị hóa giữa đêm tối vô cùng. Thầy thắp lên ngọn đuốc soi đường cho người đi. Đến nơi tăm tối để thấy được nỗi khổ đau của muôn loài. Có vào địa ngục mới biết nỗi khổ của ba đường ác đạo. Kẻ không có cơm ăn mới biết đói lòng. Người không có áo mặc mới biết lạnh thân. Thầy đang chia sớt những nỗi niềm ấy.

Cuộc du hành phong sương, tuyết nguyệt của Thầy hôm nay, có người thuật lại lời Thầy: "đi vậy mình thấy được Phật giáo dân dã thế nào, chứ trước giờ mình chỉ thấy Phật giáo tự viện đó là Phật giáo của nhà giàu, Phật tử giàu đến chùa giàu... ở Già Lam mười mấy năm chưa từng có người nghèo nàn, bần cùng đến thăm. Bây giờ rất thú vị khi trên đường có cụ già chạy theo cho ổ bánh mì không, có thằng nhỏ kêu cho lon gạo, có thanh niên chở củi cho quá giang đoạn đường đèo v.v..." Lời Thầy nói giống như hạnh nguyện độ sinh của Bồ Tát hóa thân vào đời ác năm trược, nơi nào có khổ đau, nơi đó có Bồ Tát. Quả thật, lời nói đầy tình nghĩa. Đầy tình yêu thương, đầy trách nhiệm, bổn phận của người hóa độ, hoằng dương Phật pháp của bậc Thánh giả, thấy nỗi khổ của chúng sanh chính là nỗi khổ của chính mình. Vì chúng sinh bịnh nên Bồ tát bịnh. Vì chúng sanh nghèo khổ, nên Bồ tát hóa duyên khất thực để mua cái nghèo khổ của chúng sinh.

Một đời sống quyền quí, giàu có, cao sang, đời sống ấy lắm lúc không thấy nỗi cơ hàn của người cùng khốn. Không cảm thông được nỗi niềm chua cay, nghiệt ngã của tầng lớp thấp của xã hội. Lắm lúc kẻ ăn trên ngồi trước, chức tước quyền uy lại được nhiều người trọng vọng, ra thưa vào trình. Nhưng tinh thần Phật giáo không phải là vậy. Giai cấpnô lệ không có trong Thánh pháp luật của Như Lai. Người thi hành Thánh pháp luật của Như Lai phải là người lấy sự sống của người làm sự sống của mình. Lấy sự thiếu hụt, đói khát của người làm nếp sống của mình. Có vậy, mới không sống đời xa hoa phù phiếm, không có sự ngăn cách giữa giai tầng này với giai tầng nọ, giai cấp nọ với giai cấp kia. Chúng ta hãy bình tâm để thấy đời sống của một số Tăng Ni của xã hội Việt Nam hôm nay, 2012, như thế nào. Có lẽ là một đời sống quan liêu của người giàu có. Một nếp sống bức khỏi đời sống của chư vị Tổ đức Thiền gia trên dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam 2000 năm qua. Ngày nào xã hội Việt Nam còn dung chứa đời sống quan liêu, giàu có của một số Tăng Ni ấy thì ngày đó Phật Giáo Việt Nam bị xa rời quần chúng Phật tử, bị ngăn cách, phân chia, tạo thành giai cấp và không thể hòa đồng trong cộng đồng xã hội để cộng hưởng cái giá trị đích thực của sự sống mà cảm thông, chia sẻ với mọi quần chúng Phật tử.

Thầy nói: "... đi vậy mình mới thấy được Phật giáo ngoài dân dã thế nào, chứ trước giờ mình chỉ thấy Phật giáo tự viện, đó là thứ Phật giáo của nhà giàu. Phật tử giàu đến chùa giàu...". "Phật giáo ngoài dân dã". Chúng ta hiểu là người Phật tử sống trong nông thôn, ruộng vườn, rẫy nương, cày sâu cuốc bẫm. Các ngôi chùa làng, niệm Phật đường mái tranh vách đất. Hình ảnh "Phật giáo ngoài dân dã" đã nói lên cái cảnh nắng lửa, mưa dầu; đời sống vật chất thiếu trước hụt sau. Còn đời sống tinh thần, hay niềm tin nơi ngôi Tam Bảo cũng bị lung lay, hay đổi Đạo là chuyện thường, vì không có hình bóng của Chư Tăng Ni, tổ chức đạo tràng tu học, Bát quan trai, Phật thất... Thuyết pháp, giảng dạy giáo lý cho quần chúng Phật tử dân dã ấy thì lấy gì Phật tử dân dã gắn chặt niềm tin nơi Phật để thấu hiểu Giáo phápkính trọng chúng Tăng. Lời nói ấy đã báo động cho "Phật giáo tự viện", "Phật giáo của nhà giàu", "Phật tử giàu đến chùa giàu..." phải cảnh tỉnh để mở mắt thấy được thực trạng của "Phật giáo ngoài dân dã" mà tự nguyện dấn thân hay chia sẻ đời sống vật chất cũng như tinh thần để đồng cảm với họ, mà không quấn chăn, trùm kín nơi "Phật giáo tự viện" "Phật giáo của nhà giàu" để rồi mai kia, mốt nọ, mở mắt ra thấy chung quanh mình toàn là kẻ ngoại đạo.

Đời sống của một tự viện, hay sự hoằng pháp của chư Tăng Ni mà cả đời "... chưa từng có người nghèo nàn, bần cùng đến thăm..." thì quả thật cần phải xét lại. Tinh thần sống của Phật giáo là hòa tan như không khí nuôi sống vạn vật, như ánh nắng trưởng thành mọi loài. Đời sống thượng tầng không khí của những cao ốc sẽ mất hút đi những bóng dáng người đi dưới chân cao ốc, vì quá xa cách trở thành không thấy, không nghe và không biết. Khi xưa, Đức Thế Tôn thân hành hóa độ người gánh phân - giai cấp thứ tư của xã hội Ấn Độ thời ấy; Tôn giả Đại Ca Diếp muốn mua cái nghèo của bà lão ăn xin nên uống hết mẻ cháo thiu. Ngài Xá Lợi Phất chú nguyện cho con chó ghẻ lở được thác sinh cung trời... và còn nhiều chuyện công hạnh hóa độ khác nữa của chư vị Bồ Tát, Tổ đức Thiền sư. Sự hiện diện của Đạo Phật như cỏ nội, mây ngàn, vô tướng như nước. Thênh thang như mây. Tự tại như gió và an lạc như những cơn mưa đầu mùa làm tươi nhuận lá hoa cây cỏ. Nhân sinh quan của Đạo Phật không tù túng, không giới hạn, không đóng khung bởi một phạm trù nào, một môi trường cố định nào, mà đời sống của Đạo Phật là sống cho, đời sống hiến dâng, mà không là đời sống cao sang, phân chia, ngăn cách... Đạo Phật là đạo của con người, cho con người và vì con người. Vậy con người thượng tầng của xã hội hay con người hạ cấp của thôn dã, tất cả đều là người. Người thượng tầng của xã hội là lớp người giàu có, tiền bạc, quí phái được hóa độ, có đủ nhân duyên, phước báu đến với các tự viện khang trang, đầy đủ phương tiện để tu, để học, để hành trì giáo pháp, tiếp xúc với chư vị thiện hữu tri thức, với các bậc tôn túc cao Tăng. Còn đời sống của "người nghèo nàn, bần cùng" thì sao? Ai là người hóa độ? Ai là người chăm sóc đời sống tâm linh? Cầu an, cầu siêu khi hữu sự? Người sống cần có đời sống tâm linh, thì người chết lại còn cần hơn nữa. Hình ảnh của các ngôi chùa làng; hành trạng tiếp xúc của chư Tăng Ni với dân dã là điều quan trọng và cần thiết hay nói cách khác là thể hiện lòng từ bi đến với muôn loài vô phân biệt. Ấy là thực tánh đã có trong Giáo pháp. Là lời dạy của đức Thế Tôn đến với chúng sinh. Hôm nay, Thầy đã ra khỏi đời sống Tự viện để thấy được thực tâm và thực trạng của núi rừng, dân dã; Hình ảnh:

"Lão già trên góc phố

Quằn quại trời mưa dông"

(Giấc mơ Trường Sơn - An Tiêm. Tr.81)

Hay:

"Đàn trẻ nhỏ dắt nhau tìm xó chợ

Tìm tương lai tìm rác rưởi mưu sinh"

(Giấc mơ Trường Sơn - An Tiêm. Tr.51)

Và còn quá nhiều hình ảnh của đời sống dân dã, nghèo nàn, túng thiếu trong Giấc Mơ Trường Sơn. Như là:

"Lon sữa bò nằm im bên chợ

Con chó lạc

đến vỗ nhịp

trời mưa

Tôi lang thang

đi tìm cọng cỏ

Nó nhìn tôi

vô tư"

(Giấc mơ Trường Sơn - An Tiêm. Tr.74)

Đơn điệu như khúc nhạc miền quê, đã vẽ nên bức tranh miền thôn dã, của buổi chợ chiều trống vắng, của đời sống lang thang loài chó hoang. Nếu không ra khỏi đời sống thị thành, kinh đô, ánh sáng thì làm gì thấy được lão già ăn xin, nằm co ro nơi góc phố, trên vỉa hè, lạnh lẽo, cô đơn, và cũng làm sao thấy được đàn trẻ khốn cùng, không cha, không mẹ, không được học hành của tuổi ấu thơ mà cùng dắt nhau tìm sống trên đống rác. Nhặt từng chiếc bao nylon, từng chiếc ve chai đổi lấy đồ ăn. Ấy là một thực trạng của xã hội, mà nếu không gần gũi, tiếp xúc thì khó có cơ hội để cảm thông, chia sẻ, để khơi dậy lòng từ trong nỗi niềm thương đau.

Đi vào cát bụi để thấy những hạt cát tròn trĩnh dễ thương. Những hạt bụi mang trọn hình hài của vũ trụ. Cát bụi ấy là tinh thể của đất trời, hay nói một cách dân gian là hình ảnh gần gũi với sự sống của vạn loài trên mặt đất. Những hạt cát, những hạt bụi ấy đã tạo thành sự sống thiên nhiêntự nhiên.

Tầng lớp người dân dã, họ sống chân thành, mộc mạc, như Thầy đã gặp, đã thấy trên con đường phiêu du. "... Có cụ già chạy theo cho ổ bánh mì không, có thằng nhỏ kêu cho lo gạo, có thanh niên chở củi cho quá giang đoạn đường đèo v.v..." Cả hai nếp sống thượng tầng và hạ lưu đều quí kính và đáng trọng, nếu họ biết thể hiện tấm lòng hộ pháp, biết thương người, chia sẻ cho nhau. Người mang sứ mạng hóa độ, hoằng dương Phật pháp phải tiếp xúc qua các lớp người của xã hội, nếu không cán cân tình người sẽ bất xứng, và bị sai lệch bởi nhân ngã, tự tha.

Bếp lửa hồng vẫn bập bùng cháy. Cháy từ ngày 28 đến 30 tết. Bao nhiêu nồi bánh tét được vớt ra để trên sàn. Bánh nguội, mang đem cho hàng xóm, dân dã quanh vùng, cùng nhau ăn tết. Hương vị của mùa xuân miền núi cao là vậy đó. Cặp bánh tét dâng cúng Phật. Cúng ông bà Tổ tiên. Đôi quả bưởi hái ngoài vườn, vài nải chuối mới cắt hôm qua, nhưng vẫn không thiếu đôi cúc vàng đại đóa quanh hè để thấy mùa xuân. Đơn sơ nhưng đậm đà. Mộc mạc nhưng chất chứa tình người, tình Đạo của những tâm hồn dân quê, hoang dã.

Giữa chốn rừng xanh, Am Thị Ngạn được cất lên, dưới những tàng cây quanh năm che bóng mát. Khoảng giữa của thất là nơi thờ Phật. Từng trên của chiếc bàn nhỏ là tôn tượng đức Bổn Sư. Phía dưới là chiếc bàn hình chữ nhật, cặp đèn bạch lạp, chính giữa là lư hương, và dưới sàn nhà là cặp chuông mõ nho nhỏ. Hai bên treo hai câu liễn, do Thầy viết chữ thảo. Phía bên tay trái từ ngoài nhìn vào là chiếc bàn thờ Tổ tiên cũng nho nhỏ, đơn sơ chỉ có cặp đèn cầy tí xíu. Một lư hương cũng tí xíu, chẳng có bông hoa, trà quả. Ngoài hiên thất, trước là vách bình phong, chạm chữ Phật trong vòng tròn, và chiếc võng đu đưa bên vài chậu cúc vàng đại đóa. Chừng ấy hình ảnh của Thị Ngạn Am đủ cho thấy đời sống của Thầy đơn sơ, tri túc cỡ nào.

ht_tue_sy__1_

Thị Ngạn Am

Không khí của những ngày đầu năm nơi Thị Ngạn Am như thế nào, chúng ta nghe lời kể lại của Thầy Thị giả: "Năm nay HV có dịp ăn tết cùng Sư phụgia đình của ông, gồm ông anh bên Lào qua, vợ chồng cô em gái Sư phụ bên Pháp về. Có lẽ họ lo lắng cho Sư phụ về việc ông đi lang thang vừa rồi nên năm nay ai cũng về và cuối cùng lại có dịp đoàn tụ bên nhau hưởng một cái Tết thật độc đáo: ở vùng quê nghèo dân dã, giữa núi rừng, tối 28 tết nấu bánh tét biếu tặng dân trong làng, tối 29 cũng cúng giao thừa do Sư phụ làm chủ lễ, HV và thầy Đức Thắng cùng gia đình ông... Thị Ngạn Am mấy ngày Tết Canh Thìn - gian thờ Phật; - Sư phụ nấu bánh tét đến 2 giờ sáng; - hiên nhà tối 30 tết."

ht_tue_sy__2_

Thầy Tuệ Sỹ nấu bánh tét.

Trong Giấc Mơ Trường Sơn, Thầy đề cập đến rất nhiều nơi về đóm lửa, rừng sâu, rừng khuya, phương trời xa, đời lữ khách, bếp lửa giữa rừng khuya, tìm lên núi, sinh lộ viễn trình, ngắm ánh lửa,... Do vậy, hôm nay Thầy đốt lửa hồng trong bếp; Thầy lên đường lang thang qua từng quán trọ, từng chặng đường cát bụi, rừng xanh, sương mù, khói sóng là chuyện bình thường mà chẳng ai đặt dấu hỏi. Vì sao? Tâm tư suy nghĩ như thế nào, thì biểu hiện qua đời sống bên ngoài là thế ấy. Chúng ta đọc thơ của Thầy như sau:

"Còn nghe được tiếng ve sầu

Còn yêu đóm lửa đêm sâu bập bùng"

(Giấc mơ Trường Sơn - An Tiêm. Tr.23)

Thầy "yêu đóm lửa đêm sâu bập bùng", nên 2 giờ sáng vẫn còn ngồi đốt lửa để nấu bánh tét thì có gì phải thắc mắc. Vì yêu đóm lửa trong đêm thâu đã sưởi ấm lòng Thầy, lòng lữ khách viễn phương, lòng bộ hành lỡ độ đường. Ánh lửa hồng, ánh lửa sáng, ánh lửa bập bùng cháy, ánh lửa soi sáng tối tăm, ánh lửa ấy luôn âm ỉ cháy trong lòng như là:

"Ai biết mình tóc trắng

Vì yêu ngọn lửa tàn

Rừng khuya bên bếp lửa

Ngồi đợi gió sang canh"

(Giấc mơ Trường Sơn - Bếp lửa giữa rừng khuya - An Tiêm. Tr.34)

Ngọn lửa cháy bập bùng Thầy yêu, ngọn lửa tàn Thầy cũng yêu, có nghĩa là Thầy yêu lửa. Lửa cháy thành ngọn gọi là lửa ngọn; lửa cháy củi thành than gọi là lửa than; lửa tàn còn ấm gọi là lửa tro; dù dưới dạng thức nào cũng gọi là lửa. Dù dưới dạng thức nào lửa luôn sưởi ấm quê hương.

"Chồng gối cao không thấy mặt trời

Trên khung cửa con chim thắt cổ

Đàn kiến bò hạt cát đang rơi

Tôi nhắm mắt trầm ngâm ánh lửa"

(Giấc mơ Trường Sơn - Loạn thị - An Tiêm. Tr.62)

Ánh lửa bình thường thì có gì phải nhắm mắt trầm ngâm. Ánh lửa để Thầy nhắm mắt trầm ngâm phải là một thứ ánh lửa dị thường. Ánh lửa thiêu đốt hết tất cả những chướng ngại của vô minh, phiền não, của những thế lực phi nhân. Ánh lửa đó một thời thắp sáng quê hương, từ thuở sơ khai, từ thời lập quốc, từ buổi ban đầu đốt lên ngọn lửa dẫn đường quê hương. Ngọn lửa ấy, soi tỏ từng bước chân đi qua các triều đại. Ngọn lửa ấy, soi tỏ tâm can, bừng dậy lòng hộ quốc, an dân của giống nòi Tộc Việt.

Nhắm mắt lại để suy tư, để nghiền ngẫm, để đắm chìm một cách sâu xa, một cách lắng đọng. "trầm". Trầm tư, trầm mặc, trầm tưởng... thì đủ biết không phải là một thứ ánh lửa đơn điệu, đơn độc, đơn sơ, đơn giản như bao nhiêu thứ ánh lửa trong bếp, trong lò trong củi khô, gỗ mục... Trầm ngâm về ánh lửa để thấy cái gì trong ánh lửa? Để gởi gấm một tâm sự? Một bầu nhiệt huyết dâng cho? Hay chút hơi ấm để lòng người được ấm lại? Nhắm mắt để "trầm ngâm ánh lửa" là một triết lý sống thực tình người. Là chất liệu trưởng thành của trời đất. Là bài trường ca của giống Đại Việt. Là sinh thái, tình tự quê hương. Trầm ngâm ánh lửa là nghĩ về hơi ấm của con tim đồng bào, đồng loại. "Trầm ngâm ánh lửa" để sống thật chân tình. Sống trong tình thương mình có. Sống một cách linh động, linh hoạt, linh thiêng như ánh lửa đang cháy. "Trầm ngâm ánh lửa" để thấy mình hiện hữu, trong sự hiện hữu của con người.

Bếp lửa đang cháy bên hiên Thị Ngạn Am, giữa vùng núi rừng u tịch những ngày cuối năm, như là ảnh tượng hiện hữu một cách sống động trong Giấc Mơ Trường Sơn:

"Yêu rừng sâu nên khóc mắt rưng rưng...

Mười năm sau anh băng rừng vượt suối...

Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu...

Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương."

Tất cả những lời thơ: "yêu rừng sâu", "băng rừng vượt suối", "núi rừng hợp tấu", "mưa lũ biên cương" như là chất liệu, dựng thành Giấc Mơ Trường Sơn bất hủ, để sống mãi trong lòng người qua nhiều thời gian.

Thị Ngạn Am cất giữa núi rừng cao nguyên đây cũng là điều tất nhiên trong tâm tư của Thầy muốn sống giữa núi rừng, giữa đêm thâu, giữa đồi cao, suối ngàn, thát lũ... Thầy đứng dưới hiên Thị Ngạn Am, đưa mắt nhìn phương trời xa, như mơ về cảnh đời nào đó. Dõi mắt xa xăm một cuộc lữ. Một bước đường. Một hành trình vô định.

ht_tue_sy__4_

Thầy đứng nhìn một phương trời mộng

"Chân trời xanh luống cải

Đời ta xanh viễn phương

Sống chết một câu hỏi

Sinh nhai lỡ độ đường."

(Giấc mơ Trường Sơn - Luống cải chân đồi - An Tiêm. Tr.28)

Xanh viễn phương, như là "Nhứt bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du. Kỳ vi sanh tử sự. Giáo hóa độ xuân thu."

Thầy đang chống gậy đợi ai, trong đôi mắt đăm chiêu, diệu vợi? Ai có thể đọc được những gì chất chứa trong đôi mắt đó. Một chiếc nón lá, một cây gậy tre chống nhìn về phương trời xa giữa chốn rừng xanh núi thẳm, để cho thi nhân nào viết trọn hồn thơ, cho nhà họa sĩ nào vẽ xong bức ảnh chân dung tuyệt tác. Hay hình ảnh vị Thiền sư chống gậy lên non mà nhìn mây trắng. Như thế nào thì chỉ có Thầy mới biết. Cái biết đó được trả lời trong tận cùng tâm thức u u minh minh, hay một trí tuệ làu làu xuyên qua đôi mắt như hai hố thẳm.

thay_doi_non

Thầy đội nón chống gậy tre

Đầu đội nón. Tay tựa gậy, đứng để nhìn. Cúi xuống để nhìn. Nhìn thật sâu. Nhìn thật rõ. Nhìn thật thắm thiết, như lưu giữ hình bóng ai. Như mơ về một thời. Như mơ về một xa xăm, tít mù không bờ bến, không hẹn hò. Vô ngôn. Tịch lặng. Ấy là cái nhìn của tư tưởng vượt thoát. Cái nhìn của cảm nghĩ từ bi.

"Ta cúi xuống trên chân người bụi đỏ

Để nhìn sâu trong vết tích hoang đường

Ta sống lại trên môi cười rạng rỡ

Để nhìn sâu trong ngọn nến tàn canh."

(Giấc Mơ Trường Sơn - An Tiêm. Tr. 38)

Bếp lửa ngoài hiên Thị Ngạn Am vẫn cháy. Đốt cháy những khúc củi khô. Lập lòe khi tỏ khi mờ. Giờ Giao thừa đã đến, Thầy Y hậu chỉnh tề, thắp 3 cây hương bạch Phật đón giao thừa và lễ vía đức Phật Di Lặc đầu năm. Lời Kinh tụng. Tiếng chuông mõ canh khuya làm sống dậy cảnh núi rừng u tịch. Trăm cây ngàn là như chấp tay, cúi đầu thầm niệm Nam Mô.

San Diego ngày 12 tháng 12 năm 2012

Nguyên Siêu

 

Đọc Thơ Tuệ Sỹ

 

Vĩnh Hảo

Ai có thể tưởng được đây là bài thơ ngắn của một nhà sư?

 Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn

Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao

Như cò trắng giữa đồng xanh bát ngát

Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.

 

Ở đây không cần phải luận bàn làm gì cái sở học uyên báctrí tuệ cao thâm của nhà sư tác giả bốn câu thơ ấy. Chỉ nói riêng chút xíu về hồn thơ, hơi thơ của ông qua vài bài thơ mà nhiều người từng đọc và say mê. Trước nhất là bài thơ vừa đọc ở trên (có trong thi phẩm Giấc Mơ Trường Sơn), tựa đề: Thoáng Chốc.

Bài thơ bắt đầu bằng nhân vật ở ngôi thứ ba: "Em" (cô ấy, người ấy); mà cũng có thể là nhân vật ngôi thứ hai lắm! Em. Vâng, tôi nói với em đấy. Không nói bằng lời mà bằng tâm.

Em: mắt biếc, ngây thơ

 

Tả một người đẹp chỉ bằng mấy chữ. Mắt biếc: cửa sổ tâm hồn. Ngây thơ: tâm hồn. Chỉ nhìn vào cửa sổ là thấy được cái gì ẩn sâu bên trong. Cửa sổ xanh biếc, xanh như ngọc, mở ra một tâm hồn trong trắng ngây thơ. Không những vậy, cái vẻ ngây thơ còn được xác định thêm bằng khung cảnh chung quanh, bằng sự rộn rịp đông đảo của một ngày hội lớn; qua đó, thi nhân thấy "em" ngây thơ chi lạ giữa chốn lễ hội chen chúc những người là người. Lễ hội nào đây? Phải là lễ hội lớn ở chùa thì mắt biếc mới giao cảm với cái nhìn của thi nhân. Tết thượng nguyên? Lễ Phật Ðản? Không. Những ngày lễ hội này vui lắm. Khí trời ấm cúng, lòng người nô nức hân hoan. Không thích hợp để lòng mình bất chợt nẩy sinh một nỗi buồn vu vơ, hoặc bỗng dưng mà tha thiết yêu người như vậy. Phải là ngày Lễ hội Vu Lan. Mùa thu. Gió lành lạnh. Buồn buồn. Một ngày lễ tuy cũng là hội lớn nhưng không rộn ràng vui tươi như ngày xuân hay Phật Ðản. Ngày ấy, những người con xa gia đình sẽ nhớ cha nhớ mẹ hơn; những nhà tu sẽ dễ chạnh lòng hơn.

Nơi sân chùa, tiếng trống, tiếng chuông, tiếng mõ, ban kinh sư nhịp nhàng câu kinh tiếng kệ, hàng nghìn người bu quanh đàn tràng chờ đợi giờ phút giành giật thực phẩm cúng cô hồn... Và em bỗng nổi bật giữa chốn lễ hội ấy, với đôi mắt ngạc nhiên quan sát, tìm hiểu quang cảnh lễ hội một cách thú vị. Và rồi một thoáng bất chợt bắt gặp nhà sư thi sĩ. 

 

Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao

 

Nắng lúc ấy không còn gay gắt nữa. Màu nắng bỗng dưng dịu xuống... Dịu không phải vì nắng thu mà vì một khoé môi cười. Khoé môi cười làm cho "nắng quái" hao gầy đi, giảm gắt đi. Nói cách khác, trời nắng gắt bỗng dưng êm dịu đi khi nàng nở một nụ cười. Nụ cười gì đấy nhỉ? Cười với ai? Cười với bạn bè? với người thân? hay với nhà sư thi sĩ? Có lẽ là cười với nhà sư. Em mỉm cười thay một lời chào. Nhưng cười thế nào mà nắng quái cũng gầy hao? Cười thế nào mà lòng bỗng bâng khuâng, dìu dịu... để không kềm được lời ca:

 Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn

Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao

 

Chưa hết. Ngay lúc ấy, ngay ở cái quang cảnh tưng bừng lễ hội ấy, mà tự dưng dáng em bỗng trở thành hiện thân của một con cò trắng giữa đồng xanh. Rõ ràng là em đang đứng giữa rừng người mà sao thi nhân lại thấy khác đi. Thấy em nổi bật lên, không phải như con cò trắng đứng giữa bầy cò đen; cũng không phải như con cò trắng đứng giữa bầy gà, bầy vịt, mà đứng giữa đồng xanh bát ngát. Tất cả mọi người chung quanh đều mất dạng, không hiện hữu. Chỉ có một mình em áo trắng, ngây thơ, mắt biếc, đứng giữa đất trời mênh mông.

 Như cò trắng giữa đồng xanh bát ngát

 

Mắt biếc, ngây thơ, trong chiếc áo dài trắng, đứng lặng lẽ, nở một nụ cười, giữa đám người chộn rộn. Ôi, đẹp như thế, làm sao mà lòng khỏi bâng khuâng xao động; làm sao mà chẳng thành thơ; làm sao mà khỏi yêu được! Vì vậy:

 Ta yêu người

 

Ðừng vội, hãy đọc ngang đó, ngắt ngang đó thôi. Khoan đọc tiếp mấy chữ cuối. Khoan chấm dứt bài thơ. Hãy dợm một chút ở nơi này. Và hãy mượn bài thơ của thi nhân để diễn tả thể cách yêu bình phàm của chúng ta:

 

Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn

Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao

Như cò trắng giữa đồng xanh bát ngát

Ta yêu người.

 

Ta yêu người, chấm hết. Rồi bắt đầu bước chân chinh phục, chiếm hữu. Bước chân đó mỗi người có một cách riêng, không cần phải nói ra. Chỉ cần: Ta yêu người, là xong.

Cái trình tự thương yêu của người trần sẽ trôi đi như thế. Thấy em mắt biếc, trong trắng, dịu dàng, cười rất có duyên, nổi bật giữa đám phàm phu tục tử khác... thì phải yêu thôi. Vâng, ta yêu người, tôi yêu cô, anh yêu em. Phải là như thế. Bài thơ của chúng ta, dù theo vần điệu và thể loại thì không muốn cắt ngang đó, tức lắm; nhưng trên thực tế đời sống thì chúng ta cắt ngang đó cái rụp, đâu có cần suy nghĩ gì nữa. Ðẹp, có duyên như vậy thì... yêu! Bài thơ chấm dứt, có một đoạn kết rất thực tế, rất phổ thông, rất là người.

Nhưng bài thơ của nhà sư thi sĩ thì tiếp tục:

Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.

 

Vẫn là yêu, nhưng tình yêu đã được thăng hoa. Từ cái yêu bình phàm của nghệ nhân trước cái đẹp biến thành tình yêu của đạo sĩ đối với lẽ chân của con người và trần gian khổ lụy.

Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao

 

Lý do yêu người được khẳng định. Không phải vì cái đẹp, cái ngây thơ trong sáng, cái duyên dáng mảnh mai thon thả của một thiên thần áo trắng, mà chính vì cái mong manh dễ tan dễ vỡ của màu trắng ấy. Tất cả cái đẹp đều chỉ là cái đẹp trong mộng huyễn vô thường. Nhưng cũng chính vì mộng huyễn vô thường mà tất cả trở nên đẹp.

Tất cả nằm trong một khoảnh khắc chiêm bao. Chính khoảnh khắc chiêm bao này làm đảo lộn tất cả những gì diễn ra tưởng là y hệt con người trần thế trước đó. Ba câu thơ đầu diễn tả cái đẹp của một nàng thơ áo trắng. Ðáng yêu quá. Trùng hợp với tâm trạng chúng ta quá. Nhưng đến câu thứ tư, thi nhân bỗng đổi giọng và nói tiếng nói tỉnh thức của đạo nhân. Ðạo nhân ấy không nói "anh yêu em" như chúng ta, mà nói "Ta yêu người". Lối xưng hô của một kẻ đứng bên ngoài, bên trên, nhìn xuống cuộc đời tạm bợ, huyễn hóa. Ở câu đầu gọi bằng "em" ngọt sớt theo thể điệu của thi nhân, bỗng dưng đổi giọng nghiêm trang, cao vợi của một bậc thầy, một hành giả trên đầu ghềnh tử sinh, gọi người ta bằng "người"! Mà "người" ở đây, cũng chưa hẳn là chỉ riêng cho "em" đâu. Có thể là chỉ chung cho mọi con người khổ lụy trầm luân trên cuộc đời. Như thế, nhìn "em" mà thấy tất cả. Em là hiện thân của tất cả chúng sinh, của chiêm bao mộng mị. Ðổi xưng hô, thay cách gọi, là xoay ngược cái nhìn và thế đứng của mình trước đối tượng cuộc đời.

Một khoảnh khắc đam mê, một khoảnh khắc lấp lánh long lanh của tình thơ lai láng, lâng lâng... bất giác biến thành chiêm bao. Tình yêu cũng chiêm bao. Cái đẹp cũng chiêm bao. Khoảnh khắc thơ mộng nhất, nên thơ nhất cũng chiêm bao...

Cho nên, đừng nói rằng đạo nhân sắt đá không có trái tim. Không có trái tim thì làm sao cứu độ con người, cứu độ cuộc đời? Họ yêu và phấn đấu thăng hoa tình yêu ấy. Họ cảm nhận được cái đẹp không phải chỉ qua những hình hài cụ thể mà còn cảm nhận được cái đẹp trường cửu trong từng hiện hữu chiêm bao. Không ai yêu mà thốt nên lời thơ tiếng ca tuyệt vời như những thi nhân, nhưng chẳng ai yêu mà cảm nhận sâu sắc tận bản thể đối tượng yêu thương như đạo nhân. Tình yêu ấy bập bềnh như chiêm bao nhưng lại bất tử, bởi vì nó được khơi dậy từ một khoảnh khắc và được cảm nhận một cách trọn vẹn trong chính khoảnh khắc ấy.

Bài thơ đẹp một cách bất ngờ. Không biết yêu thì không làm sao có được lời thơ đẹp như thế. Mà không siêu thoát thì cũng không làm sao có được ý thơ thâm viễn thượng thừa như vậy. Khi nào bị dìm xuống đáy vực khổ đau, bạn có thể, nói theo kiểu của nhà thơ Phùng Quán: "Vịn câu thơ mà đứng dậy." Vâng, bạn có thể đọc bốn câu thơ của Tuệ Sỹ để đứng dậy cho một tình yêu bất tuyệt:

 

Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn

Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao

Như cò trắng giữa đồng xanh bát ngát

Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.

..............

 Kế tiếp chúng ta sẽ đọc một hơi một số bài thơ của Tuệ Sỹ. Chỉ đọc thôi. Không đủ sức bàn đâu. Bàn thơ ông mệt lắm, thưởng thức thì thú vị hơn. Bây giờ phải nghỉ mệt!

 Ðây là một bài khác:

 

Ðôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ

Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang

Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn.

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở

Ðỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan

Cười với nắng một ngày sao chóng thế

Nay mùa đông, mai mùa hạ buồn chăng?

Ðếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ

Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ

Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn.

 

Bài thơ trên, cố thi hào Bùi Giáng đã đọc một cách tỉ mỉ và bay bổng lắm rồi, không cần phải dặm thêm gì nữa. Chỉ đọc, chỉ thưởng thức thôi, là đủ thấy đời mình hạnh phúc. Hạnh phúc không phải kiểu đọc thần chú hay thi kệ để tìm an lạc giải thoát; mà chỉ đơn giản là cái hạnh phúc có được một bài thơ tuyệt tác, đáng học thuộc lòng để lâu lâu lấy ra ngâm nga cho thống khoái cuộc đời.

Thơ Tuệ Sỹ mang cái âm hưởng buồn vời vợi, xa xăm, nhưng lại kỳ ảo lắm! Chúng nâng hồn mình lên đến những tầng bậc cao thẳm mù khơi của trí tuệ, nơi đó mình bỗng dưng một mình chơi vơi ở ngoài cõi nhân gian nhớp nháp hệ lụy.

Thơ ông cũng có những bài thật ngắn. Có thể không gọi được là "bài" mà là những câu thơ tinh lọc thoạt biến hiện, rơi rớt trên những chặng đường xuôi ngược đó đây... Những khát vọng cao xa, những nỗi nhớ triền miên về cung đàn xưa cũ. Cung đàn nào đây mà chỉ nhớ một nửa? Ðối với thế nhân thì là cung đàn tình ái. Nhưng với đạo nhân như Tuệ Sỹ thì có lẽ là cung đàn giải thoát, giác ngộ. Một nửa đã tìm thấy (kiến đạo) nhưng một nửa kia (tu đạo) thì chưa tròn? Chắc là vậy. Và nhớ là nhớ cái một nửa chưa lấy lại được. Thế mà ai lại đành đoạn đem cái quán trọ, cái phù du tạm bợ mà ngăn đường cản lối cho vướng víu bước chân người đại trí đại hùng!

Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn

Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về?

 

Giọng như hờn trách nhẹ nhưng không phải trách cái quán trọ, không phải trách cái người đem quán trọ mà chận ngang đường đi! Trách đây là tự trách. Trách mình sao lại cứ bịn rịn bủn rủn tay chân, nấn na nấn ná không biết từ chối cái ước muốn dừng chân nơi quán trọ để một mạch ra đi "vĩnh viễn con tàu."

Chưa hết, ở hai câu sau này mới cực kỳ lạ lẫm!

Anh đem giấc mộng đi hoang

Biết đâu mà kiếm trăng ngàn cho em?

 

Ôi, lại tự trách nữa rồi! Anh đi hoang thế nào được! Rõ ràng ai cũng thấy là anh đi kiếm trăng ngàn cho em đó mà. Thế mà anh tự nói, tự thú là mình đi hoang, đi hoang với một giấc mộng. Ði hoang với giấc mộng này thì vô phương kiếm ra trăng ngàn cho người em đang đợi chờ cho nên mới tự trách? Mộng gì đây? Chẳng phải là mộng bình thường đâu. Mộng bình thường thì không đáng để bỏ đi trăng ngàn. Mà đi hoang thì không thể là mộng bình thường được.

Thực ra anh chỉ nói vậy thôi, chứ anh đã chủ định là không đi thẳng một mạch đến cung trời xa mà hái lấy con trăng cho người: chỉ muốn làm thân lữ thứ, ôm giấc mộng, đi hoang, khắp phương trời viễn mộng... Ðâu đó trên bước đường phiêu lãng, lữ khách luôn thấy con trăng dõi theo bước chân phiêu bạt của mình. Thế thì cần gì phải kiếm trăng! Khi nói "biết đâu mà kiếm" ắt hẳn là anh nói với miệng cười tủm tỉm. Anh đã biết tỏng hết rồi! Giả bộ than thở, giả bộ chọc ghẹo cái người chờ đợi con trăng không bao giờ mất đấy thôi!

 Ôi, thi nhân! Họ ăn nói lạ lẫm kỳ cục như thế! Nhưng mình đọc cái lạ lẫm kỳ cục của họ, mình thấy sướng vô tận trong lòng. 

Ngoài những điều xưng tụng về trí tuệ thâm viễnkiến thức quảng bác của ông trong chốn thiền môn cũng như bên ngoài xã hội, thực sự cái điều khiến tôi "mê" Tuệ Sỹ nhất là tâm hồn nghệ sĩ của ông. Dù ông đang đạo mạo trang nghiêm nơi đạo tràng hay bục giảng, tôi vẫn cứ thấy được cái "thơ" toát ra từ con người ông như thường. Cõi thơ ông dị thường, sâu thẳm. Cõi ấy không có lối đi bằng chân. Chỉ có thể thả hồn mình vào đó mà thôi.

 Xin đọc thêm một số bài thơ trong tập Giấc Mơ Trường Sơn của ông.

 

Một Bóng Trăng Gầy

 

Nằm ôm một bóng trăng gầy

Vai nghiêng tủi nhục hờn lay mộng tàn

Rừng sâu mấy nhịp Trường sơn

Biển Ðông mấy độ triều dâng ráng hồng

Khóc tràn cuộc lữ long đong

Người đi còn một tấm lòng đơn sơ?

Máu người pha đỏ sắc cờ

Phương trời xẻ nửa giấc mơ dị thường

Quân hành đạp nát tà dương

Khúc ca du tử bẽ bàng trên môi

Tình chung không trả thù người

Khuất thân cho trọn một đời luân lưu.

 

 Những Phím Dương Cầm

 

Tự hôm nào suối tóc ngọt lời ca

Tay em run trên những phím lụa ngà

Thôi huyễn tượng xô người theo cát bụi

 

Vùng đất đỏ bàn chân ai bối rối

Ðạp cung đàn sương ứa đọng vành môi

Ðường xanh xanh phơn phớt nụ ai cười

Như tơ liễu ngại ngùng say nắng nhạt

 

Lời tiễn biệt nói gì sau tiếng hát

Hỏi phương nào cho nguyện ước Trường sơn

Lời em ca phong kín nhụy hoa hờn

Anh trĩu nặng núi rừng trong đáy mắt

 

Mờ phố thị những chiều hôn suối tóc

Bóng ai ngồi so phím lụa đàn xưa.

 

Ác Mộng Rừng Khuya

 

Lại ác mộng bởi rừng khuya tàn bạo đấy

Thịt xương người vung vãi lối anh đi

Nhưng đáy mắt không căm thù đỏ cháy

Vì yêu em trên cây lá đọng sương mai.

 

Anh chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại

Thoảng trông em tà áo mỏng vai gầy

Ôi hạnh phúc, anh thấy mình nhỏ bé

Chép tình yêu trên trang giấy thơ ngây.

 

Ðời khách lữ biết bao giờ yên nghỉ,

Giữa rừng khuya nằm đợi bóng sao Mai

Ðể một thoáng giấc mơ tàn kinh dị,

Dáng em buồn bên suối nhỏ mây bay.

 

Cây Khô

Em xõa tóc cho cây khô sầu mộng

Và cây khô mạch suối khóc thương nhau

Ta cúi xuống trên môi cười chín mọng

Cũng mơ màng như phố thị nhớ rừng sâu.

 

 

Tôi Vẫn Ðợi

Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải

Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng

Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi

Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng

 

Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió

Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa

Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử

Dài con sông tràn máu lệ quê cha

 

Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ

Quên những người xuôi ngược Thái Bình dương

Người ở lại với bàn tay bạo chúa

Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương

 

Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng

Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu

Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng

Như sương mai như bóng chớp mây chiều.

 

 

Nhớ Con Ðường Thơm Ngọt Môi Em

 

Tóc em tung bay sương chiều khói biếc

Dệt tơ trời thành khúc hát bâng khuâng

Tình hay mộng khi Trường sơn xa hút

Ðến bao giờ mây trắng gởi tin sang

 

Hồn tôi đi trong rừng lang thang

Vọng lời ru từ ánh trăng tàn

Mắt em nhỏ ngại ngùng song cửa

Nghe tình ca trên giọt sương tan

 

Bóng tôi xa đêm dài phố thị

Nhớ con đường thơm ngọt môi em

Ơi là máu, tủi hờn nô lệ

Bóng tôi mờ suối nhỏ đêm đêm

 

Gót chân em nắng vàng xua viễn phố

Những ngón hồng ngơ ngác giữa đường chim

Ôi ta nhớ như đêm dài thượng cổ

Sợi tóc mềm lơi nhịp hát trong tim.

 


Tuệ Sỹ Trên Ngõ Về Im lặng

 

Tâm Nhiên


Giữa thiên đường rong chơi lêu lổng

Cõi vĩnh hằng mờ nhạt rong rêu

Ta đi xuống quậy trần hoàn nổi sóng

Đốt mặt trời vô hạn cô liêu

(Tuệ Sỹ)

 

Tuệ Sỹ là ai mà thơ hào sảng, hùng tâm tráng khí như thế? Tuệ Sỹ quê Quảng Bình, sinh năm 1943, nhỏ hơn Phạm Công Thiện 2 tuổi, cũng là một bậc thiên tài xuất chúng, làu thông kinh điển Nguyên Thủy, Đại Thừa và nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Hán, Phạn, Pali. Khi mới vừa 26 tuổi đã viết Triết Học về Tánh Không làm chấn động giới văn nghệ sĩ, học giả, thiện tri thức Việt Nam thời bấy giờ.

Cùng đứng tên trong nhóm chủ trương tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, trước năm 1975, Tuệ Sỹ cũng là giáo sư giảng dạy Thiền tông, Trung quán luậnĐại học Vạn Hạnh và Cao đẳng Phật học viện Hải Đức, Nha Trang, nổi bật lên như một hiện tượng độc đáo, gây bao nguồn cảm hứng cho những tâm hồn ưa thích thiền học, thi ca và phiêu lãng.

“Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết mọi chân trời mới cũ từ Đường thi Trung Hoa tới siêu thực Tây phương.” * Bùi Giáng đã nhận định như thế về Tuệ Sỹ qua bài thơ Không đề:

Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ

Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang

Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở

Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan

Cười với nắng một ngày sao chóng thế

Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng?

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ

Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ

Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn.

 

Trừ thi sĩ Bùi Giáng ra, khi nói về Tuệ Sỹ thì có lẽ không ai đủ tư cách, thẩm quyền bằng triết gia Phạm Công Thiện: “Có sống bên cạnh Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát từ ngày này qua ngày khác, trong những hoàn cảnh khác nhau thì mới may ra cảm nhận đôi chút tác phong Thiền sư kín đáo toát ra một cách tự nhiên, một cách vô công dụng hạnh từ đời sống thường nhật và tinh thần diệu nhập của hai vị. Tôi xin gọi hai vị này là Thiền sư với tất cả đắn đo thận trọng, với tất cả ý nghĩa cao đẹp và như thực của một danh xưng xung thiên chí.”

Như vậy, chúng ta có thể gọi Tuệ Sỹ là một Thiền sư thi sĩ với ý nghĩa trọn vẹn, tốt đẹp nhất của danh từ. Còn tiến sĩ kỳ tài Lê Mạnh Thát, bạn thân thiết, cận kề Tuệ Sỹ là nhà Phật học, Sử học quảng bác, lão luyện, uyên thâm, một con người quán tuyệt cổ kim, thông tuệ, siêu quần bạt chúng, cũng bằng tuổi Tuệ Sỹ.

Giống như Tuệ Trung Thượng Sỹ thời Trần thuở xa xưa, Tuệ Sỹ bây giờ cũng là một Thiền sư thi sĩ đích thực. Điều đó chứng tỏ qua những tác phẩm thâm viễn, uyên áo, nhất là thể hiện qua phong cách sống đạm bạc, đơn sơ giản dị mà rất nghệ sĩ phiêu bồng, thong dong phóng khoáng, khai mở thông lộ tự do cho con người, biết mỉm cười vô úy, “uy vũ bất năng khuất” trên tinh thần Đại Bi Tâm trầm hậu giữa muôn chiều diệu dụng với đời sống thực tại cái đang là.

Năm 1973, Tuệ Sỹ vừa đúng 30 tuổi, viết Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng, một tác phẩm thâm thúy tuyệt trù, trữ tình lai láng, tràn đầy chất nhạc và thơ, mở ra con đường phong quang sáng tạo, ngạt ngào hương vị thi ca hòa chan cả trời thơ đất mộng không cùng:

“Đạt đến cõi thượng thừa của Thơ như người học Thiền chứng chỗ Không tịch của Đạo, cái đó vừa khó vừa dễ. Học Thiền ba mươi năm đày đọa thân tâm mà không thành. Phẫn chí bỏ đi, bất chợt thấy một cánh hoa rơi, cõi Không tịch cũng hoát nhiên, đột ngột mở ra. Chỗ ảo diệu đó, khó giảng cho thông. Cho nên không thể nào lấy tay chỉ thẳng vào cõi thơ, rồi bảo đây là chân diện mục của nó…

Thơ phát ra từ những khổ lụy và những nguyện ước khơi vơi của cuộc tồn sinh, từ độ đó, Thơ đi vào những thảm họa hoành sinh của lịch sử. Từ buổi bình minh, Thơ vang vọng những lời tình tự thiết tha, từ tiếng chim thư cưu nơi cồn cát đến những đêm dài trằn trọc... Thơ dấn bước đi vào cuộc lữ…

Thơ phát ra từ cuộc lữ đọa đày rồi trở lại đọa đày cuộc lữ. Cuộc lữ là trường thể nghiệm lịch sử tồn sinh thảm họa của Thơ và Thơ mở rộng những phương trời lữ thứ. Quê hương nguyên thủy chỉ là những âm vang của lịch sử, vang dội ngân dài trong những phương trời viễn mộng. Cho nên đất của Thơ là đất trích, là những vùng đày ải, đường của Thơ là quán trọ, là những bước đường ngược gió. Mặn nồng nơi đất trích, lân la nơi quán trọ, cuộc thể nghiệm dây dưa với hằng triệu vấn vương và cũng là cuộc thể nghiệm cho khước từ tuyệt đối… Bởi cách điệu trầm trọng như thế, nên Thơ là phong vận tài hoa, đẹp như những cụm mây trời trong nắng sớm.” **

Tuệ Sỹ nói về cõi thơ Tô Đông Pha mà vô hình chung cũng dường như nói về cõi thơ của chính mình. Thật vậy, cõi thơ Tuệ Sỹ bước đi bi tráng giữa dòng sử lịch kinh hoàng của thời hiện đại. Đơn sơ mà kỳ vĩ, bi ai mà hùng tráng, im lặngsấm sét, tĩnh tọa mà phiêu bồng, đó là cõi thơ trầm thống, khốc quỷ kinh thần của Tuệ Sỹ, một thi sĩ thượng thừa, một tài hoa đủ điệu, một tâm hồn cô liêu cùng tuyệt với hồn thơ thâm viễn, uyên mặc u ẩn, ngân dài trên giai điệu trầm tư lãng đãng:

 

Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn

Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về

 

Để cho trời thơ phiêu phưỡng, bước đi lồng lộng, độc hành ca giữa đỉnh cao và hố thẳm, làm kẻ rong chơi từ thuở hồng hoang hỗn độn, phiêu hốt tang bồng, rong rêu, lêu lổng trong cuộc mộng trần sa:

 

Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn

Treo gót hài trên mái tóc vào thu

Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá

Rủ mi dài trên bến cỏ sương khô

Vì lêu lổng mười năm trời nói mộng

Ôm tình già quên bẵng tuổi hoàng hôn

Một sớm nọ nghe chim buồn đổi giọng

Người thấy ta xô dạt bóng thiên thần

Đất đỏ thắm nên lòng người hớn hở

Đá chưa mòn sao lòng dạ trơ vơ

Thành phố nọ bởi sương mù nắng quái

Nên mười năm quên bẵng mộng giang hồ

Cuộc rong chơi phiêu bạt, lãng tử giang hồ vô tận đến nỗi quên bẵng hết những chuyện mộng mị chiêm bao, hồn thi nhân chuếnh choáng, xuất thần lâng lâng rồi chợt bỗng hóa thân thành cánh chim én mùa xuân bay qua dòng sông chiều tàn hoang vắng hay làm cánh bướm chao nghiêng, tung lượn xôn xao giữa mưa nắng phong trần:

Một con én một đoạn đường lây lất

Một đêm dài nghe thác đổ trên cao

Ta bước vội qua dòng sông biền biệt

Đợi mưa dầm trong cánh bướm xôn xao

Bóng ma gọi tên người mỗi sáng

Từng ngày qua từng tiếng vu vơ

Mưa xanh lên tóc huyền sương nặng

Trong giấc mơ lá dạt xa bờ

Người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng

Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa

Con bướm nhỏ đi về trên cánh mỏng

Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa?

Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng

Người vẫn đi như nước chảy xa nguồn

Bờ bến lạ chút tự tình với bóng

Mây lạc loài ôi tóc cũ ngàn năm

 

Ngàn năm rồi mà sao vẫn còn mãi lạc loài hỡi mây trắng hoằng viễn miên du? Nhà thơ chợt lặng thầm trầm tư thắc mắc, chẳng biết chiếc lá vàng úa rụng xa mùa kia sẽ về đâu giữa phong ba, bão loạn? Nhưng rồi bỗng thấy “năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng” nên cứ để mặc nhiên cho dòng thơ trôi chảy qua nghìn bến bờ xa lạ nhòa nhạt, hoang vu tận cuối bãi mịt mù. Thi nhân chạnh lòng trắc ẩn trong ngậm ngùi, khắc khoải, xót xa cho bao kiếp người phải hốt hoảng, kinh hoàng vượt trùng dương để tìm kế sinh tồn. Cưu mang nung nấu một nỗi niềm tâm sự mênh mông, không biết bày tỏ cùng ai nên chẳng biết nói gì hơn là để cho tiếng lòng ngân lên cung bậc sầu thương vô hạn trước những lượn sóng cuồng phong chìm nổi giữa sinh tử ba đào:

Một bước đường thôi nhưng núi cao

Trời ơi! Mây trắng đọng phương nào

Đò ngang neo bến đầy sương sớm

Cạn hết ân tình nước lạnh sao?

Một bước đường xa xa biển khơi

Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời

Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ

Nhưng mấy ngàn năm tống biệt rồi

Cho hết đêm hè trông bóng ma

Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà

Trời không ngưng gió chờ sương đọng

Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa

Cho hết mùa thu biệt lữ hành

Rừng thu mưa máu dạt lều tranh

Ta so phấn nhụy trên màu úa

Trên phím dương cầm hay máu xanh

 

Hình ảnh máu, màu xanh bầm tím rơi xuống như mưa mù thảm đạm thật khiếp đảm làm sao, gợi ra bao cảnh xiêu hồn lạc vía ở địa ngục âm u, mù tăm tối. Ơi chao! Địa ngục đó chẳng phải ở dưới lòng đất sâu kín kia mà lại ở ngay trên mặt đất trần gian này mới đau đớn, rợn người khủng khiếp chứ! Từ khi chứng kiến biết bao oan khiên, nghiệt ngã, biết bao khổ lụy đọa đày diễn ra một cách khốc liệt, tàn bạo, vô nhân đạo, vô lương tâm trên khắp mọi miền thế giới đó, nhà thơ nhạy cảm của chúng ta đã thấm thía một nỗi buồn vạn cổ, sầu trong vô lượng xót thương:

 

Ôi nỗi buồn từ ngày ta lạc bước

Cố quên mìnhthân phận thần tiên

 

Cốt cách, phong vận của thi nhân vốn là ở cõi tự do tiêu sái, tiêu dao, bay bổng chất ngất một trời thần tiên huy hoàng tráng lệ. Thế mà cũng đành phải cố quên đi tất cả, vì ma quỷ A Tu La tham sân si đã hiện hình như người, dùng bạo lực thâm độc, dốc hết tốc độ tham tàn, sân hận, si mê giáng xuống những tai ương thảm họa, trong cơn điên đảo loạn cuồng. Buồn quá phải không, buồn chết lặng quặn lòng đau tê tái giữa chập chùng bóng tối u mê:

 

Lửa đã tắt từ buổi đầu sáng thế

Một kiếp người ray rứt bụi tro bay

Tôi ngồi mãi giữa tha ma mộ địa

Lạnh trăng tà lụa trắng trải rừng cây

Khuya rờn rợn gió vèo run bóng quỷ

Quỷ run run hôn mãi lóng xương gầy

Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã

Để hồn tan theo đốm lửa ma trơi

Khi tâm tư chưa là gỗ mục

Lòng đất đen còn giọt máu xanh ngời

 

Một khi đối diện với quỷ ma giữa ban ngày thì hầu hết chúng ta đều hãi hùng khiếp sợ, nhưng ở đây, kỳ lạ thay, nhà thơ vẫn hào hùng vô uý, khi biết mình đang giáp mặt với thập tử nhất sinh. Một mình lẫm liệt hiên ngang bất khuất, dấn bước lên đường dưới gầm trời bão loạn cuồng si. Đi về đâu hỡi Long Thọ, Mã Minh, Thế Thân, hỡi Tăng Triệu, Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Năng, hỡi Tô Đông Pha, Lý Hạ, Vương Duy, hỡi Duy Ma Cật, Thiện Tài, Thắng Man, hỡi Suzuki, Nietzsche, Heidegger… giữa điêu tàn tan hoang trên mặt đất? Rồi lặng hồn lắng nghe đồng vọng vang lên những lời kinh Hoa Nghiêm hùng tráng:

Trang phục bằng khôi giáp Nhẫn kiên cố

Thanh gươm Trí trong cánh tay Đại Bi

Nguyện đấng Đại Hùng dũng mãnh hướng dẫn con

Trực diện chiến đấu với ma quân

 

Với cánh tay Đại Bi cầm thanh gươm Đại trí, thi nhân còn mặc thêm áo giáp Vô sanh pháp nhẫn nữa thì cũng thừa sức dấn mình vào địa ngục trần gian, trực diện đương đầu với đảo điên, chuyển hóa ma vương, quỷ sứ đang quờ quạng, loạn cuồng trong bóng tối vô minh. Cuộc thế trận sinh tử kinh hồn, một lần tận tường giáp mặt là một lần thấu triệt lẽ vô thường, huyễn ảo quá đỗi mong manh trong cõi người ta và cũng chính từ đó, thi nhân mới phát Bồ Đề Tâm, phát đại nguyện thượng thừa, gánh vác lên vai vô số khổ lụy đoạn trường của nhân gian như chính lời Tuệ Sỹ nhắc nhở rạt rào:

“Bồ Đề Tâm, đó là chí nguyện nóng bỏng của một chúng sinh tự thấy mình đang sống trong cảnh tối tăm giữa đọa đày khổ nhục, mong tìm một con đường sáng, không những để giải thoát bản thân khỏi những đe dọa áp bức mà còn là để giải thoát cho tất cả những người cùng cảnh ngộ. Bồ Đề Tâm, đó là ý chí kiên cường, bất khuất của một con người bị cột trói trên ngọn lửa rực cháy, bị chà đạp dưới những sức mạnh tàn khốc bởi tham vọng điên cuồng của chính ta và của một tập thể ma quái chung quanh ta. “Vui sướng gì, thích thú gì giữa ngọn lửa tam độc không ngừng thiêu đốt? Bị bao phủ trong bóng tối, sao không đi tìm bó đuốc?” Không có tâm nguyện đó, không có ý chí đó, Bồ Tát đạo chỉ là một con đường xa xôi, không tưởng, thần thoại hoang đườngPhật thừa không hơn một tiếng nói suông của một người mê sảng trong giấc ngủ ngày.” ***

Thi nhân thấy như vậy bằng đôi mắt sâu thẳm rực lửa tam muội của chính mình nên vẫn thường vô vi tùy duyên nhẹ bước vào ra giữa ta bà đây đó:

Đây khúc nhạc đưa hồn lên máu đỏ

Bước luân hồi chen chúc cọng lau xanh

Xô đẩy mãi sóng vàng không bến đỗ

Trời lênh đênh ma quỷ rắc tro tàn

Vẫn khúc điệu tự ngàn xưa ám khói

Ép thời gian thành rượu máu trong xanh

Rượu không nhạt mà thiên tài thêm cát bụi

Thì ân tình ngây ngất cõi mong manh

Ôi tiết nhịp thiên tài hay quỷ mị

Xô hồn ta lảo đảo giữa tường cao

Trưa dài lắm ta luân hồi vô thủy

Đổi hình hài con mắt vẫn đầy sao

 

 

Từ vô thủy đến vô chung, cuộc luân hồi khởi sự từ đâu chẳng biết, chỉ hay rằng từ lúc nghe đồng vọng những trận gió phù trần tận chốn miền thiên thu vi vu thổi tới giữa vạn đại miên trường:

 

Đá mòn phơi nẻo tà dương

Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi

Nghìn năm vang một nỗi đời

Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương

Đan sa rã mộng phi thường

Đào tiên trụi lá bên đường tử sinh

 

Sinh tử là một việc trọng đại như thi nhân đã có lần nói tới trong lời tựa Vô môn quan của Thiền sư Vô Môn, do Trần Tuấn Mẫn dịch: “Nơi đây, sa mạc vẫn cứ thiên thu cô tịch trong cơn gió bức bách của hư vô. Lẽ sống và lẽ chết cứ mãi bập bềnh trên hư ảo. Tâm hồn miệt mài nóng cháy, nhưng không cháy tan nổi những giấc mộng hãi hùng của hư vô và hủy diệt.” Hư vô đã trở thành một thứ chủ nghĩa đang hủy diệt mặt đất một cách trầm trọng đau thương, gây bao tang tóc não phiền, khiến thi sĩ nghe ra nghèn nghẹn tận đáy hồn:

Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc

Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu

Nghe một nỗi hao mòn trong thoáng chốc

Một mùa thu một vạn tiếng kêu gào

Khuya còn lạnh sương mù và gió lốc

Thở hơi dài cát bụi cuốn chiêm bao

Bên cửa sổ bên kia đồi sao mọc

Một lần đi là vĩnh viễn con tàu

Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng

Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu

 

Giọt máu nào phiêu lưu, lạc nẻo xa nguồn trôi tan tác, lao đao trong nỗi hao mòn tàn tạ, trong cơn gió lốc kinh hồn rờn lạnh buốt xương da? Đi là đi mất, đi biền biệt, biến tan như sợi khói mỏng manh giữa bầu trời gió lộng, không bao giờ trở lại nữa, nhưng vừa đi vừa ngoái nhìn để lắng nghe những tiếng gào kêu thống thiết của nhân gian, của thập loại chúng sinh đang quằn quại rên siết trong bao đổ nát đoạn trường, dâu bể tan hoang đầy thảm họa tồn sinh bức bách rợn ngần:

 

Tiếng ai khóc trong đêm trường uất hận

Lời ai ru trào máu lệ bi thương?

Hồn ai đó đôi tay gầy sờ soạng

Là hồn tôi tìm dấu cũ quê hương

Ai tóc trắng sững sờ trên tuyết lạnh

Bước chập chờn heo hút giữa chiều sương

Viên đá nhỏ mấy nghìn năm cô quạnh

Hồn tôi đâu trong dấu vết hoang đường?

 

Hoang đường nào còn in trên dấu vết lênh đênh? Tên tuổi nào cô liêu đến bạc trắng cả mái đầu? Sầu thế kỷ điêu linh nào cứ ngân dài mãi trong não nề thê thiết:

 

Tang thương một dải tóc huyền

Bãi dâu ngàn suối mấy miền hoang vu

Gởi thân gió cuốn xa mù

Áo xanh cát trắng trời thu muộn màng

Chênh vênh hoa đỏ nắng vàng

Gót xiêu dốc núi vai mang mây chiều

Tóc huyền loạn cả nguyên tiêu

Lãng du ai ngỡ cô liêu bạc đầu

 

Cô liêu, cô đơn, cô độc, cô lữ là bước đi kỳ cùng của người thi sĩ dị thường. Bước đi chênh vênh, khập khễnh bên này cát bụi phù du, bên này bờ Thị Ngạn Am xao xác cọng lau gầy sậy yếu lặng phất phơ. Thở cùng hương trái đắng và hương nắng buồn trong mắt biếc nhiều diệu vợi uyên tư:

 

Gà xao xác gọi hồn ta từ quá khứ

Về nơi đây cùng khốn với điêu linh

Hương trái đắng mùa thu buồn bụi đỏ

Ôi ngọt ngào đâu mái tóc em xinh

Từng tiếng lẻ loi buồn thống thiết

Nghe rộn ràng từ vết lở con tim

Từ nơi đó ta ghi lời vĩnh biệt

Nắng buồn ơi là đôi mắt ân tình

Cõi xa vắng giữa trưa nào lạc lõng

Môi em hồng ta ước một vì sao

Trưa dài lắm nhưng lòng tay bé bỏng

Để vươn dài trên vầng trán em cao

 

Em ở đây chính là hình ảnh cuộc đời. Cuộc đời nếu nhìn từ chân đế, vốn là tuyệt trần Chơn mỹ, vốn là Vô sinh bất diệt, vốn là Niết Bàn, Tịnh độ như thị như nhiên. Biết được điều đó, cho nên lòng thi nhân tự bao giờ vẫn vô cùng khoan dung rộng lượng, thương yêu nhân loại trong vô ngôn lặng lẽ, trong tận cùng dung nhiếp âm thầm, chia sẻ với muôn loài vạn vật trần ai:

 

Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói

Vẫn yêu người từng khoảnh khắc chiêm bao

Từ nguyên sơ đã một lời không nói

Như trùng dương ngưng tụ ánh hoa đào

Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi

Vì yêu người ta vói bắt ngàn sao

 

Vô biên, vô lượng thương yêu con người tha thiết mà không bao giờ nói mình yêu thương gì hết cả, đó mới chính là thương yêu đích thực nhất. Phải chăng chỉ có những tấm lòng Bồ Tát mới có thứ tình yêu vô điều kiện, vô phân biệt như vậy? Một tình yêu rộng rãi Đại Bi Tâm nhập diệu, kết tinh thành bản tình ca mà thi sĩ thường lắng nghe từ hun hút biển ngàn, sông núi giữa trời đất mênh mang:

 

Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng

Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn

Triều Đông Hải vẫn thì thầm cát trắng

Chuyện tình người và nhịp thở Trường Sơn

Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị

Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng

Tay anh vói trời cao chim chiều rủ rỉ

Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường

Mười năm sau anh băng rừng vượt suối

Tìm quê hương trên vết máu đồng hoang

Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi

Từng con sông từng huyết lệ lan tràn

Mười năm đó anh quên mình sậy yếu

Đôi vai gầy từ thuở dựng quê hương

Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu

Bản tình ca vô tận của Đông Phương.

 

Bản tình ca vô tận ấy, thi nhân vẫn nghe hoài rung ngân bất tuyệt trên những dặm dài long đong lữ thứ ở dọc đường quán trọ bơ vơ, bên làng mạc, thôn ấp đìu hiu, cạnh ven rừng sơn dã hay quanh triền sông thị trấn tiêu điều hoặc trên ghềnh suối truông ngàn hoang vắng tịch liêu giữa những chiều sương khói chơi vơi bềnh bồng trống trải:

 

Em trải áo trên hoa rừng man dại

Để hoa rừng nước cuộn biết yêu nhau

Nhưng nước cuộn xóa đời ta trên bãi

Để hoa rừng phong nhụy với ngàn lau

Em xõa tóc cho cây khô sầu mộng

Để cây khô mạch suối khóc thương nhau

Ta cúi xuống trên nụ cười chín mọng

Cũng mơ màng như phố thị nhớ rừng sâu

Ta chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại

Thoảng trông em tà áo mỏng vai gầy

Ôi hạnh phúc chợt thấy mình nhỏ bé

Chép tình yêu trên trang giấy thơ ngây

Ta cúi xuống trên chân người bụi đỏ

Để nhìn sâu trong vết tích hoang đường

Ta sống lại trên môi cười rạng rỡ

Để nhìn sâu trong ngọn nên tàn canh

 

Bằng ánh mắt từ tâm thâm cảm, nhà thơ bi tráng của chúng ta nhìn sâu vào lòng đời với nụ cười bao dung rạng rỡ. Thở cùng điệu hát, bản tình ca nhã nhạc vang lừng trên núi rừng cô tịch hay giữa ngày hội lễ rộn ràng dưới phố thị xôn xao, nhà thơ đều im ắng lắng nghe trong từng khoảnh khắc lặng trầm, cảm nhận sâu xa vì biết chỉ là chiêm bao huyễn mộng trong khói bụi chập chờn:

Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn

Khóe môi cười nắng quái cũng gầy hao

Như cò trắng giữa đồng xanh bát ngát

Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao

 

Em là nàng thơ, là hình ảnh cuộc sống. Cuộc sống nếu nhìn từ tục đế thì đầy những thăng trầm, điêu linh khổ lụy từ nghìn xưa đến ngày nay. Khổ đếsự thật thứ nhất mà Đức Phật đã chỉ bày cách đây gần ba nghìn năm rồi. Giống như đại văn hào Hermann Hesse phát biểu: “Dù có bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn yêu thương trần gian điên dại này” nhà thơ Tuệ Sỹ cũng vậy, cũng hết lòng thương yêu con người, dù kiếp người có tàn xiêu hiu hắt:

Ai biết mình tóc trắng

Vì yêu ngọn lửa tàn

Rừng khuya bên bếp lửa

Ngồi đợi gió sang canh

 

Một hình một bóng cô đơn ngồi trên tuyệt đỉnh núi lạnh xanh rờn, sẵn sàng chờ đợi một điều gì có thể xảy đến, đôi mắt thi nhân cúi nhìn xuống cuộc đời đang chìm trong bóng tối mù sa mà cảm thương một nỗi u buồn xót xa sầu khôn tả:

Ta không buồn còn ai buồn hơn nữa

Người không đi sông núi có buồn đi

Tia nắng mỏng soi mòn khung cửa

Để ưu phiền nhuộm trắng hàng mi

Ta lên bờ nắng vỗ bờ róc rách

Gió ở đâu mà sông núi thì thầm

Kìa bóng cỏ nghiêng mình che hạt cát

Ráng chiều xa ai thấy mộ sương dầm?

 

Ráng chiều xa bảng lảng bóng hoàng hôn nhân loại đang phủ trùm vàng vọt xuống khắp vùng sông núi Đông phương. Cho dẫu đường đời giăng bẫy đầy hầm hố cách ngăn, khó khăn trắc trở gì gì đi nữa, thi nhân vẫn nhận diện, tỉnh thức trước những sự kiện đang diễn biến, vì đã bừng ngộ thấy:

“Ngay trong phiền não tức là Bồ Đề, ngay trong những nguy hiểm đáng sợ hãi của sinh tử cũng chính là Niết Bàn an ổn. Sợi dây bị tưởng lầm là con rắn, nhưng không phải hủy diệt sợi dây để diệt trừ ảo giác gây nên sợ hãi. Ngoài những gì vô thường được thấy, được kinh nghiệm bằng chính mắt, tai, mũi, lưỡi này, không tồn tại một thế giới chân thường, đại lạc hay đại ngã nào khác. Đó chính là thực tại Nhất nguyên tuyệt đối.” ****

Phải chăng, đó là cái thấy bằng Trí tuệ siêu việt? Một khi nhà thơ có cái nhìn tuệ giác đó rồi thì những sầu khúc thê lương kéo dài trong đợi chờ não nuột suốt mười lăm năm trường đọa đày viễn mộng như lời thơ tiên tri trước cuồng phong bão tố mịt mùng cũng chẳng hề dao động mà vẫn như như tự tại vô ngại:

Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải

Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng

Trong bóng tối nỗi gì tha thiết mãi

Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng

Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió

Màu đen tuyền ánh mắt tự ngàn xưa

Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử

Dài con sông tràn máu lệ quê cha

Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ

Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương

Người ở lại giữa bàn tay bạo chúa

Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương

Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng

Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu

Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng

Như sương mai như ánh chớp mây chiều

 

Chút thân bé bỏng dù bị tù ngục lưu đày vì sự ngộ nhận của thế lực vô minh, nhưng ngay trong dầu sôi lửa bỏng, trong đêm dài sinh tử đó, thi nhân đã nhập thần, đã thiền định, thấu thị tất cả vạn pháp “như sương mai như ánh chớp mây chiều” làm vỡ bùng rơi rụng bóng tối để rực ngời lên ánh phong quang, hiển lộ vô ngần thần lực vô vi. Một câu thơ khiến bay dậy âm vang sấm sét, mặc như lôi từ trong kinh Kim Cang làm phấn chấn bất khả tư nghì:

Tất cả pháp hữu vi

Như huyễn mộng bọt nước

Như ánh chớp sương mai

Thường quán tưởng như thị

 

Trùng trùng vạn pháp muôn loài vạn vật núi sông, rừng biển, thiên nhiên vũ trụcon người đều như mộng như huyễn, như bọt nước như sương mai…Phải thường xuyên thấy rõ ràng như thế. Tuệ Sỹ cũng nhiều lần nói:

“Tất cả giáo pháp của Phật đều hướng đến diệt trừ tự ngã. Tôi đang tồn tại, đó là một hiện thực, đồng thời cũng là một ảo ảnh. Đau khổ là một sự thực. Cái tôi đang đau khổ ấy lại là ảo ảnh. Cái ta ảo ảnh được bọc trong vỏ trứng vô minh, nó được định hình bằng vọng tưởng thành thân thể ta, linh hồn ta, sở hữu của ta, tài sản của ta, cho đến núi sông này là của ta, tài sản này là của ta, ta là tài sản này, sông núi này là của ta, ta là sông núi này. Cho nên, khi tán gia bại sản, khi sông núi sụp đổ, cái ta vọng tưởng cũng sụp đổ thì có kẻ trầm mình xuống sông hoặc treo cổ trên cành. Vì thế, khi nghe nói cái ta này là ảo ảnh, là không thực, người nghe có thể kinh hoàng như nghe sét đánh ngang tai. Tiếng sét đó là từ Kim Cang Bát Nhã. Duy có điều, mọi người đều mù, chỉ thấy bóng tối, mọi người đều điếc, chỉ nghe tiếng vo ve. Làm sao có thể thấy cái ta chỉ là ảo ảnh? Làm sao nghe được tiếng sấm từ kinh Kim Cang? Với những ai có mắt để thấy, có tai để nghe, kinh Kim Cang sẽ chỉ đường để đối diện với ảo ảnh của cái tôi và chỉ cách vận dụng kim cang xử đập vỡ vỏ trứng vô minh bao bọc tự ngã.”

Khi thi nhân lãnh hội, quán chiếu sâu xa, thấy tất cả vạn pháp như ảo ảnh, mộng huyễn như vậy thì hoát nhiên hiển lộ, bừng sáng lên một phương trời Tánh Không lồng lộng nên hết thảy mọi khổ nạn điêu linh trầm thống đều chuyển hóa thành lửa tịch mịch, tự nhiên đốt cháy hết những kinh hoàng khủng khiếp của địa ngục trần gian và sầu khúc thê lương trở thành “Bản Tình Ca Vô Tận Của Đông Phương” hay biến thành Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm thâm thúy dưới ngàn trăng sao xao xuyến lặng bồi hồi:

Nỗi nhớ đó khát khao luồn sợi tóc

Vòng tay ôm cuộn khói bâng khuâng

Uống chưa cạn chén trà sương móc

Trên đài cao em ngự mấy tầng

Lên cao mãi đường mây khép chặt

Để xoi mòn ảo tượng thiên chân

Ồ, nguyệt quế! Trắng mờ đôi mắt

Ồ, sao Em? Sao ấn mãi cung đàn?

Giai điệu cổ thoáng buồn u uất

Xưa yêu Em xao động trăng ngàn

 

Từ xưa đến nay vẫn điệp khúc cung đàn trường ca Đại Bi Tâm trầm lặng ngân rung trên cung bậc Bất nhị giữa cõi người ta vô thủy vô chung. Chúng ta hãy lắng nghe, thưởng thức những giai điệu tài hoa của nhạc sĩ tế nhị cảm giao hòa:

Ta nhận chìm thời gian trong khóe mắt

Rồi thời gian ửng đỏ đêm thiêng

Đêm chợt thành mùa đông huyễn hoặc

Cánh chim bạt ngàn từ quãng Vô biên

Từ đó ta trở về Thiên giới

Một màu xanh mù tỏa Vô biên

Bóng sao đêm dài vời vợi

Thật hay hư chiều nhỏ ưu phiền

Chiều như thế cung trầm khắc khoải

Rát đầu tay nốt nhạc triền miên

Ôm dấu lặng nhịp đàn đứt vội

Anh ở đâu khói lụa ngoài hiên?

 

Ngoài hiên chiều phất phới bay qua những vệt nắng nhạt nhòa phôi pha trong bóng tà huy thấp thoáng lan dần nhẹ tỏa xuống mềm mại những sợi khói mênh mang:

Nắng lụa đỏ phủ tường rêu xám bạc

Lá cây xanh nghiêng xuống mắt mơ màng

Người có biết mặt trời kia sẽ tắt?

Ta yêu người từ vết rạn thời gian

Thời giankhông gian trộn lẫn hòa quyện tan vào trong cùng một tấu khúc rung cảm, bồng tênh lênh láng, dạt dào du dương, vi vu vi vút nguồn cảm xúc khôn dò của người em thi ca quá tuyệt diệu trong tự tình khúc rung động chan hòa:

Tự hôm nào suối tóc ngọt lời ca

Tay em rung trên những phím lụa ngà

Thôi huyễn tượng xô người theo cát bụi

Vùng đất đỏ bàn chân ai bối rối

Đạp cung đàn sương ứa đọng vành môi

Đường xanh xanh phơn phớt nụ ai cười

Như tơ liễu ngại ngùng lay nắng nhạt

Lời tiễn biệt nói gì sau tiếng hát

Hỏi phương nào cho nguyện ước Trường Sơn

Lời em ca phong kín nhụy hoa hờn

Anh trĩu nặng núi rừng trong đáy mắt

Mờ phố thị những chiều hôn suối tóc

Bóng ai ngồi so phím lụa đàn xưa

 

Tiếng đàn miên man réo rắt lặng hồn dưới bàn tay phấn chấn thân yêu, dìu dặt vọng vang bàng hoàng qua những điệp khúc cho dương cầm thâm tình, thấm thiết mãi ngân nga từ cõi mộng không lời, hỡi vầng trăng gầy tịch nhiên soi chiếu trong vườn sương khuya mờ ảo lung linh ngời lấp lánh long lanh:

Nhà đạo nguyên không khách

Quanh năm bạn ánh đèn

Thẹn tình trăng liếc trộm

Bẽn lẽn núp sau rèm

Yêu nhau từ vạn kiếp

Nhìn nhau một thoáng qua

Nhà đạo nguyên không nói

Trăng buồn trăng đi xa

Chao ơi! Yêu thương nhau đã từ muôn triệu kiếp rồi, hỡi vầng trăng thanh thoát vàng hoa mộng như nàng thơ gầy yểu điệu, lặng lẽ chia phôi. Thôi buồn làm chi nữa phải không? Thôi cứ thản nhiên để cho hồn thơ dệt phím nhạc ngàn đời những tơ đàn diệu âm trầm bổng ngát xanh huyền:

 

Tóc em bay trong sương chiều khói biếc

Dệt tơ trời thành khúc hát bâng khuâng

Tình hay mộng khi Trường Sơn xa hút

Đến bây giờ mây trắng gởi tin sang

Hồn tôi đi trong rừng lang thang

Cộng lời ru từ ánh trăng tàn

Mắt em nhỏ ngại ngùng song cửa

Nghe tình ca trên giọt sương tan

Gót chân em nắng vàng xưa viễn phố

Những ngón hồng ngơ ngác giữa đường chim

Ôi ta nhớ như đêm dài thượng cổ

Sợi tóc mềm lơi nhịp hát trong tim

 

Trong tim, hồn rộn ràng bao nhịp hát hoang sơ từ thượng cổ vọng về, nghe như điệu hát Trang Tử Tiêu dao du, bên bờ sông xa mù Dương Tử, hay như lời thơ ngâm nga của Milarepa trên tuyệt đỉnh ngàn cao Hy Mã Lạp Sơn chập chờn sương khói tỏa thiên thu hoặc như khúc hát nghêu ngao Phóng cuồng ca của Tuệ Trung Thượng Sỹ, trong cơn xuất thần nhập diệu, đại hòa điệu chơi cùng nhật nguyệt, thiên địa tuần hoàn.

Thế là, bát ngát bồng tênh trên ngõ về im lặng, tiếng thơ trầm hùng Tuệ Sỹ như ánh trăng huyền nguyên thủy, chiếu diệu xuyên qua ngút ngàn bóng tối vô minh, làm bừng hiện rực ngời lên trên cung bậc ngôn ngữ thi ca đầy sáng tạosáng tạo tân kỳ như Tuệ Sỹ từ thuở thanh xuân đã nghe tận thần hồn:

“Ngôn ngữ không còn là một hình ảnh héo hắt của Thực tại sai biệtsai biệt. Nó không đi chơi vơi trên Thực tại mà đóng vai trò truyền thông như tiếng gọi từ trên một đỉnh trời Tuyệt đối vô tri, từ trên một đỉnh núi ngàn đời bất khả xâm phạm, luôn luôn thách đố bước tiến của con người. Nó đánh mất đi cái cụ thể nghèo nàn trong tầm mắt thường nghiệm của phàm phu để dẫn đến một chân trời rực rỡ của sáng tạo.” *****

 

Con đường mây trắng thênh thang sáng tạo đã vượt qua những mộng tàn năm tháng cũ, dù vẫn cỏn chút dư hương của một thời đọa đày viễn mộng u sầu:

 

Màu nắng xế ôi màu hương tóc cũ

Chiều chơ vơ chiều dạt mấy hồn tôi

Trời viễn mộng đọa đày đi mấy thuở

Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa trùng khơi

Vén thanh sắc đổ mù khơi về đối diện

Cuộc ân tình lơi lả vội chia phôi

Trăng nằm xuống duỗi dài hai bến hẹn

Một dòng sông vồn vã động chân trời

 

Ơi chao! Đã chia phôi, từ biệt cuộc ân tình nhân thế từ dạo đó, kể từ ngày như Nguyễn Du xa xưa từng chứng kiến giữa trần ai: Trải qua một cuộc bể dâu. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” nhà thơ Tuệ Sỹ cũng đi về theo thể điệu phiêu nhiên, quy hồi Vĩnh cửu với nụ cười sâu lắng tự tri:

 

Khói ơi! Bay thấp xuống đi

Cho ta nắm lại chút gì thanh xuân

Ta đi trong cõi Vĩnh hằng

Nhớ tàn cây nhỏ mấy lần rụng hoa

 

Vĩnh hằng chẳng ở đâu xa mà ngay trong từng sát na hiện tại, ở đây và bây giờ, ngay trong tiếng ve sầu hay từng nhịp thở nhẹ nhàng giữa lòng phố bụi lao xao:

Ve mùa hạ chợt về thành phố

Khóm cây già che nắng hoang lương

Đám bụi trắng cuốn lên đầu ngõ

Trên phím đàn lặng lẽ tan hương

Tiếng ve dội lăn tăn nốt nhỏ

Khóc mùa hè mà khô cả đại dương

 

Ngôn ngữ thi ca thường chứa nhiều ẩn dụ, tượng trưng hàm súc như vậy, chúng ta tha hồ suy diễn, lãnh hội, cảm nhận theo đủ cách điệu riêng tư của mình thôi. Đọc thơ Tuệ Sỹ là lang thang bước dạo chơi vào một thế giới diêu mang kỳ ảo vô vàn:

Một ngày chơi vơi đỉnh thác

Nghe bồn chồn tiếng gọi hư không

Giai điệu nhỏ dồn lên đôi mắt

Mặt hồ im ánh nước chập chờn

Mặt hồ im tảng màu man mác

Ảnh tượng mờ một chút sương trong

Quãng im lặng thời gian nặng hạt

Tôi nghe đời trong tấu khúc Thiên hoang

 

Tấu khúc Thiên hoang vang rền, đồng vọng trong tận đáy lòng Không Tánh vô biên, khiến cho thi nhân tự mình thưởng thức hương vị cô liêu của cuộc sống diệu thường:

 

Tự tâm tự cảnh tự thành chương

Tự đối bi hoan diệc tự thưởng

(Cô độc cảnh tâm thơ tự xuất

Tự ngắm buồn vui tự thưởng thức)

 

Thế thì, tuyệt cùng ẩn ngữ thi ca Tuệ Sỹ là gì? Làm sao chỉ ra được, khi ngôn ngữ cứ lấp lánh, ẩn hiện trong ánh sáng phát ra từ tâm cảm thâm trầm? Có ai nắm giữ được những tiếng dương cầm âm thanh thánh thót, phiêu diêu, dịu dàng vang ngân bất tận từ giữa lòng bàn tay của người nghệ sĩ tài hoa?

Đã rời khỏi Thị Ngạn Am ở Sài Gòn gần hai năm nay rồi, bây giờ Tuệ Sỹ sống lang thang đúng nghĩa lang thang, hoàn toàn rỗng rang vô sự. Vô sự là thong dong tự do, tự tại giữa đang là, không còn chạy theo nắm bắt bất cứ một cái gì nữa cả, dù đó là Phật, là Tổ như Thiền sư Lâm Tế nói:

“Con người vô sự là người đã dừng lại, không còn dính mắc vào một lý thuyết, một giáo pháp, một đường lối nào nữa hết. Con người vô sự có tự do, có khả năng sống hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại, không bị bất cứ một cái gì có thể kéo đi, kể cả lý tưởng độ sinh cứu đời. Bởi vì lý tưởng độ sinh cứu đời cũng có thể bắt mình chạy đi tìm cầu, bỏ mất giây phút hiện tại, bỏ mất cái tâm sáng chói và sáu đạo thần quang đang có mặt, vốn là nguồn gốc của tất cả chư Phật.” Lẫn vào cát bụi phù du “hòa kỳ quang đồng kỳ trần”

 

Tuệ Sỹ giống như Thiền sư thi sĩ Nhật Bản Basho xuống núi, phiêu bồng thõng tay vào chợ làm thơ và làm thơ giữa ngày tháng lưu linh cùng sương khói bồng bềnh.

Trên ngõ về im lặng, lúc thì tiêu dao với mây trắng trên núi rừng Madagoui huyền ảo, lúc thì lên đồi Phương Bối ở vùng Đại Lão, Bảo Lộc uống trà với nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, bồng bềnh xuôi về phố hoa Đà Lạt, ghé bên cầu sông nước Đại Ninh cùng những ẩn sĩ tâm tình, rồi thênh thang xuống miền biển khơi Vạn Giả, Nha Trang muôn trùng bát ngát… Hát khúc vô thanh siêu thoát làm hồi phục những tiêu điều, hiu hắt dọc khắp ven đường thi sĩ đi qua.

Hòa trong nhịp bước vân du, người viết chợt bỗng nghe văng vẳng lời nói của Phạm Công Thiện, một người bạn thâm tình chí cốt của Tuệ Sỹ:

“Một con người vừa là thi sĩ vừa là Thiền sư, vừa là nhà hành động nhập thế với tinh thần vô công dụng hạnh của bậc Bồ Tát. Hành động tích cực, mãnh liệt toàn triệt mà vẫn giữ cảm thức viễn ly và viễn mộng, vì không tham vọng, ích kỷ mù quáng, cho nên nuôi dưỡng cảm thức viễn ly, vì không bị kẹt dính vào tham sân si của thế tục, cho nên mới hàm dưỡng viễn mộng, Tuệ Sỹ là một trong số ít đạo sĩ thi nhân với pháp khí phi thườngTrí tuệ Bát nhã cùng với lòng Đại Bi thơ mộng, Tuệ Sỹ là một trong số ít thể hiện được ý nghĩa trọn vẹn của ý thức chính trị toàn diện, ý thức hành động Bi Trí Dũng, dẫn đường soi sáng Thể mệnh của Sử tính quê hương…

Anh không thể cảm thơ người ta thì anh hãy im lặng, còn nếu cảm được thì anh hãy tha thiết ca ngợi, đừng e dè giữ gìn gì cả. Không nên có những kẻ phê bình thơ mà chỉ nên có những người ca tụng thơ. Thơ là của riêng từng người, không có ai làm thầy ai cả.”

Bắt chước Phạm Công Thiện, người viết cũng muốn ca ngợi tán thán Tuệ Sỹ, một Thiền sư thi sĩ vĩ đại, một trái tim Kim Cang bất hoại vô úy nhưng ngợi ca làm chi nữa, khi mà tiếng thơ của thi nhân đã làm chấn động rung chuyển cả thế giới hoàn cầu và lan tỏa lạ thường ra khắp vũ trụ mười phương rồi. Thôi thì chỉ xin kính tặng một bài thơ bình dị:

 

Những phương trời viễn mộng đi

Thi ca tư tưởng bước kỳ ảo qua

Đọa đày một thuở ta bà

Nỗi đau rực cháy thấy ra tột cùng

Ôi! Giấc mơ Trường Sơn rung

Rúng hồn tim máu chợt bùng vỡ mơ

Kinh thiên động địa sững sờ

Đâu chân diện mục của thơ với thiền?

Mặc như lôi ngồi tịch nhiên

Nghe ban sơ vọng ngân huyền diệu âm

Những điệp khúc cho dương cầm

Từ vô tận ý vang thâm thiết niềm

 

Tâm Nhiên

 _____________________________________________

* Bùi Giáng. Đi Vào Cõi Thơ. Nhà xuất bản Ca Dao, Sài Gòn 1969

** Tuệ Sỹ. Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng. Tái bản lần thứ ba. Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn 2008

*** Tuệ Sỹ. Thắng Man Giảng Luận. Nhà xuất bản Phương Đông, 2012

**** Tuệ Sỹ. Huyền Thoại Duy Ma Cật. Nhà xuất bản Phương Đông, 2007

***** Tuệ Sỹ. Triết Học Về Tánh Không. Nhà xuất bản An Tiêm. Sài Gòn 1970

Thơ Tuệ Sỹ, trích trong 2 thi phẩm:

Giấc Mơ Trường Sơn. Nhà xuất bản An Tiêm, Paris 2002

Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm. Nhà xuất bản Phương Đông 2009.

 


Tuệ Sỹ - Bi Tráng Một Hồn Thơ


Tâm Nhiên

Đơn sơ mà kỳ vĩ, bi ai mà hùng tráng, im lặngsấm sét, tĩnh tọa mà phiêu bồng. Đó là cõi thơ trầm thống, khốc quỷ, kinh thần của Tuệ Sỹ, một thi sĩ dị thường, một tâm hồn cô liêu cùng tuyệt.

Hồn thơ khốc liệt u uẩn, ngân dài trên giai điệu trầm tư tối thượng:

Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn

Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về

 

Để cho trời thơ phiêu phưởng, bước đi lồng lộng, độc hành ca giữa đỉnh cao và hố thẳm, trầm hùng vô úy khi biết mình đang giáp mặt với thập tử nhất sinh. Một mình lẫm liệt hiên ngang bất khuất, dấn bước lên đường dưới gầm trời bão loạn cuồng si. Đi về đâu hỡi Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng (1) hỡi Giấc Mơ Trường Sơn (2) rờn máu lệ ngậm ngùi?

Cuộc lữ khởi sự từ đâu chẳng biết, chỉ hay rằng từ lúc nghe đồng vọng những trận gió phong trần tận chốn miền thiên thu vạn đại vi vu thổi tới:

Nghìn năm vang một nỗi đời

Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương

Đan sa rã mộng phi thường

Đào tiên trụi lá bên đường tử sinh

 

Sinh tử là một việc trọng đại như thi nhân đã có lần nói tới trong lời tựa Vô Môn Quan (3): “Lẽ sống và lẽ chết cứ mãi bập bềnh trên hư ảo. Tâm hồn miệt mài nóng cháy nhưng không cháy tan nổi những giấc mộng hãi hùng của hư vô và hủy diệt.” Hư vô đã trở thành một thứ chủ nghĩa đang hủy diệt mặt đất một cách trầm trọng đau thương, khiến thi sĩ nghe ra nghèn nghẹn tận đáy hồn:

 

Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc

Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu

Nghe một nỗi hao mòn trong thoáng chốc

Một mùa thu một vạn tiếng kêu gào

 

Nghe tiếng gào kêu thống thiết của nhân gian, của thập loại chúng sinh đang quằn quại rên siết trong bao đổ nát đoạn trường, giữa cuộc vô thường dâu bể tan hoang đầy thảm họa tồn sinh bức bách, khiến cho nhà thơ phát tâm đại nguyện yêu thương nhân loại trong vô ngôn lặng lẽ âm thầm:

Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói

Vẫn yêu người từng khoảnh khắc chiêm bao

Từ nguyên sơ đã một lời không nói

Như trùng dương ngưng tụ ánh hoa đào

Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi

Vì yêu người ta vói bắt ngàn sao

 

Vô biên, vô lượng thương yêu con người tha thiết mà không bao giờ nói mình yêu thương gì hết cả, đó mới chính là thương yêu đích thực nhất. Phải chăng chỉ có những tấm lòng Bồ-Tát mới có thứ tình yêu vô điều kiện, vô phân biệt như vậy? Một tình yêu rộng rãi Đại Bi tâm nhập diệu, kết tinh thành bản tình ca mà thi sĩ thường lắng nghe từ hun hút núi sông, rừng biển, đất trời:

Mười năm đó anh quên mình sậy yếu

Đôi vai gầy từ thuở dựng quê hương

Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu

Bản tình ca vô tận của Đông Phương

 

Bản tình ca ấy, thi nhân vẫn nghe hoài rung ngân bất tuyệt trên những dặm dài long đong lữ thứ giữa những chuỗi ngày lênh đênh bên ghềnh suối truông ngàn Vạn Giã hoang vắng tịch liêu, tiều tụy nỗi u hoài:

Anh chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại

Thoảng trông em tà áo mỏng vai gầy

Ôi hạnh phúc anh thấy mình nhỏ bé

Chép tình yêu trên trang giấy thơ ngây

 

Em ở đây là hình ảnh cuộc đời. Cuộc đời vốn dĩ lao đao khổ lụy từ nghìn xưa đến ngày nay. Khổ đếsự thật thứ nhất mà đức Phật đã chỉ bày cách đây gần ba nghìn năm rồi. Giống như đại văn hào Hermann Hesse phát biểu: “Dù bị đau đớn quằn quại tôi vẫn yêu thương trần gian điên dại này.” Nhà thơ Tuệ Sỹ cũng vậy, cũng hết lòng thương yêu con người, dù kiếp người có tàn xiêu hiu hắt:

Ai biết mình tóc trắng

Vì yêu ngọn lửa tàn

Rừng khuya bên bếp lửa

Ngồi đợi gió sang canh

 

Một hình một bóng cô đơn ngồi trên tuyệt đỉnh núi lạnh xanh rờn, đôi mắt thi nhân cúi nhìn xuống cuộc đời đang chìm trong bóng tối mù sa mà cảm thương một nỗi u sầu xót xa vô hạn:

Ta không buồn còn ai buồn hơn nữa?

Người không đi sông núi có buồn đi?

Tia nắng mỏng soi mòn khung cửa

Để ưu phiền nhuộm trắng hàng mi

 

Sầu khúc thê lương kéo dài suốt mười lăm năm trường đọa đày viễn mộng, như lời thơ tiên tri thấu thị trước cuồng phong bão tố phủ trùm xuống mịt mù u tối:

Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng

Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu

Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng

Như sương mai như ánh chớp mây chiều

 

“Như sương mai như ánh chớp mây chiều” Một câu thơ làm bay dậy âm vang sấm sét, mặc như lôi trong kinh Kim Cang làm phấn chấn bất khả tư nghì:

Tất cả pháp hữu vi

Như huyễn mộng bọt nước

Như ánh chớp sương mai

Thường quán tưởng như thị.”

Khi thi nhân lãnh hội, quán chiếu sâu xa, thấy tất cả vạn pháp như mộng huyễn thì hoát nhiên hiển lộ một phương trời Tự Tánh thanh tịnh nên hết thảy mọi khổ nạn điêu linh đều chuyển hóa thành lửa tịch mịch, tự nhiên đốt cháy hết những kinh hoàng khủng khiếp của địa ngục trần gian và sầu khúc thê lương trở thành “Bản Tình Ca Vô Tận Của Đông Phương” hay biến thành Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm (4) thâm thúy dưới ngàn trăng:

Ồ! Nguyệt quế trắng mờ đôi mắt

Ồ! Sao Em sao ấn mãi cung đàn?

Giai điệu cổ thoáng buồn u uất

Xưa yêu Em xao động trăng ngàn

 

Từ xưa đến nay vẫn cung cầm Đại Bi Tâm trầm lặng ngân rung trên cung bậc thượng thừa Bất Nhị giữa cõi người ta vô thủy vô chung

Trên ngõ về cố quận, bỗng nghe văng vẳng lời nói của Phạm Công Thiện, một người bạn thâm tình chí cốt của Tuệ Sỹ: “Anh không thể cảm thơ người ta thì anh hãy im lặng, còn nếu cảm được thì anh hãy tha thiết ca ngợi, đừng e dè giữ gìn gì cả. Không nên có những kẻ phê bình thơ mà chỉ nên có những người ca tụng thơ. Thơ là của riêng từng người, không có ai làm thầy ai cả.”

Bắt chước Phạm Công Thiện, người viết cũng muốn ca ngợi tán thán Tuệ Sỹ, một Thiền sư thi sĩ vĩ đại, một trái tim Kim Cang bất hoại vô úy nhưng ngợi ca làm chi nữa, khi mà tiếng thơ của thi nhân đã làm chấn động rung chuyển cả thế giới hoàn cầu và lan tỏa diệu thường ra khắp vũ trụ mười phương rồi.

 

Ôi nỗi buồn từ ngày ta lạc bước

Cố quên mìnhthân phận thần tiên.

 

Chú thích:

(1) Tuệ Sỹ. Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng. Tái bản lần thứ ba. Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn. 2008

(2) Tuệ Sỹ. Giấc Mơ Trường Sơn. An Tiêm xuất bản. Paris 2002

(3) Vô Môn Quan. Trần Tuấn Mẫn dịch. An Tiêm xuất bản. Sài Gòn 1973

(4) Tuệ Sỹ. Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm. NXB Phương Đông. 2009.

 

Thiên Nhãn 

 

Tâm Thường Định 

Kính dâng Thầy Tuệ Sỹ 

 

Đôi mắt sâu hun hút của Người 

Tinh anh rực sáng 

Xa xôi và diệu vợi 

Tàng chứa những bí ẩn 

Cùng những tinh hoa vô giá 

Những kham nhẫn vô biên 

Ôi đôi mắt rất hiền 

Mênh mông bốn tâm vô lượng 

Ngài là con người cao thượng 

Ở Ngài, con tìm thấy niềm tin yêu và hy vọng 

Ôi con người thong dong 

Lặng yên mà hùng tráng 

Người biểu hiện của tươi sáng 

Dáng Người như sự trầm luân của Sơn hà xã tắc 

Mong manhbất diệt 

Khắc khổ mà anh minh

Nước Việt sẽ hồi sinh 

Vì những bậc nhân tài của đất nước 

đạo đứctình thương bao dung rộng lớn 

Biết tha thứ bao dung 

Như Ngài 

hiện thân của hàng Bồ Tát 

Còn Ngài, đời vẫn hát 

Bài ca hy vọng ngập tràng. 

Ngài - đôi mắt sâu hun hút 

“Trên tất cả đỉnh cao 

Chỉ là sự lặng im.” * 

 

 

Quán Trọ Thong Dong

 

Tâm Thường Định

 (Thân tặng chị Tâm Minh và anh Tâm Quang Vĩnh Hảo)

Thầy đi sương khói long đong

Về đâu cánh hạc thong dong cõi trần

Ý sắt đá chí kim cang

Vào ra tự tại niết bàn tánh không

Tâm từ ái bao cõi lòng

Mang tình thương lớn vun trồng quê hương

Rong chơi khắp mọi nẻo đường

Lợi danh vạt nắng hạt sương đầu cành

Thầy đi quán trọ thong dong

Chân như vũ trụ cõi không tâm Người.

 ___________________

 * “Thay lời dẫn cho Thơ Phạm Công Thiện” của Tuệ Sỹ

 

 

GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT

Công Trình Dịch Thuật Kinh, Luật, Luận, Triết Học, Thi Ca của TT Tuệ Sỹ

 

NGUYÊN SIÊU

 

Xuyên suốt tầm nhìn để làm việc xâu kết một công trình học thuật có tầm vóc là một điều vô cùng khó khăn. Hơn nữa, một công trình học thuật lại là của một bậc Thầy, của một nhà nghiên cứu Phật học uyên bác, của một nhà tư tưởng, thi ca đương thời thì quả thật lại càng không nên.

Nếu nói về số lượng của công trình học thuật ấy cũng đủ để cho chúng ta kính trọng, ngưỡng mộ cái khả năng bền bỉ, liên tục, làm việc không biết mỏi mệt, để ngày hôm nay đã tác thành những bộ kinh được luận giải, chuyển ngữ từ Phạn bản, Hán tạng ra Việt ngữ. Bao nhiêu tư tưởng triết học từ Ðông sang Tây được viết thành những chủ đề lớn để thấy được hai nền văn hóa Ðông Tây gặp nhau dưới ngòi bút của Thầy. Và còn biết bao những áng văn thơ khác nữa.

Nếu nói về phẩm, qua công trình học thuật ấy, thì Thầy có một trí tuệ hoằng viễn, một công trình giảng luận to lớn qua các tác dịch phẩm đã được ấn hành. Do vậy, nhân buổi lễ giới thiệu tác phẩm "Huyền Thoại Duy Ma Cật" hôm nay, người viết xin phép được giới thiệu một cách tiêu biểu các tác dịch phẩm, các chủ đề biện bàn Triết Học Tư Tưởng Ðông Tây, Tư Tưởng Phật Học và một số bài thơ mang tình đạo vị, quê hương, dân tộc, để thấy một người con dân nước Việt đã sống trong lòng quê hương, lớn lên trong tình tự dân tộc đã cùng chia sẻ, cưu mang những bước thăng trầm của vận nước và từ đó đã đi theo định nghiệp của mình, như lời tựa, Thắng Man Giảng Luận: do Ban Tu Thư Viện Cao Ðẳng Phật Học Hải Ðức Nha Trang ấn hành năm 2001:

"Bản Kinh Thắng Man này được dịch và giải vào một thời điểm mà dấu ấn của nó sẽ mãi mãi không phai mờ trong tâm trí của những chứng nhân lịch sử. Mỗi cá nhân nhìn theo góc độ nhãn quan của mình. Bằng hữu trí thức có thể tìm thấy đâu đó, giữa hai hàng chữ dịch và giải, dấu ấn mơ hồ của thời gian. Một cọng cỏ non yếu, cố vươn mình đón bắt ánh sáng cho lẽ sống, dưới sức nặng tàn bạo của khối đá vô tri lầm lì. Bản dịch và giải chỉ mới hoàn tất phần đại cương. Nhưng cũng phải tạm thời xếp vào góc tối của giá sách. Người viết đi theo định nghiệp của mình. Hay của cả dân tộc?"

 

Dịch Thuật Kinh Tạng:

Trong thời gian nhập thất Thầy đã dịch xong bộ A Hàm (Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhứt A HàmTạp A Hàm) làm Kinh học cho các lớp chuyên khoa Phật Học, đồng thời cũng để cho các thế hệ kế thừa có cái nhìn thấu triệt về đời sống, và công cuộc thuyết pháp hóa độ thường nhật của Ðức Thế Tôn và hàng Thánh chúng.

Nội dung bốn bộ Kinh A Hàm, Ðức Phật thuyết pháp cho đủ mọi giới, từ thế giới chư thiên đến hội chúng Thánh đệ tử, từ xã hội loài người đến các loài chúng sinh khác. Ðức Phật không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, vua chúa, cùng đinh, trí thức hay yếu kém, thành thị hay thôn quê, bất cứ ai có đủ nhân duyên thì Ðức Phật đều hóa độ. Như kinh Angulimala, chàng Vô Não, Ðức Phật hóa độ kẻ sát nhân thành Thánh quả. Kinh Amparali Ðức Phật hóa độ người kỹ nữ thành thánh thiện, người gánh phân thành A La Hán, bậc vua chúa thành người hộ pháp và hàng trưởng giả thành đại thí chủ. Trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, Ðức Phật hóa độ chàng Thiện Sanh lạy lục phương trong Thánh pháp luật. Kinh Phạm Thiên thỉnh Phật, hóa độ qua các cung trời. Kinh Thủy Tịnh Phạm Chí, hóa độ hàng Bà La Môn ngoại đạo, mà cách thức tu hành của họ là lõa thể, hay khổ hạnh theo cách sống của loài súc vật - Ngưu hành giả, Cẩu hành giả, bắt chước cách ăn như trâu và ngồi chồm hổm như chó.

Cũng trong nội dung bốn bộ A Hàm đã nói lên đời sống thật đơn giản, ít nhu cầu và an nhiên tự tại của Ðức Phật: Ngày chỉ ăn một bữa, tối ngủ dưới gốc cây, với ba tấm y, một bình bát, một đãy lọc nước, một túi kim chỉ, tọa cụ và cây gậy. Gia tài Ðức Phật chỉ có chừng đó. Bất cứ nơi nào cũng là chốn an nghỉ của Ngài, khi thì trong ngôi nhà trống, khi thì nơi đống rơm, trong căn phòng của người thợ đồ gốm, khi thì dưới gốc cây hay bên triền núi...

Nền văn học Kinh văn A Hàm đã làm sống lại thời Ðức Thế Tôn tại thế, cũng như hàng Thánh chúng trong sự tu tập, thiền định hằng ngày. Trong sự tu tập thiền định ấy, quán chiếu tự thân, thọ, tâm, pháp để ý thức từng cảm giác, động tác nơi chính mình, loại trừ vô minh, cấu uế, chấm dứt phiền não ô trược của tham sân si, để chuyển thành vô tham, vô sân, vô si...

Thầy phiên dịch bốn bộ kinh A Hàm chứa đựng bao nhiêu tinh túy, thâm uyên của nền kinh viện Nguyên Thủy Phật giáo, đã làm tỏ rạng, đậm nét từng bước chân đi của Ðức Phật in dấu trên khắp mọi nẻo đường hóa độ, thì đồng thời, Thầy cũng dịch thuật những bộ kinh thuộc nền kinh viện Ðại Thừa, phát huy Bồ Tát Đạo. Những vị Bồ Tát sống đời tại gia, hình dung, dáng dấp không khác một ai, nhưng tâm tư, ý niệm lại là hóa thân của Ðại Bồ Tát, mang hành trang Bi Nguyện làm đẹp cuộc đời, cứu vớt trầm luân. Những bản kinh hàm súc nội dung ấy là: Thắng Man Giảng Luận, Duy Ma Cật Sở Thuyết, Huyền Thoại Duy Ma Cật, Pháp Thoại Duy Ma Cật...

Yếu chỉ của những bộ kinh ấy đã dạy cho chúng ta thấy con đường của Bồ Tát đi, chí nguyện của Bồ Tát phát và hành vi của Bồ Tát làm để phụng sự lý tưởng giác ngộ. Dù trên con đường phụng sự ấy, gặp phải muôn ngàn chướng duyên, nghịch cảnh, Bồ Tát cũng không nao núng ý chí độ sinh. Bởi vì Bồ Tát có đủ Ðạo, Nguyện, Hành, có đủ Bồ Ðề Tâm, lòng giác ngộ cho mình và cho người.

Trong Thắng Man Giảng Luận, Tiết 2: Phát Bồ Ðề Tâm, Thầy viết: "Hạt giống Bồ Đề không được gieo vào một cánh đồng trừu tượng nào xa xôi, cũng không chờ đợi gieo vào một vùng đất hứa thần thoại nào khác, mà nó được gieo xuống ngay trên sa mạc sinh tử này, khô cằn với những đau khổ triền miên của chúng sinh này. Rồi hạt giống ấy cần phải được tưới bằng nước ngọt của Từ Bi để lớn mạnh, để đến thời trổ hoa giác ngộ. Do đó, quá trình Quy, Giới, Nguyện và Hành của Bồ Tát Đạo là những giai đoạn gieo xuống và vun tưới hạt giống Bồ Đề. Nói cách khác phát Bồ Ðề Tâm và thành tựu Bồ Đề quả là trọn vẹn tất cả sự nghiệp của Bồ Tát."

Thầy tiếp tục lý giải bước đầu của Bồ Tát phát tâm phải như thế nào? Bằng cái nhìn thẩm thấu xuyên suốt ba đường ác đạo, bằng cái khổ miên man trên ngọn lửa thiêu đốt, chúng sinh mãi lang thang trong rừng vô minh, đại dương sinh tử mà chưa từng có ý niệm vượt thoát sông mê. Từng những ý niệm ban sơ cứu độ, từng những cảm xúc đến những nỗi khổ của chúng sinh, Bồ Tát phát khởi chí nguyện gieo hạt mầm giác ngộ trên mảnh đất phiền não thế gian - phiền não tức Bồ Đề, để từ đó hương vị giải thoát được vươn cao, thành tàng rộng che mát thế gian nhiều nắng quái và tiếp tục nuôi dưỡng bằng dòng sữa từ ái lớn khôn trên con đường chuyển mê khai ngộ, từ phàm thành thánh.

Ðể thấy rõ ý nghĩa đích thực của Bồ Ðề Tâm mà một vị Bồ Tát hay hành giả đi trên con đường cứu độ phải thân chứng, thật chứng tánh đức vị tha ấy. Thầy viết:

"Bồ Ðề Tâm là gì? Bồ Ðề Tâm đó là chí nguyện nóng bỏng của một chúng sinh tự thấy mình đang sống trong cảnh tối tăm giữa đọa đày khổ nhục, mong tìm một con đường sáng không những để giải thoát bản thân khỏi những đe dọa áp bức mà còn để giải thoát cho tất cả những người cùng cảnh ngộ. Bồ Ðề Tâm, đó là ý chí kiên cường bất khuất của một người bị cột trói trên ngọn lửa rực cháy, bị chà đạp dưới những sức mạnh tàn khốc của tham vọng, điên cuồng của chính ta và của một tập thể ma quái chung quanh ta. "Vui cười gì, thích thú gì, giữa ngọn lửa không ngừng thiêu đốt? Bị bao phủ trong bóng tối, sao không đi tìm ngọn đuốc?"

Không có tâm nguyện đó, không có ý chí đó, Bồ Tát Đạo chỉ là một con đường xa xôi, không tưởng, thần thoại hoang đường. Và Phật thừa không hơn một tiếng nói suông của một người mê sảng trong giấc ngủ ngày."

Từ sự suy tư hiện thành lý giải, giảng luận, chúng ta thấy Bồ Ðề tâm mang nhiều ý nghĩa qua sự sưu khảo nghiên cứu từ Ðại Tạng Kinh, từ những bộ luận lớn cho người học Phật một kiến thức Phật pháp, một cái học đầy hứng thú, một kiến giải Phật pháp thâm uyên. Và cũng từ sự học Phật đó để trang bị cho mình, hay nói cho đúng hơn, chớ có đánh mất Bồ Ðề Tâm, mà phải luôn nhớ, và luôn luôn hiện hữu, dù bất cứ sống chết trong loài chúng sinh nào. Bởi vì Bồ Ðề Tâm là tâm giác ngộ. Trên con đường tu tập mà quên đi cái tâm giác ngộ thì tu tập để thành cái gì? Bồ Ðề Tâm là nhân tố, là những điều kiện tất yếu cần có trên con đường thăng tiến cầu đạo Vô thượng, là những phẩm tính siêu việt nâng đỡ để Bồ Tát thành tựu ước nguyện.

Trong phần chú thích, Thầy đã dẫn giải:

"Bồ Ðề Tâm (SKT Bodhicitta), nói đủ là vô thượng Bồ Ðề Tâm, hay A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Ðề Tâm (SKT Anuttara-Samyak-Sambodhi-citta) tức tâm nguyện thành tựu sự giác ngộ tối thượng. Ðại trí độ: "Bồ Tát sơ phát tâm, lấy vô thượng Bồ Đề làm đối tượng, nói rằng: Mong tôi sẽ thành Phật. Ðó gọi là Bồ Ðề Tâm." Bồ Tát Di Lặc nói với Thiện Tài: "Bồ Ðề Tâm là hạt giống của hết thảy Phật pháp. Bồ Ðề Tâm là ruộng phước vì nuôi lớn pháp bạch tịch. Bồ Ðề Tâm là cõi đất lớn, vì nâng đỡ hết thảy thế gian. Bồ Ðề Tâm là tịnh thủy, vì rửa sạch tất cả cáu bợn phiền não..."

Thắng Man Giảng Luậnbộ kinh lấy tên người con gái của Vua Ba Tư NặcMạt Lỵ phu nhân để đặt tên. Nguyên do, sau khi tiếp nhận thư của vua cha và mẫu hậu tán thán những phẩm tính siêu việt của Như Lai mà Thắng Man đã phát khởi niềm tin thâm thiết, và phát nguyện rộng lớn, ấy là chí nguyện đại thừa Bồ Tát, thượng cầu hạ hóa. Một chí nguyện hy hiến thân mạng để tôn sùng Ðạo pháp, để lợi lạc chúng sinh. "Thắng Man phu nhân phát khởi chí nguyện. Chí nguyện ấy là mong học hỏithấu triệt vô lượng vô biên Phật pháp; và không chỉ có thế, chí nguyện phu nhân còn hướng đến những thực hành cao cả, tự mình gánh vác trách nhiệm lớn lao, sẵn sàng xả bỏ thân mạng vì sự tồn tại của chánh phápvì lợi ích của tất cả chúng sinh."

Tên người Thắng Man, biểu tượng công hạnh Bồ Tát của nữ giới. Từ biểu tượng Bồ Tát này, chúng ta thấy hình ảnh Bồ Tát Duy Ma Cật trong Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, hay Huyền Thoại Duy Ma Cật, mà Thầy đã giới thiệuluận giải. Ðể rõ duyên doý niệm của Kinh, trong chương II Phương Tiện Quyền Xảo, Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh đã nói:

"Bấy giờ, trong thành Tỳ Da Li có vị trưởng giả tên Duy Ma Cật, hằng cúng dường vô lượng Phật, trồng gốc rễ thiện, chứng đắc vô sanh pháp nhẫn, có tài biện thuyết vô ngại, hiện du hí thần thông, nắm vững các tổng trì, đạt được vô sở úy, khuất phục mọi thù nghịch quấy nhiễu của Ma, thấu hiểu mọi pháp môn sâu thẳm, dẫn đến giác ngộ... An trú trong oai lực nhiệm mầu của Phật, tâm ông luôn trải rộng như đại dương. Ðược chư Phật ca ngợi, hàng Ðế Thích và Phạm Thiên kính phục."

Một vị Bồ Tát hiện thân Trưởng giả, có đủ đời sống ngũ dục mà không bị chi phối bởi ngũ dục. Ở trong hương sắc của thế gian mà không bị thế gian đắm nhiễm. Vui chơi trong cuộc sống mà lúc nào cũng trụ trong đạo tràng thanh tịnh - Tùy sở trú xứ thường an lạc.

Ðây là tư tưởng Ðại thừa Phật giáo, bàng bạc trong Kinh văn Duy Ma Cật. Có lần Duy Ma Cật Trưởng giả gặp Ngài Xá Lợi Phất đang tĩnh tọa trong khu rừng vắng, Duy Ma Cật hỏi Ngài Xá Lợi Phất:

"Thưa Ngài Xá Lợi Phất, bất tất ngồi như thế mới là tĩnh tọa... không khởi diệt tận định (Samjnàvedita -Nirodha-Samàpatti) mà hiện các oai nghi, đó mới là tĩnh tọa... không đoạn phiền nãonhập Niết Bàn, ấy mới là tĩnh tọa..."

 Ðó là cung cách của Ngài Xá Lợi Phất - bậc A La Hán. Còn đối với chư vị Bồ Tát, có lần Duy Ma Cật lên cung trời Ðâu Xuất (Tusita) viếng Bồ Tát Di Lặc (Maitreya) và hỏi:

"Thưa Ngài Di Lặc, Thế Tôn thọ ký cho Ngài, một đời nữa sẽ thành Phật. Nhưng Ngài được thọ ký theo đời nào? Quá khứ chăng? Quá khứ đã qua rồi. Vị lai chăng? Vị lai chưa đến. Hiện tại chăng? Hiện tại không dừng?"

Huyền Thoại Duy Ma Cật, tác phẩm được giới thiệu hôm nay, hàm tàng một nội dung ẩn mật phô diễn hành trạng của vị Bồ Tát hóa thân vào đời để thi thiết Bồ Tát đạo, lập thệ sâu xa Bồ Tát nguyệntác thành chân thân Bồ Tát hạnh giữa biển đời sinh tử trầm luân. Huyền Thoại Duy Ma Cậttác phẩm mới nhất được Thầy dịch giảng, luận giải bằng sở tri uyên thâm Phật pháp, bằng nghệ thuật văn phong lịch nghiệm để từ đó hiến dâng, trao tặng cho tất cả bằng hữu tri thức, cùng pháp giới chúng sanh thấm nhuần ân pháp nhũ.

Như vậy, riêng về phần phiên dịch Kinh tạng, Thầy đã phiên dịch hai hệ kinh điển Nguyên Thủy Phật giáo - Kinh A Hàm và Ðại Thừa Bồ Tát - Duy Ma Cật, Thắng Man để giúp người học Phật có cái nhìn tổng quát qua hai hệ kinh điển của Thượng Tọa bộ và Ðại Chúng bộ theo từ ngữ thời bấy giờ. Nhưng, cho đến hôm nay, có lẽ cái nhìn được cởi mở và thấu triệt hơn nên Thầy đã phiên dịch Kinh điển để cống hiến sự lợi ích cho mọi người và cũng để góp phần xây dựng nền học thuật kinh điển nước nhà ngày thêm phong phú.

 

Dịch Thuật Luật Tạng

Về Tạng Luật, Thầy đã để phần lớn thời gian hiệu đính, chú thích kỹ lưỡng vì tầm quan trọng của giới luật. Tỳ Ni tạng trụ, Phật pháp diệc trụ - Luật tạng được vững bền thì Phật pháp cũng được bền vững. Là cột trụ của ngôi nhà Phật pháp, nên giới luật không thể khinh suất, từ đó Thầy đã hoàn thành bộ Tứ Phần Luật gồm có sáu quyển cũng như bộ Yết Ma Yếu Chỉ, nhờ vậy mà các thế hệ chúng Tăng hôm nay có đủ bộ luật để học trong các tự viện và các trường Phật học, mà không còn tùy thuộc vốn liếng chữ Hán. Bộ Luật Tứ Phần cũng như Yết Ma Yếu Chỉ đã được ấn hành tương đối đầy đủ cho các Tăng sinh trong những mùa an cư kiết hạ hay những khóa học Phật pháp. Thiết nghĩ bộ Luật Tứ PhầnYết Ma Yếu Chỉ cần được giảng dạy cho Tăng chúng, nhất là môi trường ở hải ngoại này.

Nếu ai đó ưu tư về mạng mạch của Tăng già, tuổi thọ Phật pháp và làm thế nào để phát huy và giữ vững nếp sống của cộng đồng Tăng lữ ngày một hưng thịnh, thì Thầy là một trong những bậc Tôn túc thiết tha, tâm lượng đến tuổi thọ và sức sống ấy. Nỗi ưu tư suy tưởng đã hiện thành việc làm cụ thể, thích hợp qua công trình phiên dịch luật tạng hôm nay. Trong khi phiên dịch hay hiệu đính, chú thích là việc làm hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng, kiến thức về luật tạng, nếu không đủ năng khiếu về ngôn ngữ, mà nhất là thứ ngôn ngữ cổ: Phạn, Pàli, Hán thì khó mà dịch hay hiệu đính cho đúng. Do vậy, làm một công trình thuộc văn học luật, văn hóa Phật, đòi hỏi sự thận trọng, tôn trọng lời Phật dạy, nếu không sẽ gây tai hại cho nhiều thế hệ mai sau. Trong khi phiên dịch, những điều sai sót về chữ nghĩa, ngôn từ là điều không phải không có, như trong phần Tự Ngôn, Thầy viết:

"Có nhiều trường hợp căn cứ trên các Phạn bản, chủ yếu là bản Pàli để chỉnh lý những điểm sai sót trong bản Hán do sao chép. Thí dụ, trang 85-1a, bản Hán chép là Bà La Bạt Ðề, đây là tên của một cô gái đọc theo Pàli là Sàlavatì, do đó biết rằng Hán đã chép nhầm từ Sa thành Bà vậy từ đúng là Sa La Bạt Ðề, thay vì là Bà La Bạt Ðề trong các ấn bản Hán."

Sự sai sót này đòi hỏi người dịch, hiệu chính, chú thích phải thông hiểu thấu đáo ngôn ngữkiến thức Phật học, đọc qua nhiều Ðại Tạng ngôn ngữ khác nhau để đối chiếu, tìm ra chỗ đúng và chỗ không đúng. Trong khi làm việc này, Thầy xem như không khó lắm, có nghĩa là rất dễ dàng đối với Thầy trên phạm vi ngữ pháp. Thầy viết:

"Mặt khác, những sai sót do sao chép thường nhầm lẫn tự dạng mà Khuy Cơ (Thành duy thức luận thuật ký tự) nói là suyễn phượng ngoa phong, quai ngư mậu lỗ." Chữ phượng nhầm lẫn với chữ phong, chữ ngư lẫn lộn với chữ lỗ; những trường hợp như vậy rất thường xuyên, và chỉnh lý không khó khăn lắm, tùy thuộc trình độ ngôn ngữ, và trình độ nhận thức giáo nghĩa."

Việc làm của người nắm vững mực thước, quy củ, Thầy đã nhiều lần thấy tầm quan trọng của giới luật, mà khi xưa một thời chư bậc Tổ đức Thiền gia đã giữ gìn như giữ tròng con mắt, không thể khinh suất. Chính vì vậy mà quý Ngài là chỗ nương tựa của chúng Tăng, là bậc Long Tượng trong rừng thiền, là gốc cây đại thọ ngàn năm rợp bóng cho nhiều thế hệ nương theo. Những bậc tuyên dương giới luật làm rạng ngời nếp sống phạm hạnh huân tu, mãi mãi cho đến bây giờ, mỗi khi nhìn lên bàn thờ Tổ, vẫn thấy nét thâm nghiêm thanh tịnh còn hiển hiện. Ðạo phong trác việt, tánh đức uy nghi như là bài học sống động suốt thời gian chẳng phai mờ. Hình ảnh của chư vị Kỳ Túc Tổ Sư thờ nơi hậu Tổ như luôn nhắc nhở hàng hậu học, mỗi khi lễ Tổ thỉnh sư hành lễ. Những hình ảnh ấy, khi còn sanh tiền hay giờ này đã chích lý Tây quy, nhẹ bước về miền tịnh địa thì cũng vẫn là hương xưa còn phảng phất, âm hưởng chẳng bặt tăm. Nghi dung một thời đĩnh đạc trong chốn tòng lâm, làm tấm gương soi cho hậu thế. Nghĩ đến những tấm gương làu làu sáng rỡ, chẳng chút bụi trần mà Thầy viết lời Tự Ngôn đượm nhuần tình tự của kẻ kế thừa, nối gót theo sau:

"Hòa thượng là một số rất ít trong các Tỳ Kheo trì luật của Tăng già Việt Nam, kể từ khi Phật giáo được trùng hưng, Tăng thể được chấn chỉnh và khôi phục. Thế hệ thứ nhất trong phả hệ truyền thừa luật tạng của Tăng già Việt Nam thời trùng hưng hiện đại bao gồm bóng mờ của nhiều bậc Thượng tôn, Trưởng lão, uy nghi đĩnh đạc nhưng khó hình dung rõ nét đối với các thế hệ tiếp bước theo sau. Các Ngài xứng đáng là bậc Long Tượng trong chốn tòng lâm, mà đời sống phạm hạnh nghiêm túc, phản chiếu giới đức sáng ngời, tịnh như băng tuyết, mãi mãi ghi dấu trên các nẻo đường hành cước, tham phương, hoằng truyền chánh pháp."

Bằng tầm nhìn suốt một chặng đường lịch sử hoằng truyền chánh pháp chấn chỉnh tông môn, thì luật tạng là điều trọng yếu trong công cuộc hoằng truyền và chấn chỉnh, mà dư hưởng một thời của chư bậc Tổ Ðức còn âm vang làm chất liệu cơ năng cho sự bảo lưu nền văn học luật tạng, Thầy đã đi trên dòng lịch sử bảo lưu ấy.

Có thể nói, thế hệ của Thầy là điểm gạch nối giữa thế hệ cha ông và thế hệ tử đệ của Thầy. Do vậy, Thầy đã uống được ngụm nước đầu nguồn tươi mát đó mà tưới tẩm vun bồi cho thế hệ kế thừa và nhiều thế hệ sau nữa. Cho nên Thầy phải làm và làm thật nhiều những gì cần làm để xây dựng, tạo lập một kho tàng pháp bảo bằng khả năng hiện có của Thầy, ngõ hầu góp phần xây dựng chung cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ngày thêm vững chắc, trong khả năng hiểu biết của một vị tăng với sứ mệnh phụng sự Ðạo pháp và cộng đồng Tăng.

Nhân danh một cá nhân tăng để san bằng tất cả những khúc mắc, gập ghềnh chung và bổ túc những khiếm khuyết nếu có qua công trình biên khảo, dịch thuật của chư vị dịch giả khác. Tâm nguyện phụng sự của Thầy được dàn trải qua các "Lời Tựa, Tự Ngôn, Tiểu Dẫn...". Trong tập Yết Ma Yếu Chỉ, phần Tiểu Dẫn, Thầy đã trình bày thực trạng của cộng đồng Tăng lữ Việt Nam bị trì kéo bởi nhiều thế lực thế tục, mà Tăng già không ý thức trách nhiệm tự tồn sẽ bị vong thân theo những thế lực ấy. Ðó là nỗi đau thường hằng và trực diện. Nỗi đau hằn lên tâm khảm thành những vết tích loang lở của thời đại đã xé nát thân thể Tăng già Việt Nam. Thầy viết:

"Trong mấy thập niên trở lại, với mặc cảm tự ti của một quốc gia nô lệ, xã hội Việt Namxu hướng bứt rễ truyền thống để đua kịp người khác. Các học thuyết triết học phương Tây được mô phỏng một cách vội vã, từ chủ nghĩa Duy Tâm Nhân Vị, cho đến Duy Vật Vô Thần, thật sự đang để lại trên cơ thể Việt Nam những rạn nứt vô cùng đau nhức. Trong bối cảnh xã hội đó chưa thấy cộng đồng Tăng lữquốc gia nào mà chịu nhiều rạn nứt như ở Việt Nam."

Những thẩm định ấy được xác lập bằng định nghiệp của chính Thầy hay cộng nghiệp chung của cộng đồng dân tộc trong đó có Phật giáo Việt Nam, phải băng vượt qua bao nhiêu thác ghềnh thời đại, bao nhiêu thế lựctham vọng độc tôn. Ðây là bài học xương máu mà cộng đồng Tăng lữ Việt Nam phải chiêm nghiệm.

 

Dịch Thuật Luận Tạng

Như bao nhiêu Luận sư khác, Thầy đã dịch thành Duy Thức Luận, A Tỳ Ðạt Ma Câu Xá Luận... tất cả những bộ luận này đều được giảng dạy trong các Phật Học Viện, cũng như thời gian Thầy đảm trách vai trò Học Vụ tại viện Cao Ðẳng Phật Học Hải Ðức. Thầy dạy Duy Thức Học, Câu Xá Luận, Nhơn Minh Luận Ðại Trí Ðộ Luận... Tất cả những bộ luận này đều đã ấn hành và là giáo trình cho Tăng Ni sinh. Có thể nói, công trình phiên dịch của Thầy đã đem lại nhiều sự lợi íchphương tiện cho những ai nghiên tầm kinh Phật, thực tập kinh Phật và tu chứng kinh Phật. Những bản dịch thuật, luận giảng, được Thầy ghi chép đầy đủ xuất xứ, rõ ràng, mạch lạc, cũng như dẫn chứng và chú thích những từ ngữ khó hiểu, kiến văn giảng giải của Thầy khiến cho người đọc say mê thích thú.

Từ phạm trù Kinh, Luật, Luận bước sang lãnh vực Thiền họcTriết học, tiêu biểu những tác dịch phẩm: Bộ Thiền Luận của Daisetz Teitaro Suzuki. Thiền và Bát Nhã. Tinh Hoa Triết Học Phật giáo. Triết Học về Tánh Không. Ðại Cương Thiền Quán... Những tác phẩm này, tư tưởng chính là Thiền, Bát NhãTánh Không.

Thiền học, Thầy tiếp tục dịch bộ Thiền Luận của cụ Trúc Thiên mới dịch được quyển thượng, nhưng trước khi quyết định dịch giáo nghĩa Thiền, Thầy nói môn đó không phải là sở trường của Thầy và trong các tác phẩm, Thầy như không muốn chạm vào phong thái Thiền. Nhưng qua bộ Thiền Luận tập II và III mọi người đã thấy được khả năng dịch thuật sâu sắc, phong phú của Thầy, và chẳng phải là việc làm của tay trái, dù lúc đó Thầy mới khoảng 27 tuổi. Thiền Luận tập II, phần I, Một Kinh Nghiệm Siêu Việt Tri Kiến, trang 56, Thầy dịch:

"Này, tâm của ngươi đã được an rồi đó". Bồ Ðề Ðạt Ma xác nhận: "Sự xác nhận về phía Tổ Sư đã làm sáng mắt Huệ Khả. Ðại Huệ lại nhận xét: "Như rồng lặn xuống nước, như cọp tựa vào đá. Ngay giây phút này, Huệ Khả không thấy có Tổ Sưtrước mặt, không có tuyết, không có cái tâm rong ruổi theo vật, không có cả sự chứng ngộ mà tâm Ngài sở đắc. Tất cả đều tan biến khỏi tâm thức của Ngài, tất cả đều không."

Ấy là sự lịch nghiệm Thiền bặt dứt ngôn ngữ, văn tự đi thẳng vào lòng người để kiến tánh thành Phật. Bởi vì tất cả là không, thì có gì để hỏi và đáp. Còn có gì để mê và ngộ. Còn có gì giữa ngã và ngã sở, trong giây phút đó, Huệ Khả đã đổi đời từ hố thẳm của sự chết chuyển thành sự sống bất diệt.

Cũng trong phần Tu Tập Công Án, Phương Tiện Chứng Ngộ, Thiền Luận II, trang 59, chúng ta thấy sự biểu tỏ của trực tính Thiền, như gõ vào vách đá tạo thành tiếng vang, gặp bậc Thánh giả mê vọng sớm trừ, chỉ còn thuần lại chất liệu giác ngộ. Như Ngài Huệ Năng gánh củi bán dạo, nhân nghe được câu kinh Kim Cương: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" mà quyết định đi tìm Ngũ Tổ để học Thiền. Sau khi đến núi Hoằng Mai để gặp Tổ Hoằng Nhẫn, Tổ hỏi:

"Nhà ngươi ở đâu đến? Ðến đây để làm gì?"

"Tôi là tên quê mùa ở Tân Châu đến, muốn làm Phật."

Tổ nói:

"Vậy ra ngươi từ Lĩnh Nam tới, nhưng người phương Nam không có Phật tính, sao nhà ngươi lại mong thành Phật được?"

Tổ Huệ Năng đối lời:

"Người có Nam Bắc, nhưng Phật tính đâu có phân biệt Bắc Nam?"

Bát Nhã, một bộ kinh dày 600 quyển, nhưng rút gọn lại chỉ còn 270 chữ, tính luôn đề kinh, nhiệm mầu, siêu việt trên mọi tự tính. Thầy đã chứng minh sự nhiệm mầu ấy trong cuốn Thiền và Bát Nhã, phần dẫn vào kinh văn Bát Nhã do Viện Cao Ðẳng Phật Học Hải Ðức, Ban Tu Thư Phật Học ấn hành năm 2004, trang 11, như sau:

"Mạc Hạ Diên, mà phương Tây gọi là sa mạc Gobi, sách xưa gọi là Sa Hà, một bãi cát mênh mông dài trên 800 dặm, nối liền hai nền văn minh tối cổ của nhân loại, trên không chim bay, dưới không thú chạy, cỏ không, nước cũng không, Huyền Trang một mình một bóng đã vượt qua khỏi đoạn đường đầy kinh sợ và thường xuyên làm nản lòng những người kiên cường nhất, duy chỉ bằng vào lời kinh "Ma ha Bát Nhã ba la mật đa tâm kinh"

Ấy là năng lực hiệu nghiệm của kinh, là sự gia trì của Bồ Tát khi lòng mình thanh tịnh, hay quán thấy thật tướng của các pháp là không, không có thật thể, mà vượt qua tất cả khổ nạn, như lời kinh thường tụng đọc: "... Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách... Bồ Tát y Bát Nhã ba la mật đa cố tâm vô quái ngại. Vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng..."

Tư tưởng Bát Nhã, trí tuệ vô lậu là nhân tố đủ để làm thành con đường chuyển tải sự giác ngộ, là chiếc bè đưa người qua dòng bộc lưu, dòng nước xoáy của sông sinh tử. Bát Nhãđiều kiện duy nhất để con người thành Phật, dù con người trải qua bao nhiêu chặng đường sinh tử. Nhưng một khi trí Bát Nhã bừng dậy đốt cháy vô minh, dập tắt phiền não thì con đường giác ngộ là đấy. Do vậy, Bát Nhã là Mẹ của chư Phật và Bồ Tát.

"Nói rằng Bát Nhã là nguyên lý chỉ đạo của các Ba La Mật ấy là vì các nhà Ðại Thừa quan niệm nó cấu thành nhất thiết trí (Sarvajnãtà). Tức là, trí tuệ viên mãn mà bậc toàn trí đã thành tựu. Do đó, Bát Nhã là ánh sáng rọi khắp mà chúng ta phải chiêm ngưỡng. Nó đứng trên tất cả ảnh hưởng ô nhiễm của các vật thể trần gian. Nó soi sáng tất cả bóng tối trong thế giới đối đãi nhị nguyên, và do đó mang lại thanh bìnhan ổn cho mọi loài. Nó cung cấp ánh sáng cho người mù, nhờ đó y có thể yên lành đi xuyên qua đêm tối của vô minh. Nó dẫn những người lạc lối trở về con đường chính. Nó vén mở cho chúng ta thấy chân lý của vạn hữu, và chân lý đó là Nhất Thiết Trí (Sarvajnãtà). Nó là nơi nương tựa của mọi loài, khiến chúng hoàn toàn không sợ hãi, là người có năm con mắt soi rõ trọn cả thế gian. Là chân lý vượt lên sống và chết, vượt lên tất cả mọi tạo tác và khát ái mà chính là tính Không. Là kho lẫm của hết thảy mọi chân lý (dharmakosa). Là Mẹ của hết thảy chư Phật và Bồ Tát."

Tánh Không từ Thiền Bát Nhã, chúng ta bước sang Triết HọcTánh Không, hai phương trời lồng lộng tư tưởng giải thoát. Từ tư tưởng giải thoát, giác ngộ này đã phá đổ tất cả những điều sai biệt nhị biên của thế tục, để dựng thành một thế giới trang nghiêm đạo quả Bồ Tát. Từ nền Triết học Tánh KhôngBát Nhã này, người học Phật không thể không có cái nhìn, cái suy tư nghiêm túc là giữa cuộc đời trần gian nhiều mộng ảo, huyễn tướngnơi sinh trụ của Bồ Tát, của những tâm hồn Ðại sỹ. Triết họcTánh Không là cái học cao siêu, cái học thực thể về tính chất không thật của sự vật. Tính chất không thật này được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ Triết lý Phật giáo. Vậy thì, Bát NhãTánh Không cùng gặp nhau ở một điểm là san bằng mọi nếp suy tư, tưởng và không tưởng; thật và không thật, hay bất cứ cái có thể diễn đạt hay không nói thành lời. Chân trời của Bát NhãTánh Không không vướng vấp, và đọc qua những ngôn từ của thế tục đế, qua lằn vết, biên giới của tâm tư, Bát NhãTánh Không vượt thoát con đường tục đế nhưng hàm tàng và hiện hữu khắp mọi thời, mọi chốn.

Chúng ta đọc Thiền, Bát NhãTánh Không là làm một hành trình quay về nguồn để đối diện với cái chân như uyên nguyên vô sinh, bất diệt, mà từ vô thủy cho đến nay, người và chúng ta mãi lặn lội, mò mẫm trong đêm trường sinh tử theo dòng thác lũ, cuồng thức. Thầy viết trong Thiền và Bát Nhã, trang 198, như sau:

"... Cái cày nằm trong đôi tay, nhưng cày đất lại bằng tay không. Ngồi trên lưng ngựa, nhưng trên yên lại không kỵ sĩ, dưới yên không kỵ mã. Bước qua cầu nước không chảy mà cầu trôi. Thanh văn vẫn còn "bên này", dù đã chứng đạo, cho nên sự chứng đạo đó lại khác hẳn với kinh nghiệm của mình. Ý niệm đích thực về Tánh Không đang cản trở sự sống thực của mình. Với Bồ Tát thì Tánh Không không còn là Tánh Không, Bồ Tát sống thực đời sống mình không bị phân vân giữa cái không hay Bất không, giữa Niết Bànsinh tử, giữa giác ngộvô minh. Cái đó Bát Nhã nói là "ở trong Không tam ma địa mà không thủ chứng thực tế". Và đấy là một trong những thái độ đặc sắc nhất của Bồ Tát đối với cõi đời."

Từ đây, chúng ta thấy đạo Phật hiện hữu trong thế gian, xây dựng cho thế gian một nếp sống tịnh lạc, an lành, không lìa khỏi thế gian để tìm cầu giác ngộ. Bồ Tát không chối bỏ chúng sinh, để tìm hạnh phúc cho riêng mình. Bồ Tát sống ngay giữa lòng đời tử sinh để độ thoát tử sinh, chúng ta hãy tu học theo bài kệ:

Phật pháp tại thế gian

Bất ly thế gian giác

Ly thế mích Bồ Đề

Do như cầu thố giác

 

Dịch:

Phật pháp ở nơi thế gian này

Chẳng lìa khỏi thế gian để cầu giác ngộ

Lìa khỏi thế gian để tu chứng giác ngộ

Giống như đi tìm lông rùa sừng thỏ

Các Chủ Ðề Ðạo Học và Triết Học Ðông Tây.

Ngoài công trình dịch thuật, trước tác, Thầy còn viết những loạt bài chuyên đề về tư tưởng Phật Học, Triết học Ðông Tây. Những nhận định, quan điểm... lúc còn là Giáo sư Ðại học Vạn Hạnh và Tổng Biên Tập tạp chí Tư Tưởng. Những bài viết về các chủ đề này một phần đã đăng trong tạp chí Tư Tưởng Vạn Hạnh, một phần đăng rải rác trên các báo chí, tập san, hay trên các trang báo điện tử: trang nhà Phật Việt, Quảng Ðức, Pháp Vân... Qua những bài viết này, một số lấy tên là Như Thị, như bài: Cogito Bát Nhã Dưới Ánh Sáng Hiện Tượng Luận. Tạp chí Vạn Hạnh số 8 và 9, kỷ niệm Phật đản, Phật lịch 2510, trang 114. So Sánh Các Vấn Ðề Triết Học Ðông Tây Cogito Trong Triết Học Phật Giáo, tạp chí Vạn Hạnh số 1, kỷ niệm Phật đản, Phật lịch 2500, trang 49, v.v...

Những chủ đề như trên, Thầy viết khá nhiều, người viết xin giới thiệu một số tiêu biểu:

Lệ Ngôn.

"Cogito là một danh từ La Tinh có nghĩa là "tôi suy tưởng" rút trong nguyên lý triết học của Descarts "Cogito ergo sum: tôi suy tưởng vậy có tôi" (ji peuse je suis). Theo Decarts thì đó là một chân lý hiển nhiên sau khi ông đã hoài nghi phủ nhận sự hiện hữu của mọi sự vật trong vũ trụ. Vậy Cogito chỉ là một thể nghiệm về sự hiện hữu của chủ thể, với trí thức trực giác về hữu thể của chủ thể ấy.

Sau này Husserl, Sartre, Heidegger lần lượt theo Descarts suy nghiệm về bản thể của tri thức và đem lại cho danh từ Cogito những nội dung khác nhau. Do đó, chúng tôi cũng có ý mượn danh từ Cogito đặt làm một đề mục cho sự nghiên cứu bản thể tri thức siêu nghiệm của Ðức Phật, trong loạt bài So Sánh Triết Học Ðông Tây của chúng tôi." (Tư Tưởng Vạn Hạnh, quyển 1, Kỷ Niệm Phật Ðản Phật lịch 2509, trang 49)

 

Thi Ca, Nền Văn Học Hiện Ðại.

Nói đến thơ của Thầy, hầu như ai cũng biết tập thơ Giấc Mơ Trường Sơn và Ngục Trung Mị Ngữ. Ngoài hai tập thơ này còn có các thơ khác qua nhiều dạng thức, được đăng trên các tạp chí, đặc san từ trong nước đến hải ngoại. Nhiều bài trong Tập thơ Giấc Mơ Trường Sơn đã được phổ nhạc và đã được các ca nghệ sĩ ngâm, hát, thơ Thầy.

Những ý thơ của Thầy đã tạo nhiều ấn tượng cho giới thưởng ngoạn, những hình ảnh thâm trầm của quê hương dân tộc, những tình tựước nguyện muôn trùng của "cuộc lữ", phương trời mộng. Ðọc thơ Thầy, để thấy tâm hồn của người nghệ sỹ, thi sỹ hay đọc thơ Thầy để cảm nhận, chia sẻ tâm thức của kẻ sĩ luôn hướng về đất nước bị đọa đày? Một đất nước đói nghèo đầy tủi nhục, một dân tộc lầm than khốn cùng, và ý chí ấy đứng thẳng để thấy quê hương và dân tộc Việt hào hùng trong ý thức tự tồn, độc lập. Thơ của Thầy mang nhiều cảm tính dạt dào tình người, tình đạo, tình non sông gấm vóc. Một tình cảm chân thật mà suốt dòng lịch sử quê hương còn mênh mang trong ý thơ mượt mà, hùng tráng:

Người đi đâu bóng hình mòn mỏi

Nẻo tới lui còn dấu nhạt mờ

Ðường lịch sử

Bốn ngàn năm dợn sóng

Ðể người đi không hẹn bến bờ

(Tĩnh Thất 24, 2000-2001)

 

Hay:

Tiếng trẻ khóc ngân vang lời vĩnh cửu

Từ nguyên sơ sông máu thắm đồng xanh

Tôi là cỏ trôi theo dòng thiên cổ

Nghe lời ru nhớ mãi buổi bình minh

 

Buổi vô thủy hồn tôi từ đáy mộ

Uống sương khuya tìm sinh lộ viễn trình

Khi nắng sớm hôn nồng lên nụ nhỏ

Tôi yêu ai, trời rực sáng bình mình.

(Bình Minh - Tĩnh Tọa, tháng 9-1983)

 

Tiếp theo Giấc Mơ Trường Sơn là Ngục Trung Mị Ngữ, tập thơ làm trong thời gian ở tù bằng chữ Hán. Ðọc Ngục Trung Mị Ngữ để thấy được tinh thần an nhiên tự tại của Thầy dẫu là những bài thơ trong lúc ở tù. Một tâm hồn thư thái nhẹ như mây và thong dong như gió, nhưng đầy ắp lòng thương yêu trần gian khổ lụy, đầy huyết lệ tuôn trào, mỗi khi bưng bát cơm tù. Từ những bi hoan của cuộc sống tù đày ấy, Thầy đã viết thành những lời thơ nói lên tâm cảm của mình, qua bài Cúng Dường:

"Phụng thử ngục tù phạn

Cúng dường Tối Thắng Tôn

Thế gian trường huyết hận

Bỉnh bát lệ vô ngôn."

 

Dịch:

"Ðây bát cơm tù con kính dâng

Cúng dường Ðức Phật Ðấng Tôn Thân

Thế gian chìm đắm trong máu lửa

Lệ nhỏ không lời, lòng xót thương"

 

Ngoài ra còn có những bài thơ mà không ở trong hai tập nói trên, như bài Tiểu Khúc Phật Ðản, Những Ðiệp Khúc Cho Dương Cầm... Thầy đã viết:

"Sườn non một bóng đạo già

Trầm tư năm tháng bên bờ tử sinh

Nhìn sao mà ngỏ sự tình:

Ai người Ðại Giác cho mìmh quy y?"

 

Ðể rồi từ đó, Thầy gởi gấm lòng mình qua ý thơ: Cuộc sống quá nhiều khổ đau, con người cứ mãi lang thang trên những bước đường sinh tử trầm luân, mà chẳng biết khi nào được thoát khỏi vòng quanh quẩn ấy:

"Thời gian vỗ cánh ngang đầu;

Sinh, già, bệnh, chết tránh đâu vận cùng

Khổ đau là khối tình chung

Ai nâng cõi thế qua bùn tử sinh?"

 

Ðọc xong hai tập thơ Giấc Mơ Trường SơnNgục Trung Mị Ngữ cũng như một số các bài thơ khác, chúng ta không thể không nghĩ đến tác phẩm "Tô Ðông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng" mà Thầy đã dịch giảng lời thơ văn bay bổng, chơi vơi. Người viết xin được trích một đoạn trong "Tô Ðông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng", trang 240, để giới thiệu tác phẩm tầm cỡ của nền văn học, thi ca hiện đại của Thầy:

"... Giang Sơn như họa

Một thời hào kiệt anh hùng"

 

"Ngọc đường Kim mã bỗng vang lên những tiếng gào thét đoạn trường. Chim hồng giật mình tung cánh bay cao. Biết nơi nào là cố quận, nơi nào là tha hương để chim hồng đậu lại.

Trạch tận hàn chi bất khẳng thê

Tịch mịch sa châu lãnh

Ðường ra đi, qua trăng ngàn, qua gió bãi, mây vần vũ, núi non sụp xuống, nắng chiều đỏ như máu. Ðau khổ, kinh hoàng nên kêu réo, nên ngậm ngùiuất hận.

Sơn ức Hỷ hoan lao viễn mộng

Ðịa danh Hoàng Khủng khấp cô thần.

 

Ðất khách là mười tám cái ghềnh thác kinh hoàng đổ xuống, nước mắt của một lão thần cô quạnh cũng đổ xuống. Nhưng đất đó đọa đày thân xác mà không đọa đày viễn mộng. Quê hương với ân tình thắm thiết kia mới thực là đọa đày viễn mộng.

Núi nhớ Hỷ hoan đọa đày viễn mộng

Ðất tên Hoàng Khủng lệ khóc cô thần"

 

Tất cả những gì được giới thiệu hết sức tiêu biểu công trình học thuật, thi ca của Thầy, chỉ là tiếng nói của cảm nghĩ sâu xa, tồn đọng nơi người học trò qua bao thập niên, lãnh thọ từ sự giáo huấn, tài bồi ân đức của bậc Thầy trong sự truyền đạt, nuôi dưỡng thế hệ con em. Do vậy, không sao tránh khỏi những điều khiếm khuyết. Kính mong Thầy từ bi lượng thứ, cũng như chư vị Thức giả cao minh vui lòng chỉ giáo.

Nguyên Siêu

 (Bài giới thiệu tác phẩm Huyền Thoại Duy Ma Cật của Thượng tọa Tuệ Sỹ tại Santa Ana 11 tháng 8-2007)

 

 

Tuệ Sỹ

Thơ và Tư Tưởng Triết Học

 

NGUYÊN SIÊU


I. Một Bóng Người Gầy

"Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn

Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về"

 

Ấy là hai câu thơ đầu trong tập Giấc Mơ Trường Sơn đã tạo dựng hình ảnh cho một Phương Trời Viễn Mộng.

Nói đến thơ và nền Triết Học lưu xuất từ Tư Tưởng Phật học Tánh Không hay một Triết lý phiêu bồng từ Ðông sang Tây của thế tục đế, hầu như đã được tồn đọng trong con người gầy guộc, nhỏ nhắn, dáng dấp phiêu diêu, lãng đãng như sương sớm, mây chiều. Dáng dấp đó với đôi bàn tay nhẹ lướt trên phím đàn cùng những nốt trắng đen, cung bậc cao thấp để tạo thành những âm thanh cao vút đến đỉnh núi chơi vơi hay trầm lặng vọng về biển khơi muối mặn. Dáng dấp đó, cặm cụi bên ngọn đèn khuya nơi cửa sổ, để nghe tiếng tàu đêm sình sịch lăn vào thành phố, mà mơ cho một chuyến viễn du làm thân lãng tử, làm người khai phá núi rừng, cho nương rẫy được tốt tươi từ vườn cà non đến luống khoai ngô sắn, vun xới tạo thành sức sống mãnh liệt từ miền núi đồi hoang vu, man dã. Dáng dấp đó, đêm đêm thao thức dưới mái chòi tranh lợp vụng để nghe tiếng côn trùng, dế mèn nỉ non dưới lòng đất mới, mà mơ về một tương lai tươi sáng cho quê hương. Dáng dấp đó, một thời đã hòa quyện với cỏ nội hoa ngàn, với bóng đêm soi đê nơi thôn dã để cùng hít thở không khí xóm làng, của đồng lúa vàng, lũy tre xanh của người nông dân cần cù hôm sớm, và cũng dáng dấp đó bên trong chắn song nhà tù đã ngồi làm thơ. Lời thơ người tù. Tâm thức người tù. Khí khái của người tù đã hiện hữu qua hai tập thơ Giấc Mơ Trường Sơn và Ngục Trung Mị Ngữ.

Dáng người soi trên bờ đê, trong núi rừng Vạn Giả, bên làng Hiền Lương, rẫy vườn nuôi sức sống cho người dân lao nhọc, dáng người đó là Thầy Tuệ Sỹ, là kẻ độc hành kỳ đạo của phương trời viễn mộng thi ca, mà sáng nay, trước Thiền đường dưới rặng bông sứ, trên đồi Trại Thủy, Nha Trang, Thầy thanh thản bách bộ như đếm từng bước chân đi, trên lớp sỏi đá của ngọn đồi, tháng năm chuyên chở đời sống của bao lớp học Tăng Phật Học Viện Hải Ðức. Từng thời gian, âm thanh thi sắc kỳ hoạt, thản nhiên của Thầy, đưa chúng ta bước vào vườn thơ tâm thức.

 

II. Giấc Mơ Trường Sơn

Ðá mòn phơi nẻo tà dương

Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi

Ngàn năm vang một nỗi đời

Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương

(Mộng Trường Sinh - Tuệ Sỹ)

 

Ðá mòn là vết tích bào gọt của thời gian, dạn dày theo gió sương năm tháng, như "nước chảy đá mòn". Một sự kiên trì miên viễn, liên tục bất tận. Ðá mòn đó được phơi bày, hiển lộ chơ vơ, hiu hắt, phong sương. Xa xa nhìn tảng đá mòn phơi thân dưới ánh tà dương, buổi chiều, hoàng hôn buông phủ, lại thấy cảnh đời hiển sinh gần như vụt tắt, trả lại cho mặt đất chìm dần trong đêm tối. Người đi trong cuộc lữ là tâm tư của Thầy trong núi rừng Soi Ðê giữa khuya u tịch nằm nghe tiếng nước thác ngàn đổ về đồng bằng, xuôi đi vạn dặm mà gào thét rầm rộ qua bao vách ghềnh, vực sâu, trong đục của cuộc lưu đày hòa nhập vào đại dương muôn trùng. Một cuộc viễn hành không dừng chân cát bụi. Một cuộc rong chơi vô tận, chẳng hẹn hò, không bến đậu, không có thời gian để qua và không có không gian để yên nghỉ. Người đi vào cuộc lữ như cánh chim trời mà Thầy đã tự ví mình như cánh hải âu nghìn trùng bạt gió:

"Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc

Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu

Nghe một nỗi hao mòn trong thoáng chốc

Một mùa thu một vạn tiếng kêu gào"

(Tuệ Sỹ)

 

Trong cuộc tồn sinh này có nhiều ước hẹn, ước nguyện, ước mong, nhưng tất cả những nỗi niềm ước mơ đó dường như đã bị dập tắt trong Thầy, đã chôn vùi trong đau thương tang tóc. Chúng ta đã không biết Thầy đã có ước hẹn gì? Với ai? Trong trường hợp nào? Mà qua lời thơ Cánh Chim Trời thì ước hẹn đó "đã chôn vùi tang tóc", gây xúc động cho người đọc: "một ước hẹn không thành". Hãy thử lập lại: "Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc, Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu". Từ đây gây cảm xúc cho người đọc là một ước hẹn lên đường dựng lại quê hương, mà chí nguyện không thành? Hay ước hẹn làm người con dân của một quê hương không được trọn vẹn trong sự thanh bình, tự do, hạnh phúc? Tất cả những tâm tư đó, chí nguyện đó đã chôn vùi trong tang tóc của một kẻ sĩ nung chí quật cường? Hay tấm lòng từ bi được trang trải đến những người dân cùng khốn nơi ven rừng hay phố thị?

Những chữ trong bài thơ: "... đã chôn vùi tang tóc... xa mãi giữa lòng sâu... hao mòn trong thoáng chốc... một vạn tiếng kêu gào..." Tất cả những hình ảnhâm thanh tan vỡ, sụp đổ, tuyệt vọng trong khốn cùng.

Hầu hết những bài thơ trong tập Giấc Mơ Trường Sơn của Thầy được sáng tác sau năm 75, do đó, những từ ngữ, biểu tượng được dựng nên nhằm mang nhiều ý nghĩa, ẩn hiện, hư thực cho một chặng đường lịch sử quê hương dân tộc lâm vào cảnh khốn cùng. Và cũng từ tâm trạng của một sỹ phu thời đại, của một người con dân nước Việt, chân tình của một bậc xuất gia thư thái đi trên con đường phụng hiến tâm nguyện cứu đời mà Thầy đã viết nên những lời thơ tâm thành khí phách đó, nhưng không thiếu phần xót xa, đoài đoạn như những lời thơ trên. Những lời thơ đã bật lên tiếng "thở hơi dài". Vì sao Thầy phải "thở hơi dài" có lẽ "giấc chiêm bao" của Thầy đã không trọn, giấc chiêm bao đã bị cát bụi cuốn đi rồi. Giấc chiêm bao đó có thể là Thầy mong đem khả năng, trí tuệ của mình mà dựng xây, bồi đắp cho một quê hương dân tộc được thấm nhuần nền phong hóa thuần hậu của Tổ tiên mà suốt dòng lịch sử, tiền nhân đã hy sinh xương máu để gìn giữ giang sơn gấm vóc được phú cường, thịnh vượng? Và cũng có thể giấc chiêm bao là sự hy vọng phát huy đạo Phật Việt, nền văn hóa giác ngộ cho tất cả mọi người, cho khắp nhân loạiPhật giáo Việt Nam là một biểu tượng cụ thể? Giấc chiêm bao bị cát bụi cuốn đi, nên Thầy thở dài cho một vận nghiệp quê hương và Ðạo pháp hôm nay?

Thế nhưng, dẫu cho giấc chiêm bao bị cát bụi cuốn đi, nhưng, "bên cửa sổ bên kia đồi sao mọc." Người đọc có thể hiểu bên cửa sổ, nhìn qua phía bên kia núi đồi chập chùng còn có một điểm sáng. Ðiểm sáng trên quê hương, điểm sáng trong tâm thức mọi người. Ðiểm sáng của sự hy vọng cho tương lai. Ðiểm sáng bừng dậy sau một ngày dài đen tối.

Sao mọc cũng có nghĩa vì Sao Mai, biểu hiện ngày sắp sáng và đêm sẽ tàn. Dân tộc và Ðạo pháp Việt Nam trong kỳ vọng quang vinh bất diệt. Từ những tâm tư, trầm tịch, những nỗi niềm chôn sâu vào sự hưng khởi cho lý tưởng thực dụng, siêu thoát, nhưng khi nghĩ lại mình thì cát bụi đã đoanh vây, phủ kín. Từ những ý thức tận cùng tư tưởng, từ những lý giải, tra vấn tự thân để viết nên tâm tư hoài niệm. Nhớ về một ký ức xa xưa, hay ước mơ làm thân lãng tử vô định nơi chân trời, góc biển, bên cội thông già hay đứng nắng giữa lòng sông.

Hoài niệm là tưởng nhớ những gì đã qua, về những suy tư, tâm thức. Trong bài thơ Hoài Niệm, Thầy dùng những từ ngữ nghe như buông thả, như bâng khuâng, như dật dờ sương khói. Như hình bóng người hóa thân vào cát bụi, bằng đôi chân trần, bàn tay khô.

Hoài niệm để thấy được ý nghĩ của mình muốn làm cuộc lữ, muốn đi khắp bốn phương trời, muốn rong chơi đây đó, bỏ lại sau lưng bụi đường thời gian phủ kín. Sự hóa thân cho cuộc lưu đày sinh tử, hiện thành lục phàm, từ thánh mà hóa độ chúng sanh. Có làm một cuộc lữ, một cuộc lên đường thì mới thấy được sự tàn phá, hoại diệt hay sinh thành vượt thoát.

Chúng ta hãy nghe bài thơ Hoài Niệm như âm ba muôn trùng giữa lòng tử sinh:

Một đêm thôi mắt trầm sâu đáy biển

Hai bàn tay khói phủ tóc tơ xa

Miền đất đó trăng đã gầy vĩnh viễn

Từ vu vơ bên giấc ngủ mơ hồ

Một lần định như sao ngàn đã định

Lại một lần nông nổi vết sa cơ

Trời vẫn vậy vẫn mây chiều gió tỉnh

Vẫn một đời nghe kể chuyện không như

Vẫn sống chết với điêu tàn vờ vĩnh

Ðể mắt mù nhìn lại cõi không hư

Một lần ngại trước thông già cung kỉnh

Chẳng một lần lầm lỡ không ư?

Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến

Hai bàn tay khói phủ tóc tơ xa.

(Hoài Niệm - Tuệ Sỹ)

 

Chúng ta hãy lắng tâm, thanh thản để nghe từng âm điệu hiu hắt chứa chan niềm mẫn cảm tuyệt cùng của ý thức. "Mắt trầm sâu đáy biển", "Khói phủ tóc tơ xa", "trăng đã gầy vĩnh viễn", "giấc ngủ mơ hồ", "như sao ngàn đã định", "nông nổi vết sa cơ", "mây chiều gió tỉnh", "điêu tàn vờ vĩnh".

Qua những lời thơ ấy, chúng ta thấy tâm tư Thầy đã hóa hiện vào dòng luân hồi tử sinh, để có cái nhìn tổng thể, một tức là tất cả, tất cả tức là một. Tất cả những lời thơ ấy là thực tại của pháp giới, là vốn liếng của chúng sanh, là chất liệu của sự sống và sự chết của thế tục đế, mà Bồ Tát độ sinh không thể thiếu những gia tài của phàm tục.

Cũng đôi mắt đó, cũng hai bàn tay đó. Cũng tóc tơ đó và cũng giấc ngủ đó, Thầy đã mang hành trang lên đường như câu: "Một lần định như sao ngàn đã định", "Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến". Dấn thân vào cuộc lữ tam giới để phụng sự hạnh nguyện cứu độ sinh linh vững chãi, quyết tâm "sao ngàn đã định", và một chuyến ra đi là "vĩnh viễn con tàu".

Ðọc thơ Thầy Tuệ Sỹ, chúng ta thấy những lời thơ: "Ðá mòn, tà dương, nước lũ, viễn phương, cuộc lữ, tử sinh, đồng hoang, cát bụi, sương mù, gió lốc, tóc trắng, phiêu lưu, viễn mộng, đọa đày, kiêu hùng, trùng khơi, đồi hoang, khung trời hội cũ..." mà Thầy luôn đối diện với chính nó, với vách tường ủ rũ, với ngược nước xuôi ngàn, với trăng tàn núi lạnh, với hạt muối biển khơi... mà không là những chất liệu kiêu sa, hãnh tiến, không là gấm vóc lụa là, một chất liệu bình dị thường nhật mà bao con người thường có trong cuộc sống, từ cái ăn cái ở cho đến cái trang nghiêm tự thân. Thầy tự trang bị cho mình những ánh nắng và bóng nước. Những chiều tà hay sao mai, những đá cuội, bụi đường hay bên gốc thông già giữa sườn núi cao. Ðó là hành trang của Thầy, cho người vào cuộc lữ, cho phương trời viễn mộng.

Ðể thấy rõ hơn nữa những lời thơ khắc khoải ấy, trong những năm tháng ở tù, lần thứ hai tại Sài Gòn 1978, qua bài Dạ Khúc:

Tiếng ai khóc trong đêm trường uất hận

Lời ai ru trào máu lệ bi thương

Hồn ai đó đôi tay gầy sờ soạng

Là hồn tôi tìm dấu cũ quê hương

 

Ai tóc trắng đìu hiu trên đỉnh tuyết

Bước chập chờn heo hút giữa màn sương

Viên đá cuội mấy ngàn năm cô quạnh

Hồn tôi đâu trong dấu tích hoang đường?

 

Dạ khúc là khúc nhạc, khúc hát về đêm. Khúc ca của ai đó? Hay là khúc dương cầm của Thầy được tấu lên trong chốn lao tù? Khúc dương cầm không phiếm? Khúc vĩ cầm không cầm? Khúc Tây ban cầm không dây? Khúc nhạc không lời, chỉ là đôi tay Thầy gõ nhịp xuống tường rêu, trên vách tường nhà tù của chế độ, để hòa quyện vào "tiếng ai khóc trong đêm trường uất hận" để đi vào "lời ai ru trào máu lệ bi thương". Khúc nhạc thống thiết, tâm cảm bi hoài để chia sẻ nỗi đau của nhân thế, của hồn ma bóng quế dật dờ, của đôi tay xương xẩu, gầy guộc mà sờ soạng, trong đêm đen tìm nhau dìu dắt. Nhưng chẳng ai xa lạ "trong đêm trường uất hận" chẳng ai "trào máu lệ bi thương", chẳng ai có "đôi tay gầy sờ soạng" mà tất cả chính là "hồn tôi" đang đi "tìm dấu cũ quê hương". Vậy "dấu cũ quê hương" theo Thầy là dấu cũ gì? và dấu cũ ấy ở nơi đâu? Người nghe qua "dấu cũ quê hương" có thể là con đường lịch sử hơn 4000 năm văn hiến. "Dấu cũ quê hương" là con đường của bao anh hùng liệt nữ đã đi qua còn in rõ những dấu chân kỳ tích. Là con đường của các bậc tiền hiền tổ đức đã đi để gây dựng cơ đồ, giang sơn gấm vóc cho giống nòi Hồng Lạc Rồng Tiên. Dấu đi đó còn vang vọng theo hồn thiêng sông núi, theo tiếng gọi của quê Cha, theo lời ru của đất Mẹ. Và "dấu cũ quê hương" đó mãi mãidi sản trân quý của dân tộc giống nòi. "Dấu cũ quê hương" trải qua các triều đại thăng trầm, vinh nhục, thịnh suy, nhưng dấu cũ ấy, con đường lịch sử ấy vẫn in đậm trên quê hương, là cái nôi nuôi lớn chủng tộc Ðại Việt, Ðại Cồ Việt. Người đọc được nghe "viên đá cuội mấy nghìn năm cô quạnh, hồn tôi đâu trong dấu tích hoang đường".

Viên đá cuội có mấy nghìn năm tuổi thọ? Viên đá cuội anh linh giống nòi, viên đá tự tồn, độc lập từ thuở sơ khai đã lênh đênh thăng trầm cùng dòng sử Việt từ thủa dựng nước.

Qua các bài thơ tù trong tập Giấc Mơ Trường Sơn, với những ý thơ, lời thơ mang nặng tình quê hương dân tộc, mang nặng tính tự tồn, tự chủ mà tâm tư Thầy luôn cưu mang nặng trĩu vận mệnh của nước nhà, của khúc quanh lịch sử. Một biến cố tan hoang, xé nát da thịt của quê hương:

Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió

Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa

Nhìn hun hút cho đêm dài lịch sử

Dài con sông tràn máu lệ quê Cha

 

Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ

Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương

Người ở lại giữa lòng tay bạo chúa

Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương.

(Tôi Vẫn Ðợi - Tuệ Sỹ)

 

Thầy như người con của quê hương bị giam hãm trong ngục tù thời đại, nhưng cũng từ ngục tù đó Thầy vẫn đợi một đêm gió lặng, sóng êm. Một đêm tối trăng nhưng thanh bình an lạc để tự mình nhìn sâu vào con đường lịch sử. Nhìn hun hút diệu vợi bằng đôi mắt đen huyền, bằng ánh mắt của tự ngàn xưa, để thấy trên con đường dài lịch sử ấy như một dòng sông tràn máu lệ quê Cha. Dòng sông lịch sử đó, từ đầu nguồn lịch sử cho đến hôm nay đã mang về bao phù sa màu mỡ làm tươi tốt ruộng đồng, dân sinh thịnh vượng. Dòng sông lịch sử chuyên chở bao máu xương, nước mắt của nhiều thế hệ tiền nhân, những người đã hy sinh lót đường cho hàng hậu tấn tiến tới, cho hàng con cháu tiếp nối xây dựng cơ đồ non sông. Và cũng trong tình tự sông núi quê hương, trong thân phận người con dân nước Việt, tâm tư Thầy như không phút nào nguôi ngoai, phai lãng cái nhớ, cái nghĩ, cái suy tư, ước vọng để tựu thành dòng sử mệnh quê hương, để tựu thành dòng máu anh linh của dân tộc và để tựu thành cái hùng, dũng, trường tồn tịnh lạc cho giá trị sống của dân mình. Do vậy, lời thơ và tâm thức Thầy hòa quyện vào nhau không thể phân ly con người và quê hương. Bằng tình tự đó, quê hương dân tộc là mình và mình là quê hương dân tộc:

Tiếng trẻ khóc ngân vang lời vĩnh cửu

Từ nguyên sơ sông máu thắm đồng xanh

Tôi là cỏ trôi theo dòng thiên cổ

Nghe lời ru nhớ mãi buổi bình minh

(Bình Minh - Tuệ Sỹ)

 

Tiếng trẻ khóc mà phải ngân vang lời vĩnh cửu, hay là lời thề nguyền xây dựng quê hương? Tiếng trẻ khóc đó là dân tộc Việt Nam? Là giống nòi Lạc Việt? Là tiếng nói đầu đời của con dân Hùng Vương? Từ tiếng khóc đó vang dội về thủa nguyên sơ, buổi ban đầu vào thời lập quốc, từ thuở hồng hoang Tổ tiên khai phóng đất nước đem máu xương mình tưới thắm ruộng đồng. Công đức ấy ngàn năm còn vang vọng, còn tồn tại vĩnh cửu trong lòng người dân Nam.

Suốt một chiều dài lịch sử dân tộc, có lúc quanh co, khúc khuỷu, có lúc bằng phẳng, thênh thang nhưng Tổ tiên mình, anh hùng của quê hương mình, dân tộc yêu thương của mình đã tốn hao bao xương máu: có lúc chống giặc ngoại xâm để giữ yên sơn hà xã tắc, có lúc phải canh tân đất nước để theo kịp nền văn minh tiến bộ của loài người và cũng có lúc phải xây dựng nền hòa bình an lạc để khai mở, bảo tồn nền văn hóa dân tộc trong ý thức chống ngoại xâm. Bằng giá trị kiêu hùng của "sông máu thắm đồng xanh" thì Thầy là ngọn "cỏ trôi theo dòng thiên cổ" mà ngẩng đầu cao để nghe lời ru từ thủa bình minh.

Ví mình như ngọn cỏ, sống trên mảnh đất quê hương, cùng nổi trôi theo vận nước dân tộc mà không tách lìa khi đất nước điêu linh.

Ðọc thơ Thầy Tuệ Sỹ, ta thấy rạt rào tình tự dân tộc, ngập tràn chí nguyện cho quê hương và luôn giữ gìn kỷ cương giềng mối của Tổ tiên, làng nước, hầu như những bài thơ của Thầy đều thấp thoáng hình ảnh của cánh đồng, ruộng lúa, của nương khoai, luống cải, của đồi núi biển khơi, của sông tràn nước lũ và cát bụi mơ hồ khói sương tóc trắng.

Qua một số bài thơ tiêu biểu được trích dẫn trong tập Giấc Mơ Trường Sơn của Thầy Tuệ Sỹ: chúng ta đã thấy được đôi phần nỗi niềm tâm sự của Thầy, của người dân đang sống giữa lòng quê hương, băn khoăn về vận mệnh đất nước.

 

III. Ngục Trung Mị Ngữ

 Tiếp theo Giấc Mơ Trường SơnNgục Trung Mị Ngữ. Thơ trong tập Ngục Trung Mị Ngữ là thơ chữ Nho được làm trong thời gian ở tù - mang bản án tử hình - nghe nói khá nhiều, nhưng đến với người đọc chỉ khoảng đôi mươi bài. Trong đôi mươi bài thơ chữ Nho ấy chúng ta thấy cái tâm hồn an nhiên tự tại, thư thái xuất trần siêu thoát, trong khí khái của một người tù mà không bị câu thúc giam hãm, qua bài Trách Lung:

Trách lung do tự tại

Tản bộ nhược nhàn du

Tiếu thoại độc cảnh hưởng

Không tiêu vĩnh nhật sầu

Dịch:

Lồng chật vẫn tự tại

Qua lại như nhàn du

Nói cười chơi với bóng

Tiêu sái tù thiên thu

 

Ðây là tâm lượng của người tu, thân tù mà tâm không tù. Dù ở trong bốn vách lao lung mà vẫn an nhiên tự tại qua lại nhàn du, vẫn nói cười với bóng hình của mình, được xem như người bạn cố tri luôn có mặt để nói, để chia sẻ có nhau. Tâm tư này dù có ở bất cứ nơi đâu cũng không bị duyên trần ràng buộc, không bị chi phối bởi ngoại cảnh nhân duyên, vì đã tự làm chủ bản thân mà không bị hệ lụy, bị sự sai thù, chung biệt của thế gian, một khi tâm đã an thì ba cõi cũng được an. Chúng ta hãy nghe tâm an nơi cõi Thiền qua bài thơ Biệt Cấm Phòng của Thầy:

Ngã cư không xứ nhất trùng thiên

Ngã giới hư vô chân cá thiền

Vô vật vô nhơn vô thậm sự

Tọa quan thiên nữ tán hoa miên

 

Dịch: Xà Lim

Ta ở tầng Trời không vô biên

Nơi ấy tịch nhiên Thiền thật Thiền

Không vật không người không đa sự

Nhìn xem hoa vũ bởi Tiên thiên.

 

Ðọc qua những dòng thơ này, chúng ta không dám lạm bàn vì rằng đem cái tâm phàm tục, hữu hạn của mình mà luận giải cái tâm vô tâm, cái tướng phi tướng, thì làm sao dám bình luận, lý giải? Chỉ có điều là chúng ta hãy lắng tâm chiêm nghiệm một tâm thức siêu thoát, tùy theo chỗ ở thường an lạc của Thầy mà học mà tu, mà cầu mong thành đạt đôi phần như vậy. Và, chúng ta hãy theo Thầy tiến thêm bước nữa để thấy lòng Thầy thanh thản như làn mây giữa bầu trời vô tận, qua bài Tự Vấn:

Vấn dư hà cố tọa lao lung

Dư chỉ khinh yên bán ngục khung

Tâm cảnh tương trì kinh lữ mộng

Cố giao già tỏa diện hư ngung

 

Dịch: Hỏi Mình

Hỏi mình sao phải lao tù?

Song thưa cửa ngục có tù được mây?

Kiên trì cuộc lữ vàng bay

Lời xưa còn đó phút giây không sờn.

Rõ thật, tâm không ba ngàn thế giới đại đồng. Tâm đã không thì ai giam giữ được? Mây đã nhẹ bềnh bồng trôi thì cửa ngục song thưa nào nhốt được gì?

Thầy như áng mây trôi giữa bầu trời vô định!

 

IV. Những Ðiệp Khúc Cho Dương Cầm

 Qua hai tập thơ Giấc Mơ Trường SơnNgục Trung Mị Ngữ đã chứa đựng những tâm tình chất ngất, có đủ mọi hình ảnh, tâm tư, tri thức hoặc vô thức, phân biệt hay vô phân biệt, được chuyển tải từ nơi đó. Giờ chỉ là Những Ðiệp Khúc Cho Dương Cầm:

 

Số 3:

Trên dấu thăng

âm đàn trĩu nặng

Khóe môi in dấu hận nghìn trùng

Âm đàn đó

chìm sâu ảo vọng

Nhịp tim ngừng trống trải thời gian

Thời gian ngưng

mặt trời vết bỏng

vẫn thời gian

sợi khói buông chùng

Anh đi mãi

thềm rêu vơi mỏng

Bởi nắng mòn

cỏ dại ven sông

 

Số 8:

Công Nương bỏ quên chút hờn trên dấu lặng

Chuỗi cadence ray rứt ngón tay

Ấn sâu xuống ưu phiền trên phím trắng

Nửa phím cung chỏi nhịp lưu đày

 

Số 13:

Ô hay, giây đàn chợt đứt.

Bóng ma đêm như thật.

Cắn đầu tay giá băng.

Ðiệp khúc lắng trầm trong mắt.

 

Rồi phím đàn lơi lỏng;

Chùm âm thanh rời, ngón tay rát bỏng

Chợt nghe nguyệt quế thoáng hương

Ðiệp khúc chậm dần theo dấu lặng.


Số 18:

Tiếng xe đùa qua ngõ

Cành nguyệt quế rùng mình

Hương tan trên dấu lặng

Giai điệu tròn lung linh

 

Bầu trời thơ của Thầy đầy hương sắc, có đủ hình hài dáng dấp chân thân, thoạt hiện, thoạt biến, người viết chẳng có thể dùng lời diễn đạt, chỉ như bâng quơ đâu đó một vài cảm xúc hoang sơ, thô lậu để đóng góp cho cái gọi là đọc thơ cho nghe giữa một giảng đường đông thính chúng. Chỉ đọc không thôi, chúng ta đã thấy có một cái gì đó dị thường được ẩn kín trong thơ, thì ta nào dám tỏ bày ngôn từ bình phẩm. Chúng ta hãy nghe triết gia Phạm Công Thiện đọc thơ Tuệ Sỹ: "Nói rằng thơ Tuệ Sỹ hay hoặc không hay thì lố bịch. Chỉ có thể nói rằng thơ Tuệ Sỹ đáng được chúng ta đọc đi đọc lại nhiều lần và suy nghĩ lan man hoặc cảm nhận tùy hứng, Ít nhất có một người làm thơ đáng cho ta đọc giữa "sống chết với điêu tàn vờ vĩnh" để cho chúng ta còn có được "một buổi sáng nghe chim trời đổi giọng." Ðặc tính thứ ba và cuối cùng của thơ Tuệ Sỹ chính là tiếng thơ đổi giọng của một loài chim đi từ cõi xa xưa của vô biên tế kiếp trong lòng sâu thẳm của tính mệnh quê hương."

 

Và nơi đây chúng ta cũng thử nghe lời nói của Bùi Giáng, khi đọc thơ Thầy: "Tuệ Sỹ là một vị sư, ông viết văn quá nghiêm túc, nhưng sở tri của ông về Phật Học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u..." Và Bùi Giáng đã đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ: "Mới đọc bốn câu thôi - trong bài thơ Khung Trời Hội Cũ, tôi cũng đã cảm thấy lạnh buốt linh hồn, tê cóng cả cõi dạ."

Rồi thi sĩ thảng thốt:

"Tôi hoảng vía đề nghị: Ðại sư nên gác bỏ viết sách đi và làm thơ tiếp nhiều cho, nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn."

Ðó là hai nhận xét của các bậc Triết gia, Thi sĩ của chúng ta, qua phạm trù thi ca, ngôn ngữ, triết lý của Thầy Tuệ Sỹ.

 

V. Ðôi Dòng Tư Tưởng Triết Học

Song hành với ý thơ lời nhạc, Thầy như một học giả hay đúng hơn là nhà khảo cứu Tư tưởng Phật Học qua các công trình tư duy triết lý Long ThọBiện Chứng Pháp, hay Cogito Bát Nhã - Dưới ánh sáng của hiện tượng luận để từ đó đưa đến sự so sánh các vấn đề Triết Học Ðông Tây Cogito trong Triết Học Phật giáo, như là Thiền: Con đường thể nghiệm Cogito của Ðức Phật.

Thầy đã dành nhiều thời giờ nghiên cứu Triết Học Tánh Không hay dịch thuật Kinh Luật Tạngyếu chỉ của sự tu tập, là kỷ cương giềng mối, là mạng mạch của Tăng già để cho thế hệ tân học Tỳ Kheo đọc tụng. Ấy là hoài bão của Thầy trên con đường phụng sự cho thế hệ kế thừa.

Thầy xây dựng tư tưởng của mình trên nền tảng Triết học thực dụng và chính đó là tiêu đích để trao truyền cho nhiều thế hệ mai sau. Tư tưởng thực dụng ấy, được thể hiện qua bài thơ Tiểu Khúc Phật Ðản của Thầy để thấy một Triết lý như thật. Một nhân sinh quan thực tại trong phạm trù thế gian và làm sao vượt thoát cái thực tại thế gian để có được một nền Triết học giác ngộ:

"Thời gian vỗ cánh ngang đầu

Sinh, già, bịnh, chết, tránh đâu vận cùng

 Khổ đau là khối tình chung

Ai nâng cõi thế qua bùn tử sinh"

 

Thầy đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam những công trình khảo cứu, dịch thuật, thi văn, tư tưởng Triết học để khu vườn văn hóa Việt Nam thêm nhiều hương sắc.

Nguyên Siêu

(Ðêm Thơ Nhạc Tuệ Sỹ và Trần Trung Ðạo - Chicago - 21 tháng 10, 2006)

 

 

Vài Cảm Nghĩ Về "Tĩnh Thất"

trong “Giấc Mơ Trường Sơn” của Thiền Sư Tuệ Sỹ

 

LƯƠNG DINH

 

Tôi muốn phác họa một số cảnh điêu tànhình ảnh thống khổ dưới chế độ cộng sản Việt Nam qua lời thơ tượng trưng của Thiền Sư Tuệ Sỹ. Một xã hội trong đó mọi người đều bị tước đoạt hết quyền công dân: Người già chỉ mơ chút mộng bình thường là nhìn thấy sợi tóc bạc của mình, và cô gái thanh xuân chỉ mong giữ lại nét môi hồng ngày trước:

 

1.

Cho tôi một hạt muối tiêu

Bờ môi em nhạt nắng chiều lân la

1.

Please give me a grain of salt and pepper.

In the lingering golden sunset, your young lips turn paler.

 

Nhà thơ chia sẻ nỗi khổ đau của toàn dân và xót xa vì vận mệnh hẩm hiu của đất nước. Mọi người đều thầm mơ một vị cứu tinh dân tộc hướng dẫn toàn dân vùng lên để sông núi có dịp chuyển mình:

4.

Ta không buồn,

có ai buồn hơn nữa?

Người không đi,

sông núi có buồn đi?

4.

If the iron is not entering this soul of mine,

Who else is more deeply plunged into sorrow than I?

Man is not leaving at all.

Then, why the mountains and rivers have to answer the go away call?

 

Tâm trạng chờ đợi vị anh hùng dân tộc được thể hiện rõ nét nhất qua những đêm trằn trọc không ngủ và mừng thầm lắng nghe tiếng nhạc ngựa mơ hồ của chàng dũng sĩ không hiểu là ngựa đến nước kiệu hay vó ngựa phi nhanh:

 

2.

Đến đi vó ngựa mơ hồ

Dấu rêu còn đọng trên bờ mi xanh

 

2.

Is it a horse at an amble coming up?

Or a horse at a gallop going away?

On your eyelashes, a light layer of green moss still stays.

 

Quả thật nhiều vị anh hùng đã trở về rồi lại ra đi và chứng cớ vẫn còn rành rành ra đó:

Dấu rêu còn đọng trên bờ mi xanh

On your eyelashes, a light layer of green moss still stays.

 

Cũng có thể đã có một số người đã gia nhập đoàn quân anh dũng và bây giờ vẫn còn lai vãng bên cạnh toàn dân mang về những dấu vết của Núi Rừng Phục Quốc hay một số Chiến Sĩ Phục Quốc bị sa cơ rơi vào tay quân thù và giờ đây Thiền Sư Tuệ Sỹ đốt lên nén hương lòng tưởng nhớ.

Hai câu trên đây còn là một bản nhạc gợi lên được tiếng ngựa phi lóc cóc đều đặn qua những nhịp 2 chữ của hai câu lục bát:

 

Đến đi / vó ngựa / mơ hồ

Dấu rêu / còn đọng / trên bờ / mi xanh

 

Cảnh nghèo đói trùm khắp quê hương, nơi nào cũng chỉ là những con đường mòn heo hút dẫn đến những cồn cát quạnh hiu hoang vắng:

 

23.

Hoang vu

Cồn cát cháy

Trăng mù

 

23.

Deserted.

Sand dune burns.

Murky moon.

 

Nhà cửa thì ẩn hiện lờ mờ trong bóng đêm qua những ngọn đèn leo lét, tạo cơ hội cho kẻ trộm có thể lẻn vào nhà lấy cắp các đồ đạc đem bán ve chai trong các ngõ hẻm mịt mờ, kể cả:

 

Đồng hồ điện!

Cầu dao!

Công tắc!

 

Power meter!

Circuit breaker!

Light switch!

 

Một quốc gia trong đó không có chút nhân quyền, những người có lương tri bị xem nhưkẻ thù của nhà nước và bị giết chóc kềm kẹp:

 

28.

Ơ kìa, nắng đỏ hiên chùa.

Trăng non rỏ máu qua mùa mãn tang.

 

28.

Look at that Red light falling on the pagoda lawn.

The sickle moon drips blood throughout the time to mourn.

 

Ba trăm năm trước vào thời Nguyễn Du, chúng ta chỉ có một mả Đạm Tiên hoang phế:

 

“Sè sè nấm đất bên đàng

Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”

Nguyễn Du (Kim Vân Kiều, câu thơ 57, 58)

 

Ngày nay vào thời Tuệ Sỹ, chúng ta có hàng ngàn, hàng vạn nấm mồ hoang:

 

Ráng chiều xa, ai thấy mộ sương dầm?

 

O Twilight! You are so far away beyond the land,

How can we see the soggy graves soaked in the dew so dense?

 

Khi dịch hai câu này, tôi cố gắng vận dụng thuật alliteration, lặp đi, lặp lại điệp âm S, X [S, s] để gợi lên tiếng chân sột soạt bên những ngôi mộ sình lầy trong bóng tối.

Về phần nhịp điệu, tôi chia câu thơ làm 5 vế:

 

1 2 3 4 / 1 2 3 4 / 1 / 2 3 / 1 2

How can we see / the soggy graves / soaked / in the dew / so dense?

Vế đầu 4 chữ / Vế thứ hai 4 chữ / Vế thứ ba 1 chữ / Vế thứ tư 3 chữ / Vế thứ năm 2 chữ

Vế đầu 4 chữ là bước chân đều đặn bình thường

Vế thứ hai 4 chữ cũng còn là bước chân đều đặn bình thường

Vế thứ ba 1 chữ tả bước chân bất chợt sụp xuống sình

Vế thứ tư 3 chữ tả bước chân cố sức rút ra khỏi vũng sình

Vế thứ năm 2 chữ tả bước chân bị sụp xuống sình lần nữa

Những ngôi mộ trong thơ Tuệ Sỹ cũng âm u như những ngôi mộ trong thơ của Gérard De Nerval:

“Ma seule étoile est morte, - et mon luth constellé

Porte le soleil noir de la Mélancolie.

Dans la nuit du tombeau, toi qui m'as consolé” - Gérard De Nerval (El Desdichado: Déshérité)

 

11.

Lặng lẽ nằm im dưới đáy mồ;

Không trăng không sao mộng vẩn vơ.

Tại sao người chết, tình không chết?

Quay mấy vòng đời, môi vẫn khô.

11.

Silently lying at the bottom of the graveyard.

No moon, no star, I just find it hard

to understand why people die, but love does not?

Human lives keep transforming but their dry lips cannot stop the rot.

 

Súc vật và tạo vật cũng được lồng trong cảnh âm u tranh tối tranh sáng của chết chóc và bệnh hoạn:

 

Đàn cò đứng gập ghềnh không ngủ

Ngóng chân trời con mắt u linh

 

A flock of storks stand off balanced but not dormitive,

Looking down the horizon with the eerie eyes of the deceased.

 

Thú vật trong thơ Tĩnh Thất đã được nhân cách hóa như thú vật của La Fontaine biết vui, biết buồn, biết yêu, biết khổ:

Con trâu trắng thẫn thờ góc phố

Nỗi hoài hương nhơi mãi nhúm trăng mòn

 

A white buffalo wandering about the streets,

Nostalgically chewing the eroded moon now becoming a tiny bit.

 

Trong gông cùm cộng sản, Thiền Sư vẫn đưa mắt về chốn xa xôi nhìn theo những chú trâu trắng mến yêu ở các góc phố Paris, Luân Đôn, Cali, Melbourne.

Ngoài công cuộc chiến đấu chống lại cái búa dùng để đập đầu ăn thịt mình, con trâu trắng còn phải kiên trì nhơi, nhơi mãi:

 

“Voi uống nước, nước sông phải cạn”

Nguyễn Trãi (Bình Ngô Đại Cáo)

 

“Mảnh lưỡi liềm nhơi mãi phải tan.”

- Lương Dinh

 

Thiền Sư Tuệ Sỹ không đề cập đến mấy con trâu đen bên quê nhà, hãy để yên cho mấy chú trâu đen cứ tiếp tục làm thân trâu ngựa, để rồi một ngày đẹp trời nào đó sẽ cùng với mấy chú trâu trắng dự tiệc ăn mừng, hè nhau nhơi hết mảnh trăng lưỡi liềm còn lại. Mấy chú trâu trắng tuy nhớ nhà nhớ nước nhưng vẫn giữ thái độ hiền hòa, chỉ có chú rắn luôn luôn thủ võ, nằm mai phục sẵn để chờ dịp đớp mồi:

 

Một chuỗi rắn rình mò trong hẻm nhỏ;

A snake lurks in the alley;

 

Nhưng than ôi!

Không bụi đường đâu có chỗ đi hoang?

No street dirt, it will be meandering into a no through way?

 

Không có tài nguyên, không có phương tiện thì chàng dũng sĩ biết phải làm sao đây?

Và nhỡ có sa cơ thất thế lọt vào tay quân thù thì:

 

11.

Lặng lẽ nằm im dưới đáy mồ;

Không trăng không sao mộng vẩn vơ.

Tại sao người chết, tình không chết?

Quay mấy vòng đời, môi vẫn khô.

 

11.

Silently lying at the bottom of the graveyard.

No moon, no star, I just find it hard

to understand why people die, but love does not?

Human lives keep transforming but their dry lips cannot stop the rot.

 

Làm sao tình yêu quê hương chết được, tim của Thiền Sư đã hóa đá, đã được crystallized để trở thành trạng thái crystallization of love của Trương Chi:

 

“Nợ tình chưa trả cho ai?

Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.”

Nguyễn Du (Kim Vân Kiều, câu thơ 709-710)

 

Hay là:

 

“Chị dầu thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”

Nguyễn Du (Kim Vân Kiều, câu thơ 733-734)

Hết một kiếp người mà chưa trả được nợ tình, thì dù qua bao nhiêu kiếp nữa, tình ta vẫn còn, môi ta vẫn khô:

Quay mấy vòng đời, môi vẫn khô.

 

Human lives keep transforming but their dry lips cannot stop the rot.

 

Nhưng chúng ta may mắnThiền Sư Tuệ Sỹ là nhân vật có khả năng

 

... đi xuống quậy trần hoàn nổi sóng;

Đốt mặt trời vô hạn cô liêu.

 

I go down and stir up the waves on earth;

and set fire to the sun to destroy the endless loneliness of the world.

 

để chống lại kẻ thù chung tàn bạo.

Còn về cảnh vật, lời thơ của Tuệ Sỹ đôi khi tạo cho người đọc một thứ cảm giác rờn rợn của gió mưa u buồn ma quái:

Gió qua ngõ phố mập mờ;

Mưa rơi đâu đó mấy bờ cỏ lau.

 

The wind blows through the gloomy streets;

The rain falls somewhere on the banks of the reeds.

 

Chẳng khác nào hồn ma hiện về như hồn ma trong thơ của cụ Nguyễn Du:

“Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”

Nguyễn Du (Kim Vân Kiều, câu thơ 743, 744)

Phải chăng đây là những oan hồn đã chết tức tưởi ở các trại học tập cải tạo hoặc ở các trại tị nạn rải rác khắp vùng biển đông như Galang, Mã Lai, Phi Luật Tân, Hồng Kông... hay tiếp tục chết trong bàn tay bạo lực rồi được chôn lấp sơ sài bởi anh em đồng đội hay bạn đồng thuyền.

 

Đường lịch sử

Bốn nghìn năm dợn sóng

 

The Path of History

over four thousand years now looks wavy.

 

Đất nước như thế đó, toàn dân có nghe chăng?

 

31.

Ơi người cắt cỏ ở bên sông,

Nước cuộn ngoài khơi có bận lòng?

Phấn liễu một thời run khóe mọng;

Hương rừng mờ nhạt rải tầng không.

 

31.

Hey, mower on the riverbank, are you listening?

Don’t you find the billowing current on the horizon disturbing?

The willow tree has been trembling.

The forest is no longer filled with its familiar sweet smelling.

Bốn câu thơ trên đây chẳng khác gì lời kêu gọi của vua Lê Lợi trong bài "Bình Ngô Đại Cáo":

“Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,

Lúc Khôi Huyện quân không một đội.”

Nguyễn Trãi (Bình Ngô Đại Cáo)

 

Cũng có lúc Thiền Sư thét lên những tiếng thét kinh hoàng hãi hùng như King Lear của Shakespeare:

 

“The terrors of the earth. You think I'll weep

No, I'll not weep:

I have full cause of weeping; but this heart

Shall break into a hundred thousand flaws,

Or ere I'll weep. O fool, I shall go mad!”

Shakespeare, William (King Lear, II, 3)

 

Ta đi xuống quậy trần hoàn nổi sóng;

Đốt mặt trời vô hạn cô liêu.

 

I go down and stir up the waves on earth;

and set fire to the sun to destroy the endless loneliness of the world.

 

“Blow, winds, and crack your cheeks! rage! blow!

You cataracts and hurricanes, spout

Till you have drench'd our steeples, drown'd the cocks!”

Shakespeare, William (King Lear, III, 1)

 

Rồi cũng có lúc, lời thơ lại trở nên tha thiết nói lên nỗi nhớ thương não nùng hoặc tình yêu âm thầm dịu ngọt:

 

32.

Khói ơi bay thấp xuống đi

Cho ta nắm lại chút gì thanh xuân

Ta đi trong cõi Vĩnh hằng

Nhớ tàn cây nhỏ mấy lần rụng hoa

 

32.

Smoke! Please glide lower down!

Let me catch something from my youth that has gone by now.

I am walking in the Eternity

Feeling the miss of the little thicket that shed, time and again, flowers from the trees.

 

Thơ của Tuệ Sỹ chạy từ Đông sang Tây, từ Anh sang Pháp, bao gồm các giọng thơ của Shakespeare, Lamartine hay Anatole France khi nhớ lại thuở thiếu thời hằng ngày đi ngang vườn Lục Xâm Bảo:

 

“Je vais vous dire / ce que je vois / quand je traverse / le Luxembourg / dans les premiers jours d'octobre / alors qu'il est un peu triste / et plus beau que jamais / car c'est le temps / où les feuilles tombent / une à une / sur les blanches épaules / des statues.”

Anatole France (Le Livre de mon Ami)

 

Cái thời xa xưa cho dầu có hơi buồn nhưng đẹp hơn bao giờ hết vì đó là thời gian mà lá cây trong vườn Lục Xâm Bảo rơi từng chiếc, / từng chiếc, / trên bờ vai trắng của những pho tượng.

 

Ta đi trong cõi Vĩnh hằng

Nhớ tàn cây nhỏ mấy lần rụng hoa

I am walking in the Eternity

Feeling the miss of the little thicket that shed, time and again, flowers from the trees.

 

Trong hai câu dịch ra Anh ngữ trên đây, túc từ của động từ SHED bị cắt đứt bởi 3 chữ "time and again" chen vào giữa câu thơ để nói lên những đóa hoa rơi ngập ngừng, / từng cánh, / từng cánh, / từ những tàn cây nhỏ của thuở ấu thơ không bao giờ trở lại.

 Dinh Luong (BA. DipEd)

BA. (Français, Saigon Uni.)

Graduate Diploma in Education

(ICE Melbourne – Australia)
Melbourne, Oct. 2006

 

 

Hermitage and Meditation

2000-2001

Tĩnh Thất - thơ Tuệ Sỹ

Lương Dinh dịch sang Anh ngữ

 

1.

Please give me a grain of salt and pepper.

In the lingering golden sunset, your young lips turn paler.

I am on my journey to rebuild my country.

The red light fell on rocks and the mist shrouded my city.

 

Oct. 20

 

2.

Is it a horse at an amble coming up?

Or a horse at a gallop going away?

On your eyelashes, a light layer of green moss still stays.

 

3.

A thousand years ago, up the mountain I climbed.

I’ll go down the stairs in a thousand years’ time.

I have been waiting for you in vain with my eyes wide open like mustard seeds.

Where are the footprints left behind by your feet?

4.

If the iron is not entering this soul of mine,

Who else is more deeply plunged into sorrow than I?

Man is not leaving at all.

Then, why the mountains and rivers have to answer the go away call?

The fragile sunray erodes the doorframe

to let sorrow whitewash the eyelashes on your eyes so strained.

I climbed up the riverbank.

The water bubbles in the sunlight on its flank.

Where is the wind blowing?

How can we still hear the mountains and rivers murmuring?

Just look at that grass using its tilted shadow to protect the grains of sand.

O Twilight! You are so far away beyond the land,

How can we see the soggy graves soaked in the dew so dense?

 

5.

A can of milk lies quietly by the side of a market drain.

A wandering stray dog comes beating time in the rhythmic rain.

I am wandering about looking for a grass.

The dog’s eyes tell me:

“The same thing in a hundred years’ time will last.”

 

6.

The ship is now departing; have you any secrets to be held in esteem?

The sunrays sparkle, the water bubbles at the end of the stream.

7.

The mild cold comes at the end of autumn.

On a porch a dog plays around with the sunlight that blossoms.

The sunlight suddenly goes out of sight.

An immeasurable sadness we are now coming by.

 

8.

A call out of a vendor in the alley:

Power meter!

Circuit breaker!

Light switch!

The call-outs suddenly come and go away.

Who cares about the sunshine or the rain during a hundred years of a life span?

On the porch, who will pick up the flame petals that land?

 

9.

Yearning like a star dreaming in its sleep.

Mankind is lost in its temporary life during the many nights so deep.

The streetlight still coldly stares through the window.

To redraw the landscape of sunrise, tomorrow I will go.

 

10.

A mango in my heart I have kept deep down.

To chew it in my sadness I take it out.

People of the past, where have you gone?

How lonely I am on earth, you didn’t take me along!

You painted my portrait, but you forgot half of the thing.

Half of me stays in an inn, the other half just wandering.

Half of me enjoys the company of fairies in the sky,

The other half stays awake in the long hellish nights.

 

11.

Silently lying at the bottom of the graveyard.

No moon, no star, I just find it hard

to understand why people die, but love does not?

Human lives keep transforming but their dry lips cannot stop the rot.

 

12.

I counted one two three

My many neglected days lost;

I buried my head in thick smoke where I have been on the trot.

Smoke and dust here

Intermingling with each other to create ideas;

But dust is loitering about dark ferry landings full of fear.

 

13.

Leaving behind the cattle herd with their amorous eyes,

I flew up the sky to become the Lord of the ephemeral life.

I look down onto the earth darkened by the cigarette smoke;

Why can’t we have a bit of sunlight to dry up the damp way of living of those human folks?

 

14.

I am wandering about in Paradise.

Eternity is blurred by moss and dirt.

I go down and stir up the waves on earth;

and set fire to the sun to destroy the endless loneliness of the world.

15.

A white buffalo wandering about the streets,

Nostalgically chewing the eroded moon now becoming a tiny bit.

On the red roof a flock of shivery sparrows trembling;

The evening dew might cause them more shivering?

A snake lurks in the alley;

No street dirt, it will be meandering into a no through way?

 

16.

Picking up a grass

To measure time past

But it eternally lasts.

 

17.

Please grant me a few drops of moderate pain;

Let the wind rise on the hill to sprinkle drops of rain.

The wind blows through the gloomy streets;

The rain falls somewhere on the banks of the reeds.

The midday sun discolours the old town.

I pass through my dream, and I suddenly startle and find myself on a mount.

 

18.

An elderly man shivering in a thunder shower in town.

Down a stream a skinny girl in a red floral silk dress gets drowned.

 

19.

You have gone away leaving behind the empty forest.

For a tiny little stream to look after the morning star by your request.

Your shadow crushes monument and palace.

 

20.

Oh sadness.

Eternally divine.

Recalling the cycle of life,

Sand and dust redden one’s eyes.

 

21.

At the buzzing sound of mosquitoes,

One startles and awakes.

Far out there

someone is having a long journey to make?

The flood overwhelmed the country.

The children drowned and away passed.

I sat on the riverbank

Caressing a dream grass.

 

22.

You resented me

And left me for your dream Galaxy.

As a swan I just feel lonely.

A thousand years on from now,

Swallowed deep in the ground,

And brightened up by the shower.

The change of colour in the blood will be really sound.

 

23.

Deserted.

Sand dune burns.

Murky moon.

Deserted.

Sand dune.

Murky moon.

Plants and trees dreamt

About the fate of the land

 

24.

Where are you going? Your countenance looks so wearied!

The footprints of the coming and going are fading away drearily.

The Path of History over four thousand years now looks wavy.

So the ones that left didn’t promise themselves any dry land to see.

 

25.

The wind rose high and up the water bubbles blew.

The field was shrouded in cloud and dew.

The town was not drowsy.

The smoke befogged the banks of the non-entity.

 

26.

A flock of storks stand off balanced but not dormitive,

Looking down the horizon with the eerie eyes of the deceased.

The horizon collapses, the trees shed their drooping leaves.

The gate of the metempsychosis opens up to a new life to live.

 

27.

I wait for the rain to stop then head for the tope.

Anxiously listening to the wintry and tearful smoke.

The reeds sweep the sunlight over my hair on my top;

It’s only mirage, everything suddenly stops.

 

1st day of the year Tân Tỵ

 

28.

Look at that Red light falling on the pagoda lawn.

The sickle moon drips blood throughout the time to mourn.

A monk’s robe is blotched by dust and its colour is gone.

Smoke and moss have tarnished the temple wall.

 

29.

If you are not happy, I will come back home to do the farming.

I will sow the spring breeze and wait until summer when it will be raining.

I will listen to the croaking of toads and frogs calling each other in the spring.

Who knows when the market place will stop the floodwater from coming?

First of January

 

30.

Tossing in the night and glancing at shadows of ghosts.

So many one-night stands in an inn I have got.

No flowers, only a smouldering candle taper like a flowers’ flash.

The apricot flowers blossomed and waited for spring to come at last.

Now the streetlight is dimmed out, spring has gone past.

 

31.

Hey, mower on the riverbank, are you listening?

Don’t you find the billowing current on the horizon disturbing?

The willow tree has been trembling.

The forest is no longer filled with its familiar sweet smelling.

 

32.

Smoke! Please glide lower down!

Let me catch something from my youth that has gone by now.

I am walking in the Eternity

Feeling the miss of the little thicket that shed, time and again, flowers from the trees.

 

 

Translated by Dinh LUONG

BA. (Français, Saigon Uni.)

Graduate Diploma in Education (ICE Melbourne – Australia)

(Melbourne, 31 March 2006)

 Tác Phẩm Mới

Voyage dans mon univers tranquille

 

Voyage Dans Mon Univers Tranquille 2000 - 2001

Poème Vietnamien de

Thiền Sư Tuệ Sỹ

 

Traduit en Français par Lê Mộng Nguyên

Membre de l’Académie des Sciences d’Outre-Mer

(Paris, 27 janvier 2006)

 

1.

Donne-moi un grain de sel et de poivre

Car la lumière du soir

a fané les commissures de tes lèvres

Je vais réparer les erreurs de ma patrie

alors que tombe le démon rouge sur la falaise

et que la brume enveloppe la ville entière...

 

Oct. 20

 

2.

Est-ce bien le cheval qui s’approche à petits pas rapides?

Ou part-il au galop là-bas, au lointain?

De la mousse bleue étant encore en stagnation

sur le bord de tes cils bleu ciel.

 

3.

Mille ans avant j’escaladai la montagne

Mille ans après j’en descends pour secourir les gens.

Je t’ai attendue en vain néanmoins,

La pupille de mes yeux te cherchant,

Et les empreintes de tes pieds,

Où sont-elles maintenant?

 

4.

Je ne suis pas triste,

qui peut être plus triste que moi?

Tu ne pars pas,

ton pays n’ayant jamais l’intention de te quitter !

Les fragiles rayons de lumière

éclairent en élimant l’encadrement de ta porte

pour laisser les chagrins blanchir mes sourcils.

Je monte sur la rive,

le soleil illuminant les eaux qui clapotent doucement.

Où est le vent qui accompagne mon pays

dans son chuchotement?

Voilà l’ombre inclinée de l’herbe

qui cache les grains de sable

et les nuages rouge pâle du soir arrivés,

qui peut voir la tombe couverte de rosée?

 

5.

Voyant la boîte de lait immobile au marché,

vers sa proie s’élance le chien égaré

au rythme de la pluie tombante.

J’erre à la recherche

de la tige de l’herbe,

le chien me regardant,

indifféremment.

 

6.

Le navire voguant vers le large,

combien d’étages de confidences abrite-t-il raiment?

Le soleil scintillant,

dans l’ombre de l’eau dormante

qui jaillit sur la falaise au loin.

 

7.

En fin d’automne, il fait bien froid

Le chien s’amuse avec le soleil sur la véranda

Soudain la lumière s’éteint,

la tristesse nous envahit et nous étreint.

 

8.

Dans la ruelle, le marchand ambulant annonce

en criant ce qu’il achète :

Compteur électrique !

Disjoncteur !

Interrupteur !

Ses cris surviennent et repartent comme le vent.

Dans cent ans,

que restera-t-il

de la pluie et du beau temps?

Qui ramassera la branche de fougère

au bout de la véranda naguère?

 

9.

Je m’attarde aux vains regrets du passé

comme les étoiles rêvent de dormir

Dans la nuit immense en se trompant de chemin

pour une vie éphémère.

Les lampadaires des rues éclairant

impassiblement les fenêtres fermées.

Passé le lendemain,

je redessinerai l’aube de l’humanité.

 

10.

Je laisse dans un coin de mon cœur une mangue

pour en mâcher une partie

quand la vague de tristesse m’envahit

en me posant la question :

où sont mes amis d’antan?

Il ne reste que moi en ce bas monde.

Vous me faites mon portrait, en en oubliant la moitié

Moitié dans une auberge, moitié à la dérive

Moitié dans le Ciel, pour une réunion de fées,

Moitié dans la nuit blanche, en enfer!

 

11.

Silencieusement mon corps repose au fond de la tombe

Pas de lune, ni d’étoiles mais un rêve vagabond

Pourquoi l’homme meurt-il, mais non l’amour?

De plusieurs vies j’ai beau faire le tour,

mes lèvres sont aussi sèches.

 

12.

Un deux trois

Tant de jours dans l’oubli;

Je plonge ma tête dans la couche épaisse de fumée,

Fumée et poussière

S’entremêlent en idées;

Mais la poussière de rue en vagabondage

s’envole vers l’autre monde sans rivage.

 

13.

Laissant les vaches aux yeux passionnément amoureux,

Je monte au Ciel, sacré Prince consort du Néant

Regardant la Terre en bas, couverte de fumées polluantes;

L’humanité se désole de voir si peu de lumière

du soleil levant.

 

14.

Au sein du Paradis je me promène en vagabondage,

l’éternité semblant légèrement assombrie

par la mousse et les algues sauvages.

Je descends sur terre

en remuant le monde de poussière

pour le transformer en tsunami,

et brûler le soleil solitaire, à l’infini.

 

15.

Le buffle blanc a l’air hébété dans un coin de ville,

en broutant toujours une partie de la triste lune,

par nostalgie du pays.

Des moineaux sur le toit en brique

saisis par le froid,

baissent et lèvent la tête plusieurs fois;

La rosée du soir tombant, est-on encore plus glacial?

Une bande de serpents guettent leur proie

dans le petit passage étroit

Sans la poussière des rues, où peuvent-ils se cacher

dans cet endroit abandonné?

 

16.

J’arrache un brin d’herbe

Pour mesurer l’ombre du temps

Qui dure infiniment.

 

 

 

17.

Donnez-moi un peu de tristesse seulement

Pour que le vent se lève sur la colline environnante

en répandant la pluie.

Le vent souffle à travers l’impasse diffuse;

La pluie tombe çà et là sur les touffes d’herbe et de roseau.

Le soleil de midi brillant sur la cité ancienne de couleur fanée,

Je marche à travers mon rêve

tout en haut de la colline en tressautant.

 

18.

Le vieillard dans un endroit retiré de la ville

Qui se tortille sous la pluie torrentielle,

Une jeune fille vêtue de tunique de soie décorée de rosacées...

La vie étant éphémère,

Qui passe comme le cours de la rivière.

 

19.

Vous partez en laissant vide une partie de la forêt

où le ruisseau veille en permanence

sur l’Étoile du Matin,

et votre ombre écraser palais et châteaux

 

20.

Ô ma tristesse

Dans le monde légendaire de l’immortalité

Ô ma nostalgie de la métempsycose

Dans laquelle sable et poussière rendent tes yeux rouges?

 

 

21.

Le bourdonnement de moustiques

Réveille l’homme en sursaut

Dehors, dans le lointain là-haut

Qui est en train de marcher?

Le cours d’eau en crue monte

Le petit enfant meurt noyé

Assis sur la rive,

Je caresse la pointe de l’herbe rêvée.

 

22.

Vous avez du ressentiment envers moi

Et m’avez quitté dans la voie lactée

Où vous voyagiez en rêve

En laissant l’ombre du cygne vagabonder.

Mille ans après,

Au cœur de la terre profonde

ardemment arrosée de pluie abondante

Les gouttes de sang

changent de couleur.

 

23.

Dans le désert

Les bans de sable sont en flamme

La lune se trouvant assombrie

Désert

Bans de sable

Lune assombrie

Les herbes et les arbres rêvent

De restaurer le patrimoine national

 

24.

Où allez-vous, voyageur usé par le temps?

Un aller et retour sur le même chemin

Tout en laissant vos empreintes

de plus en plus floues

La voie de l’histoire

De quatre mille ans dans la tourmente

Vous laisse partir dans votre errance

Sans esprit de retour.

 

25.

Le vent fort fait éclater la bulle d’air

La nuée de brouillard couvre bien la campagne

La cité n’a pas sommeil

La fumée de nuage tapote la rive du néant

 

26.

La bande de cigognes debout sur un terrain raboteux

ne pouvant dormir, attendent impatiemment

en scrutant l’horizon des yeux ténébreux

L’horizon s’écroule sous des milliers d’arbres

aux feuilles tombantes généreuses

Le portail de la réincarnation s’ouvre largement à l’aurore.

 

27.

J’attends que la pluie ait cessé pour entrer dans la forêt

Afin d’écouter avec émotion la fumée froide se réchauffer

Et les touffes de roseaux balayer le soleil qui pénètre dans tes cheveux;

Illusion extraordinaire,

qui nous apparaît en l’espace d’un instant?

1er Jour de l’An Tân Tỵ

 

28.

Voilà du soleil sur la véranda de la pagode

La lune à peine apparue s’égoutte de sang,

la saison de deuil étant révolue.

Votre toge, Maître, blanchit

en raison de tant de poussières de vie,

la fumée de mousse décolorant le mur des Prières.

 

29.

Vous n’êtes pas heureux, je m’en vais labourer au champ,

Semer le vent de printemps

en attendant les pluies d’été.

Et d’écouter les batraciens appelant à se ruer

vers le petit ruisseau,

Je ne sais pas si un jour le marché de la cité

pourra arrêter l’eau débordant la digue.

1er jour de l’An Lunaire

 

30.

Au cours de ma nuit blanche

et en volant l’ombre fantomatique,

pour exprimer des sentiments intimes pour l’hôte voyageur

des bougies se transforment en fleurs,

le prunier bourgeonne, ses feuilles apparaissant,

le printemps étant attendu.

Et le printemps passé,

la lumière électrique devenant éthérée.

 

31.

Ô l’homme qui coupe l’herbe au bord du fleuve,

L’eau tourbillonnante au large

ne vous inquiète-t-elle pas?

Destin de saule pleureur pour un temps délicat

aux feuilles tremblantes chargées d’eau, à chaque angle;

Le parfum forestier rend floue

la couverture de l’air existant.

 

32.

Ô fumée, vole encore plus bas

Pour que je puisse retenir par la main

un peu de ma jeunesse

Je marche dans le monde supraterrestre

en pensant à mon petit arbre flétri

qui perd ses fleurs maintes fois depuis.



 

Tuệ Sỹ

Thái Ðộ của Nhà Sư Nhập Thế

 

NGUYÊN SIÊU

 

Cung cách dung dị, hiền từ tay lần chuỗi hạt chậm rãi, tự tại trong nhà Thiền, bên tách trà sen bốc hơi ấm, đó là hình ảnh thân thương, tôn kính toát ra từ vị Sư Trụ Trì nơi các Tổ Ðình, Cổ Tự của nhiều thập niên, nhiều thế kỷ qua. Hình ảnh ấy là biểu tượng của các bậc Thạch Trụ Thiền Gia, Long Tượng Thạc Ðức, là bài thuyết pháp vô ngôn, thân giáo thanh tịnh, giới đức tinh nghiêm. Ðó chính là nơi quy ngưỡng của hàng Phật tử bằng lý tưởng tu tậpphụng sự làm lợi ích, an lạc cho tha nhân.

Dưới mọi hành trạng, ứng xử thích nghi với đời, để thể hiện công hạnh độ sinh, ban vui cứu khổtinh thần nhập thế của đạo Phật tùy duyên, vô tướng hiện bày khắp chốn, thời gian cho từng người, cho từng quốc gia, xã hội. Tinh thần nhập thế ấy, đã trải dài suốt một dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam mà cũng là dòng lịch sử Phật giáo thế giới, qua bao thăng trầm vinh nhục của loài người.

Bằng bài học nhập thế, nhằm góp phần xây dựng quê hương thanh bình thịnh trị cho dân tộc được hạnh phúc, tự do cho những thế hệ kế thừatình thương đồng loại, Thầy Tuệ Sỹ đã đi trên con đường mà từ ngàn xưa chư vị Tổ Sư, Tiền Nhân đã đi, đã hành sử những hạnh nguyện mà các bậc Thầy đã ứng xử qua thái độ nhập thế như là một hiện thâncon người.

1. Thái độ nhập thế qua công trình trước tác, dịch thuật, thơ văn.

Ðể góp phần làm giàu đẹp cho gia tài văn hóa nước nhà, cũng như Ðạo pháp, Thầy đã dành phần lớn thời gian, công sức để trước tác, dịch thuật Kinh, Luật, Luận, nghiên tầm các hệ phái triết học, tư tưởng Ðông Tây và cũng chính từ đó, Thầy đã đi vào "Những Phương Trời Viễn Mộng."

* Lãnh vực Ðạo học, Kinh, Luật, Luận:

Bằng sở tri lịch lãm, kiến văn sâu xa mà nhất là cổ ngữ chữ Nho, Pàli, Sankrit là phương tiện duy nhất để phiên dịch Tam Tạng. Những bộ kinh Thầy đã hoàn tất như bộ A Hàm, Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Thắng Man Phu Nhân...

Bộ Kinh A Hàm được xem là bộ Kinh tiêu biểu cho nền tảng của Phật giáo Nguyên Thủy. Tất cả những thời kinh mà Ðức Phật đã thuyết giảng trên con đường hoằng hóa, làm tươi mát cho mọi đời sống từ Vua quan cho đến hàng dân dả, từ tầng lớp đạo sỹ cho đến hàng nông nô, từ những tướng cướp giết người cho đến hàng kỹ nữ lang bạc, tất cả đều được hóa độ để trở thành bậc Thánh. Ðó là tinh thần giáo pháp làm sống dậy tình người, ngày thêm hương sắc để đưa đến chân trời thánh thiện.

Thầy dịch bộ A Hàm, cho chúng ta thấy được rằng: lời Phật dạy xây dựng một đời sống chân hạnh phúc gia đình quốc gia xã hội. Ðây được xem như tinh thần nhập thế tích cực. Ðời sống của người cư sĩ Phật tử hạnh phúc trong hiện tại và tương lai. Một cái nhìn rất nhân bảncấp tiến trên tình thương yêu đồng loại, liên đới giữa cá nhâncộng đồng loài người trên thế giới. Các mối tương quan tốt đẹp giữa Cha Mẹ và con cái, giữa Thầy và trò, giữa bạn bè và bà con xóm giềng, giữa người chủ và thợ... Thầy đã mang hành trang chữ nghĩa, ý kinh để làm nguồn cảm hứng giác ngộ cho những ai đem tâm sưu khảo, nghiên tầm và áp dụng giáo pháp vào đời sống hằng ngày, để từ đó chứng đắc giáo pháp nơi tự thân mà được giải thoát.

Tinh thần nhập thế thứ hai là Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết và Thắng Man Phu Nhân, đây là hai bộ Kinh được tiêu biểu cho hạnh Bồ Tát tại gia của Trưởng giả Duy Ma CậtPhu Nhân Thắng Man. Nơi đây, tinh thần nhập thế được mở rộng, hoàn toàn xả kỷ vị tha, phá trừ mê lậu vọng chấp, để thẳng tiến đến chân trời Phật tánh bình đẳng. Phiên dịch Tam Tạng Kinh Ðiển là điều Thầy thường khuyên nhủ học Tăng phải thông Hán học, giỏi Pàli và rành Sankrit vì đó là những ngoại ngữ mà người muốn dịch thuật Kinh Luật Luận không thể không thông. Do vậy, Thầy đã dạy Phạn ngữ và Pàli hầu như suốt thời gian cho Tăng sinh Phật Học Viện để chuẩn bị cho nền dịch thuật sau này.

Thái độ nhập thế của Thầy được biểu lộ qua "Tự Ngôn" của bộ luật Tứ Phần: "Chúng tôi hy vọng những đệ tử kế thừa y bát của Hòa Thượng sẽ chú tâm thực hiện các Phật sự này, một là để không phụ ân đức giáo dưỡng tài bồi của Sư Trưởng, hai là góp phần vào sự tăng trưởng hưng thịnh của Tăng già, tiếp nối mạng mạch của chánh pháp, làm chỗ nương tựa và phước điền cho thế gian."

Như vậy, công trình nghiên cứu dịch thuật của Thầy nhằm mục đíchhoàn thành bộ Ðại Tạng Kinh Việt Nam để cho người Phật tử dễ dàng trì tụng, tham vấn mà không còn lệ thuộc vào ngôn ngữ cũng giống như các quốc gia khác. Ðây là công trình lâu dài và to lớn mà Thầy đã góp một phần quan trọng trong công việc phát huy và bảo tồn nền văn hóa, học thuật đạo pháp.

* Lãnh vực thế học thơ văn:

Mang hành trang vào đời bằng ngôn ngữ thi ca, Thầy đã tham cứu các tư tưởng triết học từ Âu sang Á. Trong bài Cogito Bát Nhã - Dưới ánh sáng của Hiện Tượng Luận, nơi đây Thầy đã gặp René Descartes, Edmund Husserl là những nhà toán học, triết học, đã đề cập đến trong cuốn "Tư Tưởng Dẫn Ðạo Vào Hiện Tượng Học". Husserl định nghĩa: "Hiện tượng học là một khoa học căn bản đặt nền cho triết học; nó được gọi là khoa học về hiện tượng." Hay trong bài so sánh các vấn đề triết học Phật giáo, Thầy đã có lệ ngôn: "Cogito là một danh từ La Tinh có nghĩa là "Tôi suy tưởng" rút trong nguyên lý triết học của Descartes: "Cogito ergo sum - tôi suy tư tức tôi hiện hữu"... Sau này Husserl, Sartre, Heidegger lần lượt theo Descartes suy niệm về bản thể của tri thức và đem lại cho danh từ Cogito những nội dung khác nhau. Do đó, chúng tôi cũng có ý mượn danh từ Cogito là một đề mục cho sự nghiên cứu bản thể tri thức siêu nghiệm của Ðức Phật, trong loạt bài so sánh triết học Ðông Tây của chúng tôi mang tính triết học lồng vào tư tưởng Tánh Không Luận là gì ? Thầy đã mượn lời nói của Heidegger: "Aus der Erfahrung des Denkens". "Có thể vay mượn những lời nói như vậy để khởi đầu cho sự chờ đợi tiếng vọng đáp ứng của những gì đó đang ẩn mình trong bóng tối... kiên trì và dừng lại để chờ đợi trong sự bế tắc là liều lĩnh ký thác mình cho một cuộc chơi ngoạn mục của thiên diễn, là liều lĩnh đứng lại giữa dòng thác đổ của vạn hữu."

Trong cái thường có cái bất thường. Trong cái thuận dòng có cái nghịch dòng được diễn bày thiên lưu thiên biến, trong ý niệm triết học, tư tưởng, tri thức mà Thầy đã tạo dựng nên khung trời nghịch thường đó: "Không chịu tiệm tiến từng bước vững chắc như những đợt nhảy của con chim hồng: nhảy bên bờ nước, nhảy đến tảng đá, nhảy trên đất cạn, nhảy trên cành cây, nhảy lên gò cao và cuối cùng bay trong thương khung để lông cánh làm đẹp cho bầu trời." Và để từ đó trả lời Tánh Không Luận là gì? Như là: "Khi con bướm mùa hè dừng lại trên đóa hoa, khép lại đôi cánh và đong đưa theo cơn gió của cỏ nội hoa ngàn." Hay một định nghĩa khác: "Trong tư tưởng, mọi sự trở thành cô liêu và lững thững." Ấy là Triết học Tánh Không được nói bằng ngôn ngữ của Thầy với thái độ của kẻ sĩ nhập thế.

Từ chân trời triết lý phương Tây, Thầy đã trực nhập vào nền triết học Ðông phương tiêu biểu là nền triết học Trung Hoa. Những nhà thơ Ðào Tiềm, Dã Ðảo, Lý Bạch, Tô Ðông Pha, Bạch Cư Dị ... Thầy đã đều gõ cửa ghé thăm để bầu trời thơ của Thầy phiêu diêu lãng đãng, như hương, như sắc hiến tặng cho đời.

Ðại diện cho nền triết học Trung Hoa là Kinh ThiKinh Dịch. Nơi đây, chúng ta nghe Thầy nói:

"Kinh Thi và Kinh Dịch như đôi cánh của con chim nhạn chuyên chở định mệnh của lịch sử Trung Hoa bay lượn suốt mấy mươi thế kỷ trên vòm trời Viễn Ðông. Dịch trải rộng con đường cho những bước đi lịch nghiệm trong cuộc tồn sinh; Thi là tâm nguyện khẩn thiết và trung thực từ giữa chỗ sâu thẳm của tình người và lòng người được mang ra để lịch nghiệm cuộc lữ mà Dịch đã phơi bày ra đó. Âm hưởng của Thi là tiếng vang của nhịp bước trong cuộc lữ."

"Lý Bạch là một trong những tay lái cự phách và có thể là nhất. Lãng đãng với tài hoa vừa lãng mạn vừa kiêu hùng nên quyến rũ và tạo ra một trường say sóng. Say trong một buổi tiệc, lượm lặt những vật phế khí của trời đất, để thống ẩm cuồng ngông. Gậy lục ngọc của Lý Bạch được mượn để gõ lên đầu lịch sử, đẩy lịch sử vào mê cung bát trận đồ."

"Thơ vẫn là một cuộc lịch nghiệm Riêng và Chung của Thời Ðại và Lịch Sử. Từ cuộc Riêng, Thơ nương theo đôi cánh Thi và Dịch để đi về nơi Hoằng viễn, dẫn lịch sử uyên nguyên tụ hội với thời đại."

Bằng cách nói của biện chứng pháp hay để kết thúc ý niệm triết lý, tư tưởng, Thầy viết:

"Bao lâu con người còn đắm chìm trong triết lý, khái niệm và ngôn từ của triết lý, thì bấy lâu, con người vẫn là một kẻ lữ hành trong đêm trường kinh khiếp."

Thật sự Thầy muốn khơi dậy, đánh động tri thức tự tri, tự giác để đi trên con đường tu chứng hơn là triết lý, luận giải, phải thể hiện một đời sống thực tế có ích, có lợi cho chúng sanh, hơn là lý luận suông. Dù sự lợi ích ấy nhỏ nhặt, khiêm tốn, bình dị.

Phương trời viễn mộng, như là bầu trời thơ của Thầy đã kết tinh một tấm lòng vì quê hương, dân tộc, về một chặng đường lịch sử nguy nan, khốn khó mà con người phải mang nặng trên đôi vai sinh tử của thời đại. Phương trời viễn mộng đó, mênh mông những vần thơ mang tính tự tồn, độc lập, kiêu hùng của dòng lịch sử quê Cha, đất Tổ mà Thầy luôn mãi là đứa con của giống nòi, lênh đênh theo dòng sử mệnh quê hương.

 

Tiếng trẻ khóc ngân vang lời vĩnh cửu

Từ nguyên sơ sông máu thắm đồng xanh

Tôi là cỏ trôi theo dòng thiên cổ

Nghe lời ru nhớ mãi buổi bình minh.

Buổi vô thủy hồn tôi từ đáy mộ

Uống sương khuya tìm sinh lộ viễn trình

Khi nắng sớm hôn nồng lên nụ nhỏ

Tôi yêu ai, trời rực ánh bình minh.

(Bình Minh - Tuệ Sỹ)

 

Từ thời lập quốc, từ thủa sơ khai của nước nhà Lạc Việt là thời thái bình, an cư lạc nghiệp, đó là buổi bình minh, là tiếng khóc đầu đời của dân tộc Việt có mặt trên dải đất dấu yêu. Ðể xây dựng cho giang sơn gấm vóc, bao anh hùng liệt nữ đã tô đậm non sông bằng máu đỏ của thân mình để làm tươi thắm ruộng đồng, mà hôm nay Thầy tiếp nối dòng sông lịch sử ấy, đem nước mát, phù sa phì nhiêu cho dân sinh nhuần đượm. Nhưng nay, thời thanh bình thịnh trị đó đã không còn để Thầy phải viết lên tâm tư qua "Bài Ca Cuối Cùng":

"Chim trời xếp cánh

Hát vu vơ mấy tiếng trong lồng

Nhớ mãi rừng cây thăm thẳm

Ủ tâm tư cho hạt thóc cay nồng

Rát bỏng với nỗi hờn tủi nhục

Nó nhịn ăn

Rồi chết gục

Ta đã hát những bài ca phố chợ

Người ăn mày kêu lịch sử đi lui

Chàng tuổi trẻ cụt chân từ chiến địa

Vỗ lề đường đoán mộng tương lai

Lộng lẫy chiếc lồng son

Hạt thóc căng nỗi hờn

Giữa tường cao bóng mát

Âm u lời ca khổ nhục

Nó nhịn ăn

Và chết.

Hình ảnh này là thực trạng của quê hương Việt Nam chúng ta hôm nay. Thầy đã đi từng vỉa hè, góc phố, chứng kiến cảnh trạng đau thương từ muôn người đến muôn vật, từ tình cảm đơn côi đến cái nhìn nhãn quan tổng thể. Thái độ nhập thế không chủ quan, phiến diện mà là tâm trạng đau buồn cho quê hương, dân tộc, ngang qua những hình ảnh xót xa đau đớn. Nỗi đau của dân tộc cũng là nỗi đau của chính mỗi người trong chúng ta. Nỗi đau của người Mẹ mất con, nỗi đau của bà con ruột thịt chia lìa, của cửa mất nhà tan, của một dân tộc bị lưu đày:

Ðêm qua chiêm bao ta thấy máu

Từ sông ngân đổ xuống cõi người

Bà Mẹ xoi tim con thành lỗ

Móc bên trong hạt ngọc sáng ngời

Lồng son hạt cơm trắng

Cánh nhỏ run uất hận

Tiếng hát lịm tắt dần

Nó đi về vô tận.

(Bài Ca Cuối Cùng - Tuệ Sỹ)

 

Bằng cái nhìn thẩm thấu, vì chan chứa tình thương đến mọi loài, vạn vật ngay cả loài vô tình cũng chiếu cố chẳng làm ngơ, khi mà tâm thức của Thầy bừng dậy như là sự sống của vạn loài chúng sinh.

Lon sữa bò nằm im bên chợ

Con chó lạc

Ðến vỗ nhịp

Trời mưa

Tôi lang thang

Ði tìm cọng cỏ

Nó nhìn tôi vô tư.

(Tĩnh Thất 5 - Tuệ Sỹ)

Nỗi ưu tư của Thầy đã hòa quyện cùng nỗi ưu tư của mọi người, của từng cái sống và cái chết, cái hữu tình, cái vô tình, cái sứ mạng thiêng liêng cao cả được hiện hữu nơi đây:

Lời rao trong ngõ hẻm

Ðồng hồ điện!

Cầu dao!

Công tắc!

Những lời rao chợt đến, chợt đi

Một trăm năm mưa nắng ra gì

Cánh phượng đỏ đầu hè ai nhặt?

(Tĩnh Thất 8 - Tuệ Sỹ)

 

Nhập thế để thấy thảm cảnh trên quê hương mình hôm nay, mà ai trong chúng ta có chút suy tư về dòng máu, con tim người dân nước Việt đều nhận chân ra một thực trạng như lời thơ của Thầy trong bài trường ca Tĩnh Thất:

Con trâu trắng thẫn thờ góc phố

Nỗi hoài hương nhơi mãi nhúm trăng mòn

Ðám sẻ lạnh gật gù trên mái đỏ

Sương chiều rơi có thấy lạnh nhiều hơn?

Một chuỗi rắn rình mò trong hẻm nhỏ

Không bụi đường đâu có chỗ đi hoang?

 

Ngay đến những dã thú, loài vật cũng không có chỗ để đi trong ý nghĩa tự do của dân tộc ngay trên quê hương mình. Nhưng, dẫu có tang thương đến hoa kia cỏ này đi nữa, Thầy vẫn một lòng trung trinh với dòng lịch sử mấy nghìn năm văn hiến, được phát xuất từ núm ruột của Tổ tiên:

Người đi đâu bóng hình mòn mỏi

Nẻo tới lui còn dấu nhạt mờ

Ðường lịch sử

Bốn nghìn năm dợn sóng

Ðể người đi không hẹn bến bờ

(Tĩnh Thất 24 - Tuệ Sỹ)

 

Và, với bổn phận, trách nhiệm của người dân, Thầy tự đặt hướng đi cho chính mình, việc làm cho chính mình. Vì, nếu không tự mình có trách nhiệm với quê hương dân tộc, không xây dựng lại cơ đồ thì ai sẽ đi xây dựng lại đất nước cho mình? Dù tấm thân có nhỏ, đôi tay có gầy như cọng cỏ lề đường, thì cũng mở lòng che chở trong tình đồng loại để nghe tiếng thì thầm của sông núi:

ta không buồn

có ai buồn hơn nữa?

người không đi,

sông núi có buồn đi?

tia nắng mỏng xoi mòn khung cửa

để ưu phiền nhuộm trắng hàng mi

 

ta lên bờ,

nắng vỗ bờ róc rách

gió ở đâu mà sông núi thì thầm?

kìa bóng cỏ nghiêng mình che hạt cát

ráng chiều xa, ai thấy mộ sương dầm?

(Tĩnh Thất 4 - Tuệ Sỹ)

 

2. Thái độ nhập thế qua cung cách giáo dục như là tư tưởng vượt thoát của con đường Bồ Tát Ðạo

Thầy đứng trên bục giảng của Ðại Học Vạn Hạnh thời rất trẻ, những giáo sư đồng nghiệp được xem như bạn vong niên, do đó mà Thầy được gọi là "Chú Sỹ". Mặc dù nhỏ tuổi, nhỏ con nhưng ai cũng ngưỡng phục cái đầu không nhỏ, cái kiến thức rộng rãi, cái chí nguyện cao vời và cái hạnh thâm trầm tinh tế của Thầy. Thầy đem sở học của mình trao truyền lại cho sinh viên và luôn luôn lưu tâm đến thế hệ kế thừa. Thầy thường hay nói:

"Ðất nước có giàu đẹp vững mạnh đều trông nhờ vào lớp người tuổi trẻ hôm nay. Nguồn năng lượng để cung cấp cho đất nước là khả năng và kiến thức của tuổi trẻ. Nếu ngày nay tuổi trẻ không được đào tạo, học hành kỹ lưỡng thì đó là cái lỗi của thế hệ Cha Ông, chúng ta phải thấy điều đó mà ra công xây dựng tài bồi cho tuổi trẻ."

Thầy luôn ưu tư đến con đường giáo dục và lúc nào Thầy cũng muốn dạy, dù có lớp học hay không, hoặc năm ba người mà dốc chí học, Thầy cũng không ngần ngại hướng dẫn. Hiện nay, Thầy có lớp giảng Duy Thức Học cho quý Thầy Cô cũng như Phật tử ở khắp thế giới trên Paltalk, đó là tinh thần giáo dục của Thầy. Từ nơi đại học phổ thông cho đến lớp cao đẳng chuyên khoa Phật Học, Thầy đem sự hiểu biết của mình trong Kinh, Luật, Luận giảng dạy lại cho các thế hệ sau, như trong bài Ðạo Phật và Thanh Niên, Thầy viết:

"Lời Phật cần ghi nhớ: "Chúng sanh là kẻ thừa tự những hành vi mà họ đã làm" và còn có lời Phật khác nữa: "Hãy là kẻ thừa tự chánh pháp của Như Lai, chớ đừng là kẻ thừa tự tài vật."

"Các bạn trẻ học tập để chuẩn bị cho mình xứng đáng là kẻ thừa tự. Kế thừa gia nghiệp của Cha Ông, của dòng họ. Kế thừa sự nghiệp của dân tộc. Kế thừa di sản của nhân loại. Dù đặt ở vị trí nào, bản thân của các bạn trẻ, trước hết sẽ phải là người thừa kế thành công hay thất bại trong sự nghiệp kế thừa của mình, đó là trách nhiệm của từng người, của từng cá nhân. Hãy tự đào luyện cho mình một trí tuệ, một bản lãnh để sáng suốt lựa chọn hướng đi, và dũng cảm nhận chịu trách nhiệm những gì ta đã lựa chọn và gây ra cho bản thân và cho cả chúng sanh."

Giáo dục theo phương pháp tự tri, tự giác để thừa tiếp gia tài quê hương, dân tộc mà gia tài đó phải được đón nhận bằng đôi tay cẩn trọng, bằng trái tim nồng ấm của tuổi trẻ. Sự giáo dục con người, không phải chỉ giảng dạy bằng chữ, bằng nghĩa, bằng văn chương từ ngữ, mà Thầy luôn khơi tạo ý thức tự thân qua cái nhìn xuyên suốt dòng lịch sử nước nhà. Sự giáo dục trách nhiệm cá nhân với chính nó. Sự giáo dục mối tương quan giữa mình và người. Sự giáo dục tình cảm gắn bó giữa gia đìnhxã hội. Ðây chính là sự giáo dục nhập thế mà Thầy đã vạch ra cho tuổi trẻ hôm nay, hướng thân lập mệnh trên hành trình xây dựng đất nước. Tính chất giáo dục này chính là tư tưởng vượt thoát, không vướng mắc bởi những thế lực thế gian, đảng phái mà chỉ một lòng hướng tâm thuần túy, trên sự hưng thịnh của quê hương dân tộc.

Sự giáo dục được thấm nhuần tinh thần Bồ Tát Ðạo, biết hy sinh để cống hiến cho đời. Con đường Bồ Tát hành sử là hóa độ chúng sanh, tạo niềm bình an hạnh phúc cho kẻ khác. Giáo dục vượt thoát để không bị câu thúc nơi thế tục, quyền lực thế gian vây hãm. Nhưng, hôm nay, nền giáo dục vượt thoát, tự tri đó đã bị dập vùi, tẩy xóa, đó là nỗi đau thương của Thầy cũng như của bao người còn chút tình quê hương đất nước.

Thái độ giáo dục nhập thế như là cái nhìn sâu vào những vết hằn, vào những vết sẹo loang lổ trên thân hình dân tộc, quê hương, Ðạo pháp, để thấy tận mắt bằng trái tim non của tuổi trẻ, bằng ý thức gầy dựng và bảo tồn di sản ngàn đời của Cha Ông, mà dường như bị ném vào bóng tối. Trong cung cách của nhà giáo dục nhập thế, Thầy đã vực dậy những gì đã bị sụp đổ, chỉ cho thế hệ trẻ nhìn thấy nỗi tủi nhục, thương đau, qua Thư Gửi Tăng Sinh Thừa Thiên-Huế:

"Thế hệ các con được giáo dục để quên đi quá khứ. Nhiều người trong các con không biết đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là gì; đã làm gì và cống hiến những gì cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục, hòa bình dân tộc, trong những giai đoạn hiểm nghèo của lịch sử dân tộc và đạo pháp của đất nước - Một quá khứ chỉ mới như ngày hôm qua, di sản vẫn còn đó nhưng đã bị chối bỏ một cách vội vàng - Di sản được tích lũy ròng rã hằng thế kỷ, bằng bao tâm tư khổ lụy đau thương bằng máu và nước mắt của biết bao Tăng Ni, Phật tử; mà những người gầy dựng nên di sản đó bằng bi nguyện và hùng lực của mình, có vị bị bức tử bởi bạo quyền, có vị suốt năm tháng dài chịu tù đày, bị lăng nhục. Nhưng sống hay chết, vinh hay nhục, không làm dao động tâm tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm cách con người, không hổ thẹn với phẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia."

Trước ngưỡng cửa vong thân của một thế hệ, và thấy đó là hiểm họa của dân tộc quê hương, vì thế trên mọi lãnh vực: văn hóa, giáo dục, thi ca... Thầy đều thể hiện tinh thần phụng sự của mình cho công cuộc hồi sinh một quê hương quá nhiều đổ nát. Do đó, con đường giáo dục toàn diện là nền tảng quan trọng cần phải xây dựng, bảo trì. Thầy cũng như mọi người chúng ta đều nhìn thấy tương lai đất nước như thế nào, khi một quốc gia với hệ thống giáo dục lỏng lẻo, nhiều thế hệ con em bị thất học, dân trí thấp kém và đầy dẫy những tệ nạn xã hội?

3. Thái độ nhập thế qua bản án tử hình và cái dũng của sỹ phu.

Nếu là một con người bình thường, không lưu tâm đến sự thịnh suy của đất nước, không đặt hướng đi để kéo quê hương dân tộc dừng lại để không bị rơi vào hố thẳm suy vong, thì chắc hẳn Thầy không bị bao lần tù tội, để đưa đến bản án tử hình năm 1984. Và nếu không phải là một Tăng sĩ với tâm nguyện xây dựng quê hương, đất nước được thanh bình, tự do và nhất là một thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có tiếng nói trung thực, thẳng thắn thì chắc rằng Thầy đã không bị canh gác, giam lỏng như trong một nhà tù lớn. Vì tâm lượng của một kẻ sĩ chân chính đối với đất nước, vì tiền đồ của Ðạo pháp đối với lý tưởng xuất gia mà Thầy đã khởi xướng ý thức độc lập, Thầy đã khuyên nhủ đàn hậu duệ qua Thư Gửi Tăng Sinh Thừa Thiên-Huế:

"Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình; tự xác định hướng đi cho chính mình. Thầy sẽ là người bạn đồng hành với các con trên đoạn đường bóng xế của đời mình."

Chính thái độ nhập thế trực diện với chính quyền Hà Nội hôm nay, mà Thầy được xem như người tù của chế độ, do đó nhà cầm quyền đã không ngần ngại trao cho Thầy bản án tử hình.

Thầy đã không khiếp nhược khi bị kết án tử hình, Thầy vẫn tích cực đấu tranh viết các văn kiện, kháng thư, giác thư gởi đến chính quyền Hà Nội, Tập Thơ Ngục Trung Mị Ngữ, các văn thư tường trình Phật sự Giáo Hội được viết trong suốt thời gian ở tù cho đến ngày được thả, nhưng không ký giấy phóng thích, vì: "Không ai có quyền kết án tôi, thì cũng không ai có quyền ân xá tôi."

Thầy đã gửi cho Quốc hội Hòa Lan bản văn Một Khía Cạnh Của Vấn Ðề Nhân Quyền Tại Việt Nam, Tham Nhũng Một Quốc Nạn:

"Ở đây, tôi cũng xin bầy tỏ sự cảm kích sâu xa đối với cộng đồng Việt Nam hải ngoại đang đấu tranh cho một nước Việt Nam trong sángtự do. Tôi cũng xin gởi lời cám ơn đến các nhân sĩ Hòa Lan, trong tình cảm nhân loại đã trực tiếp can thiệp với chính phủ Việt Nam cho tôi được sang thăm viếng đất nước Hòa Lan, để có thể có điều kiện tự do hơn nói lên tiếng nói thầm lặng mà đã hơn một phần tư thế kỷ bị bóp nghẹt."

Trong khuôn khổ một bài nói chuyện về thái độ nhập thế của Thầy, bị giới hạn bởi thời gian, hẳn sẽ có nhiều điều thiếu sót, có lẽ chúng ta nên đọc lại những bài viết của Thầy trong tác phẩm "Tuệ Sỹ Ðạo Sư Thơ và Phương Trời Mộng" để nhìn thấy rõ tâm tình của Thầy hòa quyện với non sông gấm vóc, với dân gian làng nước, một tình người đơn sơ thuần hậu, mộc mạc chân thành, luôn ấp ủ tinh thần quật cường, khí khái truyền thống của giống nòi, dù chặng đường lịch sử ấy có thăng trầm, thành bại, kẻ sĩ vẫn ngẩng cao đầu không thẹn với đất trời:

"Hoàn cảnh đất nước Việt Nam như thế cho nên dân ta phải chịu quá nhiều đau thương và tủi nhục. Ðối với giới trí thức nói riêng, mà xã hội Việt Nam truyền thống rất tôn trọng, điều tủi nhục lớn nhất là họ không thể thay những người dân thấp cổ bé miệng nói lên một cách trung thực tất cả những uất ức, những khổ nhục mà họ phải chịu. Bởi vì, tại Việt Nam ngày nay những người có thể nói thì ngòi bút đã bị cong; những người muốn nói thì ngòi bút đã bị bẻ gẫy. Nhưng tôi rõ một điều, và điều đó đã được ghi chép trong lịch sử: Trí thức chân chính của Việt Nam không bao giờ khiếp nhược."

Thầy đã vì quyền lợi của quốc gia dân tộc mà đạo đạt ý nguyện, giải bày nỗi thống khổ, bất công của người dân lên các cấp chính quyền, nhưng, giống như tiếng kêu trong sa mạc, âm vang của tiếng vọng từ xa, tiếng gào thét vẫn không đến tai những người cầm quyền, chi bằng tự mình dấn thân đến cửa công quyền để tận tay gửi Giác Thư đến các lãnh đạo:

"Qua Kháng Thư này, mà với nhiều lý do như tôi đã trình bày, nó không được đạo đạt lên Ðảng và Nhà nước theo đúng các quy định hành chính phiền hà của pháp chế xã hội chủ nghĩa, tôi muốn tự mình dẫn thân đến trước cổng bạo lực chuyên chính, dù biết chắc sẽ bị nghiền nát trước khi thoáng thấy những bóng mờ trên chín tầng vời vợi của uy quyền tuyệt đối; tự dẫn thân đến đó để cáo tri cùng quốc dân đồng bào, bày tỏ sự hèn kém, bất lực của mình trước vô vàn thống khổ mà đồng bào phải âm thầm chịu đựng."

Ðó là tâm tình và ý chí dõng mãnh của Thầy trước bạo lực, không cúi đầu khiếp sợ, giữ vững lập trường đứng về phía dân tộc và Ðạo pháp, và cũng chính vì ý chí kiên cường đó mà Thầy phải chịu bản án tử hình của chế độ hôm nay. Thế nhưng, Thầy vẫn thanh thản, tự tại biểu hiện qua những bài thơ được viết ở trong tù, đó là chất liệu sống của bậc xuất trần không phiền, chẳng nhiệt, khi hiểu được rằng hóa độ chúng sanh cần phải giàu lòng từ bi, hỷ xả. Chính đức tánh từ bi, hỷ xảthái độ nhập thế vững chãi để chiến thắng mọi trở lực bạo quyền, mọi sức mạnh và chướng duyên của lòng thù hận. Thầy đã đem tâm không để hóa giải tâm chấp thủ, đem lòng vị thahóa độ kẻ hẹp hòi để tạo sự bình an và tịnh lạc cho tất cả. Thầy đã tự hỏi mình trong tập thơ "Ngục Trung Mị Ngữ " qua bài Tự Vấn:

 

Vấn dư hà cố tọa lao lung

Dư chỉ khinh yên bán ngục trung

Tâm cảnh tương trì kinh lữ mộng

Cố giao già tỏa diện hư ngung

Hỏi Mình

Hỏi mình sao phải lao tù?

Song thưa cửa ngục có tù được mây?

Kiên trì cuộc lữ vàng bay

Lời xưa còn đó phút giây không sờn.

 

Thân ở trong tù, nhưng tâm Thầy vẫn thư thái nhàn tịnh. Một tâm thức rỗng suốt để thấy mình với người không khác. Nỗi bi lụy của thế gian là nỗi đau của chính mình. Sự tù đày nghiệt ngã của các bậc Thầy Tổ, pháp lữ là nỗi đau rót vào trái tim của chư vị Bồ Tát hóa thân vì đời mà kham nhẫn. Một tâm thức sâu thẳm để hàm tàng, chứa đựng tất cả hình ảnh của sum la vạn tượng, như hồ nước lặng im trong vắt chiếu soi hình bóng sơn hà đại địa như nhiên. Từ sự tĩnh lặng của chân tâm mới thấy rõ những nét thật hư, giả huyễn, những máu và nước mắt của trần gian nhiều hệ lụy, mà tự thân Thầy cũng đang ở trong cõi đời đầy nghiệt ngã ấy, qua bài thơ Cúng Dường:

Phụng thử ngục tù phạn

Cúng dường Tối Thắng Tôn

Thế gian trường huyết hận

Bỉnh bát lệ vô ngôn

Cúng Dường

Ðây bát cơm tù con kính dâng

Cúng dường Ðức Phật đấng Tôn Thân

Thế gian chìm đắm trong máu lửa

Lệ nhỏ không lời, lòng xót thương.

 

Tu hành là cầu mong giải thoát, nhưng sự giải thoát không từ bỏ thế gian. Tu hành từ nơi thế gian, nhưng cũng chính từ nơi thế gian để giác ngộ. Thầy đem tinh thần giác ngộ tung rải cho thế gian được tươi nhuận, thắm hồng.

Thái độ nhập thế ấy, bàng bạc trong tất cả thơ văn của Thầy, cũng như trong sinh hoạt thường nhật. Cuộc sống đơn sơ trong một căn phòng nhỏ, chung quanh bốn vách tường là những giá sách, ban ngày dịch thuật, trước tác, tối ngủ ngay trên chiếc ghế làm việc, không giường, không võng, không cầu kỳ trước tiện nghi vật chất. Bởi Thầy thấy được nỗi đau khốn cùng của người dân đói khổ, thấy đất nước nghèo nàn tụt hậu, mất hướng mà tự thân của Thầy cũng đang sống giữa lòng quê hương đói nghèo, tụt hậu ấy. Trong tinh thần từ bi, Thầy đang chia sẻ từng bài thuyết pháp, từng buổi giảng kinh, từng lời giáo huấn cho mọi người, cho hàng hậu học nhằm xây dựng tình người được gần lại với nhau, để nhìn cho rõ hình ảnh quê hương, tự tình dân tộc mà dựng xây bồi đắp, qua bài Ðạo Phật với Thanh Niên:

"Chúc các anh chị có đầy đủ nghị lực để chinh phục những vương quốc cần chinh phục, để chiến thắng những sức mạnh cần chiến thắng."

 

Ðó là thái độ của nhà Sư, là tinh thần nhập thế trong ý nghĩa mong cầu hòa bình an lạc cho quê hương dân tộc Việt Nam hôm nay.

 

Nguyên Siêu

(San Diego, ngày 17 tháng 09 năm 2006

Chiều Thơ Nhạc - Giới Thiệu Tác Phẩm

"Tuệ Sỹ Ðạo Sư Thơ và Phương Trời Mộng")

 

Theo Dấu Lặng

Nghe Điệp Khúc Dương Cầm

của Thầy Tuệ Sỹ

 

Huỳnh Kim Quang

 

Cõi thơ của Thầy Tuệ Sỹ mênh mông bát ngát. Cao thì bay vút từng không. Sâu thì hun hút hố thẳm. Biết đâu mà dò để gọi là theo!

Với người viết bài này, có lẽ là ngồi bệt xuống đất nhìn trừng trừng vào mấy dấu lặng trên “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” của Thầy để mà nghe, có thể chỉ như là “vịt nghe sấm,” nhưng, may ra còn nghe được vài khoảng lặng vô thanh đâu đó, sau những cung bậc du dương siêu thoát.

“Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” là tập thơ gồm 23 bài – đúng hơn là 23 điệp khúc -- của Thầy Tuệ Sỹ được xuất bản trong nước vào năm 2009. Tập thơ này được một nghệ sĩ nổi danh của Pháp Dominique de Miscault dịch sang tiếng Pháp và trình bày với những hình ảnh nghệ thuật trong tác phẩm Pháp Ngữ “Refrains pour Piano.”

Bài này chỉ viết lại một vài cảm nhận khi đọc tập thơ bằng tiếng Việt “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” của Thầy.

Dấu lặng là khoảnh khắc ngừng nghỉ sâu lắng không nhạc không lời trong bản nhạc. Nó cũng cần thiết có mặt trong bản nhạc giống như những âm thanh giai điệu khác. Đôi khi dấu lặng còn cần thiết và mang ý nghĩa huyền diệu hơn nhạc điệu khác trong bản nhạc.

Cũng thế, trong cuộc sống thường nhật với những thao tác liên tục của dòng vọng động qua thân, khẩu và ý, con người bị cuốn hút vào quỹ đạo quay cuồng của mộng tưởng điên đảo, thì những khoảnh khắc dừng lại, buông xả, lắng tâm là cần thiết và bổ ích vô cùng. Đó là những dấu lặng trong bản nhạc cuộc đời.

Thật vậy, có bao giờ bạn lắng tâm để thưởng thức những khoảnh khắc im lặng tột cùng xảy đến thật bất ngờ giữa dòng thác lũ ba đào của âm thanh và nhạc điệu? Nếu bạn từng trải qua giây phút cực kỳ huyền diệu ấy chắc bạn cảm nhận như mình đang bơi lội trong cõi không gian vô cùng mà ở đó chỉ có sự hỷ lạc mầu nhiệm trong trạng thái vắng bóng mọi thứ nhân ngã bỉ thử và phiền não uế trược.

Cuộc đời của một Thiền sư là khoảnh khắc kéo dài vô tận của những dấu lặng an nhiên, tự tạisiêu thoát giữa cuộc đời phiền não, khổ đau. Thầy Tuệ Sỹ là một Thiền sư như thế.

Trong đôi mắt sáng hoắc của Thầy, dòng tử sanh vô tận chỉ còn là bóng dáng mờ ảo sau ngọn lửa bập bùng của trí tuệ bừng lên, để nhìn sâu vào đó và liễu ngộ rằng nó chỉ là huyễn mộng. Như thế, tử sinh đâu có khác gì cánh chim chợt hiện chợt ẩn trong quãng trời vô biên! Điệp khúc đầu tiên rung lên cung bậc mở ra con đường đến đi tự tại trong cõi nhân gian:

 

“Ta nhận chìm thời gian trong khóe mắt

Rồi thời gian ửng đỏ đêm thiêng

Đêm chợt thành mùa đông huyễn hoặc

Cánh chim bạt ngàn từ quãng Vô biên.”

Trong Kinh Tiểu Duyên của Trường A Hàm, chẳng phải đức Thế Tôn đã kể chuyện loài người đến thế giới này từ cõi Trời Quang ÂmSắc Giới Thiên hay sao? Cho nên Thầy mới nói trong điệp khúc thứ 2:

Từ đó ta trở về Thiên giới,

Một màu xanh mù tỏa Vô biên.

Bóng sao đêm dài vời vợi;

Thật hay hư, chiều nhỏ ưu phiền.

 

Chiều như thế, cung trầm khắc khoải.

Rát đầu tay nốt nhạc triền miên.

Ôm dấu lặng, nhịp đàn đứt vội.

Anh ở đâu, khói lụa ngoài hiên?

 

Từ Quang Âm Thiên xuống cõi nhân gian làm người nên mới có những ưu phiền, khắc khoải, và những cung bậc của kiếp người rung lên. Nhưng đến khoảnh khắc lắng sâu của dấu lặng thì đó là cõi vô biên, nên cảnh vật ngoài hiên là khói lụa huyễn hoặc như có như không.

Trong bản nhạc làm sao chỉ toàn là dấu lặng. Trong cõi người làm sao tránh khỏi những ưu phiền. Cái tuyệt vời của Thầy là liễu ngộ rất tinh tường phím đen, phím trắng trong bản nhạc cuộc đời chỉ là ảo tượng. Và rồi, Thầy đem bao nhiêu ưu phiền của năm tháng đi qua gửi vào dấu lặng đó. Gửi vào dấu lặng thì có khác gì hóa thân cho nó vào cõi vô cùng. Vì vậy, trong điệp khúc thứ 9, vang lên cung bậc:

 

Đôi mắt cay

phím đen phím trắng

Đen trắng đuổi nhau

thành ảo tượng

Trên tận cùng

điểm lặng tròn xoe

Ta gửi đó

ưu phiền năm tháng.

 

Trực thức về bản chất cuộc đời của chính mình không chỉ là tri kiến như thật về thực tại mà một người con Phật cần có, đó còn là đức nhẫn phi thường của một nhà tu hành đạo hạnh. Nhẫn thọ từ nỗi thống khổ trầm luân đến sự hỷ lạc siêu thoát bằng tâm thái bình lặng an nhiên không một gợn sóng động tâm. Điệp khúc thứ 13 vang lên nhạc âm hưởng đó:

Ô hay, giây đàn chợt đứt.

Bóng ma đêm như thật.

Cắn đầu ngón tay giá băng.

Điệp khúc lắng trầm trong mắt.

 

Rồi phím đàn lơi lỏng;

Chùm âm thanh rời, ngón tay rát bỏng

Chợt nghe nguyệt quế thoảng hương

Điệp khúc chậm dần theo dấu lặng.

 

Có lúc điệp khúc dương cầm lắng sâu đến mức như tan theo mùi hương nguyệt quế, như hóa thân thành con kiến bò quanh triền núi, hay len lỏi tận dưới gốc cụm cỏ dại. Điệp khúc 20 là giai điệu huyền bí lạ lùng mà người nghe dường như phải tước bỏ cái hình hài nhân ngã to lớn để có thể theo chân con kiến bò dưới cọng cỏ và nghe mùi đất thở. Cái mùi mà Triết Gia Phạm Công Thiện trong tác phẩm “Khơi Mạch Nguồn Thơ Thi Sĩ Seamus Heaney” xuất bản tại California, Hoa Kỳ vào năm 1996, gọi là “mùi thổ ngơi.” Ở đây không phải chỉ ngửi mùi thổ ngơi, mà còn ngửi mùi đất thở nữa. Chỗ tuyệt cùng của sự sâu lắng, của dấu lặng trong “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” là ở đây. Có thể nghe và ngửi “mùi đất thở.”

Theo chân kiến

luồn qua cụm cỏ

Bóng âm u

thế giới chập chùng

Quãng im lặng

Nghe mùi đất thở.

 

Đoản khúc 23 khép lại “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” như thể là đoạn cuối của đời người nằm yên vĩnh viễn nơi tha ma mộ địa.

 

Giăng mộ cổ

mưa chiều hoen ngấn lệ

Bóng điêu tàn

huyền sử đứng trơ vơ

Sương thấm lạnh

làn vai hờn nguyệt quế

Ôm tượng đài

yêu suốt cõi hoang sơ.

 

Điệp khúc vẽ lại thật sống động cảnh tượng nơi nghĩa địa, với cơn mưa chiều, nước mắt, hình bóng điêu tàn, sương thấm lạnh là những hình ảnh lột tả được cả tâm trạng và hoàn cảnh trong đoạn cuối của đời người.

Nhưng, trong cõi chung đó, vẫn bừng sáng lên niềm riêng rất đáng quý, rất cao đẹp, rất thương yêu. Đó là tấm lòng yêu thương vô lượng của Thầy đối với cuộc đời, đối với con người, và đối với chúng sinh.

Ôm tượng đài

yêu suốt cõi hoang sơ.

Tấm lòng đó ắt hẳn đã nằm sâu trong dấu lặng của “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” mà Thầy vừa tấu lên.

Có ai nghe chăng?

Chắc chắn là có, chư thiêncõi trời Quang Âm, những con kiến đang bò sát dưới cụm cỏ dại, và còn nữa, tiếng thở của đất động đậy đâu đó trên khắp hành tinh này.

Huỳnh Kim Quang

 

 

Âm Trầm Tuệ Sỹ

 

Đặng Tiến

 

Tuệ Sỹ là bậc danh sĩ cao tăng, đã nhận nhiều chức vụ quan trọng trong hàng giáo phẩm Phật giáo Việt Nam. Trong và ngoài nước nhiều người biết danh và ái mộ, qua những trầm luân mà ông chịu đựng non nửa thế kỷ, chúng tôi không nhắc lại nơi đây, vì ai muốn truy tìm thì rất dễ.

Tuệ Sỹ còn là nhà thơ, nhiều người biết danh, nhưng ít người được đọc, vì thơ ông ít được phổ biến. Mới đây, trong nước, nhà xuất bản Phương Đông đã ấn hành tập thơ Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm, song ngữ Việt-Pháp đối chiếu, do Dominique de Miscault, nữ họa sĩ người Pháp, chuyển ngữ và trình bày, minh họa, bà gọi là “biểu cảm đồ họa” (expressions graphiques). Trang bên trái là văn bản Việt-Pháp nối tiếp, trang bên phải là hình cách điệu nhà sư đang lướt ngón tay trên phía dương cầm.

Sách gồm 23 bài thơ ngắn, trình bày trên 53 trang, khổ vuông 21 x 21 cm, giấy tốt, in đẹp và trình bày trang nhã.

Điều đáng mừng là độc giả Việt Namthế giới có dịp tiếp xúc với thơ Tuệ Sỹ, trong niềm đồng cảm nhân loại, qua thi ca và nghệ thuật. Trong lời tựa, bà De Miscault kể lại:

“Tôi được hạnh ngộ với Tuệ Sỹ và người thân từ mùa xuân 2003.

Chúng tôi đã học tập phơi trải và trao đổi hai thế giới, diễn dịch những cảm xúc, đồng thời là dấn thân. Tôi không phải Phật tử cũng không phải người tu hành, lại không biết tiếng Việt, nhưng thơ Tuệ Sỹ thì đã gặp đâu đó tại Châu Âu già cỗi. Đó chẳng phải là những khoảng hư không mà các tác gia thần bí đã trải nghiệm? Kinh nghiệm phiêu du trong bóng đêm và tĩnh lặng, cũng như những tâm hồn khắc khoải, vô vọng truy tầm lời giải đáp cho những hy sinh, dù tự nguyện hay cưỡng chế?”

tiếp xúc với thơ Tuệ Sỹ nhờ việc lược dịch của một người Pháp được Tuệ Sỹ duyệt lại.

“Tôi cố gắng nắm bắt nội dung qua những hình ảnh, và không gian sống của Tuệ Sỹ như tôi được trông thấy và đã khai thị cho tôi. Tôi chọn những từ ngữảnh tượng đơn giản nhất, đã giản lược và tát cạn tối đa thi pháp để tập trung vào cuộc phiêu lưu thần bí của nhà sư mệt mỏiđời sống và những truy tầm vô vọng…

Vô vọng hay không, vẫn là câu hỏi. Buông thả theo dòng đời.

Dương cầm và tịch lặng là thần giao giữa hai lục địa giữa chúng tôi.

Nơi đây không còn là hoài cảm hay xúc cảm, mà là phân tích khô khan cõi dửng dưng.

Tôi hân hoan được tiếp tục chia sẻ, và trong dài lâu tính nhẹ nhàng tuyệt đối của đời sống.”

 

Bài tựa này đã được Hạnh Viên dịch ở trang 7, tôi dịch lại để đóng góp.

Một cơ duyên khác, là với kỹ thuật điện tử hiện đại, toàn bộ công trình của Tuệ Sỹ – Dominique de Miscault và nhà xuất bản Phương Đông được đưa lên mạng, để người đọc, Việt hay ngoại quốc, khắp năm châu bốn biển đều có thể thưởng lãm. Năm mươi trang giấy không phải là công trình to tát gì, nội dung cũng không phải chuyện khai sơn phá thạch, nhưng là một sự kiện văn học, như cơn gió bất ngờ đưa đóa lan rừng ra ánh sáng.

Tuệ Sỹ không phải là người tìm danh vọng, nhất là bằng thi ca. Ông không tìm độc giả, tìm tri kỷ, tri âm. Ông thừa nội lực để sống an nhiên trong tịch lặng giữa cõi ta bà. Nhưng thơ ông xuất hiện như vầng trăng ra khỏi đám mây, như mùi hương bông sứ chợt thoảng vào vườn khuya, là một niềm vui chung, và cho người lữ khách ngồi lại bên đường, buổi chiều, “cười với nắng một ngày sao chóng thế… đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan”, câu thơ ngày xưa của ông mà Bùi Giáng hết lời ca ngợi.

Thơ, thơ gì đi nữa, thì trước tiên phải là ngôn ngữ. Ngôn ngữ của ai đi nữa thì cũng mang sử tính. Thơ Thiền sư làm bằng ngôn ngữ hàng ngày vẫn vang âm xã hộilịch sử.

Ví dụ bài cuối:

Giăng mộ cổ

Mưa chiều hoen ngấn lệ

Bóng điêu tàn

Huyền sử đứng trơ vơ

Sương thấm lạnh

Làn vai hờn nguyệt quế

Ôm tượng đài

Yêu suốt cõi hoang sơ.

 

Ý nghĩa chính xác của bài thơ là gì ta không nên giải thích chân phương. Nhưng từ ngữ thì rõ ràng là trầm tích đau thương của con người trong lịch sử. Bà De Miscault dịch hay và thoát. Tôi vẫn táy máy dịch lại xem như góp một nốt đàn vào bản hợp tấu:

Sur les tombes antiques

La pluie du soir se confond en larmes

Des mythes illusoires

En ruine esseulés,

La bruine givre

Les épaules meurtries de laurier

Serrant la statue

J’aime ô que j’aime les espaces innocents

 

Trầm tích lịch sử còn dư vang rõ hơn trong bài này;

Ngoài biên cương

Cây cao chói đỏ

Chiến binh già cổ mộ

Nắng tắt chiến trường

Giọt máu quạnh hơi sương

(Tr. 34)

A la frontière

Le grand arbre rougeoie

Le soldat vieillit sur la tombe antique

Le soleil éteint la bataille

Le sang se condense en rosée.

 

Thơ gì, thơ ai, thơ nước nào, trong ngôn ngữ vẫn là một thứ ngoại ngữ; người đọc một bài thơ trong tiếng mẹ đẻ là đã dịch bài thơ ấy ra ngôn ngữ của riêng mình. Gọi là tiếng lòng.

Trong nghề dạy học và việc bình luận văn chương tôi có đôi kinh nghiệm về việc dịch thuật và thông ngôn này. Gặp những bài thơ Tuệ Sỹ việc giảng luận có phần trắc trở. Ngôn ngữ vẫn là ngôn ngữ chung là tiếng Việt, nhưng tương quan giữa người nói và lời nói thì khác nhau. Khi Tuệ Sỹ viết đâu đó “Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang” thì ông không chỉ nói về màu áo, cũng không nói về ngọn đồi, mà phản ảnh tâm linh trong một thế giới khác. Đưa lời thơ Tuệ Sỹ vào ngôn ngữ thế tục e dễ thành dung tục.

Thơ bao giờ cũng phản ảnh ba tính cách: môi trường xã hội trong lịch sử; ngôn ngữ trong những biến chuyển với thời đại; và tác giả, qua đời sống hàng ngày; nhưng ở Tuệ Sỹ đời sống hằng ngày, ý thứcvô thức dường như đã thăng hoa, thành một siêu thức. Ngôn ngữ do đó cũng siêu thoát, khó bề lý giải chân phưong và đơn phương.

Đầu thế kỷ XX giới văn học tây phương đưa ra khái niệm “thơ thuần túy”, và nghệ thuật nguyên chất theo nghĩa của hóa học: thực thể nguyên chất đối lập với những thực thể tạp chất “impur”, có lẫn lộn nhiều ngoại tố. Nghệ thuật nguyên chất là kiến trúc của ngôn ngữ: một dạo khúc dương cầm, một tranh tĩnh vật, một bài thơ đẹp. Người thưởng thức không pha lẫn vào đó những kỷ niệm, buồn vui riêng tư, nhất là những thành kiến lịch sử, chính trị. Yêu một chân dung phụ nữ không phải vì nó hao hao giống một người bạn cũ.

Trong nghệ thuật, dân tộc là một tạp chất.

Tôi nghĩ khi Tuệ Sỹ đặt tên Những điệp khúc cho dương cầm, và làm những bài thơ mô tả tiếng dương cầm, là ông muốn cho tiếng thơ mình trong trẻo, thuần khiết «trong như tiếng hạc bay qua». Do đó, bình giải thơ Tuệ Sỹ là tạo cơ nguy gây tạp âm không phải lẽ và không phải lúc. Bài viết này vẫn mang tạp âm là ngoài ý muốn của chúng tôi.

Lấy một ví dụ ngoài đề, cho thông thoáng. Nhà thơ Phạm công Thiện, thời trẻ, có lúc tu tại một Phật Viện Nha Trang. Một hôm anh về chơi với nhà văn Võ Hồng, ở lại mấy hôm, khi về Chùa, anh có thơ:

Mưa chiều thứ bảy, tôi về muộn

Cây khế đồi cao trổ hết bông.

Anh tâm đắc thường đọc cho chúng tôi nghe, và chúng tôi hiểu đại khái, nhưng chưng hửng khi nghe Phạm Công Thiện, mười năm sau, tự dịch câu thơ ra tiếng Pháp:

Je suis le Retour

Il fait Tard sur le Chemin

Sept jours après la pluie tombe

En haut

du Temple

L’arbre est le

Défleuri

 

Chúng tôi đã hiểu chung chung: thứ bảy là trước chủ nhật, cây khế là cây khế, ngọn đồi là ngọn đồi, nhưng qua bản dịch tiếng Pháp, thì nội hàm câu thơ không phải chỉ có vậy.

Nhưng nghĩ cho cùng, ai làm sao hiểu hết một câu thơ, kể cả tác giả?

Và cách tiếp cận thơ Tuệ Sỹ của bà De Miscault biết đâu là cách hay nhất, như câu tiếng Pháp không biết của ai «la voix du cœur est la voie au cœur»: lời trái tim là lối đến con tim.

Đọc thơ Tuệ Sỹ. Bằng trái tim. Nỗi Nhớ

Màu tối mù lan vách đá

Nhớ mênh mông đôi mắt giã từ

Rồi đi biệt

Để hờn trên đỉnh gíó

Ta ở đâu?

Cánh mộng phù du

(Tr. 18)

Les ténèbres envahissant les pierres du mur

Immense le souvenir des regards de nos adieux

Et je m’en vais à jamais

Délaissant les chagrins aux cimes de l’ouragan

Où suis-je?

Frêles sont les ailes de l’éphémère

 

Tình người:

Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói,

Vẫn yêu người từ khoảnh khắc chiêm bao

Từ nguyên sơ đã một lời không nói

Nhưng trùng dương ngưng đọng cánh hoa đào

Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi

Vì yêu người ta vói bắt trời sao.

(Tr. 50)

Sur mes chagrins enfumés, je revis

L’Amour des hommes à chaque instant de mes songes

Dès l’origine la parole a été retenue

Comme l’océan retient le reflet du printemps en fleur

Des refrains animent mes ailes épuisées

Pour l’Homme, j’ouvre mes mains au firmament étoilé

Trần thế:

Theo chân kiến

Luồn qua cụm cỏ

Bóng âm u

Thế giới chập chùng

Quãng im lặng

Nghe mùi đất thở

(Tr. 46)

Traces de fourmi

Je faufile entre les herbes

Ténèbres des ténèbres

Les mondes s’amoncellent

Silences entre silences

J’accueille la terre respirante.

 

Thơ Tuệ Sỹ cô đọng, hàm súc, uyên áo. Người đọc không quen cho là khó hiểu, vì tác giả không đề cập đến một đề tài nào chính xác, không miêu tả, không tự sự. Ngôn ngữ lấp lánh ánh sáng tâm cảm và ngoại giới, trầm tư và huyễn mộng. Hình ảnh chập chờn, ngôn từ lảo đảo, như những tiếng dương cầm đuổi bắt nhau, chưa kịp tương phùng đã muôn đời vĩnh quyết.

Thỉnh thoảng, người đọc cảm thấy an tâm trong đôi lời thơ mạch lạc:

Cửa kín chòm mây cuốn nẻo xa

Ngu ngơ đếm chữ, mắt hoa nhòa

Tay buồn vuốt mãi tờ hương rã

Phảng phất mưa qua mấy cụm nhà

(Tr. 26)

Người Thơ hé mở một thoáng tâm linh, nhưng hình ảnh vẫn mang tính cách tượng trưng, xa cách, xóa nhòa tâm sự cá nhân, pha loãng tình riêng vào làn mưa trên mái ngói.

Đôi khi người đọc gặp vài từ ngữ, ẩn dụ trở đi trở lại như những ám ảnh, tạo nên dăm viên đá cuội trên lộ trình cậu bé tí hon, nhưng dễ gì tìm được heo hút đường về.

Ngoại giới biết đâu là ảo giác:

Bóng sao đêm dài vời vợi

Thật hay hư, chiều nhỏ ưu phiền

(Tr. 10)

 

Và thơ, tập thơ mình cầm trong tay, những nốt nhạc, những hàng chữ “đen trắng đuổi nhau thành ảo tượng”. Thơ, tất cả thi ca trên cõi trần này biết đâu chẳng là ảo giác của ảo giác?

Cần gì để nói thêm về Những Điệp Khúc Cho Dương cầm của Tuệ Sỹ?

Phải chăng là tiếng ve sầu chung thủy, ưu hoài những mùa hạ đã ra đi?

Tiếng ve trở về,

Khóc mùa hè mà khô cả đại dương.

 

Đặng Tiến

Orleans 17/8/2009

 

Bước Nhảy của Chim Hồng

 

Huệ Trân

 

Buổi ra mắt sách “Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ Và Phương Trời Mộng” của tác giả Thích Nguyên Siêu tại San Diego là dịp đồng bào hiện diện được nghe nhắc về Thiền-sư Thích Tuệ Sỹ.

Nhắc về Thầy Tuệ Sỹ không phải chỉ là nhắc về chú điệu Nguyên-Chứng cực kỳ thông minh và hiếu học của gần sáu thập niên trước, không phải chỉ là nhắc về vị giảng sư rất trẻ trên bục giảng các Đại học Phật đường, không phải chỉ là nhắc về một trí tuệ uyên bác làu thông Kinh, Luật, Luận, tư tưởng triết học đông tây, kim cổ, không phải chỉ là nhắc về nhà sư vóc hạc, chân trần, mắt ngời sáng long lanh nhìn thẳng vào sức mạnh bạo quyền không một chút nao núng…

Có lẽ không ai, và không thể, khi nhắc về Thầy Tuệ Sỹ mà tự thể cá nhân người đó có thể phác họa được Chân- Dung-Tuệ-Sỹ một cách tạm đầy đủ. Mỗi người chỉ có thể, bằng cảm nghĩ riêng mình, đứng ở vị thế, môi trường mình mà nhìn Thầy Tuệ Sỹ theo góc cạnh nào đó.

Vì Thầy Tuệ Sỹ không chỉ là một ông thầy tu, pháp danh Tuệ Sỹ.

Trải qua khúc quanh cực kỳ nghiệt ngã của lịch sử, thầy Tuệ Sỹ đã đồng nghĩa với Lịch Sử, đồng nghĩa với Quê Hương, đồng nghĩa với Dân Tộc. Bước đường Thầy đã, và đang đi không chỉ thể hiện tinh thần Bi Trí Dũng của Đạo Phật mà còn thể hiện Không Khí để con người được thở, Tự Do để con người được sống, Cơm Áo để con người được ấm no. Hình ảnh Thầy cũng đã gắn liền với xương sống Quê Hương là Trường Sơn, mà trên đỉnh núi tuyết đó, vạt áo nhật bình mong manh lồng lộng gió không thể lay động hình hài gầy guộc của tấm lòng Bồ Tát đang đi vào Sinh Tử, đòi hỏi Quyền Làm Người cho người dân Việt Nam.

Thầy Tuệ Sỹ như thế, mà tôi đang ngồi đây, trong am thất nhỏ bé của mình để mạo muội viết đôi nét về Thầy!

Làm sao tôi hiểu biết đủ, để viết về Thầy?

Tất nhiên, tôi cũng chỉ chia xẻ những xúc cảm mà từ một góc độ nào đó, qua hình ảnh Thầy, đã cho tôi niềm xúc cảm. Một góc độ hết sức giới hạn mà thôi.

Trong hội trường buổi ra mắt sách “Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ, Và Phương Trời Mộng” ngoài những trang trí thông thường, còn có một màn ảnh lớn, chiếu hình ảnh sinh hoạt thường nhật của Thầy Tuệ Sỹ ở quê nhà. Đồng bào hiện diện đều rất xúc động khi được nhìn thấy vóc dáng gầy guộc của Thầy quanh quẩn ra vào thư phòng, trầm ngâm bên kệ sách, chăm sóc dăm nhánh hoa hay nghiêm túc trước tăng sinh. Những hình ảnh đó rào rạt trong tôi thành bước nhảy của con chim Hồng.

“Không chịu tiệm tiến từng bước vững chắc, mà như những đợt nhảy của con chim Hồng: nhảy bên bờ nước, nhảy đến tảng đá, nhảy trên đất cạn, nhảy trên cành cây, nhảy lên gò cao và cuối cùng, bay trong thương khung để lông cánh làm đẹp cho bầu trời.”

thể không mấy người biết con chim Hồng như thế nào, nhưng đọc đoạn ngắn trên đây, trích từ luận đề “Tánh Không luận là gì?” của Thầy Tuệ Sỹ, hẳn tấm lòng người đọc như có sự nhiệm mầu đang nhẹ nhàng vén tấm màn vô minh mờ ảo, mở ra, mở rộng ra, để cảm nhận bao la từ ái của những cánh bướm làm đẹp cho hoa, của những tiếng ve làm rộn rã nhạc hè, của những con đò đưa người qua sông, của những cơn mưa làm lúa trổ bông, của những cho đi mà không chờ nhận lại …

Nói về những tột cùng sâu thẳm tâm linh, về sự sống còn, thành hoại hoặc ngay cả về bước ngoặc bi thảm của lịch sử, mà bằng Tâm Từ của Thầy, chúng ta cũng chỉ bắt gặp những từ ngữ đơn sơ, đôi khi lại là những hình ảnh thi ca cực kỳ diễm lệ như:

“Sự tựu thành của một cơn mưa như thác lũ khi con bướm mùa hè đã chịu khép lại những đôi cánh mỏng để lắng nghe trong thầm lặng, hơi thở của cỏ nội. Chờ đợi kiên trì và dừng lại trong sự bế tắc của một thời chỉ còn ánh sáng vĩnh cửu của mặt trời. Kiên trì và dừng lại trong sự bế tắc là liều lĩnh ký thác mình cho một cuộc chơi ngoạn mục của thiên nhiên, là liều lĩnh đứng lại giữa dòng thác đổ của vạn hữu.”

Đó là tư tưởng Triết Lý Tánh Không được nói bằng ngôn ngữ của Thầy Tuệ Sỹ. Thầy nói về Tánh Không nhưng có phải chỉ là Tánh Không đâu! Khi “Kiên trì dừng lại để chờ đợi trong sự bế tắc là liều lĩnh đứng lại giữa dòng thác đổ của vạn hữu”, thầy Tuệ Sỹ đã dừng lại giữa dòng thác đổ ấy, khi phát nguyện ở lại cùng Quê Hương, cùng Dân Tộc, khi lịch sử quằn quại trong triền thác vô minh. Bồ Tát đã mang Nguyện Lựcđi vào Nghiệp Lực của chúng sinh, thể hiện những bước nhảy hào sảng của chim Hồng “Nhảy bên bờ nước, nhảy đến tảng đá, nhảy trên đất cạn, nhảy trên cành cây, nhảy lên gò cao và cuối cùng, bay trong thương khung để lông cánh làm đẹp cho bầu trời”

Khi đọc những bài viết về Triết Học Tánh Không của Thầy Tuệ Sỹ, Thích Phước An đã từng than: “Đọc Triết Học Tánh Không chẳng hiểu gì cả!” thì Thầy Tuệ Sỹ cười, và nói đùa lại rằng: “Tôi là tác giả của nó mà đọc lại còn chưa hiểu, huống gì là ông!”

Tất nhiên, đây chỉ là một cách nói thân mật trong tình huynh đệ giữa hai nhà sư, nhưng chính câu đối thoại thân thương này lại vô tình hiển lộ nét đa dạng hài hòa kỳ diệu nơi Thầy Tuệ Sỹ.

Triết Học Tánh Không, tự nó, đã tiềm ẩn những dị, đồng, cực kỳ vi tế khi Ngài Long Thọ, nhà hiền triết lỗi lạc của Ấn Độ từ mười tám thế kỷ qua, đã coi phương tiệncứu cánh là một.

Bước vào thế giới của triết học khô khan và rối bời “Chính mâu thuẫn đã phối trí thành một trật tự mạch lạc để cho mâu thuẫnmâu thuẫn. Tức là, mâu thuẫn chỉ được thừa nhậnmâu thuẫn thực sự khi người ta có thể tìm được mạch lạc của nó trong một trật tự nào đó. Bởi vì, nếu không có sự mạch lạc giữa những mâu thuẫn và không mâu thuẫn, làm thế nào ta nhận biết đó là mâu thuẫn?” (*), thầy vẫn có thể dẫn chúng ta tìm đến khu rừng già bí hiểm bằng những lối đi quang đãng, tươi mát hơn “Khi con bướm mùa hè dừng lại trên đóa hoa, khép lại đôi cánh và đong đưa theo cơn gió của cỏ nội hoa ngàn”.

Con bướm mùa hè hay bước nhảy của chim Hồng mà Thầy dẫn chứng như triết lý của “những đời sống trong băng lạnh và trong núi cao” mà triết gia Nietzsche đã từng nói. Những đời sống đã vượt khỏi sự chi phối của định luật vô thường thì dù đời thường đón nhận thế nào, tự thân những đời sống đó chỉ là Tự Tại, là Thong Dong, là Cô Liêu, là Lững Thững:

“Người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng

Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa

Con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng

Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa!” (**)

 

Nếu đi tìm “Sự mâu thuẫn trong mạch lạc” thì khô khan và rắc rối biết bao, trong khi, bằng thi ca thơ mộng, hãy thử nhìn triết-gia-Tuệ-Sỹ qua hình ảnh nhà-thơ-Tuệ-Sỹ thì “sự mâu thuẫn trong mạch lạc” này sẽ mạch lạc vô cùng! Sao kể chuyện cũ xa xưa mà người phải “đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng?” Phải chăng, đây là “Khi nói về cái Có thì nói trong sự bao dung của cái Không; Khi nói về cái Không thì nói trong sự bao dung của cái Có” (*) nên lòng sông này chẳng phải lòng sông nước chảy mà là lòng sông lịch sử. Ở lòng sông lịch sử này, người mới kể chuyện ngày- xưa- Giác- Ngộ cho ngày- nay- vô- minh được nghe. Và con bướm nhỏ, với đôi cánh mỏng vẫn thầm lặng, thanh thản đi, về nên chiếc lá, tưởng là bâng khuâng chốn về nhưng thật ra, lá đã biết đường về từ lúc chưa rơi.

Tôi bỗng nhìn ra Triết Học Tánh Không khó nhai khó nuốt, bàng bạc ngay ở những áng thơ óng mượt này. Cứ chủ quan cho như thế để phấn khởi, tiếp tục men theo nhà-thơ-Tuệ-Sỹ mà tìm triết-gia-Tuệ-Sỹ:

“Anh ôm chồng sách cũ

Trầm mặc những đêm dài

Xót xa đời lữ khách

Mệnh yểu thế mà hay!” (**)

A! Trong bốn câu thơ năm chữ này có đủ cả vui, buồn, thân phận, tử, sinh, nhưng chấm dứt với hai chữ “mà hay” đã biến dạng toàn bộ những chi phối của định luật vô thường. “Mà hay”, như cánh hạc vút lên cao, ra khỏi tầng mây xám để không cơn mưa nào làm ướt được đôi cánh, như Thiền-sư Thõng Tay Vào Chợ trong Thập Mục Ngưu đồ “Lưng trần, chân đất, chợ người. Cát lầm bụi vẩn, ta cười say sưa. Thần tiên bí quyết cũng thừa. Cây khô thoắt đã đong đưa nhụy vàng” (**). Cho nên, dù những gì Thầy đang nói, có vẻ như có sự hiện hữu của tự ngã, có tôi trầm mặc, xót xa, mệnh yểu nhưng tất cả những cái Có đó lại lồng vào cái Không trong hai chữ “Mà hay!”, thể hiện tinh thần Bát Nhã “Thọ, Tưởng, Hành, Thức, diệc phục như thị” nên cái Không đã phủ trùm lên cái Có, khiến các triết gia luận về Tánh Không phải nhận rằng: “Khi truy nhận về một tập hợp sắc, mà tập hợp ấy lại không có các phần tử cực vi hội tụ lại, thì tập hợp ấy há không phải là một tập hợp trống không? Và như vậy, cái Không vẫn có thể hiện diện như là đối tượng của nhận thức” (*)

Trong những kỷ niệm Thầy Nguyên Siêu ghi lại về những ngày đầu của lớp học chuyên khoa dưới mái Phật Học Viện Hải Đức, Nha Trang, cả Viện đã háo hức, xôn xao chờ đợi khi được tin Thầy Tuệ Sỹ sẽ từ Sài Gòn ra đảm nhận lớp học.

Thầy Nguyên Siêu chia sẻ: “Lần đầu tiên nghe Thầy giảng sao mà khó hiểu quá! Có lẽ chưa quen hay trình độ mình quá kém chăng? Chắc là cả hai!”

Tăng sinh ngỡ ngàng trước những danh từ Triết học mới lạ khi Thầy thao thao bất tuyệt giảng Triết học Tây phương qua tư tưởng của các triết gia Henry Miller, Jean Paul Sartre, Platon …; rồi lại sửng sốt ngưỡng phục khi Thầy hào sảng đọc những bài Đường thi của các danh nhân Lý Bạch, Đào Tiềm, Hàn Dũ, Tô Đông Pha … khi giảng về triết học Đông phương; và tận dụng sự chú tâm khi Thầy dạy Tam Tạng giáo điển, Kinh, Luật, Luận …

Sự ngỡ ngàng của Tăng sinh khi mới tiếp nhận cách chỉ dạy của Thầy chỉ là giai đoạn đầu, vì với tấm lòng thiết tha trao truyền kiến thức cho hàng hậu duệ, Thầy Tuệ Sỹ tất tìm ra phương thức thích hợp nhất để học trò lãnh hội được bài học, nên thầy Nguyên Siêu lại chia xẻ: “Suốt bốn năm Trung đẳng, từ 1970-1974, ngày hai buổi đều đặn cắp sách đến lớp học, Thầy trò chẳng rời nhau. Thời gian bốn năm tuy không dài nhưng anh em đã học được rất nhiều nơi Thầy, từ sự tu tập bản thân đến kiến thức trên nhiều lãnh vực.”

Tất cả tài năng, trí tuệ, cùng tấm lòng Từ Bi vô lượng, Thầy Tuệ Sỹ đã cung hiến trọn vẹn cho Đạo và Đời, không ngừng nghỉ, không mệt mỏi, không từ nan, như cánh chim Hồng lồng lộng, miệt mài bước nhảy hằn dấu chân in vạn nẻo, cuối cùng, bay trong thương khung để lông cánh làm đẹp cho bầu trời.

Trí tuệ tuyệt luân đã đạt tới tận cùng cái Không: “Không có trí, không có đắc, không có chứng. Bởi vì Vô Đắc”

Nam Mô Bát Nhã Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát.

 Huệ Trân

(Như-Thị-Am, Mùa thu lá đỏ)

 ------------------------

 (*) Tánh Không Luận - Thích Tuệ Sỹ -

(**) Thơ Thích Tuệ Sỹ

 

 

Thượng Tọa Tuệ Sỹ, Trí Siêu

Những Thiên Tài Lỗi Lạc

 

Nguyên Siêu

 

Tuệ Sỹ, Một Thiên Tài Của Việt Nam:

Thầy xuất gia từ thuở còn thơ và sống ở Lào, làm chú tiểu Sa Di sớm chiều kinh kệ, công phu bái sám, đó là bổn phận của người làm điệu, trong nếp sống nhà chùa. Dù chùa ở Lào hay Việt Nam cũng vậy, tụng kinh học luật là điều chính yếu của người xuất gia tu Phật. Bằng bản chất thông minh, thiên tư từ thuở nhỏ, cho nên sau khi xuất gia, Thầy đã miệt mài học hỏi kinh điển, siêng năng nghiên cứu nghĩa lý đạo mầu. Có lần được nghe quý Ngài kể lại, thời gian sống nơi chùa Lào, suốt ngày Thầy ở dưới bàn tượng Phật Bổn Sư thờ nơi chánh điện, để học kinh luật, sưu tra luận nghĩa, mà quý sư Lào sau một thời gian dạy dỗ, đã thấy được trí tánh thông minh của Thầy, biết được đây là bậc kỳ tài, là rường cột của Phật giáo, mà chư sư Lào đã không đủ khả năng dạy nữa. Để không làm mai một thiên tư trác việt, trí tuệ tuyệt vời, các vị Bổn sư Lào đã gởi Thầy về Việt Nam, cho quý Hòa thượng tiếp tục hướng dẫn, dạy dỗ.

Thầy được đưa về Huế, cùng tu học với quý chư Tăngthành đạt sở học một cách nhanh chóng, như con phượng hoàng khi đã đủ lông cánh tung bay giữa trời cao, như rồng thiêng vẫy vùng nơi biển sâu, sóng lớn. Do vậy, sau một thời gian tham học với chư Tổ Đức về phần kinh luật và chữ Nho, Thầy đã thông suốt và tự mình phát huy sở học mà không cần Thầy dạy. Từ đó, Thầy tiếp tục vân du tham học ở chư bậc kỳ tài, hữu danh đương thời, lần hồi Thầy đã vào Sài Gòn để tiếp tay xây dựnggiáo dục đàn em, học trò của mình. Dĩ nhiên, lúc bấy giờ Thầy đã trở thành bậc giáo sư lịch lãm, tri thức bạt chúng. Là vị giáo sư gương mẫu, nồng cốt của Đại học Vạn Hạnh, mà cứ mỗi lần gặp nhau thăm hỏi, những người đồng nghiệp đều gọi Thầy là "chú Sỹ" vì Thầy còn quá trẻ.

 

Thầy phụ trách dạy tại Đại học Vạn Hạnh chương trình Triết học Tây phương, văn học Đông Phương, luận đề Phật giáo: triết học Tánh Không, Trung Quán luận, A Tỳ Đạt Ma, đại cương Thiền Quán.... Mặc dầu ở vào lứa tuổi đôi mươi, nhưng Thầy đã đóng góp một phần không nhỏ trong nền văn hóa, giáo dục của nước nhà và Thầy đã xuất sắc hơn trong lãnh vực ngôn ngữ: sinh ngữ và cổ ngữ. Thầy tự học, rèn luyện lấy chính mình vì vậy mọi người ai cũng kính mến, thán phục và có nhiều bạn vong niên dưới mái trường Đại học Vạn Hạnh.

 

Là một trong những vị tu sĩ trẻ dẫn đầu với kiến văn quảng bác, được sự ngưỡng mộ của nhiều thế hệ Tăng sinh, sinh viên. Thầy là vị tu sĩ trẻ nhất, tự học, tự nghiên cứu và thấu đạt, thông suốt nền Triết học Đông Tây. Một trí tuệ vô sư trí, một vị Thầy không Thầy cho chính mình. Thầy đã nghiên tầm thâm sâu vào mọi lãnh vực kinh, luật, luận, xuyên qua những cánh đồng giáomênh mông, bát ngát, khó hiểu, sâu xa, đòi hỏi một kiến văn xuất chúng, mới thể nhập được, nhưng đối với Thầy dường như không khó khăn gì.

Thầy đã đơn đao đột kích, phá tung nền Triết học Tánh Không, khai quật và trình bày giá trị sâu thẳm tận cùng tư tưởng Trung Quán, phiên dịch giảng giải Trí Độ luận, để từ đó, hình ảnh chư Tổ Đức, luật sư nổi tiếng, vang danh oai đức như Tổ Long Thọ, người bấy giờ tôn xưng là Đệ nhị Thích Ca, Đề Bà, Vô Trước, Thế Thân, Mã Minh, Huyền Trang, La Thập, Tăng Duệ, Tăng Triệu... dường như quá gần gũi, quen thân với Thầy. Vì tất cả các tác phẩm trước tác, dịch thuật của chư Tổ, như là sách gối đầu giường của Thầy, còn Tam Tạng kinh điển, bộ Đại Tạng, chẳng bộ nào mà Thầy không dở đọc. Người viết đã học với Thầy, sau đó cùng Thầy làm việc dịch thuật Trung A Hàm, Kinh Pháp Cú, tuyển tập Nikàya A Hàm... qua những năm 75-77 tại Viện Cao Đẳng Hải Đức Nha Trang và 80-84 tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam, thư viện Vạn Hạnh (Võ Di Nguy, Phú Nhuận) mới thấy được khả năng, trí nhớ trác tuyệt của Thầy. Kinh, luật, luận, Tam Tạng giáo điển, hầu như Thầy nằm lòng tự kiếp nào. Có lẽ trong dòng sinh tử vô tận, đã có bao đời Thầy đã là Thiền sư, Pháp sư, Luận sư, cho nên mỗi khi hỏi đến những pháp số, ý kinh, nghĩa luận trong Đại Tạng, Thầy đều dở đúng số trang, số quyển, số dòng. Phải làm việc chung với Thầy mới biết được tính cần mẫn, ý chí kiên quyết, tự lập để xây dựng cho chính Thầy. Hầu như bất cứ thời điểm nào Thầy cũng học, cũng nghiên cứu, cũng nghiền ngẫm, cũng đọc kinh điển, thi văn, kinh thi, kinh dịch, triết lý, thi ca; cũng tự học âm nhạc: dương cầm, vĩ cầm; cũng tự tập viết chữ Nho: chữ Thảo của Vương Hy Chi; đọc thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Đông Pha.... Thầy sống thanh bạch, đơn sơ, đêm ngày miệt mài, trầm mình trong thế giới tâm linh, tư tưởng, triết học, thi ca, ngôn ngữ, nên không còn thời giờ nghĩ đến cách ăn mặc, bề ngoài như kẻ khác. Do vậy, trên người của Thầy, luôn luôn với bộ áo nhật bình 4 vạt úa mầu với thời gian, dài tới dưới đầu gối, khi dạy học cũng như lúc ra ngoài. Dáng người tuy nhỏ nhắn, nhưng khối óc thì vĩ đại, thông minh thiên phú. Chính vì bản chất thông minh đó mà tên Tuệ Sỹ là do Thầy tự đặt, sau khi hiểu và thông đạt được tư tưởng tu chứng của Thiền sư Tuệ Trung Thượng Sỹ, đời Trần, Thầy đã lấy tên Tuệ Sỹ, trong bốn chữ Tuệ Trung Thượng Sỹ. Khi đặt pháp danh của Thầy là Nguyên Chứng có lẽ Ôn Già Lam đã thấu hiểu được tâm tư của Thầy, tài nghệ khác thường hơn người đời, như rồng thiêng vẫy vùng nơi đại hải, nên lắm lúc cũng bất chừng khi tâm thức vùng dậy, như trận cuồng phong xô giạt phá đổ mọi thành trì, chướng ngại, trở lực của thế giới trí thức, liễu tri thế gian, mở bày một chân trời giải thoát của tâm hồn Đại Sỹ, bao la, vô cùng tận. Do vậy, nhìn vào đời sống của Thầy thật đơn giản nhưng sung túc, cặm cụi nhưng thư thái, nhiệt tâm nhưng buông xả, mà Thầy thường dạy anh em Tăng sinh viên, như "hạt xả không trì", như hạt bỏ ao hoang, không luyến lưu, tham đắm mọi hình thái của cuộc đời.

Từ trí tuệ hơn người, Thầy đã đi bằng đôi chân dân tộc, đạo pháp, khai quật và tỏ bày con đường tự do, hạnh phúc cho quê hương Việt Nam; mang tinh thần triết lý văn học vào cuộc đời thăng hoa sự sống; phát triển và trao truyền tinh thần triết học của luận, thực nghiệm tu chứng của kinh và hành trì nghiêm mật của luật cho nếp sống Tăng sinh trẻ, Thầy đã sống bằng giá trị thực tiễn của lẽ sống phụng sự, hy sinh, gương mẫu nhằm hướng đến chân trời kiến văn cho tất cả mọi người.

 

Bóng Người Trên Đỉnh Núi

Dừng chân đứng lại trên ngọn đồi Trải Thủy, như hình con dơi đang xòe cánh, Thầy đã sống bình lặng qua bao tháng ngày êm đềm, giản dị, gần gũi, thân thương như hòa tâm cùng cỏ cây, vách đá, gió núi, và hương vị nước mặn của sóng biển. Lần đầu tiên gặp Thầy, như đã nói trên, trong cung cách thật dung dị, chiếc quần màu cà-phê tái nhạt, chiếc áo nhật bình đã sờn vai theo năm tháng mà lại ngắn ngủn, đầu tóc hơi dài hơn bình thường, thật phù hợp, ăn tiệp với nhau từ đầu đến chân. Tuy nhiên, một điểm nổi bật trên khuôn khổ ấy là đôi mắt sâu và sáng quắc. Nhìn vào đôi mắt ấy như hai hố thẳm của tư tưởng, khó ai có thể dò tới đáy sâu của hố thẳm là bao nhiêu. Trong tận cùng của hố thẳm ấy, là một trời trăng sao văn học, triết lý, đạo lý... tiềm tàng ngút ngàn mù khơi, như sóng biếc trên giòng Chiết Giang; thâm u, cô tịch như hòn Lô Sơn mà Thầy đã dịch trong bộ Thiền Luận.

Giờ học đầu tiên Thầy giảng về nền Triết học Tây phương qua các tư tưởng Henry Miller, Jean Paul Sartre, Engel, Platon... nghe sao mà khó hiểu vô cùng nhưng có gì là lạ, lý thú trong cách giảng dạy của Thầy, không cần sách vở, chỉ nói và nói. Nói như dòng thác đổ từ trên cao, vì đầu nguồn của dòng thác chứa đầy nước, được sung mãn vô kể, do vậy, cứ đổ hoài mà không bao giờ vơi. Thầy đem tất cả sở học, kiến thức trao truyền lại cho anh em; tuy nhiên, anh em Tăng sinh khó có thể thâu đạt được hết những gì Thầy đã truyền giảng. Từ chân trời phương Tây đến góc biển phương Đông, bao nền Triết học Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Kinh Dịch, Đạo Đức Kinh, Kinh Thi; văn học Trung Hoa, Đào Tiềm, Hàn Dũ, Tô Đông Pha.... Các thi hào, thi bá như một cánh đồng văn học đầy hoa thơm cỏ lạ mà Thầy là con ong đang bay đi hút mật trên cánh đồng nhiều hoa thơm cỏ lạ đó, để rồi luyện thành mật sáp nuôi dưỡng tinh thần, đời sống tâm linh. Là một đạo sĩ trưởng thành trên nền tảng giáo lý giác ngộ giải thoát xuất thế gian, được hấp thụthể nhập tư tưởng giáo pháp siêu phàm của bậc Đạo sư, từ đó Thầy đã quán triệt qua các giáo nghĩa Hoa Nghiêm, một thế giới quan trùng trùng vô tận; giá trị đích thực tu chứng từ địa vị phàm phu, đắc thành Phật quả của kinh Pháp Hoa; từ yếu nghĩa vô ngã, phá trừ, đập nát cái vỏ chấp ngã, để nhơn pháp câu không của Bát Nhã; từ đỉnh núi Lăng Già của vua Dạ Xoa đến cánh đồng A Hàm nguyên thủy, từng bước chân đi của Đức Phật, hầu như Thầy theo dõi trọn vẹn, trên lãnh vực trí tuệ thế gian, và chính nơi đây, chỉ đợi đến giây phút tối hậu, cánh cửa tâm linh bật mở, chân trời giải thoát bao la hiện bày, và con người của thế nhân bặt dứt.

Suốt thời gian bốn năm Trung đẳng Chuyên khoa, 70-74, ngày hai buổi dạy học, như một trách nhiệm mặc nhiên, mà Thầy tự xem đó như là lẽ sống trên tinh thần phụng sự, trao truyền kinh nghiệm tu học cho tất cả. Thầy tận tụy trong từng giờ dạy học, Thầy chia sẻ những hiểu biết, tâm tình với anh em Tăng sinh trên đồi, tháp sắt vào những buổi chiều, sau giờ cơm chung của đại chúng. Thầy kể chuyện không mấy có duyên lắm nhưng rất rộn rã và khôi hài, trong những lúc đó, đôi mắt Thầy to tròn lên gần như gấp đôi diễn đạtbiến chuyển theo tình tiết câu chuyện, lời kể lúc nào cũng thâm thúy nhưng đầy vẻ hài hước, vui tươi. Thầy làm việc gần như không biết mệt, thức thật khuya nhưng dậy sớm, bên cạnh tách cà phê giúp Thầy thêm tỉnh táo để tuôn trào những dòng tư tưởng, triết lý, thi ca cho thời đại, đóng góp những tinh hoa văn học cho dân tộc, con người.

Vẫn chưa đủ trên phạm trù xây dựng, cung phụng văn học, nghệ thuật, giáo dục, đạo học, mà còn đích thân lăn xả vào xã hội để gần gũi với con người trong từng miếng ăn, giấc ngủ. Thầy đã thể hiện điều này qua cuộc chiến mùa hè đỏ lửa 1972. Hàng trăm ngàn người tị nạn từ Ban Mê Thuột, Pleiku đổ xuống, từ Quảng Trị, Thừa Thiên tràn vào, tạm trú tại các trường trại, từ tiểu học đến trung học, tư thục hay công lập đều được trưng dụng cho làn sóng người tị nạn các tỉnh địa cầu giới tuyến và vùng cao nguyên Trung phần, già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà gánh gồng chiu chít, người mất cha, kẻ mất chồng, lầm than, cơ cực trong cảnh màn trời chiếu đất. Thầy cùng anh em học Tăng tình nguyện đi cứu trợ, từ Nha Trang ra Vạn Giả, Tu Bông xin gạo, tiền, vật thực về phân phối cho đồng bào. Thầy tự lái chiếc xe Jeep của Viện mà chẳng ai dám tin tưởng tí nào, vì từ trước tới giờ Thầy chưa bao giờ lái xe, nhưng vì tinh thần tương thân tương trợ, lá lành đùm lá rách, và chí nguyện của Bồ Tát hành Bồ Tát đạo không cho phép Thầy không thể hiện. Thấy vậy, anh em học Tăng lại càng xả thân cho công cuộc cứu trợ, người đào giếng ngoài Đồng Đế, kẻ căng lều, mang vật thực, săn sóc vết thương, người chở gạo, tải thuốc men, cấp cứu, mà hình ảnh Thầy như một chiến tướng giữa đám quân binh, vì đồng bào lúc bấy giờ không có hàng ngũ trật tự gì nữa, cảnh tượng như ong vỡ tổ, tay xách nách mang, đạp nhau mà chạy. Máu chảy ruột mềm, chính trong cảnh huống này mới thấy được tấm lòng cứu độ, lợi tha trước vận mạng đen tối của quốc gia dân tộc. Thầy đã phát huy con đường Bồ Tát đạo ngày càng rộng rãi, thênh thang hơn nữa, cũng chính vì vậy mà sau này, ngày 02/4/1984, Thầy đã bị bắt và lãnh bản án tử hình ngày 30/9/1988 tại Tòa án nhân dân Sài Gòn.

Thời gian như âm thầm trôi đi dưới mái Phật học viện thân yêu đầm ấm, tình Thầy trò như được quyện lại bên nhau mà mỗi lần trời mưa, sáng sớm Thầy trò xuống nhà bếp nấu nước sôi pha trà, thì thấy cô Bảy đã xong nồi cơm sáng cho đại chúng, còn ông Đông thì ngồi trên cái đòn gần bếp để sưởi ấm, những hình ảnh thật đơn sơ, mộc mạc, và chính trong những giờ phút đó mới thấy thật gần gũi, cảm thông, tình nghĩa. Ngồi bên bếp lửa bập bùng cháy sáng, tiếng lửa củi kêu tí tách, nhìn xuống chân đồi, vườn rau, luống cải của viện, cạnh chùa Phước Điền, để nghe Thầy đọc thơ:

Vác cuốc xuống lưng đồi

Nắng mai hồng trên môi

Phương đông mặt trời đỏ

Mùa hạ không mây bay...

Bướm vàng trên vách đá

Tịch mịch cảnh chùa xưa

Chim chóc từ viễn phố

Tình không rặng núi mờ...

 

Từ âm điệu, từ khung cảnh, bên bếp lửa hồng, ấm cúng, ngồi nghe giọt mưa rơi dưới mái hiên, như hình ảnh một Thiền sư ngồi gõ nhịp thời gian, người viết làm bốn câu thơ tặng Thầy:

Bếp lửa hồng Thiền sư ngồi gõ mộng

Bình tâm không động giọt sương trong

Ai khơi ánh lửa chiều đông

Hơ lòng lãng tử chốc mòng phiêu du.

Đây chính là thời gian bình thản, yên lòng để lo việc học, thi cử mãn khóa, tiếp tục lên cao đẳng, thì hình ảnh Thầy lại càng kề cận, chăm sóc, lo lắng cho anh em học Tăng hơn nữa. Thầy đã soạn thảo chương trình, bài giảng, học liệu để mở ra chân trời Cao đẳng Chuyên khoa mà ước nguyện của quý Ôn, quý Thầy mong thành đạt, để mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của dịch thuật, người lãnh đạo trực tiếp là Thầy. Tất cả mọi nỗ lực được thành như ý nguyện, tấm bảng hiệu Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức Nha Trang được dựng lên nơi đầu đường, cạnh chùa Núi, Linh Phong Cổ Tự. Và cũng chính từ ngày hôm đó, thời gian ấy, Thầy bận rộn nhiều, phần học vụ làm Thầy không có thời gian như trước. Ban ngày lo soạn chương trình, bài vở, hoặc dịch thuật, trước tác và phụ tá cho Hòa thượng Viện Trưởng, ban đêm đến giờ hô canh ngồi Thiền thì Thầy lại mặc áo tràng, bây giờ thì Thầy đã có đủ áo quần đàng hoàng như quý Thầy khác mà không như trước, một nghệ nhân, hay du sĩ, đi canh chúng ngồi Thiền, nhìn qua lỗ trống của mỗi phòng trên dãy nhà cư xá Tăng sinh viên, nằm ven triền đồi Trại Thủy gần gác chuông. Những đêm mưa gió, từ biển khơi thổi vào đập nát cả lá hoa sườn đồi, nhưng Thầy vẫn không bỏ giờ canh Thiền đại chúng.

Thời gian của năm thứ nhất cao đẳng cũng là thời gian chiến tranh bùng nổ dữ dội, chiến trận tổng tấn công của bộ đội Bắc Việt, xâm chiếm từ các vùng cao nguyên Trung phần, từ các tỉnh Dầu Giây, Xuân Lộc, Củ Chi, miền Tây, và miền Đông Sài Gòn. Trong khi đó, từ các tỉnh địa đầu vĩ tuyến 17 cũng mất dần an ninh, và cuối cùng là bộ đội Bắc Việt tiến chiếm dần miền Nam.

Trước ngày 30/4/1975, quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã rút lui, bỏ ngỏ trên các tuyến đường quốc lộ I, chẳng có ai kiểm soát, thành phố Nha Trang bỏ trống, các phi đội, khu trục Không quân ở phi trường Nha Trang được lệnh bay vào phi trường Phan Rang để từ đó mang bom ra dội Cầu Xóm Bóng, cắt đứt đường tiến quân của Bắc Việt. Thì lại một lần nữa Thầy và anh em học Tăng làm nghề cứu thương, xuống bệnh viện toàn khoa Nha Trang, những bệnh nhân nào hơi khỏe mạnh, hay đi đứng được thì đã di tản, còn lại những bệnh nhân nặng thì vẫn nằm đó, vì lúc đó không còn bác sĩ, y tá trực nữa, mạnh ai nấy lo liệu, bệnh viện, trường ốc, cư xá, chợ búa như nhà không chủ. Trong cảnh nước mất nhà tan này, Thầy lại lăn xả vào vùng lửa đạn để cứu giúp đồng bào, an ủi bệnh nhân, thương binh, trẻ mồ côi lạc mất gia đình cha mẹ, để bồi đắp tình thương trong cuộc đời khổ lụy này.

Trước tình thế mới đầy rối ren, khủng hoảng, chưa biết phải xử trí như thế nào, ngay tối hôm đó, anh em học Tăng gặp Thầy tại thư viện, quây quần bên nhau, mong tìm phương pháp giải quyết, có anh em đề nghị Thầy nên di tản, chúng ta không thể ở lại viện được nữa. Khi ấy, anh em cứ ngỡ là Thầy sẽ đồng ý, chấp nhận cho anh em tự do đi, hay là đi cùng đi tập thể, nào ngờ Thầy nhìn tất cả anh em, rồi nói bằng giọng cương quyết: "Tôi vẫn còn đây, thì anh em cũng phải ở đây, quê hương và đất nước này còn cần đến anh em nhiều hơn nữa. Chúng ta không thể trốn chạy khi dân tộc, đạo pháp đang gặp cảnh điêu linh". Qua lời nói khẳng khái đó, ai nấy đều nhìn nhau mà bàng hoàng. Trong cái bàng hoàng thầm kính phục tấm lòng sắt son, hy sinh đời mình để chia sẻ nỗi tang thương vận nước. Một con tim nóng hổi đang ấp ủ, che chở hàng triệu con tim đang thiếu máu.

Đây là thời điểm đánh dấu sự quyết định dứt khoát của Thầy là phải ở lại trên mảnh đất quê hương này. Dân tộc, đạo pháp còn cần sự có mặt của Thầy. Ngày nào dân tộc còn lầm than, quê hương còn khốn khổ thì ngày đó còn có những đôi tay, khối óc như Thầy để cày xới, gieo rắc hạt mầm yêu thương, để vơi đi sự thù hận, để thấy trên quê hương còn có những bông hoa tươi thắm tô điểm, thêm hương, khởi sắc giữa cánh đồng hoang, lau sậy gầy guộc. Thầy là hiện thân của đóa hoa tình thương nguyện ở lại để thọ nhận thương đau cùng với cái thương đau của dân tộc, nguyện dấn thân vào nơi khốn cùng, của cơn phong ba bão tố để đưa con thuyền đạo pháp đến bến bờ bình yên. Sự ở lại của Thầy mang nhiều ý nghĩa của một tâm hồn đạo sĩ, thi sĩ, văn nhân, và tự tình con dân nước Việt. Là mấu chốt, là yếu điểm vàng son của chặng đường lịch sử dân tộc và đạo pháp. Thầy ở lại vì còn hàng triệu người ở lại. Thầy không đi vì chung quanh Thầy còn nhiều đôi tay giơ lên réo gọi Thầy. Quê hương Việt Nam, dân tộc giống nòi, ngàn năm Tổ quốc, còn hiện rõ hình bóng chư vị anh hùng liệt nữ, một thời chống xâm lăng giữ yên bờ cõi, một Lý Thái Tổ, Lê Đại Hành, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông... là những vị Phật tử mang hương vị giáo pháp giải thoát giác ngộ vào nơi trận mạc, giữa chốn ba quân, trong cơn quốc biến để tu tậpgiáo hóa. Một đại tướng Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi... là những bậc Thiền sư, bằng đôi tay mạnh, trái tim nóng để an bang xã tắc, thì có lý do nào để ra đi? Đó là những hình ảnh hào hùng của người dân Việt. Còn đạo Phật Việt thì sao? Từ thuở đầu đời, chư vị Thiền sư, Tổ Đức gieo rắc ánh đạo mầu vào lòng dân tộc, trên mảnh đất Luy Lâu thân yêu, một Ngài Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác... hay vào thời cận đại, Tổ Phước Huệ, chùa Thập Tháp, Tổ Liễu Quán, Phú Yên, Bồ Tát Quảng Đức, ngọn lửa bình đẳng, tự do tín ngưỡng, đã thắp sáng bao thập niên qua. Những hình ảnh đó sừng sững như tường đồng, vách sắt trong mỗi nhịp thở con tim của Thầy, và hình ảnh của một thế hệ, một chặng đường lịch sử của đạo pháp còn cần sự tiếp tay của Thầy, còn cần lời nói của Thầy, còn cần ngọn bút thiên tài của Thầy để viết nên những trang sử vàng son, oai hùng của thời đại. Và đến giờ này, thật sự Thầy đã viết nên những dòng sử mệnh đó.

Sau sự quyết định của Thầy, tất cả anh em học Tăng đều vui vẻ ở lại tiếp tục làm việc dưới sự hướng dẫn của Thầy. Lúc bấy giờ, Viện đã đóng cửa, một số anh em đã trở về với Thầy Tổ, số còn lại lo công việc dịch bộ Trung, Tăng Nhứt và Tạp A Hàm. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành bộ Trung A Hàm thì hoàn cảnh lại không cho phép. Lý do, người thì phải đi lao động xã hội chủ nghĩa, kẻ phải đi làm thủy lợi, kinh tế mới... sản xuất các hợp tác xã, nói chung là không còn có thì giờ để ngồi xem kinh, trước tác gì nữa. Và cũng chính trong thời điểm này, 1976, đời sống giữa anh em với Thầy cũng cách xa. Thầy cũng phải đi lao động, làm rẫy tại Vạn Ninh, Vạn Giả, vui với cỏ cây, khoai sắn, lúa mạ, vườn tược, làm xúc cảm hồn thơ của Thầy, và tập thơ "Soi Đê" được ra đời. Nhưng có lẽ, điều mà Thầy nhìn thấy mạnh mẽ và thiết thực nhất là quê hương bị tàn phá, dân tộc bị lầm than, đạo pháp bị bức bách, cả một thế hệ trẻ bị vong bản vì chế độ cộng sản, cho nên Thầy càng thấy buồn cho tiền đồ đạo pháp, vận mạng quốc gia sẽ ra sao? Lúc này trông Thầy như cánh hạc trong đêm, khi gặp khi không, vì Thầy thường ở nơi cái chòi bằng tranh, "Soi Đê" của Thầy tại Vạn Giả, để ngày thì vác cuốc làm rẫy, tỉa bắp, trồng rau, đêm thì nằm nghe núi rừng u tịch, tiếng côn trùng rỉ rả, dế mèn nỉ non dưới lòng đất mới. Tiếp xúc với mảnh đất gầy gò quê hương, qua chứng tích điêu tàn loang lổ trên đất mẹ, không cầm được lòng đau thương, tủi phận cho giống nòi Hồng Lạc, cho những hạt giống tinh anh, siêu việt của dân tộc bị mai một, và cho những cái gì của hàng ngàn năm lịch sử bị tàn phá, quê hương lùi dần vào bóng đêm, và tâm tình của Thầy như lời thơ "Mười Năm Trong Cuộc Lữ":

Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng

Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn

Triều đông hải vẫn thì thầm cát trắng

Chuyện tình người và nhịp thở của Trường sơn

Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị

Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng

Tay anh vói trời cao chim chiều rủ rỉ

Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường

Mười năm sau anh băng rừng vượt suối

Tìm quê hương trên vết máu giữa đồng hoang

Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi

Từng con sông từng huyết lệ lan tràn

Mười năm đó anh quên mình sậy yếu

Đôi vai gầy từ thủa dựng quê hương

Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu

Bản tình ca vô tận của Đông Phương

Rồi ngày ấy anh trở về phố cũ

Giữa con đường còn rợp khói tang thương

Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ

Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương.

 

Từ Nha Trang ra Vạn Giả khoảng 60 cây số, Thầy đã đi về bằng những chuyến tàu đêm, âm thầm lặng lẽ trong tâm tư lắng đọng nên Thầy ít nói hơn khi xưa. Có lúc Thầy đóng cửa phòng ở một mình cả tuần không cơm nước. Thầy chỉ uống nước chanh đường, hoặc nước lạnh, thỉnh thoảng mới thấy Thầy đi bách bộ bên ngoài. Trông Thầy gầy hẳn, nhưng trên khuôn mặt luôn luôn phảng phất một niềm riêng sầu kín, thiêng liêng qua ánh mắt. Một tâm sự, nỗi niềm dường như không thể nói cùng ai, dù thời gian ấy vẫn có Hòa thượng Viện Trưởng, Thượng tọa Giám sự, Thượng tọa Phó Viện Trưởng, cùng anh em học Tăng. Có lẽ, tất cả không ai có thể hiểu và cảm thông được nỗi lòng chất chứa, tràn đầy những tâm sự mà chẳng biết tỏ cùng ai, nên Thầy đã viết thành lời thơ:

Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn

Treo gót hài trên mái tóc vào thu

Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá

Rũ mi dài trên bến cỏ sương khô

Vì lêu lổng mười năm dài gối mộng

Ôm tình già quên bẵng tuổi hoàng hôn

Rồi một sáng nghe chim rừng đổi giọng

Người thấy ta xô giạt bóng thiên thần

Đất đỏ thắm nên lòng người hăm hở

Đá chưa mòn nên lòng dạ trơ vơ

Thành phố nọ bởi mưa phùn nắng quái

Nên mười năm quên hết mộng giang hồ.

...

Này đêm rộng như khe rừng cửa biển

Hai bàn tay vén lại tóc tơ xưa

Miền đất đỏ trăng đã gầy vĩnh viễn

Từ vu vơ trong giấc ngủ mơ hồ

Một lần định như sao ngàn đã định

Lại một lần nông nỗi vết sa cơ

Trời vẫn vậy vẫn mây chiều gió tĩnh

Vẫn một đời nghe kể chuyện không như

Để sống chết với điêu tàn vờ vĩnh

Để mắt mù nhìn lại cuối không hư

Một lần ngại trước thông già cung kỉnh

Chẳng một lần lầm lỡ không ư?

Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến

Hai bàn tay vén lại tóc tơ xưa

...

 

Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ

Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang

Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở

Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan

Cười với nắng một ngày sao chóng thế

Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng?

Đến tóc bạc tuổi đời chưa đủ

Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Giờ ngó lại bốn vạch tường ủ rũ

Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn.

 

Rồi từ đó, xuôi ngược, trải qua bao nhiêu thác ghềnh, biến cố của quê hương, xứ sở, mỗi người một ngả, hàng vạn lối chông gai; tuy nhiên người viết vẫn còn cái duyên tao ngộ với Thầy, mà trải qua bao năm tháng cùng Thầy làm việc, phiên dịch đánh máy kinh điển, Trung A Hàm, sưu tra tuyển tập Nikàya - A Hàm, Kinh Pháp Cú... tại thư viện Phật học viện Nha Trang. Tất cả những kỷ niệm đó còn đậm nét trong tâm khảm để đến hôm nay được tiếp tục những gì còn dang dở của một thời đèn sách, miệt mài bút nghiên.

Sau khi Viện Cao Đẳng Hải Đức Nha Trang đóng của như đã nói ở trên. Ôn Già Lam vẫn mang hoài bão phụng sự, giáo dục thế hệ trẻ. Để hoàn thành ước nguyện đó, Thầy là một trong những người nòng cốt cho sự tiếp nối chương trình cao cấp bốn năm của lớp học Tăng sinh Già Lam. Lớp học được hình thành, trải qua bốn năm vừa làm việc vừa học hành trong sự lo lắng mà nhiều đêm cả chùa chẳng ai ngủ được, vì công an soát hộ khẩu một hai giờ khuya, anh em học Tăng phải leo lên trần nhà để trốn.

Chế Độ Cộng Sản Kết Án Tử Hình Hai Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ - Phạm Văn Thương và Thích Trí Siêu - Lê Mạnh Thát

Một buổi sáng mùa xuân, cuối tháng 3 năm 1984, khí trời êm ả, cảnh vật êm đềm, tĩnh lặng cũng như bao nhiêu thời khóa công phu và lạy Sám mỗi sáng. Ôn Già Lamđại chúng xong thời lễ tụng 108 biến Hồng danh. Về phòng, Ôn uống trà và điểm tâm. Sau giờ điểm tâm, là việc làm thường nhật, tưới nước, quét sân, cho cá ăn... Nhưng sáng hôm nay Ôn đã không làm việc đó, vì có lệnh công an mời lên họp trên Mặt trận Tổ quốc, do vậy Ôn đi từ sáng sớm. Sau khi Ôn đi rồi thì công an vào soát chùa Già Lam, đồng lúc bên viện Phật học Vạn Hạnh cũng bị lục soát. Họ, công an, bắt quý Thầy vào ngồi phòng khách, không được đi lại, một số công an khác lên phòng Thầy Tuệ Sỹ và Nguyên Giác kè hai Thầy lên xe và chở đi, không nói một lời từ biệt. Và bên Vạn Hạnh cũng không khác, cùng một thủ thuật, họ bắt Thầy Trí Siêu và Thầy Như Minh cũng kè ra xe rồi chạy mất. Có điều thật dễ thấy là mạng lưới công an đã bao vây chùa Già LamVạn Hạnh từ sáng sớm, cũng như họ đã toan tính trước, vì vậy, bên chùa Già Lam thì họ mời Ôn đi họp sớm, còn bên Vạn Hạnh thì Ôn Minh Châu cũng đã đi họp mấy hôm ở Hà Nội, cho nên cả hai nơi đều vắng mặt hai Ôn, mục đích để họ dễ bề hành sự.

Nói đến Thầy Thích Trí Siêu - Lê Mạnh Thát, một sử gia, một nhà văn hóa lớn, một học giả uyên bác, tinh thâm ngôn ngữ học, Phật học. Người viết cũng đã một thời gian làm việc với Thầy tại thư viện Vạn Hạnh, 1981-1984, công trình khảo cứu, sưu tra làm bộ bách khoa Phật học Đại Từ Điển cho Ôn Già Lam. Thầy cũng bình dị không kém gì Thầy Tuệ Sỹ, cuộc sống đơn sơ của một nhà đạo sĩ. Vóc người nhỏ nhắn, với vầng trán cao, bóng nhụi, biểu lộ một sự thông minh xuất chúng. Dáng đi của Thầy, không giống như người thường, đôi tay hơi khung lên và xăm xăm tới, chữ viết của Thầy còn khó đọc gấp mấy lần chữ viết của Thầy Tuệ Sỹ. Có lần Sư cô Huệ Khương, thư ký đánh máy tại thư viện, người đã bị bắt cùng ngày với quý Thầy, đọc bản thảo của Thầy không hiểu, cô hỏi Thầy, Thầy trả lời: "Chữ nghĩa văn chương là của con người, sao lại không hiểu?" bằng giọng Quảng Trị khó nghe, rồi Thầy tiếp tục đọc, viết, không nói gì nữa, cô Khương cũng chẳng dám hỏi thêm. Thầy làm việc thật cặm cụi, có những đêm thức trắng bên chồng kinh, sách, sử liệu cổ. Thầy không ngừng phát kiến, lục đạo những chứng tích, di tích xa xưa, mà một thời đã bị mai một. Đích thân Thầy đi về các ngôi chùa cổ ở miền Tây, hay miền Trung, để đọc lại những bản kinh, lịch sử được viết tay bằng chữ Nho, mà theo năm tháng gần như mục nát, nhưng đó chính là những tài liệu vô giá trong công trình khảo đính văn học sử, lịch sử Phật giáo Việt Nam. Qua những công bố sử học mới nhất của Thầy, ngay cả Bộ Văn Hóa Hà Nội cũng phải tham kiến với Thầy, dù họ chẳng ưa gì những sự khám phá mới mẻ này. Vào những năm đầu sau ngày 30/4/1975, Bộ Văn Hóa Thành phố Hồ Chí Minh mời Thầy cộng tác, giảng huấn, nhưng sau một thời gian, họ thấy trí tuệ của Thầy vượt họ quá xa, sự hiểu biết lịch lãm, kinh nghiệm chuyên môn sâu sắc, nên thôi, và cũng từ thời gian đó, công an theo dõi Thầy cho đến ngày Thầy bị bắt và bị kết án tử hình. Có lần Thầy ra Phật Học Viện Nha Trang, cùng Thầy Tuệ Sỹ, hai người đi bộ xuống biển rồi chiều về, đi ngang qua Sở công an thành phố, được mời vào ngủ lại đêm, sáng mới về. Hỏi ra, Thầy nói: "Họ không biết mình là ai nên bắt nhốt một đêm muỗi cắn quá chừng". Nói xong, Thầy cười tự nhiên.

Ngoài thiên tư, bẩm chất của một nhà sử học, đạo học, nghiên tầm Đại Tạng kinh điển. Thầy còn là một Bác sĩ Y khoa tốt nghiệp tại Hoa Kỳ, mà qua thời gian thân phụ Thầy là Ôn Trí Lưu. Giám tự Linh Mụ, Huế, bịnh nằm trong phòng Thầy, Viện Vạn Hạnh, tự tay Thầy chăm sóc thuốc men, cơm cháo. Thầy cùng thân phụđệ tử của cố Đại Lão Hòa Thượng Chánh Thư Ký kiêm Xử lý Viện Tăng Thống, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu.

Thân thế và sự nghiệp của hai Thầy khác hẳn với tất cả mọi người. Thầy Tuệ Sỹ là đệ tử của Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Thích Trí Thủ, có một sự nghiệp văn học lừng lẫy, giáo pháp thông suốt, liễu tri, thơ văn đầy ắp trong tư tưởng. Còn Thầy Trí Siêu như trên đã nói, cả hai là những ngôi sao sáng dưới bầu trời Việt Nam, là tinh hoa nước Việt, là những cây bút trác việt, tuyệt luân của Phật giáo, chính những yếu tố đó mà hai bản án tử hình đã tròng vào cổ hai Thầy. Cộng Sản không thể làm ngơ và để tự do cho những con người ưu tú như vậy. Đọc lịch sử hình thành từ những ngày đầu tiên của Cộng sản Quốc tế, đến đường lối xây dựng xã hội chủ nghĩa Việt Nam hôm nay, ai cũng thấy tầng lớp công nông đứng lên cướp chính quyền, đấu tố giai cấp thượng lưu, trí thức, địa chủ, phú hương. Do vậy, sự hiện diện của hai Thầy trong xã hội chủ nghĩa không có lý do gì tồn tại được, mà đã không thể tồn tại được thì chế độ Cộng sản phải làm gì? Đây là lý do đẻ ra bản án tử hình. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam kết án tử hình hai Thầy là mặc nhiên công nhận với thế giới về việc đàn áp Phật giáo.

Ngay sau ngày 30/4/1975, Cộng sản đã ra lệnh tịch thu tất cả sách báo miền Nam trước 30/4/1975 từ mọi lãnh vực: triết học, kinh tế, chính trị, tôn giáo, xã hội, âm nhạc... họ cho rằng sách báo của miền Nam là bồi bút của "Mỹ-Ngụy", chất chứa những tư tưởng phong kiến, đồi trụy, và bắt phải hủy bỏ. Lúc bấy giờ, vì đau lòng thương tiếc bao công trình văn hóa của đất nước nên nhiều nơi sách vở được cất vào bao bố và đem ra ngoài rẫy cất dấu, thời gian sau coi lại, mối mọt đã ăn rách nát. Cộng sản Việt Nam đã hủy hoại nền văn hóa dân tộc. Đôi bút của hai Thầy đã đóng góp một phần không nhỏ cho nền văn học đương đại, khơi dậy một chặng đường lịch sử văn học, sử học và nghệ thuật nước nhà. Hai con người, bốn hình ảnh, vừa cưu mang sứ mệnh con dân tộc Việt, đang đứng trước vực thẩm của thời đại mới, thời đại bần cùng và nghèo đói; hai Thầy phải làm gì cho sự tồn vong của đất nước? Vừa gánh nặng trên vai công cuộc khai phá và phát huy con đường giáo pháp "Duy Tuệ Thị Nghiệp" để tiếp nối ngọn đèn chánh pháp mà mấy ngàn năm qua. Tổ Tổ tương truyền, trong sử mệnh của người tu sĩ Phật giáo. Dân tộc lầm than, đang sống dưới sự đọa đày bức ép của chế độ, hai Thầy cũng không thể đành lòng ngó lơ. Đạo pháp trong cơn pháp nạn, hai Thầy không thể bó gối xuôi tay. Hai Thầy đã thể nhập vào đời, như hình ảnh Thiền sư chống tích trượng xuống núi, đem tấm thân giả tạm hiến dâng cho đại cuộc. Ngày hai Thầy bị bắt mang đikết án tử hình, là ngày chế độ Cộng sản Việt Nam tuyên bố cho thế giới biết rằng: xã hội chủ nghĩa Việt Nam không gìn giữ chứng tích sử học, không thừa truyền nền văn hóa dân tộc, tự phát bởi những tấm lòng, ước mơ xây dựng một nền văn hiến, văn phong cho đất nước. Bản án đó đã hủy diệt những danh tài trẻ tuổi với nhiều ước mơlý tưởng siêu xuất khỏi chốn đọa đầy, nô lệ hóa của xã hội chủ nghĩa. Vì lứa tuổi hai Thầy đại diện cho tầng lớp thế hệ trẻ, mang nhiều hoài bão, vươn đôi tay ôm choàng Tổ quốc vào lòng, bằng khối óc no tròn tình tự nòi giống tổ tiên. Bản án tử hình hai Thầy đã đánh động lương tâm thế giới, khiến mọi người từ quốc nội đến hải ngoại, từ Liên Hiệp Quốc đến Hội Ân Xá Quốc Tế, tất cả đều lên tiếng yêu cầu nhà nước Cộng sản Việt Nam phải hủy bỏ bản án tử hình phi nhân, vô đạo. CS Hà Nội kết án tử hình hai nhà tuPhật giáo, những người đã nuôi dưỡng lòng từ bi, mang tình thương, ban vui cứu khổ; khơi dậy ngọn đuốc trí tuệ, thắp sáng đến tận cùng tự mỗi lương tâm của con người. Đối với hai Thầy, những người mang đạo tâm vì dân vì nước thì bản án đó có nghĩa gì khi phải hy sinh thân mạng trên nền tảng chân lý, cứu khổ độ mê. Chết để cho bao người được sống, để làm viên sỏi lót đường cho bao người bước tới. Chết như là tiếng sóng ngầm của đại dương làm các loài thủy tộc tỉnh giấc mơ hóa rồng thiêng bay cùng mây trắng. Chết như cơn địa chấn làm sụp đổ mặt đất này. Người đã đứng trên đỉnh núi Lăng Già của A Bà Tu La Vương, dùng mọi thứ ngôn ngữ, văn từ, thi ca, âm nhạc để tự trang nghiêm mình, trang nghiêm quốc độ, cùng với sinh mệnh hơn 70 triệu dân, vì lòng Bi nguyện, hai Thầy có sức tự tại bằng giá trị thực nghiệm Tánh Không, thì bản án tử hình có làm run rẩy chân lông, sợi tóc? Hai Thầy đã liễu giải nhơn pháp đều vô ngã, phiền nãosở tri, thường thanh tịnh không, mà sanh khởi lên tâm Đại Bi. Nếu khôngĐại Bi tâm, thì hai Thầy đâu cưu mang tù tội, nhưng tất cả chỉ vì hoa đốm giữa hư không, mấy chốc có không, thiên lưu thiên biến. Chế độ Cộng sản đã không thấy rõ thực chân, thực tướng dòng máu Đại Cồ Việt. Dòng máu của chư anh linh Thánh Tử Đạo, đã tưới lên từng ngọn cỏ, đọt cây làm xanh tươi non sông gấm vóc. Lý tưởng tứ đại giai không, đem nắm xương tàn bón phân hoa lá cũng có ích cho đất trời mù khơi, sương tuyết. Tất cả đều cưu mang tự tính vô tình và hữu tình đồng thành Phật đạo, thì đâu sá gì một chút cỏn con sanh di tử độ. Chỉ có Cộng sản mới chấp thủ, bảo thủ, định thủ những tư kiến chủ nghĩa của cái nhìn không qua khỏi mũi cho nên cứ mãi ghìm chặt súng đạn, gươm đao, và cho đó là sức mạnh vô cực đối kháng để bảo tồn danh vọng, địa vị. Sự sát hại xem như cứu cánh, kết án tử hình xem như giải pháp tối thượng thì đó chính là ảo ảnh của lương tri, mà trước mặt là hố sâu đưa cả chế độ xuống vực thẳm. Một thế giới mù lòa vì không có văn hóa, văn học, văn phong, văn mỹ. Xã hội chủ nghĩa Cộng sản Việt Nam chưa hề có một nền văn học thuần túy dân tộc, phụng sự cái hay, cái đẹp, cái thanh cao, tinh khiết con người. Họ giết người vì tự ái thua kém của mình. Giết người để thấy cái khôn của người không còn phải chứng kiến, chướng tai gai mắt. Giết người là để chôn đi hết mọi chứng tích của sự hiểu biết, thông minh, tri thức con người. Và họ giết người vì không cùng đường hướng, chủ trương với chế độ. Bản án tử hình năm xưa, 1988, nơi hai Thầy là chứng nhân một oan nghiệt của chế độ Cộng sản Việt Nammãi mãi ngàn sau, qua những dòng lịch sử dân tộc, đàn cháu con, hậu sinh sẽ biết thế nào là tội trạng của chế độ Cộng sản đối với Phật giáo. Suốt một dòng lịch sử dân tộc và đạo pháp, trải qua những chặng đường thăng trầm, vinh nhục của đất nước, mấy nghìn năm qua có thể nói thời đại Cộng sản Việt Namthời đại đầu tiên tuyên án tử hình đối với giới tu sĩ Phật giáo mà hai Thầy đã phải nhận lãnh. Bản án tử hình cũng nói lên sự thật cho mọi người biết rằng: có chế độ xã hội chủ nghĩa thì không có Phật giáo, hoặc nếu có chỉ để làm vì. Cộng sản đâu biết rằng từ ngụm nước đầu nguồn, cha ông, tổ tiên đã ăn trái cây giải thoát của Phật giáo, đã uống dòng nước thanh hương từ bi của đạo Phật mấy nghìn năm qua, mà ngày nay là đàn con cháu lại nhổ gốc cây, bứng tận rễ, tát cạn suối nguồn, quấy phá tanh hôi. Người ta thường nói: "Con hơn cha là nhà có phước", nhưng quê hương Việt Nam thật kém phước, vì nhà cầm quyền CSVN đã làm đảo lộn mọi trật tự gia đình, xã hội, mọi đạo đức, lễ nghĩa. Họ đã hủy hoại mọi nền tảng lễ nghi, nhân phẩm đến văn hóa, văn học, văn minh của dân tộc qua những hành động áp bức, khủng bố, vô nhân và hủy diệt tất cả sách báo miền Nam. CSVN đã làm hoen ố những trang sử Việt.

Nguyên Siêu

 
 


PHỤ LỤC

 

Giới thiệu một vài bài viết của Thầy Tuệ Sỹ

về Văn Học và Kinh Luật Phật Giáo

 

Dẫn Vào Thế Giới Văn Học Phật Giáo

 

Tuệ Sỹ

I. Giới hạn của văn học Phật giáo:

Ngôn ngữ không phải là chân lý tuyệt đối, nhưng cũng chính ngôn ngữ vốn là biểu tượng của chân lý tuyệt đối. Nếu vậy, không chỉ riêng ngôn ngữ, mà bất cứ một sự thể nào cũng là biểu tượng của chân lý tuyệt đối. Tức là, theo một khẩu quyết của Đại Thừa: sinh tử tức Niết Bàn.

Ý nghĩ đầu tiên của một người vừa bước đến văn học Phật giáo, tất nhiên sẽ coi đây chỉ là một nền văn học tôn giáo không hơn không kém, trong tính cách "văn dĩ tải đạo" của nó. Đối với ý nghĩ bàng quan này, một nền văn học như vậy chỉ có nội dung là đủ, còn hình thức diễn đạt chỉ là vấn đề phụ thuộc…; rượu ngon không hệ trọng ở bình chứa. Sự kết cấu của văn học không hệ trọng bằng chân lý tôn giáo đã có sẵn: chân lý thành kiến. Bởi vì chỉ có nội dung, hình thức không cần thiết lắm, do đó, chân lý của tôn giáo sẽ tùy nghi được phô diễn bằng cách vay mượn bất cứ thể tài văn học nào đã được thông dụng.

Người ta sẽ không đòi hỏi tác giả phải có một phong cách độc đáo trong đường lối phô diễn; y khỏi phải nỗ lực vận dụng mọi khả năng sáng tạo đến mức tuyệt động, vốn là giá trị đặc sắc của một tác giả văn học - thuần túy. Như vậy, một khi nội dung của kinh nghiệm tôn giáo càng được nới rộng, thể tài văn học càng bị thu hẹp lại. Cho đến một lúc nào đó, lúc mà kinh nghiệm tôn giáo được mở rộng đến vô hạn và tận cùng trong tuyệt đối bất khả tri, người ta bị bắt buộc phải khước từ mọi phương tiện diễn đạt qua các thể tài văn học. Đây là một song quan luận của phương tiện (văn học) và cứu cánh (tôn giáo). Khai triển phương tiện đến tận cùng thì cứu cánh sẽ vắng bặt. Ngược lại, nếu tiến đến chỗ tuyệt đối cứu cánh, phương tiện sẽ hết còn là phương tiện.

Nói cách khác, hình như cứu cánh tôn giáo, với những chân lý thành kiến của nó, lúc nào cũng sẵn sàng phản bội mọi tính cách sáng tạo của văn học. Văn học không phải là phương tiện của bất cứ một chân lý cứu cánh nào, thành kiến hay không thành kiến, dù là chân lý về sự sống và cuộc đời; vấn đề sẽ mở sang một chiều hướng khác: đâu là phương tiện, và đâu là cứu cánh của văn học? 

Ở đây, chúng ta có hai lãnh vực mà sự diễn đạt của văn học có thể vươn tới. Trước hết, là hai trích dẫn điển hình, thường được nhắc nhở rất nhiều:

Thứ nhất, kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta – Nikàya): "Thánh nhân không tranh luận với thế gian. Những gì kẻ trí trong thế gian nói là không, Ngài cũng nói là không. Những gì kẻ trí trong thế gian nói là có, Ngài cũng nói là có".

Trong trích dẫn này, mọi diễn tả của ngôn ngữ không được phép vượt qua giới hạn của tri thức thường nghiệm. Chân lý chỉ tuyệt đối ở tự thân của nó, nhưng là tương đốilãnh vực diễn đạt của ngôn ngữ. Vì vậy, các tác giả của Phật họcthói quen mở đầu tác phẩm của mình bằng một thái độ khiêm tốn: những gì họ sẽ trình bày không liên hệ đến tự thân của chân lý mà họ muốn hướng đến. Người ta không thể nhầm lẫn giữa ngón tay và mặt trăng. Dĩ nhiên, ngôn ngữ ở đây tác động trong những tâm trí bình thường. Hậu quả của nó sẽ là khuôn mẫu để phân tích và phân loại các sự thực của kinh nghiệm. Tức là ngôn ngữ của triết lý.

Thứ hai, kinh Bát Nhã (Prajnàpàmità-sùtra): "Bất hoại giả danh nhi thuyết thật nghĩa". Giả danh, tức biểu tượngdanh ngôn trong tính cách ước lệ của chúng. Những thứ này không liên hệ đến chân lý tuyệt đối, tức thật nghĩa. Do đó, muốn đạt đến chân lý tuyệt đối này, phải vượt qua mọi khả năng của ngôn ngữbiểu tượng, như người ta cần lìa bỏ tầm mắt khỏi ngón tay để nhìn thẳng vào mặt trăng. Tuy nhiên, trích dẫn của chúng ta nói: ngay nơi biểu tượngngôn ngữ mà thể nhận chính bản thân của sự thật. Và đây chính là lý tưởng của văn học Đại Thừa. Bởi vì, theo lý tưởng này, vắn tắt, không phải do người nói đã nói ra như vậy, rồi người nghe theo đó mà nghe như vậy và sự thực được phô diễn như vậy nên có ý nghĩa như vậy; nhưng, chính sự thật là như vậy.

Những vị đã từng làm quen với văn học Bát Nhã sẽ không lấy làm thắc mắc quá đáng về lề lối diễn tả như vậy. Theo tinh thần này mà nói, cái cảm hứng đưa đến sự thành hình của một tác phẩm, bất kể dưới cách thức phô diễn nào, phải là một cảm hứng toàn diện, trong đó không có giới hạn phân biệt giữa một nhãn quan - một ý tưởng - cần được phô diễn và hình thức phô diễn. Tất cả, từ tác giả cho đến độc giả, phải được đặt trong mối tương quan vô phân biệt, như sự phản chiếu giữa các mặt kính đối diện nhau, phản chiếu trong một thế giới trùng trùng vô tận.

Vì vậy, kinh điển Bát Nhã thường chọn những vị chưa chứng ngộ chân lý về Tánh Không mà lại có tư cách giảng thuyết về Tánh Không. Tất nhiên, trong trường hợp này người ta phải hiểu rằng Tánh Không tự phô diễn lấy chính nó, mà người giảng thuyết, sự thực được giảng thuyết, cho đến người nghe, tất cả chỉ như là ráng nắng, mộng ảo, huyễn hóa… Từ đây gợi lên cho chúng ta ý tưởng rằng, một tác phẩm, dù là luận thuật tư tưởng hay văn học thuần túy, không thể nào vượt qua khỏi giới hạn của ngôn ngữ. Nhưng, chính cái cảm hứng bàng bạc từ đầu đến cuối tác phẩm mới tạo cho nó một kích thước rộng rãi, một sức hàm chứa vô biên. Lẽ cố nhiên, cảm hứng thì không thể bị điều động bởi bất cứ ý tưởng nào, mà bộc phát với một thế giới kỳ diệu đột nhiên xuất hiện. Một cách khác, chúng ta nói rằng, tất cả các tác phẩm của văn học Phật giáo đều cố gắng cắm sâu gốc rễ vào Tánh Không. Rồi sau đó, vươn mình khỏi lòng đất với tàn lá sầm uất của một thế giới trong trùng trùng vô tận

Trong ý nghĩa vừa nói, một tác phẩm xứng đáng với một kích thước rộng lớn, nó phải khởi lên từ cảm hứng của thực tại; vì rằng, ngay qua đó, người ta sẽ thấy một cách như thực đâu là tiếng nói của thực tại và đâu là tiếng nói của lòng người: thực tại tức là lòng người. Và cũng từ đó, người ta sẽ tìm thấy đâu là khát vọng sâu xa đang ẩn kín trong lòng người. Một tác phẩm mà không đủ sức chấn động lòng người để mở ra một thế giới như vậy không thể xứng danh là một tác phẩm văn học. Bởi vì, một tác phẩm tường thuật, về triết lý…, chỉ cần ý tưởng, cần nội dung súc tích là đủ; những gì đáng nói đã được nói hết.

Hình thức phô diễn chỉ là phương tiện tùy cơ duyên mà thôi. Nhưng một tác phẩm văn học phải đặt hết tâm tình và cảm xúc ngay ở hình thức phô diễn; và đây không phải là tâm tình và xúc cảm được khơi dậy bởi một chân lý thành kiến nào đó. Như vậy ngay nơi tác phẩm văn học, không phân biệt giữa nội dung và hình thức, mà ngay nơi tính cách phô diễn đương trường của nó, là cả một thế giới sống thực triền miên. Y như Phật quả Viên Ngộ Thiền sư (Bích Nham Lục); "Ẩn mật toàn chân, đương đầu thủ chứng". Đấy chính là khởi điểm và cũng chính là đích điểm của văn học Đại Thừa Phật giáo.

Quan điểm của chúng ta sẽ được tóm tắt như sau:

1. Sơ khởi văn học Phật giáo không từ chối vai trò "truyền đạo" của nó. Tức là, chân lý của tôn giáo này, tùy trường hợp, được phô diễn tự do trong mọi thể tài văn học, và coi văn học chỉ như một phương tiện, thứ yếu, không quan trọng cho bằng nội dung.

2. Nhưng, chân lý ở đây mang tính cách nội tại và cá biệt nơi mỗi người, do đó, sự phô diễn của nó cũng bắt đầu như sự bắt đầu của một tác phẩm văn học, nghĩa là, khởi đi từ cảm hứng bộc phát trước một thế giới của kinh nghiệm tâm linh.

3. Trên khía cạnh tôn giáo, chân lý được chứng ngộphản ảnh của một thế giới sống động. Trên phương diện diễn đạt của văn họccảm hứng tự phát của một tình tự cá biệt. Do đó, lấy Tánh Không làm chất, lấy thế giới trùng trùng vô tận làm văn. Văn và chất phản chiếu lẫn nhau tạo thành thế giới toàn diện của văn học Phật giáo.

Như vậy, chúng ta có thể nhớ lại phát ngôn của Tăng Triệu (Tựa kinh Duy Ma Cật):

Thánh trí vô tri nhi vạn phẩm cu chiếu

Pháp thân vô tượng nhi thù hình tịnh ứng

Chi vận vô ngôn nhi huyền tịch di bố

Minh quyền vô mưu nhi động dữ sự hội

 

Hoặc giả, của Ngạn Hòa Thích Huệ Địa:

(Văn Tâm Điêu Long).

Tịch nhiên ngưng lụ, tứ tiếp thiên tải

Tiểu yên động dung, thị thông vạn lý

Vân… vân…

 

II. Khởi Điểm Của Văn Học Phật Giáo: Cảm Hứng Từ Đời Sống Cá Biệt:

Đời sống cá biệthình ảnh nổi bật nhất trong các kinh điển của Nguyên Thủy Phật giáo. Đó là hình ảnh lẻ loi của Tăng lữ tại các núi rừng, bởi vì, luôn luôn, "một vị tỳ khưu hãy đi cô đơn như con tê giác". Chế độ Tăng lữ Nguyên Thủy không cho phép một Thầy tỳ khưu sống giữa đám đông, giữa các thành phố rộn rịp, và chứa đựng tư hữu. Họ không sống quá xa làng mạc, nhưng cũng không quá gần gũi. Tư hữu chỉ gồm một ít vật dụng cần thiết: ba chiếc y, một bình bát, một đãy lọc nước, một khăn ngồi, một dao cạo, và kim chỉ. Trừ những trường hợp khẩn thiết, họ không định cư ở đâu hết; và hình ảnh của đức Phật được mô tả là: Một bình bát với cơm ăn của thiên hạ. Một mình lẻ bóng lang thang trên khắp mọi nẻo đường. Một mục đích duy nhất của đời sốnggiải quyết vấn đề sống chết. Một sứ mệnh duy nhất là cởi bỏ mọi ràng buộc cho chúng sinh:

Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Kỳ vi sinh tử sự

Giải thoát độ quần mê.

 

Hình ảnh này là nguồn cảm hứng bất tận của văn học Phật giáo Nguyên Thủy. Và cả nơi Đại Thừa, nhưng với cường độ khốc liệt và cực đoan hơn: "Nhất thiết vô úy nhân, nhất đạo xuất sinh tử"; tất cả các bậc Vô úy, không còn sợ hãi, chỉ có một con đường độc nhất phải đi là qua bên kia bờ của sự sống và sự chết. Qua bên kia bờ là chứng ngộ tính tịch diệt của Niết Bàn, nơi đây chính là thế giới của cô liêu tuyệt đối. Thực sự, lối diễn tả rầm rộ của văn học Đại Thừa sau này, với thế giới quan trùng trùng vô tận, với khả năng được nói là biện tài vô ngại, tất cả chỉ làm cho hình ảnh cô liêu của đức Phật càng tuyệt đối khốc liệt. Kinh Pháp Hoa (Saddharma – Pundarika), một tác phẩm quan trọng của Đại Thừa, là một thí dụ điển hình cho chúng ta. Đức Phật xuất hiện giữa thế gian như sư tử giữa đám thú rừng, không sợ hãi gì hết. Nhưng cũng cô đơn như người cha già cả sống giữa đám tùy tùng, chỉ mong đợi duy nhất ngày trở về của đứa con hoang. Khi hội diện, lại còn phải dùng bao nhiêu phương tiện, phải chờ đợi biết bao nhiêu cơ duyên, đứa con hoang mới nhận ra đây quả thực là cha già của nó.

Theo hình ảnh lý tưởng đó, một vị tỳ khưu, trước khi thể hiện được chân lý tuyệt đối của sự sống, đã phải nỗ lực cho một cuộc đời "lẻ bóng": "Người ngồi một mình, nằm một mình, đi đứng một mình không buồn chán; người ấy ưa tìm sự vui thú trong chốn rừng sâu". (Dhammapada, 306). Đây là một lối diễn tả, về đời sống cô liêu, độc đáo nhất trong văn học Phật giáo Nguyên Thủy.

Rồi ra, hương vị của chánh pháp là gì? Chính là sự cô liêu ấy. Chánh pháp là dòng suối mát và ngọt của sự sống, rửa sạch tất cả những uế trược của cuộc đời. Bởi vậy, một tâm hồn khi đã chứng nhập chánh pháp, cũng trong và mát như dòng suối ngọt ấy. Kinh Pháp Cú (Dhammapada) có câu: "Ai đã từng nếm mùi vị cô liêu, người ấy càng ưa nếm hương vị của chánh pháp." Bởi vì, Chánh phápNiết Bàn tịch tĩnh. Trong nguồn cảm hứng này, mọi luận biện về Niết Bàn, rằng đây là hư vô, đây là bất tử, đây là vân vân, thảy đều không quan hệ. Mà vắn tắt, có thể nói, Niết Bàn là gì? Là cõi miền trầm lặng sâu xa, nơi đó vắng bặt mọi uế trược và mọi náo động tạp loạn, mọi tranh chấp thế tục của sự sống. Cố nhiên, đây là hình ảnh Niết Bàn tịch tĩnh hay tịch diệt trong nguồn cảm hứng văn học chứ không thể trong suy tư triết lý.

Và như vậy, cùng một đoạn trong kinh Pháp Cú: "Như một hồ nước sâu, trong suốt và yên lặng; kẻ có trí sau khi nghe Pháp thì cũng trầm lặng sâu xa như vậy." Sự trầm lặng này, nếu không phải là khí vị hiu hắt của cô liêu, thì là gì? Thế là, cô đơn trong hành đạo, những người theo đạo Phật trước kia, như một con tê giác, một mình lẻ bóng giữa cuộc đời trên một con đường cô đơn từ đầu đến cuối. Bàng Uẩn, một tục gia đệ tử của Thiền Tông Trung Hoa, thời nhà Đường, đặt câu hỏi: "Ai là kẻ trơ trọi không cùng Vạn Pháp làm bạn lữ?".

Trong cuộc đời ấy, cô đơn là người bạn. Nhưng, đồng thời nó lại là một kẻ thù sinh tử. Làm thế nào để chịu đựng đời sống cô liêu giữa núi rừng hoang dại? Câu hỏi này được đặt ra bởi một người Bà La Môn tên Janussoni. Phật trả lời rằng:

"Tất cả những ẩn sĩ, với những hành vi của thân, miệng và ý mà không trong sạch, khi họ sống trong sự cô liêu của núi rừng, vì các hành vi bất tịnh của họ, khiến họ nổi lên sợ hãi, run rẩy khôn cùng. Còn Tôi, mà các hành vi thảy đều trong sạch, tôi sống trong sự cô liêu của núi rừng. Nếu có những bậc Thánh mà các hành vi thảy đều trong sạch, sống trong sự cô liêu của núi rừng, Tôi là một trong những vị đó. Này, Bà La Môn, khi tôi sống đời sống trong sạch của các hành vi của tôi thì hương vị của đời sống cô liêu thâm nhập trong tôi."

Vậy ra, đời sống cô liêu không chỉ là con đường hành đạo, mà còn là kết quả của những hành vi đã rũ sạch mọi bất tịnh.

Chúng ta thấy rõ, phần lớn của nền văn học Phật giáo Nguyên Thủy bàng bạc những hình ảnh của đời sống cô liêu. Tuy nhiên, chủ đích không phải là trình bày một thứ cá nhân chủ nghĩa nào đó, mà đời sống của Tăng lữ phải rút lui khỏi thế gian, đắm mình trong hư vô chủ nghĩa. Nhưng vì chân lý được nhắc nhở trong các kinh điển Nguyên Thủy vốn được coi là sở đắc nội tại và cá biệt. "Tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình là nơi nương tựa cho chính mình", đây là lời dạy cuối cùng của đức Phật, được ghi lại trong kinh Đại Bát Niết Bàn. Chúng ta có thể trích dẫn dài hơn một chút: kinh chép, khi A Nan xin Phật để lại những lời dạy dỗ cuối cùng, Phật trả lời:

"Này A Nan Da, Như Lai không nghĩ rằng: "Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỳ kheo", hay "chúng Tỳ kheo chịu sự giáo huấn của Ta", này A Nan Da, làm sao Như Lai có lời di giáo cho chúng Tỳ kheo… Vậy nên này A Nan Da, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác."

Văn học Nguyên Thủy hay Tiểu Thừa không chỉ dừng lại nơi đây. Mặc dù, đây là thời kỳđời sống của Phật giáo duy nhấtđời sống hành đạo của Tăng lữ; tất cả mọi nỗ lực đều cốt chinh phục khổ nãohệ lụy nhân sinh; giải thoátNiết Bànmục đích tối thượng; và đời sống của tục gia đệ tử không liên hệ gì đến Phật pháp, ngoại trừ công việc hộ đạo. Nhưng ở vài nơi, kinh điển Nguyên Thủy cũng đã dành chỗ cho các sinh hoạt mang tính cách thế tục. Về điểm này, chúng ta phải kể đến trước tiênvăn học Jataka và kế đến là văn học Avadana.

Jataka hay Bản sinh truyện là những mẩu chuyện tiền thân của đức Thích Tôn, trải qua nhiều kiếp với những hành vi như một anh hùng hiệp sĩ vĩ đại xuất hiện giữa thế gian, luôn luôn đem cả thân mạng làm lợi ích cho mọi người. Những mẩu chuyện này, ngoài ước vọng giải thoát để làm lợi ích toàn diện cho thế gian của đức Thích Tôn, không chứa đựng giáo lý cốt yếu nào hết. Vì ở đây, Bồ Tát (Bodhisattva) – một danh hiệu trước khi Thích Tôn thành đạo, sống giữa thế gian, làm tất cả những gì mà thế gian cần có không phải vì giải thoát tối thượng, mà vì sự an lành trong cuộc sống bình nhật. Ngài là một mẫu hiệp sĩ cứu khổ phò nguy, giữa quần chúng bình dân, yếu đuối, bất lực dưới mọi bất công.

Đằng khác, văn học Avadana hay Thí dụ, vốn là những mẩu chuyện ngắn mô tả những xấu xa, ngu muội của mọi người trong đời sống bình nhật; cũng không liên hệ nhiều với giáo pháp cốt yếu của đạo Phật.

Đấy là hai nền văn học đặc trưng của Phật giáo trong sinh hoạt nhân gian. Chúng có cùng tính chất với loại văn chương bình dân. Vai trò của chúng không phải là không quan trọng. Bởi vì, trong Nguyên Thủy, đời sống Tăng lữ vốn ở giữa nhân gian, không quá xa, cũng không quá gần; không mang tính chất của sinh hoạt thị thành. Tùy cơ duyên, các Tăng lữ sáng tác những mẩu chuyện vừa tầm để nhắc nhở mọi người đời sống hướng thiện.

Đối với những hạng người ít bị sinh kế quẫn bách, kinh điển dành cho họ vai trò hộ đạo tích cực hơn. Đời sống của họ, ngoài bổn phận của một người cha trong gia đình, công dân trong một nước, họ còn có bổn phận hộ trì Chánh pháp, và tìm những cơ duyên thuận tiện để học hỏi Chánh pháp, gieo hạt giống tốt trong Chánh pháp để một khi thời cơ đến họ sẽ hiến mình trọn vẹn cho mục đích tối thượnggiải thoátNiết Bàn.

Đoạn kinh trích dẫn dưới đây cho thấy điều đó. Kinh mô tả cơ duyên theo đạo Phật của ông Cấp Cô Độc (Anathapindika), một phú hộ đương thời Thích Tôn tại thế.

Trưởng giả Anathapindika, ở thành Rajagaha (Vương xá), nước Magadha (Ma Kiệt Đà), một hôm, vào lúc tảng sáng, đến thăm một thân nhân. Vị này, thức dậy từ sáng sớm đang bận rộn với các tôi tớ, hình như đang sửa soạn một bữa tiệc gì đó. Anathapindika tự nghĩ: "Trước kia, khi ta thường đến đây, vị gia chủ này gác lại mọi công việc, không làm gì hết, trao đổi những lời chào hỏi với ta. Nhưng nay ông có vẻ bận rộn, đang vui vẻ với các tôi tớ, họ thức dậy từ sáng sớm và nấu nướng rất nhiều món. Họ đang làm tiệc cưới chăng? Hay đang sửa soạn một cuộc tế lễ lớn lao gì đây, hay sáng mai họ mời vua Tần-Bà-Sa-La (Seniya Bimbisara) của nước Magadha, cùng với đoàn tùy tùng của vua?" Rồi ông hỏi vị gia chủ. Vị này đáp:

"Không có tiệc cưới, cũng không phải mời vua Seniya Bimbisara và đoàn tùy tùng. Nhưng tôi đang sửa soạn một cuộc lễ lớn để cúng dường chúng tỳ khưu và Phật".

 "Ông nói đức Phật phải không?"

 "Đúng thế, tôi nói đức Phật."

 Ba lần hỏi, và ba lần trả lời như vậy. Anathapindika muốn gặp đức Phật. Vị gia chủ nói:

 "Không phải hôm nay, mà sáng mai." 

Rồi Anathapindika tâm niệm đức Phật đến độ ông thức dậy ba lần trong đêm vì tưởng rằng trời đã sáng. Khi ông tới cổng thành để đi đến động Thanh Lương, có hàng phi nhân mở cổng cho. Nhưng khi ông ra khỏi thành phố, ánh sáng biến mất và bóng tối hiện ra, thế rồi trong lòng ông nổi lên mối kinh sợ, hãi hùng, khiến ông muốn quay trở lại. Nhưng thần Dạ Xoa (yakkha) tên là Sivaka, vị thần vô hình, thốt lên lời này:

Một trăm voi, ngựa hay xe với những con la cái,

Một trăm nghìn thiếu nữ trang sức những hoa tai,

Thảy không bằng phần mười sáu của một bước dài.

Này trưởng giả, hãy bước tới, hãy bước tới.

Hãy nên bước tới, đừng thối lui.

 

Tức thì, bóng tối biến mất, ánh sáng hiện ra, và nỗi kinh sợ hãi hùng của Anathapindika cũng tiêu tan.

Rồi ông đi tới động Thanh lương và khi đức Thế Tôn đang đi lên đi xuống trong hư không, Ngài thấy ông, liền bước xuống khỏi nơi Ngài đang đi lến đi xuống, Ngài gọi Anathapindika:

- Lại đây, Sudatta.

 Sudatta là tên riêng của Anathapindika. Ông nghĩ: "Đức Thế Tôn gọi chính tên ta", bèn cúi đầu dưới chân đức Thế Tôn mong Ngài sống an lạc. Đức Thế Tôn đáp:

- Đúng vậy, bậc Tịnh hạnh đã đạt đến Niết Bàn luôn luôn sống trong an lạc. Ngài không bị nhiễm ô bởi khát ái, không còn sợ hãi, không còn tái sinh. Đã cởi bỏ mọi ràng buộc, xa lìa tâm ái dục,Ngài sống tịch tĩnh trong an lạc, đã đạt được sự thanh bình của tâm trí.

Rồi đức Thế Tôn giảng giải nhiều điều cho trưởng giả Anathapindika; về Thí, về giới, về Thiền; Ngài cắt nghĩa sự nguy hiểm, sự phù phiếm, sự bại hoại của những vật dục, sự ích lợi khi trừ bỏ chúng. Khi đức Thế Tôn biết rằng tâm trí của trưởng giả Anathapindika đã thành thục, nhu nhuận, dứt khỏi những ngăn che, cao diệu, hòa duyệt, Ngài mới giảng thuyết cho ông về Pháp (Dharma) mà chư Phật đã tự mình tỏ ngộ: khổ, tập, diệt và đạo. Và cũng như một chiếc áo sạch không có những vết đen, thì sẽ dễ nhuộm, cũng vậy, ngay từ chỗ ngồi này, với Pháp nhãn, không nhiễm ô, đã trổi dậy trong trưởng giả Anathapindika, rằng: "Những gì có sinh tất có diệt". Rồi thì, sau khi đã thấy Pháp, chứng Pháp, biết Pháp, thâm nhập Chánh pháp, sau khi đã vượt lên nghi ngờ, dứt trừ sự bất định, tự mình tín thuận giáo huấn của đấng Đạo sư, Anathapindika bạch đức Thế Tôn rằng:

- Hay thay, bạch đức Thế Tôn. Cũng như một người dựng dậy những gì bị ngã xuống, vén mở những gì bị che đậy, chỉ đường cho kẻ lạc lối, rọi đèn vào chỗ tối tăm để những ai có mắt thì có thể thấy; cũng vậy, Chánh pháp được đức Thế Tôn giảng dạy bằng nhiều thí dụ. Bạch đức Thế Tôn, nay con xin nương mình theo Thế Tôn, nương mình theo Chánh pháp và chúng tỳ kheo. Xin đức Thế Tôn nhận con làm đệ tử tại gia từ đây cho đến trọn đời. Và, bạch đức Thế Tôn, xin Ngài nhận thọ trai tại nhà con vào sáng mai cùng với Chúng Tỳ khưu." Đức Thế Tôn nhận lời im lặng.

Sau đó, Anathapindika mua khu rừng của Thái tử Jeta, thiết lập tinh xá để Phật dừng chân giảng pháp. Đây là một trong những tịnh xá lớn nhất và nổi tiếng trong thời đức Thích Tôn tại thế, gọi là Kỳ Viên hay Kỳ Hoàn (Jetavana).

Những hạng người như Anathapindika, tâm trí đủ mở rộng để lãnh hội Chánh pháp. Nhưng chỉ đến một giới hạn nào đó. Đời sống của họ không được coi là ở giữa lòng Chánh pháp. Thực sự, văn học Nguyên Thủy phần lớn chỉ dành cho hạng người xuất gia, với lý tưởng khước từ tuyệt đối. Vì Chánh pháp chỉ có thể thực hiện ở những nơi tịch tĩnh của núi rừng. Nhân cách lý tưởng mà nền văn học này mô tả chính là các vị A La Hán (Arhat), là đức Như Lai. Và chúng ta đã biết, đó là nhân cách của đời sống cô liêu tuyệt đối:

Ta hành đạo không thầy dạy dỗ

Chỉ hành đạo một mình, không bè bạn

Tích chứa một hạnh mà thành Phật

Tự nhiên thấu suốt nẻo thành đạo.

 

Theo gương đó, ước vọng của những người theo đạo Phật bấy giờ là:

"Như giữa lòng biển sâu không gợn sóng, mà hoàn toàn yên lặng tịch mịch; thầy Tỳ khưu cũng vậy, hãy trầm lặng, không buông lung dù ở bất cứ đâu."

 

Như vậy, đủ để chúng ta tóm tắt rằng, từ nguồn suối của đời sống cá biệt vì những gì sở đắc đều cá biệt và nội tại, cảm hứng của văn học Phật giáo Nguyên Thủy bộc phát:

- Từ nhân cách với đời sống của đức Phật;

- Từ Chánh pháp, tức chân lý cao cả về khổ đau của sự sống và về lẽ tịch tĩnh của Niết Bàn.

Trên tất cả là hương vị cô liêu tuyệt đối. Bởi vì, hương vị của Chánh pháp chính là hương vị cô liêu của sự sống.

 

III. Cảm Hứng Trong Văn Học Đại Thừa

Tư tưởng Đại Thừa bắt đầu xuất hiện với nền văn học Bát Nhã. Nội dung của các kinh điển thuộc văn học Bát Nhã đều thuyết minh về ý nghĩa Tánh Không. Tư tưởng này là triết lý hành động của lý tưởng Bồ Tát đạo.

Trong lý tưởng Bồ Tát đạo, có hai ý niệm quan hệ: Đại TríĐại Bi (hay Đại Hạnh). Đại Trí chỉ cho khả năng siêu việt soi thấu bản tính của vạn hữu. Đại Bi hay Đại hạnhtác dụng của Trí tuệ siêu việt ấy trong một thế giới quan được mô tảtrùng trùng vô tận. Như vậy, cỗ xe của Bồ Tát (Bồ Tát thừa) có hai bánh, Trí và Bi, cùng song song vận chuyển (Bi Trí song vận) để đạt đến giải thoát tối thượng.

Bởi vì tác dụng của Trí tuệ là khả năng soi thấu bản tính của hiện hữu, do đó, lấy Tánh Không làm nền tảng. Tuy nhiên, trên phương diện luận thuyết triết lý, chúng ta biết rằng Tánh Không có hai tác dụng: phá hủykiến thiết. Cả hai tác dụng đều qui tâm trên một mối: tương quan hiện hữu hay lý duyên khởi. Hiện hữu do tương quan, do đó hiện hữu không thực tính. Đây là tác dụng phá hủy. Và do không thực tính, nên hiện hữu mới có thể có tương quan để hiện khởi. Đây là tác dụng kiến thiết.

Kinh Lăng Già mô tả sự vận dụng Đại Trí và Đại Bi của bậc giác ngộ rằng:

Thế gian ly sinh diệt

Do như hư không hoa

Tri bất đắc hữu vô

Nhi hưng Đại Bi tâm

Nhất thiết pháp như huyễn

Viễn ly ư tâm thức

Trí bất đắc hữu vô

Nhi hưng Đại Bi tâm

Viễn ly ư đoạn thường

Thế gian hằng như mộng

Trí bất đắc hữu vô

Nhi hưng Đại Bi tâm.

 

Hiện hữu của thế gian như hoa đốm giữa trời, không từng có sinh khởi, không hề có hủy diệt. Tất cả các pháp như huyễn hóa, vượt ngoài mọi tác động của tâm thức; vượt ngoài mọi ý nghĩa thường tồn và gián đoạn, vì rằng như một giấc mộng. Do đó, trong sở đắc của Trí tuệ chân thật, không có ý nghĩa hữu hay vô. Từ Trí tuệ không còn bị ràng buộc ở hữu hay vô đó mà các bậc đã giác ngộ, hay những vị đang đi trên con đường tiến đến sự giác ngộ, phát khởi tâm nguyện Đại Bi.

Tri nhân pháp vô ngã

Phiền não cập nhĩ diệm

Thường thanh tịnh vô tướng

Nhi hưng Đại Bi tâm.

 Các Ngài thấy và biết rõ rằng mọi hiện hữu đều không có tự tánh, tự thể hay bản thể. Phiền não chướngsở tri chướng vốn thanh tịnh, vô tướng. Từ bi kiến đó mà các Ngài khởi lên tâm nguyện Đại Bi.

Nhất thiếtNiết Bàn

Vô hữu Niết Bàn Phật

Vô hữu Phật Niết Bàn

Viễn ly giác sở giác

Nhược hữu nhược vô hữu

Thị nhị tất câu ly.

 

Hoàn toàn không có cái gì mệnh danh là Niết Bàn. Không có một vị Phật nào chứng nhập Niết Bàn, cũng không có Niết Bàn mà Phật chứng nhập. Vượt ra ngoài nhân cách giác ngộchân lý được giác ngộ. Hữu hay vô hữu, cả hai đều bị vượt qua.

Nói cách khác, trong lý tưởng hành động, trước tiên Bồ Tát phải quan sát để thể chứng Tánh Không. Tức là, sự xuất hiện của thế gian như hoa đốm giữa trời, bản chất của nó không bị ràng buộc bởi ý nghĩa xuất hiện hay biến mất. Từ sở chứng đó, Trí tuệ không bị ràng buộc giữa hữu hay vô, và chính nơi đây là cứ điểm để Bồ Tát thể hiện tâm nguyện Đại Bi của mình. Nếu vậy, phải chăng Bồ Tát hành đạo giữa thế giới của hư vô, của mộng tưởng? Thế giới này là hư vô, và mộng tưởng, hầu như là một nhãn quan không thể chối cãi, vì đấy là hình ảnh bàng bạc trong các tác phẩm Đại Thừa, Kinh Kim Cang nói:

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng, huyễn, bào, ảnh,

Như lộ, diệc như điện

Ứng tác như thị quán.

 

Tất cả mọi hiện hữu do tương quan đều y như là mộng, huyễn, bọt nước, bóng trong sương; như sương mai, như điện chớp.

Làm thế nào để thể hiện tâm nguyện Đại Bi trong cái thế giới dẫy đầy tính cách mộng tưởng, không hư như vậy? Nạn vấn này không thể không biết tới. Lối diễn tả trong các kinh điển Bát Nhã không nói theo thông lệ. Do đó, sơ khởi, người ta chấp nhận mọi mâu thuẫn nội tại như là lý lẽ đương nhiên. Thí dụ, sinh tức vô sinh, vân vân. Lý luận của Tánh Không ban đầu còn theo thông lệ, nhưng đến một lúc, nó trở thành cực đoan không thể tả. Nghĩa là, trước hết, người ta còn có thể vay mượn những gì đã được chứng kiến trong kinh nghiệm thông tục để diễn tả: như ráng nắng, như mộng tưởng, như sao xẹt, như hoa đốm giữa trời... đến kỳ cùng, là Pháp nhĩ như thi: Như vậy là như vậy.

Một trong danh hiệu của Phật, Như Lai, vốn chỉ cho ý nghĩa này. Luận Đại trí độ nói: "Như pháp tướng mà hiểu. Như pháp tướng mà giảng thuyết. Như con đường an ổn của chư Phật mà đến... nên gọi là Như Lai." Nói gọn hơn, Như Lai tức là đến như vậy và đi như vậy. Đây mới thiệt là lý tưởng hành động của Bồ Tát đạo. Công nghiệp đó sẽ được mô tả như là những dấu chân của con chim trong bầu trời. Bồ Tát đến với thế gian cũng vậy. Tất cả mọi công trình đã từng thực hiện và đã để lại cho thế gian chẳng khác nào như sự tích lũy của bao nhiêu dấu chân của cánh chim bay giữa bầu trời. Lối diễn tả này quả thực mang một khí vị văn chương đặc biệt. Theo thuật ngữ, hành động này được mệnh danh là Vô công dụng hạnh: hành động không cần dụng công, ví như hư không. Đây là ý nghĩa: "Như pháp tướng mà hiểu, như pháp tướng mà giảng thuyết".

Ý nghĩa sáng tác (văn học) của Đại Thừa cũng theo đó. Kinh Bát Nhã nói: "Các đệ tử của Phật làm gì có chuyện giảng thuyết. Tất cả đều do năng lực của Phật. Bởi vì họ y theo những gì Phật đã dạy mà học tập, nhờ đó mà chứng được các pháp tướng. Sau khi đã chứng, tất cả những gì được họ nói ra đều không trái với pháp tướng. Vì chính năng lực của pháp tướng vậy." Đại ý đoạn kinh này nói là sự giảng thuyết của đệ tử Phật không phải do họ muốn bày tỏ một quan điểm nào đó của mình, nhưng đấy là sự bộc phát tự nhiên của những gì mà họ đã chứng đắc.

Bình thường mà nói, đây há không phải là lý tưởng sáng tác của bất cứ một tác giả nào, kể riêng gì các nhà Đại Thừa? Một tác phẩm văn học phải xuất hiện từ nguồn cảm hứng chân thànhbộc phát tự nhiên.

Trên đây, chúng ta lấy Tánh Không làm khởi điểm của cảm hứng văn học trong Phật giáo Đại Thừa. Tuy nhiên, cảm hứng này phần lớn đi vào đường hướng minh giải triết lý, hơn là cảm thức văn chương. Rồi từ nền tảng Tánh Không ấy mà mở tầm mắt vào thế giới trùng trùng vô tận, đây mới thật là phong cách văn chương, theo nghĩa thông tục của chữ này.

Trong bất cứ nền văn học nào của Phật giáo, chúng ta có thể thấy rằng, dù khởi sự từ đâu, tất cả mọi nguồn cảm hứng đều qui về nhân cách và đời sống của đức Phật. Đây là điều mà chúng ta không thể quên, khi bước vào thế giới văn học Phật giáo. Nếu ở Nguyên Thủy, nhân cách của Thích Tôn là hình ảnh của một con người, thì tất cả cảm hứng văn học đều khơi nguồn từ lẽ vô thường, từ tính chất mong manh của cuộc sống. Còn ở Đại Thừa, đức Phật là một nhân cách siêu việt, do đó cảm hứng văn học cũng được khơi nguồn từ thế giới siêu việt. Tất cả tùy thuộc quan niệm về Phật thân.

Có hai quan niệm chủ yếu về Phật thân: Sanh thânPháp thân. Sanh thân chỉ cho thân thể thụ bẩm của cha mẹ. Pháp thân vốn là hiện thân của chân lý. Nơi Nguyên Thủy, hay cả Tiểu Thừa, Pháp bao gồmTứ đếNiết Bàn. Đích thực, đây là Pháp duyên khởi. Pháp duyên khởi này được đức Phật giảng dạy để đưa đến chỗ chứng nghiệm về những chân lý cao cả của Khổ, Tập, Diệt, Đạo, cuối cùngđạt đến giải thoátNiết Bàn. Các nhà Đại Thừa sau này mang đến cho Pháp duyên khởi nhiều giải thích mới mẻ. Đặc biệttriết học về Tánh Không của Long Thọ (Nàgàrjuna). Đại khái, Nguyên Thủy, pháp Duyên khởinhiệm vụ giải thích nguồn gốc của sự khổ, để bộc lộ những đặc tính vô thườngvô ngã của sự sống, và từ đó quyết định đường hướng diệt khổ. Nhưng các nhà Đại Thừa y cứ trên pháp Duyên khởi để chứng tỏ rằng tự tính của vạn hữu là Không. Tức là, do duyên khởi nên không tự tính

Như vậy, sơ bộ, pháp Duyên khởi chứng tỏ rằng tất cả hiện hữu - nhất thiết pháp - đều là giả ảo, không có bản tính chân thực. Rồi kỳ cùng, không có sự thực nào ngoài giả ảo đó. Do kết quả này, các nhà Đại Thừa quả quyết rằng những gì đức Phật nói thảy là chân lý ước lệ, tạm bợ, bởi vì chân lý cứu cánh siêu việt tri kiếnsiêu việt ngôn thuyết. Điều đó bắt buộc chúng ta không thể quên thắc mắc này: với danh hiệu Như Lai, mà Đại Thừa giải thích rằng Pháp Như vậy thì Phật giảng thuyết Như vậy, tại sao sự thực lại không được bao hàm ngay trong tính cách Như vậy đó? Chúng ta có thể tìm thấy một vài giải thích, trực tiếp trong các kinh điển Đại Thừa. Thứ nhất, kinh Pháp Hoa tuyên bố: "Bản tính của các pháp là vắng bặt mọi dấu vết của tri kiếnngôn thuyết. Nhưng chính do phương tiện, phát xuất từ Đại Bi Tâm vô lượngđức Phật giảng thuyết những pháp gọi là chân lý cao cả như Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Kỳ thực, chân lý cứu cánh không nằm ở trong đó".

Kinh Bát Nhã (tiểu phẩm), quyết liệt hơn: Dù có Pháp nào cao cả hơn Niết Bàn cũng là Không nốt. Đây là nói về mối tương quan giữa những gì được nói và những gì không thể nói. Tăng Duệ, trong bài tựa viết cho bản dịch Trung Quán Luận (tác phẩm của Long Thọ), giải thích ý nghĩa tương quan này: "Thật phi danh bất ngộ, cố ký Trung dĩ tuyên chi. Ngôn phi thích bất tận cố giả luận dĩ minh chi, kỳ thật ký tuyên, kỳ ngôn ký minh, ư Bồ Tát tọa đạo tràng chi chiếu lãng nhiên huyền giải hỉ". Theo đó, Thật hay Thật tướng, chân lý cứu cánh, nếu khôngNgôn thuyết thì không thể có con đường dẫn đến tỏ ngộ.

Do đó, mới tựa vào con đường giữa để công bố. Con đường giữa tức là con đường không bị ràng buộc bởi những siêu việt và nội tại, giữa khả thuyết và bất khả thuyết. Đó chính là con đường im lặng trong nói năng và nói năng trong im lặng. Và rồi, như vậy, ngôn thuyết phải cần được minh giải để có thể lãnh hội thấu đáo. Do đó, mượn hình thức một tác phẩm luận thuyết để tỏ bày. Sau cùng, một khi sự Thật đã được công bố nơi Ngôn thuyết, và Ngôn thuyết đã được tỏ bày thấu đáo trong cõi miền trầm lặng, thì bấy giờ, trong giây phút chứng ngộ tuyệt đối, Bồ Tát soi tỏ thấu suốt tất cả tương quan giữa Danh và Thật.

Giải thích trên có thể biện hộ cho công trình của một tác giả Phật học. Biết rằng những gì mình nói đến không liên hệ đến sự Thật tuyệt đối, dù vậy, vẫn có thể nói và không trái ngược với sự thật. Nghĩa là, mọi tác giả đều có khả năng nói láo, nhưng trong cái láo đó lại có thể phản ảnh cái Thật. Không có giới hạn phân biệt giữa cái Thật và cái Láo.

Từ quan niệm vừa kể, chúng ta có một hệ luận vô cùng quan trọng để thấy phong độ các tác giả Đại Thừa. Ngôn ngữ không phải là chân lý tuyệt đối, nhưng cũng chính ngôn ngữ vốn là biểu tượng của chân lý tuyệt đối. Nếu vậy, không chỉ riêng ngôn ngữ, mà bất cứ một sự thể nào cũng là biểu tượng của chân lý tuyệt đối. Tức là, theo một khẩu quyết của Đại Thừa: sinh tử tức Niết Bàn. Theo hệ luận này, chúng ta sẽ bắt gặp trong các tác phẩm Đại Thừa hai phong cách diễn đạt. Hoặc bằng ngôn ngữ, hoặc bằng ảnh tượng. Và chúng ta được gán cho hai lối thuyết pháp của Phật. Hoặc thuyết trong khi Ngài nhập định. Hoặc thuyết trong khi Ngài ra khỏi thiền định. Khi nhập định, ánh sáng từ thân thể đức Phật tỏa ra. Ngang qua ánh sáng này, những bậc thượng trí trực ngộ ngay pháp sâu xa mà Phật muốn giảng thuyết. Khi ra khỏi cơn thiền định, Ngài sẽ dùng ngôn ngữ, với lời lẽ khúc chiết, với thí dụ điển hình, với âm thanh dịu ngọt, Phật sẽ phân trần, giải thuyết những gì cần phải nghe, phải hiểu cho hạng người căn tính thấp hơn.

Hai cách thuyết pháp phù hợp với quan niệm về Phật. Ứng thân (một danh hiệu khác của sanh thân) xuất hiện giữa thế gian, chịu theo mọi qui ước của thế gian, nên sự thuyết pháp phải chọn con đường ngôn ngữ: phải nói theo thứ tự khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối, vân vân. Pháp thân, vốn là bản thân của chân lý siêu việt, do đó sự giảng thuyết cũng siêu việt. Bởi vì chân lý siêu việtthực tại toàn diện, nên người nói và người nghe cũng tương ứng trong toàn diện. Ở đây, Pháp không được bộc lộ theo một tình tựqui ước, mà là đốn khởi, hay trực khởi toàn diện. Do đó, chúng ta thường bắt gặp những diễn tả điển hình như: trên đầu mỗi sợi lông của đức Phật, khi Ngài nhập chánh định, xuất hiện tất cả mười phương thế giới, không chỉ những thế giới đang hiện hữu, mà cả trong quá khứvị lai. Nghĩa là, tất cả mọi thế giới trong thời gian vô cùngkhông gian vô tận. Rồi mỗi thế giới, của vô số thế giới như cát sông Hằng này, trong mỗi thế giới đều có đức Phật đang ngồi nhập Chánh định, và trên đầu mỗi sợi lông đó lại cũng xuất hiện tất cả muời phương thế giới trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Đó là cái toàn diện cực đại bao la hiện diện ngay trong cái cá biệt vi tiểu cực hạn: Một là Tất cả và Tất cả là Một. Sự diễn tả này là trọng tâm của Pháp giới duyên khởi.

 Trong tư tưởng Đại Thừa, có hai quan niệm đặc trưng về duyên khởi. Quan niệm thứ nhất, y theo duyên khởi để đạt đến Pháp Không, thể hiện khả năng siêu việt hữu vô đối đãi, như đã thấy. Quan niệm khác, y trên pháp duyên khởi để chứng nhập thế giới tương giao trong trùng trùng vô tận, tức là Pháp giới duyên khởi. Ở đây, cũng giải thích về tương quan hiện hữu. Nhưng mỗi hiện hữu được quan niệm là một thực tại toàn diện - vì sinh tử tức Niết Bàn - do đó, mối tương quan hiện hữu cũng toàn diện. Thí dụ, tương quan giữa hai tấm kính đối diện. Một mặt kính không phải chỉ duy là một mặt kính; nó bao hàm tất cả những gì không phải nó nhưng có quan hệ với nó. Như vậy, hai mặt kính phản chiếu nhau không chỉ là hai, mà là Tất cả, và Tất cả. Danh từ Pháp giới muốn nói rằng tất cả giới hạn vô biêntoàn diện của sự thực đều ở ngay nơi sự thực cá biệt đó. Vậy, Pháp tức là Pháp giới, và như vậy, Pháp thân tức là Pháp giới thân.

Phật giáo Mật tông gọi Pháp thân hay Pháp với Thân là pháp giới thể tánh tríbiểu tượngMặt trời: Đại nhật Như Lai. Ánh sáng mặt trời vốn bình đẳngphổ biến. Pháp thân cũng vậy. Chỉ cần có mắt là có thể thấy. Hễ thấy được mặt trời là thấy được tất cả vạn vật. Các Thiền sư thường nói:

Thanh thanh túy túc

Tận thị Pháp thân

Uất uất hoàng hoa

Vô phi Bát Nhã

 

Trúc biếc xanh xanh, đâu cũng là pháp thân. Hoa vàng rậm rạp, đâu cũng là Bát Nhã. Như vậy, lý tưởng của các nhà Đại Thừa là không chỉ học hỏi Chánh Pháp từ kinh điển. Họ học bất cứ ở đâu, từ những sự thể vụn vặt trong cuộc sống hằng ngày. Để có thể được như vậy, phải trải qua những thời đào luyện tâm linh, sao cho tâm trí sẵn sàng mở rộng để đón nhận những chân lý cao cả được giảng thuyết nơi từng hạt bụi. Họ nói: Phá vi trần xuất kinh quyển. Chẻ hai hạt bụi ra thì sẽ thấy kho tàng bất tận của chân lý. Tâm hồn của chúng ta có thể chỉ là đá cuội, nhưng phải đào luyện nó cho đến khi một ngọn gió nhẹ thoảng qua, như một bài thuyết pháp bất tận, là đá cuội ấy gật đầu. Rồi sau đó, đến lượt ta: gia lai thuyết pháp, ngoan thạch điểm đầu, đến lượt ta khi ta lên tiếng thì (những) đá cuội (khác) cũng gật đầu đáp lại. Đây mới chính là lý tưởng của văn học Đại Thừa. Nó có thể là không tưởng, nhưng chỉ với một khát vọng bao la như vậy cũng đủ lần hồi trải rộng tấm lòng của chúng ta khắp cả đại thiên thế giới. Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện nhắc nhở lý tưởng ấy rằng: "Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng". Hư không còn có thể có chỗ tận cùng, nhưng tâm nguyện (Đại Bi) của ta thì không bao giờ có thể cùng tận.

Nếu chúng ta không hay biết tí gì về tâm nguyện Đại Bi ấy mà mong bước vào thế giới văn học Đại Thừa, đây mới thật là một không tưởng trên mọi không tưởng. Không tưởng này được bộc lộ quá lộ liễuthô thiển khi nguời ta đánh giá một tác phẩm Đại Thừa qua cái gọi là sự khám phá về những thế giới bên ngoài thế giới này, Thế giới vô cùng, vô tận, mà các tác phẩm Đại Thừa thường mô tả, có thực như vậy hay không chẳng có gì quan hệ phải bận tâm. Nếu tâm trí của chúng ta không mở rộng kịp với thế giới vô tận được mô tả ấy, thì dù đó có là sự thực, cũng chỉ là sự thực của bóng vẽ. Nghĩa là, nói tóm lại, hương vị của Chánh pháp vẫn là hương vị cô liêu của sự sống. Và đây mới đích thực là tinh chất của toàn thể văn học Phật giáo, bao trùm tất cả mọi khuynh hướng, mọi tông phái của nó.

 

 

Lễ Tháng Bảy

cho Những Oan Hồn Phiêu Bạt

 

Tuệ Sỹ

 

 

Tục truyền tháng bảy mưa ngâu.

Trong các sinh hoạt nhân gian của truyền thống ta, tháng bảy là tháng đượm nhiều sắc thái văn chương nhất. Tháng bảy, mưa ngâu, nhịp cầu ô thước bắc qua giải Ngân-hà; hai tâm hồn lẻ loi cô độc, hằng đêm tư lự trong nỗi sầu ly biệt thiên thu giữa bầu trời cao rộng, chọn mùa mưa sụt sùi để gặp nhau, chỉ trong một thoáng chốc, rồi đời cũng như con nước trôi xuôi… Đây đó, giữa những cụm rừng khuya u tịch, vẫn còn có những oan hồn cô độc, lần mò tìm lại nẻo sống của một thời xa xưa. Kẻ chết và người sống, khéo hẹn nhau để chu tất những món nợ ân tình đã từng chôn sâu dưới lòng đất. Khi đêm càng về khuya, âm hưởng trầm buồn của người sống phảng phất trong lễ cúng thí cô hồn chen lẫn với tiếng trùng nỉ non, thì tình tự của kẻ sống và người chết càng nghe ra khúc điệu tha thiết vô cùng:

Dấu người thập loại biết là đâu

Hồn phách mơ màng trải mấy thu

Cồn biển nghinh ngang bầu thế giới

Những mồ vô chủ thấy mà đau [1]

 

Trong các lễ cúng thí cô hồn, trai đàn chẩn tế được tổ chức quy mô nhất. Nó bao hàm cả hai khía cạnh văn chương và triết lý, gần như tất cả tinh hoa của tư tưởngvăn học Phật giáo Đại thừa Mật tông được gói trọn vào đây.

I

Về hình thức, trai đàn này dựa trên nền tảng của triết học Mật giáo. Tức sắp xếp theo một hình thức đơn giản của Mạn-Đà-La (maṇḍala) [2]. Đó là một vòng tròn, được tượng trưng như một đóa hoa sen nở trọn, và vòng tròn này là căn bản vũ trụ luận của Mật giáo. Thông thường, có hai bộ Mạn-Đà-La. Kim cang giới Mạn-Đà-La (vajradhātu-maṇḍala) biểu tượng cho trí tuệ sở chứng của Phật. Thai tạng giới Mạn-Đà-La (garbhadhātu-maṇḍala) biểu tượng cho phương tiện độ sinh của Ngài[3]. Mỗi Mạn-Đà-La đều dựa trên một số chủ điểm tư tưởng của Đại thừa giáo. Chủ điểm đáng ghi nhớ nhất, đại lược như sau:

 

Trước hết, chúng ta nên biết rằng theo quan điểm truyền thống của Phật giáo, vũ trụ gồm hai thành phần. Một đằng là nhân cách, tức lấy con người hay các loài hữu tình làm bản vị, mà trên hết, lấy nhân cách của Phật làm biểu hiệu cho bản thể tuyệt đối. Đằng khác nữa, là thế giới của nhân cách, là những pháp sở chứng và thọ dụng bất khả tư nghì của Phật. Nhân cách có năm yếu tố, gọi là năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chúng tập họp thành một bản ngã giả tưởng nên được gọi là uẩn. Thế giới của nhân cách được cấu tạo bởi năm yếu tố, gọi là năm đại [4]: địa, thủy, hỏa, phong và không.

 

Trên căn bản giáo nghĩa này, trước hết Mạn-Đà-La của Kim cang giới được thiết lập để biểu hiện trí tuệ sở chứng của Phật. Kim cang là loại chất rắn không bị bất cứ gì hủy hoại được. Do đó kim cang được vận dụng như một khái niệm cụ thể hoá yếu tính tồn tại của Phật thân, gọi là Kim cang bất hoại thân (vajrasaṃhatanakāya). Thân ấy, cũng như thân của tất cả mọi loài chúng sinh, đều do năm uẩn, và năm đại cấu thành. Nhưng tồn tại của Phật thân không khác biệt với hoạt dụng của Phật trí. Do đó, năm đại tương ứng với năm trí (pañca jñānāni). Và nhân cách của Phật, như là chỉnh thể thống nhất của tồn tạinhận thức, được biểu hiện thành năm đức Như Lai tương ứng, tức là Ngũ trí Như Lai, hay năm vị Thiền Phật (pañca dhyānibuddhāḥ)

Kim cang giới Mạn-Đà-La thuyết minh hoạt dụng của trí tuệ sai biệt trong lý tính không sai biệt, do đó Ngũ trí Như Laitrọng tâm của Mạn-Đà-La này. Hình dạng cơ bản là một hình tròn, gọi là nguyệt luân (candra-maṇḍala). Bên trong hình tròn này thiết lập các biểu tượng của năm vị Như Lai. Chính giữa là vị trí đức Đại Tỳ-Lô-Giá-Na, hay Đại Nhật Như-Lai (MahāVairocana-Tathāgata). Đó là Pháp thân Phật (DharmakāyaBuddha), như mặt trời bủa rộng ánh sáng bình đẳngbao dung cùng khắp cả vũ trụ. Trong năm đại, Ngài biểu tượng cho không đại (ākāśadhātu), và bản chất của hư khôngbao dung. Trong năm uẩn, Ngài là biểu tượng của thức uẩn (vijñāna-skandha). Trong năm loại trí, Ngài biểu tượng cho Pháp giới thể tánh trí (dharma-dhātu-svabhāva-jñāna).

Bốn phương chung quanh Đại Nhật Như Laivị trí của bốn đức Như Lai, theo thứ tự từ Đông qua Nam cho đến Bắc như sau:

A-Súc-Bệ Phật (Akṣobhya), hay Bất-Động Như Lai với các biểu tượng: Phong đại (vāyu-dhātu), nhờ đó mà vũ trụvận động; hành uẩn (saṃskāra-skandha), động cơ tạo tác của các loại hữu tình; đại viên cảnh trí (ādarśa-jñāna), như tấm gương tròn bao la và ngời sáng phản chiếu mọi hiện tượng sinh thành và hủy diệt của thế giới.

Bảo Sinh Phật (Ratnasambhava) với các biểu tượng: hỏa đại (tejo-dhātu), khả năng làm chín mùi để đưa đến chỗ thành tựu các vận động của chúng sinhthế giới; tưởng uẩn (saưjñā-skandha), khả năng truy ức quá khứước vọng tương lai để thúc đẩy sự tiến hành sinh hóa; bình đẳng tánh trí (samatā-jñāna), khả năng quan sát bình đẳng các pháp không bị ràng buộc ngã và pháp.

A-Di-Đà Phật (Amitabhā): thủy đại (ab-dhātu), khả năng kết hợp các pháp để tác thành duyên sinh hay duyên khởi; thọ uẩn (vedana-skandha), khả năng hưởng thụ thành quả của các vận động; diệu quán sát trí (pratyavekśaṇā-jñāna), nhìn thấy rõ chân tướng của vạn hữu của tác dụng sinh khởi, tồn tại và hủy diệt.

Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amoghasiddhi): Địa Đại (pṛthivī-dhātu), khả năng duy trì sự tồn tại của vũ trụ; sắc uẩn (rūpa-skandha), tác thành thế giới hữu tình; thành sở tác trí (kṛtyānuṣṭhāna-jñāna), thể hiện các phương tiện giáo hóa chúng sinh.

 

Mỗi đức Như Lai đều có bốn Bồ Tát thân cận. Tất cả là mười sáu Đại Bồ Tát. Ngoài ra, nội đàn có bốn cúng và ngoại đàn bốn cúng; tất cả tám cúng dường bồ-tát. Cùng với bốn Nhiếp Bồ Tát nữa. Cơ bản, Kim cang giới Mạn-Đà-La có tất cả ba mươi bảy tôn vị.

Thai tạng giới biểu hiện Đại Bi tâm của Phật, từ đó lưu xuất tất cả các phương tiện độ sinh. Từ Thai Tạng giới, vạn pháp được thai nghén và dưỡng dục, cho đến thành tựu các phẩm chất siêu việt của đại tríĐại Bi. Do đó, đàn tràng của Thai Tạng giới được hình dung là một đóa sen có tám cánh. Đóa sen tám cánh này chính là hình ảnh trái tim bằng thịt của chúng sinh. Đại Bi Tâm không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng là sự rung động của trái tim bằng thịt ấy. Hoa sen, theo ý nghĩa nhân quả đồng thời, nghĩa là khi chúng sinh vừa phát tâm Bồ-Đề, ngay lúc ấy Phật quả đã được thành tựu. Bởi vì, trong thể tính tuyệt đối, ý niệm về thời giankhông gian không tồn tại. Từ ý nghĩa đó, tám cánh sen gồm bốn Đại Bồ Tát, và bốn đức Như Lai, biểu hiện nhân cách của nhân và quả; tất cả đều phát xuất từ thể tính của Đại Nhật Như Lai vốn là đài sen, ở trung tâm của Mạn-Đà-La.

 

Bốn đức Như Lai, theo thứ tự từ Đông qua Bắc như sau:

Phương Đông, Bảo Tràng Phật (Ratnaketu). Ngài là hình ảnh của Bồ Đề Tâm (bodhicitta). Bảo tràng làm tiêu xí cho sự phát Bồ Đề Tâm. Dưới cội Bồ Đề, Như Lai đã dương cao tiêu xí này mà đánh bại binh chúng Ma, thành tựu Vô thượng Chánh giác.

Phương Nam, Khai Phu Hoa Vương Như Lai (Kusumita-rāja), an trụ trong ly cấu tam-muội (vimala-samādhi), bằng hạt giống Bồ-Đề Tâmvun trồng và phát triển thành vô số hành động của Đại Bi, như đóa hoa nở rộ.

Phương Tây, Vô Lương Thọ Như Lai (Amitayus), biểu hiện Báo thân hay Thọ dụng thân của Phật (Sambhoga-kāya), kết quả của vô số công đức tu tập, với hình ảnh hoa sen hàm tiếu.

Phương Bắc, Thiên Cổ Lôi Âm Phật (Divyadundubhi), biểu hiệu phẩm tính của Niết Bàn; được ví dụ như chiếc trống trời, vốn không hình tướng nhưng âm vang rền xa. Đó là pháp âm của Như Lai được công bố.

Ở bốn phương góc là bốn Đại Bồ Tát. Phương Đông Nam, Phổ Hiền Bồ-tát (Samantabhadra). Đông Bắc, Quán Tự Tại Bồ-tát (Avalokiteśvara). Tây Nam, Diệu Cát Tường Đồng tử (Mañjuśrì-kumàra). Tây Bắc, Từ Thị Bồ-Tát (Maitreya).

Chung quanh trung đài bát diệp viện gồm bốn lớp, mỗi lớp có bốn viện. Mỗi viện biểu thị một phương diện độ sinh của Phật.

Cả hai bộ Mạn-Đà-La cũng có thể tượng trưng như hai bàn tay. Bàn tay mặt là Kim cang giới. Từ ngón út cho tới ngón cái, theo thứ tự: Về năm uẩn, ngón út là sắc uẩn, và lần lượtthọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩnthức uẩn. Về năm đại, năm loại trí, và năm vị Như Lai cũng theo thứ tự tương xứng đó. Về các ba-la-mật, tính từ ngón út: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn cho đến ngón cái là thiền định ba-la-mật.

Bàn tay trái là Thai tạng giới; cũng tính từ ngón út cho đến ngón cái theo thứ tự, với năm đại, năm uẩn, v.v… như bàn tay mặt. Về các ba-la-mật: huệ, phương tiện, nguyện, lực và trí.

Như vậy, khi hai bàn tay hiệp lại, trọn vẹn cả bi và trí của Phật. Đàn tràng chẩn tế được sắp xếp dựa trên căn bản vũ trụ luận khái lược, với một ít thay đổi. Đơn giản mà nói, đàn tràng được sắp xếp như là thâu gọn thế giới vũ trụ thành một thực tế hiện hữu cụ thể trước mắt. Lời chú trong Du già tập yếu của Bất Không Tam tạng[5], dưới đoạn nói về kết ấn hiện đàn (ấn kết theo thế kim cang quyền, mười ngón tay móc tréo vào) có ghi; “Đặt ấn này trước mình, tức khắc cả hư không giới đều trở thành đại Mạn-Đà-La[6].”

Mục đích của sự sắp xếp này là cốt khai triển năng lực gia trì hổ trợ của Phật (adhiṣṭhānādhiṣṭhita). Mật giáo nói: Phật thể hiện phương tiện độ sinh của Ngài bằng vào uy lực gia trì. Gia trì về ba phương diện, mà thuật ngữ gọi là “tam mật du-già”, tương xứng theo ba hành nghiệp của một chúng sinh: thân, miệng và ý. Sự gia trì, tức uy lực hỗ trợ của Phật, được thể hiện nơi thân của một chúng sinh qua các tư thế ngồi và các thủ ấn, nghĩa là các ngón tay của hai bàn tay giao nhau trong một tư thế nào đó đã quy định. Gia trì nơi miệng được thể hiện qua sự tụng niệm các chân ngôn. Ý mật gia trì nhờ sự quán tưởng về hình tướng Phật, hay các văn tự theo lối viết Brahmì, mà trong Phật giáo gọi là tự mẫu tất-đàm (siddhaṃ).

II

Sau khi thiết trí đúng pháp đàn tràng Mạn-Đà-La, và thể hiện đầy đủ tam mật du-già, người chủ trì, gọi là Gia trì sư, được coi như hóa thân của Phật, thay Ngài thuyết giới cho chúng hữu tình. Bài thỉnh sư do sư thị giả hay người trợ lễ đọc trước khi đăng đàn chẩn tế, nói:

寶座高高無礙 Bảo tọa cao cao vô ngại

上有天垂寶蓋 Thượng hữu thiên thùy bảo cái

請師那步登亶 Thỉnh sư na bộ đăng đàn

為孤魂說戒 Đại vị cô hồn thuyết giới

(Bảo tọa cao vời không ngại, trên có trời giăng lọng báu. Thỉnh Sư dời bước lên đài, vì cô hồnthuyết giới).

Sư gia trì đứng dưới đàn đáp:

 

圓明一點本非空 Viên minh nhất điểm bổn phi không

了證無為向上宗 Liễu chứng vô vi hướng thượng tông

三世諸佛哪一步 Tam thế chư Phật na nhất bộ

權留寶座即吾登 Quyền lưu bảo tọa tức ngô đăng

(Một điểm ngời sáng, tròn đầy, vốn không phải là không hư. Từ đó mà hoàn toàn chứng nhập vô vi, là tông chỉ siêu việt. Ba đời chư Phật không hề đến hay đi. Nhưng tôi sẽ bước lên bảo tọa được lưu lại nơi đây bằng phương tiện quyền xảo).

Đó là xác nhận bản thânbản nguyện của Phật, rồi xác nhận sự tin tưởng về tam mật gia trì nơi mình. Sự xác nhận này là một phát biểu về tư tưởng triết lý của Đại thừa, không phải riêng của Mật giáo. Bản tánh của các pháp là Tánh Không, vì do tương quan mà hiện khởi. Nhưng có hiện khởi tức không thuần là không hư. Cho nên hiệu là Như Lai, đúng như bản tánh của Pháp mà đến và cũng như các pháp mà đi. Trong tuyệt đối, Như Lai không đi cũng không đến. Vậy, bảo tòa cao vọi kia phía trên có chư thiên trương dù lọng ra che, là sự hóa hiện từ phương tiện Đại Bi tâm, Phật của Phật, cũng bằng vào Đại Bi tâm đó, gia trì sư sẽ bước lên bảo tọa vốn thiết trí dành cho Ngài.

Sau khi bước lên bảo tọa, phần nghi lể mở đầu có bài tán khởi, nói:

會起蒙山最勝緣 Hội khởi mông sơn tối thắng duyên

覺皇垂範利人天 Giác hoàng thùy phạm lợi nhân thiên

經宣祕典超塗炭 Kinh tuyên bí điển siêu đồ thán

教演真乘救倒懸 Giáo diễn chân thừa cứu đảo huyền

難陀尊者因習定 Nan-đà tôn giả nhân tập định

救苦觀音示面燃 Cứu khổ Quan Âm thị Diện Nhiên

興慈濟物真三昧 Hưng từ tế vật chân tam muội

感果叨恩萬古傳 Cảm quả thao ân vạn cổ truyền.

(Do nhân duyên đặc biệtlễ hội Mông sơn được tổ chức. Đức Giác hoàng đã chỉ dạy một nghi thức làm lợi ích cho cả chư thiênloài người. Lời Kinh nêu rõ pháp điển bí mật có khả năng siêu hóa từ chốn lầm than. Giáo thuyết diễn rộng ba thừa để cứu vớt khổ đau bị treo ngược. Tôn giả Nan-đà nhân bởi lúc tập định; lúc đó Bồ-tát Quan Âm, vì để cứu khổ, nên hiện thân làm quỷ Diện Nhiên (quỷ mặt lửa). Từ đó, nêu cao đức từ bi, cứu tế vật loại, là tam-muội chân thật. Quả được chiêu cảm, ân được ban cho, lưu truyền vạn cổ).

Hội khởi mông sơn chỉ cho khoa nghi chẩn tế được tập thành bởi Ngài Mông Sơn. Nhưng khởi thủy vốn là do bi nguyện của đức Giác Hoàng, tức Phật. Ngài đã phương tiện thiết lập nghi thức này là làm lợi ích cho các cõi trời và người.

Khoa nghi thí thực này được truyền sang Trung hoa từ đời Đường do Bất Không Tam tạng, một truyền nhân của Mật giáo. Gọi đủ là Bất Không Kim Cang, tên dịch từ tiếng Phạn là Amoghavajra, người Bắc Ấn, thuộc dòng dõi Bà-la-môn. Trong số những kinh điển và khoa nghi của Mật giáo do Ngài dịch, các tác phẩm liên hệ khoa thí thực cô hồn gồm có: Phật thuyết cứu bạt diệm khẩu ngạ quỉ đà-la-ni kinh[7], Thí ngạ quỉ ẩm thực cập thủy pháp[8], Du-già tập yếu cứu A-nan đà-la-ni Diệm khẩu quỉ nghi kinh [9] và Du-già tập yếu Diệm khẩu thí thực nghi [10].

Trong hai tác phẩm, Diệm khẩu kinh nói về nguyên nhân Phật dạy phép thí thực cô hồn. Bởi vì, vào một lúc nọ, giữa đêm khuya, Ngài A-nan trong khi đang ngồi tu tịnh tại chỗ vắng, bỗng thấy một con quỉ gọi là Diệm Khẩu, miệng đỏ rực như lửa, thân hình quái dị ghê gớm, bảo A-nan ba ngày nữa Ngài sẽ chết. A-nan nghe nói hoảng hồn, sáng hôm sau chạy tìm Phật hỏi phương tiện. Phật mới dạy phương pháp thí ngạ quỉ. Trước hết, phải theo một bậc thầy, mà Mật giáo gọi là A-xà-lê (ācāriya), đã chứng đến chỗ Du-già thậm thâm tam muộithọ pháp, học pháp vô thượng đại bồ-đề tâm, thọ tam muội giới, nhập Đại Mạn-Đà-La, chịu phép quán đảnh (tức phép truyền đạo bằng cách rưới nước lên đầu). Đàn tràng thì thiết trí theo Tam-muội-da mạn-đa-la (samaya-maṇḍala). Ở đây, Đại mạn-đa-la là tổng thể của các Mạn-Đà-La khác, an trí hình vẽ các Bổn tôn Du-già với các biểu hiệu cầm tay và thủ ấn, mỗi vị theo một dấu hiệu riêng nói lên bản thệ độ sinh của Ngài; chữ tam-muội-da (samaya) nơi đây có nghĩa là bản thệ.

 

Về quyển Du già Tập yếu Diệm khẩu thí thực nghi, đoạn đầu có phần giới thiệu gốc tích, đại khái giống như Diệm khẩu kinh. Trong khoa nghi này, không nói cách sắp xếp đàn tràng nữa, mà chỉ trình bày các thủ ấn… các mật chú và các nghi thức tụng niệm. Đầu tiên là nghi thức sái tịnh đàn tràng, mặc niệm chú Đại Luân Minh Vươngthủ ấn. Kế đó, thỉnh thập phương vô tận Tam bảo, Kim cang mật tích, Vệ pháp thần vương, vân vân, với thủ ấn “hiện đàn”. Mỗi phần về sau cũng đều có thủ ấnmật chú như vậy. Phần cuối hết là văn tế thập loại cô hồn [11], phần này không có thủ ấn.

Trong một bài tựa cho Du già Diệm khẩu thí thực yếu tập, Bảo Hoa viết dưới thời vua Khang Hy, có dẫn sự lưu hành của khoa nghi này, nói rằng, nghi quỷ mà A-xà-lê Bất Không truyền, Ngài Hải Thượng cho là quá đơn giản, nên soạn thêm. Về sau, Ngài Thiên Cơ lại bớt đi những chỗ rườm rà, cho đến Ngài Vân Thê hiệu đính lại lần nữa. Như vậy, sở dĩ không để quá đơn giản là muốn cho sự thực hành có vẻ long trọng. Nhưng cũng không quá rườm rà, bởi vì thời gian cúng thí không được kéo dài quá giờ hợi; vào giờ này, quỷ thần không ăn uống gì được nữa.

Tại Việt Nam, không rõ khoa nghi này được truyền vào lúc nào và do ai [12] . Nhưng gần đây cũng có ít nhất ba diễn nôm về phần văn thỉnh thập loại, dịch từ nguyên văn chữ Hán. Bản diễn Nôm được lưu hành nhất là của Hòa Thượng Bích Liên, suốt từ Nha Trang cho tới Bình Định, ai cũng coi bản Nôm này là hay nhất.

 

III

Đường bạch dương bóng chiều man mác

Ngọn đường đê lác đác mưa sa

Lòng nào lòng chẳng thiết tha

Cõi dương còn thế nữa là cõi âm

(Nguyễn Du, Văn tế thập loại)

 

Vào những năm đầu thập niên 70, do chiến tranh gây ra nhiều cảnh chết chóc hãi hùng, khoa nghi chẩn tế được thực hiện rất nhiều, nhất là tại Huế. Hầu như tháng nào ở đây cũng có ít nhất một đàn.

Sống lưng chừng giữa cái sống và cái chết, người sống đã không thể nói được những uất hận chính mình, thì mượn ẩn tình tha thiết của người chết mà nói thay:

 

Thương thay thập loại chúng sinh

Phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người

Hương khói đã không nơi nương tựa

Phận mồ côi lần lữa đêm đêm

Còn chi ai khá ai hèn

Còn chi mà nói ai hiền ai ngu.

(Nguyễn Du, Sđd.)

 

Nếu gác qua tính chất tôn giáo, cùng nền tảng triết lý của nó, khoa nghi chẩn tế được đem ra thực hiệnnhân gian, một cách nào đó, là những tiếng than ai oán, và uất ức, của những con người cô khổ, sống kiếp lưu linh đày đọa. Tác dụng văn chương của nó có thể thấy rõ qua kiệt tác Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du.

Nghi thức thực hành vẫn y nguyên chữ Hán [13], người không học chữ Hán tất nhiên không thưởng thức được khí vị văn chương trong đó. Tuy nhiên, khi đến đoạn thỉnh thập loại chúng sinh, bấy giờ thường gần khoảng giữa khuya tỉnh mịch, điệu thỉnh theo giọng ai của các kinh sư, mỗi người thay nhau đọc một đoạn, thì dù không hiểu lời văn, nhưng giọng văn vẫn có tác dụng truyền cảm đặc biệt. Cho nên, khi thiết lễ chẩn tế, không những người ta chỉ thỏa mãn một khía cạnh tín ngưỡng tôn giáo nào đó, mà còn là bị lôi cuốn bởi sức tác dụng văn chương và nghệ thuật qua giọng điệu thành khẩn thiết tha của nó.

Người nghe mà hiểu, thì có thể thấy cái đặc vị văn chương của nó là không lấy người sống làm đối tượng. Tình tự nồng nàn được phát tiết như là những tiếng ngậm hờn thiên cổ, sống không nói được, chết chôn vùi theo cát bụi. Văn chương điêu luyện và tao nhã [14], ý tứ thì thâm trầm mà nhiều ray rức. Người sống mà nghe được thì cũng có thể nghe ra một nỗi đời hư huyễn nào đó. Giấc mộng công hầu khanh tướng hay khát vọng trường sanh muốn đem sắc thân tứ đại giả hợp này mà vượt thoát ra ngoài cõi trần hoàn, tất cả rốt cuộc đều trở thành những nỗi oan khuất bị nhận chìm xuống đáy biển.

 

Dưới đây trích đoạn thỉnh:

Nào những kẻ tính đường kiêu hãnh

Chí những làm cất gánh non sông

(Nguyễn Du, Sđd.)

 

Đó là lời thỉnh những oan hồn lúc sống lăm le giấc mộng bá vương. Văn thỉnh chữ Hán nói:

(Sư gia trì đọc, giọng ai):

Lụy triều đế chúa, lịch đại hầu vương; cửu trùng điện khuyết cao cư, vạn lý sơn hà độc cứ.

累朝帝主歷代侯王九重殿闕高居萬里山河獨踞

(Một kinh sư bạch, cũng giọng ai):

Tây lai chiến hạm, thiên niên vượng khí nga thâu; bắc khứ loan dư, ngũ quốc oan thanh vị đoạn.

西來戰艦千年王氣俄收北去鸞輿五國冤聲未斷

(Tất cả cùng xướng):

Ô hô!

(Vị kinh sư tiếp):

Đỗ quyên khiếu lạc đào hoa nguyệt

Huyết nhiễm chi đầu hận chánh trường

杜鵑嘯落桃花月

血染枝頭恨正長

Diễn Nôm của Hòa Thượng Bích Liên:

 

Trước thỉnh kẻ hoàng vương đế bá

Triều đại xưa trải quá biết bao

Đền đài chín lớp ở cao

Non sông muôn dặm chén vào một tay

Thuyền chiến phút đổi dời vượng khí

Xe loan còn rủ rỉ oan thanh

Hỡi ôi!

Đỗ quyên kêu suốt tàn canh

Máu hờn nhuộm mãi trên cành đào hoa

 

Mộng tranh hùng tranh bá, làm chúa làm vua, nay chinh Nam mai tảo Bắc. Nhưng rồi từng đêm suốt những canh dài, từng tiếng quốc kêu rủ rỉ, màu sương trăng lạnh phủ trên cánh hoa đào, giòng máu oan thiên hận sự bất thành nhuộm đỏ đầu cây ngọn cỏ. Vậy thì, giang sơn như họa còn đó, mà anh hùng hào kiệt một thời ở đâu, và đâu là ảo vọng của đời người?

Nói chi đương thuở thị hùng

Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau

Bỗng phút đâu lò bay ngói lở

Khôn đem mình làm đứa thất phu

Giàu sang càng nặng oán thù

Máu tươi lai láng xương khô rã rời

Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc

Quỉ không đầu van khóc đêm mưa

Đã hay thành bại là cơ

Màu hồn biết bao giờ cho tan

(Nguyễn Du, Sđd.)

 

Nhưng cũng có kẻ lúc sống đành cho thân và danh của mình cùng mục nát với cỏ cây, tìm những chỗ Đào nguyên hay Lãng uyển để tu chơn dưỡng tánh. Nhưng:

Tam hoa cửu luyện, thiên tào vị hứa tiêu danh,

Tứ đại vô thường, địa phủ nan dung chuyển hạn.

三花九煉天曹未許標名

四大無常地府難容轉限

Thuốc trường sinh đã mấy lần luyện, nhưng cung trời chưa ghi vào sổ trường sinh, mà cõi đời nông nổi thì không khứng diên trì thời hạn:

Ô hô !

Lâm quán yên hàn đơn [15] táo lãnh

Tiếu đàn phong thảm hạnh hoa hi!

 

呜呼臨觀煙寒蟬噪冷

焦壇風慘杏花希

Lò đơn lâm quán [16] lạnh sương

Tiếu đàn [17] gió thảm thổi tàn hạnh hoa

(HT. Bích Liên dịch)

 

Giấc mộng trường sinh bất tử, chẳng lẽ trong thoáng chốc chỉ còn ký thác cho ngọn gió gào thét hồn oan?

Chỗ khác là những bậc nuôi chí xuất trần, chống tích trượng phất phơ trên đỉnh núi cao vòi vọi. Nhưng rồi, “chuỗi hạt lần không mòn vách đá”, thì than ôi:

Hoàng hoa thúy trúc, không đàm bí mật chân thuyên,

Bạch cổ lê nô, đồ diễn khổ không diệu kệ.

Ô hô!

Kinh song lãnh tẩm tam canh nguyệt

Thiền thất hư minh bán dạ đăng

 

黃花翠竹空談祕密真詮

白牯黎奴徒演苦空妙偈

嗚呼

經窗冷寢三更月

禪厔虛冥半夜燈

Làng hoa trúc nào câu mật đế

Nhà cổ nô [18] vấn kệ khổ không

Hỡi ôi!

Kinh song trăng thảm lạnh lùng

Nhà thiền leo lét đèn chong canh dài.

(HT. Bích Liên dịch)

 

Cuối cùng, người ta tự hỏi: ước mong muôn thuở của nhân sinh là gì? Mối hận mà lúc sống đã không xong, bấy giờ chôn vùi dưới đất nghìn năm, biết bao giờ mối hận mới đông thành một viên ngọc bích long lanh? Nhưng cũng có thể:

Nhờ phép Phật siêu sinh tĩnh thổ

Bóng hào quang cứu khổ độ u

Rắp hòa tứ hải quần chu

Não phiền trút sạch, oán thù rửa không.

(Nguyễn Du, Văn tế thập loại)

 

Tuệ Sỹ

___________________________

 

Phụ chú:

MAṆḌALA

 

I. Ý NGHĨA

Tiếng Phạn, maṇḍala, Hán phiên âm thông dụng là Mạn-Đà-La 曼陀羅 Các phiên âm khác: Mạn-Tra-La 曼吒羅, Mạn-Đồ-La 曼荼羅, Mạn-Noa-La 曼拏羅, …Chỉ đàn tràng tác pháp, hay hành trì bí pháp của Mật giáo. Đó là khu vực cấm chế các quỷ thần xâm nhập. Bên trong thiết trí các hình tượng hay biểu tượng, hay các ký tự tượng trưng một ý nghĩa nào đó. Đàn tràng có thể là hình vuông hay hình tròn. Nhưng thông thường được vẽ bằng hình tròn, nên Hán dịch nghĩa là luân viên 輪圓, hay luân viên cụ túc 輪圓具足. Đại nhật kinh sớ, quyển 4 giải thích:

“Mạn-Đồ-La, có nghĩa là phát sinh. Tức là điều mà ở đây Kinh gọi là Phát sinh Chư Phật Mạn-Đồ-La 發生諸佛曼荼羅 (Sarvabuddhasambhavamaṇḍala). Gieo hạt giống Bồ Đề (bodhibīja) vào trong mảnh đất tâm của Nhất Thiết Trí (sarvajñāna-cittabhāmi), rồi tưới nhuần bằng nước Đại Bi (mahākaruịavāri), soi rọi bằng mặt trời đại tuệ (mahāprajñāsūrya), cổ động bằng ngọn gió đại phương tiện (mahopāyavāyu), che bằng bầu trời đại không (mahāśūnyākāsa) bao la vô ngại, nuôi lớn dần chồi non của pháp tánh bất tư nghị (acintyadharmatākura) cho đến khi thành cây Phật cao lớn che phủ cả Pháp giới. Vì vậy, nói là phát sinh. (…) Mạn-Đồ-La còn có nghĩa là tô lạc 酥酪, tức là chất béo tinh thuần của sữa đông lại và nổi lên mặt sữa. (…) Do đó, Kinh nói Mạn-Đồ-La là hương vị vi diệu tối thượng.(…) Bằng phương tiện của ba bí mật (trayāni guhyāni), khuấy đều sữa Phật tính của chúng sinh, cho đến trải qua năm vị mà thành chất đề hồ của diệu giác, hòa tan một cách thuần tịnh và vi diệu, nhưng không hề thêm bớt tự bản chất. Tập hội tất cả Kim cang trí ấn (Vajrajñānamudra) mà thành hương vị tối thượng đệ nhất trong các vị cam lộ (amṛtarasa) chân tịnh bất biến.”

 

Tổng quát, theo giải thích trên, Mạn-Đà-La hay Mạn-Đồ-La có ba ý nghĩa: luân viên, hình tròn của bánh xe. Đây là từ dịch nghĩa tương đương chính xác với từ Phạn Maṇḍala. Thứ hai, phát sinh, dịch nghĩa của từ Phạn udbhava hay sambhava. Thứ ba, đề hồ, coi Maṇḍala như là từ phái sinh của maṇḍa. Từ ý nghĩa thứ ba này, về sau được chuyển thành ý nghĩa tập hội. Theo nghĩa này, Mạn-Đà-La là chỗ tập hội của Phật, Bồ TátThánh chúng.

Phân loại theo hình thức, có bốn loại Mạn-Đà-La: Đại Mạn-Đà La, Tam-muội-da Man-Đà-La, Pháp Mạn-Đà-La và Kiết-ma Mạn-Đà-La.

Đại Mạn-Đà-La 大曼荼羅 (Mahà-maṇḍala): đàn tràng trong đó an trí hình tượng các Bổn tôn.

Tam-muội-da Mạn-Đà-La 三 昧 耶 曼 荼 羅 (Samayamaṇḍala); tam-muội-da, tiếng Phạn, dịch là bản thệ ? 本誓. Đây là đàn tràn sắp xếp các biểu tượng của các Bổn tôn. Các biểu tượng này tượng trưng cho bản thệphương tiện độ sinh của các Ngài.

Pháp Mạn-Đà-La 法曼荼羅 (Dharmamaṇḍala) tức đàn tràng hay đồ hình trong đó sắp xếp các chủng tử tự (bījākṣara), tức các ký tự, hoặc nguyên âm hoặc mẫu âm. Mỗi ký tự ký hiệu tự tính của mỗi bổn tôn. Kiết-ma Mạn-Đà-La 羯摩曼 荼羅 (Karmamaṇḍala), biểu tượng cho sự nghiệp độ sinh của các bổn tôn; thông thường, đây là đàn tràng an trí các hình tượng điêu khắc.

 

II. LƯỠNG BỘ MẠN-ĐÀ-LA, hay nói tắt:

KIM THAI LƯỠNG BỘ 金胎兩部

Hai bộ Mạn-Đà-La, gồm Kim cang giới (Vajradhātu) thuộc trí môn, và Thai tạng giới (Garbhadhātu) thuộc lý môn. Đó là từ trên một nhất tâm pháp giới (ekacitta-dharmadhātu) mà hiển thị thành hai môn: Lý (nyāya) và Trí (jñāna).

Lý, tức lý tính bình đẳng và phổ quát (samānatā); tất cả các pháp, hữu vi hay vô vi, thường nghiệm hay siêu nghiệm, duy là nhất thể vô phân biệt (aviśeṣatā). Khi trí tuệ nhận thức tồn tại từ lý tính, từ nhất thể vô phân biệt, thì tất cả tồn tạichân không (śūnya). Nhận thức như thế là không nhận thức gì cả. Lý và trí là Tuyệt đối Bất nhị (advaitā). Nhưng tác dụng của trí là nhận thức, là khám phá ra tính đặc thù trong mỗi yếu tính tồn tại. Ở đây, trí tức là nhận thức sai biệt (viśeṣajñāna) về tính đặc thù hay sai biệt (viśeṣatā) của vạn hữu.

Để biểu thị ứng dụng vô cùng của lý tính bình đẳngtrí tuệ sai biệt như vậy, Mật giáo thiết lập hai bộ Mạn-Đà-La. Căn cứ trên giáo nghĩa của kinh Đại nhật, tức Đại-Tỳ-Lô-Giá-Na thành Phật thần biến gia trì kinh 大 毘 盧 遮 那 成 佛 神 變 加 持 經 (Mahā-Vairocanā bhisaṃbodhi-vikurvitādhiṣṭhāna-vaipulya-sūtrendrarāja-nāma-dharmaparyāya) [19], Mật giáo thiết lập Thai tạng bộ, biểu hiện Đại Bi phương tiện cứu thế, phát xuát từ lý tính bình đẳng. Mặt khác, căn cứ trên giáo nghĩa của kinh Kim-cang đỉnh, gọi đủ là Kim cang đỉnh nhất thiết Như Lai chân thật nhiếp Đại thừa hiện chứng Đại giáo vương kinh 金 剛 頂 一 切 如 來 真 實 攝 大 乘 現 證 大 教 王 經 (Vajraśekhara-sarvatathāgata-satya-saṅgraha-mahāyāna-pratyutpannābhisambuddha-mahātantrarāja-sūtra) [20], thiết lập Kim cang đỉnh bộ, thuyết minh sai biệt trí.

Kim cang giới (Vajradhātu) biểu thị ý nghĩa tùng bản thùy tích 從本垂跡, nghĩa là, thuyết minh lịch trình hiện tượng hóa của vạn hữu. Tức là, từ lý tính bình đẳng, từ nhất thể vô phân biệt, vạn hữu chuyển hiện thành thiên sai vạn biệt. Nhưng sai biệt tính vẫn không tách rời vô phân biệt; đó là thể Tuyệt đối bất nhị. Thai Tạng giới (Garbhadhātu) thuyết minh quá trình tu tập và chúng ngộ, đi từ nhân là Đại Bi, với vô số phương tiện độ sinh sai biệt, cho đến khi chứng nhập lý tính bất nhị.

Nói tóm lại, do căn tính sai biệt của chúng sinh mà sự hành trì cũng có những sai biệt. Tuy vậy, con đường dẫn đến giác ngộ vẫn được kinh qua trên cỗ xe hai bánh là Đại BiĐại Trí.

 

Chú thích:

 

[1] Nghi thức cúng cô hồn bằng nôm, HT Bích Liên, bản chép tay của Thích Nguyên Trạch, Bình Định

[2] Xem phụ chú 1 ở cuối bài.

[3] Xem phụ chú 2 ở cuối bài.

[4] Trong Hiển giáo, sắc pháp được phân tích thành 4 yếu tố cơ bản gọi là 4 đại chủng (mahābhūta). Trong Mật giáo, một yếu tố thứ năm được thêm vào, là không đại (ākāsadhātu), do tương đối với ngũ trí.

[5] Du-già tập yếu cứu A-nan đà-la-ni Diệm khẩu quỷ nghi kinh, Đường Bất Không dịch; Đại XXI, No. 1318.

[6] Về đại Mạn-Đà-La, xem phụ chú 1.

[7] Đại XXI. No. 1313. Tham chiếu, Phật thuyết cứu Diện nhiên ngạ quỷ đà-la-ni thần chú kinh, Đường Thật-xoa-nan-đà dịch; Đại XXI, No. 1314.

[8] Đại XXI, No. 1315. Tham chiếu, Phật thuyết cam lộ kinh đà-la-ni chú, vô danh dịch, Đại XXI, No.1316; Cam lộ đà-la-ni chú, Đường Thật-xoa-nan-đà dịch, Đại XXI, No. 1317.

[9] Đại XXI, No.1318. Tham chiếu, Du-già tập yếu Diệm khẩu thí thực khởi giáo A-nan-đà tự do, Đường Bất Không dịch, Đại XXI, No.1319.

[10] Vô danh dịch, Đại XXI, No.1320. Tham chiếu, Phật thuyết thí ngạ quỷ cam lộ vị đại đà-la-ni kinh, Đường Bạt-đà-mộc-a dịch, Đại XXI, No.1321.

[11] Về thập loại cô hồn, theo liệt kê của Du-già tập yếu Diệm khẩu thí thực nghi, Đại XXI, tr. 483b: 1. Thủ hộ quốc giới: những oan hồn “vị quốc vong thân.” 2. Phụ tài khiếm mạng: chết vì oan gia trái chủ, nợ nần, trụy thai. 3. Khinh bạc Tam bảo: bất hiếu, bội nghịch vô đạo. 4. Giang hà thủy nịch: thương khách chết sông chết biển. 5. Biên địa tà kiến: những người sống tại biên ải hẻo lánh. 6. Ly hương khách địa: cô khổ phiêu bạt, chết đường chết xá. 7. Phó hỏa đầu nhai: tự tử, nhảy sông, nhảy núi, chết đâm, chết cháy. 8. Ngục tù trí mạng: chết trong ngục tù. 9. Nô tì kết sứ: nô lệ cùng khổ, chết vì đày đọa lao dịch. 10. Manh lung ám á: đui, què, câm, điếc, không người chiếu cố. Thập loại theo khoa nghi Mông sơn, và thập loại trong văn tế Nguyễn Du có vài chỗ không đồng nhất.

[12] Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 4: triều Lý Anh Tông, niên hiệu Đại định 11 (1150), Đỗ Anh Vũ bị tội. Để cứu tình nhân của mình, Lê Thái Hậu tổ chức nhiều pháp hội, và vua ban hành lệnh đại xá thiên hạ. Nhờ vậy, Anh Vũ được hưởng lây, và lần lần phục chức. Không hiểu các pháp hội này có lập trai đàn hay không. Thiền Uyển Tập Anh: Tăng thống Huệ Sinh, tịch năm Gia khánh thứ 6 (1064), đời vua Lý Thánh Tông, có để lại tác phẩm Pháp Sự Trai Nghi, rất có thể có nói đến nghi thức chẩn tế. Nhà Nguyễn, các Chúa thường hay tổ chức các pháp sự hay trai đàn tại chùa Linh Mụ. Theo tiểu sử chùa, năm Giáp Ngọ, dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, chùa được trùng tu, nhân đó, Chúa cho tổ chức đại trai đàn. Gia Long năm thứ 2 (1803), Vua tổ chức trai đàn bạt độ cho các quan lính tử trận. Ngoài ra còn nhiều tư liệu khác để có thể biết được sự phát triển và phổ biến trai đàn chẩn tế. Nhưng việc ấy dành cho các nhà viết sử. Ở đây chỉ đề cập đại khái.

[13] Cũng có bản dịch nôm, như của HT Bích Liên. Nhưng các thầy vì sính chữ Hán nên ít ai chịu làm theo khoa nghi tiếng Việt.

[14] Thực tế thì văn thỉnh thập loại chữ Hán không phải là áng văn chương nổi tiếng của Trung Hoa. Văn từ phần nhiều sáo rỗng, nhiều điển tích vô hồn. Nhưng được cho là hay, vì thói quen. Và cũng do trình độ thưởng thức văn chương của người nghe.

[15] Nguyên âm Hán là thiền (con ve), nhưng quen đọc là đơn.

[16] Đền hay miếu, nơi thờ tự của đạo sĩ.

[17] Chỉ đàn cúng tế của đạo sĩ.

[18] Bạch cổ lê nô: con bò trắng và nô lệ đen; chỉ chuông mõ nhà chùa.

[19] Tên tĩnh lược: Đại Nhật Kinh, hay Đại Tì-Lô-Giá-Na kinh; Skt. Mahāvairocanābhisambodhi. Đường Tam Tạng Thiện Vô Úy dịch (Khai nguyên 13, AD.725), Đại XVIII, No. 848.

[20] Tên kinh gọi lược: Kim Cang Đỉnh, hay Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng. Đường Bất Không dịch (Thiên bảo 3, AD.753), Đại XVIII, No.865.

 

 

Một Thời Truyền Luật

 

Tuệ Sỹ

 

Nguyễn Du khi cho Kiều đi tu phía sau vườn của nhà Hoạn Thư, chỉ cho cô thọ tam quy ngũ giới. Nhiều Thầy của chúng ta phản đối, cho là Nguyễn Du không hiểu luật xuất gia cho nên nói như vậy, vì người xuất gia, theo luật, thấp nhất là thọ mười giới sa-di. Sự phản đối này thiếu căn bản lịch sử về vấn đề truyền thọ giớithọ giới ở nước ta.

Ngày nay chúng ta đã quen với các từ tỳ kheo, đặt đầu danh hiệu nhiều vị xuất gia: Tỳ kheo Thích như vầy như vầy. Nhưng cách đây chừng nửa thế kỷ, việc ký danh ký hiệu như vậy thật là hiếm thấy. Các vị Trưởng lão thời trước như Hòa thượng Thiện Hoa mà trước tác của Ngài còn lưu lại rất nhiều, trong đó chỉ thấy thường ghi “Sa-môn Thích Thiện Hoa”, chứ không không ghi “Tỳ kheo Thích Thiện Hoa” như trong các Thông Bạch của các Trưởng lão hiện tại. Điều này tất có lý do lịch sử. Thứ nhất, đó là do bởi tinh thần thượng tôn giới luật. Danh hiệu tỳ kheo, với đầy đủ phẩm chất như được quy định trong luật, cả đến nhiều vị Thiền sư nổi tiếng cũng dám không tự nhận. Như luật Trừng trị Tỳ-Ni sự nghĩa tập yếu của Ngài Trí Húc đời Minh có kể chuyện: Có người hỏi Thiền sư Thọ Xương: “Phật chế tỳ kheo không được quật địa tổn thượng thảo mộc. Nay sao các Ngài tự cày bừa, tự gieo trồng, tự gặt hái?” Đáp: “Bọn chúng tôi chỉ cốt ngộ được tâm Phật, kham truyền ý Tổ, chỉ thị đương cơ, khiến cho biếttâm tính, thế thôi. Nếu quy cách theo Chánh pháp, thì chỉ có xưng là ‘Cư sĩ cạo tóc’ mà thôi. Đâu dám xưng danh mình là tỳ kheo!”

Trả lời của Thiền sư Thọ Xương thật ngụ nhiều ý nghĩa. Nhưng ở đây chúng ta không luận bàn chi tiết. Chỉ cốt nêu lên để thấy rằng, ngay từ xưa, tại Trung quốc, phần lớn các Thiền sư không thọ giới tỳ kheo như ngày nay chúng ta tưởng. Thêm nữa, xã hội Trung hoa có xu hướng tôn trọng ẩn sĩ. Nhiều người lánh đời ẩn dật, mà đức hạnh cao khiết, nhiều đời sau, thậm chí cả đến vua chúa cũng phải kính trọng. Cho nên, người xuất gia chỉ cốt ở phẩm hạnh cao khiết hơn đời. Thọ giới chỉ là hình thức. Như được thấy trong câu trả lời của Thiền sư Thọ Xương.

Thêm nữa, ngày nay chúng ta cũng quen với lối viết tiểu sử của những vị xuất gia, trong đó lúc nào cũng thấy ghi năm xuất gia và thọ đại giới. Điều này cũng ít thấy trong các sử truyện, nhất là sử Thiền tại Trung quốc. Ngay như sử Thiền nước ta, Thiền Uyển Tập Anh chép truyện các Thiền sư cũng ít khi nói các Ngài thọ giới lúc nào, hay ở đâu. Theo tập quán như vậy, nên khi chép truyện Ngài Pháp Thuận, Hòa thượng Thanh Từ viết: “Sư họ Đỗ, không rõ quê quán ở đâu, xuất gia từ thuở bé, thọ giới với Thiền sư Long Thọ Phù Trì..” Thực ra, đoạn này Tập Anh chỉ nói: “Nhỏ đã xuất gia, thờ Thiền sư Phù Trì chùa Long Thọ làm Thầy.” Theo Thầy lúc còn nhỏ, thì lúc ấy không thể thọ đại giới được. Hòa thượng Thanh Từ viết theo quán tính.

Thế cho nên, không nên nội vàng mà kết luận: “Cụ Nguyễn Du không biết gì về đạo Phật”, lý do là nói xuất gia mà chỉ thọ năm giới. Thật sự nàng Kiều chưa phải xuất, chỉ bị cách ly khỏi Kim Trọng, nên Hoạn Thư mượn tiếng nâu sòng khoác lên cho nàng để mình khỏi bị mang tiếng ghen. Chẳng có ai làm Thầy, trong cái Quan Âm các nhà họ Hoạn, làm gì có Thầy truyền giới? Chúng ta không nên tự hào là mình biết rõ thời đại của Cụ Nguyễn Du hơn Nguyễn Du, trong thời đó, Phật giáo được hành như thế nào, Tăng đồ sinh hoạt như thế nào. Đem sinh hoạt người xuất gia thời ta mà gán cho thời đại Nguyễn Du, chẳng khác nào tự nhiên cho Ngài Pháp Loa hay Huyền Quang khi xuất gia theo Trúc Lâm Đại đầu đà thì cũng học Tì Ni Nhật Dụng Thiết Yếu, như các chú tiểu ngày nay tại các chùa Báo Quốc hay Từ Hiếu!

Nguyễn Du cho Kiều tự xuống tóc, tự xuất gia, cho thọ tam quy ngũ giới mà chẳng có thấy Tăng truyền; vấn đề như vậy cần phải được nghiên cứu cẩn thận, vì liên quan đến sinh hoạt Tăng giàcư sĩ thời Nguyễn Du. Chúng ta cũng biết rằng trước đó Ngô Thời Nhiệm và một bộ phận lớn các đại thần của vua Quang Trung cũng theo Ngô Thời Nhiệm làm sư, mà không nói gì đến thọ sa-di hay tỳ kheo. Ngô Thời Nhiệm nhận là Tổ thứ tư của Thiền phái Trúc lâm.

Cho nên, hình ảnh Phật giáo mà ta thấy hôm này, với trật tự Tăng già, tổ chức sinh hoạt tu tập cho các Phật tử, không phải tự nhiên một sớm một chiều, cũng không phải được truyền thừa y như vậy, liên tục từ đời xa xưa cho đến ngày nay.

Có một giai đoạn vận động phục hưng Phật giáo, trong đó thật đã trải qua không biết bao nhiêu khổ nhọc, thậm chí không chỉ nước mắt mà cả máu cũng phải đổ. Đọc quyển Năm Mươi Năm Chấn Hưng Phật Giáo của Cố Trưởng Lão Thích Thiện Hoa, nguyên Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, để thấy rõ những đoạn đường gian khổ mà các bậc Tôn Túc trong Tăng già, cùng với các Cư sĩ, các vị đã trải qua như thế nào.

Trong số những bậc Tôn Túc ấy, hiển hiện hình bóng của Trưởng Lão Thích Trí Thủ, cùng với các vị khác nữa, như Thừa Thiên Huế có Ngài Đôn Hậu, chùa Linh Mụ; ngoài Bắc có Sư Cụ Bình Minh, trong Nam có Trưởng lão Thiện Hòa, Trưởng lão Hành Trụ; những vị đã dày công bồi dưỡng, hoằng truyền Luật tạng.

Học, nghiên cứu Luật, hành trì Luật, và hoằng truyền Luật, thật không đơn giản, không dễ dàng. Tất nhiên cái học và cái hành nào cũng có chỗ khó; với Luật, cũng có những khó khăn riêng.

Trước hết, Phật giáo khởi nguyên từ Ấn Độ. Tăng già và các quy tắc sinh hoạt của Tăng già tất cũng chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán, và cả đến tín ngưỡng đặc thù, của xã hội và dân tộc, chủng tộc khác nhau tại Ấn Độ. Một điều như “khẩn thổ quật địa”, trong tín ngưỡng nhân gian của Ấn Độ thời cổ, tại địa phương mà điều luật ấy được chấp hành, điều này được hiểu rất đơn giản. Cao hơn nữa, ngày nay người ta có thể hiểu nó qua ảnh hưởng sinh thái học. Nhưng đối với truyền thống Trung quốc thì điều đó hơi khó hiểu, và cũng khó thực hành. Hàn Dũ, khi đề nghị dẹp bỏ Phật giáo, trong đó có lý do nói đến cộng đồng Tăng lữ, là “bọn không cày mà có cơm ăn; không dệt mà có áo bận”. Cộng đồng ấy chỉ là bọn ăn bám, gây hại cho xã hội. Thành ra, châm ngôn sống Thiền của Ngài Bách Trượng: “nhất nhật bất tác nhất nhật bất thực” có một giá trị xã hội rất lớn đối với Phật giáo tại Trung quốc; nhưng tại các nước Nam phương như Thái Lan hay Tích Lan, châm ngôn đó không áp dụng cho Tăng lữ được, vì nó trái với tinh thần Luật của Phật chế. Nhưng Trung quốc lại là một xã hội thượng tôn pháp luật, có xu hương thủ cựu. Danh từ “pháp của Tiên vương” thường thấy được nhắc nhở rất nhiều trong sử, khi các triều thần muốn can gián vua chúa một điều gì. Với tinh thần đó, thì những gì được xem là Phật chế, được truyền từ Ấn Độ sang, không ai được phép sửa đổi. Người ta thấy Tổ Bách Trượng chỉ dám viết Bách Trượng Thanh Quy, đề nghị những quy tắc sinh hoạt cho Thiền môn thích hợp với xã hội Trung quốc, chứ Ngài không hề dám sửa một điều gì trong Luật được truyền lại do Phật chế, truyền từ Ấn Độ sang. Những gì không thực hành được, các Ngài tự cho là vì “khứ Thánh thời diêu, Phật pháp sinh sơ, nhân đa giải đãi..” Vì thế không hành nổi. Nhưng vì phương tiện độ sinh, có thể hạ thấp xuống cho hợp căn cơ thời đại. Như vậy có nghĩa là hành trì từ thấp lên cao, chứ không phái kéo giới luật Phật chế xuống ngang tầm thời đại, cho hợp khẩu vị thời đại.

Thủa trước, có một vị Thiền sư nhận thấy những điều trong giới bổn tỳ kheo không còn thích hợp bèn sửa đổi. Thiền sư hỏi ý kiến học trò của mình, như để thăm dò căn cơ thời đại cho thích hợp. Nhưng gặp phải người học trò thủ cựu, hỏi lại Thầy: “Giới luật Phật chế, sao Thầy dám tự tiện sửa?” Thầy đáp: “Không giữ được, thì nên sửa. Chứ để như vậy mà làm gì?” Người học trò tỏ thái độ: “Thầy giữ không được thì mặc kệ Thầy. Ai giữ được, để người ta giữ. Sao Thầy lại tự tiện sửa?”

Cả hai tinh thần, vừa thượng tôn pháp luật, vừa thủ cựu tuân theo cựu chế của tiền nhân, cả hai khiến cho vấn đề nghiên cứu luật tại Trung quốc rất phức tạp. Ngày nay, sự hành trì luật của nước ta cũng chỉ phỏng theo các tông truyền luật của Trung quốc, nên khó khăn lại càng gấp bội. Thế nhưng, như một xã hội tồn tại được ổn định do bởi luật pháp trong sáng, được giải thích chính xác, và được áp dụng hợp tình hợp lý. Phật giáo để cho được tồn tại và phát triển, những đệ tử của Phật không thể chỉ nói, “tôi cốt tu tâm; còn giới luật là phụ.” Vì sự tu tập của mỗi người có những quan hệ ảnh hưởng đến nhiều người khác. Trong mười mục đích Phật chế luật có nói: “vì mục đích khiến cho người chưa tin Phật thì được tin; người đã tin thì tín tâm càng tăng trưởng.”

Tại Trung quốc, khi Ngài Thái Hư bắt đầu vận động cải cách Phật giáo, nổi bật với ba mục tiêu cách mạng: “Cách mạng giáo lý. Cách mạng giáo chế. Cách mạng giáo sản.” Trong đó mục tiêu cách mạng giáo chế nhắm đến cải cách tinh thần bại hoại của lớp Tăng lữ đương thời. Ngài tự nêu lên hai câu làm châm ngôn lý tưởng: “Hành tại Du-già Bồ Tát giới bổn. Chí tại chỉnh lý Tăng già chế độ.”

Về tình trạng Tăng lữ thời đó, có thể dẫn lời của Pháp Sư Tục Minh (1918 – 1966), viết trong Giới Học Khái Thuyết: “Cho đến thời đại gần đây, chế độ tòng lâm thời trước bị phế bỏ không hành nữa. Nghi thức thọ giới thì cũng chỉ như đem dê đi cúng thần. Phẩm hạnh của Tăng nhân do đó mà xuống thấp. Phật giáo suy bại đến cực điểm, suy cho ra nguyên nhân, thì là do bởi bỏ phế việc học giới…”

Tình trạng nước ta có vậy hay không, để các vị cao Tăng đại đức, ẩn cư trong núi rừng vắng vẻ, bỗng đứng ra “gánh vác việc đời”. Nhưng thực tế có thể biết chắc là các vị Tôn Túc hàng đầu trong công cuộc vận động chấn hưng Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng của Ngài Thái Hư không phải ít. Động lực chính của công cuộc chấn hưng, theo như lời Trưởng Lão Thiện Hoa nói trong Năm Mươi Năm Chấn Hưng Phật Giáo:

“Gần 100 năm về trước, quê hương Tổ quốc của chúng ta bị người Pháp đô hộ, Dân tộc ta và những gì mang nặng dân-tộc tính, có tinh thần quốc gia đều bị thực dân Pháp bóp chẹt. Phật-giáo Việt-Nam nằm trong tình trạng ấy.

Nhưng không hẹn mà nên, 50 năm về trước, các vị Tiền Bối cùng nằm trong một thời kỳ, cùng trong một hạnh nguyện, đã khởi xướng và đẩy mạnh Phong trào Chấn Hưng Phật-giáo Việt-Nam.”

Việc Phật giáo bấy giờ bị “thực dân bóp chẹt” không phải chỉ là cách nói suông. Sự thực lịch sử vẫn còn đó: chùa Khải Tường trong Nam, được dựng bởi vua Minh Mạng; tháp Báo Thiên ngoài Bắc, được dựng bởi vua Lý Thánh Tông, không phải tự nhiên biến mất, để rồi tình cờ sau đó xuất hiện Vương Cung Thánh Đường, và Nhà thờ Chúa Giuse.

Dẫu sao, đó cũng chỉ là ma chướng bên ngoài. Chính ma chướng bên trong mới đáng nói. Chúng ta hiện không có nhiều sử liệu từ phía nhà chùa để biết tình hình sinh hoạt Tăng lữ thời ấy ra sao, trước khi phong trào chấn hưng phát khởi. Tuy vậy, qua ca dao tục ngữ, vẫn biết một phần. Chỉ có điều, khó xác định thời đại của những câu châm biếm nhà chùa này.

Xã hội Việt Nam trong buổi giao thời, một đằng nếp sinh hoạt tinh thần đạo đức truyền thống bị suy thoái trầm trọng dưới sức ép tiến bộ vật chất của phương Tây. Như nhà thơ Trần Tế Xương đã phải cất tiếng than: “Văn minh Đông Á trời thu sạch. Này lúc cang thường đảo lộn ru?” Trong thơ của ông cũng không hiếm bài châm biếm nhà chùa: “công đức tu hành sư có lọng”. Tuy nhiên, chưa thấy ở đâu mô tả tình trạng bại hoại đến độ như lời tâu của Đàm Dĩ Mông đề nghị vua Trần Thánh Tông sa thải Tăng đồ (Việt Sử Lược, dẫn bởi Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Nhân Tông): “Nay Tăng đồ cùng với dịch phu quá nửa, bọn chúng tự kết bè đảng, dựng bậy thầy trò, tụ nhóm, ở bầy, làm nhiều việc dơ, hoặc ở giới trường tinh xá, hoặc ngang nhiên rượu thịt, hoặc tại thiền phòng tịnh viện, riêng tự gian dâm, ngày ẩn tối ra, như đàn cáo chuột. Chúng làm mất tục hư đạo, dần dần thành thói. Việc đó không cấm, để lâu càng tệ thêm.” Thường thì người ta hay khoa đại hoặc cường điệu cho vấn đề bi đát, với mục đích thuyết phục người khác nghe theo ý mình. Như chuyện Cụ Nguyễn Hiến Lê sau đọc một quyển tiểu thuyểt mô tả tình trạng dân nghèo bị áp bức ở quê miền Bắc, nói rằng, chuyện áp bức thì tất nhiên là có rồi, nhưng đến mức như chuyện kể, thì Cụ sống ở Bắc cho đến lớn, biết rất nhiều chuyện các làng, chưa nghe nói đâu ác đến như thế. Cho nên cũng không thể căn cứ vào chuyện ông Đàm Dĩ Mông để đánh giá sinh hoạt của giới Tăng lữ dưới thời vua Lý Cao Tông được.

Nói vắn tắt, động cơ chính trong việc chấn hưng Phật giáo, như Ngài Trưởng lão Thiện Hoa nói rõ.

 

*****

Trong bài “Tự ngôn” cho bản dịch Việt Luật Tứ phần của Hòa thượng Đỗng Minh, có đoạn viết: “Thế hệ thứ nhất trong phả hệ truyền thừa Luật tạng của Tăng già Việt Nam thời trùng hưng hiện đại bao gồm bóng mờ của nhiều bậc Thượng tôn Trưởng lão, uy nghi đĩnh đạc nhưng khó hình dung rõ nét đối với các thế hệ tiếp bước theo sau. Các Ngài xứng đáng là bậc Long Tượng chốn tòng lâm, mà đời sống phạm hạnh nghiêm túc, phản chiếu giới đức sáng ngời, tịnh như băng tuyết, mãi mãi ghi dấu trên các nẻo đường hành cước, tham phương, hoằng truyền Chánh pháp.”

Thế hệ thứ nhất được nói đó, trong Nam, là các Trưởng lão Hành Trụ và Thiện Hòa, ngoài Trung có Trưởng lão Đôn Hậu và Trí Thủ. Ngoài Bắc, tôi chỉ biết được Trưởng lão Bình Minh qua bản dịch Yết-Ma Chỉ Nam mà thôi. Tuy nhiên, qua các câu chuyện kể của Trưởng lão Đức Nhuận, chùa Giác minh Saigon, tôi biết thêm một ít về Tổ Tuệ Tạng, mà truyền thừa trực tiếp về luật là Ngài Bình Minh miền Bắc và Ngài Thiện Hòa miền Nam. Tổ là một trong các bậc Tôn Túc hàng đầu khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo.

Sự xưng tán đệ nhất hay đệ nhị ở đây tùy thuộc nhận thức chủ quan, trong ý tưởng đánh dấu khúc quanh chuyển mình của lịch sử Phật giáo Việt Nam, trong đó sự chấn chỉnh chế độ Tăng già, hoằng truyền Luật tạng là một thạch trụ vững chắc. Việc trì luật và truyền luật là mạng mạch liên tục của sự tồn tại Chánh pháp, nên khó có thể cắt từng giai đoạn theo thời đại. Tuy nhiên, để có thể dễ dàng nhận thức những gì đang chuyển biến và nhiều khi có khả năng biến dạng của truyền thống Tăng già, nên sự phân chia mốc lịch sửthời đại mang tính chủ quan trong phạm vi ước lệ cũng là điều cần thiết.

Các thế hệ trước, vấn đề trì luật và truyền luật như thế nào, tình trạng Việt Nam không giống ở Trung quốc, không được ghi chép đầy đủ, dù ở mức tương đối. Vị truyền luật gần nhất trong lịch sử có thể biết được, đó là Tổ Pháp Chuyên, bổn sư của Ngài Toàn Nhật, dưới thời Tây Sơn. Nếu đi lần lên cho đến Ngài Khương Tăng Hội để biết buổi sơ khai luật đã được truyền và trì như thế nào trên đất Việt, để biết rõ hình thức tổ chức Phật giáo đã tồn tại như thế nào, vấn đề quá lớn so với bài viết này, nên không thể nói bâng quơ được.

Tuy nhiên, điều không thể không lưu ýtính chất chính thống trong lịch sử truyền luật. Nghĩa là Tăng già mà các thành viên là tỳ kheo trực tiếp truyền thừa liên tục không đứt đoạn kể từ sau Phật nhập Niết-Nàn, dù sau đó theo bước chân hoằng hóa của các Thánh tăng Phật giáo đã lưu truyền gần khắp châu Á, từ phía Tây với Iran, cho đến viễn Đông với Nhật bản.

Trong lịch sử truyền thừa tại Trung quốc, tuy truyền thuyết bắt đầu từ Ma-Đằng và Trúc Pháp-Lan, từ đó nhiều người theo Phật, nhưng chỉ thọ trì tam quy ngũ giới. Cũng có người cạo tóc, khoác mạn y, song không ai trong đó thọ đại giới. Vì theo luật Phật chế, nếu nơi biên địa, cho phép túc số Tăng năm tỳ kheo truyền giới cụ túc. Lúc bấy giờ tại Trung quốc, các sa-môn nước ngoài, từ Tây vực, hay từ Ấn Độ trực tiếp đến, không khi nào hội đủ túc số năm tỳ kheo. Cho đến vào thời Tào Ngụy, trong khoảng Gia Bình (Tây lịch 249-253), bấy giờ có Đàm-Ma-Ca-La (Dharrmakāla) từ Thiên Trúc đến Lạc Dương, dịch luật Tăng Kỳ Giới Tâm, sau đó lại có sa-môn Đàm-Đế người An Tức đến trụ tại chùa Bạch Mã dịch Đàm-Vô-Đức Yết-Ma. Từ đó ở Trung quốc mới có sự truyền giới tỳ kheo theo túc số thập sư.

Về Ni giới cũng vậy. Cho đến đời Tấn, niên hiệu Thăng Bình (357), sa-môn Đàm-Ma-Kiết-Đa lập giới đàn truyền giới tỳ kheo Ni cho Tịnh Kiểm và bốn cô nữa. Đây được kể là tỳ kheo Ni đầu tiên tại Trung quốc, nhưng không đủ nhị bộ tăng, mà trực tiếp tuyển từ tỳ kheo Tăng. Vấn đề đã được thảo luận, nhưng vì bấy giờ Trung quốc chưa có ni thì không thể đủ hai bộ để truyền như luật định. Đàm-Ma-Kiết-Đa cho rằng giới từ Đại Tăng mà có, nay Đại Tăng đủ số thì có thể truyền.

Sau đó, vào năm Nguyên Gia 6 (429), có sa-môn Cầu-Na-Bạt-Ma (Guṇavarma) đến Trung quốc, ni cô Huệ Quả đem vấn đề thọ giới đắc pháp ra hỏi, Ngài trả lời: không đắc, vì không đủ nhị bộ tăng. Lúc bấy giờ tại Trung quốc có 8 vị tỳ kheo Ni từ Tích Lan sang, nhưng Cầu-Na cho là chưa đủ số thập sư nên chưa chịu tổ chức giới đàn. Theo lời khẩn cầu của các ni cô bấy giờ, Cầu-Na-Bạt-Ma cử người sang đảo Sư Tử, tức Tích-Lan ngày nay, thỉnh thêm cho đủ Thập ni để truyền giới. Về sau, có thêm Thượng tọa ni Thiết-Sách-La cũng bốn vị nữa từ đảo Sư Tử sang, nhưng bấy giờ Cầu-Na-Bạt-Ma đã tịch. Giới đàn khi ấy do Tăng-Già-Bạt-Ma tổ chức, đủ hai bộ tăng túc số truyền giới tỳ kheo Ni. Đây gọi là chính thức tỳ kheo Ni như pháp được truyền thọ tại Trung quốc.

Điều này cho thấy vấn đề truyền giới, tuy chỉ nói là hình thức, nhưng rất hệ trọng nên các Tổ rất thận trọng. Vì mạng mạch Tăng già phải được kế thừa liên tục, như ngon đèn tiếp nối, không thể ở đâu đó một nhóm người nổi lên, tự lập thành chúng, tự thọ giới và tự nhận là Tăng già đệ tử Phật. Vấn đề cũng cho thấy sự nhiêu khê trong những ngày đầu truyền giáo và truyền luật. Ngay tại thời Phật, chúng ta cũng biết rằng sau khi đức Phật quy định 2 năm học giới trước khi thọ tỳ kheo Ni, nhiều vị ni đã thắc mắc về sự đắc giới của Đức Bà Kiều-Dàm-Di cùng với năm trăm Xá-di, vì trước đó các vị này thành tỳ-kheo Ni mà không có ai trải qua 2 năm học giới. Đức Bà phải lên thỉnh ý A-Nan. A-Nan lại phải một phen bạch lên Phật. Phật nói, tỳ kheo Ni đầu tiên đắc giới bằng Bát Kỉnh Pháp. Từ đó về sau, phải trải qua 2 năm học giới.

Câu chuyên tương tự cũng xảy ra tại Việt Nam. Mấy chục năm trước, có một vị Ni sư trưởng, nay đã tịch, nhân luận về giới pháp ni, bà nói nói tôi: “Sau này học luật, chúng tôi mới biết. Nhưng trước đó chúng tôi thọ tỳ-kheo-Ni mà không ai trải qua 2 năm học giới. Không biết có đắc giới hay không?” Tôi cũng không biết nên nghĩ thế nào, đắc hay không đắc. Nhưng Ni chúng dưới sự dạy dỗ của các vị Ni sư trưởng này đã đều trở thành các vị tỳ kheo Nigiới phẩm tuyệt vời, được mọi người kính trọng. Cho nên không ai dám “y Kinh giải nghĩa”, để mang tội là “tam thế Phật oan.”

Đấy là điểm khó khăn và cân nhắc mà các Tổ truyền luật phải thận trọng, chúng ta cũng hiểu những khó khăn của buổi đầu khai đạo. Vận dụng thế nào để mạng mạch truyền thừa như ngọn đèn tiếp sáng liên tục, gọi là “truyền đăng tục diệm”. Đó là sự vận dụng trí não sao cho khế lý và khế cơ, thật không đơn giản.

Trong nhiều lúc giảng luận về Luật tạng, Hòa thượng Trí Thủ thường kể cho nghe nhiều chuyện xảy ra trong thực tế tương tự, mà các Ngài nhiều khi thảo luận cả mấy tháng trời vẫn không dứt khoát. Khó khăn một phần vì tư liệu. Do tình trạng đất nước nghèo khó, và Tăng già sơn môn thường xuyên sinh hoạt trong sự túng thiếu, nên khó có đủ điều kiện để có được một bộ Đại Tạng Kinh như ngày nay, mà đa số các Chùa đều có thỉnh về để thờ. Có được bộ luật Trùng trị Trí Húc, hay bộ Tứ Phần như thích thì thật là quý giá vô cùng đối với vị thích nghiên cứu Luật. Khó khăn này tuy vậy không phải là quá khó. Điều khó khăn khó đả thông, là vấn đề phong tục dị biệt. Vì Luật tạng được kết tập tại Ấn Độ, mà ngay tại Trung hoa, với sự nghiên cứuhành trì sâu rộng thế mà nhiều chỗ còn không đả thông được. Huống chi việc học luật của nước ta sau này chỉ có chỗ dựa duy nhât là các bộ Luật được truyền dịch, và sớ giải, tại Trung quốc. Một vấn đề thực tế đã xảy ra, theo kể lại của Hòa thượng.

Tại Huế, lúc bấy giờ có một mệnh phụ, chồng chết, mãn tang rồi, xin xuất gia. Chư sơn thảo luận, khi nào thì cho thọ tỳ kheo Ni? Nguyên trong Luật Tứ phần, theo Hán văn, có quy định: “đồng nữ thập bất, tằng giá thập nhị, các nhị tuế học giới.” Nếu theo giải thích của Yết-Ma Chỉ Nam, câu này có thể hiểu là: thiếu nữ chưa chồng, đúng 18 tuổi; phụ nữ đã có chồng, sau 12 năm chồng chết; thêm 2 năm học giới sau đó cho thọ tỳ kheo Ni. Theo đó, thiếu nữ chưa chồng, tuổi tối thiểu để thọ tỳ kheo Ni là 20. Đã có chồng thì tính từ ngày chồng chết phải 12 năm sau mới cho thọ. Các vị thảo luận, theo cách hiểu như vậy có điều không phù hợp thực tế. Thực sự, đây là vấn đề nhạy cảm. Vì trước sự nhiệt thành, với nhất là với sự hiểu Đạo sâu sắc của bà mà chư Tôn Túc xác nhận, để chờ 12 năm nữa thì thiệt thòi cho ni chúng; mà cũng bởi định luật vô thường, thế thì cũng tội cho người nữ nhiệt tâm vì Đạo. Nhưng chữ nghĩa như vậy, giải thích sao đây? Tất nhiên, có vị đã không tin là Luật sư Chiêu Minh, tác giả Yết-Ma Chỉ Nam, giải thích đúng Luật Phật. Tăng quyết định thế nào thì tôi quên mất. Nhưng theo lời Hòa thượng, ý kiến Hòa thượng lúc bấy giờ là cho thọ sa-di-ni rồi cho thọ thức-xoa ngay, để 2 năm sau bà thọ tỳ kheo Ni cho kịp thời.

Sau đó Hòa thượng dạy tôi về lục xem trong Luật tạng Pāli, điều này được nói như thế nào. Tôi đọc kỹ luật Pāli đoạn liên hệ, lại tham khảo các bản dịch Anh. Các bản này đều có chú thích, nêu ý kiến người dịch. Tôi cũng tìm thêm các tài liêu trực tiếp từ các bộ luật khác, ngoài luật Tứ Phần. Sau đó, trình lên Hòa thượng. Đây là những buổi học luật của tôi với Hòa thượng, cùng với sự tham dự của Hòa thượng Đỗng Minh. Tôi dẫn tài liệu, nêu ý kiến của mình. Vấn đề này liên hệ đến tục tảo hôn của Ấn Độ. Nhân duyên được ghi rõ trong luật Tăng-kỳ thế này: Sau khi dòng họ Thích bị tàn sát, Đức Bà Kiều-Đàm dẫn các Xá-di, đều là con cháu của các Ni trưởng trong vương tộc, về ngụ trong tinh xá ni để bảo dưỡng. Phần lớn là bé gái, tuổi chừng 12 trở lên. Theo luật, tỳ kheotỳ kheo Ni không được đem vật thực của tăng mà phân chia cho cư sĩ. Các cô bé này đều là cư sĩ, mà số lại rất đông, do không được mang vật thực của Tăng phân chia cho, nên rất chật vật cho Đức Bà, và cùng các tỳ kheo dòng họ Thích đã xuất gia trước đó theo Đức bà. Vấn đề được trình lên Đức Phật để thỉnh cầu chỉ giáo. Nếu các cô bé này được cho thọ tỳ kheo Ni, họ hợp pháp được tăng phân chia lợi dưỡng, thế thì các Bà không phải tự khất thực vất vả để nuôi con cháu nhỏ dại của mình. Đức Phật nhìn các cô bé, bảo rằng: “Còn nhỏ quá.” Nghĩa là con nít quá, làm sao kham nổi giới pháp tỳ kheo Ni? Các cô bạch Phật: “Chúng con đã từng làm vợ, đã từng chịu đựng hầu hạ chồng và mẹ chồng. Thế thì việc kham nhẫn giới tỳ kheo Ni, chắc là làm được.” Đây là gốc bởi tục tảo hôn. Con gái chừng 8 tuổi đã có thể được gả chồng. Thời tục cổ, nước nào cũng thế, do trọng nam khinh nữ, thân phận phụ nữ, không kể lớn nhỏ, thường xuyên bị áp bức, nhất là làm dâu. Bất cứ làm dâu khi mấy tuổi. Hầu hạ chồng, mẹ chồng, có thể cả nhà chồng. Sức chịu đựng không phải tầm thường. Vì thế, sau khi nghe các cô bé thỉnh nguyện, Đức Phật quy định, mà văn Hán dịch như đã dẫn. Tuy nhiên, con số chính xác về tuổi, các luật không thống nhất. Như Tứ Phần dẫn trên, nhỏ nhất là 12 tuổi thọ thức-xoa, vậy 14 tuổi là cô tỳ kheo Ni bé bỏng nhất. Nhưng có luật quy định, tuổi thọ thức-xoa thấp nhất là 14. Đây cũng là do phong tục quy định tuổi hôn nhân của mỗi địa phương.

Hòa thượng tán thành quan điểm, cho rằng ý Ngài trước đây cũng nghĩ vậy, nhưng không có đầy đủ minh văn để làm bằng. Duy có điều, ở nước ta, dù một thời cũng có tục tảo hôn, nhưng cô tỳ kheo Ni 14 tuổi thì con nít quá, khó chấp nhận.

Một lần khác, Hòa thương nói với tôi: vừa rồi có Sư bà nhiếp chúng ở một Ni viện đến trình Hòa thượng về việc ni chúng ở đó định tác pháp Yết-Ma tẩn xuất một cô tỳ kheo Ni do tội ăn căp tiền, có bằng chứng. Số tiền đâu khoảng vài trăm, cũng đồng như vài chục ngàn bây giờ. Hòa thượng dạy: ăn cắp chừng đó, đâu nhiều gì, mà sao xử nặng thế? Sư bà thưa: Ni chúng thảo luận, vì luật chế, ăn cắp năm tiền trở lên là bị diệt tẩn. Hòa thượng dạy, số tiền ấy là quy định mức tội theo mỗi nước, thời Phật tại thế. Chỉ khi nào ngang mức tử hình, mới gọi là thành tội diệt tẩn. Hòa thượng không cho phép chư ni tác pháp diệt tẩn đối với cô ây, mà chỉ bắt tác pháp sám hối đúng theo luật quy định. May mà Ni chúng bấy giờ không xử trị oan khuất một người.

Vấn đề này sau đó cũng được thảo luận trở lại với sự tham dự của Hòa thượng Đỗng Minh. Theo lời Hòa thượng dạy, tôi lại sao lục các tài liệu liên quan về quy định mức tội ăn cắp. Với các tài liệu tôi trình, nghe xong, Hòa thượng Đỗng Minh nêu ý kiến: Nếu xét 5 tiền là mức tử hình để định tội diệt tẩn, chắc thực tế khó có trường hợp diệt tẩn xảy ra. Ngoài đời, ngay cả trong thời vua chúa, chỉ khi ăn cướp có giết người, hay trộm đồ tế khí trong tông miếu, mới bị tử hình. Nếu đối chiếu theo mức định tội như luật ngoài đời hiện nay: thấp nhất là tội phạt vi cảnh. Kế nữa là tội xử theo mức tiểu hình. Cao nhất là mức của tòa đại hình. Tội ăn cắp, nếu tương đương mức xử đại hình thì bị diệt tẩn.

Hòa thượng đồng ý quan điểm giải thích này.

Đại loại các buổi học luậtthảo luận luật như vậy liên tục suốt trong ba năm, với Hòa thượng chủ trì, Hòa thượng Đỗng Minh nêu ý kiến về đề nghị những giải thích. Phần tôi thì ghi chép tổng hợp. Kết quả tập hợp thành bộ Tứ Phần Hiệp Chú, mà tên gọi đầy đủ là Đàm-Vô-Đức bộ Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Giới Bổn Hiệp Chú. Đó là công trình tâm huyết một đời của Hòa thượng để lại.

*****

Người học luật mà không hành trì, khó mà hiểu hết những điều được học có nghĩa lý gì. Trì luật, không phải chỉ sống thanh bạch một mình trên núi rừng với nai với khỉ, độc thiện kỳ thân. Luật, được Phật chế, với mục đích nhiếp tăng. Vị chưa từng sống nhiều năm trong tăng, chưa từng xử lý việc tăng, cũng khó mà hiểu hết giá trị những điều luật.

Thủa đời Tùy bên Trung quốc, có Luật sư Hồng chuyên giảng Tứ phần. Pháp sư Tăng Hưu nghe giảng có đến hơn 30 lần, rồi nói với đồ chúng: “Tôi dự nghe cũng nhiều. Về kinh luận, nghe qua một lần có thể hiểu hết. Nhưng về luật, càng nghe càng mờ mịt. Thế nên biết, lý thì có thể hư cầu, mà sự thì khó bề thông hội.” Bởi vì, về lý thì có thể hiểu suông, suy diễn thế nào cũng được. Cứ xem các triết gia tranh luận ráo riết với nhau từ thế kỷ này sang thế kỷ khác không bao giờ dứt, thì đủ biết. Nhưng về sự, nếu không đi vào thực tế, thì không thể thông được. Khi dẫn chuyện này, Hành sự sao Tư Trì Ký còn chua thêm: Vẽ quỷ vẽ ma thì dễ đẹp, nhưng vẽ chó vẽ ngựa thì khó mà giống cho được. Nói vậy, vẫn có nhiều trường hợp ông thầy vẽ vời nhiều chuyện, gọi là chế tác hay canh cải đúng theo tinh thần luật, rồi truyền trò, lâu đời thành nếp, khó sửa. Một người học Luật tốt nghiệp, lâu bao nhiêu năm chưa biết, nhưng có thể nổi tiếng. Tuy thế, ông chưa bao giờ ngồi ghế chánh án, hay bồi thẩm, cũng chưa giờ làm luật sư biện hộ cho ai; bất chợt ông được giao cho biên soạn bộ luật hình sự. Bộ luật ấy nếu áp dụng cho các tòa xét xử, chắc có nhiều chết oan mạng. Luật Phật hướng đến giải thoát. Người chưa giải thoát, còn đầy dẫy tham sân, may mà không gặp cơ hội để phát tác, tự bản thân đã chưa thể giải thoát, làm sao có thể đặt luật cho người khác hành trì! Hòa thượng thường hay nhắc nhở: “Ở đời đi dạy học, nếu dạy sai một vài bài toán, thì khổ lắm cũng chỉ trong một đời người thôi. Nhưng hướng dẫn người sai lạc, khiến người ta muôn kiếp đọa lạc, thì tội của mình không phải là nhỏ. Làm Thầy độ người, phải cẩn thận.” Trong suốt đời chuyên trách giáo dục đào tạo tăng tài, Hòa thượng cũng đã bao che cho nhiều học tăng phạm kỷ luật, theo lẽ phải bị trục xuất. Những vị ấy về sau lại trở nên tinh tấn, giới hạnh thanh khiết. Hòa thượng nói, giới luật để uốn nắn người xấu thành người tốt, chứ không phải chỉ để trừng trị.

Tuổi trẻ tất có những ngông cuồng, nhiều khi vượt quá quy luật. Nhân một hôm không có giờ dạy, tôi về chùa hầu Hòa thượng. Tối hôm đó, lúc tôi đang ngồi hầu chuyện Hòa thượng thì hai ông bà Ngô Trọng Anh cũng đến thăm. Sau một hồi chuyện trò, Bà Ngô bạch:

“Bạch Hòa thượng, con biết có mấy chú trong chùa trốn đi vô quán. Buổi đó trời mưa, con nhìn xuống thấy hai ống quần, biết mấy chú này trùm áo mưa đi quán.”

Hòa thượng không nói gì. Ông Anh lên tiếng:

“Bà này thật nhiều chuyện. Người ta đã sợ, nên phải lén che rồi, mà bà còn mách.”

Hòa thượng cũng không nói gì. Nhưng kể nhiều chuyện vui khác. Một lúc sau, lại kể chuyện xưa, thời Hòa thượng còn niên thiếu. Nói là niên thiếu, lúc bấy giờ cũng khoảng 40, hay nhiều hơn, lại thuộc hàng lãnh đạo Phật giáo Trung phần. Nhân một buổi được Hội Phật giáo phân công tác vào Bình Định giải quyết một số vấn đề Phật sự. Cùng đi là Ngài Mật Nguyện. Hai vị đến Qui nhơn, giải quyết xong Phật sự, bèn bàn riêng. Bình Định nổi tiếng là quê hương của hát bội. Các Ngài tán thưởng hát bội vì điệu bộ nghệ thuật, lại thêm văn chương thâm thúy. Nhân dịp này, nếu bỏ qua không thưởng thức thì cũng uổng. Nhưng trong cương vị lãnh đạo tinh thần đối với tăng niPhật tử ở đây, làm sao có thể đường đột mà đi. Hai vị bèn quấn khăn lên đầu, chỉ cốt không ra vẻ trang trọng để người đời không lưu ý thôi, chứ vẫn khoác y phục nhà chùa thì đi đâu cũng được nhận ra là ông Thầy. Nhưng hai vị tin rằng ở Bình định không mấy ai biết mặt mình.

Khi vào rạp, đang tìm chỗ ngồi, chẳng may gặp phải quan Tuần phủ cũng vừa đi đến. Ông quan này trước ở Kinh thành, lại là hàng văn nho tao nhã, nên cũng rất thân với Hòa thượng Trí Thủ. Bất chợt như người “đào trái tha hương ngộ tri cố”, kẻ trốn nợ đi tha phương mà ở đó lại còn gặp cố tri nhìn ra mặt, thật là không may. Trong khi chưa biết tránh đi đâu, thì ông quan vồn vã bước đến chào hỏi:

“Ủa, chớ hai Thầy, vô khi mô? đi mần chi trong ni? Nhân tiện, mời hai Thầy lên ngồi với tui.”

Hóa ra, là khách quý bất đắc dĩ, hai vị theo ông quan Tuần phủ lên ngồi hàng ghế danh dự trong rạp hát. Nghe xong câu chuyên, ông Ngô Trọng Anh phát cười, rất tâm đắc. Ông hiểu ý Hòa thượng muốn nói gì.

Những chuyện tượng tự như vậy lớn có nhỏ có, chuyện tầm thường có, mà chuyện tày trời cũng có, đã xảy ra suốt cuộc đời của trì luật và truyền luật của Hòa thượng, cần phải có những phán đoánquyết định, để giúp những người lỡ sa ngã còn có thể đứng dậy để tiếp tục cho đến cuối con đường Đạo của mình. Ở đây tôi chỉ có thể kể vài câu chuyện mà tự thân may mắn được nghe, được biết, để tưởng nhớ công hạnh một đời truyền luật. Không truyền luật như vị giáo thọ ngồi trên bục giảng, mà truyền dạy ngay trong thực tế sinh hoạt hằng ngày.

Nghiêm khắc, nhưng luôn luôn sẵn sàng tha thứ, để uốn nắn dần. Điều này đơn giản, nhưng trong thực tế, đâu tình, đâu lý; sự quyết đoán không phải dễ. Luật để nâng đỡ những tâm hồn yếu đuối, không phải để dẫm đạp những người đã té ngã, khiến cho vĩnh viễn đọa lạc. Cho nên, khi tôn giả Bạt-Đà-Lị hỏi Phật vì sao có trường hợp cùng phạm giới ngang nhau nhưng vị này được tăng xử trị nhẹ nhàng, trong khi vị khác bị xử trị rất nặng? Phật bảo: như người có hai con mắt mà một con đã bị hư thì cần phải giữ gìn con kia cẩn thận. Cũng vậy, người yếu đuối nên dễ hay phạm giới. Do tinh thần yếu đuối, nếu xử trị nặng, người ấy bất kham có thể dẫn đến đọa lạc. Với người ý chí kiên cường, việc xử trị nặng là tôi luyện cho ý chí được bền chắc hơn.

Bên ngoài, nhìn vào luật, với nhiều cấm đoán khắt khe, chỉ thấy sự nghiêm khắc của luật, mà không thấy được tâm từ bi bao dung rộng lớn của luật.

*****

Vào những ngày cuối đời, Hòa thượng càng lưu tâm tha thiết với sứ mệnh giáo dục tăng ni. Khi lần đầu tôi được thả ra khỏi trại giam, chưa trở về chùa ngay; Hòa thượng gọi tôi đến dạy: Một ngày không thể thiếu mặt trời. Tăng chúng cũng không thể một ngày thiếu tu, thiếu học. Và do vậy lớp học tại chùa Già Lam được Hòa thượng cưu mang ròng rã bốn năm. Thời gian không dài lắm, nhưng một thời thử thách, và chịu đựng, thời gian đó không phải ngắn. Tôi vẫn còn ngậm ngùi khi hồi tưởng lại những hôm, thức dậy lúc 3 giờ rưỡi sáng, đang chuẩn bị cho buổi trà sớm xong, để lên Chánh điện lễ Phật. Bỗng thị giả bước vào thưa: Hòa thượng dậy lúc 2 giờ sáng, đợi Thầy sang uống trà. Tôi biết Hòa thượng thường thức cho đến 12 giờ khuya mới chỉ tịnh. Có thể suốt đêm Hòa thượng không ngủ. Tâm sự năm canh một bóng đèn.

Tết năm đó Hòa thượng về thăm Huế. Chùa Già-Lam, Thầy Trụ trì Đức Chơn cũng chuẩn bị đón Hòa thượng về chùa. Trước khi đưa xe ra sân ga đón Hòa thượng, Đạt Đạo đến nói với tôi: “Mấy hôm nay Thầy Trụ trì bận việc, quên không gởi thơ thỉnh Ôn vô. Các Thầy ngoài Báo Quốc bảo, coi chừng Ôn không về Già Lam. Ôn nói, chùa không ai cần đến Ôn nữa, thì thôi. Anh đi đón Ôn cho Ôn vui.”

Tôi vui vẻ theo Đạt Đạo đi đón Hòa thượng. Hòa thượng cũng vui vẻ về chùa, không thấy có gì lạ.

Nhưng đây không phải đơn giản là chuyện vui buồn, để Hòa thượng về chùa với Chúng hay không. Bên trong đó là tâm sự thiết tha của người luôn luôn muốn sống, và chỉ sống, vì ích lợi cho người, vì mọi người đang cần. Đời cần thì ta đến, đời không cần nữa thì ta đi. Có gì mà vui hay buồn trong đây? Cho nên, năm đó, Hòa thượng làm bài thơ này:

Sáu bảy xuân thu giữa cuộc đời

Buồn vui mừng giận khéo trêu người

Thân này đã hứa cùng non nước

Vinh nhục khen chê chỉ mỉm cười

 

Năm đó, là năm mà Hòa thượng bị đặt trước một quyết định sinh tử, không chỉ quyết định vinh nhục của bản thân, mà quyết định liên hệ đến vinh nhục, tồn vong của Đạo pháp. Đó là quyết định mà người xưa nói, hoặc “lưu phương thiên cổ”, hoặc “di xú vạn niên”.

Hành xử của bậc trượng phu xuất thế, bằng tâm lượng nhỏ nhoi của người thường, đủ thiếu vào đâu mà đàm tiếu, khen chê? Chi nhị trùng hà tri chi? Mượn lời Trang Tử để nói vậy: “Hai con sâu con ấy mà biết gì?” Làm sao hai con chim sẻ nhỏ kia mà biết được chí con đại bàng vỗ cánh trên bầu trời vạn dặm kia?

Chuyện Trang Tử, ví cho trượng phu chí lớn giữa đời. Nhưng với những bậc “xuất trần thượng sĩ”, thì ví von ấy chỉ để ví von cho thú vị tao nhã văn chương vậy thôi. 

 

 

Thay Lời Dẫn

cho thơ của Phạm Công Thiện:

TRÊN TẤT CẢ ĐỈNH CAO

LẶNG IM

 

Tuệ Sỹ

 

Anh đã ra đi từ đó, từ thời buổi hỗn mang. Trong từng khoảnh khắc sát na, từng quãng liên tục vi tế của hạt bụi, anh từ chối chính mình. Khi mọi người ca tụng anh như một thiên tài, anh vất bỏ thần tượng để đi như một tên lãng tử vô lại. Khi người đời khinh miệt, khi những người thân yêu thù ghét, căm hận, anh đốt lửa soi đường độc hành bằng ánh sao Mai lẻ loi.

Đã đi thì đã đi rồi.

Bước chân thoạt chớm khởi hành ấy đã vấp phải âm vang địa chấn của Long Thọ:

gataṃ na gamyate tāvad

agataṃ naiva gamyate/ MK. ii. 1a

Có gì trong những bước đi, và còn gì trong những bước đi? Chỉ một khoảng ngắn cần vượt qua, khoảng ngắn được đo bằng chính tự ngã của ta. Anh nhảy qua hố thẳm. Hố thẳm như là, vì chính là, ý hướng tính của ta phóng xuất ra đó; bóng tối của thời gian tích tụ ảo ảnh ngông cuồng của tuổi trẻ. Anh nhảy qua hố thẳm, nhảy qua cái bóng của chính mình. Những bước nhảy vẽ thành chuỗi thất bại liên tục trong đời, trong dòng tương tục vô hạn của thời gian, lan tràn qua biên độ vô biên của thế giới:

Đã đi mất hẳn đi rồi

Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều

 

Cái đã đi, một cái gì đó vô nhân, vô ngã, đã đi qua trong tôi, trong người, trong đâu đó, hữu biênvô biên, hữu hạn và vô hạn; cái đã đi ấy chưa hề được thực hiện, chưa hề được đi. Khoảnh khắc đột nhiên ngừng lại. Quá khứ biến mất. Cái đã đi, cái tôi nào đó đã đi, con đường nào đó đã được đi, ngày tháng nào đó đã trải đi; thời gianthế gian ngưng tụ, ngưng đọng. Không quá khứ; phóng ảnh vị lai chợt dừng lại, như bị đẩy lùi lại sau, đẩy lui vào quá khứ, rồi biến mất. Câu chân ngôn xuất hiện:

Oṃ ga ga ṇa: Án nga nga nẵng.

oṃ sarva-saṃskāra-pariśuddha dharmate gagana samudgate svabhāva:

Hết thảy hiện tượng thảy đều thanh tịnh, tự tánh xuất hiện trong hư không pháp tánh!

Ồ, hư không! Hư không hủy diệt. Tìm dấu chim bay trong hư không:

Có còn gì nữa mà thương.

Sắt son tình cũ …

Người anh yêu, một phương trời mất dấu; như sợi lông thiên nga phất phơ trong không gian rực lửa. Lửa soi sáng trái tim, trong đó hiện hình Thiên nữ. Thiên nữ chuyển thân thành Thánh mẫu Bồ tát Cứu Độ Đa-la:

Án Đa La tịch mịch hồng.

Oṃ tāre tuttāre ture svāhā

Những giọt nước mắt từ khóe mắt Đại Bi của Bồ tát Quán Thế Âm rơi xuống; giọt nước mắt hiện thân thành Thánh nữ Đa-la. Ngài hiện thân sức mạnh để dẫn người khốn khổ vượt qua khỏi những tai họa hiểm nghèo. Tai họa bởi nước cuốn, bởi thú dữ, cũng như bởi sự phản bội của người tình. Bởi vì Tāra có nghĩa là Cứu độ.

Từng âm thanh mật ngôn như những ánh sao lấp lánh – bởi Tara cũng có nghĩa là Ngôi Sao, mờ nhạt nhưng có đủ uy lực để đưa người đến chỗ an toàn. Tara, hay Tāra, Mẹ của Đại BiĐại Trí, luôn nhìn xuống những đứa con ngu xuẩn, và yếu đuối, đang lang suốt cả đêm dài trên mặt đất hoang vu.

Bài thơ có năm đoạn, hay một thiên thơ có năm bài, đi theo nhịp bước chân của Bát-nhã: gate – gate – paragate – parasaṅgate – svāhā! Hoặc vô tình, hoặc cố ý, để cho cảm xúc từ những hoài vọng tiếc nuối quá khứ, đã đi và đã mất, diễn theo từng đợt sóng xô. Người lữ hành bước đi, từng con sóng của đại dương cuốn theo, xóa sạch từng dấu chân đi. Lưu lại trong khách ảo ảnh tiền thân, phảng phất mùi hương, và sắc màu quá khứ không phai nhạt.

yathā māyā yathā svapno

gandharvanagaraṃ yathā/

tathotpādas tathā sthānaṃ

tathā bhaṅga udāhṛtam // MK. vii. 35

Như huyễn tượng, như chiêm bao, như thành phố giữa hư không, cũng vậy, những gì xuất hiện, tồn tại, rồi hủy hoại.

Đã đi rồi đã đi chưa

Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời. 

 




Liên lạc:

 

CHÙA PHẬT ĐÀ

4333 30th Street

San Diego, CA 92104

Tel.: (619) 283-7655

 

TU VIỆN PHÁP VƯƠNG

715 Vista Avenue

Escondido, CA 92026

Tel.: (760) 739-8063


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 3947)
Tư Tưởng Phật Giáo Trong Thi Ca Nguyễn Du - HT Thích Như Điển
(Xem: 3121)
Phật Giáo Việt Nam Tại Châu Âu - HT Thích Như Điển
(Xem: 7063)
Tư Tưởng Phật Giáo Trong Văn Học Thời Trần - Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thượng
(Xem: 5655)
Emily Elizabeth Dickison là nhà thơ lớn của Mỹ trong thế kỷ thứ 19. Bà sống phần lớn cuộc đời trong cô độc.
(Xem: 3969)
Ni Giới Việt Nam Hoằng Pháp tại Hoa Kỳ - Thích Nữ Giới Hương. Hồng Đức Publishing. 2020
(Xem: 3098)
Tác phẩm “Xây dựng hạnh phúc gia đình” của Hòa thượng Thích Thắng Hoan là cẩm nang hướng dẫn xây dựng hạnh phúc cho người Phật tử tại gia.
(Xem: 12178)
“Nói Thiền tông Việt Nam là nói Phật giáo Việt Nam. Và những bậc cao Tăng làm sáng cho Phật giáo, làm lợi ích cho dân tộc từ thế kỷ thứ 6 mãi đến nay đều là các Thiền sư.”
(Xem: 5146)
Ai đã truyền Việt Nam Phật Giáo qua Trung Quốc: Khương Tăng Hội, người Việt Nam. Vào năm nào: năm 247 tây lịch.
(Xem: 3876)
Tư tưởng Phật giáo trong văn học thời Lý bản PDF - Nguyễn Vĩnh Thượng
(Xem: 9174)
Thầy Tuệ Sỹ Là Viên Ngọc Quý Của Phật Giáo và Của Việt Nam - Nguyễn Hiền Đức
(Xem: 7458)
Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác - hồi ký về một ngôi chùa đã đi vào lịch sử Phật giáo tỉnh Quảng Nam. Viên Giác Tùng Thư 2019 - Nhà xuất bản Liên Phật Hội
(Xem: 27136)
Tác phẩm Trí Quang Tự Truyện bản pdf và bài viết "Đọc “Trí Quang Tự Truyện” của Thầy Thích Trí Quang" của Trần Bình Nam
(Xem: 5933)
Tôi đặt bút bắt đầu viết "Lời Vào Sách" nầy đúng vào lúc 7 giờ sáng ngày 21 tháng 6 năm 1995 sau khi tụng một thời kinh Lăng Nghiêmtọa thiền tại Chánh điện.
(Xem: 5646)
Có lẽ đây cũng là một trong những viễn ảnh của tâm thức và mong rằng những trang sách tiếp theo sẽ phơi bày hết mọi khía cạnh của vấn đề, để độc giả có một cái nhìn tổng quát hơn.
(Xem: 6166)
Ai trói buộc mình? Không biết có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi đó với chúng ta chưa? Đến chùa học pháp hay đi tu chỉ để cầu giải thoát. Mục đích tu hoặc xuất gia là cầu giải thoát sinh tử. Giải thoát có nghĩa là mở, mở trói ra. Cầu giải thoát là đang bị trói. Nhưng ai trói mình, cái gì trói mình? Khi biết mối manh mới mở được.
(Xem: 5705)
Sống Trong Từng Sát Naphương pháp thực tập sống tỉnh thức, sống và ý thức về sự sống trong từng mỗi phút giây. Đây là phương thức tu tập dựa trên tinh thần Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm.
(Xem: 5505)
Nguyên bản: How to practice the way to a meaningful life. Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma. Anh dịch: Jeffrey Hopkins, Ph. D. Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
(Xem: 7843)
Mối Tơ Vương của Huyền Trân Công Chúa (Phóng tác lịch sử tiểu thuyết vào cuối đời Lý đầu đời Trần) HT Thích Như Điển
(Xem: 4784)
Nguyệt San Chánh Pháp Số 84 Tháng 11/2018
(Xem: 12182)
Nhẫn nhục là thù diệu nhất vì người con Phật thực hành hạnh nhẫn nhục thành thục, thì có thể trừ được sân tâm và hại tâm, là nhân tố quan trọng để hành giả thành tựu từ tâm giải thoátbi tâm giải thoát.
(Xem: 21878)
Tác giả: Diệu Hạnh Giao Trinh sưu tầm và kể chuyện, Nguyễn Minh Tiến hiệu đínhgiới thiệu
(Xem: 6526)
Cảm Đức Từ Bi - tác giả Huỳnh Kim Quang
(Xem: 7477)
Một bản dịch về Thiền Nhật Bản vừa ấn hành tuần này. Sách nhan đề “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” của tác giả Matsubara Taidoo. Bản Việt dịch do Hòa Thượng Thích Như Điển thực hiện.
(Xem: 6751)
Tuyển tập “Bát Cơm Hương Tích” của Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng là một phần lớn của đời tác giả, ghi lại những gì Thầy mắt thấy tai nghe một thời và rồi nhớ lại...
(Xem: 6306)
Quyển sách "Hãy làm một cuộc cách mạng" trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma khởi sự được thành hình từ một cuộc phỏng vấn mà Ngài đã dành riêng cho một đệ tử thân tín là bà Sofia Stril-Rever vào ngày 3 tháng giêng năm 2017.
(Xem: 8587)
THIỀN QUÁN VỀ SỐNG VÀ CHẾT - Cẩm Nang Hướng Dẫn Thực Hành - The Zen of Living and Dying A Practical and Spiritual Guide
(Xem: 6109)
Mùa An Cư Kiết Hạ năm 2016 nầy tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 67 để sang năm 2017 xuất bản với nhan đề là "Nước Mỹ bao lần đi và bao lần đến"
(Xem: 5714)
Người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng, Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa, Con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng, Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa (Tuệ Sỹ)
(Xem: 14287)
TĂNG GIÀ THỜI ĐỨC PHẬT Thích Chơn Thiện Nhà xuất bản Phương Đông
(Xem: 20296)
Người học Phật có được một tài liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tra cứu khi cần...
(Xem: 6936)
Tác phẩm nầy chỉ gởi đến những ai chưa một lần đến Mỹ; hoặc cho những ai đã ở Mỹ lâu năm; nhưng chưa một lần đến California...
(Xem: 6859)
Từ Mảnh Đất Tâm - Huỳnh Kim Quang
(Xem: 6415)
Một năm lại sắp trôi qua với những vết tích điêu tàn, khổ nạn để lại trên khắp trái đất. Nhìn lại, chúng ta không khỏi giật mình, và chạnh lòng thương tưởng
(Xem: 6509)
Chung trà cuối năm uống qua ngày đầu năm. Sương lạnh buổi sớm len vào cửa sổ. Trầm hương lãng đãng quyện nơi thư phòng..
(Xem: 6034)
Một năm lại sắp trôi qua với những vết tích điêu tàn, khổ nạn để lại trên khắp trái đất. Nhìn lại, chúng ta không khỏi giật mình, và chạnh lòng thương tưởng
(Xem: 7439)
Nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, lại thêm nước từ đập thủy điện ồ ạt xả ra. Dân không được báo trước.
(Xem: 7419)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dươnglưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoátgiác ngộ cho...
(Xem: 8559)
Là người mới bắt đầu học Phật hoặc đã học Phật nhưng chưa thấm nhuần Phật pháp chân chính, chúng tôi biên soạn...
(Xem: 6493)
Hôm nay là ngày 10 tháng 6 năm 2015, tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc, tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 65 của mình...
(Xem: 6885)
Bắt đầu vào hạ, trời nóng bức suốt mấy ngày liền. Bãi biển đông người, nhộn nhịp già trẻ lớn bé. Những chiếc...
(Xem: 10510)
Phật giáo ra đời từ một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại - Ấn Độ - và nhanh chóng phổ biến tại các nước phương Đông...
(Xem: 19915)
Trong tập sách nhỏ này tôi đã bàn đến hầu hết những gì mọi người đều công nhậngiáo lý tinh yếu và căn bản của Đức Phật... Con Đường Thoát Khổ - Đại đức W. Rahula; Thích Nữ Trí Hải dịch
(Xem: 30239)
Tôi cảm động, vì sống trong đạo giải thoát tôi đã tiếp nhận được một thứ tình thiêng liêng, trong sáng; một thứ tình êm nhẹ thanh thoát đượm ngát hương vị lý tưởng...
(Xem: 16236)
Tập sách do Minh Thiện và Diệu Xuân biên soạn
(Xem: 19669)
Phật GiáoVũ Trụ Quan (PDF) - Tác giả: Lê Huy Trứ
(Xem: 11074)
Hạnh Mong Cầu (sách PDF) - Lê Huy Trứ
(Xem: 14383)
Đọc “Dấu Thời Gian” không phải là đọc sự tư duy sáng tạo mà là đọc những chứng tích lịch sử thời đại, chứng nhân cùng những tâm tình được khơi dậy trong lòng tác giả xuyên qua những chặng đường thời gian...
(Xem: 7791)
Báo Chánh Pháp Số 48 Tháng 11/2015
(Xem: 10496)
Nguyệt san Chánh Pháp Tháng 10 năm 2015
(Xem: 7949)
Báo Chánh Pháp Số 46 Tháng 9/2015 - Chuyên đề Vu Lan - Mùa Báo Hiếu
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant