Ai học thuộc Kinh sẽ được cưới làm chồng
Tỳ-kheo Thích Nguyên Tạng
Bao
giờ chúng sanh còn đau khổ còn sanh tử luân hồi, thì lòng từ ứng hiện của Bồ
Tát Quán Âm vẫn biến hiện mãi mãi để cứu độ dẫn dắt chúng sanh ra khỏi luân hồi
đau khổ.
Chuyện này tôi thuật lại theo lời kể của Cố Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm (1911-2003), người mà tôi có phước duyên được làm thị giả trong thời gian (đầu những năm tám mươi) tôi hành điệu trong các mùa An Cư Kiết Hạ tại đồi Trại Thủy, Chùa Hải Đức, Nha Trang. Câu chuyện sau đây được Hòa Thượng kể lại vào một buổi trưa khi tôi hầu quạt cho ngài tại Am Hoàng Trúc.
Chuyện kể rằng, tại làng nọ ở Trung quốc, dân chúng không tin Phật pháp vì họ
cho đạo này là mê tín. Vì thế mà Bồ Tát Quán Âm muốn dùng phương tiện để cảm
hóa chúng sanh nghiệp chướng sâu dầy trong xứ sở này, nên Ngài đã hiện thân một
nữ nhân, tay xách giỏ tre, đựng mấy con cá, đi vào thôn xóm rao bán. Người
trong thôn xóm thấy cô gái bán cá có dung mạo đẹp đẽ dị thường, nên ai cũng say
mê và tranh nhau muốn cưới. Người thì xin cưới về làm dâu, người thì muốn cưới
làm vợ, và có ông đòi cưới về làm người hầu. Người ta bu quanh nơi cô càng lúc
càng đông, nhất là các chàng thanh niên mò theo sát gót. Cả ngày cá bán không
được vì người ta ham mua người chứ không mua cá. Thấy đã đến lúc, cô nàng lên
tiếng: “các anh đông người quá, còn em đây chỉ có một mình, làm sao làm vợ cho
đủ ? Nên em xin đưa ra một điều kiện, ai đọc thuộc lòng phẩm Phổ Môn (thuộc
Kinh Pháp Hoa) trong vòng ba ngày nhất định em làm vợ người đó". Ngay lập
tức cánh đàn ông trong làng đi khắp xứ tìm phẩm Phổ Môn về đọc tụng. Sau ba
ngày mãn hạn những người đọc thuộc lòng được bốn năm mươi người. Cô bảo: “Các
anh vẫn còn số nhiều quá, không nói chắc các anh cũng biết, một mình em mà làm
vợ cho nhiều người bất tiện vì nhiều lẽ. Vậy em xin một lần nữa, nếu anh nào
học thuộc lòng quyển Kinh Kim Cang với thời gian năm ngày, em xin chân thành
cưới lấy người ấy làm chồng duy nhất của đời em”.
Thế là một lần nữa bọn đàn ông lại gặp khó khăn, vì văn tự của kinh này trúc
trắc khó đọc, lặp đi lặp lại, trùng trùng điệp điệp, chưa kể đến nghĩa lý của
bản kinh này khó hiểu khó thấu. Thế nhưng, hết hạn năm ngày, vẫn có được mười
người trúng tuyển. Cô nương xinh đẹp lại lên tiếng: “cũng vẫn bất tiện lắm thưa
các anh, luật pháp hiện hành và luân lý cổ truyền xứ ta, vẫn chưa cho phép một
bà vợ mà cưới một lần mười ông chồng. Xin các anh một lần chót này nữa thôi,
nếu ai đọc thuộc lòng bộ kinh Pháp Hoa trong bảy ngày chẵn, thời tiện thiếp này
xin trân trọng tuyên bố đem danh dự của kẻ hàng tôm hàng cá này ra mà đảm bảo
giữ đúng lời hứa như đã hứa mấy lần trước”.
Lần này người ta gặp phải cái khó khăn hơn là tìm cho đủ bẩy quyển và ngồi xếp bằng mà lật từng trang từ đầu chí cuối cho hết bộ kinh Pháp Hoa cũng đã mất hết bao nhiêu ngày giờ, huống chi là học thuộc lòng. Một tuần lễ trôi qua, mãn hạn bảy ngày, vậy mà vẫn có một người đạt được mục đích cuối cùng, vẻ vang nhất đời, đó là chàng thiếu niên họ Mã. Chàng thông minh lịch thiệp, xuất thân từ một gia đình giàu sang vọng tộc. Cố nhiên cô bán cá phải giữ đúng lời hứa. Ngay trong đêm hoa đăng rực rỡ, yến tiệc linh đình, tân nương bỗng phát cơn đau bụng dữ dội và ngã lăn ra chết luôn.
Ô hô! Chàng Mã kia tội nghiệp biết dường bao! Đời người ai tránh khỏi cái chết! Mà chết như thế này là nghĩa làm sao? Đời sống quá đẹp đẽ như thế này sao mà không đáng sống? Nhưng sống như thế này thì sống để làm gì? Mã thiếu niên đã dùng hết tâm lực để học thuộc bộ kinh, để nhận được phần thưởng xứng đáng nhất là được một tuyệt thế giai nhân, đó là niềm hạnh phúc của đời chàng. Nhưng niềm hạnh phúc đã chắp cánh bay mất rồi. Giờ đây còn chăng chỉ là một thứ giả danh hạnh phúc và một thây chết xanh xao nằm cứng đờ xanh xao như gỗ đá vô tri không hơn không kém. Ôi nhân sinh là thế ấy, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao… Sau khi tống táng xong, chàng ta tự hận mình là kẻ bạc phước. Chàng thề trọn đời chẳng màng cưới vợ nữa. Rồi chàng sống một đời sống của những kẻ thất tình; dẫn thân đây đó như một kẻ cuồng si. Một hôm bất giác tình cờ chàng gặp một vị lão Tăng mặc áo tím, lão nhận thấy nơi anh chàng này có bộ dạng âu sầu khổ não nên Ngài mới gạn hỏi. Chàng Mã đem hết đầu đuôi câu chuyện thương tâm của mình mà thưa trình. Nghe xong Ngài bảo: cô nàng bán cá xinh đẹp ấy vốn là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, vì ngài thấy bọn các con không tin Phật pháp nên mới thị hiện nữ thân để giáo hóa đấy thôi. Trong khế kinh Phật từng dạy: “Trước lấy sắc dục để câu thúc họ, sau mới khiến họ vào Phật đạo vậy”. Chàng Mã trở về nhà và thuật lại việc mình vừa gặp lão Tăng và cho họ biết những gì lão Tăng nói. Nhưng họ không tin nên họ quật mồ cạy nắp quan tài ra trong quan không thấy thi hài cô gái nữa. Do đó dân chúng mới tin là Bồ tát xuất hiện ở giữa đời thường mà chỉ vì vô minh mà họ không thấy đó thôi, và từ đó Phật pháp nơi làng này được truyền khắp thịnh hành, ai ai cũng tin Phật và tu niệm. Về thân phận của chàng Mã, sau khi khám phá sự thật phũ phàng này, chàng như người chợt tỉnh cơn mơ và cho rằng mình làm người thế tục cũng không còn ý nghĩa gì nữa, nên chàng lìa bỏ thế tục để xuất gia làm Tăng, rồi vào ẩn tu trong một hang núi. Về sau người ta đặt tên hang nầy là Mã Lang động, tức là hang động tu hành chàng họ Mã. Động ấy đến nay vẫn còn.
Nghe qua câu chuyện thấy được ba vấn đề liên hệ đến việc tu hành của người Phật
tử. Thứ nhất, bao giờ ta chưa học đạo giải thoát chưa nghe pháp Phật, chưa trì
tụng kinh điển thì nhiễm pháp vẫn lẫy lừng trong tâm, tức là ba độc tánh tham,
sân, si không thể dứt trừ được. Cho nên trong câu chuyện Bồ Tát mới lấy âm
thanh, sắc tướng là đối tượng của lòng tham, là căn bản phiền não để khiến dụ
chúng sanh thức tỉnh.
Thứ hai, dù sống trong đau khổ phiền não nhiễm trược thế gian, mà tánh giác,
tánh bồ đề vẫn sẵn có trong tâm niệm chúng sanh, do đó anh chàng họ Mã thông
minh lịch thiệp kia là tiêu biểu cho trí huệ, một khi được duyên khơi dậy sẽ dễ
dàng hiển thị giác ngộ chứng đạo giải thoát.
Và cuối cùng là tính chất vô thường cụ thể xảy ra với tất cả vạn vật trên đời này, đó cũng là hình ảnh giúp anh chàng họ Mã và tất cả người trong chuyện phải ý thức quay lại chính mình để một khi đối diện với sự mất còn chết sống của thế gian sẽ biến thành chất liệu bồ đề, ý thức giải thoát, giác ngộ, mà không phải bi lụy, đau khổ thường tình trong vô minh phiền não. Mong thay câu chuyện sẽ cảnh tỉnh chúng ta ngay bây giờ và mãi mãi về sau.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Viết tại Trường Hạ Pháp Bảo
Thích Nguyên Tạng