Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Nguồn Gốc & Tín Niệm Về Kinnara (Khẩn Na La)

Tuesday, October 29, 201300:00(View: 9870)
Nguồn Gốc & Tín Niệm Về Kinnara (Khẩn Na La)
kinnara__khan_na_la_Trong thần thoại Phật giáo và Hindu, Kinnara (Khẩn Na La) là một người tình chung thủy, một nhạc thần; có hình dáng nửa người nửa ngựa (Ấn Độ) hay nửa người nửa chim (các nước Đông Nam Á).

Trong thần thoại các nước Đông Nam Á, Kinnari là con mái, tương ứng của Kinnara trống, được miêu tảmột sinh vật nửa người (nữ), nửa chim. Những Kinnari này có đầu, thân mình, tay của phụ nữ và cánh, đuôi, chân của thiên nga. Kinnari nổi tiếng vì tài nhảy múa, ca hát, thi ca và là một biểu tượng truyền thống của người phụ nữ xinh đẹp, yêu kiều và tài năng.

Khẩn Na La trong văn hóa Ấn Độ

Ấn Độ cổ đại, Kinnara là một trong những bộ tộc xinh đẹp, kỳ lạ cùng với các Deva (bao gồm Rudras, Maruts, VasusAdityas), Asura (bao gồm Daityas, DanavasKalakeyas), Pisachas, Gandharvas, Kimpurushas, Vanaras, Suparnas, Rakshasas, Bhutas và Yakshas. Kinnara là những cư dân của vùng núi Himalaya. Cư dân của vùng đồng bằng sông Hằng cho rằng Kinnara là hạng sinh linh diệu kỳ và phi phàm. Bộ tộc Kinnara sống ở vùng Kinnaur của bang Himachal Pradesh, Ấn Độ. Ngày nay, một nhóm người còn sống ở đây vẫn được gọi là Kinnaur. Họ có thể là hậu duệ của bộ lạc Kinnara cổ xưa.

Đặc biệt, từ Kinnara (nghĩa đen là “người gì?” trong Phạn ngữ) được liên hệ với từ Kimpurusha (cũng có nghĩa là “người gì?”). Truyền thuyết về nguồn gốc Kinnara là những nhóm quân của Ila, vị vua không may mắn bị biến thành nữ giới bởi một lời nguyền rủa. Sau đó, anh ta/ cô ta trở thành vợ của vị ẩn sĩ siêu phàm và là vị thần của hành tinh Mercury tên là Budha. Những người lính xa xưa trở thành Kinnara được cho là do lời nguyền của ẩn sĩ Budha.

Mặt khác, Kinnara lại được nối kết thần bí với ngựa. Chuyện cổ tích Ấn Độ đề cập đến chúng như là những sinh vật đầu ngựa. Chuyện cổ tích Ấn Độ cũng đề cập đến một Asura với đầu ngựa, kẻ được biết đến như Hayagreeva (trong tiếng Phạn có nghĩa là người đầu ngựa; haya: ngựa và greeva: đầu). Asura bị giết chết bởi một hóa thân của thần Vishnu, cũng có đặc điểm hình dạng tương tự của người đầu ngựa.

Sử thi Mahabharata đề cập đến Kinnara, không như những sinh vật đầu ngựa nhưng là những sinh vật nửa người nửa ngựa giống như quái vật đầu người mình ngựa Centaur trong thần thoại Hy Lạp. Mahabharata và chuyện cổ tích Ấn Độ mô tả vùng phía Bắc Himalaya như là nơi ở của những Kinnara. Vùng đất này cũng là nơi cư ngụ của bộ lạc Kamboja. Họ là những chiến binh có kỹ năng cưỡi ngựa và sử dụng ngựa chiến thiện nghệ. Một vài người trong số họ chuyên đi cướp bóc, xâm chiếm những ngôi làng định cư; để tấn công, đột kích họ buộc phải có một lực lượng kỵ binh thiện chiến. Thần thoại về Kinnara có lẽ đến từ những kỵ binh này. Thiên sử thi cũng ám chỉ chúng như là nhóm phụ của những Gandharva (Càn Thát Bà).

Ngọn núi Mandara (là những ngọn núi thấp của dãy Himalaya), ở vùng Himachal Pradesh được cho là nơi ở của những Kinnara. Đó là ngọn núi mây giăng khói phủ. Những đám mây bao phủ lên tất cả, quấn bện vào cỏ cây và ở đó, vô số những loài chim hót véo von, ngân nga những giai điệu du dương và muông thú chạy nhảy ở khắp nơi.

Cặp đôi Kinnara-Kinnari có những đặc tính được làm sáng tỏ trong phẩm Adi parva của Mahabharata như sau: Chúng là đôi tình nhân bất diệt, rất được yêu quý. Chúng không bao giờ tách rời nhau. Kinnara-Kinnari mãi là một cặp vợ chồng, nhưng không bao giờ trở thành bố thành mẹ: Không có một đứa trẻ nào được thể hiện bên cạnh chúng. Kinnara-Kinnari là một cặp tình nhân luôn yêu quý, ôm chặt nhau(1). Chúng không được phép sự yêu thương bất kỳ một sinh vật thứ ba nào, có phần tương đồng với uyên-ương, phượng-hoàng: biểu tượng nhất thể lưỡng tính phổ biến trong ngữ cảnh văn hóa Hán. Cuộc sống của Kinnara-Kinnari mãi là một sự hoan lạc. Chúng là biểu trưng cho tình yêu đích thực.

Khẩn Na La trong tín niệm Phật giáo

Kinnara (Pali: Kinnara) truyền sang khu vực thuộc ngữ cảnh văn hóa Hán được phiên âm là Khẩn Na La, còn gọi: Khẩn-nại-lạc, Khẩn-noa-la, Khẩn-đảm-lộ, Chân-đà-la. Hán dịch: Nghi thần, Nghi nhân, Nhân phi nhân, Ca thần, Ca nhạc thần, Âm nhạc thiên và được cắt nghĩasinh linh nửa giống người, nửa giống thần. Người không phải người. Ở núi Thập Bảo. Khẩn Na La là thần hộ pháp Phật giáo, một hạng chúng sanh có tài tấu nhạc, thường tấu nhạc liên quan đến giáo pháp. Khi các thiên thần cử hành pháp hội, Khẩn Na La thường đảm nhiệm công việc diễn tấu âm nhạc. Trong kinh điển thường thấy đạo tràng âm nhạc trang nghiêm là nơi Khẩn Na La diễn tấu(2).

Nguyên chỉ cho các vị thần trong thần thoại Ấn Độ, sau được Phật giáo dung nạp và xếp vào bộ thứ 7 trong Thiên long bát bộ thường theo hầu nghe giáo pháp một cách cung kính mỗi khi Phật giảng kinh Đại thừa.

Theo Hoa nghiêm kinh thám huyền ký 2, hình dáng của vị thần này giống như người, nhưng trên đỉnh đầu có 1 cái sừng: giống người mà không phải là người, giống thiên thần mà không phải là thiên thần, khiến mọi người cảm thấy hoang mang, nghi ngờ, nên ngài được gọi là Nghi thần. Trong tiếng Phạn, nguyên ngữ “Kim” có nghĩa là nghi vấn, và “nara” có nghĩa là người, nên Kimnara được dịch là Nghi nhân, Nghi thần. Vị thần này có thanh âm hay ca múa rất giỏi. Người đứng đầu Khẩn Na La chính là Khẩn Na La Vương.

Theo Hoa nghiêm kinh sớ 5, vị thần này là Nhạc thần chấp pháp của Thiên đế. Trong các kinh Đại thừa, tên vị thần này thường được kể trong số thính chúng nghe Phật nói pháp.

Hồi Đức Phật Thích Ca giảng kinh Diệu pháp liên hoa, có bốn vị vua Khẩn Na La đến chầu nghe pháp, dắt theo cả trăm ngàn quyến thuộc trong loài Khẩn Na La. Bốn vị vua ấy là: Pháp (Dharmadhara) Khẩn Na La vương, Diệu pháp (Sudharma) Khẩn Na La vương, Đại pháp (Mahadharma) Khẩn Na La vương, Trì pháp (Druma) Khẩn Na La vương(3). Lại nữa, trong 32 ứng thân Bồ-tát Quán Thế Âm thì ứng thân thứ 29 là Khẩn Na La.

Trong Mật giáo, vị thần này là quyến thuộc của Câu-tỳ-la. Trong bức vẽ Mạn-đồ-la của ngài Thiện Vô Úy thì vị thần này ngự ở lớp thứ 3 phía Bắc. Trong Hiện đồ Mạn-đồ-la, vị thần này ngự ở phía Bắc ngoại viện Kim Cang bộ, phía Bắc chúng Ma-hầu-la-già có 2 vị Khẩn Na La, hình tượng của hai vị này đều màu da người, 1 vị trên hai bắp vế có đặt cái trống nằm ngang, còn vị kia thì phía trước có để 2 cái trống đứng, cả 2 đều trong tư thế đang đánh trống(4).

Căn cứ vào ghi chép trong quyển 10 “Tuệ lâm âm nghĩa”: “Chân Đà La, cổ viết là Khẩn Na La, Âm Lạc Thiên, có giọng nói thánh thót, trong trẻo, có thể ca hát nhảy múa, nữ thường là vợ của Càn Đạt Bà Thiên(5).

Truyền thuyết về họ có rất nhiều và tuồng như bảo lưu thuộc tính Kinnara/Kinnari của thần thoại Ấn Độ như có 500 vị tiên vì nghe thấy tiếng hát của các cô gái Khẩn Na La đang tắm mà mất cả thiền định, trong lòng say mê rối loạn; lại có 500 vị tiên đang bay trên trời nghe tiếng hát của các cô gái Khẩn Na La là đều mê mẩn tâm thần mà lộn cổ xuống từ trời cao. Còn có thuyết nói Khẩn Na La biểu diễn tài nghệ trước Phật, khiến cho các đồ đệ Phật ở xung quanh đều hoa chân múa tay, mất hết uy nghi(6). Một trong những truyện cổ tích nổi tiếng phổ biến trong văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản, Triều TiênViệt Nam, được coi là phiên bản của một chuyện tình thủy chung giữa một thế nhân và nàng Kinnari là truyện Ngưu Lang - Chức Nữ, đối tượng chính của lễ Thất tịch (7-7 AL) - một lễ hội được coi là “lễ tình nhân” của vùng Viễn Đông. Đây là một truyện kể dân gian Trung Quốc, được giới nghiên cứu coi là dị bản của truyện Kinnari Manohara phổ biến ở các quốc gia Phật giáo Nam truyền Đông Nam Á.

Khẩn Na La trong các nền văn hóa Đông Nam Á

Ở Miến Điện (Myanmar), Kinnara được gọi là keinnaya hay kinnaya; con mái được gọi là keinnayi hay kinnayi. Tín đồ Phật giáo Miến Điện tin rằng ngoài 136 tiền kiếp của Đức Phậtđộng vật, có bốn tiền kiếp là Kinnara. Kinnari cũng là một trong 108 biểu tượng được thể hiện trên dấu chân Đức Phật. Trong mỹ thuật Miến Điện, Kinnari được mô tả kín đáo với phần che ngực. Bức tượng dùng làm phần thưởng của Học viện Myanmar dành cho những người chiến thắng là Kinnari. Cặp đôi Kinnara-Kinnari được xem là biểu tượng của dân tộc Karenni.

Ở Campuchia, Kinnara được biết trong ngôn ngữ Khmer như là kenar (Việt âm: kầy-no). Và con mái tương ứng là kinnari, thường được miêu tả phổ biến trong mỹ thuật và văn học Campuchia hơn là con đực. Chúng thường được thể hiện dưới dạng những bức tượng chống đỡ nơi cột trụ bên ngoài/ mặt tiền kiến trúc Angkor và hầu hết ở các kiến trúc Phật giáo, đặc biệt là các ngôi chính điện Preah Vihear và các tháp Chét-đây (chứa tro cốt chư Tăng hay tín đồ quá vãng). Chúng là biểu tượng của sắc đẹp và cũng là những vũ công khéo léo. Kinnari là nguyên mẫu trong tiết mục múa ba lê của hoàng gia Campuchia, xuất hiện như là nhóm tinh nghịch có một sức quyến rũ, lôi cuốn mạnh mẽ. Vở vũ kịch truyền thống robam kenar miêu tả những Kinnari nô đùa, vui chơi trên một ao sen cũng là vở diễn mà “nhân vật kenar” là vai chủ đạo.

Indonesia, hình ảnh cặp đôi Kinnara-Kinnari có thể được tìm thấy ở những điện thờ Borobudur, Mendut, Pawon, Sewu, Sari và Prambanan. Thông thường, chúng được miêu tả là những con chim đầu người hay con người với chi dưới là chim. Cặp đôi Kinnara-Kinnari thường được thể hiện là linh vật canh gác cây đời Kalpataru, và thỉnh thoảng được mô tả là đấng bảo hộ vại châu báu. Phù điêu cặp đôi Kinnara-Kinnari ở điện thờ Sari là duy nhất, miêu tả Kinnara như là thiên thần với đôi cánh chim gắn trên lưng, khá tương đồng với hình tượng phổ biến của các thiên thần.

Kinnari (thường được phát âm là Kinnaree) trong văn học Thái Lan(7) bắt nguồn từ Ấn Độ nhưng được sửa đổi/ thay đổi cho phù hợp với cách nghĩ của người Thái. Kinnari của Thái được thể hiện như là một người phụ nữ trẻ đẹp nửa người nửa thiên nga với đầu và thân mình của nữ giới, bên dưới phần eo thon là cơ thể, đuôi và chân thiên nga, mặc trang phục giống như các thiên thần. Kinnaree cũng có tay người và cánh của một thiên nga. Phần thân dưới tương tự chim và có thể bay lượn giữa thế giới của loài người và các thế giới thần bí khác. Kinnaree nổi tiếng với vũ đạo, giọng ca tuyệt vờihình dáng yêu kiều/ duyên dáng thường thấy trong điêu khắc, kiến trúc truyền thống và những bích họa trong các đền điện.

Với mũ miện, bộ mặt và thân mình của một devi, kinnari có chân, cánh, và cái đuôi duyên dáng của chim hong, một dạng của ngỗng thần hamsa. Cả kinnara trống và kinnari mái là những loài được tìm thấy ở cùng những vị trí giống như hong: phía trên cổng ra vào, như là tay đỡ hay hình chạm đầu mái, mái hiên gie ra của kiến trúc rầm chìa, dọc theo những xà ngang ở đỉnh nóc, cũng như những diềm trang trí. Kinnari là vũ công bán thần thường được thể hiện với bàn tay, cánh tay trong tư thế múa.

Con đực (đối ngẫu với con mái Kinnari) là Kinnon/ Kinna Norn/ Kinnanorn. Sinh vật này có phần thân trên của người và phần thân dưới của một ngỗng thần Hongsa.

Việt Nam, Kinnara/ Kinnari, ngoài các di tích Champa, còn thấy các nữ thiên thần đầu người mình chim (Kinnari) vừa múa hát vừa dâng hương hoa và các quả thiêng hầu Phật ở các đồ án trang trí thời Lý. Đó là hình chạm trên một khối đá thuộc thành phần kiến trúc đào được từ phế tích chùa Phật Tích và ở chùa Thái Lạc thời Trần(8).

Các đồ án tiên nữ đầu người mình có thể chia làm 3 loại dạng:

- Loại dạng thứ nhất là hoa văn chạm hình hai tiên nữ đầu người mình chim cùng dâng hoa chầu Phật trong khung hình lá đề. Hai tiên nữ ở đây trong một bố cục quay đầu vào nhau cùng dâng hoa cúng Phật. Cả hai đều đứng trên đài sen cao quý, một tay để trước ngực còn tay kia giơ cao nâng đỡ các chùm hoa dâng Phật hay trịnh trọng đưa cả hai tay đỡ một bình đựng hoa to. Đầu chúng mọc ra đôi cánh như cánh chim dang rộng với nhiều lớp lông trong tư thế sẵn sàng vỗ cánh bay. Đặc biệt, phía sau là chùm lông đuôi dài đang cuộn sóng uốn lượn bay ngược lên phía trên.

- Loại thứ hai chỉ thể hiện một tiên nữ đầu người mình chim dâng hoa, hoa một bông và các tiên nữ đứng trên mây. Đồ án đóng khung vuông bằng các hoa văn dấu phẩy. Loại đồ án này gồm có hai đôi. Mỗi đôi đều có hình tiên nữ quay mặt ngược chiều nhau và lúc để hai bên Phật điện, ta thấy các tiên nữ đều hướng vào giữa trung tâm của điện thờ.

- Loại thứ ba là loại thể hiện hình các tiên nữ đầu người mình chim hai tay dâng bình hoa to, cả hai cùng quay đầu về một phía như đang nối đuôi nhau trên đường bay về dâng hoa chầu Phật.

Nói chung, Khẩn Na Lavăn hóa Việt được xác tín như một loại chúng sinh có thuộc tính như tiên nữ và được hiểu như một dạng Ngọc Nữ dâng hoa... cúng Phật và trong văn học chưa nhận diện được một câu chuyện tình chung thủy đắm say của một người trần với nàng Kinnari như truyện Kinnari Manohara phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á, ngoài việc lưu hành truyện Ngưu Lang - Chức Nữ gốc từ Trung Quốc.

Câu chuyện về Kinnari Manohara

Câu chuyện tình Kinnari Manohara nổi tiếng được miêu tả khá đầy đủ ở các phù điêu của đền Borobudur (Indonesia)(9)đặc biệt phổ biến trong văn hóa Thái Lan, Campuchia... Truyện kể rằng:

“Thuở nọ, xứ Pancala được cai trị bởi hai vị vua một ở vùng đất phía Bắc và một cai trị phía Nam. Vùng đất phía Bắc hết sức thịnh vượng và trù phú một phần là do sự trị vì nhân từ và công minh của nhà vua. Thêm vào đó, hồ nước gần kinh thành có rắn naga Janmacitraka cư ngụ. Rắn đã tạo nên những trận mưa đều đặn.

Còn vương quốc phía Nam lại trái ngược hoàn toàn bởi sự trị vì vô cùng tàn ác và bất công; các vị thần nơi đây không hề lo lắng về việc có mưa hay hạn hán. Do đó, nhiều người dân nơi đây đã bỏ đi và đến định cư ở vùng đất phía Bắc.

Nhưng rồi một hôm nhà vua Nam Pancala cũng phải chú ý đến những làng mạc hoang vu và các điện thờ hoang phế khi ngài rời kinh thành đi săn bắn. Nhà vua đã gặng hỏi viên đại thần. Sau khi đã bẩm báo về lý do thiên tai, vị đại thần cầu xin sự tha tội, và đã nói ra sự thật: chính nhà vua bạo ác và bất công phần nào đã tạo nên tình trạng đổ nát của vương quốc.

Nhà vua hứa từ nay về sau sẽ cai trị công bình; và kế sách đầu tiên là, quốc vương tìm mọi cách để mang rắn naga Janmacitraka về xứ sở để rắn làm mưa. Và cách tốt nhất là bỏ bùa mê rắn naga. Do đó nhà vua ra lệnh cho bất kỳ kẻ nào mang rắn naga Janmacitraka đến miền Nam Pancala sẽ được ban thưởng một thúng vàng. Hấp dẫn bởi phần thưởng hậu hĩnh, một người bỏ bùa rắn đã xin thử sức. Sau khi nhìn quanh hồ nơi rắn naga Janmacitraka cư ngụ, người bỏ bùa mê rắn đã công khai tuyên bố là sẽ bắt lấy rắn naga trong vòng bảy ngày.

Khi Janmacitraka biết được điều gì đang diễn ra thì đã muộn: rắn naga không thể cưỡng lại bùa mêthần chú của người bỏ bùa mê rắn. Vì thế, rắn naga đã cầu xin sự giúp đỡ của người thợ săn Halaka, sống bên bờ hồ. Người thợ săn Halaka nấp ở gần hồ nước và bắn một mũi tên xuyên qua người bỏ bùa mê rắn ngay khi anh ta thả thứ bùa mê ma thuật xuống hồ. Điều này thực sự không tiêu trừ được tất cả hiệu lực của bùa mê. Cuối cùng, người thợ săn ép người bỏ bùa mê rắn bỏ đi hoàn toàn hiệu lực của thứ bùa mê này thì mọi việc kết thúc. Khi người bỏ bùa rắn chết, naga Janmacitrak trở dậy, ôm lấy vị cứu tinh và mời người thợ săn đến thăm cha mẹ mình. Họ tiếp đón Halaka nồng hậu và dâng cho người thợ săn nhiều tặng phẩm. Trên đường đi, Halaka dừng chân tại nơi ẩn dật của một đạo sĩ và đã kể cho vị đạo sĩ những gì diễn ra. Vị đạo sĩ khuyên Halaka thay vì xin ngọc ngà, châu báu hãy cầu xin họ sợi dây thòng lọng để bắt thú không bao giờ trượt của loài naga. Sau khi nhận lấy sợi dây, Halaka hân hoan trở về nhà.

Tiếp tục săn bắt, Halaka cuối cùng đi đến chân một ngọn núi, tại đây, người thợ săn gặp một vị đạo sĩ khác sống bên cạnh một cái hồ rộng lớn. Vị đạo sĩ kể cho Halaka rằng người con gái của Vua Kinnara Manohara, cùng với những người hầu gái thường đến tắm nơi hồ này. Một hôm, Halaka rình xem thì thấy những Kinnara trống và Kinnari mái, những sinh vật kỳ diệu thân chim đầu người, cất giọng hát du dương, êm ái như mật ngọt. Và chúng có khả năng biến đổi thành con người với một vẻ đẹp đến mức ai ai cũng phải sững sờ.

Halaka quyết thử sức bắt lấy Công chúa Kinnari và với sự hỗ trợ của sợi dây ma thuật. Người thợ săn đã thành công. Khi những người hầu khiếp sợ bay đi, Manohara đành phải quy phục số mệnh. Cô dâng cho người thợ săn viên ngọc chứa đựng toàn bộ quyền năng của mình.

Sau đó, đoàn người đi săn của thái tử vùng phía Bắc Pancala là Sudhana tiến lại gần hồ nghỉ ngơi và bày tiệc. Lo sợ với người tù nhân xinh đẹp, đáng yêu mà anh ta bắt giữ, Halaka nghĩ cách tốt hơn là tự nguyện dâng Manohara cho Thái tử Sudhana. Ngay khi Thái tử Sudhana nhìn thấy người con gái trẻ đẹp ấy, trái tim của chàng đã tràn ngập tình yêu thương. Và thế là, Sudhana và Manohara trở về cung điện Bắc Pancala. Cặp đôi trẻ này kết hôn và trải qua những ngày hạnh phúc bên nhau.

Một ngày nọ, có hai người Bà-la-môn xuất hiện trong thành phố. Một trong số họ trở thành cố vấn tinh thần hay purohita, trong khi người còn lại lại gắn bó với thái tử. Vị Bà-la-môn thứ hai đó đã cầu xin Sudhana hứa sẽ bổ nhiệm anh ta vào vị trí purohita khi thái tử lên ngôi. Khi vị purohita hiện thời của nhà vua nghe thấy điều đó, lo sợ mất đi chức vụ hiện tại khi Sudhana nối ngôi vua nên ông đã âm mưu tống khứ thái tử. Ông khuyên vua cha Sudhana giao cho thái tử một sứ mệnh nguy hiểm nhất - đàn áp cuộc phiến loạn mà nhà vua đã bảy lần gửi quân đi chinh chiến đều thất bại.

Trước khi lên đường, thái tử đến gặp mẹ - hoàng thái hậu. Sau khi đưa cho bà viên ngọc quý từ trán Manohara, thái tử cầu xin mẹ hãy chăm sóc giùm người vợ yêu quý của mình.

Khi thái tử ngồi dưới một cái cây, không xa vùng chiếm đóng của quân phiến loạn. Chàng bất ngờ nhận được sự trợ giúp từ đội quân yaksa do vua yaksa gửi đến dưới sự chỉ huy của tướng Pancika. Thái tử dễ dàng chế ngự đám quân phiến loạn và vội vàng chuẩn bị lên đường trở về.

Trong một đêm đó, nhà vua mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Nhà vua yêu cầu người Bà-la-môn giải nghĩa giấc mơ. Mặc dù purohita biết ý nghĩa tốt lành của giấc mơ là thái tử sẽ chiến thắng trở về, nhưng ông lại nói với nhà vua giấc mơ dự báo một tai họa và chỉ có thể ngăn ngừa bằng một lễ nghi hiến tế trọng thể và vật để tế thần phải là Kinnari. Nhà vua không biết là Manohara sẽ bị dùng làm vật hiến tế nên nhà vua đã chấp nhận.

Khi nghe mình trở thành vật tế thần, Manohara đến gặp hoàng thái hậucầu xin sự cứu vớt. Hoàng thái hậu không còn cách nào khác hơn là đưa trả Manohara viên ngọc quý để cô bay về trời. Để thái tử có thể tìm ra mình, Manohara bay đến chỗ vị đạo sĩ gần nơi mà cô bị bắt và trao cho ông chiếc nhẫn cùng lời dặn dò tỉ mỉ về con đường để đi đến vùng đất của những Kinnara.

Sau khi bày tỏ sự tôn kính đối với vua cha và giao nộp những châu báu lấy được từ quân địch, Sudhana vội vàng về cung điện để gặp người vợ yêu dấu Manohara. Cuối cùng, thái tử cũng biết được sự thật. Thái tử không thể sống mà thiếu đi người vợ yêu dấu, chàng cố tìm kiếm khắp nơi nhưng vô vọng. Sau đó, chàng chợt nghĩ ra và đến hỏi thăm Halaka cách mà người thợ săn đã gặp được Manohara. Halaka đã chỉ dẫn thái tử đến nơi ẩn dật của vị đạo sĩ nơi hồ nước. Vua cha Sudhana để ngăn ngừa thái tử bỏ trốn đã ra lệnh cho người canh gác kỹ các cửa thành của vương quốc. Nhưng thái tử vẫn trốn thoát để tìm đến nơi trú ngụ của vị đạo sĩ. Với sự trợ lực bởi những dấu hiệu trên chiếc nhẫn và đi theo con đường được chỉ dẫn, thái tử đến vương quốc của Kinnara sau một hành trình dài lâu.

Khi gần đến kinh đô của vương quốc Kinnara, thái tử thấy những kinnari đang lấy nước và nói là lấy nước về cho con gái nhà vua kinnara để gột rũ mùi người. Thái tử đã ném chiếc nhẫn vào một trong những bình nước. Nhìn thấy chiếc nhẫn, khi đang tắm Manohara đã hỏi người hầu nơi họ thấy những người đàn ông bên ngoài kinh thành.

Nhưng Sudhana đã bí mật lẻn vào cung điện. Còn Manohara thì đi đến gặp vua cha Druma để thông báo về Thái tử Sudhana. Nhà vua tức giận đe dọa sẽ chặt Thái tử Sudhana ra từng mảnh, nhưng tức khắc ông trở nên thân thiện khi nhận thấy sự hòa nhã, tử tế của chàng. Tuy nhiên, ông vẫn quyết đưa ra những thử thách khả năng và trí thông minh của thái tử.

Trong cuộc thi bắn cung, thái tử chiến thắng vẻ vang với tài nghệ bắn cung thần sầu của mình.

Tiếp đó, thái tử buộc phải tìm ra người vợ yêu quý từ những Kinnara giống hệt Công chúa Manohara. Điều này thật vô ích, thái tử nhanh chóng tìm thấy Manohara.

Họ trải qua những ngày vui vẻ, thú vị tại cung điện của nhà vua Druma. Sau một thời gian, thái tử bắt đầu nhớ về quê hương mình, được sự ưng thuận của bố vợ, họ cáo biệt trở về lại Pancala.

Thái tử Sudhana lên ngôi vua và sống hạnh phúc cùng Manohara và trị vì bằng tất cả lòng nhân hậu và đức hạnh vì nhà vua hiểu rằng con người có được hạnh phúc là do phước đức đã tạo từ kiếp trước”.

Nói chung, giống như truyện Ngưu Lang - Chức Nữ, truyện Kinnari Manoharatác phẩm văn học mỹ lệ, chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng văn học nhiều nước Đông Nam Á. Ở Indonesia, truyện lưu hành bằng con đường truyền khẩu lẫn sáng tác văn học thành văn và được tạo thành phù điêu trên đá ở đền Borobudur như đã nói trên.

Ở Campuchia, chuyện này có tên là Preah Sothon-Niêng Keo Mnôria(10). Còn ở Thái Lan, nhân vật Kinnari được biết đến với tên gọi là Manora, gốc từ Manohara trong tác phẩm Pali có tên là Pannas Jataka (do một cao tăng Phật giáo ở Chiang Mai viết vào khoảng năm 1450-1470) kể về câu chuyện tình của Hoàng tử Sudhana và nàng Manora. Pannas Jataka là một tuyển tập gồm 50 truyện tiền kiếp của Đức Phật, được các tín đồ coi là thuộc kinh Bản sanh (Jataka). Câu chuyện này cũng đã sản sinh ra điệu múa Manorah Buchayan, một điệu múa bí truyền, có trình độ nghệ thuật vũ đạo cao cấp và cũng trở thành vở vũ kịch Norah phổ biến ở miền Nam Thái Lan. Việc phổ truyền của truyện trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn như vậy thấy ở nhiều nước Đông Nam Á. Nói cách khác, từ một truyện tiền kiếp của Đức Phật, câu chuyện đã trở thành sáng tác mỹ lệ trong văn học-nghệ thuật các quốc gia Đông Nam Á.

 Chú thích

(1) Xem: - Love stories from the Mahabharata. Pradip Bhattacharya. Ghosh, Subodh dịch, 2005.

 - Mahabharata của Krishna Dwaipayana Vyasa, bản tiếng Anh dịch bởi Kisari Mohan Ganguli.

(2) (4) Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, Thích Minh Cảnh chủ biên.

(3) Theo Phật học từ điển, Đoàn Trung Còn, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2011.

(5) Theo Chân ngôn thần chú Mật tông, Thích Minh Tông, Nxb. Hồng Đức , 2012.

(6) Theo Từ điển Nho, Phật, Đạo; Lão Tử, Thịnh Lê (chủ biên); Nxb.Văn Học, 2001.

(7) Theo Buddhist sculpture of northern Thailand, Carol Stratton, Buppha xb., 2004.

(8) Theo Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Nguyễn Du Chi, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội - Viện Mỹ Thuật, Nxb. Mỹ Thuật, 2003.

(9) Theo The story of prince Sudhana and the Kinnari Manohara xuất hiện trong Divyavadana, câu chuyện dựa trên bản dịch của N. J. Krom được thể hiệndi tích khảo cổ học vùng Borobudur.

(10) Xem Étude sur les rites agraires des Cambodgiens, Eveline Porée-Maspero, Mouton & Co La Haye, Paris, tr. 657-659.

Huỳnh Thanh Bình

Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
(View: 68)
Tin nhân quả làm chúng ta an tâm. Sự hợp lý, trật tự, ý nghĩa của một cuộc đời là do nhận thức được và sống theo nhân quả.
(View: 110)
Không có một chỗ nào để trụ trong giáo pháp Trung đạo. Tâm không có chỗ trụ thì không tự giải quyết được gì vì không có nơi để tập trung, nắm níu.
(View: 172)
Bài giảng hôm nay nói về luật Nghiệp Báo. Nhiều người không sinh ra trong gia đình Phật Giáo, nhưng đã tìm học về Phật Giáo nhờ nghe luật Nghiệp Báo;
(View: 177)
Kamma, Nghiệp, theo đúng nghĩa của danh từ, là hành động, hay việc làm. Định nghĩa cùng tột của Nghiệp là Tác ý (cetana).
(View: 226)
Đối với quỷ sứ, cung trời là địa ngục còn địa ngục là thiên đàng. Đối với thiên thần, cung trời là thiên đàng còn địa ngục là địa ngục.
(View: 276)
Lý Duyên Khởi hay còn gọi là Định luật Nhân Quả là một nội dung quan trọng bậc nhất trong giáo pháp mà Đức Phật thuyết giảng.
(View: 236)
Là người sống ở thế gian, có ai tránh khỏi một đôi lần gặp bất trắc, tai ương lớn hay nhỏ.
(View: 256)
Hễ nói đến Giáo pháp của đức Phật, chúng takhông thể không nói đến pháp Duyên khởi hay nguyên lý Duyên khởi (Pratìtyasamutpàsa).
(View: 339)
Trong giáo lý của Đức Phật về duyên khởi(Paticca-samuppāda), vòng luân hồi của sinh tử, gọi là samsara, được mô tả như một quá trình
(View: 445)
Bài giảng hôm nay nói về luật Nghiệp Báo. Nhiều người không sinh ra trong gia đình Phật Giáo, nhưng đã tìm học về Phật Giáo nhờ nghe luật Nghiệp Báo;
(View: 307)
Ở đời có người quan niệm rằng, mình sống làm người, sau khi chết mình cũng sẽ tái sinh làm người ở một cõi nào đó, thậm chí có người còn nghĩ mình về sống dưới suối vàng.
(View: 399)
Từ vô ngã bùng nổ thành ngã, và rồi từ ngã bùng nổ giác ngộ trở về lại vô ngã. Cái “big bang Phật Giáo” này xảy ra trong từng sátna.
(View: 524)
Trong nhận thức của quốc vương Koravya, cũng như nhận thức của nhiều người, một người từ bỏ cuộc sống...
(View: 501)
Trong bài này sẽ nói về năm pháp: danh, tướng, phân biệt, chánh trí, như như, từ Kinh Nhập Lăng Già (Đại chánh tân tu Đại tạng kinh,
(View: 590)
Hổm nay chúng ta đã tìm hiểu bài Đại kinh Rừng Sừng Bò, sáu vị thánh nhân trình bày hình ảnh lý tưởng của vị tỳ kheo trí tuệđức hạnh,
(View: 494)
Các học giả tranh luận liệu những lời dạy của Đức Phật được lưu giữ trong kinh điển Pāli có thể được coi là triết học hay không,
(View: 774)
Ở đời không ai mong cầu giải thoát khi đang ở trong lầu son hạnh phúc. Người ta chỉ muốn được giải thoát khi bị nhốt trong hoàn cảnh bi đát nào đó.
(View: 588)
Chúng sinh tuy bình đẳng nhưng căn tính bất đồng. Bình đẳng trên chân lý không phải là mọi người ngang hàng bằng nhau.
(View: 596)
Đạo Phật là đạo giác ngộ, có nguồn gốc từ Ấn Độ, do Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhārtha Gautama) hình thành và sáng lập.
(View: 548)
Hồi đó, khi Đức Phật cùng với Tăng đoàn du hóa tại nước Xá-vệ thì có rất nhiều người trẻ đã phát tâm đi tu. Tôn giả A-nan được giao trách nhiệm...
(View: 694)
Trí Tuệ Bát Nhã, thần thông quảng đại, nhận thức được thực tướng của vạn Pháp. Trí Tuệ (wisdom) bao gồm cả kiến thức bác học, kiến giác, chứng nghiệm, tâm lý, tâm linh...
(View: 625)
Tôi xin dùng lý luận khoa học cùng triết lý nhân văn để giải thích những điều tâm linh của Phật Giáo.
(View: 989)
Hình ảnh Thầy Minh Tuệ xuất hiện trên các mạng xã hội y hệt như một trận bão truyền thông, làm dâng tràn những cảm xúcsuy tưởng.
(View: 645)
Hôm nay chúng ta bắt đầu nghiên cứu chương thứ hai, bàn về những sự thực hành kham khổ, tức là các phương pháp đầu đà.
(View: 667)
Như Lai được định nghĩa trực tiếp ba lần trong Kinh Kim Cương bát nhã ba la mật. Ba lần ấy được nói đến theo thứ tự như sau:
(View: 756)
Kinh Lăng-già tên gọi đầy đủ là Thể Nhập Chánh PhápLăng-già, cuối chương १० सगाथकम्। (10-sagāthakam), biên tập bởi Nanjō Bunyū 南條文雄 (laṅkāvatāra sūtra, kyoto, 1923)
(View: 903)
Bước đầu tiên để bước vào con đường Phật giáoquy y Tam Bảo, và viên ngọc đầu tiên trong ba viên ngọc mà chúng ta tiếp cận để quy yĐức Phật, Đấng Giác Ngộ.
(View: 796)
Đạo Phật là đạo của bi trí dũng. Đạo của trí tuệ, của chánh biến tri, và chánh tri kiến chứ không phải không thấy mà tin tưởng mù quáng.
(View: 695)
Phân biệt phước đức và công đứccần thiết cho việc học và hành đạo Phật.
(View: 734)
Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời.
(View: 734)
Cuộc đời và công việc của Bồ tát được nói trong phần cuối đoạn Đồng tử Thiện Tài gặp đức Di Lặc.
(View: 839)
Trong khi các tín ngưỡng về nghiệp và tái sinhphổ biến vào thời của Đức Phật,
(View: 1003)
Đây là ba phạm trù nghĩa lý đặc trưng để bảo chứng nhận diện ra những lời dạy của đức Đạo sư một cách chính xác mà không
(View: 1022)
Đi vào Pháp giới Hoa nghiêmđi vào bằng bồ đề tâm thanh tịnh và được cụ thể hóa bằng nguyện và hạnh.
(View: 757)
Nhị đế là từ được qui kết từ các Thánh đế (āryasatayā) qua nhân quả Khổ-Tập gọi là Tục đế
(View: 838)
Quí vị không giữ giới luật có thể không làm hại người khác, nhưng thương tổn tự tánh cuả chính mình.
(View: 919)
Lầu các của Đức Di Lặc tượng trưng cho toàn bộ pháp giới của Phật Tỳ Lô Giá Na; lầu các ấy có tên là Tỳ Lô Giá Na Đại Trang Nghiêm.
(View: 1111)
Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,)
(View: 899)
Tín ngưỡng Dược Sư với đại diệnthế giới Lưu ly nằm ở phương Đông mà nó tương tự với các cõi Tịnh độ khác, đều dùng việc
(View: 998)
Hai câu hỏi hiện lên trong đầu tôi khi nghĩ về giáo lý vô thường liên quan đến cuộc đời tôi.
(View: 1197)
Lôgic học là một ngành học có mục đích xác định các quy tắc vận hành của tư duy để tìm kiếm sự thực.
(View: 1056)
Trong quá trình hình thành và phát triển xã hội, con người luôn khát khao tìm cầu hạnh phúc, thỏa mãn nhu cầu về vật chấttinh thần.
(View: 1072)
Tuệ là trí tuệ tức cái biết, thức là nhận thức cũng là cái biết. Cả hai đều là cái biết nhưng có đặc điểm khác nhau.
(View: 1213)
Khái niệm Niết-bàn vốn thành hình cách đây hơn 2500 năm. Các học giả và các triết gia khác nhau
(View: 1378)
Ở trên là hai câu đầu trong bài kệ Lục Tổ Huệ Năng khai thị nhân bài kệ của thiền sư Ngọa Luân. Câu chuyện được thuật lại trong Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Cơ Duyên thứ 7.
(View: 1567)
Chữ “Tăng đoàn” là một thuật ngữ tiếng Phạn, có nghĩa là “cộng đồng” và được sử dụng chủ yếu để chỉ những tín đồ đã xuất gia của Đức Phật,
(View: 1526)
Tóm tắt: Phật giáotôn giáo được biết đến như một hệ thống triết học mang đậm chất tư duy, trí tuệ cùng giá trị đạo đức cao.
(View: 1394)
Mỗi người hiểu về nghiệp theo mỗi kiểu khác nhau tùy vào nhận thức và trải nghiệm bản thân, nhưng phần lớn vẫn chịu ảnh hưởng của cách hiểu trong dân gian về khái niệm của từ này.
(View: 1272)
Từ ngàn xưa cho đến thời điểm xã hội phát triển mạnh mẽ về mọi mặt như hiện nay, mặc dù nền văn minh có bước tiến bộ vượt bậc
(View: 1268)
iáo lý Duyên khởi được xem như chiếc chìa khóa mở ra kho tàng pháp bảo Phật giáo, vì có thể giải quyết những vấn đề của khổ đau, cả sự sanh ra hay chết đi của con người.
(View: 1270)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh tập thứ 14. Kinh văn số 550 gồm 12 quyển. Chữ Hán từ trang 865 đến trang 894, gồm tất cả 29 trang.
(View: 1419)
Những nhu cầu của con người sinh học thì giản dị, khi đói chỉ mong được ăn, khi khát mong được uống, khi mệt mong được nằm,
(View: 1368)
Khi thân thể tiều tụy chỉ còn da bọc xương, những khổ thọ chết người đều đã trải qua,
(View: 1598)
Trong quá trình thuyết giáo của đức Phật, những lời dạy của Ngài không được lưu giữ dưới dạng văn bản chữ viết
(View: 1255)
Nhân ngày húy nhật của Hòa thượng Thích Trí Thủ, một trong những vị tông sư hoằng truyền luật học Phật giáo thời cận đại,
(View: 1171)
Hành giả tu hành muốn mau đạt đến kết quả như mình mong muốn thì, điều kiện tiên quyết trước hết là chúng ta cần phải chọn lựa pháp môn nào cho thích hợp với căn cơ của mình
(View: 1293)
Trọng tâm của triết học Phật giáohọc thuyết nổi tiếng về tính không - rằng tất cả chúng sinhhiện tượng đều trống rỗng về bản chất hay bản chất cố hữu.
(View: 1492)
Vô phân biệt được nói đến nhiều lần trong Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant