Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Phần 1

20 Tháng Mười Một 201300:00(Xem: 2926)
Phần 1


Du Tăng Cầu Pháp


Thích Hằng Ðạt

---o0o---


du_tang_cau_phap


 Phần 1


A. Châu Sĩ Hành, sa môn người Trung Hoa đầu tiên qua Tây Vức cầu pháp.


 Thầy là người huyện Hứa Xương, tỉnh Hà Nam, xuất sanh khoảng khoảng giữa cuối đời Ðông Hán và Tam Quốc. Tánh khí đoan nghiêm chất trực. Dẫu gặp cảnh vui buồn cũng không làm xao động tâm. Từ nhỏ đã có bẩm chất thông minh đảnh ngộ, và có tư cách cùng suy tưởng thoát tục. Ngụy Cao Quý, niên hiệu Cam Lồ thứ hai (257), Thầy xuất gia. Sau khi xuất gia, Thầy tự nhận lấy trọng trách hoằng dương Phật pháp, và thường nghiên cứu kinh điển không mỏi mệt.

Kinh Ðạo Hạnh do ngài Trúc Sóc Phật khẩu truyền tụng, rồi ngài Chi Sấm phiên dịch ra tiếng Hán. Song, vì có rất nhiều lời trích dẫn, nên rất khó hiểu nghĩa lý của kinh, cùng thông đạt ý nghĩa. Ở Lạc Dương, những khi nghe ngài Trúc Sóc Phật giảng kinh Ðạo Hạnh, Thầy cảm thấy chưa có thể thông đạt nghĩa lý, nên than:

- Ðây là bộ kinh thuộc hệ giáo đại thừa. Song, về phần phiên dịch, ý nghĩa hoàn toàn chưa thông đạt. Thật là tiếc nuối.

Thầy vốn là người Tàu đầu tiên khẳng định sự trọng yếu của kinh Bát Nhã.

Ðối với sự khẩu truyền dịch kinh Ðạo Hạnh của ngài Trúc Sóc Phật, trong bài tựa của bộ kinh này, ngài Ðạo An có viết: "Phật dạy rằng sau khi Ta nhập Niết Bàn, cao sĩ nước ngoài, sao chép kinh Chín Mươi Chương thành Phẩm Ðạo Hạnh. Vào đời Hoàn Ðế và Linh Ðế, Trúc Sóc Phật mang bộ kinh này qua kinh sư, dịch thành Hán văn. Vì muốn dịch thuận theo ý chỉ, nên chỉ chuyển âm mà thôi, hầu mong cung thuận thánh ngôn, chớ không gia nhuận sắc. Song, khi kinh đã được dịch sao toát yếu thành chương chỉ, nhưng âm tự ngôn từ lại khác với thế tục. Người dịch lại khẩu truyền. Người xem tự chẳng thấu đạt, thì sao hiểu được bổn ý của kinh? Vì vậy, kinh này dần dần ẩn tuyệt. Luận của cổ hiền, dần dần ngưng trệ..."

Nếu y cứ theo trên thì chín mươi chương của Phẩm Ðạo Hạnh do sao lược mà thành. Ngài Trúc Sóc Phật đem sang kinh sư, rồi lại phiên dịch. Song, kinh này do sao chép toát lược hợp thành đoạn chương; dịch giả cùng vị khẩu truyền, chưa thông đạt ngôn ngữ tập tục của dị quốc (nước), nên khiến người nghiên cứu khó mà hiểu rõ ý nghĩa chỉ thú. Do đó, kinh Ðạo Hạnh bị mai một ẩn mất. Dẫu có các bậc hiền giả gia công luận bàn, giảng giải kinh này, nhưng người nghe cũng chưa đạt đến nơi chí để. Thiết tưởng, Châu Sĩ Hành khi đọc qua kinh này, khổ nơi nghĩa lý uẩn khúc, nên mới than phiền bằng những lời trên.

Do đó, vì cầu Ðại Phẩm (trong quyển Cao Tăng truyện thứ tư viết là Ðại Bổn), vào đời Tào Ngụy, niên hiệu Cam Lồ thứ năm (260), từ Ung Châu (bao hàm toàn vùng Xiểm Tây, Cam Túc), Thầy khởi hành sang Tây Vức. Trải qua bao gian nan hiểm trở, Thầy vượt Cam Túc, tới Ðôn Hoàng, sang Nam Ðạo ở Tây Vức, vượt sông Lưu Sa, thẳng đến Vu Ðiền (hiện nay là Hòa Ðiền của tỉnh Tân Cương). Tại nước Vu Ðiền, Thầy sao chép kinh Ðại Phẩm, Chín Mươi Chương cả sáu trăm ngàn chữ Phạn. Sau khi được bổn văn Ðại Phẩm Chín Mươi Chương, kinh Bát Nhã, v.v... Thầy sai mười đệ tử như Phất Như Ðàn (Punyadharma),v.v... mang kinh này trở về Lạc Dương. Theo quyển 'Tam Tạng Ký Tập' thứ hai, viết:" Kinh Phóng Quang Minh, hai mươi quyển. Tấn Nguyên Khương nguyên niên (291), vào rằm tháng năm, tìm thấy quyển Chín Mươi Phẩm, được gọi là Cựu Tiểu Phẩm. Cả một bộ có hai mươi quyển. Thời Ngụy Cao Quý, niên hiệu Cam Lộ thứ năm (260), sa môn Châu Sĩ Hành đến nước Vu Ðiền, sao chép bổn văn chánh phẩm bằng tiếng Phạn bộ kinh Mười Chín Chương. Ðến đời Tấn Võ Ðế, đầu niên hiệu Nguyên Khang, quyển kinh này được phiên dịch tại chùa Thủy Nam ở Sang Viên, huyện Trần Lưu Giới (tức huyện Ðông Lưu ở Hàn Nam)."

Y cứ theo trên thì Châu Sĩ Hành mang trở về Lạc Dương chánh phẩm Phạn văn là "Mười Chín Chương", mà ngài Ðạo An lầm ghi trong bài tựa của kinh Ðạo Hạnh là "Chín Mươi Chương". Ðến đời Tấn Nguyên Khang nguyên niên (291), vào ngày rằm tháng năm, ngài Vô Xoa La Vu dịch ra tiếng Tàu. Châu Sĩ Hành sao chép bổn văn "Ðại Phẩm Chín Mươi Chương", tức gọi là kinh Phóng Quang.

Theo truyện ghi thì lúc Châu Sĩ Hành muốn đem kinh Phóng Quang trở về đất Tàu, thì bị người khác cản trở. Ðuơng thời, Phất Như Ðàn định xuất phát mang kinh này về Tàu, thì Phật tử người Vu Ðiền tu theo phái tiểu thừa liền ra mặt ngăn cản. Họ thưa với quốc vương:

- Sa môn đất Tàu, đem kinh thư của bà la môn, muốn làm hoặc loạn chánh điển. Nếu nhà vua cho phép họ mang kinh thư này ra khỏi nước, thì đại pháp sẽ bị tận diệt. Ðấy chính là tội của nhà vua!

Họ cho rằng kinh Phóng Quang Minh vốn là kinh điển của ngoại đạo. Tin lời tấu truyền này, quốc vuơng không chuẩn y cho Phất Như Ðàn mang kinh ra khỏi nước. Nghe việc này, Châu Sĩ Hành rất bực tức, bèn đưa ra lời đề nghị là đốt kinh để cầu chứng minh chân ngụy tà chánh. Ðược quốc vương chấp thuận, Châu Sĩ Hành nổi lửa trong một điện đình nhỏ. Lúc đang đốt, Châu Sĩ Hành khấn nguyện:

- Ðại pháp nếu như được lưu bố trên đất Tàu, thì xin kinh này chớ bị cháy!

Khấn nguyện xong, Châu Sĩ Hành đem bộ kinh này đặt vào trong lò lửa. Khi ấy, điềm kỳ dị xuất hiện. Lửa trong lò vụt cháy rất mau rồi tắt lịm. Kinh văn vẫn còn y nguyên như cũ, chẳng mất đi chữ nào. Ðại chúng đều thán phục oai linh thần dị cảm ứng. Từ đó, không còn ai dám ngăn trở việc đem kinh ra khỏi nước. Cuối cùng, bộ kinh này được Phất Như Ðàn mang về Lạc Dương. Ba năm sau, Phất Như Ðàn qua Hứa Xương (phía đông huyện Hứa Xương ở Hà Nam), rồi lưu lại đó hai năm. Kế đến lại đến chùa Thủy Nam ở Sang Viên, thuộc vùng trần Lưu Giới (huyện Ðông Lưu ở Hà Nam). Nơi đó bộ kinh này được phiên dịch.

Vào ngày rằm tháng năm, đời Tấn Võ Ðế, niên hiệu Nguyên Khang (291), nhiều học giả vân tập luận nghị, phiên dịch thành tiếng Tàu. Ðương thời, sa môn nước Vu Ðiền là Vô Xoa La (Moksara) chấp trì tiếng Phạn. Cư sĩ Trúc Thúc Lan (vốn là người Thiên Trúc, theo cha sang đất Tàu lánh nạn) ở Hà Nam khẩu dịch. Người biên chép là Chúc Thái Huyền và Chu Huyền Minh. Bản kinh Chín Mươi Chương, tiếng Phạn có đến 207621 câu. Vào ngày hai mươi bốn tháng chạp năm đó thì dịch hoàn tất. Rằm tháng mười một niên hiệu Thái An năm thứ hai (303), sa môn Trúc Pháp Tịch đến chùa Thủy Nam, viết lại bổn kinh và nghiên cứu năm bộ vừa dịch và bản tiếng Phạn. Cư sĩ Trúc Thúc Lan cùng đồng kiểm duyệt, đến mồng hai tháng tư niên hiệu Vĩnh An nguyên niên (304) thì hoàn tất. Trúc Pháp TịchTrúc Thúc Lan giải định bổn văn, thành tiêu chuẩn căn bổn cho kinh Phóng Quang Minh đời sau. Vào thời Ðông Tấn, bộ kinh này được phổ biến khắp nơi, và có rất nhiều người tích cực nghiên cứu.

Thầy Châu Sĩ Hành thị tịch vào năm tám mươi tuổi tại nước Vu Ðiền. Y theo pháp thức trà tỳ ở phương tây. Khi đốt, giàn hỏa đã cháy rụi, nhưng thi thể vẫn còn nguyên. Vị tăng trưởng lão thấy vậy, bèn xướng bảo:

- Nếu chân thật đã đắc đạo thì di thể phải tan hoại.

Nói vừa dứt lời thì thi thể bèn tan ra tro. Tăng chúng liền nhặt lấy xá lợi để vào trong tháp mà thờ. Ðệ tử của Thầy là Pháp-ích trở về Ðông Ðộ, rồi đem việc này kể lại cho tăng chúng nghe.

Quyển kinh Ðạo Hạnh do ngài Trúc Sóc Phật dịch hoàn toàn khác với quyển kinh Phóng Quang Minh Bát Nhã. Theo quyển Khai Nguyên Thích Giáo Lục thứ mười viết: "Kinh Ðạo Hạnh (1 quyển), do sa môn Trúc Sóc Phật đời Hậu Hán phiên dịch."

Y cứ theo lời chú giải của ngài Ðạo An thì quyển kinh Ðạo Hạnh này vốn là bản sao lược của kinh Bát Nhã, do các vị cao minh người Tây Vức soạn. Theo Tam Tạng Ký Tập của ngài Ðạo An viết: "Ngoại quốc cao sĩ sao chép Ðại Phẩm Chín Mươi Chương, đó là Ðạo Hạnh Phẩm."

Quyển kinh Ðạo Hạnh do Trúc Sóc Phật dịch, danh tuy gọi là Ðạo Hạnh, mà ngài Chi Sấm dịch là kinh Ðạo Hạnh Bát Nhã Ba La Mật (10 quyển); Chi Khiêm dịch là kinh Ðại Minh Ðộ Vô Cực (4); ngài Khương Tăng Hội dịch là Ngô Phẩm (10 quyển); ngài Trúc Pháp Hộ dịch là kinh Tân Ðạo Hạnh; ngài Kỳ Ða Mật dịch là kinh Ðại Trí Ðộ (4 quyển); ngài Ðàm Ma Bi cùng với ngài Trúc Phật Niệm dịch là kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật sao; ngài Cưu Ma La Thập dịch là kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật (10 quyển); ngài Huyền Trang dịch là kinh Ðại Bát Nhã Ðệ Tứ Hội. Tất cả đồng đồng bản chính mà dịch có khác.

Bản chính do đệ tử của Châu Sĩ Hành mang về, được dịch là kinh Phóng Quang Minh Bát Nhã Ba La Mật (20 quyển); quyển này, ngài Trúc Pháp Hộ dịch là kinh Quang Tán Bát Nhã Ba La Mật (15 quyển); ngài Cưu Ma La Thập dịch là kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (40 quyển); ngài Huyền Trang dịch là kinh Ðại Bát Nhã Ðệ Nhị Hội. Tất cả đều đồng nguyên bản mà dịch thì có khác.

 B. Vu Pháp Lan.
 
Thầy là người Cao Dương, xuất sanh vào đời Ðông Tấn Mục Ðế (345-361); mười lăm tuổi xuất gia, tinh tường nghiên cứu kinh điển, thường đi cầu pháp hỏi đạo. Bấy giờ, Phật pháp chưa được hưng thịnh, và kinh điển còn nhiều chỗ khiếm khuyết sai lầm. Do ý nguyện "sáng nghe kinh viên giáo, tối chết cũng cam", nên Thầy định qua Tây Vực để cầu pháp. Song, vừa sang Giao Châu thì Thầy nhiễm bịnh và tịch tại Tượng Lâm (tức Chiêm Thành).

 C. Pháp Hiển.
 
Ngài tục tánh là Cung, người Võ Dương ở Bình Dương vào đời Ðông Tấn. Ngài vốn có ba người anh, nhưng đều qua đời vào lúc còn bé. Người cha sợ rằng sẽ gặp điều chẳng may nữa, nên cho Ngài vào chùa viện xuất gia lúc ba tuổi, trở thành chú tiểu. Xuất gia xong, lại trở về nhà ở. Vài năm sau, Ngài bị trọng bịnh, không ai có thể cứu chữa nổi. Người cha không còn cách nào, bèn đem Ngài trở lại chùa. Trú tại chùa qua hai đêm, bịnh tình của Ngài từ từ bình phục. Từ đó, Ngài luôn ở chùa viện, chứ không còn trở về nhà. Tuy song thân rất nhớ nhung, nhưng họ lại sợ rằng nếu Ngài trở về nhà nữa thì sẽ gặp tai họa. Vì vậy, họ bèn cho xây một am miếu nhỏ kế bên nhà, làm phương tiện để Ngài có thể trở về nhà trú ở.

Năm mười tuổi, người cha qua đời. Người chú thấy bà mẹ của Ngài cô đon, phải cần có người sống bên cạnh, nên ép bức Ngài hoàn tục. Ngài bảo:

- Lý do xuất gia vốn chẳng phải vì người cha, thì cớ sao cha mất lại phải hoàn tục? Tôi vì xa rời thế tụcxuất gia làm sa di.

Nghe lời này, người chú không còn ép bức Ngài hoàn tục nữa. Chẳng bao lâu, người mẹ lại qua đời. Ngài bèn trở về nhà lo tang chế. Sau kỳ hạn thủ hiếu, Ngài liền trở lại chùa tiếp tục tu hành.

Lần nọ, Ngài đương cắt lúa ngoài ruộng với vài mươi đồng học. Một đám ăn cướp nghèo đói kéo đến giựt lấy thóc mạ. Những sư huynh đệ thấy bọn cướp hung dữ, bèn bỏ công việc mà chạy mất, chỉ còn lại một mình Ngài an nhiên bất động, oai nghi điềm đạm, từ tốn bảo bọn cướp:

- Các vị ỷ có nhiều người mà đến cướp bóc. Song, các vị phải tự biết rằng hiện tại làm du côn ăn cướp, nên cuộc sống phải khốn cùng. Ðó là quả báoxưa kia các vị không chịu bố thí cho người khác. Bây giờ, các vị lại đến đây cướp giựt tài vật của người, thì e rằng đời sau các vị lại càng bị nghèo cùng túng quẩn hơn nữa.

Nói xong, Ngài chẳng sợ sệt bỏ đi. Bọn ăn cướp nghe lời chí lý, khiến cảm thấy hổ thẹn, nên đồng bỏ đi mà không lấy một bao lúa nào. Biết được việc này, trong chùa cả trăm tăng chúng đều thán phục kiến thứcdũng khí của Ngài.

Thọ đại giới tỳ kheo xong, hành vi ý chí cang cường, trí huệ mẫn tiệp, dung mạo chỉnh tề, quy củ đến đi nghiêm túc. Mỗi lần thấy kinh luật khiếm khuyết, tâm Ngài chột dạ đau xót, nên phát tâm sang Thiên Trúc tầm cầu kinh luật.

Ðời Ðông Tấn, niên hiệu Long An thứ ba (399), ngài Pháp Hiển cùng với Huệ Cảnh, Huệ Ngôi, Ðạo Chỉnh, v.v... xuất phát từ Trường An. (Huệ Ngôi vốn cư trú tại chùa Trường An Ðại Tự, nghiêm thủ giới luật, thường lên sơn cốc tu thiền định. Nhiều lần ma quỷ, thiên nữ đến quấy phá mà tâm Thầy vẫn không lay động.)

Dưới đây là lời tự thuật của ngài Pháp Hiển về cuộc hành trình sang Thiên Trúc cầu kinh điển.

 Ðông Tùy Sa Môn Pháp Hiển Tự Ký Du Tây Thiên Sự.
 
 Chương I. Từ Trường An đến Sa Mạc cát đá (Sandy desert).
 
Pháp Hiển xưa ở tại Trường An [1]. Buồn thương vì luật tạng khiếm khuyết, và muốn đạt được sở nguyện, nên vào năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hoằng Thủy [2] cùng Huệ Cảnh, Ðạo Chỉnh, Huệ Ứng, Huệ Ngôi [3] v.v... đồng khế ước qua Thiên Trúc, tầm cầu Luật Tạng [4].

Ðầu tiên chúng tôi phát khởi tại Trường An, rồi vượt thung lũng Lung [5], đến nước Càn Quy [6]; an cư kiết hạ [7] tại đó. Kiết hạ xong, chúng tôi tiếp tục đi đến nước Nậu Ðàn [8], băng qua núi Dương Lâu và tới trấn Trường Dịch [9]. Trường Dịch đại loạn, đạo lộ không thông. Song, vua nước Trường Dịch ân cần lưu giữ chúng tôi lại và làm đàn việt [10]. Nơi đó, chúng tôi vui mừng gặp được các thầy đồng chí hướng qua Thiên Trúc thỉnh kinh như Trí Nghiêm, Huệ Giản, Tăng Thiệu, Bảo Vân, Tăng Cảnh [11] v.v... Nhân tiện chúng tôi đồng an cư kiết hạ [12] tại đó. Kiết hạ xong, lại đi tới Ðôn Hoàng [13] tức vùng biên cương, đông tây rộng khoảng tám mươi dặm, nam bắc khoảng bốn mươi dặm. Nghỉ ngơi hơn một tháng xong, tôi (Pháp Hiển) cùng bốn vị pháp hữu theo đoàn sứ giả đi trước, rồi lại chia tay với các thầy như Bảo Vân v.v... Thái Thú tại Ðôn Hoàng là Lý Hạo [14] cung cấp vật liệu cần dùngthức ăn để vượt sa mạc. Trong sa mạc [15] có nhiều ác quỷ và gió nóng. Nếu người bộ hành gặp phải chúng thì sẽ bị chết, không có ai là toàn mạng cả. Trên trời không chim chóc. Dưới đất không cầm thú. Nhìn xa mỏi mắt, muốn cầu qua vùng đó, tức không thể biết định đoạt phương hướng nơi đâu, duy chỉ có xương khô cốt trắng của người chết làm tiêu điểm.

 Chương II. Ðến Thiện Thiện và Vu Ðiền (Khoten).
 
Ði khoảng mười bảy ngày, tính khoảng một ngàn năm trăm dặm, chúng tôi đến nước Thiện Thiện[16]. Vùng đất đó gập ghềnh cheo leo, đất đai khô cằn. Người thế tục mặc đồ thô sơ như đất Hán [17], chỉ khác ở chỗ là có người mặc nỉ và áo quần bằng lông. Quốc vương nước này tín phụng Phật pháp. Trong nước có hơn bốn ngàn tăng sĩ. Tất cả tăng sĩ đều tu theo phái nguyên thủy. Tại quốc gia này và các quốc gia khác, dân chúng cùng chư sa môn [18] tận tụy tu hành theo Phật phápThiên Trúc[19], chỉ có khác nơi tinh tường hay thô tế. Từ đây đi về hướng tây, chúng tôi đều nhận thấy rằng các quốc gia nói tiếng Hồ[20] ngữ tiếng không đồng. Tuy nhiên, tất cả người xuất gia đều học theo sách vở và ngôn ngữ của Thiên Trúc. Nghỉ ngơi ở đó khoảng một tháng, rồi tiếp tục đi về hướng tây bắc. Trải qua mười lăm ngày, đến nước Ô Di [21]. Tăng sĩ trong nước đó cũng có hơn bốn ngàn vị. Tất cả đều tu theo phái tiểu thừa, phép tắc rất chỉnh tề. Thế nên, sa môn nước Tần [22] khi đến đó, chưa có thể chuẩn bị được tinh thần để theo những điều lệ của tăng chúng ở nơi ấy. Chúng tôi được sự hộ pháp của hành đường Phù Công Tôn, nên trú ở đó hơn hai tháng. Nơi đó, chúng tôi gặp lại các thầy Bảo Vân[23] v.v... Người nước Ô Di không biết tu lễ nghĩa, nên tiếp đãi khách rất tệ bạc. Vì vậy, thầy Trí Nghiêm, Huệ Giản, Huệ Khôi, đồng trở lại Cao Xương [24], vì muốn xin thêm tư lương để đi trên đường. Nhóm của chúng tôi nhờ Phù Công Tôn cung cấp lương thực, nên lại tiếp tục đi về hướng tây nam. Trên đường không có cư dân. Những nỗi khó khăn gian nan đi bộ hành, trên nhân gian chắc không ai so sánh được. Ði khoảng một tháng năm ngày, chúng tôi đến nước Vu Ðiền [25].

 Chương III. Vu Ðiền, Lễ Diễn Hành, Ngôi chùa mới của nhà vua.
 
Nước Vu Ðiền giàu sang phong phú; nhân dân tuy đông đúc nhưng sống đời an lạc ấm no. Dân chúng đều tín phụng Phật pháp, dùng pháp lạc (của âm nhạc) làm nguồn vui. Chúng tăng số đến hàng vạn, đa số đều tu theo pháp đại thừa, và đồng có nhà ăn (chúng thực). Nhà cửa dân chúng nước đó cách xa nhau như tinh sao. Trước mỗi cổng nhà đều có tháp nhỏ. Tháp nhỏ nhất cao khoảng hai mươi thước. Trong các tự viện, họ xây tứ phương tăng phòng [26], để cung cấp cho khách tăng trú ở, cùng cúng dường bất cứ vật dụngchư tăng cần thiết.

Quốc chủ an bài cho chúng tôi ở tại một ngôi Tăng Già Lam[27], được gọi là Cù Ma Ðế[28], tức là chùa của phái đại thừa. Ba ngàn tăng chúng được báo hiệu giờ cơm bằng cách đánh kiền. Lúc vào nhà ăn, oai nghi chư tăng tề chỉnh, theo thứ tự mà ngồi, mỗi mỗi đều tịch nhiên nhẹ nhàng, không có tiếng kêu của bình bát. Khi những vị tịnh nhân[29] đó muốn có thêm thức ăn, các ngài không kêu la mà chỉ ra hiệu bằng ngón tay.

Huệ Cảnh, Ðạo Chỉnh, Huệ Viễn đi đến nước Kiệt Xoa (Tashkurgan) trước. Nhóm của chúng tôi vì muốn quán sát hành tướng của các vị tăng trong chùa, nên ở lại ba tháng. Trong nước đó có bốn ngôi tăng già lam đồ sộ mà không tính những ngôi chùa nhỏ. Từ mồng một tháng tư, họ bắt đầu quét dọn đường xá thành quách, trang nghiêm cảng mạch. Trên cổng thành họ giăng một cái lều lớn, rồi trang hoàng lộng lẫy chung quanh. Vua cùng phu nhân thế nữ đều trú trong đó.

Tăng chúng chùa Cù Ma Ðế (tu theo phái đại thừa) đều được vua kính trọng, dẫn đầu đoàn bộ hành rước lễ thánh tượng. Cách thành khoảng ba bốn dặm, họ làm hình xe bốn bánh, cao hơn ba trượng, dạng trạng như điện đường di động, trên có bảy báo[30] trang nghiêm tương giao với tràng phan bảo cái treo chung quanh. Chính giữa là tượng Phật và hai bên là Bồ Tát, cùng với tượng của chư thiên ở đằng sau. Tất cả hình tượng đều làm bằng vàng bạc và được điêu khắc rất đẹp đẽ, cùng được treo trên không trung. Khi xe cách thành khoảng trăm bước, nhà vua liền lấy mão xuống, thay đổi long bào mới, rồi đi chân không, cầm hương hoa, cùng đoàn quân hộ tống hai bên, xuất thành cung nghinh tượng Phật. Ðến nơi, nhà vua đầu mặt đảnh lễ dưới chân xe, rồi rải hoa dâng hương. Khi tượng Phật vào thành, trên lầu các cửa thành, phu nhân cùng thể nữ rải hoa xuống khắp đầy mặt đất. Cúng dường trang nghiêm đầy đủ như thế. Xe diễn hành tượng Phật của mỗi chùa đều khác nhau. Từ mồng một đến ngày mười bốn tháng tư, mỗi ngày đều có xe hành tượng của mỗi ngôi chùa Tăng Già Lam. Lễ diễn hành thánh tượng kết thúc, vua cùng phu nhân đều trở về hoàng cung.

Cách thành khoảng bảy tám dặm về phía tây có một ngôi Tăng Già Lam, tên là chùa Vương Tân, được xây trong tám mươi năm, trải qua ba đời vua mới thành. Chùa cao khoảng hai mươi lăm trượng. Nghệ thuật điêu khắc đẹp đẽ lộng lẫy tuyệt vời. Vàng bạc được phết trên đó. Các loại châu báu đều hợp thành. Ðằng sau tháp của chùa có xây ngôi chánh điện, rất trang nghiêm đẹp đẽ vi diệu. Cột, trụ, cửa, khung sổ đều được sơn phết bằng vàng lá. Ngoài ra, tăng phòng cũng được trang sức rất nghiêm lệ, không thể diễn tả bằng lời được. Bất cứ những vật trân bảo quý báu nhất của sáu quốc vương vùng đông lãnh[31], đa số họ đều cúng dường hết mà chỉ giữ lại rất ít để dùng riêng.

 Chương IV. Ði xuyên qua ngọn núi Thông Lãnh (Ts'ung hay Pamir) đến nước Kiệt Xoa (Tashkurgan).
 
Lễ hành thánh tượng vào tháng tư kết thúc, thầy Tăng Thiều một mình theo Hồ đạo nhân hướng Kế Tân [32]. Chúng tôi đi khoảng hai mươi lăm ngày thì đến nước Tử Hợp[33]. Quốc vương tu học Phật pháp rất là tinh tấn. Trong nước có hơn một ngàn tăng sĩ, đa số là hành theo pháp đại thừa. Ở nơi đây qua mười lăm ngày, chúng tôi lại đi về hướng nam trong bốn ngày, vào núi Thông Lĩnh, đến nước Ư Huy [34] an cư kiết hạ [35]. Kiết hạ xong, đi theo đường núi cả hai mươi ngày thì đến nước Kiệt Xoa. Nơi ấy, chúng tôi gặp lại các thầy Huệ Cảnh [36] v.v...

 Chương V. Lễ Bàn Giá Việt Sư hay đại pháp hội trong năm năm, Xá Lợi của Phật. Ngũ cốc của nước đó.
 
Ngẫu nhiên, khi đến đó, chúng tôi gặp lúc quốc vương đang tổ chức lễ Bàn Giá Vượt Sư[37]; tiếng Tàu gọi là đại pháp hội trong năm năm. Lúc đó, quốc vương cung thỉnh tứ phương Sa Môn đồng đến. Chư Sa Môn tụ hội xong, nơi chỗ ngồi của các ngài đều được trang hoàng nghiêm sức; phía trên có treo tràng phan bảo cái; họ dùng vàng bạc để làm liên hoa, rồi đặt đằng sau những chỗ ngồi của chư tăng; phô bày những tọa cụ thanh tịnh. Lúc chư tăng đều ngồi xuống xong, vua cùng đại thần liền y theo pháp mà cúng dường. Ðại pháp hội được tổ vào tháng giêng, tháng hai, hoặc tháng ba; đa phần là trong mùa xuân.

Quốc vương tổ chức pháp hội xong, ông lại khuyến tấn chư quần thần thiết trai cúng dường từ một ngày cho đến bảy ngày. Cúng dường xong, vua lại lấy xe ngựa, yên, cuơng, rồi bảo vị đại quan tôn quý nhất trong nước đỡ ông lên yên ngựa ngồi. Kế đến, nhà vua lại lấy lụa trắng mịn màng nhất cùng bao loại trân bảo và những vật mà chư tăng cần dùng, rồi đồng với quần thần phát nguyện bố thí cúng dường chư tăng. Cúng dường xong, vua quan quần thần chuộc lại những gì họ muốn từ tăng chúng.

Núi non nơi đó rất lạnh lẽo; đông hạ tuyết đóng quanh năm; không sản xuất ngũ cốc, duy chỉ có lúa mì chín. Ðương thời, chư tăng vừa định lãnh thọ phần lúa mì trong năm thì trời chợt rơi sương tuyết. Vì vậy nhà vua thỉnh chư tăng hãy khiến cho lúa mì chín rồi mới lãnh phần lương thực [38].

Trong nước này có ống nhổ của Phật được làm bằng đá, màu sắc tựa như bình bát của Phật. Trong nước lại có một cái răng của Phật. Người trong nước đó, xây tháp thờ răng Phật. Bên cạnh ngôi tháp có một ngôi chùa chứa hơn một ngàn tăng sĩ. Chư tăng đều tu theo pháp tiểu thừa. Từ núi đó đi về hướng đông, người thế tục ăn mặc đồ thô sơ như người Tần, nhưng có việc khác là họ thường mặc đồ may bằng vải lụa mỏng hay lông cừu. Luật lệ sa môn nơi đó rất nghiêm túc, không thể viết hết được. Nước này nằm trong dãy núi Thông Lĩnh. Trên dãy núi đó, cỏ cây hoa quả đều khác với cỏ cây hoa quả ở nước Tàu, trừ trúc tre, quả an thạch lưu, cam giá (cây mía).

 Chương VI. Ðến bắc Thiên Trúc, vương quốc Ðà Lịch (Darel), tượng Bồ Tát Di Lặc (Maitreya).

Từ núi đó chúng tôi đi về phía tây, hướng đến bắc Thiên Trúc. Ði khoảng một tháng thì vượt qua dãy Thông Lĩnh. Trên dãy núi Thông Lĩnh, mùa đông hay mùa hè đều có băng tuyết. Nơi đó, lại có rồng độc. Nếu không để ý thì sẽ khiến cho rồng độc thổi gió độc, làm mưa tuyết, cát bay, đá rơi. Nếu gặp nạn này thì không thể toàn mạng. Người vùng đó gọi dãy núi này là Tuyết Sơn. Vượt qua đảnh núi này thì chúng tôi đến bắc Thiên Trúc. Trước khi vào bắc Thiên Trúc, có một vương quốc nhỏ, gọi là Ðà Lịch[39]. Trong nước cũng có chúng tăng, đều tu theo phái tiểu thừa.

Xưa kia, nước này có một vị A La Hán, dùng định lực thần túc, đem một ông thợ điêu khắc lên cung trời Ðâu Suất [40], quán xem sắc trạng diện mạo thân tướng của Bồ Tát Di Lặc[41], rồi trở về khắc gỗ tạo tượng. Trước sau ông thợ điêu khắc lên đó ba lần, rồi cuối cùng khắc thành tượng, cao tám mươi thước, bàn tọa rộng tám thước. Những ngày trai lạt, thánh tượng thường phóng ánh hào quang. Chư quốc vương lân cận đều tranh nhau mà cúng dường cho đến hiện tại.

 Chương VII. Băng qua sông Tân Ðầu (Indus). Khi đạo Phật vượt sông Tân Ðầu để tiến về phía đông.
 
Từ chân núi chúng đi về hướng tây nam khoảng mười lăm ngày. Ðường lộ nơi đó rất gồ ghề, vách núi hiểm trở. Dãy núi đó có một tảng đá thạch bích rộng khoảng mười ngàn thước vuông. Ðến đó thì chúng tôi bị hoa mắt; muốn tiến bước nhưng không biết đi ngõ nào. Bên dưới có con sông, được gọi là Tân Ðầu [42]. Người xưa đã từng đục đá ven núi để mở đường đi và làm khoảng bảy trăm thềm cấp. Bên dưới có cây cầu dây để vượt sông. Lòng sông rộng khoảng tám mươi bộ. Nơi đây đã được ghi trong sách Cửu Dịch[43] của Trương Khiên[44] và Cam Anh[45], nhưng họ chưa từng tới đó.

Chúng tăng trong đoàn hỏi tôi (Pháp Hiển) rằng có biết Phật pháp được truyền về miền đông vào lúc nào không. Tôi đáp rằng người ở xứ đó đều nói là theo tục truyền thì sau khi xây tượng Di Lặc, sa môn từ Thiên Trúc thường mang kinh luật vượt qua con sông này. Tượng Di Lặc này đã được đúc khắc sau Phật Thích Ca nhập Niết Bàn khoảng ba trăm năm, tức vào thời vua Chu Ðể Bình[46]. Theo huyền sử này, đại giáo tuyên lưuđông độ, bắt đầu vào thời xây tượng Di Lặc này. Không phải đại sĩ Di Lặc tiếp tục chuyển bánh xe pháp của Phật Thích Ca, xiển dương ngôi Tam Bảo[47], khiến cho người vùng biên địa biết đến chánh pháp thì là ai? Chúng ta biết rằng việc vận khai chánh pháp không phải là việc của người thường; giấc mộng thấy Phật của vua Hán Minh Ðế[48] vốn là nguyên nhân chính cho sự truyền bá Phật pháp.

 Chương VIII. Vương quốc Ô Trường (Udyana), chùa chiền, theo di tích của Phật đà.
 
Vượt qua sông này thì đến nước Ô Trường[49]. Nước Ô Trường chính là phần đất của bắc Thiên Trúc. Dân chúng dùng ngôn ngữ của trung Thiên Trúc. Trung Thiên Trúc cũng được gọi là Trung Quốc. Y phục ăn mặc của dân chúng nước đó đều giống như Trung Quốc. Phật pháp nơi đó rất hưng thạnh. Nơi chư tăng trú ở được gọi là Tăng Già Lam (Sangharama). Nơi đó có khoảng năm trăm ngôi tăng già lam. Chư tăng đều tu theo phái tiểu thừa. Nếu có khách tăng đến, họ được cúng dường trong ba ngày. Cúng dường xong, họ khuyên chư khách tăng là phải tự tìm chỗ an cư.

Theo truyền thuyết, thuở xưa Phật có một lần đến bắc Thiên Trúc, tức là nước này vậy. Dấu chân Phật cũng còn in nơi đó; dài hay ngắn tùy theo tâm niệm của tín chúng, cho đến hôm nay vẫn còn như thế. Nơi đó vẫn còn tảng đá mà Phật đã từng giặt y ca sa, và chỗ mà Ngài đã từng hóa độ rồng độc. Tảng đá cao một trượng bốn thước, rộng hai trượng, một bên là bằng phẳng.

Ba thầy Huệ Cảnh, Huệ Viễn, Ðạo Chỉnh đến nước Na Kiệt[50] trước, nơi có bóng của Phật. Nhóm chúng tôi trú lại nước đó để an cư kiết hạ[51]. Kiết hạ xong, chúng tôi đến nước Túc Ha Ða[52].

 Chương IX. Vương quốc Túc Ha Ða. Truyền ký của Phật đà.
 
Trong nước này Phật pháp cũng rất hưng thạnh. Nơi đây vốn là chỗ mà thuở xưa vua Thiên Ðế Thích (Sakra, Ruler of Devas) đã từng thử Bồ Tát. Ông hóa thân làm quạ đuổi bắt chim bồ câu, khiến Bồ Tát phải cắt thịt cho quạ ăn. Ðạt được trí huệ viên mãn[53] xong, Phật cùng chư đệ tử du hành đến nơi đó. Phật bảo họ rằng đây là nơi mà Ngài đã từng cắt thịt cho quạ ăn để cứu chim bồ câu. Dân chúng biết việc này bèn xây tháp và trang sức, phết bằng vàng bạc để thờ phụng ngay tại chỗ đó.

 Chương X. Kiền Ðà Vệ (Gandhara). Truyền thuyết về Phật đà.
 
Từ nơi đó đi về hướng đông khoảng năm ngày thì đến nước Kiền Ðà Vệ[54]. Ðây là vương quốc do con của vua A Dục [55], hiệu Pháp-ích (Dharma-vivardhana), trị vì thuở xưa. Khi còn hành hạnh Bồ Tát, Phật đã từng bố thí mắt của mình nơi đó [56]. Tại chỗ ấy, dân chúng cũng xây tháp lớn, được trang sức bằng vàng bạc. Người nước đó đa phần tu học theo phái tiểu thừa.

 Chương XI. Trúc Sát Thi La (Tashasilâ). Truyền thuyết. Bốn ngôi đại tháp.
 
Từ nơi đó đi về hướng đông khoảng bảy ngày, chúng tôi đến nước Trúc Sát Thi La. Trúc Sát Thi La[57] tiếng Tàu dịch là Tiệt Ðầu. Lúc Phật còn làm Bồ Tát, Ngài đã từng bố thí đầu mình tại nơi đó [58], nên mới có tên là Tiệt Ðầu. Kế đến, chúng tôi đi về hướng đông hai ngày, tới nơi Bồ Tát thuở xưa đã từng thả mình từ trên cây cao xuống để bố thí thân thể cho hổ đói. Tại hai nơi đó, dân chúng cũng lập tháp và trang sức bằng các loại châu báu để cúng dường. Chư quốc vương và thần dân ở những vùng lân cận cũng thường tranh nhau đến cúng dường, cùng rải hoa dâng hương lên hai ngôi tháp đó, tương tục không ngớt. Dân chúng quanh vùng gọi nơi đó là Tứ Ðại Tháp.

 Chương XII. Vương quốc Phất Lầu Sa (Peshâwur). Lời huyền ký của đức Phật về vua Kiền Ni Ca (Kanishka) và tháp của ông ta. Bình bát của đức Phật. Huệ Ứng nhập tịch.

Từ nước Kiệt Ðà Vệ, chúng tôi đi về hướng nam khoảng bốn ngày thì đến nước Phất Lầu Sa[59]. Lần nọ, cùng chư đệ tử du hành đến đó, Phật bảo ngài A Nan:

- Sau khi Ta nhập niết bàn, sẽ có một quốc vương, tên là Kiền Ni Ca[60], lập tháp nơi đây.

Sau này, thật sự có vua Kiền Ni Ca xuất thế. Lần nọ, khi vua Kiền Ni Ca đang du hành quán sát dân tình, Thiên Ðế Thích muốn khai mở tâm ý của ông ta, nên hóa làm chú bé chăn trâu xây tháp ngay trên đường lộ. Vua Kiền Ni Ca liền hỏi:

- Ngươi đang lập tháp gì đó?

mục đồng đáp:

- Tôi đang xây tháp thờ Phật.

Vừa nghe qua, vua rất vui mừng, nên liền kiến lập tháp ngay nơi tháp của đứa bé chăn trâu mới vừa xây. Tháp đó cao hơn bốn mươi trượng và được nghiêm sức bằng các loại châu báu. So với tất cả bảo thápchúng tôi ngắm xem trên dọc đường, ngôi tháp này tráng lệ oai nghiêm mà không có cái nào sánh bằng được. Tương truyền rằng các ngôi tháp ở cõi Diêm Phù Ðề [61], chỉ có ngôi tháp này là cao ráo, tráng lệ, oai nghiêm bậc nhất. Nhà vua xây tháp này xong, nơi phía nam của tháp này chợt xuất hiện ra tháp nhỏ của chú bé chăn trâu (tức trời Thiên Ðế Thích), cao ba thước.

Bình bát của Phật cũng ở tại nước này. Xưa kia, vua Nguyệt Thị [62] mang đại binh đến nước này, muốn đoạt lấy bình bát của Phật. Chinh phục nước này xong, vua Nguyệt Thị cùng quần thần dốc lòng tín phụng Phật pháp. Vì muốn mang bình bát này đi, nên nhà vua thiết đại lễ cúng dường. Cúng dường Tam Bảo xong, nhà vua liền trang sức một thớt voi lớn, rồi đặt bình bát của Phật lên đó. Thớt voi đó quỳ xuống, nhưng không thể đứng dậy, hay tiến bước nổi. Nhà vua thấy vậy mới làm xe bốn bánh để chở bình bát và dùng tám thớt voi để kéo, nhưng chúng vẫn không thể đi nổi. Nhà vua biết rõ chưa đủ duyên với bình bát này[63], nên tự thầm hổ thẹn buồn thương, rồi liền lập tháp xây ngôi tăng già lam nơi đó. Nhà vua lại cho quân trấn thủcúng dường rất nhiều đồ vật.

Nơi ngôi tăng già lam đó, có khoảng bảy trăm tăng sĩ. Mỗi ngày gần giờ ngọ, chư tăng mang bình bát của Phật ra. Các người bạch y [64] v.v... cúng dường bao loại đồ vật, rồi họ mới dùng ngọ. Vào buổi tối, lúc dâng hương, họ cũng mang bát ra. Bát có thể chứa hai đấu gạo. Bình bát có nhiều màu sắc, nhưng đa phần là màu đen thẩm; bốn bên đều sáng chói rõ ràng[65]. Bề dầy của bình bát khoảng hai phân và sáng trong đẹp đẽ. Nếu người nghèo bỏ những cành hoa nhỏ vào đó thì bình bát đầy cả hoa. Nếu người giàu có muốn cúng dường hoa, dầu họ có bỏ vào trăm ngàn vạn cành hoa, nhưng vẫn không thể đầy bình bát.

Các thầy như Bảo Vân, Tăng Cảnh chỉ cúng dường bình bát của Phật rồi trở về. Huệ Cảnh, Huệ Viễn, Ðạo Chỉnh, đi đến nước Na Kiệt để cúng dường đảnh lễ hình bóng, răng, và xương đầu xá lợi của Phật. Huệ Cảnh bịnh, nên Ðạo Chỉnh ở lại trông nom, còn một mình Huệ Viễn trở lại nước Phất Lầu Sa tương kiến những thầy khác. Kế đến, thầy Huệ Viễn, Bảo Vân, Tăng Cảnh, trở lại nước Tần. Tại chùa Phật Bát, thầy Huệ Ứng tịch mất. Vì vậy, tôi (Pháp Hiển) một mình đi đến nơi thờ xá lợi xương đầu của Phật.

 Chương XIII. Vương quốc Na Kiệt (Nagâra). Lễ cúng dường xá lợi xương đầu của Phật. Những xá lợi khác. Bóng hình của đức Phật.
 
Ði khoảng mười sáu do tuần[66], thì đến thành Hải La [67] tại biên giới của nước Na Kiệt. Trong thành có thờ xá lợi xương đầu của Phật, được nghiêm sức bằng bao loại vàng bạc cùng bảy báu. Quốc vương rất tôn kính xá lợi Phật. Sợ có người muốn ăn cắp xá Lợi Phật, nhà vua tìm tám người giàu sang trong nước. Mỗi người mang phong ấn đến đó để hộ trì. Vào sáng sớm, mỗi người đều xem xét ấn của mình, rồi mới mở cửa. Mở cửa xong, họ dùng dầu thơm rửa tay, rồi đem xá lợi xương đầu của Phật đặt ngoài tịnh xá trên một chiếc ghế cao. Kế đến họ dùng bảy loại châu báu để chêm bên dưói và úp chén lưu ly bên trên. Tất cả đều được nghiêm sức bằng các tràng châu báu. Xá lợi xương đầu của Phật màu vàng lợt, hình sắc không tròn trịa, rộng khoảng bốn tấc và xoáy tròn lên hướng trên. Mỗi ngày đem xá lợi này ra xong, người trong tịnh xá liền lên đài cao, đánh trống lớn, thổi loa lớn, vỗ khiên đồng lớn. Nhà vua nghe xong liền đi thẳng đến tịnh xá, dùng hoa hương để cúng dường. Cúng dường xong, nhà vua cùng quần thần, thứ đệ nâng xá lợi lên đảnh đầu, lễ bái rồi lui ra. Họ vào từ cửa đông, ra từ cửa tây. Nhà vua cúng dường đảnh lễ xá lợi Phật xong, trở về lo việc vương triều, quốc chánh. Cư sĩ trưởng giả cũng đến cúng dường lễ bái xong rồi mới bắt tay làm việc nhà. Ngày ngày như thế, không bao giờ giải đãi, thối thất. Cúng dường xong, họ lại đặt xá lợi vào trong tịnh xá của bảo tháp giải thoát bằng bảy thứ châu báu, hoặc mở hoặc đóng, cao khoảng năm thước. Trước cổng tịnh xá, thường luôn có những người bán hương hoa. Nếu có ai muốn cúng dường thì mua các loại hương hoa đó để dâng cúng xá lợi. Chu quốc vương lân cận cũng thường phái sứ giả đến cúng dường. Tịnh xá được xây trên thềm đá hình vuông, rộng khoảng ba mươi bước. Dầu trời lay đất lở, nhưng tịnh xá đó cũng không rung động.

Từ nơi đó, ngài Pháp Hiển đi khoảng một do tuần đến đô thành của nước Na Kiệt. Trong đời tiền kiếp Bồ Tát (tức Phật Thích Ca hiện đời) đã từng dùng tiền bạc, mua năm bó hoa để cúng dường Phật Ðịnh Quang[68]. Trong thành cũng có tháp thờ răng Phật. Quốc vương quần thần và dân chúng cũng cúng dường giống như cách thức tại tịnh xá thờ xá lợi xương đầu của Phật.

Cách thành về hướng đông bắc có một cốc khẩu (thung lũng). Nơi đó có cây tích trượng[69] của Phật, cũng được lập tịnh xá cúng dường. Cây tích trượng được làm bằng gỗ ngưu đầu chiên đàn, dài khoảng một trượng sáu. Cây tích trượng được đặt trong một ống cây lớn. Dẫu có trăm ngàn người muốn nâng lên, nhung không thể di động nổi.

Vào cốc khẩu, đi về hướng tây, có một bộ tăng già lê của Phật. Nơi đó cũng được lập tháp cúng dường. Vào những năm hạn hán, dân chúng nước đó mang bộ y tăng già lê ra, lễ bái cúng dường thì trời liền đổ mưa.

Cách thành Na Kiệt về hướng nam khoảng nửa do tuần có một thạch thất trong một ngọn núi ở phía tây nam, Phật từng lưu bóng ảnh nơi đó, được gọi là Phật Ảnh Quật. Nhìn xa từ mười bước, thì thấy như ảnh bóng thật của Phật với tướng hảo kim sắc[70], quang minh chiếu sáng; càng đến gần càng thấy rõ rệt, phảng phất như thật. Quốc vương các nơi khác, thường sai họa sĩ điêu luyện đến vẽ, nhưng chẳng có ai vẽ được rõ ràng cả. Dân chúng trong nước truyền tụng nhau rằng có cả ngàn vị Phật[71] lưu bóng ảnh nơi đó.

Cách bóng ảnh Phật khoảng bốn trăm bước về hướng tây, lúc còn tại thế, đức Phật đã từng cắt tóc và móng tay nơi đó. Phật tự cùng với chư đệ tử xây tạo tháp, cao bảy tám trượng để làm kiểu mẩu cho các tháp trong đời tương lai, mãi đến hiện nay vẫn còn tồn tại. Kế bên tháp có một ngôi chùa. Trong chùa có hơn bảy trăm tăng sĩ. Nơi đó có hàng ngàn tháp thờ chư A La HánBích Chi Phật[72].

 Chương XIV. Huệ Cảnh nhập tịch tại núi Tiểu Tuyết Sơn. Vương quốc La Di, Bạt Na. Vượt sông Tân Ðầu.
 
Trụ nơi đó trong ba tháng mùa đông, tôi (Pháp Hiển) cùng hai thầy khác[73] đi về hướng nam, vượt qua núi Tiểu Tuyết Sơn[74]. Trên núi mùa đông hay mùa hạ đều có tuyết. Nơi phía bắc của ngọn núi, chúng tôi gặp gió lạnh thổi đến, khiến ai nấy đều rung rẩy, không thể nói năng được. Thầy Huệ Cảnh không thể đi thêm nổi, miệng sôi nước bọt trắng, bảo tôi:

- Chắc tôi không thể sống nổi. Nếu tiện các thầy hãy đi ngay, chớ cùng chết chung nơi nầy.

Nói xong thầy Huệ Cảnh liền qua đời. Pháp Hiển lung lay xác chết, buồn thương rơi lệ:

- Dự tính của chúng ta đã thất bại. Ðây cũng do số nghiệp. Biết làm gì hơn.

Nói xong, tôi tự phấn chấn tinh thần, vượt qua đỉnh núi phía nam, đến nước La Di[75]. Trong vùng phụ cận có khoảng ba ngàn tăng sĩ, đồng tu theo đại tiểu thừa. Trụ nơi đó qua mùa hạ[76]. Kiết hạ xong, chúng tôi đi về hướng nam mười lăm ngày đến nước Bạt Na[77]. Trong nước cũng có hơn ba ngàn tăng sĩ, đồng tu theo phái tiểu thừa. Từ nơi đó, chúng tôi đi về hướng đông ba ngày, rồi lại băng qua sông Tân Ðầu. Hai bên bờ sông đất đai đều bằng phẳng.

 Chương XV. Vương quốc Tỳ Trà (Bhida). Thương hại du tăng.
 
Qua sông đó có nước tên là Tỳ Trà[78]. Nơi này, Phật pháp hưng thịnh. Tăng chúng tu học theo hai phái đại thừatiểu thừa. Tăng chúng trong vùng gặp những đạo nhân từ nước Tần đến, nên động lòng lân mẫn, bảo:

- Làm sao người vùng biên địa biết đến đạo của người xuất gia, đi qua miền đất xa xuôi để cầu Phật pháp?

Họ cung cấp những đồ vật cần dùngđối đãi khách tăng đúng như pháp tắc.

 Chương XVI. Vương quốc Ma Ðầu La (Mathurâ). Phong tục tập quán của tăng sĩ tại các tịnh xá, và tự việntrung Thiên Trúc.
 
Từ nơi đó, chúng tôi đi về hướng đông nam gần tám mươi do tuần. Chúng tôi đi ngang qua rất nhiều chùa viện, có hàng vạn tăng sĩ. Qua những nơi đó, đến một vương quốc tên là Ma Ðầu La[79]. Chúng tôi đi dọc theo sông Bộ Na[80]. Hai bên bờ sông có hai mươi ngôi tăng già lam, chứa khoảng ba ngàn tăng sĩ. Vùng này, bánh xe Phật pháp luân chuyển hưng thạnh. Mọi nơi từ những bãi sa mạc cho đến vùng phía tây, các vương quốc ở Thiên Trúc đều tín phụng Phật pháp. Lúc vua chúa cúng dường chúng tăng, họ đều bỏ vương niệm xuống, rồi cùng chư tông thất quần thần tự tay dâng thức ăn. Cúng dường xong, quân lính trải thảm trên đất. Nhà vua ngồi trước mặt chúng tăng, đối diện với vị thượng tọa, mà không dám ngồi trên ghế cao. Lúc Phật còn tại thế, pháp thức mà các quốc vương cúng dường cũng còn truyền đến ngày nay.

Từ nơi đó, hướng về phía nam, được gọi là Trung Quốc[81]. Nước đó thời tiết nóng lạnh điều hòa, không có sương tuyết. Nhân dân sống đời an lạc sung túc, không ghi hộ khẩu vào sổ bộ của triều đình, trừ những ai cày cấy ruộng vườn của vua chúa là phải đóng chút ít lợi tức cho vương triều. Dân chúng nếu muốn đi đâu thì đi, muốn ở thì ở. Vua trị quốc mà không dùng hình phạt như chém đầu hay đánh đập để trị những kẻ phạm tội, nhưng chỉ phạt tiền tùy theo tội nặng nhẹ. Dẫu có người thường phạm tội ác nghịch, bất quá chỉ bị chặt cánh tay phải thôi. Quan quân thị vệ tả hữu của nhà vua đều có lương bổng. Nhân dân trong nước đều không giết hại, không uống rượu, không ăn hành tỏi; trừ hạng người Chiên Trà La [82], được gọi là những kẻ ác. Họ sống cách biệt với dân chúng. Nếu họ muốn vào đô thành chợ búa thì phải dùng hai thanh gỗ mà gõ để báo hiệu có mặt. Dân chúng nghe tiếng đều lánh xa, không gần gũi họ. Người trong nước không nuôi heo gà, không bán súc vật sống. Chợ búa không có quày giết heo bò cùng quán rượu. Trao đổi buôn bán, họ dùng ngà voi sừng ốc. Duy chỉ có bọn chiên đà la là sống nghề săn bắn đánh cá bán thịt sống.

Phật vừa nhập niết bàn, quốc vương, trưởng giả cư sĩ thiết lập tịnh xá, cung cấp ruộng vườn, nhà cửa cho chư tăng. Họ lại khắc ấn những lời đặc hứa vào bảng kẻm đồng thiếc [83] để lưu truyền từ đời vua này đến đời vua khác mà không dám phế bỏ, cho đến hôm nay cũng không ngừng.
Chỗ ăn ở nghỉ ngơi cùng y phục thức ăn của tăng chúng đều không thiếu thốn. Nơi nơi đều đầy đủ như thế. Chúng tăng thường làm việc công đức cùng tụng kinh tọa thiền. Khách tăng đến, những vị tăng trong chùa đồng cung nghinh, lo lắng sắp đặt y bát, cung cấp nước rửa chân, dầu xoa chân tay, cùng cúng dường thức ăn lỏng ngoài giờ quy định[84]. Yên nghỉ xong, họ lại hỏi khách tăng về tăng lạp để sắp xếp phòng xá theo thứ lớp mà nghỉ ngơi. Tất cả việc đều như pháp[85].

Chúng tăng trong trụ xứ, thường xây tháp thờ xá lợi của các ngài Xá Lợi Phất [86], Mục Kiền Liên[87], A Nan[88], cùng tháp thờ Kinh, Luật, A Tỳ Ðàm[89]. Một tháng sau mùa an cư kiết hạ, các gia đình[90] muốn gieo trồng phước đức, thường chuyên cần khuyến khích nhau cúng dường chư tăng những thức ăn lỏng sau giờ quy định. Chúng tăng hội nhau lại để thuyết pháp. Thuyết pháp xong, các ngài cúng dường tháp thờ tôn giả Xá Lợi Phất bằng bao loại hoa hương khác biệt. Ðèn nến được thắp suốt đêm.

Khi Xá Lợi Phất còn là bà la môn, Tôn Giả đến cầu xin Phật cho phép xuất gia. Tôn giả Mục Kiền Liên và Ðại Ca Diếp[91] cũng đều như thế. Chư tỳ kheo ny đa số cúng dường tháp tôn giả A Nan, vì nhờ Tôn Giả mà Phật chấp thuận cho hàng nữ nhân xuất gia. Chư sa di đa số cúng dường tháp thờ tôn giả La Hầu La [92] Người tu học theo bộ A Tỳ Ðàm thì cúng dường bộ A Tỳ Ðàm. Các luật sư thì cúng dường tạng Luật. Mỗi năm họ đều cúng dường một lần và mỗi phái đều lập ngày riêng biệt. Người tu học theo phái Ma Ha Diễn (tức đại thừa) thì cúng dường kinh Bát Nhã Ba La Mật, ngài Văn Thù Sư Lợi [93], Quán Thế Âm[94] v.v... Lúc chúng tăng thọ nhận phần lương thực trong năm, chư trưởng giả cu sĩ, bà la môn v.v... đem bao loại y phục vật dụng để cúng dường tùy theo sở dụng của sa môn. Chúng tăng thọ nhận xong rồi phân phát cho nhau. Từ khi Phật nhập niết bàn cho đến nay, sở hành, oai nghi pháp tắc của chư thánh chúng luôn được tương tục truyền thừa không đoạn tuyệt.

Từ nơi đó, chúng tôi vượt sông Tân Ðầu, đến nam Thiên Trúc. Trên đường đến biển Nam Hải, khoảng bốn năm mươi vạn dặm đất đai đều bằng phẳng, không có núi lớn khe ngòi mà chỉ có sông rạch.

 Chương XVII. Vương quốc Tăng Già Thi (Sakâsya). Ðức Phật thăng lên và hạ xuống từ cung trời Ðao Lợi (Trayastrimsas), và những truyền thuyết khác.
 
Từ nơi đó, chúng tôi đi về hướng đông nam mười tám do tuần, gặp một vương quốc tên là Tăng Già Thi[95]. Thuở xưa, Phật thăng lên cung trời Ðao Lợi thuyết pháp cho mẹ Ngài trong ba tháng liền, rồi xuống nơi này. Thăng lên cung trời Ðao Lợi[96], Phật dùng lực thần thông mà không cho chư đệ tử hay biết. Gần bảy ngày cuối của ba tháng, Phật lại phóng thần túc. Tôn giả A Na Luật[97] dùng thiên nhãn thấy Thế Tôn bèn bảo tôn giả Mục Kiền Liên:

- Sao Ngài không đi thỉnh vấn đức Thế Tôn?

Tôn giả Mục Kiền Liên liền bay lên cung trời Ðao Lợi, đảnh lễ chân Phật cùng tương vấn Thế Tôn. Tôn giả Mục Kiền Liên vừa thỉnh vấn xong, Phật liền bảo:

- Nầy Mục Kiền Liên! Trong bảy ngày nữa Ta sẽ xuống trở lại cõi Diêm Phù Ðề.

Tôn giả Mục Kiền Liên nghe thế rồi dùng thần lực bay trở về tịnh xá. Ðương thời các đại vương cùng quần thần nhân dân của tám nước vì đã lâu không được gặp đức Thế Tôn nên đều khát ngưỡng, đồng tụ hội nơi nước này để đợi Phật xuống. Lúc ấy, tỳ kheo ny Ưu Bát La (Utpala) tự suy nghĩ:

- Hôm nay quốc vương thần dân đang cung ngưỡng chờ đợi Phật. Phận mình là thân gái, làm sao thấy được Phật trước được!

Ðương thời, Phật dùng thần túc hóa bà ta làm Chuyển Luân Thánh Vương [98], được lễ bái Phật trước nhất. Khi Phật từ cõi trời Ðao Lợi xuống, Ngài hóa hiện ba đường thềm cấp bằng châu báu. Phật đi trên đường chính giữa, có thất bảo làm thềm cấp. Vua trời Phạm Thiên cũng hóa thềm cấp bằng bạch ngân, cầm cây bạch phấtđi theo hầu bên phải của Phật. Trời Thiên Ðế Thích hóa thềm cấp bằng tử kim, cầm bảo cái thất bảo, đi hầu bên trái của Phật. Vô số chư thiên đi xuống theo sau Phật. Phật xuống đến nơi thì ba thềm đường đều biến mất, nhưng chỉ còn bảy thềm cấp, đến ngày nay vẫn còn hiển hiện. Sau này, vua A Dục vì muốn xem coi tầng cấp đó sâu đến đâu, nên bảo người đào xuống để xem xét. Ðào xuống tận hoàng tuyền [99] mà chân của thềm cấp đó vẫn không hết tận. Việc này khiến cho vua A Dục lại thêm kính tín, nên sai người kiến lập tịnh xá trên những thềm cấp. Ngay giữa các thềm cấp, vua lại sai người đắp tượng Phật, cao khoảng trượng sáu. Ðằng sau ngôi tịnh xá, vua lại cho xây một cột trụ, cao năm trượng, và trên đó dựng một tượng sư tử; bốn bên cột trụ có hình tượng Phật; trong ngoài đều sáng suốt như lưu ly. Lần nọ, luận sư ngoại đạo tranh luận cùng sa môn về quyền sở hữu của mảnh đất đó. Chư sa môn thấy lý lẽ mình yếu thế, nên phải cùng luận sư ngoại đạo thệ nguyện rằng nếu nơi này là đất trụ xứ của chư sa môn thì phải có sự linh nghiệm. Nguyện vừa xong, sư tử trên cột trụ liền rống vang tiếng kinh hoàng. Thấy có điềm linh ứng, luận sư ngoại đạo phải run sợ, tâm phục mà thối.

Vì thọ thức ăn thiên chúng trong ba tháng, thân của Phật thoát ra mùi thiên hương không đồng với thế nhân, nên Ngài phải tắm gội. Người sau xây thất tắm gội của Phật ngay nơi đó, mà vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Hiện tại vẫn còn tháp thờ ngay nơi tỳ kheo ny Ưu Bát La lễ Phật trước nhất.

Tại nơi đúc Phật xuống tóc cắt móng tay, lúc Ngài còn tại thế, đều có dựng tháp cúng dường. Tại nơi của ba đức Phật trong thời quá khứ [100] thường đi kinh hành, cùng nơi Thích Ca Văn Phật thường ngồi thiền, kinh hành, và nơi đắp hình tượng chư Phật, đều có xây tháp cúng dường, đến nay vẫn còn. Nơi Thiên Ðế Thích, Phạm Thiên Vương theo hầu Phật từ cõi trời Ðao Lợi xuống cũng được lập tháp thờ.

Nơi đó, tăng ni khoảng một ngàn vị, đều đồng thọ nhận thức ăn từ nhà ăn (chúng thực), và đều tu học theo hai phái tiểu thừađại thừa. Trong vùng, có một con rồng tai trắng thường làm đàn việt cúng dường phẩm vật cho tăng chúng, và thường khiến cho lương thực trong nước đều được phong phú dồi dào, mưa hòa gió thuận, không có thiên tai hoạn nạn. Nhờ vậy mà chúng tăng được an ổn tu hành. Cảm ơn công đức, chúng tăng xây long xá, có thảm nệm cho rồng nằm và làm thức ăn phước điền cho nó. Mỗi ngày, chúng tăng cử ra ba vị đến long xá thọ thực. Sau mỗi mùa an cư kiết hạ, rồng lại hóa hiện thành một con rắn nhỏ, hai tai đều trắng xóa. Chúng tăng đều biết rõ, nên trét bột sữa trên mâm đồng và đặt nó lên đó, rồi mang đi từ hàng thượng tọa cho tới hạ tọa, như thể thỉnh vấn. Vừa đi một vòng, nó liền biến mất. Mỗi năm nó xuất hiện một lần. Ðất đai trong vương quốc này rất phì nhiêu phong phú. Nhân dân an lạc sung túc vô ngần. Khách thập phương đến, đều được cung cấp đầy đủ những vật cần dùng.

Cách chùa này khoảng năm mươi do tuần về hướng tây bắc có một ngôi chùa, tên là Ðại Phần (hoặc Ðại Hỏa Cảnh-The Great Heap), cũng gọi là chùa Ác Quỷ. Khi xưa Phật hóa độ ác quỷ, nên người sau xây tịnh xá tại chỗ ấy. Khi ngôi tịnh xá được cúng dường cho một vị A La Hán, quốc vương đổ nước trên lòng bàn tay của Ngài [101] mà vũng nước này vẫn còn hiện hữu không tan mất cho dầu có bị quét đi.

Nơi này cũng có tháp thờ Phật. Thiện quỷ thần thường hiện xuống quét rửa, nên không cần tới nhân lực. Một quốc vương tà kiến đến nơi này, bảo:

- Các ngươi quỷ thần làm được như thế thì Ta sẽ cho quân binh xả bỏ phẩn tiểu, để xem coi có quét được hay không?

Ông liền làm theo như thế. Quỷ thần bèn nổi trận cuồng phong, thổi đi những vật bất tịnh, khiến nơi đó sạch sẽ như thường.

Nơi ấy có hàng trăm tháp nhỏ mà đếm mãi vẫn không biết hết được. Nếu muốn biết, cho người đứng ngay nơi mỗi tháp để đếm số. Hoặc ít hoặc nhiều, đếm mãi số người đứng mà vẫn không biết con số chính xác.

Nơi ấy, một ngôi tăng già lam chứa hơn sáu trăm tăng sĩ. Trong chùa có chỗ của một vị Bích Chi Phật (Pratyeka) thường thọ thực. Vùng đất nơi vị Bích Chi Phật nhập niết bàn [102] rộng như chiếc xe bốn bánh lớn. Cỏ dại mọc đầy những nơi khác mà không sanh sản tại chỗ đó. Nơi vị Bích Chi Phật này thường giặt giũ y áo cũng không có cỏ mọc. Ngày nay vẫn còn dấu tích y ca sa của Ngài.

 Chương XVIII. Thành Kế Nhiêu Di (Kanyâkubja hoặc Canouge). Phật chuyển pháp luân.
 
Tôi (Pháp Hiển) trú tại tịnh xá của rồng tai trắng qua mùa hạ [103]. Kiết hạ xong, tôi đi về hướng đông nam bảy do tuần đến thành Kế Nhiêu Di[104]. Thành này nằm dọc theo sông Hằng [105]. Trong thành có hai ngôi tăng già lam. Tăng chúng đều tu theo phái tiểu thừa. Rời thành đi về hướng tây sáu bảy dặm, đến bờ phía bắc của sông Hằng, nơi Phật thường thuyết pháp cho chư đệ tử. Theo truyền thuyết, nơi đó Phật thường giảng về sự khổ, không, vô thường, thân như bọt bèo trôi trên nước v.v... Nơi đó cũng có tháp thờ cho đến hiện tại.

Vượt sông Hằng đi về hướng nam ba do tuần, tôi đến một thôn làng, gọi là A Lê. Nơi này, Phật đã từng thuyết pháp, đi kinh hành, tọa thiền. Mọi nơi chốn đều lập tháp thờ.

 Chương XIX. Ðại quốc Sa Chi. Truyền thuyết nhành cây dương chi (Danta-kâshtha) của đức Phật.
 
Ði về phía nam mười do tuần, đến đại quốc Sa Chi [106]. Ra khỏi thành Sa Chi bằng cửa phía nam, bên hướng đông của đường lộ, Phật đã từng cắm nhánh dương chi [107]sau khi nhai xong tại nơi đó. Nhánh dương chi này mọc cao khoảng bảy thước mà không tăng không giảm. Chư ngoại đạo bà la môn rất ghen ghét, nên hoặc chặt phá hoặc nhổ rồi đem đi nơi khác, nhưng cây dương chi vẫn mọc lại. Hiện tại cũng còn tháp thờ nơi bốn vị Phật thường đi kinh hành, tọa thiền.

 Chương XX. Vương quốc Câu Tát La (Kosala) và Xá Vệ (Srâvasti). Tịnh xá Kỳ Hoàn (Jetavana) và những thánh tích cùng truyền thuyết về đức Phật. Thương hại những du tăng.

 Ði về hướng nam tám do tuần, đến thành Xá Vệ[108] trong nước Câu Tát La [109]. Trong thành, dân chúng thưa thớt, sống cách xa nhau, chỉ có hơn hai trăm gia đình. Thành Xá Vệ này vốn là đô thành mà vua Ba Tư Nặc [110] trị vì thuở xưa. Tịnh xá của bà Ðại Ái Ðạo [111], hồ nước và tường vách nhà của ông trưởng giả Tu Ðạt [112], nơi Ương Quật Ma [113] đắc đạo và được trà tỳ sau khi nhập niết bàn, đều được người sau dựng tháp thờ phụng trong thành. Chư ngoại đạo bà la môn sanh tâm ghen ghét, nên muốn phá hoại, nhưng trời nổ sấm sét, khiến họ không thể phá được.

Ra cửa thành phía nam một ngàn hai trăm bước, bên phía tây đường lộ là nơi trưởng giả Tu Ðạt xây cất tịnh xá. Mặt tiền của tịnh xá hướng về phía đông. Mở cửa ra, thấy hai bên có hai cột trụ đá. Trên cột trụ bên trái có khắc hình bánh xe. Trên cột trụ bên phải có khắc hình con trâu. Bên phải và trái của tịnh xá đều có hồ nước trong xanh. Cây cối xum xuê, hoa quả màu sắc lạ thường, tốt tươi đẹp mắt. Ðó gọi là tịnh xá Kỳ Hoàn [114]. Phật thăng lên cung trời Ðâu Suất, thuyết pháp cho mẹ Ngài trong chín mươi ngày. Vua Ba Tư Nặc vì muốn gặp Phật, nên sai thợ dùng gỗ ngưu đầu chiên đàn khắc làm tượng Phật, rồi đặt tượng này nơi Phật thường ngồi thiền. Phật vừa trở về tịnh xá Kỳ Hoàn, thánh tượng bèn khởi thân di động, ra ngoài nghinh đón Phật. Phật bảo:

- Ông hãy ngồi nơi đó. Sau khi Ta nhập niết bàn, ông phải thay Ta mà làm pháp thức cho bốn chúng đệ tử.

Nghe thế, tượng bèn đi về chỗ cũ. Vì vậy, Phật dời chỗ ở của mình qua tịnh xá nhỏ bên phía nam, cách xa nơi đặt tượng Phật khoảng hai mươi bước. Tượng này là tôn tượng đầu tiên nhất. Người sau khắc tạo tượng Phật đều y theo kiểu mẫu của hình tượng đó.

Tịnh xá Kỳ Hoàn vốn có bảy tầng. Chư quốc vương cùng nhân dân khắp nơi thường tranh nhau cúng dường, treo tràng phan bảo cái, rải hoa dâng hương, đốt đèn sáng cả đêm, ngày ngày đều không dứt. Lần nọ, chẳng may, một con chuột gặm tim đèn dầu làm cháy tràng phan bảo cái cùng bảy tầng lầu của tịnh xá. Chư quốc vương, quần thần cùng dân chúng rất buồn rầu vì bảo rằng tượng chiên đàn cũng đã bị cháy. Song, bốn năm ngày sau, mở cửa phía đông của tịnh xá nhỏ, họ đột nhiên thấy tượng Phật cũ, nên tất cả đều mừng rỡ, rồi cùng nhau sửa chữa tịnh xá, xây làm hai tầng, và đặt tượng về chỗ cũ.

Tôi và Ðạo Chỉnh vừa đến tịnh xá Kỳ Hoàn, đồng hoài niệm đức Thế Tôn năm xưa trụ tại đây trong hai mươi lăm năm mà cảm thương cho phận mình sanh nơi biên địa. Chúng tôi cùng chư pháp lữ viễn du qua bao nhiêu vương quốc, hoặc có người trở về nước, hoặc đã mất; mỗi mỗi đều biến chuyển theo dòng đời vô thường. Nay chỉ thấy chỗ trống không của Phật, nên rất đỗi đau buồn. Chúng tăng nơi đó ra ngoài hỏi han tự sự:

- Các ngài từ nước nào đến đây?

Ðáp:

- Chúng tôi từ đất Tàu đến.

Chúng tăng nơi đó vui mừng bảo:

- Lạ thay! Người nước biên địa cũng có thể đến đây cầu Pháp!

Nói xong, chúng tăng bàn tán với nhau:

- Chư sư hòa thượng[115] của chúng ta, từ xưa đến nay tiếp nối truyền thừa, chưa từng gặp đạo nhân người Tàu đến đây.

Cách tịnh xá về phía tây bắc bốn dặm có một vườn cây, được gọi là Ðắc Nhãn. Xưa kia có năm trăm người mù, sống tại nơi đó để ở gần tịnh xá. Phật thuyết pháp cho họ nghe. Phật vừa thuyết xong thì mắt họ sáng trở lại, nên rất vui mừng, liền cắm cây tích trượng xuống đất, rồi đồng cúi đầu đảnh lễ Phật. Những cây tích truợng đó sanh sống trở lại và mọc lớn ra. Thế nhân rất tôn trọng và không ai dám chặt đi, nên dần dần mọc lan tràn ra thành vườn cây, và được gọi là vườn cây Ðắc Nhãn. Chúng tăng trong tịnh xá Kỳ Hoàn dùng ngọ xong thì thường ra đến khu vườn này để tọa thiền.

Cách tịnh xá Kỳ Hoàn khoảng sáu bảy dặm về phía đông bắc, Tỳ Xá Khứ Mẫu [116] xây ngôi tịnh xá, và thỉnh Phật cùng chúng tăng đến đó tu hành. Tịnh xá này đến nay vẫn còn tồn tại.

Các đại viện của tịnh xá Kỳ Hoàn, mỗi nơi đều có hai cửa; một cửa xoay về hướng đông; một cửa xoay về hướng bắc. Trưởng giả Tu Ðạt đã từng lót vàng để mua khu vườn chứa tịnh xá Kỳ Hoàn. Tịnh xá nằm ngay chính giữa khu vườn đó và là nơi Phật thường trú ở lâu nhất. Nơi Phật thường thuyết pháp, độ người, kinh hành, tạo thiền cũng được xây tháp thờ. Mỗi mỗi đều có danh tự. Bên cạnh cũng có nơi bà Tôn Ðà Lợi [117] giết người rồi phao vu cho Phật. Ra khỏi cửa đông của tịnh xá Kỳ Hoàn về phía bắc khoảng bảy mươi bước, bên hướng tây của đường lộ, xưa kia Phật đã từng cùng chín mươi sáu ngoại đạo luận nghị. Quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ, nhân dân đồng tụ hội nơi đó để lắng nghe. Ðương thời, một bà ngoại đạo tên là Ðàn Giá Ma Na (Chanchamana) khởi tâm ghen ghét, nên độn bụng tựa như đang mang thai, đến trước giữa tăng chúng phỉ báng Phật làm việc phi pháp. Lúc đó, trời Thiên Ðế Thích hóa hình thành một con chuột trắng, leo lên mình bà ta và cắn đứt sợi dây lưng, nên khiến cho áo quần độn trong bụng rớt xuống đất. Ngay tức khắc, đất nứt ra, bà ta bị chôn sống, đọa xuống địa ngục [118]. Gần đó cũng có nơi mà Ðề Bà Ðạt Ða [119] vì muốn dùng độc trảo để hãm hại Phật mà phải bị chôn sống đọa địa ngục. Người sau làm dấu phân biệt rõ ràng những nơi đó.

Họ lại xây tịnh xá, cao khoảng sáu trượng, ngay nơi Phật luận nghị với ngoại đạo. chính giữa tịnh xá có thiết đặt một tượng Phật. Phía đông trên đường lộ có một ngôi đền thiên tự [120] của ngoại đạo, được gọi là Ảnh Phúc, đối diện với tịnh xá Phật luận nghị với ngoại đạo, và cũng cao khoảng sáu trượng. Ðược gọi là Ảnh Phúc vì khi mặt trời chuyển qua hướng tây thì bóng tịnh xá của Thế Tôn chiếu ngay trên đền thiên tự đó. Khi mặt trời chuyển qua hướng đông thì bóng của đền thiên tự đó hướng về phía bắc, mà không bao trùm lên tịnh xá của Phật. Ngoại đạo thường phái người đến quét dọn, dâng hương, đốt đèn trong ngôi đền đó. Song, đến sáng thì những ngọn đèn đó tự dưng di chuyển vào tịnh xá của Phật. Bà la môn thấy vậy nên mắng chửi chư sa mônăn cắp đèn của họ để cúng dường Phật. Việc này xảy ra mãi mà không dừng. Tối đến, bà la môn rình mò, thấy chư thiên thần (mà họ đang phụng thờ) mang những cây đèn dầu đi nhiễu vòng quanh tịnh xá rồi cúng dường Phật, rồi đột nhiên biến mất. Thấy sự việc rõ ràng, các bà la môn mới biết thần lực cảm hóa mầu nhiệm của đức Phật, nên bỏ nhà xuất gia nhập đạo [121] làm tăng sĩ. Tương truyền gần thời giansự kiện này xảy ra, chung quanh tịnh xá Kỳ Hoàn có chín mươi tám ngôi tăng già lamchư tăng thường cư trú đông đúc, duy chỉ có một ngôi là trống không.

Nước Trung Quốc [122] này có chín mươi sáu ngoại đạo[123]. Họ đều biết việc đời này và đời trước. Mỗi ngoại đạo đều có đồ đệ và đều đi khất thực, nhưng không mang bình bát. Họ cũng cầu phước, nên trên đường lộ lớn lập các lữ xá phúc đức, phòng ở, giường chiếu, thức ăn nước uống để cung cấp cho các lữ hành cùng chúng xuất gia, khách khứa đến đi; điều khác biệt là thời hạn ở lại những nơi đó ngắn hay dài.

Hiện tại, đồ đệ của Ðề Bà Ðạt Ða cũng còn cúng dường ba vị Phật trong đời quá khứ, nhưng không cúng dường Phật Thích Ca.

Cách thành Xá Vệ về hướng đông nam khoảng bốn dặm có một ngôi tháp là nơi mà đức Phật đứng bên đường[124] chặn quân của vua Lưu Ly [125] định thôn chiếm nước Xá Di [126].

 Chương XXI. Ba vị Phật trong đời quá khứ.
 
Cách thành năm mươi dặm về hướng tây có một ấp, được gọi là Ðô Duy [127], vốn là nơi đản sanh của Phật Ca Diếp [128]. Nơi Ngài gặp người cha [129], nhập niết bàn cũng đều được dựng tháp thờ. Một ngôi đại tháp được dựng lập để thờ toàn thân xá lợi của Phật Ca Diếp[130].

Từ thành Xá Vệ đi về hướng đông nam mười hai do tuần, họ đến một thôn ấp, tên gọi là Na Tỳ Già [131], là nơi đản sinh của Câu Lưu Tôn Phật. Nơi Ngài gặp người cha, nhập niết bàn cũng đều có tháp thờ. Từ nơi đó đi về hướng bắc gần một do tuần, có một thôn ấp mà đó là nơi Câu Na Hàm Mâu Ni Phật đản sinh. Nơi Ngài gặp người cha, nhập niết bàn cũng có tháp thờ.

 Chương XXII. Thành Ca Tỳ La Vệ. Cảnh tiêu điều của thành. Truyền thuyết Phật đản sanh và những sự kiện liên hệ.
 
Ði về hướng đông gần một do tuần thì tới thành Ca Tỳ La Vệ [132]. Trong thành không có vua chúa hay nhân dân. Thành quách hoang tàn mốc meo, chỉ có vài tăng sĩ và khoảng mười gia đình dân dã. Nơi vương cung của vua Bạch Tịnh [133] có hình tượng của mẹ thái tử [134]. Nơi thái tử cỡi con ngựa trắng, nơi Bồ Tát lúc nhập bào thai [135], nơi thái tử ra khỏi thành phía đông thấy người bịnh hoạn rồi quay xe ngựa trở vào [136] thành, đều có xây tháp thờ. Nơi tiên A Tư Ðà[137] ngắm xem tướng mạo thái tử, nơi thái tử liệng xác chết con voi [138] bên đường khi đang cùng đi với Nan Ðà và những người khác, đều có xây tháp. Nơi thái tử thi bắn cung tên bay về hướng đông nam ba mươi dặm rồi cắm xuống đất, khiến một dòng suối chảy ra[139]. Người sau xây một giếng nước ngay nơi đó để cung cấp nước cho khách lữ hành. Nơi Phật viếng thăm phụ vương sau khi đắc đạo, nơi năm trăm Thích Tử xuất gia rồi lễ bái Ưu Bà Ly [140] khiến cho đất đai rúng động, nơi Phật thuyết pháp cho chư thiên, nơi trời Tứ Thiên Vương giữ bốn cánh cửa thành khiến phụ vương Ngài không thể vào được, nơi Phật ngồi dưới cây Ni Câu Luật [141] (hiện tại vẫn còn sống) hướng mặt về phía đông và được bà Ðại Ái Ðạo cúng dường y ca sa tăng già lê, nơi vua Lưu Ly giết dòng họ Thích và tất cả đồng đắc quả Tu Ðà Hoàn[142], tháp thờ đến nay cũng vẫn còn.

Cách thành về phía đông bắc vài dặm là ruộng của vua Tịnh Phạn, nơi thái tử ngồi bên dưới gốc cây quán xem nông dân cày cấy.

Mười lăm dặm về phía đông của thành có vườn thượng uyển của vua Tịnh Phạn, được gọi là Lâm Tỳ Ni (Lumbini). Phu nhân Ma Da vào hồ tắm gội, rồi đi ra khỏi hồ khoảng hai mươi bước, dùng tay nắm cành cây Vô Ưu, hướng mặt về phía đông mà hạ sanh thái tử. Thái tử vừa đản sanh liền đi bảy bước. Hai long vương (hiện thân) phun nước gội tắm thân thái tử. Nơi đó vẫn còn có một giếng nước mà hiện nay chúng tăng thường đến lấy uống.

Chư Phật có bốn nơi thường định, tức là nơi thành đạo, nơi chuyển pháp luân, nơi thuyết pháp hàng phục ngoại đạo, nơi xuống sau khi thăng lên cung trời Ðao Lợi để thuyết pháp cho người mẹ. Ngoài ra còn những nơi kỳ dị mà Phật thường tùy thờithị hiện.

Nước Ca Tỳ La Vệ hoang dã, dân chúng sống rải rác. Người bộ hành thường sợ voi trắng và sư tử hoang nên chẳng dám đi lang thang.

 Chương XXIII. Vương quốc Lam Mạc (Râma) và ngôi tháp.
 
Từ nơi Phật đản sanh, chúng tôi đi về hướng đông năm do tuần thì gặp nước Lam Mạc[143]. Quốc vương nước này được một phần xá lợi của Phật[144]. Khi trở về nước nhà vua cho xây tháp thờ cúng dường, được gọi là tháp Lam Mạc. Cạnh tháp có một hồ nước. Trong hồ có một con rồng thường thủ hộ và ngày đêm cúng dường ngôi tháp đó. Vua A Dục xuất thế, muốn phá tám cái tháp lớn thờ xá lợi của Phật để làm tám mươi bốn ngàn ngôi tháp khác[145]. Phá được bảy ngôi tháp xong, nhà vua lại muốn phá tháp đó. Rồng liền hiện thân, đưa vua A Dục xuống long cung và thiết đãi yến tiệc. Thiết đãi xong, long vương bảo vua A Dục:

- Ðồ cúng dường của Ðại Vương nếu nhiều hơn những đồ cúng dường này thì Ngài có thể phá tháp xá lợi đó được, và tôi sẽ không tranh với Ngài đâu.

Vua A Dục biết những đồ vật cúng dường đó, trên thế gian này không sao sánh bằng, nên đành trở về (mà không dám phá ngôi tháp đó). Sau này, nơi đó hoang vắng, cỏ cây mọc um sùm, không ai quét dọn. Song, có một đàn voi dùng vòi hút nước, quét dọn nơi đó và ngắt bao loại hương hoa, mang đến cúng dường tháp đó. Một đạo nhân ở vương quốc khác đến muốn lễ bái tháp, nhưng thấy đàn voi thì sợ hãi, nên núp sau những gốc cây mà quan sát. Ông thấy đàn voi cúng dường tháp xá lợi đúng như pháp, nên rất cảm động buồn thương mà suy nghĩ rằng nơi đây đáng lẽ phải có một ngôi tăng già lam để cúng dường tháp xá lợi. Ngược lại chỉ có đàn voi lo việc quét dọn. Vì vậy đạo nhân đó liền xả đại giới [146], chỉ nguyện làm sa di, tự tay nhổ cỏ dại cây hoang, sang bằng đất đai, khiến nơi đó được khang trang sạch sẽ, rồi khuyên quốc vương xây ngôi già lam, làm nơi trụ xứ cho chư tăng. Xong xuôi, ông làm trụ trì ngôi chùa đó mà hiện tại vẫn còn tăng chúng trú ở. Việc này chỉ mới xảy ra gần đây, nhưng từ đó đến nay, vị trụ trì trong chùa đều là sa di cả.



 Chương XXIV. Nơi Phật xả báo thân và nơi Ngài nhập niết bàn.
 
Cách đó bốn do tuần về hướng đông là tháp thờ nơi thái tử bảo Xa Nặc cỡi ngựa trắng[147] trở về vương thành.

Từ đó đi về hướng đông bốn do tuần, chúng tôi đến Thán Tháp[148]; nơi đó cũng có một ngôi tăng già lam.

Lại đi về hướng đông mười hai do tuần, chúng tôi đến thành Câu Di Na Ðề[149]. Phía bắc của thành có cây song thọ bên cạnh bờ sông Ni Liên Thiền. Nơi đây, đức Thế Tôn nằm xoay đầu về hướng bắc mà nhập niết bàn, cũng là nơi ông Tu Bạt[150], đệ tử cuối cùng của Phật, đắc đạo A La Hán. Nơi chư đệ tử cúng dường kim quan đức Thế Tôn trong bảy ngày đêm[151], nơi Kim Cang Lực Sĩ phóng kim xử (chày bằng vàng), nơi tám quốc vương phân chia xá lợi Phật[152], mỗi mỗi đều có tháp thờ và có các ngôi tăng già lam, mà đến ngày nay vẫn còn.

Nhân dân trong thành sống thưa thớt rải rác, chỉ có vài tăng sĩ và dăm ba gia đình.

Từ đó chúng tôi đi về hướng đông nam mười hai dặm, đến nơi các người dòng họ Lệ Xa [153] muốn Phật nhập niết bàn mà Phật không khứng chịu, nên họ quyến luyến quá lắm không chịu bỏ đi. Phật liền hóa ra một cái hồ sâu, khiến họ không thể lội qua được. Phật lại đưa cho họ bình bát làm chứng tín, thì họ mới chịu trở về nhà. Nơi đó có một cây cột trụ bằng đá, ghi lại những sự kiện về việc này.

 Chương XXV. Tỳ Xá Ly. Tháp Phóng Cung Trượng. Pháp hội kết tập kinh điển tại thành Tỳ Xá Ly (Vaisali).
 
Từ đó chúng tôi đi về hướng đông mười do tuần đến nước Tỳ Xá Ly. Phía bắc của thành này có một khu rừng lớn bao trùm một tịnh xá hai tầng, là nơi Phật thường trú ở, cùng có tháp thờ phân nửa thân của tôn giả A Nan. Trong thành có tháp thờ Phật do bà Am Bà La [154] xây cất đến nay vẫn còn. Cách thành ba dặm về phía nam, ở hướng tây trên đường lộ là nơi mà bà Am Bà La cúng dường ngôi vườn của mình để làm trụ xứ cho Phật. Lúc Phật sắp nhập niết bàn, Ngài cùng chư đệ tử đi ra khỏi cổng phía tây của thành Tỳ Xá Ly. Ngài xoay thân qua bên phải nhìn trở lại thành này rồi bảo chư đệ tử:

- Ðây là nơi Ta đến cuối cùng nhất.

Người sau lập tháp thờ nơi đây. Cách thành ba dặm về hướng tây bắc có một ngôi tháp tên là Phóng Cung Trượng. Câu chuyện xảy như thế này: Dọc theo sông Hằng có một vương quốc. Tiểu phu nhân của quốc vương đó sanh hạ một bọc bào thai. Bà đại phu nhân thấy thế nên ghen ghét bảo:

- Ngươi sanh quái vật không lành.

Nói xong, bà ta liền bỏ bọc bào thai vào một cái hộp gỗ rồi thả trôi trên nước sông Hằng. Cùng lúc, tại vùng hạ lưu, một ông vua nọ đang đi dạo chơi, thấy trên dòng sông có một hộp gỗ, nên sai quân vớt lên. Khi mở ra, ông thấy một ngàn đứa bé đều có dáng hình đoan chánh, diện mạo thù đặc khác nhau. Vua bèn mang về cung nuôi dưỡng cho đến trưởng thành. Lúc trưởng thành, thân họ dũng kiện và thường đi chinh phạt mà không khi nào thất trận. Lần hồi, họ tiến đánh nước của vua cha mình. Nhà vua nước đó rất ưu sầu lo lắng. Tiểu phu nhân thấy vậy liền hỏi nhà vua rằng tại sao quá ưu sầu. Vua bảo:

- Vuơng quốc kia có một ngàn hoàng tử dũng kiện không ai sánh bằng. Nay họ muốn tiến chiếm vương quốc này, nên Ta mới buồn rầu lo lắng.

Tiểu phu nhân nghe thế liền bảo:

- Vương chớ ưu sầu. Hãy cho cất một cái lầu cao nơi thành phía đông. Khi quân địch tới, thiếp sẽ lên trên đó tìm cách trị chúng.

Vua nghe thế liền làm theo lời của tiểu phu nhân. Khi quân địch đến, tiểu phu nhân đứng trên lầu cao bảo quân giặc:

- Các ngươi là con của ta, sao lại dám phản nghịch.

Họ hỏi:

- Bà là ai mà dám bảo là mẹ của chúng ta?

- Nếu các ngươi không tin, hãy cùng nhau hướng về phía Ta và mở miệng to ra.

Tiểu phu nhân liền dùng hai tay vắt hai vú, khiến sữa chảy ra thành năm trăm dòng, đồng chảy đầy vào miệng của ngàn hoàng tử. Biết bà chính mẹ ruột, một ngàn hoàng tử liền bỏ cung tên gươm giáo xuống. Thấy việc này, hai phụ vương đồng tư duy, đắc quả Bích Chi Phật. Tháp thờ hai vị Bích Chi Phật hiện nay cũng còn nơi đó.

Sau khi thành đạo, đức Thế Tôn chỉ cho chư đệ tử nơi Ngài đã từng bỏ cung kiếm[155]. Người sau biết được việc này nên xây tháp thờ tại đó, nên mới có tên là Phóng Cung Trượng. Một ngàn hoàng tử tức là một ngàn vị Phật trong đời hiền kiếp[156].

Cạnh tháp Phóng Cung Trượng, Phật xả bỏ báo thân, nên bảo tôn giả A Nan:

- Sau ba tháng, Ta sẽ nhập niết bàn.

Ma vương[157] che mờ tâm tánh của A Nan, khiến Tôn Giả chẳng thỉnh Phật trụ lại thế gian.

Từ nơi đó đi về hướng đông ba bốn dặm có một ngôi tháp. Sau Phật nhập niết bàn một trăm năm, chư tỳ kheo tại Tỳ Xá Ly phạm mười giới hạnh, rồi bảo rằng Phật cho phép được như thế. Ðương thời có khoảng bảy trăm chư A La Hán và các tỳ kheo trì giới thanh tịnh cùng nhau kiểm khảo luật tạng[158]. Người sau nhân việc đó mà lập tháp nơi đây, cho đến hiện tại vẫn còn.



 Chương XXVI. Kỳ tích nhập diệt của tôn giả A Nan.
 
Từ đó đi về hướng đông bốn do tuần đến chỗ hợp lưu của năm dòng sông. Tôn giả A Nan đi từ nước Ma Kiệt Ðà[159] đến nước Tỳ Xá Ly rồi muốn nhập niết bàn nơi đó. Nhờ chư thiên mách bảo, vua A Xà Thế[160] bèn tự xa giá cùng tướng sĩ chạy đuổi theo đến thượng nguồn dòng sông. Song song, các người dòng Lệ Xa ở Tỳ Xá Ly nghe tôn giả A Nan đến, nên cũng ra nghinh đón, đồng tới thượng nguồn dòng sông. Tôn giả A Nan tự suy nghĩ:

- Tiến lên phía trước thì vua A Xà Thế giận mình. Ði ngược về phía sau thì người Lệ Xa oán mình.

Vì vậy, ngay giữa dòng sông tôn giả dùng ngọn lửa tam muội thiêu thân nhập niết bàn, rồi phân thân thành hai phần, để mỗi phần trôi vào hai bên bờ sông. Thế nên, hai vị vua đều được nửa thân phần xá lợi của tôn giả A Nan, nên đem về và lập tháp thờ tại vương thành.

 Chương XXVII. Ấp Ba Liên Phất (Pâtaliputtra) ở vương quốc Ma Kiệt Ðà. Cung điện thần của vua A Dục (Asoka). Phật tử bà la môn. La Thái Hoằng Mê (Râdhasâmi). Trạm xá phúc đức.
 
Vượt qua sông, tôi đi xuôi về hướng nam một do tuần, đến ấp Ba Liên Phất[161] tại vương quốc Ma Kiệt Ðà, vốn là nơi vua A Dục[162] đã từng trị vì. Nhà vua đã từng khiến quỷ thần hóa hiện cung điện này ngay trong vương thành. Từng lớp đá xếp chồng nhau làm vách thành và cổng thành; nghệ thuật điêu khắc chạm trổ rất tinh vi mà thế nhân không ai có thể làm được; hiện nay vẫn còn tồn tại.

Em của vua A Dục sau khi đắc quả A La Hán trú trong núi Giả Ðồ Quật[163], chí chỉ thích sống an lạc nhàn tịnh trong đó. Vua A Dục vì tâm cung kính nên muốn thỉnh Ngài vào cung để cúng dường. Song, vì chỉ thích cảnh an lạc của núi rừng, nên vị A La Hán đó không thọ nhận lời cung thỉnh. Nhà vua liền bảo:

- Ngài chỉ việc nhận lời thỉnh mời thôi. Tôi sẽ xây núi trong thành này.

Sau đó, nhà vua liền thiết dọn đầy đủ thức ăn nước uống, rồi triệu vời chư quỷ thần, bảo:

- Ngày mai xin mời chư vị hãy vào thành thọ trai. Song, vì không có chiếu, nên phiền các ngài tự đem ghế đến.

Hôm sau, chư đại quỷ thần mỗi vị đều đem một tảng đá vuông lớn, rộng khoảng bốn năm bộ. Khi chư quỷ thần ngồi xuống xong, nhà vua chỉ bảo họ sắp chồng thành một ngọn đồi lớn. Dưới chân đồi, nhà vua lại bảo họ sắp năm tảng đá lớn làm một thạch thất, dài ba trượng, rộng hai trượng, cao hơn một trượng.

Trong thành có một người dòng bà la môn, tu học theo phái đại thừa, tên là La Thái Hoằng Mê, thông minh đảnh ngộ đa trí, hiểu biết mọi sự, tự sống đời thanh tịnh. Nhà vua tôn kính như ông như bậc thầy. Nếu đến gặp gỡ để thỉnh vấn đàm đạo, nhà vua không dám ngồi ngang hàng với ông ta. Vài lần, nhà vua vì tâm ái kính nên nắm tay ông ta. Nhà vua vừa thả tay ra, ông bà la môn này liền đi rửa tay. Tuổi tác ông ta ngoài năm mươi. Dân chúng trong nước ai ai cũng đều tôn trọng kính ngưỡng. Lại nữa, nhờ ông ta hoằng tuyên Phật pháp mà bọn ngoại đạo không thể làm quấy rầy tăng chúng.

Bên cạnh tháp của vua A Dục, một ngôi Ma Ha Diễn tăng già lam được kiến thiết, rất oai nghiêm mỹ lệ. Vùng đó lại có một ngôi chùa của phái tiểu thừa. Tổng cộng, có khoảng sáu bảy trăm tăng sĩ trong hai ngôi chùa đó. Giới luật oai nghi của chư tăng nơi đó rất tinh nghiêm cẩn mật.

Bốn phương đại đức cao tăng cùng các vị học giả, nếu muốn cầu nghĩa lý, đều đi đến hai ngôi chùa đó mà tu học. Trong chùa có một bà la môn, diễn giảng chánh pháp như sư tử rống, tên là Văn Thù Sư Lợi[164], đều được chư đại đức cao tăng cùng chư tỳ kheo tu phái đại thừa trong nước tôn sùng cung ngưỡng.

So với các quốc gia thành ấp ở Trung Quốc, tức trung Thiên Trúc, thì quốc thành tụ lạc nơi đây lớn hơn nhiều. Nhân dân giàu sang, sống đời sung túc an nhàn. Họ đua nhau hành việc nhân nghĩa. Mỗi năm họ thường tổ chức lễ 'Hành Thánh Tượng' vào mồng tám tháng hai. Họ làm xe bốn bánh và dùng tre kết thành năm tầng lầu, cao hơn hai trượng, hình dạng như ngôi tháp. Lụa trắng nhu nhuyến được quấn quanh xe, rồi họ tô vẽ nhiều màu sắc rực rỡ. Họ lại làm hình tượng chư thiên, rồi trang hoàng bằng vàng bạc lưu ly. Bên trên có treo tràng phan bảo cái. Bốn bên xe họ làm bốn cái kham, đều có tượng Phật ngồi trong đó và có tượng Bồ Tát đứng hầu. Họ làm khoảng mười hai chiếc xe. Mỗi chiếc được trang hoàng màu sắc khác nhau. Vào ngày đó, người tu hành và kẻ tục trong các vùng xung quanh đều tụ hội, cùng có những kẻ hát xướng ca vũ, dâng hương cúng dường. Các bà la môn đến, cung thỉnh tượng Phật vào thành theo thứ lớp trong hai ngày. Họ thắp đèn suốt đêm và ca múa hát xướng cúng dường. Lễ này cũng được tổ chức tại khắp các vuơng quốc khác. Tại các vương quốc đó, trưởng giảcư sĩ thường lập trạm xá phúc đức (tức bố thí tiền tài vật dụng) y dược (bố thí thuốc men) trong đô thành. Những người nghèo nàn, cô độc, tàn tật, bệnh hoạn đều đến những trạm xá đó thì được cung cấp bao loại đồ đạc như thức ăn nước uống, thuốc thang cần dùng tùy theo nhu cầu. Nơi đó có thầy thuốc khám bịnh. Ðược cung cấp đầy đủ rồi thì họ liền đi nơi khác.

Sau khi phá bảy ngôi tháp xá lợi để xây cất thành tám mươi bốn ngàn ngôi tháp khác, vua A Dục kiến thiết ngôi tháp đầu tiên rất lớn và được đặt cách thành phía nam hơn ba dặm. Trước mặt tiền của ngôi tháp có dấu chân Phật và một tịnh xá được xây cất nơi đó. Cửa của tịnh xá hướng về phía bắc. Phía nam của ngôi tháp có một trụ đá, chu vi khoảng một trượng tư, cao hơn ba trượng, bên trên có khắc ghi: "A Dục vương bố thí tiền tài cho bốn phương tăng chúng ở cõi Diêm Phù Ðề. Sau đó chuộc lại ba lần."

Cách ngôi tháp về phía bắc khoảng ba bốn trăm bước, xưa kia vua A Dục đã từng xây thành Ni Lê. Trong thành Ni Lê có trụ đá, cũng cao hơn ba trượng. Trên trụ đá có tượng sư tử và có ghi lại nhân duyên cùng niên lịch ngày tháng xây thành Ni Lê.

 Chương XXVIII. Thành Vương Xá (Râjagriha), xưa và nay. Truyền thuyếtnhân duyên liên hệ.
 
Từ đó đi về hướng đông nam chín do tuần thì đến một ngọn đồi đá trụi nhỏ[165]. Trên ngọn đồi đó có một thạch thất. Cửa thạch thất này xoay về phía nam. Phật đã từng ngồi thiền trên đó. Thiên Ðế Thích dẫn thần nhạc Bàn Giá [166] trương cầm nhạc đến nơi Phật ngồi thiền để ca múa hát xướng. Kế đến, Thiên Ðế Thích lại hỏi vấn Phật bốn mươi hai việc và dùng ngón tay lần từng câu hỏi[167]. Dấu ngón tay của Thiên Ðế Thích vẫn còn cho đến hiện tại. Nơi đó cũng có một ngôi tăng già lam.

Từ đó đi về hướng tây nam khoảng một do tuần thì đến thôn Na La, vốn là nơi đản sanh của tôn giả Xá Lợi Phất. Tôn giả Xá Lợi Phất cũng trở lại nơi này mà nhập niết bàn. Nơi đó có một ngôi tháp, hiện tại vẫn còn.

Từ đó đi về hướng tây một do tuần, đến tân thành Vương Xá[168]. Cung thành này do vua A Xà Thế xây cất. Bên trong có hai ngôi tăng già lam. Ra khỏi cổng thành phía tây ba trăm bước là nơi vua A Xà Thế được một phần xá lợi của Phật và xây tháp cúng dường. Ngôi tháp đó cao ráo trang nghiêm tráng lệ. Ra khỏi thành phía nam, đi về hướng nam bốn dặm, tiến vào một vùng thung lũng, rồi tới năm ngọn đồi. Hình dáng năm ngọn đồi nối kết xoay vần với nhau giống như thành quách. Nơi đây là cung thành của vua Tần Bà Sa La thuở xưa. Chiều dài của cung thành từ đông sang tây khoảng năm sáu dặm, và từ nam đến bắc khoảng bảy tám dặm. Nơi tôn giả Xá Lợi Phất gặp tỳ kheo Mã Thắng[169], nơi bọn Ni Kiền Tử [170] đào hầm lửa rồi mời Phật ăn cơm tẩm thuốc độc, nơi vua A Xà Thế thả voi say để hại Phật, nơi ông Kỳ Cựu [171] xây tịnh xá trong vườn của Am Bà La rồi thỉnh Phật cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ kheo đến cúng dường, mỗi mỗi đều còn, nhưng vương thành hoang vắng, không có người trú ở.

 Chương XXIX. Ngọn núi Giả Ðà Quật (Gridhra-kuta) và truyền thuyết. Ngài Pháp Hiển trú lại qua đêm nơi đó và quán tưởng.
 
Vào thung lũng, đi ngang núi tiến lên phía đông nam hơn mười lăm dặm, đến dãy núi Giả Ðồ Quật (hay Linh Thứu). Cách đỉnh núi ba dặm có một hang đá, mặt tiền hướng về phía nam, vốn là nơi Phật đã từng ngồi thiền. Cách ba mươi bước về hướng tây bắc là hang đá mà tôn giả A Nan đã từng ngồi thiền. Thiên ma Ba Tuần[172] hóa thành con chim kên to lớn, bay đến trước cửa hang, khiến tôn giả A Nan sợ hãi. Phật dùng lực thần túc vói tay xuyên đá vỗ vai A Nan, khiến Tôn Giả hết sợ hãi. Dấu chân của chim kên và lằn nứt cũng còn hiện hữu, nên được gọi là núi Ðiểu Thứu Quật[173].

Trước hang là nơi bốn vị Phật trong đời quá khứ thường ngồi thiền. Ngoài ra, còn có vài trăm hang đá của chư A La Hán thường ngồi thiền. Trước hang đá của mình, Phật thường đi kinh hành qua lại đông tây. Ðề Bà Ðạt Ða đứng trên chót núi phía bẳc, xô tảng đá lớn xuống làm ngón chân Phật bị thương. Tảng đá đó vẫn còn [174].

Pháp đường Phật thường thuyết giảng đã bị hư hoại, chỉ còn nền gạch. Ngọn núi này rất hùng vĩ đoan nghiêm, là nơi cao nhất của năm ngọn núi. Nơi tân thành Vương Xá, tôi mua hương, hoa, dầu, đèn, rồi nhờ hai vị tỳ kheo thường trụ nơi đó mang giùm lên núi Giả Ðồ Quật. Lên đó, tôi bèn cúng dường hương hoa và đốt đèn nến suốt đêm. Nơi đó, tôi chợt cảm giác bi thương, rơi lệ tự bảo:

- Xưa kia Phật đã từng thuyết kinh Lăng Nghiêm tại đây. Pháp Hiển sanh ra không gặp được Phật, chỉ thấy dấu chândi tích thuở sanh tiền của đức Thế Tôn mà thôi.

Thế nên, nơi hang đá, tôi tụng kinh Lăng Nghiêm, và trú lại đó qua một đêm[175], rồi trở lại Tân Thành.

 Chương XXX. Ðộng Xa Ðế (Srataparna), hay hang động của chư A La Hán kết tập kinh tạng lần thứ nhất. Truyền Thuyết. Tỳ kheo tự sát.
 
Ra khỏi Cựu Thành đi về hướng bắc hơn ba trăm bước, tại phía tây đường lộ là tịnh xá vườn trúc Ca Lan Ðà[176] (tức tịnh xá Trúc Lâm), hiện nay vẫn còn tăng chúng quét dọn.

Phía bắc tịnh xá hai ba dặm có Thi Ma Xa Na(Smasânam), Tàu dịch là nghĩa địa liệng thây chết.

Ði ngang qua phía nam của ngọn núi, hướng về phía tây ba trăm bước có một hang động, được gọi là Bình Ba La Quật (Pippala), và vốn là nơi Phật thường tọa thiền sau buổi thọ trai.

Lại đi về hướng tây năm sáu dặm, trong bóng của ngọn núi ở phía bắc có một hang đá mang tên Xa Ðế. Phật vừa nhập niết bàn, năm trăm vị A La Hán kiết tập kinh điển trong đó. Lúc kiết tập, đem kinh ra [177] bày bố ba tòa cao, trang hoàng nghiêm sức. Tôn giả Xá Lợi Phất ngồi bên trái[178]. Tôn giả Mục Kiền Liên ngồi bên phải[179]. Trong số năm trăm có thiếu tôn giả A Nan. Tôn giả Ðại Ca Diếp làm bậc thượng thủ và ngồi trên tòa chính giữa. Khi ấy, A Nan ở bên ngoài cửa, không thể vào được[180]. Nơi đó hiện có tháp thờ cho đến bây giờ.

Chung quanh núi cũng có các hang đá của chư A La Hán ngồi thiền rất nhiều.

Rời khỏi Cựu Thành ở phía bắc, đi về hướng đông ba dặm thì gặp hang đá của Ðề Bà Ðạt Ða. Ði khỏi nơi đó năm mươi bước có một tảng đá vuông đen lớn. Tại đó, vào thuở xưa có một vị tỳ kheo đi kinh hành, suy nghĩ thân này vô thường, khổ, không, rồi đắc được bất tịnh quán, nên nhàm chán thân này, bèn cầm dao muốn tự sát, nhưng lại nhớ Thế Tôn chế giới không được tự sát[181]. Thầy lại suy nghĩ:

- Tuy vậy, hôm nay mình giết ba nọc độc[182].

Thế nên, trong tức khắc, Thầy lấy dao cắt cổ tự vẫn. Dao vừa chạm đến da thịt thì Thầy đắc quả Tu Ðà Hoàn[183]. Dao cắt phân nửa cổ thì đắc quả A Na Hàm[184]. Cổ vừa đứt đoạn thì Thầy chứng quả A La Hán, nhập niết bàn.

 Chương XXXI. Già Da (Gayâ). Nơi Phật thành đạo. Những truyền thuyết khác.
 
Từ đó đi về hướng tây bốn do tuần, chúng tôi đến thành Già Da[185]. Song, cung thành hoang tàn vắng lặng. Chúng tôi lại đi về hướng nam hai mươi dặm đến nơi Bồ Tát tu khổ hạnh trong sáu năm; chung quanh đều có rừng cây rậm rạp.

Từ đó đi về hướng tây ba dặm, đến chỗ Phật từng xuống ao tắm gội và chư thiên hạ cong nhánh cây để giúp Phật bước ra khỏi hồ.

Chúng tôi lại đi về hướng bắc hai dặm, rồi đến nơi cô Nhi Gia (Grâmika) cúng dường bát sữa cho Phật.

Từ đó đi về hướng bắc hai dặm là nơi Phật ngồi dưới cây đại thọ, trên tảng đá, hướng mặt về phía đông, rồi dùng bát sữa. Cây đại thọ và tảng đá đó hiện vẫn còn. Tảng đá rộng và dài sáu thước, cao hai thước. Nhiệt độ ở nước Trung Quốc điều hòa, nên có nhiều cây đại thọ già cả vài ngàn cho đến chục ngàn năm.

Từ đó đi về hướng đông bắc nửa do tuần thì đến một hang đá mà khi xưa Bồ Tát vào trong đó, mặt hướng về phía tây, ngồi xếp bằng, tâm tự suy nghĩ:

- Nếu Ta thành đạo thì phải có thần linh kiểm chứng.

Vừa suy nghĩ xong, ngay trên vách đá liền có bóng hình một vị Phật hiển hiện, dài độ ba thước, nay vẫn còn rõ. Ðương thời trời đất rún động dữ dội, và chư thiên trên hư không bảo:

- Ðây chẳng phải là nơi chư Phật trong ba đời quá khứ hiện tại vị lai thành đạo. Xin Ngài hãy đến phía tây nam gần nửa do tuần, tới dưới gốc cây Bồ Ðề[186] (Cụ Ða). Ðấy mới chính là nơi mà chư Phật trong thời quá khứ hiện tại vị lai đều thành đạo.

Vừa nói dứt lời, chư thiên bèn ca hát và vạch đường cho Bồ Tát đến nơi đó. Bồ Tát đúng dậy khởi hành, rời cây đại thọ ba mươi bước. Chư thiên cúng dường cỏ kiết tường[187], Bồ Tát thọ nhận, rồi lại đi năm mươi bước. Năm trăm con chim Thanh Tước bay nhiễu Bồ Tát ba vòng rồi biến mất. Bồ Tát đi thẳng đến cây Bồ Ðề, trải cỏ kiết tường, rồi ngồi xuống, mặt hướng về phía đông. Bấy giờ ma vương sai ba ngọc nữ từ phía bắc tới, còn hắn từ phía nam đến để trêu ghẹo thử thách. Bồ Tát ấn ngón chân cái xuống đất, ma quân liền thối tán, ba ngọc nữ biến thành những bà lão già.

Nơi Bồ Tát tu khổ hạnh trong sáu năm cùng những nơi đã được kể đến ở bên trên, người sau đều xây tháp lập tượng để thờ cho đến hiện tại.

Nơi vừa thành đạo, Phật ở lại quán sát cây Bồ Ðề trong bảy ngày, thọ giải thoát lạc; nơi dưới gốc cây Bồ Ðề, Phật đi kinh hành bảy ngày qua lại đông tây; nơi chư thiên hóa điện đường thất bảo, cúng dường Phật trong bảy ngày; nơi Phật ngồi dưới gốc cây Ni Câu Luật trên tảng đá vuông, mặt xoay về phía đông, và Phạm Thiên Vương đến cung thỉnh Ngài chuyển pháp luân; nơi rồng mù Văn Lân Mục (Muchilinda) nhiễu Phật trong bảy ngày[188], nơi trời Tứ Thiên Vương cúng dường Phật bình bát của họ, nơi năm trăm thương nhân cúng dường Phật mật ong và bột rang, nơi Phật độ sư huynh đệ Ca Diếp một ngàn người, tất cả mọi chỗ đều có tháp thờ.

Tại nơi Phật thành đạo có ba ngôi tăng già lam, mà bên trong đều có tăng chúng thường trụ. Dân làng xung quanh cung cấp cúng dường đầy đủ bốn vật cho tăng chúng tùy theo sở cầu, không thiếu thốn. Chư tăng hành trì giới luật nghiêm túc; pháp tắc oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, và nhập chúng của các ngài đều như sở hành của chư thánh tăng vào lúc Phật còn tại thế. Bốn ngôi tháp lớn tại nơi Phật đản sanh, nơi Bồ Tát đắc đạo, nơi Phật chuyển bánh xe pháp, và nơi Phật nhập niết bàn, luôn luôn được bảo trì sửa chữa đắp tô liên tục không dứt.

 Chương XXXII. Truyền thuyết của vua A Dục (Asoka) trong đời tiền kiếpđịa ngục của ông ta.
 
Tích xưa, Phật Ca Diếp (Kasyapa) đang đi khất thực trên đường, bỗng gặp một đứa bé. Ðứa bé này thấy Phật liền mừng rỡ, lấy tay bốc nắm cát bố thí cho Ngài. Phật lấy nắm cát đó và rải ngay trên đường kinh hành của mình. Nhờ quả báo đó, đứa bé được làm vua Thiếc Luân ở cõi Diêm Phù Ðề, tức vua A Dục. Ngồi trên xe thiết luân, đi giám sát cõi Diêm Phù Ðề, nhà vua thấy địa ngục (naraka) trừng trị tội nhân ở trong hai núi thiết vi, nên hỏi quần thần rằng đây là nơi nào? Quần thần đáp:

- Ðây là nơi trừng trị tội nhân của quỷ vương Diêm La [189].

Vua nghe thế liền tự suy nghĩ: "Quỷ vương còn làm địa ngục để trừng trị kẻ ác. Ta là vua của loài người, sao không làm được địa ngục trị những người ác?"

Suy nghĩ xong, nhà vua liền hỏi quần thần:

- Ai có thể thay Ta tạo địa ngục, làm chủ ngục trị tội nhân?

Quần thần thưa:

- Chỉ có kẻ cực ác mới làm được việc này!

Nhà vua liền sai quần thần đi tìm kiếm kẻ cực ác kia. Họ thấy cạnh bờ hồ có một người tướng trạng cao ráo khỏe mạnh, da ngâm đen, tóc màu vàng, mắt màu xanh, chân giữ cần câu cá, miệng kêu cầm thú. Cầm thú đến hắn giương cung bắn, không con nào thoát được. Họ liền dẫn hắn về triều gặp nhà vua. Nhà vua liền ban sắc lịnh bí mật, bảo hắn:

- Ngươi hãy xây bốn vách tường cao ráo, bên trong có trồng bao loại hoa quả, và làm hồ nước trong xanh; trang hoàng nghiêm sức khắp nơi, khiến người thấy liền khát ngưỡng, và hãy làm cổng rắn chắc. Nếu có ai bước vào thì hãy bắt lại, dùng đủ cực hình trị tội, chớ để họ thoát. Ngay cả khi Ta vào đó, ngươi cũng trị tội chớ thả. Nay Ta giao cho ngươi chức chủ ngục.

Ðương thời, có một tỳ kheo, thứ lớp đi khất thực, chẳng may vào cửa đó. Ngục tốt thấy Thầy liền bắt nhốt để trị tội. Thầy kinh hoàng cầu thỉnh:

- Xin hãy để tôi dùng ngọ.

Ngay khi ấy, một người khác bước vào cửa, nên bị ngục tốt bắt hành hạ, rồi bỏ trong cối xay, máu chảy dầm dề. Thầy tỳ kheo thấy thế, suy nghĩ thân này vô thường, khổ, không, như bọt nước, như giọt sương, liền đắc quả A La Hán. Khi ngục tốt bỏ vào chảo nước sôi, nhưng tâm Thầy lại vui mừng. Lửa tắt khiến nước nguội, và chợt hiện ra một hoa sen mà Thầy tỳ kheo ngồi trên đó. Ngục tốt liền chạy đến báo tin này cho vua hay, bảo:

- Trong ngục có việc rất kỳ lạ. Xin nhà vua hãy đến xem.

Vua bảo:

- Lúc trước Ta đã ban sắc lịnh rồi, nên nay không dám vào.

- Ðây chẳng phải là việc nhỏ. Ngài phải đến đó ngay tức khắc. Sắc lịnh xưa kia có thể sửa đổi.

Vua nghe thế liền vào ngục, gặp và được thầy tỳ kheo kia thuyết pháp. Vừa nghe qua, nhà vua đắc tín giải, liền phá địa ngục ngay, và sám hối những tội lỗi khi trước. Từ đó nhà vua tín trọng Tam Bảo, nên thường đến dưới cây Bồ Ðề sám hối nghiệp tội và tự khiển trách cùng thọ bát quan trai giới.

Lúc hoàng hậu hỏi nhà vua thường đi đâu, quần thần đáp rằng nhà vua thường đến dưới gốc cây Bồ Ðề. Hoàng hậu chờ dịp nhà vua đi vắng, sai người chặt cây Bồ Ðề đó. Nhà vua trở lại, thấy cây Bồ Ðề bị đốn chặt, nên buồn thương ngã lăn bất tỉnh. Quần thần rải nước vào mặt, khiến nhà vua tỉnh lại. Vua bèn cho xây vách bằng gạch xung quanh bốn bên, và sai người đổ một trăm bình sữa bò tưới gốc cây, rồi nằm xuống, tay chân ôm đất mà phát nguyện:

- Nếu cây không sống lại, Ta thề chẳng đứng dậy.

Nhà vua vừa thệ nguyện như thế, cây Bồ Ðề liền đâm rễ sống lại cho đến ngày nay, cao gần mười trượng.

 Chương XXXIII. Ngọn núi Kê Túc (Gurupada), nơi chứa toàn thân xá lợi của Phật Ca Diếp.
 
Từ đó đi về hướng nam ba dặm, đến một ngọn núi, được gọi là Kê Túc[190]. Tôn giả Ðại Ca Diếp hiện vẫn còn ở trong đó. Tôn giả vạch núi đi vào đó mà không ai có thể vô được. Ði xuống rất sâu có một cái lỗ bên cạnh hang. Toàn thân tôn giả Ca Diếp đang trụ trong đó. Bên ngoài cái lỗ đó là khoảnh đất mà tôn giả Ca Diếp thường rửa tay. Người nào bị nhức đầu, lấy một nhúm đất nơi đó rồi xoa lên đầu thì sẽ khỏi ngay. Trong ngọn núi này, xưa nay thường có chư A La Hán trú ở. Các quốc vươngđạo nhân ở những nơi khác, mỗi năm thường đến đây cúng dường tôn giả Ca Diếp. Nếu có ai tâm thành mến đạo, vào ban đêm sẽ có các vị A La Hán bước ra cùng họ luận nghị, giải thích những lẽ nghi ngờ, rồi đột nhiên biến mất.

Trên núi, cỏ cây hoa lá sum xuê, lại có rất nhiều sư tử, sói lang, nên không thể đi lang thang được.

 Chương XXXIV. Trên đường trở về ấp Ba Liên Phất (Patna). Ba La Nại (Benâres). Phật Thích Ca chuyển bánh xe pháp.

 Tôi[191] quay trở lại, hướng về phía ấp Ba Liên Phất, rồi đi dọc theo sông Hằng về phía tây mười do tuần, bèn đến một tịnh xá, tên là Quảng Dã, vốn là nơi Phật từng trú ở, mà hiện nay vẫn còn tăng chúng thường trụ.

Tôi lại đi dọc theo sông Hằng về hướng tây mười hai do tuần, đến thành Ba La Nại[192] ở nước Ca Thi La (Kasi). Cách thành về hướng đông bắc mười dặm có tịnh xá Tiên Nhân Lộc Dã Uyển. Ngôi vườn này vốn có một vị Bích Chi Phật trú ở. Vào ban đêm thường có hươu nai. Lúc Thế Tôn sắp thành đạo, chư thiên trên hư không xướng ca:

- Con của vua Bạch Phạn (Tịnh Phạn), xuất gia học đạo, sau bảy ngày nữa thì sẽ thành Phật.

Vị Bích Chi Phật đó nghe lời như thế, bèn nhập niết bàn. Vì vậy chỗ này được gọi là Tiên Nhân Lộc Dã Uyển. Thế Tôn vừa thành đạo, người sau liền lập tịnh xá nơi đó. Phật muốn độ năm anh em Kiều Trần Như. Song, họ bàn với nhau:

- Sa môn Cù Ðàm, sáu năm tu khổ hạnh, mỗi ngày ăn một hạt cơm mà vẫn chưa đắc đạo. Hà huống nhập vào nhân gian, phóng túng thân miệng ý thì sao đắc đạo được? Hôm nay Cù Ðàm đến đây, chúng ta chớ nên đàm luận.

Tuy bàn với nhau như thế, nhưng khi Phật vừa đến thì họ lại lễ bái. Cách nơi đó về hướng bắc sáu mươi bước, Phật ngồi hướng mặt về phía đông, bắt đầu chuyển bánh xe pháp, độ năm ông Kiều Trần Như[193]. Xa nơi đó hai mươi bước về hướng bắc, là nơi Phật thọ ký cho Bồ Tát Di Lặc, sẽ thành Phật kế Ngài. Ði về hướng nam năm mươi bước, là nơi long vương Uế La Bát hỏi Phật rằng khi nào nó mới xả bỏ thân rồng. Những nơi đó đều có tháp thờ, vẫn còn hiện hữu tới nay. Hiện tại, trong vườn Lộc Uyển có hai ngôi già lam, vẫn còn tăng chúng thường trú.

Từ tịnh xá Lộc Dã Uyển đi về hướng tây bắc mười ba do tuần có một vương quốc, gọi là Câu Ðàm Di[194]. Trong nước đó có một tịnh xá tên là Cù Sư La Viên[195], vốn là nơi Phật trú thuở xưa, mà ngày nay vẫn có tăng chúng, đa số tu theo phái tiểu thừa.

Từ đó đi về hướng đông tám do tuần, là nơi Phật đã từng độ ác ma, cùng thường trú ở, kinh hành, tọa thiền. Nơi đó cũng có tháp thờ, và có một ngôi tăng già lam; tăng chúng khoảng một trăm vị.

 Chương XXXV. Ðạt Sấn (Dakshina), và tu viện Bồ Câu.
 
Từ đó đi về hướng nam hai trăm do tuần, có một nước tên là Ðạt Sấn[196]. Trong nước có một ngôi tăng già lam của Phật Ca Diếp vào đời quá khứ, được xây cất bằng đá từ một ngọn núi lớn. Ngôi chùa này có năm tầng. Tầng thấp nhất giống như hình con voi. Trong đó có năm trăm hang đá. Tầng thứ hai làm giống như hình con sư tử, có bốn trăm hang đá. Tầng thứ ba làm giống như hình con ngựa, có ba trăm hang đá. Tầng thứ tư làm giống như hình con trâu, có hai trăm hang đá. Tầng thứ năm làm giống như hình con chim bồ câu, có một trăm hang đá. Trên đỉnh cao nhất có một dòng suối luôn chảy qua trước mặt tiền của các hang đá, rồi xoay quanh các phòng ốc, cùng lượn vòng theo chu vi chùa, chạy xuống tầng thấp nhất, đổ dài theo cấu trúc của chùa, rồi tuôn ra cửa. Trong mỗi hang đá của chư tăng, vách đá được đục đẽo làm thành cửa sổ, tiếp nhận tràn đầy ánh sáng, nên không có chỗ nào là u ám. Bốn bên góc của chùa có những thềm đá xếp chồng nhau làm thành các bậc thang để bước lên những tầng cao. Con người ngày nay, vóc dáng nhỏ nhắn, phải đi từng bước mới lên đến đỉnh. Người xưa, chỉ cần đi một bước là đến đỉnh ngay [197]. Vì vậy nơi này có tên là Ba La Việt. Người Thiên Trúc (Ấn Ðộ) gọi Ba La Việt là chim bồ câu. Trong ngôi chùa này thường có chư A La Hán trú ở.

Vùng đó hoang vắng, không có cư dân sinh sống. Cách ngọn núi này rất xa, có một ngôi làng; người ở đó đều tà kiến, không biết Phật Pháp Tăng, bà la môn, hoặc các ngoại đạo. Nhân dân nước đó thường thấy người bay ra vào ngôi chùa ấy. Vài lần, các đạo nhân ở những nước khác, muốn đến chiêm lễ chùa đó. Người trong thôn kia bèn hỏi:

- Sao các người không bay? Chúng tôi thấy những người trong chùa đó đều biết bay cả.

Những đạo nhân đó ngập ngừng một hồi rồi đáp:

- Cánh của chúng tôi chưa mọc thành!

Nước Ðạt Sấn rất âm u hiểm trở, đường lộ gập ghềnh khó đi. Người nào tuy biết đường lộ cheo leo hiểm trở, nhưng vẫn muốn đi, thì phải đem theo tiền của để đưa cho quốc vương. Sau đó quốc vương sẽ cho người hộ tống, đi qua từng thôn, chỉ rõ những con đường tắt. Tôi không thể đi, nhưng nghe lời kể về việc này của người xứ đó.

 Chương XXXVI. Trở lại ấp Ba Liên Phất. Ngài Pháp Hiển sao chép bộ luật tạng, và học tiếng Phạn trong ba năm.
 
Từ nước Ba La Nại đi về hướng đông thì trở lại ấp Ba Liên Phất. Tôi vốn muốn cầu giới luật mà tại các nước ở bắc Thiên Trúc, chư sư đều tụng bằng khẩu truyền, nên không có kinh sách để sao lại. Vì vậy, tôi mới đi xa, đến trung Thiên Trúc; nơi ngôi Ma Ha Diễn tăng già lam, tìm thấy một bộ luật, tức là Ma Ha Tăng Kỳ Chúng Luật (Mahâsânghika). Phật còn tại thế, đại chúng tu hành theo bộ luật này trước nhất. Quyển luật này được chư tăng từ tịnh xá Kỳ Hoàn truyền lại. Hơn mười tám bộ phái, các luật sư đều có những ý kiến riêng, nhưng đa phần đều không khác, chỉ có những điểm bất đồng nhỏ nhoi: Có vị cởi mở, có vị bảo thủ. Song, quyển luật này được giải thích cặn kẽ rõ ràng và hoàn chỉnh nhất[198].

Tôi lại được bản sao của một bộ luật khác, có hơn sáu ngàn câu kệ; đó là bộ luật của phái Ba Sa Ða (Sarvâstivâdâh), tức là bộ luật mà chúng tăng ở nước Tần thường hành theo, và đều được chư sư khẩu truyền tương thọ chứ không viết thành sách vở văn tự. Lại nữa, trong chúng tăng đó, tôi tìm được bộ luận Tạp A Tỳ Ðàm Tâm (Samyuktâbhi-dharma-hridaya-sâtra), có hơn sáu ngàn câu kệ, một bộ kinh có hai ngàn năm trăm câu kệ, một quyển kinh Phương Ðẳng Niết Bàn (Parinivana-vaipulya Sutra) có năm ngàn câu kệ, và một bộ luận Ma Ha Tăng Kỳ A Tỳ Ðàm (Mahâsânghikâh Abhidharma).

Liên tục, tôi trú lại nơi đó ba năm, học sách vở tiếng Phạn, học nói bằng tiếng Phạn, cùng sao chép kinh luật. Thầy Ðạo Chỉnh đến Trung Quốc (trung Thiên Trúc), thấy chúng tăng oai nghi hành pháp tắc, thật rất đáng tôn kính, nên than thở phận mình người Tần, sanh tại vùng biên địa, nơi mà giới luật của chúng tăng khiếm khuyết, liền thệ nguyện:" Từ đây về sau luôn được sanh nơi đất Phật, nguyện không sanh vùng biên địa [199]", rồi ở lại nơi đó mà không quay về. Ngược lại, bổn ý của tôi vốn muốn khiến giới luật được lưu thông trên đất Tàu, nên tự một mình quay về.

 Chương XXXVII. Ðến đại quốc Chiêm Ba (Champâ) và Ma La Ðế (Tâmalipti). Trú và viết kinh luật tại những nơi đó trong ba năm. Theo thương thuyền đến nước Sư Tử (Singhala), tức Tích Lan (Ceylon).

Ði dọc theo sông Hằng về hướng đông mười tám do tuần, phía nam bờ sông là đại quốc Chiêm Ba[200]. Trong nước có tịnh xá mà Phật thường đi kinh hành, cùng nơi tọa thiền của Ngài và ba vị cổ Phật. Mỗi nơi đều có dựng tháp thờ, mà hiện tại vẫn có tăng chúng trú ở.

Từ đó đi về hướng đông gần năm mươi do tuần, đến nước Ma Lê Ðế [201], mà vương thành vốn là hải cảng. Trong nước có hai mươi bốn ngôi tăng già lam; mỗi chùa đều có tăng chúng; Phật pháp cũng rất hưng thạnh. Tôi trú nơi đó hai năm để viết kinh cùng họa tượng.

Kế đến, tôi lên thương thuyền, giăng buồm vượt biển đi về hướng tây nam. Lúc ấy là đầu mùa đông; được thuận buồm xuôi gió, thuyền chạy mười lăm ngày đêm thì đến nước Sư Tử [202] (tức Tích Lan). Người nước đó bảo rằng vương quốc này cách nước Ma Lê Ðế khoảng bảy trăm do tuần.

Vương quốc này vốn là một hòn đảo; đông tây rộng năm mươi do tuần; nam bắc rộng ba mươi do tuần. Chung quanh phải trái của vương quốc có khoảng một trăm hòn đảo lớn nhỏ. Từ hòn đảo này qua hòn đảo khác cách khoảng mười dặm, hai mươi dặm hoặc hai trăm dặm; chúng đều thuộc về địa phận của vương quốc này; ngọc trai, châu báu, đá quý đều được sản xuất trên những hòn đảo đó. Ðiển hình, trong vương quốc, có một hòn đảo chu vi khoảng mười dặm, đa phần xuất cảng nhiều loại trân bảo châu báu, cùng hạt châu ma ni. Nhà vua sai người quản lý nơi đó. Nếu tìm được mười phần thì nhà vua thâu lấy ba phần.

 Chương XXXVIII. Tại Tích Lan. Sự hình thành của vương quốc. Hành lễ Phật. Những ngôi tháp và tự viện. Tượng ngọc Phật. Cây Bồ Ðề. Ðại lễ cung nghinh răng xá lợi của Phật.

Vương quốc này vốn không có người ở mà chỉ có quỷ thần cùng rồng cư trú. Thương nhân ở các nước khác đến mở chợ búa để buôn bán trao đổi. Những khi đổi chác, quỷ thần không tự hiện thân, chỉ để bảo vật và giá cả. Thương nhân y theo đó mà mua lấy trân bảo.

Vì các thương nhân thường qua lại, dân chúng ở các nước khác được biết là vùng đất đó rất phì nhiêu màu mỡ, nên đến đó sinh sống, khiến hòn đảo ấy trở thành một đại quốc. Khí hậu nước đó rất ôn hòa. Nhiệt độ vào mùa đông không khác chi với mùa hè. Cây cỏ hoa trái luôn sum xuê um tùm. Dân chúng muốn trồng ruộng lúc nào cũng được, chứ không theo thời tiết.

Xưa kia, khi đến nước này[203], Phật vì muốn hóa độ ác long (rồng ác), nên dùng lực thần túc, một chân bước tại phía bắc vương thành, một chân đạp trên đảnh núi [204]. Hai bàn chân cách nhau mười lăm do tuần. Nơi dấu chân ấn trên phía bắc của vương thành có xây một đại tháp, cao bốn mươi trượng, được trang hoàng nghiêm sức bằng vàng bạc, chúng bảo hợp thành. Bên cạnh ngọn tháp có một ngôi tăng già lam, gọi là Vô Úy Sơn [205], chứa năm ngàn tăng chúng. Ngôi Phật điện được chạm khắc bằng vàng bạc rất điêu luyện tinh vi, cùng trang hoàng với bao loại châu báu. Ngay trung tâm chùa có một tượng ngọc Phật màu xanh lá cây, cao hai trượng; chung quanh thân có bảy loại châu báu chiếu sáng soi lẫn nhau; oai tướng nghiêm hiển, không thể diễn tả hết bằng lời. Phía bên phải của ngôi chánh điện có một bảo vật vô giá.

Tôi rời đất Tàu đã bao năm, thường giao tiếp cùng nhân dân nước lạ, và mắt không ngắm nhìn núi non suối nguồn cỏ cây quen thuộc; chư đồng hành lại phân ly; hoặc có kẻ ở xa, hoặc có người đã mất, xoay lại chỉ còn bóng hình mình, nên tâm thường buồn bã. Ngày nọ, đang đứng bên cạnh tượng ngọc Phật, tôi chợt thấy thương nhân [206] dùng quạt may bằng lụa trắng cúng dường tượng Phật, nên bất giác xót thương, lệ rơi tràn đầy đôi mắt.

Vua đời trước của vương quốc đó, sai sứ đến Trung Quốc (tức Ấn Ðộ), mang một nhánh cây Bồ Ðề [207] về trồng ngay bên cạnh ngôi chánh điện. Cây Bồ Ðề dần dần đâm chồi nẩy nở, cao đến hai mươi trượng. Thấy cây Bồ Ðề này nghiêng về hướng đông nam, nhà vua sợ cây sẽ gẫy, nên cho người dựng cột trụ rộng khoảng tám chín gang tay để chống đỡ. Cây Bồ Ðề lại bắt đầu đâm nhánh ngay cốt lõi của cây cột trụ, cùng đâm xuyên qua cột trụ, rồi đâm xuống đất, trở thành rễ cây lớn rộng khoảng bốn gang tay. Dầu cột trụ bị nứt bể bên trong, nhưng phần ngoài vẫn còn chống đỡ được cây Bồ Ðề. Ngay dưới cội Bồ Ðề có một ngôi tịnh xá; bên trong có một tượng Phật ngồi; chư tăng cùng kẻ tục đồng kính ngưỡng thờ phụng không giải đãi. Trong thành cũng lập một ngôi tịnh xá thờ răng Phật, và đều làm bằng bảy loại châu báu.

Nhà vua thường tịnh tu Phạm hạnh. Nhân dân trong thành kính tín Phật pháp rất thuần hậu. Kể từ lúc lập quốc cho đến hiện tại, vương quốc đó không có đói rét loạn lạc. Tàng khố của chúng tăng đa số đều có trân bảo vô giá ma ni. Lần nọ, một quốc vương của nước đó đi vào thăm tàng khố (nhà kho) của tăng chúng, thấy hạt châu ma ni, liền sanh tâm tham, muốn lấy hạt châu đó. Song, ba ngày sau quốc vương tỉnh ngộ, bèn đi thẳng đến giữa chúng tăng, ngửa đầu xin sám hối tâm xấu xa. Nhân đó, quốc vương bạch với chúng tăng rằng nguyện xin chư tăng lập quy chế, từ đây về sau, chớ cho phép vua chúa vào nhà kho xem xét. Tỳ kheo mãn bốn mươi tuổi hạ mới được vào đó.

Trong thành, đa số nhà cửa của trưởng giả cư sĩ, Tát Bạc thương nhân [208] đều trang nghiêm tráng lệ; thương cảng đường xá gọn gàng sạch sẽ. Tại những ngã tư đường đều kiến lập điện đường thuyết pháp. Vào mồng tám, ngày mười bốn, và ngày rằm, họ trải thảm lập tòa. Bốn chúng tăng sĩ cùng kẻ tục đồng tụ hội nghe pháp. Nhân dân thường bảo rằng trong vương quốc có khoảng sáu mươi ngàn tăng sĩ, đều được tín chúng cúng dường thức ăn. Ngoài ra, quốc vương còn lập một nơi cất chứa thức ăn có thể cúng dường cho năm sáu ngàn tăng sĩ. Vị tăng nào muốn thì mang bình bát lớn, tùy theo phân lượng dung chứa mà lấy thức ăn tại đó. Lấy đủ xong rồi trở về lại chùa mình.

Răng xá lợi Phật thường được đem ra vào giữa tháng ba. Trước đó mười ngày, quốc vương trang sức một thớt voi lớn, sai một người diễn thuyết hoạt bát, mặc vương phục, ngồi trên mình voi, đánh trống xướng lời:

- Bồ Tát tu hành trong ba a tăng kỳ kiếp, không quản thân mạng, xả bỏ quốc thành vợ con, cùng móc mắt để cho người, cắt thịt để chuộc mạng chim bồ câu, cắt đầu để bố thí, xả thân cho hổ đói, không keo kiệt tủy não. Ngài hành những khổ hạnh như thế vì chúng sanh, nên mới thành Phật, trụ tại thế thuyết pháp giáo hóa chúng sanh trong bốn mươi chín năm, khiến người chưa an được an, khiến người chưa độ được độ. Lúc hết duyên lành với chúng sanh, Ngài nhập niết bàn. Từ khi Ngài nhập niết bàn cho đến ngày nay, một ngàn bốn trăm chín mươi bảy năm, con mắt và ánh sáng của thế gian đã diệt. Chúng sanh lâu dài đau khổ triền miên. Sau mười ngày, răng xá lợi Phật sẽ được thỉnh ra và mang đến tịnh xá Vô Úy Sơn. Chư tăng cùng kẻ tục trong nước, ai muốn gieo phước lành, hãy cùng nhau quét dọn đường xá cho sạch sẽ, nghiêm sức thương cảng đạo lộ, bày biện hương hoa, cùng sắp đặt đầy đủ vật dụng cúng dường.

Lời xướng vừa ban ra, quốc vương bèn sai người đến hai bên đường lộ, tạo năm trăm hình tượng báo thân biến hiện của Bồ Tát từ xưa đến nay, hoặc làm Thuận Ðại Noa [209], Ðàm Biến [210], vua loài voi [211], hươu nai, ngựa, v.v... Những hình tượng như thế đều được tô vẽ trang sức dạng trạng giống như thật. Kế đến, răng xá lợi Phật được thỉnh ra và diễn hành giữa đạo lộ, đi đến các nơi, tùy chỗ mà được cúng dường, rồi được đưa vào chánh điện Phật của tịnh xá Vô Úy Sơn. Chư tăng cùng kẻ tục tụ hội, dâng hoa đốt hương cùng hành bao pháp sự, liên tục ngày đêm không ngớt, mãi tới chín mươi ngày sau mới viên mãn, tức khi răng xá lợi Phật được cung thỉnh trở lại tịnh xá trong thành. Vào những ngày trai giới, cửa của tịnh xá đó được mở, và tăng chúng hành pháp hội lễ lộc đều như pháp.

Cách tịnh xá Vô Úy Sơn về hướng đông bốn mươi dặm có một ngọn núi [212], mà trên đó cũng có một tịnh xá, gọi là Chi Ðề [213], chứa khoảng hai ngàn tăng sĩ. Giữa chúng tăng, một vị đại đức sa môn tên là Ðạt Ma Cù Ðế [214], được tất cả quốc dân tôn sùng kính ngưỡng. Ngài trụ trong một hang đá hơn bốn mươi năm, thường hành từ tâm, có khả năng cảm phục rắn chuột, đồng sống trong một thất mà không hại lẫn nhau.

 Chương XXXIX. Lễ trà tỳ một vị A La Hán. Lời thuyết giảng của một đạo nhân.
 
Cách thành bảy dặm về phía nam có một tịnh xá, tên là Ma Ha Tỳ Ha La, chứa ba ngàn vị tăng. Giữa tăng chúng, có một vị cao tăng đại đức, giới hạnh thanh khiết. Quốc dân đều phỏng đoán Ngài là vị A La Hán sống. Lúc sắp lâm chung, quốc vương tới xem xét, y pháp vân tập và vấn hỏi chúng tăng rằng vị tỳ kheo đó có đắc đạo chưa. Chúng tăng đồng xác nhận là vị tỳ kheo đó thật đã đắc đạo quả vị A La Hán. Tỳ kheo đó vừa nhập tịch, quốc vương y theo pháp tắc trà tỳ một vị A La Hán như trong kinh luật. Cách tịnh xá bốn năm dặm về phía đông, một giàn hỏa được dựng lên, rộng và cao hơn ba trượng. Gần phía trên giàn hỏa, có đặt gỗ chiên đàn trầm thủy, cùng các loại hương hoa.

Bốn bên giàn hỏa, họ làm thềm cấp để bước lên. Họ quấn thân vị tỳ kheo đó bằng vải lụa trắng thanh tịnh rất nhiều lớp, rồi làm khuôn kiệu khiêng linh cữu giống như xe tang ở nước ta, nhưng không có hình cá rồng.

Sắp đến giờ trà tỳ, nhà vua và quốc dân, khắp nơi đồng tụ hội, dùng hương hoa cúng dường. Trên đường đi theo kiệu mang linh cữu đến phần mộ, quốc vương dâng hương hoa cúng dường. Ðến nơi tẩm liệm và được cúng dường xong, kiện mang linh cữu được đặt trên giàn hỏa; dầu và sữa được rắc lên đó, rồi lửa được nổi lên để trà tỳ nhục thân của Ngài. Trong lúc trà tỳ, vì tâm cung kính, dân chúng mỗi mỗi cởi thượng y cùng quạt lông, dù lọng rồi liệng vào giàn hỏa để trợ duyên cho lửa. Trà tỳ xong, họ thu nhặt xá lợi và tiến hành lập tháp thờ. Tôi đến không kịp lúc vị tỳ kheo đó còn sống, mà chỉ tới lúc trà tỳ Ngài thôi.

Quốc vương[215] dốc lòng cung kính Phật pháp, muốn xây tịnh xá mới cho chúng tăng, trước tiên thiết đại pháp hội. Cúng dường thức ăn cùng tặng phẩm cho chư tăng xong, quốc vương sai người tuyển một cặp trâu thượng hảo, dùng vàng bạc bảo vật trang sức trên sừng chúng, và làm một cái cày bằng vàng. Quốc vương tự cày bốn bên miếng đất sắp xây tịnh xá, rồi sau đó chia cắt, cấp nhà cửa, điền sản cho tăng chúng và khắc lên bảng thiếc rằng từ đây về sau, đời đời tiếp nối, không ai có thể phá hoại sửa đổi sắc lệnh đó.

Thời gian trú tại nước đó, tôi đã từng nghe một đạo nhân người Thiên Trúc ngồi trên tòa cao, tụng lời kinh như sau:

- Bình bát của Phật, vốn tại nước Tỳ Xá Ly. Hiện nay bình bát đó đang ở tại nước Kiền Ðà Vệ [216]. Vài trăm năm sau (tôi nghe ông ta đọc rõ niên số, nhưng nay quên mất) bình bát sẽ đến nước Tây Nguyệt Dân [217]. Vài trăm năm sau sẽ đến nước Vu Ðiền. Vài trăm năm sau sẽ đến nước Khuất Tỳ [218]. Vài trăm năm sau sẽ đến đất Tàu. Vài trăm năm sau sẽ đến nước Sư Tử (Tích Lan). Vài trăm năm sau sẽ trở về trung Thiên Trúc. Sau đó bình bát sẽ tự bay lên cung trời Ðâu Suất. Bồ Tát Di Lặc thấy thế tán thán: "Bình bát của Thích Ca Văn Phật đã đến!"

Bồ Tát Di Lặc liền cùng với chư thiên dùng hương hoa cúng dường trong bảy ngày. Ðược cúng dường xong, bình bát tự trở lại cõi Diêm Phù Ðề, và được Hải Long Vương thâu nhận cùng đem đặt vào long cung. Lúc Bồ Tát Di Lặc sắp thành đạo, bình bát tự phân làm bốn, rồi bay trở lại lên đỉnh núi Át Na [219]. Sau khi ngài Di Lặc thành đạo, trời Tứ Thiên Vương lại nghĩ đến Phật (với bình bát mà họ cúng dường cho đức Phật thuở trước). Thật thế, ngàn vị Phật trong đời hiền kiếp, đồng dùng một bình bát. Bình bát mất đi, Phật pháp dần dần diệt mất. Sau khi Phật pháp diệt mất, tuổi thọ con người giảm xuống cho đến năm tuổi. Lúc đó, lúa gạo, bơ, sữa đều diệt mất, và dân chúng rất ác độc; cỏ cây biến thành đao trượng. Người người dùng chúng để cùng nhau tương tàn sát hại. Trong đó có những người còn phước đức, trốn ẩn vào núi. Khi những người ác đã giết nhau hết, thì những người này từ trong núi trở ra lại, rồi cùng bảo nhau: "Người xưa sống rất trường thọ; vì quá tàn ác, làm bao việc phi pháp, nên thọ mạng của chúng ta mới ngắn ngủi như vầy, cho đến chỉ còn năm tuổi. Ngày nay chúng ta hãy cùng nhau hành các việc thiện, khởi tâm từ bi, tu hành nhân nghĩa."

Như thế, họ thường hành nhân nghĩa và các việc thiện, nên thọ mạng triển chuyển tăng gấp bội, cho đến tám mươi ngàn tuổi. Khi Phật Di Lặc xuất thế, và bắt đầu chuyển bánh xe pháp, trước tiên Ngài sẽ độ hết những đệ tử xuất gia của Phật Thích Ca còn sót lại cùng những người đã từng thọ tam quy y ngũ giớibát quan trai giới, cúng dường Tam Bảo. Chuyển pháp luân lần thứ hai, lần thứ ba, Phật Di Lặc độ những người hữu duyên từ bao đời tiền kiếp.

Nghe qua những lời này, ngài Pháp Hiển muốn viết bài lại kinh đó. Người đó bèn bảo:

- Không có bài kinh nào như thế mà chỉ do tâm khẩu tôi tụng đọc.

 Chương XL. Sau hai năm tu học tại vương quốc Sư Tử, trở lại đất Tàu.

B. Gặp nạn trên đường đến Da Bà Ðề (Java). Tiếp tục cuộc hành trình trở về đất Hán. Ðến Sơn Ðông, tới Nam Kinh. Lời kết thúc của người viết.

Tôi trú ở nước đó hai năm, tìm được bản Luật Tạng của phái Di Sa Tắc (Mahisâsakah), kinh Trường A Hàm (Dirghâgama), Tạp A Hàm (Samyuktâgama), và một bộ tạp tạng (Sayukta-sanchaya-pitaka) [220]. Những bộ kinh này nước Tàu không có. Ðược những quyển kinh luật tiếng Phạn, tôi lên một chiếc thương thuyền lớn, có hơn hai trăm người trên đó. Phía sau thuyền có buộc theo một chiếc thuyền nhỏ để phòng bị khi gặp hiểm nạn trên biển cả. Thuận buồm xuôi gió, thuyền chạy về hướng đông ba ngày, rồi lại gặp gió lớn, khiến thuyền bị lủng, nước tràn vào. Thương nhân muốn lấy chiếc thuyền nhỏ, nhưng những người trên chiếc thuyền nhỏ sợ quá đông người qua đó, nên chặt đứt dây kéo, khiến thương nhân rất sợ hãi. Mạng sống chỉ còn trong giây phút vì nước chảy ào ạt vào thuyền, nên họ liệng hết đồ đạc cồng kềnh xuống biển. Tôi cũng quăng chậu tắm và những vật dư thừa xuống nước. Song, sợ rằng thương nhân sẽ liệng kinh tượng của mình xuống biển, nên tôi nhất tâm niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm cùng quy mạng về chư tăng ở đất Tàu:

- Con vốn đi viễn hành để cầu pháp. Xin nguyện oai thần của các ngài gia hộ cho con sớm được trở về nước, và đến nơi an lành.

Gió lớn như thế thổi mãi trong mười ba ngày đêm, đưa thuyền đến bên một hoang đảo (có thể là đảo Ni Khắc Ba). Thủy triều vừa xuống thì họ thấy chỗ lủng của thuyền, nên liền trét bít lại, rồi thuyền tiếp tục chạy. Trên biển có rất nhiều hải tặc, gặp chúng thì không toàn tánh mạng. Biển rộng bao la không bến bờ; thuyền trưởng không biết hướng đông tây nơi nào, chỉ chạy theo hướng của mặt trời mặt trăng và tinh sao mà thôi. Lúc gặp mưa gió, thuyền chỉ việc chạy theo chiều gió mà không có định hướng. Khi trời tối tăm, chỉ thấy những đợt sóng triều cuồn cuộn chảy cùng ánh sáng lập lòe như lửa cháy với những con rùa biển to lớn và những quái vật trong biển. Thương nhân rất đỗi kinh hoàng, không biết thuyền đang hướng về phía nào. Biển sâu không đáy, lại không có nơi để bỏ đá cắm neo. Lúc trời trong mây tạnh, thuyền trưởng mới định phía đông tây để lái thuyền chạy đúng theo phương hướng. Nếu gặp đá ngầm, chắc không sống nổi.

Thuyền chạy như thế khoảng chín mươi ngày đêm thì đến một vương quốc, tên là Da Ba Ðề (Yavadvipasumatra). Tại vương quốc này, ngoại đạo bà la môn rất hưng thạnh, còn Phật pháp thì không được bàn tới. Trú ở nơi đó năm tháng, tôi lại theo thương nhân lên thương thuyền khác, cũng có khoảng hai trăm người. Họ đem theo lương thực cho năm mươi ngày. Thuyền nhổ neo vào ngày mười sáu tháng tư.

Tôi tự an cư trên chiếc thuyền đó. Thuyền chạy về phía đông bắc, hướng tỉnh Quảng Châu. Hơn một tháng sau, vào đêm nọ, vừa đánh trống canh hai thì thuyền gặp một ngọn gió đen thổi đến và mưa rơi ào ạt. Hành khách cùng thương nhân đều kinh hoàng. Lúc ấy, tôi chỉ nhất tâm niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm cùng chúng tăng ở đất Tàu. Mông nhờ oai thần gia hộ, trời sớm quang đãng trong sáng trở lại. Chư bà la môn đồng luận nghị:

- Thuyền chúng ta chở theo ông sa môn kia (tức là tôi); thật là một điềm xấu. Chúng ta bị hoạn nạn lớn vừa rồi, đều do ông tỳ kheo đó. Vậy hãy để ông ta lại trên một hòn đảo. Không thể vì một người mà khiến cho mọi người đều bị nguy hiểm.

Liền đó, một vị đàn việt của tôi bảo với họ:

- Nếu các người muốn bỏ vị tỳ kheo này xuống thì cũng phải bỏ tôi luôn. Nếu không, thì hãy giết tôi đi. Nếu bỏ vị tỳ kheo này xuống hòn đảo hoang, lúc đến đất Tàu, tôi sẽ thưa rõ mọi sự tình với quốc vương. Quốc vương đất Tàu rất cung kính Phật pháp, tín trọng chư tỳ kheo.

Nghe qua lời này, các thương nhân trù trừ rụt rè, không dám bỏ tôi xuống.

Bấy giờ, liên tiếp qua bao ngày, bầu trời u ám nhiều mây. Thuyền chạy hơn bảy mươi ngày, tức là đã đi lạc hướng, nên thuyền trưởng và thủy thủ chỉ biết nhìn nhau mà thôi. Lương thực và nước uống gần cạn hết, nên họ phải dùng nước biển mặn để nấu cơm và làm cách thủy nước lọc để uống. Mỗi người được khoảng hai bình nước. Chẳng bao lâu lương thực gần cạn hết, thương nhân bèn bàn luận với nhau rằng theo thường lệ thì thuyền chỉ chạy khoảng năm mươi ngày là đến Quảng Châu. Nay đã quá hơn kỳ hạn nhiều ngày, vậy có phải thuyền đã chạy lạc hướng rồi chăng?

Lập tức, họ quay thuyền chạy về hướng tây bắc để tìm bờ bể. Thuyền chạy khoảng mười hai ngày đêm thì đến biên giới quận Trường Quảng, nơi bờ bể phía nam của Lao Sơn. Ðến nơi, họ mua được nước ngọt rau tươi. Qua bao ngày hiểm nạn, kinh hoàng sợ hãi trên biển cả, họ đến được bờ bể này. Nhìn thấy rau lê lá dâu, tức nhiên biết đây là đất Tàu, nhưng không gặp dân chúng cùng dấu chân của khách lữ hành, nên họ không biết đang ở đâu. Vài người bảo rằng chưa đến Quảng Châu. Vài người bảo rằng đã vượt quá Quảng Châu. Họ bàn tán xôn xao, không thể định được nơi đó là đâu. Họ liền hạ một chiếc xuồng nhỏ và chèo vào lạch sông để tìm người, hầu mong hỏi han xem coi đó là vùng nào. Họ gặp hai thợ săn, liền quày trở lại nơi thuyền lớn đậu, và nhờ tôi phiên dịch những câu hỏi. Ðầu tiên, tôi an ủi họ, rồi thong thả hỏi:

- Các người là ai?"

Họ đáp:

- Chúng con là đệ tử Phật.

- Các người vào núi tìm gì?

Họ bắt đầu nói láo[221]:

- Ngày mai là rằm tháng bảy. Chúng con muốn đi hái trái lê để cúng Phật.

Tôi hỏi:

- Ðây là nơi nào?

- Ðây là Thanh Châu, ranh giới quận Trường Quảng (núi Lao Sơn), thuộc vùng đất của Thống Lưu Phổ Gia.

Thương nhân nghe thế rất vui mừnglấy ra một phần tài vật nhờ người mang đến quận Trường Quảng.

Thái thú Lý Nghi rất cung kính Phật pháp; nghe có sa môn mang kinh tượng theo thuyền vượt bể mà đến thì ông ta liền theo người tới bờ biển để gặp mặt. Ðến nơi, thái thú cung ngưỡng tiếp thọ kinh tượng về đến quận thành nơi ông ta đang trị vì. Thương nhân từ đó trở lại Dương Châu. Lúc đến Thanh Châu, thứ sử Lưu Ðạo Liên lại thỉnh tôi lưu lại nơi đó trong một mùa đôngmùa hạ. An cư kiết hạ xong, tôi mau mắn trở về Trường An vì đã xa cách các tôn sư quá lâu ngày. Lại nữa, việc này rất quan trọng, nên tôi tức tốc xuôi vào nam, hướng đến Trường An. Bấy giờ, chiến loạn nổi lên khắp vùng Hoa Bắc, nên tôi không có cách chi để đến Trường An, ròi đành phải xuôi vào nam, tới Kiến Nghiệp (tức Nam Kinh). Gặp lại chư sư, tôi đưa cho họ xem những kinh luật tạng đã được thâu thập. (Ðến đây là chấm dứt phần tự thuật của ngài Pháp Hiển.)

Từ Trường An, trải qua sáu năm, ngài Pháp Hiển đến trung Ấn Ðộ. Ngài ở đó hơn sáu năm, rồi ba năm sau mới về đến Thanh Châu. Ngài đã đi qua gần ba mươi vương quốc; vượt sa mạc đi về hướng tây phía Thiên Trúc; oai nghi pháp hóa của chúng tăng tại các nơi đó rất tinh tường nghiêm túc, không thể dùng lời mô tả được hết. Ngài suy nghĩ rằng chư sư của mình chưa từng nghe hoàn toàn về các dữ kiện ở những nơi đó. Do đó, Ngài đi sang Thiên Trúc để cầu pháp, mà không màng mạng sống tầm thường, hoặc những cơn hoạn nạn gian nan trên đất liền cùng biển cả. May mắn thay, mông nhờ oai thần của Tam Bảo gia hộ, tuy gặp bao nguy khốn mà Ngài vẫn được bình an. Vì vậy, Ngài dùng trúc lụa viết lại những gì Ngài đã từng trải qua, hầu mong chia xẻ những việc thấy nghe với chư hiền giả.

Bấy giờ là năm Giáp Dần, triều Tấn, niên hiệu Nghĩa Hi thứ mười hai (416). Sau mùa kiết hạ an cư, tôi (người viết lại cuộc hành trình của ngài Pháp Hiển)[222] cung ngưỡng đạo nhân Pháp Hiển. Lúc Pháp Hiển đến, tôi giữ Ngài lại với mình qua mùa đông. Trong những buổi đàm đạo, tôi thỉnh cầu Ngài thuật lại cuộc hành trình Tây Du rất nhiều lần. Ngài chấp thuậny theo sự thậttrả lời những câu hỏi của tôi. Kế đến, tôi lại khuyên Ngài kể rõ cuộc hành trình theo thứ tụ và từng chi tiết. Ngài đồng ý và kể rõ từ đầu đến cuối theo trình tự. Ngài tự bảo:

- Nhìn lại những gì đã đi qua, bất giác tâm động rùng mình toát mồ hôi. Gặp những hiểm nguy khổ nạn tôi không quản thân mạng; nhờ kiên trì giữ mãi chí nguyện, không suy nghĩ đắn đo, chỉ cố gắng hoàn thành sứ mạngchuyên tâm chất trực, sẳn sàng thí mạng tại những vùng đất chết, nên mới đạt một trong muôn ngàn sở nguyện.

Những lời này khiến tôi rất cảm động. Xưa nay ít có những ai như Ngài. Từ lúc đại giáo (Phật pháp) lưu truyền sang đông độ (đất Tàu), chưa từng có ai dám quên thân cầu pháp như Ngài. Do đó, tôi nhận thấy rằng nếu có chân tâm thành ý thì sẽ vượt qua mọi chướng ngại dẫu có lớn đến đâu đi nữa. Ðộng lực đó sẽ không thất bại hoàn thành bất cứ sứ mạng gì. Có phải sự hoàn thành sứ mạng nhờ quên đi những gì quan trọng và bám chặt trọng yếu vào những gì đã quên chăng?

Ngài Pháp Hiển ghi rằng tăng chúngThiên TrúcTây Vực đều tuân thủ giới luật, oai nghi đoan chánh, phụng hành pháp hóa khiến người người cảm phục. Vì muốn tăng chúng đất Tàu hiểu rõ sự tình của việc tu đạo ở bên phương tây, cùng phát tâm tầm cầu kinh luật, nên xem thường thân mạng, không quản bao gian nan nguy hiểm mà sang Thiên Trúc. Nhờ từ ân của chư Phật gia hộ, mà Ngài bình an mang kinh luật trở về vào năm 413.

Y cứ theo quyển 'Xuất Tam Tạng Ký Tập', ngài Pháp Hiển dịch được sáu bộ và sáu mươi ba quyển kinh như sau: Kinh Ðại Bát Niết Bàn (6 quyển), Kinh Phuơng Ðẳng Niết Bàn (2 quyển), Ma Ha Tăng Kỳ Luật (40 quyển), Tăng Kỳ Tỳ Kheo Giới Bổn (1 quyển), Tạp A Tỳ Ðàm Tâm Luận (13 quyển), Tạp Tạng Kinh (1 quyển).

Sau này, ngài Pháp Hiển rời Kiến Nghiệp, đến chùa Tân Tự ở Kinh Châu. Nơi đó, ngài Pháp Hiển nhập tịch, thọ tám mươi sáu tuổi.



[1] Trường An là kinh đô của nhà Tiền Hán (202 tT.L-24 s.T.L) và nhà Tùy (589-618). Nhà Tây Tấn, gần thời ngài Pháp Hiển, dời kinh đô về gần hay tại Nam Kinh. Ðương thời Trường An là kinh đô của tam Tần (Tiền Tần, Hậu Tần, Tây Tần).

[2] Niên hiệu Hoằng Thủy từ 399 đến 414, là vương quốc mạnh nhất của triều Dao Hưng, Hậu Tần.

[3] Pháp danh của các vị tăng.

[4] Tạng Luật là một trong ba đại tạng quan trọng của Phật giáo, tức là Kinh, Luật Luận.

[5] Lung ở thị trấn Lan Châu, phía tây của thành phố Tây An.

[6] Càn Quy là vua thứ hai của Tây Tần thuộc bộ lạc Tiêu Ti, đóng đô gần Lan Châu. Hiện tại là Lan Châu Thị Tứ của tỉnh Cam Túc.

[7] Ðức Phật chế giới cho chư tỳ kheo vào mỗi năm phải an cư kiết hạ để trau dồi giới đức cùng việc tu tập.

[8] Ngũ Lương trong thời loạn ly Ðông Tấn. Danh hiệu Lương cho đến này nay vẫn còn, tức Lương Châu ở tỉnh Cam Túc. Nam Lương do Thái Sơ Ðiểu Cô lập nên vào năm 397, rồi người em là Lợi Lộckế vị vào năm 399, và người em kế là Nậu Ðàn kế vị vào năm 402.

[9] Trường Dịch ở tỉnh Cam Túc, gần Vạn Lý Trường Thành.

[10] Ðàn Việt phát xuất từ chữ Ðàn Na, hay là hạnh Bố Thí trong lục độ. Ðàn Việt là những vị hành hạnh bố thí để vượt qua biển khổ.

[11] Giữa những vị du tăng thầy Bảo Vân là vị xuất sắc nhất vì đã phiên dịch rất nhiều kinh điển từ tiếng Phạn sang tiếng Hán khi trở về cố quốc. Hiện giờ hình như chỉ còn một bản dịch của Thầy. Thầy tịch vào năm 449. (Hãy xem bản Nanjio's Catalogue ofTripitaka, col 417.)

[12] Ðây là lần an cư kiết hạ thứ nhất của các du tăng vào năm 400, từ khi rời Trường An.

[13] Tức là huyện Ðôn Hoàng của tỉnh Cam Túc, và ở tại tây ngạn của sông Hắc Hà.

[14] Lý Hạo được vua nước Bắc Lương phong làm thái thú vào năm 400, và làm chức quận công của nước Tây Lương cho đến khi mất vào năm 417.

[15] Bãi sa mạc này dài khoảng 2.100 dặm. Theo truyền thuyết có 360 thành ấp bị gió cát sa mạc này chôn vùi trong vòng một ngày.

[16] Nước Thiện Thiện (Lobnor) là một quận nhỏ của nhà Tiền Hán. 

[17] Ðây là ngài Pháp Hiển muốn nói đến nước Hán (hay nước Tàu). Triều Hán kéo dài gần năm thế kỷ. Song, đôi khi ngài Pháp Hiển cũng dùng danh tự "đất Tần hoặc đất Tấn" để chỉ cho nước Tàu.

[18] Danh từ sa môn tức chỉ cho các vị tăng sĩ Phật giáo. Chữ sa môn xuất phát từ chữ Sramana của tiếng Phạn hay Samana của tiếng Pali.
[19] Thiên Trúc tức là nước Ấn Ðộ ngày nay.
[20] Người Tartar hay người Mông Cổ.
[21] Nước Ô Di (Karashhr) hiện nay là huyện Yên Kỳ ở tỉnh Tân Cương, thuộc vùng tự trị của người Hồi.

[22] Chỉ cho nước Tàu.

[23] Những vị bị bỏ lại tại Ðôn Hoàng.

[24] Cao Xương (Turfan hay Tanggut), thuộc vùng đất của Ouighurs. 

[25] Vu Ðiền (Khotan) là thị trấn quan trọng nằm trên con lộ phía nam ở Tây Vức. Dân chúng đương thời theo Phật giáo đại thừa.

[26] Nghĩa là tăng phòng dành cho chư khách tăng từ bốn phương khác đến.
[27] Tăng Già Lam nghĩa là ngôi chùa.

[28] Cù Ma Ðế (Gotami) tiếng Tàu dịch là Ngưu Ðiền.

[29] Tịnh nhân tức là chư sa môn thanh tịnh.

[30] Bảy vật trân báu là vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, kim ngân, hỗ phách.

[31] Tức ngọn núi Thông Lĩnh.

[32] Theo quyển Hán Thư thứ 96, tr.78, kinh đô của nước Kế Tân (Kashmir) cách Trường An khoảng 12.200 dặm. Hiện nay, nước Kế Tân là một phần hay toàn phần của Cabulistan.Thủ đô Capul của nước Afghanistan (A Phú Hãn), có thể là vùng Kế Tân.

[33] Tử Hợp tức Karghlik.

[34] Ư Huy nằm phía tây nam của Kỳ Bàn Trang, và tây nam cửa khẩu của núi Khố Lạp Mã Ðặc.

[35] Ðã trải qua hai năm từ khi họ rời Trường An. Vậy thì lần an cư kiết hạ này là vào năm 402.

[36] Vị đi trước họ từ nước Vu Ðiền.

[37] Lễ Bàn Giá Vượt Sư tức là pháp hội Vô Giá trong mỗi năm năm do vua A Dục phát khởi. Pháp hội Vô Giá được tổ chức với mục đích ban phát của cải cho người nghèo. Ðây cũng là pháp hội sám hối. Ở Ấn Ðộ, pháp hội Vô Giá thường được nhà vua tổ chức để cúng dường thức ăn cho chư tăng và phân phát đồ đạc cho người nghèo. Trong quyển Lịch Sử Văn Minh Ấn Ðộ, trang 157, ông Nguyễn Hiến Lê viết: "...Huyền Trang, nhà sư đi thỉnh kinh nổi tiếng nhất của Trung Hoa, bảo rằng vua Harsha cứ năm năm lại tổ chức một đại lễ để bố thí. Ông mời đại diện tất cả tôn giáo, gọi tất cả những người nghèo khổ trong nước lại. Ông có thói quen, trong quốc khố còn chứa bao nhiêu tiền thuế dành dụm từ đại lễ lần trước (nghĩa là năm năm trước), lần này đem ra bố thí hết. Huyền Trang ngạc nhiên thấy biết bao nhiêu vàng bạc, tiền và nữ trang, tơ lụa gấm vóc chất đống trong một khoảng rộng, chung quanh có cả trăm cái lều chứa cả ngàn người. Ba ngày đầu cúng bái, tụng kinh; ngày thứ tư bắt đầu bố thí. Theo lời vị cao tăng đó - có vẻ không tưởng tượng nổi - hàng vạn tăng được cấp thức ăn uống, rồi được tặng mỗi người một viên ngọc trai, y phục, hoa, dầu thơm và trăm đồng tiền. Các tu sĩ Bà La Môn cũng được hậu tặng gần như vậy, rồi tới các tư sĩ Jain, rồi tới các giáo phái khác, sau cùng tới lượt các người nghèo không theo một tôn giáo nào, những trẻ mồ côi trong nước. Có khi bố thí tới ba bốn tháng mới hết. Sau cùng chính nhà vua Harsha cởi hết y phục rực rỡ, lột hết vàng bạc châu báu đeo trong mình để phân phát."

[38] Hiển nhiênchư tăng nơi đó có thần thông khống chế thời tiết.

[39] Nước Ðà Lịch hiện nay là biên giới phía bắc vùng Ðạt Lệ Di của nước Pakistan (Ba Cơ Tư Thảm).

[40] Nội viện Ðâu Suất (Tushita) là nơi chư Bồ Tát nhất sanh bổ xứ thành Phật, nghĩa là nơi chư đại Bồ Tát trú ngụ đời cuối cùng trước khi giáng sanh thành Phật. Tuổi thọ ở cõi trời Ðâu Suất là 4.000 năm. Một ngày một đêm ở cõi trời Ðâu Suất bằng bốn trăm năm ở cõi Ta Bà

[41] Bồ Tát Di Lặc sẽ đản sanh xuống cõi Ta Bà trong 5.000 tới, và sẽ thành Phật dưới cội Long Hoa. (Xin xem kinh Di Lặc Thượng Sanh và Hạ Sanh.)

[42] Sông Tân Ðầu tức là sông Ấn Ðộ (Indus).

[43] Chức phẩm quan lại đi theo đoàn quân Hán viễn chinh về miền tây để làm người phiên dịch.

[44] Trương Khiên vốn là sứ quân nhà Hán. Theo lệnh vua Võ Hán (t.T.L 140-87) ông đi qua các nước Ô-tôn, Ðại Uyển, Khương Cư, Ðại Hạ (A Phú Hãn) và tuyên dương oai đức của nhà Hán, khiến cho nhiều nước quy phục Hán Triều. Do đó, ông được vua nhà Hán ban hiệu là 'Xuyên Hư Không'.
[45] So với Trương Khiên, ông ít được biết đến. Với chức quan sứ giả triều đình, ông đi đến đế quốc La Ma theo lịnh của vua nhà Hán vào năm 88, nhưng chỉ đi tới biển Caspian rồi trở về. Song, nhờ ông mà triều thần đương thời mở rộng kiến thức về sự phát triển của các vương quốc ở phía Tây.
[46] Chu Ðể Bình làm vua từ năm 750 đến 719 trước T.L (?)

[47] Tam Bảo tức Phật, Pháp, Tăng.

[48] Vào năm 61, vua Hán Minh Ðế (58-75) mơ thấy một vị thần tướng hảo uy nghiêm, thân vàng sáng chói, bay đến trước cung điện. Hôm sau, vua bèn hỏi triều thần và được quan Phó Nghị đáp rằng đó là đức Phật ở bên nước Thiên Trúc, một vị đại giác và có thần thông bay khắp nơi. Liền sau đó, vua Hán Minh Ðế bèn gởi đoàn sứ giả sang Thiên Trúc để tìm hiểu về vị thánh này cùng lời dạy của Ngài.

[49] Nước Ô Trường hiện nay thuộc địa phận vùng Tư Ngõa Ðặc ở bắc bộ thượng du sông Ấn Ðộ, của Pakistan.
[50] Na Kiệt (Nagara) là một vương quốc thời cổ. Vương thành nằm về phía nam con sông Cabul, cách Jellalabad khoảng ba mươi dặm về phía tây.

[51] Tức là năm 403.

[52] Hiện tại thành Swat của Pakistan.

[53] Tức thành đạo.

[54] Cách Bạch Sa Ngõa của Pakistan về phía đông bắc 17 dặm.

[55] Vua A Dục (Asoka) là cháu nội của vua Chandragupta, vị đã từng lánh nạn trong trại lính của đại đế Alexander the Great. Hai mươi năm sau, Chandragupta đánh đuổi quân Macédoine (Hy Lạp) và tuyên bố Ấn Ðộ độc lập, rồi lên làm vua của nước Ma Kiệt Ðà (Magadha) đông đô tại Pataliputra. Sau khi kế ngôi vị của ông cha, vua Asoka được một vị A La Hán tế độ nhờ địa ngục trần gian của ông, rồi trở thành một vì vua Phật tử thuần thành nổi tiếng qua việc cho xây các cột trụ đá (nhờ những cây cột trụ mà các nhà khảo cổ học mới tìm được các di tích về cuộc đời và sự truyền giáo của đức Phật ở Ấn Ðộ) và 84.000 ngọn tháp xá lợi, gởi những đoàn truyền giáo đi khắp châu Á, và ban hành những đạo luật về tôn giáo phù hợp với tinh thần của Phật pháp.

[56] Ðây là mẫu truyện về tiền thân đức Phật trong quyển Jâtaka.

[57] Tại Lạp Ngõa Di Phẩm Ðệ về tây bắc cổ thành Tích Di Tạp Mạt, Pakistan.

[58] Trong truyện Jâtaka, khi Bồ Tát là vị bà la môn ở làng Daliddi, Ngài cắt đầu mình cho người. Nhờ công đức này mà Ngài được vãng sanh lên cung trời Ðâu Suất.

[59] Tức vùng Bạch Sa Ngõa của nước Pakistan.

[60] Xuất thân từ bộ lạc Kushan, có huyết thống với dân tộc Thổ (Turc), ở Trung Á, vào năm 10 ông đem quân xâm chiếm Taboul rồi làm vua cả vùng tây Ấn Ðộ và một phần lớn Trung Á. Sau khi được sự giáo hóa đột ngột của một vị thánh tăng, ông trở thành một Phật tử thuần thành hăng hái như vua Asoka. Chính ông đứng ra triệu tập chư tăng tham gia việc kết tập kinh điển, ghi soạn khoảng 300.000 kinh, luật, luận. Ông là một vì minh quân và vương quốc của ông vào đương thời rất hùng mạnh.

[61] Nói cho đủ là Nam Diêm Phù Ðề (Jambudvipa), là một trong bốn châu chung quanh núi Tu Di. Ba châu kia là Ðông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, và Bắc Câu Lưu Châu. Cõi Nam Diêm Phù Ðề thường được chỉ cho Ấn Ðộ.

[62] Có lẽ là vua Kiền Ni Ca vào đương thời.

[63] Nghĩa là nhà vua tự nghĩ rằng mình chưa đủ phước báo để gìn giữ bình bát của đức Phật.

[64] Tức các vị cưtại gia.

[65] Xưa kia, lúc vừa thành đạo thì đức Phật liền được Tứ Thiên Vương dâng y bát cúng dường, nên Ngài nhận cả bốn rồi hóa thành một bình bát mà như có bốn lớp chồng lên nhau.

[66] Theo Ðại Ðường Tây Vực ký quyển 2 thì một do tuần được tính là 20 km; theo quốc tục Ấn Ðộ thì có 15 km. Phật giáo tính là 8km; theo phần Giáo Chú trong Hữu Bộ Bách Nhất Yết Ma 3 của Nghĩa Tịnh thì quốc tục Ấn Ðộ tính là 16 km, Phật giáo tính là 6 km.

[67] Thành Hải La, hiện tại là Hidda, phía tây của Peshâwur (Trúc Sát Thi La), và cách Jellalabad năm dặm về phía nam.

[68] Vị Phật thứ hai mươi bốn trước Phật Thích Ca Mâu Ni.

[69] Cây tích trượng đồng màu nâu. Phía trên có dạng hình đầu trâu. Ðược làm gỗ chiên đàn từ Bắc Câu Lưu Châu.

[70] Ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của đức Phật.

[71] Tức là tất cả chư Phật.

[72] Tức là đức Phật Ðộc Giác, do ngộ lý mười hai nhân duyênchứng quả, và ra đời khi không có vị Phật nào trụ thế.

[73] Thầy Ðạo Chỉnh và Huệ Cảnh.

[74] Núi Tiểu Tuyết Sơn nằm vào phía nam ngọn núi Tắc Phất Ðức Khoa (Safeid Koh), trên đường đến thành Lạp Ba Ðức ở cửa khẩu Cổ Lạp.

[75] Nước La Di (Kurram) gần rặng núi Tô Lai Mạn, tức là vùng phía đông của nước A Phú Hãn, và nằm trên đường đến sông Ấn Ðộ.

[76] Tức là năm 404.

[77] Hiện tại là quận Barnu của Pakistan.

[78] Hiện tại là vùng Nỗ Giá Phổ (Punjâb) của Pakistan.

[79] Hiện tại là vùng Mã Hoặc Lý về phía tây nam của Mã Thổ Lạp (Muttra), Ấn Ðộ. Là quê quán của Krishna, người có biểu tượng chim khổng tước.
[80] Hiện nay là sông Chu Mộc Nã (Jumna hay Yamunâ)

[81] Tức là trung Thiên Trúc.

[82] Hoặc Chiên Ðà La (Chandâlas), là những người đồ tể, ác ôn, và thường cầm cờ hiệu ghê gớm để đuổi người khác. Họ thuộc tập cấp thấp nhất trong xã hội Ấn Ðộ. Song, họ vẫn được chấp nhận vào tăng đoàn để làm tăng sĩ.

[83] Tập tục khắc ấn những đặc hứa cho tăng lữ vào mảnh đồng thiếc thịnh hành trước và sau thời ngài Pháp Hiển.

[84] Theo giới luật (Nam Tông), không vị tăng sĩ nào được dùng thức ăn cứng sau giờ ngọ, và không được uống những chất men say. Song, những vị du tăng có thể dùng những chất như bơ, sữa, dầu mè, mật ngoài giờ quy định.

[85] Tức là theo luật nghi của tăng chúng.

[86] Tôn giả Xá Lợi Phất (Sâriputtra) là đại đệ tửtrí huệ bậc nhất, và là cánh tay phải của Phật trong việc truyền bá chánh pháp. Tôn giả viên tịch trước khi đức Phật nhập Niết Bàn

[87] Tôn giả Mục Kiền Liên (Maha-maudgalyâyana) là cánh tay trái của Phật trong việc giáo hóa chúng sanh. Tôn giảđại đệ tửthần thông bậc nhất. Tôn giả đã từng dùng thần thông xuống địa ngục cứu độ bà mẹ (kinh Vu Lan Bồn). Tôn giả cũng viên tịch trước lúc đức Phật nhập niết bàn

[88] Tôn giả A Nan (Ânanda) là đại đệ tử đa văn bậc nhất. Tôn giả là người em họ của đức Phật. Tôn giả đản sanh vào ngày đức Phật thành đạo, nên Tôn Giả cũng có biệt danh là Khánh Hỷ. Tôn giả là vị thị giả thường đi theo hầu đức Như Lai trên hai mươi năm. Nhờ Tôn Giả cầu thỉnhđức Phật cho phép thành lập ni chúng, và cũng nhờ Tôn Giả tụng lại những lời giảng dạy của đức Phật mà hiện nay chúng ta mới có kinh điển để tu hành theo.

[89] A Tỳ Ðàm (Abhidharma) tức là tạng Luận

[90] Tức là gia đình của những Phật tử thuần thành

[91] Tôn giả Ðại Ca Diếp (Mahâ-kasyapa) vốn là người dòng bà la môn ở vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha). Tôn giảđại đệ tử tu hành khổ hạnh bậc nhất và được đức Phật truyền y bát, chính thức làm sơ tổ thiền tông. Sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, Tôn Giả dẫn năm trăm vị A La Hán vào hang núi để kiết tập kinh điển. Hiện giờ Tôn Giả vẫn còn nhập định trong núi Kê Túc để đợi đến khi Phật Di Lặc ra đời để truyền lại y bát của Phật Thích Ca.

[92] Tôn giả La Hầu La (Râhula) là đại đệ tửmật hạnh bậc nhất. Tôn Giả làm Pháp Tử cho chư Phật trong đời vị lai

[93] Bồ Tát Văn Thù (Manjusri) được tôn xưng là bậc 'Ðại Trí' (Mahâmati), và được sùng tín thờ phụng tại núi Ngũ Ðài (Trung Quốc). 

[94] Theo các học giả Phật giáo, huyền sử về Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara) cũng như Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi là một nghi vấn lớn. Song, trong kinh điển Ðại Thừa thường nhắc đến hai vị Bồ Tát này như kinh Pháp Hoa và Lăng Nghiêm. Ở Trung Quốc, Bồ Tát Quán Thế Âm với ngàn tay ngàn mắt và dung mạo người nữ được tín chúng sùng bái rất phổ cập, nhất là tại núi Phổ Ðà, vốn là đạo tràng của Ngài. Ðối với người Tây Phương hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm cũng tương tợ như đức mẹ Mary của họ.

[95] Danh hiệu Tăng Già Thi cũng vẫn còn tại một ngôi làng cách Canouge về hướng tây bắc bốn mươi lăm dặm ở Samkassam. 

[96] 2. Cung trời Ðao Lợi là nơi đức Phật thuyết kinh Ðịa Tạng cho mẹ Ngài. (dict.?) 

[97] Tôn giả A Na Luật (Anuruddha) là vị có thiên nhãn bậc nhất. Theo kinh Lăng Nghiêm thì do bị đức Phật quở trách vì ngủ gật trong khi nghe giảng kinh, nên Tôn Giả quyết chí tinh tấn tu hành suốt bảy ngày đêm mà không chợp mắt, khiến phải bị đui mù, nhưng sau này nhờ đức Phật chỉ dạy nên tu chứng quả thánh và đạt được thiên nhãn thông. Ngoài ra, trước khi đức Phật nhập niết bàn, nhờ Tôn Giả nhắc nhở mà tôn giả A Nan mới bạch vấn đức Như Lai bốn câu hỏi quan trọng (kinh Ðại Bát Niết Bàn), liên quan đến sự duy trìtu hành của tăng lữ.

[98] Chuyển Luân Thánh Vương (Chakravartti) cai trị bốn châu thuộc núi Tu Di và làm cho chánh pháp được trường tồn dài lâu ở thế gian. Cõi nước của vua giàu đẹp và nhân dân an lạc. Vua có bốn đức như sống lâu, không bệnh tật, dung mạo oai nghiêm, kho báu dồi dào. Vua có đầy đủ bảy báu như xe báu, voi báu, ngựa báu, minh châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu, binh đội báu.

[99] Hoàng tuyền tức là dòng suối dưới mặt đất.

[100] Ba vị Phật ra đời vào Hiền Kiếp của thời hiện tại, mà đức Phật Thích Ca là vị thứ tư, còn Phật Di Lặc sẽ là vị thứ năm và cuối cùng nhất trong kiếp này. Ba vị là: Thứ nhất, Câu Lưu Tôn Phật (Krakuchanda) đã ra đời và giáo hóa vô lượng chúng sanh. Tuổi thọ con người khi ấy là bốn mươi ngàn tuổi. Thứ hai, Câu Na Hàm Mâu Ni Phật đã giáo hóa vô lượng chúng sanh. Ðương thời, con người thọ đến ba mươi ngàn tuổi. Thứ ba, Ca Diếp Phật cũng đã giáo hóa vô số chúng sanh. Thọ mạng con người đến hai mươi ngàn tuổi. Hardy's M.B., tr. 95-96.; và Davids' 'Buddhist Birth Stories', tr.51.

[101] 'Hardy, M.B., tr. 194 viết:" Ðể biểu thị cho việc cúng dường ngôi vườn, nhà vua dâng nước và đổ trên lòng bàn tay của đức Như Lai. Từ đó, ngôi vườn ấy trở thành chỗ thường trụ của Ngài." 

[102] Tức là nơi trà tỳ nhục thân của Ngài. Hầu hết nhục thân của các vị tăng đều được trà tỳ (hỏa thiêu). Hardy's E.M., tr.322-324.

[103] Tức là năm 405.

[104] Kế Nhiêu Di hiện nay là thành Tạp Não Quý (Canouge), Ấn Ðộ.

[105] Sông Hằng (Gangâ) nghĩa là 'dòng nước phép' và 'từ trên trời mà chảy xuống'.

[106] Ðại quốc Sa Chi hay là Sa Kỳ. 
[107] Chư tăng thường nhai nhành dương chi vào mỗi buổi sáng để xúc miệng.

[108] Xá Vệ là vương thành của vương quốc Câu Tát La. Tướng Cunningham, nhà khảo cổ học người Anh, chấm nơi đó tại phía nam của Rapti, khoảngnăm mươi tám dặm về hướng bắc của Ayodyâ hay Oude. Nơi đó vẫn còn một thôn ấp lớn, nhưng đã bị hoang tàn, là Sâhet Mâhat.

[109] Xưa kia, Ấn Ðộ có hai vương quốc, ở miền nam và miền bắc, đồng danh hiệu này. Ðây là vương quốc nằm ở miền bắc, một phần của Oudh.

[110] Ba Tư Nặc (Prasenajit) là vị vua được đức Phật hóa độ trước nhất, và là một đàn việt tín thành nhất.

[111] Tỳ kheo ny Ðại Ái Ðạo (Mahâ-prajâpati) vốn là nhũ mẫu của đức Phật và là vị dẫn năm trăm bà dòng Thích Ca đến nhờ tôn giả A Nan cầu thỉnh đức Thế Tôn cho phép hàng nữ chúng được xuất gia. Sau khi được đức Phật chuẩn y, bà chuyên cần trì giữ luật nghi cùng 'Bát Kính Giới' thanh tịnh, rồi đắc quả A La Hán.

[112] Trưởng giả Tu Ðạt (Sudatta), thường được gọi là Cấp Cô Ðộc như trong kinh Phật Thuyết A Di Ðà. Khi ngài Pháp Hiển đến đó thì chỉ còn thấy tường vách và hồ nước của nhà ông thôi.

[113]Tỳ kheo Ương Quật Ma (Angulimâya) vốn đã từng giết 999 người để lấy ngón tay trước khi được đức Phật hóa độ.

[114] Tịnh xá Kỳ Hoàn (hay Kỳ Viên) do ông Tu Ðạt dùng vàng để mua lại căn vườn của thái tử Kỳ Ðà (Jeta) con của vua Ba Tư Nặc. Ðức Phật đã từng trú nhiều năm và thuyết nhiều bộ kinh tại nơi đây.

[115] Ðây là lần đầu tiên mà ngài Pháp Hiển dùng chữ 'Hòa Thượng'. Ở Ấn Ðộ, tiếng địa phương của hai chữ này là 'Vẫn Xã'. Ở Kustana và Kashgar gọi là 'Cốt Xã'. Từ đó, người Tàu gọi là 'Hòa Xà', rồi 'Hòa Thượng'. Ban đầu, người Ấn Ðộ dùng chữ này để chỉ cho những ai dạy được Vedângas, một phần Vedas. Sau này, các nước Phật giáo ở miền Trung Á dùng chữ này để chỉ cho những vị tăng già niên trưởng, khác biệt với các vị Lạt Ma. Xưa kia, ở Trung Quốc, có ba danh từ khác nhau. 'Pháp Sư' chỉ cho những vị thường giảng kinh thuyết pháp. 'Luật Sư' chỉ cho những vị chú trọng về giới luật. 'Thiền Sư' chỉ cho những vị thường tu theo Thiền tông. Lần hồi, danh từ 'Hòa Thượng' được dùng để chỉ cho các vị trụ trì. Ngày nay, danh từ 'Hòa Thượng' được dùng phổ biến, tức chỉ cho mọi tăng sĩ.

[116] Bà Tỳ Xá Khứ Mẫu (Vaisakha) vốn là vợ của ông Tu Ðạt

[117] Theo sử thì bà Tôn Ðà Lợi (Sundari) bị các ngoại dạo bà la môn giết, rồi họ vu oan cho đức Phật.

[118] Ðịa ngục A Tỳ.

[119] Ðề Bà Ðạt Ða (Devadatta) là anh của tôn giả A Nan. Từ bao đời tiền kiếp cho đến thời nay, ông luôn tìm cách hãm hại đức Phật. Song, dẫu bị đọa xuống địa ngục khi thân còn sống, đức Phật bảo rằng ông ta vốn là thầy của Ngài cùng là vị thiện tri thức, nên huyền ký cho ông ta sẽ thành Phật trong đời vị lai. (kinh Pháp Hoa, phẩm Ðề Bà Ðạt Ða).

[120] Thiên tự là nơi bà la môn ngoại đạo thường hành lễ. Từ khi tôn giả Ca Diếp Ma Thắng và Trúc Pháp Lan được triều đình nhà Hán xây cho ngôi chùa 'Bạch Mã Tự', thì chữ 'Tự' được dùng phổ cập cho tất cả ngôi chùa. Song, ngài Pháp Hiển lại dùng chữ 'Tự' cho các đền thờ của chư bà la môn.

[121] Theo ngài Pháp Hiển thì có ba giai đoạn của người Phật tử. Thứ nhất, 'Nhập Ðạo' tức là xả tục xuất gia cầu đạo. Thứ hai, 'Ðắc Ðạo' tức là chứng quả A La Hán. Thứ ba, 'Thành Ðạo' tức là thành tựu quả vị Phật.

[122] Có thể là trung Ấn Ðộ.

[123] Theo cổ giáo thì có ba mươi hai tông. Có thể mỗi tông phân thêm thành ba phái nhỏ.

[124] Ðương thời, trên đường tiến quân sang đánh nước Ca Tỳ La Vệ, vua Lưu Ly gặp đức Phật đứng bên vệ đường dưới cây cổ thụ sakoto khô tàn. Ông ta liền hỏi đức Phật rằng tại sao Ngài lại đứng tại nơi không có bóng mát che chở. Ðức Phật đáp rằng thân tộcquyến thuộc của Ngài là bóng cây che mát cho mình. Cảm động trước lời này, vua Lưu Ly tạm thời rút quân trở về thành Xá Vệ, nhưng sau này lại dẫn binh qua đánh chiếm thành Ca Tỳ La Vệ. Biết đây là định nghiệp, nên cuối cùng đức Phật đành bó tay.

[125] Vua Lưu Ly (Virudhha) vốn là con của vua Ba Tư Nặc, vương quốc Câu Tát La. Ông giết sạch dòng họ Thích Ca và tàn phá vương thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) vì nhân duyên oán ân trong đời tiền kiếp. (Xin xem lại câu chuyện về dân làng nọ ăn thịt cá, và đức Thế tôn bị quả báo đau đầu vì đánh côn lên đầu con cá đó, trong quyển truyện Jataka, tức những mẫu truyện về tiền thân của đức Phật.) 

[126] Nước Xá Di tức là vương quốc Ca Tỳ La Vệ.

[127] Thành Ðô Duy được ông Cunningham chấm là làng Tadwa, cách Sâhara-mahat chín dặm về phía tây.

[128] Nơi đản sanh của Phật Ca Diếp chung quy thường được nghĩ là xứ Ba La Nại (Benâres). Theo sự tính toán của Rémusat thì từ khi Phật Ca Diếp đản sanh cho đến năm 1832 là 1.992.859 năm!

[129] Dường như là mỗi vị Phật đều phải gặp cha mình tại nơi đó.
[130] 'Sau khi trà tỳ, toàn thân xá lợi xương cốt của Ngài vẫn còn y nguyên hoàn hảo. Thế nên, tất cả dân chúng trong cõi Diêm Phù Ðề cùng nhau xây ngôi tháp thờ toàn thân xá lợi của Ngài cao một do tuần', Hardy's M.B., tr.97.

[131] Theo ông Eitel thì đức Phật này đản sanh tại thành An Hòa, còn theo ông Hardy thì Ngài đản sanh tại Mekhala.

[132] Thành Ca Tỳ La Vệ nằm bên bờ sông Rohini, xứ Kohana, cách thành Ba La Nại (Benâres) khoảng 100 dặm về hướng tây bắc.

[133] Vua Bạch Tịnh (Suddhodana) thường bị gọi nhầm lẫn là vua Tịnh Phạn.

[134] Hoàng hậu Maya là con của vua Anjana, vương quốc Koli.

[135] 'Trước khi giáng sanh từ cung trời Ðâu Suất xuống đến cõi Ta Bà để thị hiện thành Phật chứng quả, Bò Tát quan sát xem bốn phương, rồi cuối cùng thấy bà hoàng hậu Ma Da chính là từ mẫu, nên vào giữa đêm, hiện thân voi trắng sáu ngà mà nhập thai.' Hardy's M. B., tr.140-143. (xem thêm trong kinh Bản Hạnh)

[136] 'Ngày nọ, khi thái tử Tất Ðạt Ða vừa ra cổng thành phía đông thì thấy một vị Phạm Thiên hiện thân một kẻ bịnh cùi đầy lở loét, thân hình như bọc nước, đôi chân ốm gầy như chày giã gạo. Sau khi được Xa Nặc, người đánh ngựa, cho biết đó là ai thì thái tử bèn xoay trở về cung thành.' Hardy's M.B., tr. 154-155.

[137] Tiên A Tư Ðà, tiếng Pali gọi là Kalâ Devala, đã từng làm quan dưới triều cha của vua Bạch Tịnh. Eitel, tr. 15.

[138] Trong quyển' Cuộc đời của đức Phật' viết: "Những người Lệ Xá ở thành Tỳ xá ly gởi đến cho thái tử Tất Ðạt Ða một con voi đẹp. Song, vừa đến thành Ca Tỳ La Vệ thì Ðề Bà Ðạt Ða vì tâm ghen ghét nên bèn đấm chết con voi này. Nan Ðà, người em cùng cha khác mẹ của thái tử, đang trên đường đi, thấy xác voi bèn kéo nó sang bên vệ đường. Bồ Tát vừa thấy thế bèn quăng xác voi qua bảy tầng lưới và bảy ao hồ. Xác voi rơi xuống quá mạnh nên làm thành một ao trũng. Ðương thời, Bồ Tát chỉ mới được mười tuổi.
[139] Năm mười bảy tuổi thái tử Tất Ðạt Ða thi bắn cung tên và thắng hết mọi cuộc thi.

[140] Tôn giả Ưu Ba Ly là vị đại đệ tử nghiêm trì giới luật tinh cẩn nhất. Tôn giả vốn là thợ hớt tóc nhưng cũng được Phật cho phép xuất gia. Sau này, chính Tôn Giả là vị đã tuyên đọc lại tạng luật trong lần kết tập kinh điển đầu tiên do tôn giả Ðại Ca Diếp chủ trì.

[141] Theo Mr. Rhys Davids' note, Manual, tr.39, thì một nhánh cây Ni Câu Luật (nyagrodha) được chiết ra từ Buddha Gayâ và đem qua Anurâdhapura ở Tích Lan vào giữa thế kỷ thứ ba trước công nguyên, mà hiện nay vẫn còn sống. Ðây là cây già nhất trong lịch sử thế giới.

[142] Tu Ðà Hoàn là sơ quả A La Hán, và được gọi là quả 'Dự Lưu', tức là vừa vào dòng thánh, và sẽ chứng quả A La Hán sau khi sanh lên cõi trời và người trong bảy đời. (Xin xem kinh Bốn Mươi Hai Chương).

Vừa chiếm kinh thành Ca Tỳ La Vệ, vua Lưu Ly ra lịnh bắt năm trăm cung nữ dòng họ Thích Ca để làm cung nữ phục vụ ông ta, nhưng bị họ cự tuyệt. Tức giận, vua Lưu Ly ra lịnh cắt chân tay của họ, rồi liệng thân hình còn lại xuống bờ ao. Ðức Phật nghe tin bèn đến đó, nhờ các đệ tử giúp họ buộc lại những vết thương và thuyết pháp cho họ. Mạng chung, họ vãng sanh lên cõi trời Tứ Thiên Vương, rồi bay xuống đảnh lễ đức Phật tại tịnh xá Kỳ hoàn. Ðược nghe Phật giảng dạy, họ liền chứng sơ quả A La Hán. 'Cuộc đời của đức Phật', tr. 121.

[143] Râma ở giữa Kapilavastu và Kusanagara.

[144] Trà tỳ kim thân đức Phật xong thì một người bà la môn đứng ra chia xá lợi của Ngài ra làm tám phần để cho tám quốc vương mang về xây tháp phụng thờ. Ông là một trong tám vị vua đó.

[145] Ðây là biểu trưng cho 84.000 pháp môn đức Phật đã giảng dạy,

[146] Ðại giới tức là giới luật của tỳ kheo.

[147] Tên của con ngụa này là Kanthaka. Tuy được thái tử Tất Ðạt Ða bảo trở về hoàng cung để mình tự đi tầm đạo giải thoátXa Nặc và con ngựa trắng vẫn quyến luyến người chủ không rời. Cuối cùng, con ngựa trắng chết và vãng sanh lên cung trời Ðao Lợi.

[148] Thán Tháp là nơi làm lễ trà tỳ kim thân của đức Phật.

[149] Tên của vương thành Câu Di Na Ðề (Kusinarâ) xuất xứ từ một loại cỏ Kusa ở nơi đó.

[150] Tu Bạt (Subhadra), người dòng bà la mônBa La Nại (Benâres), được 120 tuổi khi đến thỉnh vấn đức Phật, nhưng lại bị tôn giả A Nan ngăn trở vì đức Thế tôn sắp nhập niết bàn. Biết điều này, đức Phật bèn bảo tôn giả A Nan hãy dẫn ông ta đến và thuyết pháp cho. Nghe qua những lời giáo hóa này, ông bèn xin xuất gia, chứng quả A La Hán vừa khi đức Phật nhập niết bàn. (Xin xem kinh Ðại Bát Niết Bàn.)

[151] Theo lời di huấn, cách thức trà tỳ kim thân của đức Phật phải hành giống như trà tỳ vua Chuyển Luân Thánh Vương. 'Nơi làm lễ trà tỳ vốn là điện đường Ðăng Quang của các thái tử vương quốc Kusinâra, và được trang hoàng cực kỳ lộng lẫy, và kim thân của đức Phật được đặt trong một áo quan bằng vàng ròng.' Hardy's M.B., tr.347.

[152] Quốc vương của các vương quốc như Kusanagara, Pâvâ, Vaisâli, v.v... Mỗi quốc vương đều muốn lấy hết xá lợi, nhưng cuối cùng chấp thuận cho bà la môn Drona chia làm tám phần đồng nhau, rồi mỗi người đem về nước một phần xá lợi để phụng thờ.

[153] Họ là 'Ðại Lực Sĩ' của vương thành Tỳ Xá Ly (Vaisâli). Vương thành cũng còn hiện hữu nhưng đã hoang tàn, tại Bassahar về phía bắc Patna và cách Hajipur về hướng bắc khoảng hai mươi dặm.

[154] Am Bà La (Âmbapâli, Âmrapâli, hay Âmrapâli), 'nữ thần của cây Âmra', nổi tiếng trong sử Phật giáo. Bà vốn là một kỹ nữ. Bà đã từng bị đọa vào nhiều địa ngục, 100.000 lần làm bà lão ăn xin, 10.000 lần làm kỹ nữ, nhưng giữ được thân hình viên mãn thanh tịnh trong thời Phật Ca Diếp. Kế đến, Bà được tái sanh làm thiên nữ, rồi cuối cùng hiện thân xuống cõi Ta Bà tại vương quốc Tỳ Xá La dưới cội cây Âmra. Nơi đó, Bà trở lại con đường cũ, làm kỹ nữ và có con với vua Bình Sa Vương (Bimbisara). Nhờ oai đức của đấng Như Lai, Bà xả tục xuất gia tu đạo chứng quả A La Hán.(Hardy's M.B., tr.456-8)

[155] Tiền thân của Phật Thích Ca là một trong 1.000 vị hoàng tử đó.

[156] Hiện tại vốn là đời Hiền Kiếp (Bhadra-kalpa), và bốn vị Phật đã ra đời (Câu Lưu Tôn Phật, Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, Ca Diếp Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật). Ðời Hiền Kiếp kéo dài 236 triệu năm nhưng hiện nay đã trải qua 151 triệu năm rồi. (Eitel, p.22)

[157]
4. Ma vương (Mara), được gọi là kẻ giặc phá hoại công đức của các bậc tu hành, và là hiện thân của tham lam, si ái, tội lỗi, và chết chóc, tức là kẻ thù của thiện hạnh. Ma Vương trú tại cung trời Paranirmita Vasavartin trên đảnh Kâmadhâtu. Ma Vương thường hiện hình thù quái gở để khủng bố các vị thánh, hoặc sai ma nữ đến quyến rũ các ngài, hay xui khiến những kẻ ác độc như Devadatta hoặc Nirgranthas làm theo ý mình. Ma Vương thường hiện thân với một trăm cánh tay và cỡi voi to. Trong câu truyện này, nếu tôn giả A Nan ba lần cầu thỉnh đức Phật trụ thế thì Ngài sẽ tạm đình chỉ việc nhập Niết Bàn.(Buddhist Sutta, tr.41-45.)

[158] Ðây là pháp hội kết tập kinh điển lần thứ hai vào năm 300 trước công nguyên do đệ tử của tôn giả A Nan là Yasada làm chủ tọa. Ðương thời tất cả kinh, luật, luận đều được chư thánh tăng A La Hán kiểm thảo lại kỹ lưỡng, nên cuối cùng chư vị đồng thỏa thuận là phải trách mắng những tỳ kheo phạm mười giới hạnh. Cũng nhắc lại là pháp hội kết tạp kinh điển lần thứ nhất do tôn giả Ðại Ca Diếp chủ trì tại Râjagriha vào ba tháng sau khi đức Phật nhập Niết Bàn.

[159] Vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha), nơi thánh địa, đầy ắp cả các tịnh xá, và đã từng là trung tâm truyền bá Phật pháp. Nơi đó hiện nay có tên là Behâr.

[160] Vua A Xà Thế (Ajâtasatru) là con của vua Bình Sa Vương (Bimbisâra), vì nghe lời xúi giục của Ðề Bà Ðạt Ða (Devadatta) mà giết cha mình, nhưng sau này được đức Phật hóa độ, rồi trở thành một vị đại hộ pháp.

[161] Ấp Ba Liên Phất hiện nay là Patna. Tiếng Phạn gọi là 'Hoa Thành'.

[162] Sau khi lên ngôi, vua A Dục thiên đô từ Râjagriha đến Pâtaliputtra. Mười tám năm sau, vua A Dục đứng ra triệu tập pháp hội kiết tập kinh điển lần thứ ba (theo Nam Tông), khoảng năm 250 trước tây lịch.

[163] Núi Giả Ðồ Quật (Gridhra-kuta) gần Râjagriha. Ngọn núi này có rất nhiều hang đá nên được nổi tiếng là nơi tu hành của các vị tu khổ hạnh.

[164]Có thể vì tài trí xuất chúng nên vị bà la môn này được gọi là Văn Thù Sư Lợi.

[165] Ngài Huyền Trang gọi đó là Indra-sila-guhâ hay 'Hang Ðộng của Indra'. Ngọn đồi này nằm gần làng Giryek, bên bờ sông Panchâna, cách Gayâ khoảng ba mươi sáu dặm. 

[166] Cây sáo của ông ta dài mười hai dặm.

[167] Câu chuyện này có trong kinh Sakra-prasna.

[168] Tân thành Vương Xá vốn là kinh đô của các quốc vương ma Kiệt Ðà từ Bình Sa Vương đến A Dục, và là trung tâm đầu tiên của Phật giáo. Vương thành này nằm dưới ngọn núi Giả Ðà Quật (Gridhra-kuta). Nơi đây, tôn giả Ðại Ca Diếp chủ tọa pháp hội kết tập kinh điển lần đầu tiên. Ngày nay, những di tích cổ của vương thành này vẫn còn hiện hữu ở làng Rajghir, cách Behâr mười sáu dặm về hướng tây nam. Ðược gọi là Tân Vương Xá (New Râjagriha) vì để phân biệt với Kusâgârapura, là Cựu Vương Thành, cách đó vài dặm.

[169] Tỳ kheo Mã Thắng (Asvajit) là một trong năm vị tỳ kheo đầu tiên.

[170] Ni Kiền Tử (Nirgrantha) là một trong sáu ngoại đạo.

[171] Ông Kỳ Cựu (hay Kỳ Bà Jivaka) vốn là con của bà Am Bà La và vua Bình Sa Vương. Ông suốt đời hành nghề thầy thuốc.

[172] Thiên ma Ba Tuần (Pisuna) cũng là Ma Vương

[173] Tức núi Linh Thứu, hay là 'Ngọn đồi của hang con chim kên'. 

[174] Ðược ngài Huyền Trang miêu tả là cao một trượng tư và rộng ba mươi bước.

[175] Theo quyển 'Cao Tăng Truyện' thì trong đêm đó có hai con hổ đen đến trước hang, le lưỡi và vẫy đuôi. Khi thấy ngài Pháp Hiển thì chúng cúi đầu, cong đuôi, và nằm xuống như thể đảnh lễ Ngài vậy. 

 

[176] Ca Lan Ðà (Karanda) là con vật đánh thức vua Bình Sa Vương khi sắp bị rắn cắn, nên được toàn mạng. Theo ông Hardy thì đó là con sóc, còn ông Eitel thí bảo là chim oanh vũ. Vua Bình Sa Vương cúng dường Phật ngôi vườn này để làm tịnh xá cho chư tăng trú ngụ.

[177] Vào lúc ấy, có thể nhiều bài kinh hoặc luận đã đưọc sao chép.

[178] Có lẽ ngài Pháp Hiển lầm lộn vì tôn giả Xá Lợi PhấtMục Kiền Liên đã viên tịch trước khi Phật nhập Niết Bàn.

[179] Có lẽ ngài Pháp Hiển lầm lộn vì tôn giả Xá Lợi PhấtMục Kiền Liên đã viên tịch trước khi Phật nhập Niết Bàn.

[180] Tôn giả A Nan không thể vào được vì chưa chứng quả A La Hán. Ðêm trước ngày kết tập kinh điển, tôn giả A Nan vừa đặt đàu xuống chiếu thì liền đắc quả A La Hán, nên được tham giapháp hội kết tập kinh điển, và sau này được tôn giả Ðại Ca Diếp truyền y bát của đức Phật để làm vị tổ thứ hai của Thiền tông. (Xin xem qua quyển Tổ Thìền Tông do hòa thượng Thanh Từ dịch.)

[181] Ðức Phật chế giới cấm tự sátđàm luận về những sự liên hệ đến việc đó. (E.M., tr.152.)

[182] Ba độctham sân si.

[183] Tu Ðà Hoàn ( Srotâpanna) là sơ quả A La Hán. Kinh Bốn Mươi Hai Chương dạy:" Vị đắc quả Tu Ðà Hoàn, thì còn bảy lần sanh và bảy lần chết. Ái dục đã đoạn như bốn chi (hai tay hai chân) đã bị cắt, không thể dùng được nữa."

[184] Quả A Na Hàm (Anâgâmin) tức là tam quả A La Hán. Kinh Bốn Mươi Hai Chương dạy: "Vị chứng quả A Na Hàm, sau khi lâm chung, thần thức sẽ bay lên cõi trời thứ mười chín (hay Ngũ Bất Hoàn Thiên), liền chứng quả A La Hán."

[185] Già Da là một thành ấp của vương quốc Ma Kiệt Ðà, nằm về hướng đông bắc của Gayah. Nơi đây, đức Phật ngồi dưới cội Bồ Ðề trong bốn mươi chín ngày đêm rồi thành đạo chứng quả vị Phật. Ngày nay chư Phật tử khắp nơi trên thế giới thường hành hương đến vùng thánh địa nầy.

[186] Cây Bồ Ðề được gọi là Giác Thọ.
[187] Tức là cỏ kusa.
[188] 'Trong quyển 'The Life of the Buddha' viết: "Ðức Phật đến nơi trụ xứ của rồng mù Văn Lân Mục. Cuốn xung quanh mình đức Phật và dùng đầu cùng xòe hai mang ra, rồng mù Văn Lâu Mục che nắng mưa cho Ngài trong bảy ngày đêm."

[189] 'Diêm La (Yama) vốn là vị tử thần Âryan, trụ ở Nam Diêm Phù Ðề, bên ngoài Chakravâlas (hai vòng núi ở bên trên), trong cung điện đồng sắc. Ông ta có người em gái coi về nữ tội nhân, còn ông thì coi về nam tội nhân. Song, ba lần trong hai mươi bốn giờ ông bị một con quỷ đổ nước đồng sôi vào cổ họng, khiến đau đớn vô ngần. Khi hết nghiệp báo ông sẽ thành Phật hiệu là Phổ Vương.' Eitel, tr.173.

[190] 'Núi Kê Túc có hình thể giống nhu chân của con gà, cách cội Bồ Ðề bảy dặm về phía đông nam, và là nơi tôn giả Ðại Ca Diếp đang nhập định để chờ Phật Di Lặc ra đời hàu mong truyền lại y bát của Phật Thích Ca.' Eitel, tr.58. Song Hardy (M.B., tr.97) bảo rằng sau khi trà tỳ kim thân đức Phật Ca Diếp, toàn thân xá lợi xương cốt của Ngài vẫn còn nguyên dạng. Chương này bàn về Phật Ca Diếp chứ không phải tôn giả Ðại Ca Diếp, đệ tử của đức Phật Thích Ca.

[191] Có lẽ thầy Ðạo Chỉnh đã ở lại ấp Ba La Phất vào lúc đoàn du tăng đến đó lần thứ nhất.

[192] Vương thành này được bao bọc nhiều con sông.

[193] Người em chú bác của đức Phật. Kiều Trần Như và bốn khác đã từng tu khổ hạnh với đức Phật trong sáu năm liền.

[194] Câu Ðàm Di (Kausâmbi) hiện nay là Kosam ở Jumna, trên vùng Allahabad. (E.H., tr.55)

[195] Cù Sư La Viên (Ghochiravana) là tên của một vị trưởng giả, người đã cúng dường đức Phật ngôi vườn này. Ðức Phật trú nơi đây trong chín năm liền. (Hardy's M.B., tr.356.)

[196] Ðạt Sấn (Dakshina) vào thời cổ được gọi là Deccan.

[197] So sánh với chuyện đức Phật đi một bước chân đến 15 do tuầnTích Lan trong chương XXXVIII.

 

[198] Ðây là bộ Luật mà sau này được ngài Pháp Hiển dịch sang tiếng Tàu.

[199] Xa cách nơi chư Phật ra đời.

[200] Ðại quốc Chiêm Ba có lẽ hiện nay là Champanagur, cách Baglipoor ba dặm về hướng tây.

[201] Ma Lê Ðế vốn là thương cảng trao đổi hàng hóa giữa Tích LanTrung Quốc. Ngày nay là Tam-look, cửa khẩu của Hoogly.

[202] Singhala là tên của một thương nhân, người sáng lập ra vương quốc này. Tên cha của ông ta là Singha, tức là Sư Tử, nên vương quốc này được gọi là Singhala hay Singha-Kinghdom, nghĩa là vương quốc Sư Tử.

[203] Việc đức Phật đến nước Sư Tử có lẽ chỉ là huyền thoại. Hardy có viết là đức Phật qua đến nước này ba lần vào năm thứ nhất, thứ năm, và thứ tám sau khi Ngài chứng quả Phật. (M.B., tr. 207-203.) Hiển nhiên, theo ngài Pháp Hiển thì Phật giáo được thịnh hành khắp vương quốc vào đầu thế kỷ thứ năm.Trong chương cuối của quyển 'Buddhism', ông Davids viết là sau lần kết tập kinh điển tại Patna vua A Dục gởi đoàn truyền giáo sang vương quốc này do vị tăng Mahinda, vốn là con của vua A Dục, cầm đầu. Ðương thời, vua Tissa đang trị vì. (tr.T.L 250-230).

[204] 'Trên đỉnh núi đó vẫn còn có dấu ấn, trũng xuống. Bề rộng khoảng hai thước rưỡi Anh. Chiều dài khoảng năm thước ba tấc và bốn phần ba Anh. Người Ấn Ðộ Giáo cho đó là dấu chân của Siva. Người Hồi Giáo cho đó là dấu chân của Adam.' (Hardy's M.B., tr. 211-12.)

[205] Ngày nay cũng còn ngọn tháp Vô Úy Sơn, cao 250 thước Anh và là ngọn tháp cao nhất ở Tích Lan, do Watta Gâmini xây vào năm 90 trước Tây Lịch, khoảng 160 năm sau pháp hội kết tập kinh điển ở Patna, và 330 năm sau khi đức Phật nhập Niết Bàn. Khi đó, ba tạng kinh điển bắt đầu được ghi chép.' (Davids' Buddhism, tr. 234).

[206] Có lẽ thương nhân kia là người Tàu.

[207] Sau khi đoàn truyền giáo đến Tích Lan, thầy Mahinda, con của vua A Dục, lại yêu cầu em mình là bà tỳ kheo ny Sanghamitta, vị công chúa xuất gia đồng thời với Thầy, qua đến đó để phụ giúp công việc hoằng pháp vì có nhiều bà hoàng muốn xuất gia. Trên đường rời Ấn Ðộ, tỳ kheo ny Sanghamitta thỉnh một nhánh cây Bồ Ðề tại Buddha Gayâ để mang sang Tích Lan trồng, mà vẫn còn sống cho đến ngày nay. Trong lần sang Tích Lan, ngài Pháp Hiển không nhắc gì đến đoàn truyền giáo của vua A Dục, thầy Mahida, và ny cô Sanghamitta gì cả.

[208] Thương nhân Tát Bạc (Sabean) có lẽ là người Ả Rập (Arabs), tổ tiên của người Moormen, những thương nhân ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng thương mãi của Tích Lan trong hiện tại.

[209] Thuận Ðại Noa là tiền thân của đức Phật trước khi vãng sanh lên cung trời Ðâu Suất để sau này xuống nhập vào thai của hoàng hậu Ma Da rồi tu hành thành Phật Thích Ca. Trong truyện Vessanatara Jataka, Bồ Tát đã viên mãn hạnh xả thân bố thí, nên bảo:

- Trái đất này thật vô tình lạnh nhạt với đau khổ hay an vui. Song, hạnh xả thân bố thí của ta lại khiến nó phải rung động bảy lần.

Nói xong, Bồ Tát thị tịch rồi vãng sanh lên cung trời Ðâu Suất.' (Buddhist Stories, tr. 158.)

[210] Ðàm Biến (Sâma) xuất hiện trong truyện Sâma Jâtaka.

[211] Theo Hardy thì Bồ Tát đã từng hóa thân làm voi sáu lần, làm nai mười lần, và làm ngựa bốn lần.

[212] Ðây là ngọn núi thánh của Mihintale, cách cây Bồ Ðề về phía đông khoảng tám dặm.

[213] Chi Ðề (Chaitya) là danh xưng cho tất cả nơi như chùa chiền tháp miếu và đồ vật như xá lợi tượng Phật v.v... Nghĩa của Chi Ðề là nơi thờ phụngcúng dường.

[214] Ðạt Ma Cù Ðế là một vị tăng tu khổ hạnh nổi tiếng và là tổ sư của một tông phái rất thịnh hànhTích Lan vào năm 400." (Eitel, tr. 31.) 

[215] Chắc rằng đó là vua Mahâ-nâna (410-432). Trong thời vị vua trước, Upatissa (368-410), lần đầu tiên ba tạng Kinh, Luật, Luận được phiên dịch sang tiếng Singhalese. Trong triều đại của vua Mâha-nâna, ngài Buddhaghosha viết những bộ luận nổi tiếng.

[216] Ngài Pháp Hiển đã từng chiêm ngưỡng qua bình bát của Phật tại Purushpura, mà Eitel bảo rằng đó là cổ thành của Gandhâra (Kiền Ðà Vệ) 

[217] Tây Nguyệt Vệ (Western Tukhâra) có lẽ là Tukhâra của chương XII, mà một ông vua muốn mang bình bát của Phật đi nơi khác từ Purushapura. 

[218] Khuất Tỳ (Kharachar) nằm về phía bắc của hồ Boseng. (E.H., tr. 56.) 

[219] Ðỉnh núi Át Na (Anna hay Vina) là những dãy núi bao xung quanh núi Tu Di, và là nơi trú ngụ của chư thiên hộ trì bình bát của Phật.

[220] Kinh Trường A Hàm, Tạp A Hàm là những bộ kinh của Phật giáo Nam Tông.

[221] Có lẽ họ là những thợ săn. Vì thấy ngài Pháp Hiển là tăng sĩ nên họ tự xưng là Phật tử. Song, sao người Phật tử lại đi săn bắn? Vì đã lỡ nói láo nên họ phải nói thêm nữa là đi hái trái lê để cúng Phật.

[222] Không biết người viết lại cuộc hành trình của ngài Pháp Hiển tên là gì. Quyển sách này được gọi là 'Pháp Hiển Truyện', hay 'Phật Quốc Ký'.

--- o0o ---

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 1214)
Vào lúc 11 giờ ngày 01/01/2024, tại chùa Kiều Đàm số 1129 S Newhope Street, thành phố Santa Ana, miền Nam California, Đạo tràng Khánh Anh cùng chùa Kiều Đàm đã tổ chức Lễ Khánh tuế lần thứ 97 Trưởng lão Hòa thượng Thích Thắng Hoan.
(Xem: 1517)
Hòa Thượng THÍCH TUỆ SỸ (1945-2023)
(Xem: 2102)
Mỗi khi có dịp gặp và ngồi nói chuyện về tỉnh Khánh Hòa, Quách Tấn đều nhắc cho tôi biết là, Khánh Hòa có 2 người tiếng tăm đã vượt biên giớiHòa thượng Thích Quảng ĐứcBác sĩ Yersin.
(Xem: 5857)
Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông, Tứ Thập Ngũ Thế, Hiền Như Tịnh Thất Trụ Trì, Pháp danh Tâm Hỷ, tự Thanh Diệu Pháp Ni Sư Chơn linh.
(Xem: 3670)
Ni Trưởng Thích Nữ Như Tuấn vừa viên tịch tại Chùa Phổ Hiền, Strasbourg, Pháp Quốc
(Xem: 4904)
Daisetsu Teitaro Suzuki sinh ngày 11 tháng 11 năm 1870 và mất ngày 12 tháng 7 năm 1966 tại thành phố Kamakura, Nhật Bản
(Xem: 4637)
Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan - Chánh văn phòng Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTN Hoa Kỳ
(Xem: 6828)
Được tổ chức tại Chùa Phật Đà, San Diego, California, vào lúc 10:00am ngày 27/9/2020.
(Xem: 18320)
Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tôn, tứ thập tam thế, Húy Thượng Tâm Hạ Nhẫn, Tự Hành Từ, Hiệu Chí Tín Giác Linh Trưởng Lão Hòa Thượng Liên đài chứng giám
(Xem: 3905)
Là bậc Cao tăng xuất chúng, bằng trực giác mẫn tuệ, sư Đạo Sinh tự nghiệm ra một lý lẽ rất cao siêu và công khai thuyết giảng rằng ai ai cũng có Phật tính
(Xem: 2990)
Mắt không phải là xiềng xích của sắc (cái được thấy), sắc cũng không phải là xiềng xích của mắt. Bất cứ tham và luyến nào khởi lên dựa vào hai thứ đó
(Xem: 5672)
Do niên cao lạp trưởng đã thu thần viên tịch vào lúc 02h56 phút ngày 16 tháng 4 nhuận năm Canh Tý - nhằm ngày 7 tháng 6 năm 2020 tại Thiền Viện Vạn Hạnh. Trụ thế: 84 năm, 47 hạ lạp.
(Xem: 11248)
Các tác phẩm của Thầy phần lớn được dịch từ Hán tạng, gồm giới kinh và các nguồn văn học Phật giáo Đại thừa với tư tưởng uyên thâm về triết họctâm lý học.
(Xem: 9168)
Thầy Tuệ Sỹ Là Viên Ngọc Quý Của Phật Giáo và Của Việt Nam - Nguyễn Hiền Đức
(Xem: 2632)
Bài của Olaf Beuchling - đăng trên tạp chí "BUDDHISMUS Aktuell“ (Phật Giáo Ngày Nay) số 2/2020, phát hành tháng Tư, Năm, Sáu – từ trang 44 - 49 Việt dịch: Đạo Hữu THỊ CHƠN Ngô Ngọc Diệp
(Xem: 6857)
Đại Lão HT Thích Quảng Độ viên tịch lúc 21 giờ 30 ngày 22 tháng 2 năm 2020, thượng thọ 93 tuổi, 73 hạ lạp
(Xem: 3264)
Dịch theo bản Anh dịch “The Enlightenment of Chiyono” của Anne Dutton, từ các trang 173-179 của sách “Zen Sourcebook: Traditional Documents from China, Korea, and Japan
(Xem: 5964)
Giới đàn là một nghi lễ để truyền trao giới pháp cho các giới tử là những người xuất gia theo đạo Phật. Để thành tựu được một giới đàn, phải có đủ 3 yếu tố: Tam sư, thất chứng và giới tử.
(Xem: 4015)
Nhận thấy nhu cầu tìm hiểu những nhân vật, con người, đã và đang đóng góp công sức cho Phật giáo Việt Nam ngày nay...
(Xem: 5518)
Ôn thường canh cánh về Mẹ bên lòng khi còn sanh tiền. Trước khi “chết” Ôn về quê thăm Mẹ, lạy tình thương của Mẹ từ thuở ấu thơ.
(Xem: 18433)
“Rốt cuộc, tôi không biết gì, không có ý định gì cả, nên cuộc đời tôi ‘không vẫn hoàn không’, không có gì đáng nhớ, đáng nói… ‘Không vẫn hoàn không’ là Phật cho, tôi mới được như vậy.”
(Xem: 6403)
Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang (1923-2019) vừa viên tịch
(Xem: 5868)
Trưởng Lão HT Thích Chơn Thành sinh ngày mùng 9 tháng 8 năm 1934, tại Xã Xuân Thọ, Quận Sông Cầu, Tỉnh Phú Yên, Việt Nam.
(Xem: 3542)
Bài Thuyết Trình: Hành TrạngSự Nghiệp của Trưởng Lão Hòa Thượng THÍCH ĐÔN HẬU Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN nhân ngày Khánh Thành Chùa Đôn Hậu tại Na Uy
(Xem: 2519)
Vị thứ hai trong dòng những tái sinh Jamyang Khyentse là Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro, người vĩ đại đến mức thật khó để tôi thậm chí thốt lên danh hiệu của Ngài
(Xem: 13678)
Kính Mừng Thọ 70 tuổi HT Thích Như Điển tổng hợp những bài viết cho Hoà Thượng Phương Trượng
(Xem: 5397)
Chương trình tang lễ của HT Thích Quảng Thanh được tổ chức tại Chùa Bảo Quang từ ngày 14 đến 17/6/2019
(Xem: 2741)
Hòa Thượng Thích Thiện Định là vị Tổ khai sơn chùa Pháp Hoa tại Marseille, Pháp Quốc.
(Xem: 4008)
Ngài thế danh là Diệp Quang Tiền, Pháp danh Tâm Khai, tự Thiện Giác (Đồng sư với Hòa thượng Thiện Châu ở bên Pháp), hiệu Trí Ấn Nhật Liên
(Xem: 4561)
Chúng ta nói chuyện thế kỷ 13, đó là một thời nước lớn phía Bắc không thôi kinh ngạc khi nghĩ tới nước nhỏ Đại Việt phía Nam, cả về quân sự và Phật pháp.
(Xem: 3952)
Tây Tạng xưa nay là xứ huyền bí. Đó là vùng đất thường được gọi là mái nhà của thế giới, nơi sản sinh ra nhiều bậc thánh giả siêu việt, mà ngài Lạt Ma tái sinh Zong Rinpoche là một trong những hình ảnh tiêu biểu.
(Xem: 2649)
GS Tenzin nói, những kinh nghiệm đó cho anh thực hiện nhiệm vụ thông dịch khá là tuyệt vời. Đối với một người thông dịch nào không quen thuộc với Đức Đạt Lai Lạt Ma, công việc như thế sẽ rất là khó.
(Xem: 4397)
Hòa Thượng Thích Như Điển - Chân Dung Một Nhà Văn
(Xem: 3349)
Sư cô Thích Nữ Chủng Hạnh sanh ngày 12 tháng 8 năm 1933. Do tuổi cao sức yếu, đã thâu thần thuận tịch vào ngày 07 tháng 11 năm 2018. Trụ thế: 86 năm, Hạ lạp: 07 năm.
(Xem: 4731)
A Dục, Asoka (Sanskrit). Khi đức Phật Thích ra đời, Vua A Dục là một đứa trẻ, trong lúc đang chơi đức Phật đi ngang qua, đứa trẻ đem cát mà coi như cơm cúng dường cho Phật...
(Xem: 7657)
Chương trình tang lễ được tổ chức từ ngày 23 đến 25 tháng 10 năm 2018 tại Chùa Diệu Quang, 3602 W 5th St, Santa Ana, CA 92703. Tel: (714)554-9588
(Xem: 3460)
Sư bà Nguyên Thanhthế danh Lê Thị Quan, sanh năm1944, tại Quy Nhơn, là con gái thứ ba trong năm người con của ông Lê Đức Khánh và bà Trần Thị Quýt, làng Phú Nhơn, xã Cát Trinh, khuyện Phù cát, tỉnh Bình Định.
(Xem: 3788)
Chương Trình Lễ Tang sẽ được tổ chức lúc 5 giờ chiều Thứ Bảy ngày 4 tháng 8 năm 2018 và Chủ Nhật ngày 5 tháng 8 năm 2018, tại Đạo Tràng Nhân Quả, 10801 Trask Ave, Garden Grove, CA 92843
(Xem: 3469)
Hòa Thượng Thích Thiện Hữu thế danh Nguyễn Hữu Nghĩa thượng Như hạ Lễ tự Viên Nhơn, hiệu Thiện Hữu sinh năm Giáp Thân (1944) tại xã Nhơn Khánh, quận An Nhơn, tỉnh Bình Định.
(Xem: 7679)
Thay mặt chư tôn đức Tăng, Ni và quý Cư Sĩ Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK nhất tâm nguyện cầu Giác Linh Sư Bà Tân Viên Tịch Cao Đăng Phật Quốc.
(Xem: 12681)
Lễ Nhập Quan: Vào lúc 10 giờ sáng Thứ Sáu, ngày 12 tháng 1 năm 2018 tại Peek Funeral Home, 7801 Bolsa Ave., Westminster, CA 92683
(Xem: 16269)
Đức Trưởng lão Hòa Thượng thượng ĐỨC hạ CHƠN Viện chủ Tu Viện Quảng hương Già Lam, Sài Gòn vừa viên tịch lúc 03g40′ ngày 27/11/2017
(Xem: 4567)
Khó hình dung rằng một phụ nữ Anh đang phụ trách về kế toán trong một công ty quản trị quỹ đầu tư đa quốc bỗng nhiên trở thành một vị ni sư theo truyền thống Tây Tạng
(Xem: 52770)
HT Thích Đức Niệm - Trụ trì Chùa Ưu Đàm, Tp. Marina, California viên tịch lúc 11:30AM ngày 20/10/2017...
(Xem: 8693)
Hòa Thượng Phương trượng Chùa Thiền Tôn, húy Tắc An hiệu Lãng Thiện đời thứ 23 dòng thiền - Thiên Thai Giáo Quán Tông
(Xem: 16144)
Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Tuyền (1938-2017) Khai Sơn Chùa Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản
(Xem: 4080)
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu được tồn vinh đó là nhờ công đức sáng lập của Thầy.
(Xem: 3815)
Chỉ cần, đối cảnh vô tâm, hay cứ để mặc cho các pháp được thấy như là được thấy, được nghe như là được nghe… Và đó là Thiền Tông: không một pháp nào để làm.
(Xem: 8704)
Kỷ Yếu Tri ÂnTán Dương Công Đức của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Như Huệ... TT Thích Nguyên Tạng
(Xem: 4038)
Ngay từ hồi còn trẻ cụ Chu Văn An (1292-1370) đã nổi tiếng là một người cương trực, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách.
(Xem: 12717)
Sư Bà đã viên tịch ngày 15/1/2017. Lễ Nhập Kim Quan vào lúc 9am, Chủ Nhật, 22/01/2017; Lễ Trà Tỳ vào lúc 3pm, Thứ Hai, 23/01/2017
(Xem: 12550)
Tuệ Sĩ – Người ẩn mình dưới lòng hố thẳm hun hút, Tuệ Sĩ – Trên đỉnh Trường Sơn chót vót sương mù, mây trắng.
(Xem: 17272)
Chúng con/tôi vừa nhận được tin: Thượng Tọa THÍCH ĐỨC TRÍ Trụ trì Chùa Tam Bảo Tulsa, Oklahoma vừa viên tịch...
(Xem: 7238)
Vào tháng 4 năm 1998, tôi trở về nhà ở Dharamsala, Ấn Độ, sau hành trình giảng dạy dài và khoản thời gian miệt mài viết lách tại Mông Cổ và phương Tây.
(Xem: 5926)
Đại lão HT Thích Thiện Bình đã thu thần viên tịch 17-11-2016 (18-10-Bính Thân), tại chùa Long Sơn TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), thọ 84 tuổi.
(Xem: 7283)
Xuất gia năm 1960, thọ Sadi giới ngày 17-11 năm Quý Mão (1963) tại Tổ đình Tường Vân, thọ cụ túc giới năm 1964 tại giới đàn Quảng Đức
(Xem: 8430)
Đức Vua Bhumibol Adulyadej, vị hoàng đế ở trên ngai vàng lâu nhất thế giới, vừa băng hà tại bệnh viện ở thủ đô Bangkok ngày 13-10-2016.
(Xem: 5355)
Tiểu sử của một lama vĩ đại được gọi là “namtar” (rnam-thar), một tiểu sử mang tính cách giải thoát, vì nó tạo nguồn cảm hứng cho người nghe...
(Xem: 6731)
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa con nhà gia giáo thuộc hạng trung lưu, trong gia quyến ai nấy đều theo đạo Phật.
(Xem: 8773)
Trong cuộc phỏng vấn năm 1999, Richard Gere nói về những năm tháng tu tập của mình, sự cống hiến của anh cho Lão sư của mình là Ngài Đạt La Lạt Ma.
(Xem: 5446)
Chu Văn An (1292-1370) hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, tên thụy là Văn Trinh. Tên thật của Chu Văn An vốn là...
(Xem: 6494)
Theo các nhà nghiên cứu về lịch sử Phật giáo, người Nga đã biết đến đạo Phật nhờ tiếp xúc với các lân quốc vùng châu Á như Mông Cổ, Tây Tạng...
(Xem: 4723)
Thupten Jinpa là một cựu tăng sĩ, hoàn tục để lập gia đình, trở thành một tác giả, và trong 30 năm qua, là người thông dịch chính về tiếng Anh cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.
(Xem: 14194)
Lễ nhập Kim Quan lúc: 04 giờ chiều ngày Thứ Bảy: 25/6/2016; Lễ cung tống Kim Quan trà tỳ lúc: 08 giờ sáng ngày Thứ Năm: 30/06/2016
(Xem: 5630)
Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng Lê Văn Duyệt, toàn thân Ngài bất động điềm nhiên trong tư thế thiền định...
(Xem: 5775)
Bài thuyết trình cho Khóa An Cư Kiết Hạ tại Niệm Phật Đường Fremont, SanJose, từ ngày 13-23 tháng 6 năm 2016
(Xem: 9964)
Kỷ Yếu Tri ÂnTán Dương Công Đức của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Tôn
(Xem: 8795)
Đức Trưởng Lão HT Thích Như Huệ Chứng minh Đạo sư GHPGVNTN Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan
(Xem: 7251)
Trong số mấy chục vị Thánh Tử Đạo ấy có Sư Cô Thích Nữ Diệu Định ở Quảng Nam-Đà Nẵng...
(Xem: 35194)
Lễ nhập kim quan lúc: 09:00am, ngày 12/3/2016. Lễ di quan lúc 10:00am ngày 15/3/2016
(Xem: 5541)
Đại Lễ Tri Ân nhị vị Hòa Thượng Trưởng Lão của Giáo HộiTrưởng Lão Tăng Giáo Trưởng HT Thích Huyền Tôn và Trưởng Lão Chứng Minh Đạo Sư HT Thích Như Huệ.
(Xem: 10686)
Kỷ Yếu Tưởng Niệm HT Thích Hạnh Tuấn (1956-2015) Chùa Trúc Lâm Chicago, USA ấn hành 2015
(Xem: 13160)
Kể từ khi tổ Minh Hải–Pháp Bảo khai tông lập giáo, tính đến nay dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã trải qua 300 năm lịch sử với 12 đời truyền thừa...
(Xem: 7682)
Dẫu là một ông vua, cai trị một đế chế rộng lớn, quyền uy sinh sát trong tay, nhưng kỳ thực A Dục Vương vẫn là một đệ tử Phật, một tín đồ thuần thành của Phật Giáo.
(Xem: 17866)
HT Thích Tâm Thọ, Thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên thế giới, Viện Chủ Chùa Giác Hoàng, Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ
(Xem: 6638)
Thiền sư BẠCH ẨN HUỆ HẠC (Hakuin Ekaku), thế danh Iwajiro (Nham Thứ Lang, nghĩa là cậu bé đá), quê tại Hara, tỉnh Suruga, thị trấn Numazu, hạt Shizuoka, Nhật Bản.
(Xem: 19954)
HT Thích Hạnh Tuấn, Trú Trì Chùa Trúc Lâm, Chicago, đã viên tịch; Lễ Nhập Liệm vào ngày thứ 4, 4/11/2015; Lễ Trà Tỳ vào ngày Chủ Nhật, 8/11/2015
(Xem: 13510)
Cả Đức Thích Ca Mâu Ni Phật và Guru Rinpoche đều tiên tri sự ra đời và thành tựu tâm linh của Tông Khách Ba.
(Xem: 16291)
Long Thọ (Nagarjuna, Klu-grub), cùng với Vô Trước (Asanga, Thogs-med), là hai đại hành giả tiên phong của truyền thống Đại thừa.
(Xem: 27100)
Lễ nhập quan sẽ được cử hành vào lúc 14 giờ ngày 25 tháng 08 năm 2015 (nhằm ngày 12/07/Ất mùi)
(Xem: 28993)
Trưởng lão Hòa Thượng vừa thâu thần viên tịch tại Tổ đình Từ Quang, thành phố Montreal, Canada, lúc 10g15 thứ Năm, ngày 20-8-2015, trụ thế 95 tuổi đời, 74 Hạ Lạp
(Xem: 10903)
Kỷ Yếu Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Minh Tâm (1940-2013)
(Xem: 7648)
Pháp danh của ông là Buddhadasa có nghĩa là người tỳ kheo hầu hạ Đức Phật, thế nhưng người dân Thái thì lại gọi ông là Ajhan Buddhadasa.
(Xem: 7099)
Ngài Tịch Thiên (Shantideva) là một trong những vị luận sư lỗi lạc nhất của thời kỳ sau trong quá trình phát triển tông phái Đại thừa
(Xem: 10209)
Ngài Huyền Trang theo truyện Tây Du không gọi là Huyền Trang mà kêu là Tam tạng thỉnh kinh hay Đường Tăng. Trong sách nói đủ là Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
(Xem: 10233)
Tranh vẽ Chân Dung HT Tuệ Sỹ của nhiều tác giả
(Xem: 8091)
Có một người đã cắt bỏ được sợi dây ràng buộc của gia đình để sống theo tăng đoàn của đức Phậtcống hiến trọn cuộc sống của mình cho công cuộc hoằng dương Phật pháp, đó là Tôn Giả Phú Lâu Na.
(Xem: 8135)
Huệ Viễn đại sư họ Cổ, nguyên quán xứ Lâu Phiền ở Nhạn Môn thuộc tỉnh Sơn Tây. Ngài sanh tại Thạch Triệu, năm Giáp Ngọ, vào niên hiệu Diên Hy đời vua Thành Đế nhà Tấn.
(Xem: 6899)
Đức Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ (1909 - 1984), Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN là bậc cao tăng có những cống hiến to lớn đối với Đạo pháp và Dân tộc
(Xem: 10057)
Đức Đệ Nhị Tăng Thống Giáo Hội Phật Việt Nam Thống Nhất, Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, viên tịch năm kỷ Mùi.
(Xem: 20909)
Hòa Thượng Thích Tuệ Chiếu, thế danh Lưu Đức Thụy, Pháp danh Thiện-Uẩn, Pháp hiệu Hồng Liên, pháp tự Tuệ Chiếu thuộc Thiền Phái Lâm Tế đời thứ 40.
(Xem: 24253)
Phật giáo Bắc tông nói chung, Thiền tông nói riêng đều lấy giác ngộ làm mục đích tiến tu. Dù là tu sĩ xuất gia hay cư sĩ tại gia trong khi tu hành được đôi phần giác ngộ đều được mọi người quí kính.
(Xem: 15326)
Quyển Ngữ Lục này là tập hợp từ những lời thị chúng của Thiền Sư Duy Lực trong những kỳ thiền thất tại Việt Nam kể từ năm 1983 cho đến những năm tháng cuối đời.
(Xem: 8235)
Từng nghe, lòng dạ kiên trinh, ý chí vững bền, khí tiết đặc biệt đâu phải hoàn toàn do bẩm tính tự nhiên mà phải dốc lòng kính ngưỡng, noi theo những bậc có đức hạnh cao vời.
(Xem: 18836)
Vào lúc 15 giờ ngày 14/12/2014, tại An Tường tự viện, Oakland, California, Hoa Kỳ, các tự viện đã phối hợp cùng Môn đồ pháp quyến tổ chức Lễ truy niệm và phát tang HT húy thượng Đồng hạ Đạt, tự Thông Đạt, hiệu Thanh An, Viện chủ An Tường tự viện
(Xem: 16686)
Những ngữ cú của Sư được chép rải rác trong trứ tác của các nhà, nhưng chưa được gom tập. Cho nên vào niên hiệu Nguyên Văn, thiền sư Huyền Khế biên tập và đặt tên là Động Sơn Lục, tàng bản tại Bạch Hoa Lâm.
(Xem: 10944)
Ngài Long Thọ (Nagarjuna) thường được tôn xưng là “đức Phật thứ hai” bởi các truyền thống Phật Giáo Đại Thừa tại Tây Tạng và Đông Á.
(Xem: 7361)
SB Diệu Không thế danh là Hồ Thị Hạnh, húy là thượng Trừng hạ Hảo, hiệu là Nhất Điểm Thanh. Sư Bà sinh năm 1905, con gái Út của Cụ Hồ Đắc Trung và Cụ Châu Thị Lương, làng an Truyền, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên.
(Xem: 7944)
Hòa Thượng thế danh là Nguyễn Văn Kính, sanh ngày 17 tháng 11 năm Tân Mão, nhằm ngày 17 tháng 12 năm 1891, tại làng Dưỡng Mong Thượng, tổng Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.
(Xem: 14334)
Trì Châu Nam Tuyền Phổ Nguyện Thiền Sư quê ở Tân Trịnh, Trịnh Châu, họ Vương, theo Đại Hoè Sơn, Đại Huệ thiền sư xuất gia, đến Tung Nhạc thọ giới cụ túc.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant