- Hàng muôn hàng vạn
- Chương 01: Đi thong dong và thảnh thơi
- Chương 02: Tâm vận hành như thế nào?
- Chương 03: Tìm tâm
- Chương 04: Dòng sông tâm thức
- Chương 05: Tri giác và thực tại
- Chương 06: Cơ hội tự do
- Chương 07: Tập khí hạnh phúc
- Chương 08: Đi bằng chân của Bụt
- Chương 09: Những bài tập nuôi dưỡng thân Bụt và tâm Bụt
BỤT LÀ HÌNH HÀI, BỤT LÀ TÂM THỨC
Thích Nhất Hạnh
Chân Hội Nghiêm chuyển ngữ
Chương 04: Dòng sông tâm thức
Nhà triết học David Hume đã nói: “Thức là một tia sáng hay một chuỗi những tri giác khác nhau diễn ra liên tục với một tốc độ phi thường.” Các tâm hành biểu hiện và tiếp nối nhau như một dòng sông. Khi nhìn vào dòng sông, chúng ta nghĩ rằng dòng sông là một thực thể không bao giờ thay đổi, nhưng đó là do tâm thức của chúng ta tạo ra. Khi ngồi trên bờ sông, chúng ta thấy rằng dòng sông mà chúng ta đang quan sát bây giờ không giống với dòng sông mà chúng ta vừa mới xuống bơi lội. Heraclitus nói rằng chúng ta không thể tắm hai lần trong một dòng sông.
Trong quyển sách Evolution Creatric xuất bản năm 1908, Henri Bergson thường dùng thuật ngữ “kỹ thuật điện ảnh của tâm” (cinematographic mechanism of the mind). Khi xem phim chúng ta có cảm tưởng như có một câu chuyện thật đang xảy ra. Nhưng nếu kéo cuộn phim ra kiểm tra, chúng ta sẽ thấy chỉ có những bức tranh riêng lẻ nối tiếp nhau cho ta cảm giác có một thực thể tồn tại liên tục.
Các tâm hành biểu hiện rất nhanh và diễn ra liên tục cho ta cảm giác thức là một cái gì đó trường tồn. Tuy nhiên, nếu chúng ta có chánh niệm, có khả năng nhìn rõ cuộn phim, chúng ta sẽ thấy được vòng sinh diệt của một tâm hành và bản chất của các hạt giống tạo ra tâm hành ấy.
Hạt giống có bốn tính chất và bốn điều kiện để biểu hiện. Mỗi hạt giống đều có tính chất riêng của nó, đó là vừa hằng lại vừa chuyển. Hạt bắp cho dù luôn luôn thay đổi (chuyển) nhưng vẫn là hạt bắp (hằng). Khi trồng hạt bắp, hạt bắp sẽ cho ra cây bắp, mà không phải là cây đậu. Chúng ta có thể tác động, thay đổi và chuyển hóa hạt giống để có thể đạt được phẩm chất tốt đẹp hơn mà vẫn giữ nguyên tính chất của chúng.
Tính chất thứ nhất của hạt giống là sát na diệt, nghĩa là hạt giống chết đi trong mỗi phút giây để được tái sinh trở lại, rồi lại chết đi. Chúng ta biết rằng các tế bào trong cơ thể chúng ta cũng trải qua quá trình sinh diệt như thế. Ngọn lửa của cây nến cũng có tính chất điện ảnh. Nó chết đi trong mỗi một phần mấy giây và cho ra ngọn lửa kế tiếp. Không những thức mà đối tượng của thức cũng thế, cũng có tính chất điện ảnh. Tất cả mọi thứ, vật lý hay tâm lý, đều thay đổi liên tục. Đức Bụt nói:
“Chư hành vô thường,
Thị sinh diệt pháp
Sinh diệt diệt dĩ
Tịch diệt vi lạc”.
Tính chất thứ hai của hạt giống là quả câu hữu, nghĩa là quả của nó đã nằm sẵn trong hạt giống. Giả sử mình có một cái máy DVD, mình biết cái máy có chứa màu sắc, hình ảnh và âm thanh trong đó; tuy không thấy không nghe nhưng không thể nói chúng không có, chỉ cần một vài điều kiện là chúng có thể biểu hiện được. Vì vậy mà hạt và quả không phải là hai thứ khác nhau. Hạt giống không cần thời gian để thành quả, bởi vì quả đã nằm sẵn trong hạt giống. Khi mở DVD ra, ngay lập tức mình thấy màu sắc, hình ảnh và nghe được âm thanh. Chúng ta không cần phải đợi cho đến khi hạt giống được gieo xuống thành cây, cho ra hoa quả, ta mới thấy được kết quả của nó. Không cần phải đợi thời gian: quả đã có mặt đồng thời với hạt giống rồi.
Tính chất thứ ba của hạt giống là đãi chúng duyên, nghĩa là đợi những điều kiện khác để có thể biểu hiện. Hạt giống đã có trong tàng thức của chúng ta, cũng giống như những tín hiệu và thông tin trên máy DVD đã có sẵn, chỉ cần đợi một vài điều kiện nào đó để có thể chuyển hóa, biểu hiện thành âm thanh, màu sắc và hình ảnh.
Tính chất thứ tư của hạt giống là dẫn tự quả, nghĩa là nhân nào thì quả ấy, hạt đậu thì thành cây đậu, hạt mướp thì thành cây mướp.
Có bốn duyên (điều kiện) cần thiết để một hạt giống có thể biểu hiện:
Duyên thứ nhất là nhân duyên (seed condition), tiếng phạn là hetu. Không có hạt giống thì không có gì có thể hình thành được. Không có những dữ kiện trong đĩa DVD, chúng ta không thể làm được gì. Không có hạt bắp, cây bắp không thể nảy mầm. Nếu không có những hạt giống trong tàng thức thì tàng thức cũng không thể được gọi là tàng thức và bảy thức được sinh ra từ tàng thức cũng không thể biểu hiện được. Hạt giống là điều kiện căn bản. Khi đã có hạt bắp, chúng ta có thể trồng lên cây bắp và có trái bắp để ăn. Trong tiếng Hán, chữ “nhân” 因, hạt giống, được viết rất thú vị. Nó có hai phần, phần ngoài 口 là “giới hạn” và bên trong giới hạn đó có một phần khác là 大 “lớn”, nghĩa là trong cái giới hạn có một cái có khả năng trở thành rất lớn. Cái lớn đã tồn tại trong cái nhỏ, nếu ta cho những điều kiện khác đi vào thì những cái nhỏ sẽ trở thành cái lớn.
Duyên thứ hai là tăng thượng duyên (the support for seed). Chúng ta có hạt bắp nhưng chúng ta cũng cần đất, nước, ánh nắng mặt trời và người nông dân để giúp hạt bắp nảy mầm. Chúng ta có hạt giống Phật tính. Hạt giống này tuy nhỏ nhưng nếu ta cho cơ hội, nó sẽ lớn lên. Chúng ta cần điều kiện – điều kiện đó là tăng thân, sư anh, sư chị; là thầy, là đạo tràng. Chúng ta cần một môi trường mà hạt giống Phật tính có thể được biểu hiện tối đa. Những cơ hội, điều kiện, môi trường... là tăng thượng duyên.
Tăng thượng duyên có hai loại: thuận tăng thượng duyên và nghịch tăng thượng duyên. Nếu mọi thứ xảy ra êm đẹp thì gọi là thuận tăng thượng duyên. Nhưng đôi khi có những điều kiện xảy ra làm cho tình huống khó khăn thêm như thỉnh thoảng trên đường đi, chúng ta gặp một vài chướng duyên. Có thể chúng ta bị bệnh hoặc chúng ta làm việc với một người rất khó để bàn bạc nhưng nhờ những khó khăn đó chúng ta mới chuyển hóa và trở nên mạnh mẽ hơn. Cho dù ban đầu thấy có vẻ như chướng ngại nhưng chính chướng ngại đó giúp ta lớn mạnh lên thì đó cũng là tăng thượng duyên, gọi là nghịch tăng thượng duyên. Có những cây thông mọc trên những mảnh đất rất khô cằn hay trên những sườn đồi không màu mỡ để hạt có thể nảy mầm, lớn lên dễ dàng, nhưng vì điều kiện khó khăn đó mà cây thông phải đâm sâu vào lòng đất, nhờ thế nó lớn lên rất mạnh mẽ và gió không thể thổi trốc gốc được. Nếu cây thông chỉ gặp những điều kiện thuận lợi thì rễ của nó có thể không đâm sâu vào lòng đất và khi có những cơn gió mạnh thổi đến, nó sẽ bị trốc gốc. Đôi khi, những chướng ngại và khó khăn giúp chúng ta thành công.
Nếu làm việc chung với một người khó tính, chúng ta có thể xem người đó là một tăng thượng duyên, cho dù người khác cảm thấy đó là một chướng ngại. Người kia đang dạy cho chúng ta về sức mạnh của chính mình. Các hành giả phải vững mạnh để chấp nhận cả hai loại tăng thượng duyên ấy: thuận tăng thượng duyên và nghịch tăng thượng duyên.
Duyên thứ ba cần thiết cho hạt giống biểu hiện là sở duyên duyên, alambana pratiyaya (chủ thể và đối tượng sinh khởi cùng một lúc). Nhận thức phải luôn luôn có chủ thể và đối tượng, cả hai biểu hiện cùng một lúc. Không thể có chủ thể mà không có đối tượng. Chúng ta biết rằng ý thức phải luôn luôn là ý thức về cái gì. Khi giận, phải có đối tượng để giận, chúng ta giận ai hay giận cái gì. Khi ăn cũng vậy, chúng ta phải ăn cái gì đó. Vì thế, đối tượng là điều kiện cho sự vật biểu hiện. Nhận thức luôn bao gồm chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Tri giác cũng bao gồm chủ thể và đối tượng. Cây bút chì nằm trên bàn có bên phải và bên trái. Bên phải không thể có mặt một mình mà nó chỉ có thể tồn tại khi bên trái có mặt.
Thức cũng thế. Chúng ta có khuynh hướng tin rằng thức đã có sẵn, và nó sẵn sàng nhận diện ngay khi có bất cứ một đối tượng nào xuất hiện. Thế nhưng, bản thân tri giác là một tâm hành, tưởng tượng là một tâm hành, giận hờn là một tâm hành. Mỗi khi có một tâm hành biểu hiện thì chủ thể và đối tượng phát sinh cùng một lúc.
Duyên thứ tư là đẳng vô gián duyên (sự liên tục không gián đoạn). Ta cũng có thể gọi nó là định, samadhi, nghĩa là duy trì sự liên tục, đều đặn, không gián đoạn, không lên xuống. Đối tượng của định có thể là đám mây, nụ hoa, hay cơn giận của mình. Trong trạng thái định, chúng ta phải giữ sự chú tâm liên tục và bền bỉ. Nếu để nó mất đi, rồi sau đó sinh khởi trở lại thì đó không phải là định. Sự chú tâm cần phải được liên tục và đều đặn.
Giả sử đang chiếu phim, đột nhiên ta ngưng lại thì một chuỗi âm thanh và hình ảnh cũng ngưng theo. Nếu có sự gián đoạn trong quá trình ý thức thì ý thức sẽ không thể tiếp tục được. Phải có sự liên tục đều đặn, ý thức mới được hình thành. Giả sử chúng ta gieo hạt bắp, vài ngày sau chúng ta đào lên xem thì chúng ta đã làm gián đoạn sự sinh trưởng của cây bắp. Vì thế để cây bắp con có thể đâm chồi, ta phải cho nó nằm yên trong lòng đất liên tục ngày đêm không gián đoạn. Nếu chúng ta thổi tắt ngọn lửa của cây nến, cây nến không thể tiếp tục cháy được. Sự chuyển hóa và trị liệu của ta cũng như vậy. Nếu bác sĩ cho thuốc kháng sinh và yêu cầu chúng ta uống liên tục trong một thời gian nào đó, nhưng chúng ta chỉ uống được vài ngày rồi ngưng, vài ngày sau chúng ta uống lại thì thuốc sẽ không có hiệu quả. Chúng ta cần phải uống liên tục và đều đặn.
Khi bốn duyên này - nhân duyên, tăng thượng duyên, sở duyên duyên, và đẳng vô gián duyên (định) - có mặt thì các tâm hành phát sinh.
Tự tướng và cộng tướng (the particular and universal)
Nếu mọi thứ tương quan nhau thì giữa tự tướng và cộng tướng khác nhau như thế nào?
Giả sử chúng ta đang quán chiếu về một con voi. Trong khi quán chiếu, đối tượng của ý thức có thể không phải là một con voi thật mà chỉ là sáng tạo phẩm của tâm thức về con voi đó, dựa trên những hình ảnh của những con voi trước mà chúng ta đã thấy, đã in vào tàng thức của chúng ta. Như vậy ý thức của chúng ta không còn tiếp xúc với tự tướng nữa (không còn tiếp xúc với thực tại) mà tiếp xúc với cộng tướng.
Giả sử khi nhìn sâu vào một nụ hoa, chúng ta biết rằng nụ hoa đó là đối tượng của ý thức. Chúng ta có khả năng tiếp xúc với tự tướng của đóa hoa, với thực tại của các pháp. Đạo Bụt gọi đó là chân như, svalakshana. Khi các căn của chúng ta tiếp xúc với tự tướng, với thực tại, chúng ta thường vẽ vời ra nhiều thứ, cho nên chúng ta thường chỉ nhận được hình ảnh cộng tướng nhiều hơn là tự tướng. Khi thấy màu đỏ của hoa, chúng ta thường thấy màu đỏ của cộng tướng mà không thấy được màu đỏ đơn thuần mang đến cho ta như sóng ánh sáng và sự rung động của sóng ánh sáng ấy. Con người, động vật, cỏ cây, mây, nước cũng như vậy - chúng ta có khuynh hướng nhìn mọi vật trong bản chất cộng tướng của chúng. Chúng ta không tiếp xúc được với tự tướng, với thực tại, với những yếu tố căn bản. Tàng thức cũng có khả năng tiếp xúc với tự tướng giống như ý thức vậy. Tuy nhiên hầu hết những gì ý thức tiếp xúc là hình ảnh tự tướng bị biến thành cộng tướng.
Năm tâm sở biến hành
Trong năm tâm sở biến hành, tâm sở nào trong tự thân của nó cũng chứa đựng thân hành. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng thức vừa là thân mà cũng vừa là tâm. Trước hết là xúc, kế đến là tác ý, thọ, tưởng, tư. Năm tâm hành này vận hành một cách phổ biến và cùng khắp. Chúng diễn ra rất nhanh chóng, cường độ mạnh hay yếu, sâu hay cạn thay đổi khác nhau ở mỗi vùng ý thức.
Xúc
Trong đạo Bụt, xúc, tâm sở biến hành thứ nhất, được định nghĩa như một tác nhân, một năng lượng có thể đưa ba yếu tố căn, cảnh và thức lại với nhau. Khi bộ ba này có mặt đầy đủ thì nhận thức phát sinh. Trước khi xúc phát sinh, những yếu tố này nằm tách rời nhau. Con mắt ở đây, đám mây ở kia và nhãn thức thì nằm trong tàng thức dưới hình thức hạt giống. Thực ra cả ba yếu tố này đều là hạt giống nằm trong tàng thức. Chẳng hạn, xúc tạo nên sự thay đổi, chuyển biến trong bộ phận của nhãn thức. Xúc tạo nên một ấn tượng trên bộ phận này, có thể yếu hoặc mạnh. Nếu ấn tượng mạnh, nó sẽ kích thích nhiều hơn và sẽ có nhiều cơ hội để đi vào vùng thức cao hơn (nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức thân thức và ý thức). Nếu không, nó sẽ được coi là không quan trọng và sẽ rơi xuống hữu phần thức (life continuum) ngay lập tức. Do vậy, nếu ấn tượng không đủ quan trọng thì hữu phần thức chỉ rung lên trong một sát na rồi sau đó bề mặt của hữu phần thức trở về trạng thái yên tĩnh. Chúng ta liên tục nhận diện những ấn tượng quan trọng hay không quan trọng, những gì quen thuộc hay không quen thuộc. Những gì được cho là quen thuộc hay không quan trọng sẽ được phân loại ngay lập tức, rất nhanh chóng và sẽ không có cơ hội đi lên vùng thức cao hơn. Vì thế chúng ta nói xúc có nhiều loại khác nhau. Cảm thọ thực sự có hay không phụ thuộc vào cường độ của xúc. Ở vùng thức thấp hơn này (hữu phần thức), não có khuynh hướng không cho các thông tin đi lên vùng thức cao hơn. Nó có khuynh hướng ngăn cản, đưa mọi thứ xuống tàng thức và vận hành ở đó. Hầu hết những gì chúng ta nhận được như xúc và tác ý đều được hình thành ở vùng hữu phần thức này.
Tác ý
Khi cường độ tiếp xúc đủ mạnh, đủ quan trọng thì tâm sở biến hành thứ hai biểu hiện. Đó là tác ý, manaskara. Tác ý là một năng lượng có chức năng hướng dẫn tâm, đưa tâm về phía đối tượng, miễn là đối tượng của xúc không quá quen thuộc, không quá tẻ nhạt. Tác ý như bánh lái của chiếc thuyền. Nếu không có bánh lái, chiếc thuyền sẽ không có định hướng và sẽ không biết đi đâu. Vì thế tâm được hướng về phía đối tượng, và chúng ta quan tâm vào nó – đó gọi là tác ý. Giống như tên cận thần giới thiệu người nông dân cho vua. Người nông dân đến cung điện gặp vua, nhưng đến đó ông ta không biết vua ở đâu, tên cận thần bảo: “Vua ở hướng này, tôi sẽ đưa ông đến gặp vua”. Tác ý có nhiệm vụ hướng tâm đi về phía đối tượng mà nó thích thú.
Khi các căn đối diện với trần cảnh thì xúc phát sinh, theo sau đó là tác ý. Chúng ta thấy, biết, nhận diện qua một hay nhiều cánh cửa giác quan. Khi có tác ý thì có cái thấy và sau đó là nhận tín hiệu. Các sự kiện được nối tiếp nhau bởi sự rung động của hữu phần thức, rồi các rung động này ngưng lại và cánh cửa tri giác mở ra. Khi đó, năm giác quan hoạt động đưa đến cái thấy (darshana) nhận tín hiệu và chuyển tín hiệu. Thời khắc kế tiếp là thời gian điều tra, nghiên cứu. Đây là tiến trình của thông tin, của hành. Tất cả xảy ra trong thời gian một phần triệu giây. Trong sát na thứ tám có một hành động của thức quyết định (determining consciousness). Sau đó, nếu đối tượng nhận thức đủ lý thú, đủ mạnh mẽ thì trong suốt năm, bảy sát na kế tiếp sẽ có một quá trình tiếp tục gọi là vọng động. Trong suốt thời gian năm, bảy sát na này sẽ có cái thích hay không thích, quyết định làm hay không làm. Vì vậy yếu tố giải thoát sẽ có cơ hội xen vào đây. Cuối cùng, trong suốt sát na thứ mười sáu, mười bảy, nếu đối tượng đủ mạnh thì nó sẽ tiến hành và nhận diện.
Ông vua và trái xoài: câu chuyện về tiến trình của tri giác.
Nếu sự rung động của xúc do đối tượng tri giác tạo ra cực yếu thì ở sát na thứ ba nó sẽ chìm xuống hữu phần thức (bhavanga) mà không gây ảnh hưởng lớn ở vùng thức cao hơn. Nếu sự rung động của xúc mạnh thì tri giác có cơ hội đạt đến ý thức hoàn toàn sáng tỏ (fully aware mind conscious). Đó là tiến trình nhận thức mà người xưa mô tả.
Trong bản tính của A tỳ đạt ma (Abhidharma) có một ví dụ rất thú vị về hữu phần thức, bhavanga, hữu phần thức được ví như một ông vua đang ngủ. Chuyện kể rằng, có một ông vua đang ngủ trưa. Hoàng hậu và một vài cung phi, mỹ nữ đang ngồi hầu bên cạnh. Ngay cửa ra vào cung điện có một người đang canh gác. Ông ta có nhiệm vụ đóng và mở cửa nhưng ông này lại bị điếc. Ngoài kia có một người mang xoài vào dâng vua. Khi ông ta gõ cửa thì vua thức dậy. Đó là sự rung động của hữu phần thức. Một cung nữ ra hiệu cho ông gác cổng mở cửa. Đó là cánh cửa giác quan được mở ra. Người đàn ông mang rổ xoài đi vào, mọi người ai cũng thấy xoài và ý thức rằng có người đang mang xoài vào cho vua. Một cung nữ đến nhận xoài. Hoàng hậu đến chọn vài quả chín, đưa cho cung nữ gọt, mời vua ăn. Trong suốt năm bảy sát na kế tiếp, vua ăn xoài. Lúc này có sự phân biệt thích hay không thích, tham đắm hoặc chán ghét, quyết định ăn ít hay ăn nhiều v.v... Sau đó vua nhận ra mình đã ăn xoài: “Ồ quý quá, có người đã đến dâng cho mình mấy trái xoài rất ngon.” Rồi vua đánh giá chất lượng xoài. Sau đó vua ngủ lại. Đó là tiến trình của suy nghĩ và tri giác. Chúng ta thấy người xưa đã ý thức là tâm vận hành rất nhanh và tất cả các quá trình nhận thức này xảy ra chỉ trong vòng từ bảy đến mười bảy sát na thôi, một giây phút rất ngắn ngủi.
Tác ý như lý và tác ý phi như lý
“Tác ý” được dịch từ chữ manaskara của tiếng Sanskrit và manasikara của tiếng Pali. Manaskara nghĩa là đưa sự chú ý về phía đối tượng. Đây cũng là sự thực tập của chúng ta.
Trong giáo lý đạo Bụt, tác ý được chia làm hai loại: tác ý như lý và tác ý phi như lý. Nếu chúng ta chuẩn bị xây dựng một thành phố, một tăng thân, hay một đạo tràng, chúng ta phải tạo điều kiện để thường xuyên có những tác ý như lý. Khi tâm chúng ta hướng về một điều gì đó thuộc về tâm linh, quan trọng, đẹp đẽ, hiền thiện thì nó ảnh hưởng trên toàn bộ con người và thức của chúng ta. Ngược lại, nếu tâm chúng ta hướng về điều bất thiện, như hướng về một nhóm người nghiện ngập chẳng hạn, thì đó là tác ý phi như lý.
Đạo Bụt khuyến khích chúng ta thực tập tác ý như lý, yoniso manaskara. Ví dụ khi một sư cô thỉnh chuông, tai chúng ta tiếp xúc với âm thanh tạo ra nhĩ thức. Khi nghe chuông, chúng ta hướng tâm về phía đối tượng là tiếng chuông và thầm nói: “Lắng lòng nghe lắng lòng nghe, tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm”. Khi chúng ta hướng tâm về đối tượng hiền thiện thì những hạt giống tốt đẹp trong người mình được tưới tẩm. Chúng ta thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Chúng ta tiếp xúc được với chiều sâu của chính mình đồng thời nuôi lớn khả năng trị liệu và an lạc. Chúng ta gọi đó là tác ý như lý. Nếu biết thực tập, chúng ta sẽ sắp xếp nhà cửa, phòng ốc, thời khóa như thế nào để tâm ta có nhiều cơ hội tiếp xúc với những điều tích cực và hiền thiện. Có nhiều người đã cài đặt tiếng chuông chánh niệm vào máy vi tính để trở về theo dõi hơi thở và mỉm cười mà không bị đánh mất mình trong công việc. Đó là sự thực tập như lý tác ý.
Nếu tác ý của chúng ta đi về hướng nguy hiểm, bất thiện và chúng ta tham dự vào đó thì gọi là tác ý phi như lý, ayoniso manaskara. Chúng ta cần sử dụng trí thông minh của mình để tổ chức đời sống của chính mình. Chúng ta cần tạo ra một môi trường ở đó có những con người, những điều kiện giúp chúng ta tiếp xúc với những điều tích cực, có tác dụng nuôi dưỡng thân tâm. Chẳng hạn như một trung tâm thực tập, ở đó mọi thứ có thể giúp mình trở về ngôi nhà của chính mình để tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống trong tự thân và chung quanh.
Thọ
Tâm sở biến hành thứ ba là thọ. Xúc có nhiệm vụ gom ba yếu tố (căn, cảnh, thức) lại với nhau làm nền tảng cho thọ biểu hiện. Thọ có ba loại: lạc thọ, khổ thọ và trung tính. Xúc có thể đưa đến thọ ngay, và thọ có thể giúp tạo thêm tác ý.
Có những cảm thọ dễ chịu có khả năng mang đến trị liệu và chuyển hóa. Tuy nhiên cũng có những cảm thọ dễ chịu nhưng lại làm tổn hại cơ thể và hủy diệt lòng từ bi của mình. Vì vậy thọ là một loại năng lượng có thể mang đến niềm vui hoặc nỗi khổ, có thể giúp ta ý thức đơn thuần những gì đang có mặt.
Tưởng
Tâm sở biến hành thứ tư là tưởng, samjna. Tưởng giúp chúng ta nhận biết hình tướng và đặc tính của đối tượng. Chẳng hạn như khi nhìn một ngọn núi, tưởng giúp chúng ta thấy được đặc điểm của ngọn núi đó, thấy được màu sắc và hình dạng của nó. Núi không phải là sông. Núi có dáng vẻ, hình thức của một ngọn núi trong khi sông có dáng vẻ, hình sắc của một con sông. Vai trò thứ nhất của tưởng là thấy được hình sắc và đặc tính của đối tượng. Vai trò thứ hai của tưởng là quy cho đối tượng một cái tên. Cái tên đó có thể đã có sẵn trong tàng thức rồi. Nếu chúng ta nhìn dãy núi Pyrénées lần thứ hai và chúng ta đã nghe cái tên Pyrenées rồi, thì trong suốt quá trình nhận thức, hình ảnh núi Pyrénées và cái tên Pyrénées mà chúng ta đã cất giữ trước đó trong tàng thức sẽ đi lên làm nền tảng cho cái thấy trong hiện tại. Vì vậy mà chúng ta nói rằng nhận thức là nhận diện và đặt tên. Đó là tính chất và chức năng của tưởng. Tuy nhiên Bụt đã cảnh giác chúng ta phải cẩn thận. Ở đâu có tưởng thì ở đó có vô minh. Chúng ta là nạn nhân của tưởng, của tri giác sai lầm. Nhớ lại ‘tình thức’ - thức mạt na- chúng ta thấy đầy tri giác sai lầm.
Tư
Tâm sở biến hành thứ năm và cũng là tâm sở cuối cùng là tư (Tư). Tư là một loại năng lượng thúc đẩy chúng ta làm điều gì đó, chạy theo hoặc chạy trốn một đối tượng nào đó. Chính năng lượng phát sinh từ tri giác, cảm thọ đưa tới ý muốn hành động. Trong trường hợp mình muốn làm một điều gì đó, cho dù điều đó có thể hủy hoại mình, mình vẫn muốn làm như thường. Trí năng của chúng ta có thể biết rằng nếu làm, chúng ta sẽ đau khổ nhiều tuy nhiên chúng ta vẫn muốn làm. Điều này phụ thuộc vào sức mạnh chúng ta có được trong tàng thức. Nếu chúng ta có đủ tuệ giác, có đủ quyết tâm, chúng ta sẽ nói một cách tự nhiên rằng là: “Không, tôi sẽ không làm điều đó” và chúng ta được tự do cho dù điều đó có thể rất hấp dẫn, lôi cuốn.
Có những thứ khác lôi cuốn chúng ta nhưng lại không nguy hiểm. Chẳng hạn như giúp người. Ước muốn giúp đỡ, phụng sự, hòa giải thúc đẩy chúng ta. Khi đi ra để thực hiện điều đó chúng ta có thể gặp nguy hiểm, có thể bị mất mạng nhưng nếu có nhiều từ bi, có tuệ giác vô sinh bất diệt thì chúng ta không còn sợ hãi nữa và bằng bất cứ giá nào chúng ta cũng đi. Đó là ước muốn hiền thiện. Gọi là tư.
Tuy nhiên, có những thứ chúng ta không muốn làm. Chúng ta muốn chạy trốn, chúng ta sợ hãi, và nguyện sẽ không làm dù đó là điều tốt. “Tại sao phải giúp người khác làm gì cho bận tâm trong khi họ chẳng biết ơn chút nào ?” Vì vậy, tất cả đều phụ thuộc vào tuệ giác và từ bi mà chúng ta có trong tàng thức. Phần lớn những quyết định ta làm đều tùy thuộc vào quyết định đã sẵn có trong tàng thức.
Ngoài ra có một vài điều chúng ta làm chỉ mang tính chức năng. Chúng ta chỉ làm thôi. Điều đó không quan trọng lắm chúng ta muốn làm và chúng ta làm. Đó là những yếu tố thuộc về khía cạnh thực tế của cuộc sống.
Năm tâm sở biến hành này luôn hoạt động đêm ngày và có mặt cùng khắp ở tất cả các thức. Vì vậy mà ta gọi là tâm sở biến hành, citta sarvatraga, luôn luôn dính líu đến thức (always associated with consciousness). Chúng luôn luôn hoạt động với nhau, chúng là nội dung của thức. Thức quyết định cường độ và chiều sâu của các tâm hành.
Năm tâm sở biệt cảnh
Các tâm sở biến hành hoạt động hầu như giống nhau trong mỗi người. Trong một ý nghĩa nào đó chúng là thức. Cái khác biệt trong mỗi thức là các tâm sở biệt cảnh: dục, thắng giải, niệm, định, tuệ. Khi có các tâm sở biệt cảnh này thì tỉnh thức có mặt. Dục, thắng giải có thể đưa đến niệm, và niệm luôn đưa đến định. Nếu có đủ định lực chúng ta sẽ thấy được chân như của sự vật rõ ràng hơn.
Dục
Tâm sở biệt cảnh thứ nhất là dục, chanda. Dục là ước muốn làm cái gì đó, chẳng hạn như muốn thấy, muốn nghe, muốn tiếp xúc. Dục có thể là quyết tâm chánh niệm, và cũng có thể là sự hiểu biết tạo điều kiện cho mình có thói quen chánh niệm. Các nhà khoa học não bộ đã khám phá ra rằng trước khi bắt đầu có ước muốn thì não đã hoạt động hai phần mười giây trước đó rồi. Chúng ta có thể gọi nó là tiền dục (Pre-intention). Thông thường chúng ta không nhận ra là trước khi làm một điều gì đó, chúng ta đã có ước muốn làm điều đó trước rồi.
Trong công việc, thỉnh thoảng người ta cần phải dừng lại và một trong những cách dừng lại là ngồi xuống châm một điếu thuốc. Trong khi hút thuốc họ không cần phải nghĩ về công việc, họ nghỉ ngơi hoàn toàn. Trở về theo dõi hơi thở sẽ cho ta khả năng nghỉ ngơi nhiều hơn hút thuốc nhưng điều đó đòi hỏi ta phải có ước muốn (dục) chánh niệm. Một số người đã cài đặt lên máy vi tính của mình tiếng chuông chánh niệm trong mỗi mười lăm phút để dừng lại trở về theo dõi hơi thở.
Lần tới khi ăn cơm, chúng ta hãy quan sát cách chúng ta ăn. Chúng ta đem ánh sáng chánh niệm rọi vào mỗi hành động của chúng ta trong suốt thời gian ăn. Có thể chúng ta có cảm tưởng chúng ta đang hoạt động như một cái máy. Mặc dù có ý muốn gắp miếng đậu hũ, có hành động gắp đậu hũ bỏ vào miệng nhai nhưng ta làm một cách tự nhiên mà không cần động não. Mẹ ta, cha ta, thầy ta chỉ cho ta cách ăn, chỉ cho ta cách dùng đũa muỗng hoặc dao nĩa. Với sự giáo dục, dạy dỗ, thực tập, chúng ta hiến tặng cho tàng thức cái phong cách, uy nghi của mình và tự động hóa thành những thói quen tốt. Chúng ta có thể sử dụng cái dục (cái ước muốn) ăn cơm chánh niệm và tập cho việc đó trở thành một thói quen, một sản phẩm của tàng thức giống như cách chúng ta dùng muỗng nĩa vậy.
Thắng giải
Tâm sở biệt cảnh thứ hai là thắng giải, adhimoksa. Thắng giải là xác nhận một điều gì, một vật gì đó chắc chắn đúng (well-established). Chúng ta nhận ra vật đó, biết vật đó là gì rồi, không còn nghi ngờ nữa. Khi thấy cái bàn, mình nói: “Đây là cái bàn, tôi chắc nó là cái bàn”. Đó là thắng giải. Mình đã tin chắc đây là cái bàn. Đôi khi chúng ta cũng có thể sai nhưng chúng ta vẫn tin chắc như thế. Chẳng hạn như chúng ta thấy một người và tin rằng người đó là kẻ thù, là tên khủng bố. Chúng ta không nghi ngờ gì nữa vì cách người đó nhìn, cách người đó làm, đích thực là kẻ thù. Thắng giải đó đưa đến hành động. Mình sẽ giúp người đó, mình sẽ cứu người đó hoặc mình sẽ thủ tiêu người đó. Tất cả đều phụ thuộc vào thắng giải của mình. Thắng giải không có nghĩa là mình đúng, tuy nhiên mình có cảm giác là sự việc chắc chắn như thế.
Khi nhìn vào đóa hoa hồng, mình tin rằng đây là hoa hồng. Đó là thắng giải, nhưng điều đó không có nghĩa là thắng giải của mình đúng. Thắng giải là nền tảng của hành động, có chức năng xua tan những nghi ngờ. Trong danh sách các tâm hành, nghi ngờ được phân loại như một tâm hành bất thiện. Nhưng theo tôi, nghi ngờ phải được phân thành tâm hành bất định. Bởi vì nghi ngờ đôi lúc cũng có lợi. Nếu không nghi ngờ, mình không có cơ hội khám phá chân như của sự vật. Trong thiền học đạo Bụt có nói tới “đa nghi đa ngộ.” Vì vậy, nghi ngờ có thể là một điều tốt. Nếu chúng ta quá tin chắc hay nói cách khác, nếu chúng ta luôn luôn có thắng giải, chúng ta có thể bị kẹt vào tri giác sai lầm của mình trong một thời gian dài.
Định
Định, samadhi, là tâm sở biệt cảnh thứ ba. Khi nghe chuông, mình có thể lắng nghe rất sâu và càng thực tập, phẩm chất lắng nghe càng trở nên sâu sắc hơn. Chúng ta có thể mời tất cả các tế bào trong cơ thể chúng ta tham dự vào việc lắng nghe mà không phải chỉ có não hay các dây thần kinh. Chúng ta có cả một cộng đồng tế bào và chúng ta hoàn toàn tập trung vào đó. Bụt gọi là sarvakaya, toàn bộ cơ thể (the totality of the body). Đây là tâm sở biệt cảnh thứ ba, gọi là định.
Bất kỳ điều gì chúng ta muốn làm, chúng ta cũng có thể mời tất cả các tế bào tham dự vào. Nếu chúng ta làm một cách sâu sắc thì mỗi tế bào đều hành xử như một cơ thể, mỗi tế bào trở thành một cơ thể. Không còn sự phân biệt giữa tế bào này với tế bào khác, hàng triệu tế bào hành xử như một. Đó là định. Chánh niệm mang trong nó năng lượng của định. Cố nhiên chúng ta có định nhưng định lực của ta khác với định lực của người khác. Nếu tiếp tục thực tập, năng lượng chánh định của ta càng ngày càng hùng hậu hơn. Chỉ qua cách nghe chuông chúng ta cũng có thể thấy rõ điều đó. Nếu chúng ta có khả năng mời tất cả các tế bào tham dự vào việc lắng nghe, nghe như một cơ thể mà không phải chỉ bằng trí năng thì tình huống sẽ đổi thay.
Khi thiền định đến mức không còn nghe, không còn thấy, không còn ngửi nữa thì năm thức đầu ngưng hoạt động, chỉ còn lại ý thức, bởi vì định của ý thức rất mạnh nên nó hoạt động một mình. Giả sử chúng ta đang xem triển lãm mà chúng ta bị cuốn hút trong các tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ, lý thú, thì ý thức của ta hoàn toàn bị đắm chìm trong đó, cho dù người ta có đang nói chuyện sau lưng hay chung quanh, ta vẫn không nghe. Năng lượng của mình được gom lại và tập trung về một hướng. Tuy nhiên trong đời sống hằng ngày của chúng ta, ý thức thường cộng tác với năm thức khác.
Định, bản thân nó không nhất thiết là tích cực. Nếu định tâm vào đối tượng tham đắm, chúng ta có thể trở nên điên cuồng. Nếu định tâm trên đối tượng cơn giận, chúng ta có thể đi đến điên dại. Đó là tà định. Tuy nhiên nếu chúng ta định tâm trên sự thật vô ngã, vô thường thì định của chúng ta có tác dụng giải thoát. Vì vậy chúng ta phải phân biệt chánh định và tà định.
Niệm
Niệm 念, chữ Hán viết gồm hai phần, phần thứ nhất là 今 “bây giờ”, phần thứ hai là 心 “tâm”. Tiếng Sanskrit là smrti. Nghĩa là nhớ. Thực tập chánh niệm là nhớ. Chánh niệm là loại năng lượng giúp chúng ta ý thức những gì đang xảy ra. Khi chúng ta đang làm một điều tốt, chúng ta biết: “Ta đang làm điều tốt.” Khi ta đang làm điều gì mà có thể sau này ta hối tiếc thì ta biết: “Ta đang làm một điều mà sau này ta sẽ hối tiếc.” Chánh niệm có trong ta. Hạt giống chánh niệm luôn có đó, biểu hiện mạnh hay yếu tùy thuộc vào sự thực tập và trí thông minh của chúng ta.
Chúng ta phải phân biệt chánh niệm và tà niệm. Điều này phụ thuộc vào đối tượng của niệm và cách chúng ta quản lý nó. Nếu chúng ta chỉ chú ý tập trung vào những điều tiêu cực như đối tượng tham muốn, đối tượng giận hờn và đánh mất chủ quyền của chúng ta thì đó là tà niệm, nói cách khác là niệm tiêu cực. Càng tập trung tâm ý vào người mình ghét, chúng ta càng ghét người đó hơn. Chánh niệm là trở về với hơi thở của mình, ý thức cơn giận đang có mặt, cơn giận có thể làm cho mình và người kia đau khổ. Đó là chánh niệm. Chăm sóc cơn giận của mình mà không để ý đến người mình nghĩ đã gây khổ đau cho mình. Vì vậy chúng ta phải phân biệt chánh niệm và tà niệm.
Tuệ
Khi chúng ta có định và niệm thì tâm sở biệt cảnh thứ năm là “tuệ” phát khởi. Tuệ tâm sở (chánh tuệ, right insight), gọi là prajna, có năng lực giải thoát, mang đến hiểu biết và thương yêu. Ngược lại là tà tuệ (wrong insight) là cái thấy có thể trái ngược với sự thật nhưng chúng ta tin đó là sự thật, thậm chí rất chắc chắn là điều đó đúng. Chúng ta tin người này là kẻ thù, người kia là xấu ác, vì vậy chúng ta muốn thủ tiêu người đó để được an toàn, hạnh phúc. Sự tin chắc đó là tà tuệ. Nhiều người trong chúng ta có tà tuệ, có nhiều tri giác sai lầm mà đó là nền tảng thúc đẩy chúng ta hành động và quyết định sai lầm. Vì vậy chúng ta phải phân biệt giữa tà tuệ và tâm sở tuệ. Khi chúng ta có vài ý niệm và tin chắc vào ý niệm của mình, nếu có ai đó nhắc ta: “Suy nghĩ lại đi”, điều đó có thể giúp ta có cơ hội suy nghĩ lại. Quá chắc chắn một điều gì có thể rất nguy hiểm, đặc biệt là khi chúng ta đang nắm giữ một địa vị rất quan trọng trong xã hội và quyết định của chúng ta ảnh hưởng đến sinh mạng của nhiều người. Đối với một bác sĩ, chẩn đoán sai lạc có thể giết chết người. Vì vậy chúng ta phải cẩn thận. Các bác sĩ đã kể cho tôi nghe rằng trong trường y khoa, họ được dạy là cho dù đã xác định một cách chắc chắn đi nữa, họ cũng phải kiểm tra lại. Lời khuyên này đúng cho tất cả những ai trong chúng ta muốn thực tập chánh niệm. Đôi khi vì chúng ta quá tin chắc vào tri giác của mình mà giận dữ, sợ hãi, thất vọng, căm thù phát sinh; chúng phát sinh ra từ những tri giác sai lầm ấy. Để an toàn hơn chúng ta có thể viết thư pháp “Có chắc không?” (Are you sure?) treo trong phòng hoặc sở làm của mình để thực tập. Đó là tiếng chuông chánh niệm. Hãy luôn luôn trở về kiểm tra lại tri giác của mình mà đừng quá tin chắc về nó.