- Chúc Thư Đầu Nhọn Hạt Ngọc
- Lời Khai Thị Cho Trisong Deutsen
- Không Có Sự Xung Đột Giữa Tiểu Thừa Và Đại Thừa
- Xâu Chuỗi Hạt Bằng Vàng Của Cam Lồ
- Những Bài Ca Cho 25 Đệ Tử
- Khai Thị Thực Hành Phật Pháp Như Thế Nào Cho Đúng
- Chỉ Cây Gậy Vào Người Già
- Lời Khai Thị Bằng Miệng Về Thực Hành
- Viên Ngọc Như ý Của Sự Hồi Hướng
- Một Khuyến Khích Thực Hành Tâm Linh
- Lời Nguyện Mạn Đà La Kim Cương Giới
- Chú Thích & Bảng Thuật Ngữ
NHỮNG KHAI THỊ TỪ ĐỨC LIÊN HOA SANH
VỀ CON ĐƯỜNG ĐẠI TOÀN THIỆN
Nguyên bản: Advice from the Lotus-Born - Nhà xuất bản Rangjung Yeshe, 1994
Bản Việt ngữ : An Phong - Thiện Tri Thức xuất bản 1998, 1999
Một tuyển tập những khai thị của đức Liên Hoa Sanh cho dakini Yeshe Tsogyal và các đệ tử thân cận khác từ những khám phá kho tàng terma của Nyang Ral Nyima OŠzer, Guru Chošwang, Pema Ledrel Tsal, Sangye Lingpa, Rigdzin Gošdem, & Chokgyur Lingpa. Lời dạy mở đầu của H. E. Tulku Urgyen Rinpoche Erik Pema Kunsang dịch từ tiếng Tây Tạng sang Anh ngữ
MỤC LỤC
Lời giới thiệu của nhà xuất bản
Lời nói đầu
Lời dạy mở đầu
01 Chúc thư Đầu Nhọn Hạt Ngọc
02 Lời khai thị cho Trisong Deutsen
03 Không có sự xung đột giữa Tiểu thừa và Đại thừa
04 Xâu chuỗi hạt bằng vàng của Cam Lồ
05 Những bài ca cho 25 đệ tử
06 Kho báu ngọc quý để xua tan mọi chướng ngại
07 Khai thị thực hành Phật pháp như thế nào cho đúng
08 Chỉ cây gậy vào người già
09 Lời khai thị bằng miệng về thực hành
10 Viên ngọc như ý của sự hồi hướng
11 Một khuyến khích thực hành tâm linh
12 Lời nguyện Mạn đà la Kim Cương Giới
13 Chú thích & Bảng thuật ngữ
Lời giới thiệu của Nhà Xuất Bản
trong lần in thứ hai
trong lần in thứ hai
Đại toàn thiện (Dzogchen, Great Perfection), Đại Ấn (Mahamudra) của Tây Tạng và Thiền của Việt nam và Trung Hoa từ nền tảng đều giống nhau, vì chúng đều có cùng nguyên lý căn bản : ‘Bất lập văn tự. Giáo ngoại biệt truyền. Trực chỉ nhân tâm. Kiến Tánh thành Phật’.
Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền : đối với Tây Tạng là sự chỉ dạy trực tiếp bằng miệng giữa Thầy và trò. Trực chỉ nhân tâm là câu nói lập lại nhiều trong các lời chỉ dạy : hãy nhìn thẳng vào tâm con (look into your mind). Và Kiến Tánh thành Phật là sự nhìn thấy, chứng ngộ Phật tánh Tự Tâm.
Giống nhau trong cách tu hành. Với Thiền, thấy Tánh, thấy Đạo, thấy thực tại, gọi là Đốn ngộ. Sau đó là Tiệm tu (hay Diệu tu) cho đến giác ngộ viên mãn. Với Đại Toàn Thiện, trước tiên cũng là cái thấy thực tại hay tánh Không (view), sau đó là giai đoạn tiệm tu gồm thiền định, hạnh và quả. Trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng, cũng có những nhân vật Đốn tu, Đốn chứng, nghĩa là đi suốt cả ba giai đoạn cái thấy, thiền định và hạnh trong một lần.
Giống nhau trong cách đặt tên. Thiền là Tối thượng thừa, theo cách nói của Lục Tổ Huệ Năng. Và trong sách này ngài Padmasambhava cũng gọi Đại Toàn Thiện là Tối thượng thừa, xếp nó vào hàng cao nhất, tinh túy nhất, trong chín thừa của Phật giáo Tây Tạng.
Chúng ta thấy giáo lý đạo Phật dầu bất cứ trong trường phái nào cũng đều giống nhau ở những nguyên lý căn bản. Có điều, nhờ những đường lối tiếp cận khác biệt đã tạo thành sự phong phú của Phật giáo. Cũng với sự tiếp cận Phật tánh, mà cách tiếp cận của Tây Tạng có những điều khác biệt hơn do đó tạo thành những đặc trưng riêng của Phật giáo Tây Tạng. Ví dụ giai đoạn tiệm tu ở trong Thiền được ít nói đến, nhiều khi quá bí mật, còn trong Đại Toàn Thiện điều đó được nói rất rõ ràng. Chỉ một điều – trong rất nhiều điều – là ‘đem tất cả chướng ngại vào con đường’ cũng soi sáng rất nhiều cho một hành giả tiệm tu. Qua Đại Toàn Thiện chúng ta có thể thấy tu trong mọi mặt của đời sống là như thế nào, kể cả những chuyện tưởng chừng như rất nhỏ nhặt là ăn uống và ngủ nghỉ.
Với Đại Toàn Thiện, chúng ta có thể hiểu thêm về lối tu của Thiền Việt Nam, mà nay phần nhiều chỉ còn lại trong các thiền sử như Thiền Uyển Tập Anh… Xa hơn, chúng ta thấy Thiền và Mật, Đại Toàn Thiện và Tantra đều là sự thực hiện của Đại thừa. Mật thừa là sự thực hiện, sự thành tựu Trí Huệ của Đại thừa qua Phương Tiện. Mật thừa và Đại thừa đều nhắm đến Phật tánh, cả hai cái đều có những điểm chung và những điểm riêng, những cách tiếp cận có thể mạnh hay yếu trong một vài phương diện, nhưng mục đích chỉ là Phật tánh. Bởi thế đức Padmasambhava đã nói đến Mật thừa của Đại thừa, và ‘không có sự xung đột giữa các thừa’. Từ đó, nếu nghiên cứu một cách nghiêm túc không thành kiến sự thực hành sâu xa của Mật thừa, chúng ta có thể hiểu rõ thêm về Đại thừa, là cái gốc của Phật giáo Việt Nam.
Với cái nhìn đó, chúng tôi dịch bản văn ‘kho tàng’ này với ước mong làm phong phú và kích hoạt cho sinh hoạt của đời sống tâm linh hiện thời.
Nguyện rằng tất cả đều được an lạc trong Pháp.
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức.
Lời nói đầu
Những chỉ dạy gồm trong Những khai thị từ đức Liên Hoa Sanh được nói trực tiếp bởi Padmasambhava cho các đệ tử thân thiết ở Tây Tạng. Trước tiên chúng được ban cho để trả lời các câu hỏi từ Bà Tsogyal, công chúa của Kharchen, bà chép lại và cất dấu chúng như kho tàng terma quý báu để sẽ được khám phá vào nhiều thế kỷ sau. Hầu hết mỗi chương đều đề cập rằng các giáo huấn này được ban cho vì sự lợi lạc của các hành giả các thế hệ tương lai, và thường thường chúng kết thúc với câu “Mong rằng sách này gặp được tất cả những ai xứng đáng và có duyên trong tương lai !”
Những khai thị từ đức Liên Hoa Sanh là một bộ đi cùng với cuốn Dakini Teachings (Những chỉ dạy Dakini) (Shambhala, 1989), và khởi từ một cố gắng liên tục nhằm giới thiệu những chỉ dạy của Padmasambhava để cho những hành giả hiện đại tu hành. Padmasambhava là bậc đạo sư vĩ đại đã thiết lập Phật giáo ở Tây Tạng vào cuối thế kỷ thứ tám. Liên Hoa Sanh (Shambhala, 1993) chứa đựng nhiều chi tiết về cuộc đời ngài.
Tulku Urgyen Rinpoche biểu lộ sự tin tưởng rằng một bản dịch Anh ngữ của các lời dạy quý báu này sẽ mang lại lợi lạc to lớn. Ngài yêu cầu tôi tìm kiếm và tuyển chọn những giáo huấn sâu xa nhất gồm các chủ đề khác với các chủ đề đã được trình bày trong Những Lời Dạy Dakini.
Bộ sách này gồm lời chỉ dạy bằng miệng về Kim Cương thừa mà những đạo sư kiệt xuất nhất đã chọn lọc từ các giáo lý terma. Bởi vì những phát giác này trải rộng nhiều thế kỷ và được phát hiện do những người khác nhau ở những địa điểm khác nhau, ngôn ngữ và văn phạm của chúng hầu hết đều đồng nhất.
Nguyên bản được giới thiệu ở đây chỉ đại diện một phần trong toàn bộ kho tàng terma mênh mông khám phá được hơn một thiên niên kỷ nay. Cuốn sách này được sưu tập từ các nguồn sau : Gongpa Sangtal của Rigdzin Gošdem, Martri của Nyang Ral, Lama Gošngdu của Sangye Lingpa, Tongwa Došnden (một bộ sưu tập), Khandro Nyingtig của Pema Ledrel Tsal, và Chokling Tersar của Chokgyur Linpa.
Chương đầu, tựa là Chúc thư Đầu Nhọn Hạt Ngọc, và chương thứ sáu cũng là chương dài nhất, Kho tàng các Viên ngọc quý, được lấy từ bộ Gongpa Sangtal nổi tiếng, một ‘vòng’ terma khám phá bởi Rigdzin Gošdem (1337-1408), vị thầy của Jangter hay truyền thống “terma Bắc” của phái Nyingma. Rigdzin Gošdem nghĩa đen là “Vị vidyadhara với lông chim kên kên” ; ngài có tên ấy bởi vì ba lông chim kên kên mọc trên đầu lúc mười hai tuổi, và thêm năm cái nữa vào năm hai mươi bốn tuổi. Là một hóa thân của Dorje Dudjom họ Nanam, một trong chín đệ tử thân cận người Tây Tạng của Padma-sambhava, ngài cũng được tính vào năm terton-như-vua.
Gongpa Sangtal là một rút gọn của “Chỉ thẳng Chứng Ngộ của Phổ Hiền”, vị Phật nguyên thủy. Tuyển tập này cũng gồm “Nguyện vọng của Phổ Hiền” nổi tiếng. Gongpa Sangtal gồm năm phần ; các chương này thuộc về một phần gọi là Kadag Rangjung Rangshar, “tánh thanh tịnh bổn nhiên tự hữu và tự hiện.”
Nguồn chánh thứ hai là Martri của Nyang Ral, “Giáo Huấn Trực Tiếp” của Padmasambhava được đại sư Nyang Ral Nyima OŠzer (1124-1192) phát hiện. Trong Dakini Teachings, tôi đã diễn tả ngắn gọn cuộc đời của Nyang Ral. Bộ lời dạy này được gồm trong Rinchen Terdzoš bởi Jamgošn Kontrušl (1813-1899), đó là một tuyển tập các lời dạy terma với tên là Kho tàng quý báu các Terma.
Nguồn thứ ba là Lama Gongduš, do Sangye Lingpa (1340-1396) phát hiện. Tiêu đề ấy có nghĩa là “Sự chứng ngộ hiện thân của Đạo sư” (Padmasambhava). Sangye Lingpa là một hóa thân của người con thứ hai của vua Trisong Deutsen (790-844), và được tính vào Tám Lingpa hay Những Terton Chính. Sự phát hiện chính yếu của ngài là vòng Terma Lama Gongduš khổng lồ gồm mười tám bộ khoảng bảy trăm trang một bộ, và Kathang Sertreng, tiểu sử mở rộng của Padmasambhava được biết với tên là Biên Sử Vàng.
Tongwa Došnden nghĩa là “đầy ý nghĩa để nhìn,” và là một tiểu sử của Padmasambhava được sưu tập từ ba nguồn chính : Biên sử Katang do Orgyen Lingpa (1329-1360/67), Nyang Ral (1124-1192) và Guru Chošwang (1212-1270) phát hiện. Gồm tờ rộng khổ đôi, bản văn này được tìm thấy trong thư viện của Shechen Tennyi Dargye Ling ở Boudhanath. Mục lục nói rằng nó gồm các nguyên bản từ : 1/ Tiểu sử mở rộng của Đại Đạo sư của Uddiyana, phát hiện bởi Orgyen Lingpa từ chỗ tối cao của Động Pha Lê ở Yarlung 2/ Chúc Thư của Padma phát hiện bởi đại terton Nyang Ral 3/ Tiểu sử về bốn mươi lăm công hạnh, do Công chúa Mandavara trước tác và cô đọng vào Tiểu sử về mười một công hạnh bởi Guru Chošwang, vị terton của Lhodrak, và 4/ Các Giáo huấn riêng rẽ, các trả lời khác nhau cho các câu hỏi và các lời tiên tri từ Lama Langduš của Sangye Lingpa.
Nguồn thứ tư, tôi dùng một chương từ Khandro Nyingtig, “Tâm Yếu của những Dakini” của Pema Ledrel Tsal. Padma-sambhava cất dấu những chỉ dạy của ngài về Vòng Thậm Thâm Vô Thượng của Đại Toàn Thiện để sẽ được khám phá trong tương lai như là Khandro Nyingtig. Vị Terton của vòng quan trọng này là Pema Ledrel Tsal (1291-1315/19), một hóa thân của Công chúa Pema Sal, con gái vua Trisong Deutsen. Tái sanh ngay sau đó của công chúa là vị thầy nổi danh Long-chen Rabjam (1308-1363), tiếp theo là Pema Lingpa (1445-1521). Trong những năm gần đây vị thầy này tái sanh là Khenpo Ngakchung, hiệu là Ngawang Palsang (1879-1941), ngài cũng dùng tên Pema Ledrel Tsal.
Cuối cùng, Lời nguyện Mạn đà la Kim Cương Giới là một tán tụng rất quan trọng về thiện ý trong Chokling Tersar. Nó được tụng thuộc lòng vào lúc chấm dứt của hầu hết mọi nhóm họp tâm linh trong truyền thống Kagyu và Nyingma. Chokling Tersar, “Các kho tàng Terma Mới của Chokgyur Lingpa” (1829-1870) được khám phá do đại Terton Jamyang Khyentse Wangpo (1820-1892) và hai vị cộng tác thân thiết cùng với Jamgošn Kongtrušl Thứ Nhất (1813-1899).
Xin cám ơn Ngài Tulku Urgyen Rinpoche, người giữ gìn trái tim của các giáo lý Padmasambhava, đã từ bi giải thích bất cứ câu hỏi gì tôi thắc mắc và các chỉ dạy sâu xa soi sáng chiều sâu của cái thấy được trình bày trong sách này ; và Choškyi Nyima Rinpoche đã giảng dạy rộng rãi Pháp nhiều năm nay, gồm cả hai khóa về câu hỏi và trả lời giữa Padma-sambhava và Yeshe Tsogyal.
Cuối cùng, tôi hoan hỷ vì bản dịch này được hoàn thành ở Chùa Động Asura vào ngày thứ mười âm lịch, ngày mà Padmasambhava đã hứa là ngài đến từ đất nước thanh tịnh của ngài, Ngọn Núi Rạng Rỡ Màu Đồng, để ban phước cho những ai kêu gọi đến ngài. Nguyện rằng những lời chỉ dạy quý giá này là nguồn cảm hứng sâu xa cho những ai đọc chúng !
Erik Pema Kunsang Nagi Gompa, 1994.
Lời dạy mở đầu
Các giáo huấn chứa đựng trong Những khai thị từ đức Liên Hoa Sanh thuộc về loại được gọi là martri hay “Lời dạy trực tiếp.” Martri nghĩa là lời khuyên bảo cá nhân được trao cho từ tâm và dạy theo một lối rõ ràng và trực tiếp, phát hiện các bí mật thâm sâu nhất và cất dấu nhất. Thường thường một sự chỉ dạy như thế chỉ dành cho một đệ tử vào một thời điểm nào đó. Các giáo huấn trực tiếp của Padmasambhava cô đọng nghĩa chính yếu của các Tantra của Mahayoga, các kinh văn của Anu Yoga và cốt lõi của Ati Yoga.
Có lời nói rằng : “Khi các ngọn lửa của thời đen tối hoành hành tràn lan, những sự chỉ dạy của Kim Cương thừa của Mật thừa sẽ cháy bùng như lửa rừng.” Padmasambhava là đại sư đầu tiên của Mật Thừa và ngài xuất hiện trong vai trò đi cùng mỗi một trong một ngàn vị Phật ở kiếp này.
Bổn sư của tôi là Samten Gyatso thường nói : “Hãy nhìn cho kỹ và thấy các giáo huấn Terma của Padmasambhava là lạ lùng biết bao ! Hãy so sánh các Terma với các luận văn khác và thấy tính chất độc nhất của chúng ! Lý do là chủ yếu chúng được chính Padmasambhava tạo nên. Vẻ đẹp của lối văn xuôi ấy thì đáng kinh ngạc !”
Samten Gyatso cũng nói : “Thật rất khó cho một người nào tạo ra một thứ văn chương đẹp đẽ và sâu xa như văn xuôi tìm thấy trong các thực hành của Terma. Khác với các luận văn của người chỉ có học nhiều, mỗi lời có thể hiểu ở những mức độ càng ngày càng sâu. Đó là phẩm tính đặc biệt của lời kim cương của Padmasambhava.” Thầy tôi biểu lộ rằng ngài luôn luôn thán phục đến thế nào về những câu nói của Padma-sambhava ! Samten Gyatso thì uyên bác rất mực và đã nghiên cứu một số lượng văn học bao la ; ngay dù thế, ngài luôn luôn có thể tìm thấy nhiều mức độ ý nghĩa khác nhau trong lời chỉ dạy của Padmasambhava. “Khi con đọc các lời chỉ dạy của Padmasambhava, con không tránh được cảm thấy niềm tin và sùng mộ,” ngài nói. “Con chỉ có thể quy phục với một niềm tin trọn vẹn !” Samten Gyatso có một đức tin không thể tưởng vào Padmasambhava. Ngài thường nói : “Không có ai vĩ đại hơn Padmasambhava. Dĩ nhiên, Phật Thích Ca là gốc, nhưng Padmasambhava là người đã làm cho các giáo lý Kim Cương thừa lan rộng và nở rộ khắp Ấn độ và đặc biệt là Tây Tạng.”
Chúng ta thấy rằng các lời dạy giống nhau xuất hiện bởi sự khám phá của một vài terton. Lý do là chúng là lời nói không thể sai lầm của Padmasambhava được giải từ chữ viết tượng hình. Người ta không cần phải nghi ngờ gì. Ví dụ, Bảy Dòng Cầu Khẩn bắt đầu với “Ở biên giới Tây Bắc xứ sở Uddiyana…” xuất hiện trong rất nhiều Terma khác nhau ; các người khám phá khác nhau đều rút ra từ một nguồn.
“Các Terton vĩ đại đích thật thì rất kỳ diệu !” Samten Gyatso nói. “Các đạo sư như Nyang Ral, Guru Chošwang và Rigdzin Gošdem thật sự là không thể tưởng được ! Hai vị Terton đầu, Nyang Ral và Guru Gošdem, được biết như là Hai Terton Vua, và một trăm terton khác được xem như là cận thần của họ. Cũng có Ba Terton xuất chúng, Tám Lingpa, 25 terton chính và vân vân, tất cả các ngài đều quan trọng như nhau. Nhưng giữa 108 terton, hai vị chính là Hai Terton Vua : Nyang Ral OŠzer và Guru Chošwang. “Không ai vĩ đại hơn hai vị ấy !”, ngài nói. Vị Terton đầu tiên của tất cả các terton là Sangye Lama, nhân đây, không phải là Sangye Lingpa. Tôi không quen thuộc với các chi tiết của các tiểu sử có rất nhiều ; tôi chỉ biết là họ rất xuất sắc.
Khi Dzongsar Khyentse Choškyi Lodroš còn ở Gangtok, tôi có dịp may viếng ngài mỗi buổi sáng trong 25 ngày để hỏi nhiều vấn đề khác nhau. Vào lúc đó, sức khỏe ngài tốt, và vì đang trong tình trạng một nửa ẩn tu, ngài không tiếp khách. Nhưng vì tôi là một con cháu của Chokyur Lingpa, ngài bày tỏ lòng tốt đặc biệt với tôi và gọi tôi đến gặp. Thường thường ngài ở một mình không có thị giả nào.
Một hôm tôi bày tỏ sự không biết của tôi và hỏi : “Người thường không biết gì như con phải có thời gian cực nhọc để tìm ra trong tất cả các terma về các hóa thần của Ba Gốc do Hai Terton Vua khám phá và của 108 terton chứa đựng trong Rinchen Terdzo cái gì là quan trọng nhất. Chúng con như những trẻ nhỏ nhặt hoa trong một đồng cỏ bao la, cố gắng chọn cái đẹp nhất. Theo ngài, những cái gì là quan trọng nhất ?” Ngài đã trả lời : “Về phương diện guru, không có gì vĩ đại hơn Sự Thực hành vào Ngày thứ Mười Trong Tám Chương của Guru Chošwang. Nó là cái thống lãnh trong mọi loại guru sadhana. Về phương diện yidam, Padmasambhava dạy Giáo Huấn Tám Sadhana và bản dịch của Nyang Ral là vượt trội. Về phương diện dakini, Trošma Nagmo của Nyang là tối cao. Ba cái này là quan trọng nhất trong các terma được phát giác.” Sự thực hành vào ngày thứ Mười trong Tám Chương của guru Chošwang đặt căn bản trên chính hình tướng của Padmasam-bhava như là Lama Sangduš, “vị đạo sư hiện thân mọi bí mật.” Có ba bản dịch chính của Giáo huấn Tám Sadhana. Trong mọi thực hành Dakini khác nhau, Trošma Nagmo của Nyang, một hình tướng hung nộ, màu đen của Vajra Yogini, là cùng cực sâu xa.
Khi tôi hỏi : “Còn cá nhân con thực hành cái gì ?” Dzong-sar Khyentse nói với tôi “Hãy lấy Tukdrub Barchey Kušnsel như sự thực hành riêng biệt cho con ! Trong các Terma của Chokgyur Lingpa, Barchey Kušnsel là sâu thẳm vô cùng và được khám phá không có trở ngại gì. Khi các chướng ngại đã được dời bỏ, sự thành tựu xảy ra tự nhiên, thế nên hãy tập trung vào sự thực hành ấy !”
“Con sẽ xem ai như là guru ?” tôi hỏi. Dzongsar Khyentse trả lời, “Hãy cầu khẩn Chokgyur Lingpa ! Thế là đủ rồi ! Không có gì hoàn hảo hơn thế ; ngài sẽ đáp ứng về phương diện guru !”
Khi tôi hỏi, “Thực hành Dzogchen nào con nên tập trung vào ?” Dzongsar Khyentse lại nói : “Con nên thực hành Kun-zang Tuktig ! Đây là thời mà hai giáo trình Kunzang Tuktig và Chetsušn Nyingtig sẽ ảnh hưởng vào dân chúng. Mỗi thời đại có giáo huấn riêng của nó về Đại Toàn Thiện, điều đó đặc biệt có ý nghĩa trong thời hiện nay. Thời trước kia, cái được biết rộng rãi nhất là Nyingtig Yabzhi ; sau đó đến Gongpa Sangtal của Rigdzin Gošdem và Tawa Long-yang của Dorje Lingpa, rồi tới Košnchok Chiduš của Jatsošn Nyingpo. Mỗi terma đều có thời đặc biệt của nó.”
Về điều này, Samten Gyatso bày tỏ : “Padmasambhava được tán dương vì trước khi rời Tây Tạng ngài đã cất dấu một số lớn terma gồm các lời dạy, đá quý, và các vật linh thiêng cho các hành giả của mỗi thế kỷ. Các terton xuất hiện về sau để khám phá ra các kho tàng terma này đã được Padmasambhava ban phước và gởi đi sau khi đã nhận sự truyền pháp và đọc sự trao truyền của toàn bộ dòng phái. Ngày nay có vài người trí thức, nói rằng “những Terton không có dòng liên tục được truyền pháp và không đọc sự trao truyền từ Padmasambhava đối với những giáo huấn của các ngài. Các ngài chỉ đào lên được một số bản văn do chính các ngài cất dấu !” Thật ra, mỗi một terton đã nhận được sự trao truyền toàn bộ qua các sự ban phước của Padmasambhava trong một cách chính thống cao hơn rất nhiều so với các truyền pháp và trao truyền theo một lối bề ngoài thường được làm, thường chỉ là một sự tương tự với ban phước. Tất cả các terton vĩ đại là những đạo sư mà thân, khẩu và tâm ý đã được ban phước và truyền pháp một cách cá nhân bởi chính Padmasambhava. Nói rằng các vị không có sự trao truyền là trẻ con. Những nhận xét như thế chứng tỏ sự ngu dốt của người phát biểu về bảy lối trao truyền truyền thống. Các giáo huấn trong terma là sâu xa đáng kinh ngạc, và được cất dấu trong hòm kho tàng theo “bốn cách thức và sáu giới hạn.” Chúng có một chiều rất sâu xa để thăm dò nếu con thích thú.”
Từ thuở thiếu niên, một terton vĩ đại đã khác với một đứa trẻ bình thường. Ngài có những linh kiến về các hóa thần và sự chứng ngộ trào lên từ bên trong. Những terton không giống người bình thường chúng ta phải theo con đường tiệm tiến thứ lớp về nghiên cứu và thực hành. Người bình thường không có sự chứng ngộ tức thời !
Đã vài thế kỷ trôi qua từ khi Padmasambhava còn sống, nhưng qua lòng tốt vô bờ của ngài, ngài đã cất dấu vô số terma cho sự lợi lac của người tương lai – trong đá tảng, trong hồ, và ngay trong không gian. Nghĩ đến lòng tốt bao la này gây nên sự sợ hãi. Tuy nhiên, có những người không đánh giá nổi lòng tốt ấy.
Khi thời điểm đến cho các lời dạy terma được khám phá, các terton vĩ đại xuất hiện trong thế gian này. Các vị có thể lặn vào hồ, bay đến những nơi chốn hang động không thể đến và lấy báu vật ra từ trong đá tảng.
Bà nội tôi, là con của Chokgyur Lingpa, đã chứng kiến điều đó, và sau này kể lại cho tôi : “Khi đá mở ra, trông giống như hậu môn của một con bò ; đá trở nên mềm và chảy ra để lộ một lỗ hổng đựng terma. Thường thường, vị terton lấy terma ra trước sự có mặt của hơn ngàn người : như thế không có căn cứ cho sự nghi ngờ. Khi đá mở ra và bên trong có thể thấy được, chúng ta thấy nó đầy ánh sáng cầu vồng lấp lánh. Các phẩm vật terma nóng không rờ được. Rồi thì có một số lượng thật nhiều bột sindhura, đến nỗi nó chảy ra ngoài. Thường thường, Chokgyur Lingpa mang một tấm vải thêu để đặt báu vật lên. Nhiều cái để lại dấu cháy xém vì các terma rất nóng. Không có ai ngoài ngài có thể cầm nó.” Về sau tôi thấy có một vài mảnh thêu cháy xém này, màu đỏ và vàng, trong phòng chứa đồ linh thiêng của Chokgyur Lingpa.
Bà tôi nói tiếp : “Rồi Chokgyur Lingpa đặt terma – đôi khi là một bức tượng – để nguội dần trên một tấm vải thêu trên một bàn thờ lộ thiên. Ngài giải thích cho những người hiện diện terma được cất dấu như thế nào, nó được phát giác bây giờ bằng cách nào, các lợi lạc khi nhận được sự ban phước của nó… Đám đông khoảng hơn một ngàn người chảy nước mắt vì tin tưởng và sùng mộ, không khí rì rào với tiếng than. Ngay nếu con là một người trí thức ngang bướng, mọi thứ nghi ngờ cũng phải tiêu tan. Mọi người đều sững sờ thán phục.”
Phải với cách như thế, bởi vì người Tây Tạng, đặc biệt là những người ở tỉnh Kham miền đông Tây Tạng, họ cực kỳ nghi ngờ. Họ không tự nhiên tin một Terton. Nhưng Chokgyur Lingpa thì vượt lên mọi sự nghi ngờ và bàn tán, bởi vì ngài khám phá các terma lập đi lập lại với sự chứng kiến của vô số người hiện diện.
Lời dạy Terma, lời trực tiếp của Padmasambhava, khi được khám phá vào thời điểm định mệnh, thì có một chiều sâu khó mà các luận văn khác sánh được. Chúng có các ban phước độc nhất – nhưng những sự ban phước tùy vào niềm tin và sùng mộ của bạn. Karsey Kongtrušl, con của Karmapa thứ mười lăm, có lần nói với tôi “Ba lần tôi cử hành lễ drubchen về terma Tukdrub Barchey Kunsel, của Chokgyur Lingpa, và mỗi lần những dấu hiện thành tựu lạ lùng lại xuất hiện.” Tôi hỏi : “Xin nói cho tôi chúng là những gì.” “Một lần một lượng cam lồ rất nhiều chảy ra, rất ngọt ngào và hơi chua như rượu chang tuyệt hảo, từ torma trên bàn thờ và chảy tràn mọi hướng cho đến cổng chùa. Lần khác, amrita và rakta trên bàn thờ bắt đầu sôi lên, tiếng sùng sục như nước sôi. Lần thứ ba chúng tôi cũng sửa soạn phương dược thiêng liêng và mùi thơm ngọt ngào của nó có thể ngửi thấy luôn bảy ngày sau. Trong đời, tôi chưa bao giờ chứng kiến các dấu hiệu lạ lùng như trong ba lần đó.” Điều này cũng có thể do sự phối hợp của một giáo lý terma sâu xa và một đại sư cao tột như thế. Có nhiều câu chuyện khác về cam lồ chảy ra từ torma trên bàn thờ trong các lễ drubchen ở tu viện Tsiley của Chokgyur Lingpa.
Đại sư Jamyang Khyentse Wangpo cũng phát giác một terma tương tự với Tukdrub Barchey Kušnsel. Sau khi gặp Chokgyur Lingpa và xem xét, so sánh cẩn thận hai bản dịch của terma này, Jamyang Khyentse đốt cháy bản văn của mình, nói : “Vì câu và nghĩa giống nhau, ích lợi gì có thêm một bản ! Cái của Ngài, là một terma đất, thì sâu xa hơn và sẽ có hiệu lực hơn bản terma tâm của tôi.” Như thế các ban phước của hai dòng, terma đất và terma tâm được hòa trong một dòng chảy. Một terma đất thì bằng vật chất và lấy ra từ đất trong khi terma tâm được khám phá từ cảnh giới của chứng ngộ. Người ta nói rằng những terma đất đem đến nhiều lợi lạc lớn hơn cho con người bởi vì chúng thường có mảnh giấy da màu vàng với chữ tượng trưng được cất dấu bởi Padmasambhava.
Chữ tượng trưng này được gọi là chữ dakini thì sâu xa không thể tưởng. Trích dẫn một bản kinh Tantra : “Chữ của kho tàng là thân của sự lưu xuất huyễn hóa. Chúng cũng là ngữ để hiểu âm thanh và ngôn ngữ. Bằng sự thấu suốt ý nghĩa của chúng, chúng cũng là tâm.” Theo cách ấy, thân, ngữ và tâm giác ngộ đều gồm chứa trong chữ của dakini. Chữ viết này chính nó là hóa thân, thân thể của sự sáng tạo huyễn hóa. Đối với một vị thầy, ban cho một sự trao truyền bằng cách đọc dầu chỉ một bài tán ngắn thì chữ viết là luôn luôn cần thiết – không thể lập lại theo trí nhớ. Tương tự, có một sự khác biệt sâu xa giữa sự việc có hay không có mảnh giấy da màu vàng với chữ của dakini.
Các lời dạy của Padmasambhava thường kết thúc với mệnh lệnh của ngài với các đệ tử chớ truyền bá chúng ngay mà cất dấu chúng cho lợi lạc của các tín đồ tương lai. Lý do là để giữ gìn sự liên tục của các lời dạy cốt tủy. Không cất dấu sự chỉ dạy trực tiếp như các kho tàng terma, dòng của chúng sẽ chết qua nhiều thế kỷ. Lấy một ví dụ là nhà siddha vĩ đại Karma Pakski ; trước tác của ngài khoảng gần một trăm bộ, nhưng hôm nay chúng ta chỉ có ba bộ còn lại. Sự việc diễn ra như vậy. Các giáo huấn về thực hành pháp Choš của nữ đạo sư Machig Labdron, cắt đứt chấp ngã, khoảng 80 hay 90 bộ, nhưng ngày nay bạn tìm đâu ra toàn bộ lời dạy quý báu ấy ?
Trong dòng Nyingma, không có đạo sư vĩ đại nào được biết tiếng do học rộng hơn Rongzompa và Longchenpa. Ngay dù Rongzompa thường được xem là bác học hơn, nhưng Long-chenpa thì vượt trội trong các lời chỉ dạy về cái thấy. Mỗi vị đều có một toàn tập trước tác hơn 60 hay 70 bộ ; nhưng ngày nay chúng không tìm thấy được ở bất kỳ đâu. Các lời dạy biến mất !
Sự chỉ dạy của terma, ngược lại, thì vô tận. Khi một terton đích thực có một linh kiến chữ viết tượng trưng, mỗi một chữ trở thành một toàn thể đô thị huyễn hóa. Hơn nữa, các chữ của lời dạy để được viết lại tồn tại giữa không trung cho đến khi chúng được chép đúng ; nếu một câu còn sống chập chờn, đó là vì vị terton có một lỗi đánh vần sai. Như thế sự chính xác khi giải mã được bảo đảm.
Chúng ta có thể dễ dàng đồng ý về sự quý giá của Padma-sambhava và Yeshe Tsogyal. Những lời dạy các ngài cất dấu trong hồ và núi không bị uổng phí. Ngay khi đúng thời, bản viết xuất hiện sống động và rõ ràng trong trường kinh nghiệm của vị terton. Trước khi có sự khám phá thực sự một terma, vị terton sẽ nhận một bản văn hướng dẫn, một bản văn ngắn giải thích chỗ của terma, bảng liệt kê các lời dạy, và thời điểm đúng cho cuộc khám phá. Khi đến chỗ ấy, bà tôi nói : “Chokgyur Lingpa đã được hướng dẫn bởi một tia sáng từ trung tâm của terma, dẫn ngài thẳng đến chỗ cất dấu.”
Padmasambhava có thể thấy thông suốt ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai cũng rõ ràng như một vật đặt trên bàn tay chúng ta, bởi thế chắc chắn ngài cũng thấy loại giáo lý nào thích hợp cho các thế hệ tương lai. Khi ngài quở trách đệ tử chính Yeshe Tsogyal hay người Tây Tạng nói chung, bất kể bạn sanh ở xứ sở nào, bạn cũng được tự do nhận lãnh sự phê bình ấy để dẹp trừ những lầm lỗi ẩn tàng. Sự nghi ngờ ngăn che lợi lạc ; chớ giống như một cái hang quay mặt về phương nam nơi mà mặt trời không bao giờ tới. Khi Padmasambhava chỉ thẳng cái gì tạo ra một lỗi lầm và cái gì ngăn bít con đường giác ngộ, các chân lý như thế thật là vững chắc, không chỉ cho người Tây Tạng, mà cho bất cứ ai thành thật muốn theo một thực hành tâm linh. Vì chúng ta đang sống trong một thời đại khác với thế kỷ thứ tám, bạn có thể tự do đổi danh từ “dân Tây Tạng” thành “người của thế giới này.”
Yeshe Tsogyal là người sưu tập chính các lời dạy của Padmasambhava, và không có bà chúng ta sẽ không có nhiều các lời chỉ dạy của ngài đến thế. Ananda đã là người sưu tập chính những lời của Phật Thích Ca về kinh, trong khi Vajra-pani sưu tập lời dạy Mật thừa của Ngài ; trong tinh túy chúng đồng nhất với nhau. Yeshe Tsogyal có cái được gọi là “trí nhớ không quên sót” ; bà không bỏ quên một câu nào đã được nghe. Có phải là hoàn toàn vô ích khi nghe được điều gì mà lại quên mất ?
Người sưu tập những lời chỉ dạy của Padmasambhava này chính là một hóa thân của các Phật Mẫu Bát Nhã ba la mật, Vajra Varahi, và Thánh Tara. Bà xuất hiện trong thế giới chúng ta cho mục tiêu đặc biệt này ; nó là nhiệm vụ của bà. Ananda, Vajrapani và Yeshe Tsogyal đều được diễn tả là có trí nhớ siêu phàm, năng lực ghi nhớ không quên sót. Sự nhớ không quên sót này là giống với điều mà chúng ta gọi là không phóng tâm, bởi vì quên và phóng tâm là cùng một bản chất. Trong cuốn sách này chúng ta có những lời chỉ dạy bà đã nghe, không quên sót, hệ thống hóa, và cuối cùng cất dấu như là kho tàng terma cho chúng ta. Yeshe Tsogyal là một phụ nữ : có thể một số người tin rằng chỉ có nam giới mới có thể đạt giác ngộ, nhưng cuộc đời của bà là bằng chứng ngược lại. Trong thực tế, trạng thái giác ngộ của tâm thì không là đàn ông hay đàn bà.
Lối văn xuôi trong Những khai thị từ đức Liên Hoa Sanh, hình thức hỏi và đáp giữa Padmasambhava và Yeshe Tsogyal và các đệ tử thân thiết, thì đồng nhất với điều được tìm thấy trong các kinh và các tantra, đặc biệt trong chương mở đầu của chúng, phần ‘duyên khởi’. Bạn thấy rằng hầu hết Luật tạng về giới luật ở tu viện có được là do đức Phật được hỏi làm thế nào để đối xử với sáu tín đồ họ phạm những tà hạnh. Sau khi trình bày câu chuyện về việc làm sau chót của họ, đức Phật chế định một giới luật mới bị cấm đoán đối với một tu sĩ.
Một điểm khác là bạn rất khó tìm ra một kinh nào mà không được thuyết để trả lời cho câu hỏi của ai đó. Đầu tiên một người hỏi đức Phật về vài đề tài, và lời dạy được ban cho. Tương tự với loại chỉ dạy bằng miệng, nó chỉ được ban cho để trả lời cho một thỉnh cầu. Các tantra được trình bày theo cùng một kiểu : nhân vật trung tâm của mạn đà la lưu xuất ra một chúng bao quanh, các thành viên của chúng thỉnh cầu lời chỉ dạy Mật thừa. Tóm lại, hình thức hỏi đáp là cách kiểu truyền thống.
Có một lời tiên tri rằng “giáo lý của Phật sẽ lan rộng xa hơn về phía bắc.” Nepal là phía bắc Ấn Độ, và sau đó, có phải Tây Tạng là xa hơn về phía bắc ? Tôi không chắc những lời ấy xuất phát từ đâu ; chúng có thể từ một terma của Padma-sambhava hay có thể được chính đức Phật nói. Nhưng chắc chắn tiên tri là có ; tôi đã nghe nó từ Dzongsar Khyentse Rinpoche. “Từ bây giờ Phật pháp sẽ lan rộng về phương tây,” ngài nói.
Một ghi nhận khác, vì cả hai đức Phật Thích Ca và Padmasambhava xuất hiện bằng một tỷ hình tướng trong mỗi một tỷ hệ thống thế giới, tại sao lại không thể có hóa thân của các ngài trong mọi nước của thế giới này ? Ai có thể chắc chắn được có một nơi riêng rẽ nào mà những ban phước của Phật không thấu đến ? Dĩ nhiên chúng ta y cứ trên sách lịch sử cho ta biết ở đâu và khi nào Phật giáo lan tỏa, nhưng tôi cảm thấy rằng hoạt động của Phật thì thấm nhuần khắp, bao trùm toàn bộ thế giới chúng ta. Ví dụ, tôi thường được nghe nói rằng Padmasambhava đã viếng thăm khắp xứ Tây Tạng và Kham, ban phước mỗi ngọn núi, hang động và hồ, và không bỏ sót chỗ nào, ngay nhỏ như một dấu chân ngựa. Thế thì tại sao ngài lại bỏ qua các chỗ khác trong thế giới này ? Tất cả những giáo lý từ đức Phật dĩ nhiên là chân thật, nhưng chúng khác biệt theo cấp độ sự nhấn mạnh được đặt vào nghĩa tương đối hay tuyệt đối. Mỗi cái đều quan trọng, theo nghĩa mức độ tương đối hướng dẫn qua những chỉ dạy về hạnh đúng, trong khi mức độ tuyệt đối hoạt động qua những giáo huấn về cái thấy đúng. Những chỉ dạy này có thể được ban cho trong hình thức lời khuyên bảo cốt lõi hay các chỉ dạy bằng miệng súc tích.
Thường thường, được biết rằng người ta phải ‘đi xuống với cái thấy’ từ trên, trong khi ‘đi lên với hạnh từ dưới.’ Đi xuống với cái thấy từ ở trên nghĩa là nhận ra quang cảnh tổng quát, trọn vẹn về Đại Toàn Thiện, trong khi đi lên với hạnh nghĩa là thực hành theo tám thừa thấp. Trong bối cảnh Kim Cương thừa, điều này đặc biệt ám chỉ đến sự tu hành mười chủ đề của tantra.
Để kết luận, các tuyển tập khác nhau những chỉ dạy của Padmasambhava gồm các giáo huấn về cả cái thấy và hạnh. Ý kiến của tôi là người ta phải trình bày chính xác các lời chỉ dạy trong hình thức nguyên thủy của nó, không thêm điều gì mà cũng không bớt điều gì. Ví dụ nếu bạn bỏ qua những lời chỉ dạy về cái thấy và chỉ trình bày các chỉ dạy về hạnh, lời của Padmasambhava sẽ trở thành bất toàn. Trong chủ đích rốt ráo của cái thấy, bạn quả đã nghe những câu nói như “Không có nghiệp, không có thiện ác.” Nhưng xin hãy hiểu những câu nói ấy trong bối cảnh đúng của chúng !
Không có cái thấy, mọi chỉ dạy chỉ là cơ quyền, các giáo huấn bên ngoài về thái độ ứng xử. Nếu bạn mất cái thấy trong hạnh, không bao giờ có cơ hội nào cho giải thoát ; nhưng nếu bạn mất hạnh trong cái thấy, bạn lạc vào sự tin rằng không có tốt và xấu, cả hai đều trống không. Để hiểu Kim Cương thừa, chúng ta phải học như thế nào các chỉ dạy Mật thừa được cất dấu trong sáu giới hạn và bốn cách thức.
Nghĩa quyền nhắm vào hạnh, trong khi nghĩa thực bao gồm cái thấy. Như Milarepa nói : “Tự hành xử một cách ngu dại với cái thấy quyền cơ, bạn mất cơ hội để chứng ngộ thật nghĩa.”
Tulku Urgyen Rinpoche nói.
Chùa Động Asura, tháng mười 1993.
Send comment