- 01 Sự Bố Thí Thù Thắng
- 02 Chất Vị Của Sự Bố Thí
- 03 Tư Cách Người Bố Thí
- 04 Người Xin Giúp Người Cho
- 05 Giải Thoát Thù Thắng
- 06 Người Cho Đặc Biệt
- 07 Kính Trọng Người Xin
- 08 Bố Thí Với Tham Lẫn
- 09 Bố Thí Bằng Tài Sản
- 10 Xả Bỏ Tất Cả
- 11 Bỏ Thân Thọ Thân
- 12 Xả Bỏ Thân Mạng
- 13 Đại Bi Biểu Hiện
- 14 Bố Thí Chánh Pháp
- 15 Phát Bồ Đề Tâm
- 16 Công Đức Thù Thắng
- 17 Giải Thoát Thù Thắng
- 18 Lợi Tha
- 19 Thay Người Chịu Khổ
- 20 Từ Bi
- 21 Ái Và Bi
- 22 Đại Trượng Phu
- 23 Đại Bi
- 24 Bố Thí Của Đại Bi
- 25 Năng Lực Của Ái Và Bi
- 26 Trí Tuệ, Từ Bi, Giải Thoát
- 27 Lập Chí Nguyện
- 28 Lập Chí Nguyện Rộng Và Cao
- 29 Lập Chí Nguyện Thù Thắng
PHẬT LỊCH 2513
Phật Học Tùng Thư Mục C cuốn thứ 15
LUẬN ĐẠI TRƯỢNG PHU
TÁC GIẢ: ĐỀ BÀ LA BỒ TÁT
DỊCH GIẢ: TỲ KHEO TRÍ QUANG
CHỨNG MINH: HÒA THƯỢNG THÍCH TỊNH KHIẾT
TỔNG TRỊ SỰ HỘI VIỆT NAM PHẬT HỌC DUYỆT Y
Hội Đồng Kiểm Duyệt Giáo Lý Phật Giáo Trung Việt Kiểm Duyệt Giáo Lý
Lời
giới thiệu
Luận này chuyên thuyết minh hạnh bố thí. Bố thí nghĩa là sự hy sinh triệt để; hy sinh được triệt để mới là bực đại trượng phu, nên luận này mệnh danh là ĐẠI TRƯỢNG PHU LUẬN, trình bày những hành động vi diệu của các vị đại sĩ. Các vị đại sĩ vì hành động như thế mà gọi là Bồ Tát, nếu chúng ta cố gắng hành động như thế cũng gọi là Bồ Tát.
Thầy Tỷ Kheo Trí Quang trong mùa an cư năm nay, y theo chí nguyện hoằng pháp, đã đem phiên dịch Luận này ra quốc văn Việt Nam. Sự phiên dịch của thầy thật là một lối đặc biệt trong giới phiên dịch kinh luận hiện đại. Sau khi phiên dịch, Hội Đồng Kiểm Duyệt Giáo Lý dưới sự chủ tọa của Hòa Thượng Tịnh Khiết, đã kiểm duyệt kỹ càng.
Tôi đọc được luận này trong khi kiểm duyệt, lòng rất tùy hỷ nên ấn hành ra, hy vọng nhờ cuốn luận này mà ai cũng trở nên bực đại trượng phu.
Vu Lan năm 2513
Thích Trí Thủ
Cố vấn Giáo Lý T.T.S.
Hội Việt Nam Phật Học.
TỰA
Ở một xã hội vô tổ chức thì bố thí là hy sinh thương người cho người, ở một xã hội có tổ chức thì bố thí lại vô tướng: không còn thấy có mình cho, có của cho, có người nhận.
Bố thí quả là một hành động không những tác thành một xã hội có tổ chức, duy trì một xã hội có tổ chức, mà còn là hành động đề cao xã hội ấy nữa.
Đạo Phật vô thượng vì phương pháp hành động của Đạo Phật vô thượng. Vô thượng, ngoài cái tính cao lên còn có tính cách phổ biến, cho nên như phương pháp bố thí là một, nó nâng cao tất cả hình thức xã hội, từ xã hội vô tổ chức đến xã hội có tổ chức, từ xã hội có tổ chức đến xã hội nhân gian tịnh độ.
Do đó, bố thí là một mà sự thật hành có nhiều giai đoạn: trước phải thương người, hy sinh cho người; thứ đến bố thí chỉ là một bổn phận, một sự phân phối; cuối cùng là vô ngã.
Bố thí được như thế mới là đại trượng phu, hơn nữa, mới là một Phật tử.
Trong giai đoạn thứ nhất là sự thật hành bố thí, điều kiện cần thiết là lòng thương và sự hy sinh. Luận này đã nói rõ ràng: cho mà không vì thương người thì chỉ là sự buôn bán. Và luận này đặc biệt chú trọng giai đoạn bố thí vì thương người vì hy sinh cũng là vì dạy bước đầu cho vững.
Rồi, hy sinh tài sản, hy sinh tánh mạng, bố thí vô úy, bố thí chánh pháp, khi "chúng sinh an lạc hết rồi thì công đức Bồ Tát như hư không" mới là cứu cánh.
Có người nghe nói đến bố thí đã nghĩ đến sự nghèo nàn của mình. Nhưng sự bố thí cần nhất là biết hy sinh để cho mà thôi, chứ của để cho thì không thiếu gì: chúng ta có thể cho sức lực, cho tư tưởng, cho tất cả. Cho nên Kinh nói: nghèo cho đến nỗi không có được một chút như đầu bún để bố thí cho kiến sao. Và ngay từ bước đầu của sự bố thí, nếu chúng ta biết cho vì thương người, vì hy sinh, thì chưa là đại trượng phu nhưng ít ra cũng khả dĩ đi đến đại trượng phu vậy.
Và không thực hành được bố thí như thế thì chúng ta thấy đích xác rằng không có thể gì đi đến sự kiến tạo một xã hội có tổ chức cả. Tất cả sự hệ trọng là ở chỗ đó. Cho nên tôi viết vài dòng này để giới thiệu tính cách quan hệ của luận ĐẠI TRƯỢNG PHU.
LỆ NGÔN
1- Luận này nguyên có tụng văn và tản văn. Trong khi dịch, những tụng văn (thể văn chỉnh cú) đều dịch thành tản văn cả, nhưng vẫn in bằng chữ đậm cho phân biệt.
2- Luận này có hai cuốn, nhưng tôi dịch bỏ sự phân chia ấy để ý nghĩa liên lạc với nhau.
3- Luận này có 20 phẩm, trong đây dùng số la mã để đánh dấu mà bỏ chữ phẩm đi.
Luận này cũng gọi là THUYẾT MINH TÂM ĐẠI BI, cũng gọi là THUYẾT MINH NĂM THỨ THÙ THẮNG, THUYẾT MINH NHỮNG VIỆC CỨU GIÚP CHÚNG SINH. Nói chung, là cuốn luận THUYẾT MINH HÀNH VI CỦA BẬC ĐẠI TRƯỢNG PHU. Nguyên văn luận có 500 bài tụng, xưa chép có 800 bài. Do Bồ Tát ĐỀ BÀ LA, người Nam-Ấn-Độ, A-xà-Lê của Độc-tử-bộ viết ra.
Lời Sa Môn ĐẠO THÁI bị chú.
Luận này do Ngài Sa Môn ĐẠO THÁI, người Trung Hoa, ở Bắc Kinh dịch ra chữ Trung Hoa.
Dịch giả phụ chú