- 01 Sự Bố Thí Thù Thắng
- 02 Chất Vị Của Sự Bố Thí
- 03 Tư Cách Người Bố Thí
- 04 Người Xin Giúp Người Cho
- 05 Giải Thoát Thù Thắng
- 06 Người Cho Đặc Biệt
- 07 Kính Trọng Người Xin
- 08 Bố Thí Với Tham Lẫn
- 09 Bố Thí Bằng Tài Sản
- 10 Xả Bỏ Tất Cả
- 11 Bỏ Thân Thọ Thân
- 12 Xả Bỏ Thân Mạng
- 13 Đại Bi Biểu Hiện
- 14 Bố Thí Chánh Pháp
- 15 Phát Bồ Đề Tâm
- 16 Công Đức Thù Thắng
- 17 Giải Thoát Thù Thắng
- 18 Lợi Tha
- 19 Thay Người Chịu Khổ
- 20 Từ Bi
- 21 Ái Và Bi
- 22 Đại Trượng Phu
- 23 Đại Bi
- 24 Bố Thí Của Đại Bi
- 25 Năng Lực Của Ái Và Bi
- 26 Trí Tuệ, Từ Bi, Giải Thoát
- 27 Lập Chí Nguyện
- 28 Lập Chí Nguyện Rộng Và Cao
- 29 Lập Chí Nguyện Thù Thắng
PHẬT LỊCH 2513
Phật Học Tùng Thư Mục C cuốn thứ 15
LUẬN ĐẠI TRƯỢNG PHU
TÁC GIẢ: ĐỀ BÀ LA BỒ TÁT
DỊCH GIẢ: TỲ KHEO TRÍ QUANG
CHỨNG MINH: HÒA THƯỢNG THÍCH TỊNH KHIẾT.
VI. NGƯỜI CHO ĐẶC BIỆT
Đại bi chủ đạo bố thí, sự bố thí ấy đem lại an lạc đầy đủ cho chúng sinh. Người bố thí an lạc chúng sinh như vậy là người tối thắng, thắng hơn giải thoát. Người bố thí an lạc cho chúng sinh được là do thực hành đại bi, tâm đại bi rất bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.
Bố thí như vậy mới là người thí chủ, bố thí không được như vậy thì chỉ là người hành khất. Sự bố thí của ta làm cho người nghe phải cảm động, mới là người thí chủ tốt; bố thí không được như vậy thì chỉ là kẻ tâm xen tạp. Bố thí thế nào cho người hoan hỷ nhận lãnh mới là thí chủ toàn vẹn. Người ta phải xin mới cho thì không phải người bố thí nữa, thân hành đem đến đưa cho người mới là thí chủ tốt. Hy sanh tất cả mà vì tham ái nên cho, đó không phải là người bố thí; cho bằng tâm đại bi mới là thí chủ vĩ đại. Nghèo như người đến làm cho họ vừa lòng, thì đó là thí chủ tốt; còn giàu mà người đến không vừa lòng, thì đó là kẻ bần cùng. Giàu mà cho không có lòng thương, thì gọi là cho không gọi là bố thí; phải có đại bi thương người mới là thí chủ. Không ăn không no, cho không có lòng thương không gọi là bố thí được; có lòng thương từ bi thì dù không của cũng gọi là bố thí. Cầu sự đền trả mà gọi là bố thí được thì buôn bán cũng gọi là bố thí sao. Tuy vậy, sự cho cầu đền trả ấy vẫn có kết quả vô cùng, huống chi cho vì thương người chứ không cầu sự đền trả, thì kết quả làm sao mô tả nổi. Cho mà cầu đền trả thì chỉ tự hưởng, không thể cứu giúp người, như thế phí công vô ích; còn cho vì thương người thì đã có năng lực cứu giúp, sau kết quả cũng đại lợi chúng sinh.
Nghèo không bằng có của, có của không bằng đem cho, cho không thương không bằng từ bi: Đại bố thí có thể cải thiện tất cả muôn loài vậy. Cho nên giàu thì phải cho, cho thì phải cho bằng lòng thương. Giàu có mà bố thí giàu có mới bền, bố thí mà có từ bi bố thí mới chắc. Cho nên thực hành bố thí thì giàu sang, thực hành thiền định thì giải thoát, còn thực hành đại từ bi mới đại giác ngộ: kết quả tối cao trong các kết quả.