KINH GIÁO HÓA NGƯỜI BỆNH
Đây là những điều mà tôi được nghe hồi Phật còn cư trú tại tu viện Cấp Cô Độc, trong vườn cây Kỳ-đà, gần thành Xá Vệ.
Một hôm trưởng giả Cấp Cô Độc bị bệnh nặng, đại đức Xá-lợi-phất được báo tin, liền tìm đại đức A-nan và nói: "Sư đệ nên cùng ta đi thăm cư sĩ Cấp Cô Độc." Đại đức A-nan trả lời: "Đi bây giờ là đúng lúc."
Nói xong, cả hai đại đức liền đi đến nhà trưởng giả Cấp Cô Độc. Ngồi trên ghế, đại đức Xá-lợi-phất hỏi trưởng giả Cấp Cô Độc rằng:
- Bệnh tình của cư sĩ thế nào? Có thuyên giảm gì không? Những đau đớn trong cơ thể có từ từ bớt đi chút nào không?
Trưởng giả Cấp Cô Độc trả lời:
- Thưa các đại đức, bệnh tình của con không thấy thuyên giảm. Những đau đớn trong cơ thể đã không bớt đi mà càng lúc càng tăng.
Đại đức Xá-lợi-phất bảo:
- Bây giờ đây, cư sĩ nên thực tập quán niệm về Phật, về Pháp và về Tăng. Cư sĩ hãy quán niệm như sau: O
Phật là Như Lai, là bậc giác ngộ chân chính và cao tột, là bậc Minh Hạnh Túc, là bậc Thiện Thệ, là bậc Thế Gian Giải, là bậc Vô Thượng Sĩ, là bậc Điều Ngự Trượng Phu, là bậc Thầy của Trời và Người, là bậc Thế Tôn. O
Pháp là giáo lý do Như Lai chỉ dạy, rất thâm diệu, rất đáng tôn kính, rất đáng quý trọng, không có đạo lý nào sánh bằng, có khả năng đem lại hạnh phúc và an lạc ở hiện tại và tương lai, là con đường dẫn đến sự giác ngộ và giải thoát. Đó là con đường thực tập của các bậc hiền thánh. O
Tăng là đoàn thể tu học dưới sự chỉ dẫn của Như Lai, trên thuận dưới hòa, không có tranh chấp, pháp nào cũng tu tập được thành tựu. Đoàn thể tôn nghiêm thánh thiện này thành tựu được Giới, thành tựu được Định, thành tựu được Tuệ, thành tựu được Giải Thoát. Tăng là ruộng phước vô thượng của thế gian. O
Này cư sĩ, thực tập quán niệm như thế về Phật, về Pháp, về Tăng thì công đức không thể nghĩ lường được. Quán niệm như thế thì tiêu diệt tội chướng và phiền não, thu hoạch được những kết quả ngọt ngào, tươi mát như cam-lộ. Thiện nam tín nữ nào biết quán niệm về ba Ngôi Báu thì chắc chắn sẽ không bao giờ đọa vào ba con đường ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh; trái lại sẽ được sinh ra trong những hoàn cảnh tốt ở cõi trời và cõi người. O
Bây giờ đây, cư sĩ hãy quán niệm như sau về sáu giác quan:
Con mắt này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào con mắt này.
Cái tai này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái tai này.
Cái mũi này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái mũi này.
Cái lưỡi này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái lưỡi này.
Thân thể này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào thân thể này.
Ý căn này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào ý căn này. O
Kế đến, cư sĩ hãy quán niệm tiếp như sau về sáu đối tượng giác quan:
Những hình sắc này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những hình sắc này.
Những âm thanh này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những âm thanh này.
Những mùi hương này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những mùi hương này.
Những vị nếm này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những vị nếm này.
Những xúc chạm này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những xúc chạm này.
Những ý tưởng này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những ý tưởng này. O
Kế đến, cư sĩ hãy quán niệm tiếp như sau về sáu thức:
Cái thấy này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái thấy này.
Cái nghe này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái nghe này.
Cái ngửi này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái ngửi này.
Cái nếm này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái nếm này.
Cái xúc chạm này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái xúc chạm này.
Cái ý thức này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái ý thức này. O
Kế đến, cư sĩ hãy quán niệm tiếp như sau về sáu yếu tố hình thành nên mọi sự vật hiện tượng:
Yếu tố đất không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào yếu tố đất.
Yếu tố nước không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào yếu tố nước.
Yếu tố lửa không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào yếu tố lửa.
Yếu tố gió không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào yếu tố gió.
Yếu tố không gian không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào yếu tố không gian.
Yếu tố tâm thức không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào yếu tố tâm thức. O
Kế đến, cư sĩ hãy quán niệm tiếp như sau về năm hợp thể hình thành nên con người:
Hình sắc không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi hình sắc.
Cảm thọ không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi cảm thọ.
Tri giác không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi tri giác.
Tâm hành không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi tâm hành.
Nhận thức không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi nhận thức. O
Kế đến, cư sĩ hãy quán niệm như sau về chuỗi thời gian:
Quá khứ không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi quá khứ.
Hiện tại không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi hiện tại.
Tương lai không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi tương lai. O
Này cư sĩ ! Các pháp đều do nhân duyên sanh khởi và do nhân duyên mà hoại diệt. Thật ra tự tính của các pháp là không sanh cũng không diệt, không đến cũng không đi. Khi con mắt phát sinh, nó phát sinh, không từ đâu tới cả; khi con mắt hoại diệt, nó hoại diệt, không đi về đâu cả. Con mắt không phải không trước khi phát sinh; con mắt không phải có trước khi hoại diệt. Tất cả các pháp đều do nhân duyên hội tụ mà thành. Nhân duyên đầy đủ thì con mắt có mặt, nhân duyên thiếu vắng thì con mắt vắng mặt. Điều này cũng đúng với tai, mũi, lưỡi, thân, ý; hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm, ý tưởng; cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, xúc chạm, ý thức, sáu yếu tố, năm hợp thể và thời gian. O
Trong năm hợp thể không gì có thể được gọi là ta, là người, là thọ mạng. Không thấy được sự thực đó tức là vô minh. Vì vô minh mà có vọng động (hành). Vì có vọng động mà có vọng thức (thức). Vì vọng thức mà có sự phân biệt chủ thể và đối tượng nhận thức (danh sắc). Vì có chủ thể và đối tượng nhận thức mà có sự phân biệt sáu giác quan và đối tượng sáu giác quan (lục nhập). Vì có sự phân biệt sáu giác quan và đối tượng sáu giác quan mà có sự xúc chạm (xúc). Vì có sự xúc chạm mà có cảm thọ (thọ). Vì có cảm thọ mà có tham ái (ái). Vì có tham ái mà có vướng mắc (thủ). Vì có vướng mắc mà có hiện hữu (hữu), sinh tử khổ não và ưu sầu (sinh, lão, tử) không thể kể xiết.
Cư sĩ ! Ông đã quán niệm để thấy được rằng mọi pháp đều do nhân duyên mà phát khởi và không có tự tính riêng biệt. Đó gọi là phép quán niệm về KHÔNG, một phép quán niệm cao siêu vào bậc nhất."
Thực tập đến đây, trưởng giả Cấp Cô Độc đã khóc trong niềm cảm động và hân hoan. Đại đức A-nan hỏi ông rằng: O
- Cư sĩ, vì sao mà ông khóc? Ông thực tập không thành công sao? Ông có tiếc nuối gì không?
Trưởng giả Cấp Cô Độc trả lời:
- Thưa đại đức, con không tiếc nuối gì hết, con thực tập rất thành công. Con khóc là vì con cảm động quá. Con có được cơ duyên phụng sự Phật và các bậc cao đức đã từ lâu rồi mà con chưa từng được nghe giáo pháp vi diệu, mầu nhiệm và quý báu, như hôm nay con được đại đức Xá-lợi-phất trao truyền.
Lúc ấy đại đức A-nan bảo trưởng giả Cấp Cô Độc rằng: O
- Cư sĩ nên biết giáo pháp này các vị tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni được nghe Phật giảng dạy rất thường.
Trưởng giả Cấp Cô Độc thưa:
- Bạch đại đức, xin ngài bạch lại với đức Thế Tôn để giới cư sĩ chúng con cũng được nghe những giáo pháp vi diệu như những giáo pháp này. Có những người cư sĩ không đủ sức nghe, hiểu và hành trì những giáo pháp như giáo pháp này; nhưng cũng có những người cư sĩ có đủ sức nghe, hiểu và hành trì những giáo pháp thâm diệu ấy. O
Nghe, hiểu và thực hành xong, cư sĩ Cấp Cô Độc thấy trong người nhẹ nhàng, thanh thoát, ông phát được tâm vô thượng. Khi hai đại đức Xá-lợi-phất và A-nan vừa từ giã ra về thì cư sĩ Cấp Cô Độc mệnh chung và sinh lên cõi trời thứ ba mươi ba. OOO
- Tag :
- Thích Nhật Từ