- 01 Sự Bố Thí Thù Thắng
- 02 Chất Vị Của Sự Bố Thí
- 03 Tư Cách Người Bố Thí
- 04 Người Xin Giúp Người Cho
- 05 Giải Thoát Thù Thắng
- 06 Người Cho Đặc Biệt
- 07 Kính Trọng Người Xin
- 08 Bố Thí Với Tham Lẫn
- 09 Bố Thí Bằng Tài Sản
- 10 Xả Bỏ Tất Cả
- 11 Bỏ Thân Thọ Thân
- 12 Xả Bỏ Thân Mạng
- 13 Đại Bi Biểu Hiện
- 14 Bố Thí Chánh Pháp
- 15 Phát Bồ Đề Tâm
- 16 Công Đức Thù Thắng
- 17 Giải Thoát Thù Thắng
- 18 Lợi Tha
- 19 Thay Người Chịu Khổ
- 20 Từ Bi
- 21 Ái Và Bi
- 22 Đại Trượng Phu
- 23 Đại Bi
- 24 Bố Thí Của Đại Bi
- 25 Năng Lực Của Ái Và Bi
- 26 Trí Tuệ, Từ Bi, Giải Thoát
- 27 Lập Chí Nguyện
- 28 Lập Chí Nguyện Rộng Và Cao
- 29 Lập Chí Nguyện Thù Thắng
PHẬT LỊCH 2513
Phật Học Tùng Thư Mục C cuốn thứ 15
LUẬN ĐẠI TRƯỢNG PHU
TÁC GIẢ: ĐỀ BÀ LA BỒ TÁT
DỊCH GIẢ: TỲ KHEO TRÍ QUANG
CHỨNG MINH: HÒA THƯỢNG THÍCH TỊNH KHIẾT.
XIX. THAY NGƯỜI CHỊU KHỔ
Bồ tát thấy người khổ thì mình rất khổ, thấy người vui thì mình rất vui, vì lý do đó, Bồ tát không lúc nào không lợi tha.
Người ngu thấy người khổ thì mình vui, người khổ mình không khổ; người trí thấy mình khổ là vui, người vui mình không khổ. Người ngu vì được chút vui của mình mà làm khổ người nhiều, người trí vì cho người chút vui mà mình chịu nhiều khổ. Kẻ ác làm một chút điều phải, khi được an vui nhiều thì rất hoan hỷ. Sự hoan hỷ ấy không bằng Bồ tát khi đem chút an vui lợi ích cho người.
Bồ tát thấy người khổ thì đem thân mình chịu thay cho họ, bấy giờ thân thể khổ sở mà tâm trí khoái lạc. Tâm từ bi của Bồ tát được cái vui tự-do, khổ não ba cõi không bức áp được. Bồ tát uống nước cam lộ của đại bi nên đau khổ không khổ được, đau khổ không khổ được nên có thế chịu khổ vì người.
Người ngu thấy người khổ thì lòng mình vui, thấy người vui thì lòng mình khổ; ngược lại, Bồ tát thấy người khổ thì mình khổ, thấy người vui thì mình vui. Người ngu si thấy người khổ thì lãnh đạm như mặt trăng lạnh, người từ bi thấy người khổ thì nóng nảy như mặt trời nóng.
Không cứ là ai, hễ thấy người khổ thì bấy giờ thâm tâm chán khổ sợ khổ, nhưng từ thâm tâm ấy, người từ bi lòng lại rất thương người, xác nhận rằng tất cả khổ là mình khổ; xác nhận như thế nên suy nghĩ: nếu không đại tinh tiến thì làm sao phá hoại khổ não ấy?
Bồ tát thấy mình cùng chúng sinh đồng khổ đồng vui, nên tự mình phải khó nhọc gian lao để thật hiện cho được Trí-giác vô thượng. Bồ tát suy nghĩ: khi được Trí-giác vô thượng rồi xả bỏ tất cả, hiến cho chúng sinh; trở lại trong sinh tử lợi ích cho muôn loài như khi mới lập chí mong cầu Trí-giác vô thượng cho đến bây giờ đã thật hiện Trí-giác vô thượng.
Bồ tát vì lợi tha nên hành động các nhiếp-pháp không bao giờ chán mệt, cũng như đại địa duy trì vạn vật không khi nào mệt mỏi.
Người vị kỷ thì hưởng an vui còn chán, huống chi chịu khổ. Chứ Bồ tát làm lợi cho người thì không bao giờ chán, huống chi chịu khổ vì người.
Bồ tát làm lợi ích cho chúng sinh thì khổ địa ngục còn coi như vui niết bàn, huống chi những khổ sở tầm thường khác. Cho nên dù vì một người, Bồ tát cũng vẫn chịu vô số đau khổ.
Với tinh thần ấy, Bồ tát dũng mãnh lợi tha không chán. Tại sao dũng mãnh lợi tha không chán? Vì Bồ tát xem tất cả chúng sinh tức là thân mình.
Bị phiền não sai sử, chúng sinh không lúc nào không muốn hại người; do từ bi chi phối, Bồ tát không khổ sở chi không muốn chịu.
Bồ tát vì người chịu khổ, khổ ấy cũng như người đau khổ được an vui của giải thoát.
Bồ tát thay người chịu khổ, bấy giờ đại bi phát triển. Trí tuệ xét thấy người khổ thì đại bi tức thời phát sinh. Mà đại bi ở đâu thì đau khổ mất ở đó.
Tuy người từ bi vì chúng sinh mà bị khổ não áp buộc, nhưng có lợi ích cho người nên lòng còn hoan hỷ hơn được cái vui giải thoát.
Bồ tát thấy người chịu khổ thì như mình chịu khổ. Mà mình được vui thì đem cho mọi người. Làm như thế Bồ tát cảm giác thấy hơn niết bàn nhiều.
Người từ bi thì bao giờ cũng muốn khổ mình chịu vui cho người: từ bi với đau khổ một sát na cũng không dung nhau được.
Người làm ác thấy người khổ thì muốn lánh xa, thấy người vui thì lòng không thích. Bồ tát ngược lại, thấy người khổ thì lăn vào, thấy người vui thì hoan hỷ.
Nhưng Bồ tát hành động như thế là do từ bi phát động chứ không phải tham ái kích thích. Không có tham ái thì không có hành động làm nguyên nhân của đau khổ. Tại sao như thế? Bởi Bồ tát chỉ vì trừ đau khổ cho người nên lòng hoan hỷ mà thôi.
Bồ tát cho người vui nhiều, lòng không vui mấy; thấy người cho nhau chút ít an vui, bấy giờ lòng đại hoan hỷ. Sao lại như thế? Vì thể tánh Bồ tát là thế: Bồ tát thấy người vui mình còn vui thay, huống chi thấy người biết cho nhau an vui mà lòng không hoan hỷ.