KINH DUY LÂU LẶC VƯƠNG
(Kinh Chuyển Hóa Bạo Động và Sợ Hãi) Nghĩa Túc Kinh 16 Attadanda Sutta (Sn. 934-954) 1. Hãy lắng nghe và quán sát để thấy tại vì sao mà từ trạng thái an lành người ta đã đưa xã hội tới tình trạng đầy khủng bố bạo động như hiện nay? Các thế hệ vừa qua đã hành xử như thế nào để tình trạng trở thành như thế? Tôi muốn nói với các vị về chuyện đau thương này và kể cho quý vị nghe làm sao mà tôi đã buông bỏ được tâm trạng sợ hãi của tôi. (Sn. 935) 2. Người đời trải nghiệm từ cái khổ này đến cái khổ khác, như con cá sống trong một nơi mà ở đó càng ngày nước càng khô cạn. Trong hoàn cảnh khổ đau, ý tưởng bạo động dễ nẩy sinh và con người vì u mê cứ đi tìm sự bớt khổ bằng những phương tiện khủng bố trừng phạt. (Sn. 936) 3. Cả thế giới đều đang bốc cháy vì bạo lực, mười phương loạn lạc cả mười phương, không có nơi nào thực sự còn an ổn. Ai cũng cho mình là hơn người, ít ai biết buông bỏ cái đam mê của mình. Vì không thấy được sự thực ấy, cho nên con người cứ ấp ủ mãi cái tri giác sai lầm của mình. (Sn.937) 4. Tự trói buộc mình bằng những tri giác sai lầm ấy chỉ đem lại thêm cho mình nhiều tối tăm và thống khổ. Tôi đã nhìn sâu vào trong tâm ý của những người không có hạnh phúc và tôi đã thấy một mũi dao nhọn được che dầu dưới những niềm thống khổ của họ. vì chính họ không trông thấy mũi dao nhọn ấy trong tâm, cho nên họ có khả năng chịu đựng được niềm đau. (Sn. 938) 5. Cái niềm đau gây ra do mũi dao nhọn ấy kéo dài, không thay đổi, và vì cứ tiếp tục ôm lấy mũi dao nhọn ấy mà đi cho nên họ làm cho niềm đau trong họ tràn ngập thế giới. Chỉ khi nào có cơ hội nhận diện được nó và lấy nó ra khỏi trái tim thì khổ đau mới không còn và mình mới có cơ hội dừng lại. (Sn. 939) 6. Trong những hệ lụy của cuộc đời mình đừng để cho tự thân vương vấn vào bất cứ một hệ lụy nào. Những gốc rễ của tà loạn phải biết cắt dứt. Phải buông bỏ đừng nương vào chúng nữa. Nếu buông bỏ được tà dục thì ta có thể vượt qua mọi khổ nạn. Kẻ hành giả phải vượt ra khỏi cái vòng khổ nạn thì mới thành tựu được sự nghiệp giải thoát cho chính mình. (Sn. 940) 7. Kẻ hành giả chân chính phải có tâm dạ chí thành, đừng tự hành động dựa trên vọng tưởng, cứ đường thẳng mà đi, không nói lưỡi hai chiều. Phải biết cách dập tắt ngọn lửa của sự hờn giận, phải biết cáh làm tan vỡ khối tham vọng của mình. Nếu biết cởi bỏ được những ràng buộc của phiền não thì mình có thể bắt đầu thấy được bến bờ giải thoát. (Sn. 941) 8. Nên buông bỏ sự tự hào, đừng ham ngủ, đừng để chìm vào sự hôn trầm. Biết sống và làm việc cho có chừng mực, đừng đánh mất mình trong đám đông. Đừng vướng vào những cái bề ngoài hào nhoáng. Phải biết từ khước chúng. Phải quán chiếu thường xuyên tự tánh không của vạn pháp để đạt tới Niết Bàn tĩnh lặng. (Sn. 942) 9. Đừng nhục mạ ai, cũng đừng để mình bị níu kéo và vướng mắc vào những hình sắc dối gạt bên ngoài, đừng dấn mình trong những cuộc vui mà quên đi mục đích của sự hành trì là giải cứu khổ nạn. (Sn. 943) 10. Những gì thuộc về quá khứ, đừng nghĩ tới chúng nữa, những gì thuộc về tương lại, đừng vọng tưởng đến chúng. Những gì đang xảy ra hiện tại phải được nhận diện để đừng bị vương vấn vào. Cứ như thế thênh thang bước một mình khắp năm châu bốn biển mà không còn bị ai ganh ghét. (Sn. 944) 11. Tôi nói rằng tham dục là mãnh lực gây ra tàn hại nhiều nhất. Đó là cơn lũ lụt làm tràn ngập cả thế gian. Thấy được điều đó thì mới chế phục được mọi nghi ngờ. Cần để tâm quán chiếu về lý duyên khởi. Phải thấy được rằng nếu không thoát ra được cái ô nhiễm của tham dục thì ta khó mà chấm dứt được khổ đau. (Sn. 945) 12. Trong đám đông, số người có năng lực buông bỏ tham dục rất ít, thời đại nào cũng thế. Nhưng một khi đã buông bỏ được rồi thì kẻ hành giả lại không cảm thấy mất mát gì, cũng không có nhu yếu di chuyển tới một nơi nào khác: cơn lũ lụt kia tự nó sẽ cáo chung và không có gì còn ràng buộc được ta nữa. (Sn.946) 13. Nương vào sức mạnh của tuệ giác làm cỗ xe, vị mâu ni vượt tới bờ bên kia. Nhờ có tuệ giác, vị ấy không còn lo lắng và vị ấy thấy mình đang được sự bảo hộ. Sinh tử, tai ách và sự ganh ghét không còn xâm phạm tới vị ấy được. Do sức mạnh của tinh tiến, vị ấy đạt được bình an thật sự. (Sn. 947) 14. Đã xa lìa được (tham dục) thì khổ đau không còn tồn tại, người hành giả quán chiếu về tự tánh không của vạn pháp, không còn vướng bận vào bất cứ một pháp nào. Đã trực tiếp thấy được con đường lớn đưa tới bình an rồi, người ấy không còn vướng vào bất cứ một quan điểm nào của thế gian nữa. (Sn. 948) 15. Khi hành giả không còn chấp rằng thân này là mình, thấy được tính cách không nắm bắt được và không thật sự tồn tại của một cái ngã thì vị ấy không còn gì để lo lắng nữa. (Sn. 949) 16. Khi gốc rễ của si mê đã được nhổ sạch và khi những cây non của si mê mới mọc lên cũng đã bị nhổ sạch không có cơ hội lớn lên, thì trong hoàn cảnh hiện tại, người hành giả không còn nắm bắt một cái gì nữa vì không còn có nhu yếu phân biệt ai là đồng minh ai là kẻ thù. (Sn. 950) 17. Đã không còn bị kẹt vào các khái niệm tâm và vật (như những gì tồn tại ngoài nhau), khi đã không còn bị kẹt vào các ý niệm, không thấy có gì có thể nắm bắt, khi đã thấy được rằng không gian và vật thể là không, thì không có gì trong thế gian còn có thể làm cho vị ấy oán than buồn giận nữa. (Sn. 951) 18. Đã vượt hoàn toàn cái ý niệm về tất cả trong đó có ý niệm về vật thể thì trong tất cả các pháp hành không pháp nào mà mình không đạt được. Đã được học hỏi thực tập và thuyết giảng thông thạo được giáo lý vô dục thì dù cò bị bất cứ ai đến chất vấn, vị ấy cũng không còn cảm thấy e ngại trong việc ứng đối. (Sn.952) 19. Đã được tuệ giác rồi, vị ấy không cần lệ thuộc vào ai nữa. Đã không còn mong cầu gì nữa và cũng không còn ghét bỏ nữa cho nên vị ấy đạt được sự bình an trong tâm hồn và thực chứng được Niết Bàn tịch tĩnh. (Sn. 953) 20. Nhìn xuống không thấy hãnh diện, nhìn lên không thấy sợ hãi, vị mâu ni an trú nơi tự tính bình đẳng, không còn bị vướng vào một kiến chấp nào. Bấy giờ tất cả mọi tranh chấp đều đã được ngưng lại, oán thù và tật đố không còn có mặt, vị ấy tuy đứng trên tuệ giác mà chẳng thấy tự hào. (Sn. 954) (Thích Nhất Hạnh dịch Việt) |
Send comment