- Phẩm Thứ Nhất: Khuyến Phát Tâm
- Phẩm thứ hai: Luận Về Sự Phát Tâm
- Phẩm thứ ba: Thệ nguyện
- Phẩm thứ tư: Đàn Na Ba La Mật
- Phẩm thứ năm: Giới Ba La Mật
- Phẩm Thứ Sáu: Nhẫn nhục Ba La Mật
- Phẩm Thứ Bảy: Tinh Tấn Ba La Mật
- Phẩm Thứ Tám: Thiền Định Ba La Mật
- Phẩm Thứ Chín: Bát Nhã Ba La Mật
- Phẩm Thứ Mười: Như Thật Pháp Môn
- Phẩm Thứ mười một: Không, Vô Tướng
- Phẩm Thứ mười hai: Công Đức Trì
- Lời bạt
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM LUẬN
Thích Nguyên Ngôn dịch
Phẩm thứ tư Đàn Na Ba La Mật
Luận nói : Hàng Bồ tát phải tu Pháp Bố thí như thế nào ? - Làm lợi ích cho mình và cho người, và cả hai đều lợi ích như thế nào?
Nếu Bồ tát tu Pháp Bố thí được như vậy, tức là trang nghiêm Đạo Bồ đề. Và Bồ tát muốn điều phục chúng sanh, khiến cho xa lìa khổ não cho nên phải tu hạnh Bố thí vậy.
Người thực hành Pháp Bố thí, là đối với tài vật của mình thường đem lòng xả bỏ, đối với người đến cầu đạo (học hỏi), phải khởi tâm tôn trọng, tưởng đó như là Cha Mẹ, Sư trưởng, Thiện hữu tri thức vậy. Đối với kẻ bần cùng nghèo túng phải khởi tâm lân mẫn, tưởng như con một của mình. Tuỳ theo chỗ mong cầu, mà mình vui vẻ tôn kính. Đó là Bồ tát tu tập Tâm Bố thí vậy.
Người tu pháp Bố thínhư vậy, thiện danh được lưu bố, tùy chỗ sanh xứ mà tài bảo được phong vinh, gọi đó là Tự lợi. Và hay khiến chúng sanh Tâm đắc mãn túc. Lại hay giáo hóa điều phục họ, khiến tâm tư họ không khởi sự xan lận. Được như vậy, gọi là LỢI THA. Pháp tu như vậy, gọi là VÔ TƯỚNG ĐẠI THÍ. Pháp này giáo hoá chúng sanh khiến họ đồng lợi ích cho mình, cho nên gọi là cả hai trọn lợi ích vậy. Chánh nhơn tu Bố thí, đắc đia vị Chuyển luân thánh vương nhiếp thọ tất cả vô lượng chúng sanh, cho đến thành tựu PHÁP TẠNG VÔ TẬN của chư Phật. Đó gọi là trang nghiêm Đạo Bồ đề vậy...
Bố thí có ba phần (ba phẩm loại) :
1/ Gọi là Pháp Thí
2/ Gọi là Tài Thí
3/ Gọi là Vô Úy Thí
Trước nói PHÁP THÍ mà khuyến tấn người thọ trì CẤM GIỚI, tu tập tu hạnh xuất gia, lại khiến họ phá trừ tà kiến, nói rõ chấp đoạn , chấp thường, cùng bốn thí điên đảo với những quá-hoạn sai lầm. Lại phải phân biệt khai thị về nghĩa CHƠN ĐẾ tán thán công đức Tinh Tấn, giải minh tai hại của phóng dật. Các việc như vậy thực hành, gọi là Tu Hạnh Pháp Thí vậy.
Nhưng nếu có chúng sanh lo sợ pháp Vua, cho đến sài lang sư tử, và các nạn thủy hỏa, trộm cướp v.v.. Bồ tát thấy họ như vậy, cần phải tạo mọi điều kiện cứu giúp, làm được như vậy gọi là Pháp Vô Úy Thí...
Lại đối với tài vật của mình bố thí đến người, mà lòng không tiếc rẽ cho đến những thứ trân bảo, voi ngựa, xe cộ và các loại vải vóc tơ lụa, lúa nếp... y phục, sau nữa, cho đến vườn ruộng, lầu các ranh giới. Nếu là nhiều hay ít, tùy theo ý mong cầu của người mà ta cứu giúp họ. Làm được như vậy, gọi là TÀI THÍ.
TÀI THÍ có năm loại:
1- Chí tâm thí
2- Tín tâm thí
3- Tùy thời thí
4- Tự thủ thí
5- Như pháp thí. (xem thêm Kinh Ưu bà tắc).
Những điều kiện không nên Bố thí, cũng có năm trường hợp:
1/ Phi lý, cầu tài, không nên bố thí cho người. Nghĩa là tài vật phi lý phi nghĩa, ta không nên đem cho người.
2/ Vật bất tịnh như rượu, độc dược, không nên bố thí cho người. Vì những thứ ấy sẽ làm loạn tâm người vậy.
3/ Lưới, bẩy, máy móc... không nên bố thí cho người, vì những thứ ấy sẽ làm khổ não cho chúng sanh.
4/ Đao trượng, cung tên...không nên bố thí cho nguời, vì đó là vật làm hại chúng sanh.
5/ Âm nhạc, nữ sắc (sắc đẹp), không nên bố thí cho người. vì những thứ ấy sẽ làm hại tinh thần của người.
Tóm lại mà nói, những gì không đúng với Pháp thiện (bất như pháp), vật gì làm não loạn chúng sanh, thì không nên bố thí. Ngoài ra, những gì khiến cho chúng sanh được an lạc, thì gọi đó là Pháp thí.
Người thực hành Pháp Bố thí, cũng có năm điều gọi là danh văn thiện lợi :
1- Thường dược thân cận tất cả các bực hiền thánh trong đời.
2- Được tất cả chúng sanh trông thấy thì vui thích.
3- Khi đến chỗ đông người, đều được mọi người cung kính.
4- Danh dự tốt đẹp được lưu bố mười phương.
5- Vì Đại Bồ đề khởi tác thượng diêu nhơn.
Năm pháp như vậy, gọi là Bồ tát thành tựu Nhứt thiết trí .
NHỨT THIẾT TRÍ, chẳng phải trông vào nhiều tài vật mà thật sự ở nơi tâm hạnh vậy. Đúng như pháp cầu tài, mà thọ trì bố thí, gọi là Nhứt thiết thí vậy. Thấy kẻ bần cùng, khởi tâm thương xót giúp đỡ gọi đó là Nhứt thiết thí vậy. Thấy người nguy khổ, khởi tâm từ bi cứu tế, đó là Nhứt thiết thí. Đời sống của mình tuy không dư giả, vẫn giữ Đạo Bố thí giúp người, gọi đó là Nhứt thiết thí. Quý trọng bảo vật, nhưng biết ý người mong cầu, nên thương mà giúp, đó gọi là nhứt thiết thí vậy. Không luận là người trì giới hay hủy phạm, là bậc phước điền hay phi phước điền, ta đều bình đẳng bố thí nên gọi đó là Nhứt thiết thí. Không cầu quả báo thiện lạc nơi cõi nhơn thiên, nên gọi đó là Nhứt thiết thí. Chí cầu Vô thượng Bồ đề mà bố thí, nên gọi là Nhứt thiết thí vậy.
Lại nữa, hành Đạo Bố thí đúng thời, hợp lúc. Vui vẻ thí, bố thí rồi không ăn năn, gọi đó là Nhứt thiết thí vậy. Nếu đem bông hoa bố thí, thì sẽ đầy đủ Đà a la ni, Thất Giác hoa vậy. Nếu đem hương vị mà bố thí thì cụ túc được Giới, Định, Huệ, huân hợp nơi thân. Nếu đem quả trái mà bố Thí, thì thành tựu Vô lậu quả vậy. Nếu đem thức ăn mà bố thí thì được cụ túc thân mạng, cụ túc biện tài, sức lực an vui vậy. Nếu đem y phục mà bố thí, thì sắc thân được cụ túc thanh tịnh, trừ được bịnh vô tâm vô quý vậy. Nếu đem đèn sáng mà bố thí thì cụ túc Phật nhãn, thấu suốt tất cả Pháp tánh vậy. Nếu đem các thứ giày dép quý, cùng với xa mã đồ chuyên chở mà bố thí, thì đắc quả Vô thượng thừa, cụ túc thần thông. Nếu đem chuỗi anh lạc bố thí, thì sẽ cụ túc 80 tướng tùy hình hảo. Nếu đem trân bảo mà bố thí, cúng dường, thì cụ túc 32 tướng hảo của bậc Đại nhơn. Nếu đem sức lực, sứ bộc mà bố thí cúng dường, thì cụ túc Thập lực, Tứ vô sở uý của Phật.
Tóm lại, tu pháp Bố thí, như đem cả quốc thành thê tử, đầu mắt tay chân, bố thí cúng dường, mà tâm không lẫn tiếc, chỉ vì cầu Vô thượng Bồ đề, cứu độ tất cả chúng sanh vậy. Hành Đại Bồ Tát tu hành bố thí không còn kiến chấp tài vật thí, và kẻ thọ thí, chỉ vì Pháp Vô Thượng Thí , tức nhiên cụ túc Pháp Bố thí Ba la mật vậy.