- Phẩm Thứ Nhất: Khuyến Phát
- Phẩm Thứ Hai: Phát Tâm
- Phẩm Thứ Ba: Nguyện Thệ
- Phẩm Thứ Tư: Đàn Ba La Mật
- Phẩm Thứ Năm: Thi Ba La Mật
- Phẩm Thứ Sáu: Sằn Đề Ba La Mật
- Phẩm Thứ Bảy: Tỳ Lê Gia Ba La Mật
- Phẩm Thứ Tám: Thiền Na Ba La Mật
- Phẩm Thứ Chín: Bát Nhã Ba La Mật
- Phẩm Thứ Mười: Như Thật Pháp Môn
- Phẩm Thứ Mười Một: Không Vô Tướng
- Phẩm Thứ Mười Hai: Công Đức Trì
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM KINH LUẬN
Bồ Tát Thế Thân tạo
Tam Tạng Pháp Sư Cưu La Ma Thập dịch Hán
Tỳ Kheo Thích Nhất Chân dịch Việt
PHẨM THỨ NĂM
THI BA LA MẬT
Bồ Tát tu hành trì giới như thế nào? Trì giới nếu là để tự lợi, tự tha, cả hai cùng lợi, trì giới như thế sẽ có thể trang nghiêm được đạo Bồ Đề.
Bồ Tát vì muốn điều phục chúng sinh, khiến cho họ lìa được khổ não, cho nên mới trì giới. Tu trì giới là trọn phải thanh tịnh tất cả các nghiệp thuộc thân, khẩu, ý. Đối với các tâm bất thiện hành đều có thể lìa bỏ tránh xa. Khéo có thể trách mắng các ác hạnh, các (việc) huỷ (hoại) giới cấm. Đối với tội nhỏ tâm thường lo sợ, như thế gọi là sơ tâm trì giới của Bồ Tát.
Do tu trì giới nên (Bồ Tát) lìa xa tất cả các ác pháp lỗi lầm tai hại, thường được sinh vào chỗ thiện, như thế gọi là tự lợi. (Bồ Tát lại) giáo hoá cho chúng sinh, khiến họ không phạm ác, như thế gọi là lợi tha. Dùng cái giới hướng về Bồ Đề do chính mình tu, để giáo hoá cho các chúng sinh khiến họ được lợi ích như chính mình, như thế gọi là cùng lợi. Nhân tu trì giới (Bồ Tát) đạt được lìa dục cho đến lậu tận thành tối chính giác, như thế gọi là trang nghiêm đạo Bồ Đề.
Giới có ba loại: một là thân, hai là khẩu và ba là tâm. Trì thân giới là vĩnh viễn lìa tất cả các hành vi giết, cướp, dâm ( sát, đạo, dâm); không đoạt mạng của sinh vật, không xâm phạm tài sản của người khác, không vi phạm vào ngoại sắc, lại cũng không tạo các nhân duyên để giết này nọ, cũng như các phương tiện để giết. Không dùng gậy, cây, ngói, đá đả thương chúng sinh. Nếu vật của người khác, thuộc quyền sử dụng của người khác, (dù chỉ) một cọng cỏ, một chiếc lá, nếu không cho là không lấy. Lại cũng không từng ngó, liếc sắc đẹp. (Luôn) ngay ngắn cẩn trọng đường hoàng trong bốn oai nghi, như thế gọi là thân giới.
Trì khẩu giới là đoạn trừ tất cả vọng ngữ, hai lưỡi, ác khẩu, ỷ ngữ, thường không lừa dối, ly gián sự hoà hợp, huỷ báng, mắng nhiếc, chải chuốc ngôn từ, hay tạo phương tiện làm khổ đến người. Lời nói thời chí thành, mềm mại, trung tính. Nói ra thường thêm lợi ích, khuyến khích tu thiện. Như thế gọi là khẩu giới.
Trì tâm giới là diệt trừ tham dục, sân khuể, tà kiến. Thường tu tâm mềm mại, không tạo tội lỗi, tin rằng tội nghiệp này sẽ bị quả báo ác. Do lực tư duy nên không tạo các ác. Đối với tội nhỏ, cũng khổi tưởng là (tội) rất nặng. Cho dù có ngộ tác, cũng vẫn lo âu hối hận. Đối với chúng sinh không hề khởi sân não. Thấy chúng sinh rồi thời sinh tâm thương tưởng, tâm biết ân không chút keo kiết. Thích làm việc phúc đức, thường lấy đó để giáo hoá người ta. Thường tu tâm từ, thương yêu tất cả (chúng sinh). Như thế gọi là tâm giới.
Mười giới thiện nghiệp này, có năm sự lợi ích:
- Một là có thể chế ngự được các ác hạnh.
- Hai là có thể phát thiện tâm.
- Ba là có thể ngăn chặn phiền não.
- Bốn là thành tựu tịnh tâm.
- Năm là có thể tăng trưởng giới.
Nếu người nào khéo tu hạnh không phóng dật, đầy đủ chính niệm phân biệt được thiện ác, phải hiểu người ấy chắc chắn có thể tu được mười giới thiện nghiệp, tám vạn bốn ngàn vô lượng giới phẩm trọn đều thâu tóm trong mười thiện giới. Mười thiện giới này có thề là căn bổn của tất cả thiện giới. Đoạn các ác pháp thuộc thân khẩu ý, thời có thể chế ngự tất cả các pháp bất thiện, nên mới gọi là giới.
Giới có năm loại:
- Một là Ba La Đề Mộc Xoa giới.
- Hai là định cộng giới.
- Ba là vô lậu giới.
- Bốn là nhiếp căn giới.
- Năm là vô tác giới.
Bạch bốn lần yết ma, theo thầy mà thọ (giới), gọi là Ba La Đề Mộc Xoa giới. Bốn căn bản thiền và bốn vị đáo thiền, như thế gọi là định cộng giới. Bốn thiền căn bản, sơ thiền và vị đáo, gọi là vô lậu giới. Thu nhiếp các căn, tu chính niệm tâm, đối với kiến, văn, giác, tri, sắc, thanh, hương, vị, xúc, không sinh phóng dật gọi là nhiếp căn giới. Đời sau (trở đi có) xả thân cũng không làm ác nữa, gọi là vô tác giới.
Bồ Tát tu giới không giống với Thanh Văn và Bích Chi Phật. do bởi không giống như thế nên gọi là khéo trì giới. Do khéo trì giới nên sẽ có thể lợi ích tất cả chúng sinh. Do bởi (Bồ Tát):
1/ Trì từ tâm giới, cứu hộ chúng sinh khiến họ được an lạc,
2/ Trì bi tâm giới, nhẫn chịu các khổ để cứu ách nạn,
3/ Trì hỉ tâm giới, ưa thích tu thiện không hề giải đãi,
4/ Trì xả tâm giới, (đối với người) oán (kẻ) thân đều bình đẳng, lìa xa yêu
ghét.
5/ Trì huệ thí giới, giáo hoá điều phục các chúng sinh,
6/ Trì nhẫn nhục giới, tâm thường mềm mại không oán giận ngăn ngại,
7/ Trì tinh tiến giới, nghiệp thiện ngày càng tăng không thối lùi,
8/ Trì thiền định giới, lìa các pháp bất thiện thuộc dục (giới) nuôi lớn thiền
chi,
9/ Trì trí huệ giới, thiện căn nghe nhiều không biết chán đủ,
10/ Trì thân cận thiện tri thức giới, trợ thành đạo Bồ Đề vô thượng,
11/ Trì lìa xa ác tri thức giới, lìa bỏ các chỗ ba ác tám nạn.
Bậc Bồ Tát trì tịnh giới:
- không y theo dục giới, không gần với sắc giới, không trụ vào vô sắc giới, như thế là thanh tịnh giới;
- xả lìa dục trần, trừ ngại sân hận, diệt chướng vô minh, đó là thanh tịnh giới, lìa hai bên đoạn thường, không đi ngược lại với nhân duyên, là thanh tịnh giới;
- không đeo bám vào các tướng giả danh sắc, thọ, tưởng, hành, thức, là thanh tịnh giới;
- không trói cột vào nhân, không khởi các kiến (chấp), không trụ nơi nghi hối, là thanh tịnh giới;
- không trụ nơi ba căn bất thiện tham, sân, si, là thanh tịnh giới;
- không trụ vào ngã mạn, kiêu mạn, tăng thượng mạn, mạn mạn, đại mạn, nhu hòa khéo tuỳ thuận, là thanh tịnh giới;
- lợi, suy, nhục, vinh, khen, chê, khổ, sướng, không vì thế mà khuynh động là thanh tịnh giới;
- không nhiễm giả danh hư vọng thuộc Thế Đế, thuận theo Chân Đế là thanh tịnh giới;
- không não không nhiệt, tịch diệt lìa tướng, là thanh tịnh giới.
Tóm yếu mà nói, cho đến không tiếc thân mạng, quán tưởng (đó là) vô thường mà sinh (tâm) chán lìa, khuyến (chúng sinh) hành thiện căn dũng mãnh tinh tiến, là thanh tịnh giới.
Bồ Tát Ma Ha Tát tu hành trì không thấy có tịnh tâm, bởi đã lìa tưởng. Như thế sẽ gồm đủ hết Thi Ba La Mật.