ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG
VIÊN GIÁC KINH LƯỢC GỈAI
Dịch giả: HT. Thích Giải Năng
Nhà xuất bản:
BÀI THỨ HAI
DỊCH NGHĨA
I. CHỈ BÀY CẢNH VÀ HẠNH
1- CHƯƠNG VĂN THÙ
1- CHỈ BÀY CẢNH BÌNH ĐẲNG
a1- Lời thỉnh
Khi ấy, ở trong đại chúng, ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, đi quanh bên hữu ba vòng, quỳ gối chắp tay mà bạch Phật rằng: “Đại bi Thế Tôn ! Mong Phật vì các Pháp chúng đến nghe ở trong hội này nói điểm bổn khởi pháp hạnh thanh tịnh ở nơi nhơn địa của Như Lai([1]) và nói về Bồ-tát ở trong Đại thừa phát tâm thanh tịnh xa lìa các bệnh, có thể khiến cho vị lai chúng sanh đời mạt cầu pháp Đại thừa chẳng lạc tà kiến”. Nói lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất, lập đi lập lại như vậy ba lần.
a2- Lời hứa
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát rằng: “Quý thay ! Quý thay ! Này Thiện nam tử ! Như các ông mới có thể vì chúng Bồ-tát thưa hỏi Pháp hạnh ở nơi nhơn địa của Như Lai và vì tất cả chúng sanh đời mạt cầu pháp Đại thừa, được chánh trụ trì chẳng lạc tà kiến. Ông nay nghe kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói”.
Khi ấy, ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát vui mừng vâng theo lời dạy cùng các đại chúng yên lặng mà nghe.
a3- Lời đáp
b1- Nêu chung
Này Thiện nam tử ! Đấng Vô thượng Pháp vương có môn Đại Đà-la-ni, gọi là Viên giác, lưu xuất tất cả Chơn như thanh tịnh, Bồ-đề, Niết-bàn, và pháp Ba-la-mật để dạy trao cho Bồ-tát. Tất cả bổn khởi nhơn địa của Như Lai đều y nơi Giác tướng thanh tịnh, viên chiếu, vô minh hằng dứt, Phật đạo mới thành.
b2- Nói riêng
c1- Riêng nói về vô minh
Thế nào là vô minh? Này Thiện nam tử ! Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, bị các thứ điên đảo cũng như người mê, bốn phương đại chỗ, vọng nhận tứ đại làm tướng tự thân, duyên ảnh sáu trần làm tướng tự tâm. Khác nào con mắt bệnh kia thấy hoa trong không và mặt trăng thứ hai.
Này Thiện nam tử ! Hư không thật không có hoa, nhưng người bệnh vọng chấp, do vì vọng chấp, chẳng những lầm tự tánh hư không này mà còn mê nơi kia thật sanh ra hoa. Do đây mà vọng có sanh tử luân chuyển, nên gọi là vô minh.
Này Thiện nam tử ! Vô minh này chẳng phải có thật thể. Nếu người trong mộng, khi mộng chẳng phải không, đến chừng tỉnh giấc rõ ràng không có gì. Như các không hoa diệt trong hư không, không thể nói là có định nơi diệt. Vì cớ sao? Vì không có nơi sanh. Tất cả chúng sanh ở trong vô sanh vọng thấy sanh diệt, thế nên nói là sanh tử luân chuyển.
c2- Riêng nói về Giác tướng
Này Thiện nam tử ! Như Lai khi còn nhơn địa tu nơi Viên giác, biết là không hoa liền không luân chuyển, cũng không thân tâm thọ sanh tử kia; chẳng phải tạo tác nên không, vì bản tánh không. Cái Tri giác kia cũng như hư không; cái biết hư không, tức tướng không hoa; cũng không thể nói không tánh Tri giác. CÓ, KHÔNG đều trừ, ấy mới gọi là Tùy thuận tịnh giác.
Vì cớ sao? Vì tánh hư không, vì thường không động, vì trong Như Lai tạng không có khởi diệt, vì không tri kiến, vì như tánh Pháp giới rốt ráo viên mãn cùng khắp mười phương.
b3- Lời kết
Ấy mới gọi là Pháp hạnh nhơn địa. Bồ-tát nhân đây ở trong Đại thừa phát tâm thanh tịnh; chúng sanh đời mạt y đây tu hành chẳng lạc tà kiến.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này mới nói kệ rằng:
Văn Thù ông nên biết !
Tất cả các Như Lai,
Từ nơi bổn nhơn địa,
Đều dùng Trí huệ giác,
Rõ suốt nơi vô minh.
Biết nó như không hoa,
Liền được khỏi lưu chuyển.
Lại như người trong mộng,
Khi thức không thấy gì,
Biết đó như hư không,
Bình đẳng không động chuyển,
Biết khắp mười phương cõi,
Liền được thành Phật đạo.
Các huyễn diệt không nơi,
Thành đạo cũng không được.
Vì bản tánh viên mãn,
Bồ-tát ở trong ấy,
Hay phát tâm Bồ-đề;
Các chúng sanh đời mạt,
Tu đây khỏi tà kiến !
CHÚ THÍCH
Bổn khởi: Điểm cơ bản phát khởi. Tâm phát khởi đầu tiên từ khi Phật còn là địa vị phàm phu.
Pháp hạnh: Diệu hạnh trong Phật pháp, tức là hạnh hợp với Pháp tánh.
Nhơn địa: Đối với quả địa mà nói, tức là địa vị tối sơ của Phật, địa vị lúc tu nhơn.
Như Lai: Tiếng Phạn gọi là Đa-đà-a-già-đà (Tathagata). Dịch là Như Lai, là một hiệu trong mười hiệu. Như là Chơn như. Nghĩa là nương đạo Chơn như, từ nhân đến quả mà thành bậc Chánh giác, gọi là Như Lai. Cũng có nghĩa là: Vì nương đạo Chơn như đến trong tam giới để hóa độ, gọi là Như Lai.
Trong Chuyển Luân Luận nói rằng: “Như thật mà đến gọi là Như Lai… Niết-bàn gọi là NHƯ. Trí giải gọi là LAI; Chánh giác được Niết-bàn gọi là Như Lai”.
Theo các lối giải thích trên, ta có thể nhận định rằng: Như là chỉ cho BẢN GIÁC; LAI là chỉ cho THỈ GIÁC. NHƯ là chỉ cho PHÁP THÂN; LAI là chỉ cho ỨNG HÓA THÂN; NHƯ là chỉ cho LÝ, LAI là chỉ cho TRÍ.
Vô thượng Pháp vương: Là tôn hiệu của Phật. Phật ngộ được pháp Tối thượng thừa, làm chủ muôn pháp; đối với các pháp được tự tại. Lại vì quả vị này trên hết, không còn quả vị nào hơn, nên gọi là Vô thượng Pháp vương.
Đại Đà-la-ni môn: Đà-la-ni Trung Hoa dịch là Tổng trì. Có nghĩa là: Gồm thâu tất cả, duy trì không cho mất; như nói một vật bao quát tất cả vật, một nghĩa bao quát tất cả nghĩa. Môn là Pháp môn có thể khế nhập, như cái cửa có thể vào được. Nay Kinh này nói: Đại Đà-la-ni môn là tổng nhiếp tám muôn bốn ngàn Đà-la-ni môn vậy.
Bồ-đeà: (Bodhi): Cựu dịch là ĐẠO, tân dịch là GIÁC. ĐẠO có nghĩa là THÔNG; GIAÙC có nghĩa là GIÁC NGỘ. Nhưng đối với cảnh được Thông được Giác kia có hai phần: Một là SỰ, hai là LÝ. Sự là đối với Niết-bàn dùng Nhứt thiết trí đoạn Phiền não chướng mà chứng được Niết-bàn. Đây là Bồ-đề thông cả Tam thừa. Còn LÝ là đối với các pháp Hữu vi dùng Nhứt thiết chủng trí đoạn Sở tri chướng mà biết được các pháp. Đây chỉ là Bồ-đề của Phật. Bồ-đề của Phật thông cả hai phần, gọi là ĐẠI BỒ ĐỀ.
Niết-bàn (Nirva(na): Dịch là Viên tịch. Viên là đầy đủ Phước trí; Tịch là vắng bặt các phiền não trần lao. Tức là chỉ cho cảnh giới do phước trí đầy đủ, phiền não dứt sạch mà được hiển bày (muốn rõ thêm về danh từ Niết-bàn, xin xem lại bộ Kinh Di Giáo, bài thứ nhứt ở phần giảng nghĩa, của cùng dịch giả, đã phát hành).
Ba-la-mật (Pa(ramita): Cũng gọi là Ba-la-mật-đa, dịch là Sự cứu cánh, Đáo bỉ ngạn, Độ vô cực. Đây là chỉ cho Đại hạnh của Bồ-tát. Đại hạnh của Bồ-tát có thể rốt ráo được việc: Tự hành, hóa tha, nên gọi là Sự cứu cánh. Nương nơi Đại hạnh này có thể từ bờ sanh tử bên này đến bờ Niết-bàn bên kia, gọi là Đáo bỉ ngạn. Cũng nhân Đại hạnh này mà có thể vượt qua được Sự, Lý rộng xa của các pháp, nên gọi là Độ vô cực. Đại hạnh đây chính là chỉ cho Bồ-tát thực hành pháp Lục độ.
Duyên ảnh sáu trần: Tâm duyên lự duyên nơi hình ảnh của sáu trần. Tức là chỉ cho cái tâm duyên nơi Sắc, Hương, Vị, Xúc, Pháp cho là Tâm tướng của mình mà quên mất Chơn tâm thường trú.
Như Lai tạng: Chơn như ở trong phiền não gọi đó là Như Lai tạng, chơn như ra khỏi phiền não gọi đó là Pháp thân. Theo trong Phật Tánh Luận về Phẩm Như Lai Tạng nói thì chữ TẠNG có ba nghĩa:
1- Sở nhiếp (bị gồm chứa): Chơn như đứng về địa vị chúng sanh gồm có hai môn: Hòa hiệp môn và Bất hòa hiệp môn. Hòa hiệp môn thì sanh ra tất cả Nhiễm pháp; còn Bất hòa hiệp môn thì sanh ra tất cả Tịnh pháp. Tất cả pháp nhiễm tịnh đều nhiếp trong tánh Như Lai, tức là Chơn như. Nói một cách khác thì Chơn như nhiếp tất cả pháp, hay Như Lai chứa tất cả pháp. Vậy, chữ TẠNG ở đây là chỉ cho tất cả pháp bị tàng trữ trong Như Lai.
2- Năng nhiếp (gồm chứa): Chơn như ở trong phiền não gồm nhiếp tất cả công đức quả địa của Như Lai. Vậy, chữ TẠNG ở đây là chỉ cho tánh Như Lai có công năng chứa tất cả công đức ở nơi quả địa.
3- Ẩn phú (che lấp): Chơn như khi ở trong phiền não, bị phiền não che lấp đức tánh Chơn như làm cho nó không thể phát hiện, gọi là Như Lai tạng. Chữ TẠNG ở đây là chỉ cho phiền não che lấp Như Lai.
Pháp giới: Tiếng Phạn gọi là Đạt-ma-đà-đô (Dharmadhatu). Dịch là Pháp giới, Pháp tánh, Thật tướng. Pháp giới có nhiều loại như: Tam pháp giới, Tứ pháp giới, Ngũ chủng pháp giới và Thập chủng pháp giới. Đây giải thích có hai nghĩa: một là SỰ, hai là LÝ.
Về SỰ thì PHÁP là các pháp, GIỚI là phần giới. Các pháp đều có tự thể, mà phần giới thì không đồng, nên gọi là Pháp giới. Nhưng mỗi mỗi pháp cũng gọi là PHÁP GIỚI; gồm hết vạn hữu cũng gọi đó là một PHÁP GIỚI. Trong Đồng phụ hành nói rằng “Nói Pháp giới là sao? PHÁP tức là các Pháp, GIỚI là Giới phần, vì tướng chúng chẳng đồng”.
Về LÝ, thì như trong Pháp tướng, Hoa Nghiêm chỉ giải ý rằng: “Pháp giới là chỉ cho Lý tánh Chơn như cũng gọi là Thật tướng hay Thật tế. Lại GIỚI có nghĩa là Tánh, đó là Tánh sở y của các Pháp, lại các Pháp đồng một Tánh, nên gọi là PHÁP GIỚI”.
ĐẠI Ý
Chương này Phật muốn cho chúng sanh thẳng nhận (Đốn ngộ) Diệu tâm Viên giác sẵn có của mình vốn không vô minh sanh tử thế mới là Tín, Giải thành tựu. Đó là nhân duyên phát khởi của toàn Kinh vậy.
LƯỢC GIẢI
Lời chánh thuyết, từ chương Văn Thù đến chương Viên Giác gồm có mười một đại đoạn. Mỗi đoạn, trước là văn Trường hàng, sau là Trùng tụng. Trong đó có phân làm hai phần:
1- Ba chương đầu: Văn Thù, Phổ Hiền và Phổ Nhãn là chỉ bày Cảnh và Hạnh.
2- Tám chương kế là đi sâu vào phần Quyết trạch. Quyết trạch là chỉ bày cái ý chưa trọn trong Cảnh và Hạnh.
Lại CẢNH thì bình đẳng, vì chỉ thuộc về Phật quả; HẠNH thì sai biệt, vì ngôi bậc của Bồ-tát có sự không đồng, nên chỉ bày về CẢNH và HẠNH có phân làm hai: Một là chỉ bày Cảnh bình đẳng, hai là chỉ bày Hạnh sai biệt. Chương này là chỉ bày về Cảnh bình đẳng.
Căn bản của Kinh này là ba chương đầu mà chương Văn Thù lại là chương căn bản trong ba chương căn bản.
Vì sao? Vì Kinh này gọi là ĐỐN GIÁO ĐẠI THỪA, nên chỉ có hàng Đốn cơ mới được lợi ích, không phải thuộc về bậc căn trí tầm thường.
Ngài Văn Thù Bồ-tát, tiếng Phạn gọi là Văn-thù-sư-lợi (Manjusri) cũng gọi là Mãn-thù-sư-lợi hay Mạn-thù-thất-lợi, Trung Hoa dịch là Diệu Kiết Tường cũng dịch là Diệu Đức. Theo Kinh Hoa Nghiêm, ngài tiêu biểu cho Căn bản trí. Vì để biểu thị cảnh giới Phật trí, ngài Văn Thù đứng lên thưa hỏi trước tiên, chính là người phát khởi Kinh này.
Cảnh trong đây là cảnh của Phật trí, chỉ là nhứt vị bình đẳng, nên chẳng cần phải phân chia. Nếu ai có thể ngay nơi đó tức thời khế nhận, thì chính nơi đó tức thời là Cảnh Hạnh cũng không cần phải phân chia. Tuy nhiên, nghĩa thú là như thế, mà căn cơ chúng sanh vị tất đã được thảy đều Viên đốn để cùng Phật trí tương ứng đốn nhập Phật địa, nên sau chương này có ngài Phổ Hiền và Phổ Nhãn đứng lên thưa hỏi để biện minh phải tu hành như thế nào khiến cho Bồ-tát thẳng đến Phật quả mà thực hiện cái nghĩa như thế, vì vậy nên có ba chương căn bản.
Đoạn a1, từ câu: “Khi ấy, ở trong đại chúng, ngài Văn Thù… đến …quỳ gối chắp tay mà bạch Phật rằng” là nói về nghi thức thưa thỉnh.
Trong đoạn văn trước nói: “Đồng trụ ở trong Pháp hội” để biểu thị, chủ bạn, chúng sanh và Phật, Tự tha chẳng phải hai, Lý Trí không phải một, đó là chỉ cho Nhứt chơn pháp giới xưa nay không động; còn đoạn văn này thì chỉ bày: Do sức Đại nguyện huân khởi, tâm Đại bi phát động, nên cơ cảm tương ưng mới có ngài Văn Thù phát lời thưa hỏi.
Câu: “Từ chỗ ngồi đứng dậy” là tiêu biểu cho LÝ SỞ CHỨNG phát khởi ra DỤNG LỢI THA, tức là từ Căn bản trí khởi ra Hậu đắc trí, nên từ chỗ không có tự tha, chủ bạn, chúng sanh và Phật mà có tự tha, chủ bạn, chúng sanh và Phật, có kẻ nói, có người nghe, để thưa hỏi khai thị cho người chưa ngộ.
Câu: “Đảnh lễ chân Phật”, là đem cái đảnh của Bồ-tát tiếp xúc với chân của Phật, tức dùng bộ phận tối tôn mà tiếp xúc nơi rất thấp. Ở đây, nếu đứng về mặt nghi thức, thì đó là biểu thị cho lòng cung kính rất mực, còn đứng trên phương diện ý nghĩa, thì đó là biểu thị cho Trí huệ tối cao của Bồ-tát, theo đuổi Bi nguyện thâm thiết của Phật để hạ hóa chúng sanh. Ấy là do Bi Trí cảm phát mà khởi ra việc giáo hóa chúng sanh vậy.
Câu: “Đi quanh bên hữu ba vòng”. Bên hữu (bên mặt) là chiều thuận, nên đi bên hữu là tiêu biểu cho sự tùy thuận Pháp tánh, tùy thuận Chơn lý. “Ba vòng” là tiêu biểu cho Bồ-tát tu hành từ nhân đến quả phải trải qua ba đại A-tăng-kỳ mới được viên mãn.
Câu: “Quỳ gối chắp tay mà bạch Phật rằng” là chỉ cho sự tỏ bày lòng cung kính trịnh trọng do Đại bi và Đại trí khế hợp nhau trong lúc thưa thỉnh.
Từ câu: “Đại bi Thế Tôn… đến …thỉnh đi thỉnh lại như vậy ba lần” là lời thưa thỉnh của ngài Văn Thù. Chữ Thế Tôn chính là tôn hiệu của Phật. Chữ Bi có nghĩa là cứu khổ, vì chúng sanh thường ở trong mê mộng, nếu không dùng phương tiện nói pháp để chỉ bày chơn lý khiến cho họ giác ngộ thì sanh tử phiền não không làm sao ra khỏi. Vì vậy, chư Phật hứng khởi lòng Bi cứu vớt các khổ, lòng Bi cứu khổ này suốt đến ngằn mé vị lai không cùng tận, nên gọi là ĐẠI BI. Chư Phật thường đem tâm Bi cứu độ tất cả thế gian, nên cũng gọi là ĐẠI BI CỨU THEÁ. Chữ PHÁP CHÚNG trong đây có hai nghĩa: Một, chỉ cho chúng đến nghe pháp đương thời; hai, chỉ cho chúng Pháp thân Bồ-tát (chúng Bồ-tát đã thân chứng được Pháp thân) tức là mười muôn chúng trong Pháp hội bình đẳng ở văn trên nói. Những chúng trong đây đều có thể gánh vác được Đại pháp, lần lượt lưu thông lợi ích cho đời sau.
Nói: “Ở trong Đại thừa”, chính là nói các bậc Bồ-tát không ưa tiểu pháp chỉ muốn trực thủ Bồ-đề. “Phát tâm thanh tịnh” tức là y nơi nhơn địa pháp hạnh của Phật mà phát tâm. “Các bệnh” là thông chỉ các điều quá hoạn sanh ra từ trên kiến giải và trong việc tu hành không đúng như pháp.
Câu: “Có thể khiến cho vị lai chúng sanh đời mạt…” cho thấy ý trong câu hỏi của ngài Văn Thù không những đối với Pháp chúng đến nghe pháp ở trong hội này mà ngài còn nghĩ đến chúng sanh đời sau, để thấy tâm từ của Bồ-tát rất là thâm thiết. Trong lời thưa thỉnh này có hai yếu điểm:
1- Thưa thỉnh về Nhơn địa pháp hạnh của Như Lai để làm tiêu chuẩn phát tâm cho Đại thừa Bồ-tát.
2- Thưa hỏi về những Bồ-tát phát tâm thanh tịnh ấy, làm sao xa lìa được các bệnh, chẳng lạc tà kiến.
Hai điểm trên đây đã bao quát được ý chỉ của các chương sau, nên bổn chương là căn bản của toàn Kinh mà lời thưa thỉnh của ngài Văn Thù là tổng hỏi toàn Kinh vậy.
Đoạn a2, là lời Đức Phật hứa khả giải đáp câu hỏi của ngài Văn Thù. Chữ BẤY GIỜ là chỉ cho thời gian sau ba lần thưa thỉnh đã xong. Nói trùng điệp hai lần: QUÝ THAY ! QUÝ THAY ! Là vì lời thưa thỉnh của ngài Văn Thù rất hợp Lý và hợp Cơ, nên Đức Phật nói trùng điệp như vậy để tăng thêm lời khen ngợi và rất hoan hỷ hứa khả. THIỆN NAM TỬ là tiếng xưng hô của Phật đối với các vị Bồ-tát và chúng đệ tử, chứ không phải tiếng gọi giữa nam và nữ đối đãi nhau. ĐƯỢC CHÁNH TRỤ TRÌ là được ở trong Bổn khởi Nhơn địa của Đức Phật mà thực hành theo Chánh pháp để an trụ, nhậm trì. NGHE KỸ là khi Đức Phật đã nhận lời giãi bày, nên nhắc ngài Văn Thù và Pháp chúng phải lắng nghe cho chín chắn. YÊN LẶNG thì tâm sẽ chuyên chú và cũng không làm động niệm kẻ khác. Đây chính là nghi thức trong khi nghe pháp vậy.
Đoạn a3, là lời giãi bày chính thức của Đức Phật. Trong đoạn này có chia làm hai tiểu đoạn:
Đoạn b1: Đức Phật trình bày tổng quát về tánh Viên giác Đại Đà-la-ni.
Đoạn b2: Đức Phật riêng nói về Vô minh và Giác tướng. Trong đoạn này lại có chia làm ba đoạn nhỏ nữa:
Đoạn c1: Đức Phật giảng giải về Vô minh.
Đoạn c2: Đức Phật chỉ bày về Giác tướng.
Đoạn b3: Đức Phật kết thúc lời giãi bày.
Vô thượng Pháp vương chính là biệt danh của Phật. Vì Phật đối với tất cả pháp không bị chúng ràng buộc, trái lại còn làm chủ được tất cả pháp, nên gọi Phật là Pháp vương. Thật sự thì tất cả chúng sanh đều có tâm thức, hễ muốn điều lành thì được điều lành, cầu điều nhơn thì có điều nhơn; muốn làm Thánh sẽ là Thánh, muốn làm Hiền sẽ là Hiền, vẫn có sức tự chủ, tự giác. Vì thế, chúng sanh vẫn có cái quyền quyết định lựa chọn, như trong Lăng Nghiêm nói: “Tâm sanh chủng chủng pháp sanh, tâm diệt chủng chủng pháp diệt”. Cho nên, khởi tâm động niệm, cái kết quả nhứt định từ nhân mà ra. Như vậy, tâm thức của chúng sanh đâu không đầy đủ cái nghĩa PHÁP VƯƠNG rồi ư? Tuy nhiên, ở địa vị chúng sanh chưa thể phát hiện đúng mức, nên bị hạn cuộc, còn cần phải hướng thượng để tiến tu, phát huy cho cùng cực, đến quả vị Phật mới được cứu cánh viên mãn. Do đấy Phật mới là bậc VÔ THƯỢNG PHÁP VƯƠNG.
ĐÀ LA NI có chia làm bốn loại:
1- Pháp Đà-la-ni: Như đề cử một chữ, một tên hay một câu thì bao quát tất cả chữ, tất cả tên hay tất cả câu.
2- Nghĩa Đà-la-ni: Như nói: CHƠN NHƯ, DUY TÂM, DUY THỨC, PHÁP GIỚI v.v… thì gồm nhiếp bao nhiêu nghĩa sai biệt của thế gian.
3- Định Đà-la-ni: Định tức là Tam muội, cũng gọi là Tam-ma-địa. Có ý nghĩa là tinh thần chuyên chú. Thí như tập trung tâm lý của quốc dân để xu hướng cùng một mục đích đồng nhứt, thì sẽ có một lực lượng vĩ đại. Tuy nhiên, định có cạn sâu không đồng mà việc tập trung tinh thần kia là một, nên chúng sanh có thể tập trung tinh thần để thành các thứ định.
4- Chú Đà-la-ni: Chú là chú trớ, là lời kỳ đảo khẩn thiết, cũng tức là đem tâm linh phó thác hoàn toàn ở nơi lời nói và phát ra trong khi tập trung tinh thần, giữa lúc Tự và Tha đã phát khởi, thì sự lãnh thọ mới có thể cảm ứng. Người đời phát lời thề nguyền cũng do ý này. ĐÀ LA NI trong Kinh này nói thuộc về NGHĨA ĐÀ LA NI trong bốn loại Đà-la-ni. Mặc dù thuộc về Nghĩa Đà-la-ni, nhưng vẫn thông cả ba loại Đà-la-ni kia.
Đà-la-ni tên là Viên giác, nhưng vì nghĩa của Viên giác rất là rộng lớn, nên gọi là ĐẠI VIÊN GIÁC. Lại chữ GIÁC trong đây không phải chỉ có một nghĩa, mà còn có: GIÁC TÁNH, GIÁC TƯỚNG và GIÁC HẠNH. Cũng không phải là đối với MÊ mà gọi là GIÁC. Vì vậy, khi nêu lên hai chữ VIÊN GIÁC tức là đã gồm nhiếp tất cả pháp, giúp nhau, thành nhau([1]), viên biến không sót. Cái nghĩa gồm nhiếp tất cả này, xưa nay vẫn y nhiên, chẳng phải khi đến Phật quả mới tạo thành. Nhưng phải đến Phật quả nó mới phát hiện cùng mức. Cái nghĩa tổng nhiếp xưa nay đã như thế, thì tất cả pháp thanh tịnh xa lìa sanh tử trần cấu như: Pháp Chơn như thật tánh, pháp Tứ trí Bồ-đề, pháp Niết-bàn tịch tịnh, pháp Ba-la-mật-đa đâu không viên nhiếp? Nên trong văn Kinh nói rằng: “LƯU XUẤT TẤT CẢ”. Do đó, Viên giác Đà-la-ni tức là pháp Tổng trì tất cả công đức vô lậu không thể nghĩ bàn, Đức Phật đem nó dạy trao cho Bồ-tát.
Vì cớ sao? Vì tất cả Nhơn địa bổn khởi của Như Lai đều y nơi Giác tướng thanh tịnh viên mãn sáng suốt khắp chiếu này làm cảnh. Bồ-tát muốn đến Phật quả cũng phải y nơi nghĩa lý của môn Viên giác Đà-la-ni tổng trì tất cả công đức thanh tịnh này mà làm tướng cảnh giới để phát khởi trí chiếu cảnh. Đây chính là trong Kinh Lăng Nghiêm đem Giác tánh nơi QUẢ ĐỊA mà làm cái tâm nơi NHƠN ĐỊA. Bồ-tát phát tâm như vậy, nên được nhân quả tương ưng, thẳng chứng Bồ-đề, chẳng khác nào trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Nhơn địa của Bồ-tát tức từ nơi Viên giác Phật quả mà khởi ra nguyện tâm. Ấy là thẳng lấy Phật quả mà khởi ra nguyện tâm. Ấy là thẳng lấy Phật quả làm cảnh. Vì vậy mà bổn nghĩa của Kinh này là PHẬT QUẢ.
Các loại Kinh điển khác đều tùy thuận chúng sanh phương tiện khai thị, khiến cho chúng sanh dần dần đạt đến Phật quả; còn Kinh này thì nói thẳng cảnh Phật làm cho chúng sanh quên cái tâm chúng sanh của mình mà biến làm tâm Phật để thẳng đến Phật quả, nên Kinh này là ĐỐN GIÁO ĐẠI THỪA. Người lợi căn chẳng phải quanh co, chỉ vì chẳng tự tin nơi tâm mình, nay nghe lời Phật dạy như thế nào tin theo như thế ấy, nếu được trong một niệm quyết định tương ứng với Phật trí, thì ngay đó chính là Phật rồi. Nhưng chỉ vì vô minh tập khí chưa thể tận diệt nên phải cần dụng công làm cho nó dứt hẳn mới thành được Phật đạo.
Trong đoạn c1, riêng chỉ bày về vô minh. Câu: “Thế nào là vô minh?” là nêu lên câu hỏi VÔ MINH sanh khởi từ đâu để tự giải thích. Ý nói rằng: ĐẠI QUANG MINH TẠNG đã là cái mà chúng sanh xưa nay sẵn đủ tánh Giác địa thanh tịnh, vì sao chúng sanh trái với QUANG MINH này mà chuyển làm VÔ MINH, nên phải nêu lên để giải thích. Chữ “Chúng sanh” ở trong đây là chỉ cho chúng sanh trong chín cõi, nên gọi là TẤT CẢ. VÔ THỈ là xưa nay sẵn có chẳng phải mới có.
Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến giờ bị các thứ điên đảo, nên chuyển tánh ĐẠI QUANG MINH trở thành VÔ MINH BẤT GIÁC, chẳng khác nào người mê, nhận Đông làm Tây, nhận Nam làm Bắc, sự lầm lộn này do người mê tự mình lầm lộn, chớ phương hướng thật không hề dời đổi.
Trong đây hai chữ ĐIÊN ĐẢO là nói chúng sanh bỏ mất cái Pháp thân thanh tịnh bình đẳng mà vọng nhận cái giả tướng do bốn duyên Đất, Nước, Gió, Lửa hiệp thành lấy đó làm Thân và cũng quên mất cái Giác tâm thanh tịnh “Bản diệu Viên diệu” mà vọng nhận cái bóng dáng phân biệt duyên trần cho đó là Tâm, rồi chấp ngã, chấp pháp, do đây tùy thuận vô minh bất giác mới khởi ra hai phần Kiến - Tướng. Lại vì mê nơi Kiến - Tướng này mà phát sanh ra hai chấp Ngã - Pháp. Chẳng khác nào bỏ BIỂN nhận BỌT, rồi lại nhận BỌT làm BIỂN. Vì thế gọi là ĐIÊN ĐẢO. Nên trong Kinh văn, Phật đưa ra thí dụ CON MẮT BỆNH. Do vì mắt bệnh, nên thấy trong không có Hoa và thấy bên mặt trăng thật có mặt trăng thứ hai.
Hư không là dụ cho Chơn lý, con mắt là dụ cho Chơn trí, cuồng hoa là dụ cho Thân, mặt trăng thứ hai là dụ cho Tâm.
Đã biết vì bệnh mắt nên thấy có không hoa và mặt trăng thứ hai là vọng, thì sẽ biết được con mắt không bệnh thấy hư không và mặt trăng là thật. Vì vậy, tiếp theo Đức Phật đem hai thí dụ trên để hợp pháp, nên trong văn Kinh tiếp theo: “Hư không thật không có hoa do con mắt người bệnh vọng chấp mà có; do vì vọng chấp, chẳng những lầm tự tánh hư không này vốn không có tướng hoa mà còn mê nơi hư không kia thật sanh ra hoa”.
Ở đây, chúng ta cũng có thể đem cái dụ mặt trăng để hợp pháp: Mặt trăng, thật không có mặt trăng thứ hai, do ngón tay đè, vọng chấp mà có, do vì vọng chấp, chẳng những mê tự tánh của mặt trăng thật này mà còn mê nơi kia thật sanh ra mặt trăng thứ hai.
Hai dụ trên đã rõ, chúng ta có thể biết được Giác tánh vốn không có thân tâm, vì người mê vọng nhận, do vì vọng nhận, chẳng những mê Tự tánh Viên giác này mà còn mê nơi kia (tánh Viên giác) sanh ra thân tâm. Nay đã chẳng biết Tự tánh Viên giác vốn không, lại cũng không biết tự tánh của thân tâm từ đâu mà có. Ở đây, chấp KHÔNG làm CÓ, nhận HUYỄN làm CHƠN, tùy thuận vô minh khởi Hoặc tạo Nghiệp. Do đó vọng có LUÂN CHUYỂN SANH TỬ. Ba thứ Hoặc, Nghiệp và Khổ này đều do mê ĐẠI QUANG MINH TẠNG mà khởi. Như vậy là ĐẠI QUANG MINH TẠNG đã chuyển làm VÔ MINH NGHIỆP THỨC, nhưng Vô minh nghiệp thức chỉ là hư huyễn, nên tiếp theo, Đức Phật nói: “Vô minh này chẳng phải có thật thể”. Vô minh vốn không thật thể, nên có Trí huệ chiếu soi liền diệt. Nếu như vô minh quả có thật thể, nhứt định không thể diệt được. Nhưng vì nó là Y Tha khởi tánh, có thể MÊ mà cũng có thể GIÁC. Thể Giác vốn không sanh diệt, như người ngủ chiêm bao; khi chiêm bao chẳng phải là không, nhưng đến chừng tỉnh giấc rõ ràng không có gì hết.
Trong đây, Người là dụ cho Bản giác, Mộng là dụ cho Bất giác, Tỉnh là dụ cho Thỉ giác. Nhân ngủ mà có chiêm bao, ngủ mùi rồi tỉnh giấc, những việc ấy không can hệ gì đến Người; do đây mà có thể biết: Nhân MÊ mà có BẤT GIÁC, nhân NGỘ mà có THỈ GIÁC, tất cả cùng với BẢN GIÁC cũng không can hệ. Lại hoa diệt ở trong hư không, chẳng thể nói rằng: “Các hoa ở nơi hư không thật có, có thể diệt”. Do vì ở trong không, thật không có sanh ra hoa. Như thế, chúng ta có thể biết: Hoa khởi, hoa diệt đều thuộc về con mắt có bệnh cùng không bệnh mà thôi, chứ không can hệ gì đến hư không. Tất cả chúng sanh nhân vì vô minh mà ở trong vô sanh vọng thấy có sanh có diệt, thế nên nói rằng: “Luân chuyển sanh tử”, nhưng chẳng phải là Giác tánh thật có sanh tử luân chuyển.
Đoạn cực, là Đức Phật chỉ bày về Giác tướng. Trong đoạn này, từ câu: “Thiện nam tử !... đến …vì bản tánh không”, là Đức Phật xác định lại một lần nữa: “Vô minh hằng dứt Phật đạo mới thành”. Ý Đức Phật dạy rằng: “Như lời ông hỏi: Bổn khởi Nhơn địa của Như Lai tu nơi Viên giác, mà tánh Viên giác thật không thể tu, do chúng sanh bệnh mắt, vọng chấp không hoa cho là thật có, nên theo tướng hoa mà luân chuyển, vọng thấy thân tâm thật có sanh tử; Như Lai dùng Trí huệ giác chiếu vô minh kia vốn không, tướng không hoa liền diệt, thì không còn theo tướng hoa luân chuyển, cũng không thân tâm thọ các sự sanh tử”. Như trong Bát Nhã Tâm Kinh gọi là: “Chiếu thấy năm uẩn đều không, khỏi tất cả khổ ách”.
Nhưng đây nói không sanh tử, chẳng phải như hàng Thanh-văn phân tách nó mới thấy không; chẳng phải như hàng Duyên-giác suy cùng nó mới thấy không; cũng không phải như hàng Tam Hiền Bồ-tát làm các thứ huyễn hạnh để diệt nó mới thấy không, mà chỉ ngay nơi đó chiếu thấy Giác tâm thanh tịnh, thân tâm vắng lặng bản lai tự không, nên chẳng theo sanh tử luân chuyển. Vì thế, mới nói rằng: “Chẳng phải tạo tác nên không, vì bản tánh không”. Bởi vì cái tánh “Minh viên minh giác” vốn không tất cả hư vọng, tức là “Vô minh hằng dứt Giác đạo mới thành”.
Từ câu: “Cái Tri giác kia cũng như hư không… đến …ấy mới gọi là tùy thuận Tịnh giác”. Vì e cho chúng sanh nhận giặc làm con, nên ở đoạn này Đức Phật đặc biệt chỉ bày Giác thể “liễu liễu thường tri”, chẳng lạc vào CÓ, KHÔNG mới là Tri giác chơn thật, đại triệt đại ngộ. Ngài chỉ rõ rằng: “Mặc dù nói: Biết là không hoa liền không luân chuyển”, ắt cần phải không còn thấy cái tướng BIẾT mới là cái BIẾT chơn thật; nếu còn thấy có cái tướng BIẾT vẫn là cái BIẾT huyễn hóa. Vì THỂ của cái BIẾT chơn thật cũng như hư không, chẳng thể đem cái BIẾT CÓ mà luận, cũng không thể đem cái BIẾT KHÔNG mà bàn. Chữ “Tri giác” ở trong câu này là chỉ cho cái “Giác” biết là không hoa ở đoạn trước. Cái TƯỚNG của GIÁC này cũng như hư không; hư không vốn không có các hoa, Tịnh giác vốn không có vọng niệm. Cái BIẾT HƯ KHÔNG là chỉ cho cái “Tâm liễu tri giác tướng”. Vì nó vẫn còn là TƯỚNG gọi là PHÂN BIỆT, nên vẫn là vọng niệm, nên nói là: “Tức tướng không hoa”. Tri giác đã không thể được thì “không tri giác” đâu có thể an lập. “Không tri giác” tức là chẳng phải tự tướng của Tri giác, nên nói rằng: “Cũng không thể nói không tánh Tri giác”. Thế thì làm sao biểu thị được Chơn tâm? Nên biết rằng: Nói CÓ, nói KHÔNG đều thuộc về thiên chấp, đối đãi chẳng phải là Giác tánh. CÓ - KHÔNG đều trừ thì cái tâm đối đãi không do đâu tồn tại. Đây chính là tùy thuận Tịnh giác, nên Kinh văn nói rằng “Ấy mới gọi là Tùy thuận Tịnh giác”. Tịnh giác tức là GIÁC TƯỚNG THANH TỊNH VIÊN CHIẾU.
Từ câu: “Vì cớ sao?... đến …cùng khắp mười phương” là nói: Vì sao phải trừ khử CÓ và KHÔNG? Vì Giác tánh thanh tịnh liễu liễu thường tri chẳng từng MÊ mà cũng chẳng từng GIÁC, xa lìa tất cả nên phải quán Giác tướng thanh tịnh cũng như hư không. Hư không có nghĩa là phổ biến và không chướng ngại. Vì THỂ của Giác tướng là thường tịch diệt tướng, cũng như hư không thường tự không động; DỤNG thì trong Như Lai tạng đầy đủ tất cả tướng công đức, không có khởi diệt, viên dung hư minh, nhứt chơn tuyệt đối, ngôn ngữ, tư tưởng không thể đến được, nên không tri kiến, NHƯ TÁNH PHÁP GIỚI, vì tất cả PHÁP GIỚI đều là tánh Chơn như, mà GIÁC TÁNH này lại lấy PHÁP GIỚI làm tánh, nên RỐT RÁO VIÊN MÃN CÙNG KHẮP MƯỜI PHƯƠNG.
Đoạn b3 là kết thúc lời đáp câu hỏi của ngài Văn Thù. Đức Phật dạy rằng: Nếu như Bồ-tát trong lúc tu nhân, y nơi Giác tướng thanh tịnh viên chiếu này làm nhân, đó là Chánh nhân, trái lại là Tà nhân; chúng sanh đời sau y nơi Giác tướng thanh tịnh này mà khởi hành sẽ được chánh Trụ trì, chẳng vậy đều lạc vào tà kiến.
Trong lời Trùng tụng: Câu “Bèn dùng Trí huệ giác”, Trí huệ giác là chỉ cho Giác tướng thanh tịnh viên chiếu. Câu: “Thành đạo cũng không được” là nói: Tánh Viên giác là bổn tế bình đẳng, Giác địa thanh tịnh của các chúng sanh khi thành đạo mới chứng đến chỗ cứu cánh. Tánh này không phải từ bên ngoài đến, cũng không phải mới phát khởi, xưa nay sẵn có, nên nói là: “Không được”.