KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.26. ĐỘC THỌ LỢI DƯỠNG GIỚI
(giới riêng thọ
lợi dưỡng)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử tiên tại tăng phường” cho đến câu “...phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu Phật tử ở
sẵn trước trong tăng phường, hoặc nơi thành ấp, nhà cửa của tăng hay của vua,
nhẫn đến chỗ kiết hạ an cư, hoặc trong đại hội... Lúc sau nếu thấy có khách Bồ
Tát tỳ kheo đến, chư tăng ở trước phải rước đến, đưa đi, cung cấp các thứ đồ
uống ăn, đồ nằm, thuốc men, nhà cửa, phòng, giường, ghế v.v...
Nếu tự mình
không có đủ thời phải bán thân, bán con cái, lóc thịt thân mình mà bán để sắm
đồ cung cấp cho những khách tăng ấy. Nếu có thí chủ đến thỉnh chúng tăng đi thọ
trai, nếu vị khách tăng đó có dự phần, vị Trị Sự phải theo thứ tự phái khách
tăng đi thọ trai.
Nếu chư tăng đến
ở trước đi thọ trai riêng, mà vị khách tăng không được mời đi thì vị Trị Sự mắc
vô lượng tội, không xứng đáng đứng trong hàng sa môn, không phải giòng Thích
Tử, không khác gì loài súc sanh. Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng:
Làm chủ trong
đại chúng phải có lòng đại lượng, cho nên không được trái với luật nghi. Điều
này giới trước đã thuyết minh.
“
Tăng lữ đồng
chung sống, điều tối yếu là cần phải đủ đức Lục Hòa. Tức là chẳng những pháp vị
đồng chung hưởng mà còn phải lợi hòa đồng quân phân. Nếu chỉ pháp vị đồng cộng
hưởng, mà lợi dưỡng không đồng quân triêm (triêm: chấm vào) thì đại chúng không
thể nào có sự hòa vui khi cùng nhau chung sống, lại còn có sự ô uế giống như
thế tục không thể tưởng được. Điều này trong tăng đoàn, chúng Thanh Văn còn
phải cố gắng tránh cho kỳ được, huống chi là vị Bồ Tát lấy lợi tha làm yếu vụ.
Vì thế, đối với khách Bồ Tát tỳ kheo đến chùa, người làm chủ phải dùng lễ chủ
tân mà tiếp đãi, không nên có chút thiếu sót, bỏ qua. Nếu không dùng tâm bình
đẳng đối đãi với khách tăng, thậm chí lại có ý khinh miệt, thì tội lỗi ấy rất
nặng.
Vì thế, Đức Phật
dạy chư tăng cư ngụ trước, phải tiếp đãi khách tăng từ bốn phương đến thật tử
tế, giúp cho quý vị đỡ bớt sự mệt nhọc lúc đi đường, để sau khi cởi bỏ hành lý,
liền có thể an tâm hành đạo. Như thế mới thực sự là tiếp đãi khách tăng chu
đáo, hợp với nghĩa đồng sự, đồng đạo.
Trong bộ Nam Hải
Ký Quy Truyện của Nghĩa Tịnh Tam Tạng Pháp Sư nói: “Khi Phật còn tại thế, Ngài
quy định rằng: Khi có khách tỳ kheo đến đạo tràng, vị tỳ kheo trụ trì nhất định
phải xướng lên: ‘Thiện lai!’ để biểu thị ý hoan nghênh. Do vậy từ xưa đến nay,
quy luật của các tự viện ở Ấn Độ mỗi khi thấy tỳ kheo mới đến, bất cứ là khách
tăng hay cựu trụ tăng, hoặc hàng đệ tử đã cư ngụ trước kia, chư tăng ở tự viện
trước phải tức khắc đến trước mặt khách hoan nghinh và xướng rằng: ‘Sa Yết Đa!’
(thiện lai!) Vị khách tăng được hoan nghinh cũng phải đáp lại rằng: “Tột sa yết
đa!” (cực thiện lai). Nếu 2 bên không xướng họa như thế là trái với quy luật
của nhà chùa, cũng như trái phạm lời dạy trong Luật. Vì vậy, điều này các tự
viện Ấn Độ ngày xưa rất xem trọng!”
Quy luật của các
tòng lâm bên Trung Hoa, chư Tổ cũng chế định: Khi nào các vân thủy tăng trong
mười phương đến trú ngụ, chư Tăng đến ở trước nhất định không được cự tuyệt mà
phải tùy theo số khách tăng, lo chuẩn bị chu đáo tất cả những nhu dụng như trà,
nước, thức ăn uống, chỗ nghỉ ngơi v.v... và phải thật tận tâm chiếu cố”.
Riêng y bát và
hành trang, các vị vân thủy tăng phải mang theo bên mình. Nhà chùa các nơi
không có bổn phận phải lo những điều này. Đây là phương tiện rất lớn, giúp cho
quý vân thủy tăng lúc đi tham phỏng.
Sao gọi là vân
thủy tăng?
Vì các vị hành
cước tăng này, chân rảo bước khắp bốn phương, tìm minh sư, thiện hữu để tham
phỏng, cũng như mây trôi nước chảy, nên gọi là Vân Thủy Tăng.
Theo lời Phật
dạy: “Các thứ uống ăn trong chùa vốn là phổ đồng cúng dường cho chúng tăng ở
mười phương”. Nhưng vì sự dụng tâm của người không đồng nhau, nên đối với khách
tăng, có người thì biểu lộ ý hoan nghênh, có người lại đóng cửa ngăn cản không
cho vào. Vị trước, đương nhiên là hành đúng theo lời Phật dạy. Hạng người sau
là làm trái lời dạy của chư Phật, làm tổn phước của đàn việt, tổn hại nhân tình
và làm bế tắc bước đường hành cước của chúng Tăng trong mười phương. Tội này
rất lớn, không thể nói được.
Kinh Phật Tạng
dạy: “Một phần quang minh trong tướng bạch hào của Như Lai đủ để cung cấp cho
tất cả đệ tử xuất gia cũng không thể thọ dụng hết được”. Như vậy, chúng Tăng
trong các tự viện có thiếu thốn chi mà phải lo buồn? Tại sao tự mình riêng thọ
sự cung cấp mà không cung cấp cho khách tăng?
Nên biết rằng:
“Nhất phần La Hán, nhất phần trai”, nghĩa là thêm một vị La Hán là có thêm một
phần trai phạn cho Ngài. Nên hiểu rõ như vậy, đừng lo đông người mà không có
vật thực. Tâm lượng càng rộng lớn thì sự sinh sống càng dồi dào. Nên lo cho sự
thiếu thốn là không thành vấn đề.
Đức Phật dạy đại
chúng rằng: “Nếu là một Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, là người đến ở trước trong
tăng phường tức chúng xuất gia từ trước đến nay ở trong tự viện ấy. Sau đó, nếu
có khách Bồ Tát tỳ kheo đến nơi tăng phường, xá trạch, thành ấp, hoặc nơi nhà
của quốc vương, nhẫn đến chỗ kiết hạ an cư cùng trong đại hội. Ở những nơi nói
trên, khi thấy có khách tăng đến sau, chư tăng ở trước đều phải đứng dậy nhường
chỗ ngồi để tỏ ý cung kính nhau”.
“Tăng phường” là
nơi già lam của chúng xuất gia Thanh Văn hoặc chúng xuất gia Bồ Tát cư trú.
“Trạch xá” (nhà
cửa) là chỗ của các Phật tử tại gia hoặc Bồ Tát tại gia cư ngụ, cũng có thể nói
là nhà của các cư sĩ sắp đặt, sửa sang, trang hoàng để chúng tăng cư trú và
hành đạo.
“Nhà của vua”
chỉ nơi do vua xây cất, tạo lập cho chúng tăng cư trú để tu hành cho được an
ổn.
“Hạ tọa an cư”
(kiết hạ an cư) còn gọi là “tọa hạ” hay “tọa lạp”, là ý nghĩa an cư. Theo phép
dùng lịch của Ấn Độ, một năm chia làm ba mùa. Trong Phật pháp cũng y theo đó mà
ấn định ba mùa:
- Từ mười sáu
tháng Giêng đến mười lăm tháng Năm là mùa nóng.
- Từ mười sáu
tháng Năm đến mười lăm tháng Chín là mùa mưa.
- Từ mười sáu
tháng Chín đến mười lăm tháng Giêng là mùa lạnh.
Trong mùa Mưa,
các tiểu trùng sanh sảnh và hoạt động rất nhiều. Nếu chúng Tăng mang bình bát
đi khất thực, sẽ làm thương hại đến chúng sanh và như vậy thế nhân sẽ chê bai,
hủy báng. Do đó, việc cử hành lễ Kiết Hạ An Cư trong thời gian này, chẳng những
tránh được việc làm thương hại đến chúng sanh bên ngoài, lại còn có thể tu
dưỡng được thân tâm của mình bên trong.
Trong kinh văn
dùng từ “nhẫn đến” là từ ngữ có tích cách khái lược, vì trụ xứ của chúng Tăng
rất nhiều, không thể nói hết được, nên phải dùng từ này để diễn đạt.
Một nơi
nào bất kỳ nếu được dùng làm nơi tạm trú trong thời gian nhập hạ, đều gọi là
“chỗ kiết hạ an cư”.
Kinh văn
dùng hai chữ “đại hội” là chỉ nơi pháp hội giảng nói chánh pháp hoặc trai hội
được thiết lập để cúng trai tăng.
(Sáu nơi
đi đến của khách Bồ Tát tỳ kheo là tăng phường, xá trạch, thành, ấp, nhà của
quốc vương, trong bản dịch Việt văn nói gọn là ba nơi là nơi thành ấp, nhà cửa
của tăng hay của vua...)
Vì các
tăng nhân đã ở trước nơi tăng phường thuộc về vai vế chủ nhân, cần phải thể
hiện tròn bổn phận của người làm chủ. Nên khi trông thấy khách Bồ Tát tỳ kheo
đi đến chỗ của mình, chẳng những phải đưa rước trước sau như một, không thất lễ
nghi, lại còn phải cung cấp thức ăn uống đầy đủ. Cho nên kinh văn dạy tiếp
theo: “Cung cấp cho những đồ uống ăn”.
Thêm nữa, để
giải quyết vấn đề sinh sống của con người, không phải chỉ gồm bao nhiêu thứ kể
trên là vừa đủ, mà còn phải lo chỗ nơi cho khách tăng nghỉ ngơi. Đó là vấn đề
phòng xá. Chiều tối, sự ngủ nghỉ phải dùng tọa cụ cùng mùng mền, chiếu gối
v.v... Đêm ngủ thì phải đơn, giường. Chẳng hạn giường dây để khách tăng tọa
thiền, giường cây để chư vị nằm kiết tường ngơi nghỉ. Lại còn những thứ linh
tinh như đèn, nến, nước nôi... cũng phải chuẩn bị đầy đủ để quý vị có việc cần
dùng. Những nhu yếu cho khách tăng có thể nói là rất nhiều, không thể kể hết,
nên tùy theo chỗ nhu cầu mà lo sắm sửa. Cho nên kinh văn đặc biệt đúc kết vấn
đề là “sự sự cấp dữ” (tất cả mọi việc đều phải cung cấp) để cho khách tăng
không cảm thấy có chỗ bất tiện hoặc thiếu thốn trong lúc ở trọ.
Trong Luật dạy
sự cung cấp cho khách tăng chẳng những không được lẫn tiếc một món chi, lại còn
phải theo đúng pháp cúng dường. Tại sao vậy?
Vì chỉ có thực
hành như vậy mới có thể gọi là người Phật tử biết tôn trọng pháp môn và cũng
làm tròn bổn phận của người làm chủ trong tăng phường. Đối với bản thân riêng
mình, thì nên tiết kiệm, nhưng với sự chiêu đãi khách tăng, thì không được quá
ư kiệm phác (tằn tiện một cách chất phác).
Ở đây có người
nói rằng: Theo Luật dạy như trên thì đúng rồi! Nhưng trong trường hợp thường
trụ có sẵn tài vật để cúng dường cho khách tăng thì không nói gì, nhưng ngược
lại, nếu thường trụ không có sẵn tài vật thì lấy gì để cúng dường?
Nếu bạn tự nhận
mình là một hành giả cầu Bồ Tát đạo, nếu tự mình không có tài vật, thì phải bán
y vật của mình để mua sắm vật dụng, cung cấp cho khách tăng. Giả sử luôn cả y
vật cũng không có, thì phải bán thân mình để mua sắm vật cúng dường cho khách
tăng. Làm như thế không phải là bắt buộc, nhưng chỉ là để chứng tỏ tâm chí
thành của bạn đối với khách tăng.
Vấn đề bán thân
để cúng dường cho khách tăng bao gồm hai giới xuất gia và tại gia, vì mọi người
đều có thân. Chẳng những bán đợ thân thể của mình, mà cho đến thân con trai, con
gái cũng bán để cung cấp cho khách tăng.
Điều này thuộc
về hàng Bồ Tát tại gia vì Bồ Tát xuất gia không có vợ con. Hơn nữa, chẳng những
bán đợ thân mình, chịu nhiều khổ cực mới thu được số tiền lo sự nhu dụng cho
khách tăng, mà nếu cần, cũng phải lóc thịt thân mình mà bán để được số tiền mua
sắm các thứ cung cấp cho khách tăng, không được có tâm lẫn tiếc mảy may. Thử
tưởng, với sanh mạng còn phải hy sinh đem bán, hoặc lóc thịt đem bán để cúng
dường cho khách tăng, huống chi tiền của là vật ngoài thân, lại càng không đáng
tiếc hơn nữa. Đức Phật chế giới này và ân cần dạy bảo đến mức ấy. Chúng ta là
đệ tử Phật lẽ nào lại xem thường!
Trong kinh dù
chỉ nói về Bồ Tát tỳ kheo, nhưng Thanh Văn tỳ kheo nếu có phần lợi dưỡng, cũng
phải cung cấp cho tất cả như thế, không được biếng nhác, lơ là. Còn chúng Phật
tử tại gia, dù không có phần lợi dưỡng, nhưng đứng về phương diện cung cấp cho
khách, thì bổn phận của người làm chủ, Bồ Tát tại gia cũng phải cung cấp tất cả
sự nhu dụng.
Nếu có đàn việt
(thí chủ) đến thỉnh chúng Tăng, khách Tăng cũng có một phần lợi dưỡng trong
đó.
Chữ Đàn, Trung
Hoa dịch là Thí. Chữ Việt có nghĩa là vượt qua. Nghĩa là bất cứ ai, nếu phát
tâm bố thí để cứu giúp sự khó khăn của người, thì người ấy sẽ vượt qua được bể
khổ nghèo cùng.
Khách tăng là
những vị thí chủ không định trước, là tất cả chư Tăng hành cước từ mười phương
đến, không phân biệt Đại Thừa Bồ Tát hay Tiểu Thừa Thanh Văn tăng. Trong kinh
văn nói đến “dự phần lợi dưỡng” nghĩa là những tài vật của đàn việt cúng dường,
bố thí như y phục, thực phẩm, cùng những đồ vật khác. Dù là thỉnh tất cả chư
tăng hay chỉ hạn định thỉnh một số chư tăng, thì những tài vật ấy thông cả mười
phương thánh phàm, không luận khách chủ. Tất cả đều bình đẳng, nên đương nhiên,
khách Tăng cũng có một phần lợi dưỡng trong ấy.
Của tín thí là
của chung khắp mười phương thì chúng tăng cũng phải như nước với sữa hợp một,
chung cùng tiếp thọ tài vật cúng dường ấy. Nếu thí chủ không thể thỉnh tất cả
chư tăng thì thỉnh năm vị, mười vị, hoặc trăm vị. Đức Phật dạy chúng Tăng phải
theo thứ tự mà đi thọ trai. Vì thế, vị làm chủ tăng phường phải thể theo từ ý
của Phật dạy, nhất nhất đều phải căn cứ theo thứ tự cử khách tăng đi thọ trai,
không được lựa chọn khách tăng hay cựu trụ tăng. Cũng không được tùy theo ý mình,
ưa thích ai thì cử đi thọ trai, không ưa thích thì không cử đi thọ cúng
dường.
Chúng ta thử suy
xét, theo lời Phật dạy, nếu tự mình không có tài vật còn phải đem thân đi bán,
hoặc đợ, ngay đến việc lóc cả thịt trên thân để mua sắm thực phẩm, vật dụng cung
cấp, cúng dường khách tăng để tỏ lòng cung kính. Trong khi hiện tại có đàn việt
thỉnh đi thọ trai mà lại không y theo thứ tự cử khách tăng đi, thì còn gì là
đạo lý? Dù như thế nào, với tội lỗi này, không thể nào cho thông qua được. Vì
thế, nếu chư tăng đã ở trước quả thật có tâm tư dụng, riêng đi thọ trai mà
không cử khách tăng đi, thì vị chủ tăng phường ấy mắc vô lượng tội.
Tại sao kết tội
quá nghiêm khắc như vậy?
Theo kinh
Ngũ Bách Vấn nói: “Chúng tăng ăn phần của mình đã hết, lại ăn phần của người
khác, được no một bữa thì phạm tội Ba La Di, nếu không no thì phạm tội
đọa”.
Trong kinh Phạm
Võng Sơ Tâm cũng nói: “Chúng cựu trụ thọ dụng thức ăn uống, cứ theo mỗi miếng
mà tính mức độ phạm tội, còn nếu nhận tài vật của thí chủ cúng dường thì cứ
tính theo giá tiền mà quy tội” (nghĩa là từ năm tiền trở lên thì phạm Ba La Di,
không đủ năm tiền thì phạm tội nhẹ). Tội lỗi của chúng đều do nơi người làm
chủ.
Cho nên trong
kinh nói: “Vị chủ tăng phường mắc vô lượng tội” (chủ tăng phường trong bản Việt
văn dịch là “trị sự”). Hơn nữa, riêng đi thọ trai là do nơi tâm tham, không cử
khách tăng đi là do nơi tâm sân. Dù tham hay sân, đều gồm có si trong ấy. Như
thế, tam độc tăng trưởng, vô lượng vô biên tội nghiệp do đó mà phát sanh. Vì
thế, người làm chủ trong đại chúng thọ sự thỉnh cúng của thí chủ, phải y theo
lời Phật dạy, phải theo thứ tự mà cử đi thọ trai. Nếu trái lời Phật dạy thì tội
không phải nhỏ.
Theo thứ tự cử
tăng đi thọ thỉnh, theo Luật dạy như vầy: “Căn cứ theo thứ tự thượng tọa tỳ
kheo. Thí dụ như ngày hôm qua cử vị thượng tọa này đi thọ cúng, thì ngày hôm
nay nên theo thứ tự luân phiên, cử vị thượng tọa khác đi. Tuyệt đối không được
đảo lộn thứ tự, đem người sau để ra trước mà cử đi. Nếu theo thứ tự đúng, là
đến phiên vị tăng ấy đi thọ trai mà người chủ tăng phường không cử vị ấy đi,
thì phạm tội khinh cấu.
Trường hợp đến
phiên vị tăng này đi thọ trai, bất ngờ có vị tăng thượng tọa đến. Đương nhiên
vị tăng được cử đi thọ trai ngày hôm nay phải nhường cho vị thượng tọa mới đến
đó đi thọ trai.
Trái lại, nếu
không có vị tăng nào mới đến, hiện tại đến phiên vị tăng nhân ấy được cử đi. Vị
chủ tăng phường cố ý không muốn cử vị tăng ấy mà lại riêng cử vị tăng khác đi,
như thế là không đúng với lời Phật dạy”.
Một vị Bồ Tát tỳ
kheo làm chủ trong chúng, nếu chỉ biết có ăn mà không biết theo thứ tự cử chúng
Tăng đi thọ cúng dường. Như thế, dưới thì không hợp với nhân tình, nên thuộc
vào hạng ngu si, không có trí huệ. Nên trong kinh dạy: “Không khác gì loài súc
sanh”. Loài súc sanh chỉ nghĩ đến việc ăn uống như bò, trâu, ngựa v.v... ăn cỏ,
uống nước, không biết gì về thứ tự trước sau. Giữa thì không đúng với pháp hòa
kính, không hợp với lễ nghi của Tăng. Nên trong kinh nói: “Không xứng đáng là
hàng Sa Môn”. Vì một vị Sa Môn chân chính, quyết không bao giờ thọ nhận sự cúng
dường một mình. Trên thì trái với từ ý của Phật. Vì từ ý của Phật là trọng đạo
pháp, chứ không trọng uống ăn. Hiện tại đã không biết trọng nơi thánh đạo, nên
trong kinh dạy: “Không phải dòng Thích tử”. Vì hành động này hoàn toàn trái với
lời trong Luật dạy, nên không được dung nạp trong pháp môn.
Chư Tăng ở trước
nơi tự viện, riêng đi thọ cúng dường mà không để ý cử khách tăng đi, trước tiên
là không lưu tâm nghinh tiếp, cung cấp đối với khách tăng, như vậy thì trái với
hạnh lợi tha của đại sĩ, kế đó là trái với tâm bình đẳng của thí chủ, nên trong
kinh kết luận: “Phật tử này phạm khinh cấu tội”.
Trường hợp thí
chủ không phải vì trai tăng, mà do những nhân duyên đặc biệt khác nên chỉ riêng
thỉnh các tăng nhân cựu trụ, thì chư tăng này riêng đi thọ sẽ không phạm
giới.
Hoặc vì thí chủ
không hoan hỷ khi trông thấy vị tăng nhân ấy nên vị chủ tăng phường không cho
đồng đi thọ trai. Trường hợp này cũng không phạm giới.
Trong kinh Tăng
Hộ, Đức Phật dạy Tăng Hộ tỳ kheo rằng: “Vào thời Đức Phật Ca Diếp, có một vị
tăng thường ở trong chùa. Một hôm, có người đàn việt mang thức ăn đến cúng
dường chúng tăng.
Lúc ấy, trong
chùa có một vị khách tăng lưu ngụ. Vị tăng này vì tâm keo kiết, không muốn cho
vị khách tăng thọ dụng, nên đợi cho vị khách tăng đi rồi mới đem vật cúng dường
chia cho vị cựu trụ tỳ kheo dùng. Đây ngờ thực phẩm kia đã bị hư thối sanh ra
giòi, chúng Tăng ăn không được, phải mang vất đi.
Do nhân duyên
này, sau khi mạng chung, vị tăng ấy bị đọa vào địa ngục, ăn các thứ phẩn uế. Từ
khi Đức Phật Ca Diếp nhập diệt cho đến nay, vẫn còn ở trong địa ngục thọ khổ
không dứt”.
Chúng ta thử
tưởng tượng tội không cho khách tăng đồng thọ dụng đồ cúng dường lớn biết dường
nào!
Giới này cả hai
chúng tỳ kheo và tỳ kheo ni nếu không tuân giữ thì đồng phạm tội. Còn năm chúng
Phật tử kia, nếu không có bổn phận coi việc chúng tăng thì không phạm.
Nếu khi chúng
Tăng nhờ phân chia thực phẩm, mà có cử chỉ thiên vị, người có, người không,
người hậu, người bạc thì cũng phạm tội khinh cấu.
Trong kinh Thiện
Sanh dạy: “Trong lúc chúng Tăng giao phận sự đi chia đồ ăn, khi chia, nếu riêng
vì thầy mình mà chọn lựa đồ ngon tốt, hay chia nhiều hơn số quy định, người ưu
bà tắc này phạm tội thất ý”.
Giới này đồng
ngăn cấm của Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa, tức là: dù Đại Thừa Bồ Tát hay Tiểu Thừa
Thanh Văn tăng đều phải cùng tuân giữ.