KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.27. THỌ BIỆT THỈNH GIỚI
(giới thọ nhận
sự biệt thỉnh)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược
Phật tử nhứt thiết bất đắc thọ biệt thỉnh lợi dưỡng nhập kỷ...”
cho đến câu
“...phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu là Phật tử, tất cả đều chẳng được nhận của cúng dường dành riêng cho mình. Của cúng dường này thuộc về thập phương Tăng. Nếu nhận riêng thời là lấy của Thập Phương Tăng đem về cho riêng mình. Và tài vật trong tám phước điền: chư Phật, thánh nhân, các sư tăng, cha mẹ và người bệnh, nếu tự mình riêng thọ hưởng, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng
Giới trước
nói về lỗi có tâm khinh mạn đối với khách tăng mới đến. Giới này nói về sự
không đúng trong việc tự mình thọ biệt thỉnh.
Phải biết rằng
nếu là một vị Bồ Tát, điều tối yếu là phải hòa hợp như nước với sữa, cùng sống
nếp sống hòa vui dung hợp.
Đức Phật dù đã
nêu ra sáu đại cương lãnh, nhưng trong các điểm ấy, điểm cùng chung hưởng tài
lợi rất quan trọng, nghĩa là với sự sinh hoạt kinh tế phải luôn bình đẳng. Đây
là yếu tố cơ bản đem đến sự hòa vui trong đại chúng.
Vì trên thế gian
này rất nhiều sự rối ren phát xuất từ chỗ không bình đẳng về kinh tế. Đức Phật
đúng là bậc đầy đủ huệ nhãn, nên ở vào thời kỳ đó, ngài đã chú ý đến việc tài
lợi không nên có sự thiên lệch. Vì thế, nếu trong tăng đoàn có sự đi thọ biệt
thỉnh thì Đức Phật cho là điều tuyệt đối không được.
Nếu bạn thọ sự
biệt thỉnh của thí chủ thì thí chủ sẽ sanh tâm thiên ái, chuyên tâm riêng thỉnh
một mình bạn, không nghĩ đến sự cung kính cúng dường thập phương Tăng. Như thế,
vì thí chủ bố thí cúng dường không được phổ biến nên mất hẳn phước đức vô biên,
vô hạn cần phải được. Đồng thời, chẳng những phá hoại phép tắc, thứ tự thọ
thỉnh chúng tăng của đức Như Lai chế định, lại còn tự mình bị tội lỗi xâm đoạt
đồ cúng dường của mười phương Tăng. Đã phá hoại phép tắc của Như Lai, lại thêm
tổn hại lợi ích cho mình, cho người thì chúng ta không nên tiếp thọ sự biệt
thỉnh.
Đức Phật thấy rõ
lỗi này rất nghiêm trọng, nên vì chúng tăng chế định giới không thọ biệt thỉnh
này. Do đây, chúng ta càng thấy lòng từ bi của Phật vô cùng rộng lớn!
Trong kinh Tỳ
Kheo Ứng Cúng Pháp Hạnh, Đức Phật dạy: “Nếu đệ tử của ta, người nào thọ biệt
thỉnh thì người ấy nhất định sẽ bị mất Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả, Tứ Quả, không
gọi là tỳ kheo.
Người này không
được đi trên đất của quốc vương, không được uống nước của quốc vương. Năm ngàn
đại quỷ thường đứng án trước mặt của người ấy.
Tỳ kheo này bảy
kiếp không được gặp Phật, không được Phật trao tay, không được nhận lãnh tài
vật của thí chủ. Năm ngàn đại quỷ thường đi sau người ấy mắng rằng: ‘Kẻ đại tặc
trong Phật pháp’. Vì thế tỳ kheo các ông không nên thọ biệt thỉnh”.
Do đó, cần phải
theo thứ tự của tăng khi đi thọ sự cúng dường của thí chủ. Vì trong chúng tăng,
có vị do Phật thị hiện làm tăng, có vị là thánh tăng đã chứng đạo quả, có vị là
Bồ Tát tăng, phát đại Bồ Đề tâm, có vị là hiền tăng trong Thất Hiền (1), có vị
là phàm phu tăng thông thường.
Các loại tăng
khác nhau như vậy, đương nhiên về công đức có phần lớn nhỏ khác nhau. Thí chủ
cúng dường chúng Tăng cốt để vun trồng phước đức. Nếu theo đúng thứ tự cử chúng
Tăng đi thọ sự cúng dường, thì thí chủ cúng dường đủ các hạng chúng Tăng như
thế, mới được phước đức rộng lớn. Thật có lợi ích cho thí chủ biết dường
nào!
Nếu bạn là một
phàm phu Tăng thông thường mà chỉ riêng một mình đi thọ cúng dường, khiến cho
thí chủ không được cúng dường tam thừa thánh hiền tăng cùng với tăng do Phật
thị hiện, như thế, không phải chính bạn đã làm mất phước đức rộng lớn mà thí
chủ mong muốn hay sao?
Thế nên là đệ tử
Phật không được thọ biệt thỉnh, cũng không được riêng thọ cúng dường, đem phần
lợi dưỡng về riêng cho mình, mà không đem chia cho chúng tăng. Nếu hành động
như thế, Đức Phật phán người ấy không đáng là hàng Sa Môn, cũng không phải là
giòng Thích Tử.
Vấn đề quan
trọng như vậy, nên Phật không muốn cho Phật tử lâm vào tình trạng như thế, mới
nghiêm cấm chúng tăng không được thọ biệt thỉnh. Ngoại trừ trường hợp Bồ Tát
tăng có thí chủ thỉnh đi hoằng truyền đạo pháp. Vì nhiệm vụ hoằng dương đạo
pháp mà thọ biệt thỉnh thì không có gì là sai phạm.
Hoặc nhận thấy
thí chủ ấy phải có sự hiện diện của bạn mới có thể thành tựu việc làm công đức
của họ nên thọ biệt thỉnh trong trường hợp này cũng không có tội.
Đức Phật dạy đại
chúng rằng: “Nếu là một Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, bất luận ở thời gian này,
tất cả đều không được thọ biệt thỉnh để mong cầu lợi dưỡng cho riêng mình”.
Kinh văn nói
“tất cả” là chỉ chung cho tất cả tài vật do quốc vương, đại thần, sĩ thứ, Phật
tử tại gia hay xuất gia cúng dường cho chúng tăng, bất luận trong Đại giới hay
ngoài đại giới, đều không được đem về cho riêng phần của mình.
Còn nếu như có
thí chủ muốn thỉnh bạn đi thọ trai, dù bất cứ trường hợp nào thí chủ ấy chỉ
muốn riêng thỉnh bạn mà thôi, bạn không được phép đi thọ thỉnh riêng, mà phải
cùng với đại chúng đồng đi.
Trường hợp khả
năng của thí chủ không thể cùng một lúc thỉnh tất cả tăng nhân đi thọ trai
trong chùa đến đến cúng dường thì nên theo thứ tự mà đi thọ thỉnh. Điểm này
giữa pháp Bồ Tát và pháp Thanh Văn không giống nhau.
Về hành giả
Thanh Văn, có người hành theo hạnh Đầu Đà, có người không hành theo hạnh Đầu
Đà. Vị hành hạnh Đầu Đà thì tuyệt đối không thọ biệt thỉnh, còn vị không hành
hạnh Đầu Đà thì đôi khi cũng cho thọ.
Riêng hành giả
Đại Thừa Bồ Tát, dù có hành hạnh Đầu Đà hay không, ngoại trừ nhận lời thỉnh mời
của thí chủ đi hoằng dương đạo pháp, tất cả đều không được thọ biệt
thỉnh.
Trong kinh văn
nói “lợi dưỡng” là chỉ những đồ vật có lợi ích cho thân tâm, do thí chủ phát
tâm cúng dường. Đồ vật ấy tự thể của nó thông đến mười phương, nên tất cả chúng
Tăng đều có phần. Do đó, trong kinh nói: “Lợi dưỡng này thuộc về thập phương
tăng”.
Đã là thuộc thập
phương tăng mà bạn lại riêng đi thọ thỉnh thì không khác gì lấy vật thập phương
Tăng đem về phần mình. Nghĩa là đồng nghĩa với đoạt lấy tài vật của thập phương
Tăng, khiến cho thập phương Tăng không có phần lợi dưỡng”.
Vật của thập
phương Tăng rất là quý trọng, bất cứ ai cũng không được phép dùng làm của
riêng. Hiện tại, bạn đoạt lấy đem về làm vật thọ dụng cho riêng phần mình; tội
lỗi ấy rất sâu nặng. Tương lai bạn sẽ chiêu cảm quả khổ không thể nghĩ tưởng
được. Thế nên cần phải xét kỹ và thận trọng, không được thọ biệt thỉnh.
Trong Luật dạy:
“Chúng tăng khi được bất cứ món lợi dưỡng chi, trên phải cúng dường ngôi Tam
Bảo là bậc tôn kính của mình, giữa phải kính dâng cho sư trưởng, cha mẹ là
người có ân với mình, dưới phải bố thí cho các hữu tình”.
Trong nghi thức
cúng dường có bài kệ:
Thượng cúng thập
phương Phật,
Trung phụng chư
Hiền Thánh
Hạ cập lục đạo
phẩm,
Đẳng thí vô sai
biệt.
Dịch:
Trên cúng dường
mười phương Phật,
Giữa cúng dâng
các thánh hiền,
Dưới đến chúng
sinh trong Phật đạo,
Bình đẳng cúng
thí không sai khác.
Chính là ý này.
Cho nên nếu bạn đi thọ biệt thỉnh, chính là lấy tài vật của thập phương Tăng,
cùng là đoạt lấy tài vật trong tám phước điền đem về cho mình riêng thọ dùng.
Như thế đâu còn đúng với tư cách của người Phật tử chân chính?
Tám phước
điền:
1. Chư
Phật.
2. Thánh
nhân
3. Hòa
Thượng
4.
A-xà-lê.
5. Chúng
tăng.
6.
Cha
7.
Mẹ.
8. Bệnh
nhân.
Trong tám
loại phước điền này:
- Phật là
bậc quả vị.
- Thánh
nhân thuộc về nhân vị.
-
- Tăng là
chỉ cho đại chúng.
- Cha mẹ
là song thân sanh thành dưỡng dục nhục thể này.
- Bệnh
nhân là những người bệnh hoạn, trong đó có oán thân, quyến thuộc.
Năm loại
trước là kính điền, hai loại giữa là ân điền, loại cuối là bi điền. Tám loại
phước điền này đều là ruộng tốt để cho chúng sanh gieo trồng phước đức, tu tập
trí huệ, cho nên gọi là phước điền. Tài vật trong tám phước điền nếu sử dụng
chung thì được phước đức rất lớn, nhưng nếu dùng riêng cho cá nhân thì mắc tội
vô biên.
Hiện tại nếu thọ
biệt thỉnh là lấy tài vật trong tám phước điền đem làm phần tư dụng cho mình.
Cho nên cuối cùng trong kinh kết tội là “Phật tử này phạm khinh cấu tội”.
Ở đây có người
hỏi rằng:
Y theo giới luật
và kinh A Hàm thì Phật thường thọ biệt thỉnh, vì sao không nói Phật phạm giới
điều này?
Nên biết Phật là
bậc vô thượng phước điền, dù thọ biệt thỉnh của thí chủ, nhưng không làm tổn
hại phước đức tâm bình đẳng của thí chủ. Mỗi thế giới chỉ có một Đức Phật mà
thôi. Nên dù Phật có thọ biệt thỉnh, cũng không có nghĩa là đoạt lợi dưỡng của
Đức Phật khác. Cho nên không thể nói Đức Phật trái phạm giới điều này.
Giới này cả năm
chúng xuất gia đều có thể phạm, nên Phật vì tăng chúng lập giới để cấm chế.
Riêng hai chúng tại gia vì không có lợi dưỡng cho nên không cấm chế.
Trong kinh Thiện
Sanh nói: “Nếu ưu bà tắc thọ dụng ngọa cụ, giường, ghế v.v... của thập phương
Tăng thì mắc tội thất ý”.
Đây là phần kiêm
chế của giới này, cũng không phải là không đúng. Nhất là ở thời hiện tại, tăng
chúng không được kiện toàn, chúng xuất gia sinh hoạt không đúng pháp, nên những
cư sĩ tại gia thọ dụng tài vật của thập phương tăng và trong phạm vi tám phước
điền cũng đều có thể có. Đôi lúc lại thọ dụng một cách công khai, thậm chí còn
cưỡng đoạt là khác. Họ lợi dụng quyền hạn của người đại diện tín đồ, dựng lên
những điều phi pháp để khống chế về kinh tế của chúng Tăng trong chùa. Họ lấy
danh nghĩa là đại diện tín đồ để thọ dụng lợi dưỡng của chúng tăng, khiến chúng
tăng trong chùa lâm vào tình trạng bị lệ thuộc. Thật là việc làm trái với giới
luật và không tội nào có thể lớn hơn.
Vì thế, giới này
kiêm chế luôn cả hai chúng Phật tử tại gia, không được lấy lợi dưỡng của chư
tăng làm của riêng cá nhân. Điều này áp dụng cho thời nay có thể nói là rất
thích hợp.
Nhưng trong Du
Già Bồ Tát Giới Bổn lại giải thích khác như sau: “Bồ Tát an trụ tịnh giới, khi
có đàn việt vì cầu phước huệ, phát tâm đến thỉnh bạn, hoặc đến nhà thí chủ,
hoặc đến trong chùa khác để cúng dường các thức uống ăn, cùng những đồ nhu dụng
khác v.v... Bạn là một vị Bồ Tát phải tiếp thọ lời thỉnh mời của thí chủ, đến
nơi đã chỉ định để thọ sự cúng dường. Như thế mới hợp với đạo hoằng thuận chúng
sanh của Bồ Tát. Nếu bạn bị tâm kiêu mạn, phiền não sai sử, hoặc có tâm buồn
phiền sân hận, không tiếp thọ lời thỉnh của thí chủ, không đi thọ đồ cúng
dường, thì trái với đạo từ bi nhiếp thủ chúng sanh của Bồ Tát, và đối với giới
Bồ Tát sẽ bị trái phạm. Vì trong tâm có niệm kiêu mạn, buồn phiền, hờn giận nên
thuộc về tội nhiễm ô trái phạm. Nếu do tánh giải đãi, lười biếng, hay vì quên
mà không tiếp thọ lời thỉnh mời của thí chủ thì không phải tội nhiễm ô trái
phạm”.
Như thế, phải
làm thế nào mới được cho là không trái phạm giới điều này?
Cũng theo trong
Du Già Luận: “Có mười bốn nhân duyên không thọ thỉnh mà vẫn không phạm giới cấm
của Như Lai:
1. Nếu trong lúc
bản thân mắc bệnh không đi được.
2. Vì tuổi già,
thân thể suy nhược, không đủ khí lực nên không thể đi được.
3. Bị bệnh điên
cuồng, mê hoặc.
4. Hoặc nơi
thỉnh mời đường đến quá xa xôi.
5. Hoặc nơi
thỉnh mời trên đường đi có rất nhiều độc trùng, ác thú, cùng giặc cướp hung dữ,
nhiều mối hiểm nguy có thể phương hại đến tính mạng.
6. Hoặc có dụng ý
muốn dùng thái độ không tiếp thọ lời thỉnh mời, không đi thọ cúng dường để điều
phục người ấy, khiến cho họ từ bỏ chỗ bất thiện, trở thành con người tốt trong
Phật pháp.
7. Hoặc đã thọ
sự cung thỉnh của người khác trước đó, nên không thể nhận lời thỉnh của người
này.
8. Hoặc chính
bản thân đang tinh tấn dũng mãnh tu tập các thiện pháp không thể bê trễ, nghỉ
ngơi. Vì không mụốn cho thiện pháp đang tu tập bị gián đoạn, không được thành
tựu, nên không thể tiếp nhận sự thọ thỉnh.
9. Hoặc đang gia
công tu tập để được phát sanh trí vô lậu, chứng lý Chơn Như của các pháp, nên
không rảnh để tiếp thọ sự mời thỉnh của người.
10. Hoặc trong
lúc đang dụng công tư duy nghĩa lý của giáo pháp mà mình đã nghe để khỏi bị
quên mất.
11. Hoặc đang
cùng người luận nghị, quyết trạch (chọn lựa một cách dứt khoát) đạo lý, tánh
tướng của các pháp nên không thể nhận lời mời thỉnh.
12. Hoặc biết rõ
người đến mời thỉnh không có tâm tốt nên không đi.
13. Hoặc vì muốn
tránh sự chê bai, dị nghị của nhiều người nên không đi.
14. Hoặc vì cần
duy trì quy luật của Tăng đoàn, nghĩa là vì những Phật tử tại gia phạm tội, đã
bị làm phép Yết Ma phú bát, nên không thể nhận lời thỉnh của họ (khi Phật tử
tại gia có lỗi với tăng chúng hay Tam Bảo, thì chúng tăng họp lại làm phép Yết
Ma “phú bát”, không tiếp thọ lời mời thỉnh của những Phật tử này, đồng thời
cũng không đến của họ để khất thực, gọi là làm phép Yết Ma phú bát).
Chú
thích:
(1) Thất Hiền
vị: còn gọi là Thất Phương Tiện Vị. Chỉ những vị tu hành đã kiến đạo về trước
trong Tiểu Thừa, gọi là Hiền vị. Những vị kiến đạo về sau gọi là Thánh vị. Hiền
vị gồm:
* Tam Hiền
vị:
- Ngũ đình tâm
quán.
- Biệt tướng
niệm xứ.
- Tổng tướng
niệm xứ.
* Tứ thiện
căn:
- Noãn pháp.
- Đảnh
pháp.
- Nhẫn
pháp.
- Thế đệ nhất
pháp.
Ở đây có hai
danh từ thông và Biệt. Thông đều gọi là Thất Hiền Vị hoặc Gia Hạnh vị. Thất
hiền vị ở đây dùng để đối với Thất Thánh Vị ở sau, nên gọi là Thất Hền
Vị.