KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.38. QUAI TÔN TY THỨ ĐỆ GIỚI
(giới trái thứ
tự trên dưới)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử ưng như pháp, thứ đệ tọa...” cho đến câu “phạm khinh cấu tội”.
1. Dịch nghĩa:
Nếu là Phật
tử phải theo thứ tự đúng pháp quy định mà chọn chỗ ngồi: người thọ giới trước
thì ngồi trước, người thọ giới sau thì ngồi sau, không luận già, trẻ, tỳ kheo,
tỳ kheo ni, người sang như quốc vương, hoàng tử nhẫn đến kẻ hèn như hoàng môn,
tôi tớ v.v... tất cả đều theo thứ tự mà ngồi. Người thọ giới trước thời ngồi
trước, người thọ giới sau thời ngồi sau. Không được như hàng ngoại đạo si mê,
già trẻ ngồi trước sau lộn xộn không có thứ tự, không khác gì cách ngồi của bọn
binh nô. Theo Phật pháp của chúng ta, thì người thọ giới trước ngồi trước,
người thọ giới sau thì ngồi sau.
Nếu Phật tử
không theo thứ tự đúng pháp mà ngồi thì phạm khinh cấu tội.
Lời giảng
Bên ngoài tại
những nơi có thể xảy ra các thứ tai nạn, người Phật tử phải hết sức lưu ý để
tránh khỏi, điều ấy là nội dung của giới trước.
Bên trong, những
Phật tử đồng giới pháp với nhau, phải thể hiện hình thức thứ bậc như thế nào
mới thuận với lễ nghi? Đó là tinh thần của giới này chế định.
Người trên thế
gian thông thường căn cứ vào tuổi tác lớn nhỏ là tiêu chuẩn tôn ty thượng hạ.
Nhưng trong Phật pháp thì ngược lại, không giống với thế tục. Nghĩa là không
căn cứ vào sự già hay trẻ để phân định lớn nhỏ mà phải căn cứ vào sự cao thấp
của giới đức là tiêu chuẩn để phân định thứ ngôi.
Phật pháp chủ
trương đặt giới là pháp đứng đầu trong tất cả. Vì vậy chỉ căn cứ vào giới lạp
nhiều hay ít mới có thể phân biệt ai là Thượng Tọa, ai là Hạ Tọa. Đây là điều
tuyệt đối không được lộn xộn, vì nếu lộn xộn thì không còn thể thống gì
nữa.
Nên biết rằng
điều tối yếu của việc tu học Phật pháp là phá trừ ngã mạn của cá nhân mình. Nếu
ngã mạn không diệt trừ thì không thể nào có tâm tôn kính người như tôn kính
Phật. Trên thế gian này biết bao nhiêu điều đáng tiếc xảy ra, nguyên nhân dù
rất nhiều, nhưng có thể nói đa số đều do nơi tâm ngã mạn sai sử, và đây cũng
chính là nguyên nhân chủ yếu.
Thông thường, đa
số các vị cao niên thường tự ỷ, tự cho rằng đường đời của mình đã trải qua dài
hơn đường đời của những kẻ hậu sinh, số muối của mình đã ăn nhiều hơn số gạo
của người trẻ đã dùng v.v... Do đó, người già, người trẻ không thể dung hòa và
chung sống với nhau trong không khí hòa vui.
Trong Luật Tạng
có thuật rằng: Khi đức Thế Tôn còn tại thế, một hôm Ngài bảo thị giả A Nan đánh
kiền chùy tập hợp tất cả tỳ kheo, đoạn Ngài hỏi rằng:
- Theo ý các ông
nghĩ sao? Người nào ngồi trước? Người nào nên nhận nước và thọ thức ăn trước?
Người nào đáng được đứng dậy đón rước, cung kính lễ bái, dùng lời khiêm tốn hỏi
chào?
Lúc ấy, quý tỳ
kheo đáp lại câu hỏi của Phật không giống nhau. Có vị nói: phải là những người
xuất thân từ trong dòng dõi giàu có, sang trọng. Có thầy cho rằng: phải là
người dung mạo đoan chánh, người lại nói: phải là người cư trú nơi chốn A Lan
Nhã, có vị lại nói: phải là người trì bình khất thực, hoặc: phải là người mặc y
phấn tảo. Như thế cho đến có thầy cho rằng: phải là người biết rành về đọc
tụng; hoặc: phải là vị pháp sư giảng nói chánh pháp; có thầy thì: phải là vị
luật sư nghiêm trì giới luật.
Sau khi các vị
tỳ kheo đáp mỗi người một cách như thế, đức Thế Tôn bèn đem nhân duyên tôn kính
lẫn nhau của loài voi và chồn làm thí dụ. Rồi ngài dạy rằng: “Các ông ở trong
pháp của ta xuất gia, cần phải cung kính nhau như thế, nhờ đó Phật pháp mới có
thể lưu bố và cửu trụ ở thế gian. Từ đây về sau, ta cho phép các ông tùy theo
lớn nhỏ mà cung kính, lễ bái cũng như các sự đón rước, tiễn đi, cùng chào hỏi
nhau.”
Nếu không y theo
lời Phật dạy mà tùy ý, tự tiện, không phân biệt lớn nhỏ thì trái với luật trong
Phật pháp và làm mất trật tự cần phải có. Như thế không phải là tâm hiếu thuận
của đại sĩ và cũng không đúng với tư cách khiêm tốn của người Thích tử. Đó là
việc hoàn toàn không thể được.
Nhưng phân định
lỗi nặng hay nhẹ thì không thể có một mức độ nhất định, vì tùy theo chúng thuộc
Đại Thừa hay Tiểu Thừa, thời gian lâu hay mau. Mỗi hoàn cảnh đều xem xét rõ
ràng, thì ở trong ấy mà phân biệt khinh hay trọng chẳng khó gì.
Ngoài ra những
trường hợp nào thì không trái phạm giới này?
Như trường hợp
lúc giảng kinh, tụng giới, đại chúng đã tập hợp và đã an tọa, sau đó bạn mới
đến thì dù bạn là vị giới lạp đã cao mà phải ngồi phía sau cũng không trái
phạm.
Hoặc bạn không
biết vị ấy giới lạp nhỏ, tưởng là lớn hơn bạn nên bạn ngồi phía sau hoặc bên
dưới vị ấy, cũng không trái phạm.
Hoặc bạn là Pháp
Sư, khi thuyết pháp phải ngồi ở bên trên, trường hợp này cũng không phạm
lỗi.
Đức Phật lại dạy
đại chúng rằng: “Nếu là Phật tử đã thọ Bồ Tát giới trong lúc tụng giới hoặc
nghe pháp, phải theo đúng thứ tự của pháp quy định mà ngồi, không được trái với
giới điều của Phật chế định”. Nói cho rõ là người thọ giới trước thì ngồi
trước, người thọ giới sau thì ngồi sau.
Theo như kinh
văn nói trên là Phật dạy về thứ tự trong cách ngồi. Ngoài ra còn tất cả những
hình thức hoạt động khác, đều phải căn cứ vào việc thọ giới trước sau để phân
định lớn nhỏ khác nhau, tuyệt đối không được đảo lộn thứ tự.
Trong Luật Đức
Phật từng quy định rằng: “Khi thấy bậc Thượng Tọa, cần phải đứng dậy, không
được ngồi yên. Nhưng nếu thấy chúng Hạ Tọa thì vẫn ngồi yên, không cần phải
đứng dậy”.
Theo đúng thứ tự
mà ngồi, có hai trường hợp:
1. Lúc bình
thường: Y theo thứ tự thất chúng Phật tử bình nhật như thế nào mà sắp đặt. Cứ y
theo vị thứ của mỗi người mà ngồi.
2. Khi tụng
giới: Mỗi nửa tháng đến kỳ tụng giới, thất chúng Phật tử đều phải y theo thứ tự
thọ giới mà ngồi trước hoặc sau. Chẳng hạn chúng tỳ kheo phải theo thứ tự của
nghi thức thọ giới tỳ kheo mà ngồi đúng vị trí. Chúng tỳ kheo ni cũng phải theo
đúng thứ tự trước sau giới tỳ kheo ni. Cho đến chúng nữ Phật tử tại gia cũng
phải y theo thứ tự trước sau của giới Phật tại gia mà ngồi. Thế nên vấn đề sắp
đặt trật tự của người tu hành trong Phật pháp không căn cứ vào niên kỷ lớn nhỏ
mà chỉ xem việc thọ giới trước hoặc sau để phân định:
- Như những vị
tỳ kheo cùng một hạng loại thì phải theo thứ tự quy định dành cho giới tỳ
kheo.
Những vị tỳ kheo
ni cùng một hạng loại thì phải theo thứ tự trước sau dành cho giới tỳ kheo
ni.
- Những người
cùng một giai cấp quý nhân thì phân định theo thứ tự của quý nhân.
- Thuộc cấp bậc
quân vương thì phân định theo thứ tự của quân vương.
- Thuộc cấp bậc
hoàng tử thì phân định theo thứ tự của hoàng tử.
- Cho đến thuộc
hạng hoàng môn thì phân định theo thứ tự hoàng môn, thuộc hạng nô tỳ thì phân
định theo thứ tự của nô tỳ.
Nói tóm lại:
“Tất cả đền nên theo thứ tự mà ngồi, người thọ giới trước thì ngồi trước, thọ
giới sau thì ngồi sau”.
Như vậy từng
loại đều phân định trước sau mới tránh khỏi tình trạng lộn xộn, mất trật tự.
Nếu không phân định như vậy thì Tăng, tục, quý, tiện lộn nhầu một thứ không
phân biệt trước sau. Như vậy chẳng những không hợp với nguyên tắc trong Phật
pháp, mà đối với sự lễ phép của thế gian cũng không thể chấp nhận được.
Lại có chỗ giải
thích rằng: Phật pháp lấy giới làm điều tối trọng nên dù Thanh Văn và Bồ Tát
hai giới khác nhau, nhưng cũng phải theo quy định người thọ giới trước ngồi
trước. Trong Đại Trí Độ Luận thuật rằng: “Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và ngài Di
Lặc Bồ Tát, dù là chư đại Bồ Tát, nhưng khi vào chúng Thanh Văn vẫn phải y theo
thứ tự giới lạp mà ngồi”.
Điều này không
được thích đáng lắm. Tại sao vậy?
Vì trong giới
pháp của đức Bổn Sư, chỉ có Thanh Văn tăng chứ không có Bồ Tát tăng nên khi hai
vị Đại Sĩ đi vào trong chúng tăng, đương nhiên phải theo thứ tự mà ngồi. Nếu
nói về lai lịch của đức Văn Thù thì ngài phát tâm thọ đại giới đã trải qua ba
đại a tăng kỳ kiếp lâu xa về trước, thì làm sao có thể ngồi xen lẫn trong chúng
Thanh Văn được?
Việc ấy trong
kinh A Xà Thế Vương có nói:
Một hôm A Xà Thế
Vương thỉnh chư đại Bồ Tát là Văn Thù v.v.. và chư đại A La Hán là Ca Diếp
v.v... Đức Văn Thù đối với Tổ Ca Diếp hết sức khiêm nhường mà thưa rằng: - Thưa
tôn giả! Ngài là bậc cao niên thượng tọa, cần phải ngồi ở trước.
Ngài Ca Diếp đối
với đức Văn Thù cũng hết sức khiêm nhường thưa rằng: - Thưa đại sĩ! Ngài là bậc
phát đại Bồ Đề tâm đã quá lâu xa, lại là một vị Bồ Tát cao niên, đương nhiên
Ngài phải ngồi ở chỗ thượng thủ.
Cuối cùng đức
Văn Thù cùng hai ngàn vị Bồ Tát tại gia do Ngài thống lãnh ngồi ở trước. Năm
trăm vị A La Hán đồng đi với tổ Ca Diếp ngồi ở sau. Sở dĩ đức Văn Thù nhường
cho Tổ Ca Diếp để chứng tỏ tinh thần tôn trọng không dám trái với quy luật
thường hằng của Cổ Phật.
Tổ Ca Diếp sở dĩ
nhường đức Văn Thù để thuận với bổn ý của thí chủ cung thỉnh, vì A Xà Thế vương
nhờ đức Văn Thù mà được Vô Căn Tín (trước kia không có căn lành và tín tâm đối
với Tam Bảo, nhờ sự giáo hóa của đức Văn Thù, vua mới phát tín tâm đối với Tam
Bảo, nên gọi là Vô Căn Tín), nên chủ ý của vua A Xà Thế là cung thỉnh đức Văn
Thù.
Có chỗ giải
thích rằng: Một vị Bồ Tát tỳ kheo ni dù đã đủ một trăm tuổi hạ, số tuổi hạ như
vậy thật là cao, nhưng vẫn không được phép ngồi ở trước một vị tỳ kheo Tiểu
Thừa mới có một hạ.
Đứng về phương
diện sự tướng mà luận thì một vị Bồ Tát tỳ kheo dù hạ lạp cao bao nhiêu cũng
không được ngồi trước một vị tân tỳ kheo một hạ. Cứ như thế mà luận, dù bạn là
một vị ưu bà tắc đã quá trăm tuổi thọ, lại thọ Bồ Tát đại giới trải qua gần
trăm hạ lạp. Điều đó quả thật hiếm có, nhưng bạn cũng không được ngồi trước một
vị khu ô sa di ni Tiểu Thừa. Vì chúng tại gia không bao giờ được phép ngồi ở
trước chúng xuất gia. Ngồi ở trước một vị khu ô sa di ni còn không thể được
huống gì ngồi trước tỳ kheo v.v... lại càng không nên. Đó là quy luật nghiêm
khắc và đặc biệt của giới luật Phật giáo, chủ ý là muốn tăng, tục phân minh,
không được lộn lạo thứ tự, hầu tránh sự phê bình đàm tiếu của các nhân sĩ trong
xã hội.
Có chỗ giải
thích rằng: Một vị tỳ kheo đã một trăm tuổi hạ, nhưng không thọ giới Bồ Tát,
cũng không được phép ngồi trước một vị xuất gia Bồ Tát mười tuổi hạ. Vì tính
chất thù thắng của giới tỳ kheo không bằng giới Bồ Tát.
Về sau nếu vị tỳ
kheo trăm tuổi hạ ấy phát tâm thọ Bồ Tát giới thì căn cứ theo hạ lạp của giới
tỳ kheo mà phân định chỗ ngồi. Vì khi ấy giới tỳ kheo đã chuyển thành Bồ Tát
giới nên vị tỳ kheo cao niên ấy bấy giờ đương nhiên phải cao hơn vị Bồ Tát xuất
gia mười hạ, và được sắp ngồi trước. Trường hợp vị tỳ kheo một trăm tuổi hạ còn
như vậy, nên các chúng khác cũng y theo đó mà luận, không nhất thiết phải nói
rõ.
Lại có chỗ nói
rằng: Nếu chỉ có chúng thọ giới Thanh Văn không thọ Bồ Tát giới, thì cứ y theo
thứ tự của giới Thanh Văn mà ngồi. Về sau, nếu trong chúng Thanh Văn có người
tiến lên thọ Bồ Tát giới, thì giới lạp Thanh Văn từ trước dù cao, cũng phải
tính theo thứ tự Bồ Tát giới mà ngồi.
Lại như nữ Phật
tử thọ Bồ Tát giới trước, đáng lẽ phải ngồi trước chúng nam Phật tử thọ giới
sau, nhưng vì muốn tránh sự hỗn tạp nam nữ, nên vị nữ Phật tử thọ giới trước
này vẫn phải ngồi ở phía sau. Do đây, chúng ta thấy Phật pháp dù lấy giới pháp
làm trọng, nhưng vẫn không xem thường tướng thế gian.
Hai chữ Quý Nhân
trong kinh văn thực tế dùng chỉ các vị quốc vương, hoàng tử v.v... vì quý nhân
đối lập với tiện nhân: hoàng môn, nô tỳ v.v... Những người ấy dù cùng là chúng
tại gia, nhưng vẫn phải theo giai cấp mà phân biệt. Nghĩa là người sang thuộc
về giai cấp sang, người hèn thuộc về giai cấp hèn, không được lộn
xộn.
Như con của quốc
vương dù đã thọ giới Bồ Tát nhưng vì chưa xuất gia nên vẫn không được phép ngồi
trước phụ hoàng.
Hai chữ “nãi
chí” trong kinh văn mang ý nghĩa khái lược, nghĩa là ngoại trừ quốc vương và
hoàng tử, còn có đại thần, tể tướng, trưởng giả, cư sĩ, bà la môn v.v... đều
phải phân biệt theo mỗi cấp bậc.
Trong Phật pháp
tuy chỉ căn cứ theo thứ tự của giới pháp, nhưng khi bạn chưa xuất gia, đối với
những người này, theo thế pháp, vẫn không được xóa bỏ hay đảo lộn danh vị vua
tôi... Nếu không, trật tự xã hội sẽ không còn và sẽ thành đại loạn. Như vậy thì
còn nói gì đến Phật pháp?
Ở đây có người
hỏi rằng: Vua tôi, cha con, chủ tớ đồng thọ Bồ Tát giới, cần phải theo mỗi cấp
bậc mà phân biệt.
Tại sao trong
giới nói:
Tôi xuất gia thọ
giới Cụ Túc trước, vua xuất gia thọ giới Cụ Túc sau, thì lúc ở trong chúng
tăng, vua phải ở vào địa vị hạ tọa, phải tôn kính bề tôi là bậc thượng
tọa?
Con xuất gia thọ
giới Cụ Túc trước, cha xuất gia thọ giới Cụ Túc sau, cha phải ở vào địa vị hạ
tọa, phải kính trọng con là bậc thượng tọa?
Tôi tớ xuất gia
thọ giới Cụ Túc trước, chủ xuất gia thọ giới Cụ Túc sau. Ở trong chúng tăng,
chủ phải ở vào địa vị hạ tọa, phải kính nhường tôi tớ là bậc thượng tọa, là tại
làm sao?
Phải biết giới
tỳ kheo thuộc về xuất thế, nên phải biểu hiện tính cách xuất thế, chứ không
nhiếp thuộc về thế pháp. Khi bề tôi muốn xuất gia, nhà vua không cho phép,
người muốn xuất gia bị cha mẹ không đồng ý, người tớ muốn xuất gia mà chủ không
cho phép thì những người ấy không được phép xuất gia.
Nhưng khi người
làm vua, làm cha, làm chủ đã đồng ý cho con, tôi tớ mình đi xuất gia, sau khi
họ đã xuất gia thì phải xóa bỏ hẳn danh vị tôi, con và đầy tớ.
Về sau, nếu vua,
cha, chủ nhân phát tâm xuất gia, thọ Cụ Túc sau, đương nhiên cũng phải kính
trọng tôi, con, đầy tớ là bậc thượng tọa. Điều này trong tăng đoàn tuyệt đối
không có ngoại lệ. Dù là vua, cha, chủ nhân nhưng đã không xuất gia thì vẫn là
người thế tục, nên phải kính trọng tôi, con, đầy tớ là bậc tôn giả và phải cung
kính, cúng dường theo đúng nghi thức cúng dường một vị phước điền tăng.
Người làm con,
tôi, đầy tớ khi đã xuất gia rồi, đối với vua, cha, chủ nhân của mình thì phải
gọi họ là đàn việt, không được gọi họ là phụ vương, phụ thân, chủ nhân nữa. Giới
Bồ Tát thông cả thế pháp và xuất thế pháp. Tức là không phá hoại Thế Đế (lễ
nghĩa thế gian), vì thế dù đã thọ Bồ Tát giới, nhưng vua vẫn là vua, tôi vẫn là
tôi, danh vị vua tôi không thể xóa bỏ. Cha vẫn là cha, con vẫn là con, danh vị
cha con không thể lộn xộn. Chủ vẫn là chủ, tớ vẫn là tớ, danh vị chủ tớ cũng
không thể xóa bỏ. Nếu chỉ theo thứ tự của giới pháp mà xóa bỏ danh vị thế pháp
thì pháp thế gian không thể an lập.
Phật pháp lưu
hành trong thế gian quyết không thể phá hoại thế gian. Nếu phá hoại thế gian,
làm đảo lộn trật tự xã hội, gây thành đại loạn thì thế gian này cần gì phải có
Phật pháp?
Ở đây lại có
người hỏi rằng: Nếu người xuất gia mà xóa bỏ danh vị tôi, con, đầy tớ, như thế
thì trên thế gian, thế cuộc sẽ trở thành không vua, không cha sao? Các Nho gia
ở Trung Hoa cực lực bài xích Phật giáo chính vì điểm cho rằng chủ trương Phật
giáo phải chăng là không vua, tôi, không cha con?
Không phải thế
đâu! Người nói lời trên là do hiểu lầm và không minh bạch tinh thần Phật pháp
chút nào. Bạn phải biết: Phật pháp xóa bỏ danh vị là xóa bỏ cái hư danh mà
thông thường người thế tục cố chấp và cho là thật có, chứ không phải xóa bỏ ân
nghĩa cần phải có giữa người với người. Vì thế đâu được nói là không vua, không
cha.
Như trong giới
luật Đức Phật dạy quý tỳ kheo rằng: “Tỳ kheo các ông cần phải dũng mãnh tinh
tấn tu hành để đền đáp thâm ân sanh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Lại phải luôn
thuyết pháp, khuyến hóa nhân dân hành thiện để đền đáp ân đức quốc vương”. Như
thế đâu thể kết luận Phật pháp bỏ quên ân nghĩa của quân vương, phụ mẫu, cũng
không thể nào bảo Phật pháp phế bỏ trung hiếu của thế gian!
Chẳng những thế,
tiến thêm một bậc nữa, Phật dạy: “Tỳ kheo! Nếu đúng như pháp dụng công tu hành,
hoằng thông ngôn giáo chí cực của Như Lai khiến cho thiên long hoan hỷ, gió hòa
mưa thuận, quốc thới dân an, cha mẹ quá khứ cũng như hiện tại đều được thoát ly
bể khổ sanh tử. Như vậy là thành đại trung, đại hiếu của kẻ xuất thế
gian”.
Do đó, có thể
nói tinh thần đại nghĩa của Trung Hiếu thật ra không ai hơn người xuất gia.
Nhưng điều tối yếu của người xuất gia là phải tôn trọng giới pháp trước tiên,
không được mảy may khinh suất, nên phải tôn ty thứ tự mỗi khi an tọa. Phải biết
khi bẩm thọ giới pháp, chính là giờ phút sanh trưởng giới thân huệ mạng của chúng.
Vì vậy, giới pháp đối với chúng ta vô cùng trọng yếu như thế, nên tại sao ta
không y theo giới lạp mà lại căn cứ vào tuổi tác để luận?
Ở đây lại có
người hỏi rằng:
Vì tôn trọng
giới pháp nên phải lấy giới lạp làm thứ tự, điều đó là đúng. Nhưng nếu như vậy
thì theo lễ nghi thế gian, vua tôi, cha con, tăng ni, nam nữ v.v... lộn xộn bất
phân, cùng nhau ở chung một chỗ, thì chẳng phải là một sự hỗn độn hay
sao?
Không phải như
thế! Tăng ni tự phân thứ tự của tăng ni, nam nữ đều có thứ tự của nam nữ, không
được lộn xộn, cho nên sao gọi là hỗn độn? Còn như vấn đề vua tôi, nếu tôi là
người tôn quý giới luật và quốc vương là người thật sự biết kính trọng giới
pháp thì bề tôi theo thứ tự thọ giới có thể ngồi trước quốc vương. Nhược bằng
quốc vương là người cố chấp theo lễ nghi thế tục của giai cấp vua tôi, thì kẻ
bề tôi dù thọ giới Bồ Tát trước, cũng nên ngồi sau để tránh việc lưu nạn cho
Phật pháp.
Ngoài ra, cũng
nên tùy thuận theo lễ nghi của thế gian, không nên để cho người thế tục sanh
tâm hiểu lầm Phật pháp mà làm chướng ngại cho việc hoằng thông Phật pháp. Phật
pháp cần luôn tôn trọng đạo đức, lấy đạo làm trọng. Vì thế, nếu người chơn thật
trọng đạo, xóa bỏ ngã nhân, thì quyết không bao giờ sanh tâm tranh chấp danh
vị, thứ tự.
Như trường hợp
vị Đại Phạm Thiên Vương trên cõi trời Đại Phạm là một vị tối cao quý. Nhưng khi
Đại Phạm Thiên Vương được nghe Như Ý Bảo Quang Diệu thiên nữ giảng nói về hạnh
Bồ Đề, ngài nhận chân rằng chỉ có thực thi theo hạnh Bồ Đề, mới thật là con
đường chánh đáng. Bấy giờ, Ngài bỏ hẳn sự tôn quý của vị Đại Phạm Thiên Vương,
liền cùng thiên chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, hết lòng cung kính đảnh lễ dưới
chân của Như Ý Bảo Quang Diệu thiên nữ.
Thử xét, việc
làm của Đại Phạm Thiên Vương có điểm nào là không cao quý? Đối với sự tôn nghiêm
cao cả của một vị thiên vương có bị tổn thất một điểm nhỏ nào không? Hay là
điều đó còn chứng tỏ Ngài là một vị thông hiểu Phật pháp để làm gương cho thiên
chúng noi theo.
Thế nhân sở dĩ
phân chia cao thấp, đều do không thể diệt trừ được bản ngã của cá nhân, không
thể bỏ được thể diện của mình mà thôi.
Phật pháp chủ
trương luận về pháp chớ không luận về người. Nếu như hiểu biết chân thực câu “y
pháp bất y nhân” thì nhất định không bao giờ có việc phân chia cao thấp, quý
tiện.
Lại xem gương
của Đế Thích thiên vương là vị chúa trên cõi trời Đao Lợi, là bậc rất tôn quý,
còn dã can là loài thú rất thấp hèn, không thể nào so sánh được với Đế Thích
thiên vương, nhưng Đế Thích thiên vương lại dùng thiên y chất thành pháp tòa
rất cao, khẩn thiết chí thành đảnh lễ, thỉnh dã can thuyết pháp. Sau đó thọ
giới pháp Thập Thiện từ nơi dã can. Tinh thần trọng pháp không quý tiện như
vậy, đã làm giảm địa vị tôn nghiêm của Đế Thích thiên vương chút nào đâu? (xem
lại sự tích này trong “Kiêu mạn bất thỉnh” giới pháp).
Vì Phật pháp đặc
biệt xem trọng giới pháp, nên là một Phật tử phải triệt để “không được như hàng
ngoại đạo ngu si, già trẻ trước sau lộn xộn, ngồi không có thứ tự”.
Ba chữ “không
được như” trong kinh văn là lời dạy rất nghiêm khắc, nghĩa là triệt để không
được như vậy.
“Ngoại đạo ngu
si” là lời quở trách ngoại đạo không hiểu lễ nghi.
“Già trẻ trước
sau lộn xộn ngồi không có thứ tự” là nói ngoại đạo chỉ căn cứ vào tuổi tác lớn,
lợi căn, cho là người trưởng thượng, không lấy sự nhiều ít của giới lạp để phân
định thứ tự. Cách ngồi lộn xộn không có thứ tự như vậy, chính là không khác
cách ngồi của bọn binh nô. Theo pháp của binh nô là lúc ra vào chỉ theo sự chỉ
huy của quân lệnh, người nào đến trước thì đi trước, đến sau thì đi sau, không
có thì giờ để luận việc lễ nghi thứ tự. Nếu vị tỳ kheo trong lúc bố tát ở Bố
Tát Đường mà không tuân theo thứ tự của giới lạp, cứ để người nào đến trước thì
ngồi trước, như thế có khác gì bọn binh nô?
Phật pháp của
chúng ta không phải như vậy, trước khi tụng giới phải hỏi thời gian thọ giới
của mỗi vị, rồi y theo thứ tự của giới lạp mà ngồi. Khi chúng tỳ kheo đã ngồi
yên thì đến hỏi các vị tỳ kheo ni v.v... cho đến hai chúng tại gia.
Trong kinh văn
dạy: “Trong Phật pháp của ta, hễ người thọ giới trước thì ngồi trước, còn người
thọ giới sau thì ngồi sau, triệt để không cho phép có chút lộn xộn nào không
đúng pháp”.
Thực hành được
như trên đấy là hành Bồ Tát đạo, là kiến lập pháp môn, là lễ nghĩa khiêm
nhường, cung kính. Nếu Bồ Tát không theo thứ tự đúng pháp mà ngồi thì phạm
khinh cấu tội. Vì thế, nếu cho rằng tùy tiện, tùy ý có thể ngồi không có quan
hệ gì, thì thật là sai lầm vô cùng!
Theo những điều
vừa thuyết minh trên, chúng ta thấy đối với chúng xuất gia, dù là xuất gia Bồ
Tát hay Thanh Văn đều được hết mực tôn trọng. Nhưng phải biết rằng: sự tôn
trọng ấy chính là vì tôn trọng giới pháp bạn đã bẩm thọ, chứ không phải tôn
trọng cá nhân bạn.
Nếu bản thân bạn
không có giới pháp hay đã thọ giới pháp mà không giữ được trọn vẹn thì thử xét
bạn có giá trị gì để được mọi người tôn kính?
Vì thế, một vị
xuất gia, đúng như pháp quy định, phải học tập giới luật, oai nghi cho hoàn bị
và phải giữ gìn giới luật tinh nghiêm mới được tiếp thọ sự lễ kính của nhân
thiên, và mới xứng đáng làm phước điền cho nhân thiên.
Nhược bằng trái
phạm giới luật, không có tài đức chơn thật của người xuất gia thì không thể
kham thọ sự lễ kính của nhân thiên. Ngoài ra, nếu còn đi lễ bái thiên long quỷ
thần cùng quốc vương, phụ mẫu thì chẳng những không thể cứu vãn tội phá giới
của bạn, lại còn mang thêm tội phá hoại lễ nghi của Phật pháp. Vì thế, phải hết
sức thận trọng.
Nếu không tôn
trọng việc nghiêm trì giới hạnh, chỉ giả dối tạo tướng diện bên ngoài, rồi cho
rằng ta đây là một tăng nhân, đường đường tăng tướng, sanh lòng cống cao ngã mạn,
xem thiên hạ không ra gì, rốt lại, chỉ tự mình mang lấy khổ não!
Vì thế, chúng
xuất gia cần phải biết tự trọng, bằng cách lấy việc nghiêm trì giới luật làm
chủ đích. Đó là điều tất yếu! Còn Phật tử tại gia có tâm tốt thọ Bồ Tát giới,
đối với chúng xuất gia, cả Bồ Tát lẫn Thanh Văn phải hết lòng cung kính tôn
trọng, tuyệt đối không nên có tâm khinh mạn, dù là những vị giới hạnh thanh
tịnh, hay những người phá giới hoặc không có giới.
Nên biết rằng:
bạn cung kính tôn trọng chúng xuất gia, dĩ nhiên là bạn sẽ được nhiều công đức.
Còn giới hạnh của người xuất gia như thế nào, đó là việc thuộc bản thân của chư
vị ấy. Nếu chư vị không giữ gìn giới pháp thanh tịnh thì quả báo khổ đau, quý
vị đó phải tự mang.
Giới này cả thất
chúng Phật tử đều phải học. Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa đều tuân giữ, không một ai
được trái phạm. Trong kinh Thiện Sanh nói: “Nếu ưu bà tắc mà đi trước tỳ kheo
hay sa di thì mắc tội thất ý”.
Nếu đem Tam Tụ
Tịnh Giới phối hợp với giới này thì có sự tương ứng như sau:
- Vâng lời Phật
dạy theo thứ tự mà ngồi là Nhiếp Luật Nghi Giới.
- Không trái lời
Phật dạy là Nhiếp Thiện Pháp Giới.
- Khiêm nhường
cung kính là Nhiếp Chúng Sanh Giới.