- Duyên Khởi
- Lời Giới Thiệu
- Chương 1 Huấn Luyện Xuất Gia
- Chương 2 Chú Thích Danh Nghĩa
- Chương 3 Chế Lập Duyên Khởi
- Chương 4 Công Ích Thù Thắng
- Chương 5 Thọ Giả Phân Biệt
- Chương 6 Sám Hối Tất Yếu
- Chương 7 Tác Pháp Lược Thuyết
- Chương 8 Chi Số Biện Biệt
- Chương 9 Vấn Đề Liệu Giản
- Chương 10 Lục Niệm Tu Pháp
- Phụng Khuyến Tăng Tục Nam Nữ Phổ Trì Bát Quan Trai Giới Văn
- Tiểu Sử Đại Lão Pháp Sư Thích Diễn Bồi
BÁT QUAN TRAI GIỚI THẬP GIẢNG
八 關 齋 戒 十 講
Pháp -sư Diễn
Bồi soạn
Thích-Thiện-Huệ
dịch Việt
Chương 5
Thọ Giả Phân
Biệt
Phần trên đã cùng chư vị hai lần bàn về giới đức thù thắng. Giới đức đã thù thắng như vậy, lẽ ra mọi người đều nên thọ Bát Quan Trai Giới để được công đức thù thắng. Song tuy nói vậy, nhưng không phải ai cũng có thể thọ Bát Quan Trai Giới. Muốn thọ phải đủ tư chất, nếu không, dù có phát tâm đến đâu đi nữa, cũng không được phép thọ giới. Như vậy, ai là người được thọ, ai là người không được thọ; do đâu phân biệt được điều này? Việc này trước khi thọ giới, phải tra xét kỹ càng xem họ có phải là pháp khí thọ giới hay không, rồi sau mới quyết định truyền giới. Trong Giới Luật, sự khảo xét trước khi truyền giới là “vấn già nạn”. Truyền Giới Sư phải hỏi tường tận người phát tâm xem có làm các điều gây nạn (“nạn”) hay ngăn che (“già”) việc thọ giới không? Nếu có thì gây trở ngại không ít cho việc thọ giới nên không thể cho thọ giới. Chú Yết Ma nói: “Trước khi thọ giới nên hỏi Già Nạn”, ý chỉ việc này.
Những việc gì chướng ngại cho sự thọ giới? Theo kinh Thiện Sanh, kể ra bảy điều ngăn che như sau:
1) Có từng trộm
vật của hiện tiền Tăng không?
2) Có từng hành
dâm với nam nữ trong lục thân không?
3) Có từng phá
thanh tịnh hạnh của Tăng, Ni không?
4) Có từng bỏ mặc
khi cha đang bệnh không?
5) Có từng bỏ mặc
khi mẹ đang bệnh không?
6) Có từng bỏ mặc
khi sư trưởng đang bệnh không?
7) Có từng giết
hại người phát Bồ Đề tâm không?
“Tăng vật” là những đồ cúng dường chư Tăng, hoặc tài vật thuộc về Thường Trụ. Vật thường trụ theo Luật có bốn loại:
- Thứ nhất, Thường Trụ Thường Trụ, như phòng ở của chư Tăng, đồ dùng, hoa quả hay cây cối của chư Tăng trồng, vườn tược, đất đai của chư Tăng. Ở đâu thuộc về nơi đó, không được di chuyển đi nơi khác; cho nên gọi là “thường trụ”. Chư Tăng trụ trong phạm vi thường trụ này chỉ có thể thọ dụng, nhưng không được chia hay bán, phải để của này tồn tại vĩnh viễn nên lại gọi là “thường trụ”.
- Thứ hai, Thập Phương Thường Trụ, tức các đồ cúng dường cùng phẩm vật ăn uống cung cấp cho chư Tăng trong chùa chiền, chẳng những chư Tăng hiện tiền trong chùa được quyền thọ dụng mà ngay các khách Tăng từ nơi khác đến cũng được quyền dùng, cho nên gọi là “thập phương”. Các đồ dùng ẩm thực này thuộc về chùa, tuyệt đối không được đem đi nơi khác, nên gọi là “thường trụ”.
- Thứ ba, Hiện Tiền Thường Trụ, như có tín đồ nào phát tâm cúng dường tài vật, nói rõ là cúng cho chư Tăng trụ trong chùa này, hoặc cúng đích danh cho vị Tăng nào trong chùa, gọi là “hiện tiền”. Người phát tâm cúng thí như vậy nay đem vật cúng đó chia cho các người được cúng, không để lại chút nào, nên lại gọi là “hiện tiền”.
- Thứ tư, Thập Phương Hiện Tiền, như hàng ngũ chúng xuất gia sau khi chết, các di vật có thể phân chia, nên cử hành phép Yết Ma phân chia. Trước khi hành Yết Ma, các di vật của người mất thuộc về Thập Phương Tăng, bất luận ông Tăng khách từ đâu đến cũng được một phần. Còn nếu đã làm Yết Ma, hiện tiền Tăng chúng tự chia, bấy giờ có khách Tăng nào lại cũng không được dự phần, gọi là “hiện tiền”.
Tăng vật có bốn loại bất đồng, nhưng chúng ta không có quyền trộm bất cứ loại nào. Nếu trộm Tăng vật, lỗi này rất nặng. Theo Phật pháp thì vật của Tam Bảo thứ nào cũng nặng, nhưng Tăng vật là nặng nhất. Trong kinh Phương Đẳng, Hoa Tụ Bồ Tát nói: “Năm tội nghịch, bốn tội trọng, tôi còn có thể cứu, trộm cắp Tăng vật, tôi không cứu được”. Kinh Đại Tập nói: “Người trộm Tăng vật, tội đồng Ngũ Nghịch”. Kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Người dùng Tăng Kỳ vật, tội còn hơn giết tám vạn bốn ngàn cha mẹ”.
Ở đây hoặc có người hỏi: “Trộm Tăng vật tại sao tội lại nặng như vậy?” Phải biết đàn na tín thí cúng dường cho chư Tăng dầu một hạt gạo, cũng vốn muốn cúng cho mười phương các phàm thánh Tăng. Cho nên mỗi lần trong chùa nổi chuông, bất luận xa gần đều nghe, hoặc phàm hoặc thánh đều có thể thọ dùng. Như vậy, vừa trợ thành đạo nghiệp cho Tăng chúng, vừa được các phúc đức sâu kín. Vì vậy, trộm Tăng vật không kể nhiều ít, tội này không thể tha thứ.
Trong hàng đệ tử Phật có tỳ kheo Ngưu Thí, tuy tu chứng A La Hán quả, nhưng vẫn có tướng ăn như trâu nhai cỏ. Có người hỏi Phật do nhân duyên gì mà có tướng như vậy? Phật bảo các vị tỳ kheo: “Quá khứ Ngưu Thí từng ăn trộm năm sáu hạt gạo cho vào miệng nhai, vì vậy bị đọa làm bò năm trăm đời. Bò thường nhai cỏ như vậy, nên trải qua năm trăm đời đã thành tập quán. Vì thế, tuy tu chứng A La Hán mà tướng ăn vẫn vậy”.
Trộm dùng Tăng vật dĩ nhiên phần đông là người xuất gia. Hàng tục nhân, nhất là các tín chúng, rất ít phạm tội này, song không phải không có. Như hiện nay ở các nơi, hạng tự xưng là đại biểu tín đồ, đổi khách làm chủ, là hạng chuyên xâm tổn của Thường Trụ, đem Tăng vật chiếm cứ làm sở hữu của mình. Tín đồ Phật giáo như vậy chẳng những không đủ tư cách thọ Bát Quan Trai Giới mà còn không đủ tư cách để gọi là chánh tín Phật tử.
Đừng nói đến trộm dùng Tăng vật có lỗi lớn, ngay đến hàng chánh tín ưu bà tắc, ưu bà di cho đến các bậc chánh nhân quân tử cũng đều biết Tăng vật không dễ có, của này thọ dùng khó tiêu hóa, nên Tăng chúng có không chiêu đãi, cũng chẳng những không nên hài lòng mà còn nên sanh hoan hỷ, cho rằng đó là quy luật của Phật pháp. Thế nên, tín chúng đến chùa phải có quan niệm chánh xác: “Đến vì Pháp, không đến vì ăn!”
Hiện nay là thời Mạt Pháp, ở khắp nơi đều thấy có người vì Pháp mà đến thì ít, mà đến để ăn thì đông. Không tin xin xem: Bất luận nơi nào, hễ là pháp hội giảng kinh, thính chúng lác đác dăm người. Trong số thính chúng lác đác này, số người thật lòng nghe Pháp lại càng lơ thơ. Ấy nhưng nếu pháp hội có đãi ăn thì luôn luôn đông đảo. Đó là chưa kể, đại đa số đều chờ đến gần giờ ăn mới tới. Đã không dự tụng kinh, lễ sám, lại ăn xong là đi. Chẳng những ở các đạo tràng không có thuyết pháp cũng vậy, mà ngay đến các đạo tràng thuyết pháp, có pháp để nghe cũng thế. Vậy mà có người cho rằng đó là điềm Phật pháp hưng thịnh, nhưng dưới mắt người hiểu Phật pháp thì điều đó khác gì những nơi nhiệt náo ở thế gian, thật là điềm suy thoái của Phật pháp.
Thế nên làm đệ tử Phật, bất luận Tăng hay tục, phải thương tiếc vật của chư Tăng như thương quý con mắt, đã không dám dùng bừa, lại không dám lấy trộm. Quá khứ không biết tội này là nặng nên đã từng vi phạm, hiện tại phát tâm thọ giới, ắt phải sám hối cho thanh tịnh. Nếu không, tuyệt đối không được thọ giới. Cho dù vì không biết mà truyền giới cho bạn, bạn cũng không thể được giới thanh tịnh. Cho nên có từng trộm Tăng vật hiện tiền hay không, khi hỏi Già Nạn, phải đáp thành thật. Có nói có, không nói không, không được đáp hàm hồ.
Lục thân nam nữ là những người có quan hệ mật thiết với mình, bất kể là thế pháp hay Phật pháp, đều không nên có các hành vi bất chánh. Giả như có, là kẻ địch chướng đạo, không thể thọ giới. Tỳ kheo, tỳ kheo ni là những người tu phạm hạnh, là bậc thượng sĩ cầu xuất trần giải thoát, là phước điền vô thượng của nhơn thiên, là khuôn mẫu cho chúng sanh, thật như các bậc thánh thần và cấm chỉ dâm dục. Nếu có người nam nữ nào làm các việc ô phá tịnh hạnh của Tăng, Ni, là tội ác vô cùng. Phải biết dâm dục tuy không phải là căn bản của sanh tử, song nó làm chướng ngại đạo pháp, không những chướng ngại việc hiện thế đắc Niết Bàn, mà còn chướng ngại cho việc chứng Bồ Đề của đời sau. Thậm chí ngăn ngại cả việc sanh Thiên. Bởi vì từ trời Sắc Giới trở lên đều không có dục của nam nữ như ở trời Dục Giới và nhân gian. Đừng nói người thường đắm sắc còn bị nguy hại, ngay đến Độc Giác tiên nhân bay trên trời, vừa mới nhiễm sắc liền bị dâm nữ cưỡi trên cổ bay vào nhân gian; từ đó mất hết thần thông, không còn bay được nữa! Còn chúng ta là bậc nào mà có thể coi thường dục nhiễm được? Cho nên khi chưa học Phật có phạm các điều này cũng phải thành thật mà bộc bạch.
Cha mẹ, sư trưởng nếu không phải là người ân đã nuôi nấng chúng ta thì cũng là người ân dạy dỗ chúng ta nên người. Không có cha mẹ thì ngay cái mạng sống này cũng không có, mà dẫu có cũng chưa chắc đã trưởng thành như ngày nay. Không có sư trưởng thì sự hiểu biết tối thiểu cũng không có, nói chi đến kiến thức cao sâu.
Cha mẹ đối với con cái từ ái vô hạn, không có giấy mực nào đủ để diễn tả tâm từ ái đó. Chỉ cần thấy con cái đau ốm, tuy rõ ràng người con bệnh rên khổ thống, vậy mà cha mẹ trong lòng còn đau hơn là chính mình bệnh, nên cả ngày quanh quẩn bên giường bệnh, chốc lại sờ xem con bớt nóng chưa, lát lại ép con ăn, xem chừng đến giờ uống thuốc là đưa thuốc đến tận miệng con. Chăm sóc chu đáo hơn hết những vị y sĩ tận tâm nhất, cha mẹ chăm sóc con đến quên hết mọi việc khác. Đến lúc cha mẹ bệnh, phận làm con lẽ ra phải lo phụng dưỡng thuốc men, một giây cũng không rời cha mẹ. Vậy mới biểu lộ được phần nào hiếu tâm. Giả sử hiện giờ có một người con, bình thường đã không biết làm vui lòng cha mẹ, đến lúc cha mẹ đau ốm lại chẳng ngó ngàng, để mặc cha mẹ hoặc bệnh hoặc chết, thử hỏi như vậy có đáng làm con người không? Người như vậy quả đã mất hết nhân tánh.
Sư trưởng là một vị thần thánh. Vì muốn giáo dục đời sau, họ đem hết mọi điều hiểu biết cùng đạo lý làm sao để nên người, tận tình tận lực dạy bảo cho chúng ta. Thấy chúng ta học vấn mỗi ngày mỗi tiến, vị thầy rất vui. Thấy chúng ta không tiến, vị thầy bất an như vì chính mình không hết lòng dạy dỗ. Sư trưởng ngoài sự truyền thọ kiến thức cho ta, còn khích lệ và ái hộ chúng ta nữa. Vì một vị thầy tận tâm luôn luôn mong muốn học trò mình thành sự nghiệp, và còn mong cho học trò mình có được phẩm cách thanh cao nữa. Sư trưởng không chỉ dạy cho chúng ta chữ nghĩa và kiến thức bằng trí thức của người, mà còn lấy đời sống tự thân mình ra dạy ta nữa. Nói chung, dạy từ lý thuyết đến hành động. Lại khéo khuyến dụ, sửa sai mỗi khi học trò có chỗ sai lầm, có lúc đánh mắng để cho học trò nên người. Vì vậy, bổn phận người học trò bất luận nơi đâu thấy sư trưởng đều phải kính lễ. Khi sư trưởng không còn cũng thường ghi nhớ những điều người dạy, chân thành tha thiết như hiếu tử nhớ cha mẹ, như người đói nhớ ăn. Khi thầy có bệnh phải gần gũi chăm lo thuốc men, coi sóc mọi việc cho thầy. Không được bỏ mặc, chẳng màng thầy sống hay chết, học trò như vậy sao đáng gọi là người có học?
Theo Phật pháp thì cha mẹ sanh dưỡng sắc thân này của ta, còn sư trưởng sanh dưỡng Pháp Thân ta. Thực khó mà nói hết được ân đức lớn này đối với chúng ta, đến đức Phật cũng không sao diễn bày hết được. Trong kinh Tâm Địa Quán, đức Phật bày tỏ: “Ta có ở đời nói một kiếp, cũng không thể nói hết”. Trong kinh, đức Phật cũng dạy khi cha mẹ hay sư trưởng có bệnh phải cung cấp mọi thứ, chăm sóc, thuốc men, nhất nhất không được thiếu sót. Giả sử hạng làm con hay học trò chẳng lo nuôi bệnh cha mẹ hay sư trưởng, chỉ lo hưởng thụ, như vậy tư cách làm người chưa đủ, làm sao lãnh thọ giới của chư Phật được? Vậy trước khi thọ giới phải hạch hỏi xem có phạm lỗi này không, phải thành thật trình bày, nếu có thì sám hối, sau đó mới được thọ Bát Giới.
Những người phát Bồ Đề tâm tuy hãy còn là phàm phu, nhưng công đức của họ đủ vượt quá Nhị Thừa; vì vậy, chúng ta đối với họ nên tôn kính thương mến, vì sao? Bởi Bồ Tát phát tâm Bồ Đề, đầy đủ tinh thần quên mình, tất cả đều vì chúng sanh, bất kể tiền tài hay tri thức của mình, hoặc sức mạnh hay khả năng của mình đều cung cấp cho chúng sanh, bất kể xa gần hay thân sơ, Bồ Tát bố thí như vậy cho tất cả chúng sanh mà chẳng cầu báo đáp, cũng chẳng cầu danh văn, lợi dưỡng, chỉ một lòng chân chính cứu độ hết thảy chúng sanh, nhiếp thủ nhiêu ích chúng sanh mới làm được như vậy. Vì Bồ Tát chỉ một niệm thương xót chúng sanh, thấy chúng sanh đắm chìm trong chốn đau khổ vô hạn, tự hỏi mình có đủ năng lực cứu vớt hay không, ngoài ra, chẳng còn niệm nào khác. Do vì niệm thương xót, nên phát tâm rộng thí, cứu giúp chúng sanh không điều kiện, cho dù không đủ sức, Bồ Tát cũng không nhẫn tâm nói: “Tôi chả có gì để giúp bạn!”
Phát tâm Bồ Tát quên mình vì người như vậy, chúng ta phải nên giúp họ đủ mặt, để họ có thể rộng làm chuyện lợi người. Nếu không làm nổi như vậy, cũng đủ làm cô phụ Bồ Tát sơ phát tâm, huống chi còn sát hại những người phát tâm Bồ Tát như vậy, khiến cho vô số người không được Bồ Tát cứu giúp. Thử hỏi như thế tội lớn đến dường nào? Cho nên nếu đã phạm tội này, tất không thể là bậc pháp khí thọ giới. Vậy khi hỏi Già Nạn, nếu có, phải chân thành sám hối, mới được thọ Bát Giới.
Già Nạn như trên đã nói. Ba giới Sát, Đạo, Dâm trong bốn loại tánh tội (6), giết người phát Bồ Đề tâm, trộm của Tăng hiện tiền, hành dâm với lục thân là các trọng tội trong các tánh tội. Cư sĩ tại gia nếu phạm phải ắt chướng ngại giới thể vô tác, do vậy giới thể không thể phát khởi. Ở đây, hoặc có người hỏi: “Tội vọng ngữ trong bốn loại tánh tội, tại sao không bị liệt vào Già, Nạn?” Đó là bởi vì “chưa chứng Thánh Quả nói chứng, chưa đắc đạo nói đắc”, đại vọng ngữ này đa phần là người xuất gia phạm, hàng tại gia khó phạm phải giới này, cho nên trong Già, Nạn không đề cập đến.
Yết Ma Sớ theo Thành Thuật Luận nói: “Chẳng những chỉ có bảy điều Già, Nạn trên không được thọ giới mà còn có tội Ngũ Nghịch, gã tặc trụ, làm ô tỳ kheo ni đều không được xuất gia”. Bởi vì các tội này của họ làm chướng ngại thánh đạo vô cùng, chẳng phải sám hối mà thanh tịnh lại được, nên dù có cho người đó xuất gia, họ cũng không sao chứng được Thánh Quả thanh tịnh, nhất định phải chịu quả báo nặng. Tuy nhiên, Bát Quan Trai Giới chỉ để luyện tập xuất gia, không phải chánh thức xuất gia, nên chỉ cần nhận chân sám hối, và chứng tỏ rằng sau khi sám hối không còn dám tái phạm thì vẫn được thọ Bát Quan Trai Giới, và có thể y đó tu hành bố thí, tạo dựng sự nghiệp từ thiện, lợi ích cho nhân quần chúng sanh.
Gọi là “tặc trụ” là người chưa thọ Cụ Túc Giới, lén lút xâm nhập vào hàng ngũ Tăng để được lợi dưỡng, hoặc nghe lén Yết Ma trong Tăng đoàn, điều này cũng làm trở ngại vô cùng cho sự xuất gia. Bởi lẽ bọn họ sau khi xem và nghe Luật, sanh khởi tâm kiêu mạn đối với Pháp và Tăng, đó là điều tệ hại nhất. Nhưng nếu là tặc trụ, cũng có thể thọ Bát Giới nếu sám hối chân thật. Cho nên, người chân chánh phát tâm thọ Bát Giới chắc chắn là người pháp khí thân tâm an lạc.
________________________(6) Tánh tội: Bốn giới trọng Sát, Đạo, Dâm, Vọng tự tánh vốn ác, không cần phải đợi Phật chế. Hễ phạm phải chịu quả báo, nên gọi là Tánh tội. Còn giới ẩm tửu tự tánh chẳng phải ác, đức Phật vì bảo hộ các giới kia nên cấm không cho phạm. Nếu uống là phạm tội do Phật chế, nên gọi là Già tội.