THANH TỊNH ĐẠO
(The Path of Purification - Visuddhimagga )
Luận sư Bhadantacariya Buddhaghosa
Chuyển dịch từ Pàli sang Anh ngữ: Trưởng lão Nanamoli
Chuyển dịch từ Anh ngữ sang Việt ngữ: Thích Nữ Trí Hải
Phần Thứ Ba.
Tuệ Mô Tả Về Đất Cho Tuệ Sinh
Trưởng
Chương
XVIII
Kiến
Thanh Tịnh
(Ditthivisuddhi-niddesa)
1. Ở một chương trước (Ch. XIV, đ. 32) có nói: "Vị ấy nên trước hết,
tăng trưởng tri kiến bằng sự học hỏi về những gì là đất sau khi đã viên mãn hai
thứ thanh tịnh là thanh tịnh giới và thanh tịnh tâm, được gọi là những gốc
rễ. Về những gốc rễ này, thì thanh tịnh giới là Giới hoàn toàn thanh
tịnh về cả bốn phần, tức sự chế ngự với chế ngự của giới bổn v.v... đã
được đề cập chi tiết ở phần nói về Giới (
2. Nhưng trên đây có nói (đ. 32, Ch. XIV) năm thanh tịnh gồm Kiến thanh tịnh, đoạn nghi thanh tịnh, Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, Đạo tri kiến thanh tịnh và tri kiến thanh tịnh, được gọi là những thân cây". Ở đây, Kiến thanh tịnh là sự thấy đúng danh-sắc.
[Chú thích: Danh đây cần xem như là bốn uẩn thọ, tưởng, hành, thức thuộc cả ba bình diện (cõi), không bỏ bớt thức như trong trường hợp "Do duyên thức, co danh sắc, và không bao gồm các uẩn siêu thế tương ưng Niết bàn. - Pm. 744).
Định Rõ Danh Sắc
1. Căn Cứ Bốn Đại Chủng
A. Khởi từ Danh
3. Một người muốn hoàn tất việc này, trước hết nếu vị ấy tu theo chỉ thừa (cỗ xe tịnh chỉ), thì hãy xuất định từ một thiền thuộc sắc hay vô sắc nào cũng được, trừ phi tưởng phi phi tưởng xứ,
[Chú thích: người khởi sự làm công việc này thường gặp khó khăn khi phân biệt hình thức hữu cao nhất, tức phi tưởng phi phi tưởng xứ"-- Pm. 744. Sở dĩ như vậy là vì tưởng giảm tới độ vị tế (xem M. iii, 28)] và vị ấy nên phân biệt theo đặc tính, nhiệm vụ, v.v... những thiền chi tầm, tứ, ... cùng các pháp tương ưng với chúng (nghĩa là thọ, tưởng, v.v... ). Khi vị ấy đã làm như vậy, tất cả các pháp ấy cần được định nghĩa là danh (nama) theo định nghĩa nghiêng về (namana), vì nó nghiêng về phía đối tượng. Nghiêng về phía một đối tượng có nghĩa rằng không có sự sanh khởi nếu không có một đối tượng hoặc có nghĩa là đặt tên cho đối tượng - Pm. 744)].
4. Rồi, cũng như một người, nhờ theo dấu một con rắn đã bắt gặp trong nhà, tìm ra được hang ổ của nó, cũng vậy, hành giả dò xét cái danh ấy, tìm cho ra sự sanh khởi của nó nương vào cái gì, và thấy rằng, nó y cứ vào sắc chất của trái tim. Sau đó, vị ấy phân biệt là "sắc" các đại chủng làm chỗ nương cho tim, và các loại sở tạo sắc khác có tứ đại làm chỗ tựa. Vị ấy định nghĩa tất cả đó là sắc (rùpa) vì nó bị quấy nhiễu (ruppana) bởi lạnh nóng. Rồi vị ấy định nghĩa vắn tắt là danh sắc cái danh có đặc tính nghiêng về, và cái sắc có đặc tính bị quấy nhiễu.
B. Khởi Từ Sắc
5. Nhưng một người theo quán thừa, cỗ xe trí tuệ thuần túy, hay cũng người theo chỉ thừa nói trên, phân biệt bốn đại vắn tắt và chi tiết, theo một trong nhiều cách đã nói trong chương Phân biệt Giới (Ch. XI, đ. 27). Khi các giới đã rõ rệt trong đặc tính chính xác của chúng, thì trước hết, trong trường hợp tóc do nghiệp sanh, hiện rõ mười loại sắc thuộc thân thập pháp là:bốn đại, màu, mùi, vị, thực tố, mạng và thân-tịnh-sắc. Và vì tánh thập pháp cũng hiện diện ở đấy, nên có thêm mười sắc pháp nữa (tức chín thứ trước thêm tánh thay vì thân tịnh sắc). Và vì ba nhóm 8 pháp (với thực tố thứ tám, nghĩa là 4 đại, màu, mùi, vị và thực tố) thực sanh, thời sanh và tâm sanh cũng hiện diện nên còn có 24 sắc pháp khác. Như vậy có tất cả 44 sắc pháp trong mỗi phần thuộc 24 thân phần do cả bốn nguồn gốc sanh (nghiệp, tâm, thời, thực). Còn bốn thứ: mồ hôi, nước mắt, đờm, nước mũi do thời sanh và tâm sanh, thì có 16 sắc pháp tứ hai nhóm tám (thực tố thứ tám trong mỗi nhóm). Bốn món gồm bao tử (tức đồ ăn chứa trong đó), phân, mủ, nước tiểu, do thời sanh, thì chỉ có tám sắc pháp (thực tố là thứ tám) do thời sanh mà thôi. Đất là phương pháp, trong trường hợp 32 khía cạnh của thân thể.
6. Nhưng có mười khía cạnh khác trở nên rõ rệt khi 32 khía cạnh này đã rõ. [Chú thích: 4 khía cạnh thuộc hỏa đại: cái gì làm nóng, tiêu hủy, đốt cháy, tiêu hóa và 6 thuộc phong đại: gió (hay năng lực) di lên, gió đi xuống, gió trong bụng, gió trong ruột, gió trong tứ chi, hơi thở]. Và về những thứ này, trước hết 9 sắc pháp mạng căn (nhóm tám với thực tố thứ tám, thêm mạng), cũng trở nên rõ rệt trong cái phần hỏa do nghiệp sanh, làm tiêu hóa thực phẩm được ăn vào, v.v... Cũng rõ rệt thanh cửu pháp (nhóm tám như trên thêm âm thanh) trong cái phần phong đại do tâm sinh, là hơi thở, và 33 sắc pháp gồm mạng-cửu-pháp nghiệp sanh, và ba nhóm 8 với thực tố thứ tám, trong trường hợp mỗi phần còn lại trong tám (phần) thuộc bốn nguồn gốc sanh.
7. Khi những sở-tạo-sắc (do chấp thủ) này đã trở nên rõ rệt trong 42 cạnh nói trên nghĩa là, 32 thân phần, 4 kiểu hỏa và 6 kiểu phong), thì 60 sắc pháp khác cũng trở nên rõ rệt với thập pháp tâm-cơ hay sắc căn, và năm căn môn mỗi thứ 10: thập pháp mắt, tai, v.v... Gom tất cả lại dưới đặc tính "bị bức não", hành giả xem chúng là sắc.
8. Khi vị ấy đã phân biệt sắc như thế, thì các pháp vô sắc trở nên rõ rệt theo căn môn, nghĩa là: - 81 loại tâm thế gian gồm hai bộ năm (34-38 và 50-54 xem đồ biểu), ba loại ý giới (39, 55 và 70), và 68 ý thức giới; - và 7 tâm sở (biến hành): xúc, thọ, tưởng, tư, mạng căn (7), nhất tâm (8) và tác ý (30). Bảy tâm sở này luôn luôn câu sanh với 81 loại trên. Nhưng các loại tâm siêu thế thì không thể được biết rõ bởi một người thực hành càn tuệ hay một người thuộc chỉ thừa (cỗ xe tịnh chỉ), vì những loại tâm ấy vượt ngoài tầm họ. Gom tất cả vô sắc pháp này lại dưới đặc tính "nghiêng về", hành giả xem chúng là danh.
Đấy là cách một thiền giả phân biệt danh-sắc một cách chi tiết, qua phương pháp phân biệt bốn đại chủng.
2. Định Nghĩa Căn Cứ 18 Giới
9. Một người khác phân biệt bằng 18 giới. Như thế nào? Ở đây, một tỷ kheo quán xét các giới như sau: "Trong người này đây là nhãn giới... đây là ý thức giới." Thay vì chấp cục thịt loang lổ với các vòng tròn đen, trắng, có bề dài bề ngang, được mắc vào lỗ con mắt với đường gân, mà thế gian gọi là "một con mắt", hành giả định nghĩa là "nhãn giới" cái phần mắt tịnh-sắc thuộc loại đã tả dưới mục các sở-tạo-sắc trong phần nói về các Uẩn. (Ch. XIV, đ. 47).
10. Nhưng vị ấy không định nghĩa là "nhãn giới" những sắc pháp còn lại gồm 53 tất cả, tức 9 câu sanh sắc là bốn đại chủng làm sở-y cho nó, màu, mùi, vị, thực tố và mạng căn; 20 sắc nghiệp sanh cũng ở đấy, là thán thập pháp và tánh thập pháp; và 24 sắc phi-chấp-thủ là ba nhóm 8 (với thực tố thứ tám) thực sanh, vân vân. Cùng phương pháp ấy áp dụng cho nhĩ giới vân vân. Nhưng trường hợp thân giới, thì những sắc pháp còn lại gồm 43 tất cả, có người nói 45, cọng thêm hai thanh cửu pháp thời sanh và tâm sanh.
11. Vậy năm tịnh sắc này cùng năm ngoại trần tương ứng, là sắc thanh hương vị xúc, làm thành 10 sắc pháp, hay mười giới trong mười tám giới. Những sắc pháp còn lại chỉ là pháp giới mà thôi.
Tâm khởi lên với con mắt làm chỗ y cứ, và tùy thuộc một sắc pháp, gọi là nhãn thức. Tương tự, với tai, v.v... . Với cách đó hai bộ năm tâm là năm thức giới, ba loại tâm (39, 55 và 70) là ý giới duy nhất; 68 loại ý thức giới là ý thức giới. Tất cả 81 tâm thế gian làm thành bảy loại thức giới; và xúc, v.v... tương ưng là pháp giới.
Vậy mười rưỡi giới là sắc và bảy rưỡi giới là danh. Đấy là định nghĩa danh-sắc qua 18 giới.
3. Định Nghĩa Căn Cứ 12 Xứ
12. Một người khác định nghĩa danh-sắc bằng 12 xứ như sau. Vị ấy định rõ "nhãn xứ" chỉ là tịnh sắc mà thôi, để ra ngoài 53 sắc pháp còn lại, theo cách đã nói về nhãn giới. Cũng thế vị ấy định nghĩa tai, mũi, lưỡi, thân là "nhĩ xứ, tỉ xứ, thiệt xứ, thân xứ" theo cách đã nói trong phần nhãn giới. Vị ấy định nghĩa năm lĩnh vực đối tượng của chúng là "sắc xứ, thanh, hương, vị, xúc xứ". Vị ấy định nghĩa bảy thức giới thuộc thế gian là "ý xứ". Xúc, v.v... tương ưng với chúng, và các sắc pháp còn lại, là "pháp xứ". Vậy mười rưỡi xứ là sắc và một rưỡi xứ là danh. Đấy là cách thiền giả định nghĩa danh-sắc theo 12 xứ.
4. Định Nghĩa Căn Cứ Năm Uẩn
13. Một người khác định nghĩa danh-sắc một cách vắn tắt theo năm uẩn, như sau. Ở đây, vị tỷ kheo định nghĩa "sắc uẩn" tất cả 27 sắc sau đây, là 17 sắc pháp gồm 4 đại chủng thuộc bốn nguồn gốc sanh trong thân này, màu, mùi, vị, thực tổ phụ thuộc, năm tịnh sắc mắt tai mũi lưỡi thân, sắc chất của tâm cơ, tánh, mạng, căn, và thanh thuộc cả hai nguồn gốc sanh. Mười bảy sắc pháp này dễ hiểu vì chúng được sản sanh, và là những sắc pháp cụ thể. Và mười sắc pháp khác là thân biểu, ngữ biểu, không giới, khinh khoái, nhu nhuyến, kham nhậm, tăng trưởng, tuơng tục, lão, vô thường của sắc. Mười sắc này khó lĩnh hội vì chúng chỉ là biến hóa sắc, hạn giới sắc, chúng không được phát sinh và cũng không là những sắc cụ thể, nhưng được kể là sắc pháp vì chúng làm biến đổi sắc thái và định giới hạn cho những sắc pháp khác nhau. Như vậy, vị ấy định nghĩa 27 sắc pháp này là "sắc uẩn". Vị ấy định nghĩa thọ khởi lên theo 81 loại tâm là "thọ uẩn", tưởng tương ưng với chúng là "tưởng uẩn", hành tương ưng là "hành uẩn", và tâm là "thức uẩn".
Như vậy, bằng cách định nghĩa s?c uẩn là sắc và bốn tâm uẩn là danh hành giả định nghĩa danh-sắc nhờ năm uẩn.
5. Định Nghĩa Vắn Tắt Căn Cứ Bốn Đại
14. Một người khác phân biệt "sắc" trong người mình một cách vắn tắt như sau: "Bất cứ loại sắc nào cũng đều gồm trong bốn đại và sở tạo sắc xuất phát từ bốn đại". (M. i, 222). Cũng vậy, vị ấy phân biệt ý xứ và một phần của pháp xứ là danh. Rồi vị ấy phân biệt danh-sắc một cách vắn tắt như sau: "Danh này, và sắc này, gọi là danh-sắc".
Nếu Vô Sắc Không Hiện Rõ
15. Khi phân biệt sắc theo một trong những cách trên, mà vô sắc vẫn không rõ rệt do tính chất vi tế của nó, thì hành giả không nên bỏ cuộc mà nên nhiều lần tìm hiểu, tác ý, phân biệt, và chỉ định rõ sắc mà thôi. Vì khi sắc càng được xác định, được phăng ra manh mối, càng sáng tỏ, thì các pháp vô sắc, cái có sắc ấy làm đối tượng, cũng trở nên rõ rệt.
16. Cũng như khi một người đưa mắt tìm bóng mặt mình trong một tấm gương dơ nhưng không thấy được, thì anh ta không vì vậy mà quăng bỏ tấm gương soi, trái lại y đánh bóng tấm gương nhiều lần, và khi ấy cái bóng tự nhiện hiện rõ khi gương đã sạch. Hoặc như người làm dầu mè, đổ mè vào chảo tẩm ướt, ép một hai lần mà không thấy dầu chảy ra, thì người ấy không quẳng bỏ bột mè, mà tẩm thêm nước nóng rồi vắt, ép, và khi làm thế, chất dầu trong sẽ xuất hiện. Cũng vậy, vị tỷ kheo không nên bỏ cuộc, mà nên tiếp tục nhiều lần tìm hiểu, tác ý, phân biệt để định rõ sắc.
17. Vì khi sắc càng trở nên xác định, càng được phăng ra manh mối, càng rõ rệt đối với hành giả, thì những cấu uế chướng ngại sẽ lắng xuống, tâm trở thành trong suốt như nước đã lắng bùn, các vô sắc pháp có sắc kia làm đối tượng sẽ tự nhiên rõ rệt. Và ý nghĩa này cũng có thể làm sáng tỏ bằng những ví dụ khác, như sự ép mía, tra khảo tội nhân, luyện trâu bò, đánh ván sữa để làm bơ...
Ba Cách Làm Cho Vô Sắc Pháp Hiện Rõ
Khi hành giả đã hoàn tất sự phân biệt sắc, thì các vô sắc pháp trở nên rõ rệt qua một trong ba phương tiện là xúc, thọ và thức. Như thế nào?
19.1.a. Khi vị ấy phân biệt boná giới theo cách: "Địa giới có đặc tính cứng" (Ch. XI, 93), xúc trở nên rõ rệt cho vị ấy kể như chặng đầu. Rồi thọ tương ưng là hành uẩn, tư và xúc tương ưng là hành uẩn, và thức tương ưng là thức uẩn.
b. Cũng vậy, khi hành giả phân biệt như sau: "Trong tóc, chính địa giới có tánh cứng... Trong hơi thở vô-ra, địa giới có tánh cứng." (Ch. XI, 31), xúc trở nên rỏ rệt kể như chặng đầu, rồi thọ tương ưng là thọ uẩn, tưởng... thức tương ưng là thức uẩn.
Đấy là cách làm vô sắc pháp trở nên rõ rệt nhờ xúc.
20.2.a. Với một người khác phân biệt bốn đại chủng theo cách: "Địa giới có đặc tánh cứng", thọ có địa giới ấy làm đối tượng, và cảm nhận kích thích của nó (vấn đề dễ chịu, v.v... ), trở nên rõ rệt là thọ uẩn, tưởng tương ưng là tưởng uẩn, xúc và tư tương ưng là hành uẩn, và thức tương ưng là thức uẩn.
b. Cũng vậy, với một người phân biệt chúng như sau: "Trong tóc, chính địa giới có đặc tánh cứng"... Trong hơi thở vô-ra, chính địa giới có đặc tánh cứng", thọ có địa giới ấy làm đối tượng và cảm nhận kích thích của địa giới trở nên rõ rệt là thọ uẩn, và thức tương là thức uẩn.
Đấy là cách vô sắc pháp trở nên rõ rệt qua thọ.
21.3.a. Với một người khác phân biệt bốn đại chủng như sau: "Địa giới có đặc tánh cứng", cái thức nhận ra đối tượng trở nên hiển nhiên là thức uẩn, thọ tương ưng là thọ uẩn, tưởng tương ưng là tưởng uẩn, xúc và tư tương ưng là hành uẩn.
b. Cũng vậy với người phân biệt chúng như sau: "Trong tóc, chính địa đại có tánh cứng... Trong hơi thở vô ra, chính đại có tánh cứng", nhận thức ra đối tượng trở nên hiển nhiên là thức uẩn... xúc và tư tương ưng là hành uẩn, thức tương ưng là thức uẩn.
Đấy là vô sắc trở nên rõ rệt thức.
22. Trong cách phân biệt sắc thành 42 khía cạnh khởi từ tóc (xem đoạn 6), hoặc phân biệt theo cách vừa kể, hoặc theo phương pháp: "Trong tóc do nghiệp sanh, chính địa giới có tánh cứng", cũng như trong cách phân biệt sắc thành mắt, v.v... (18 giới), nhờ bốn đại chủng trong mỗi món, sự giải thích cần thực hiện bằng cách vạch ra tất cả những khác nhau trong mỗi phương pháp.
23. Chỉ khi nào hành giả đã hoàn toàn nắm vững sự phân biệt sắc theo cách ấy, vô sắc mới hiện rõ ở ba khía cạnh. Bởi thế, vị ấy chỉ nên bắt tay vào công việc phân định vô sắc khi đã hoàn tất về phân biệt sắc pháp, không cách nào khác hơn. Nếu vị ấy rời bỏ phân biệt sắc khi mới chỉ một hai sắc pháp hiện rõ, để khởi sự phân biệt vô sắc, thì vị ấy sẽ rơi khỏi đề mục thiền, như con bò cái đã nói ở phần mô tả biến xứ đất (Ch. IV, 130). Nhưng nếu hành giả khởi sự phân biệt vô sắc sau khi đã hoàn toàn bảo đảm về phân biệt sắc, thì đề mục thiền sẽ đi đến chỗ thành tựu, tăng trưởng, viên mãn.
Không Có Con Người Ở Ngoài Danh Sắc
24. Hành giả phân biệt bốn vô sắc uẩn đã trở nên rõ rệt qua xúc, v.v... là danh, và đối tượng của chúng, tức bốn đại và sắc do bốn đại tạo, là sắc. Vậy, như người dùng dao mở hộp, như người tách một trái cau làm đôi, vị ấy phân biệt tất cả pháp thuộc ba cõi: 18 giới, 12 xứ, năm uẩn theo hai đường là danh và sắc, và kết luận rằng ngoài danh-sắc, không co ùmột cái gì gọi là cái ngã, hay con người, chư thiên hay Phạm thiên.
25. Sau khi phân biệt danh-sắc theo thật tánh của nó như vậy, hành giả, để từ bỏ quan niệm thế tục về ngã, nhân một cách triệt để, để vượt qua tình trạng mê mờ về chúng sanh, và để an lập tâm trên bình diện không mê mờ, hành giả kkểm lại cho chắc ăn, rằng ý nghĩa "chỉ có danh-sắc, không có ngã, nhân" quả có được kinh điển xác chứng. Vì điều này đã được nói trong kinh Tương ưng:
Như bộ phận quy tụ
Tên "xe" được nói lên
Cũng vậy, uẩn quy tụ
Thông tục gọi "chúng sanh" - (S. i, 135)
26. Lại nữa, điều này được nói: "Cũng như khi một khoảng không gian được bao bọc bằng gỗ, dây leo, cỏ, đất sét, thì có ra danh từ "nhà", cũng thế, khi một khoảng không gian được vây kín bằng xương, gân, thịt, da, thì có ra danh từ "sắc" (M. i, 190)
27. Lại có nói;
Chỉ có Khổ sanh
Khổ tồn tại, Khổ diệt
Ngoài Khổ, không gì sanh
Ngoài Khổ, không gì diệt. (S. i, 135)
28. Như vậy, trong nhiều trăm bản kinh, chỉ có danh-sắc được thuyết minh, không phải một cái ngã, một con người. Bởi thế, như khi những thành phần như trục, bánh xe, khung, dàn... được xếp đặt theo cách nào đó, thì có ra danh từ thông dụng là "xe", nhưng theo ý nghĩa tuyệt đối, khi mỗi phần tử được xem xét, thì không có "xe". Cũng vậy, khi có năm uẩn kể như đối tuợng chấp thủ, thì có ra danh từ thông dụng là "chúng sanh" "ngã", nhưng theo nghĩa tuyệt đối, khi mỗi phần tử được xét đến, thì không có một tự ngã nào làm căn cứ cho giả thuyết "tôi" hoặc "tôi là". Theo nghĩa tối hậu, chỉ có danh-sắc. Cái thấy của người thấy như vậy gọi là chánh kiến.
29. Nhưng khi một người chối bỏ cách thấy đúng này, mà cho rằng có một cái ngã hiện hữu, thì người ấy phải kết luận ngã ấy sẽ đoạn diệt, hoặc sẽ không đoạn diện. Nếu y kết luận rằng nó không đi đến đoạn diệt, thì rơi vào thường kiến. Nếu y kết luận, ngã ấy đi đến đoạn diệt, thì rơi vào đoạn kiến. Tại sao? Vì sự quyết đoán ấy loại trừ mọi biến chuyển tuần tự như sự biến chuyển của sữa thành ván sữa. Vậy người ấy hoặc bất cập, mà kết luận rằng ngã ấy là thường, hoặc thái quá, mà kết luận ngã ấy là đoạn.
30. Do đó đức Thế Tôn dạy: "Có hai loại kiến chấp, này các tỷ kheo, và khi chư thiên và loài người bị các kiến chấp ấy ám ảnh, thì một số bất cập còn một số thái quá. Chỉ có người có mắt mới trông thấy. Thế nào là bất cập? Chư thiên và nhân loại ưa thích hữu, thích thú trong hữu, ái lạc hữu... khi Pháp được giảng dạy cho chúng để chấm dứt hưũ, thì tâm chúng không thâm nhập Pháp ấy, được an lập, vững vàng, quyết định. Đó là hạng bất cập. Và thế nào là thái quá? Một số thì hổ thẹn, chán nản, sỉ nhục vì hữu này, chúng quan tâm đến phi hữu như sau: "Chư hiền, khi nào, cùng với sự tan rã của thân này, tự ngã đoạn diệt, cắt đứt, không còn sanh lại sau khi chết, thì đấy là an lạc thù thắng, chân thật". Như thế là những người thái quá. Và thế nào là người thấy rõ với con mắt? Ở đây, một tỷ kheo thấy hữu là hữu, sau khi thấy như vậy, vị ấy đi vào đạo lộ ly tham, tịch diệt đối với hữu. Đấy là người thấy rõ với con mắt." (Iti. 43; Ps. i, 159)
31. Bởi thế, cũng như một hình nhân là trống rỗng, không tựï ngã, không có tò mò, đi đứng chỉ nhờ gỗ và giây giật, nhưng lại có vẻ như có tò mò, quan tâm; cũng vậy, danh-sắc này trống rỗng, không ngã, không tò mò, và trong khi nó đi đứng chỉ nhờ sự phối hợp hai thứ danh và sắc, nó có vẻ như có sự tò mò, quan tâm. Đây là cách quan sát. Do đó cổ đức nói:
Danh và sắc thực có ở đây,
Nhưng không có con người nào cả
Vì nó trống rỗng và được tạo ra như một hình nhân,
Chỉ là khổ chồng chất, như cỏ và cọng củi.
Danh Sắc Lệ Thuộc Lẫn Nhau
32. Và điều này cần được giải thích không chỉ bằng ví dụ hình nhân, mà còn bằng những ẩn dụ "bó lau", vân vân . Cũng như khi hai cụm lau tựa vào nhau, cụm này làm chỗ tựa vững chắc cho cụm kia, và khi cụm này đổ, thì cụm kia đổ, cũng thế trong ngũ uẩn hữu, danh sắc sanh khởi lệ thuộc lẫn nhau, phần này làm chỗ nương và củng cố cho phần kia, và khi một phần rơi xuống do cái chết, thì phần kia cũng sụp đổ. Do đó nói:
Danh và sắc sanh đôi
cái này đỡ cái kia
khi một cái tan rã
cả hai cùng tan rã
do hỗ tương duyên tánh.
33. Và cũng như khi tiếng sanh ra có chỗ y cứ là trống do dùi đánh,trống khác, không lẫn lộn; trống không tiếng, tiếng không trống, cũng thế khi tâm sanh có chổ nương là sắc được gọi là thân-sở-y, căn môn và đối tượng, thì khi ấy, danh là một sắc là một, danh, sắc không lẫn lộn với nhau, danh không có sắc, sắc không có danh. Nhưng danh (tâm) sanh do sắc, như tiếng sanh do trống. Do đó cổ đức dạy:
Năm thứ y cứ vào xúc không đến từ con mắt,
Hay từ sắc, hay một cái gì ở giữa,
Do một nguyên nhân nó sanh ra, thành hình,
Như tiếng sanh từ trống bị đánh.
Năm thứ y cứ vào xúc không đến từ lỗ tai
Hoặc từ tiếng, hoặc từ một cái ở giữa
Do một nguyên nhân...
Năm thứ y cứ vào xúc không đến từ lỗ mũi
hay từ mùi, hay một cái gì ở giữa
Do một nguyên nhân
Năm thứ y cứ vào xúc không đến từ lưỡi
hay từ vị, hay cái gì ở giữa
Do một nguyên nhân...
Năm thứ y cứ vào xúc không đến từ thân
hay từ xúc, hay cái gì ở giữa,
Do một nguyên nhân ...
Khi được tạo thành, nó không do sắc xứ
cũng không do pháp xứ,
Do một nguyên nhân, nó sanh ra và được thành hình
cũng như tiếng xuất phát từ trống bị đánh
34. Lại nữa, danh không có quyền năng hữu hiệu, không thể tự sanh. Nó không ăn uống, nói năng, đi đứng nằm ngồi. Và sắc cũng không có năng lực hữu hiệu, không thể tự sanh, vì nó không có cái ý muốn ăn, uống, nói đi đứng nằm ngồi. Nhưng khi y cứ vào sắc thì tâm sanh, y cứ vào tâm, sắc sanh. Khi danh có ý muốn ăn, uống, nói, đi đứng nằm ngồi, thì chính sắc làm cái việc ấy.
35. Ví như một người mù từ sơ sanh, và một người què, muốn đi đến một nơi nào đó, anh mù bảo: "Này, tôi có thể làm việc bằng đôi chân, nhưng không có mắt để thấy đường". Anh què bảo: "Tôi có thể làm việc bằng con mắt, nhưng không có chân để đi." Người mù vui vẻ bảo anh què leo lên vai. Ngồi trên lưng người mù, anh què hương dẫn: "Bỏ trái, qua phải, bỏ phải, quẹo trái... "
36. Do đó nói:
Chúng không sanh do tự lực
Hay tự duy trì bằng năng lực của mình
Nhưng nhờ nương vào các pháp khác,
- những pháp cũng yếu kém, sở-tạo như chúng-
mà các pháp này sanh ra.
Chúng được sanh do duyên cái khác (y tha)
Được khơi dậy bởi cái khác làm đối tượng,
Chúng được phát sinh do đối tượng và duyên
Và mỗi thứ đều sanh do cái khác với nó.
Ví như người nương vào
Thuyền bè để vượt biển,
Cũng vậy, danh-thân (tâm)
Cần sắc-thân để sanh;
Như thuy?n lệ thuộc người
Để vượt qua biển lớn
Thân vật lý lệ thuộc
Thân tâm lý để sanh.
Chúng phụ thuộc lẫn nhau,
- thuyền và người đi biển,
cũng thế danh và sắc,
hai thứ lệ thuộc nhau.
37. Sự thấy đúng danh và sắc như vậy, một sự thấy đã được an lập trên sự không mê mờ do đã vượt qua ngã tưởng, sau khi phân biệt danh-sắc bằng những phương pháp nói trên, - sự thấy đúng ấy gọi là Kiến thanh tịnh, cũng gọi là phân biệt danh sắc, cũng gọi là Định giới các hành.
Chương 18 này mô tả Kiến thanh tịnh, trong Luận về tu tập Tuệ, thuộc Thanh tịnh đạo, được soạn thảo vì mục đích là hoan hỉ những người lành.