CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN GIÁC NGỘ
Tác giả : MÃ MINH - Dịch & giải: Chân Hiền Tâm
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh 2004
CƯƠNG YẾU
PHÁP GIỚI DUYÊN KHỞI TÔNG HOA NGHIÊM
Đại
sư Hám Sơn Thích Đức Thanh
Trong bảy vị Tổ của tông Hoa Nghiêm, Mã Minh là Sơ Tổ. Song trong luận này chưa đề cập đến yếu chỉ VIÊN DUNG. Vì sao? Vì trước đây chưa có người biết về thuyết này, còn kẻ hậu học thì lại mù mờ chẳng thể phân biện, nên tôi hoàn toàn chẳng thêm ý nào. Lại, cổ nhân kiến lập tông chỉ đâu cần phải nói đầy đủ rõ ràng hết với người đời. Nên nay tôi chỉ lược nói về những chỗ then chốt để người biết tông chỉ của nó.
Tông Hoa Nghiêm viên giáo lấy nhất chân pháp giới gồm thâu BỐN PHÁP GIỚI. Y bốn pháp giới lập MƯỜI HUYỀN MÔN. Tuy là bốn giới mười huyền nhưng đều nhơn LỤC TƯỚNG mà lập. Vì thế lục tướng trở thành mấu chốt của VIÊN DUNG vô ngại. Luận này nói rõ toàn bộ lục tướng là bao quát hết lý thú của bốn giới, mười huyền. Vì lục tướng là giềng mối của VIÊN DUNG nên luận này nhiếp pháp giới vô tận vậy. Vì thế, đầu tiên nêu ra nhất tâm chân như là THỂ của “Đại tổng tướng pháp môn”.
Lại, luận này y cứ hàng trăm bộ Đại thừa mà làm ra, song trăm bộ Đại thừa là do hóa thân Phật kiến lập, tức thật là quyền. Nay luận này tổng nhiếp quyền thừa qui về một cái thật, chủ ý muốn hiển tức quyền là thật, dẫn qui về biển quả VIÊN DUNG tột cùng. Trong luận tuy chưa hiển rõ về ý chỉ VIÊN DUNG, song tam thừa, năm tánh, đốn tiệm, tu chứng đều gom về cội nguồn biển quả nhất tâm, mà công đức viên dung đầy đủ đều là sự vi diệu của nhất tâm. (Đã nói đầy đủ trong tông Hoa Nghiêm nên đây chẳng nói). Chỉ là nhiếp dẫn qui về biển tánh, nên trong luận, chỗ qui về đầu tiên là báo thân Phật, cho đến sở kiến của người đoạn hoặc cũng là báo thân Phật.
Nghĩa của luận đã nói đầy đủ nhiễm và tịnh - cùng đồng một chân - là tướng dụng của nhất tâm. Bởi nhất niệm làm duyên khởi cho nhiễm tịnh nên hoàn toàn giống như trong Hoa Nghiêm lấy “Pháp giới duyên khởi” làm tông, mà Thập nhị duyên sanh tức là Như Lai Phổ Quang Minh Trí. Thì biết, yếu chỉ nhập pháp giới của tông Hoa Nghiêm ắt hẳn lấy luận này làm cửa nhập pháp giới vậy.
LỤC TƯỚNG là các tướng tổng, biệt, đồng, dị, thành, hoại.
1. TƯỚNG TỔNG, chính là nhất tâm chân như, là thể của “Pháp giới đại tổng tướng pháp môn”.
2. TƯỚNG BIỆT ; là nhất tâm, 2 môn, 3 tế, 6 thô, 5 ý, 6 nhiễm, tu đoạn sai biệt.
3. TƯỚNG ĐỒNG : là thánh, phàm, nhiễm, tịnh, nhân, quả, tánh, tướng đồng một chân như. Dụ như đồ gốm cùng đồng vi trần.
4. TƯỚNG DỊ : là các pháp nhiễm tịnh, mỗi mỗi sai biệt, chẳng một chẳng khác. Dụ như các loại đồ gốm đều từ vi trần mà có, nhưng chẳng phải là một.
5. TƯỚNG THÀNH : là các pháp nhiễm tịnh, đều từ một niệm duyên khởi mà thành.
6. TƯỚNG HOẠI : là các pháp nhiễm tịnh, mỗi thứ đều có vị trí của nó, nhưng mỗi mỗi không tánh, không thể tự dựng lập.
BỐN PHÁP GIỚI là lý pháp giới, sự pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới, sự sự vô ngại pháp giới.
1. LÝ PHÁP GIỚI : là nhất tâm chân như không có pháp sai biệt, một chân lý toàn nhất.
2. SỰ PHÁP GIỚI : là tất cả thánh, phàm, nhiễm, tịnh y nơi chánh nhân quả và các sự pháp sai biệt.
3. LÝ SỰ VÔ NGẠI PHÁP GIỚI : Do LÝ SỰ ở trên cùng thành, cộng lại có 10 môn. Vì SỰ thấu LÝ thành nên toàn LÝ thành SỰ. Bởi LÝ thành SỰ nên toàn SỰ tức LÝ. Bởi LÝ hay thành SỰ, nên SỰ chẳng ngại LÝ mà hay hiển LÝ. Vì SỰ thấu LÝ thành, nên LÝ chẳng ngại SỰ mà hay dung SỰ. LÝ hay thành SỰ nên toàn SỰ tức LÝ. SỰ hay hiển LÝ nên toàn LÝ tức SỰ. Vì LÝ SỰ tương tức nên được LÝ SỰ dung hòa vô ngại. Trong Thập Môn của Pháp Giới Quán phân biệt rất là rõ rệt, đây chỉ lược nêu yếu chỉ của nó.
4. SỰ SỰ VÔ NGẠI PHÁP GIỚI : Vì LÝ SỰ vô ngại, nay toàn LÝ thành SỰ nên bất tất lại nói LÝ của nó. Vì toàn SỰ toàn LÝ nên sự sự dung nhiếp, không chướng không ngại. Chỉ vì LỤC TƯỚNG thâu gom tất cả sự pháp thì pháp pháp viên dung nên thành 10 tầng huyền môn. Vì hiển bày đại dụng của pháp giới nên nghĩa của luận này hội lục tướng là đã nhiếp tông Viên Dung Cụ Đức sự sự vô ngại. Nghĩa của mười huyền môn đã nói đầy đủ trong Hoa Nghiêm Huyền Đàm. Nay chỉ kể tên.
MƯỜI HUYỀN MÔN
1. Đồng thời cụ túc tương ưng môn
2. Quảng hiệp tự tại vô ngại môn
3. Nhất đa tương dung bất đồng
môn
4.
5. Ẩn mật liễu hiển câu thành môn
6. Vi tế tương dung an lập môn
7. Nhân đà la võng cảnh giới môn
8. Thác sự hiển pháp sanh giải
môn
9. Thập thế cách pháp cộng thành
môn
10. Chủ bạn viên dung cụ đức môn
Nghĩa của mười huyền môn này được nói rõ trong Pháp Giới Quán và Huyền Đàm.
Lão già ẩn dật núi Khuông LôHám Sơn Thích Đức Thanh