TRUNG LUẬN
(MADHYAMAKAKÀRIKÀ)
Tác giả: Bồ tát Long Thụ (Nàgàrjuna)
Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Bản dịch Việt ngữ: Cao Dao
QUYỂN THỨ BA
TRUNG LUẬN QUYỂN THỨ BA 15. QUÁN TỒN TẠI VÀ KHÔNG TỒN TẠI (Hữu Vô-有無) _11 kệ 16. QUÁN SÁT VỀ SỰ TRÓI BUỘC VÀ GIẢI THOÁT_10 kệ 17. QUÁN SÁT VỀ TÍCH LŨY TẠO TÁC (Nghiệp-業) VÀ KẾT QUẢ TƯƠNG ỨNG (Báo-報)_33 kệ 18. QUÁN SÁT CÁI TÔI (Ngã-我) và CÁI THUỘC VỀ TÔI (Ngã Sở-我所)_12 kệ 19. QUÁN SÁT THỜI GIAN_6 kệ 20. QUÁN SÁT NHÂN VÀ QUẢ_24 kệ 21. QUÁN SÁT VỀ SINH THÀNH VÀ HOẠI DIỆT_20 kệPHẨM THỨ MƯỜI LĂM:
QUÁN TỒN TẠI VÀ KHÔNG TỒN TẠI (Hữu Vô-有無)
1
眾緣中有性
是事則不然
性從眾緣出
即名為作法
15.1
Nếu cho những cái gì có điểu kiện tạo tác (Duyên-眾) cũng có tự tính (Tính-性),
Thì điều này không thỏa đáng.
Vì nếu tự tính xuất phát từ những điều kiện tạo tác,
Thì phải gọi đó là cái-được-tạo-tác bởi điều kiện.
2
性若是作者
云何有此義
性名為無作
不待異法成
15.2
Nếu tự tính là cái gì được-tạo-tác,
Thì làm sao có được định nghĩa này:
Tự tính vốn được gọi tên như là cái không do tạo tác,
Nó không chờ đến cái gì khác nó mà thành.
3
法若無自性
云何有他性
自性於他性
亦名為他性
15.3
Nếu mọi tồn tại đều không có tự tính,
Thì làm sao có được tha tính?
Nếu tự tính có nhân tố tác tạo từ tha tính*,
Thì cũng phải gọi nó là tha tính.
______*Tha tính-他性": những tính chất được tạo tác từ tương quan tương tác ("Duyên-緣") với những cái khác. Cấu tạo chữ Hán của từ này cho phép có thể hiểu cả hai nghĩa nội hàm:
1. Tính chất không tự nó vốn có, mà được tạo tác ra từ những tương quan tương tác ("Duyên-緣"), hay do tập hợp những điều kiện nhận thức (Ngũ Ấm-) mà hình thành.
2. Thuộc tính ngẫu nhiên (accident): những tính chất không nằm trong bản thể vốn có của nó, có tính cách ngẫu nhiên.
Bài kệ này của Nagarjuna có ý nghĩa tương đồng lạ lùng với đoản thi sau của Empedocles (490?-430 trước CN):
"Chẳng có gì tự nó mang bản tính tự nhiên
Có chăng, chỉ là pha trộn và phân ly từ pha trộn
Và bản tính tự nhiên có chăng,
Chỉ là tên gọi con người ta gán chúng".
_"Nothing that is has a nature,
"But only mixing and parting of the mixed,
"And nature is but a name given them by men.
______
4
離自性他性
何得更有法
若有自他性
諸法則得成
15.4
Nếu tách rời tự tính và tha tính,
Thì làm sao có cái gì tồn tại được?
Nếu giả định có tự tính và tha tính,
Thì khái niệm về "Tồn tại" mới được thành lập*.
______*"Nếu giả định có tự tính và tha tính, Thì khái niệm về tồn tại mới được thành lập", Hán văn: "若有自他性,諸法則得成-Nhược hữu tự tha tính, chư pháp tắc đắc thành". Chữ "Nhược-若" ở đây bao hàm cả ý nghĩa "Nếu"( thuộc điều Kiện cách, conditional) và "Giả định"- giả thuyết (hypthesis). Ý nghĩa khả hữu của hai câu này hoàn toàn cho phép chúng ta hiểu nó theo quan điểm đương đại về khoa học: Tất cả tri thức khoa học về sự vật trong nền văn minh của chúng ta cũng đều được thành lập trên cơ sở của một Thực Tại Luận Có Tính Cách Giả Thuyết ( Hypothetischer Realismus). Quan điểm này xuất phát từ những thành tựu của khoa học Lượng tử, từ đó nó buộc người ta phải thẩm định lại toàn bộ quan điểm của Triết học Cận đại của phương Tây về "Sự vật tính" (Thingness), rằng: Những tri thức mà con người ta biết về chúng, không phải là tri thức về cái gì tồn tại khách quan (objects), mà cuối cùng, đó chỉ là những Giả Định (hay Giả Thiết, Giả Thuyết) do nhận thức con người đề ra. Lạ lùng thay, quan niệm đương đại này lại đã được Aristote thẩm định ngay từ điểm đầu của nền văn minh Châu Âu hơn hai ngàn năm trước, ông đinh nghĩa chữ "Nguyên-元-Archē":
"Archē là Chỗ Khởi Đầu của sự vật mà người ta xuất phát từ đó trước tiên. Ví như một con đường hay một sợi dây, nếu nhìn từ phía bên này thì bên này là chỗ khởi đầu, nếu nhìn từ phía bên kia, thì bên kia là chỗ khởi đầu".( Aristote, Siêu Hình Học-Metaphysica, cuốn 5)
('BEGINNING' means (1) that part of a thing from which one would start first, e.g a line or a road has a beginning in either of the contrary directions. Bản dịch tiếng Anh của W. D. Ross)______
5
有若不成者
無云何可成
因有有法故
有壞名為無
15.5
Nếu khái niệm về Tồn tại không được thành lập,
Thì làm sao có thể thành lập được khái niệm Không-Tồn tại?
Nhân vì đã có khái niệm về "Tồn tại",
Tồn tại bị hoại diệt, thì mới gọi là "Không-Tồn tại".
______
*Bản dịch của Cưu Ma La Thập dùng chữ "Vô-無" (Không-tồn tại), một số bản dịch tiếng Nhật dịch là "Phi-Tồn tại-非存在", điều này không đúng: ở đây "Vô-無" chỉ có ý nghĩa được hạn định là "Không-Vô-無": Không-Tồn tại, đối lập với nghĩa "Có-Hữu-有*: Tồn tại.______
6
若人見有無
見自性他性
如是則不見
佛法真實義
15.6
Nếu người ta mang sẵn định kiến về Tồn tại và Không-Tồn tại,
Thì cũng có định kiến về Tự tính và Tha tính,
Như thế thì không thể nào nhìn ra được
Áo nghĩa chân như thật tính của Phật pháp.
7
佛能滅有無
如化迦旃延
經中之所說
離有亦離無
15.7
Phật có thể tiêu diệt mọi định kiến về Tồn tại và Không-Tồn tại,
Như trong kinh đã có nói
Về việc Phật giáo hóa Ca Chiên Diên:
Hãy lìa bỏ định kiến cực đoan về "Có" cũng như "Không-Có".
_______*"Về việc Phật giáo hóa Ca Chiên Diên: Hãy lìa bỏ định kiến cực đoan về cái Tồn tại cũng như cái Không-Tồn tại". Có thể tìm thấy đoạn văn này trong kinh Tương Ứng Bộ:
""Tất cả là có", này Kaccàyana, là một cực đoan. "Tất cả là không có" là cực đoan thứ hai.
Xa lìa hai cực đoan ấy, này Kaccàyana, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo". (Kinh Tương Ứng Bộ, XV. Kaccàyanagotta: (Ca-chiên-diên Thị) (Tập 12.19 Đại 2,85c) HT Thích Minh Châu dịch"
8
若法實有性
後則不應異
性若有異相
是事終不然
15. 8
Nếu mọi tồn tại đều thực sự có tự tính,
Thì sau đó nó không hề đổi khác.
Nếu tự tính có quá trình đổi khác,
Thì việc này không hề thỏa đáng.
9
若法實有性
云何而可異
若法實無性
云何而可異
15.9
Nếu mọi tồn tại đều thực sự có tự tính,
Thì làm sao nó có thể biến đổi khác đi được?
Nếu mọi tồn tại đều thực sự không có tự tính,
Thì làm sao có thể biến đổi nó khác đi được?
10
定有則著常
定無則著斷
是故有智者
不應著有無
15.10
Khẳng định là "Có" thì vướng mắc vào Thường Trụ Luận,
Khẳng đinh là "Không" vướng mắc vào Đoạn Diệt Luận,
Vì thế nên người có tuệ trí
Thì không nên vướng mắc vào định kiến "Có" hay "Không".
______*"Thường Trụ luận":Quân niệm cho rằng: Mọi tồn tại đều có tự tính, không thể thay đổi. Điều này dẫn đến hệ luận tất yếu của nó là: Cái gì đã là, thì không thể thay đổi được khác đi được, cả thiện cả ác đều vĩnh viến, mọi nỗ lực của con người đều vô nghĩa, cuộc tồn sinh chỉ là cái gì thụ động buộc phải chấp nhận những cái vô nghĩa. Đây cũng là một loại Định mệnh luận: Tất cả đều đã được an bài trong số phận, không thể đổi khác được, việc con người ta có thể làm được chỉ là buông xuôi theo nó thôi.
"Đoạn Diệt Luận": Quan niệm cho rằng: Mọi tồn tại đều không có tự tính, mọi thứ đều không phải là chính nó, tôi không phải là tôi. Điều này dẫn đến hệ luận tất yếu của nó là: Không có gì đáng để tồn sinh cả, khi ý nghĩa chung cuộc của mọi thứ đều không có và chính bản thân của cuộc tồn sinh cũng là vô nghĩa, một loại Hư vô chủ nghĩa dẫn đến Khoái lạc chủ nghĩa. Thực tế Ân độ đương thời đã phát sinh ra Phái Duy Khoái-Lokàyakita) với chủ trương:
"Con người ta, là cái gì chỉ có thể đi đến tận cùng và kết thúc ở những giác quan và những phạm vi chi phối của chúng. Nàng hỡi, những gì mà các vị hiền thánh nói cũng chỉ như theo vết chân con sói thôi (thực ra không ai có thể biết con sói đó sự thực ở đâu cả), vậy thì, yêu kiều nàng hỡi, hãy ăn hãy uống cho say đi. Ngoài thân xác tuyệt vời của nàng ra, nàng hỡi, không có gì trác việt hơn được nữa. Nàng đáng sợ của ta, những gì đã trôi qua thì không thể nào thay đổi được nữa, ngay cả thân xác này, cũng chỉ là một tập hợp nhất thời (của các yếu tố vật chất (Tứ Đại) thôi" (Haribhadra, Saddarsanasamuccaya_"Lục Phái Triết Học Cương Yếu六派哲学綱要")
Xem chi tiết ở chú giải của Nguyệt Xứng, Minh Cú Luận (Phần 5, Thường Trụ luận và Đoạn Diệt luận), và Bát Nhã Đăng Luân, phần 7, của Thanh Biện______
11
若法有定性
非無則是常
先有而今無
是則為斷滅
15.11 (Bởi vì)
Nếu khẳng định mọi tồn tại đều có tự tính nhất định,
Thì là một cái cực đoan của Thường Trụ Luận: Mọi tồn tại đều vĩnh viễn như thế.
Nếu khẳng định mọi tồn tại đều trước có, sau không,
Thì lại là một cực đoan khác của Đoạn Diệt Luận: Mọi tồn tại rốt cuộc chẳng có gì cả.
_______________
PHẨM THỨ MƯỜI SÁU:
QUÁN SÁT VỀ SỰ TRÓI BUỘC VÀ GIẢI THOÁT
1
諸行往來者
常不應往來
無常亦不應
眾生亦復然
16.1
Những Tác vi của tâm thức (Hành-行) là cái gì có đến có đi,
Những gì hằng thường, thì không hề có đến có đi,
Những gì không hằng thường, thì cũng không hề có đến có đi,
Tất cả mọi chúng sinh cũng đều như thế cả.
眾生往來(?)
陰界諸入中
五種求盡無
誰有往來者
16.2
Nếu chúng sinh có đến có đi (Sinh tử, Luân hồi),(?Hán văn chỉ 4 chữ, thiếu một chữ?)
Thì xét đến cùng trong năm điều kiện nhận thức (Ngũ Ấm-五陰), trong những cách thụ nhận (?, chưa xác định được nghĩa của chữ "Giới-界" và "Nhập-入")
Cả trong năm yếu tố, (chưa xác định được nghĩa chữ "Chủng-種")
Cũng đều không thấy "Ai" (chủ thể) của việc đến và đi ấy.
3
若從身至身
往來即無身
若其無有身
則無有往來
16.3
Nếu luân hồi chuyển từ xác thân này sang xác thân khác
Thì luân hồi tự nó không có thân xác.
Nếu chính nó không có xác thân,
Thì không có luân hồi nào cả.
4
諸行若滅者
是事終不然
眾生若滅者
是事亦不然
16.4 (Nếu vậy thì:)
Những tác vi tạo tác (Hành-行), là những gì mất đi hết chăng?
Việc này nói cho cùng không thỏa đáng.
Chúng sinh, nếu sẽ diệt vong chăng?
Điều này cũng không thỏa đáng.
5
諸行生滅相
不縛亦不解
眾生如先說
不縛亦不解
16.5
Những tác vi của tâm thức đều có tính cách sinh khởi và hoại diệt,
Tự nó không bị trói buộc, cũng chẳng phải giải thoát
Mọi chúng sinh, như đã nói trên (1d)
Cũng không bị trói buộc, cũng chẳng phải giải thoát.
6
若身名為縛
有身則不縛
無身亦不縛
於何而有縛
16.6
Nếu thân xác được cho là điều kiện trói buộc,
Kẻ có (Chủ nhân của) thân xác thì hẳn phải không chịu điều kiện trói buộc ấy,
Không có thân xác thì cũng không chịu điều kiện trói buộc,
Vậy thì chịu điều kiện trói buộc bởi cái gì?
7
若可縛先縛
則應縛可縛
而先實無縛
餘如去來答
16.7
Nếu kẻ bị trói buộc có trước sự trói buộc,
Thì hẳn nhiên là: Kẻ bị trói buộc tự mình trói buộc,
Mà thật ra thì không có cái gì trói buộc mình cả.
Những hệ luận còn lại cũng như phẩm Chuyển Động.
8
縛者無有解
無縛亦無解
縛時有解者
縛解則一時
16.8
Kẻ đang bị trói buộc thì không có giải thoát,
Kẻ không bị trói buộc cũng không có giải thoát,
Nếu đang lúc trói buộc mà có giải thoát,
Thì giải thoát và trói buộc có cùng một lúc sao?
9
若不受諸法
我當得涅槃
若人如是者
還為受所縛
16.9
Nếu kẻ nào cho rằng: (Vậy không cần gì phải thụ pháp tu học làm chi,
Ta cũng hiện đang được giải thoát Niết bàn rồi.
Thì với cách nghĩ như thế, kẻ ấy
Lại quay về chỗ tự buộc trói chính mình.
10
不離於生死
而別有涅槃
實相義如是
云何有分別
16.10
Không rời khỏi Luân hồi Sinh tử,
Vẫn sơ nguyên hiện hữu Niết bàn,
Áo nghĩa mênh mông chân thật đó,
Sao còn mờ mịt biệt phân hơn?
_______________
PHẨM THỨ MƯỜI BẨY:
QUÁN SÁT VỀ TÍCH LŨY TẠO TÁC (Nghiệp-業) VÀ KẾT QUẢ TƯƠNG ỨNG (Báo-報)
1
人能降伏心
利益於眾生
是名為慈善
二世果報種
17.1
Con người ta có thể hàng phục Tâm của mình,
Điều này vốn làm lợi ích cho mọi chúng sinh.
Như thế gọi là Tâm từ (Lòng thương yêu vô hạn) và Thiện ích (Tính Thiện tự nó đã làm lợi cho tất cả),
Là kết quả tương ứng trong hai cuộc sống: quá khứ và hiện tại.*
______*"Là kết quả tương ứng trong quá khứ và hiện tại", bản Hán văn: "Nhị thế quả báo nghiệp-二世果報種", nghĩa văn bản: Là hai loại kết quả tương ứng của hai đời. Dụng ngữ "Nhị Thế-二世" ở đây thường được hiểu là "Hai đời: đời này và đời sau, kiếp này và kiếp sau". Ở đây không có lý do gì để dịch dụng ngữ "Nhị thế" theo nghĩa này, một khi chính Nagarjuna đã phủ định nó từ phẩm 16 trước và rải rác nhiều nơi khác. Hơn nữa, ý nghĩa tương quan với "Nhị Thế" là "Nhị Nghiệp-二業" ở kệ 2 tiếp theo đã được xác định rõ ràng: là kết quả tạo tác của quá trình tư duy_không liên quan gì đến "kiếp này" hay "kiếp sau" cả... "Nhị Thế" ở đây chỉ đơn giản nói về tương quan giữa hai "Quá khứ" và "Hiện tại", và ý nghĩa của luật Nhân Quả nói chung, cũng được triển khai trên cơ sở này. Tuy nhiên "Quá khứ" và "Hiện tai" trên cơ sở của những ý nghĩa liên hoàn trong "điều kiện tạo tác-Duyên-緣", "điều kiện nhận thức-Ngũ Ấm-五陰" và "quá trình tích lũy tạo tác-Nghiệp-業", thì không hạn định ở chỉ trong phạm vi quá khứ và hiện tại của một con người, ý nghĩa của nó dàn trải trong những "điều kiện" được hình thành từ muôn ngàn năm liên tục từ sinh vật đến con người nói chung, theo ý nghĩa của dụng ngữ "Thế gian nghiêp-世間業" được sử dụng ở kệ 26..(xem tiếp chú thích ở kệ 3 bên dưới)
2
大聖說二業
思與從思生
是業別相中
種種分別說
17.2
Vị thánh lớn (Phật) đã nói về quá trình tích lũy (Nghiệp-業) ở quá khứ và hiện tại:
Ý nghĩ này dựa theo ý nghĩ khác mà khởi sinh.
Như thế: Từ trong tính cách biện biệt của quá trình tích lũy này,
Dấy lên biện biệt mọi loại hạt mầm tương tác liên lũy.
3
佛所說思者
所謂意業是
所從思生者
即是身口業
17.3
Phật thuyết giảng về quá trình tư tưởng của con người,
Là quá trình tích lũy những định ý (Ý-意)
Tư tưởng dựa trên những ý thức có định hướng khởi sinh ra,
Cũng tức là quá trình tích lũy (Nghiệp-業) những điều kiện thân xác (Thân-身) và ngôn ngữ (Khẩu-口).
______*Chữ "Thân-身", "Khẩu-口" và "Ý-意" trong Hán văn, cần được xác đinh trong ý nghĩa rộng nhất và khả hữu mà những khái niệm này có thể được. Kinh điển Phật giáo nói chung, và Trung Luận cũng thế, cả ba khái niệm này được sử dụng như là những nhân tố căn bản cho quá trình tích lũy tạo tác (Nghiệp-業) và được diễn giải như là những cái gì có cái gì có điều kiện và có tương tác trong quan hệ Nhân Quả (Hữu Vi Pháp-有為法). Trên cơ sở này, ý nghĩa của ba khái niệm này có thể khảo sát và dựa trên những thành tựu của những khảo sát mà chúng ta có thể có được, để minh xác những tính cách của chúng:
1. "Thân-身": Những điều kiện thuộc về thân xác, tức là những điều kiện sinh lý học, trong tương quan hổ tương với tâm lý học, không loại trừ những điều kiện khác mà hiện nay chúng ta có thể biết được như Di truyền học, Sinh lý học, Sinh hóa học...Tất cả những điều kiện này được kinh điển Phật giáo sử dụng trong một khái niệm duy nhất là "Thân Nghiệp-身業", trong đó, không loại trừ ý nghĩa "điều kiện thân xác" như là đièu kiện hình thành trong một quá trình hàng triệu năm liên tục giữa các sinh vật và con người. (xem K. Lorenz, Động vật hành động học, chư thích ở kệ 9 bên duới)
2. "Khẩu-口": Những cái gì con người ta nói ra (bao gồm cả những gì viết ra), được hình thành từ những điều kiện nhận thức (Ngũ Ấm-五陰), nghĩa rộng nhất là: điều kiện và tác động của ngôn ngữ . "Khẩu Nghiệp-口業" không chỉ giới hạn ý nghĩa trong phạm vi hẹp của những điều "tôi nói", mà còn có thể hiểu xác thực với ý nghĩa rộng hơn: điều kiện hình thành ngôn ngữ con người, từ đó hình thành Ý thức và điều kiện tư duy (xem Trần Đức Thảo, Nguồn gốc Ngôn ngữ và Ý thức, chú thích ở kệ 9 bên dưới). Hơn nữa, chúng ta cũng có thể hiểu "điều kiện ngôn ngữ" theo nghĩa khái quát nhất mà Witgenstein đã đề ra: "Hạn định của ngôn ngữ tôi, là hạn định của thế giới tôi" (The limits of my language mean the limits of my world. Stractatus Logico-Philosophicus, 5.6).
3. "Ý-意": a. Có thể hiểu khái quát nhất là "Ý thức-意識" như cách hiểu hiện nay. b. Có thể hiểu tinh tế hơn với cách hiểu của của Duy Thức Luận với: "Ý-意", tức là A-Lại-da thức ...
(a) _Với ý nghĩa "Ý Thức-意識" (Conciousness) khái quát mà chúng ta thường hiểu , lần đầu tiên được Franz Brentano (Triết gia và tâm lý gia người Đức 1838-1917), khảo sát sát như là một tác động của tâm thức, bao hàm cả "ý thức" chính nó, lần đầu tiên ông khám phá ra "Ý hướng tính" (intentionality) của ý thức: Ý thức con người không đơn thuần là cái chỉ "nhận biết" ("Thức-識", theo nghĩa của Duy Thức luận) những biểu tượng (#Tưởng-想) tri giác được, mà Ý thức luôn luôn có một ý hướng tính tiềm tại tác động vào những nội dung của những biểu tượng đó, từ đó chúng ta mới có thể phán đoán, hy vọng, ham muốn, hay sợ hãi...(ví dụ: Một người đi trong đêm, nếu anh ta đang bất, thì anh ta sẽ thấy cành cây là con rắn, và bỏ chạy). Trên cơ sở này, Edmund Husserl đã khai triển thành Hiện Tượng học (Phenomenlogy) với trọng tâm là Ý tướng tính của Ý thức: Con người ta không nhận thức sự vật một cách hoàn toàn "khách quan" như các triết gia Cận đại của châu Âu đã tin tưởng, mà "Ý thức luôn luôn là ý thức về một cái gì" trong tương quan của Ý hướng tính, và "cái gì"(thingnes) mà người ta ý thức thường không còn nguyên vẹn nữa mà méo mó bởi tác động của Ý hướng tính. Ý hướng tính này tiềm tại trong tâm thức, được cấu thành bởi những điều kiện của nhận thức cá nhân và cả điều kiện văn hóa của mỗi dân tộc.
(b)_Với ý nghĩa "Ý-意", như là A-Lại-da thức, là ý thức tiềm tàng khó nhận biết và thường xuyên tác động vào tâm thức hơn những thức khác. Các nhà Duy Thức Ấn độ khai triển ý nghĩa của A-Lại-da thức như là một nơi lưu giữ kết quả của quá trình tích lũy tạo tác (Nghiệp-業). Đây là căn cứ đề các nhà Duy thức Ấn độ minh chứng cho luận điểm: Quá trình tạo tác (Nghiệp-業) thông qua những điều kiện tạo tác (Duyên-緣) với tương quan nhân quả, không phải là cái gì sinh khởi ra để hoàn toàn biến mất trong hoại diệt, mà được lưu giữ lại trong tâm thức con người (dưới dạng A-Lại-da thức), căn cứ để chúng minh mắc xích Nhân 1ủa Luân hồi tồn tại liên tục. Với ý nghĩa này, A-Lại-da thức có những điểm mà nhiều người cho là tương đồng với quan niệm của s. Freud về "Vô thức", và một số điểm tương đồng với Ý hướng tính của Brentano.
Dù với ý nghĩa (a) hay (b) thì ý thức luôn luôn tiềm tàng trong nó một định hướng nào đó, chứ không đơn thuần là nó. Với ý nghĩa này bản dịch Việt ngữ ở đây sử dụng từ "Định Ý" hay "Ý hướng", hay "Ý thức có định hướng" đề chuyển ngữ từ chữ "Ý-意" trong Hán văn______
4
身業及口業
作與無作業
如是四事中
亦善亦不善
17.4
Quá trình tích lũy tạo tác từ điều kiện thân xác (a), điều kiện ngôn ngữ (b),
Quá trình tích lũy tác tạo có ý thức (c) và tác tạo không ý thức (d),
Tất cả bốn tính cách tạo tác này,
Đều có thể là "Thiện", cũng như có thể là "Bất Thiện".
5
從用生福德
罪生亦如是
及思為七法
能了諸業相
17.5
Theo đó (a, b, c, d), có thể tạo tác ra phúc đức (e),
Cũng như có thể tạo tác ra tội lỗi (f).
Cùng với những định ý (g) là bảy cách tạo tác,
Có thể làm nên những tính chất của quá trình tich lũy tạo tác (a, b, c, d, e, f, g).
6
業住至受報
是業即為常
若滅即無業
云何生果報
17.6
Nếu quá trình tích lũy (Nghiệp-業) tồn tại cho đến lúc thụ nhận kết quả tương ứng (Báo-報),
Thì nghĩa là: Quá trình tích lũy hằng có, ___Liên kêt ý nghĩa với 7, 8
Nếu nó tiêu mất đi, thì nghĩa là: Chẳng có quá trình tích lũy,
Vậy thì làm sao có được "quả báo"?
7
如芽等相續
皆從種子生
從是而生果
離種無相續
17.7
Như hạt giống khởi sinh ra
Kế tiếp là mầm non..v.v..
Kế tiếp như thế cho đến quả
Thì quả và hạt giống ly cách nhau, không liên tục nhau.
8
從種有相續
從相續有果
先種後有果
不斷亦不常
17.8
Từ hạt giống có kế tục (đến mầm non...),
Từ sự kế tục mà có quả,
Từ cái đầu tiên là hạt giống (nguyên nhân), đến cái sau cùng là quả (kết quả),
Không đứt đoạn, cũng không liên tục.
9
如是從初心
心法相續生
從是而有果
離心無相續
17.9 (Suy diễn từ 7)
Cũng như thế: Từ tâm thức của trẻ sơ sinh*,
Kế đó là những điều kiện tâm thức liên tiếp nhau,
Theo đó kế tiếp cho đến khi hình thành kết quả,
Thì kết quả đó đã lìa xa tâm thức sơ sinh, không liên tục nhau.
_______*"Tâm thức của trẻ sơ sinh", Hán văn: "Sơ Tâm-初心", từ này dễ bị làm với thuật ngữ Thiền tông "Sơ tâm: kẻ mới bắt đầu học đạo". Ở đây, ý nghĩa của từ này được liên kết với ý nghĩa chung từ kệ 7 đến 9: tâm thức đầu tiên từ lúc mới được sinh ra (cũng như hạt giống vừa mới nẩy mầm, ở kệ 7). Dụng ngữ này được sử dụng đơn thuần với ý nghĩa đơn giản nhất của hai từ này "Sơ-初"+ "Tâm-心": cái tâm thức nguyên sơ của con người, cũng tương đồng với dụng ngữ "Tabula Rasa-Tờ giấy trắng" mà John Locke quan niệm: Con người ta sinh ra, cũng vốn như một tờ giấy trắng, không có gì trên đó cả. ... Tuy nhiên, với những thành tựu khoa học đương đại, quan niệm này của Locke cũng đã được tranh luận sôi nổi từ thập niên 30 của thế kỷ trước đến nay. Trọng tâm luận tranh xoay quanh vấn đề về khởi nguyên của tâm thức và những quá trình tích lũy kinh nghiệm trong nhận thức luận: Có thật là con người ta sinh ra hoàn toàn không có gì như một tờ giấy trắng -theo kinh nghiệm luận của John Locke, hay con người ta sinh ra vốn đã có sẵn một số khả năng bẩm sinh có trước (A Priori) quá trình tích lũy, theo quan niệm của E, Kant:
1. Jean Piaget (1896-1980, nhà Tâm lý học nhi đồng), trong luận tranh với N. Chomsky, cho rằng: Con người ta sinh ra hoàn toàn không có gì đặc biệt so với các loại động vật khác, nhận thức có được là kết quả của quá trình tích lũy kinh nghiệm cá nhân và giáo dục xã hội...Điều kiện tâm thức cũng giống như điều kiện của một máy tính, có một quá trình tích lũy và được "lập trình" theo những điều kiện trên. (Quá trình tích lũy-Nghiệp-業 trong tương quan với Cộng Nghiệp-共業)
2. N. Chomsky (sinh 1928, nhà Ngôn ngữ học thiên tài người Mỹ), trong luận tranh với J. Piaget, cho rằng: Con người ta sinh ra không hoàn toàn như tờ giấy trắng, mà vốn đã được trang bị một số khả năng bẩm sinh mà các động vật khác không có như: Khả năng liên kết những ý nghĩa rời rạc thành một câu có nghĩa, do đó trẻ em có thể hiểu được những từ do người lớn nói mà không cần phải dạy chúng văn phạm. Khả năng này biểu hiện ra ở tất cả mọi trẻ em trên thế giới trong cùng một độ tuổi, được cho là bẩm sinh. (Một dang tác nhân tạo tác vốn có sẵn trong điều kiện nhận thức-Ấm-陰 của con người)
3. Konrad Lorenz (1903-1989, người Áo, bác sĩ phẫu thuật và Tiến sĩ Động Vật học, ông tổ của ngành Động vật-hành vi học (Animal Behavior_Ethology), được giải Nobel 1973 do những khảo sát của ông trong nghành này), trong luận tranh với N. Chomsky, cho rằng: Nhận thức con người ta, cũng như tất cả các động vật khác, là cái gì hình thành trong quá trình ứng xử với đồng loại thông qua cách "truyền thừa" ("ỉmpinting"_dụng ngữ của Lorenz) giữa sinh vật con và cha mẹ; và mỗi một loại động vật trong đó có cà con người, đều phát triển trong một hệ thống những điều kiện riêng cho loài ấy, để hình thành những cơ năng nhận tri (Căn-根, hay "apparatus" "thiết bị") riêng biệt cho loài ấy, và điều kiện nhận tri, nhận thức (Ấm-陰) riêng cho loài ấy. Mỗi một loài có một tập tính, tập quán riêng,một dạng thức "ngôn ngữ" riêng để thông tri với nhau, hạn định trong một "thế giới' riêng. (Có thể gọi là một dạng "Cộng Nghiệp-共業" hay "Thế gian nghiêp-世間業"(kệ 26), giới hạn trong mỗi tập đoàn sinh vật, cộng đồng thể, và cả nhân loại và sinh vật nói chung)
4. Giáo sư Trần Đức Thảo, trong cuốn "Khảo sát về Khởi nguyên của Ngôn ngữ và Ý Thức" (Recherches sur L'origine du Langage et de la Concience, xuất bản ở Paris 1973) và trong một số luận tranh giữa ông và Jean Paul Sartre, Triết gia Hiện sinh-Pháp, cho rằng: Trong quá trình hình thành mỗi cá thể con người, có cả quá trình hình thành của nhân loại từ buổi đầu sơ khai hàng triệu năm trước, và quá trình hàng triệu năm này để lại dâu vết trên quá trình hình thành mỗi cá nhân. Trong đó, khái niệm ngôn ngữ , ngôn ngữ và Ý thức được hình thành từ sinh hoạt cộng đồng thể của con người nguyên thủy (như đi săn tập thể...) trong giai đoạn tiền ngôn ngữ: như cách ra dấu hiệu bằng động tác hay biểu tượng, kí hiệu , cách hò hét với một "ý nghĩa" riêng biệt. Điều này cũng lập lại trong giai đoạn tiền ngôn ngữ ở trẻ sơ sinh hiện tại qua "ngôn ngữ bé thơ" (baby talk), những tiếng "u" , "ơ" của bé không phải là cái hoàn toàn vô nghĩa, mà có "ý nghĩa" riêng biệt, cùng một tính cách với tiếng la hét của người tiền sử , trong buổi "sơ sinh" của nhân loại. (Một dạng thức "Thế gian nghiêp-世間業"-kệ 26- vốn có từ sơ thủy)
Những luận tranh trong đề tài này vẫn cứ đang tiếp diễn và không đi đến kết luận thống nhất. Tuy nhiên, cho dù giải thích dưới quan điểm khoa học, và nhận thức luận như nào đi nữa, thì mệnh đề của Nagarjuna đưa ra ở bài kệ 9 này vẫn có ý nghĩa. Cấu trúc luận lý trong suốt của nó không bị "lỗi thời" dưới nội dung và hình thức tri thức nào. Ở mỗi thời đại, người ta có thể hiểu nó theo khả năng tính (posibility) mà thời đại đó có thể.
______
10
從心有相續
從相續有果
先業後有果
不斷亦不常
17.10 (Triển khai từ với 8 và 9)
Từ tâm thức của trẻ sơ sinh có kế tục (với những điều kiện tâm thức...)
Từ sự kế tục mà có kết quả,
Từ quá trình tích lũy (Nghiệp-業) cho đến kết quả tạo tác (Quả-果),
Không đứt đoạn, cũng không liên tục.
11
能成福德者
是十白業道
二世五欲樂
即是白業報
17.11
Con người ta có thể thành tựu phúc đức,
Qua mười cách làm trắng quá trình tích lũy.
Đem lại niềm vui thú trong quá khứ và hiện tại,
Là kết quả của sự làm trắng những tích lũy.
12
若如汝分別
其過則甚多
是故汝所說
於義則不然
17.12 (Ý kiến đối lập)*
Nếu như chỗ biện biệt phân giải của ông,
Thì có rất nhiều chỗ sai sót,
Vì thế cách thuyết giải của ông,
Có ý nghĩa không thỏa đáng.
______*Chưa xác định được ý đối lập này được đưa ra trong trường hợp nào: do từ những hệ phái đối lập, hay chỉ là một cách giả định trong luận lý để khai triển vấn đề.
13
今當復更說
順業果報義
諸佛辟支佛
賢聖所稱歎
17.13 (Đáp lại:)
Tôi lại phải nói thêm lần nữa,
Với ý nghĩa thuận với quá trình tích lũy tạo tác và kết quả của nó,
Đó là điều mà chư Phật và Bich Chi Phật,
Cùng các bậc hiền thánh từng tán thán.
14
不失法如券
業如負財物
此性則無記
分別有四種
17.14
Như một khế ước: Những gì tạo tác ra không hề mất đi,
Quá trình tạo tác như món nợ phải trả,
Những tính chất cụ thể của chúng không được ghi rõ,
Chỉ phân biệt được bốn loại nợ phải trả ấy.*
______*"Bốn loại nợ phải trả"_gồm: 1. Dục giới hệ; 2. Sắc giới hệ; 3 Vô sắc giới hệ; 4. Vô lậu hệ.
15
見諦所不斷
但思惟所斷
以是不失法
諸業有果報
17.15
Không phải bởi kiến giải là có thể đoạn tuyệt được,
Mà chỉ duy có suy xét ngọn nguồn mới có thể đoạn tuyệt được,
Vì đó là những cái không hề mất đi,
Mọi tích lũy tạo tác đều có kết quả tương ứng.
16
若見諦所斷
而業至相似
則得破業等
如是之過咎
17. 16
Nếu cho rằng:Đoạn tuyệt đơn giản chỉ bằng kiến giải,
Thì tích lũy tạo tác và cả những gì tương tự,
Phải có được những phương cách giải phá___(như thể chơi cờ)
Vậy thì rất sai lầm.
17
一切諸行業
相似不相似
一界初受身
爾時報獨生
17.17
Tất cả những tích lũy tác vi tạo tác,
Dù kết quả có giống hay không giống cái tạo tác ra nó*,
Như thoạt sinh ra ở một cõi,
Đến lúc phải báo đền, chỉ mỗi mình chịu thôi.
______*"Dù kết quả có giống hay không giống cái tạo tác ra nó"
Bản Hán văn: "相似不相似-Tương tự bất tương tự"17b: Giống như thế, hoặc không giống như thế. Câu này ý nghĩa bị bỏ lững, không có túc từ để có thể xác định là cái gì giống như cái gì, ý nghĩa bị trống giữa chừng. Khả năng có thể nghĩ tới là ý nghĩa “bị trống” này đã được nói đến rồi, và ở đây nó được mặc định, thủ pháp này vẫn thường được sử dụng trong Trung Luận.
Liên kết ý nghĩa với câu cuối của kệ 15 "
Ý nghĩa này cũng có khả năng liên kết với nghĩa của câu 18a cũng đang bị bỏ lững: "Hai loại tích lũy tạo tác như thế- Như thị nhị chủng nghiệp-如是二種業". Liên kết ý nghĩa củacủa 15d và hai câu tối nghĩa 17b và 18a, chúng ta có một cách giải thích cho cả hai chỗ bỏ lững này:
"Hai loại tích lũy tạo tác như thế"(18a) chính là:
1. Tích lũy tạo tác có kết quả giông với nó-“nisiyanda phala”: (ví dụ: Giết người thì bị người giết).
2. Tich lũy tạo tác có kết quả không giống với nó-purusakara-phala: (Trộm cướp thì phải sống trốn lánh).
Tương quan này chính là tương quan đồng nhất giữa Nhân và Quả (“sarvatraga hetu” và “nisiyanda phala”) và tương quan dị biệt giữa Nhân và quả ( “Sampravukata-hetu”) và “purusakara-phala”).
Về điểm này (câu 18a), Thanh Biện và Thanh Mục cũng không thống nhất ý kiến với nhau, Thanh Biện cho hai loại đó là Tác-作 và Vô Tác-無作, Thanh Mục thì cho là Khinh Nghiệp-輕 業 và Trọng Nghiệp-重業. Hai cách giải thích này đều có vẻ không thỏa đáng:
1. Nếu là Tác và Vô Tác, ý nghĩa này đã có nói đến ở kệ 4b (Tác dữ vô tác nghiệp-作與無作業), tuy nhiên theo ý này thì chính Nagarjuna đã phân làm 7 loại như ở kệ thứ 5 tiếp theo đó, chứ không phải là 2 loại.
2. Nếu là Khinh Nghiệp và Trọng Nghiệp, thì ý nghĩa này không có tương quan nào với câu kệ nào trong phẩm này và cả các phẩm khác, và đối với cấu trúc luận lý của Nagarjuna đề ra thì sự phân biệt ra “Khinh” và “Trọng” Nghiệp ở đây không có ý nghĩa nào, nếu không nói là hoàn toàn vô nghĩa. Đây chỉ là một ý kiến riêng của Thanh Mục thôi (có vẻ như Thanh Mục chỉ quan tâm đến mỗi chữ mỗi câu, chứ không hề quan tâm đến Nagarjuna và toàn thể Trung Luận muốn nói gì: sự phân biệt “Khinh” Nghiệp và “Trọng” Nghiệp, thậm chí có thể là một kiến giải thứ sinh nào đó khó có thể tìm được căn cứ trong kinh điển chính thống, nó gần với Hình luật hơn là Phật học).
18
如是二種業
現世受果報
或言受報已
而業猶故在
17.18
Như thế có hai loại tích lũy tạo tác* (1. Tạo tác ra kết quả giống với nó, 2. Tạo tác ra kết quả không giống với nó)
Phải nhận chịu kết quả tương ứng ở cuộc sống này.
Với cách nói mê hoặc rằng mình đã nhận hết quả báo rồi,
Thì tích lũy tạo tác do đó mà được tác tạo ra thêm.
______*” Như thế có hai loại tích lũy tạo tác (1. Tạo tác ra kết quả giống với nó, 2. Tạo tác ra kết quả không giống với nó)”, xem chú thích ở kệ 18.
19
若度果已滅
若死已而滅
於是中分別
有漏及無漏
17.19
Nếu: Kết quả tạo tác tan biến sau khi đã vượt qua bờ bên kia (Giải thoát khỏi Sinh Tử),
Hoặc nếu: Nó chỉ chấm dứt sau khi chết,
Vậy thì cần phải phân biệt hai điểm khác nhau này:
Một cái không dò rỉ (tự nó tan biến mất) và một cái bị dò ri (từ luật nhân quả).*
_______*"Một cái không dò rỉ (tích lũy tạo tác tự nó triệt tiêu, vì đã chứng đắc Giải thoát)-Vô lậu-無漏 và một cái bị dò ri từ luật nhân quả (bởi cái chết làm đứt đoạn) -Hữu Lậu-有漏.
20
雖空亦不斷
雖有亦不常
業果報不失
是名佛所說
17.20
Ra khỏi chỗ hư không, nó cũng không hề đứt đoạn,
Ra khỏi những gì tồn tại, nó cũng không thường hằng,
Tích lũy tạo tác và kết quả tương ứng của nó không mất đi.
Đó là điều chư Phật đã dạy.
21
諸業本不生
以無定性故
諸業亦不滅
以其不生故
17.21
Mọi tích lũy tạo tác vốn không hề sinh khởi,
Bởi vì nó không có tự tính nhất định.
Mọi tích lũy tạo tác cũng không hề triệt tiêu,
Bời vì tự nó vốn không hề sinh khởi.
22
若業有性者
是則名為常
不作亦名業
常則不可作
17.22
Nếu như tích lũy tạo tác có tự tính của nó,
Thì tất nhiên phải gọi nó là cái hằng thường.
Điều này cũng như: Gọi tích lũy tạo tác là cái không có tác tạo,( Tự mâu thuẩn)
Vì cái gì hằng thường thì không có tác tạo.
23
若有不作業
不作而有罪
不斷於梵行
而有不淨過
17.23
Nếu tồn tại một cái gì tích lũy tạo tác mà không hề tác tạo,
Thì cũng có nghĩa là: Không làm gì cũng có tội,
Dù có cuộc sống phạm hạnh không ngừng nghỉ,
Mà cũng cứ có lỗi lầm bất tịnh.
24
是則破一切
世間語言法
作罪及作福
亦無有差別
17.24 (Như thế thì:)
Có nghĩa là đã phá hủy tất cả mọi khái niệm phân biệt,
Mà thế gian đã thiết lập trong ngôn ngữ:
Con người ta dù có làm nên "Tội" hay "Phúc",
Thì cũng không khác nhau.
25
若言業決定
而自有性者
受於果報已
而應更復受
17.25
Nếu nói một các xác quyết về tích lũy tạo tác rằng:
Tự nó có tự tính của nó. (=nó là cái gì thường hằng)
Thì có nghĩa là: Sau khi thụ nhận kết quả tương ứng rồi,
Con người ta lại phải mãi mãi thụ nhận thêm kết quả của nó.
26
若諸世間業
從於煩惱生
是煩惱非實
業當何有實
17.26
Nếu mọi quá trình tích lũy tạo tác của thế gian,*
Đều khởi sinh từ phiền não.
Phiền não là cái gì tự nó vốn không thật sự tồn tại,
Vậy thì tích lũy tạo tác làm sao có thể thực sự tồn tại?
______*"Mọi quá trình tích
lũy tạo tác của thế gian", Hán văn: "
27
諸煩惱及業
是說身因緣
煩惱諸業空
何況於諸身
17.27
Thân được xem như là nhân tố tạo tác,
Tác tạo ra mọi phiền não cùng tích lũy tạo tác.
Phiền não và tích lũy tạo tác đều không thực sự tồn tại,
Thì còn nói chi đến thân?
28
無明之所蔽
愛結之所縛
而於本作者
不即亦不異
17.28
Cái bị Vô minh che lấp,
Cái bị ham thích trói buộc,
Chẳng gì khác hơn ngoài chủ thể tạo tác,
Mà cũng chẳng gì vốn là chủ thể tác tạo.
29
業不從緣生
不從非緣生
是故則無有
能起於業者
17.29
Tích lũy tạo tác không từ những điều kiện tạo tác mà khởi sinh,
Cũng không từ chỗ không điều kiện tạo tác mà sinh khởi.
Vậy thì nó không có khả năng
Sinh khởi ra tác tạo nào được tích lũy.
30
無業無作者
何有業生果
若其無有果
何有受果者
17.30
Không có tích lũy tạo tác, cũng không có tác tạo nào được tích lũy,
Thì làm sao có kết quả khởi sinh từ tích lũy tác tạo?
Nếu đã không có kết quả sinh ra,
Thì làm sao có người thụ nhận kết quả đó?
31
如世尊神通
所作變化人
如是變化人
復變作化人
17.31
Cũng như việc Thế Tôn dùng thần thông,
Hiển thị ra một kẻ huyễn hóa,
Rồi chính kẻ huyễn hóa,
Lại huyễn hóa thêm ra một kẻ huyễn hóa...
32
如初變化人
是名為作者
變化人所作
是則名為業
17.32
Như thế: Kẻ huyễn hóa đầu tiên,
Được gọi là kẻ tác tạo;
Kẻ được huyễn hóa ra kế tiếp,
Được gọi là cái được tạo tác (Nghiệp-業)...
33
諸煩惱及業
作者及果報
皆如幻與夢
如炎亦如嚮
17.33
Mọi tích lũy tạo tác và não phiền,
Kẻ tác tạo và kết quả tạo tác,
Đều như giấc mộng, như ảo giác,
Như quáng nắng, như tiếng vang...
________________
PHẨM THỨ MƯỜI TÁM:
QUÁN SÁT CÁI TÔI (Ngã-我) và CÁI THUỘC VỀ TÔI (Ngã Sở-我所)
(Àtma-parĩksà)
1
若我是五陰
我即為生滅
若我異五陰
則非五陰相
18.1
Nếu cái Tôi (Ngã-我)* đồng nhất với Năm Điều kiện nhận thức (Ngũ Ấm-五陰)
Thì Tôi là cái gì có Sinh khởi và Hoại diệt.
Nếu cái Tôi dị biệt với Năm Điều kiện nhận thức,
Thì nó không có tương quan với những tính chất của Năm Điều kiện nhận thức.
______* “Cái Tôi (Àtman-Ngã-我): cái Tôi nói chung. Khác với trường hợp ở Phẩm 9, Quán sát Bản Trụ, đó là Àtman hình thành do quan niệm của các hệ phái, nó được củng cố bởi các hệ tư tưởng và được gọi với những tên riêng biệt (Tự Ngã, Thần Ngã…). Ở đây, dụng ngữ “Tôi-Ngã” được sử dụng đơn thuần trong cách nói thông dụng với ý nghĩa đơn giản: Con người ai cũng có “cái Tôi”. Cái Tôi này hình thành trong mỗi con người một cách tự nhiên với hai ý nghĩa: 1. Con người như là một sinh vật và 2. Con người như là một phần tử của xã hội.
1.Con người như là một sinh vật: Cấu tạo con người hình thành trong quá trình liên tục của sinh vật, trong một ý nghĩa nào đó. vẫn còn mang những dấu vết của động vật như: bản năng sinh tồn, những phản xạ có điều kiện, bản năng giới tính… Những điều kiện này có thể gọi là bẩm sinh, như những”trang bị” (“apparatus”, từ của K. Lorenz, xem chú thích phẩm 17.9) cần thiết, tự nó không mang tính chất “tốt” hay “xấu”. Tốt hay xấu, khi nào nó được theo một chiều hướng cá biệt và định hướng chung của xã hội. Phật giáo quan thường sử dụng thuật ngữ rất đầy đủ ý nghĩa là “Chúng Sinh-衆生”, trong đó “Sinh-生” nói chung là “sinh vật” trong một quá trình liên tục chung nhất, không phân biệt ở giai đoạn nào (từ sinh vật đơn bào như vi khuẩn cho đến giai đoạn cao nhất là con người), trong đó hàm ý: Cấu tạo của “con người” vốn không khác với “sinh vật” trong cùng một quá trình liên tục, và trong con người cũng có những dấu vết sinh vật đó, chứ không phải là cái gì biệt lập.
2.Con người như là một phần tử của xã hội: Cái Tôi này được hình thành trong một bản giá trị sắn có của xã hội (truyền thống, tập tục, văn hóa, tri thức, giáo dục…). Hầu như luôn luôn có sự mâu thuẫn và xung đột giữa cái Tôi như là một sinh vật và cái Tôi như là một con người trong xã hội. Chính sự xung đột này (Nghiệp-業) hình thành tính cách của mỗi con người “cái Tôi” riêng biệt, kết quả của hai cái Tôi trên.
Cả hai điều kiện 1 và 2 gọp lại thành điều kiện nhận thức-Ngũ Ấm-五陰, từ đó hình thành một “thế giới riêng” (“Cái Tôi”-Ngã-我) trong tâm thức mỗi người.
2
若無有我者
何得有我所
滅我我所故
名得無我智
18.2
Nếu cái Tôi (Ngã-我_năng động) không tồn tại,
Thì làm sao có được cái gì thuộc về Tôi (Ngã Sở-我所_bị động)?
Khi đã triệt hủy hết mọi năng động và bị động của cái Tôi và cái thuộc về Tôi,
Thì gọi là chứng đắc Trí Tuệ Vô Ngã (không năng động và không bị động).*
______*"Trí Tuệ Vô Ngã (không có cái Tôi-năng động và cái thuộc vể Tôi-bị động)"-Vô Ngã Trí-無我智,bản thân dụng ngữ này đã vốn nội hàm ý nghĩa: Không có Ngã-我 và Ngã Sở-我所, không có cái Tôi năng động và cái thuộc vể Tôi bị động. cũng có thể hiểu theo cách diễn đạt khác của Krishnamurti: "Cái thụ động mẫn cảm" (Alert Passivity), trong đó cái Thụ động -Passivity cũng chính là cái gì Năng động-Alert, ở đó cái Tôi không tác vi vào cái thuộc về tôi, như là một chủ thể tác động vào đối tượng nữa, mà chủ thể (Alert) chính là đối tượng (Passivity). Hai dụng ngữ này có vẻ khác nhau về ngữ nghĩa trên bình diện nhị nguyên luận (Dualism): 1. Không có chủ thể và không có đối tượng; và 2. Chủ thể và đối tượng là một. Nhưng cả hai đều biểu trưng cho một Thực tại duy nhất phi-nhị nguyên. Phật giáo Tiểu Thừa và Đại Thừa có không biết bao nhiêu là dụng ngữ để biểu trưng cho cái Thực Tại Tối Hậu vô hạn này: Đệ Nhất Nghĩa Đế, Nhât Thiêt Chủng Trí, Diệu Giác, Viên Giác, Đương Thể Tức Không, Nhất Hành Tam Muội, Quốc Độ Tuyệt Đối,Ly Tứ Cú Tuyệt Bách Phi ..v.v... (thậm chí cả cách diễn đạt rất "giáo ngoại biệt truyền" của Thiền tông: Ba cân mè, Cái thùng lủng đáy, Que cứt khô...). Nói chung, đó là một Thực Tại mà ý nghĩa của nó nằm ngoài ngữ nghĩa, chỉ khi nào chứng đắc rồi thì tự nó mới mở ra, với vô hạn ý nghĩa...
3
得無我智者
是則名實觀
得無我智者
是人為希有
18.3
Kẻ chứng đắc Trí Tuệ Vô Ngã,
Được gọi là kẻ nhìn sâu thẳm vào Thực Tại Tối Hậu.
Kẻ chứng đắc Trí Tuệ Vô Ngã,
Con người ấy hy hữu biết là chừng nào.
4
內外我我所
盡滅無有故
諸受即為滅
受滅則身滅
18.4 (Đối với một người như thế, thì:)
Vì cái Tôi và cái thuộc về Tôi, sự phân biệt nội giới và ngoại giới,
Tất cả mọi phân định đều triệt tiêu ý nghĩa của chúng,
Tất cả mọi "đối tượng" thụ nhận cũng triệt tiêu,
"Đối tượng" thụ nhận triệt tiêu, thì cái gọi là "Bản Thân" (Chủ thể thụ nhận) cũng triệt tiêu.
5
業煩惱滅故
名之為解脫
業煩惱非實
入空戲論滅
18.5
Vì đã không còn tích lũy tạo tác, phiền não,
Nên gọi là Giải Thoát.
Tích lũy tạo tác và phiền não đều vốn không thật có,
Trên cơ sở Không tính, những hí luận biện biệt đều vô nghĩa.
6
諸佛或說我
或說於無我
諸法實相中
無我無非我
18.6
Chỗ chư Phật thuyết giảng về Ngã,
Hoặc thuyết giảng về Vô Ngã,
Rằng trong những gì chân-thật-như-vốn-là-thế,
Thì không có cái Tôi chủ thể và vượt ra ngoài cái Tôi ấy.
7
諸法實相者
心行言語斷
無生亦無滅
寂滅如涅槃
18.7
Trong cái Chân-Thật-Như-Vốn-Là-Thế ấy,*
Tâm thức vận hành khước từ những khái niệm biện biệt của ngôn ngữ,
Không biện biệt ra Sinh khởi, cũng chẳng biện biệt ra Hoại diệt,
Tâm thức tự nó tĩnh lặng im vắng như Niết Bàn.
8
一切實非實
亦實亦非實
非實非非實
是名諸佛法
18.8
Tất cả những gì (được cho là) thực có hay không thực có,
Thì cả cái "Có thực" và cái "Không có thực",
Cả cái "Không có thực" và cái "Không phải là cái không có thực",
Thì cũng đều là những cái gọi là Phật pháp.
______*Nghĩa kệ 8 có cùng ý với nghĩa của kệ 10, phẩm 16:
Sinh tử Luân hồi không lìa bỏ,
Niết bàn Giải thoát vẫn y nhiên,
Diệu nghĩa Chân như phơi lộ rõ,
Sao còn cố mãi biệt phân thêm?
Cả hai cùng diễn ý: Cái gọi là "Phật pháp" hay "Niết Bàn" không phải là cái gì tách lìa khổi Sinh tử Luân Hồi và Thế gian giới như là một thực thể biệt lập, mà nó cũng chính là những cái gì đang tồn tại trong Sinh tử Luân hồi và Thế gian giới với một ý nghĩa khác: Một khi đã vượt qua cảnh giới biện biệt giữa chủ thể và khách thể, thì không còn tác vi tạo tác và bị tác tạo bởi Sinh tử Luân hồi , tất cả những khái niệm biện biệtcủa thế gian cũng vì thế mà trở nên vô nghĩa. Nói cách khác: Đó là một chiều hướng khác của cùng một Thực tại, hay một cách nhìn khác về Thực tai, chứ không phải là một thực tại khác.______
9
自知不隨他
寂滅無戲論
無異無分別
是則名實相
18.9
Đó là cái gì do chính mình tự biết, chứ không phải là cái được nhận biết qua tương quan dị biệt,*
Tự nó tĩnh lặng im vắng, không xôn xao hí luận biện biệt.
Vì không có tương quan dị biệt, không có biện biệt xôn xao,
Nên gọi nó là cái Chân-Thật-Như-Vốn-Là-Thế.
______*"Chứ không phải là cái được nhận biết qua tương quan dị biệt", bản Hán văn: "Bất tùy tha-不隨他": không tùy thuộc vào những cái khác. Ba chữ này với ý nghĩa khái quát, tự chúng cho phép chúng ta có thể hiểu nhiều ý: 1. Cái đó tự mình mình biết,chứ không thể nào nhờ người khác mà biết được; 2. Cái đó là cái gì tự mình biết như là cái gì tự-nó-vốn-là-như-thế, chứ không phải là cái được biết qua tương quan dị biệt với những cái khác, do tác vi tạo tác (thuộc Ngũ Ấm-五陰) và quá trình tích lũy tạo tác (Nghiệp-業) gây ra. Nghĩa thứ hai này theo sát hơn với mạch luận lý có từ kệ 6,7,8, và tự nó cũng nội hàm nghĩa thứ nhất. Hơn nữa, chúng ta có thể hiểu "Bất tùy tha-不隨他: không phải là cái được nhận biết qua tương quan dị biệt với những cái khác", theo nghĩa rộng nhất mà hiện nay chúng ta có thể giải được với quan điểm nhận thức luận và nhận thức luận khoa học (Episthemology) của Bertrand Russell (1872-1970, người Anh, nhà Toán học, Triết gia, được giải Nobel 1950 như là "Một nhà quán quân của Chủ nghĩa Nhân đạo và Tự do trong Tư tưởng"): Con người ta chỉ có thể nhận biết được đối tượng sự vật thông qua những tương quan dị biệt của chúng, những tương quan dị biệt này hình thành những điều kiện dị biệt của cảm giác ($Ngũ Ấm-五陰) mà con người ta có thể nhận biết được. Sự vật tự-nó (#Tự tính-自性) thì chúng ta không thể biết. (ví dụ: người ta chỉ có thể biết trái táo qua tương quan của nó với trái chanh, tức là tương quan do điều kiện cảm giác đem lại: Măt nhận biết trái táo màu "đỏ", trái chanh "vàng", Lưỡi nhận biết vị "ngọt" của trái táo khác với trái chanh-"chua", ...Đo đó, có thể phân biệt ra khái niệm về "trái táo" và định nghĩa "Trái táo" như là "Trái cây có vị ngọt, màu đỏ...". Nhưng trái táo tự-nó là cái gì, thì chúng ta không thể biết được).______
10
若法從緣生
不即不異因
是故名實相
不斷亦不常
18.10
Nếu quán sát mọi tồn tại do Điều kiện tạo tác (Duyên-緣) khởi sinh,
Như là cái gì không phải là, cũng không khác với Nhân tác tạo (Nhân-因) ra nó,
Thì đó chính là cái Chân-Thật-Như-Vốn-Là-Thế,
Vốn không đứt đoạn, cũng không hằng thường.
11
不一亦不異
不常亦不斷
是名諸世尊
教化甘露味
18.11
Không đông nhất, cũng không dị biệt,
Không đứt đoạn, cũng không hằng thường,
Chính là vị cam lộ mà chư Phật
Đã từng khuyến dạy.
12
若佛不出世
佛法已滅盡
諸辟支佛智
從於遠離生
18.12
Cho dù đức Phật không còn tại thế,
Cho dù Phật pháp có diệt tận đi nữa,*
Thì trí tuệ của các vị Độc Giác Phật nương theo nghĩa ấy (11) mà sinh ra,
Xa rời những biện biệt của thế gian.
______*"Cho dù Phật pháp có diệt tận đi nữa", bản Hán văn của Cưu Ma La Thập:"佛法已滅盡-Phật pháp dĩ diệt tận". Bản Anh ngữ của Stephen Batchelor: "and when their disciples have died out": Và khi các đệ tử của Phật đã diệt độ hết. Bản Nhật ngữ của Kajiyama Yuichi: "Seibuntachi mo shini tsukushita tokinimo": Cho dù các bậc thanh văn đã chết hết rồi đi nữa.
________________
PHẨM THỨ MƯỜI CHÍN:
QUÁN SÁT THỜI GIAN
1
若因過去時
有未來現在
未來及現在
應在過去時
19.1
Nếu xuất phát từ trong Quá khứ,
Mà có Hiện tại và Tương lai;
Thì cả Hiện tại và Tương lai,
Phải ở trong Quá khứ.
2
若過去時中
無未來現在
未來現在時
云何因過去
19.2
Nếu từ trong quá khứ,
Không có Tương lai và Hiện tại,
Thì làm sao Hiện tại và Tương lai.
Lại xuất phát từ Quá khứ?
3
不因過去時
則無未來時
亦無現在時
是故無二時
19.3
Nếu không xuất phát từ Quá khứ,
Thì không có Hiện tại,
Cũng chẳng có Tương lai.
Vậy Hiện Tại và Tương lai không tồn tại.
4
以如是義故
則知餘二時
上中下一異
是等法皆無
19. 4
Với ý nghĩa như thế thì hãy biết rằng:
Hai khoảng thời gian còn lại, cũng như việc phân định:
Khoảng trước, khoảng giữa, khoảng sau... đồng nhất hay dị biệt...
Tất cả những phân biệt như vậy đều vô nghĩa.
5
時住不可得
時去亦叵得
時若不可得
云何說時相
19.5
Thời gian đang diễn ra không thể nắm lại được,
Thời gian đã trôi qua lại càng không nắm lại được,
Nếu đã không thể sở đắc được thời gian,
Thì làm sao nói về tính cách của thời gian được.
6
因物故有時
離物何有時
物尚無所有
何況當有時
19.6
Vì có sự vật (sinh diệt) nên mới có thời gian,
Làm sao có được thời gian khi không có sự vật (sinh diệt) nào?
Sự vật vốn tự nó còn không tồn tại,
Hà huống chi lại tồn tại thời gian?
_______________
PHẨM THỨ HAI MƯƠI:
QUÁN SÁT NHÂN VÀ QUẢ
1
若眾緣和合
而有果生者
和合中已有
何須和合生
20.1
Nếu những điều kiện tạo tác (Duyên-緣) kết hợp với nhau,
Mà khởi sinh ra một kết quả (Quả-果) nào đó,
Thì kết quả ấy vốn đã có trong sự kết hợp rồi,
Vậy thì để có nó, còn cần đến sự kết hợp làm chi?
2
若眾緣和合
是中無果者
云何從眾緣
和合而果生
20.2
Nếu những điều kiện tạo tác kết hợp với nhau,
Mà trong đó vốn không có một kết quả nào.
Vậy thì làm sao những điều kiện tạo tác,
Kết hợp với nhau thì lại sinh ra kết quả?
3
若眾緣和合
是中有果者
和合中應有
而實不可得
20.3
Nếu những điều kiện tạo tác kết hợp với nhau,
Mà trong đó vốn có một kết quả nào đó,
Thì trong sự kết hợp vốn đã có nó rôi,
Mà thật ra thì không thể có được điều ấy.
4
若眾緣和合
是中無果者
是則眾因緣
與非因緣同
20.4
Nếu những điều kiện tạo tác kết hợp với nhau,
Mà trong đó vốn không có một kết quả nào,
Thì hẳn nhiên: Những nguyên nhân tạo tác (Nhân Duyên-眾緣)
Cũng đồng nghĩa với không nguyên nhân tác tạo.
5
若因與果因
作因已而滅
是因有二體
一與一則滅
20.5
Nếu nhân tố tạo tác (Nhân-因)* là tác nhân để sinh ra kết quả (Quả-果),
Sinh ra kết quả rồi thì tác nhân không còn nữa.
Vậy thì nhân tạo tác có hai thực thể khác nhau:
Một cái thành ra kết quả, còn cái kia thì mất đi.
______*"Nhân tố tạo tác" (Nhân-因). ở đây được sử dụng với ý nghĩa: "Cái như là một chất liệu nội tại mà từ đó một sự vật được hình thành là nó". Xem chú thích chi tiết ở kê 9, Phẩm 10______
6
若因不與果
作因已而滅
因滅而果生
是果則無因
20.6
Nếu đang lúc nhân tạo tác còn chưa tạo kết quả,
Mà nhân tác tạo đã không còn nữa,
Nghĩa là: Nhân tạo tác không còn mà kết quả vẫn cứ sinh ra,
Vậy thì kết quả đó không có nguyên nhân.
7
若眾緣合時
而有果生者
生者及可生
則為一時俱
20.7
Nếu đang lúc điều kiện tạo tác kết hợp với nhau,
Mà khởi sinh ra một kết quả nào đó.
Nghĩa là: Cái sinh khởi (chủ thể tạo tác) và cái được sinh khởi (đối tượng tạo tác),
Tồn tại cùng một lúc.*
______Vậy thì không thể nói: Cái này tạo tác ra cái kía được.______
8
若先有果生
而後眾緣合
此即離因緣
名為無因果
20.8
Nếu kết quả khởi sinh ra trước,
Sau đó những điều kiện tạo tác mới kết hợp lại.
Thì nó sinh ra không điều kiện tạo tác,
Nên gọi là kết quả không nguyên nhân.__*Như trường hợp kệ 6__
9
若因變為果
因即至於果
是則前生因
生已而復生
20.9
Nếu nhân tạo tác biến thành kết quả,
Thì nhân tạo tác phải có một quá trình chuyển đổi cho đến khi thành kết quả.
Vậy nghĩa là: Trước khi thành kết quả,
Nhân tạo tác phải sinh khởi nhiều lần.
10
云何因滅失
而能生於果
又若因在果
云何因生果
20.10 (Liên kết ý nghĩa với 9)
Làm sao những nhân tạo tác đã mất đi (trong quá trình chuyển đổi ấy),
Có khả năng sinh ra kết quả?
Vả lại, nhân tạo tác (sau cùng, trong quá trình chuyển đổi) thành ra kết quả (trong đó có nó),
Thì làm sao nó có thể khởi sinh ra kết quả được?
11
若因遍有果
更生何等果
因見不見果
是二俱不生
20.11 (Liên kết ý nghĩa với 9)
Nếu mọi nhân tạo tác (khởi sinh trong quá trình chuyển đổi ấy) đều có khả năng tạo ra kết quả,
Thì chúng sinh ra những kết quả nào?
Nếu chỉ thấy có tác nhân mà không thấy kết quả,
Thì cả hai đều không khởi sinh ra.
12
若言過去因
而於過去果
未來現在果
是則終不合
20.12
Nếu cho rằng: Nguyên nhân tạo tác của quá khứ,
Tạo ra kết quả ở quá khứ.
Vậy thì: Kết quả ở hiện tại và vị lai,
Không thể nào kết hợp được với nguyên nhân ở quá khứ được.
13
若言未來因
而於未來果
現在過去果
是則終不合
20.13
Nếu cho rằng: Nguyên nhân tạo tác của vị lai,
Tạo ra kết quả ở vị lai.
Vậy thì: Kết quả ở hiện tại và quá khứ,
Cũng không thể nào kết hợp với nó được.
14
若言現在因
而於現在果
未來過去果
是則終不合
20.14
Nếu cho rằng: Nguyên nhân của hiện tại,
Tạo ra kết quả ở hiện tại.
Vậy thì: Kết quả ở vị lai và quá khứ,
Cũng không thể nào kết hợp với nó được.
15
若不和合者
因何能生果
若有和合者
因何能生果
20.15
Nếu không có sự kết hợp giữa Nhân và Quả,
Thì làm sao Nhân có thể sinh ra Quả được?
Nếu có sự kết hợp giữa Nhân và Quả đi nữa,
Thì làm sao Nhân có thể sinh ra Quả được?*__*Khi hai cái ở hai thời điểm khác nhau?__
16
若因空無果
因何能生果
若因不空果
因何能生果
20.16
Nếu Nhân vốn rỗng không, không Quả,
Thì làm sao Nhân có thể sinh ra Quả?
Nếu Nhân vốn không rỗng không Quả,
Thì làm sao Nhân có thể sinh ra Quả?
______*Hai câu "Nếu Nhân vốn rỗng không Quả-Nhược nhân không vô quả-若因空無果" và "Nếu Nhân vốn chẳng rỗng không Quả-Nhược nhân bất không quả-若因不空果", trong đó hai dụng ngữ của Cưu Ma La Thập là "Không Vô-空無" và "Bất Không-不空" hầu như không thể chuyển ngữ được. Cả hai dụng ngữ này đều mang ý nghĩa phủ định trùng lập: phủ định hai lần cùng một lúc. Đọc bản Hán văn của Cưu Ma La Thập, chúng ta có thể cảm nhận được một cái gì đó được gợi ra bởi một cấu trúc khác thường nằm ngoài ngữ nghĩa. Ở đó, cấu trúc lạ lùng của Không Tính được lập lại trong cấu trúc khác thường của ngôn ngữ, chỉ có thể cảm nhận khi đọc, chứ không thể khẳng định đó là cái gì. Bản dịch Việt ngữ chỉ có thể chuyển nghĩa một cách vụng về, mà bất lực không làm sao thoát ra khỏi cái vụng về này được! Tồn Ghi.
Cùng một trường hợp ở Bản dịch Anh ngữ, từ Tạng ngữ :
/gal te ‘bras bus stong pa’i rgyus//ji ltar ‘bras bu skyed par byed//gal te ‘bras bus mi stong rgyus//ji ltar ‘bras bu skyed par byed/
If a cause is empty of fruit, how can it produce fruit? If a cause is not empty of fruit, how can it produce fruit?
Ở đây, "stong " của Tạng ngữ được chuyển thành "empty", ngoài ngữ nghĩa "empty" ra, cũng chẳng gợi được gì hơn!
______
17
果不空不生
果不空不滅
以果不空故
不生亦不滅
20.17
Nếu vốn không rỗng không Quả, thì không khởi sinh Quả được,
Nếu Quả vốn không rỗng không, thì Quả không hoại diệt được.
Vì Quả vốn không rỗng không,
Nên nó không khởi sinh, cũng không hoại diệt.
_______*Bài kệ này cũng như bài kệ 16, có thể đọc phiên âm từ bản Hán văn của Cưu Ma La Thập, như sau:
"Quả bất không bất sinh
Quả bất không bất diệt
Dĩ quả bất không cố
Bất sinh diệt bất diệt"
Trường hợp này, đối với người không hiểu được nghĩa chữ Hán, có lẽ sẽ hiểu được nhiều hơn, so với người có thể hiểu được chữ Hán! Trong 5 câu, thì đã có 7 chữ "Bất" và 3 chữ "Không". Nghĩa là: trong 20 chữ với 20 âm tiết, thì đã có 10 ý nghĩa phủ định với 10 lần phủ định, như thế thì cứ một chữ viết ra thì có ngay một chữ khác phủ định đi. Vậy thì đọc mà không hiểu nghĩa, vẫn hiểu được nhiều hơn!
Cũng cùng một trường hợp, khi đọc mà không hiểu nghĩa tiếng Tạng:
/’bras bu mi stong skye mi ‘gyur//mi stong ‘gag par mi ‘gyur ro//mi stong de ni ma ‘gags dang//ma skyes par yang ‘gyur ba yin/
______
18
果空故不生
果空故不滅
以果是空故
不生亦不滅
20.18
Quả rỗng không nên không sinh khởi,
Rỗng không Quả nên không hoại diệt,
Vì Quả là cái rỗng không,
Nên không khởi sinh và diệt hoại.
19
因果是一者
是事終不然
因果若異者
是事亦不然
20.19
Nếu Nhân và Quả là một thể đồng nhất,
Nói cho cùng, việc này không thỏa đáng.
Nếu Nhân và Quả là những thể dị biệt,
Việc này cũng hẳn nhiên không thỏa đáng.
20
若因果是一
生及所生一
若因果是異
因則同非因
20.20 (Bởi vì:)
Nếu Nhân và Quả là một thể đồng nhất,
Thì cái sinh ra (chủ thể) và cái được sinh ra (đối tượng) là một.
Nếu Nhân và Quả là hai thể dị biệt,
Thì Nhân hẳn đồng nghĩa với không Nhân.
______*Vì có Nhân hay không Nhân, cũng vẫn có những Quả khác nó______
21
若果定有性
因為何所生
若果定無性
因為何所生
20.21
Nếu Quả vốn có tự tính nhất định,
Thì Nhân sinh ra được cái gì?
Nếu Quả vốn nhất định không có tự tính.
Thì Nhân sinh ra được cái gì?
22
因不生果者
則無有因相
若無有因相
誰能有是果
20.22
Nhân không sinh được cái gì là Quả cả,
Thì nó không có tính năng của Nhân.
Nếu Nhân không có tính năng của Nhân,
Thì cái gì có khả năng tạo Quả?
23
若從眾因緣
而有和合生
和合自不生
云何能生果
20.23
Nếu từ những điều kiện tạo tác,
Có sự kết hợp để sinh khởi ra Quả,
Sự kết hợp không tự nó sinh ra nó,
Thì làm sao có khả năng sinh ra Quả?
24
是故果不從
緣合不合生
若無有果者
何處有合法
20.24
Như thế, Quả không sinh từ sự kết hợp các điều kiện,
Cũng không sinh từ chỗ không có sự kết hợp nào.
Nếu không có Quả được sinh ra,
Thì có đâu sự kết hợp các điều kiện ấy?
_______________
PHẨM THỨ HAI MƯƠI MỐT:
QUÁN SÁT VỀ SINH THÀNH VÀ HOẠI DIỆT
1
離成及共成
是中無有壞
離壞及共壞
是中亦無成
21.1
Không có cái gì sinh thành và cùng nhau sinh thành,
Thì ở đó chẳng có gì để hủy hoại được.
Không có cái gì hủy hoại và cùng nhau hủy hoại,
Thì ở đó cũng chẳng có gì để sinh thành.
2
若離於成者
云何而有壞
如離生有死
是事則不然
21.2
Nếu chẳng có cái gì được sinh thành,
Thì làm sao có cái gì hủy hoại được?
Cũng như: Chẳng có cái được sinh ra, mà lại có cái phải chết đi,
Thì việc này hẳn không thỏa đáng.
3
成壞共有者
云何有成壞
如世間生死
一時俱不然
21.3
Nếu sinh thành và hủy hoại cùng tồn tại,
Thì làm sao tồn tại sinh thành và hủy hoại?
Cũng như: Thế gian này, Tử có cùng một lúc với Sinh,
Việc này hẳn nhiên không thỏa đáng.
4
若離於壞者
云何當有成
無常未曾有
不在諸法時
21.4
Nếu không có cái gì bị hủy hoại,
Thì làm sao có cái sinh thành được?
Vô thường chưa bao giờ tồn tại,
Khi nào, nơi nào chẳng có gì tồn tại .
5
成壞共無成
離亦無有成
是二俱不可
云何當有成
21. 5
Thành và Hoại không cùng nhau tồn tại,
Cũng không tồn tại không cùng nhau.
Vậy thì cả hai đều không thể tồn tại được,
Thì làm sao có cái gì đang thành và đang hoại?
6
盡則無有成
不盡亦無成
盡則無有壞
不盡亦不壞
21.6
Nếu tất cả đều có chỗ tận cùng, thì chẳng có gì được thành.
Nếu tất cả đều không có chỗ tận cùng, thì cũng chẳng có cái gì thành được.
Nếu tất cả đều có chỗ tận cùng, thì chẳng có cái bị hoại cả,
Nếu tất cả đều không có chỗ tận cùng, thì cũng chẳng có gì bị hoại đi.
7
若離於成壞
是亦無有法
若當離於法
亦無有成壞
21.7
Nếu không tồn tại Thành và Hoại,
Thì cũng không có cái gì tồn tại cả.
Nếu không có cái gì tồn tại cả,
Thì cũng không tồn tại Hoại và Thành.
8
若法性空者
誰當有成壞
若性不空者
亦無有成壞
21.8
Nếu tồn tại là cái gì rỗng không,
Thì nó không có gì để thành hay hoại.
Nếu tự tính của nó không rỗng không,
Thì cũng không có gì thành hay hoại được.
9
成壞若一者
是事則不然
成壞若異者
是事亦不然
21.9
Nếu Thành và Hoại là một thể đồng nhất,
Thì điều này không thỏa đáng.
Thành và Hoại nếu là hai thể dị biệt,
Thì điều này cũng không thỏa đáng.
10
若謂以眼見
而有生滅者
則為是癡妄
而見有生滅
21.10
Nếu dựa vào những gì con mắt trông thấy,
Mà cho rằng có cái sinh khởi và có cái hoại diệt.
Thì hẳn do vốn mê mờ ảo vọng,
Mà trông thấy có khởi sinh diệt hoại.*
______*"Thì hẳn con mắt ấy vốn mê mờ ảo vọng, Mà những điều trông thấy có khởi sinh diệt hoại". Hán văn: "則為是癡妄,而見有生滅-Tắc vi thị si vọng, nhi kiến hữu sinh diệt". Hai câu này nội hàm ý nghĩa bổ sung có ở kệ 3, Phẩm 17: Trong cấu tạo của những điều kiện nhận thức (Ngũ Ấm-五陰) của con người, đã có sẵn những nhân tố tác động (Ý hướng tính hoặc A-lai-da thức, Nghiệp thức...), khiến những gì được thụ nhận từ những cơ năng nhận tri (mắt, mũi, tai...cho đến ý thức) đều bị biến dạng không còn là cái gì chân thật như vốn là thế nữa. Xem chi tiết ở chú thích kệ 3, Phẩm 17.
11
從法不生法
亦不生非法
從非法不生
法及於非法
21.11
Tồn tại tự nó không khởi sinh từ tồn tại khác,
Cũng không sinh khởi từ cái vốn không tồn tại.
Từ chỗ vốn không tồn tại thì không sinh khởi được
Cái gì tồn tại và cái gì vốn không tồn tại.
12
法不從自生
亦不從他生
不從自他生
云何而有生
21.12
Tồn tại không tự nó sinh khởi ra nó,
Cũng không khởi sinh từ tồn tại khác nó.
Không tự nó sinh khởi, không khởi sinh từ cái khác,
Thì làm sao có được sinh khởi?
13
若有所受法
即墮於斷常
當知所受法
為常為無常
21.13
Nếu mọi tồn tại mà con người ta có thể nhận thức (Thụ-受) được, là có thật (Hữu-有),*
Đều rơi vào quan niệm Thường Trụ luận hay Đoạn diệt luận.
Nên biết rằng: Mọi tồn tại mà con người ta có thể nhận thức được,
Đều thường có và vô thường.
______*"Mọi tồn tại mà con người ta có thể nhận thức được". Hán văn: "Sở Thụ Pháp-所受法": cái gì mỗi người thụ nhận được. Ở đây, chữ "Thụ, Thọ-受": 1. Thụ nhận, nghĩa thông dụng, 2. Thọ-受: một trong những khái niệm thường được sử dụng nhất trong kinh điển với quá nhiều nghĩa, những ý nghĩa này liên kết với: Những điều kiện tương tác- Duyên-緣 và Những điều kiên nhận thức-Ngũ Ấm-Ngũ Ấm-五陰... Trong tương quan này, thì "Sở Thụ Pháp-所受法" có thể hiểu theo nghĩa rộng nhất mà từ này có thể có: Tất cả mọi tồn tại mà con người ta có thể nhận thức được trong tương quan với thế giới mình đang sống, trong tương quan tương tác. Trung Luận không đi sâu vào từng khái niệm tế vi bằng cách phân tích như Duy Thức, mà ngược lại, phương pháp luận của nó tổng hợp những khái niệm thâu tóm về một mối, để "đập" một lần cho dễ. "Cái chày Kim Cương", thủ pháp của Nagarjuna chỉ nhắm vào những cái cốt lõi được gom lại một chỗ, và "đập một cái" thì mọi cái liên hệ đều nát hết, chứ phân tán nhỏ ra chi ly, thì "đập" biết bao giờ?______
14
所有受法者
不墮於斷常
因果相續故
不斷亦不常
21.14
Những gì con người ta có thể nhận thức được,
Ngoài phạm vi quan niệm Thường Trụ luận và Đoạn Diệt luận,
Vì tương quan Nhân-Quả nối tiếp nhau vô tận,
Nên chúng không đứt đoạn cũng không thường hằng.
15
若因果生滅
相續而不斷
滅更不生故
因即為斷滅
21.15
Nếu Nhân và Quả, cứ sinh ra rồi cứ diệt đi,
Thì chúng nối tiếp nhau mãi mãi không gián đoạn.
Nếu cái gì diệt đi mà không sinh ra thêm,
Thì ở đó, mắc xich nhân tạo tác bị đứt đoạn.
16
法住於自性
不應有有無
涅槃滅相續
則墮於斷滅
21.16
Mọi tồn tại đều tự nó tồn tại,
Không liên can đến khái niệm "Có" hay "Không Có".
Một khi cả khái niệm "Niết Bàn" cũng không còn,
Thì tiến trình nối tiếp ("Nhân Quả", "Luân Hồi") ấy tự nó bị triệt tiêu.
17
若初有滅者
則無有後有
初有若不滅
亦無有後有
21.17
Nếu từ ban sơ đã có nhân tố Hoại Diệt,
Hẳn chẳng có gì tồn tại được về sau.
Từ ban sơ nếu đã là Bất Diệt,
Cũng chẳng có gì tồn tại nữa về sau.
18
若初有滅時
而後有生者
滅時是一有
生時是一有
21.18
Nếu thuở ban sơ đầu tiên có Hoại Diệt,
Sau nữa, lại có thêm Sinh Khởi.
Thì khi hoại diệt chỉ có một cái,
Khi sinh khởi cũng chỉ có một cái.
______*Hệ luận từ bốn câu điều kiện này: Một cái gì đó được sinh khởi ra, thì cũng chính cái đó bị hoại diệt đi. Vậy thì rốt cuộc: chẳng có cái gì có thể tiếp tục tồn tại được,_______
19
若言於生滅
而謂一時者
則於此陰死
即於此陰生
21.19
Nếu nói rằng: Sinh Khởi và Hoại Diệt,
Là cái gì đồng thời.
Thì có nghĩa là: Cái mà nhận thức con người cho là "Tử",
Cũng chính là cái mà nhận thức con người cho là "Sinh".
20
三世中求有
相續不可得
若三世中無
何有有相續
21.20
Trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai,
Không thể tìm đâu ra tiến trình liên tục (của tương quan Nhân Quả)__*Liên kết với ý của các kệ 14,15,16___
Nếu cả ba thời đã đều không có,
Thì làm sao tồn tại tiến trình Nhân Quả ấy?