LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ TẬP III
(Mahàprajnàparamitàsatra) - Tác giả: Nàgàrjuna (Bồ Tát Long Thọ)
Dịch Phạn ra Hán: Cưu Ma La Thập - Dịch Việt: Thích Thiện Siêu
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt
Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh 1998
Cuốn 46
GIẢI THÍCH: PHẨM THỪA THỪA THỨ 16
(Kinh Đại Bát nhã ghi: Phần 2, phẩm Thừa Đại thừa thứ 14)
Kinh: Bấy giờ Tuệ mạng Xá lợi phất hỏi Phú lâu na: Sao gọi là Bồ tát ma ha tát cưỡi xe lớn (Đại thừa)?
Phú lâu na đáp Xá lợi phất rằng: Bồ tát ma ha tát khi tu hành Bát nhã ba la mật cưỡi Thí ba la mật, cũng chẳng có được Thí ba la mật, cũng chẳng có được Bồ tát, cũng chẳng có được người thọ nhận vì dùng vô sở đắc (làm phương tiện – ND); ấy gọi là Bồ tát ma ha tát cưỡi Thí ba la mật. Bồ tát ma ha tát khi tu hành Bát nhã ba la mật cưỡi Giới ba la mật, Nhẫn nhục ba la mật, Tinh tấn ba la mật, Thiền ba la mật, cưỡi Bát nhã ba la mật, cũng chẳng có được Bát nhã ba la mật, cũng chẳng có được Bồ tát, vì dùng vô sở đắc; ấy gọi là Bồ tát ma ha tát cưỡi Bát nhã ba la mật.
Như vậy, Xá lợi phất! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát cưỡi xe lớn.
Lại nữa, Bồ tát ma ha tát cưỡi xe lớn là nhất tâm tương ưng Trí nhất thiết chủng, tu bốn niệm xứ, vì pháp hoại (pháp bất khả đắc – ND), cho đến nhất tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng, tu mười tám pháp không chung, vì pháp hoại ấy cũng không thể có được. Như vậy, Xá lợi phất! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát cưỡi xe lớn.
Lại nữa, Xá lợi phất! Bồ tát ma ha tát nghĩ rằng: Bồ tát chỉ có danh tự, vì chúng sinh không thể có được, ấy gọi là Bồ tát ma ha tát cưỡi xe lớn.
Lại nữa, Xá lợi phất! Bồ tát ma ha tát nghĩ rằng: sắc chỉ có danh tự, vì sắc không thể có được; thọ, tưởng, hành, thức chỉ có danh tự, vì thức không thể có được. Mắt chỉ có danh tự, vì mắt không thể có được; cho đến ý cũng như vậy. Bốn niệm xứ chỉ có danh tự, vì bốn niệm xứ không thể có được; cho đến tám Thánh đạo phần chỉ có danh tự, vì tám Thánh đạo phần không thể có được. Nội không chỉ có danh tự, vì nội không không thể có được; cho đến vô pháp hữu pháp không chỉ có danh tự, vì vô pháp hữu pháp không không thể có được; cho đến mười tám pháp không chung chỉ có danh tự, vì mười tám pháp không chung không thể có được. Các pháp như như chỉ có danh tự, vì như như không thể có được. Pháp tướng, pháp tánh, pháp trụ, pháp vị, thật tế, chỉ có danh tự, vì thật tế không thể có được. Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và Phật chỉ có danh tự, vì Phật không thể có được.
Xá lợi phất! Như vậy gọi là Bồ tát ma ha tát cưỡi xe lớn.
Lại nữa, Xá lợi phất! Nếu Bồ tát ma ha tát từ khi mới phát tâm đến nay đầy đủ Bồ tát thần thông, thành tựu chúng sinh, từ một nước Phật đến một nước Phật cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán các đức Phật, theo các đức Phật nghe, lãnh thọ giáo pháp, gọi là Bồ tát cưỡi xe lớn. Bồ tát cưỡi xe lớn, từ một nước Phật đến một nước Phật thanh tịnh Phật độ, thành tựu chúng sinh, ban đầu không có tưởng Phật độ, cũng không có tưởng chúng sinh, người này trụ trong pháp bất nhị, vì chúng sinh thọ thân, tùy chỗ ứng hợp của chúng sinh mà tự biến hiện thân để giáo hóa họ; cho đến khi được Trí nhất thiết, không bao giờ lìa xe Bồ tát (Bồ tát thừa). Bồ tát ấy được Trí nhất thiết chủng rồi, chuyển pháp luân mà hàng Thanh văn, Bích chi Phật, trời, rồng, quỉ, thần, A tu la, nhân dân thế gian không thể chuyển được. Bấy giờ, chư Phật như số cát sông Hằng ở mười phương đều hoan hỷ xưng danh tán thán rằng: Phương ấy, nước ấy, Bồ tát ma ha tát ấy cưỡi xe lớn, được Trí nhất thiết chủng, Chuyển Pháp luân.
Xá lợi phất! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát cưỡi xe lớn.
Luận. Phú lâu na lấy ba việc thuyết minh nghĩa Ma ha tát: Trên kia đã nói hai việc, nay hỏi việc thứ ba là việc cưỡi xe lớn (thừa đại thừa).
Phú lâu na đáp: Có người nói, Bồ tát chỉ bố thí tài vật trong ngoài, mà không phá được tướng ta, tôi; ấy gọi là đại trang nghiêm. Nếu phá được tướng ta, tôi, nhập vào chúng sinh không, chưa nhập vào pháp không, ấy gọi là đại trang nghiêm. Nhân chúng sinh không mà vào pháp không, tu hành Thí ba la mật, không thấy ba việc là người cho, người nhận, và tài vật, được như vậy gọi là cưỡi xe lớn; các Ba la mật khác cũng như vậy. Bồ tất ấy dùng tâm không tạp loạn, lìa các phiền não và tâm nhị thừa, vì Trí nhất thiết chủng mà tu bốn niệm xứ, tu cũng không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh; ấy gọi là cưỡi xe lớn; cho đến mười tám pháp không chung cũng như vậy.
Lại nữa, nếu Bồ tát biết hết thảy pháp chỉ là giả danh tự, hết thảy thế gian hoặc xuất thế gian đều là giả danh, ấy gọi là cưỡi xe lớn.
Lại nữa, Bồ tát phát tâm đại trang nghiêm, đầy đủ thần thông của Bồ tát. Vì đấy đủ thần thông của Bồ tát nên thành tựu chúng sinh, từ một nước Phật đến một nước Phật. Các nước trải qua, mưa hoa sen bảy báu, cúng dường chư Phật, đưa chúng sinh ra khỏi ba đường ác, biến ra vô số thân, mỗi mỗi đến trước chư Phật, nghe lãnh pháp hóa Đại thừa. Từ trước chư Phật thú hướng tướng Đại thừa, cưỡi xe lớn ấy, từ một nước Phật đến một nước Phật, thành tựu chúng sinh, thanh tịnh Phật độ, không sinh tướng chúng sinh, không sinh tướng Phật độ, trú trong địa vị bất nhị nhập, tùy các chúng sinh đáng được độ thì hóa độ họ. Vì chúng sinh nên thọ thân, thường cưỡi xe lớn, chưa bao giờ ngừng nghỉ, ấy là Bồ tát cưỡi xe lớn, được thành Phật, Chuyển Pháp luân mà hàng Thanh văn, Bích chi Phật không thể chuyển được, huống gì các kẻ phàm phu nhỏ nhoi. Chư Phật như số cát sông Hằng ở mười phương tán thán Bồ tát ấy rằng: Phương ấy, nước ấy, Bồ tát ấy cưỡi xe lớn, thành tựu chúng sinh, Chuyển Pháp luân. Tướng trạng như vậy gọi là cưỡi xe lớn.
Lại nữa, xe
lớn gọi là sáu Ba la mật rốt ráo thanh tịnh, Bồ tát ma ha tát khi cưỡi xe lớn,
lấy năm thần thông để tự trang nghiêm. Bồ tát trú trong xe ấy trong một lúc
biến ra vô số thân, đi đến mười phương thế giới cúng dường các đức Phật, độ
thoát chúng sinh, ấy là Bồ tát thường không lìa chư Phật, cho đến được thành
Phật đạo, thường cưỡi xe lớn này.
GIẢI THÍCH: PHẨM TRANG NGHIÊM THỨ 17
(Kinh Đại Bát nhã ghi: Phần 2, Phẩm Vô Phược Giải thứ 15)
Kinh: Bấy giờ Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bồ tát ma ha tát đại trang nghiêm ( Kinh Đại Bát nhã ghi: Mặc áo giáp Đại thừa), thế nào là đại trang nghiêm? Thế nào là Bồ tát có thể đại trang nghiêm?
Phật dạy Tu bồ đề: Bồ tát ma ha tát đại thừa đại trang nghiêm là Thí ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật trang nghiêm; bốn niệm xứ trang nghiêm cho đến tám Thánh đạo phần; nội không trang nghiêm cho đến vô pháp hữu pháp không; mười lực cho đến mười tám pháp không chung và Trí nhất thiết chủng trang nghiêm. Biến thân như Phật trang nghiêm, ánh sáng chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, cũng chiếu khắp thế giới như hằng hà sa số ở phương đông, phương tây, nam, bắc, bốn góc trên dưới cũng như vậy. Ba ngàn đại thiên thế giới sáu cách rung động, cũng rung động cả thế giới như hằng hà sa số ở phương đông, phương tây, nam, bắc, bốn góc trên dưới cũng như vậy. Bồ tát ma ha tát ấy trú Thí ba la mật đại thừa trang nghiêm, là ba ngàn đại thiên thế giới biến thành lưu ly, hóa làm Chuyển luân Thánh vương, tùy sự ưa muốn của chúng sinh, cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, y phục, đồ nằm, hương hoa, anh lạc, hương giã, hương ướp, phòng xá, đèn đuốc, thuốc thang các thứ cần dùng, đều cấp cho đủ, cho rồi thuyết pháp là nên nói sáu Ba la mật. Chúng sinh nghe pháp ấy, không bao giờ lìa sáu Ba la mật, cho đến khi được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Như vậy Tu bồ đề! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát đại thừa đại trang nghiêm.
Tu bồ đề! Thí như thầy huyễn thuật hoặc học trò huyễn thuật, ở giữa ngã tư đường, hóa làm đại chúng ở trước mặt, cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, cho đến các thứ cần dùng đều cấp cho hết.
Tu bồ đề! Ý ông nghĩ sao? Thầy huyễn thuật ấy thật có chúng sinh, có cấp cho chăng?
Tu bồ đề thưa: Thưa không, bạch Thế Tôn!
Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát cũng như vậy, hóa làm Chuyển luân Thánh vương, đầy đủ các thứ, cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, cho đến các thứ cần dùng đều cấp cho hết, tuy có bố thí mà thật không cho gì, vì cớ sao? Tu bồ đề! Vì tướng các pháp như huyễn vậy.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát trú trong Giới ba la mật, hiện sinh vào nhà Chuyển luân Thánh vương, lấy mười thiện đạo giáo hóa chúng sinh, lại lấy bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, bốn niệm xứ, cho đến mười tám pháp không chung, giáo hóa chúng sinh. Người mới nghe được pháp ấy cho đến khi chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trọn không lìa pháp ấy, thí như thầy huyễn thuật hoặc học trò huyễn thuật, ở giữa ngã tư đường, hóa làm đại chúng, lấy mười thiện đạo giáo hóa bảo làm; lại lấy bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, bốn niệm xứ, cho đến mười tám pháp không chung giáo hóa bảo làm.
Tu bồ đề! Ý ông nghĩ sao? Thầy huyễn thuật ấy thật có chúng sinh giáo hóa bảo làm mười thiện đạo, cho đến mười tám pháp không chung chăng?
Tu bồ đề thưa: Thưa không, bạch Thế Tôn!
Tu bồ đề! Bồ tát cũng như vậy. Lấy mười thiện đạo giáo hóa chúng sinh bảo làm, cho đến mười tám pháp không chung mà thật không có chúng sinh làm mười thiện đạo, cho đến mười tám pháp không chung, vì cớ sao? Vì các pháp như huyễn vậy.
Tu bồ đề! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát trú trong Nhẫn ba la mật, giáo hóa chúng sinh nhẫn nhục.
Tu bồ đề! Thế nào là Bồ tát ma ha tát trú trong Nhẫn ba la mật giáo hóa chúng sinh trú trong Nhẫn ba la mật?
Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát từ khi mới phát tâm lại đây, đại trang nghiêm như vầy: Nếu hết thảy chúng sinh đến mắng nhiếc, đao gậy làm tổn hại, Bồ tát ma ha tát không khởi một niệm đối với việc ấy, cũng dạy hết thảy chúng sinh làm hạnh nhẫn nhục như vậy, thí như thầy huyễn thuật, hoặc học trò huyễn thuật ở giữa ngã tư đường, hóa làm đại chúng, khiến tu nhẫn nhục, ngoài ra như trên đã nói.
Tu bồ đề! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát đại trang nghiêm.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát trú trong Tinh tấn ba la mật, dạy hết thảy chúng sinh khiến tu Tinh tấn ba la mật.
Tu bồ đề! Thế nào là Bồ tát ma ha tát trú trong Tinh tấn ba la mật, dạy hết thảy chúng sinh khiến tu Tinh tấn ba la mật?
Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng, thân tâm tinh tấn, giáo hóa chúng sinh, thí như thầy huyễn thuật hoặc học trò huyễn thuật ở giữa ngã tư đường hóa làm đại chúng, dạy khiến tu thân tâm tinh tấn, ngoài ra như trên đã nói. Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát đại trang nghiêm.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát trú Thiền ba la mật, dạy hết thảy chúng sinh khiến tu Thiền ba la mật.
Tu bồ đề! Thế nào là Bồ tát ma ha tát trú trong Thiền ba la mật, dạy hết thảy chúng sinh khiến tu Thiền ba la mật?
Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát trú trong các pháp, không thấy pháp hoặc loạn hoặc định. Như vậy, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát trú trong Thiền ba la mật, dạy hết thảy chúng sinh khiến tu Thiền ba la mật, cho đến khi chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trọn không lìa Thiền ba la mật; thí như thầy huyễn thuật hoặc học trò huyễn thuật ở giữa ngã tư đường, hóa làm đại chúng, dạy khiến tu Thiền ba la mật, ngoài ra như trên đã nói.
Tu bồ đề! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát đại trang nghiêm.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát trú trong Bát nhã ba la mật, dạy hết thảy chúng sinh khiến tu Bát nhã ba la mật.
Tu bồ đề! Thế nào là Bồ tát ma ha tát trú trong Bát nhã ba la mật, dạy hết thảy chúng sinh khiến tu Bát nhã ba la mật?
Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát tu Bát nhã ba la mật, không có pháp được bờ kia, bờ này, như vậy là Bồ tát ma ha tát trú trong Bát nhã ba la mật, dạy hết thảy chúng sinh khiến tu Bát nhã ba la mật, thí như thầy huyễn thuật, hoặc học trò huyễn thuật, ở giữa ngã tư đường, hóa làm đại chúng, dạy khiến tu Bát nhã ba la mật.
Tu bồ đề! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát đại trang nghiêm.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát đại trang nghiêm là ở trong mười phương thế giới số như hằng hà sa, tùy chỗ ứng hợp, tự biến thân trú trong Thí ba la mật, cho đến Bát nhã ba la mật, cũng dạy chúng sinh khiến tu Thí ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật. Chúng sinh ấy tu pháp ấy cho đến khi chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trọn không lìa pháp ấy. Tu bồ đề! Thí như thầy huyễn thuật, hoặc học trò huyễn thuật, ở giữa ngã tư đường, hóa làm đại chúng, dạy khiến tu sáu Ba la mật, ngoài ra như trên đã nói.
Như vậy, Tu bồ đề! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát đại trang nghiêm.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát đại trang nghiêm là tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng, không sinh niệm rằng: Ta dạy ngần ấy người trú trong Thí ba la mật, không dạy ngần ấy người trú trong Thí ba la mật, cho đến Bát nhã ba la mật cũng như vậy; không sinh niệm rằng: Ta dạy ngần ấy người trú trong bốn niệm xứ, không dạy ngần ấy người trú trong bốn niệm xứ, cho đến mười tám pháp không chung cũng vậy; cũng không sinh niệm rằng: Ta dạy ngần ấy người khiến được quả Tu đà hoàn, quả Tư đà hàm, quả A na hàm, quả A la hán, Bích chi Phật đạo, Trí nhất thiết chủng, không dạy ngần ấy người khiến được quả Tu đà hoàn, cho đến Trí nhất thiết chủng. Ta sẽ khiến vô lượng vô biên vô số chúng sinh trú trong Thí ba la mật, cho đến Bát nhã ba la mật, dựng lập chúng sinh nơi bốn niệm xứ, cho đến mười tám pháp không chung, khiến vô lượng vô biên vô số chúng sinh được quả Tu đà hoàn cho đến Trí nhất thiết chủng; thí như thầy huyễn thuật hoặc học trò huyễn thuật, ở giữa ngã tư đường hóa làm đại chúng, dạy khiến tu sáu Ba la mật, cho đến chứng được Trí nhất thiết chủng. Ngoài ra như trên đã nói.
Tu bồ đề! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát đại trang nghiêm.
Luận: Ở trên Phú lâu na nói đại trang nghiêm và tướng phát đại thệ trang nghiêm, nay Tu Bồ đề khởi niệm rằng: Phú lâu na chưa được trí nhất thiết, tuy nói Đại trang nghiêm, hoặc có sai lầm, nên hỏi Phật để thủ lấy quyết định. Phật vì Tu bồ đề nói Thí ba la mật đại trang nghiêm, cho đến Trí nhất thiết là quả báo của thiện pháp nên được sức thần thông lớn của Bồ tát; vì hạng chúng sinh mến đạo xuất gia nên hóa làm thân Phật, phóng ánh sáng lớn, chiếu mười phương thế giới, rung động đại địa, khiến chúng sinh phát tâm tu thiện pháp, tùy căn cơ thích hợp mà thuyết pháp cho, khiến được ba thừa, vì chúng sinh tại gia ham vui, làm Chuyển luân Thánh vương, biến ba ngàn đại thiên thế giới thành lưu ly, vì không chướng ngại, cưỡi xe bảy báu, thân phóng hào quang, mưa các bảo vật, tùy chúng sinh cần dùng, đều khiến cho đầy đủ, vậy sau nói pháp Bồ tát. Bồ tát trú trong đại thừa, lấy hai sự bố thí làm lợi ích chúng sinh, đó là tài thí và pháp thí, chúng sinh nghe rồi tu sáu Ba la mật cho đến mười tám pháp không chung, đến khi chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trọn không lìa pháp ấy. Bồ tát tuy trú trong biến hóa ấy cũng không sinh chấp trước tướng đối với các pháp, cũng không tự cao. Tu bồ đề khởi niệm rằng: Bồ tát hành được đại sự như vậy. Lại chưa sạch hết các lậu hoặc, làm sao không đắm trước các pháp, cũng không sinh tâm tự cao được? Trong đây Phật tự nói thí dụ, thí như thầy huyễn thuật ở giữa ngã tư đường, hóa làm các thứ vật, tùy chỗ người cần đều có thể cho hết. Tu bồ đề! Ý ông nghĩ sao? Thầy huyễn thuật ấy thật có cho chăng? Có người thọ nhận, có người cần dùng chăng?
Tu bồ đề thưa: Đó chỉ là hư dối, thật không có gì.
Phật dạy: Bồ tát cũng như vậy, tuy hiện làm thân Phật, thân Chuyển luân Thánh vương, lấy của và pháp thí cho chúng sinh, cũng như thầy huyễn thuật thật không có cho gì, vì sao? Vì các pháp rốt ráo không, như huyễn. Năm Ba la mật kia cũng như vậy, tùy theo nghĩa mà phân biệt.
Lại nữa, do nhân duyên Thí ba la mật, Giới ba la mật, nên làm Chuyển luân Thánh vương giàu sang trong loài người, do các Ba la mật khác hoặc làm Phạm vương, hoặc làm pháp thân Bồ tát.
Hỏi: Ngoài sáu Ba la mật còn có pháp gì có thể trang nghiêm không?
Đáp: Các công đức đều thu nhiếp trong sáu Ba la mật. Có người nói còn có trí Ba la mật và phương tiện Ba la mật v.v... ở trong mười phương thế giới số như hằng hà sa, tùy chỗ đáng độ, bày các nhân duyên thuyết pháp khiến chúng sinh trú trong sáu Ba la mật.
Lại nữa, quyết định thệ nguyện gọi là đại trang nghiêm, nghĩa là Bồ tát không khởi niệm rằng: Ta độ ngần ấy người khiến trú trong Thí ba la mật, mà không thể độ người khác. Cho đến mười tám pháp không chung cũng như vậy, cũng không khởi niệm rằng: Ta khiến ngần ấy người được quả Tu đà hoàn mà không thể khiến ngần ấy người được quả Tu đà hoàn; cho đến thành Phật đạo cũng như vậy. Ta sẽ khiến hết vô lượng vô số chúng sinh trú trong các công đức, Thí ba la mật cho đến Trí nhất thiết chủng, như thầy huyễn thuật, như trước đã nói; ấy gọi là phát thệ nguyện đại trang nghiêm.
Kinh: Bấy giờ Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Như ý nghĩa con theo Phật nghe được Bồ tát ma ha tát không có đại trang nghiêm là đại trang nghiêm, vì các pháp tự tướng không, nghĩa là sắc, sắc tướng không; thọ, tưởng, hành, thức, thức tướng không; mắt, mắt tướng không cho đến ý, ý tướng không; sắc, sắc tướng không, cho đến pháp, pháp tướng không; nhãn thức, nhãn thức tướng không cho đến ý thức, ý thức tướng không; nhãn xúc, nhãn xúc tướng không cho đến ý xúc, ý xúc tướng không; thọ do nhãn xúc làm nhân duyên sinh, thọ tướng không, cho đến thọ do ý xúc làm nhân duyên sinh, thọ tướng không.
Bạch đức Thế Tôn! Thí ba la mật, Thí ba la mật tướng không; cho đến Bát nhã ba la mật, Bát nhã ba la mật tướng không. Nội không, nội không tướng không; cho đến vô pháp hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không tướng không; bốn niệm xứ, bốn niệm xứ tướng không, cho đến mười tám pháp không chung, mười tám pháp không chung tướng không; Bồ tát, Bồ tát tướng không. Bạch đức Thế Tôn! Do nhân duyên ấy nên biết Bồ tát ma ha tát ấy không có đại trang nghiêm là đại trang nghiêm.
Phật bảo Tu bồ đề: Như vậy, như vậy! Như lời ông nói. Tu bồ đề! Trí nhất thiết chủng, chẳng phải pháp tạo tác, chúng sinh cũng chẳng phải pháp tạo tác, Bồ tát đại trang nghiêm vì chúng sinh ấy.
Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà Trí nhất thiết chủng chẳng phải pháp tạo tác, chúng sinh ấy cũng chẳng phải pháp tạo tác, Bồ tát đại trang nghiêm vì chúng sinh ấy?
Phật bảo Tu bồ đề: Vì người làm không thể có được, nên Trí nhất thiết chủng chẳng phải pháp tạo tác sinh khởi. Các chúng sinh ấy cũng chẳng phải tạo tác sinh khởi, vì sao? Tu bồ đề! Vì sắc chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác; thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tác. Mắt chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tác cho đến ý chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tác. Sắc cho đến pháp, nhãn thức cho đến ý thức, nhãn xúc cho đến ý xúc, thọ do nhãn xúc làm nhân duyên sinh cho đến thọ do ý xúc làm nhân duyên sinh chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác.
Tu bồ đề! Ngã chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác, cho đến kẻ biết, kẻ thấy chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tác, vì sao? Vì các pháp ấy rốt ráo không thể có được.
Tu bồ đề! Mộng chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác, vì sao? Vì rốt ráo không thể có được. Huyễn, tiếng vang, bóng, sóng nắng, biến hóa chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác, vì sao? Vì rốt ráo không thể có được. Tu bồ đề! Nội không chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác, vì rốt ráo không thể có được, cho đến vô pháp hữu pháp không chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác, vì rốt ráo không thể có được.
Tu bồ đề! Bốn niệm xứ chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tác, vì rốt ráo không thể có được, cho đến mười tám pháp không chung, chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tác, vì sao? Vì pháp ấy rốt ráo không thể có được. Tu bồ đề! Các pháp như như, pháp tướng, pháp tánh, pháp trụ, pháp vị, thật tế, chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tác, vì rốt ráo không thể có được.
Tu bồ đề! Bồ tát chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác, vì rốt ráo không thể có được. Tát bà nhã và Trí nhất thiết chủng chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác, vì rốt ráo không thể có được.
Do nhân duyên ấy, Tu bồ đề! Tát bà nhã chẳng phải pháp tạo tác, sinh khởi, chúng sinh ấy cũng chẳng phải pháp tạo tác, sinh khởi. Bồ tát đại trang nghiêm vì chúng sinh ấy. Bấy giờ, Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Như con xem xét nghĩa của Phật dạy: Sắc không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức cũng không trói không mở.
Bấy giờ Phú lâu na Di đa la ni tử nói với Tu bồ đề rằng: Sắc là không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức là không trói không mở.
Tu bồ đề nói: Như vậy, như vậy! Sắc là không trói không mở, thọ, tưởng, hành, thức là không trói không mở.
Phú lâu na Di đa la ni tử hỏi Tu bồ đề rằng: Thế nào là sắc không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức không trói không mở?
Tu bồ đề nói: Sắc như mộng không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức như mộng không trói không mở. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức như tiếng vang, như bóng, như huyễn, như sóng nắng, như biến hóa không trói không mở.
Này Phú lâu na Di đa la ni tử! Sắc quá khứ không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức quá khứ không trói không mở. Sắc vị lai không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức vị lai không trói không mở. Sắc hiện tại không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức hiện tại không trói không mở, vì sao không trói không mở? Vì sắc ấy không có gì, nên không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức không có gì, nên không trói không mở, vì lìa, vì tịch diệt, vì không sinh nên không trói không mở.
Này Phú lâu na! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức lành không trói không mở; sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng lành không trói không mở. Sắc vô ký không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức vô ký không trói không mở. Sắc thế gian, xuất thế gian, hữu lậu, vô lậu không trói không mở; thọ, tưởng, hành, thức cũng không trói không mở, vì sao? Vì không có gì, vì lìa, vì tịch diệt, vì không sinh, nên không trói không mở.
Này Phú lâu na! Hết thảy pháp không trói không mở, vì không có gì, vì lìa, vì tịch diệt, vì không sinh.
Này Phú lâu na! Thí ba la mật không trói không mở; Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tinh tấn ba la mật, Thiền ba la mật, Bát nhã ba la mật không trói không mở, vì không có gì, vì lìa, vì tịch diệt, vì không sinh nên không trói không mở.
Này Phú lâu na! Nội không cũng không trói không mở, cho đến vô pháp hữu pháp không cũng không trói không mở. Bốn niệm xứ không trói không mở, cho đến mười tám pháp không chung cũng không trói không mở, vì không có gì, vì lìa, vì tịch diệt, vì không sinh nên không trói không mở. Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không trói không mở; Trí nhất thiết, Trí nhất thiết chủng không trói không mở. Bồ đề không trói không mở, Phật cũng không trói không mở, vì không có gì, vì lìa, vì tịch diệt, vì không sinh nên không trói không mở.
Này Phú lâu na! Các pháp như như, pháp tướng, pháp tánh, pháp trụ, pháp vị, thật tế, pháp vô vi không trói không mở, vì không có gì, vì lìa, vì tịch diệt, vì không sinh nên không trói không mở.
Này Phú lâu na! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát Thí ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật, không trói không mở; bốn niệm xứ cho đến Trí nhất thiết chủng không trói không mở. Bồ tát ấy trụ trong Thí ba la mật cho đến trụ trong Bát nhã ba la mật, không trói không mở; trú trong bốn niệm xứ không trói không mở, cho đến trú trong Trí nhất thiết chủng không trói không mở, thành tự chúng sinh không trói không mở, tịnh quốc độ Phật không trói không mở, sẽ cúng dường chư Phật không trói không mở, sẽ nghe pháp không trói không mở, trọn không lìa chư Phật không trói không mở, trọn không lìa các thần thông không trói không mở, trọn không lìa năm mắt không trói không mở, trọn không lìa môn Đà la ni không trói không mở, trọn không lìa các Tam muội không trói không mở, sẽ sinh Đạo chủng trí không trói không mở, sẽ được Trí nhất thiết chủng không trói không mở; Chuyển Pháp luân không trói không mở, an lập chúng sinh nơi tam thừa không trói không mở.
Như vậy Phú lâu na! Bồ tát ma ha tát tu sáu Ba la mật không trói không mở, sẽ biết hết thảy pháp không trói không mở, vì không có gì, vì lìa, vì tịch diệt, vì không sinh.
Phú lâu na, ấy gọi là Bồ tát ma ha tát đại trang nghiêm không trói không mở.
Luận: Tu bồ đề nói: Như nghĩa con được nghe Phật dạy không có đại trang nghiêm là đại trang nghiêm, vì sao? Vì tự tướng không vậy.
Hỏi: Tu bồ đề cớ sao nói như vậy?
Đáp: Phật dạy nghĩa phát đại trang nghiêm rất sâu, khó được khó hiểu. Chúng sinh ở trong hội chúng nghe việc ấy, tâm hoặc bị thối mất.Trang nghiêm rốt ráo Không, như vậy cũng do sức thần thông nên trong một lúc có thể khắp đến thế giới mười phương số như hằng hà sa, chúng sinh thích ý nói đây là việc thánh chúa, chúng ta làm sao biết được, vì thế nên Tu bồ đề nói phát đại trang nghiêm chẳng phải sâu chẳng phải khó, chẳng phải chỉ phát đại trang nghiêm, tự tướng không, dễ tu dễ được. Sắc, trong sắc định tướng không thể có được, cho đến mười tám pháp không chung cũng như vậy. Nếu Bồ tát biết được tướng Không tịch diệt của các pháp như vậy, mà không bỏ bổn nguyện tinh tấn, cho nên gọi là phát đại trang nghiêm chẳng phải khó được. Phật ấn chứng lời Tu bồ đề nói, nên nói: “như vậy”. Pháp tạo tác đều là hư dối, nên nói Tát bà nhã là pháp không tạo tác, vì chúng sinh rốt ráo không, cũng là pháp không tạo tác. Phật dạy người làm là không thể có được, nên hết thảy chẳng phải tướng tạo tác. Vì chúng sinh không thể có được, nên người làm không thể có được, vì người làm không thể có được, nên Tát bà nhã chẳng phải tướng tạo tác sinh khởi.
Lại nữa, sắc cũng không thể làm, vì pháp không, cho đến các Phật pháp cũng như vậy. Tu bồ đề gọi trong các pháp không có tướng định làm, như huyễn, tuy không có sự thật mà có tướng đi lại, vì thế nên Phật dạy như huyễn, như sóng nắng, không có tướng tạo tác, vì rốt ráo không thể có được.
Khi ấy người nghe suy nghĩ rằng: Mười tám Không có thể phá hết thảy pháp, thế là có tác dụng, thế thời là thật, nghĩa là có tạo tác? Vì vậy nên Phật dạy: Nội không không tạo tàc, cho đến vô pháp hữu pháp không, mười tám pháp không chung cũng không có tạo tác.
Hoặc nói: Mười tám không là hữu vi hư dối không thật, nên có thể không tạo tác, còn như, pháp tánh, thật tế, là pháp chơn thật, nên phải có tạo tác, vì sao? Vì hết thảy pháp hữu vi mỗi mỗi đều có nhân chung, pháp vô vi cũng làm nhân cho pháp có tạo tác? Nên Phật dạy: Như như, pháp tánh, thật tế, pháp trụ, pháp vị, cũng không tạo tác.
Lại hoặc nói: Bồ tát, Phật, Trí nhất thiết chủng, là pháp thật có, có thể có tạo tác? Vì vậy nên Phật nói: Pháp ấy cũng vì rốt ráo không, nên cũng không tạo tác, vì tướng tạo tác do nhân duyên sinh.
Hành giả nghĩ rằng: Phậy pháp rất khó, rất là hy hữu, các pháp đều không tạo tác, không trói không mở, chúng ta làm sao sẽ từ khổ được thoát? Thế nên Tu bồ đề bạch Phật rằng: Như con biết nghĩa của Phật nói năm uẩn không trói không mở? Pháp người phàm phu hư dối không thể có được nên chẳng phải trói, pháp thánh nhân rốt ráo không, không thể có được nên chẳng phải mở. Năm uẩn như mộng, và năm uẩn trong ba đời, năm uẩn thiện bất thiện, hết thảy pháp cũng như vậy, cho đến thật tế, cũng như vậy, vì không có gì, vì lìa, vì không sinh, nên không trói không mở; ấy gọi là đạo Bồ tát không trói không mở của Bồ tát ma ha tát. Ở trong đạo ấy, các phiền não không kéo rơi vào trong phàm phu, cho nên nói không trói, không lấy các pháp vô lậu phá phiền não nên nói không mở.
Giáo hóa chúng sinh, tịnh quốc độ Phật, cho đến năm thần thông, năm mắt, các môn Tam muội, Đà la ni, trọn không lìa Phật, và an lập chúng sinh trong tam thừa cũng không trói không mở, vì cớ sao? Vì các pháp không có gì, vì lìa. vì tịch diệt, vì không sinh, vì rốt ráo không.
Do các nhân
duyên như vậy, ấy gọi là tướng Bồ tát đại trang nghiêm, nghĩa là không trói
không mở.
GIẢI THÍCH: PHẨM ĐẠI THỪA THỨ 18
(Kinh Ma ha Bát nhã ba la mật ghi: Phẩm Vấn
Thừa)
(Kinh Đại Bát
nhã ghi: Phần 2, Phẩm Tam ma địa thứ 16)
Kinh: Bấy giờ Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là tướng Đại thừa của Bồ tát ma ha tát? Làm sao biết Bồ tát ma ha tát phát tâm thú hướng Đại thừa? Thừa ấy phát xuất từ chỗ nào? Thừa ấy đi đến chỗ nào? Thừa ấy trú chỗ nào? Ai cưỡi Đại thừa ấy đi ra?
Phật bảo Tu bồ đề: Ông hỏi thế nào là tướng Đại thừa của Bồ tát ma ha tát ư? Tu bồ đề! Sáu Ba la mật là Đại thừa của Bồ tát ma ha tát. Những gì là sáu? Thí ba la mật, Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tinh tấn ba la mật, Thiền ba la mật và Bát nhã ba la mật.
Sao gọi là Thí ba la mật? Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát đem tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng, bố thí tài vật trong ngoài, cùng hết thảy chúng sinh hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì dùng vô sở đắc. Tu bồ đề! Ấy gọi là Bồ tát ma ha tát Thí ba la mật.
Sao gọi là Giới ba la mật? Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát đem tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng, tự làm mười thiện đạo, cũng dạy người khác làm mười thiện đạo, vì dùng vô sở đắc. Ấy gọi là Bồ ma ha tát chẳng chấp trước Giới ba la mật.
Sao gọi là Nhẫn ba la mật? Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát đem tâm tương ưng với Trì nhất thiết chủng, tự đầy đủ nhẫn nhục, cũng dạy người khác tu nhẫn nhục, vì dùng vô sở đắc, ấy gọi là Bồ tát ma ha tát Nhẫn ba la mật.
Sao gọi là Tinh tấn ba la mật? Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát đem tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng, tu năm Ba la mật, siêng tu không nghỉ, cũng an lập hết thảy chúng sinh nơi năm Ba la mật, vì dùng vô sở đắc; ấy gọi là Bồ tát ma ha tát Tinh tấn ba la mật.
Sao gọi là Thiền ba la mật? Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát đem tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng tự lấy phương tiện vào các thiền, không sinh theo thiền cũng dạy người khác khiến vào các thiền, vì dùng vô sở đắc; ấy gọi là Bồ tát ma ha tát Thiền ba la mật.
Sao gọi là Bát nhã ba la mật? Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát đem tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng, không đắm hết thảy pháp, cũng quán hết thảy pháp tánh, vì dùng vô sở đắc; cũng dạy người khác không đắm hết thảy pháp, cũng quán hết thảy pháp tánh, vì dùng vô sở đắc, ấy gọi là Bồ tàt ma ha tát Bát nhã ba la mật. Tu bồ đề!
Ấy là tướng Đại thừa của Bồ tát ma ha tát.
Lại nữa, Tu bồ đề! Đại thừa của Bồ tát ma ha tát là nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cảnh không, vô thỉ không, tán không, tánh không, tự tướng không, chư pháp không, bất khả đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không.
Tu bồ đề bạch Phật rằng: Thế nào là nội không? Phật dạy: Nội không là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Mắt, mắt không chẳng phải thường, chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó tự như vậy. Tai, tai không; mũi không; lưỡi, lưỡi không; thân, thân không; ý, ý không chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó tự như vậy; ấy gọi là nội không.
Sao gọi là ngoại không? Pháp ngoài gọi là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sắc, sắc không chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó tự như vậy. Thanh, thanh không; hương, hương không; vị, vị không; xúc, xúc không; pháp, pháp không chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó tự như vậy; ấy gọi là ngoại không.
Sao gọi là nội ngoại không? Pháp trong ngoài gọi là trong sáu nhập, ngoài sáu nhập. Pháp trong, pháp trong không chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì nó tự như vậy. Pháp ngoài, pháp ngoài không chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó như vậy; ấy gọi là nội ngoại không.
Sao gọi là không không? Hết thảy pháp không, không ấy cũng không, chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó như vậy; ấy gọi là không không.
Sao gọi là đại không? Phương đông, phương đông không chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó như vậy. Phương nam, tây, bắc, bốn góc trên dưới không chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó như vậy; ấy gọi là đại không.
Sao gọi là đệ nhất nghĩa không? Đệ nhất nghĩa tức là Niết bàn; Niết bàn, Niết bàn không chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó như vậy; ấy gọi là đệ nhất nghĩa không.
Sao gọi là hữu vi không? Pháp hữu vi là cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc; cõi Dục, cõi Dục không; cõi Sắc, cõi Sắc không; cõi Vô sắc, cõi Vô sắc không; chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó tự như vậy, ấy gọi là hữu vi không.
Sao gọi là vô vi không? Pháp vô vi gọi là tướng không sinh, tướng không trụ, tướng không diệt; pháp vô vi, pháp vô vi không chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó tự như vậy; ấy gọi là vô vi không.
Sao gọi là rốt ráo không? Rốt ráo tức là các pháp rốt ráo không thể có được, chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó như vậy; ấy gọi là rốt ráo không.
Sao gọi là vô thỉ không? Hoặc pháp chỗ bắt đầu đến không thể có được, chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó như vậy; ấy gọi là vô thỉ không.
Sao gọi là tán không? Tán là các pháp không diệt, chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó như vậy; ấy gọi là tán không.
Sao gọi là tánh không? Hết thảy pháp tánh, hoặc tánh pháp hữu vi hoặc tánh pháp vô vi, tánh ấy chẳng phải Thanh văn, Bích chi Phật làm, chẳng phải Phật làm, cũng chẳng phải các người khác làm ra. Tánh ấy tánh không, chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó tự như vậy, ấy gọi là tánh không.
Sao gọi là tự tướng không? Tự tướng sắc là hư hoại, thọ là tướng lãnh thọ, tướng là tướng thử lấy tướng, hành là tướng tạo tác, thức là tướng hiểu biết. Như vậy các pháp hữu vi, vô vi, mỗi mỗi tự tướng không, chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó như vậy; ấy gọi là tự tướng không.
Sao gọi là các pháp không? Các pháp là sắc, thọ, tưởng, hành, thức; mắt, tai, muĩ, lưỡi, thân, ý; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới cho đến ý thức giới, ý thức giới. Các pháp ấy, các pháp không, chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó tự như vậy, ấy gọi là các pháp không.
Sao gọi là bất khả đắc không? Tìm cầu các pháp không thể có được, ấy là bất đắc không, chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó như vậy; ầy gọi là bất đắc không.
Sao gọi là vô pháp không? Hoặc pháp không có ấy cũng không, chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó như vậy; ấy gọi là vô pháp không.
Sao gọi là hữu pháp không? Pháp có là các pháp trong sự hòa hợp có tự tánh tướng, pháp có ấy không, chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó tự như vậy; ấy gọi là hữu pháp không.
Sao gọi là vô pháp hữu pháp không? Trong các pháp không có pháp, trong các pháp hòa hợp, có tướng tự tánh (Kinh Đại Bát nhã ghi: Thế nào là vô tánh tự tánh không? Vô tánh tự tánh là các pháp không thể có tánh hòa hợp và có tự tánh hòa hợp –ND) Vô pháp hữu pháp ấy không, chẳng phải thường chẳng phải đoạn, vì sao? Vì tánh nó tự như vậy; ấy gọi là vô pháp hữu pháp không.
Lại nữa, Tu bồ đề! Pháp, pháp tướng không; vô pháp, vô pháp tướng không; tự tánh, tự tánh tướng không; tha pháp, tha pháp tướng không.
Sao gọi là pháp, pháp tướng không? Pháp là năm uẩn, năm uẩn không; ấy gọi là pháp, pháp tướng không.
Sao gọi là vô pháp, vô pháp tướng không? Vô pháp là pháp vô vi; ấy gọi là vô pháp, vô pháp tướng không.
Sao gọi là tự pháp, tự pháp tướng không? Các pháp, tự tánh không, cái không ấy chẳng phải trí làm, chẳng phải cái thấy làm; ấy gọi là tự pháp, tự pháp tướng không.
Sao gọi là tha pháp, tha pháp tướng không? Hoặc ra đời, hoặc Phật chưa ra đời, pháp trụ, pháp tướng, pháp vị, pháp tánh, như như, thật tế, quá các pháp không này; ấy gọi là tha pháp, tha pháp tướng không (Kinh Đại Bát nhã ghi: Hết thảy pháp hoặc Phật ra đời hoặc không ra đời, pháp trụ, pháp định, pháp tánh ,pháp giới, pháp bình đẳng tánh, pháp ly sinh tánh, chơn như bất hư vọng tánh, bất biến dị tánh, thật tế, đều do tha tánh nên không, ấy gọi là tha tánh do tha tánh nên không, ấy gọi là tướng Đại thừa của Bồ tát ma ha tát – ND).
LUẬN. Hỏi:
Kinh này tên là Bát nhã ba la mật, lại Phật khiến Tu bồ đề vì Bồ tát nói Bát
nhã ba la mật, Tu bồ đề nên hỏi Bát nhã ba la mật, Phật cũng nên đáp Bát nhã ba
la mật, sao nay Tu bồ đề lại hỏi tướng Đại thừa, Phật cũng đáp Đại thừa?
Đáp: Bát nhã ba
la mật và Đại thừa cùng một nghĩa, chỉ có danh tự khác nhau, hoặc nói Bát nhã
ba la mật, hoặc nói Đại thừa, không lỗi. Đại thừa là Phật đạo, thực hành pháp
ấy được đến Phật, đó là sáu pháp Ba la mật. Lớn nhất trong sáu Ba la mật là Bát
nhã ba la mật, như ở phẩm sau Phật nói các nhân duyên lớn, nếu nói Bát nhã ba
la mật, thời nhiếp hết sáu Ba la mật. Nếu nói sáu Ba la mật thời nói đủ Bồ tát
đạo. Nghĩa là bao gồm từ khi mới phát tâm cho đến khi thành Phật; ví như vua
đến, chắc chắn có kẻ tùy tùng; tuy không nói kẻ tùy tùng, mà nên biết chắc chắn
có. Đại thừa cũng như vậy.
Bồ tát ban đầu phát tâm tu hành vì cầu Phật đạo, tu tập thiện pháp, tùy chúng sinh có thể độ mà nói các pháp, đó là kinh Bổn khởi, kinh Dứt hết thảy sinh nghi, kinh Hoa thủ, kinh Pháp hoa, kinh Mây, kinh Mây lớn, kinh Mây pháp, kinh Di lặc hỏi, kinh Sáu Ba la la mật, kinh Đại Bát nhã ba la mật. Như vậy vô lượng vô biên vô số kinh, hoặc Phật nói, hoặc Hóa Phật nói, hoặc đại Bồ tát nói, hoặc Thanh văn nói, hoặc trời đắc đạo nói, việc ấy hòa hợp đều gọi là Đại thừa. Trong các Kinh ấy, Bát nhã ba la mật rất lớn, nên nói là Đại thừa, tức biết đã nói Bát nhã ba la mật. Các pháp trợ đạo khác không có Bát nhã ba la mật hòa hợp thời không thể đi đến thành Phật. Vì vậy hết thảy pháp trợ đạo đều là Bát nhã ba la mật. Như phẩm sau, Phật bảo Tu bồ đề: Ông nói Đại thừa không khác Bát nhã ba la mật.
Hỏi: Nếu như vậy, cớ sao lúc đầu không nói Đại thừa trước?
Đáp: Ở trên tôi đã nói Bát nhã ba la mật rất lớn cho nên phải nói trước. Lại, ý Phật muốn nói Đại thừa Bát nhã ba la mật nên phóng ra ánh sáng lớn, mười phương các Bồ tát đều tự hỏi Phật, nay sao có ánh sánh đó? Chư Phật đều đáp: Ở thế giới Ta bà có Phật hiệu Thích ca Mâu ni muốn nói Bát nhã ba la mật, các Bồ tát kia và các trời người hòa hợp đi đến.
Xá lợi phất hỏi Phật: Bạch đức Thế Tôn! Vì sao Bồ tát ma ha tát muốn biết hết thảy pháp phải nên tập hành Bát nhã ba la mật? Lại, trong phẩm đầu, Phật mỗi mỗi tán thán công đức Bát nhã ba la mật rằng, nếu ai muốn được như vậy hãy nên học Bát nhã ba la mật. Có các nhân duyên như vậy, nên ban đầu nói Bát nhã ba la mật. Phật bảo Tu bồ đề: Ông hãy vì các Bồ tát nói Bát nhã ba la mật. Tu bồ đề khiêm nhường nói: Bồ tát “không” chỉ có tên gọi; tiếp sau lại nói là biết rõ hiểu được tướng Bồ tát như vậy, tức là hành Bát nhã ba la mật. Đã biết như vậy rồi lại hỏi cú nghĩa Bồ tát, tiếp đến hỏi nghĩa Ma ha tát. Trong nghĩa Ma ha tát có Đại thừa đại trang nghiêm; ví như dũng sĩ tuy có dao gậy trang nghiêm mà không cưỡi ngựa hay, thời không thể làm gì.
Đại thừa, Thiên trúc gọi là Ma ha Diễn (Mahayana). Chư Phật vì dứt pháp ái, và vì nói rõ nghĩa Bát nhã ba la mật không khác, nên Phật không quở trách. Vì vậy, Tu bồ đề lại dùng tên khác hỏi Ma ha Diễn.
Hỏi: Như trong lời tựa Ma ha Diễn nói: Từ khi mới phát tâm cho đến khi thành Phật đạo, vì Phật đạo nên nhóm hết thảy thiện pháp, đều gọi là Ma ha Diễn. Sao nay chỉ nói sáu Ba la mật là Ma ha Diễn?
Đáp: Như trước nói: Nói Bát nhã ba la mật, thời đã nói sáu Ba la mật, nói sáu Ba la mật thời đã nhiếp hết thảy thiện pháp. Vì vậy không nên hỏi các thiện pháp có nhiều sao chỉ nói sáu Ba la mật.
Lại nữa, Ma ha Diễn, ban đầu phát tâm lập nguyện, cho đến về sau sáu Ba la mật phương tiện v.v... Các pháp ấy tuy không gọi là Ba la mật, nhưng theo nghĩa đều ở trong sáu Ba la mật. Như ban đầu phát tâm lập nguyện vì tâm đại bi v.v... có sức lớn nên gọi là Tinh tấn ba la mật; bỏ lợi nhỏ, thủ lấy Đại thừa, thời gọi là Bát nhã ba la mật.
Phương tiện tức là trí tuệ, trí tuệ thanh tịnh nên đổi gọi là phương tiện.
Giáo hóa chúng sinh, tịnh quốc độ Phật v.v... đều ở trong sáu Ba la mật, tùy nghĩa thu nhiếp nhau.
Hỏi: Nếu như vậy, cớ sao lại nói mười tám pháp không, 108 Tam muội v.v... gọi là Ma ha Diễn?
Đáp: Sáu Ba la mật là thể Ma ha Diễn, về sau chỉ phân biệt rộng nghĩa nó. Như mười tám không, bốn mươi hai chữ v.v... là nghĩa Bát nhã ba la mật, 108 Tam muội là nghĩa Thiền ba la mật. Vì vậy nên ban đầu nói sáu Ba la mật.
Hỏi: Cớ sao chỉ nói đúng Ba la mật, không nhiều không ít?
Đáp: Phật là đấng Pháp vương, tùy chúng sinh có thể độ, hoặc có khi lược nói một, hai, ba, bốn, hoặc có khi nói rộng, như kinh Hiền Kiếp nói 84.000 ba la mật.
Lại nữa, sáu đạo chúng sinh đều chịu thân tâm khổ não, như chúng sinh địa ngục bị khổ tra khảo, trong súc sinh bị khổ tàn hại lẫn nhau, trong ngã quỷ bị khổ đói khát, trong loài người bị khổ tìm cầu dục lạc, ở cõi trời bị khổ xa lìa điều ưa muốn, A tu la bị khổ đấu tranh; Bồ tát sinh tâm đại bi muốn dứt khổ cho sáu đạo chúng sinh nên phát sinh sáu Ba la mật. Vì vậy nên nói sáu Ba la mật, không nhiều không ít hơn.
Hỏi: Thí ba la mật có nhiều tướng, sao trong đây Phật chỉ nói năm tướng là dùng tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng, xả tài vật trong ngoài, đem phước ấy chung với chúng sinh, hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì dùng vô sở đắc, sao không nói đến tâm đại từ bi, cúng dường chư Phật, và thần thông, bố thí v.v... ?
Đáp: Năm tướng ấy gồm nhiếp hết thảy bố thí. Tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng mà bố thí là duyên theo Phật đạo, nương Phật đạo.
Xả tài vật trong ngoài là xả hết thảy phiền não; chung với chúng sinh là tâm đại bi.
Hồi hướng là đem sự bố thí này chỉ cầu Phật đạo; không cầu quả báo gì khác.
Dùng vô sở đắc là được khí phần của Bát nhã ba la mật về thật tướng các pháp.
Thí ba la mật chẳng phải hư dối, chẳng phải điên đảo, cũng không cùng tận.
Hỏi: Nếu như vậy thời không cần năm tướng, chỉ nói tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng là đủ?
Đáp: Việc ấy có thể như vậy. Chỉ vì chúng sinh chẳng biết nghĩa thế nào là tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng mà bố thí, cho nên lấy bốn việc phân biệt nghĩa kia.
Tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng là tâm Bồ tát cầu Trí nhất thiết chủng của Phật làm duyên, làm ức niệm để buộc tâm; đem tâm ấy mà bố thí nên được quả Trí nhất thiết chủng, chứ không cầu nhân duyên đời nay, tiếng tăm, trả ân, cũng không cầu đời sau làm Chuyển luân Thánh vương, vua trời, chỗ giầu sang. Vì độ chúng sinh, không cầu Niết bàn, chỉ muốn đầy đủ các Phật pháp Nhất thiết trí v.v... vì dứt hết khổ cho hết thảy chúng sinh, nên gọi là tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng.
Tài vật trong ngoài là, trong là đầu não, xương tủy, máu thịt v.v... vì khó xả bỏ nên nói trước; vật ngoài là quốc độ, vợ con, bảy báu, uống ăn v.v...
Cùng với hết thảy chúng sinh là, quả báu phước đức bố thí cho hết thảy chúng sinh dùng chung; ví như nhà giàu trồng lúa cho mọi người ăn chung. Quả báu phước đức của Bồ tát, hết thảy chúng sinh đều đến nương nhờ; ví như cây có quả tốt, chim chóc đều qui tụ.
Hồi hướng là, bên cạnh phước đức, không cầu quả báo khác, chỉ cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Hỏi: Trước tiên nói tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng, sau nói hồi hướng, có sai khác gì?
Đáp: Tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng là nhân duyên sinh khởi các phước đức, còn hồi hướng là không cầu quả báo khác, chỉ cầu Phật đạo.
Lại nữa, tâm tương ưng với Trí nhất thiết chủng, vì ứng hợp với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên bố thí, như nghĩa ở trước nói Trí nhất thiết chủng làm chủ, hết thảy công đức đều vì Trí nhất thiết chủng.
Tán thán trí tuệ Phật có hai thứ: 1. Chánh trí vô thượng, gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. 2. Trí nhất thiết chủng, gọi là Tát bà nhã.
Dùng vô sở đác là, dùng tâm Bát nhã ba la mật để bố thí, thuận với thật tướng các pháp mà không hư dối.
Như vậy, là nói về nghĩa Thí ba la mật.
Hỏi: Giới ba la mật thời tổng nhiếp hết thảy giới pháp; ví như biển lớn tổng nhiếp các dòng. Nghĩa là không uống rượu, không ăn quá ngọ, không đánh đập chúng sinh v.v... việc ấy không nhiếp vào trong mười thiện, cớ sao chỉ nói mười thiện?
Đáp: Phật nói tổng tướng Ba la mật, mười thiện là tổng tướng giới, biệt tướng thời có vô lượng giới. Không uống rượu, không ăn quá ngọ... nhập vào trong điều thiện không tham; không gia hại chúng sinh nhập vào trong điều thiện không giận; các việc khác tùy nghĩa mà nhiếp theo sau.
Giới là nhiếp vào bảy thiện đạo, thân nghiệp có ba, khẩu nghiệp có bốn.
Mười thiện đạo và đầu cuối, như khởi tâm muốn giết, khi ấy khởi phương tiện miệng nói dữ, đánh đập, trói buộc, cắt chém cho đến sắp chết, đều thuộc giai đoạn đầu. Sau khi chết lột da, ăn, nuốt, cắt xẻ, vui mừng đều gọi là giai đoạn cuối. Cướp mạng sống là điều căn bản; ba việc ấy hòa hợp chung gọi là bất thiện đạo về sát. Vì vậy nên biết nói mười thiện đạo thời thu nhiếp hết thảy giới.
Lại nữa, Bồ tát sinh tâm từ bi, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, bố thí lợi ích chúng sinh, tùy chỗ họ cần đều cấp cho, trì giới không não hại chúng sinh, không gia thêm các khổ, thường thí vô uý, lấy mười thiện nghiệp đạo làm căn bản. Ngoài ra, các việc khác là nhân duyên xa không não hại chúng sinh. Giới luật vì thủ chứng Niết bàn tại đời này, dâm dục tuy không não hại chúng sinh, mà vì tâm bị trói buộc nên đại tội. Vì vậy nên dâm dục đứng đầu trong giới luật, kẻ bạch y thì giới bất sát ở trước. Vì cầu phước đức nên Bồ tát không cầu Niết bàn, trong đời này, qua lại sinh tử trong vô lượng đời để tu các công đức. Mười thiện là cựu giới, các luật nghi là khách.
Lại nữa, nếu Phật ra đời vào thời kỳ tốt đẹp, thời không có giới luật này. Như đức Phật Thích ca Văn, tuy ở đời ác, mà sau khi thành đạo mười hai năm cũng không có giới này, vì vậy nên biết nó là khách.
Lại nữa, có hai thứ Giới: Giới lúc có Phật hoặc có hoặc không và mười thiện, dù lúc có Phật không có Phật vẫn thường có.
Lại nữa, Giới trong Giới luật, tuy là vi tế sám hối thời thanh tịnh, còn phạm mười thiện giới, tuy sám hối mà tội ba ác đạo không thể trừ. Như Tỳ kheo giết súc sinh, tuy được sám hối, nhưng tội báo vẫn không trừ. Do các nhân duyên như vậy, chỉ nói mười thiện nghiệp đạo, cũng tự làm, cũng dạy người khác làm, gọi là Giới ba la mật.
Mười thiện đạo, bảy việc là giới, ba việc là thủ hộ. Gọi chung là Giới ba la mật. Các Ba la mật khác cũng như vậy, tùy nghĩa mà phân biệt. Như đã luận nghĩa nói rộng ở trong phẩm đầu.
Kinh này gọi là Bát nhã ba la mật. Bát nhã ba la mật gọi là tướng lìa bỏ, vì vậy nên đối với hết thảy pháp đều dùng vô sở đắc.
Hỏi: Nếu dùng hữu sở đắc để nhóm các thiện pháp thời đã còn khó, huống gì dùng vô sở đắc? Nếu được trí vô sở đắc thời lúc ấy có thể trở ngại làm việc thiện, hoặc sinh tà nghi; nếu không được trí vô sở đắc thời lúc ấy không trở ngại làm việc thiện, cũng không sinh tà nghi?
Đáp: Phật cũng không khen tâm chấp trước thủ tướng làm các việc thiện, vì sao? Vì hư dối ở thế gian, cuối cùng tiêu hết. Nếu chấp trước tâm tu thiện, bị phá rất dễ, nếu chấp trước Không, thời sinh hối hận, trở lại mất đạo; ví như lửa sinh trong cỏ, gặp nước thì tắt, nếu lửa sinh trong nước, thì không vật gì làm tắt được. Bồ tát ban đầu tập hành mà chấp trước tâm thủ tướng tu phước đức, giống như cỏ sinh lửa, dễ cháy, dễ tắt. Nếu Bồ tắt thể hội được thật tướng các pháp, lấy tâm đại bi tu các hạnh, khó thể phá được; như lửa sinh trong nước, không thể diệt được. Vì vậy nên dùng tâm vô sở đắc tu các hạnh, tâm cũng không nhu nhược, không sinh nghi hối.
Ấy là lược nói sáu Ba la mật, còn nói rộng như trong phẩm đầu, mỗi mỗi Ba la mật đều đầy đủ.
Mười sáu không là trong sáu Ba la mật nói nghĩa của Bát nhã ba la mật là không nhiễm trước các pháp, vì sao? Vì mười tám không. Luận nghị về mười tám không, như trong phẩm đầu Phật bảo Xá lợi phất rằng: Bồ tát ma ha tát muốn an trụ mười tám không hãy học Bát nhã ba la mật. Nghĩ ấy nên như đã nói rộng trong ấy.
Hỏi: Mười tám không, sau nội không v.v... đều nói chẳng phải thường chẳng phải diệt, nghĩa ấy thế nào?
Đáp: Nếu người không tu tập hai không ấy, tức rơi vào hai bên hoặc thường hoặc đoạn diệt, vì sao?Vì nếu các pháp thật có thời không có nghĩa diệt, bị rơi vào chấp thường; như người ra khỏi nhà này đi vào nhà khác, mắt tuy không thấy mà không gọi là không có. Các pháp cũng như vậy, từ đời vị lai đi vào đời hiện tại, từ đời hiện tại đi vào đời quá khứ, như vậy thới không diệt.
Hành giả vì lo sợ có, mà dùng không để phá tâm chấp có, song lại quí không mà đắm vào không, thời bị rơi vào đoạn diệt. Vì vậy nên tu hành không ấy để phá có, cũng không đắm không. Xa lìa hai bên ấy, lấy trung đạo để hành mười tám không, dùng tâm đại bi mà độ chúng sinh, thế cho nên sau mười tám không, đều nói chẳng phải thường chẳng phải diệt; ấy gọi là Ma ha Diễn. Trái với đây là hí luận của người cuồng, ở trong Phật pháp luống không được gì, như người ở giữa đống trân bảo lượm lấy ngọc thủy tinh, mắt tuy thấy đẹp mà chẳng có giá trị gì.
Hỏi: Nếu mười tám không đã nhiếp hết các không, cớ sao còn nói bốn không?
Đáp: Trong mười tám không, hiện không nhiếp hết, Chư Phật có hai cách thuyết pháp, hoặc đầu nói lược sau nói rộng, hoặc đầu nói rộng sau nói lược. Đầu lược sau rộng là vì giải nghĩa; đầu rộng sau lược là vì dễ thọ trì. Hoặc vì chúng sinh đến sau nên lược nói yếu nghĩa, hoặc nói bằng kệ, tụng. Nay Phật đầu nói rộng mười tám không, sau lược nói tướng bốn không.
Pháp, pháp tướng không là trong hết thảy pháp, pháp tướng chẳng thể có được, như trong sắc, sắc tướng chẳng thể có được.
Lại nữa, trong pháp chẳng sinh pháp, gọi là pháp pháp không.
Vô pháp, vô pháp không là pháp vô vi, gọi là vô pháp, vì sao? Vì tướng nó không thể có được.
Hỏi: Phật dùng ba tướng nói pháp vô vi, tại sao nói vô tướng?
Đáp: Không phải vậy, phá sinh nên nói vô sinh, phá trụ nên nói vô trụ, phá diệt nên nói vô diệt; đều từ bên sinh, trụ, diệt mà có tên gọi đó, không phải riêng có pháp vô sinh, vô diệt gọi là vô pháp, vô pháp không. Nghĩa này như đã nói trong phẩm vô vi không.
Tự pháp, tự pháp không là tự pháp, tự tánh các pháp. Tự tánh có hai: 1. Như pháp thế gianđất có tánh cứng v.v... 2. Như như, pháp tánh, thật tế mà Thánh nhân rõ biết pháp ấy không, vì sao? Vì không do trí thấy biết. Có hai tánh không, như trước nói.
Hỏi: Như như, pháp tánh, thật tế, đã nhiếp vào trong pháp vô vi, sao còn nói lại?
Đáp: Trong khi quán xét phân biệt nói thật tướng năm uẩn, là pháp tánh, như như, thật tế. Lại chẳng phải do trí Không quán sát làm cho nó không, mà tánh nó tự không như vậy.
Hỏi: Như sắc là tự pháp, thức là tha pháp, trong đó vì sao nói như, pháp tánh, thật tế, có Phật không Phật vẫn thường trú, quá đây gọi là tha pháp không?
Đáp: Có người vì chưa khéo dứt kiết sử tà kiến nên mỗi mỗi sinh tâm chấp trước, người ấy nghe nói như như, pháp tánh, thật tế, thì cho rằng vượt quá đây còn có pháp khác, vì vậy nên nói vượt quá như như, pháp tánh, thật tế cũng không.
(Hết cuốn 46 theo bản Hán)