- Muc Luc
- Lời Nói Đầu
- 1 - Sự Trong Sáng Nguyên Ủy
- 2 - Ham Muốn Và Hạnh Phúc
- 3 - Lạc Thú, Thất Vọng Và Thỏa Mãn
- 4 - Lật Đổ Khống Chế Của Ngoại Cảnh
- 5 - Ngoi Lên Từ Nỗi Bất Mãn
- 6 Mở Rộng Cõi Lòng
- 7 Hòa Tan Những Giới Hạn Tự Tạo
- 8 - Tính Trong Sáng Của Tâm
- 9 - Bậc Thầy Và Nguồn Cảm Hứng
- 10 - Dẫn Nhập Tối Thượng Du Già
- 11 - Hành Xử Như Phật
- 12 - Thành Tựu
- Lời Bạt
6 MỞ RỘNG CÕI LÒNG
VÌ MÌNH HAY VÌ NGƯỜI
Từ trước đến nay chúng ta chỉ bàn đến con đường tu tập để tự độ, đạt đến hạnh phúc viên mãn cho chính mình. Khi đã nhận ra rằng thói quen chạy theo những đối tượng ham muốn chỉ tổ làm ta vướng vào vòng bất mãn triền miên, ta càng ngày càng muốn tác động đến một tầng sâu hơn của bản ngã. Ta muốn cảm thụ một loại hạnh phúc vững bền, không bị hoàn cảnh hay thời gian làm biến chất. Nhưng sự khát khao thoát vòng lẩn quẩn "ham muốn- bất mãn" ấy chưa đủ, vì như thế là ta chỉ quan tâm đến hạnh phúc riêng mình. Có lẽ trước đây dục vọng của ta hạn cuộc vào đối tượng giác quan, bây giờ tu tập từ bỏ, thì dục vọng ấy lại hướng về mục tiêu thực chứng tiềm năng sâu xa nhất của bản ngã. Nhưng trọng tâm vẫn là cái tôi: "tôi muốn thế này, không muốn thế kia."
Thái độ hẹp hòi ấy- chỉ bận tâm đến hạnh phúc và giải thoát riêng mình- làm cho ta không thể nào trực nhận được tiềm năng bao la của tâm thức. Lối suy tư vị kỷ như thế chỉ chú trọng sự an lạc của một cái tôi duy nhất, không thiết gì đến hạnh phúc của vô số người như ta, cùng gặp những rắc rối tương tự. Quan niệm hẹp hòi cực đoan ấy đương nhiên làm cho lòng ta khép lại. Dù không thực tình nói ra, điều ấy không khác gì nghĩ "Tôi là con người quan trọng nhất thế giới. Ai chết mặc ai, không dính gì đến tôi. Chỉ có hạnh phúc mình là đáng kể."
Bao lâu còn tập trung toàn lực vào hạnh phúc riêng mình, dù là hạnh phúc thế tục hay siêu thế, thì ta không thể kinh nghiệm cái bao la của một tâm hồn rộng mở. Cách duy nhất để đạt cái thấy toàn diện của giác ngộ là giải thoát mình ra khỏi sự hạn cuộc của ngã chấp ngã ái này. Các bậc thánh hiền đều nói thói ích kỷ hẹp hòi chỉ làm cho tâm hồn ngột ngạt. Nếu muốn đạt đến tiềm năng cao nhất của mình- hay được vài thỏa mãn thường nhật cũng thế- ta phải khắc phục thói vị kỷ và nghĩ đến hạnh phúc người khác càng nhiều càng hay. Đây là cách duy nhất để đạt đến một tâm hồn khoáng đạt, để có được hạnh phúc lâu bền.
Sự hồi hướng chỉ có nghĩa rằng, khi đã tạo được những năng lực tốt lành trong tâm, bạn quyết định san sẻ hạnh phúc ấy với càng nhiều người càng tốt. Theo Phật giáo, nếu không hồi hướng (nghĩ đến mọi người) thì không bao giờ ta được thỏa mãn hoàn toàn, mà vẫn cảm thấy chán chường, cô độc. Panchen Lama nói trong tác phẩm Cúng dường đạo sư: "Ích kỷ là nhân của mọi khổ đau bất mãn, nhưng thương tất cả hữu tình hơn tự thương thân và coi họ như mẹ ruột, là nền tảng cho mọi thực chứng và tri kiến. Bởi thế, xin bậc thầy gia trì cho con cái năng lực chuyển hóa thói ích kỷ trong con thành sự quan tâm đến mọi người." Đây không phải triết lý rắc rối gì, mà rất đơn giản. Muốn biết thói ích kỷ, tự thương thân là nguyên nhân của mọi rối ren bất mãn, ta chỉ cần nhìn vào những kinh nghiệm trong đời cũng đủ thấy.
Đức Panchen lama còn khuyên ta hãy nhìn đức phật Thích ca đã làm gì với cuộc đời ngài. Ngài đã từ bỏ mọi bám víu vào tự ngã, hoàn toàn hiến mình cho hạnh phúc của chúng sinh, và hậu quả là ngài đã đạt đến hạnh phúc tột đỉnh của sự toàn giác. Rồi hãy nhìn chúng ta: chúng ta luôn bị ám ảnh bởi cái tôi, tôi, tôi- thế nhưng điều duy nhất ta có được chỉ là khổ đau và bất mãn không dứt. Đây là một sự thực đơn giản, không do thẩm quyền của đức Panchen Lama hay bất cứ ai, ta mới thấy được sự thực ấy. Bằng chứng là cuộc đời của chính ta và của tất cả mọi người. Xét kỹ ta sẽ thấy rõ là ích kỷ hẹp hòi luôn luôn dẫn đến thất vọng, còn tính vị tha mở rộng lòng với mọi người sẽ đem lại an lạc hạnh phúc.
ĐỘNG LỰC TÂM BỒ ĐỀ
Chúng ta đã thấy thói bám víu những đối tượng giác quan đã ngăn cản ta không cảm nghiệm được niềm hạnh phúc thỏa mãn mà tất cả chúng ta đều mong mỏi. Bởi thế, nếu thành thực muốn đạt đến cái vui thù thắng nhất của con người, thì ta cần tạo một không gian trong tâm thức bằng cách phát triển một thái độ từ bỏ. Nghĩa là, ta cần phải bỏ thói chạy theo khoái lạc mới có thể cảm nghiệm niềm vui chân thực. Cũng tương tự như thế, bao lâu còn bị ám ảnh bởi hạnh phúc riêng mình, thì ta sẽ không bao giờ nếm được hạnh phúc tối thượng của một tâm toàn giác. Nói khác đi, nếu ta mong đạt đến cứu cánh cao nhất thì ta phải đào luyện cái động lực cao nhất cho con đường tu luyện tâm. Thuật ngữ Phật giáo gọi sự khởi động lực cao nhất này là phát tâm bồ đề. Đấy là động lực thúc đẩy ta đạt đến toàn giác (bồ đề hay Phật quả) để có thể làm lợi lạc tối đa cho những người khác. Chỉ nhờ quên mình để làm việc cho hạnh phúc của tất cả hữu tình- nghĩa là đào luyện tâm bồ đề rộng mở- thì chính chúng ta mới có thể cảm thụ được hạnh phúc tối thượng.
Thái độ vị tha của tâm bồ đề là năng lực mạnh mẽ để chuyển hóa tâm ta một cách toàn triệt. Ta có thể biết sự thực của điều này qua kinh nghiệm bản thân, đấy không phải là một điều gì ta phải tin theo một cách mù quáng. Khi bạn đã phát triển tâm bồ đề thì tất cả mọi điều tốt lành trên đời tự nhiên được cuốn hút tới nơi bạn, tuôn xuống trên bạn như mưa rào. Hiện tại, bởi vì tâm ta đầy những ý tưởng vị kỷ, nên hầu như những gì kéo đến nơi ta chỉ có thuần là bất hạnh. Nhưng khi có tâm bồ đề, thì tự nhiên chúng ta lôi cuốn đến mình những bạn tốt, thực phẩm tốt và đủ mọi thứ tốt đẹp khác.
Như đức Dalai Lama đã từng nói, nếu bạn muốn ích kỷ, thì ít nhất cũng hãy ích kỷ một cách khôn ngoan. Điều ngài muốn nói là, nhìn theo một cách nào đó thì bồ đề tâm giống như một sự ích kỷ to lớn: khi bằng tâm từ mẫn, bạn hiến mình cho tất cả mọi người, thì bạn được trở lại nhiều hạnh phúc vô vàn lần hơn nếu bạn làm cách gì khác. Thông thường ta được quá ít niềm vui, mà nó lại dễ bị mất. Bởi thế nếu muốn được hạnh phúc thực nhiều, thì điều duy nhất cần làm là hoàn toàn hiến mình để mưu cầu an lạc cho tất cả.
THOÁT KHỎI NGÃ ÁI
Ta không nên nghĩ rằng bồ đề tâm là một thái độ tôn giáo, một điều gì ta phải tin tưởng và chấp nhận bằng đức tin. Nhãn quan đầy thương xót cao thượng này là hậu quả trực tiếp của tuệ giác trong sáng nhìn thấu suốt thực chất cốt tủy của chính ta và của tất cả mọi người. Khi ta cứ khăng khăng chỉ quan tâm đến mình, thì những rắc rối dường như không thể nào vượt nổi. Bận tâm đến những ý nghĩ về cái tôi, tâm ta đầy những lo âu xao xuyến như "Có lẽ tôi trông không bảnh bao lắm," "Chắc người ta sẽ không ưa tôi," "Không biết tôi có thành công không," vân vân. Mọi sự liên hệ đến cái tôi đều trở thành một vấn đề, một nỗi lo ngại, một đe dọa cho hạnh phúc an lạc của ta.
Cách duy nhất để bứt ra khỏi sự ám ảnh điên đầu ấy về chính mình, là mở lòng ra với những người khác. Khi thực tình quan tâm đến hạnh phúc của một người nào, tự nhiên ta không còn nghĩ đến bản thân, ít nhất trong một giai đoạn. Khi sự thương xót người khác thay chỗ cho tự thương thân, thì ta sẽ khám phá được những kho tàng năng lực và trí tuệ ẩn nấp trong ta. Có thể bảo rằng chỉ cần có được tâm xót thương ấy cũng đã là một thứ kinh nghiệm về giác ngộ. Khi đã tạo được cái không gian mở rộng ấy trong tâm thức, ta trở nên rộng rãi bao la hơn nhiều. Thay vì giam hãm trong thực tại nhỏ bé của bản ngã, ta di chuyển vào một phạm vi lớn rộng hơn, quan tâm đến tất cả mọi người. Điều này tự nhiên sẽ giải thoát ta ra khỏi phần lớn những vấn đề của bản ngã.
Trong đời, quá nhiều lúc
chúng ta gây náo động về những chuyện nhỏ nhặt không đáng gì, đến nỗi làm cho
"cái sảy nảy cái ung", những trục trặc nhỏ biến thành những vấn đề trọng
đại. Nhưng khi ta đã phát tâm bồ đề quảng đại, thì những chuyện vặt trở thành
không quan trọng, không còn quấy rầy ta được. Khi gánh nặng ngã chấp đã rơi
khỏi đôi vai, ta sẽ nếm được một hương vị nhỏ của tự do giải thoát vốn thường
đi kèm với giác ngộ. Những kinh nghiệm như thế thực khích lệ, cho ta thấy một
cách hùng hồn giá trị thực tiễn của việc chuyển hóa tự tâm.
NHỮNG HIỂU
SAI VỀ TÂM BỒ ĐỀ
Khi mới nghe qua về bồ đề tâm, nhiều người lầm lẫn nó với một tâm trạng ướt át cảm xúc, kiểu như "Ôi tôi mong mỏi xiết bao cho mọi người được sung sướng! Nghĩ đến sự đau khổ của họ tôi không chịu nổi." Họ cảm thấy quá thương tâm trước sự thiếu thốn cùng khổ của người khác đến nỗi họ đâm ra buồn nản. Bồ đề tâm hoàn toàn không phải thế, nó không dính dấp gì đến thái độ cuống cuồng tê liệt của tâm hồn. Trái lại, bồ đề tâm thì trong sáng thoải mái, vừa có một trí tuệ bình thản mà vừa có tâm thương xót sâu xa. Đấy là thái độ mở rộng lòng, trải tâm quảng đại ra càng nhiều càng tốt.
Lại còn một ý tưởng sai lầm khác người ta thường có khi mới nghe giáo lý về tâm bồ đề. Khi nghe nói cần phát triển toàn vẹn tiềm năng nội tâm thì việc lợi tha mới hoàn hảo, ta tưởng hiện tại mình không thể làm gì được để giúp ích, mà phải chờ đến khi thành phật. "Trước hết tôi phải rán học nhiều năm, rồi khởi sự tu tập. Sau một thời gian tôi sẽ phát tâm từ bỏ và tâm bồ đề, rồi sau một thời gian dài khi đạt giác ngộ, tôi sẽ khởi sự giúp đỡ người khác." Thái độ suy nghĩ ấy hoàn toàn sai lạc, như thế là ta chỉ có rước lấy gánh nặng của một quan niệm chặt cứng về đường lối tu tập. Đó cũng là một cái tròng khác, một ảo tưởng khác. Nếu ta cương quyết tin vào một chương trình cố định như thế cho cuộc đời mình, thì có thể rằng chưa gì cái chết đã tới, trong khi ta chưa cất được bước nào!
Sự thực là, trong khi luyện tâm từ, tâm bi, trí tuệ và những tri kiến khác đưa đến giác ngộ, là ta đang liên tục giúp đỡ người khác. Trước hết, chỉ cần sống một đời giản dị, tâm nguyện luôn khắc phục thói ngã ái, là chúng ta đã làm lợi lạc người khác một cách tự nhiên. Thứ nữa, mỗi giai đoạn trong quá trình tu tập từ đầu chí cuối đều có năng lực và hiệu lực riêng, tu ngang chặng nào ta đều có thể giúp đỡ người khác theo chặng ấy. Một cách thực tiễn là ta nên giúp đỡ người khác theo giới hạn hiện tại của khả năng mình. Cái ý nghĩ rằng ta không làm được gì nếu chưa giác ngộ, kỳ thực chỉ là một ý tưởng ích kỷ, vô minh, chứng tỏ hoàn toàn không hiểu tu nghĩa là gì.
Sự hiểu lầm này có liên quan đến một thái độ ta vẫn có suốt đời. Chẳng hạn khi còn đi học, ta nghĩ; "Tôi phải học những môn đáng chán này để thi đậu, lãnh bằng cấp, kiếm được việc làm tốt, được nhiều tiền, rồi tôi sẽ sung sướng." Những sự nhấn mạnh về tương lai kiểu như "Khi nào tôi có nhiều tiền" "khi nào tôi có nhà riêng" "Khi nào tôi về hưu"...dễ dàng chuyển qua lĩnh vực tu hành: "Chờ khi nào tôi tu xong" "Chờ khi nào tôi giác ngộ"... Nhưng suy nghĩ kiểu ấy thực hoàn toàn là vọng tưởng. Giấc mơ thiếu thực tế về một tương lai không tưởng ấy làm cho những hành vi hiện tại của ta cũng không thực tế chút nào.
Sự tu hành chân chính là việc mà ta luôn làm ngày này qua ngày khác. Hãy làm bất cứ gì có thể, với mức độ tri thức hiện tại, và cống hiến tất cả cho mọi người. Ta chỉ cần sống đời mình một cách giản dị, làm hết khả năng. Điều này sẽ vô cùng lợi lạc cho người khác; ta không cần phải đợi đến khi thành phật mới có thể khởi sự hành động.
TU TẬP TÂM XẢ: NỀN TẢNG C-A LÒNG THƯƠNG XÓT BAO LA
Nếu bạn có được một cái thấy trong sáng giản dị về bồ đề tâm, và cố thực hành theo đó trong cuộc sống hàng ngày, thực nghiệm bồ đề tâm bằng cách mở lòng ra với người khác trong tất cả mọi hành vi, thì cũng đã là tu tâm luyện tính. Dĩ nhiên sự phát tâm bồ đề đích thực- xem người khác hơn chính bản thân- là một thực chứng sâu xa còn lâu ta mới đạt được. Phát tâm bồ đề quảng đại không phải chỉ cần mong muốn là được, mà còn phải theo một tiến trình tu hành tuần tự.
Theo tôi, đạo Phật hay ở chỗ đưa ra một đường lối tu tâm thực tiễn. Giáo lý không nói "Bồ đề tâm thực tuyệt vì Phật đã dạy thế." Trái lại, giáo lý cho ta những phương pháp phát triển tâm bồ đề, rồi ta sẽ tự mình thấy được nó có hiệu nghiệm không, có kỳ diệu hay không.
Theo phương pháp ấy, trước tiên ta cần một cái tâm quân bình. Cũng như đất bằng là nền tảng để xây nhà, tâm xả - thái độ xem mọi người bình đẳng - là nền tảng để đào luyện bồ đề tâm. Những hành giả quá khứ đã kinh nghiệm rằng, khi có được tâm bình đẳng ấy, ta có thể phát triển tâm bồ đề một cách dễ dàng. Nhưng vì đã quen phân biệt quá rạch ròi giữa bạn, thù và dửng dưng, ta không dễ gì đạt đến tâm bình đẳng. Do thói ham muốn chấp thủ mãnh liệt, ta ràng buộc với người thân, tẩy chay kẻ thù, còn với vô số người mà ta cho là vô thưởng vô phạt, thì ta tảng lờ coi như không có. Khi còn bị thói thương ghét ấy chi phối, ta sẽ không bao giờ đào luyện được tâm bồ đề tôn quý trong tim ta.
Tâm xả không phải là một khái niệm tri thức, một ý tưởng để nghiền ngẫm, mà là một tâm thái đặc biệt ta đạt được nhờ thường xuyên làm quen với nó. Muốn được tâm xả, cần phải nỗ lực lớn lao. Nói cách khác, phải luyện tâm, chuyển hóa thái độ cố hữu ta thường có đối với người khác. Ví dụ, khi gặp một nhóm người mới tại khóa thiền, tôi coi người nào cũng như người nào không phân biệt. Trước đây tôi chưa từng gặp họ - họ như những tai nấm mới mọc lên - nên cũng chưa có thì giờ để sinh sự thương ai ghét ai, tôi coi tất cả như nhau. Nếu đem tâm bình đẳng này đối xử với thân hữu, kẻ thù và những phê bình gia tôi không ưa, thì tôi có thể phát triển tâm xả đối với tất cả mọi người.
Có một kỷ thuật thiền rất chi tiết để đào luyện một tâm quân bình như vậy. Vắn tắt, hãy tưởng tượng ba người : bạn thân nhất, kẻ thù ta ghét nhất, và người lạ. Có thể tưởng tượng bạn sau lưng, kẻ thù và người lạ trước mặt, xung quanh là tất cả hữu tình mang thân người. Khi đã vây quanh mình bằng những hình ảnh ấy, ta cẩn thận xem xét những cảm tưởng của mình đối với mỗi hạng người nói trên, và phân tích tại sao ta phân loại theo kiểu ấy.
Khi tự hỏi tại sao trong số ấy, mình chỉ cảm thấy gần gũi một người, còn những người khác thì không, ta sẽ khám phá lý do thật nông nổi, chỉ căn cứ một vài sự tình cờ. Chẳng hạn ta gọi người đầu là "bạn" vì mỗi khi nghĩ đến họ, ta nhớ lại sự tử tế của họ đối với mình. Người thứ hai có vẻ là "thù" vì ta nhớ lại vài việc khả ố y đã làm hay đã nói với ta. Còn người thứ ba sở dĩ ta cho "xa lạ" chỉ vì ta không nhớ y đã từng giúp hay hại gì mình.
Những lý do để có ba phản ứng khác nhau ấy thực ra rất vô lối. Nếu thành thực moi tìm trong trí nhớ, chắc chắn ta sẽ lôi ra được nhiều sự vụ khiến cho sự phân loại thành ba hạng của ta không ăn khớp cho lắm. Ta rất có thể nhớ lại kẻ thù ta chúa ghét đã từng xử tốt với ta, người ta thương yêu rất mực đã từng làm ta tức giận, còn người ta xem dửng dưng cũng đã từng là người rất thân thiết. Nghĩ kỹ, ta không thể nào tiếp tục lối nhìn thiên vị hiện tại. Và khi nghĩ mỗi hữu tình từ những đời quá khứ xa xưa đều đã có lúc tốt lúc xấu với ta hệt như những thân hữu và kẻ thù trong đời này, thì ta sẽ thấy tất cả đều giống nhau, ai cũng từng là bạn là kẻ thù và xa lạ, nhiều lần tái diễn.
Khi luyện tâm theo cách ấy, những cảm giác thương bạn, ghét thù và dửng dưng với người lạ bắt đầu lắng dịu. Đây là dấu hiệu ta có được một mức độ xả nào đó. Hãy bám sát cảm giác ấy, nhờ thực tập, cuối cùng nó sẽ nhập tâm.
Quán tâm xả là cách tốt nhất để phát sinh sức khỏe tâm thần. Thay vì trả một trăm Mỹ kim mỗi giờ cho y sĩ tâm bệnh, bạn hãy quán tâm xả! Nhắm mắt lại, gạt ra ngoài mọi cảm giác vật lý. Từ bỏ năm nhận thức giác quan, để tâm chìm sâu vào ý thức nồng nàn về kinh nghiệm xả. Bạn chắc chắn sẽ trở nên quân bình hơn, cởi mở và thanh thản hơn. Dù chỉ thiền quán như thế mười phút, khi xuất thiền bạn cũng gặp một thế giới khác hẳn.
Người ta thường hiểu lầm về sự tu xả. Nhiều người tưởng nó có nghĩa là trở nên dửng dưng với tất cả mọi người. Họ sợ rằng nếu bớt ràng buộc với thân quyến bạn bè, thì tình yêu mến của họ sẽ biến mất. Nhưng khỏi cần lo điều ấy. Khi có tâm xả chân thực, thì không thể nào ta đóng cửa lòng mình lại với bất cứ một ai.
Càng tập xem mọi người
bình đẳng, không phân loại bạn, thù và dửng dưng, thì tim ta càng mở rộng, khả
năng yêu thương của ta càng tăng. Nhờ thoát khỏi những thành kiến, ta có thể
thấy mọi người đều mong được hạnh phúc, đều tối kị khổ đau. Từ căn bản bình
đẳng này, ta có thể đào luyện từ (sự tử tế) và bi (xót thương) bao quát, để
cuối cùng thực chứng trọn vẹn tâm bồ đề, cái tâm rộng mở hoàn toàn phụng hiến
cho lợi lạc chúng sinh.
TU MẬT
TÔNG CẦN TÂM BỒ ĐỀ
Phát tâm bồ đề là điều kiện tiên quyết để tu mật tông có kết quả. Theo các bậc thầy, muốn đủ tư cách tu mật tông, ta phải có động lực bồ đề tâm rất mạnh. Những hành giả mật tông chân chính mong mỏi đi con đường nhanh nhất đến giác ngộ không phải vì mong mau giải thoát, mà vì mang nặng tâm thương xót chúng sinh. Họ thấy mình càng lâu giác ngộ thì chúng sinh càng phải đợi chờ. Cỗ xe mật thừa chớp nhoáng như vậy cốt dành cho những người hết lòng muốn giúp đỡ người khác càng nhiều càng tốt, càng nhanh chóng càng hay.
Mặc dù bồ đề tâm là điều kiện tiên quyết để thực hành mật tông, song ngược lại, tu mật tông cũng là để tăng cường tâm bồ đề.
Có rất nhiều thần mật tông, như Quán tự tại, Văn thù, Tara... ta được làm phép để tu quán. Nhưng mục tiêu sự tu tập ấy không gì khác hơn là để phát triển, nới rộng tâm nguyện bồ đề. Chư thần mật tông không có lý do tồn tại nào khác. Tất cả pháp quán mật tông đều vì mục tiêu duy nhất là phát triển tâm bồ đề cực mạnh.
Lấy ví dụ quán đức Quán tự tại với ngàn cánh tay. Tất cả lý do ta muốn thành một thực thể ánh sáng ngàn tay, cốt là để cứu giúp cả ngàn chúng sinh đau khổ. Chứ còn lý do nào khác để mong có nhiều tay đến thế? Nhưng nếu không thấy thoải mái khi quán mình ra như vậy, bạn có thể quán tưởng theo nền văn hóa của mình, thể hiện bản chất nội tại của mình dưới dạng Jesus, thánh Francis, Quan âm hay bất cứ vị thánh nào khác. Quan âm hay Jesus không khác gì nhau, bản chất tinh túy của các ngài là sự quên mình để phụng sự chúng sinh. Bởi vậy khi ta cố được như các ngài, nhờ thực hành mật tông, cầu nguyện hay bất cứ phương pháp nào khác, là để có thể phụng sự người khác một cách vô ngã. Sự quên mình vì người là ý nghĩa đích thực của tâm bồ đề, đấy là lý do bồ đề tâm không chỉ là điều kiện tiên quyết, mà còn là kết quả quan trọng nhất của mật tông.