Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

13. Hữu Tình: Trí, Tình, ý

07 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 4099)
13. Hữu Tình: Trí, Tình, ý

VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC
Hồng Dương Nguyễn Văn Hai
LUẬN GIẢI TRUNG LUẬN
TÁNH KHỞI VÀ DUYÊN KHỞI
PL.2547 - DL.2003 - Ban tu thư Phật học

13. Hữu tình: Trí, tình, ý
Biến dịch sinh tử.

Tế bào là đơn vị cấu trúc cơ sở của mọi sinh vật. Chỉ có tế bào, cơ thể tế bào cấu tạo, và sinh quyển do cơ thể hợp thành là có đặc tính của sự sống: liên tục tự tạo tự sanh (autopoiesis) và có khả năng chuyển hóa (metabolism). Nếu một tế bào ngưng tự tạo tự sanh, tế bào ấy không thể tồn tại. Đối với cơ thể đa bào như cơ thể con người, nếu quá nhiều tế bào thành tố chết, phần cơ thể bao gồm chúng sẽ không đủ khả năng chuyển hóa và sẽ chết theo. Bất kỳ tế bào hay cơ thể nào còn đủ khả năng tự duy trì thời sinh trưởng, và bắt buộc phải sinh sản. Bên trong các tế bào của tất cả mọi sinh vật do tế bào hợp thành, phản ứng hóa học liên tục phát sinh và trao đổi chất, chuyển hoán năng lượng, tạo ra các axit nucleic DNA và RNA, và các protein.

Thành phần hóa học của tế bào trong cơ thể con người gồm hạt nhân, ion, nguyên tử, hay phân tử, đến từ khắp nơi trong vũ trụ. Nhiệt năng của tế bào là do chuyển động ngẫu nhiên của các thành phần ấy, do tác dụng của cấu trúc tiêu tán, và do các phản ứng thải nhiệt của tế bào. Sáu nguyên tố cơ bản, cacbon, hydro, nitơ, oxy, photpho, và lưu huỳnh, được xem như nền tảng từ đó sinh khởi vô số hợp chất của tế bào hiện ra dưới mọi trạng thái, cứng, lỏng, và khí. Từ 60% đến 80% thể tích của các tế bào là nước. Nước là do oxy và hydro tạo thành. Số hạt nhân của hydro chiếm 90% tổng số hạt nhân trong vũ trụ. Chính sự tổng hợp các hạt nhân hydro ở trung tâm mặt trời đã tạo nên các hạt nhân heli và phát sinh năng lượng ánh sáng mặt trời. Một phần không đáng kể nhưng tối cần thiết của năng lượng này được tế bào tàng trữ và biến đổi trong tác dụng chuyển hóa, gia trì sự tăng trưởng, và dục phát sự sinh sản. Cũng vậy, các chất liệu hóa học căn bản khác của tế bào như oxy, cacbon, nitơ, và những nguyên tố nặng khác, đều do sự tổng hợp hạt nhân tạo ra ở trung tâm các vì sao có khối lượng lớn. Những vì sao này về già nổ bùng khi hoại diệt (supernova) và phân tán các nguyên tố nặng ấy trong không gian, góp phần tạo nên những yếu tố cần thiết cho sự sống. Nói một cách triết lý, mỗi một con người ngoài tính cách nó là nó, còn phản chiếu trong nó tất cả vũ trụ, và đồng thời, nó chính là nó vì có những cá thể khác nó.

Tế bào có hai thứ: tế bào nhân sơ (prokaryotes) trong đó vật liệu nhân không có màng tách biệt khỏi chất tế bào và tế bào nhân chuẩn (eukaryotes) trong đó vật liệu nhân được bao bọc bằng màng nhân. Vi khuẩn là sinh vật nhân sơ. Mọi động vậtthực vật bậc cao là sinh vật nhân chuẩn. 

Sự sống hình như bắt đầu từ nơi những vật gì được coi là tổ tiên của các vi khuẩn hiện đại. Đó là những hệ thống hóa học đã biến thành những hệ thống sinh học. Những hệ thống sinh học đầu tiên biết chuyển hóa, thu nhiếp năng lượng, các chất dinh dưỡng, nước, và các chất muối để sinh trưởng. DNA, hay RNA tự riêng nó không thể tạo ra sự sống. Theo nhà sinh vật lý học Harold Morowitz, tất cả những phương thức chuyển hóa và sự tổng hợp các protein và các axit nucleic tiến hóa chỉ sau khi các tiền thể của các tế bào có lớp màng bọc lại. Hãy xem đó là sự hiện thực cá thể bắt rễ từ trong vũ trụ. Chắc chắn là màng tế bào xuất hiện trước tiên, trước protein hay axit nucleic trong tiến trình hình thành sự sống. Tế bào phát sinh từ đó và sự sống bắt đầu ngay khi tế bào được thành lập.

Thường nói đến vi khuẩn làm ta nghĩ đến nhiều bệnh hiểm nghèo do vi khuẩn gây ra như dịch hạch, thổ tả, lao phổi, bệnh hủi, v..v... Thật ra, số vi khuẩn gây bệnh không đáng kể so với số vi khuẩn vô hại hay hữu ích hiện tràn lan khắp nơi, từ ruột người, đến nước muối của những biển khô cạn, và trong nước sôi núi lửa phun ra. Ngay từ đầu, quả đất đã là nơi cư trú và sinh sôi nẩy nở đủ các thứ vi khuẩn. Đất là nơi nhiều vi khuẩn nhất đang phân hủy các thây chết, tái lập chu trình hoạt dụng của những thành tố của sự sống. Đến nay, bất cứ một sinh vật nào, nếu không phải là một vi khuẩn sống thời theo cách này hay cách khác, đều thuộc dòng dõi của một vi khuẩn hay của những kết hợp vi khuẩn thuộc nhiều loại. Tuy là những dạng sống bé nhỏ nhất trên quả đất, nhưng vi khuẩn đã thực hiện những bước tiến hóa khổng lồ. Chính vi khuẩn đã phát minh tất cả những cơ sở hóa học cần thiết cho sự sống: sự quang hợp (photosynthesis), sự lên men (fermentation), sự hô hấp dưỡng khí, sự giữ chặt nitơ của khí quyển vào trong protein, và nhất là sự kết hợp đa bào, từ đó sinh khởi các loài động vật, thực vật, và nấm.

Nhiều dòng dõi vi khuẩn đã phát triển vào trong nhiều loại cơ thể sinh vật khác, kể cả cơ thể con người. Hiện giờ trong tế bào của chúng ta đang sinh hoạt những vi khuẩn thời trước, sử dụng oxy để sản xuất năng lượng. Những vi khuẩn thời trước ấy nay gọi là ty thể (mitochondrion) hoạt động bên ngoài màng nhân, liên quan chủ yếu với sự hô hấp ưa khí. Ty thể là nơi sản xuất ATP (adenosine triphosphate), nguồn năng lượng thiết yếu cho mọi phản ứng hóa học thu nhiệt bên trong tế bào. Ty thể có vật liệu di truyền riêng của chúng, có protein của ty thể tích trữ trong DNA chứa trong ty thể, và những protein ấy được tổng hợp ngay trên ribosom bên trong ty thể. Nhà sinh học Lynn Margulis cho rằng ty thể nguyên là những vi khuẩn đã xâm chiếm vào bên trong các vi sinh vật khác, rồi định cư vĩnh viễn ở trong đó. Quá trình tiến hóa đã chuyển biến hai sinh vật hòa nhập sống chung lâu ngày trong trạng thái cọng sinh (symbiosis) thành một dạng sống mới, dạng sống hô hấp dưỡng khí. Hãy nghĩ đến trường hợp nếu khôngvi khuẩn sống chung trong ruột của chúng ta thời không thể nào phát sinh sự tổng hợp những vitamin B hay K trong cơ thể.

Hiện tượng cọng sinh là một biến cố đổi mới trong quá trình tiến hóa. Sự đổi mới ở đây kết hợp nhiều dạng sống khác nhau, dạng này ở trong dạng kia, và lâu ngày biến thành một dạng sống mới. Triết gia Arthur Koestler gọi sự hiệp trợ chung sống các vật thể nhỏ bên trong những vật thể lớn hơn như vậy là "holarchy", dịch là toàn hệ. Toàn hệ có ý nghĩa khác với khái niệm tằng hệ (hierarchy). Trong toàn hệ, không có thành tố cấp cao kiểm soát thành tố cấp thấp, không có thành tố lớn chế ngự thành tố nhỏ. Thành tố của toàn hệ có tên là "holons", là những toàn bộ (wholes) đồng thời tác dụng như những bộ phận (parts). Tế bào là một toàn bộ vì gồm trong nó những vi khuẩn, những hợp chất hóa học. Nhưng tế bào cũng là bộ phận của cơ thể con người. Cũng vậy, cơ thể con người là một toàn hệ. Là toàn bộ, cơ thể con ngườimột sinh vật do tế bào hợp thành. Đồng thời, cơ thể con người là một bộ phận của toàn bộ sinh quyển.

Đúng là một cách quảng diễn nguyên lý Tương dung Vô ngại, nền tảng triết lý Hoa nghiêm. Sự hiệp trợ sống chung quả là một bằng chứng hiển trứ của Mười huyền môn của Hoa nghiêm tông. Cõi nào hoạt dụng trong cảnh giới của cõi ấy và đồng thời tương quan giao thiệp hòa điệu với các cõi khác. Nhất thể và phức thể bao hàm dung nạp lẫn nhau mà không hề xảy ra sự ngăn ngại hay hủy diệt lẫn nhau. Tất cả với một, lớn và nhỏ, cao hay thấp, cùng vận chuyển nhịp nhàng với nhau. Bởi vậy, xin đề nghị dịch chữ "holon" là "thuần tạp thể" đúng theo lý huyền diệu thứ hai: theo Trí Nghiễm, "Chư tạng thuần tạp cụ đức", nghĩa là, từng mỗi bộ phận vừa thuần vì giữ tính cá biệt của nó, vừa tạp vì liên hệ các bộ phận khác, hoặc theo Pháp Tạng, "Quảng hiệp tự tại vô ngại", nghĩa là, lớn rộng và nhỏ hẹp tự do tương giao không ngăn ngại. 

Một điều khác đáng nêu lên về hiện tượng cọng sinh. Do phân tích quan sát sự hiện hữu và tập tính của các ty thể trong các tế bào mà nhà sinh học Lynn Margulis đưa ra chủ trương hiệp trợ sống chung là một dấu chuẩn của xu hướng tạo tác tân phẩm của sự sống. Đó là dấu tích của một biến cố đổi mới trong quá trình tiến hóa. Nói cách khác, cấu trúc và mẫu hình tổ chức của sinh vật trong hiện tạinghiệp quả, kết quả của tất cả nghiệp nhân tạo ra trong quá khứ. Chúng mang ấn chứng các biến cố đổi mới qua những giai đoạn tiến hóa của sự sống. Mỗi cơ quan (organ) là một viện bảo tàng sinh hóa. Mỗi tế bào là một ống nghiệm trong đó những tác dụng hóa học sinh khởi từ thời xa xưa vẫn còn tiếp diễn. Đó thật là một điều rất may cho các nhà khoa học đi tìm nguồn gốc của sự sống. Do kinh nghiệm họ nhận thấy rằng các sinh vật đang sống giúp họ hiểu biết quá trình tiến hóa của sự sống nhiều hơn là các sinh vật đã chết, hóa thạch (fossils). Hầu hết lịch sử của sự sống được ghi lại trong các cơ thể hiện đang tồn tại và công việc của họ là tìm cách đọc và giải thích những trang lịch sử đó. Lynn Margulis và Dorion Sagan đã viết trong What is Life? (Thế nào là sự sống?): "Người và tinh tinh (chimpanzee) có cùng chung hơn 98% gen, mồ hôi nhắc nhở nước biển thuở trước, và đường ngọt là năng lượng tổ tiên ta được cung cấp ba tỉ năm về trước, cho đến ngày tiến hóa phát sinh trạm vũ trụ. Chúng ta mang quá khứ chúng ta trong người của chúng ta." 

Những tế bào mới cần thiết cho sự sinh trưởngtu bổ các mô đều do sự phân bào (cell division) sinh ra. Cơ thể con người có hai thứ tế bào: tế bào thân (somatic cells) và tế bào sinh dục (sex cells), chứa số nhiễm sắc thể (chromosomes) khác nhau. Nhân tế bào thân gọi là thể lưỡng bội (diploid) gồm 46 nhiễm sắc thể. Nhân tế bào sinh dục gọi là thể đơn bội (haploid) chỉ có 23 nhiễm sắc thể, một nửa số lượng nhiễm sắc thể của nhân tế bào thân. 

Số 46 nhiễm sắc thể trong nhân tế bào thân được tổ chức thành 23 cặp nhiễm sắc thể, gồm 22 cặp thể thường nhiễm sắc (autosomes) và một cặp nhiễm sắc thể giới tính (sex chromosomes). Mỗi cặp thể thường nhiễm sắc gồm hai nhiễm sắc thể cùng dạng, có cấu trúc giống nhau. Một đến từ cha, một đến từ mẹ. Riêng cặp nhiễm sắc thể giới tính, thời đó là cặp XX, nếu là nữ giới. Nghĩa là, gồm hai nhiễm sắc thể giống nhau, mỗi nhiễm sắc thể gọi là nhiễm sắc thể X. Nếu là nam giới, thời đó là cặp XY, gồm hai nhiễm sắc thể khác nhau. Một là nhiễm sắc thể X, nhiễm sắc thể kia gọi là nhiễm sắc thể Y nhỏ hơn.

Hết thảy các tế bào thân đều do nguyên phân (mitosis) sanh ra. Nguyên phân là quá trình nhờ đó nhân tế bào và chất tế bào được chia thành hai phần. Các nhiễm sắc thể nhân đôi trước khi được phân chia. Sau đó, tách nhau ra, mỗi nhân con được hưởng bộ máy di truyền giống hệt của tế bào nguyên thủy, nghĩa là DNA trong mỗi nhân con có cùng số lượng và cùng mẫu chuẩn như trong nhân nguyên thủy.

Tế bào sinh dục là do giảm phân (meiosis) sanh ra. Khác với nguyên phân, giảm phân quên nhân đôi số nhiễm sắc thể trước khi được phân chia. Vì thế sự phân chia tế bào dẫn đến sự tạo thành những nhân tế bào mới với nửa số lượng nhiễm sắc thể của tế bào nguyên thủy mà thôi. Những tế bào hình thành sau giảm phân phát triển thành các giao tử (gametes) cần thiết cho sự sinh sản. Có hai loại giao tử: tinh bào (sperm cells) của nam giới và tế bào trứng (oocytes) của nữ giới. Sau đó, sự thụ tinh sẽ phục hồi lại bộ nhiễm sắc thể chuẩn.

Giảm phân không những giảm số lượng nhiễm sắc thể từ 46 xuống 23, mà còn là nguyên nhân gia tăng sự phát triển đa dạng của sự sống. Bởi vì trong quá trình giảm phân, do sự phân phối ngẫu nhiên các nhiễm sắc thể và do sự trao đổi chéo (crossing over) các phân đoạn nhiễm sắc thể, số lượng giao tử có vật liệu di truyền khác nhau trở nên vô hạn. Nói cách khác, kết quả của sự thụ tinh là không hai cá thể nào có vật liệu di truyền giống nhau.

Thực vậtđộng vật sinh sản theo chiều thẳng đứng, nghĩa là, cái và đực, mỗi phía cho một số gen cân nhau họp lại thành một tân phẩm. Vi khuẩn tế bào không bao giờ hòa lẫn với nhau như trường hợp thụ tinh do tinh bào và tế bào trứng. Trái lại, chúng sinh sản theo chiều ngang, bằng phép tiếp hợp (conjugation), tức là bằng cách trao đổi gen. Các vi khuẩn tế bào thường có những dải DNA để dành, có thể đem trao đổi với những vi khuẩn tế bào khác. Virut (virus; siêu vi trùng) là những gen trao đổi có một lớp protein bao ngoài. Tiếp hợp là quá trình một chiều không bao giờ đảo ngược từ phía "vi khuẩn cho" đến phía "vi khuẩn nhận". Sự trao đổi gen tạo ra những vi khuẩn mới, do sắp xếp lại các vật liệu di truyền đến từ nhiều vi khuẩn cho. Với lối sinh sản theo chiều ngang như vậy, nếu không bị nhiệt, chất muối, sự sấy khô, hay sự đói bức hại thời tế bào thân vi khuẩn sinh trưởng, phân chia, nhưng không già, bệnh, chết như thân tế bào thực vậtđộng vật.

Được nhận định qua tính cách tồn tại và hủy diệt của tế bào thân trong cơ thể hữu tình, thực trạng sinh diệt của tế bào có thể gọi theo thuật ngữ Phật giáobiến dịch sinh tử. Nói theo ngôn ngữ máy vi tính hiện đại, thời sự chết đã được lập (chương) trình (programmed death) ngay trong sự sống. Sự sai khác giữa những phần đang chết và những phần có tiềm năng tái sinh của cơ thể là sự sai khác giữa tế bào thân và tế bào sinh dục. Tế bào sinh dục (tinh bào và tế bào trứng) là tế bào duy nhất sinh ra con để truyền sự sống qua thế hệ kế tiếp. Còn tế bào thân thời sinh, già, bệnh, chết. Tại sao vậy?

Tế bào bắt buộc phải sinh sản; ngưng sinh sản thời chết. Chẳng hạn, khi còn trong tử cung, não bộ phát triển đủ số tế bào thần kinh (neuron) cần thiết cho đời sống con người năm tháng trước khi đứa bé lọt lòng. Các neuron phát triển thêm không thể làm gia tăng số đó nên phải ngưng sinh sản và chết. Số tử bào lên đến hàng trăm ngàn mỗi ngày.

Hơn nữa, các tế bào tham gia cấu tạo các cơ quan và mô thường gia tăng biệt hóa (differentiation), nghĩa là thay đổi hình thái và cách thức tác dụng, trở thành những tế bào chuyên hóa (specialized cells), để thích ứng với hoàn cảnh, thích nghi với chức năng mới, ví như để đáp ứng sự phân công trong tổ chức một cơ thể đa bào. Thí dụ: tinh bào và tế bào trứng đều là tế bào đơn bội chuyên hóa để hòa nhập thụ tinh thành hợp tử lưỡng bội (zygote). Vì sự chuyên hóa tế bào không ngừng tiếp diễn trong các cơ thể mà sự tiến hóa gia tăng kích thước, trật tự, và phức độ, nên khả năng tự tu bổ và tự tái tạo của các tế bào giảm thiểu rất mau chóng. Cuối cùng, các tế bào chuyên hóa không còn phân chia được nữa. Thay vì tự tái tạo nay chỉ còn là những trường hợp tu bổ thay mới các mô khi cần chữa trị các vết thương mà thôi. Tế bào mất khả năng tự tái tạo tất nhiên đưa đến kết quả là cơ thể già yếu và cuối cùng chết. Tuy nhiên, sau mỗi chu kỳ sinh, trụ, diệt, một sinh mệnh mới lại hình thành từ một hợp tử duy nhất, trứng thụ tinh. Sự sinh sản hữu tính (sexual reproduction) là một phát minh của sự sống nhằm nối tiếp không ngừng hình thứcvận mệnh của hoạt động sinh mệnh. Tế bào lưỡng bội cuối cùng đã lấy sự chết để truyền lại các giao tử đơn bội hầu tái tục sự sống.

Như vậy, chính ngay khi đang diệt (mất khả năng tự tái tạo vì chuyên hóa) có sinh (phát triển giao tử phối hợp phát sinh sự sống) và khi sinh (trứng thụ tinh phát triển thành phôi thành thai thành trẻ sơ sinh) đã có diệt (tế bào chuyên hóa không phân chia được nữa). Đúng theo tư tưởng Phật giáo Đại thừa, đương thể của Sắc bản tính là Không, nghĩa là chính ngay trong khi sinh đã có diệt, vậy sinh ấy không phải thật sinh, cho nên đương thểbất sinh. Trong khi diệt, kỳ thật trong diệt ấy có sinh, vậy diệt ấy không phải thật diệt, nên đương thểbất diệt. Vậy đương thể của Sắc, cái thể đương thời, hiện tiền trong hiện tại, là Không, là bất sinh bất diệt

Tịnh sắc căn.

Tế bào chuyên hóa của não bộ nói riêng và của hệ thần kinh nói chung có tên gọi là neuron (tế bào thần kinh). Neuron căn bản là một chiếc máy thu phát tinh diệu, nhận kích thích và truyền thế tác động (action potentials) đến các neuron khác hay đến các cơ quan phản ứng [Thế tác động là tín hiệu thay đổi điện thế do các xung động thần kinh gây ra khi xuyên qua màng neuron]. Mỗi neuron có một thân (soma) với chức năng "lo việc nhà" cần thiết cho sự tồn tại của tế bào. Từ thân này duỗi tua ra những đọt nhánh (dendrites) thu nhận kích thích. Sự truyền thế tác động phải nhờ đến sợi trục (axon) chạy dài từ thân neuron đến các diện tiếp hợp (synapse), tức là chỗ tiếp nối với neuron khác hay với một cơ quan phản ứng như cơ (muscle cell), hay tuyến (gland). Thân tế bào thần kinh tập trung ở não, tủy sống (spinal cord), và các hạch thần kinh (ganglion), còn các đọt nhánh thời tạo thành các dây thần kinh (nerve). Khi đọt nhánh bị quấy nhiễu, màng tế bào bị khử cực (depolarization) liền phát xạ (firing), tạo ra một xung thần kinh. Xung động được sợi trục truyền dẫn đến diện tiếp hợp, nhả ra những chất hóa học truyền tin, và gây phản ứng nơi cơ quan thu nhận. Phản ứng có thể là một sự co rút (contraction) nếu cơ quan phản ứng là cơ tế bào, một sự phân tiết (secretion) nếu là tuyến tế bào (gland cell), một sự kích thích hay ức chế phát xạ nếu là một neuron khác.

Đặc điểm của não bộ là mạng lưới chằng chịt các đường dây liên kết mà neuron thiết lập giữa chúng với nhau. Hàng triệu tỉ đọt nhánh và sợi trục tìm đến với nhau, nối kết nhau, tạo nên những diện tiếp hợp tác động có hiệu quả. Trên đại cương cách nối đường dây liên kết neuron trong các não bộ giống nhau một cách tổng quát, nhưng về chi tiết thời hoàn toàn khác nhau. Không bao giờ có sự giống nhau giữa mạng lưới não của hai cá nhân, dầu là một cặp sinh đôi. Các đường dây liên kết biến đổi và phát triển không ngừng từ khi còn ở trong thai cho đến khi sanh ra và lớn lên.

Mặc dầu chỉ có một hệ thần kinh duy nhất, nhưng để mô tả một cách dễ hiểu nên thường hay phân biệt hai hệ, hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên, làm tưởng lầm như đó là hai hệ riêng biệt. Hệ trung ương gồm não bộ và tủy sống nhận các thông tin cảm giác từ tất cả các bộ phận của cơ thể và qua nhiều mối quan hệ nối tiếp hình thành nên các xung động thần kinh truyền đến các cơ và các cơ quan khác. Hệ ngoại biên gồm các dây thần kinh tủy sống và dây thần kinh não bộ với các đọt nhánh của chúng. Chúng chuyển các xung động từ các thụ quan về để phân tích trong hệ trung ương và truyền các xung động vận động phù hợp tới các cơ, các tuyến, v..v...

Vỏ đại não hay vỏ não (cerebral cortex) là lớp vỏ của hai bán cầu não chứa hàng tỉ thân neuron và được gọi là chất xám. Vỏ não có chức năng điều khiển cảm giác: nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc giác, và kích thích sự co bóp của các cơ vân (skeletal muscle) cũng như các hoạt động thần kinh cao cấp như tiếng nói và trí nhớ. Các quá trình truyền cảm giác về não từ các bộ phận của cơ thể đều chiếu vào những vùng chuyên biệt của vỏ não gọi là vùng nhận cảm sơ cấp (primary sensory areas). Mỗi cảm giác như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, và cơ thể, chiếu vào một vùng nhận cảm riêng biệt. Năm vùng nhận cảm này theo ngôn ngữ Phật giáo, có thể xem như tương đương với năm căn. Mỗi vùng xử lý đối tượng nhận cảm riêng của nó, như lời Phật dạy: "Này Hiền giả, năm căn này, có cảnh giới sai khác, có hành giới sai khác, không có lãnh thọ cảnh giới, hành giới lẫn nhau, tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân." (Đại kinh Phương quảng, Trung Bộ 43)

Chẳng hạn, ảnh mắt nhìn thấy được xử lý tại vùng thị giác, không phải trong cách thế toàn bộ, mà trái lại, mỗi yếu tố của ảnh như màu sắc, hình dạng, và chuyển động, đều được xử lý riêng rẻ. Mọi cảm giác tuy hợp nhất với bên trong não nhưng được tri nhận phát xuất từ những vị trí biểu hiện bên ngoài như mắt, tai, mũi, lưỡi, và da là nơi tác nhân kích thích hỗ tương tác dụng với thụ quan tức phù trần căn theo ngôn ngữ Phật giáo.

Sự phối trí các vùng nhận cảm trong vỏ não giống như trong một bản đồ địa hình đương nhiên được quyết định bởi bộ gen, nhất luật như nhau đối với tất cả mọi người. Nói theo Phật giáo thời đó là sự phối trí do nghiệp báo nên có tính cách quyết định của luật nhân quả. Thí dụ, vùng thị giác sơ cấp được chia thành những phiến mô xen kế thu nhận xung động kích thích từ một con mắt. Hãy tưởng tượng đó là mô hình các sọc trắng đen xen kế như trên thân của một con ngựa vằn, các sọc đen nối kết với mắt phải và các sọc trắng với mắt trái. Cũng vậy, vỏ não của mọi người đều có các vùng thị giác bố trí theo cùng một khuôn mẫu như thế. Nhưng giới hạn chính xác của các vùng thị giác của mắt này hay mắt kia thời biến thiên tùy theo trạng huống, bộ gen không chút liên can. Điều này được hai nhà sinh học Hoa kỳ, David Hubel và Torsten Wiesel, giải Nobel năm 1981, chứng minh bằng thí nghiệm trên những vùng thị giác của mèo. Khi mí một con mắt bị khâu kín lại thời vùng nhận cảm của mắt ấy tiêu biến, trong lúc vùng nhận cảm của mắt kia mở rộng lớn thêm.

Như vậy, sự phát triển các đường dây liên kết neuron, một phần phát triển vô hạn chế của não, có tính cách vừa quyết định vừa tùy duyên. Có những mạch dây neuron đã hoàn thành ngay khi mới sinh ra. Chúng liên hệ đến sự bảo dưỡng sinh mệnhthực hành các chức năngbản như nuốt, thở, điều tiết huyết áp, v..v... Ta bảo đó là những mạch chăng cứng (hard-wired) bởi vì chúng phản ảnh bản tính tự nhiên của chúng ta. Trái lại, có những mạch chăng mềm (soft-wired) dễ uốn, phản ảnh sự sinh trưởng theo cách nuôi dưỡng. Nếu không có những mạch chăng mềm thời hoạt động sinh mệnh không tiến triển đến hoạt động tâm lý, rồi phát đạt mà thành lý tính trong đó con người tự sinh khởi ý thức. Nếu không có những mạch chăng mềm thời các Thiền sư không thể trải qua những kinh nghiệm tìm tòi, săn đuổi, chín mềm, và nứt vỡ.

Vấn đề thường được bàn cãi về mâu thuẫn giữa tự nhiênnuôi dưỡng (nature / nurture), hay nói theo thuật ngữ Phật giáo, giữa tự nhiênnhân duyên, được vi sinh vật học hiện đại giải quyết phần nào ổn thỏa trên phương diện khoa học tức theo tục đế. Tất cả những gì ta có thể làm đều đã định sẵn trong gen của chúng ta. Tuy nhiên, những gì ta làm với khả năng cho phép thời tùy thuộc tổng ảnh hưởng của môi trường. Nhưng trên phương diện chân đế, nếu đem những danh từ nhân duyên, tự nhiêntìm hiểu tâm tính, thời rốt cuộc cũng chỉ luẩn quẩn trong vòng vọng tưởng mà thôi. Tại sao như vậy? 

Thật tính của vạn pháptrùng trùng duyên khởi. Do duyên khởi mà sự vật có sinh ra (sinh), dừng lại (trụ), thay đổi (dị), và tiêu diệt (diệt). Khi nói sinh và diệt thời hay nói đến nhân duyên, khi nói đến trụ và dị thời hay nói đến hòa hợp, nhưng ý nghĩa vẫn không khác nhau. Vì sinh, trụ, dị, diệt đều là duyên khởi như huyễn không thật, nên Phật bác các nghĩa nhân duyên, tự nhiên (Kinh Thủ lăng nghiêm. Tâm Minh Lê Đình Thám dịch giải. Quyển Hai. Mục IV). Tâm tính của chúng sinh thường trụ, không thay đổi, chỉ vì bệnh bất giác lầm nhận có sinh có diệt, nên mới nhận có nhân duyên hòa hợp mà sinh, có nhân duyên tan rã mà diệt. Trót nhận cái sinh diệtnhân duyên, thời nhận cái không sinh diệt là tự nhiên. Do những nhận thức sai lầm như vậy, mới sinh ra những danh từ đối đãi giả dối nhân duyêntự nhiên, không có gì là thật thể. Thật ra, sự vật duyên khởi như huyễn nên khi sinh, không có gì đáng gọi là sinh, do đó mà nói rằng không phải nhân duyên. Sự vật duyên khởi không thật có, nên không có tự tính, do đó mà nói rằng không phải tự nhiên. Nếu trực nhận bản tánh bất sinh bất diệt, thời chính nơi sinh, không có gì gọi là sinh, chính nơi diệt, không có gì đáng gọi là diệt. Thiết thực ra ngoài các danh từ đối đãi giả dối, ra ngoài những cái sinh diệtkhông sinh diệt, thời không thấy gì đáng gọi là nhân duyêntự nhiên cả. Chúng sinh quanh lộn trong vòng danh từ đối đãi, không nhận có sinh thời nhận có diệt, không nhận có nhân duyên, thời nhận có tự nhiên. Chỉ khi nào giác ngộ cả diệt lẫn sinh, cả nhân duyên lẫn tự nhiên đều như huyễn như hóa, không có tự tính, thời mới thật chứng pháp giới tính tuyệt đối, ra ngoài vòng danh tướng.

Các neuron thường xuyên phát xạ để thiết lập sự nối kết qua diện tiếp hợp với các neuron khác hay đúng hơn là để duy trì những nối kết ấy. Nét đặc thù của sự phát triển quan hệ giữa các neuron là lúc khởi đầu neuron tạo ra một cách rất ngẫu nhiên vô số đường dây nối kết lỏng lẻo. Nhưng sau đó lần hồi cắt bỏ những đường dây không cần thiếtcủng cố các đường dây thường hay được sử dụng. Có nhà sinh học đã phát biểu: "Thuyết tiến hóa Darwin về các diện tiếp hợp đã thay thế thuyết tiến hóa Darwin về gen".

Để giải thích câu nói ấy, tưởng cũng nên biết rằng cơ cấu chọn lọc tự nhiên theo thuyết tiến hóa Darwin gồm ba giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, do đột biến ngẫu nhiên có rất nhiều thể biến dị mới xuất hiện trong loài. Rồi qua giai đoạn hai, những phần tử thích nghi với ngoại cảnh được chọn lọc. Đến giai đoạn ba, các thể biến dị đã được chọn lọc gia tăng số lượng nhờ sinh sản nhanh chóng. Áp dụng ba giai đoạn ấy để xét đến sự phát triển quan hệ neuron, thời giai đoạn đầu tương ứng với sự thành lập vô số đường dây nối kết một cách ngẫu nhiên. Đến giai đoạn kế tiếp sự chọn lọc tựa trên tiêu chuẩn hữu dụng được thực hiện. Cuối cùng, trong giai đoạn ba, có sự đổi khác: thay vì tăng cường số lượng như trường hợp các gen, các nối kết neuron năng dụng được củng cố thành các diện tiếp hợp thường trực. Điều đáng lưu ý là cả ba giai đoạn đều nhằm thành tựu một phản ứng tùy duyên thích nghi với cảnh huống để tồn tại và phát triển, không chủ tâm, không theo một kế hoạch định trước, và không có sự can thiệp hay chỉ thị của bất cứ quyền lực nào. Đây cũng là quan điểm Phật giáo cho rằng vô minh tức ý chí sinh tồn và nghiệp là nhân duyên căn bản của sự biến hóa bất tuyệt. 

Trở lại với đề mục Sắc uẩn, hãy nghe Phật khuyên: "Cái gì không phải của các Ông, này các Tỷ kheo, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.

- Này các Tỷ kheo, cái gì không phải của các Ông?

- Sắc, này các Tỷ kheo, không phải của các Ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông." (Kinh Tương Ưng bộ. Phẩm Không phải của các Ông)

Theo những điều vừa trình bày về Sắc uẩn trên đây, quả đúng như lời Phật dạy: "Những gì thuộc về sắc hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai, hoặc thô tế, hoặc trong ngoài, hoặc đẹp xấu, hoặc xa gần, tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng khác ngã, chẳng ở trong nhau." Trong đoạn kinh sau đây, Tương Ưng 22.99, đức Phật giảng rằng những người nào chưa thấu hiểu bản chất vô ngã của năm uẩn thời vẫn chịu sinh tử luân hồi như con chó bị cột bởi sợi dây thừng và chạy vòng quanh cây cột đó.

"Ví như, này các Tỷ kheo, có con chó bị dây thừng trói chặt vào một cây cột hay cột trụ vững chắc, chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh cây cột ấy hay cột trụ ấy. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc.... ... ...

Người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc, ...; người ấy không giải thoát khỏi sắc, ..., không giải thoát khỏi sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta tuyên bố rằng: 'Vị ấy không giải thoát khỏi khổ đau'. "

Những lời Phật thuyết giảng về sắc uẩn trên đây cũng lại như vậy đối với tâm uẩn gồm bốn uẩn còn lại là thọ, tưởng, hành, thức.

Trí, tình, ý.

Trong vỏ não, nằm kế cạnh các vùng nhận cảm là những vùng liên hợp (association areas), liên can đến quá trình nhận biết. Trong trường hợp con mắt chẳng hạn, mắt hình cầu, phía ngoài có một màng cứng (sclera) bảo vệ màu trắng với giác mạc (cornea) trong suốt ở phía trước. Phía trong, là màng mạch mềm với thể mi (ciliary body) và lòng đen (iris) ở phía trước. Thể mi bao quanh và gắn với thủy tinh thể (lens) bằng các dây chằng chéo. Các cơ của thể mi rất quan trọng trong việc thay đổi độ lồi lõm của thể thủy tinh để điều tiết sự nhìn xa hay gần của mắt. Giữa lòng đen là con ngươi (pupil), qua đó ánh sáng lọt vào trong và hội tụ bởi thể thủy tinh trên võng mạc (retina). Lòng đen có thể co giản như một màn chắn làm thay đổi kích thước của con ngươi để điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào mắt. Võng mạc nằm ở trong cùng mắt, chứa những tế bào nhạy cảm với ánh sáng (cone; thể nón, và rod; thể que). Thủy tinh thể cùng với giác mạc tạo nên hình ảnh ở võng mạc.

Khi các thế tác động hướng tâm phát xuất từ võng mạc truyền đến vùng nhận cảm thị giác sơ cấp là nơi thọ nhận ảnh mắt nhìn thấy, chúng liền được chuyển qua vùng liên hợp thị giác. Tại đây, những thông tin hiện tại được đem so sánh với kinh nghiệm quá khứ ("Vật này trước kia đã được nhìn thấy chưa?"). Tựa trên sự so sánh đó, vùng liên hợp thị giác quyết địnhnhận biết hay không những tín hiệu vào mắt và xác định ý nghĩa của những tín hiệu vào ấy. Thí dụ: Một người không hề quen biết ở trong một đám đông không làm ta chú ý nhiều cho bằng một người ta quen biết từ trước.

Vùng liên hợp thị giác giống như mọi vùng liên hợp khác đều tương quan liên hệ với nhiều bộ phận khác của vỏ não và chịu ảnh hưởng của các bộ phận này những khi quyết định. Chẳng hạn, nếu tín hiệu vào mắt được truyền từ thùy trán (frontal lobe) thời tín hiệu ấy gây xúc động khi tri nhận. Vì quan hệ với nhiều bộ phận khác của vỏ não và vì mỗi bộ phận gán một ý nghĩa riêng, nên mọi thông tin mắt chuyển đến vùng liên hợp thị giác tất nhiên mang theo nhiều ý nghĩa. Do đó, ta có thể hiểu vì sao hai người chứng kiến cùng một biến cố mà tri nhận và giải thích theo hai cách khác nhau về những sự việc xảy ra.

Trải qua nhiều triệu năm tiến hóa, não người là một thuần tạp thể (holon) phát triển từ thấp lên cao, những trung tâm cao là toàn bộ đối với các trung tâm thấp. Quá trình tiến hóa phát triển của não có thể suy ra bằng cách quán sát sự sinh trưởng từng phần của não theo thời gian khi còn ở trong phôi. Theo nhà thần kinh học McLean, não con người tiến hóa hình thành từ não loài bò sát (reptilian), phát triển thêm chung quanh não nguyên thủy một hệ viền (limbic system) trở thành não loài cổ thú (paleomammalian), và sau đó, thành hình não loài thú mới (neomammalian), do sinh khởi thêm một bộ phận mới nữa từ hệ viền với nhiều nếp cuộn lớn. Não hiện nay của con người là não loài thú mới, gồm ba bộ phận nói trên, cân nặng đến 3 pao (gần một kilôgam rưỡi) và kích thước lớn hơn ba lần so với não của loại linh thú (primate) như đười ươi, anh chị họ hàng gần nhất của loài người. Tất cả ba bộ phận đều dự phần cấu tạo cái thế giới khái niệm (đới chất cảnh) mà vọng tưởng tin là thế giới thực tại khách quan.

Não nguyên thủy chỉ gồm cuống não (brain stem) là phần hiện bao quanh phía đầu tủy sống. Đó là não của loài bò sát: rắn, thằn lằn, ..., phú bẩm một hệ thần kinh tối thiểu. Cuống não điều hòa mọi chức năng căn bản của sự sống như thở, chuyển hóa, thân nhiệt, cảm đau, đói, dục tính, và kiểm soát hầu hết phản ứng và chuyển động thông thường. Bộ phận não này không suy tưởng, không học hỏi. Đó chỉ là một tập hợp các chất điều hòa đã được lập trình nhằm giúp cơ thể vận hành tồn tạiphản ứng thích nghi với ngoại cảnh để thoát nạn. Người mà chỉ có não loài bò sát thời khi thọ nhận cái vui chỉ biết vui, thọ khổ chỉ biết khổ, thọ buồn chỉ biết buồn, chứ không so sánh, phân biệt gì cả.

Từ vùng viền quanh cuống não của loài cổ thú (paleomammal) là loài động vật mới xuất hiện trong quá trình tiến hóa của sự sống, sinh khởi những trung tâm thần kinh xúc động tạo nên hệ viền (limbic system) hay não cổ thú. Não cổ thú xuất hiện vào thời đại khủng long (dinosaur). Các đường dây liên kết neuron của não cổ thú có phần phức tạp hơn đối với não bò sát. Do đó não cổ thú có nhiều khả năng hơn để ứng phó với hoàn cảnh thường xuyên biến đổi. Nhờ phát sinh những năng lực mới như ghi nhớ và học hỏi, loài cổ thú biết so sánh kinh nghiệm trong hiện tại với trong quá khứ, do đó mà tránh không tái phạm những hành động sai lạc. Cách thức vận hànhtác dụng của não cổ thú trở thành cái mà ta gọi là tâm trạng hay tác dụng tâm. Nhờ hệ viền, loài cổ thú phân biệt được những mức độ khác nhau của sự sợ hãi hay phản ứng tùy cơ ứng biến

Tuy sinh trưởng bên trên não loài bò sát là não chỉ biết lãnh thọ, não cổ thú tức là những trung tâm thần kinh xúc động không hoàn toàn kiểm soát được não loài bò sát mà trái lại chỉ có thể tác dụng trong vòng ảnh hưởng kiềm tỏa của nó. Nghĩa là, chính do thọ khổ hay thọ vui mà ta ưa thích hay ghét bỏ, chấp cái này như thế này, cái kia như thế kia. Đức Phật thường dạy: "Danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, ...". Do lạc thọ mà sinh tham, do khổ thọ mà sinh sân, và do xả thọ mà sinh si. Mười loại tâm tiểu phiền não: phẫn, phú, xan, tật, não, hại, hận, siểm, cuống, và kiêu, tất cả đều do duyên thọ (não loài bò sát) mà sinh khởi.

Não bộ tiếp diễn tiến hóa, trong sọ của loài thú mới xuất hiện, loài linh thú (primate), nhiều lớp neuron sinh khởi thêm bên trên não cổ thú tức những trung tâm thần kinh xúc động và tạo thành một bộ phận mới gọi là vỏ não mới (neocortex). Vỏ não mới là những trung tâm thần kinh suy tưởng. Rõ ràng trong sự tương quan liên hệ giữa tư tưởngcảm xúc, não xúc động sinh khởi trước khi có não suy tưởng. Vỏ não mới chẳng những phát triển khả năng ghi nhớ và học hỏi, mà còn gây nơi linh thú một ý thức về mình là một cơ sở hoạt động cá biệt. Đáng ngạc nhiên nhất là chỉ cách đây mấy triệu năm thôi, khi loài người xuất hiện, vỏ não mới bành trướng rất nhanh, sinh khởi thêm rất nhiều nhóm tế bào, nhất là trong vùng thùy trán (frontal lobes). Sự bành trướng của não bộ lần này mang lại cho con người một lối nhìn và một quan niệm hành động mới, cách biệt rõ ràng người với các linh thú khác. Do vỏ não mới, con người biết sử dụng ngôn ngữ để phát biểutruyền thông, có khả năng lập kế hoạch lâu dài, thi thiết khái niệm, và cảm nhận sự hiện hữu của mình như một cá thể tách biệt với ngoại giới, ý thức khả năng đối phó và khống chế cái thế giới bên ngoài ấy để tồn tạisinh trưởng.

Vỏ não mới là trụ sở của tư tưởng, trong đó hoạt động những trung tâm thống giác có chức năng tập trung, liên kết, thống hợp, và xử lý tất cả dữ kiện cảm quan thu nhận. Có thể dùng danh từ "tư" của Phật giáo để biểu thị mọi phương diện hoạt động của những trung tâm thống giác này. Trong Câu xá quyển 13, có đưa ra ba trạng thái của tư: thẩm lự, quyết định, và động phát. Một cách tóm tắt, Phật giáo gọi đó là nghiệp, và phân làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp. Kinh bộ chủ trương hai nghiệp thân khẩu chẳng qua là sự sai biệt của ý nghiệp. Thành thật luận quyển 6, Tư phẩm 84, thời cho rằng tư lấy tham ái làm động cơ (nhân) rồi sinh nguyện cầu mà khởi tạo tác. Bởi vậy, xét về mặt biểu diện tư là một bộ phận của ý thức, nhưng mặt khác do phương diện hoạt động ý thức mà có, cho nên tư và ý cứu cánh chỉ là một. Nói một cách đại thể, ái, dục, tư, hành, nghiệp, ... là những tác dụng tâm có liên quan mật thiết với nhau, đại biểu cho quan niệm hoạt động ý chí. Theo các nhà thần kinh học, vỏ não mới là cơ cấu phát động của ý chí.

Nhiều nhận xét tâm lý học được đưa ra vin vào sự sắp đặt trên dưới của ba bộ phận trong não: não loài bò sát ở dưới đáy, não loài cổ thú ở bên trên, và trên chóp cùng là não loài thú mới. Có thuyết cho rằng do vị trí của nó, não trên chóp có khả năng tiết chế bản năng hành trạng của loài có máu lạnh và loài có vú. Nó được ví như cái nắp đậy phần vô thức của con người mà Freud gọi là Id (Di Ngã), tức là phần con người gồm những động lực bị dồn ép, những dục vọng bản năng luôn luôn tìm cách giải tỏa. Nhưng cũng có nhiều nhà tâm lý học nhận xét rằng con người thường sử dụng bộ phận não chóp bu để biện minh các hành động do hai bộ phận bên dưới gây ra. Đó là vì con người không muốn có ý nghĩ thuộc loài bò sát hay cổ thú nên thường rất bối rối những khi hành động giống chúng. 

Với nhận xét sâu sắc và chính xác của một triết gia khoa học, Thầy Tuệ Sỹ nói đến quá trình tiến hóa của con người như sau.

“Trong quá trình tiến hóa, từ một vi sinh vật tồn tạiphi hành trong ánh sáng, xuất hiện vào một thời điểm nhất định trong một chu kỳ thành trụ hoại không của thế giới, con người cũng chỉ là một sinh vật trong các sinh vật khác, nhưng do thừa hưởng kết quả quá khứ mà bẩm sinh với một hữu thể tồn tại được phát triển dần thành hai yếu tố vừa độc lập vừa bất phân là danh và sắc. Trên cơ sở đó, ý thức được phát triển càng lúc càng cao do vừa lấy ngoại giới làm đối tượng vừa phản chiếu trên chính nó như là chuỗi tồn tại liên tục của một tự ngã.

Cho đến khi ý thức về sự tồn tại của một tự ngã đuợc hình thành, con người tự tách mình ra khỏi thế giới quanh mình, phân biệt những gì thuộc về ta và những gì không thuộc về ta. Cũng như để tăng lớn thể tích của thân xác, con người, cũng như các sinh vật khác, cần hấp thụ các dưỡng chất từ ngoại giới, cũng vậy, để tăng lớn tự ngã, con người cần chinh phụcchiếm hữu. Từ đó hình thành một ý thức về sự tích lũy. Tích lũy như vậy không phải là một khái niệm tiên thiên, không phải là ý thức tiên nghiệm, mà là một hình thái đặc biệt của ý thức xuất hiện vào một thời điểm có ý nghĩa trong quá trình tiến hóa.

Tích lũy tất nhiên dẫn đến xung đột, cạnh tranh. Mâu thuẫn xã hội bắt đầu, trật tự cũ bị đảo lộn. Một định chế mới cần được thiết lập để điều hòa những mâu thuẫn, xung đột, do hệ quả của cạnh tranh. Chính quyền đầu tiên được gọi theo tiếng Pali là Mahàsammato, được bầu lên bởi đại chúng. Người đứng đầu cơ cấu mới này được gọi là Ràjà, mà sau này thường được hiểu là vua, hay người cai trị. Nhưng theo định nghĩa của Pali, ràjà có nguồn gốc từ động từ ràjati, “nó làm vui lòng”. Như vậy, chính quyền hay vua là trọng tài xã hội, được bầu lên và được ủy quyền điều hòa những mâu thuẫn xã hội.” (Giới thiệu Duy ma cật. Chương IV: Thực tiễn hành đạo)

Nhiều nhà thần kinh học tin rằng hiện nay con người chưa sử dụng trọn vẹn khả năng của não. Nếu quả thật như vậy, thời hiện nay con người là một thuần tạp thể đang ở trong thời kỳ biến dị. Quá trình tiến hóa đang tiếp diễn sẽ chuyển biến con người thành một thuần tạp thể mới với một mức độ ý thức mới tương ứng với cái phần khả năng của não chưa tận dụng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant