DUY THỨC HỌC YẾU LUẬN
Hòa Thượng Thích Từ Thông
Huỳnh Mai Tịnh Thất - Sàigòn 1992 - Phật Lịch 2536
Bài Thứ Tư
Hỏi: Thức năng biến thứ ba gồm có những gì?
Bài Tụng Duy Thức Đáp:
Thức Năng Biến Thứ Ba
Có Sáu Thứ Sai Biệt
Tiếp Nhận Tốt Tiền Cảnh
Thiện, Bất Thiện Câu Phi
Những Tâm Sở Biến Hành
Biệt Cảnh, Thiện, Phiền
Não
Tùy Phiền Não, Bất Định
Cả Ba Thọ Tương Ưng
Giải Thích Thuật Ngữ:
Sáu thức sai biệt:
1. Nhãn thức: Sự tiếp nhận phân biệt sắc cảnh của mắt
2. Nhĩ thức: Sự tiếp nhận phân biệt thanh cảnh của tai
3. Tỷ thức: Sự tiếp nhận phân biệt hương cảnh của mũi
4. Thiệt thức: Sự tiếp nhận phân biệt vị cảnh của lưỡi
5. Thân thức: Sự tiếp nhận phân biệt xúc cảnh của thân
6. Ý thức: Sự tiếp nhận phân biệt pháp cảnh của ý
Câu phi: Phi cả hai: Phi thiện, Phi ác. Vô ký. Câu phi là tánh vô ký.
Tâm sở: Tâm sở hữu pháp: Pháp sở hữu của Tâm vương.
Ba thọ: Lạc thọ, Khổ thọ, Xả thọ (Xem lại bài thứ hai).
Yếu luận
Năng biến thứ ba gồm sáu thức, gọi bằng một tên chung: Tiền lục thức.
Thức nương căn mà phát khởi, gá cảnh sinh phân biệt; vì vậy, căn, cảnh, thức không có lúc rời nhau.
Nhãn căn sinh nhãn thức phân biệt sắc cảnh.
Nhĩ căn sinh nhĩ thức phân biệt thanh cảnh.
Tỷ căn sinh tỷ thức phân biệt hương cảnh.
Thiệt căn sinh thiệt thức phân biệt vị cảnh.
Thân căn sinh thân thức phân biệt xúc cảnh.
Ý căn sinh ý thức phân biệt pháp cảnh.
Thức đứng trung gian giữa Căn và Cảnh. Sự liên hoàn giữa căn, cảnh, thức chi phối bao quát hết mọi vấn đề trong vũ trụ nhân sinh.
Các nhà Phật học thông thường, người ta gọi sự liên hoản của tam đầu chế này là: căn, trần, thức. Ở đây, bỉ nhân tôi không nói theo ngôn từ mà nhiều người trước đã dùng, nhằm lưu ý cho ngưởi học Phật: Rằng hiện tượng sum la trước mắt không hề có chất nhiễm ô, càng không hề làm đau khổ hay là nguyên nhân đau khổ cho ai. Qua cái thấy của nguời nhiễm nặng "vi rút" Đại thừa; sự liên hoàn đó phải được nói: căn, cảnh, thức.
Đi sâu vào Duy thức học, để minh chứng tính duyên sinh, vô ngã, căn và thức còn nhiều lắm vấn đề phải... biết.
Y, phát, thuộc, trợ, như.
Đó cũng là những yếu tố cấu tạo, duyên sinh ra thức.
"Nhãn thức cửu
duyên sinh
Nhĩ thức duy tùng bát
Tỷ, thiệt, thân tam thất
Hậu tam, ngũ tam
tứ".
Nhãn thức sinh cần chín điều kiện, thiếu một, nhãn thức không sinh khởi được. Đó là:
Không, minh, căn, cảnh, tác ý, phân biệt, nhiễm tịnh, căn bản, chủng tử.
Nhĩ thức cần tám. Bỏ món minh.
Tỷ, thiệt, thân, ba thức này cần bảy. Bỏ không và minh.
Ý thức cần năm. Bỏ không, minh, phân biệt, nhiễm tịnh.
Mạt na cần ba. Bỏ không, minh, căn, cảnh, phân biệt, nhiễm tịnh.
A lại da cần bốn. Bỏ không, minh, căn, nhiễm tịnh, căn bản.
Tiền lục thức (năng biến thứ ba) đủ cả ba tánh: thiện, ác và vô ký, tương ứng hết năm mươi mốt tâm sở.
Tâm sở có sáu loại, gồm năm mươi mốt món:
- Biến hành : 5
- Biệt cảnh : 5
- Thiện : 11
- Phiền não căn bản : 6
- Tùy phiền não : 20
- Bất định : 4
Tóm lại, ngã tướng là pháp đối tượng sở biến. Bát thức tâm vương (ba món năng biến) là chủ thể năng biến.
Bát thức tâm vương tự ?biến" ra ngã tướng, tự đặt niềm tin, tự tôn thờ, thậm chí lạy lục, khấn khứa van xin, nguyện cầu với "ông" ngã tướng do trí tưởng tượng tạo ra không dựa vào chân lý.
Nghiên cứu ba món năng biến, thấy rõ sự tương quan tác động của tâm vương, tâm sở hữu pháp, sắc pháp, tâm bất tương ưng hành và vô vi pháp. Người ta đủ sức kết luận:
"Nhất thiết pháp vô ngã""Hiện tượng vạn pháp duyên sinh tồn tại khách quan".