- Chúc Thư Đầu Nhọn Hạt Ngọc
- Lời Khai Thị Cho Trisong Deutsen
- Không Có Sự Xung Đột Giữa Tiểu Thừa Và Đại Thừa
- Xâu Chuỗi Hạt Bằng Vàng Của Cam Lồ
- Những Bài Ca Cho 25 Đệ Tử
- Khai Thị Thực Hành Phật Pháp Như Thế Nào Cho Đúng
- Chỉ Cây Gậy Vào Người Già
- Lời Khai Thị Bằng Miệng Về Thực Hành
- Viên Ngọc Như ý Của Sự Hồi Hướng
- Một Khuyến Khích Thực Hành Tâm Linh
- Lời Nguyện Mạn Đà La Kim Cương Giới
- Chú Thích & Bảng Thuật Ngữ
bằng vàng của Cam Lồ
Kính lễ đại sư Padmasambhava ! Người Sanh Từ Hoa Sen của xứ Uddiyana là hóa thân của tất cả chư Phật ba đời, vị vidyadhara vĩ đại của toàn giác bất hoại. Ngài được mời đến Tây Tạng do đức vua và người trị vì Trisong Deutsen. Khi ở đó, tôi, Tsogyal, phụng sự ngài như là người phối ngẫu tâm linh và người phục vụ. Một lần, khi ở trong động Tidro xứ Shotoš, tôi được chỉ cho và nhận ra ý nghĩa của Tâm Yếu Vô Thượng Thậm Thâm của Đại Toàn Thiện. Tôi xác quyết được trạng thái bổn nhiên qua cái thấy như là kinh nghiệm trực tiếp, nó không phải là giả định. Choáng váng vì ngạc nhiên, tôi, công chúa của Kharchen, hỏi rằng :
Kỳ diệu thay ! Đại sư, vì tất cả các điểm then chốt của Tâm Yếu của Mantra Ẩn Mật đều bao gồm trong ba nguyên lý yếu tính, bản tánh và công dụng,(5) trong ba cái này có thể có sự sai lạc nào hay không ?
Đạo sư nói : Tsogyal, con hỏi điều đó thật là tuyệt hay. Thật vậy, mọi điểm then chốt của Tâm Yếu Thậm Thâm đều chứa đựng trong yếu tính, bản tánh và công dụng. Khi một người không hiểu, có ba đường lối đi lạc. Để giải thích điều này, có bốn điểm : cách đi lạc, dấu hiệu của sự đi lạc, khuyết điểm của điều này, và hậu quả của sự đi lạc.
Thứ nhất, cách đi lạc khỏi yếu tính. Tổng quát, ‘yếu tính’ đơn giản là trạng thái bổn nhiên của tánh Giác của con – sự tỉnh giác không giả tạo và không hư hoại. Từ vô thủy đến bây giờ, tánh Giác này thường trụ như một cái biết trống không, nó không được tạo tác từ bất cứ thứ gì. Khi, thay vì an trụ ngay như vậy, có người tu hành bằng cách tưởng tượng nó là trống không, thế là người ấy không thoát khỏi thái độ ý niệm danh tướng của sự trụ vào cái trống không. Bởi thế người ấy lạc vào cái gọi là ‘Tánh Không hư vô luận’.
Dấu hiệu của sự đi lạc là bắt đầu có những suy nghĩ như là “Không có chư Phật ở trên ! Không có chúng sanh bên dưới ! Mọi sự đều không vì chúng không hiện hữu !”
Khuyết điểm của cách đi lạc này là tư tưởng ý niệm, “tất cả đều không.” Một thái độ như vậy làm cho con bỏ mọi hình thức của hoạt động tâm linh như là sùng mộ và tri giác thanh tịnh, quy y và Bồ đề tâm, tâm từ và bi vân vân. Con lại dấn thân vào các theo đuổi thế tục. Đối với cái xấu, thái độ này làm cho con đi vào một cách buông tuồng trong các hành động không đức hạnh. Người nào hành động trong đường lối hư hỏng này chắc chắn sẽ không có chỗ nào khác ngoài Địa Ngục Kim Cương.
Làm hư hỏng chân lý của cái vốn là thiện đức, hậu quả của một thực hành điên rồ như vậy sẽ là tái sanh làm một kẻ chấp không cực đoan. Làm hư hỏng chân lý nhân quả, con sẽ chìm đắm trong đại dương của đau khổ.
Tsogyal, có nhiều người tuyên bố thấu hiểu tánh Không, nhưng ít người thấu hiểu trạng thái bổn nhiên tối hậu.
Bây giờ, về ‘bản tánh’, cũng có bốn điểm để đi lạc, mà điểm thứ nhất, đi lạc khỏi bản tánh là như sau. Quang minh tự nhiên của tánh Giác trống không nó là hiện diện sáng tỏ như là các Thân và trí huệ không có thân (hình tướng) với đầu và tay, không có màu sắc, và không được tạo từ bất cứ thuộc tính hữu hạn nào. Quang minh bổn nhiên của tánh Không này tự có như là một phẩm chất thông tỏ nó không chia lìa khỏi tánh Không. Không nhận ra tánh Không thông tỏ này như là một nhất thể không thể phân chia thì gọi là “cái giác lạc vào tri giác nhị nguyên.”
Dấu hiệu của người nào đi lạc vào lối này là người ấy phát biểu các từ ngữ giáo pháp theo một cách cực đoan. Dầu được dạy cho những lời diễn tả cái nhất thể này, tâm nó cũng không thể nắm được chúng.
Khuyết điểm của sự đi lạc theo lối này là thái độ ý niệm danh tướng khi nhìn đối tượng như là cụ thể có thực sẽ ngăn cản con không hiểu được giáo lý Duy Tâm. Qua biên kiến nặng nề này, con xa lìa khỏi con đường và các cấp bậc đi đến toàn giác. Người nào trụ vào cái được thấy như là một thực tại vững chắc thì không phải là một ứng viên cho giải thoát !
Hậu quả của sự lạc đường này là, bên ngoài, phải sanh lại trong Sắc giới vân vân, vì đem sự chấp tướng vào trong quang minh hiển lộ. Bên trong, thái độ một chiều này, sự thất bại không nhận ra tánh Giác như là sự thông tỏ trống không, là nguyên nhân không thể giải thoát.
Tsogyal, nhiều người tuyên bố đã nhận ra Quang minh, nhưng có ít người tu hành trong nhất thể của cái biết trống không !
Bây giờ về công dụng, có bốn điểm đi lạc, thứ nhất là đường lối, cách thức đi lạc khỏi công dụng. Trong yếu tính, bất kể chúng xuất hiện như thế nào, các tư tưởng khác nhau biểu lộ từ tánh Giác như là sự sáng chiếu tự nhiên của sự thông tỏ trống không thì không bao giờ vượt ngoài tánh Giác trống không. Không hiểu được điều này thì gọi là “đi lạc khỏi tánh Giác trống không.”
Dấu hiệu đi lạc vào lối này là các tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi đều dấn mình vào các cuộc theo đuổi cuộc đời thế tục.
Khuyết điểm của loại đi lạc này là một thái độ ý niệm như thế, trong đó tư tưởng xảy ra không hiện lên như là Pháp thân, sẽ trói buộc con trong mạng lưới của tư tưởng sanh khởi, như vậy làm tê liệt sự thực hành tâm linh của con. Các thói quen tiêu cực thống trị của các khuynh hướng tiềm ẩn làm cho con theo đuổi các mục tiêu của cuộc đời này. Bị khóa trong những cái còng của nghi ngờ nhị nguyên, con tự cột mình vào hy vọng và sợ hãi.
Hậu quả của sự đi lạc theo lối này là làm vững chắc thêm các khuynh hướng thói quen bởi vì không nhận ra sự đi lạc của các tư tưởng ; tiêu phí đời mình trong phóng dật bởi vì không nhớ các hậu quả của nhân quả ; và khi con chết, sẽ đi lạc vào ba cõi.
Nhiều người tuyên bố tự do khỏi tư tưởng, nhưng ít người thấu rõ điểm then chốt như thế nào chúng thoát khỏi sự sanh khởi.
Bà Tsogyal lại hỏi : Vì thật vô nghĩa nếu không cắt đứt ba lối lầm lạc này, làm thế nào chúng ta chuyển hóa nó ?
Đạo sư trả lời : Tsogyal, yếu tính trống không của tánh Giác của con thì không do cái gì tạo ra. Không nhân và duyên, nó hiện tiền xưa nay. Chớ cố công thay đổi hay làm biến chất tánh Giác. Hãy để nó hiện hữu đúng như nó là ! Như thế con sẽ thoát khỏi đi lạc và tỉnh giác ở trong trạng thái của thanh tịnh bổn nguyên.
Cùng như thế, bản tánh thông tỏ của con thì hiện tiền một cách nguyên thủy và tự nhiên, không tách lìa tánh Không. Sự biểu lộ của nó, cái công dụng vô ngại của bất cứ cái gì sanh khởi, thì không có sự hiện hữu cụ thể, là vô tự tánh. Hãy nhận biết rằng cả ba phương diện (của tánh Giác) là một nhất thể vĩ đại không thể phân chia. Như thế con tỉnh ngộ như là tính không thể phân chia của Ba Thân.
Một lần nữa Bà Tsogyal hỏi : Đâu là những con đường lạc khỏi cái thấy, thiền định và hạnh ?
Đạo sư trả lời : Nghe đây, Tsogyal ! Trước tiên, về cái thấy, có năm điểm : Sự lầm lạc của chính cái thấy, sự lầm lạc của chỗ ở, sự lầm lạc về bè bạn, sự lầm lạc của phiền não, và sự lầm lạc của tính một chiều.
Thứ nhất, đối với sự lầm lạc của chính cái thấy : cái thấy thông thường của Pháp là xác định rằng tánh Không thì vượt khỏi các giới hạn, nhưng trong bối cảnh này thiền giả của Tâm Yếu chấp nhận rằng tánh Không là một hiện thực trực tiếp. Khi con hoàn thành sự chứng ngộ thực sự và tối hậu, hai cái này (tánh Không và kinh nghiệm về cái hiện thực) là không thể phân chia. Nhưng nếu con không chứng ngộ, bấy giờ cái thấy thông thường, nó là một cái thấy giả định, không giải quyết được nghĩa hiện thực : đây là sự lầm lạc căn bản của cái thấy. Khi con không tin vào cái thấy thực tại hiện thực mà xem một cái thấy thuộc về danh cú giả định như là tối hậu, con sẽ có những nhận xét như “Mọi sự là vượt khỏi điểm quy chiếu, vô tạo tác, và thoát ngoài mọi đối cực !” Cư xử theo cách đó làm lẫn lộn thiện hạnh và tà hạnh, con có những phát biểu như “Không có tốt và xấu ! Không có phước đức gì từ những hành động đức hạnh ! Không có tai hại gì từ tà hạnh ! Mọi thứ đều vốn giải thoát và bình đẳng !” Như thế con vẫn là một người bình thường. Đây gọi là “cái thấy ma quái truyền bá hắc đạo,” và nó là gốc rễ của mọi đường lối sai lầm của cái thấy.
Tsogyal, nếu con muốn không lạc vào lối này, cốt yếu là hành động tương ưng với cái thấy bất nhị, sự thông tỏ tự nhiên trong thực tại, không lìa khỏi hạnh đặt căn bản trên nhân quả sâu xa.
Thứ hai, về sự lầm lạc của chỗ ở, thông thường có dạy rằng để hoàn thành sự chứng ngộ tối hậu về cái thấy, người nào có một chứng ngộ tạm thời về cái thấy phải đến một nơi hẻo lánh, rộng thoáng, như là một chỗ ẩn cư trên núi hay nghĩa địa. Con có thể sở hữu tạm thời cái thấy, nhưng để duy trì nó, con phải ở trong thất trên núi. Một chỗ ở xấu thật ra có thể làm cho cái thấy của con bị lầm lạc.
Tsogyal, nếu con muốn tránh lối lầm lạc này, hãy hộ trì cái thấy tạm thời của con ở những nơi ẩn cư núi non !
Thứ ba, đối với sự lầm lạc về bè bạn, thông thường có dạy rằng người nào tạm thời có cái thấy phải ở với những bạn đồng tu hòa hợp với Pháp và không gây ra phiền não. Giữ sự liên lạc với các bạn xấu, con không thể tránh được bị ảnh hưởng bởi đường lối xấu của họ. Đó là gốc rễ của lầm lạc vì nó dẫn con vào sự theo đuổi các mục đích của đời này, ngăn cản con hộ trì cái thấy, và làm tăng phiền não.
Tsogyal, nếu con muốn tránh lối lầm lạc này, hãy cắt đứt sự ràng buộc với bạn bè không cần thiết và ở yên nơi cô tịch !
Thứ tư, về sự lầm lạc của phiền não, người nào tạm thời có cái thấy thì chưa thể hoàn toàn vượt qua các phiền não. Người ấy có thể dấn thân vào các phiền não vì một số hoàn cảnh bên ngoài. Trong sự dấn thân ấy, dầu chỉ trong một niệm, nghiệp được sản sanh. Nếu sự dấn thân kéo dài một thời gian, con mắc phải các nghiệp xấu theo chiều hướng năm độc sanh ra nghiệp xấu trong mỗi cái của sáu thức. Đời này hay mai sau con sẽ gặt quả, bởi thế, con phải tức thời chánh niệm không màng đến phiền não nào mình cảm thấy và buông lỏng sự chú tâm. Tu hành từ và bi đối với tất cả chúng sanh, mà từ phiền não của họ, họ sẽ tạo ra nghiệp. Cầu nguyện vị thầy của con, khấn rằng : “Xin ban phước cho con để dùng được phiền não như con đường.” Tu hành hàng ngày thần chú tịnh hóa các hạt giống phiền não. Chấm dứt với sự thư giãn trong trạng thái của cái thấy rồi hồi hướng và phát nguyện.
Nếu con thực hành theo lối này, con sẽ đạt được cả hai những hiệu quả tạm thời và tối hậu. Nhưng nếu không, con sẽ đắm trong đầm lầy phiền não và hỏng dịp hoàn thiện cái thấy ; đây là nguyên nhân gay gắt nhất của sự lầm lạc.
Tsogyal, nếu con muốn tránh lạc vào lối này, hãy áp dụng phương thuốc cho bất kỳ phiền não nào con cảm thấy và như thế dùng nó như con đường của con !
Thứ năm, sự lầm lạc của tính một chiều, ngay cả người sở hữu cái thấy một cách tạm thời cũng có thể lạc vào quan điểm triết học của trường phái tư tưởng riêng của mình. Trích dẫn từ kinh điển, với tính cách một chiều và biên kiến, thành kiến, họ phân biệt giữa mình và người, cao và thấp. Làm như thế là sự lầm lạc căn bản muốn đo lường cái thấy không giới hạn, vĩ đại của chư Phật bằng ý thức ý niệm danh tướng của một thường nhân và tạo ra những giả định về nó.
Tsogyal, nếu con muốn tránh đi lạc theo lối này, hãy nhận ra cái thấy vĩ đại không giới hạn của giải thoát !
Về phương diện thứ hai, các lầm lạc của thiền định, cũng có năm điểm : sự lầm lạc của chính thiền định, sự lầm lạc của chỗ ở và bạn bè, sự lầm lạc của thiền định sai lầm, và sự lầm lạc của các phiền não.
Thứ nhất, sự lầm lạc của chính thiền định, đó là khi người đệ tử không hiểu được thực tại hiện tiền mà vị thầy chỉ thẳng cho. Thế rồi người ấy đi lạc do lầm lộn yếu tính, bản tánh và công dụng, và do bởi không nhìn thấy chúng không cách lìa với tánh Không và tánh Giác.
Giải thích thêm điều này : sau khi thực hành theo loại giáo lý truyền miệng của thầy con, nếu con bám vào cảm giác phúc lạc trong thân và tâm, con sẽ lạc vào sự sanh lại như là một vị thiên hay người trong các cõi Dục. Nếu con vướng mắc vào trạng thái của tâm nó đơn thuần là vô niệm, con lạc thành một vị thiên trong các cõi Sắc. Nếu con bị hấp dẫn bởi sự trong sáng và vô niệm, con lạc thành một vị thiên trong các cõi tịnh. Nếu con vướng mắc vào lạc phúc và vô niệm, con lạc thành một vị thiên trong Dục giới. Nếu con bị hấp dẫn bởi trống không và vô niệm, con lạc thành một vị thiên của Vô Sắc giới. Trong những lối ấy, con lạc vào ba cõi.
Nếu con ngừng dòng cảm thức các đối tượng, con lạc vào cõi tri giác của Không Vô Biên Xứ. Nếu con ngừng các cảm giác, như trường hợp ngủ say, con lạc vào cõi tri giác của Vô Sở Hữu Xứ. Nếu con ngừng cái được thấy trong khi cái biết còn sanh động, con lạc vào cõi tri giác của Thức Vô Biên Xứ. Nếu con còn một cảm giác mong manh về phúc lạc trong khi tiếp tục không có gì được thấy, con lạc vào cõi tri giác của Không Hiện Diện Cũng Không Vắng Mặt, Các cái này gọi là “rơi vào Chỉ (shamatha) một chiều,” và khi con chết và chuyển sanh, con tiếp tục lạc vào sáu loài của Ba Cõi.
Tsogyal, không cần phải rớt lại vào sanh tử, thế nên, hãy cắt đứt các lầm lạc của sự thực hành thiền định ngu muội !
Hơn nữa, nếu con tin vào cái thấy của người bình thường thấy có tâm và cảnh, con lạc vào sự bình thường duy vật. Nếu con nhìn chúng theo cách biên kiến một chiều như là có hoặc không có, con lạc vào thường kiến hoặc đoạn kiến cực đoan. Nếu con tin rằng đối tượng sự vật hiện hữu lìa ngoài tâm thức, con lạc vào Thanh Văn hoặc Bích Chi. Nếu con nói rằng các tri giác đều là tâm thức, con lạc thành một người theo phái Duy Tâm. Nếu con tin rằng thế giới và chúng sanh là các hóa thần, con lạc vào Mật Chú. Có ích lợi gì của sự thực hành thiền định mà không biết làm sao cắt đứt các lầm lạc này !
Vâng, xin hãy cho con phương pháp cắt đứt sự đi lạc, bà hỏi.
Đạo sư trả lời : Tsogyal, nếu con muốn tránh đi lạc vào các lối này, trước tiên hãy có được một sự học rộng ; tiếp theo, tập trung vào giáo lý trực chỉ ; và cuối cùng, khi áp dụng nó trong thực hành, phải hiểu các đường lối đi lạc đề cập ở trên không gì khác hơn là sự bám chấp và sự tham dính vào các trạng thái thiền định. Thiền định giống như ví dụ một con thỏ ngủ trong tổ một con diều hâu hay như sự tập trung của một người bắn cung thì không phải là nguyên nhân cho giải thoát. Chẳng kể loại kinh nghiệm tạm thời nào mà con có, hãy đơn giản buông xả và ở yên trong bất cứ thứ gì được kinh nghiệm, không cố gắng phát triển hay làm biến chất, không hy vọng và sợ hãi, và không lấy và bỏ. Khi tự do khỏi sự trụ vào bất cứ điều gì được kinh nghiệm, thì không có nguyên nhân để đi lạc.
Thứ hai, đối với sự chỉ dạy về sự lầm lạc của chỗ ở và của bạn bè, thiền giả phải tu hành trong một nơi có những tính cách chân chánh. Nếu con ở trong một ngôi chùa phóng dật hay một nơi làm tăng thêm mạng lưới phiền não, sự thương và ghét sẽ làm cho con bị phủ ngập bởi các phiền não này do bất tịnh về đạo đức và những cúng dường con nhận được. Giữ liên lạc với các bạn xấu sẽ ngăn chặn sự tiến bộ trong thiền định và giống như tự mua cho con thuốc độc.
Tsogyal, nếu con muốn thực hành Pháp trong một con đường đích thực, tối quan trọng là cắt các mối ràng buộc vào các nơi chốn và bạn bè xấu vân vân. Thế nên hãy bỏ chúng đi !
Thứ ba, về sự lầm lạc của thiền định sai lầm, khi cố gắng duy trì trạng thái thiền định con có thể kinh nghiệm hôn trầm, xao động và tán tâm.(6) Về hôn trầm, có sáu loại : hôn trầm do chỗ ở, do bạn bè, do thời gian, do thức ăn, do tư thế và do thiền định.
Thứ nhất, hôn trầm do chỗ ở xảy ra vì ở trong một khu rừng hay một hẻm núi nằm thấp, hay trong một vùng, một làng kém đạo đức. Về mặt trí óc con cảm thấy mờ tối, các bindu không rõ ràng, sự tỉnh giác như bị mây che, con cảm thấy rất buồn ngủ, thân thể nặng nề. Trong những trường hợp này, làm các lễ nghi tẩy tịnh và sám hối ; đến chỗ khoáng đạt ; thiền định trong một nơi có trời trong, không mây, mở cửa sổ cho không khí trong lành ; hãy tưởng tượng con đang ở trên đỉnh một ngọn núi tuyết và xúc chạm với gió mát. Các phương pháp này sẽ trừ sạch hôn trầm.
Thứ hai, hôn trầm do mối liên lạc bạn bè xảy ra do ở với người hạnh kiểm xấu hay với một phối ngẫu tính cách không sạch vì người ấy có thể có những quan hệ bừa bãi. Chính con cũng bị ô nhiễm luôn. Trong trường hợp này, nỗ lực trong các nghi lễ để thành tựu và sám hối và để tịnh hóa. Hãy cảnh giác với người phá hư các thệ nguyện hay hạnh kiểm dơ bẩn. Tìm kiếm một phối ngẫu có phẩm hạnh, người ấy phải đã nhận sự truyền pháp, và không cho phép sự quan hệ bừa bãi. Điều ấy sẽ làm sạch hôn trầm.
Thứ ba, hôn trầm do thời gian là cảm thấy tối tăm và buồn ngủ vào mùa xuân hay mùa hè, và được xóa sạch bằng cách đi đến các núi tuyết và các địa điểm tương tự.
Thứ tư, hôn trầm do thức ăn và đồ mặc là cảm thấy mờ đục và bị che ám từ thức ăn của người khác hay đồ mặc dơ bẩn. Khi thực hành con phải tránh thức ăn của người khác và đồ mặc dơ bẩn. Điều đó sẽ làm sạch hôn trầm.
Thứ năm, hôn trầm do tư thế, là khi một người sơ học trở nên buồn ngủ do bởi nằm dài người và những tư thế tương tự. Trong lúc tu tập thiền định hãy giữ ba tư thế hay tư thế kim cương (ngồi tréo chân), làm mạnh mẽ tâm thức, làm hưng phấn các giác quan của con, và hãy thiền định với sự sáng tỏ sống động. Điều ấy sẽ làm sạch hôn trầm.
Thứ sáu, hôn trầm do thiền định đến sự từ thiền định với một tâm thái chán nản của tâm, như vậy cảm thấy hoàn toàn tối tăm và buồn ngủ. Hướng đôi mắt về bầu trời và trong một cách thăng bằng, hãy tỉnh giác một cách sắc bén và làm bén nhạy trí huệ của con. Điều ấy làm sạch hôn trầm.
Các bản văn về các cấp độ tiệm tiến của con đường dạy rằng hôn trầm và xáo động là do lỗi lầm không làm sống động được tỉnh giác. Tsogyal, các chướng ngại của thiền định không thể trừ sạch trừ phi con siêng năng cần cù !
Tiếp theo, về xáo động, có hai loại : xáo động do chỗ ở và xáo động do hoàn cảnh. Xáo động do chỗ ở xảy ra khi, thiền định ở một nơi sáng sủa và cao ráo, sự tỉnh giác của con trở nên trong sáng, sự chú tâm không ổn định được và các tư tưởng lay động và phân tán. Nếu con để cho mình đi vào bất kỳ thứ gì bắt lấy sự chú tâm của con, con sẽ làm mồi cho phiền não. Để đối phó với điều này, hãy nhìn thẳng vào điểm gặp nhau giữa mặt đất và bầu trời. Nếu chuyện đó không làm cho con yên lặng, thì hãy áp dụng cái nhìn (xuống) của một Thanh Văn, và đôi khi chú tâm vào một vật. Ban đêm, đi ngủ trong khi tưởng tượng rằng tâm con đi vào một bindu màu đen, ở trong hai đầu mối kinh mạch hình quả trứng nằm trong hai lòng bàn chân con. Đây là một lời dạy, nhưng tốt hơn là tập trung tâm con vào chữ A trong chỗ bí mật của con. Khi một tư tưởng thình lình xảy ra, hãy nhận ra nó, dùng chữ PHAT, và giữ hơi lại ; sau đó, thư giãn hoàn toàn và buông xả. Sau đó, theo dõi người tư tưởng và rồi con trụ trong trạng thái không tìm kiếm gì. Điều này sẽ làm sạch xáo động.
Xáo động do hoàn cảnh xảy ra khi do một biến cố bên ngoài, con đi theo một tư tưởng, và tâm con trở nên lay động và phân tán trong một phiền não. Khi điều ấy xảy ra, hãy giữ thái độ “Chẳng cần phải làm gì cả !” Tu hành từ và bi, xả ly, phương tiện và trí huệ, và sùng mộ. Tiếp theo đó, kiên trì thực hành như trong thời gian của cái thấy. Điều này làm sạch xáo động.
Điểm thứ ba, về lỗi của tán tâm, có hai phần : tán tâm do thiếu hiểu biết và tán tâm do hoàn cảnh. Tán tâm do thiếu hiểu biết là khi không có tiến bộ bất kể con thiền định nhiều bao nhiêu. Đó là vì không biết làm sao phân chia sự thực hành thành các thời công phu. Con lại ngược với lời dạy và thầy của con ; hay là, không biết làm sao phân biệt giữa lý thuyết và kinh nghiệm, con thành một thiền giả ngu si.
Đối phó với điều này, hãy cầu nguyện thầy con ; phát triển sự xác tín vào giáo huấn bằng lời ; chia sự thực hành của con thành các thời và lập lại chúng nhiều lần. Không bận rộn công việc, hãy thiền định trống trải và tự do. Khi cảm thấy sáng tỏ, cắt đứt tán tâm và tiếp tục thiền định. Điều đó sẽ cắt đứt tán tâm và tăng trưởng kinh nghiệm.
Thứ hai, tán tâm do hoàn cảnh xảy ra khi do một vài biến cố bên ngoài, con rơi vào năm độc hay sáu loại tri giác của thức, trở nên phóng tâm và mất chánh niệm. Để đối phó với điều này, áp dụng tức thời phương thuốc, cắt ra từng mảnh sự trụ tâm vào cái được thấy, và nhìn nó như một ảo ảnh huyễn hóa.
Tsogyal, nếu con muốn cắt đứt các sự lầm lạc này, hãy đánh vào mũi-heo của các phiền não !
Thứ tư, về sự lầm lạc của các phiền não : người cố gắng duy trì sự tu hành thiền định sẽ gặp nhiều kẻ thù và trộm cướp – là các phiền não của mình. Chúng có thể phân thành năm phạm trù : sân, kiêu mạn, tham, ghen ghét và si mê. Từ các gốc rễ này khởi ra 84.000 phiền não chúng sẽ không cho con ở yên trong thiền định. Mỗi thứ của năm độc này đưa con vào năm phiền não, chúng kéo con thêm vào sanh tử. Thế nên chớ để cho bị phóng tâm bởi chúng bằng một thái độ cẩn trọng của một bà mẹ đã lạc đứa con độc nhất của mình. Hãy bỏ đi các xúc động này, như khám phá ra một con rắn độc trên đùi mình. Hãy nhận ra chúng, báo động và tỉnh thức, và thực hành theo cùng một cách như khi tu hành cái thấy. Trừ phi con thực hành theo cách này, nếu không nghiệp xấu sẽ được tạo ra trong mỗi khoảnh khắc.
Tsogyal, nếu con muốn tránh đi lạc theo lối này, hãy nỗ lực chống lại một cách khéo léo đối với năm độc, bằng cách chấp nhận và khước từ đúng đắn, mà không lìa sự canh chừng của thức giác !
Trong bất cứ trường hợp nào, khi con chưa đạt đến ít nhiều vững chắc an định trong cái thấy và thiền định, cần thiết phải lánh vào nơi cô tịch như một con nai bị thương. Lướt nhanh qua các phiền não như gặp một con rắn độc.
Bà Tsogyal lại hỏi : Một hành giả Mật chú có phải dùng mọi phiền não như con đường không ?
Đạo sư trả lời : Dĩ nhiên chúng phải được đưa vào con đường ! Nhưng chỉ có một con công mới có thể ăn thuốc độc. Người có thể dùng phiền não như con đường mà không bỏ chúng thì hiếm hoi như hoa ưu đàm. Trong khi đối với người lợi căn một phiền não hiện ra như một người giúp đỡ, thì đối với người kém hơn nó thành ra thuốc độc. Đối với người căn cơ thấp này, tốt hơn là hãy bỏ đi các phiền não !
Bà hỏi : sau khi từ bỏ được bao nhiêu thì một người trở thành đệ tử ?
Khi con không bị dính mắc với phiền não và lạc thú giác quan và chúng được kinh nghiệm như huyễn hóa, thế rồi con không cần đè nén phiền não dầu chúng có khởi ra, vì chúng không còn làm hại được. Khi chúng không khởi sanh, con không có ý muốn sản xuất ra chúng vì con đã thoát khỏi mong muốn. Khi điều này xảy ra, phiền não được đem vào con đường. Cố gắng dùng phiền não như là con đường trong khi không lìa bỏ sự chấp tướng thì cũng giống như một con ruồi dính trong vũng mật.
Tsogyal, hãy cắt đứt sự lầm lạc theo các lối này !
Chủ đề thứ ba, sự lầm lạc khỏi hạnh, có hai phần : sự lầm lạc của hạnh không đúng thời và sự lầm lạc tổng quát của hạnh.
Cái thứ nhất có bảy điểm. Lúc khởi đầu, hạnh giống như con ong phải đi trước học (Văn), suy nghĩ (Tư), và thiền định (Tu). Vì đây là hạnh của một người sơ học, thế nên là sai lầm khi theo nó vào thời gian tu hành thiền định.
Hạnh giống như con nai đặc biệt cho thời gian thực hành con đường. Sai lầm nếu theo nó vào thời gian tu hành thiền định vì định của con sẽ mất sự tự do của nó.
Hạnh tịnh khẩu là đặc biệt cho lúc đã đạt đến điểm then chốt của kinh nghiệm. Sai lầm nếu theo nó khi người ta phải đối xử như một con ong, bởi vì không phân biệt giữa lời và nghĩa.
Hạnh của một con chim sẻ tìm kiếm tổ của nó thì đặc biệt cho lúc con đã đạt được kinh nghiệm cá nhân. Sai lầm nếu theo nó khi con đã đạt sự điêu luyện trong định, bởi vì nó trở thành một chướng ngại.
Hạnh giống của một người điên là đặc biệt cho lúc con đã làm vững chắc kinh nghiệm. Sai lầm nếu theo nó khi con chỉ có kinh nghiệm một phần, vì chưa khám phá nghĩa viên mãn.
Hạnh giống như sư tử là đặc biệt cho thời gian hoàn thiện cái thấy. Sai lầm nếu theo nó khi cố gắng có được kinh nghiệm, bởi vì, chưa tìm được sự tin chắc trong tánh Như, con có thể bị tràn ngập bởi hiện tượng khác.
Hạnh giống như chó và heo là đặc biệt cho thời gian thông thạo nhuần nhuyễn. Sai lầm nếu theo nó vào thời gian sai lầm bởi vì con sẽ gặt hái sự trừng phạt của dakini.
Khi con theo một con đường không hư hỏng của hạnh, kinh nghiệm cá nhân của con sẽ hiện lên như là bản tánh bổn nhiên của pháp tánh. Đã đạt được sự chế ngự trên các nguyên tố, con có thể chuyển hóa tri giác không niềm tin của người khác, làm sống lại người đã chết, và làm được các kỳ công phép lạ.
Nếu con làm hỏng các đường lối của hạnh nói ở trên, đó gọi là lầm lạc khỏi hạnh và con sẽ không có kết quả.
Tsogyal, nếu con muốn tránh đi lạc vào lối đó, hãy đi theo con đường chánh hạnh như được nói trong kinh điển.
Thứ hai, về sự lầm lạc tổng quát của hạnh, con có thể tạm thời tạo ra một cách cư xử nhưng nó không tương ưng với Pháp. Nếu nó không trở thành con đường giác ngộ, nó sẽ được gọi là đạo đức giả và tạo thành sự lầm lạc của hạnh.
Tsogyal, nếu con muốn tránh đi lạc liên quan đến hạnh trong tổng quát, hãy chắc chắn rằng bất cứ thái độ cư xử nào con theo đều trở thành con đường giác ngộ !
Đối với chủ đề thứ năm, sự lầm lạc của quả, có hai điểm : tạm thời và rốt ráo. Thứ nhất, lầm lạc tạm thời là khi, sau khi đã thực hành các lời dạy miệng, con xem một kết quả bình thường như là cái tối thượng và cảm thấy kiêu hãnh và ngạo mạn. Đây gọi là một sự lầm lạc bởi vì nó che lấp cái quả rốt ráo. Sự lầm lạc rốt ráo là khi con không giải tan được hy vọng và sợ hãi cho dù con đã đạt đến quả. Bấy giờ kết quả lạc thành một nguyên nhân.
Tsogyal, nếu con muốn tránh đi lạc theo lối này, hãy nhận ra hy vọng và sợ hãi là không có nền tảng !
Bà Tsogyal lại hỏi : Người ta có cần phát khởi Bồ đề tâm sau khi thành tựu điểm cốât yếu này là thấy vào thực tại ?
Đạo sư trả lời : Đại thừa và Mật thừa thực ra có khác biệt do phẩm chất đặc biệt của sự phát Bồ đề tâm. Tuy nhiên, trừ phi con luôn nhớ đến cái chết, vô thường, nhân quả, và các hiểm nguy của sanh tử trong bốn phần của một ngày, thì các biến cố của cuộc đời này sẽ nhanh chóng vút qua.
Con có thể tự cho là một người theo Đại thừa, nhưng trừ phi con liên tục tu hành từ và bi cho tất cả chúng sanh, nếu không con đã lạc thành một Thanh Văn hay Duyên Giác.
Con có thể có chứng ngộ cao, nhưng trừ phi con chấp nhận hay khước từ đúng đắn trong mỗi khoảnh khắc ngay một điều nhỏ nhất của nhân quả, con sẽ còn gặp một số hoàn cảnh đau khổ.
Tsogyal, nếu con muốn thực hành Pháp trong một con đường chính thống, con hãy tiếp xúc với sự chứng ngộ và điều ta đề cập ở đây !
Bà Tsogyal lại hỏi : Đâu là chướng ngại lớn nhất khi thực hành con đường ?
Đạo sư trả lời : Khi lần đầu bước vào con đường, bất kỳ hoàn cảnh nào dẫn tâm con đi lạc đều là một chướng ngại. Đặc biệt, đàn bà là ma quỷ lớn nhất cho đàn ông, và đàn ông là ma quỷ lớn nhất đối với đàn bà. Tổng quát, thức ăn và quần áo là những ma quỷ chính.
Bà Tsogyal lại hỏi : Vì chướng ngại lớn nhất khi thực hành Pháp là sự bám níu ích kỷ vào thức ăn, áo quần, và thân thể, xin nói cho con làm thế nào bỏ được ba cái này.
Guru Rinpoche trả lời : Tsogyal, sớm hay muộn thân này cũng chết. Độ dài đời người đã được xác định, nhưng chúng ta không chắc chúng ta chết già hay trẻ. Ai cũng phải chết, và ta không thấy ai thoát khỏi chết bằng cách gắn bó vào thân thể đẹp đẽ của mình. Hãy vất bỏ đi mọi yêu thích chấp ngã về thân con và giữ sự ẩn cư trong núi !
Đối với áo quần, ngay chỉ một áo choàng lông cừu cũng đủ, và người ta có thể sống ngay trên đá hoặc nước, nhưng điều này hình như không dành cho các hành giả Tây Tạng !
Bà Tsogyal lại hỏi : Con có cần ghi lại tất cả các điều Thầy dạy ?
Guru Rinpoche trả lời : Nếu con ghi lại, con sẽ làm lợi lạc cho các thế hệ mai sau.
Bà hỏi : Vâng, nó có nên được phổ biến hay cất dấu ? Làm thế nào nó sẽ đem lại lợi lạc ? Ai sẽ dùng nó ?
Guru Rinpoche trả lời : Thời gian để phổ biến nó thì chưa tới, nên nó phải được cất dấu. Khi ta đặt chiếc hộp chứa kinh điển của Tâm Yếu trên đỉnh đầu của con gái nhà vua, công chúa Pema Sal, ta nguyện cho nó được là sự chỉ dạy riêng của cô ta. Vài đời sau khi cô chết, cô sẽ gặp lại lời dạy này. Con phải cất dấu nó như là một kho tàng terma cho mục đích ấy.
Vimalamitra sẽ xiển dương các giáo lý của Tâm Yếu. Thời gian đã đến cho các đệ tử của ngài. Lời chỉ dạy này, nó là Tâm Yếu của ta, sẽ hiển lộ khi các bản dịch sơ thời bị hư hỏng và gần như biến mất. Nó sẽ truyền rộng và nở rộ ghê gớm nhưng chỉ một thời gian ngắn. Nói chung, mọi giáo lý của thời đen tối sẽ nở rộ rộng rãi nhưng kéo dài ngắn ngủi.
Vào lúc chót của thời đại này, khi tuổi trung bình của con người còn năm mươi tuổi, công chúa sẽ lấy một sự tái sanh làm người và được chấp nhận bởi Nyang Ral (Nyima OŠzer), một hóa thân thuộc khẩu (speech incarnation) của vua (Trisong Deutsen). Trong phần cuối cuộc đời của Guru Chošwang, sự tái sanh của nhà vua, bà sẽ được tiếp xúc lại với Pháp. Trong đời tiếp theo, bà sẽ gặp kho tàng Terma này chứa đựng các lời dạy bằng miệng về Tâm Yếu. Vì lúc đó sẽ là thời gian cho thực hành, nên sẽ không có hoạt động nào cho lợi lạc cho chúng sanh. Con người này(7) sẽ sống 59 năm. Người ấy sẽ có nhiều mối liên hệ nghiệp tốt và xấu. Một số trong các đệ tử sẽ sanh về Cực lạc, trong khi một số sẽ tái sanh trong các cõi thấp. Điều này chứng tỏ hậu quả của các samaya bị ô nhiễm và có thể người ấy chết vào tuổi 50. Người ấy phải cảnh giác chống lại sự ô nhiễm các samaya, và nỗ lực sám hối. Làm như thế người ấy sẽ có thể sống tròn đủ số năm.
Vào thời điểm đó có thể rằng một người đàn bà được ban phước bởi năm loài Dakini sẽ xuất hiện. Nếu người nữ ấy được như thế và người ấy lấy nàng như người phối ngẫu, người ấy phải cầu nguyện sống lâu ; rồi người ấy có thể sống hơn 50 năm. Người ấy sẽ có một đệ tử, một cô gái tiền định với dấu hiệu là một con chuột chũi, và nếu người ấy ban cho cô toàn bộ giáo huấn, cô sẽ có thể hành động cho lợi lạc của chúng sanh ở một mức độ rộng rãi. Nếu nàng không xuất hiện trong đời ấy, thì nàng sẽ trở thành đệ tử của người ấy trong đời sau, và đạt đến giác ngộ Vô dư ở phần cao của xứ Kharag.(8)
Nếu người ấy không đem những giáo huấn này đến phần thấp của xứ Bumtang, mà cất giấu chúng ở chỗ nguyên thủy hay trong một tảng đá ở một nơi không thể bị thay đổi hình dạng bởi chư thiên hay quỷ thần, người ấy sẽ khám phá lại chúng trong đời sau.
Sau sự tái sanh này, người ấy sẽ lang thang một lúc qua các cõi Báo thân, và sau đó sanh ở Tarpaling xứ Bumtang. Làm lợi lạc cho chúng sanh từ tuổi mười lăm, người ấy sẽ khám phá nhiều terma và làm nhiều loại phép lạ. Người ấy sẽ sống đến bẩy mươi tuổi. Lấy năm dakini có thân người nữ như là các phối ngẫu, hoạt động của người ấy cho chúng sanh sẽ sáng bừng. Người ấy có một con trai tên Dawa Drakpa, một hóa thân của Hayagriva, đứa con này cũng làm lợi lạc chúng sanh. Người ấy sẽ duy trì Phật pháp trong 90 năm. Vì đây là lời dạy riêng của người ấy, hãy cất dấu nó như là kho tàng Terma !
Nghe xong, bà Tsogyal lễ lạy và nhiễu quanh vô số lần và nỗ lực viết lại.
Samaya. Ấn. Ấn. Ấn.
Kỳ diệu thay, một người như tôi, người đàn bà ngu dốt Tsogyal,
Có thể gặp được Hóa thân qua các ước nguyện trong sạch !
Qua samaya thanh tịnh của tôi, tôi đã nhận được tinh túy của các giáo huấn.
Bằng cách hiến dâng sự phụng sự, ngài nhìn tôi với tâm từ bi.
Thấy tôi là một người tiếp thu xứng đáng, ngài giao phó cho tôi tinh túy của Mantra,
Và ban cho Tâm Yếu tối thượng, tinh ròng.
Không phô bày nó một cách phi thời, tôi dấu nó như một kho tàng terma.
Mong rằng Tràng Hạt Vàng của Cam Lồ này trong hình thức hỏi đáp
Gặp gỡ người có những dấu hiệu hoàn toàn ấy !
Samaya.
Dấu ấn của thậm thâm. Dấu ấn của kho tàng. Dấu ấn không thể đọc. Dấu ấn của nghiêm nhặt.
Trong thời đại đen tối, vòng bí mật của giáo huấn cốt lõi này,
Được giao phó cho một người tiền định hành thủy sanh năm con Thỏ,
Một đứa con ruột của Uddiyana, có một định mệnh được che dấu,
Một cư sĩ với thông minh thực sự,
Năng lực đầy đủ của người không nở hoa trong đời đó, mà sẽ theo một lối sống ẩn mật.(9)
Người không thắng cương đức hạnh, thoát khỏi giả hình,
Người sở hữu các thần lực, nhưng sức mạnh của người không được phát lộ,
Và người được đánh dấu bằng một con chuột trên thân và có cặp mắt lồi.
Các đệ tử của người, con của năm loài dakini,
Sanh trong các năm Cọp, Thỏ, Chó, Rồng và Bò.
Sẽ nắm giữ dòng phái và tiến đến các cõi trời.
Bất cứ ai nắm giữ dòng phái người, sẽ đạt đến Phật tánh trong một đời ;
Họ sẽ là thiền giả trong kiếp cuối cùng của họ.
ITHI. Mong rằng nó được tốt đẹp !
Send comment