Bồ-đề Đạt-Ma - Trúc Thiên dịch 1969
Sách Ấn Tống: 337 N. Keystone st., Burbank, CA 91506 USA
I. TIỂU SỬ SƯ BỒ ĐỀ ĐẠT MA
Tổ thứ 28 Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) là người nước Quốc Hương, thuộc Nam Thiên Trúc (Dekhan), tức Ấn Độ, con thứ ba của vua Chí Vương, dòng Sát đế lỵ, tên tục là Bồ Đề Đa La (Bodhitara). Nhân đến Quốc Hương thọ lễ cúng dường của nhà vua, Tổ thứ 27, Bát Nhã Đa La (Prajnâtara) gặp Bồ Đề Đa La, nhận thức ở vị hoàng tử này nhiều nét đặc biệt, mới thử bảo cùng hai anh biện luận về chữ Tâm. Thấy Bồ Đề Đa La phát minh được yếu điểm của tâm, Tổ mới kêu đến và nói: "Hoàng tử đối với chư pháp đã được thông lượng, mà Đạt Ma có nghĩa là thông đạt rộng lớn, vậy hoàng tử nên lấy tên là Bồ Đề Đạt Ma". Hoàng tử nhận và bái tổ thứ 27 làm thầy. Nhớ lời Tổ dặn phải xuất dương mới thành đạo nghiệp vĩ đại, Bồ Đề Đạt Ma vào độ gần tám mươi tuổi xuống thuyền ra khơi Nam Hải. Triều nhà Lương bên Trung Quốc, năm Phổ thông thứ 8, nhằm mồng một tháng mười năm Đinh Mùi (520) sau T.C.), thuyền đến Quảng Châu, thứ sử tỉnh nầy lấy lễ nghinh tiếp và dâng biểu về triều báo tin. Lương Võ Đế sai sứ đi thỉnh về thành đô là Kim Lăng. Đế hỏi: - Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?
Sư Đạt Ma đáp:
- Đều không có công đức.
- Tại sao không công đức.
- Bởi vì những việc vua làm là nhân "hữu lậu", chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật.
- Vậy công đức chân thật là gì?
- Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được.
Vua lại hỏi:
- Nghĩa tột của thánh đế là gì?
- Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là thánh.
- Ai đang đối diện với trẫm đây?
- Tôi không biết.
Sau câu chuyện đối đáp này, Sư biết tâm vua không khế hợp được với pháp mình, vì vậy đến ngày 19 tháng 10 năm ấy, Sư về Giang Bắc, rồi tới 22 tháng 11 lại sang Lạc Dương. Đến đời Hậu Ngụy, vua Hiếu Dương, năm Thái Hòa thứ 10, Sư lên Tung Sơn vào chùa Thiếu Lâm, ngồi ngó vào vách, trọn ngày làm thinh. Người đời không hiểu gì cả, gọi Sư là "Bích quán Bà la môn", nghĩa là ông Bà la môn ngó vách. Lúc bấy giờ có một vị Tăng, tên là Thần Quang, học rộng hiểu nhiều. Nghe danh Sư, Thần Quang đến Thiếu Lâm tự và đứng ngoài sân chùa chờ dịp yết kiến. Nhằm tiết đông thiên (mồng 9 tháng chạp), đến đêm tuyết xuống như mưa, cao quá đầu gối, Thần Quang vẫn trì chí đứng yên một chỗ. Sư thương tình, kêu hỏi:
- Ông đứng trong tuyết lâu như thế, ý muốn cầu gì?
Thần Quang khóc, bạch:
- Cúi xin Hòa thượng từ bi mở cửa cam lộ, rộng độ quần sanh.
- Diệu đạo của chư Phật phải nhiều kiếp tinh tấn, cần mẫn làm cho được những việc khó làm, nhẫn cho được những điều khó nhẫn, hàng đức nhỏ, trí nông, lòng đầy khinh khi, kiêu ngạo, há chịu nổi nhọc nhằn khổ cực sao mà muốn học phép chân thừa.
Thần Quang nghe Sư quở, bèn lấy dao bén, tự đọan cánh tay trái, để chứng minh lòng thành khẩn cầu đạo của mình. Sư biết gặp được "pháp khí" (nghĩa là một khí dụng tốt để truyền bá chánh pháp).
Bèn nói:
- Chư Phật, lúc phát tâm cầu đạo, dám vì pháp bỏ thân, nay ông chặt tay trước mặt tội, vậy ông muốn cầu gì?
Nói xong Sư bèn đổi tên Thần Quang ra Huệ Khả.
Thần Quang bạch:
- Có thể nghe pháp ấn của chư Phật chăng?
- Pháp ấn của chư Phật, không phải tùng người mà được.
- Nhưng tâm tôi chưa được an bình thì làm thế nào? Xin Sư cho tâm tôi được an bình.
- Thì ông đưa tâm đây. Sư đáp, ta sẽ cho.
- Tôi tìm tâm mãi mà chưa được.
- Thế là ta đã an tâm cho ngươi rồi.
Vua Hậu Ngụy Hiếu Minh nghe Sư có nhiều sự lạ lùng, sai sứ đến triệu trước sau ba lần, Sư đều từ không chịu xuống núi. Nhà vua càng đem lòng kính trọng và sai người đem đến ban cho Sư hai áo cà sa và một bình bát bằng vàng. Sư cũng từ ba phen, nhưng sau thấy nhà vua kiên tâm dâng cúng Sư mới nhận. Chín năm trôi qua, từ khi Sư đến Trung Quốc, Sư có ý muốn hồi hương, cho nên kêu các đệ tử nói: "Giờ ta ra đi sắp tới, vậy mỗi đệ tử hãy nói cho ta nghe sở đắc của mình".
Đạo Phó bạch:
- Theo chỗ thấy của tôi, muốn thấy đạo phải chẳng chấp văn tự, mà cũng chẳng lìa văn tự.
Sư đáp:
- Ông được lớp da của tôi rồi.
Tổng trì Ni nói:
- Chỗ giải của tôi như cái mừng vui thấy nước Phật (tâm) bất động, thấy được một lần, sau không thấy lại nữa.
Sư nói:
- Bà được phần thịt của tôi rồi.
Đạo Dục, một đệ tử khác, bạch:
- Bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải thật có, vậy chỗ thấy của tôi là không một pháp nào khả được.
Sư đáp:
- Ông được bộ xương của tôi rồi.
Rốt hết, tới phiên Huệ Khả. Huệ Khả lễ bái Sư rồi đứng ngay một chỗ, không bạch không nói gì cả. Sư bảo:
- Ông được lớp mỡ trong ống xương tôi rồi.
Rồi ngó Huệ Khả, Sư nói tiếp:
- Xưa Như Lai trao "Chánh pháp nhãn tạng" cho Bồ tát Ca Diếp, từ Ca Diếp chánh pháp được liên tục truyền đến ta. Ta nay trao lại cho ngươi; nhà ngươi khá nắm giữ, luôn với áo cà sa để làm vật tin. Mỗi thứ tiêu biểu cho một việc, ngươi nên khá biết.
Huệ Khả bạch:
- Thỉnh Sư chỉ bảo cho.
Sư nói:
- Trong, truyền pháp ấn để khế chứng tâm; ngoài, trao cà sa để định tông chỉ. Đời sau, trong cảnh cạnh tranh, nếu có người hỏi ngươi con cái nhà ai, bằng vào đâu mà nói đắc pháp, lấy gì chứng minh, thì ngươi đưa bài kệ của ta và áo cà sa ra làm bằng. Hai trăm năm sau khi ta diệt rồi, việc truyền y dừng lại. Chừng ấy, đâu đâu người hiểu đạo và nói lý rất nhiều, còn người hành đạo và thông lý rất ít, vậy ngươi nên cố xiển dương đạo pháp, đừng khinh nhờn những người chưa ngộ. Bây giờ hãy nghe bài kệ của ta:
Ngô
bổn lai tư thổ,
Truyền
pháp cứu mê tình.
Nhất
hoa khai ngũ diệp,
Kết
quả tự nhiên thành.
Dịch:
Ta
đến đây với nguyện,
Truyền
pháp cứu người mê.
Một
hoa nở năm cánh,
Nụ
trái trổ ê hề.
Sư lại nói thêm: "Ta có bộ kinh Lăng Già bốn cuốn, nay cũng giao luôn cho ngươi, đó là đường vào tâm giới, giúp chúng sanh mở được cửa kho tri kiến của Phật. Ta từ Nam Ấn sang đến phương Đông này, thấy Xích Huyện Thần Châu có đại thừa khí tượng, cho nên vượt qua nhiều nơi, vì pháp tìm người. Nhưng bao nhiêu cuộc gặp gỡ không làm ta mất lòng, bất đắc dĩ phải ừ hử vậy thôi. Nay được ngươi để truyền thọ y pháp, ý ta đã toại! Nói xong, Sư cùng đệ tử đến chùa Thiên Thánh lưu lại ba hôm.
Có người tên là Thành Thái, tự Dương Huyễn, sớm mộ phương tu thành Phật, đến hỏi:
- Nghe Sư bên Tây Thiên, thừa tiếp pháp ấn làm Tổ, vậy xin dạy cho con biết con đường đưa đến vị Tổ như thế nào?
Sư đáp:
- Sáng rõ Phật là tâm, nói làm cho phù hợp, đó gọi là Tổ.
- Ngoài ra còn gì không?
- Nên sáng tâm người, biết rành kim cổ, chẳng chán có không, đối pháp chẳng nắm, chẳng hiền chẳng ngu, không mê không ngộ. Giải được như thế, đáng xưng là Tổ.
Thành Thái lại hỏi:
- Đệ tử lấy tâm quy y Tam bảo đã mấy năm rồi, nhưng trí huệ còn mù mờ, chân lý chưa rõ. Nay nghe được một ít lời Sư, biết rằng đệ tử đã lầm lớn, cúi xin Sư từ bi khai mở đường tu cho.
Sư biết lòng Thành Thái đã đúng mức, liền nói bài kệ như sau:
Diệc
bất đổ ác nhi sanh hiềm,
Diệc
bất quán thiện nhi cần thố.
Diệc
bất xả trí nhi cận ngu,
Diệc
bất phao mê nhi tựu ngộ.
Đạt
đại đạo hề quá lượng,
Thông
đạt tâm hề xuất độ,
Bất
dử thánh phàm đồng triền,
Siêu
nhiên danh chi viết Tổ.
Dịch:
Cũng
đừng thấy dữ mà sanh chê,
Cũng
đừng thấy lành mà ái mộ.
Cững
đừng bỏ trí mà gần ngu,
Cũng
đừng buông mê mà cầu ngộ.
Được
vậy thì:
Đến
đại đạo rộng vô lượng,
Thông
Phật tâm muôn cứu độ.
Chẳng
ước thánh phàm sánh vai,
Vượt
trên đối đải gọi là Tổ.
Thành Thái nghe kệ nửa vui nửa xót, bạch:
- Xin Sư ở lâu thế gian để hóa đạo quần chúng hữu tình.
- Ta sắp đi đây, không thể ở lâu; người đời căn tánh muôn sai, ta đã gặp nhiều hoạn nạn rồi.
- Ai làm hại Sư, xin cho biết, đệ tử nguyện trừ.
- Ai đã đem bí mật của Phật ra truyền để lợi ích quần mê, nay hại người để mình an, làm sao có lý ấy đặng?!
- Sư chẳng nói, lấy gì tiêu biểu cho sức thông biết khắp cùng của Sư?
Sư không đáp, đọc một bài kệ sau đây có tính cách như một bài sấm:
Giang
tra phân ngọc lãng,
Quản
cự khai kim tỏa.
Ngũ
khẩu tương cộng hành,
Cửu
thập vô bỉ ngã.
Dịch:
Thuyền
lướt, chia sóng ngọc,
Đuốc
nêu, mở khóa vàng.
Năm
miệng đồng cùng khứ
Chín,
mười hết ta, chàng.
Thành Thái không hiểu gì cả, chỉ gắng ghi vào lòng rồi từ tạ lui gót.
Bài sấm của Sư, đương thời không ai độ được, nhưng về sau đã phù nghiệm, như chúng ta sẽ thấy.
Dưới thời nhà Ngụy, kẻ anh tài chống lại với Thiền môn rất nhiều, nào Quang Thống luật sư, nào Lưu Chi Tam Tạng... đều là bậc loan phụng trong hàng Tăng chúng. Thấy Sư luôn luôn lấy tâm làm trọng, các vị đã cùng Sư luận nghị mấy phen, nhiệt liệt ồn ào như ong vỡ tổ. Trong khi ấy, xa gần Sư đều cho nổi lên một ngọn huyền phong và đổ xuống một trận mưa pháp, chan rải khắp nơi, kết quả không sao lường được. Sự thành công vẽ vang này càng kích thích kẻ ác gia tâm dùng thuốc độc hại Sư.
Trên thực tế, Sư đã bị thuốc năm lần. Đến lần thứ sáu, thấy sứ mệnh hoằng pháp đã hoàn thành, công việc truyền pháp đã tìm ra người, Sư không tự cứu nữa, ngồi an nhiên tịch diệt. Lúc ấy là năm Thái Hòa thứ 19 đời Hiếu Minh Hậu Ngụy, nhằm ngày mồng 9 tháng 10 năm Bính Thìn, tức năm Đại Thông thứ 2 triều nhà Lương. Đến ngày 18 tháng chạp cùng năm, nhục thể của Sư được nhập tháp tại chùa Định Lâm, núi Hùng Nhĩ. Thật là đúng như lời sấm của Sư, câu "ngũ khẩu tương cộng hành" có nghĩa là "ngô tương hành", vì ghép chử NGŨ trên chữ KHẨU thì thành chữ NGÔ, và câu này có nghĩa là "Ta sẽ đi". Còn câu chót "cửu thập vô bỉ ngã" quả là Sư đã nói trước ngày viên tịch: mồng chín (cửu) tháng mười (thập).
Ba năm sau, Tống Vân quan nhà Ngụy, đi sứ Tây Vực về, gặp Sư Đạt Ma tại ngọn Thông Lãnh. Thấy Sư tay cầm một chiếc dép, một mình đi mau như bay, Tống Vân hỏi:
- Sư đi đâu đó?
Sư đáp:
- Ta về Tây phương.
Rồi Sư lại nói thêm: "Chủ của Ông đã chán đời rồi".
Ngẩn ngơ, Tống Vân từ giả Sư và hấp tấp về phục mạng, thì ra vua Minh Đế đã thăng hà. Tống Vân tâu việc gặp Sư lên vua Hiếu Trang mới tức vị. Vua ra lệnh quật mồ. Trong quan tài không có gì cả, ngoài một chiếc dép da. Các quan lãnh lịnh khám nghiệm hết sức kinh ngạc và thán phục. Vua sắc đưa chiếc dép của Sư lưu lại về chùa Thiếu Lâm thờ. Đến đời Khai Nguyên năm thứ 15 nhà Đường, nhằm năm Đinh Mão hàng thiện tín lại dời báu vật về chùa Hoa Nghiêm, đến nay không biết còn mất và ở đâu.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma được nhà vua phong là Viên Giác Thiền Sư, còn ngọn tháp của Tổ gọi là Không Quán. Thiền tông Trung Hoa tôn Tổ làm Sơ Tổ.
CHÁNH TRÍ(Viết theo sách Truyền Đăng Lục)
II.
CĂN BẢN PHÁP của THIỀN ĐAT MA
Phật
Quả Viên Ngộ bình xướng
CỬ (1):
Lương
Võ Đế hỏi đại sư Đạt Ma: "Thế nào là thánh đế đệ
nhất nghĩa?" (2)
Đạt
Ma đáp: "Quách nhiên vô thánh". (3)
Đế
nói: "Đối mặt trẫm là ai?"
Ma
đáp: "Không biết".
Võ
Đế không khế hợp được. Ma bèn băng sông qua đất Ngụy.
Sau Võ Đế đem câu chuyện ấy hỏi lại Hòa thượng Chí Công. Công nói: "Bây giờ bệ hạ biết người ấy là ai chưa?" Đế đáp: "Không biết".
Công
nói: "Đó là đại sĩ Quán Âm truyền tâm ấn Phật".
Đế
ăn năn, sai sứ đi thỉnh, nhưng Ma không trở lại.
Đạt Ma xa trông xứ này có chân khí đại thừa bèn phăng phăng cỡi sóng sang đây truyền riêng tâm ấn, vạch rõ bùn mê, mở pháp "Chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật". Nếu bằng vào cái thấy ấy được thì mặc thích tự do, chẳng buông theo ngữ ngôn chuyển, vỡ tung ra mà hiện thành, có thể tùy tiện cùng Võ Đế, đối đàm ngang vai với nhị Tổ (Huệ Khả) xử phép an tâm; đó là cái thấy tự nhiên, chẳng tính toán so đo, tình trần một đao đứt tuyệt, thanh thoát lâng lâng, hà tất phân phải phân trái, luận mất luận còn. Đành là như vậy, nhưng dễ có mấy ai?
Võ Đế từng đắp cà sa, tự giảng kinh Phóng Quang Bát Nhã, cảm đến hoa trời ngổn ngang rơi xuống đất hóa vàng, biện đạo nêu Phật, dạy bảo thiên hạ, cất chùa độ tăng, dựa theo giáo nghĩa (4) tu hành, người người tôn là vị thiên tử có tâm Phật.
Thoạt tiên gặp Đạt Ma, Võ Đế hỏi: "Trẫm cất chùa độ tăng, có công đức gì?" Ma đáp: "Không công đức". ...
Võ Đế cùng với pháp sư Lâu Ước, đại sĩ Đạo Phó và thái tử Chiêu Minh trì luận chân tục hai đế, căn cứ theo giáo nghĩa thì chân đế biện minh cái chẳng phải có (phi hữu), tục đế biện minh cái chẳng phải không (phi vô), chân tục chẳng phải hai, tức thánh đế đệ nhất nghĩa. Đó là chỗ cực diệu cùng huyền của hàng giáo gia. Võ Đế bèn đem điểm cực tắc ấy hỏi Đạt Ma: "Thế nào là thánh đế đệ nhất nghĩa?" Ma đáp: "Quách nhiên vô thánh". Hàng nạp tăng trong thiên hạ chạy đâu cho khỏi. Đạt Ma vì ai một đao dứt tuyệt hết rồi!
Ngũ Tổ tiên sư (Hoằng Nhẫn) nói: chỉ mấy chữ quách nhiên vô thánh ấy, ai thấu suốt được về nhà ngồi yên. Đó là chỗ kỳ đặc của Đạt Ma một mực đánh thẳng vào khối cát đằng (5), chẳng ngại vì người đập nát thùng sơn (6). Nên nói: tham suốt được một câu thì ngàn câu vạn câu đồng thời suốt, ngồi đâu yên đó, nắm gì vững nấy. Người xưa nói:
Thịt
nát xương tan chữa đền xong,
Một
câu siêu thoát ngàn ức kiếp.
Võ Đế không tỉnh, lại đem kiến giải nhân ngã hỏi: "Đối mặt trẫm là ai?". Đạt Ma rải lòng từ bi lân mẫn xoay qua nói: "Không biết". Đến đây thì hữu sự vô sự không nêu lên được nữa.
Đoạn hòa thượng có lời tụng vầy:
Nhất
tiễn tầm thường lạc nhất điêu,
Cánh
gia nhất tiễn dĩ tương thiêu.
Trực
qui Thiếu Thất phong tiền tọa,
Lương
chúa hư ngôn cánh khứ chiêu.
Tầm
thường một mũi lạc chim điêu,
Mũi
nữa bồi thêm đốt cháy tiêu.
Thiếu
Thất thẳng lên ngồi vách đá,
Vua
Lương thôi chớ thỉnh cùng kêu.
Lại nói: Sao muốn gọi về? Đế chẳng khế hợp, lão hán thầm lặng qua sông sang Ngụy, chẳng lộ mặt, đi thẳng lên Thiếu Thất, chín năm diện bích, tiếp độ được Huệ Khả... Sau độ đến người thứ sáu, hóa duyên đã xong, truyền pháp đã có người, Sư không tự cứu nữa, đoạn ngồi nghiêm hóa êm, nhục thân táng tại chùa Định Lâm núi Hùng Nhĩ. Võ Đế hồi tưởng, tự soạn bia văn như sau:
Hỡi
ôi!
Thấy
như chẳng thấy
Gặp
như chẳng gặp
Đối
mặt như chẳng đối mặt.
Xưa
đâu nay đâu
Oán
bấy hận bấy.
Lại tán rằng:
Tâm
có chăng?
Khoáng
kiếp uổng trệ phàm phu.
Tâm
không chăng?
Sát
na sớm lên diệu giác.
BÍCH
NHAM LỤC
(Quyển
I, tắc 1)
GHI CHÚ:
(1)
CỬ: nêu đề tài, đặt vấn đề.
(2)
Thánh đế đệ nhất nghĩa: Chân lý tối hậu của hàng thánh
(arya sacca paramartha satya)
(3)
Quách nhiên vô thánh: tuyệt nhiên rỗng rang không thánh.
(4)
Giáo nghĩa: giáo học, chỉ vào các pháp môn Phật giáo lấy
kinh làm thầy, căn cứ vào chữ nghĩa học hỏi, suy tư và
tu hành; các pháp "môn học theo sự, hành theo tướng" có tên
là ngữ tông, trái với thiền, vượt ngoài kinh sách, lấy
tâm làm thầy, gọi là Tâm tông,
(5)
Cát đằng: Văn tự ngôn ngữ kiến thức.
(6)
Thùng sơn: Tất dõng, tượng trưng khối kiến thức chấp trước
kết thành vô minh che mất chân trí.
Về căn bản pháp của Thiền, thử quan sát trong bộ Bích Nham Tập, trước hết ta không thể không đề lên tắc (1) thứ nhất gọi là "thánh đế đệ nhất nghĩa". Thiết tưởng ý thú của Viên Ngộ soạn Bích Nham Tập qui thức ở tắc ấy, nên mới gọi là "đệ nhất tắc". Nhân lấy đó làm căn bản pháp của thiền, làm cơ bản dựng tông mở giáo, nên trước hết cần minh thị câu nói đầu tiên ấy của Đạt Ma khi đến xứ này.
... Điểm chủ yếu của tắc ấy nằm trong bốn chữ "Quách nhiên vô thánh". Lương Võ Đế hỏi về "thánh đế đệ nhất nghĩa", ấy là nhà vua lập cước ở nhị đế quan của Phật giáo, tức là chân tục hai đế của toàn thể Phật giáo giáo nghĩa. Đế có nghĩa là chân lý. Võ Đế hỏi về chân lý của chân đế trong hai đế trên; cái mà nhà vua gọi là đệ nhất nghĩa chẳng qua chỉ là chân lý của giáo nghĩa, chưa phải là chân lý của cảnh giới tự chứng, tự ngộ. Đạt Ma đáp là "Quách nhiên vô thánh", cốt bảo rằng căn bản pháp của thiền là "truyền riêng ngoài giáo" chứ không phải là thứ thánh đế như trong giáo học nói. Nên bốn chữ "quách nhiên vô thánh" có thể coi như minh thị xác đáng nhất căn bản pháp của đạo Thiền.
Lương Võ Đế hỏi về đệ nhất nghĩa, sao Đạt Ma đáp là "quách nhiên vô thánh"? Trước hết ta nên khảo sát ý nghĩa rốt ráo của thuật ngữ "đệ nhất nghĩa". Kinh Lăng Già, tập I, phẩm 2, Nhất thiết pháp phẩm, nói:
Bồ tát Đại Huệ bạch Phật rằng: "Thế Tôn! Có phải ngôn thuyết là đệ nhất nghĩa? Có phải sở thuyết là đệ nhất nghĩa". Phật bảo Đại Huệ: "Chẳng phải ngôn thuyết là đệ nhất nghĩa, mà cũng chẳng phải sở thuyết là đệ nhất nghĩa. Tại sao vậy? Cái gọi đệ nhất nghĩa là chỗ an vui, sở nhập của bậc thánh nói lên, đó là đệ nhất nghĩa, chớ chẳng phải ngôn thuyết là đệ nhất nghĩa. Cái nghĩa đệ nhất ấy, là chỗ sở đắc của thánh trí tự tri, phải đâu là cảnh giới của ngôn thuyết vọng tưởng, nên ngôn thuyết vọng tưởng không hiển thị được đệ nhất nghĩa. Ngôn thuyết vốn do nhân duyên khởi, có sanh diệt, giao động, lăng xăng; đã là nhân duyên khởi thì không hiển thị được đệ nhất nghĩa.
Xét theo đó thì đệ nhất nghĩa là cái hiển minh tột bực chân cảnh giới tự chứng ngộ của Phật đà, siêu việt cả phàm và thánh. Sở dĩ Đạt Ma đáp lại "quách nhiên vô thánh" chính là chỉ vào cảnh giới tự chứng tự ngộ. Võ Đế hỏi đệ nhất nghĩa, Đạt Ma đáp đệ nhất nghĩa, ý nghĩa chẳng đồng nhau. Người hỏi là hỏi đệ nhất nghĩa của chân đế trong nhị đế. Người đáp là đáp đệ nhật nghĩa của thánh trí tự giác của Phật đà. Cảnh giới tự giác vốn siêu việt cả chân tục hai đế, tức cảnh Niết bàn tuyệt đối, nên Võ Đế ngẩn ngơ không lãnh hội được.
Nhưng thử hỏi tại sao nêu lời đáp ấy làm cảnh giới tự chứng? Vì "quách nhiên vô thánh" là cảnh giới siêu việt tất cả phàm thánh, phải trái được mất, là cảnh giới thạnh tịnh tự do vô ngại vậy.
Vậy tỏ rõ Đạt Ma đã đưa ra lời đáp chẳng qua cốt thị hiện cảnh giới tự chứng; đúng là Sư huy động thanh bi kiếm quách nhiên vô thánh, hướng thẳng vào Võ Đế xả mạnh một đường gươm trên khối cấu ý trần tình của giáo nghĩa và tri giải, thanh thoát lâng lâng đúng như lập trường cứu tế đề xướng ra; chính đó là điều ta cần ghi nhớ.
Trong bài bình xướng, Viên Ngộ có nói:
Võ Đế cùng với pháp sư Lâu Ước, đại sĩ Đạo Phó và thái tử Chiêu Minh trì luận chân tục hai đế. Căn cứ theo giáo nghĩa thì chân đế làm sáng tỏ cái phi hữu, tục đế làm sáng tỏ cái phi vô; chân tục chẳng hai, tức thánh đế đệ nhất nghĩa; đó là chỗ cực diệu cùng huyền của hàng giáo gia. Võ Đế bèn đem điểm cực tắc ấy hỏi Đạt Ma: "Thế nào là thánh đế đệ nhất nghĩa?" Ma đáp: "Quách nhiên vô thánh". Nạp tăng trong thiên hạ chạy đâu cho khỏi! Đạt Ma vì ai một đao dứt tuyệt hết rồi!
Ở đây,Viên Ngộ lấy trung đế làm thánh đế, căn cứ theo luận giải "bất chân không" của bộ Triệu Luận (2). Ta thử dẫn lời giải thích trong Du Già luận, phẩm chín mươi lăm nói:
Do hai duyên nên gọi là đế: một là pháp tánh, hai là thắng giải; người ngu có cái trước không có cái sau, bậc thánh đủ cả hai, riêng gọi là thánh đế. Chiếu theo đó, rốt ráo gọi thánh đế là nói về cảnh giới sở chứng của thánh nhân.
Song le bộ Quảng Hoằng Minh tập nói:
Thái tử Luơng Chiêu Minh nói : cái gọi là hai đế, một là chân đế, hai là tục đế. Chân đế cũng gọi là đệ nhất nghĩa đế.
Tuy nhiên, dù luận bằng cách nào vẫn toàn là sở thuyết về diệu lý cao thâm của thuyết giáo. Đã là diệu lý thì trạm tịch là thể, hư dung là tánh, tuyệt nhiên không tướng không danh, tức không chấp nhận cho ta nghĩ bàn, nên Viên Ngộ nói đó là chỗ cực diệu cùng huyền. Võ Đế nắm lấy diệu lý ấy làm thành một quan niệm để hoang mang chấp lấy, rồi đem hỏi Đạt Ma, nên Đạt Ma đáp là quách nhiên vô thánh. Vì căn bản pháp của thiền chính là chặt đứt tất cả sở thuyết về diệu lý trong giáo nghĩa, vì thiền tự có cảnh giới tự do vô ngại riêng, siêu việt trên tất cả, tức là cảnh giới không Phật, không chúng sanh, không kim cổ. Cảnh giới ấy, tức là căn bản pháp của thiền.
Viên Ngộ nêu giá trị của cảnh giới ấy như sau:
Nên nói: tham suốt được một câu, thì ngàn câu vạn câu đồng thời suốt, tự nhiên ngồi đâu yên đó, nắm gì vững nấy. Người xưa nói:
Thịt
nát xương tan chưa đền xong,
Một
câu siêu thoát ngàn ức kiếp.
Đó là nói: hễ tham quán câu quách nhiên vô thánh thấu suốt được thì dù đến trăm ức kiếp sanh tử luân hồi cũng siêu thoát xong, nơi pháp vị ngồi yên trên căn bản pháp, nắm lấy bổn phận mình thành bậc "trên trời dưới trời mình ta tôn quí", thành bậc chúa tể của thế giới. Nói thế giới là thế giới của hiện thực lịch sử, thành lập từ bản thể tuyệt đối "vô" của những tác dụng vô tận của chính ta; đảm nhiệm những tác dụng ấy từ nơi cơ yếu là thành tựu nhân cách "vô" của bổn thể tự giác, tuy ở trong thế giới mà vẫn siêu ngoài thế giới, hoạt dụng dọc ngang trong lịch sử mà vẫn sáng tạo ngoài lịch sử, nên gọi là chúa tể. Đó là cảnh giới cực tuyệt, có chứng đến đó mới gọi là được tôn giáo.
Thiền học giảng thoại (3) GHI CHÚ:(1)
Tắc: đề mục diễn giảng, gọi chung là công án.
(2)
Triệu luận: tác phẩm của sư Tăng Triệu (384 - 414) cao đệ
của pháp sư Cưu Ma La Thập, xuất hiện trước ngày mở giáo
của đạo Thiền.
(3):
Đài Bắc, Kiến Khang thư cuộc ấn hành, Dân quốc 49.
BẠT
HUYỀN THOẠI
BỒ ĐỀ ĐẠT MA
"Thiếu
Thất cửu niên vô nhất ngữ"
Huệ
Trung Trần Quốc Tảng
Tổ
Đạt Ma cỡi sóng qua Đông Độ.
Tổ
Đạt Ma vào đất Ngụy, đường đường như một kiếm khách
chốn hải tần.
Tổ
Đạt Ma "đơn đao trực nhập" triều đình Lương Võ Đế,
nói pháp như chuyển sóng.
Tổ
Đạt Ma chín năm trầm hùng ngồi nhìn vách đá chùa Thiếu
Lâm.
Tổ
Đạt Ma kỳ diệu ban pháp an tâm.
Tổ
Đạt Ma cỡi bè lau về Thiên Trúc.
Tổ
Đạt Ma xách một chiếc dép phi hành trên ngọn Thông Lãnh.
Tổ
Đạt Ma... và Tổ Đạt Ma...
Bao nhiêu câu chuyện truyền kỳ kết hào quang đưa nhà sư mắt biếc đất Hồ (1) vào huyền sử.
Từ Tung Sơn, sừng sững bên vách đá chùa Thiếu Lâm, bóng người ngả dài suốt lịch sử Đông phương như một tượng trưng thuần túy của Đạo. Ngót mười lăm thế kỷ, lòng người còn nghe đồng vọng tiếng Người nói; chốn già lam còn nghe vang dội bước Người đi.
Người đi qua không gian, hiển hiện như chưa từng có. Tổ Đạt Ma đi qua không gian, hiển hiện như chưa từng không. Người đi thẳng vào sự thật, dẫm nát dư luận. Người đi thẳng vào lòng người, không mặt nạ.
Đối với Người, sự thật là sự thật, không được trả giá. Trả giá với sự thật là ký kết với ma. Con người đang đi xuống quá rồi, thế đạo đang nghiêng ngửa giữa sắc tướng, cần cấp thời chận đứng đà tuột dốc; cần vươn mình mở lấy một con - đường - không - con - đường, cần nhảy thẳng vào tâm điểm của cuộc sống, của giác ngộ. Căn bệnh đã quá trầm trọng, cần bạo tay thọc thẳng mũi dao vào tròng ung thư. Trong tinh thần vô úy ấy, Người đã thét giữa những con người bé nhỏ chúng ta chơn lý tối hậu: quách nhiên vô thánh.
Từ huyền sử, Người trang nghiêm tô lại khung đời bằng nét đạo tâm linh.
Sống là đạo, ngoài ra không có đạo nào khác. Đạo nào khác đều tìm thánh bỏ phàm, đều ham ngộ ghét mê, đều bỏ đời cầu đạo, đều tự trói buộc mình:
"Bất
dữ phàm thánh đồng triền,
Siêu
nhiên danh chi viết Tổ"
(Chẳng
cùng phàm thánh sánh vai,
Vượt
lên mới gọi là Tổ).
Cho nên bất cứ phương tiện nào của cuộc sống cũng là đạo. Bắt nguồn tự vách núi Tung Sơn, đạo sống Thiền thấm nhuần khắp giải đất Á Đông, nung sanh lực cho mấy ngàn năm văn hóa. Cho nên uống trà cũng là đạo, trà đạo: trà thiền nhất vị Võ thuật cũng là đạo, nhu đạo: đạo lấy mềm thắng cứng. Cắm hoa, viết chữ, bắn cung cũng là đạo, đạo luyện phép vô tâm, để cho sự vật tự nó sắp xếp một cách viên mãn nhứt. Cho đến xách nước, bửa cũi cũng là đạo:
Bửa
củi là diệu dụng,
Xách
nước ấy thần thông.
(Bàng
Uẩn)
Mà rồi im lặng cũng là đạo nốt::
Đi
cũng thiền, ngồi cũng thiền,
Nói,
im, động tịnh thể an nhiên.
(Huyền
Giác)
Sau khi Tổ viên tịch, vấn đề giải thoát được nêu lên với tất cả tinh thành của hàng đệ tử. Người ta tự hỏi nhau: "Tổ truyền gì cho Huệ Khả? Bí quyết của pháp Phật là gì? Huyết mạch của đạo thiền là gì? Thực chất của giác ngộ là gì? v.v...". Bao nhiêu câu hỏi nóng hổi đặt dài theo bước chân người cầu đạo suốt mười lăm thế kỷ, và có thể đúc kết lại trong câu hỏi độc đáo sau đây của phép tu thiền:
"Như
hà nhị Tổ sư lai ý".
(Ý
nghĩa tối yếu của việc Tổ sư qua Tàu là gì?).
Người ta mang câu hỏi sống chết ấy đến gõ cửa các thiền sư.
Đáp lại tấc lòng tinh thành ấy, người ta nhận được những câu trả lời quái dị như sau:
Sư
Hương Lâm nói: ngồi lâu thấm mệt.
Sư
Cửu Phong nói: một tấc lông rùa nặng chín cân.
Sư
Triệu Châu nói: Cây bách ở trước sân v.v...
Lối nói ngược ngạo đó gọi là công án. Trong số 1.700 công án thiền, riêng về câu hỏi trên chiếm đến trên trăm câu, đủ biết tổ Đạt Ma luôn luôn có mặt ở khắp nẻo thiền. Nên một ông sư Phù Tang nói:
"Người nào lấy hư không làm giấy, lấy sóng trùng dương làm mực, lấy núi Tu Di làm bút, viết được năm chữ: Tổ Sư tây lai ý, thì sãi tôi xin trải tấm tọa cụ ra đảnh lễ dưới chân."
Sở dĩ người nào hiểu được, chẳng hạn câu nói "bách ở trước sân" (đình tiền bách thọ tử) của Triệu Châu là cùng lúc hiểu được tất cả câu nói khác, tất cả đạo thiền, tất cả pháp Phật. Một công án là một hột bồ đề xâu chung với vô số hột khác thành một chuỗi bồ đề vô tận; cho nên đập bể một hột bồ đề là toàn xâu chuỗi bung ra; nắm được một công án là nắm trọn, là thông suốt tâm Phật ý Tổ.
Tuy nhiên, muốn hiểu được "ý nghĩa của Tổ sư qua Tàu" không phải suy luận mà được, cần phải sống chết với nó, mang nó trong thịt da như Tôn Hành Giả mang cái niệt kim cô quanh đầu. Khi Tôn về tròn xong công quả thì cái niệt đau khổ kia bỗng chốc hóa thành không; cũng vậy, khi người tìm đạo "quán" được một công án, thì công án ấy cũng như vô số công án khác, bỗng hóa thành vô nghĩa, thừa thải, như một trò đùa rẻ tiền.
Dù vậy, suốt thời gian chưa quán được thì công án là một mũi tên oan nghiệt bắn thẳng vào mạng sống, nhổ không ra, muốn chết quách cũng không chết được. Đó là tâm trạng cùng quẩn, thai nghén cho biến cố ngộ đạo. Tâm trạng ấy được ví như tâm trạng của người:
"Leo lên cây, miệng cắn vào một cành cây, hai tay buông thỏng giữa hư không, hai chân không bám vào đâu được. Tình cờ dưới gốc cây có người hỏi vọng lên: "Ý của Tổ sư qua Tàu là gì?". Người trên cây không trả lời thì không được, mà trả lời thì rơi xuống hốt xương". (theo Vô môn quan).
Người kể câu chuyện cổ quái trên đặt câu hỏi: Trong hoàn cảnh ấy, chính người đó phải làm sao?
"Phải làm sao?"
Đó là bí thuật của Thiền Đông độ, mà Đạt Ma là Sơ Tổ: một huyền thoại của muôn đời.
GHI CHÚ:
(1) Bích nhãn Hồ Tăng.