Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Thi Ca Huyền Không và Với Tuổi Thơ Học Đạo

Sunday, December 12, 201000:00(View: 15843)
Thi Ca Huyền Không và Với Tuổi Thơ Học Đạo


Dạo ấy, vào khoảng cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Phật học viện Trung phần Hải Đức tại Nha Trang thấy cần phải mở rộng việc đào tạo tăng tài. Ngoài hai nơi đã có cơ sở sẵn là Báo Quốc (Huế) và Tu viện Già Lam (Sài Gòn), ban Quản trị quyết định mở thêm một chi nhánh nữa ở Cao nguyên Trung phần, địa điểm được lựa chọn là chùa Linh Sơn, Đà Lạt, nơi mà Hòa thượng Mãn Giác, tức thi sĩ Huyền Không đang làm Hội trưởng Hội Phật giáo Tuyên Đức (bây giờ là Lâm Đồng).

Hai mươi học tăng đang theo học Trung học đệ nhất cấp (cấp 2) được chọn để đưa đi. Trong số ấy có tôi, vừa mới học xong đệ thất (lớp 6 ngày nay) ở trường Bồ Đề Nha Trang.

Hòa thượng Trí Thủ (bấy giờ là Thượng tọa giám viện) đích thân hướng dẫn hai mươi học tăng lên đường đi Đà Lạt.

Hôm ấy là một ngày đầu thu, Ban Giám đốc và toàn thể học tăng Phật học viện đều ra ga Nha Trang để tiễn đưa chúng tôi lên đường.

Đã gần bốn thập niên trôi qua rồi, vậy mà tôi vẫn còn nhớ như in cái buổi sáng đầu thu năm ấy. Lúc đó, dù xì dầu, tương chao không đủ ăn, quần áo không đủ mặc, mà sao huynh đệ, thầy trò lại thắm thiết đạo tình với nhau như thế? Tôi cứ boăn khoăn tự hỏi, có phải vì lúc ấy cái bả lợi danh của thế gian chưa dám bén mảng đến chốn Thiền môn như bây giờ chăng?

Tuổi thơ của chúng tôi đã lớn lên trong không khí trong lành không hề bị bất cứ một đám mây đen nào làm vẩn đục, nên tất nhiên chúng tôi có đủ lý do để mơ ước về một ngày mai tươi sáng của đạo pháp và của cả chính mình.

Riêng tôi, dù lúc ấy chỉ vừa mới học xong đệ thất (lớp 6 bây giờ) nhưng cũng đã tập tành đọc được các tác giả của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, đặc biệttác phẩm Đoạn Tuyệt của văn hào Nhất Linh, mà trong đó nhân vật chính là một thanh niên trí thức, ảnh hưởng Tây học, đã phải hy sinh tình yêu nhỏ bé của mình để phản đối những quy định khắt khe của xã hội phong kiến đã lỗi thời.

Người thanh niên trí thức ấy đã lên đường đi đến những chân trời xa xôi, mà Thế Lữ đã cảm xúc ghi lại trong một bài thơ nổi tiếngGiây phút chạnh lòng:

Năm năm theo tiếng gọi lên đường

Tóc lộng tơi bời gió bốn phương.  

Rồi trên đường phiêu dạt, vào một buổi chiều cuối năm dừng lại trong một gác trọ để:

Rũ áo phong sương trên gác trọ

Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.

Cái hình ảnh một thanh niên cô độc trong gác trọ nơi đất khách quê người “lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang” ấy đã làm quyến rũ nhiều người trẻ tuổi dạo ấy, trong đó tất nhiên có tôi.

Cũng vào đầu thập niên 50 của thế kỷ 20, thầy Huyền Không (xin được gọi như vậy để giữ một chút kỷ niệm về tình thầy trò từ khi tôi còn để chỏm) cũng có làm một bài thơ có tên là Dòng suối nhỏ. Bài thơ diễn tả sự vui mừng náo nức của tác giả (hay cũng có thể là của toàn thể Phật tử Việt Nam) vào thời điểm đó, trước thềm đại hội của Phật giáo ba miền Bắc, Trung và Nam để hợp nhất thành một tổ chức duy nhất là Tổng hội Phật giáo Việt Nam (tiền thân của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất) diễn ra tại chùa Từ Đàm (Huế) vào năm 1951.

Nhưng tất nhiên có nhiều cách để ta cảm nhận bài thơ này, chứ không đơn thuần là bài thơ chỉ để đón chào sự kiện lịch sử trọng đại này của Phật giáo Việt Nam.

Chẳng hạn, ta có thể xem dòng suối nhỏ đó như chính là thân phận của mỗi người trong chúng ta. Dòng suối ấy, dù đang chảy âm thầm, phải luồn lách qua không biết bao nhiêu là đầm lầy nước đọng, nhưng dòng suối vẫn ước mơ rằng một ngày nào đó sẽ gặp được đại dương mênh mông.

Chúng ta cũng vậy, một hôm nào đó trong đời chợt nghe gió mùa se thổi, thấy đời sống chẳng có ý nghĩa gì cả, ngoài “bốn bức tường ủ rũ”, ta bỗng khát khao muốn đi đến những chân trời xa xôi, như dòng suối nhỏ của thầy Huyền Không cũng đã từng khát khao như vậy:

Chất chứa bao niềm hận

Chật hẹp riêng cuộc đời

Đêm qua trời trở gió

Tôi mơ chốn xa vời.

(Dòng suối nhỏ)

Trong thi phẩm Kẻ lữ hành cô độc được tái bản vào năm 2004 tại Mỹ, rồi trong tập kỷ yếu mừng khánh thọ vào năm 2005, thầy đều có trích đăng lại bài thi kệ này:

Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Kỳ vi sanh tử sự

Giáo hóa độ xuân thu.

Mà thầy đã dịch là:

Bình bát cơm ngàn nhà

Một thân muôn dặm qua

Chỉ vì niềm sống chết

Giáo hóa độ Ta Bà.

Hồi còn ở Đà Lạt cũng như Sài Gòn, thầy Huyền Không thường kể cho tôi nghe rằng, khi thầy còn là một học tăng ở chùa Báo Quốc, thầy thường trốn học ra ngồi dưới gốc cây nhãn của chùa để đọc các nhà thơ mới như Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, v.v... và nhất là các tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, đặc biệt là tiểu thuyết của Nhất Linh đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến độ mà vào cuối đời, ngồi nhớ lại một làng quê đã xa xôi của tuổi thơ, thầy vẫn còn nhắc “... đêm nào nằm ngủ tôi cũng thường nghe tiếng sóng vỗ ngoài biển, tiếng sóng nghe ầm ầm gặp khi trời động. Nghe tiếng sóng vỗ, tôi liên tưởng đến anh Vọi trong truyện Trống Mái của Nhất Linh”.

Như vậy là cái “chốn xa vời ...” mà thi nhân ước mơ đó ngoài âm hưởng của “cô thân vạn lý du”, tức là hình bóng của những kẻ xuất trần thượng sĩ tự nguyện rong ruổi một mình trên những nẻo đường của trần gian để lay động con người của trần gian đang ngủ mê trong đêm dài sanh tử ra, thì còn có cái lãng mạn của một thanh niên trí thức thời đó (qua Dũng trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh). Thứ lãng mạn mà các nhà văn nhà thơ thời bấy giờ đều thể hiện trong các sáng tác của mình.

Sở dĩ tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề này là vì, chúng ta còn nhớ rằng, văn thơ của Phật giáo thời ấy hầu như bị đóng khung hoàn toàn trong “nhà chùa”, nghĩa là hầu hết văn hay thơ đăng trên báo chí của Phật giáo trong những thập niên đầu thế kỷ 20 và cả giữa thế kỷ nữa cũng chỉ dành cho các Phật tử đi chùa lạy Phật đọc mà thôi. Và chắc chắn thầy Huyền Không là một trong những người tiên phong biết kết hợp giữa các giá trị tâm linh siêu việt của Phật giáo với nghệ thuật đương đại để có thể đưa văn thơ của Phật giáo ra khỏi cổng tam quan của chùa vậy.

Chính nhờ thế mà hồi ấy và có lẽ bây giờ cũng vậy, vẻ đẹp của những ngôi chùa không chỉ dành riêng cho những Phật tử đi chùa lễ Phật nữa, mà ngôi chùa đã nghiễm nhiên trở thành biểu tượng cho cái đẹp đầy tâm linh của dân tộc. Nếu không có những người tiên phong như thầy Huyền Không thì có lẽ ngày nay nếu mỗi khi chúng ta có dịp nói đến cái đẹp của những ngôi chùa thì chúng ta phải mượn tên các thi nhân bên ngoài như Anh Thơ, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh hay Nguyễn Bính, v.v... Nhưng chúng ta nên biết rằng, họ là những người ở bên ngoài ngôi chùa, nên họ chỉ thấy được cái đẹp từ bên ngoài chứ tuyệt nhiên họ chưa đi vào được cái đẹp tinh thần cũng như sứ mạng mà ngôi chùa đã đóng góp như thế nào đối với đời sống tâm linh của dân tộc.

Đó là chưa muốn nói đôi khi họ còn hiểu lệch lạc tinh thần của ngôi chùa. Ví dụ bốn câu sau đây của Thanh Tịnh:

Đạo sĩ chờ tôi chán hải hồ

Tôi chờ đạo sĩ lãng hư vô

Tôi mơ trăng lạnh Hàn Sơn tự

Ấp ủ men tình đội áo khô.

Trên phương diện thi ca, theo tôi thì bốn câu trên quá hay không thể chê vào đâu được nữa. Nhưng trên phương diện tinh thần thì Thanh Tịnh đã hiểu lầm, vì ngôi chùa không phải là nơi để ông trở về chữa vết thương của tình yêu, rồi đợi một ngày nào đó vết thương đã lành thì lại bỏ chùa để ra đi theo một chuyện tình khác:

Tôi mơ trăng lạnh Hàn Sơn tự

Ấp ủ men tình đội áo khô.

Bởi vậy phải đợi đến khi bài thơ Nhớ chùa của thầy Huyền Không ra đời (1956) thì mới xác định đúng vị trí của ngôi chùa đối với đời sống tinh thần của dân tộc:

Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi

An ủi dân hiền mọi mái tranh.

hay triệt để hơn:

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Hồi nhỏ tôi đã xuất gia tại một ngôi chùa ở miền quê nghèo khổ của miền Trung. Chùa nằm dưới một ngọn núi hùng vĩ cách xa xóm làng. Muốn vào chùa phải lội qua một con suối, chung quanh suối có nhiều tre mọc san sát bên nhau.

Lớn lên rời bỏ ngôi chùa quê vào sống nơi những ngôi chùa ở thành phố, nên mỗi lần đọc bài thơ Nhớ Chùa đến hai câu:

Có hàng tre gợi hồn sông núi

Yên lặng chùa tôi ngập nắng vàng.

thì tôi lại nhớ thương da diết về ngôi chùa của tuổi thơ dạo ấy.

Và tôi cứ thắc mắc tự hỏi là có phải ngôi chùa mà thầy nhớ trong bài thơ Nhớ Chùa đó là chùa Thiên Minh ở Thành phố Huế, nơi thầy đã xuất gia học đạo hay là ngôi chùa Linh Sơn ở Thành phố Đà Lạt nơi thầy đã từng sống và làm việc trong nhiều năm? Nếu là những ngôi chùa ở hai thành phố ấy thì làm gì có cảnh “mỗi tối dân quê đón gió lành” và làm gì có hàng tre để thầy “gợi hồn sông núi”. Nỗi thắc mắc ấy đến mấy thập niên sau mới được giải đáp nhờ tôi đọc được một tùy bút ngắn là Phương Lan, quê tôi của thầy:

“Quê hương Quảng Trị của tôi làng nào cũng giống nhau, cũng mái tranh, cũng khói lam chiều. Mùi rơm, mùi rạ, mùi trâu bò, mùi gia súc mang lại cho ta một thứ tình quê mặn nồng, không ai có thể dễ dàng quên trong cuộc đời nếu thời ấu thơ của chúng ta đã từng sống ở làng quê”.

Khi chiến tranh bất ngờ ập đến, không thể về quê được, cũng như nhiều người khác thầy cũng nhớ da diết: “... Tình quê của tôi nó thâm nhập như vậy, nên chi trong thời chiến tranh về thăm làng không được, vào năm 1956 tôi đã sáng tác bài thơ Nhớ Chùa. Ở nhà quê, làng nào cũng có chùa, chùa nào cũng có hương hỏa phụng thờ, nơi gửi gắm bao đời của tổ tiên”.

Như vậy là thầy đã không lấy cảm hứng từ chùa Thiên Minh ở Huế hay chùa Linh Sơn ở Đà Lạt, tức là những ngôi chùa ở nơi phồn hoa đô hội, mà thầy đã lấy cảm hứng từ những ngôi chùa ở tận những thôn làng nghèo khổ để sáng tác ra bài thơ Nhớ Chùa.

Những ngôi chùa nghèo khổ này vẫn đứng đó trong âm thầm lặng lẽ để chia sẻ, để an ủi những mảnh đời bất hạnh, những mảnh đời lầm than cơ cực của những người nông dân chân lấm tay bùn, từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác vậy.

Và theo tôi, chẳng phải một bài thơ hoặc một tác phẩm được cho là hay, có nghĩa là bài thơ ấy, tác phẩm ấy đọc vào ai cũng phải thấy thấp thoángbóng dáng hay tâm tư của chính mình trong đó hay sao?

Bởi vậy, dù phiêu dạt ở chân trời góc bể nào đi nữa, thì thầy vẫn nhớ về những ngôi chùa tận những miệt miền quê nghèo khổ ấy, nói theo cách nói của thầy thì “... vì nỗi nhớ thì quá nao nao, cho nên tôi đã phải liều mà trồng hoa trong mùa bão tố:

Biết đến bao giờ trở lại quê

Phân vân lòng gởi nhớ nhung về

Tang thương dù có bao nhiêu nữa

Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê”.

Xin được trở lại với chuyến đi Đà Lạt của ngày đầu thu dạo ấy.

Khi xe lửa bắt đầu móc từng móc sắt chậm chạp leo lên đèo Sông Pha để tiến vào Thị trấn Đơn Dương thì không khí khác hẳn, nghĩa là mát mẻ vô cùng. Có lẽ vì 20 người trong chuyến đi ấy hầu hết đều được sinh ra và lớn lên ở dưới đồng bằng nên tất cả đều có cảm giác là đã vừa vứt lại sau lưng cái nóng bức của mười mấy năm đầu tiên trên mặt đất này. Hai bên đường ray xe lửa là rừng thông xanh, là suối chảy róc rách, là hoa dại đủ màu sắc, nhưng đặc biệt nhất là hoa dã quỳ đang nở rộ làm vàng rực cả núi rừng.

Em đi lên vói bắt mấy hương màu

Miền đất thượng có mấy bờ hoa mọc.

(Bùi Giáng)

lẽ phải nhờ hai câu thơ ấy mới có thể diễn tả hết sự náo nức của tôi trong chuyến đi này. Náo nức vì không phải được đi Đà Lạt mà còn náo nức cho cả những ngày tươi đẹp còn dài trước mắt chúng tôi, tươi đẹp như thành phố ngàn hoa mà chúng tôi đang sắp sửa bước vào đây.

Khi tàu lửa vào ga Đà Lạt thì trời đã xế chiều. Thầy Huyền Không đã đứng chờ sẵn ở đó để nghênh đón Thượng tọa Giám việnhọc tăng chúng tôi.

Nhìn thầy và nhìn những tia nắng mong manh của buổi chiều tà đang xuống chậm giữa đồi núi chập chùng, tôi liên tưởng đến bài thờ Một ngày qua của thầy. Bài thơ mà vào khoảng cuối thập niên 50 và những năm đầu thập niên 60 (thế kỷ 20) một nhạc sỹ nào đó đã phổ nhạc, và được một ca sỹ Phật tử nổi tiếng là Duy Khánh hát, rồi trong các ngày lễ Phật lại được các em thiếu nhi gia đình Phật tử áo lam hát vang lên trong các sân chùa vào mỗi chiều Chủ nhật của miền Nam thời đó. Chúng ta nên biết rằng, chỉ sau năm 1963 thì văn nghệ Phật giáo mới bắt đầu và sau đó nở rộ vào những năm từ 1967 đến 1974. Nhắc lại như vậy, để thấy rằng thầy Huyền Không là một trong những người đã có công đưa văn nghệ Phật giáo bắt đầu ảnh hưởng đến xã hội thời bấy giờ, chứ không chỉ giới hạn trong nhà chùa như trước đó nữa.

Bài thơ đó tôi nhớ loáng thoáng như thế này:

Ngày tàn theo gót hoàng hôn

Bóng chiều đổ xuống tâm hồn ai đây

Thông xanh rải rác phấn vàng

Nghe trong gió thoảng cung đàn biệt ly.

hay một đoạn khác:

Chiều xuống giữa rừng dâu

Chân bước đi về đâu?

Tìm cái gì đã mất

Không thấy lại hôm sau.

 ...

Lá vàng lác đác gió bay

Còn đâu đây nữa một ngày đã qua.

Thời gian tàn phá và hủy diệt mọi sự, nhưng đau đớn thay là tất cả chúng ta đều gần như trơ lì và chẳng hề biết rằng mình đang trên con đường đi đến hủy diệt.

Chỉ có Thiền sư và thi nhân là những kẻ biết rất rõ rằng mình cũng sẽ bị hủy diệt trong một ngày nào đó không xa.

Bài thơ Một ngày qua, được Thầy Huyền Không sáng tác lúc còn trẻ, chỉ khoảng trên 30 tuổi, cái tuổi còn chan chứa mộng đời, cho nên nếu có buồn thì cũng chỉ buồn man mác mà thôi.

Nhưng đến tuổi xế chiều thì khác, không thể nói là buồn nữa, mà dù muốn hay không cũng phải chấp nhận nó như một sự thật hiển nhiên vì theo Thầy : “Không ai có thể đưa tay níu lại thời gian để giữ cho mình không thay đổi. Thôi thì hãy hài hòa chấp nhậnthảnh thơi sống với cái thời gian thực sự; đó là cách tìm sự an tâm trước mọi đổi thay”.

vì vậy cho nên lúc 55 tuổi Thầy có viết:

Cây tùng năm lăm tuổi

Trên đầu lá còn xanh

Thiền sư già cằn cỗi

Môi nở nụ cười lành.

(Cây tùng)

Có lúc nhìn thời gian trôi qua nhanh không chỉ “môi nở nụ cười lành” thôi, mà còn “cười vang suốt đêm trường” nữa:

Thiền sư đi trên đường

Áo rộng đầy tình thương

Thời gian không níu lại

Cười vang suốt đêm trường.

Riêng tôi, thì có lẽ chưa đủ nội lực như Thầy để “cười vang suốt đêm trường” dù có thể đó chỉ là cái cười chua xót. Nhưng ngược lại, mỗi lần đọc bốn câu mà theo tôi rất là lạ lùng sau đây trong bài Kẻ lữ hành cô độc của Thầy:

Trong đêm vắng kêu vang

Tiếng vọng khắp xóm làng

Ai biết kêu gì nhỉ

Trên trời mây lang thang.

Nhất là vào những đêm khuya khoắt chợt thức giấc, thì những mảnh đời đã ly tán lại trở về chập chờn trong ký ức mịt mù của tôi; đó là những ngày ấu thơ nơi một làng quê nghèo khổ nhưng lại có rất nhiều mây trắng và còn có cả ngôi chùa xưa tịch mịch lúc nào cũng tràn ngập nắng vàng. Rồi những năm tháng được sống bên cạnh Thầy tại chùa Linh Sơn ở Đà Lạt. Cái thành phố sương mù thơ mộng này dường như đã nuôi dưỡng hồn thơ của Thầy từ những ngày còn trai trẻ. Có lẽ con người chỉ thực sự sống với chính mình, khi con người biết ngồi một mình để hồi tưởng lại những ngày còn ấu thơ của chính mình. Chỉ những lúc ấy, ta mới chợt nhận ra rằng, dù hiện tại ta có là gì đi chăng nữa, thì cuối cùng ta cũng sẽ chỉ là một kẻ bơ vơ lạc lõng bước đi một mình trên mặt đất hoang vu này mà thôi, hay một Kẻ lữ hành cô độc, nói theo ngôn ngữ thi ca của Thầy. Vì sao? Vì chẳng phải Saint Exupéry đã từng nói cho chúng ta biết rằng: “...bóng tùng quân nghìn tầm xiêu đổ, thì cái con người trơ trụi sẽ chỉ còn nghe rõ trong hoang liêu mối ngậm ngùi xuân xanh xa mất”* đó sao?

Còn một điều nữa, không thể không nói đến trong thi ca của thầy Huyền Không. Đó là tấm lòng của Thầy, một kẻ tha hương nhưng lúc nào cũng ngóng trông về cố quốc:

Chiều nay mưa lòng ai

Tâm hồn chìm xa vắng

Ra đi đất nước người

Nhìn nhau đầy thầm lặng.

(Tiễn đưa)

Ở nơi xứ người, dù mỗi năm mùa xuân vẫn đến, nhưng làm sao vui cười được nhỉ ?

Thương Xuân tuyết trắng trên đầu núi

Nhớ nước làm sao nở nụ cười.

Có lẽ hai câu thơ trên đã đủ để nói lên hết tất cả tấm lòng của Thầy đối với quê hương đất nước rồi chăng?

Trong hơn 20 năm qua, mỗi lần viết thư cho tôi, lúc nào Thầy cũng nói lên cái mong ước của Thầy là, một ngày nào đó sẽ về thăm lại quê nhà, thăm lại những ngôi chùa có con đường đỏ chạy lang thang. Và mỗi khi hồi âm cho Thầy, tôi cũng đều chép hai câu thơ của Thầy, hai câu thơ mà tôi đã thuộc nằm lòng từ khi còn ở với Thầy ở chùa Linh Sơn (Đà Lạt):

Tiếng chim hót ngoài xa

Vui như ngày trở lại.

Dù bây giờ có lẽ chim đã bắt đầu hót ngoài xa, nhưng tôi nghĩ trong ngậm ngùi, mai này trong những người trở về thăm lại quê nhà đó sẽ không bao giờ có Thầy trong đó nữa ...

Nha Trang, những ngày cuối Xuân Đinh Hợi (2007)

T.P.A.


* Bùi Giáng dịch.

Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
(View: 21)
Triết học Phật giáo luôn chứa đựng những khái niệm sâu sắc và khó hiểu, nhưng cũng mang lại những giá trị tri thức
(View: 48)
Kinh Tứ Niệm Xứ dạy hành giả thiết lập Chánh Niệm trên bốn lãnh vực Thân, Thọ, Tâm, Pháp gọi tắt là Niệm Thân, Niệm Thọ, Niệm Tâm, Niệm Pháp.
(View: 62)
Các vị thánh trong Phật giáo thường được mô tả là từ bi như mẹ hiền, với sự kiên nhẫn vô tận của một người mẹ
(View: 101)
Thu thúc lục căn là làm chủ sáu giác quan khi tiếp xúc với sáu đối tượng trần cảnh.
(View: 121)
Bốn câu thi kệ này được trích trong bài « Kinh Hạnh Phúc » mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói cách đây đã hơn hai ngàn năm trăm năm,
(View: 198)
Đức Phật đến với cuộc đời không gì khác ngoài chỉ bày cho con người một nếp sống hạnh phúc an lạc.
(View: 271)
Chúng ta ở đây; chúng ta tồn tại và chúng ta có quyền hiện hữu. Ngay cả những sinh vật không có tri giác như hoa cũng có quyền tồn tại.
(View: 217)
Đức Phật xuất hiện và hành đạo nơi xứ Ấn cách nay hơn 26 thế kỷ với hiện thân con người, bậc Giác ngộ trong thế gian.
(View: 239)
Phá kiến là một thuật ngữ trong Phật giáo dùng để chỉ cho việc có quan điểm, giải thích, hướng dẫn sai lạc ý nghĩa chân chính của Phật pháp.
(View: 250)
“Dòng sông ơi! Vẫn thơ mộng như ngày xưa! Tình người ơi! Vẫn đẹp cho đến bao giờ…?”
(View: 277)
Nói sơ tâm, là nói về tâm của người mới học, tâm đơn sơ, tâm như hài nhi trẻ nhỏ, tâm rất mực hồn nhiên, chưa có chút gì là chữ nghĩa dày đặc, không chút gì là kiến thức uyên bác.
(View: 270)
Cái đẹp luôn là đề tài thơ mộng cho con người ta bay bổng, mộng mơ và tương tư không dứt, nó là một phần ý vị của cuộc sống.
(View: 297)
Người tu học Phật đều biết rằng, Bát Chánh đạolà nền tảng quan trọng của toàn bộ giáo pháp Thế Tôn.
(View: 325)
Chúng ta không thể nào trường sanh bất tử, trẻ đẹp, và mạnh khỏe mãi mãi được trên đời.
(View: 458)
Tu hành là gì? Có phải nhất định cần thoát ly cuộc sống, chạy vào trong chùa niệm kinh lạy Phật...
(View: 1108)
Chánh kiến là thấy biết đúng sự thật. Thấy biết về thiện và bất thiện, căn bản của thiện và bất thiện;
(View: 359)
Để đoạn tận tất cả tà kiến thì phải trau dồi chánh kiến. Chánh kiến ở đây là cái gì?
(View: 451)
Thế gian không có cái gì khổ cả, khổ chỉ là những ảo giác của con người.
(View: 315)
Đúng thế, đời là vô thường, huyễn mộng ai ai cũng biết. Nhưng chúng ta không thể nào ngồi im mà thụ động tại chỗ.
(View: 310)
Đức Phật đã dạy các nhà sư nên đi lang thang thế nào? Các bản tiếng Anh thường dùng chữ “wander” để nói về hành vi lang thang.
(View: 337)
Phàm có sinh thì có tử, đó là lẽ thường trong cuộc đời. Vạn sự vạn vật đều vận hành theo quy luật sinh ra, tồn tại, thay đổi, hoại diệt (gọi là sinh, trụ, dị, diệt)
(View: 358)
Pháp thoại này Thế Tôn dạy Tôn giả La-vân (La-hầu-la) quán chiếu về thân nghiệp giống như đang soi gương thấy rõ mặt mình dơ hay sạch.
(View: 345)
Cứ mỗi độ Vu Lan lại về với chúng ta, chính lúc đó là mùa Báo Hiếu, không biết bao nhiêu người con, từ khắp bốn phương nhớ tưởng đến công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ…!
(View: 359)
Thỉnh thoảng chúng ta nghe rằng bạn này tu theo Thiền Chỉ, và rồi nghe rằng bạn kia tu theo Thiền Quán.
(View: 364)
Bài pháp thoại này được nói tại một ngày tu Chánh niệmTu viện Tisarana, vào tháng Ba năm 2008.
(View: 363)
Bài viết này được chuyển thể từ một bài báo xuất bản đầu tiên trên Tina Lear's Medium.
(View: 352)
Hình như bất cứ lãnh vực nào, bước vào chuyên sâu, đều luôn có những chướng ngại, hoặc chướng duyên;nhất là hành giả trên con đường tâm linh giải thoát.
(View: 352)
Về câu hỏi, thế nào là thời mạt Pháp? Tôi được nghe câu trả lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi nói chuyện tại chùa Viên Giác
(View: 357)
Phàm phu thì sống trong thức phân biệt, nên thấy có sanh tử và không ra khỏi. Trái lại, bậc thánh thì sống trong trí và do đó thoát khỏi sanh tử:
(View: 404)
Phàm là người xuất gia ở chốn Tòng Lâm, tự viện, phải sống đời phạm hạnh, nghiêm trì giới luật đã thọ, giữ gìn oai nghi tế hạnhtrang nghiêm tự thân, kính trên nhường dưới, từ ái với mọi người.
(View: 382)
Bất cứ trong một tổ chức nào, từ chính trị đến xã hội, từ Tôn giáo đến đoàn thể…đều cần có một lý thuyết nền tảng vững chắc để làm cơ sở triển khai mọi sinh hoạt.
(View: 573)
Mỗi ngày trong cơ thể ta đều có những tế bào cũ chết đi và những tế bào mới sinh ra nhưng có bao giờ chúng làm đám tang hay tổ chức sinh nhật cho chúng đâu
(View: 442)
Chúng ta thường nghe nói rằng Thiền Tổ Sư là dạy pháp vô niệm, vô tâm.
(View: 432)
Như lý tác ý là khởi nghĩ, hướng tâm về mọi sự vật và hiện tượng đúng như lời dạy của Đức Phật.
(View: 429)
Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, ở trong Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tônnói với các Tỳ-kheo:
(View: 452)
Thân là thân thể của con người. Niệm là ghi nhận, quan sát. Xứ là lĩnh vực, là đề mục để hành giả quan sát tu tập.
(View: 438)
“Chiếc áo không làm nên nhà sư”, nghĩa bóng của nó như một lời nhắc nhở mọi người, đừng vội đánh giá người khác qua hình thức bên ngoài.
(View: 483)
Có phải bây giờ đã tới thời mạt pháp? Hay là sắp tới thời mạt pháp?
(View: 501)
Tánh Không được đồng hóa với như mộng. Đây là điều hệ thống Kinh Đại Bát Nhã thường nói.
(View: 573)
Toàn thể thế giới chúng ta, bên ngoài là thế gian, bên trong là tâm. Tất cả chúng là một biển vô tận của các pháp hữu vi đang vận hành.
(View: 473)
Việc tu tậpthiền viện nhấn mạnh vào việc hoàn thành mọi công tác tốt đẹp. Là tu sĩ, chúng tôi đặt nặng giá trị của việc chánh niệm về những điều bình thường
(View: 491)
Danh vọng nương nơi cái tôi mà tồn tại. Không có cái tôi, danh vọng không hiện hữu.
(View: 635)
Đã tử lâu lắm rồi, người Phật tử đã nghe nói về thời mạt pháp.
(View: 588)
Gần đây chúng ta thấy xuất hiện trên mạng xã hội nhiều bài viết kêu gọi người Phật tử phải cảnh giác với việc “trộm tăng tướng” hay “tặc trụ”.
(View: 587)
Trong nhiều bài pháp tôi đã viết, thì thường đề cập đến vấn đề làm phước, tích phước, tích đức, hay tu thiện... V
(View: 608)
Bố thícúng dường là một trong những hạnh đầu tiên để làm cho cõi này tốt đẹp hơn, và là những bước đi đầu tiên của Phật tử trên đường giải thoát.
(View: 583)
Thuyết âm mưu không phải là vấn đề mới, nó vốn xảy ra từ xa xưa, bên Đông hay bên Tây đều có cả.
(View: 637)
Sự xuất hiện của hành giả Thích Minh Tuệ đã tạo ra một biến động chưa từng có trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam.
(View: 689)
Bệnh đau là chuyện tất yếu của con người. Trừ những người có phước đức về sức khỏe sâu dày, còn lại hầu hết đều trải qua bệnh tật.
(View: 697)
Thời thơ ấu, chúng ta ưa thích đọc truyện Cô Ba Cháo Gà Địa Ngục Du Ký, rồi ưa nghe kể chuyện vong nhập, chuyện trừ tà…
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant