Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

01-05

02 Tháng Hai 201100:00(Xem: 6967)
01-05


XUÂN TRONG CỬA THIỀN TẬP: 1, 2, & 3

Thiền Viện Chơn Không
Hoà Thượng Thích Thanh Từ

1. Xuân Trong Cửa Thiền
2. Đêm Trừ Tịch Năm Giáp Dần-1974. 
3. Đức Di-Lặc Qua Hình ẢnhÝ Nghĩa Ngày Vía Của Ngài. 
4. Hạt Chuỗi Mộng Ngày Qua Mất, Nghiệp Thiện Ác Còn (Tất Niên Ất Mão-1975) 
5. Mùa Xuân Di-lặc (Xuân Bính Thìn-1976)

 

 XUÂN TRONG CỬA THIỀN

 Bốn mùa thay đổi muôn vật chuyển xoay, theo quan niệm người đời thì mỗi lần Đông tàn Xuân đến trong lòng rộn rã lo mừng Xuân đón Xuân. Rồi bao nhiêu tục lệ từ xưa truyền lại, nào là đưa ông táo, thiệp chúc Xuân, dựng nêu, rước ông bà, chúc Tết, lì xì v.v... Bước vào cửa Thiền, xem thử các tăng sĩ có quan niệm gì về ngày Xuân? Đây chúng ta hãy nghe Sơ tổ phái Trúc Lâm Yên Tử, Điều Ngự Giác Hoàng, nói về Xuân:

 Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
 Nhất Xuân tâm sự bách hoa trung
 Như kim khám phá Đông hoàng diện
 Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng

 Dịch:

 Thuở bé chưa từng rõ sắc không
 Xuân về hoa nở rộn trong lòng
 Chúa Xuân nay bị ta khám phá
 Chiếu trải giường Thiền ngắm cánh hồng.

 Lúc còn thiếu niên ở trong ngôi vị sang cả của một ông Hoàng, chưa thấm nhuần mùi đạo lý, mỗi lần Xuân về trăm hoa đua nở trong vườn ngự, làm sao Ngài không lòa mắt trước những màu sắc lung linh, không bâng khuâng qua những làn hương ngào ngạt. Sắc hương hương sắc quyện cả tâm hồn của ông Hoàng trẻ tuổi. Thế rồi bao nhiêu tâm sự đều gởi gắm vào trăm hoa.

 Nhưng khi tìm thấy được đạo, cổi bỏ mọi danh vọng tài sắcthế gian, cạo tóc mặc áo nhuộm, Ngài bước chân vào cửa Thiền. Gia công tu tập Ngài đã khám phá được chân lý của vũ trụ, thấy được mặt thật xưa nay của chính mình. Bây giờ Ngài không còn bị sắc hương lôi cuốn, tâm hồn lóng trong tự tại, ngồi lặng lẽ trên giường Thiền nhìn chúng nở tàn một cách an nhiên. Từ đây hoa nở hoa tàn không còn là một hình ảnh khiến tâm hồn người tăng sĩ phải vui buồn theo nó. Dòng thời gian cuồn cuộn trôi, hiện tượng trong không gian luôn luôn chuyển mình sanh diệt, song dưới con mắt một Thiền sư đạt đạo vẫn thấy có một cái gì hiện hữu thoát ngoài luật sanh diệt của thời gian không?

 Chúng ta hãy nghe lời nhắn nhủ của Thiền sư Giác Hải, một Thiền sư ở đời Lý, cũng nói về Xuân:

 Xuân lai hoa điệp thiện tri thì
 Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ
 Hoa điệp bản lai giai thị huyễn
 Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì

 Dịch:

 Xuân về hoa bướm gặp nhau đây
 Hoa bướm phải cần hợp lúc này
 Hoa bướm xưa nay đều là huyễn
 Giữ tâm bền chặt bướm hoa thây

 Con người và muôn vật đều bị cuốn phăng theo dòng thời gian bất tận. Sự chết sống sanh diệt của người và vật đều ứng hợp theo thời tiết. Hoa nở, bướm lượn tìm hương đều lệ thuộc hẳn vào mùa Xuân. Nếu chúng ta cứ bám víu vào bản thân vào ngoại cảnh thì ôi thôi! Dòng luân hồi sanh tử lôi cuốn chúng ta không biết đến đâu cho cùng.

 Chúng ta phải gan dạ nhìn thẳng vào lẽ thật của bản thân của ngoại cảnh, mới thấy chúng là tướng trạng tạm bợ vô thường, là giả hình bởi nhân duyên chung hợp. Quả thậthuyễn hóa không có một tí gì chắc thật. Chỉ chân tâm của chính mình, mới là cái chân thật bất sanh bất diệt, mà lâu nay chúng ta đã lững quên. Giờ đây, chúng ta phải quả quyết sống thật với nó, không một phút giây nào lơi lỏng. Ấy là chúng ta đặt chân trên đường giải thoát, cổi bỏ sợi dây sanh tử luân hồi. Đây là lời nhắn nhủ của Thiền sư Giác Hải bảo chúng ta phải “hướng tâm trì”.

 Lại một hình ảnh xinh đẹp lạ thường của một mùa Xuân bất tận, do Thiền sư Chân Không đáp lời hỏi của một thiền khách:

 Xuân đến Xuân đi ngỡ Xuân hết
 Hoa nở hoa tàn chỉ là Xuân.

 Nhìn thời gian sanh diệt, con người mãi lo âu và tiếc nuối. Thấy Xuân đến lại nghĩ đến Xuân đi, rồi e sợ sẽ bơ vơ không còn tìm thấy mùa Xuân đâu nữa. Tâm trạng khát khao lo sợ ấy dồn dập nung nấu con người. Khiến họ khô héo chết mòn và hơ hải phập phồng cho một ngày mai. Ngày mai họ không còn biết nó ra sao mời mịt tối tăm. Nhưng với Thiền sư, hôm nay và ngày mai đều là vô nghĩa, chúng chỉ là những chiếc áo cũ mới thay đổi trên một thân người.

Nhưng đứa bé khi mặc một chiếc áo cũ thì xịu mặt xuống, được quàng chiếc áo mới thì hí hửng lên. Đấy là chúng quên mình mà chỉ nhớ chiếc áo. Nếu khi chúng chỉ một bề vui buồn theo chiếc áo. Với người lớn ắt không như thế, vì tự biết đời mình đã đổi thay biết bao nhiêu lần chiếc áo. Khi thấy được lẽ thật, người ta sẽ không còn bận rộn trong hình tướng giả dối ấy nữa. Vì thế Thiền sư Chân Không đã kết luận cho chúng ta thấy bằng câu: “Hoa nở hoa tàn chỉ là Xuân.” Ấy là cái đạo miên viễn vậy.

 Bước sang những Thiền sư Trung Hoa, xem quan niệm các Ngài có gì khác lạ. Đây chúng ta hãy nghe Thiền sư Cao Phong Diệu ngâm nga bốn câu thơ, trước đại chúng trong ngày Tết Nguyên Đán:

 Bách niên nan ngộ tuế triều Xuân
 Xá nữ sơ trang việt dạng tân
 Duy hữu Đông thôn vương đại tả
 Y tiền mãn diện thị ai trần

 Dịch:

 Trăm năm khó gặp một ngày Xuân
 Trang điểm cô em vui vẻ mừng
 Chỉ một làng Đông riêng chị ả
 Như xưa trên mặt phủ bụi hồng

 Mùa Xuân là mùa khí hậu ôn hòa ấm áp. Mỗi lần Xuân về trên ngàn cây muôn cỏ đều khoác vào mình một chiếc áo mới. Sự điểm trang của cảnh vật nhịp nhàng với sự điểm trang của con người. Những đứa bé gái nào là áo tím quần hồng, lược cài trâm giắt, lũ lượt kéo đi thăm viếng chúc tụng nhau. Thật là một cảnh nhộn nhịp xinh tươi của một ngày Xuân.

 Nhưng trong khi con ngườivạn vật đang phô diễn sắc hương, đang tưng bừng chúc tụng, thì bên làng Đông một chị nàng đứng tuổi, vẫn trang nghiêm như tượng nữ thần, vẫn im lìm như hình thạch nữ để mặc cho sương pha bụi phủ, không hề vướng chút đổi thay. Gương mặt của cô ta vẫn bình thản an nhiên như tự thuở nào.

 Đây là một xảo thuật của Thiền sư khéo trình bày cho chúng ta thấy, bên hình ảnh biến ảo đổi thay, lại có một cái thâm trầm bất sanh bất diệt.

 Đến Thiền sư Tiếu Ẩn Hân, chúng ta sẽ thấy một hình ảnh sáng rỡ ẩn trong hiện tượng mịt mù, diệu lý bất sanh bất diệt nằm gọn trong cảnh vật sôi động sanh diệt. Hãy nghe Ngài ngâm bài kệ này trong dịp Xuân về:

 Kim cang chánh thể lộ đường đường
 Vạn tượng sum la bát-nhã quang
 Dẫn khứ lai cơ siêu đương niệm
 Vô âm dương điạ lý toàn chương
 Mộc kê báo hiểu đề thâm hạng
 Thạch nữ nghinh Xuân xuất động phòng
 Cộng hỷ long hồ đa đoan khí
 Thiền phong thời tống ngự lê hương

 Dịch:

 Kim cang chánh thể hiện rỡ ràng
 Cảnh vật muôn vàn bát-nhã quang
 Bặt lối lại qua đương niệm thoát
 Âm dương đất trống lý toàn bày
 Gáy sáng gà cây trong nẻo vắng
 Mừng Xuân gái đá ra động phòng
 Đáy hồ rồng vẫy vui vô hạn
 Đưa tiễn gió Xuân một lò trầm

 Trong muôn ngàn cảnh vật đã chứa sẵn thể Kim Cang Bát-nhã rực rỡ, chỉ cần dứt sạch mối manh lại qua sanh diệt thì chánh niệm hiện tiền vượt ngoài mọi đối đãi. Chính chỗ âm dương chưa phân kia, là chân lý hiện bày.

 Đẹp đẽ thay trên cảnh tượng ồn náo biến động đã ngầm chứa một cái bất động, như gà gỗ gáy sáng, gái đá mừng Xuân. Rồng nhả hơi trên mặt hồ trong lặng để cùng tiếp đón một mùa Xuân. Lò trầm phun khói quyện theo mây gió làm cuộc tiễn đưa người khách Xuân vừa đến cửa.

 Thật là ảo ảnh lồng trong chân thường, chân thường hiện bày trong ảo ảnh. Khiến chúng ta không còn lầm lẫn tìm kiếm chân lý ngoài sự vật vô thường, không lầm bỏ vọng tưởng mà lấy chân như. Đó là quan niệm chân chánh của Thiền sư nhìn vào cuộc đời vậy.

 ĐÊM TRỪ TỊCH
NĂM GIÁP DẦN 1974

 Tổng kết lại, chúng ta sống ở thời chiến tranh, mà hôm nay đến ngày Tất niên lại được sum họp ngồi tại Thiền đường ấm cúng này, nói chuyện đạo. Thật là hi hữu.

 Có lẽ đây cũng là một sự gia hộ của Tam Bảo, khiến chúng ta được sống trong cảnh an lành không lo sợ. Hoàn cảnh xã hội không làm chúng ta phải buồn rầu đau khổ. Nhất là Tăng Ni đã có thiện duyên chung ở tại Thiền viện để tu học thì thực là quí báu. Còn quí Phật tử nam nữ cũng vậy, tôi thấy rằng lý đáng ngày ba mươi quí vị phải ở tại nhà để rước ông bà, đoàn tụ với gia đình. Quí vị mến đạo cho đến nỗi phải hy sinh cái vui riêng của gia đình mà đến đoàn tụ ở trong đại gia đình Phật pháp như thế này, thật là hi hữu. Tinh thần đó càng đáng được khích lệ. Cho nên chúng tôi thấy rằng con đường hướng dẫn chỉ dạy đó là do Tam Bảo gia hộ khiến cho Phật pháp được miên viễn. Nếu chúng tôi làm được việc gì gọi là hợp thời và giúp cho quí vị đường lối tu hành thì những cái đó đều là sự gia hộ của Tam Bảo hết.

 Tôi thường nói với Tăng Ni câu này: Chúng ta chỉ không lo cố gắng, chớ chúng ta thật tình cố gắng tu hành, nhất là đem hết tâm tư phục vụ Phật pháp thì Tam Bảo không bao giờ bỏ quên chúng ta. Điều đó tôi tin tưởngquả quyết như vậy. Mà chính vì điều đó nên tôi nói rằng, hiện giờ chúng ta đang ngồi nói chuyện đây Tam Bảo cũng có mặt với chúng ta, Long thiên hộ pháp không bao giờ bỏ chúng ta. Điều đó có lẽ quí vị cũng phải tin phần nào qua kinh nghiệm của tôi. Trong Thanh qui chúng tôi có để câu: “Tăng Ni trong Thiền viện nếu hết gạo thì phải thay phiên nhau xuống núi để xin về, đi trong vòng ba ngày, nếu hết nữa thì đến người khác.” Vì sao tôi để câu đó? - Vì tôi chủ trương rằng từ ngày tôi lập Thiền viện là tôi dứt khoát không cho Tăng Ni đi đưa đám ma và không đi dự những buổi cúng kính của Phật tử tổ chức ở nhà.

 Có một số Tăng Ni nói với chúng tôi rằng: “Trong thời này mà không đi cúng thì Tăng Ni sẽ nhịn đói.” Đã nghe nói như vậy mà tôi thì quả quyết sẽ cách mạng điều đó. Vì đã giải quyết như vậy, cho nên tôi mới ghi câu đó trong Thanh qui Thiền viện. Không cho đi cúng lẽ dĩ nhiên thì người ta không cúng, nguời ta không cúng thì nhịn đói chớ gì? Nếu đến giờ phút chót mà hết gạo thì phải thay phiên nhau đi xin. Nhưng suốt thời gian qua, chúng tôi chưa thấy lúc nào ở trong kho hết gạo. Nếu không phải Tam Bảo gia hộ thì làm sao được như vậy. Chẳng phải do Tam Bảo gia hộ, do nhiệt tình của Phật tử thì làm sao mà có.

 Vì lẽ đó, tôi tin rằng sức gia hộ của Tam Bảo rất mạnh, và lòng thành tín của Phật tử rất tốt. Cho nên chỉ lo cho Tăng Ni chúng ta thiếu đức, thiếu hạnh không cố gắng tu hành chớ đừng lo Phật tử bỏ sót chúng ta. Đó là điều tôi thường nói, thường nhắc trong giới Tăng Ni.

 Bây giờ để thấy rõ rằng hôm nay là ngày cuối năm, chúng ta ai nấy nên trình bày điều thấy được, những biến động tâm tư của chính mình. Những biến động đó so lại thời quá khứ thì có thể có tiến triển, nhưng đem bì với các bậc thiện trí thức của quá khứ, thí dụ như Sư tổ hay các vị Thiền sư thuở trước thì mình vẫn phải hổ thẹn vì mình chưa được bao nhiêu.

 Căn cứ trên thời gian chúng ta phân biệt mùa Đông, mùa Xuân, nên bây giờ chúng ta mới có lễ Tất niên, uống trà trừ tịch. Theo thời gian phân định là thế tục đế, chớ không phải là chân đế. Hôm nay tôi đem việc thế tục đế để nói thế tục đế, nhưng cũng là đạo lý để rồi cùng khuyên nhắc cho tất cả quí vị thấy được ý nghĩa ngày cuối năm của chúng ta nó quan trọng như thế nào. Tôi xin nhắc lại câu chuyện hôm rồi tôi có thuật lại ở Linh Quang cho quí vị nghe. Một buổi sáng sau giờ ngồi thiền, tôi xả thiền xoa bóp xong, ngồi lại một tí cho thật hết hơi nóng. Khi ấy chú thị giả lên dọn dẹp, tôi vén mùng ra hỏi chú:

 - Ngày hôm qua đâu rồi?

 Chú nhìn tôi không trả lời. Tôi nói tiếp:

 - Tôi không muốn sống ngày nay, tôi muốn sống trở lại ngày hôm qua. Chú đem ngày hôm qua cho tôi.

 Chú thị giả cũng làm thinh không trả lời được câu hỏi đó.

 Một lát sau, tôi muốn dễ dàng cho chú một chút, tôi nói rằng:

 - Hôm nay chú dọn chén này đũa này, coi như chú dọn chén mới đũa mới. Nếu bây giờ tôi đòi chú đưa chén đũa cũ ngày hôm qua, thì chú phải làm sao?

 Chú nói:

 - Thì con sẽ đi đổi lại cái ngày hôm qua cho Thầy.

 Tôi nói tiếp:

 - Như vậy tại sao tôi không muốn sống ngày nay, tôi đòi ngày hôm qua mà chú không đổi lại cho tôi?

 Chú thị giả nói:

 - Ngày hôm qua là giả là mộng không thật.

 Tôi tiếp: Nếu ngày hôm qua là mộng, ngày nay tôi bắt đầu sống đây, đây cũng là mộng nữa hay sao? Ngày hôm qua là mộng, ngày nay là mộng, ngày mai cũng là mộng nữa sao? Như vậy suốt đời chỉ là mộng phải vậy không?

 Chúng ta cứ lần bằng xâu chuỗi mộng. Một ngày qua kẽ tay rồi mất, một ngày khác qua rồi mất, mất, mất... cho tới cùng hết một xâu chuỗi. Như vậy cả cuộc đời của con người toàn là xâu chuỗi mộng không có gì khác hơn.

 Hôm nay là ngày cuối năm, ngày mai là ngày đầu năm mới. Nếu chúng ta cứ cho là ngày đầu năm đó sẽ diễn tả bằng một năm mà chúng ta không bằng lòng, không vui, không ưng sống với năm đó, sống trở lùi với năm cũ thì có được không?

 Chắc rằng không ai trở lùi lại được. Cái quá khứ đã qua, qua mất rồi, thì cái hiện tại sắp đến đây, đến rồi cũng mất. Như vậy ba thời đều mất. Đã mất thì nó không thật. Nếu ta kiểm điểm lại kỹ từ thủy chí chung, thì đó là một dòng thời gian hư ảo không thật. Bởi không thật nên chúng ta thấy nó là mộng huyễn, qua rồi không tìm lại được. Thế mà chúng ta cứ lăn xả người vào cái hư giả đó tưởng nó là thật. Cả một cuộc đời tạo cái này cái kia không dừng. Rồi tới phút chót, ngày mà hơi thở dứt đi chúng ta sẽ ra sao? Kiểm điểm lại mình, nhớ cuộc đời năm mươi tuổi, sáu mươi tuổi, bảy mươi tuổi đã qua. Đó là cái gì? Thực là một chuỗi mộng.

Thực vậy, dòng thời gian là một xâu chuỗi mộng, không có cái gì hết. Mà kiếp sống chúng ta lại là một kiếp sống qui định bởi thời gian theo số năm sáu mươi, bảy mươi v.v... Như vậy rõ ràng thời gian không thật, nó là hư giả. Thời gian không thật thì con người chúng ta có thật hay không? Cũng không thật luôn. Nhớ năm ngoái tóc tôi bạc ít, năm nay tóc tôi đã bạc nhiều, răng tôi năm ngoái lung lay ít, năm nay lung lay thêm. Cứ như vậy, khi thời gian trôi thì bản thân chúng ta cũng bị tiêu mòn theo đó. Nếu căn cứ vào hiện tại, từ con người cho đến sự vật chung quanh mình đều theo dòng thời gianbiến đổi, sanh diệt từ phút, từ giây, từ sát-na, không dừng lại ở đâu hết.

Chúng ta thấy rõ ràng là dòng thời gian hư ảo. Nó đã chi phối hết cả cuộc sống hiện tại của chúng ta, từ thân mình cho đến ngoại cảnh. Không có cái gì không bị chi phối. Khi dòng thời gian đã hư ảo thì kiếp sống của con người cũng hư ảo, sự vật chung quanh cũng là hư ảo. Như vậy có thể kết thúc là: Chúng ta lần bằng những xâu chuỗi mộng, những hạt chuỗi mộng. Từng tháng từng năm, chúng ta mặc chiếc áo mộng đan dệt bằng những sợi tơ mộng. Chung quanh chúng ta toàn là mộng, mà không hay. Chúng ta lỡ sống như vậy rồi mà lại đua nhau giành giật danh lợi tài sắc. Rồi trong cái mộng đó, tạo không biết bao nhiêu đau khổ huyết lệ của chúng sanh.

Đó là vì chúng ta không biết cuộc đờiảo mộng. Nếu hôm nay chúng ta thấy rằng chúng ta sống trong một chuỗi mộng, mặc với những chiếc áo mộng thì còn gì mà đắm mê tham luyến cảnh mộng ấy nữa. Thân mình và ngoại cảnhkhông gian, ba thời quá khứ hiện tại vị laithời gian. Tất cả là một dòng mộng có gì đâu thật là mình. Lâu rồi chúng ta cứ mê lầm tưởng là thật, rồi tính thời gian để định số tuổi, hãnh diện sống dài ngắn v.v... Lượm lặt những sự vật vô thường ở chung quanh, cho đó là sự việc của mình. Kiểm điểm lại chỉ là lần chuỗi mộng mặc áo mộng mà thôi. Đó là chỗ thấy của chúng tôi.

 Nhưng mà nếu tất cả thời gian là mộng, không gian là mộng, thì rồi chúng ta chìm luôn trong mộng đó hay sao? Hay còn một cái gì nữa? Nếu chúng ta cứ thấy thời gian trôi qua là mộng, cuộc sống mình sự vật chung quanh mình cũng là mộng, thì lúc đó chúng ta sẽ đi mãi trong cái sanh diệt hư ảo mộng huyễn rồi tuyệt vọng sao? Nhưng nhờ phúc duyên lành, chúng ta được đức Phật chỉ cho trong cái mộng ấy có cái không phải là mộng. Mà cái đó là cái hiện giờ chúng ta đang trở về đang theo dõi nó và tìm thấy nó, để sống với nó.

Như vậy trong cái mộng chúng ta còn thấy cái không phải mộng. Thời gian không gian đều là mộng. Cái không phải là mộng đó đối với toàn thể mộng này nó có giá trị biết là bao! Vì vậy khi chúng ta thấy đang bị cái hư ảo huyễn mộng chi phối thì đồng thời cũng nhận thấy chúng ta còn có cái không phải hư ảo, không phải huyễn mộng luôn có mặt với chúng ta. Điều đó rất đáng mừng! Mừng cho mình, nhưng khi mừng cho mình chừng nào lại thương cho những người đang lao mình trong mộng ấy rồi tạo nghiệp ác, gây khổ đau. Thật đó là những người đáng cho chúng ta thương xót.

 Vì vậy cho nên khi chúng ta nhớ đến mình biết kiếp ngườiảo mộng, tìm thấy một cái gì nó thoát ra ngoài vòng ảo mộng đó, chúng ta nương tựa nó, trở về nó để được an lành. Chúng ta càng thương xót thấm thía đối với những người đang lao mình trong mộng mà tự họ không thức tỉnh. Chính cái nhìn đó mà một Thiền sư Việt Nam đã diễn đạt tâm tư bằng những câu thơ, để cho bao nhiêu nhà văn nhà thơ Việt Nam nhắc lại mãi không quên. Thiền sư Mãn Giác đã nói:

 Xuân khứ bách hoa lạc
 Xuân đáo bách hoa khai
 Sự trục nhãn tiền quá
 Lão tùng đầu thượng lai
 Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
 Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

 Dịch:

 Xuân đi trăm hoa rụng
 Xuân đến trăm hoa cười
 Trước mặt việc đi mãi
 Trên đầu già đến rồi
 Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết
 Đêm qua, sân trước một cành mai

 Hai câu đầu thạât tình diễn tả Xuân đến Xuân đi, là dòng thời gian. Hai câu kế nói bách hoa lạc, bách hoa khai là những sự vật hiện có trong không gian này. Như vậy thời giankhông gian là một dòng sinh diệt ảo mộng. Khi thời gian không gian trôi theo dòng ảo mộng đó thì con người mình như thế nào? Tức là liền thấy chính mình nhìn thời gian trôi và tưởng như mình không mắc kẹt ở trong ấy. Đâu ngờ ngó lên đầu mái tóc đã bạc phơ. Như vậy thời gian trôi đi, không gian biến đổi thì, chính mình theo đó mà đổi thật là bi đát, nếu cuộc đời chỉ có ngang chừng ấy thôi.

Nhưng mà không bi đát lắm với đôi mắt của Thiền sư vì “Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.” Đừng bảo rằng mùa Xuân hết thì hoa rụng hết. Đêm qua là đêm mùa Đông vẫn còn có một cành mai nở trắng ở trước sân chùa mình. Rõ ràng trong cái tàn hoại ảo mộng còn có một cái gì thầm kín đẹp đẽ trường tồn mãi. Đó là một cành mai. Một cành mai của Thiền sư Mãn Giác tức là cái gì Phật đã nói trong kinh Lăng Nghiêm, đó là “Chân Tâm” hay là Như Lai Tạng tánh của chúng ta. Hoặc ở chỗ khác trong kinh Pháp Hoa, đức Phật dụ là “Hòn ngọc quí” đang buộc trong chéo áo.

 Như vậy đối với người tu, nhất là khi chúng ta hiểu được chút ít về Thiền. Nếu chúng ta sống với tâm niệm Thiền thì mới thấy rằng trong cái sanh diệt ảo mộng, còn có cái không sanh diệt lẫn trong ấy. Thế nên lòng mình được an ổn, tự tạivui vẻ. Chỉ thấy được một tí, một khía cạnh nhỏ xíu nào của cái đó, chúng ta cũng cảm thấy có hứng khởi, một niềm vui vẻ để xóa được nỗi đau buồn, những cái tối tăm thời quá khứ. Thấy được một tí thôi mà chúng ta cũng có một niềm an lạc rồi, huống nữa là toàn thể bản tâm ấy.

Nếu chúng ta thực hiệntoàn vẹn thì đẹp biết chừng nào. Vì vậy chúng tôi tin rằng với sự cố gắng mãnh liệt của tất cả chúng ta ai nấy rồi đều có một ngày sẽ vỗ tay cười, cười quên thôi như Hòa thượng Thủy Lạo. Sau khi bị một đạp của Mã Tổ vào hông, Ngài cười cho đến mãn đời không thôi. Do đó cái vui trong đạo, trong cuộc đời đen tối ảo mộng đó mà mình tìm được cái gì nó thoát ra ngoài, chẳng khác nào ở trong đêm tối mà mình thấy hay nắm một ngọn đèn sáng, thật còn gì vui sướng cho bằng.

Cho nên đó là nguồn vui vô tận đối với người hiểu đạo, học đạo. Cái vui đó không phải để rồi hưởng riêng mà phải ban rải cho mọi người cùng vui với chúng ta. Đó là tâm niệm triền miên của người tu hành. Nhưng muốn hưởng được mùi thơm hoa mai, cành mai của ngài Mãn Giác nói, có dễ dàng cho chúng ta hay không, hay phải chịu cay đắng nhọc nhằn lắm mới hưởng được. Tôi xin nhắc lại bài kệ của Tổ Hoàng Bá, Ngài đã bảo: Chúng ta muốn ngửi mùi hoa mai đó phải làm sao? Ngài nói:

 Trần lao quýnh thoát sự phi thường
 Hệ bả thằng đầu tổ nhất trường
 Nhược bất nhất phiên hàn triệt cốt
 Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương

 Dịch:

 Thoát trần việc ấy rất phi thường
 Nắm chặt đầu dây giữ lập trường
 Nếu chẳng một phen xương thấm lạnh
 Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương

 Thật tình, khi chúng ta muốn ra khỏi vòng ảo mộng ấy, dĩ nhiên chúng ta là kẻ phi thường. Tại sao? Vì mọi người đang lao mình trong mộng mà không biết là mộng, rồi chìm đắm, rồi say sưa, rồi tạo nghiệp khổ cho nhau. Đó là người sống trong vô minh trong mờ tối. Bây giờ chúng ta đã thấy được đó là vòng vô minh, đen tối muốn thoát ra khỏi nó, thì đối với những người kia chúng ta chẳng “phi thường” là gì? Bởi muốn làm kẻ phi thường, chúng ta phải làm sao? Phải nắm vững đầu mối dây, đừng bao giờ cho nó lay chuyển lập trường của mình từ thủy chí chung.

Nói từ thủy chí chung thì xa quá, tôi muốn nói lập trường của Tăng Ni hay Phật tử, kể từ khi chúng ta có được cái duyên biết đạo vị của Phật, kể từ đó cho đến bao giờ chúng ta đạt đạo mới thôi. Lập trường đó không bao giờ lay, nghĩa là nắm vững. Tôi tin rằng với lập trường đó ai nấy cũng đều ngửi được mùi thơm của hoa mai. Thế nên Ngài nói nắm vững lập trường để sau này dù gặp những cái khó khăn, khổ não, nhọc nhằn những chướng gì chúng ta cũng đều qua hết.

Có qua như vậy ta mới đi đến chỗ đẹp đẽ an lành đúng theo sở nguyện. Tức là ngửi được mùi thơm của hoa mai. Để diễn tả cái đen tối, cái khổ đau, cái chịu đựng cay đắng đó, Ngài mới nói rằng: Nếu không phải bị sương tuyết lạnh thấu xương thì làm sao có ngày ngửi được mùi thơm của hoa mai. Hình ảnh hoa mai và tuyết sương mượn ở bên ngoài, nói lên sự cay đắng khó khăn của người tu. Do sự cay đắng khó khăn đó mà chúng ta đi đến chỗ tột cùng, nếu giữ lập trường không lay chuyển.

Sau khi qua cái cay đắng tột cùng rồi, chúng ta sẽ được cái an lành vô thượng, đó là ngửi mùi thơm của hoa mai. Thành ra hoa mai của Tổ Hoàng Bá nói cũng là hoa mai của Thiền sư Mãn Giác. Hai vị đó đều mượn hình ảnh mùa đông đen tối để chỉ cho chúng ta rằng còn có một cành hoa mai thơm ngát mũi cuối mùa Đông. Với một cố gắng phi thường thì chắc chắn rồi ai cũng hưởng được hương vị nó.

Phải gan dạ chịu qua một mùa Đông lạnh buốt mới có thể ngửi được mùi thơm của hoa mai. Vì vậy tôi có thể kết thúc câu chuyện rằng, nếu tất cả mọi người chúng ta ai nấy đều có thiện chí quyết tiến lên không mắc kẹt trong cuộc đời ảo mộng nữa, thì chúng ta phải gan dạ chịu đựng, bởi vì chúng ta đi ngược dòng sanh tử. Dòng sanh tử giống như một dòng nước lũ quá mạnh. Người nào không gan dạ không vững bền thì sẽ bị nó cuốn phăng đi. Vì vậy mỗi người phải gan dạ, vững vàng để vượt lên, đừng để cuốn đi. Như thế chúng ta mới có thể ra khỏi dòng nước lũ đó. Đó là chỗ thiết yếu mà mọi người chúng ta, xuất gia cũng như tại gia, muốn đi ngược dòng đời ảo mộng của thời gian, không gian đều phải cố gắng.

 Tóm lại, tôi đã kết thúc bằng một đáp số rõ ràng cho quí vị thấy cuộc đời tu hành của chúng ta là phải như vậy.

 ĐỨC DI-LẶC QUA HÌNH ẢNHÝ NGHĨA
NGÀY VÍA CỦA NGÀI
 
 Trong chùa tất cả những hình thức thờ phụng cũng như mọi nghi lễ đều có ý nghĩa rõ ràng, nhưng vì lâu rồi chúng ta nặng về phần tín ngưỡng, nên không xét kỹ ý nghĩa. Vì vậy đi chùa rất lâu thờ Phật quá nhiều; mà tự mình không biết ông Phật đó là thế nào? Tại sao ngày đó mình phải lễ Ngài?
 
 Hôm nay nhân ngày đầu năm, đúng là ngày vía của đức Phật Di-lặc, và lúc này chúng ta lễ Phật gọi là lễ vía đức Di-lặc. Chúng ta phải biết ý nghĩa ngày vía của Ngài thì việc lễ của chúng ta mới có giá trị thật. Vì sợ quí Phật tử không hiểu lẽ đó, cũng như chư tăng trong chùa, nhiều khi không có thời giờ nghiên cứu rõ ràng, cho nên hôm nay sẵn đây tôi nói ý nghĩa về đức Phật Di-lặc để quí vị tìm hiểu, coi như lời chúc Tết đầu năm của tôi.
 
 Nói về đức Phật Di-lặc chắc rằng đại đa số quí vị đều nhớ đến hình tượng của một ông Phật ngồi phạch ngực, mập, bụng to và miệng cười toe toét. Có khi quí vị thấy bên cạnh Ngài có 6 đứa con nít, đứa thì móc lỗ tai, đứa thì móc miệng, đứa thì thọc lét v.v... Những hình tượng đó như là một trò đùa. Mình không biết tại sao lại có chuyện đùa ở trong chùa như vậy. Đó là ý nghĩa chúng ta cần phải biết. Nói đến đức Di-lặc chúng tôi phải khảo lịch sử từ Ấn Độ sang Trung Hoa để quí vị khỏi lầm lẫn. Nhiều tà thuyết bây giờ dựng đức Phật Di-lặc làm chỗ tiêu chuẩn để họ lôi cuốn Phật tử. Đức Phật Di-lặc là tên dịch của thuở xưa. Sau này có dịch ra nhiều tên khác nhưng vì chúng ta đã quen kêu là đức Phật Di-lặc.
 
 Chữ Di-lặc là phiên âm tiếng Phạn, Tàu dịch là Từ Thị (Thị là họ, Từ là từ bi). Có thuyết nói rằng khi bà mẹ của Ngài mang thai Ngài, khởi lòng thương không nỡ giết hại chúng sanh và không ăn thịt cá được cho nên nói là “Từ”. Vì Ngài sanh nơi bà mẹ đó cho nên gọi là Từ Thị. Nhưng có thuyết lại nói khác hơn. Vì thuở xưa Ngài tu về từ bi tam-muội cho nên sau này có tên là Từ Thị. Nhưng tên Ngài là A-dật-đa cũng là tiếng Phạn dịch âm.

Dịch theo chữ Tàu là Vô Nan Thắng (Vô là không, Nan là khó) tức là không có thể nào hơn được. Đối với Ngài về trí tuệ và hạnh tu ít người hơn được, nên có tên Vô Nan Thắng. Đó là nói về đức Phật theo thói quen của chúng ta. Nếu nói theo kinh thì gọi là Bồ-tát Di-lặc. Hồi đức Phật còn tại thế, Bồ-tát Di-lặc là một người có lịch sử sanh ở miền Nam Thiên Trúc, ở trong dòng Bà-la-môn. Sau gặp Phật, Ngài xuất gia, tu theo hạnh Bồ-tát. Đó là hình ảnh thật có lịch sử rõ ràngNam Thiên Trúc.
 
 Khảo nhiều kinh, trước hết tôi dẫn kinh A-hàm. Trường A-hàm có nói thế này: Đức Phật dạy rằng sau này ở cõi Ta-bà, tâm con người càng ngày càng ác, mười nghiệp thiện họ bỏ qua mà luôn tạo nhiều nghiệp ác. Cho đến bao giờ họ quí mười nghiệp ác cũng như thuở xưa quí trọng mười nghiệp thiện và tuổi thọ chúng sanh giảm xuống đến cuối cùng còn mười tuổi thì đức Phật Di-lặc ra đời. Khi nghiệp ác nhiều thì tuổi thọ theo đó mà giảm.

Bao giờ tuổi thọ con người chỉ còn mười tuổi, cũng như bây giờ tuổi thọ chúng ta coi là một trăm tuổi vậy, thì lúc đó thế giới sẽ có những tai nạn đao binh. Đao binh ở đây không phải là người ta giết chết nhau, mà chính những lá cây cỏ cũng có thể biến thành gươm bén. Chúng ta bị chặt bị cắt mà chết. Qua tai nạn đao binh đó tới tai nạn tật dịch tức là đau ốm bệnh dịch. Vì vậy đại đa số dân chúng trên thế giới này chết mòn chỉ còn sót lại một ít người tu hành ẩn trên núi trên non.

Họ còn sống thừa lại. Khi họ sống qua cái thời gian chết đó rồi, họ tìm thấy bà con dòng họ của họ chết hết, chỉ còn sót lại lưa thưa vài người, lúc đó, họ mới biết rằng từ hồi đó tới giờ dòng họ mình làm điều ác, bây giờ mới bị quả báo chết như vậy. Cho nên họ nỗ lực tu mười điều thiện lại. Khi bắt đầu tu mười điều lành thì tuổi thọ họ tăng, cứ một trăm năm thì tăng lên một tuổi. Đến bao giờ tuổi thọ lên đến sáu mươi bốn ngàn tuổi, lúc đó dân chúng đông đảo thuần hậu, làm lành thì Phật ra đời ở dưới cội cây Long Hoa gọi là hội Long Hoa.

Như vậy quí vị tưởng tượng bây giờ chúng ta đang ở cái mức tám mươi tuổi thọ mà cứ một trăm năm giảm xuống một tuổi, giảm tới còn mười tuổi, rồi tăng lên cho đến sáu mươi bốn ngàn tuổi, thì thời gian từ đây cho tới đó còn bao xa? Theo sách Phật thì khi Phật Thích-ca nhập diệt thì đức Di-lặc cũng nhập Niết-bàn. Ngài sanh lên cung trời Đâu-suất ở trong nội điện sống bốn ngàn tuổi. Sau đó Ngài mới sanh trong thế giới Ta-bà, thành đạo dưới cội cây Long Hoa giáo hóa chúng sanh kế tiếp đức Phật Thích-ca.

Vậy tưởng chừng bao lâu Phật Di-lặc ra đời? Vậy mà có một số người nghe trong kinh nói đức Phật Di-lặc ra đời nghe nói hội Long Hoa, rồi họ bịa ra ít bữa đức Phật Di-lặc ra đời, vài bữa hội Long Hoa đến v.v... Đó là những tà thuyết để lừa bịp những Phật tử học mà không hiểu Phật pháp, lại có người tự xưng là Phật Di-lặc hoặc tự cổ động rằng mình sẽ chờ đón đức Phật Di-lặc. Quí vị xét, nếu chúng ta tin đức Phật Di-lặc chỉ còn một phen bổ xứ lên cung trời Đâu-suất, sau này hạ sanh ở thế giới Ta-bà thành Phật, nếu tin lời Phật Thích-ca nói trong kinh thì chúng ta phải tin luôn thời gian đã định ngày Phật ra đời.

Chúng ta tin đức Phật Di-lặc, có hội Long Hoa mà quên thời gian đó. Rồi cứ hờ hững, cứ nghe ai nói đức Phật Di-lặc ra đời thì vội vàng chạy tới đảnh lễ mong cầu v.v... Đó là cái sai lầm quá lớn để những tà thuyết lợi dụng danh từ Phật giáo tuyên truyền mê tín dị đoan. Người Phật tử chân chánh phải hiểu rõ điều đó. Đó là tôi khảo về lịch sử từ những bộ kinh gọi là Di-lặc thượng sanh, Di-lặc hạ sanh và Di-lặc bản nguyện. Những kinh đó đều do đức Phật Thích-ca nói ra. Coi kỹ những bộ kinh đó rồi, chúng ta biết rõ lịch sử đức Di-lặc, vậy đừng nghe lời của một số người bàn tán, dựng lên những điều sai lầm. Đó là chúng tôi nói về đức Phật Di-lặc ở Ấn Độ.
 
 Bây giờ nói tới đức Phật Di-lặc ở Trung Hoa. Đức Di-lặc sang Trung Hoa hồi lúc nào? Thật ra nếu căn cứ theo hình tượng chúng ta thờ thì không có hình tượng của đức Bồ-tát ở Ấn Độ, mà là hình tượng đức Di-lặc ở Trung Hoa. Đó là một ông già bụng phệ lùn mập, như vậy là đức Di-lặc ở Trung Hoa chớ không phải ở Ấn Độ. Di-lặc ở Trung Hoa ra đời lúc nào? Điều đó chúng ta phải khảo lại. Có nhiều thuyết nói đức Di-lặc hiện giờ đang ở trên cung trời Đâu-suất.

Ngài chưa tới thời kỳ giáo hóa chúng sanhthế giới này. Nhưng với tinh thần người hiểu Phật giáo Đại thừa thì Bồ-tát có báo thân, ứng thân và nhất là hóa thân. Tùy căn cơ chúng sanh mà các ngài ứng hóa vô lượng thân không thể lường được. Cho nên sử Trung Hoa có kể mà tôi nhớ đại khái có hai hóa thân của Bồ-tát Di-lặc. Một hóa thân gọi là Ngài Tăng Can ở gần chùa Quốc Thanh đời nhà Tùy, tức là ở khoảng thế kỷ thứ sáu.

Nói rằng Ngài có một cái am gần chùa Quốc Thanh và đi thuyết giáo nơi này nơi nọ. Có lắm lúc Ngài cỡi cọp về, chúng trong chùa thấy hoảng kinh. Khi đến khi đi không ai lường được. Có lần Ngài ôm về một đứa bé gởi trong chùa đặt tên là Thập Đắc. Thỉnh thoảng có một ông ăn mặc rách rưới ở trong núi lạnh đi ra, tuyết phủ đầy mình gọi là Hàn Sơn. Hàn SơnThập Đắc được coi như là hai người ăn mày trong chùa. Các ngài là hai vị hóa ra ăn mặc rách rưới ngủ ngoài hành lang.

Tới bữa ăn thì đợi chúng ăn xong hết, còn những thừa cặn gì đó ngài trút lại dùng. Có khi các ngài còn lượm cơm dưới sàn nước, rửa lại mà ăn. Chúng trong chùa coi các ngài như hai kẻ ăn mày không kém, nhưng mà có cái lạ là nhiều khi hai ngài hứng làm thơ. Những bài thơ của các ngài không ai hiểu gì hết. Một hôm bất chợt, sau một bữa trưa chúng tăng nghỉ hết, hai ngài trèo lên cổ của ngài Văn-thù và ngài Phổ Hiền ngồi.

Một ông tăng ở dưới tăng xá thình lình đi lên, thấy như vậy ngạc nhiên quá mới chạy đi báo cho ông trụ trì hay. Ông trụ trì lôi hai ông xuống rầy quở đủ thứ hết. Hai vị đó là bạn thân của ngài Tăng Can. Ngài Tăng Can tịch rồi. Một hôm ông chủ huyện có bệnh nan y, ông nằm chiêm bao thấy ngài Tăng Can tự xưng là đức Di-Lặc bảo ông đến đảnh lễ Bồ-tát Văn-thù, Phổ Hiền và chỉ cho ông một phương thuốc uống hết bệnh. Muốn đảnh lễ hai vị đó thì vào chùa Quốc Thanh hỏi tên Hàn SơnThập Đắc vì đó là Bồ-tát Văn-thù và Phổ Hiền.

Ông huyện đó theo lời chỉ tìm thuốc uống lành bệnh, mới tìm đến chùa Quốc Thanh để gặp hai vị Hàn Sơn, Thập Đắc. Khi đó ông trụ trì thấy ông huyện tới hỏi hai chú ăn mày trong chùa thì ông ngại quá không muốn kêu. Nhưng ông huyện cho biết ông mong mỏi gặp hai vị đó. Buộc lòng ông trụ trì mời hai vị ra. Hai vị nắm tay đi ra. Vừa thấy hai vị ông huyện quì mọp xuống lạy. Hai vị mới cười và nói: “Cái lão Tăng Can bày đặt làm cho ta phải bại lộ rồi.” Hai Ngài, cõng nhau chạy tuốt vô rừng mất. Do đó mới biết hai vị là hiện thân của Văn-thù, Phổ Hiền, còn ngài Tăng Can là hiện thân của đức Di-lặc. Nhưng biết thì chuyện đã rồi, không ai ngờ để đảnh lễ các ngài được hết.
 
 Một vị khác vào thế kỷ thứ mười đời Ngũ đại ở Trung Hoa gọi là Bố Đại Hòa thượng. Vị đó gần gũi chúng ta nhất, tức là ông già quảy cái đãy to tướng, mặt tròn, miệng cười, bụng phệ, áo phạch ngực. Ngài Bố Đại Hòa thượng lúc nào cũng quảy một túi lớn, đi trong nhân gian gặp chỗ nào có cái gì, Ngài xin bỏ vô đãy. Đến chỗ có con nít đông, Ngài ngồi xuống phân chia cho chúng nó, vui chơi với chúng nó. Cho nên người ta thấy miệng Ngài lúc nào cũng cười vui vẻ thích thú. Đó là hình ảnh đức Di-lặc, một vị Hòa thượng bụng lớn, mập, miệng cười toe toét.
 
 Tại sao gọi ngài Bố Đại Hòa thượng là Di-lặc?
 
 Nói rằng Ngài đi xin như vậy có nhiều chuyện xảy ra cho Ngài lạ lắm. Trong sử có nói đủ, ở đây tôi chỉ lược vài điểm thiết yếu cho quí vị biết mà thôi. Ngài đi xin và sống một thời gian như vậy ở tỉnh Minh Châu. Tại đó Ngài lang thang nơi này nơi nọ. Thời đó là thời Thiền Tông còn thạnh hành ở Trung Hoa. Một hôm Hòa thượng Thảo Đường gặp Ngài hỏi: “Đại ý Phật pháp thế nào?” Đang quảy bị trên vai Ngài liền để xuống. Vị Hòa thượng hỏi thêm: “Chỉ có thế thôi hay có con đường tiến lên?” Ngài mang cái bị để lên vai và đi. Đó là câu trả lời của Ngài.
 
 Trong lịch sử Thiền tông, cũng câu hỏi đó, Tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền đem ra hỏi Tổ Hoàng Bá liền bị ăn gậy. Ở đây ngài Bố Đại Hòa thượng đối với câu hỏi đó, Ngài chỉ buông cái bị xuống đất. Hỏi có con đường tiến lên nữa không, Ngài mang bị lên vai đi tuốt. Những hình ảnh đó là thế nào? Như vậy mà người ta vẫn chưa biết thế nào, tung tích ra sao? Nhưng một hôm Ngài sắp thị tịch, mới trở về chùa. Ngồi bên bàn thạch Ngài làm một bài kệ rồi tịch. Bài kệ đó như thế này:
 Di-lặc chân Di-lặc
 Phân thân thiên bách ức
 Thời thời thị thời nhân
 Thời nhân tự bất thức
 
 Ngài nói rằng: Di-lặc thật Di-lặc. Phân thân trong muôn ức. Thường thường chỉ dạy người đời. Người đời tự không biết. Nhờ bài kệ đó mà người ta mới biết Bố Đại Hòa thượnghóa thân của đức Di-lặc. Vì vậy muốn vẽ hình đức Di-lặc người ta liền vẽ hình Bố Đại Hòa thượng. Đó là đức Di-lặc ở Trung Hoa. Bây giờ chúng ta thờ phượng là thờ hình ảnh đức Phật đó. Chớ đức Bồ-tát Di-lặc ở Ấn Độ thì mình không biết. Còn đức Di-lặc ở cung trời Đâu-suất lại càng không biết hơn nữa. Chúng ta chỉ biết Di-lặc hóa thân ở Trung Hoa với một hình tượngBố Đại Hòa thượng. Đó là phần khảo về lịch sử.
 
 Đây mới nói về ý nghĩa đức Phật Di-lặc, ngày vía mùng một Tết. Ngày vía này là ngày vía gì của đức Di-lặc. Ở Ấn Độ thì không biết ngày nào, ở Trung Hoa hóa thân hai, ba đời, cũng không biết ngày nào. Nói ở cung trời Đâu-suất lại càng không biết hơn nữa.
 Như vậy ngày vía này là ngày vía gì?
 
 Chúng ta đừng nghĩ rằng phải đợi có ngày sanh ngày tịch mới gọi là ngày vía. Đây là ý nghĩa thâm sâu trong nhà Thiền. Các Tổ đã khéo léo chọn ngày mùng một Tết làm ngày vía đức Phật Di-lặc. Chúng ta lạy Ngài với câu: Long Hoa Giáo Chủ đương lai hạ sanh Di-lặc Tôn Phật. Chư Tổ thấy thế gian xem ngày mùng một Tết là ngày định đoạt của suốt một năm. Ngày này mọi người dè dặt từng lời nói, dè dặt từng hành động, dè dặt từng tên người đến thăm mình, dè dặt đủ thứ chuyện.

Như vậy ngày mùng một Tết là ngày đầy đủ ý nghĩa của tương lai mình. Trong nhà chùa ngày mùng một Tết có ý nghĩa gì? Các Tổ lấy ngày mùng một Tết làm ngày vía đức Phật Di-lặc cũng là ngày tương lai rực rỡ, ngày tương lai sẽ thành Phật. Sáng mồng một chúng ta lạy Phật, lạy vía đức Di-lặc, là đặt hết cả niềm hy vọng vào tương lai, hy vọng chúng ta sẽ thành Phật. Không hy vọng giàu có sang trọng gì mà chỉ hy vọng sẽ thành Phật. Đó là ý nghĩa sâu đậm nhất của ngày mùng một Tết để chúng ta lễ đức Phật Di-lặc.
 
 Ý nghĩa thứ hai là hình ảnh vui cười của đức Di-lặc. Đó là hình ảnh hạnh phúc. Vì vậy có chỗ thay vì để danh từ Di-lặc lại để một con người hạnh phúc.
 Tại sao là con người hạnh phúc? Tới đây tôi bước sang giai đoạn sâu của Thiền tông.
 Hỏi: Thế nào là đại ý Phật pháp?
 - Ngài quăng cái bị xuống mà không trả lời gì hết.
 Hỏi: Có con đường tiến lên không?
 - Ngài quảy bị lên vai mà đi.
 Đại ý Phật pháp không có gì lạ. Nói thẳng e quí vị phiền, mà không nói e cho rằng giấu giếm.
 
 Đại ý Phật pháp chỉ có một chữ xả là được. Chấp tức là chấp mình chấp người nhân, ngã, Phật pháp, quyền thế, danh vọng v.v... Như vậy cái mà buông tất cả đó là đại ý Phật pháp. Nói như vậy đó e quí vị khó hiểu.
 
 Tôi nói câu chuyện hơi bình dân một chút mà không kém quan trọng. Tổ Hoàng Bá thấy Tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền, một vị Thiền sư cao nhất trong nhà Thiền, giữa quãng đời Đường. Ngài dạy rằng, chỉ cần có một hạnh bố thí là đầy đủ tất cả. Bố thí là cho món này món kia, tức xả hay buông bỏ. Chỉ có một hạnh xả là đầy đủ tất cả. Nói về hạnh tu Sư thúc, Sư bá mình, Ngài phê bình rằng: Trong hàng đệ tử của Mã Tổ, trên tám mươi vị Thiện tri thức, nhưng mà khi nói đến người tiêu chảy, hay nói quê mùa hơn một chút là nếu nói đến con người ỉa chảy, thì chỉ có Hòa thượng Qui Tông là con người ỉa chảy đầy đất. Nói đến ỉa chảy quí vị đừng nghĩ theo lối quê mùa của mình, đó là xả tất cả. Chỉ có Hòa thượng Qui Tông là con người xả được tất cả. Con người xả là con người đáng quí hơn hết.
 
 Như vậy quí vị thấy rõ ràng xả là một pháp khiến cho người đạt đến viên mãn trong đạo, nếu nói theo Thiền tông. Vì vậy sau khi Ngài buông cái túi xuống rồi, hỏi còn có gì nữa không thì, Ngài quảy túi lên vai. Tới đó đừng tưởng rằng hết rồi, mình tưởng không còn gì nữa. Chính buông hết rồi, mình mới được một quảy lên vai tự tại. Cho nên nhà chùa có câu “Bỏ tất cả là được tất cả”. Nhưng nói bỏ tất cả để được tất cả thì mình còn tham quá. Bây giờ chỉ cần bỏ tất cả vậy là đủ rồi.

Chính cái hạnh xả đó là chỗ rất sâu và đưa chúng ta tới chỗ cao siêu của người giải thoát. Vì vậy trong nhà Thiền tông nói ta không có một pháp dạy người mà chỉ tùy phương tiện nhổ đinh tháo chốt thôi. Nhổ đinh tháo chốt là xả, là phá chấp. Xả được là xong việc.
 
 Đến đây tôi đi sang giáo lý để quí vị dễ thấy dễ tu hơn. Nói đến xả là nói đến hạnh phúc cho nên quí vị nghe danh từ thường dùng nhất là Hỷ Xả. Hai cái đó cái nào là nhân cái nào là quả. Có thể nói hỷ là nhân, xả là quả, cũng có thể nói ngược lại xả là nhân hỷ là quả. Tại sao vậy? Như hằng ngày có vị nào làm phật lòng mình một chút khiến mình bực bội. Khi bực bội thì không vui. Giờ đây người đó xin lỗi mình, mình liền vui vẻ mới tha được.

Còn giận thì không tha được. Trường hợp hỷ là nhân, xả là quả. Vui vẻtha thứ cho họ, như vậy mới là ổn. Giận không thể tha thứ được. Trường hợp đó hỷ là nhân. Bởi vì mình vui nên mình mới xả, mới được cái quả xả. Nhưng ở đây nói con người hạnh phúc đó phần lớn xả là nhân hỷ là quả. Bởi vì chúng ta có xả được chúng ta mới vui. Nếu chúng ta không xả được thì chúng ta không bao giờ vui được. Tôi nói một việc hết sức là tầm thường, như trong gia đình quí đạo hữu, người chồng làm phật ý người vợ, trong lúc phật ý thấy nhau có vui không? Không nói chuyện nhau, không nhìn mặt nhau.

Bao giờ xả được thì lúc đó mới vui vẻ nói chuyện được. Như vậy trường hợp đó do xả mà được vui. Nếu không xả thì không vui. Đó là thí dụ nhỏ, tôi thí dụ rộng hơn. Trường hợp chúng ta đối với người ngoài đời hay bè bạn, nếu họ có hành động hiếp mình hoặc có lời nói cao hơn mình. Lúc đó mình làm sao? Mình về mình có an ổn được không? Không vui đó là tại sao? Tại nhớ ông đó nói gác mình, hoặc ăn hiếp mình, ông ỷ mạnh hiếp yếu. Khi nghĩ như vậy thì về nhà ngủ không được, lăn lộn hoài nằm không yên.

Muốn được ngủ yên phải làm sao? Nếu mình còn nghĩ rằng người ta ăn hiếp mình, người ta gác mình. Lúc đó mình có cảm thấy vui vẻ hạnh phúc hay không? Chắc không bao giờ có hạnh phúc được hết. Lúc đó mình sống ở trong phiền não ở trong tam độc chứ không có hạnh phúc. Bây giờ người nào mà bỏ được cái đó thật là hạnh phúc. Vì vậy hồi đức Phật còn tại thế, một hôm Ngài đi khất thực ở vùng Bà-la-môn, vị lãnh tụ Bà-la-môn nổi tức đi theo Ngài. Ngài đi trước ông đi theo sau mắng. Ông mắng bao nhiêu mắng Ngài cứ chậm rãi đi. Đi tới ngã tư đường Ngài trải tọa cụ ngồi. Ông chạy tới trước mặt hỏi: “Ngài thua tôi chưa?” Ngài liền đáp bằng một bài kệ:
 Người hơn thì thêm oán
 Kẻ thua ngủ không yên
 Hơn thua hai đều xả
 Ấy được an ổn ngủ
 
 Hơn người thì người tức nên oán. Mà người ta oán mình có vui hay không? Thua người về ngủ không được nằm lăn qua trở lại hoài. Như vậy cả hai đều là cội gốc của đau khổ, của phiền não. Thành ra cái hơn cái thua hai cái bỏ phăng đi thì người đó được an ổn ngủ. Tối đến thì nằm xuôi cẳng ngủ khò, không lo không tính, không phiền muộn gì hết.
 
 Đó là người hạnh phúc. Hạnh phúc từ đâu mà có? Từ cái xả mà có, chứ chúng ta cứ ôm ấp phiền não trong lòng hoài thì làm sao mà hạnh phúc được. Quí vị nhớ, nếu trong gia đình chúng ta không xả được cứ giận vợ giận con hoài thì cũng không vui. Ra ngoài xã hội cứ nhớ người này ăn hiếp mình, người kia nói gác mình, người nọ khinh mình, gì gì đó, người ôm trong lòng cả bụng như vậy thì người đó lúc nào cũng đau khổ, lúc nào cũng là phiền não hết.

Chỉ người nào nghĩ nói gác mình như gió thổi ngoài tai, rồi ngủ khò không thèm nhớ, thì đó là hạnh phúc chớ gì. Người nào mà trong nhà cũng như ở ngoài gặp cái gì phật ý, xem đó như là lỡ lầm của người không gì quan trọng hết, không có gì phải phiền muộn, người được như vậy mới là con người hạnh phúc.
 
 Đầu năm, chúng ta quen chúc cho nhau, một năm đầy hạnh phúc. Chúc hạnh phúc mà cứ phiền giận hoài thì làm sao mà hạnh phúc được. Như vậy chỉ là một cái chúc suông. Ở đây tôi không chúc gì cho quí vị hết mà chỉ khuyên: “Năm nay tập tiêu chảy kha khá một chút” chừng nào quí vị tiêu chảy được như ngài Qui Tông lúc đó quí vị sẽ tràn trề hạnh phúc.
 
 Đó là tôi chỉ nói hạnh phúc nho nhỏ của thế gian. Còn nếu nói đến hạnh phúc cao siêu hơn nữa, tức là đạt đến cứu kính giải thoát thì trong kinh cũng dạy chúng ta đừng chấp cảnh, chấp người, đừng chấp tâm, đừng chấp pháp. Nếu chúng ta buông hết những cái chấp đó thì Niết-bàn hiện tại, vĩnh viễn hạnh phúc. Không chấp tức là xả. Xả được mới thật là vĩnh viễn hạnh phúc. Vì vậy nói tới đức Di-lặc là nói tới hạnh hỷ xả nên người Trung Hoa tượng trưng Ngài bằng hình ảnh ngài Bố Đại Hòa thượng, một hình ảnh vui vẻ tươi cười lúc nào cũng sẵn sàng hỷ xả.
 
 Vậy năm nay quí vị lễ đức Phật Di-lặc là nhớ đến hạnh hỷ xả của Ngài, nhớ đến cái miệng vui cười hạnh phúc của Ngài. Nếu quí vị sống được cái hạnh phúc đó thì quí vị chẳng những hạnh phúchiện tạihạnh phúc vĩnh viễn của người vào Niết-bàn.
 
 Đó là ý nghĩa đức Di-lặc mà hôm nay chúng tôi nói. 
NAM-MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT
HẠT CHUỖI MỘNG, NGÀY QUA MẤT
NGHIỆP THIỆN ÁC CÒN
TẤT NIÊN ẤT MÃO 1975
 
 Chúng tôi thường nói với quí vị mỗi một ngày qua là lần đi một hạt chuỗi, rồi ngày khác tới là lần đi một hạt chuỗi. Như vậy hôm nay là cuối năm Ất Mão. Chúng ta đã lần được bao nhiêu hạt chuỗi rồi? Tức là lần hết ba trăm năm mươi mấy hạt. Vì tháng thiếu nên không đủ ba trăm sáu mươi mà chỉ có ba trăm năm mươi mấy hạt chuỗi. Quí vị thấy mấy hạt chuỗi lần qua rồi, nó còn hay không? Tất cả quí vị nhớ ôn lại xem, từ đầu năm chúng ta đón Giao thừa, lễ Phật ngày mồng một Tết. Giờ đây đón giao thừa nữa, như ba trăm năm mươi mấy ngày qua kiểm điểm lại đối với chúng ta nó còn hay không? Tất cả những ai muốn ôn lại thì chỉ còn nhớ mang máng ở trong ký ức của mình, chứ thực tế thì không còn, chỉ thấy hiện giờ. Mà bao nhiêu ngày qua rồi mất như vậy, tất cả qua rồi mất hay còn cái gì?
 
 Tuy nhiên ngày qua chúng ta tìm lại không được, chẳng khác những hạt chuỗi mộng chúng ta lần qua rồi mất không còn tìm lại được hạt nào. Nhưng mà trong ba trăm năm mươi mấy ngày qua chúng ta đã gây những hận thù; đã vay nợ tiền bạc của những kẻ khác. Đến ngày chót của một năm và ngày mai sang năm mới, những oán thù đó, tiền bạc của cải ta vay mượn đó có phải trả hay không? Tuy mấy trăm ngày qua chúng ta tìm lại không được, nhưng những cái gì chúng ta đã tạo, hoặc là vay mượn tiền bạc của cải hoặc là gây oán thù với kẻ này người nọ, sang năm những cái đó có mất chưa? Hay là người ta sẽ đem hận khác trả lại cho mình.

Như vậy chúng ta thấy nếu một năm qua, ngày tháng trôi qua nó không dừng lại, nhưng những cái vay mượn, cái hận thù, chúng ta đã gây thì năm mới khó mà mất. Hoặc ngược lại, nếu một năm qua chúng ta đã cho người vay mượn hoặc chúng ta gieo công đức với những người chung quanh, sang năm tới, những người đó có trả hay là quên ân đức chúng ta đã gieo? Chắc chắn không quên. Như vậy quí vị thấy mỗi ngày qua rồi mất, nhưng nghiệp chúng ta đã tạo hoặc thiện hoặc ác chưa mất hẳn. Đó là nhìn ngay hiện tại thực tế cuộc sống sanh diệt của chúng ta. Thời gian trôi qua không dừng, nhưng việc thiện ác gây ra rồi cũng khó mà mất.
 
 Người Phật tử tu hành trên phương diện sơ cơ, chúng ta phải nghĩ đến ngày qua không tìm lại được những việc lành việc dữ ngày đó không mất. Dù có trải qua mười năm, hai mươi, ba mươi năm rồi năm bảy mươi năm đến ngày chúng ta ra đi, tức là cái phút chót bỏ thân tiền ấm sang thân trung ấm tới thân hậu ấm, nghiệp thiện ác hãy còn. Nếu kiểm điểm lại năm sáu mươi năm đã sống, thời gian năm sáu mươi năm đã trôi qua không tìm lại được. Cũng như hôm nay đến giao thừa, nhìn lại ba trăm năm mươi mấy ngày trôi qua chúng ta không vớt lại được ngày nào hết.

Khi chúng ta sắp hấp hối bỏ thân này để sang thân khác, giờ phút ấy cũng như đêm giao thừa này, tất cả cái gì trong một đời chúng ta đã sống năm bảy mươi năm đã mất, nhưng việc thiện ác chúng ta không phải là tiêu hẳn. Vào giờ phút ra đi chúng ta không tìm được thời gian đã sống qua, những việc đã tạo nếu là việc dữ sẽ hướng dẫn chúng ta sang cuộc đời khác chịu đau khổ.
 
 Vì chúng sanh đương gây tạo nên Phật luôn nhắc nhở và khuyên chúng ta thức tỉnh tạo những việc lành. Dù đời này có khổ mà biết gây nghiệp lành thì đời sau được an vui. Đó là phương hướng của người còn đi trong luân hồi.
 
 Chúng ta còn đi trong luân hồi thì nên chọn con đường luân hồi thiện tức là đi lên chớ đừng chọn luân hồi ác để rồi phải đi xuống. Cũng như hiện tại chúng ta phải dời chỗ ở, nên dời chỗ có tiện nghi, có đầy đủ phương tiện sanh sống dễ dàng, chớ không nên tìm chỗ khổ đau phải đói rét v.v... Đó là chúng ta khôn ngoan biết lựa, sắp đặt cho một cuộc sống hiện tại và cuộc sống của tương lai. Bằng không, chúng ta cứ mù mù mịt mịt không biết thiện không biết ác. Rồi cứ như vậy qua ngày, tạo không biết bao nhiêu tội lỗi, đến ngày cuối cùng phải mang nghiệp đen tối, chịu đọa trong cõi hắc ám. Đó là những người thật đáng thương, chịu đau khổ không biết đến đời nào ra khỏi.
 
 Chúng tôi đã nói theo chiều sanh diệt cho quí vị thấy. Chúng ta còn ở trong luân hồi thì chúng ta nên chọn con đường đi sáng sủa an lành hơn, thời gian qua là không trở lại. Tuy vậy nghiệp đã tạo thì không bao giờ mất. Cho nên trong kinh Nhân Quả Phật nói:
 Giả sử bá thiên kiếp
 Sở tác nghiệp bất vong
 Nhân duyên hội ngộ thời
 Quả báo hoàn tự thọ
 
 Nghĩa là: Giả sử mình tạo nghiệp trải qua trăm ngàn kiếp đi nữa, nghiệp báo cũng không mất. Nghiệp đó tức là nghiệp lành, nghiệp dữ đã gây. Khi duyên hội ngộ tức là gặp nhân duyên đến rồi thì phải gánh chịu quả báo chớ không chạy trốn đâu được. Nếu chúng ta biết rõ nghiệp báo rồi, chúng ta tạo được nghiệp lành thì an hưởng vui, những cái tự tại. Bằng chúng ta tạo nghiệp dữ, đó là gốc đau khổ, bị lôi cuốn trong vòng khổ đau mãi mãi. Đó là giai đoạn đầu của việc tu hành.
 
 Đến đây chúng ta tiến lên một bước nữa. Chúng ta đã tự biết mỗi ngày qua là một hạt chuỗi mộng lần qua kẽ tay rồi không còn nữa. Cứ mỗi ngày qua rồi, thì mất. Như vậy kết thúc của cuộc đời chẳng qua là một giấc mộng dài. Không có gì hết. Nếu tính những ngày mộng nhỏ, rồi nhiều ngày mộng ngắn kết lại thành một mộng dài, gọi là tháng, rồi mười hai tháng, thành mộng dài hơn là một năm. Ba mươi hoặc năm bảy mươi năm kết thúc lại thành một trường đại mộng. Tức là mộng dài của một cuộc đời. Trong một kiếp mộng như vậy, nếu chúng ta không thức tỉnh biết nó là mộng, cứ tưởng là thật, chạy theo nghiệp tạo khổ đời đời không hết.
 
 Đó là cái mê lầm của chúng ta. Vì vậy cho nên đức Phật lúc nào cũng nhắc bảo chúng ta phải biết rõ cuộc sống không thật, thời gian không thật. Mỗi một ngày qua rồi mất, không ai kéo lại được, giữ lại được. Nói một cách gần hơn hết là một tích tắc đồng hồ đi qua rồi không trở lại. Thời gian trôi vùn vụt không dừng. Cuộc sống của chúng ta thì cứ tiến tới, tiến thẳng tới chỗ cuối cùng là chết. Không ai dừng được, không người nào có thể duy trì kiếp sống khi duyên đã mãn. Mỗi một cuộc sống là thôi thúc mình đến cái chết.

Quí vị mỗi sáng thức dậy, thử tìm lại cái ngày hôm qua của mình xem nó ở đâu? Những cái gì qua rồi không thể tìm được, rõ ràng thời gian qua không tìm lại được nữa. Chúng ta còn mắc kẹt trong thời gian thì chúng ta phải quí tiếc thời gian. Chúng ta cần nỗ lực làm cái gì lợi ích cho mình cho chúng sanh để khỏi mất thì giờ vô ích. Đó là khi chúng ta còn cuộc trong thời gian.
 
 Nếu chúng ta có cái nhìn thấu đáo rõ ràng biết thời gian huyễn hóa, như tôi nói là những hạt chuỗi mộng hay là những hạt chuỗi nước thì chúng ta cũng ngay nơi thời gian huyễn hóa đó tìm cho được cái lẽ chân thật, cái không còn sanh diệt, không còn mắc kẹt, không còn bị lôi cuốn trong dòng sanh diệt của thời gian... Như vậy chúng ta mới là người thoát ra khỏi vòng sanh tử. Bằng không như vậy thì chúng ta bị cuốn trôi mãi trong dòng thời gian.

 Vì vậy nên trong nhà Phật, có khi đức Phật chú trọng thời gian vô cùng. Ngài nhắc chúng ta lúc nào cũng phải quí tiếc thời gian. Có khi Ngài nói thời gian là cái vô nghĩa, thời gian không có thật. Tùy chỗ mà Ngài đánh giá thời gian. Nếu tính theo chiều sanh diệt thì thời gian rất là quí báu, lợi dụng thời gian để chúng ta tạo tất cả phước lành. Còn đứng về chiều vô sanh, thì thời gian biến thành vô nghĩa. Nó không có giá trị gì. Vì chính thời gian là những hạt chuỗi mộng như tôi thường kể cho quí vị nghe về bà công chúa đòi xâu chuỗi nước.

Chúng ta đừng dại khờ như bà công chúa đó nữa là cứ đòi cho được xâu chuỗi nước để đeo vô cổ. Nhưng tới bao giờ mới xâu được xâu chuỗi nước. Nếu bà đứng trước những hạt nước lóng lánh, bà đưa tay ra nắm, thì nắm được chừng mấy hạt? Vừa nắm nó nó đã lòn dưới kẽ tay rồi rơi mất. Như vậy những hạt nước kia, nó lóng lánh đẹp thật. Nhưng ở xa mà nhìn thì nó đẹp, bằng khi nắm nó ở tay rồi, thì nó lòn qua kẽ tay và biến mất. Càng nắm bắt, chỉ mỏi mệt, nhọc nhằn thôi chứ không nắm được cái gì.
 
 Nếu chúng ta cứ dại khờ chạy theo thời gian mong mỏi nắm bắt những cái gì mà ta cho là hạnh phúc bằng những pháp sanh diệtthế gian, thì những hạnh phúc đó luồn qua kẽ tay cũng như là giấc mộng hay là những hạt sương, những cái bóng vậy thôi. Không có gì thật.
 
 Bà công chúa sau khi nắm bắt những hạt nước lóng lánh đó mà không được hạt nào hết mới chán chê rồi xin với vua cha một xâu chuỗi thật. Bà được vua cha cho một xâu chuỗi kim cương. Và từ đó về sau bà công chúa không còn mơ xâu chuỗi nước nữa, vì bà quàng xâu chuỗi kim cương đời đời.
 
 Chúng ta cũng như vậy. Trước khi chúng ta biết hạnh phúc của nhân gian là cái sanh diệt là cái ảo ảnh, chúng ta cố nắm bắt nó thì nó luồn qua kẽ tay không bao giờ còn ở với chúng ta phút giây nào. Biết được như vậy, thấy rõ như vậy, chúng ta mới trở lại tìm cái chân thậtđức Phật đã chỉ dạy. Tìm được cái mặt chân thật đó rồi, tức là chúng ta được xâu chuỗi kim cương, chúng ta mang mãi mãi bên mình mà không bao giờ tan nát. Từ cái giả chúng ta chuyển sang cái thật, từ cái sanh diệt bước vào cõi vô sanh. Như vậy đó mới là người biết tỉnh giác. Tỉnh giác được cái giả không còn mê lầm nữa. Người biết được cái thật sống trở về với nó, đó là người tu theo đạo giác ngộ.
 
 Chúng ta giác ngộ cái gì?
 
 - Giác ngộ cái giả lâu nay tưởng là thật. Nhận ra cái thật mà lâu nay bị bỏ quên. Cái thật lâu nay mình bị bỏ quên, rồi đi tìm kiếm. Trong khi mình bỏ quên cái thật chấp cái giả cho nó là thật là mê. Biết được cái giả gọi đó là giác. Người hiểu đạo Phật rồi rất là đơn giản, không có cái gì cầu kỳ huyền bí xa lạ hết, mà chỉ thấy rõ ngay nơi mình cái nào giả cái nào thật. Cái giả mà lâu nay mình lầm, mình chấp nhận nó là mình, là ta đó, giờ đây mình thấy nó là hư giả. Đó là chúng ta đã giác ngộ. Giác ngộ được phần thứ nhất. Qua cái giả đó chúng ta tìm được cái thật, nó đương ẩn náu trong cái giả. Đó là chúng ta đã giác ngộ qua giai đoạn thứ hai. Chúng ta tiến thẳng vào con đường giác ngộ viên mãn không có sai lạc.
 
 Tất cả người thế gian đều đi tìm cái mê lầm. Mê lầm cho cái giả làm thật. Chính chúng ta cũng là nạn nhân đó. Tất cả quí vị kể cả tôi nữa, có thấy cái giả làm thật hay không? Tại sao thấy cái giả làm thật? Như thân tứ đại chúng ta đang mang đây là thật hay giả? Có ai động tới nó mình có ưng hay không? Bình thường lúc tỉnh táo thì thấy tứ đại này là giả hợp, không có thật. Vì nếu thật thì còn hoài như một khối kim cương, mới gọi là thật. Nay còn mai mất, trong phút giây là tan nát, cái đó cũng như là bọt nước chứ gì? Vì thế biết nó là giả. Lúc bình tĩnh nghe Phật dạy biết nó là giả, nhưng mà có ai thoi một thoi thì thấy giả hay thậät? Lúc đó lại thấy thật. Tại sao nó là thật?
 
 Như vậy là sao? Tại sao mình biết nó giả khi mình bình tĩnh? Để thấy rõ rằng khi chúng ta bình tĩnh thì trí tuệ sáng suốt thấy nó hư giả. Khi bị cái gì phản ứng mạnh làm cho nó đau đớn thì lúc đó cái bình tĩnh mất đi, trí tuệ không còn nữa, bản ngã si mê phát hiện ra, rồi cái giả tướng mình thấy nó là thật. Bởi thấy thật nên mới ăn thua tranh giành với người ta rồi tạo nghiệp. Cho nên ta theo đạo Phật là phải giữ bình tĩnh. Có bình tĩnh mới sáng suốt, mà có sáng suốt mới khỏi lầm. Khỏi lầm cái giả làm thật. Thiếu bình tĩnh thì bị mê lầm. Đó là điều căn bản. Khi chúng ta nghe Phật dạy, nghe quí Thầy giảng thì coi như tỉnh hết rồi, coi như mình là thánh nhân rồi, nhưng đụng việc với thế gian thì mình là phàm phu hẳn. Đó là chúng ta chỉ bình tĩnh được khi vô sự, khi có sự là mê. Đó là điểm tôi nhấn mạnh nhất hôm nay.
 
 Chúng ta phải làm sao khi hữu sự coi như vô sự. Đó là cái thiết yếu. Đó mới là cái sức mạnh của người tu hành. Khi vắng vẻ lặng lẽ thì chúng ta tỉnh táo, thấy cái nào giả cái nào thật rành rẽ, nhưng khi đụng việc, trí tuệ đó mất đi, chúng ta lại nổi sân lên rồi chấp cái giả thành thật. Ngài Vĩnh Gia nói: “Giả sử vòng lửa quay trên đỉnh, định tuệ vẫn tròn sáng không mất.”
 Như vậy mới thật là tỉnh ngộ. Còn mình tỉnh khi lặng lẽ vắng vẻ, khi ồn náo thì mình mê. Cái đó chưa phải là thật tỉnh. Tất cả chúng ta ai cũng có thể biết được hết.
 Một là thiếu sự hướng dẫn của thầy của bạn.
 Hai là thiếu ý chí cương quyết mãnh liệt để nỗ lực tu hành.
 Do đó không giác nổi rồi ở mãi trong mê.
 
 Rất tiếc rằng có nhiều người cả đời chưa bao giờ biết được cái thân này là hư giả, họ chỉ biết nó là thật, cho nên khi nói nó là giả họ không tin. Đó là vì họ thiếu sự hướng dẫn của thầy bạn, cho nên họ mê. Có người được thầy bạn hướng dẫn, vì thiếu ý chí mãnh liệt nên khi nghe thì tỉnh, khi hết nghe thì mê. Vậy chúng ta nhất là hiện nay, phải quả quyếtcan đảm ngay trong khi chúng ta biết cái đó là giả, cái kia là thật. Quả quyết rằng cái này là giả không bao giờ mê nó. Cái kia là thật đừng bao giờ bỏ nó.

Đừng mê cái giả và đừng bỏ cái thật để hằng sống và cố gắng sống mỗi ngày mỗi huân, mỗi ngày tập, lâu ngày mới thuần thục, tự nhiên chúng ta cũng như ngài Vĩnh Gia khi Ngài nói: Dù có vòng lửa xoay trên đầu, định tuệ Ngài cũng không mất. Cho nên chỗ quan trọng mà chúng ta phải thấy là tâm chúng ta dễ xao xuyến lúc ồn náo. Bây giờ mình phải nỗ lực thêm, làm sao khi xao xuyếnchúng ta vẫn cười.
 
Ví dụ cụ thể là khi xưa mới tập ngồi thiền nhất là khoảng tám chín giờ tối. Có những cái loa ở dưới vọng lên núi các bài hát, các bài ca lảnh lót, lúc đó thiền tâm bị phân tán. Chúng ta nỗ lực hướng dẫn nó, nỗ lực kềm hãm nó, lần lần sẽ làm chủ nó. Đến lúc nào đó, tiếng ca hát không còn đủ hấp dẫn như xưa nữa. Thấy không? Kết quả rõ ràng như thế, chứng minh rằng nếu cái gì chúng ta nỗ lực cố gắng thì sẽ vượt qua, không còn bị lệ thuộc nữa.

Mình tưởng rằng mình ngồi thiền trong chỗ yên thì được yên, khi có động chạy theo tiếng động, rồi mình cảm thấy tiếng động sẽ lôi mình đi, không bao giờ mình thắng nó. Đừng tưởng như vậy. Mình phải tin tưởng quả quyết rằng khi động chúng ta vẫn làm chủ được. Ngày nay làm chủ một phần, ngày mai làm chủ một phần, nhiều ngày như vậy, rồi ngày nào đó tất cả tiếng động đều vô nghĩa đối với chúng ta. Đó là lẽ chân thật chớ không phải tôi bịa đặt. Tất cả chúng ta nếu cố gắng như vậy thì tất cả tiếng động sẽ vô nghĩa khi chúng ta làm chủ hoàn toàn. Tôi nói ví dụ nhỏ, ngoài ra những việc lớn cũng như vậy.
 
 Giả sử chúng ta ở trong cảnh ngộ nào khắt khe mấy hay là ồn náo mấy đi nữa, miễn tâm hồn chúng ta làm chủ được, tôi tin rằng ai cũng tu được hết. Hồi chúng ta rảnh rang thì chúng ta ngồi thiền, lúc chúng ta bận rộn hoặc cuốc cỏ hoặc trồng rau chúng ta cũng tu được như vậy chúng ta thấy lúc nào mình cũng tu được, lúc đó thấy mình vui vẻ không thiệt thòi gì hết. Bằng cho rằng ngồi thiền mới tu được; cuốc rẫy không tu được thì sẽ thấy thiệt thòi.

Bởi vì có ngày không ngồi thiền được giờ nào, như vậy ngày đó không tu sao? Cuốc rẫy mà tu được thì không thiệt thòi tí nào hết. Thay vì ngày xưa ngồi một ngày ba tiếng đồng hồ, bây giờ cuốc rẫy sáu tiếng tu luôn, thì mình lời được thêm ba tiếng nữa. Phải vậy không? Như vậy mình có thiệt thòi chút gì đâu. Đó là cái mà chúng ta hiện nay phải tập nỗ lực như vậy. Làm sao trong cái tu của chúng ta không vì hoàn cảnh mà nó chướng ngại. Đó là cái thiết yếu.
 
 Tuy nhiên lúc đầu phải chấp nhận rằng, mình đang ngồi trong yên mà có tiếng động thì thế nào cũng bị xao xuyến. Trong khi xao xuyến đó chúng ta nỗ lực mỗi ngày, nỗ lực càng ngày càng lâu, tiếng động sẽ vô nghĩa với chúng ta. Đến chừng đó chúng ta mới tự tại trước tất cả tiếng động. Như vậy chúng ta đừng có thối chuyển vì có tiếng động mà tu không được. Chúng ta phải nghĩ ai trong chúng ta cũng sẽ được thử thách của những tiếng động. Nhờ tiếng động mà sau đó không bị chướng. Đó là điều cần phải nỗ lực. Nếu nỗ lực được như vậy rồi thì sau quí vị sẽ cười, nhớ hồi xưa tiếng động là cái chướng của mình, bây giờ có tiếng động mình ngồi cũng hay. Như vậy mình không thấy buồn thấy sợ thấy nản gì hết. Đó là tôi nhắc rõ chỗ thiết yếu của người tu.
 
 Tất cả chúng ta rõ đâu là mê. Mê cái gì? Như khi nãy tôi đã nói một lần: Mê là lầm nhận cái giả làm thật. Mê là vì chúng ta chạy theo cái giả mà quên cái thật. Ngay nơi bản thân chúng ta, chúng ta cứ chấp vọng tưởng làm tâm mình, chấp tứ đại làm thân mình rồi cứ tưởng cả ngày cả tháng cả năm. Suốt đời cứ chạy theo vọng tưởng, theo thân tứ đại, lo bảo bọc bồi dưỡng cho nó đủ thứ hết để rồi nó hoại.
 
 Giả sử quí vị có trồng hai cái cây, cây chuối chẳng hạn. Khi quí vị trồng nó trổ bông có trái, cho kết quả như ý của quí vị thì quí vị mới săn sóc. Nếu khi trồng mà nó èo uột, hư gãy, biết rằng không thể nào cứu được, thì quí vị làm sao? Thôi thì bỏ liều cho nó gãy nó mục. Không thể giữ được thì phải bỏ liều. Nhưng cái thân quí vị có bỏ được không? Ai cũng biết không giữ được mà không dám buông nó. Phải vậy không? Biết cái không bao giờ giữ được mà bao giờ cũng cố giữ. Thở thoi thóp sắp tắt thở mà cũng nói còn nước thì còn tát.

Không bao giờ bỏ được. Như vậy để thấy rõ rằng chúng ta bám vào nó, cho đến phút cuối cùng cũng còn bám. Bám vào mà không có tí nào bảo đảm hết mà vẫn bám. Không phải tôi bảo quí vị cố tình bỏ nó, nhưng mà chúng ta mang nó như là mang bè qua sông. Nhớ chúng ta nuôi thân này là kẻ đeo bè qua sông. Giữa sông nó có hư có đứt dây, thì chúng ta ràng nó lại, khi tới bờ thì bỏ lên bờ. Khi tới bờ chúng ta không thấy nó quan trọng nữa. Chúng ta thấy nó là giả, nhưng cần nó đưa đến chỗ giác ngộ viên mãn nên chúng ta phải nương nó.

Khi chúng ta nương nó thì phải biết rõ nó là cái không giữ được, biết rõ ràng như vậy, đừng bao giờ quên. Không thì cứ nhớ nó là thật không thể mất. Thân nhân của chúng ta cũng thế. Quí vị nào độ năm mươi tuổi trở lên kiểm điểm lại coi còn được mấy vị. Ông cố còn không? Ông nội bà nội còn không? Ba má chưa chắc là còn. Phải vậy không? Như vậy biết lớp người trước đã tan hoại, mình cũng đang tan hoại. Tại sao khi đó cứ cho thân này là thật, cái không giữ được, biết rồi nó sẽ tan hoại, mà mình cứ cho là thật, cố bảo vệ, gìn giữ, tạo bao nhiêu cũng vì nó. Đó là cái lầm lớn lao của chúng ta. Cho nên người tỉnh giác biết rõ thân này là hư giả nhân duyên hòa hợp không thật, kể cả cái vọng tưởng điên cuồng của mình.
 
 Quí vị suy nghĩ điều này, suy nghĩ việc nọ. Cái suy nghĩ đó là ai suy nghĩ? Mình suy nghĩ phải vậy không? Tôi đặt câu hỏi: Thí dụ quí vị đang suy nghĩ điều thiện, nghĩ giúp người này người kia, cho rằng cái suy nghĩ thiện này là mình. Một lát có ai chọc tức, mình muốn hại người đó, thì cái suy nghĩ ác là ai? Nếu cái suy nghĩ thiện là mình, vậy cái suy nghĩ ác là ai? Rồi một lát suy nghĩ thấy người kia gương mặt dễ ghét quá. Gặp người khác thấy gương mặt dễ thương. Vậy thấy dễ thương dễ ghét là ai thấy. Nếu nghĩ thương là mình, nghĩ ghét là ai? Vậy mình có bốn năm thứ mình sao? Cái nào cũng mình thì cái nào là mình thật?
 
 Quí vị nhìn rõ ràng mỗi một niệm sanh diệt, sanh diệt vô thường, từng đợt từng đợt như dòng nước chảy. Nó không có thật. Mới niệm thương đây rồi đến niệm ghét, niệm buồn niệm giận xen lẫn nhau. Cái dòng sanh diệt chập chồng với nhau không thật. Mình chấp đó là tâm mình thật. Chấp cái thân tứ đại hư giả là thật, chấp cái tâm sanh diệt từng đợt, từng đợt là thật. Như vậy chấp cái sanh diệt hư giả là mình thì sẽ đi trong con đường nào? Bám vào cái sanh diệt thì phải đi trong sanh diệt. Sanh diệt tức là mê.

Mê thì dĩ nhiên mình phải đi trong luân hồi không chối cãi gì được hết. Nếu chúng ta cứ lầm chấp vọng tưởng, cho đó là mình, chấp thân tứ đại này là mình thì suốt đời suốt kiếp không biết bao nhiêu a-tăng-kỳ kiếp mình mới thoát khỏi luân hồi. Chỉ bao giờ mình biết quả quyết rằng cái vọng tưởng đó là hư giả không thật thì chừng đó mình mới tìm cái chân thật. Như khi nãy tôi kể chuyện bà công chúa nắm bắt những hạt nước. Nắm bắt nó luồn qua kẽ tay không được hạt nào hết, chừng đó bà mới biết những hạt nước không thể nắm được. Bà không còn ham mê những hạt nước nữa, mới đòi nhà vua cho xâu chuỗi kim cương. Chừng quàng xâu chuỗi kim cương vào cổ mới chắc là xâu chuỗi thật. Còn bao nhiêu hạt nước lấp lánh mà mình bám vào đó đều là hư giả.
 
 Cũng như vậy, khi nào chúng ta thấy rõ thân hư giả này là không thật, vọng tưởng hư giả không thật, biết rõ nó không thật rồi thì bước qua giai đoạn thứ hai. Tức là tìm cái chân thật trong cái hư giả đó. Được cái thật trong cái hư giả đó rồi chúng ta mới thấy mình từ trước đến giờ là kẻ ngu si. Mình lầm cái giả là cái thật, rồi bỏ quên cái thật. Cho nên trong kinh Phật nói: “Chúng ta có hòn ngọc báu cột trong chéo áo mà quên.” Quên hòn ngọc trong chéo áo rồi đi ăn xin, đi đầu làng xó chợ, sống vất vưởng qua ngày lấy đó làm đủ làm dư.

Không biết mình có hòn ngọc quí để lấy ra xài. Kẻ có của báu bỏ quên chịu nghèo khổ là kẻ tỉnh hay mê? Đó là kẻ mê. Chúng ta cũng vậy. Biết được cái thân hư giả này rồi, chúng ta mới tìm được cái chân thật của chúng ta. Đó là tỉnh. Còn bằng chúng ta bỏ quên cái chân thật đó, chấp nhận cái thân hư giả này là mình, đó là kẻ mê. Vì vậy đức Phật nói rằng: Chúng ta là kẻ si mê. Nếu trong đời chúng ta tự biết rõ cái giả không mê lầm nữa, và tìm ra cái thật, như vậy mới thật là con người cầu đạo giải thoát. Cũng như lời của ngài Vĩnh Gia Huyền Giác nói:
 
 “Cùng Thích tử, khẩu xưng bần, Thật thị thân bần đạo bất bần.” Người dòng họ Thích là kẻ bần cùng luôn luôn tự nhận mình là bần đạo. Như vậy mà có thật là bần hay không? Thật sự thân tuy bần nhi đạo bất bần. Thân bần thật nhưng đạo không bần. Tại sao thân này bần? - Là vì mặc áo vá. Còn tại sao không bần? - Vì mình có chứa hạt châu vô giá. - Vô giá trân. Như vậy tại sao chúng ta nghèo? - Vì chúng takẻ ăn mày mặc áo vá. Cho nên luôn luôn xưng là bần đạo. Tuy bên ngoài chúng ta nghèo, mà bên trong tìm được hạt châu vô giá. Hạt châu vô giá dùng hoài không hết. Đó mới đúng là người cầu đạo. Biết rõ mình có một của quí vô giá cho nên không chạy theo hư giả, để tìm cái của báu chân thật. Tìm được của báu chân thật, mới là người giác ngộ, người cầu đạo chân chánh. Chúng ta cứ chạy theo cái bên ngoài hoài thì không bao giờ tìm thấy được cái kho báu nơi mình. Đó là chỗ thiết yếu của chúng ta trong khi tu hành.
 
 Vậy ai đã phát tâm tu hành theo đạo Phật nên nhớ rõ ràng Phật là giác. Tu theo Phật là đi trên con đường giác ngộ của Phật. Tu theo đạo Phật mà không giác được gì hết thì không phải tu theo đạo Phật. Cũng như tôi nói đi về Sài Gòn, tức nhiên mình đi trên con đường về Sài Gòn. Đã đi trên con đường về Sài Gòn mà không tiến được cây số nào hết, thì cái đó gọi là đi về Sài Gòn không? Tức gọi là ngồi, hoặc là ở một chỗ, hoặc là đi con đường khác. Chớ thật tình mình đi trên con đường về Sài Gòn thì mỗi một giờ, mỗi một ngày đã tiến đi rồi. Ngày nào ngày nào cũng có tiến trên con đường đó không dừng. Cũng vậy, chúng ta theo đạo giác ngộ thì ngày nào năm nào chúng ta phải có giác mới được.

Nếu chúng ta không giác thì không phải tu theo đạo Phật. Như vậy quí vị cảm thấy mình có giác hay không? Thật sự quí vị có giác chớ sao không giác. Tại vì mình quen tưởng giác ngộ như lúc đức Phật thành đạo, phải có được tam minh lục thông. Tưởng mình không có tam minh lục thông gì hết thì không gọi là giác, chớ sự thật không phải. Ngày xưa quí vị chưa tu, quí vị có bao giờ nghĩ thân này là giả đâu? Bao giờ cũng cho thân này là thật, rồi tranh hơn tranh thua, duyên đủ thứ hết. Hiện giờ quí vị có nghe Phật dạy, có nghe giảng kinh, nhận thân này là giả, tức là có giác ngộ rồi. Tuy nhiên mới là tỉnh thôi lúc mê thì quên. Trong nhà Phật gọi cái giác ngộ đó là bệnh rét cách ngày. Ngày thì mạnh sân sẩn, ngày thì trùm chăn. Cái giác đó chưa là thuần giác. Nhưng dù sao cũng là giác. Bởi vì sao?
 
 Bởi đức Phật dạy: Tu thành Phật phải được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nghĩa là cái giác của đức Phật, không ai hơn và hằng mãi. Chánh đẳng là chân chánh viên mãn không dừng không có một chỗ hở. Đạt được giác ngộ, đó là thành Phật. Còn chúng ta giác ngộ cách ngày cách giờ, cái giác ngộ đó được gọi là Phật chưa? Cũng là có giác nhưng chưa phải là Phật con, cũng là Phật cháu, Phật chắt. Cũng có một chút trong đó chớ chẳng phải vô phần. Như vậy chúng ta không có mặc cảm rằng chúng ta chưa từng giác. Chúng ta biết được hoàn cảnh xã hội, hay là tất cả sự việc chung quanh là duyên hợp nên cũng là hư giả.

Biết như vậy tuy chưa thường xuyên, nhưng có biết chút nào là có giác chút ấy. Như vậy chúng ta có giác chớ không phải không giác. Lại nữa, chúng ta lâu nay chấp nhận những vọng tưởng điên cuồng là mình là tâm của mình, giờ đây biết là vọng tưởng thì chúng ta có giác rồi. Giờ phút nào chúng ta có biết như vậy là giờ phút chúng ta giác. Nếu kiểm điểm lại so với năm rồi, năm nay quí vị tiến nhiều chưa? Tiến khá lắm chứ, phải vậy không? Tu lâu mà không tiến là tại mình quên, mình thấy sao cái đó nó thường quá, chưa có hào quang, phải vậy không? Chưa biết bay cho nên mình cho là không giác, chớ sự thật đã tiến rồi. Có khi cái giác đó cách khoảng thưa thì một giờ, nhặt thì nửa giờ, hoặc là mười phút chẳng hạn. Chỉ cách khoảng như vậy, khi xưa cả năm chưa từng giác lần nào, phải vậy không? Như vậy là mình đã tiến bộ khá nhiều đừng bi quan.
 
 Tôi đã chỉ sự thật cho quí vị thấy việc tu hành không phải là không tiến nhưng vì mình không kiểm điểm nên thấy không tiến. Tại mình tưởng là không tiến chớ không phải là mình không tiến đâu. Vì vậy tất cả chúng ta nếu là kẻ tu hành cầu đạo giác ngộ thì chúng ta phải thấy rõ rằng mỗi ngày, mỗi ngày chúng ta phải giác, không thể mê được. Nếu giác càng nhặt là tiến bộ của chúng ta, còn giác thưa là lui của chúng ta. Có nhiều vị than thở với chúng tôi, biết vọng mà vọng cứ sanh hoài làm sao? Vọng nó sanh thì sanh, nó sanh thì đừng chạy theo nó. Biết vọng đừng theo nó là giác rồi. Trăm lần vọng thì có trăm lần giác, không có buồn không có sợ. Đó là tôi nói về tâm.
 
 Giờ đây đến thân cũng vậy. Nếu có bệnh hoặc chướng ngại gì đi nữa, mình biết thân này là hư giả, thì ngay nơi thân này tỉnh giácGiác thân giác tâm là cái giác căn bản. Mình biết rõ ràng thân tâm không lầm rồi, tìm ra cái thật nữa thì quí báu vô cùng. Đó là quí vị đã nắm được hòn ngọc vô giá trong tay. Nếu chưa tìm được hòn ngọc đó, khi biết thân hư giả, đó là quí vị từ bỏ con đường giả để trở về con đường thật. Tuy chưa nắm được, nhưng đã tiến một bước rồi.

Đó là sự thật, cho nên tất cả quí vị nào hiểu đạo rồi thì tự nhiên nhìn thấy mình tu có vẻ chín chắn hăng hái chứ không thối chuyển. Bởi vì mình biết có giác, mà có giác như đánh giặc với phiền não. Còn có đánh tức là mình chưa thua. Người thua là người xếp giáp chạy dài mới thua. Mình còn đánh, dù chưa có thắng hoàn toàn nhưng cũng còn đánh chớù chưa phải là kẻ thua trận. Giặc mình còn đánh là thắng hay thua? Vừa dấy vọng, biết vọng là nó hết.

Đó là mình thắng được giặc rồi, phải như vậy không? Có giặc nào mình giết nó mà nó còn kéo mình, nó không mất. Có thứ giặc nó kéo mình đi xa một chút mới mất. Quí vị kiểm lại là kẻ toàn thắng chớ không phải thua đâu. Tại vì giặc nhiều quá nên thắng lâu. Nếu một hai chú thì mình thắng nhanh có lẽ thành Phật rồi, phải vậy không? Tại vì có triệu triệu chú thành ra mình cứ đánh hoài mà chưa hết.

Tất cả quí vị cứ tin tất cả những chú giặc của mình là những đứa giả. Ông chủ mới là người thật. Kẻ thật đánh với kẻ giả lo gì không thắng. Tin quả quyết như vậy thì việc tu tiến của mình sẽ thành công, chắc chắn thành công một trăm phần trăm. Đó là tôi nói quí vị thấy rõ việc tiến tu của mình. Khi nhớ việc tiến tu của mình, chúng ta không nên quên hiện giờ là ngày ba mươi Tết, tức là qua một năm nhìn lại, chúng ta có già trẻ gì không?
 
 Một năm qua, tất nhiên chúng ta nhận xét chậm lụt mấy đi nữa, cũng thấy mình có già nhiều rồi. Nếu nhận xét tinh vi thì mình già đi từng giây phút huống nữa một năm. Đây là tôi nói nhận xét chậm lụt nhất thì qua một năm, chúng ta cũng thấy già nhiều sinh lực có giảm đi, sự chiến đấu cũng có kém đi một chút. Năm nay yếu đi một chút, năm tới yếu đi một chút mà mình không nỗ lực thì thành công hơi khó. Nên nhớ qua một năm mình suy yếu đi, trí tuệ cũng yếu, tinh thần cũng yếu, vậy chúng ta phải nỗ lực, nhất là những vị sáu mươi tuổi trở lên.

Con đường của mình sắp tới giai đoạn chót rồi. Muốn làm một cuộc đua đến giai đoạn chót phải chạy nước rút. Không thể chần chờ được. Vì vậy mà ai đã sáu mươi tuổi rồi thì nhớ một năm qua là chúng ta phải nỗ lực bằng mấy lần năm trước. Như vậy năm rồi có nỗ lực hơi ít thì dự bị cho năm tới đây phải nỗ lực bằng hai bằng ba mới được. Không thể chần chờ vì bọn ma quân còn đông quá, nếu mình chần chờ thì nó thắng mình chớ mình không thể thắng được nó.

Vì vậy quí vị phải nỗ lực hơn. Không cứ phải quí vị già sáu mươi tuổi trở lên mới nỗ lực, quí vị bốn năm chục tuổi thì sao? Không biết mình có sống tới sáu mươi tuổi hay không. Có thể đến sáu mươi nhưng chưa chắc, cần phải nhớ là mạng sống trong hơi thở. Phải nỗ lực như những người đã lớn tuổi. Đừng ỷ lại đời còn dài đi từ từ cũng được, cần nỗ lực chớ không lôi thôi được.
 
 Như vậy, chúng ta thấy phải nỗ lực, nỗ lực thì mới có tiến và bảo đảm một ngày nào chiếc bè này rã, chúng ta bước lên bờ. Bằng không thì không bảo đảm. Ai dám tin rằng ngày mai cũng còn an ổn khỏe mạnh như ngày nay. Khi đã thở ra mà không hít vào thì đã hết cuộc đời. Cho nên tất cả chúng ta phải nỗ lực, rất là nỗ lực mới được, chớ không phải nỗ lực tầm thường. Do đó tôi nghĩ rằng, nhớ đến ngày ba mươi, đêm giao thừa thì chúng ta nên nhớ đến cái phút thở hào hển, bà con chung quanh kẻ chấp tay niệm Phật, người thì lau nước mắt chờ đưa chúng ta qua thế giới khác. Nói như vậy để quí vị đừng chần chờ nữa.

 Chớ thấy sum hợp đầy đủ, thì vui tưng bừng lên, rồi không biết làm sao nữa. Nhớ tới đêm giao thừa thì chúng ta phải nên nhớ đến ngày đến giờ mà mọi người thân chúng ta đang lau nước mắt khóc tiễn chúng ta đi từ thân này bước qua thân khác. Có nhớ như vậy thì đêm giao thừa sẽ là đêm thôi thúc đậm đà trong lòng chúng ta. Còn không nhớ như vậy thì ý nghĩa đêm giao thừa nó yếu ớt đi. Khi nhớ tới một năm qua là chúng ta già đi một phần, chúng ta phải nỗ lực phải làm sao tiến tới tiến mãi, không lùi.
 
 Từ trước tôi nói sự thật của tôi thấy và với tâm niệm mà tôi đã đọc được qua quí vị để nhắc nhở quí vị cố gắng trong sự tiến tu. Giờ đây tôi nói qua các vị Thiền sư cho vui. Bởi cái thấy của các Thiền sư lúc nào cũng tương tự chớ không khác nhau mấy. Tôi dẫn một Thiền sư Trung Hoa, ngài Quang Giác đời Tống. Một hôm đến ngày Xuân có người hỏi Ngài có cảm tưởng gì về con người thì Ngài làm một bài thơ như sau:
 Khứ niên phùng thanh Xuân
 Châu nhan ánh đào lý
 Kim niên phùng thanh Xuân
 Bạch phát yểm song nhỉ
 Nhân sanh thất thập niên
 Tật nhược đông lưu thủy
 Bất liễu bản lai tâm
 Sanh tử hà do ly
 Dịch:
 Năm trước gặp thanh xuân
 Má hồng khoe đào lý
 Năm nay gặp thanh xuân
 Tóc bạc đầy cả mái
 Người đời tuổi bảy mươi
 Nhanh như dòng nước chảy
 Chẳng ngộ tâm xưa nay
 Sanh tử làm sao khỏi
 
 Thiền sư mỗi năm qua thấy thân trẻ biến thành già. Kể cả bảy mươi năm trôi nhanh như dòng nước chảy. Nếu không ngộ được bản tâm xưa nay, làm sao thoát khỏi dòng luân hồi sanh tử. Chúng ta là con cháu trong nhà Thiền cần phải thấy như thế. Có được cái thấy này, chúng ta mới thức tỉnh tiến tu chóng thoát ly sanh tử.
 Vậy mong tất cả quí vị cùng chúng tôi, chúng ta dự buổi tiệc trà đạm bạc đêm giao thừa này, là một ấn tượng đánh thức chúng ta tỉnh giác cuộc đờivô thường, phải nỗ lực tiến tu đừng để trôi qua vô nghĩa.
 Chúc quí vị sang năm mới thường tỉnh giác.
 
 
MÙA XUÂN DI-LẶC
XUÂN BÍNH THÌN 1976

 Năm nay chúng ta tìm hiểu ý nghĩa mùa Xuân Di-lặc để quí vị biết tại sao ngày mùng một Tết là ngày vía đức Di-lặc. Khi lạy Ngài chúng ta đã xướng lên câu: “Nam-mô Long Hoa giáo chủ đương lai hạ sanh Di-lặc Tôn Phật” tức là Bồ-tát Di-lặc sẽ thành Phật ở trong hội Long Hoa. Ngài là bậc giáo chủ ở hội đó và sau này mới thành Phật chớ không phải thành Phật ngay bây giờ. Đó là ý nghĩa thâm trầm nhất trong nhà đạo. Chúng ta ai ai cũng xem ngày mùng một Tết là ngày mở màn năm mới. Bao nhiêu chuyện vui buồn của năm tới gần như là nẩy mầm từ trong ngày mùng một Tết. Cho nên ai nấy đều rất dè dặt, rất kính cẩn trong ngày mùng một này. Mỗi hành động, mỗi ngôn ngữ, chúng ta đều e dè vì sợ hành động hôm nay ảnh hưởng đến sự vui buồn của năm tới. Đó là quan niệm của nhân gian.

 Trong nhà đạo ngày mùng một Tết nói theo thời gian cũng là ngày mở màn cho năm tới. Năm tới đầy hứa hẹn với chúng ta là một năm giác ngộ. Vì vậy đức Phật Di-lặc là một vị Phật được hứa hẹn thành Phậtmai sau. Ngài thành Phật đó là Ngài hoàn toàn giác ngộ. Hôm nay đầu năm lễ Ngài để chúng ta nhớ rằng năm nay là một năm hứa hẹn chúng ta sẽ được giác ngộ. Nếu chưa được thì năm tới sẽ được chớù không thể nào tu suông được. Vì vậy ngày mùng một Tết đối với nhân gian là ngày Tết Nguyên Đán, đối với nhà đạo là ngày vía đức Bồ-tát Di-lặc, một vị Phật sẽ thành mai sau. Như vậy mỗi khi nhớ đến Phật sẽ thành, nhớ ngày mùng một Tết, chúng ta nghĩ cũng sẽ giác ngộ, chớ không thể lôi thôi được. Nhưng mà cái giác ngộ tôi nói đây không phải giác ngộ hoàn toàn như bậc Chánh đẳng chánh giác là Phật, mà là một thứ giác ngộ từng phút từng giây của chúng ta. Như vậy cũng không hổ thẹn gì đối với ngày vía này. Đó là tôi nói sơ thâm ý của ngày vía đức Phật Di-lặc.

 Bây giờ đi thẳng vào mùa Xuân Di-lặc, nói đến mùa Xuân Di-lặc; nói đến mùa Xuân thì quí vị đều biết. Chúng ta chịu lạnh ở mùa Đông quá nhiều, đó cũng là lời nói vay mượn theo nước Trung Hoa v.v... Chúng ta chịu ảnh hưởng Trung Hoa ngoại quốc nhiều, cho nên ai cũng tưởng mùa Đông cây cối trơ trọi, sương tuyết đầy đường, lạnh buốt không chịu nổi. Nhưng thật sự ở miền Nam chưa có. Chúng ta hiểu theo những nước Trung Hoa, Nhật Bản, những nước Âu Châu tức cho mùa đông là một mùa lạnh lẽo, cây cối đều rụng lá trơ cành, không có cái gì sanh trưởng được. Nơi người thì do sức lạnh phải teo da xám thịt. Cái lạnh làm người ta không còn sức sanh trưởng nẩy nở, phải chờ đến mùa Xuân cây cối mới đâm chồi nở hoa kết quả. Mùa Xuân tới thì cơ thể con người, lòng người mới được ấm áp vui sướng. Cho nên mùa Xuân là mùa ta hằng mơ ước. Mùa Xuân có cái gì hòa ấm tươi vui khiến cho mọi người hăng hái trong cuộc sống, vạn vật đâm chồi nẩy lộc xanh tươi trong những ngày đó. Vì vậy, khi nói tới mùa Xuân là nói cả một cái gì đầm ấm trong con người.

 Hiện nay mùa Xuân Di-lặc là mùa Xuân gì? Và chúng ta cùng chúc nhau những gì? Ở trên cuộc đời này có bao nhiêu người cứ theo cái mê lầm ảo tưởng của mình, chạy theo ngoại cảnh, bám vào ngoại cảnh cho là mình. Cho nên phải khổ đau theo dòng sanh diệt của ngoại cảnh. Như bao nhiêu người thấy cái gì cũng nói cái đó là của mình, lệ thuộc mình từ cái bản thân cho đến cái sự vật bên ngoài. Không có cái nào là không bám chặt vào mình. Bởi cái chấp ngã nặng nề đó cho nên con người phải khổ đau, khổ đau dài dặc từ kiếp này đến kiếp khác. Đó là cái chấp ngã sở, tức là vật sở hữu của mình. Tôi thấy cái hoa này là cái hoa của tôi.

Nó tươi tôi vui, nó héo tôi buồn. Nếu cái này là hoa của thiên nhiên nó tươi nó héo là nó tươi nó héo không dính dáng gì đến tôi. Tại sao vậy? - Bởi vì mình đặt chủ quan mình vào sự vật, bắt sự vật lệ thuộc vào mình. Mình muốn lòng người đối với mình và sự vật thuộc về mình trường tồn vĩnh cửu. Cho nên khi có trạng thái biến đổi, xê dịch thì mình cảm thấy bất an, không vui rồi. Do đây mà người ta đau khổ vì bắt sự vật lệ thuộc vào mình. Khi nào chúng ta biết bản tánh sự vật là như vậy không đổi thay, không lệ thuộc vào ai cả, thì lúc đó chúng ta mới nhìn sự vật với tính cách khách quan. Như thế chúng ta mới an vui tự tại.

Cho nên cùng một cảnh ngộ, cùng một sự việc trên cõi đời này, có người thì cả ngày buồn lo rầu rĩ, sợ sệt, còn có người thì an ổn vui tươi. Đó là tại sao? - Chẳng qua đó là người biết sống, người không biết sống. Có người họ giành giựt nhau từng miếng ăn để sống. Như vậy họ có biết sống không? Họ ham sống lắm. Nhưng sự thật họ sống trong cái chết, tức là họ vì miếng ăn, vì tất cả những cái không đáng giá gì mà họ lại đua nhau giành giựt để rồi chết vì miếng ăn.

Còn chúng ta nếu thức tỉnh được thì khác hơn họ nhiều. Do đó mà quí vị thấy, nhìn lên hình tượng đức Di-lặc trong các chùa xưa thờ, có đức Di-lặc nào buồn hay không? Chúng ta thấy đức Bồ-tát Di-lặc nào cũng nở nụ cười. Không bao giờ thấy đức Di-lặc nào buồn hết. Nói đến đức Bồ-tát Di-lặc là nói đến vui tươi. Tại sao Ngài cười hoài, Ngài giàu chăng? Ngài không giàu, Ngài có giàu gì đâu? Ngài có ưu điểm gì mà Ngài vui tươi mãi? Đó là cái điểm mà chúng ta phải chú ý.

 Như khi nãy tôi nói, bắt ngoại cảnh lệ thuộc mình thì tự nhiên mình là người đau khổ. Mà quí vị có bắt ngoại cảnh lệ thuộc mình hay không? Tỷ dụ bây giờ đứng trước một trăm người, quí vị có muốn một trăm người đó đừng để ý gì đến quí vị hay không? Hay là muốn ai cũng chú tâm vào mình, nhìn vào mình để rồi khen mình, để rồi mến mình v.v... Nghĩa là muốn mọi người chú tâm vào mình, muốn tất cả sự vật đều thuộc về mình.

Quí vị thấy cái hoa đẹp quí vị có muốn nắm cái hoa ấy trong tay hay không? Hay là thấy cái hoa đẹp nên để nó nằm yên trên cành trong rừng để nó giữ trọn vẹn hương sắc của nó. Cái gì chúng ta cho là đẹp ở bên ngoài đó, vừa trông thấy nó đẹp là bắt nó lệ thuộc vào mình. Cho nên nói theo Tổ Bồ-đề-đạt-ma, chúng ta cắt hoa chưng như vầy cũng có tội. Bởi vì sao? Vì chúng ta ăn cắp sanh mạng của nó làm đẹp cho chúng ta. Đó là lối nhìn đáo để của những vị tu hành, biết rõ ràng sự vật một cách khách quan.

Ngược lại chúng ta thấy cái gì đẹp là muốn đem về phòng chưng hoặc để đâu đó, nghĩa là phải lệ thuộc về mình. Còn cái đẹp bên ngoài thì chúng ta không muốn. Đó là cái bệnh mà tất cả chúng sanh hiện giờ đang mắc phải. Nói cái bệnh đó tôi chưa cần phải giải thích mà xin dẫn lời một Thiền sư Trung Hoa. Thiền sư Bổn Tịnh đã nói lên cho chúng ta thấy bệnh đó qua bốn câu kệ:

 Nhất niên Xuân tận nhất niên Xuân
 Dã thảo sơn hoa kỷ độ tân
 Thiên hiểu bất nhân chung cổ động
 Nguyệt minh phi vị dạ hành nhân
 Tạm dịch:
 Một năm Xuân trọn một năm Xuân
 Cỏ dại non hoa mấy độ tươi
 Trời sáng chẳng do chuông trống động
 Trăng trong đâu bởi khách đi đêm

 Như vậy nghĩa là sao? Bởi vì quí vị nhớ ở chùa xưa lâu nay tới bốn năm giờ thức dậy công phu đánh chuông đánh trống. Những nhà hàng xóm những đứa bé trong làng bị ba má nó kêu dậy. Thí dụ như: Ở chùa công phu đánh chuông trống, trời sáng rồi, a! Dậy đi thả bò ăn. Thế nên nó quen có quan niệm là chùa đánh trống là trời sáng. Nhưng nhân chùa đánh trống mà trời sáng, hay là chùa đánh trống là chùa đánh trống, còn trời sáng là trời sáng? Không phải chùa đánh trống mà trời sáng, nhưng người ta quen khi nghe chùa đánh trống dộng chuông công phu là nói trời sáng.

Như vậy tại sao có thói quen đó? Bởi vì mình cứ tưởng tượng có cái gì thúc giục, duyên mới xuất hiện, thành ra trời sáng thuộc về đánh trống đánh chuông của nhà chùa. Rồi trăng sáng có những người khách đi ban đêm, nhân có trăng sáng người mới đi chơi đêm. Như vậy trăng sáng cho họ đi chơi đêm hay là khách đi chơi đêm vì trăng sáng? Đó là chỗ mà chúng ta phải thấy rõ. Người đi đêm thì họ tự đi, trăng sáng là trăng tự lên mà sáng không phải vì khách đi đêm mà trăng sáng.

Nhưng trăng sáng người khách mới lợi dụng trăng sáng mà đi chơi đêm. Như vậy rõ ràngchúng ta nhìn sự vật bằng con mắt chủ quan cho tất cả đều vì mình. Thí dụ như quí vị thấy ở sông có cá ngoài biển có tôm, quí vị sẽ nói sao khi con cái hỏi: Vì sao có cá có tôm? Là cha mẹ quí vị cắt nghĩa với con ra làm sao? - Trời sanh ra để mình ăn đó. Rồi thấy ngoài đồng, tại sao có lúa có đậu có bắp? Cũng bảo trời sanh để mình ăn. Tất cả cái gì cũng để cho mình hết. Rồi hỏi tại sao có mưa? - Có mưa để mình làm ruộng.

Tại sao có nắng? - Có nắng để mình phơi lúa. Tất cả cái gì cũng để cho mình. Vì vậy mà trong vũ trụ này mình là trung tâm. Bởi vì mình là trung tâm vũ trụ cho nên ai không làm theo ý mình thì mình nổi tức lên. Tỷ dụ như mình phơi lúa mà mưa xuống thì có nổi giận hay không? - Tại sao người ta đang phơi lúa mà trời lại mưa? Như vậy mình bắt thiên nhiên lệ thuộc về mình, mà lệ thuộc bằng cách ngu tối mê mờ của mình, chớ không phải lệ thuộc bằng cách không ngoan. Bởi bắt lệ thuộc về mình nên mới khổ đau vì không được như ý.

 Quí vị thấy tất cả chung quanh chúng ta từ con người đến muôn vật, có cái nào chiều theo ý chúng ta hay không? Mà giả sử có ông Trời, ông cũng không chiều nổi nữa. Muốn cái này đòi cái kia, được cái kia đòi cái khác. Nếu muốn một người được thỏa mãn hoàn toàn thì cả vũ trụ nhân loại này đều phải là nô lệ cho người đó hết. Do đó con người lúc nào cũng đau khổ vì thấy ngoại cảnh bất như ý. Tại sao bất như ý? Vì mình bắt ngoại cảnh lệ thuộc về mình. Nếu mình có cái nhìn khách quan, thì sẽ thấy ngoại cảnhngoại cảnh, không cái gì thuộc về mình hết, không cái gì vì mình hết. Trăng trong là trăng trong, không phải vì mình đi đêm mà trăng trong. Trời sáng là trời sáng chớ không phải vì chùa đánh chuông đánh trống là trời sáng. Như hoa cỏ nó tươi nó nở là tới thời tiết nó tươi nó nở, chớ không phải vì cái gì mà nó tươi nó nở.

 Nói tóm lại qua bốn câu thơ đó, Thiền sư Bổn Tịnh đã cho ta thấy rằng chúng ta bệnh chủ quan quá nặng nên bắt ngoại cảnh lệ thuộc vào chúng ta. Nhưng ngoại cảnh có chịu lệ thuộc vào chúng ta hay không? Hẳn là không? Khi thời tiết nhân duyên tới thì hoa trổ bông kết trái chớ không phải mình muốn là được. Nhiều người không biết như vậy, trồng cây mới đặt xuống năm bảy hôm là muốn cho nó lớn mau, rồi muốn nó có bông có trái liền. Năm bảy ngày không thấy nó lớn, lại muốn nhong nhóng lên cho nó mau lớn.

Đó là cái bệnh tham lam của con người. Bởi cái gốc tham lam mê muội đó mà người ta mãi mãi đau khổ. Ở đây Thiền sư muốn cho ta hết đau khổ, Ngài chỉ cho chúng ta thấy phải dứt đi hết bệnh tham lam. Mà bệnh tham lam là bệnh chấp ngã sở, tức bắt ngoại cảnh lệ thuộc vào mình. Quí vị nghĩ con cá con tôm phải sanh ra cho chúng ta ăn hay không? Nó là nó, sự sanh sản của nó là nó, chớ không phải vì chúng ta mà nó sanh. Tất cả cái khác cũng như vậy.

Như vậy sự vật ở cõi đời này, không có cái gì vì chúng ta hết, nhưng chúng ta tạo phương tiện tìm kiếm tàn sát để nuôi dưỡng chúng ta. Đó là sự lợi dụng của chúng ta, chớ không phải nó sanh ra để cho chúng ta ăn. Ngoài tôm cá tất cả cái khác cũng vậy. Cho nên trong nhà Phật dùng danh từ rất chuyên môn gọi là “Pháp nhỉ như thị” tức là các pháp nó như vậy. Các pháp không thuộc vào ai hết, nó không bị cái gì chi phối, không lệ thuộc vào cái gì, nó là nó, nếu bắt nó lệ thuộc là mình ngu si. Tại sao vậy? Chúng ta cứ suy gẫm lần lần như tôi nói nãy giờ.

Chúng ta biết một năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, hoặc ấm áp hay lạnh lẽo, hoặc gió mưa hay khô cạn. Bốn mùa đó không phải vì chúng ta mà có, nhưng do sự xoay vần của trái đất. Nhân biết có bốn mùa rồi chúng ta mới lợi dụng. Mùa mưa thì chúng ta ven bờ làm ruộng, mùa nắng hạn thì chúng ta phơi lúa, làm những việc khô khan. Mùa lạnh thì chúng ta sắm những cái mền, những cái áo ngủ ấm để mà che lạnh. Mùa nào chúng ta làm hợp theo mùa nấy. Nói tóm lại chúng ta biết có bốn mùa, đó là thiên nhiên sẵn như vậy, chớ không phải vì chúng ta. Nhân chúng ta biết đó mà lợi dụng làm việc sao cho phù hợp với bốn mùa. Đó là chúng ta khôn ngoan muốn sống. Nếu không chúng ta cứ bắt nó lệ thuộc vào chúng ta; vả như đang mùa nắng mà chúng ta muốn mưa thì sao? Có mưa được không? Muốn mưa mà không mưa ngồi đó mà trách trời trách đất: Hôm nay tôi cần mưa mà không mưa cho tôi. Đó là cái đau khổ do si mê của mình.

 Ngoài ra tất cả cái khác cũng vậy. Tỷ dụ như thế gian, người nuôi con chó thì nghĩ rằng, nuôi nó để giữ nhà cho mình. Khi nào có ăn trộm, nó ngủ quên nó không sủa thì đánh đập nó. Nhưng nó có hứa nó giữ nhà cho mình đâu, mà thói quen của nó thấy người lạ là sủa. Nó sủa vậy thôi chớ nó không nghĩ sủa như vậy là giữ nhà, giữ ăn trộm cho người chủ. Thế mà có ăn trộm nó ngủ quên sủa thì mình đập nó. Khi nuôi gà, người ta có ý nghĩa để nó gáy cho mình thức đúng giờ, hoặc để mình ăn thịt.

Tại mình quan niệm như vậy chớ nó đâu có nghĩ là tôi gáy cho ông bà nấu cơm đúng giờ đâu. Ngứa cổ nó cứ gáy vậy thôi. Bữa nào nó quên mình bực bội trách tại sao không gáy làm cho người ta ngủ quên. Như vậy mình có phải bắt buộc nó làm theo ý mình không? Đó là tánh cách ngu si chủ quan. Mình muốn bắt tất cả cái gì cũng làm lợi cho mình hết. Sự vật bên ngoài nó có nghĩ làm lợi cho ai đâu. Nó là nó. Có cơ duyên gì đó mới làm như vậy chớ không phải nó làm cho mình. Nó đâu có nghĩ nó làm cho mình rồi khi thiếu sót một chút không làm đúng như các trường hợp cũ, thì mình tức giận lên và mình có thể làm hại nó nữa.

 Như vậy chúng ta thấy tất cả sự vật nó là nó, nó không phải lệ thuộc vào chúng ta. Chúng tatham lam bắt nó lệ thuộc vào chúng ta, cho nên nếu có một cái không lệ thuộc về chúng tachúng ta đâm ra tức giận. Tỷ dụ đi vào vườn hoa của người, khi thấy một hoa đẹp muốn thuộc về mình. Nếu xin mà ông chủ không cho liền nổi giận. Vì thấy nó đẹp, muốn nó về mình, không được như ý là tức giận lên. Rồi tất cả cái khác đều cũng như vậy. Nếu thấy hoa đẹp để ngắm thì có tức giận đâu.

Thấy cái gì cũng muốn thuộc về mình, khi có một cái không lệ thuộc về mình mới đâm ra buồn khổ. Cái khổ đó từ đâu đem đến cho mình? Quả tangchúng ta tham lam bắt sự vật thuộc về mình, nên chúng ta đau khổ. Nếu bây giờ chúng ta biết sự vật là sự vật không thuộc về ai hết, ta nhìn nó với tánh cách khách quan thì có lúc nào buồn đâu. Thấy người ta có cái nhà tốt thì vui được thấy cái nhà tốt, đừng muốn cái nhà tốt thành của mình, tự nhiên mình vui rồi.

Sở dĩ mình thấy người ta có nhà tốt mà mình có nhà xấu mình buồn, vì mình muốn được cái nhà tốt như người, nên mới có niềm bất an trong lòng. Chớ mình thấy người ta có cái nhà tốt, mình mừng được thấy cái nhà đẹp quá. Thấy người có cái áo tốt, mình mừng được thấy cái áo đẹp. Được như vậy cả ngày mình vui hoài. Người có cái này đẹp, người có cái kia, rồi ngoài vũ trụ có bao nhiêu cái đẹp. Thấy được cái đẹp thì vui, chớ mình không bắt cái gì về mình hết. Nếu mình muốn cái gì tốt đẹp, muốn về mình thì cả ngày mình cứ buồn hoài. Đi ra thấy người ta có chiếc xe hơi đẹp, thấy mình không có mình buồn. Thấy người ta có cái nhà đẹp mình không có mình cũng buồn. Như vậy buồn cả ngày. Đó là tự mình vì mình muốn cái gì đẹp về mình, cho nên càng muốn là càng khổ.

 Nếu chúng ta biết tất cả cái đẹp không lệ thuộc về chúng ta thì chúng ta hết khổ. Hết khổ một cách an nhàn tự tại. Chúng ta cũng không đố kỵ, không ghét không khó khăn với ai hết. Ai có gì đẹp thì mình tán thán tùy hỉ liền. Khi thấy cái đẹp mình có ý nghĩ: À ông ấy có cái đẹp thích quá, mà mình không xin, không muốn lệ thuộc về mình thì tức nhiên mình có đố kỵ với người đó đâu. Ở thế gian, quí vị thấy một người anh ruột mà giàu, người em nghèo thì người em có thương người anh ruột hay không? - Cũng có hơi đố kỵ rồi.

Người khác cũng vậy, tại vì muốn tất cả gồm về mình. Lúc nào họ cũng thấy mình là trung tâm vũ trụ, bắt buộc tất cả phải về mình hết. Ra ngoài đường người ta không nhìn mình, mình cũng hơi giận rồi. Cái gì cũng phải chú vào mình hết. Người ta ít chú ý về mình thì mình không bằng lòng. Đó là quan niệm chủ quan quá đáng. Chủ quan đó gọi là chấp ngã nặng, bắt ngoại cảnh phải lệ thuộc về mình, gọi là chấp ngã sở. Vì vậy chúng ta phải biết rõ ràng tất cả pháp ở giữa đời này, không có cái gì thuộc về cái gì hết. Nó là nó, nó không thuộc về mình. Sở dĩ mình khôn khéo mình lợi dụng nó để ứng dụng, để chu cấp cho cuộc sống của mình, chớ nó không lệ thuộc về mình. Nó rõ ràng như vậy đó.

 Nếu biết tất cả pháp không lệ thuộc về mình thì pháp nào ở bản vị pháp nấy. Cái hoa này nó ở bản vị của nó, tất cả cái khác nó ở bản vị của nó, không lệ thuộc cái nào hết, nó là nó. Tuy nhiên nó sanh nó diệt. Nó sanh nó diệt theo thời tiết nhân duyên của nó chớ không lệ thuộc vào cái nào. Nhưng mà chúng ta có bằng lòng với sự vật bên ngoài - nó là nó - không lệ thuộc về mình hay không? - Không ai bằng lòng hết. Chính cái đó là cái đau khổ, muôn ngàn đời đau khổ cũng vì cái đó.

Cho nên nói hoa nở cả vườn mà chỉ có vườn của ta thì hoa không nở. Bởi vì của ta nên nó héo hoài. Còn nếu không thấy còn của ta thì nó nở đầy vườn. Bây giờ quí vị đi ra ngoài thấy cái đẹp nào đều không bắt về mình thì thấy cả thế gian đều là đẹp. Còn nếu bắt nó về mình thì cả thế gian đều là xấu hết. Mình thấy người ta có cái nhà đẹp mà không thuộc về mình, mình không bằng lòng, cho nên tìm cách này cách kia phê bình cho nó xấu bớt đi. Đó là cái bệnh của chúng sanh như vậy.

 Giờ đây chúng ta khách quan nhìn tất cả sự vật, các pháp thế gian này nó không thuộc về ai hết, nó là nó. Không phải vì có ta mà nó thuộc về ta. Hiểu được như vậy, thấy được như vậy là tự chúng ta hết khổ rồi. Chúng ta sẽ cười hoài như ngài Di-lặc. Đi thấy ai cũng có cái hay cái đẹp, cười hoài không có buồn. Còn nếu bắt nó thuộc về mình thì buồn hoài cả ngày, không bao giờ mình vui được, đó là cái thuật sống. Sống an lành hạnh phúc như ngài Di-lặc. Vì vậy mà trong kinh Pháp Hoa có câu:

 Thị pháp trụ pháp dị
 Thế gian tướng thường trụ

 Tức là các pháp ấy nó ở bản vị của nó, như vậy là tướng thế gian thường còn mãi mãi. Còn bắt nó lệ thuộc thì nó sẽ tiêu tan. Tỷ dụ thân chúng ta bây giờ có thật là của chúng ta hay chưa? Bởi thấy của chúng ta nên khổ vì nó.

 Nãy giờ nói là tôi nói sự vật bên ngoài. Bây giờ nói thẳng cái tứ đại nặng ba mươi bốn mươi năm mươi ký hoặc sáu mươi ký đó là của chúng ta hay không? Thật tình là ai cũng nói của mình hết. Quí vị nghĩ cho thật kỹ mà coi. Khi chúng ta có một ly nước, lúc còn ở ngoài này là nước của ai? Nước là nước không của ai hết. Nhưng khi vô khỏi cổ rồi thì nói của mình. Tới chừng hai ba tiếng đồng hồ sau, nó ra rồi thì là nước của ai? Như vậy cái gì là cái của mình.

Như hơi thở, khi không khí ở ngoài này là không khí, hít vô lỗ mũi là hơi thở của mình. Lát nữa thở ra rồi nó đi đâu? Là của ai? Như vậy cái “của” này chỉ là cái tạm. Như cái nhà người này vô người kia ra. Người bước vô nhà người đó có thuộc cái nhà này không? Tại sao chúng ta chấp tứ đại là nhà của mình? Bây giờ, quí vị thấy tứ đại hằng ngày: thở là không khí, chất lỏng là nước, chất cứng là đất, thân có hơi ấm là lửa.

Như vậy đất nước gió lửa hòa hợp lại làm thân tứ đại này. Nếu tứ đại ở ngoài không phải là của mình, vậy tứ đại ở trong này là của mình hay sao? Biết tứ đại ở ngoài không phải là của mình, thì ở trong đây đâu phải là của mình. Nếu thật là của mình thì, mình hoàn toàn làm chủ. Mình muốn nó còn là nó còn, muốn bỏ nó là nó mất. Nhưng có người muốn giữ nó mà giữ không được thì sao? Như vậy để chứng tỏ rằng nó không thuộc của mình. Cho nên đủ duyên thì nó còn, duyên thiếu thì nó rã. Mà khi nó rã nó có thật mất hay không?

 Chúng ta mượn không khí làm hơi thở chúng ta. Đến khi hết duyên, chúng ta thở ra thì nó thành không khí lại. Nó trở lại bản vị không khí của nó. Nước chúng ta còn dùng nó, đến khi hết dùng trả ra lại trở thành nước. Cái thân đất này tới chừng trả ra nó trở thành đất lại. Đâu trả về bản vị nấy không mất tí nào. Nhưng mà duyên hợp thì đổi hình đổi tướng vậy thôi. Duyên hết rồi thì đâu trả về đó, không có cái gì gọi là mất.

Cho nên nói “Tướng thế gian thường trụ”. Trong khi hợp đó chúng ta lầm mê bám vào cái đó nói là của mình. Tứ đại này cũng cho là mình. Cho nên cả cuộc đời chúng ta đau khổ. Quí vị nghĩ có lúc nào chúng ta vui được không? Bởi vì nhớ tới thân này, ai mà không bệnh, không tê thấp thì đau gan, không đau gan thì đau bao tử, hoặc phổi tim v.v... có đủ thứ đau nên sợ thân hoại. Vì nghĩ nó là mình, nên lo sợ nó rã nó mất. Đối với thân thì lo sợ, đối với ngoại cảnh thì bắt nó thuộc về mình, cho nên không được như ý.

 Người nào cho tứ đại là mình, đó là người đau khổ suốt kiếp. Không có ngày nào an lành hết, vì ngay trong tứ đại chúng ta thấy, nó không thuộc về ai hết. Tứ đạitứ đại - giả hợp chúng ta mượn nó làm bè qua sông. Nó còn ngày nào thì chúng ta đeo nó, nó rã thì thôi. Như vậy đối với thân thì không sợ còn mất, đối với cảnh không còn tham lam bắt nó về mình. Người sống như vậy có an vui hay không? Như vậy không cười còn đợi cái gì? Không lo sợ gì hết.

Không lo sợ cái này cái kia, mình không lo sợ thân này bệnh hoạn hoại đi là mình thấy an lành tự tại suốt ngày. Được như vậy là ta hưởng mùa Xuân Di-lặc sơ sơ rồi. Năm nào, ngày nào, tháng nào, chúng ta cũng thấy là ngày Xuân hết. Ngày nào cũng là ngày an lành đẹp đẽ. Nếu không như vậy thì chúng ta sẽ đau khổ dài dài. Ngày nào cũng đen tối. Cái này bất như ý, cái kia bất như ý. Nhớ đến thân là thân nhiều bệnh. Nhớ đến cảnh là cảnh của người. Cho nên rồi đau khổ, đau khổ hoài không hết. Đó là tôi chỉ cho quí vị thấy chúng ta muốn hưởng mùa Xuân Di-lặc là phải hưởng như thế đó. Đó là Xuân Di-lặc về hình thức.

 Còn Xuân tâm niệm? Làm sao tâm niệm chúng ta an lành suốt cả năm suốt cả tháng. Đó mới là cái Xuân cao quí nhất. Một Thiền sư Trung Hoa có làm bốn câu kệ nói lên mùa Xuân:

 Lưu thủy hạ sơn phi lưu ý
 Phiên vân qui động bản vô tâm
 Nhân sanh nhược đắc như vân thủy
 Thiết thọ khai hoa biến giới xuân

 Tạm dịch:

 Nước tuôn xuống núi nào có ý
 Mây bay về động vốn không tâm
 Người đời nếu được như mây nước
 Cây sắt trổ hoa khắp chốn xuân

 Sở dĩ chúng ta không được mùa xuân vĩnh cửu là vì chúng ta chỉ thấy Xuân qua tâm niệm sanh diệt. Thấy cây cỏ tươi tốt trổ hoa đâm chồi, chúng ta vui mừng cho đó là Xuân. Như vậy chúng ta vui mừng theo cảnh theo thời gian. Cái mừng đó là cái vui của tâm sanh diệt. Mà đã vui mừng chạy theo cảnh, theo thời gian, nếu cảnh tàn, thời gian qua thì cái vui còn hay hết? Cái xuân như thế là cái xuân hữu hạn. Cái Xuân của thời gian thì biến đổi, cái Xuân của ngoại cảnh thì suy vi.

Bây giờ nếu chúng ta hoạt động như bao nhiêu người, nhưng hoạt động như mây bay như nước chảy. Trong khi hoạt động đó ta không bị vọng tưởng làm chủ mà hằng sống với tâm thanh tịnh của chúng ta. Tâm thanh tịnh đó nó lặng lẽ trong trẻo chẳng khác nào như cây sắt. Nhưng trong cái lặng lẽ trong trẻo đó không phải nó không có gì. Chính trong cái lặng lẽ, trong trẻo đó nó phát ra trí tuệ sáng suốt. Đây dụ như cây sắt trổ bông. Trong cái lặng lẽ trong trẻo đó chúng ta tưởng chừng như không có cái gì hết, nhưng không ngờ ngay trong đó lại phát ra cái trí tuệ diệu dụng bất tư nghì. Cho nên đây ví dụ cho cây sắt trổ bông. Người ta tưởng không bao giờ cây sắt trổ bông, nhưng khi cây sắt trổ bông rồi sẽ thấy khắp bầu trời đều là Xuân không cùng tận.

 Bây giờ quí vị nhớ lại khi tâm không dấy niệm, lúc đó quí vị thấy có mình hay không? Tất cả người thế gian ai cũng vậy, có nghĩ thì nói tôi nghĩ thế này tôi nghĩ thế kia, không nghĩ thì lúc đó làm sao? Không biết gì hết. Họ tưởng chừng như mất họ rồi không còn gì hết. Nhưng mà không ngờ sau khi dừng lại hết những cái nghĩ đó, chừng đó nó mới sáng, tức là mới phát cái trí tuệ sáng suốt; trong kinh Bát-nhã gọi là “Thanh Tịnh Trí”. Trí tuệ sáng suốt đó nhìn sự vật, nhìn vũ trụ bằng tâm thanh tịnh, nên vũ trụ theo đó mà thanh tịnh.

Chừng đó khắp cả bầu trời đều là Xuân. Bởi vì nó không còn cái tâm sanh diệt nữa. Tất cả đều là an lành đều là vĩnh cửu. Lúc đó mới gọi là “biến giới Xuân”. Xuân khắp bầu trời ở đâu cũng là Xuân hết. Như vậy trong muôn người muôn cảnh, chúng ta thấy đều là Xuân. Thời gian nào chúng ta cũng thấy đều là Xuân. Mà cái Xuân được chăng là sau khi tâm chúng ta giống như mây bay giống như nước chảy. Mây bay nước chảy mà không có tâm, thì chúng ta hoạt động tất cả mà không có vọng tưởng. Lúc đó chúng ta thấy khắp bầu trời là một mùa Xuân. Nếu chúng ta mang vọng tưởng là Xuân có hạn có chừng. Như vậy chúng ta ai muốn hưởng mùa Xuân Di-lặc, mùa Xuân đó phải như vậy. Một mùa Xuân không còn lệ thuộc vọng tưởng sanh diệt thì đó mới là mùa Xuân chân thật. Tôi đã đứng hai mặt để diễn đạt mùa Xuân Di-lặc:

 1- Dứt mê lầm chấp ngã bắt ngoại cảnhtứ đại này lệ thuộc vào mình. Lúc đó chúng ta hưởng được mùa Xuân an lành tự tại.

 2- Chúng ta bặt hết vọng tưởng điên cuồng, với tâm thanh tịnh sáng suốt nhìn bầu trời sáng suốt để hưởng mùa Xuân vĩnh cửu bất sanh bất diệt.

 Một Thiền sư Việt Nam đã nói đến mùa Xuân đó dù không đề cập đến chữ Xuân. Khi vua Nhân Tông hỏi Ngài ở núi làm gì, ở được bao lâu? Thiền sư Thiền Lão trả lời:

 Đản tri kim nhật nguyệt
 Thùy thức cựu xuân thu

 Tạm dịch:

 Chỉ biết ngày tháng này
 Ai rành xuân năm trước

Hỏi hằng ngày Hòa thượng làm gì? Ngài nói:

 Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
 Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân

 Tạm dịch:

 Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
 Trăng trong mây bạc hiện toàn chân

 Như vậy ngày nào chỗ nào chẳng phải là Xuân? Nếu tâm chúng ta không còn lệ thuộc vào thời gian quá khứ hiện tại vị lai, lúc đó chúng ta an nhiên tự tại thanh tịnh. Đó là cái tâm bất sanh bất diệt của chúng ta. Mà sống với cái tâm bất sanh bất diệt đó để nhìn sự vật, cái nào chẳng đẹp, cái nào chẳng thanh tịnh, vì đâu cũng là chân tâm biến hiện, đâu đâu cũng là cảnh đẹp của mùa xuân, không riêng nơi nào lúc nào. Như vậy quí vị thấy rõ cuộc sống của chúng ta muốn được an lành đời đời kiếp kiếp, an vui tự tại hưởng một mùa Xuân Di-lặc thì không gì hơn:

 1- Trước hết chúng ta phá cái chấp u mê bản ngã, bắt ngoại cảnh phải lệ thuộc về mình.

 2- Kế đó chúng ta phải lặng hết vọng tưởng.

 Như vậy chúng ta thấy trên cõi đời này đều là một cõi đời an lành tự tại. Ngay trong thế gian này là một thế giới của chư Phật chớ không phải của phàm phu nữa. Đó là cái XUÂN DI-LẶC vĩnh cửu trường tồn nơi chúng ta.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant