BS. Đỗ Hồng Ngọc
Nhà xuất bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh
BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH PHẦN II
ĐỘ NHẤT THIẾT KHỔ ÁCH
Như đã nói, bản dịch Tâm Kinh của Huyền Trang (Trần Vĩ, thường được biết với tên Đường Tam Tạng) từ thế kỷ thứ VII, vẫn là bản kinh chính được sử dụng hiện nay có câu đầu như sau: “Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát nhã balamật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” mà các học giả cho rằng “độ nhất thiết khổ ách” là do Huyền Trang thêm vào chớ không có trong bản Phạn ngữ.
Vì sao một tu sĩ học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu, dịch thuật uy tín như Huyền Trang có thể tự ý thêm như vậy? Chắc phải có một lý do chính đáng. Huyền Trang đi tu từ lúc mới 13 tuổi (năm 603) ở chùa Tịnh Độ với người anh là Hòa Thượng Trường Tiệp. Ông chu du cầu học khắp các tỉnh sau năm năm học với các cao tăng ở Thành Đô, Tứ Xuyên. Càng đi, càng học hỏi, càng hoang mang nên ông muốn đích thân tìm đến gốc gác của Phật Thích Ca ở Ấn Độ để khảo cứu. Năm 34 tuổi, ông ra đi, đến năm 50 tuổi mới trở về. Trải qua biết bao gian lao nguy hiểm, tưởng đã nhiều lần bỏ mạng, ông với “ý chí sắt đá” đã vượt qua và đến tận Ấn Độ tu học ở chùa Nalan đà, chùa lớn nhất Ấn Độ, đã có từ 700 năm trước với hàng chục ngàn sư tăng tu tập, dưới sự hướng dẫn của đại sư Giới Hiền, lúc đó đã 106 tuổi. Huyền Trang tu ở đây 5 năm. Ông là một nhà tu, một học giả nghiêm túc, uyên thâm, vì ngờ vực những lối giảng mâu thuẫn của giới tu hành ở Trung Hoa nên đã đích thân đi tìm tận nguyên ủy, không thể nào ông tự “bịa” ra một câu không có trong kinh gốc khi dịch mà thực ra ông chỉ chuyển ý từ câu “năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư” ở đoạn cuối của Tâm Kinh (có năng lực trừ tất cả mọi khổ đau, chắc chắn như vậy, không ngoa), từ phần dưới lên trên, để nói ngay cái diệu dụng của Tâm Kinh qua chính sự thể nghiệm của bản thân ông. Sau hai chục năm thuyết giảng Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên, 18 giới (dhàtu), 12 xứ (ayatana), nào Trí (lục độ), nào Đắc (pràpti, labdhi) thì đến Tâm Kinh, Phật phủ định, quét sạch, phá vỡ tất cả, đến nỗi Suzuki kêu lên: “Không có gì hết ngoài một tràng phủ định” (Suzuki, Sđd). Điều này có thể làm choáng váng cả giới Phật học, các nhà tu hành, các nhà nghiên cứu, các triết gia Đông, Tây nên Huyền Trang, qua bản thân mình đã tu tập, thực chứng, trải nghiệm mới mạnh dạn ghi ngay vào câu đầu để đánh tan mọi sự ngờ vực. Ông thực hiện câu: “chân thật bất hư” để thuyết phục, để dẫn đạo, để hoằng pháp. Đây là công rất lớn của Huyền Trang đối với Tâm Kinh, cũng là cách tiếp cận hiện đại, giới thiệu “diệu dụng” ngay từ đầu để lay chuyển người nghe, để “xác tín” với người nghe và giúp họ yên tâm tu tập.
SẮC BẤT DỊ KHÔNG KHÔNG BẤT DỊ SẮC SẮC TỨC THỊ KHÔNG KHÔNG TỨC THỊ SẮC
Sắc (rùpam) là hình thể, là thân xác, là cơ thể vật lý, sinh lý, cũng là núi, là sông, là cây, là lá ..., cũng là nước, là mây, là đá ...
Tóm lại, là mọi thứ có hình sắc, dù rắn, lỏng, hay khí và nếu nó là sinh vật, thì nó được tạo nên bởi “tứ đại” (đất, nước, gió, lửa...) mà tôi cho là người xưa đã nói đến C, H, O, N ... những nguyên tố mà do “duyên” gì đó đã kết hợp nhau lại để thành những cơ thể sống, từ các proteine, đến vô số sinh vật và con người, và những gì nữa không sao biết hết được. Khoa học hiện đại gần đây đã tìm thấy gène của một con vi trùng cũng giống gène cây cải, gène con người, chỉ khác về số lượng, về tỷ lệ và có thể một chút gì đó về chất lượng. Mọi con người đều có cấu trúc gène giống nhau đến 99,99%. Còn chút xíu khác nhau kia có thể làm cho người nọ thành ca sĩ, người kia thành thợ hồ, người này là nhà bác học, người kia là nhà thơ ...
Không (synyata) ở đây không phải là “không” trong tiếng Việt (hàm ý trái với có). Không của Tâm Kinh là sự trống rỗng – emptyness - như vũ trụ, như bầu trời không mây, khoảng trống của ngôi nhà, khoảng rỗng bên trong một lọ hoa... Không ở đây chỉ nghĩa là “không có tự tính riêng biệt” (self-existence, propre nature) mà là do duyên hợp của các yếu tố sắc – tâm, tác động qua lại trong “ngũ uẩn” mà tạo ra cái Ta (Ngã). Nói khác đi, cái Ta không có tự tính. Cái Ta do duyên sinh và biến đổi, thay đổi liên tục trong cả thời gian và không gian. Sắc sờ sờ ra đó nhưng sao lại bảo là không (trống rỗng)? Thật ra cái “sắc” tuyệt vời kia dù từ những duyên gì đi nữa không biết đã tạo ra cái hiện hữu, tạo ra cô hoa hậu, anh lực sĩ, tạo ra cái ta, thân xác ta, với biết bao nhiêu là điều kỳ thú, đã trải qua biết bao nhiêu là tiến hóa từ con siêu vi sống nhờ, ở đậu, lấy của người làm của mình đến con vi trùng bé xíu biết tự tại, đến loài bò sát, cá, ếch nhái, chim và ... con người – là không đơn giản và tuyệt vời biết bao! Cá có công chúa cá, ếch có hoàng tử ếch. Cái thân xác kỳ diệu kia không sao nói hết về sinh lý học, cơ thể học, từ một con ký sinh trùng có chung trên thân thể bộ phận sinh dục “đực – cái” đến loài có vú và con người, có nam có nữ, có tình yêu, có khổ đau, có sinh sản, có già, có chết, sao có thể bảo là không? Chính cái “sắc” đó đã tạo ra thọ, ra tưởng, hành, và thức. Không có thân xác thì lấy đâu mà “tu”, mà “kiến tánh”, mà giác ngộ? Thế nhưng nếu bám lấy cái “sắc”, coi nó là vĩnh cửu ... thì sẽ khổ đau khi thấy tấm thân hoa hậu kia, lực sĩ nọ mà tóc bạc da mồi, mà lưng còng, mắt kém ... Sự khổ đau xảy ra vì thấy cái Ta lớn quá, cái ta riêng biệt quá, vĩ đại quá! Và sợ. Sợ đủ thứ. Sợ đổi thay, sợ chuyển hóa, sợ mất mát. Cô hoa hậu mỗi ngày ngồi trước tấm gương soi và sợ. Một sợi tóc đã rụng đi. Sợ. Một cái mụn mới lồi lên. Sợ. Sợ đủ thứ. Anh lực sĩ cũng vậy. Mà ta cũng vậy. Chỉ có Phật là tủm tỉm cười, có ông còn ha hả cười! Nhưng “Trời có nói gì đâu!” (Khổng Tử kêu lên như vậy). “Ta có dạy gì đâu!” (Phật cũng kêu lên như vậy). Nó vậy. Nó phải vậy. Nó là vậy. Nó dĩ nhiên vậy. Người ta gọi nó là cái Đó, là Như thị. Cái “vậy vậy” mà cũng làm cho ta khổ đau, làm cho ta sợ hãi, lo lắng mất ăn, mất ngủ ư? Mây vẫn xây thành trên bầu trời xanh kia và biến đi rồi xây lại, thương hải biến vi tang điền, nơi này hạn hán thì nơi kia bão lụt ... Cái khổ đau của kiếp người thật vô duyên, không cần thiết và chẳng đi tìm phương thuốc ở đâu cho mệt, vì đau khổ là do ta tự tạo ra, lo sợ là do ta tự tạo ra thì cũng phải do chính ta tạo ra an lạc, hạnh phúc, niềm vui. Có người cho rằng Tâm Kinh là một loạt phủ định. Phải nói nó khẳng định mới đúng. Nó tích cực. Nói ra sự thật không dối trá, “chân thật bất hư”. Tâm Kinh còn khẳng định “Ba đời Phật – quá khứ, hiện tại, vị lai – gì gì cũng phải hiểu và hành Bát Nhã, như vậy mới thành Phật được, nghĩa là giác ngộ, là hết sợ hãi, là “vượt thoát sinh tử”. Cho nên ông Phật nào thấy cũng tươi vui, hạnh phúc, có ông còn vỗ cái bụng to cười khà khà ! Còn bà Phật thì xinh đẹp, dịu dàng, tay cầm lọ nước “cam lồ” sẵn sàng đi cứu khổ cứu nạn khắp nơi! Chỉ có mấy ông La Hán là còn vật vã, nhăn nhó, tuy ở gần Phật mà chưa đủ giác ngộ, nên còn dằn vặt, trợn mắt, nắm tay ... ngồi đứng không yên!
“Sắc bất dị Không” Tâm Kinh nói vậy. Nhưng không chỉ vậy. Nói vậy nguy hiểm. Có kẻ hiểu lầm, bỏ đời đi tu hết trơn, hoặc tự tử hoặc rơi vào hư vô chủ nghĩa, sống liều lĩnh, hoặc rơi vào thái độ coi thường thân xác, hành hạ thân xác, đày đọa thân xác coi nó là đồ ăn hại, cái bị thịt, nhơ bẩn, xấu xa, cần tẩy trừ, cần tiêu diệt thì thật là tai hại!
Không dừng lại ở “Sắc bất dị Không”. Tâm Kinh nói ngay vế thứ hai “Không bất dị Sắc”. Nói như vậy để người ta không rơi vào hư vô chủ nghĩa, không coi khinh, coi thường cái “sắc”. Bởi vì thật ra không có sắc thì cũng không có gì cả! Không có tâm không có phật. Cái “chân không” kia, cũng không khác cái có, cái hình thể, cái thân xác. Bảo cái núi kia là không, nhưng nó có đó. Nó có đó nhưng mà nó không vì nó biến chuyển, đổi thay và nó có đó chẳng qua là do một cơn địa chấn, làm vỏ trái đất bị nhăn nhúm lại một chút mà thành. Mà “thấy” được như vậy thì quả thật, núi đã đẹp hơn quý hơn. Có mà không. Không mà có. “Thấy vậy mà không phải vậy”.
Cho nên phải chăm sóc cái “Sắc” một chút. Nó là một cái “Không” rất tuyệt vời! Phật đã tìm ra một tư thế ngồi thoải mái làm dễ chịu khắp châu thân, thế ngồi dễ hít thở sâu nên không mệt. Lại còn chọn chỗ ngồi dưới gốc cây to vừa tránh nắng vừa có nhiều dưỡng khí. Mỏi thì nằm trên cỏ nghỉ ngơi. Đói thì ăn, khát thì uống. Dĩ nhiên là có vệ sinh, tắm rửa, giặt giũ. Có điều ngay trong lúc vệ sinh, tắm rửa, giặt giũ ... cũng biết đang làm việc đó, nghe nó, thưởng thức nó. Nhờ vậy mà cũng giải tất cả stress, lo âu, căng thẳng.
Người ta hỏi Phật : “Vậy chớ mỗi ngày ngài làm gì?” Phật mỉm cười: “Mỗi ngày tôi đi lại, ăn uống, tắm giặt ...” “Vậy thì có khác gì mọi người đâu?” Phật lại mỉm cười “Có khác chứ. Lúc đi lại, ăn uống, tắm giặt ... tôi biết mình đang đi lại, ăn uống, tắm giặt!” Tôi biết nghĩa là tôi ý thức, tôi sống trong nó, sống với nó, sống ở đây và bây giờ, chớ không phải suy nghĩ vẩn vơ để sống trong quá khứ hay trong tương lai mà quên hiện tại. “Sắc” quan trọng lắm. Coi nhẹ Sắc là một sai lầm lớn!
Tâm kinh không dừng ở đó, mà còn nói thêm:“Sắc tức thị Không/ Không tức thị Sắc”
Nghe có vẻ như “lẩm cẩm”. Thực ra, đó lại là một sự khẳng định, xác tín. Không có chuyện phủ định ở đây. Thật vậy, “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” là một xác quyết. Không chỉ so sánh: bất dị (không khác) mà còn nói “tức thị” (chính là). Điều này thực sự có thể làm choáng váng, nhưng không làm khiếp đảm bởi nó có lý của nó.
Khi các nhà bác học nói: Vật chất “không khác” năng lượng, vật chất “chính là” năng lượng với công thức E=mc2 thì ta không ngạc nhiên. Nhà sinh học bảo cái cây kia có 70% gène giống gène của chúng ta, con ruồi giấm kia có trên 80% gène giống gène chúng ta và nói cây kia không khác chúng ta, cây kia chính là chúng ta có vẻ cũng có lý phần nào. Bởi vì trái đất không còn cây xanh thì chúng ta cũng không còn tồn tại!
Với mắt trần, ta chỉ nhìn thấy màu trắng của ánh sáng, nhưng qua lăng kính đã tách ra thành 7 màu: đỏ, cam, vàng, xanh, lam, chàm, tím. Trộn chúng lại thì ra màu trắng. Thì ra trắng là “Không”. Cũng không khác cái gọi là “ngũ uẩn”, tách ra thì sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp lại thành Ta (cái Ngã). Ta Có mà Không. Không có cái màu trắng mà thực ra là có. Cái màu trắng hình như bao hàm trong nó tất cả màu sắc cũng như cái chân không bao hàm vạn hữu. Rồi đỏ với vàng thành cam; xanh với đỏ thành tím; vàng với xanh thành xanh lá cây, nên người họa sĩ có thể pha ra hằng trăm màu sắc khác nhau từ cái màu “trắng không hề có mà có” kia vậy!
THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC, DIỆC PHỤC NHƯ THỊ
Thọ, Tưởng, Hành, Thức uẩn cũng lại như vậy, nghĩa là cũng như Sắc uẩn:
“Thọ bất dị không Không bất dị thọ Thọ tức thị không Không tức thị thọ”Và cứ như thế cho các uẩn khác, để cuối cùng là “ngũ uẩn giai Không”. Nó giúp xóa đi cái “chấp” lớn nhất, cái chấp làm khổ đau cho cả kiếp người là chấp “ngã”. Hết chấp ngã thì “tâm vô quái ngại” không còn bị cản trở gì nữa và nhờ vậy sẽ không còn sự sợ hãi nào nữa! Sợ hãi, chứa đựng trong nó một dạng năng lượng mạnh mẽ - cũng như giận dữ ghen tuông, ngờ vực vậy – và vì là năng lượng ta không thể hủy diệt nó mà chỉ có thể chuyển hóa nó thành một dạng năng lượng khác. Sợ hãi, giận dữ, âu sầu chứa một năng lượng làm ta suy kiệt, càng nén nó xuống thì ta càng bị trầm cảm thêm, bị tâm thần nặng thêm lên mà thôi. Nhưng chuyển hóa năng lượng đó cách nào? Các chuyên gia tâm lý khuyên chỉ cần “nhìn thẳng” nó, nhận ra nó, mà không cần phê phán. Bởi vì phê phán thì sẽ có cảm xúc, xúc động đi kèm. “Nhìn”, “nhận ra”, “hiểu”, “đối diện” ... nó thì nó sẽ tự biến đổi, chuyển hóa. Thật không dễ! Vậy nên mới phải cần thực tập, rèn luyện dài dài. “Thở” và biết mình đang thở vào ra (chánh niệm) là một kỹ thuật. Không phải vô lý mà người ta thỉnh một tiếng chuông, người ta lần tràng hạt ... với điều kiện là nhớ thở chánh niệm đi kèm!
Sắc bất dị không. Sắc tức thị không... Thọ tưởng hành thức cũng là Không, Không cũng là thọ tưởng hành thức là một cách nói triệt để, nhằm tiến tới cái Một, cái “Bất Nhị”, cái không hai. Người nghệ sĩ có thể trực giác ngay những điều đó mà không cần lý giải: “Tôi là em và em cũng là tôi” (Trịnh Công Sơn).
Tâm Kinh có thể được trực nhận qua trực giác, nhưng nó lại là chỗ “trí tuệ” rốt ráo nhất. Sariputra, Xá lợi tử “là đại đệ tử của Phật, được Phật khen là Trí tuệ đệ nhứt trong các đại đệ tử của Ngài”. Phật đã không giảng Tâm Kinh cho ai khác trong mười đại đệ tử của Ngài, mà chỉ nói cho Xá lợi tử, người trí tuệ bậc nhất là có lý do. Tâm Kinh còn gọi là “Diệu pháp trí độ”, một pháp tuyệt diệu dùng trí tuệ để “độ” người!.
Thật vậy, khi “chiếu kiến” được “ngũ uẩn giai không” rồi thì bản ngã đã tan biến (vô ngã). Không có ngã thì không còn gì vướng víu được nữa rồi. Vô ngã rõ ràng là cái thấy tối hậu. Nhưng vô ngã mà vẫn cứ là ngã, cái ngã mới, cái ngã trong vô thường, trong thay đổi, cái ngã do gắn bó, do tương tác ra trăm cái ngã mà thực ra không có cái ngã nào cả, không có ngã nào cả mà thực ra có ngã, chân ngã, thật ngã.
Osho viết đại ý: “Cuộc sống đòi hỏi nhiều can đảm. Những kẻ nhút nhát chỉ có tồn tại, họ không sống, bởi toàn bộ cuộc đời họ quay quanh sự sợ hãi ... Sợ những điều hiện hữu và cả những điều không hiện hữu. Sợ địa ngục, sợ ma quỷ, sợ thần thánh: kết quả của sự tưởng tượng của họ...”.
Cuộc sống tự nó là nỗi hiểm nguy và sự bất an, sự chuyển động bất tuyệt, và tự nó cũng là nỗi hân hoan, là niềm cực lạc. Thật là tuyệt khi ý thức cuộc sống là vô thường, luôn thay đổi, chuyển động, nó cho phép ta tự do, khám phá, sáng tạo, ngạc nhiên. Người ta được hồn nhiên, trở thành trẻ con, hòa mình vào cuộc sống thực, không ảo tưởng, không đòi nó phải thế này, phải thế khác để rổi tuyệt vọng, thất vọng vì không được như ý, cũng chẳng khoái ru?.
THỊ CHƯ PHÁP KHÔNG TƯỚNG: BẤT SANH BẤT DIỆT BẤT CẤU BẤT TỊNH BẤT TĂNG BẤT GIẢM
Pháp: (dharma) tiếng gọi chung tất cả sự vật nhỏ lớn, hữu hình, vô hình, hữu vi, vô vi, chân thật, hư vọng (Đoàn Trung Còn, Sđd). Nhìn một cách bình thường thì vạn hữu hình như có cái thể, cái tánh, cái bản chất riêng của nó, nhưng xét cho kỹ, theo tinh thần của Tâm Kinh Bát nhã thì nó là Không Tướng, không có tự tánh riêng biệt. Nói khác đi, “không tướng” mới là thật tướng của vạn hữu.
“Ngũ uẩn giai không” một khi đã được hiểu thấu đáo, một khi đã được “hành” tới nơi tới chốn, thì tất cả những phần còn lại tự nhiên vỡ ra, như những hệ luận, nhất quán, xuyên suốt. Những câu chữ ở đây sắc gọn, thuyết phục, dẫn dắt từ ý này sang ý khác một cách – nói theo bây giờ - và logic dù không dễ hiểu, nếu chỉ đọc loáng thoáng, hoặc chỉ tụng thuộc lòng.
“Thị chư pháp không tướng”: tất cả các pháp - sự vật, hiện tượng, sinh vật... – trong cõi đời này tuy là có tướng nhưng thực chỉ là tướng không, mới nhìn có vẻ như có tướng mà nhìn kỹ, nhìn thấu đáo thì hóa ra “không” (rỗng) tướng vì nó không tự thân có, nó do duyên sinh, duyên hợp, tương tác mà thành như “ngũ uẩn” kia vẫn vốn là “không”, vậy mà vẫn có ta, có cơ thể này, có đi đứng, có nói năng, buồn vui, sướng khổ. Có tất cả, mà là “rỗng”, “rỗng” mà “lại có”.
Cái mặt trời kia tưởng là nó quay mà nó không quay. Tưởng là nó có mọc (sinh) và có lặn (diệt) vậy mà nó cứ ở y đó, chẳng mọc mà cũng chẳng lặn. Khi nó lặn ở chỗ này thì ở chỗ kia người ta gọi nó mọc. Nói khác đi, nó ỳ một chỗ. Tưởng nó ỳ một chỗ mà nó lại quay trong thiên hà của nó. Tưởng nó vĩ đại, khổng lồ mà thật ra như hạt cát trong dãi thiên hà. Mà, ngày nay khoa học đã tìm thấy hàng trăm ngàn thiên hà, mỗi thiên hà có hàng tỷ ngôi sao như mặt trời “vĩ đại” của chúng ta. Mặt trăng kia cũng vậy. Chả có trăng non, trăng già, trăng đầy, trăng khuyết gì cả! Khi trái đất xoay – và trăng cũng xoay – thì trái đất che bớt một phần trăng đi, ta có bao nhiêu là hiện tượng: trăng lặn, trăng mọc, trăng đầy, trăng khuyết, nào sinh nào diệt, nào thêm nào bớt. Mà không có gì cả! Nó vậy đó. Ngay cả cái “trăng sáng vằng vặc” của nó cũng vậy. Cũng không tự nó. Rồi mây che, rồi mây bay đi. Mây cũng vậy, lang thang vô định, xây thành rồi tan biến rồi lại xây. Mây thành mưa. Mưa thành suối, sông hồ biển cả rồi lại bốc thành mây. Là những giọt nước. Giọt nước lại chỉ là H và O, những nguyên tử, xoắn xít, xoay trở thành đủ thứ. Thủy triều lên bên này là lúc thủy triều xuống bên kia. Ngọn sóng vươn lên, như có một số phận - rồi tan trong nước, lại vươn lên thành sóng, như không động, mà cũng không nghỉ, không có mà cũng không vắng. Một hòn sỏi, một hạt cát, vỡ tan đi thành bụi, rồi thành năng lượng mà năng lượng thì không có sinh ra và cũng chẳng mất đi. Ngàn năm trước, không phải là nhà vật lý, Phật cũng nói như vậy bằng trực giác. Một đóa hoa trên bàn viết đã được trồng từ mảnh đất đầy phân. Và đóa hoa thơm tho kia, chẳng mấy chút cũng đã lại trở thành phân. Nhưng đừng nhìn hoa mà chỉ thấy phân! Cũng đừng nhìn phân mà không thấy hoa. Vẫn như có “sắc tướng” mà chỉ là “không tướng”, vẫn như có “thọ tướng”, “tưởng tướng”, “hành tướng”, “thức tướng”, mà thật ra chỉ là “không tướng”. Nhưng vì sao Tâm Kinh chỉ nói đến 3 đặc tính “sinh diệt, nhơ sạch, thêm bớt” của vạn hữu?
Với đôi mắt, đôi tai của ta, ta được nhìn được nghe chỉ trong một giới hạn nào đó – thí dụ, mắt không nhìn được tia tử ngoại và hồng ngoại, tai không nghe được cao hơn hay thấp hơn một số décibel nào đó – thì rõ ràng thấy nghe các pháp (sinh vật, hiện tượng, sự vật...) như có một cái “tướng thực” mà không phải vậy như có lúc người ta “thấy” trái đất là vuông, đứng yên một chỗ, thấy mặt trời quay quanh trái đất, có mọc có lặn, thấy mặt trăng có khuyết có tròn, nói chung thấy các “tướng” của “chư pháp” có sinh có diệt, có thêm có bớt. Nhưng khi con người vượt ra được chính mình - bằng trí huệ - thấy được “ngũ uẩn giai không” – cũng như nhờ khoa học mà thấy được sóng âm thanh, lượng tử của ánh sáng, thấy được trái đất tròn quay quanh mặt trời, hiểu được nhật thực và nguyệt thực, biết dùng truyền hình, radio, điện thoại di động thì cái “tướng” của vạn pháp tưởng là thật kia hóa ra không phải như ta nghĩ tưởng. Khoa học chứng minh và mọi việc sáng tỏ dần, nhờ đó con người cũng đã bớt sợ hãi một số hiện tượng như nhật thực, nguyệt thực, sóng thần, gió mưa sấm sét ... bớt đi vai trò của các thần linh và từ đó bớt mê tín dị đoan. Vậy người thật sự có “trí tuệ” Bát Nhã thấy được “ngũ uẩn”là “Không” thì “độ nhất thiết khổ ách” không lạ. Họ hết còn lo lắng sợ hãi nữa, họ hiểu rõ sự vô thường, thoát các chướng ngại cản trở và “thoát khỏi vòng sanh tử”. Không phải là không còn sanh tử nữa nhưng họ thoát khỏi sự sợ hãi về cái sống, cái chết, nhờ vậy họ ung dung tự tại, an nhiên vui sống và an nhiên vui chết. Họ biết sống hạnh phúc, an lạc trong hiện tại. Hiện tại thì không có thời gian. “Sinh và diệt” có thể là một trong những nỗi sợ lớn nhất của kiếp người. Ta từ đâu tới? Ta là ai? Tại sao có ta? Nếu ông ngoại mà không gặp bà ngoại, nếu ông nội mà không gặp bà nội, ba mẹ không gặp nhau thì ta là ai? Nếu cái trứng rụng tình cờ kia của gần nửa triệu cái trứng, không gặp phải một tinh trùng trong hai tỷ tinh trùng ào ào chạy ngược dòng kia thì có ta không? Nếu và nếu, hàng triệu cái nếu như vậy đặt ra, và ta là ai? Ta mang cả một gia sản di truyền với hơn 3 tỷ mật mã truyền từ đời này sang đời kia của một dòng chảy mà ta là một “hạt” trung gian nối kết hai tiến trình? Hay ta là một giọt nước trong đại dương, có lúc dính vào đợt sóng, có lúc gắn vào cơn mưa, có lúc lại róc rách trong ghềnh suối ... Sinh diệt là nỗi lo lớn nhất của kiếp người mà các hệ thống triết học không sao giải đáp được, chỉ có thể dùng “tuệ giác” để khẳng định “bất sinh bất diệt” – sinh và diệt là một - chỉ là một sự chuyển hóa năng lượng mà năng lượng thì luôn được bảo toàn – Nó vậy đó. Để làm gì ư? Phật biểu đừng hỏi. Người bị thương cần cứu sống cái đã, cần giảm đau cái đã. Cho nên nỗi sợ hãi lớn nhất, nỗi khổ lớn nhất phải được phá vỡ trước nhất.
“Nhơ” và “sạch” cũng là nỗi khổ của kiếp người, nỗi lo, nỗi sợ của kiếp người. Nó cũng quấn quít trong ngũ uẩn, từ “tưởng”, từ “thức” dẫn đến “hành”, đến “thọ” chằng chịt, quấn quít nhau và sau cùng tác hại lên “sắc”. Thoát được “nhơ và sạch” thì giải thoát được những mặc cảm, những dồn nén làm cho con người co rúm lại, thấp bé đi, sợ hãi buồn phiền triền miên. Sợ bị chê, khoái được khen. Rồi mang đủ thứ nhãn hiệu, tên tuổi, bằng cấp, tước vị, còn tự tạo ra bao nhiêu là hình bóng ảo tưởng, giả tạo để phân biệt, cách ly, kỳ thị. “Bất cấu bất tịnh” (không nhơ cũng không sạch) nhằm triệt tiêu cái đối lập nhị nguyên thứ hai làm khổ kiếp người. “Không nhơ cũng không sạch” còn giúp nâng cao ý thức trách nhiệm giữa ta và người, giữa hoàn cảnh và cá nhân, giúp ta có thái độ hòa đồng, cởi mở, tôn trọng, không úp chụp người khác, không biến người khác thành kẻ thù hay ngục tù của mình – vì phải sống giả hình theo cái nhìn để rồi bị gò bó, bị ràng buộc, bị vướng mắc vào cái “tưởng” của tha nhân! . Khi biết “cấu” và “tịnh” chỉ là hai mặt của một sự việc, một con người, của Ma vương và Phật thì con người được giải thoát, không còn bị thành kiến che khuất, không còn mong cầu tìm kiếm và nhất là không tự mãn, tự ti hay tự tôn.
“Bất tăng bất giảm” (không thêm cũng không bớt) để “đánh” vào nỗi đau, nỗi lo, nỗi khổ khác, quan trọng không kém của con người là lòng tham! Thủy triều lên bên này thì thủy triều xuống ở bên kia: khối lượng nước của biển đã không tăng, chẳng giảm. Nhà tỷ phú kia tích cóp thì con cháu lại phung phí, nhất là đối với những đồng tiền, của cải phi nghĩa. Tăng thêm đất đai, mở rộng biên cương như Alexandre Đại đế, như Thành Các Tư Hãn, như Napoléon, như Hitler ... để muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ rồi sẽ về đâu? Hết tung đến hoành, hết Xuân Thu lại Chiến Quốc! Lòng tham của con người thật là vô đáy.
Dĩ nhiên là còn nhiều những khái niệm nhị nguyên như đẹp xấu, cao lùn, mập ốm, ghét thương, giàu nghèo ... làm cho con người luôn ray rứt, khốn khổ. Nhưng chỉ cần nêu 3 cặp “sinh diệt”, “cấu tịnh” “tăng giảm” là ba cặp gây sóng gió khổ đau nhất cho kiếp người, để giúp giải thoát sợ hãi, âu lo thoát vòng sanh tử, thoát nẻo thị phi, thoát miền tham đắm cũng đã là đủ.
Tâm Kinh viết “Xá lợi tử! Thị chư pháp không tướng ...” cũng như ta gọi, này tôi ơi, các pháp (dharma) đều có tướng không, mới nhìn tưởng là có tướng, tưởng như có tăng có giảm, có nhơ có sạch, có sanh có diệt ... mà thực ra không phải vậy. Nhìn bằng tuệ giác thì thấy rõ rằng các pháp đều là Không (tuy có tướng đó nhưng mà là giả tướng, thật tướng là không). Bởi vì “ngũ uẩn” đã là “Không” thì sao còn các cặp nhị nguyên đối đãi đó, sao còn có thị phi, còn tranh chấp, còn tham đắm, say mê, sầu hận, khổ não ... Và nếu “vượt thoát” được hết những khái niệm đối lập giả tạo đó, phải chăng sẽ đạt tới sự an lạc, thoát khỏi “mọi khổ đau ách nạn”?
THỊ CỐ KHÔNG TRUNG “VÔ SẮC, VÔ THỌ, TƯỞNG, HÀNH THỨC” VÔ NHÃN NHĨ TỶ THIỆT THÂN Ý VÔ SẮC THANH HƯƠNG VỊ XÚC PHÁP...”
Vậy thì, trong cái tánh Không ( , sunyata), chẳng có Sắc, có Thọ, chẳng có Tưởng, có Hành, có Thức gì cả!
Có một sự lý luận chặt chẽ của Tâm Kinh, dẫn từ “uẩn”, một tập hợp, mà bản chất thực của nó chỉ là duyên sinh, là tương tác, tương hợp, tương tức, nên không uẩn nào có tự tánh riêng biệt, có uẩn này là do có uẩn khác, và ngay Sắc uẩn là hình hài vật chất của ta cũng do tứ đại “đất nước gió lửa” tương tác mà thành... thì các Thọ uẩn, Tưởng uẩn... cũng đều vậy cả, đều là tánh KHÔNG. Và từ tánh Không trống rỗng này dẫn đến “không có” là một logique không xa, như Huệ Năng đã bảo “cổ lai vô nhất vật” là vậy! Trong cái tánh Không đó thì làm gì còn có cái gọi là Sắc, là Thọ, là Tưởng, là Hành, là Thức. Ở đây, Không – Vô đã khác với Không - Rỗng nói trên. Vô là “không có”. Có thể thấy Tâm Kinh đã đi từ cái Không đến cái Vô. Để làm gì? Để dấn thêm chút nữa, đẩy mạnh thêm chút nữa, phá hủy cho tận cùng những “chấp trước” kể từ chấp tướng, chấp ngã đến chấp pháp, và cả chấp Bồ tát, chấp Phật, cùng vô số những “chấp” khác đã ràng buộc con người, đã làm “quái ngại” con đường giác ngộ của con người, vây chặt lấy con người.
Một khi đã “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” rồi thì với cái nhìn “trong suốt” đó, cái Không đó, các thứ khác sẽ là không có nữa, không còn nữa, không cần nữa, như là một hệ luận tất yếu từ một định đề, do tuệ giác mà thấy, không cần chứng minh hoặc khi khoa học phát triển đến mức nào đó, có thể dần dần sẽ được chứng minh. Như trước đây không ai nghĩ trong một chén nước có vô số vi sinh vật cho mãi đến khi khoa học tìm ra kính hiển vi! Sinh sản vô tính chẳng hạn rồi sẽ tạo nên những sinh vật như thế nào trong tương lai ? Với internet thì trái đất trở nên nhỏ bé lạ lùng, đang quay tít mù khơi trong cõi ta bà! Người ta đã có thể làm dừng ánh sáng và đã tìm thấy có thứ vận tốc còn nhanh hơn ánh sáng. Vật lý hiện đại cho thấy vạn vật có tính nhất thể. Vật chất không phải là một đơn vị độc lập mà nằm trong mối liên hệ, phụ thuộc chằng chịt lẫn nhau. Những hạt hạ nguyên tử không ổn định, tự phân hủy thành những hạt khác, không thể biết sẽ mang hình dáng phối hợp nào, thời gian tồn tại bao lâu. Hạt vừa là sóng vừa là hạt, một cấu trúc của xác xuất, giữa hiện hữu – phi hiện hữu, giữa có và không. Tại một điểm nó vừa không có mặt vừa không vắng mặt, không di động cũng không yên nghỉ.. Thật là thú vị khi liên hệ đến tứ đại, ngũ uẩn, duyên sinh ... mà Phật đã nói. (The Tao of Physics, Fritjof Caprey bản dịch Nguyễn Tường Bách, Nxb Trẻ, 2001)
Từ “ngũ uẩn giai không”, Tâm Kinh dẫn đến những bước xa hơn, nhằm giúp ta “phá chấp”. Mà cái chấp lớn nhất, dai dẳng đeo bám nhất, đó chính là chấp ngã. Chấp vào cái tôi, bám vào cái tôi, khổ đau triền miên vì cái tôi. Phật hỏi một đệ tử: “Thấy một người chết có buồn không?”. Vị đệ tử trả lời: “Còn tùy! Kẻ thiện chết, người thân chết thì buồn. Kẻ ác chết, người lạ chết thì không!”. Vậy thì bản thân sự chết không gây buồn khổ mà chỉ vì cái chết đó có liên quan đến ta, ta mới buồn khổ thôi. Nếu không có cái ta đó – cái ngã đó – thì mọi sự sẽ trở nên vắng bặt. Vô ngã chính là Niết bàn! Nhưng làm sao vô ngã? Tâm Kinh “độ” cho ta vậy. “Độ” bằng cách nào? Bằng cách “lột bỏ” từ từ những lớp vỏ đã bám víu chặt vào ta, tạo thành cái Ngã lớp lang của ta. Lột như lột bẹ chuối. Người càng trí thức, bản ngã càng to, dày, nhiều lớp, “lột” khó hơn. Có lẽ Tâm Kinh dành cho các đệ tử đã dày công tu luyện, đã học quá nhiều, đã tu quá kỹ mà không ngộ nổi, trái lại còn bám víu nhiều hơn, cho nên Phật tìm cách giúp họ.
Chắc Phật có lúc cũng đã phải nổi giận: “Này các ông, các ông tìm cái gì đó vậy? Tìm ở đâu vậy? Phật nằm ngay trong bản thân các ông đó thôi. Các ông đều là Phật sẽ thành cả đó thôi, miễn là thấy được Phật tánh trong chính mình. Ta có dạy gì cho các ông đâu? Nó có sẵn đó rồi mà! Lời dạy của ta, nếu có, chỉ là ngón tay chỉ trăng chớ đâu phải trăng, chỉ là cái bè giúp các ông qua sông, qua sông rồi phải vứt bè đi chớ, sao còn vác hoài vậy? Ta biết vậy thì hồi đó ở nhà làm vua cho nó sướng, tu làm gì, rồi khi đắc đạo thì “nhập Niết bàn” luôn cho rồi, ở lại giúp các ông làm gì?” Có lẽ Phật đã nổi giận, rồi bỗng nhiên ngài mỉm cười, ngài thấy mình giận vô lý, vì họ cũng phải trải qua nhiều cái ngã ... khổ đau kia mới đạt tới vô ngã được! Ngài cười, nụ cười thấm đẫm từ bi, thấu cảm, trước một đám đông đang đợi ngài giảng dạy những phép màu, những thần thông. Giải thoát là giải thoát những khổ đau, sợ hãi, làm nặng kiếp sống và an lạc là an lạc trong hiện tại, ở đây và bây giờ. Như vậy cũng đủ tạo nên bao ý nghĩa tích cực cho cuộc sống, biết thương yêu, biết tha thứ, làm giảm đi bao nỗi căng thẳng lo toan giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và cả với chính bản thân mình!
Vì muốn giúp người - trước hết là giúp họ dọn dẹp, quét sạch, lột sạch những gì bám víu họ, cho họ có cái nhìn thoáng hơn, giúp họ xóa tan lớp băng, lớp sương mù đóng chặt trên cửa kiếng tâm hồn thì họ phải biết tự xóa lấy, chùi lấy tấm kiếng của họ chớ không thể nhờ ai khác. Sẽ có người cải lại: Phật đã giảng dạy trước đây, nào lục căn, nào lục trần, nào thập nhị nhân duyên, nào tứ diệu đế, nào bát chánh đạo...? Đúng là có giảng, nhưng giảng tùy căn cơ, tùy “trình độ” người nghe. Có người phải giảng kiểu này, có người phải giảng kiểu khác. Có tám vạn bốn ngàn pháp môn mà! Cho nên sau khi giảng dạy mấy chục năm Phật bảo: “Ta có giảng dạy gì đâu!”. Mà thực vậy, cái gì cũng sẵn có đó rồi, nó đã là như thế, không cần bày vẽ chi nữa. Chỉ cần làm sáng nó ra, làm rõ nó ra. Mỗi người đều đã có viên ngọc trong túi áo rồi, chỉ cần lau chùi sạch sẽ. Như Lai chẳng phải là “cái như thế, cái như vậy – cái chân như”, cái “không từ đâu đến mà cũng chẳng đi về đâu” đó ư? Phật ngộ ra điều đó và cười một mình.
Trong cái tánh “Không” đó, tất cả là Vô, hay nói khác đi tất cả là không có! Không có hình thể, sắc tướng; không có cảm thọ – không có tưởng, hành, thức gì cả. Tóm lại, là vô ngã. Không có cái ta thực mà chỉ có cái ta giả tạm, bọt bèo, cái ta đang ăn uống, nói năng, huênh hoang, tự mãn, tự ti, tham lam, sân si, mê đắm ... đủ thứ, đủ kiểu. Cái ta giả này làm khổ cái ta thật. Cái ta giả làm Tôn Ngộ Không bị kim cô siết đau muốn chết, còn cái ta thật thì Tôn Ngộ Không đã bay bỗng biến ra vô số những Tôn Ngộ Không khác rồi! Mà đã vô sắc (cái thân xác) thì đương nhiên sẽ vô nhãn (mắt), vô nhĩ (tai), tỷ (mũi), thiệt (lưỡi), thân (xúc giác), ý (suy tưởng). Toàn thân đã không có lẽ nào có từng thành phần? Nhưng sao không liệt kê thêm vô số những bộ phận khác nữa mà chỉ nói đến 6 “mục” trên, trong đó, 5 cho thân và 1 cho tâm (ý )? Bởi vì 5 cho thân đó là 5 yếu tố quan trọng, chính là 5 giác quan giúp cho con người tiếp xúc với ngoại giới. Không có 5 giác quan đó con người có thể là gỗ đá, cho nên chỉ cần nói đến 5 giác quan đó: mắt, tai, mũi, lưỡi, da là đủ. Nó là cửa ngõ của tâm hồn. Chính nó làm ta sướng, ta khổ, ta vui, ta buồn, ta đau, ta khoái. Cộng thêm với “ý”,là phần còn lại gồm thọ, tưởng, hành, thức trong ngũ uẩn tuy chỉ là 1 trong 5 nhưng là chủ soái, kẻ chỉ huy, đầu não, bộ óc. Bộ óc mới biết thu thập thông tin, phân tích, phản ứng. Có cả 5 giác quan mà không có bộ óc cũng là không. Sáu thứ đó vốn gọi là “lục căn”, 6 cái căn bản, nguồn gốc của bao nhiêu thứ tuyệt diệu và phiền toái, sung sướng và đau khổ của kiếp người. Muốn giải thoát, phải hiểu nó. Bảo nó không có nhưng nó vẫn có đó, nhưng nó bị giới hạn và nó không vận hành riêng lẻ mà gắn bó tác động chằng chịt lẫn nhau. Mắt chỉ nhìn thấy trong chừng ấy bức sóng ánh sáng, tai trong chừng ấy décibel, mũi trong chừng ấy, lưỡi trong chừng ấy và da cũng trong chừng ấy, trong cái hạn chế, cái cho phép. Có cái ta thua con này, có cái thua con khác. Thua mắt cú, mắt mèo, thua tai dơi, da ếch ... Và điều quan trọng cả 5 giác quan tương tác với nhau, không có giác quan nào có tự tánh riêng biệt: thấy sắp bị thọc lét đã cười, nghe nói me chua đã chảy nước miếng... Nói nó không có (vô nhãn, vô nhĩ) vì nó không tự có, nó tương tác mà có, nó tập hợp mà có và nó bị hạn chế mà có, nên không thể “tin” nó được. Lóa mắt hết nhìn rõ, ù tai hết nghe rõ, nóng quá hết đau, cay quá hết ngọt. Nó lầm lẫn tứ tung. Còn “ý” thì ghê gớm hơn nữa, nó mặc sức mà tưởng tượng vẽ vời. Thấy sợi dây thừng tưởng con rắn, sợ toát mồ hôi, ngất xỉu! Năm giác quan cũng như 5 phủ tạng: tâm can tỳ phế thận, không có “thứ” nào có thể “sống” riêng rẽ, tự hoạt động một mình mà không liên quan đến thứ khác. Không có thứ nào “tắt ngấm” mà không làm thứ khác tắt theo. Tim phải có mạch, mạch phải có máu, máu phải có oxygène, phải thải độc qua phổi, phổi phải có máu nuôi, phải có thận thải bã ... Tóm lại, chúng quấn quít chằng chịt lấy nhau. Chúng thực không có. Chúng nương nhờ, chúng tương tác mà có, mà hoạt động. Trước thấy nó có, sau thấy nó không có, rồi lại thấy nó có, nhưng đã khác trước. Có mà không. Không mà có là vậy.
Dấn thêm chút nữa: Vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp! Không có hình thể (màu sắc), không có tiếng (thanh âm), không có mùi, chẳng có vị, chả có “pháp” gì cả! “Sắc thanh, hương, vị, xúc, pháp” là 6 đối tượng (lục trần) cho 6 căn, như mắt đi với sắc, tai đi với tiếng, lưỡi đi với vị, mũi đi với mùi hương... Mắt thấy có xanh, có đỏ, đen, có xấu, có đẹp, nhưng không phải là thực tướng, đã vậy còn biện biệt, so sánh, phán đoán, làm cho khổ đau thêm! Sầu riêng người khen thơm, kẻ cho khó ngửi; nước mắm người kêu ngon, kẻ chê hôi! Các cặp nhị nguyên cần được xóa bỏ, và như vậy ta được giải thoát.
“Xóa bỏ” không phải là triệt tiêu! Với cái nhìn mới về căn, về trần, về thức như thế, ta thấy cái thực trong cái giả, cái thường trong vô thường, và đời sẽ đẹp hơn, tốt hơn lên.
VÔ NHÃN GIỚI NÃI CHÍ VÔ Ý THỨC GIỚI
Thấy một bông hồng đẹp làm ta xao xuyến, suýt xoa, khen ngợi rồi thấy bông hồng đó héo tàn ta buồn bã, khổ đau. Thấy là do “nhãn căn” (mắt), gặp phải bông hồng là “trần”, tạo ra cái ý thức biện biệt đẹp xấu trong ta, rồi ta vui sướng, rồi ta buồn bã vì sự vô thường của bông hồng (thức) còn bông hồng thì vẫn thế, vẫn hồn nhiên thế. Tóm lại “căn” đụng “trần” thì sinh ra “thức”. Thức đó sẽ “quấy ta” tưng bừng, chớ không phải chỉ “ba cái lăng nhăng nó quấy ta” như Tú Xương nói. Sự vô thường của đóa hồng là dĩ nhiên, là tất yếu, mà ta không biết, nên đã tự đánh lừa mình, tự làm khổ đau mình. Hoa hồng rồi thành phân, phân rồi thành hoa hồng. Hoa có nở thì có tàn. Hạt có chôn vùi thì mới nứt ra và nẩy mầm. Nó vậy! Thấy ra cái điều bình thường đó mà khó vô vàn! Phá “lục căn”, dễ! Phá “lục trần”, cũng dễ. Phá lục thức mới khó. Nó dày đặc, chằng chịt, tích lũy từ kiến thức, từ kinh nghiệm. Che mắt bịt tai, dễ. Trốn lên núi, lên rừng, dễ. Trốn cái thức mới là khó vì nó ăn sâu vào tận xương tủy, tận bản ngã ta!
“Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” - Trần Nhân Tông nói như thế. Bởi vì “căn” mà “đụng” trần thì nảy sinh “thức”: niệm đã dấy lên, tâm dấy lên! Tách căn ra khỏi trần, tách căn - trần ra khỏi thức, phải “tu luyện” dày công! Vô niệm, vô tâm, đã thành “chánh quả! Bởi vì “Rồi bị thương người ta giữ gươm đao, không muốn chữa, không chịu lành thú độc” (Xuân Diệu). Hay như Trịnh Công Sơn viết: Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi!...
Từ “nhãn giới” đến “ý thức giới” là đi từ cái thô đến cái tinh tế, từ cái dễ đến cái khó, từ cái thân đến cái tâm. Tất cả gồm 12 xứ và 18 giới. Phân tích để rồi tổng hợp. Dạy để rồi xóa. Khi quên hết thì lúc đó coi như đã thuộc làu. Phật dạy cho ta “kiếm ý” chớ không chỉ dạy “kiếm chiêu”.
“Ý” rõ ràng còn thấp hơn “Thức” một bậc. Ý mới chỉ là cái tư tưởng, cái suy nghĩ ở trong tâm, còn thức thì sâu hơn, là cái kiến giải, biện biệt, được thua, hơn kém, tốt xấu, còn mất. Có “ý” chưa hẳn có “thức”. Kẻ “thức” giả thường rất khó mà... thành Phật. Ngay cả cái ý muốn thành Phật cũng đã giữ lại, không để cho ta được giác ngộ! Vì thế mà phải “phá”, phá tận gốc, phá từ căn đến trần đến thức. Hết chấp thì mới không còn bị ràng buộc, quái ngại. Tuy nhiên, căn vẫn có đó, trần vẫn có đó và thức vẫn có đó. Vấn đề là cái thức nào, cái thức khổ đau hay cái thức an lạc, thánh thiện. Bông hồng sẽ đẹp hơn chứ không phải không có bông hồng, hay xóa bỏ bông hồng. Tùy cái “tâm thức” của ta vậy.
VÔ VÔ MINH DIỆC VÔ VÔ MINH TẬN
Vô minh là yếu tố đầu tiên của Thập nhị nhân duyên (12 nhân duyên) làm cho con người ta khổ, không giải thoát được, bị “luẩn quẩn” trong những lo âu, phiền muộn, sợ hãi. Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão tử. Đó là 12 nhân duyên, gây khổ đau lòng vòng, luẩn quẩn. Thương yêu (ái) thì muốn chiếm giữ (thủ), giành cho được về mình làm của riêng (hữu)... rồi ngu dốt (vô minh) không thấy nó là vô thường (tưởng còn trẻ trung xinh đẹp hoài, tưởng của riêng ta hoài không bao giờ thay đổi, nhạt phai!...) đến chừng thấy thay đổi (vô thường) thì sợ hãi, hốt hoảng. Vô minh là nguồn gốc tất cả những khổ đau đó của kiếp người. Diệt được vô minh là giải thoát (sướng chưa?). Dẹp hết được “thập nhị nhân duyên” là giác ngộ (gọi là duyên giác)! Phật dạy như vậy trong nhiều chục năm trời cho đến khi Phật bắt đầu giảng Tâm Kinh cho Sariputra: “Vô vô minh diệc vô vô minh tận!”. Không có ngu dốt mà cũng không bao giờ hết ngu dốt! Nói khác đi, ngu dốt còn dài dài, chả có gì làm cho hết ngu dốt được, mà thực ra – thú vị chưa? - cũng chả có gì gọi là ngu dốt cả! Ngã còn không có huống chi là vô minh!
Vả lại, làm sao biết được ai ngu dốt? Người trí có chắc không ngu? Có chắc hôm nay khôn mà ngày mai cũng còn khôn? Có chắc cái ta tưởng là khôn mà thực sự là khôn? Khôn với ai và ngu với ai? “Biết ai rằng dại biết ai khôn” Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói vậy.
Ngu là ngu với ai, ngu cái gì, ngu lúc nào, ngu ở đâu? Và khôn cũng vậy. Như đồng tiền có hai mặt, ngu là vì có khôn, khôn là vì có ngu. Ngu không khác gì khôn. Ngu chính là khôn. Sắc bất dị không. Sắc tức thị không. Và ngược lại.
Trong đời sống có những người tưởng ngu mà hóa khôn, tưởng khôn mà hóa ngu. Phật bỏ ngôi thái tử, bỏ vinh hoa phú quí ... ra đi, ai dám bảo không khôn? Tần Thủy Hoàng tìm thuốc trường sanh ai dám bảo không ngu? Bát Nhã là “bất nhị”. Dại khôn là một khái niệm của trí, của tưởng, của sự phê phán, đánh giá, dẫn tới kiêu căng, kỳ thị. Xóa bỏ bức tường ngăn cách, ta có nhất nguyên, lúc đó chính là Bát nhã. Vô vô minh diệc vô vô minh tận!
NÃI CHÍ VÔ LÃO TỬ DIỆC VÔ LÃO TỬ TẬN
Tâm Kinh bảo “Không có cái già, cái chết mà cũng không bao giờ hết già hết chết!”
Lão tử nằm trong “thập nhị nhân duyên” nên có chữ “nãi chí” (cho đến) để nói đủ cả thập nhị nhân duyên từ vô minh đến lão tử. Đã không có vô minh thì làm gì có chuyện hết vô minh. Nên cứ còn vô minh dài dài. Không cần sợ vô minh. Đừng mong tiêu diệt vô minh! Đừng đi “tu” để mong thành chánh quả vì còn mong là còn muốn, còn muốn là còn sợ, sợ mất, sợ thất, muốn đắc, muốn được, và từ đó cứ còn khổ! Lão tử (già, chết) cũng vậy. Cũng là nỗi lo, nỗi sợ, nỗi khổ của kiếp người. Nhưng có ai mà không già không chết? Phật cũng già, cũng chết. Khổng tử cũng chết. Socrate cũng chết. Có điều Phật chết mà vui. Ngài vẫn luôn an lạc từ lúc giác ngộ cho đến lúc già, lúc chết, vì không hề có chút lo âu, sợ hãi cái già, cái chết của mình, vì đã sống tràn đầy trong mỗi phút giây.
Mà vì biết sống từng phút giây như vậy nên mỗi phút giây của Phật như dài vô tận. Mỗi phút giây đều có ý nghĩa, đều hạnh phúc. Phật nếm trải hạnh phúc quả là nhiều! Còn ta? Ta mất biết bao thời gian để lo sợ, để mong chờ. Ta hối tiếc cho ngày hôm qua, ta mong đợi những ngày tới tốt đẹp hơn, mà nếu không đạt được ta lại tiếp tục đau khổ. Cho đến khi “nhìn lại mình đời đã xanh rêu” (Trịnh Công Sơn), mới thảng thốt kêu lên “Ta đã làm chi đời ta?” (Vũ Hoàng Chương). Thì ra ta đã chưa từng sống. Ta chỉ lo buồn cho quá khứ, ta chỉ mong cầu ở tương lai. Hiện tại trôi qua lúc nào không hay. Nếu biết sống trong hiện tại thì hiện tại sẽ tuyệt vời, sẽ dài dằng dặc. Biết được “lão tử” là lý đương nhiên thì ta sẽ trôi trên dòng nước mà không cần lội ngược dòng, không cần vội tới đích. Trôi và thưởng thức. Năng lượng dành cho lo sợ đã tiêu tốn nhiều quá, khiến ta lúc nào cũng nơm nớp, lúc nào cũng căng thẳng, hối hả. Hết thành công này tới thành công khác, hết mục tiêu này tới mục tiêu kia. Nó tiêu hủy thời gian sống của ta mà ta không hay! Thực ra ta không sống, ta đợi sống. Và sống thì khác với đợi sống.
Như đã nói trong mỗi giây, hằng tỷ tế bào trong cơ thể ta chết đi và hằng tỷ tế bào khác được sinh ra. Chừng ba tháng thì toàn bộ khối lượng máu trong cơ thể ta đã hoàn toàn đổi mới. Nói khác đi ta chết và ta sinh ra, ta “phục sinh” trong mỗi phút giây. Bản thân ta có thể là một “tế bào” của một cái gì đó khác, và cả hành tinh ta có thể lại chỉ là một “tế bào” của một cái gì đó khác vĩ đại hơn chăng?
“Ngũ uẩn” đã là “không” thì sao còn có lão, có tử? Vậy mà vẫn cứ lão, vẫn cứ tử, vì sắc tức thị không mà không tức thị sắc! Không có cái già cái chết, mà cũng không bao giờ hết già hết chết! Vì trong không, đã không có cái sinh ra nên cũng không có cái mất đi. Có thể chỉ là sự chuyển hóa năng lượng. Mà năng lượng thì luôn được bảo toàn. Không phải không còn chết, không còn già nữa, mà là không còn sợ hãi cái chết, cái già, không còn tìm cách che giấu, chống lại nó. Trái lại vui hưởng nó. Đùa với nó, cười với nó. Các vị thiền sư ngộ được rồi thì “thoát vòng sanh tử” thanh thản, an nhiên, tự tại. Không còn lo lắng, bứt rứt như Tần Thủy Hoàng đi tìm thuốc trường sanh. Chắc chưa có bữa ăn nào mà vua Tần ăn được ngon, chưa có bữa ngủ nào mà vua Tần ngủ được yên.
Các “nhân duyên” khác cũng vậy. Nào hành, thức, danh sắc, ái, thủ, hữu ... đều vậy. Đều không mà đều có. Cho nên một thiền sư Việt Nam viết:
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không.
VÔ “KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO”
Không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo! Chỉ có Phật mới dám ... phủ nhận Tứ diệu đế như vậy. Bao nhiêu năm Phật giảng dạy Tứ diệu đế, để rồi giờ đây trong Tâm Kinh lại bảo: Chả có cái gì là khổ, là tập, là diệt, là đạo cả.
Thật vậy, đã đạt tới cái Không, cái Vô ngã rồi thì còn chỗ nào cho “khổ” nữa vì khổ cũng là không, khổ - sanh lệnh bảo tử - cũng là vui, khổ cũng không khác gì an lạc, khổ có khi còn là nguồn gốc của an lạc! Bởi vì phiền não cũng là bồ đề, Niết bàn chỉ có ở cõi ta bà đó thôi! Nhưng Tứ diệu đế vẫn là Tứ diệu đế là những chiếc cầu, là những bậc thang. “Phá chấp”, ở đây là phá chấp pháp vẫn là điều cốt lõi. Có lẽ sau nhiều chục năm trời Phật đã dạy bao nhiêu điều để giúp người ta buông bỏ, để tìm đến an lạc, mà người ta lại cứ bám chặt vào những từ ngữ, những ý niệm, những định nghĩa, càng lúc càng chặt, càng cứng ngắt như những khuôn vàng thước ngọc nên đã đến lúc cần phá cho thật rốt ráo những ý niệm đã làm trở ngại con đường giải thoát. Đã không có khổ, sao còn có tập? Có diệt? Có đạo? Có chiến lược, chiến thuật để diệt khổ?
Bảo rằng BK (Bacille de Kock) là nguyên nhân của bệnh lao không đúng hẳn. Người ta vẫn sống với BK đó chứ, từ bao nhiêu đời rồi. Tại sao nó gây bệnh (khổ) cho người này mà không gây cho người kia? Tại sao các thầy thuốc ở bệnh viện lao ngày đêm gần gũi BK mà không mắc bệnh? Đổ thừa cho BK tội nghiệp nó chứ! Tiêu diệt BK? Đồng ý, nhưng tiêu diệt nó thì phải đúng cách, nếu không nó biến thể, tạo ra dòng BK kháng thuốc còn nguy hiểm hơn. Còn sống chung với BK? Dĩ nhiên có thể được, miễn là có sức đề kháng tốt. Đề kháng tự nhiên hoặc đề kháng do chủng ngừa BCG. Người có tu tập cũng giống người được chủng ngừa! “Đối cảnh” mà “vô tâm” được còn lo gì nữa!
Tứ diệu đế, Bát chánh đạo vẫn là những phương tiện, những biện pháp cần thiết để làm cái bè qua sông. Trong Bát chánh đạo, cái nào cũng quan trọng nhưng “chánh niệm” có lẽ là kỹ thuật hàng đầu và thiết yếu – ít ra là ở giai đoạn đầu, khi ta còn quá vọng động - đặc biệt cho con người thời đại, mê tốc độ, thích thành công, bị nhiều áp lực, nhiều stress trong đời sống, những kẻ “ở không yên ổn, ngồi không vững vàng” (Kiều, Nguyễn Du). Cho nên không phải vô lý khi Phật ca ngợi người “Biết sống một mình”, biết quay về với chính mình. Biết sống hôm nay, ở đây và bây giờ.
VÔ TRÍ DIỆC VÔ ĐẮC
Tâm Kinh “phá chấp” từng bước một, từ thấp đến cao, có vẻ như là phá một cái tháp nhiều tầng từ chấp ngã đến chấp pháp: nào 12 xứ, 18 giới, nào 12 nhân duyên, nào 4 thánh đế ... Và cuối cùng là “phá” cả 2 cái còn lại: Trí và Đắc. “Trí” là phần quan trọng nhất của “Lục Độ”, sáu pháp để … thành Bồ tát! Thế nhưng “Trí” lại có vẻ như là một cái vỏ bọc nguy hiểm, càng lúc càng dày, làm cho con sâu trong kén không bung ra được để hóa bướm. Trí còn lôi theo nó tính tự cao, tự đại, tự mãn. Osho viết: “Có những câu hỏi Phật không trả lời bởi vì chỉ có thể được kinh nghiệm. Tâm trí bao giờ cũng cố gắng đưa ra câu trả lời lừa phỉnh, giảng giải, dẫn chứng trong kinh sách. Tâm trí luôn vay mượn và tích lũy, tích trữ tri thức! Nếu có thể đi ra ngoài tâm trí, xuyên qua tâm trí và một khoảnh khắc “Vô Trí” nảy sinh thì có được câu trả lời”.
Đúng là tri thức làm mờ mắt, làm mụ muội nhận thức trực quan đưa đến chân lý. Thiền là vô trí. Phải trải nghiệm về nó mà không thể lý luận.
Nhưng Phật không hề coi thường Trí - miễn là Trí tuệ phải đi với Từ Bi! Vấn đề chính là hiểu biết “cách nào” và mang lại lợi lạc gì cho chúng sanh, chớ không phải hiểu biết “cái gì” để tích lũy cho nhiều kiến thức! “Cái gì” thì vô số, càng hiểu biết càng thấy dốt. Tích lũy tri thức, “đầu cơ” tri thức, “buôn bán” tri thức là chuyện thường ngày của nếp sống hiện tại. Kẻ càng có tri thức càng dễ vênh váo, kiêu ngạo, có thể thành đạt, nhưng không hẳn là người có hạnh phúc, có an lạc. Trí mà có Tuệ thì không dừng ở trí, mà vượt qua trí – vô trí – không dừng ở biện biệt, so sánh, tính toan, phân biệt các khái niệm, các phạm trù ... nhờ đó mà thấy được tướng Không của vạn pháp. Nhờ tâm thức đó mà nhìn sự vật, hiện tượng, với con mắt khác: con mắt “Bất Nhị”, không phê phán, không kỳ thị mà vượt qua, vượt lên. Lão Tử tự coi mình là người “ngu muội, đần độn” (ngã ngu nhân … độn độn hề). Đó là người “vô trí”, bậc thánh nhân, người giác ngộ vậy.
Nhưng “Vô Đắc” có lẽ mới là “mục tiêu” tối thượng của một dòng “hành thâm”, mặc dù hành thâm Bát nhã chả có một mục tiêu nào cả.
Không phải vô cớ mà Tâm Kinh đặt Vô Đắc ở cuối đoạn văn chính yếu. Nó là điểm cốt lõi, cũng giống chữ Không ở câu đề, Đắc là nút gút, để giải quyết rốt ráo, được đặt trên đỉnh tháp. Thái tử Tất Đạt Đa, hơn ai hết, bỏ nhà, bỏ vợ con, bỏ vương triều đi tu ... lúc đầu cũng là để mong tìm kiếm được cái gì đó hơn hẳn cái đang có, chẳng hạn tìm sự trường sinh bất tử hay Niết bàn, ở đó có sự sung sướng hơn, hạnh phúc hơn; hoặc ít ra đi tu cũng để tìm kiếm con đường triệt tiêu nguyên nhân gây ra sự đau khổ của kiếp người. Trong nhiều năm trời, trải qua bao nhiêu sai lầm, ngài mới phát hiện ra một điều thú vị: chả có cái chi để đạt tới cả. Bờ bên này cũng là bờ bên kia. Và có lẽ Phật đã luôn tủm tỉm cười từ lúc đó. Cái hồi bỏ nhà đi tìm đạo, cái hồi tu khổ hạnh, chắc không có cái nụ cười đó bao giờ ! Ngài chỉ cười khi đã “đắc đạo”, nghĩa là phát hiện ra một điều lý thú: Chả có cái chi để đắc cả! Vô đắc! Dĩ nhiên tùy căn cơ từng người, Phật chỉ dẫn bằng những con đường khác nhau, trên mỗi chặng đường tu tập đó đều có chút phần thưởng, nghĩa là có thêm niềm hạnh phúc, an lạc, bớt phiền não, bớt lo âu, bớt sợ hãi. Cuối cùng Phật bảo: Không có cái gì để đắc bởi không có chỗ nào để đắc cả. Nó sẵn có đó rồi. Khi Phật đã giác ngộ, người ta hỏi: “Thầy đã đạt tới cái gì?”. Và ngài cười nói: “Ta chẳng đạt tới cái gì cả - Có cái gì để đạt đâu! Ta chỉ phát hiện ra cái vẫn sẵn có đó. Ta chỉ đơn giản đi về nhà. Không có thành đạt nào cả. Ta chỉ đơn giản nhận ra nó. Đó không phải là phát minh, đó chỉ là phát hiện lại” (Osho, sđd).
Nhưng vì sao “Vô Đắc” được đặt ở điểm cuối cùng, của một loạt “phá chấp”, nó quan trọng đến thế, vì sao? Câu trả lời có thể là vì chính sự sợ hãi là nguồn gốc của nỗi khổ đau lớn nhất của kiếp người. Giải thoát khỏi sợ hãi cũng chính là giải phóng năng lượng tiêu hao cho những chuyện vô ích, để chuyển hóa năng lượng đó qua cho sự an lạc, hạnh phúc, yêu thương. Vì sao người ta lại sợ hãi? Bởi vì người ta muốn. Muốn gì? Muốn không sanh, không bệnh, không lão, không tử. Muốn luôn sung sướng. Muốn luôn trẻ đẹp, không bao giờ già, không bao giờ chết, không bao giờ bệnh. Muốn thành người giàu có nhất nước, nhất thế giới, muốn thành người nổi tiếng, lừng danh, thành đạt, thành công nhất thế giới! Vì muốn Đắc cho nên sợ Thất. Muốn được thì sợ mất. Sợ sinh tử nên ham muốn. Niết bàn, thiên đàng hay địa ngục thì cũng chính ta tạo ra cho ta, nó sẵn đó trong ta. Lúc tham lam, sân giận ... đã là địa ngục. Lúc an nhiên tự tại đã là thiên đàng. Kim Dung có vẻ thấm “vô đắc” nên những nhân vật của ông mang tư tưởng đó: Đoàn Dự không muốn học võ, lại đạt võ công tối thượng, không muốn làm vua thì lại làm vua. Lệnh Hồ Xung không coi sinh tử là quan trọng, không cần thị phi, dấn thân vào chốn giang hồ với cái tâm hồn nhiên trong sáng, vô tâm và vô đắc nên cuối cùng lại “đắc”. Đắc mà không đắc: gác kiếm, từ bỏ, để tiếu ngạo giang hồ, rong chơi ngày tháng. Trong khi đó, Mộ Dung Phục đêm ngày đau đáu mộng phục quốc, tìm đủ mọi thủ đoạn âm mưu để cuối cùng thành một người điên ...
Tóm lại, trong cái Chân Không, không có trí, không có đắc. Không có mong cầu, không có vướng bận, không có muốn thì không có sợ, và không có sợ thì đã được giải thoát.
Nói cho cùng, Ngũ uẩn đã giai không, tức Ngã còn không thì sao lại còn có đắc? Đắc cái gì? Đắc cho ai? Đắc để làm gì? Còn chấp Đắc là còn mong cầu, còn chờ đợi, để rồi hồi hộp, hí hửng, hoặc lo âu, sợ hãi ... tóm lại là luẩn quẩn loanh quanh. Cho nên Tâm Kinh nói đơn giản: Vô đắc!
DĨ VÔ SỞ ĐẮC CỐ BỒ ĐỀ TÁT ĐỎA Y BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA CỐ TÂM VÔ QUÁI NGẠI VÔ QUÁI NGẠI CỐ VÔ HỮU KHỦNG BỐ VIỂN LY ĐIÊN ĐẢO MỘNG TƯỞNG CỨU CÁNH NIẾT BÀN
“Vô Đắc” là một nhát búa cuối cùng, chặt đứt luôn những ảo vọng chẳng những gây bao chướng ngại mà còn làm sợ hãi. Khi còn sợ hãi thì không thể vượt thoát. Đắc được đặt ở đỉnh tháp, chỗ cao nhất phải chăng là vì ngay cả người đi tu cũng muốn “đắc”: đắc đạo! Phải vượt qua cả cái đắc thì mới tới cái Không. Người hành thâm Bát nhã phá được cả chấp “Đắc” thì không còn trở ngại gì nữa, nhờ đó mà cũng không còn sợ hãi (vô hữu khủng bố) gì nữa, rời bỏ được những mộng tưởng, ảo tưởng đảo điên mà đến bờ giác ngộ. Thực ra thì bờ giác cũng ở đó thôi, sẵn đó thôi, chỉ là cái trở bàn tay: quay đầu là bờ. Vậy mà khó thay!
Đắc là đỉnh tháp. Lòng mơ ước của cả kiếp người để tìm kiếm hạnh phúc với hết thành công này đến thành công khác, rồi khổ đau, rồi tuyệt vọng rồi hy vọng ... và cứ xây đắp mãi, cao lên mãi, để rồi càng bám víu, càng lo âu, càng sợ hãi. Không phải vô cớ mà ông vua nào cũng muốn “vạn tuế, vạn vạn tuế!”. Không phải vô cớ mà ông vua nào cũng muốn tìm thuốc trường sinh bất tử. Có được một thái tử như Tất Đạt Đa không dễ. Có được một vị vua như Trần Nhân Tông không dễ. Họ không lấy “đắc” làm cứu cánh mà chọn lấy sự an vui, an lạc, an nhàn ngay trong cuộc đời này, cho mình và cho người. Vậy nếu không mong cầu không chờ đợi, ước muốn “đắc” cái này cái nọ nữa thì con người sẽ đạt tới tự do, bay nhảy như chim trên trời cao, như mây qua đỉnh núi. Những nhà minh triết không hề xa lạ nhau. Dù là Thích Ca, Socrate, hay Lão tử, Trang tử ... họ đều giống nhau. Họ thoát khỏi những ràng buộc, vướng mắc, những “quái ngại” đầy dẫy trong cuộc sống. Một khi họ không còn bị quái ngại ràng buộc nữa thì còn có điều chỉ có thể làm cho họ sợ hãi nữa chứ. Ai “khủng bố” họ được nữa, một khi chính họ đã không tự khủng bố họ nữa rồi, họ không muốn “đắc” bất cứ cái gì nữa rồi! Và họ sẽ rời xa (viễn ly) những điều mơ mộng hão huyền, ngược xuôi điên đảo, nào vương nào tướng, nào trường sanh bất tử. Họ ăn biết ngon, họ ngủ biết yên ... Họ ngao du ngày tháng hòa mình với mọi người, với cỏ cây hoa lá. Cái gì đến với họ cũng đẹp tuyệt vời, một hạt cát, một giọt sương, ngôi sao, dinh thự, dòng sông, con người, vạn vật ... Họ biết họ ở trong tất cả và tất cả ở trong họ. Họ sống một mình nhưng là tất cả. Tất cả nhưng lại là một mình. Cuộc sống an vui đó chính là thiên đàng, là niết bàn, không cần tìm kiếm đâu xa. Niết bàn là sự an lạc trong giây phút “vô đắc”. Vậy vô đắc mà đắc - Sắc bất dị không và không bất dị sắc!
TAM THẾ CHƯ PHẬT Y BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA CỐ ĐẮC A NẬU ĐALA TAM MIỆU TAM BỒ ĐỀ
Các vị Phật, vô số các vị Phật - những kẻ giác ngộ - ở quá khứ, hiện tại và vị lai (tam thế) hiểu được sự thật của kiếp người, xa lánh các mộng tưởng đảo điên, vượt qua mọi chướng ngại, thoát khỏi mọi sợ hãi, an nhiên tự tại, sống vui trong lẽ vô thường, đồng thời cởi bỏ, buông xả mọi thứ, đạt đến cái Không là nhờ y theo Bát Nhã Balamật mà “hành”, sẽ đạt tới “Vô thượng chánh đẳng chánh giác” - sự giác ngộ tối cao không gì hơn nữa - tức là thành Phật. “A nậu Đa la Tam miệu Tam bồ đề” là phiên âm tiếng Phạn, dịch ra Hán ngữ sẽ là “Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác” nghĩa là sự “sáng suốt cao nhất”, “minh triết siêu việt”, “giác ngộ trọn vẹn nhất”, hoàn hảo nhất (the most supreme enlightement, la plus haute et parfaite illumination). Mọi người đều có khả năng “giác ngộ”, hiểu rõ sự tình, thấy rõ sự thật: Nó vậy đó. Nó vốn phải vô thường. Nó vốn phải sanh, lão, bệnh, tử. Nó vốn phải ngu dốt và sẽ còn ngu dốt. Và khi hiểu được “ngũ uẩn giai không”, thì nó không còn lo sợ chuyện sinh tử nữa, “vượt thoát sinh tử”, nói cách khác. Ở các chùa thấy tượng Phật quá khứ trông trang nghiêm quá, Phật hiện tại – Phật Thích Ca – thì mỉm cười thoải mái, tự tại, ung dung, còn Phật tương lai, Di Lặc thì cười ha hả, cười hết ga, cười toe toét. Vậy có thể nói, trong tương lai, người ta sẽ “ngộ” nhanh hơn chăng, “ngộ” dễ dàng hơn chăng? Thật ra, người ta có thể ngộ từng giờ, từng phút: Phật rồi ma, ma rồi Phật. Lúc ngộ thì là Phật, lúc mê thì là ma, thế thôi. Không sao, cứ tinh tấn. Tu lâu dài và có kinh nghiệm lọc bỏ những phiền não thì Phật nhiều lên, Phật lâu hơn. Phật thì ngộ trăm phần trăm, các vị tu sĩ thì năm bảy chục phần trăm còn người thường như ta thì lâu lâu giật mình ngộ một chút cũng tốt. Vì thế mà Phật dạy phải ráng tinh tấn, ráng nhẫn nhục. Thiền định và quán “Bát nhã” có lẽ là một phương pháp kết hợp tốt cho cả Tâm và Thân.
Điều thú vị ở đây là nói đắc “A nậu Đala Tam miệu Tam bồ đề” gì gì đó. Trên đã nói “vô đắc” sao bây giờ còn đắc? Thật ra đắc ở đây là đắc cái “Không”, đắc cái có sẵn đó, đắc cái không có gì để đắc cả, không có chỗ nào để đắc cả! Tấm kiếng mờ dính đầy bụi, khi chùi cho sáng ra thì không phải là tìm kiếm được, đạt được, giành được, thủ đắc được tấm kiếng. Cho nên nói đắc mà thật ra không đắc. Toàn bộ Tâm Kinh viết chặt chẽ và không hề mâu thuẫn. Trong kinh Kim Cang, Phật nói rõ điều này với Tu bồ đề: “Đừng nói Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ngay với một chút pháp nào đi nữa, ta cũng không có chi gọi là đắc!” (Đoàn Trung Còn, Sđd).
Tâm Kinh rõ ràng rất “tự tin”, rất dứt khoát và quả quyết: Các vị Phật dĩ vãng hiện tại tương lai đều phải nhờ Bát Nhã Balamật mà thành Phật, nghĩa là nhờ thấy “ngũ uẩn giai không”, kiến tánh, mà thành Phật.. Dĩ nhiên là vẫn còn đó Tứ diệu đế, Bát Chánh đạo, Thập nhị nhân duyên ... là những bậc thang, con đường cần thiết cho mỗi giai đoạn nào đó, nhưng Tâm Kinh thì vượt qua, vượt ra, vượt lên, vì tất cả những con đường vòng đó cũng chỉ để cuối cùng đạt tới vô ngã, chân như, tịnh lạc: Không, chân không cũng là diệu hữu. Các vị Phật cứ theo Tâm Kinh Bát Nhã mà “hành” thì sẽ đắc cái “không có gì để đắc cả” đó, mà tâm sẽ hoàn toàn vắng lặng, vượt qua mọi chướng ngại, tức những “sai lầm khởi lên từ tác dụng trí năng” và vượt luôn những chướng ngại bắt rễ từ “ý thức truy nhận và cảm quan như sợ hãi và bàng hoàng, vui vẻ và buồn phiền, thất vọng và giãi đãi (Suzuki, Sđd) nghĩa là đạt đến sự tịch diệt, tự tại tuyệt đối. Suzuki viết: “Bát nhã Ba la mật là mẹ của Phật đạo và Bồ tát đạo”. Mẹ tức là từ đó sanh ra.
CỐ TRI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA THỊ ĐẠI THẦN CHÚ THỊ ĐẠI MINH CHÚ THỊ VÔ THƯỢNG CHÚ THỊ VÔ ĐẲNG ĐẲNG CHÚ NĂNG TRỪ NHẤT THIẾT KHỔ CHÂN THẬT BẤT HƯ
Tâm Kinh Bát Nhã Balamật là một “linh chú”. Chú, tiếng phạn là dharani, “một câu nói thoát ra trong một trạng thái hết sức đặc biệt; thân, tâm và ngôn ngữ hòa hợp lại trong một định lực thật lớn. Một câu nói có thể thay đổi được hoàn cảnh, thì gọi là linh chú” (NH, Sđd). Cũng theo ông, với nhiều người, câu linh chú sẽ chẳng linh ứng chút nào, như “đàn khảy tai trâu”, vì chưa được chuẩn bị để nghe, để tiếp nhận.
Như vậy, “chú” hay thần chú là một thứ linh ngữ, mật ngữ, chỉ “thiêng” trong một trạng thái nào đó của con người. Với người này thì “thiêng” mà với người khác thì không. Vấn đề ở đây là tại sao Tâm Kinh kết thúc bằng một linh chú và tại sao được ca tụng đến mức 4 lần nói là “đại thần”, “đại minh” “vô thượng” “vô đẳng đẳng” nghĩa là rất thần diệu, rất sáng suốt, cao nhất, không có gì sánh bằng! Bốn lần ca tụng và rất “đại ngôn”. Đại ngôn đến nỗi làm cho ta e ngại! Những người được gọi là “trí thức” được dạy phải luôn khiêm tốn – và cả Phật cũng rất khiêm tốn.
Thế nhưng cái “cố tri” Bát Nhã Balamật này thực chất không phải là cái “tri” thường thấy ở người trí thức mà là cái “hành” của người hành giả, nó không từ kiến thức, từ lý trí mà từ trực giác, nói cách nào đó, từ cái vượt qua ngoài lý trí, cái vô trí. Mặt khác, nó cũng không có ý nghĩa như tích lũy tri thức, để nhằm đạt một cái gì đó, như qua một kỳ thi để có bằng cấp, học vị, để được lên chức, làm quan, mà ở đây, cái đạt được lại là cái “không”, cái khoảng trống, cái vắng lặng, tịch diệt, từ bỏ, buông xả. Do vậy khi sự ca tụng hồ hởi của tri thức đáng được “cảnh giác” – đao to búa lớn, đại ngôn hoặc ngược lại giả vờ khiêm tốn – bao nhiêu thì ở đây là cái “ cố tri” của trực giác với những lời reo vui, hoan hỉ, kinh ngạc, tán tụng đáng cho ta trân trọng, nghiền ngẫm bấy nhiêu!
Tại sao phải reo lên đến bốn lần? Đại thần, đại minh, vô thượng, vô đẳng? Chắc chắn phải là có một sự bộc phát bất ngờ, sâu sắc, một sự tràn ngập hân hoan, một phát hiện vĩ đại nào đó như là tiếng kêu “Eureka! Eureka!” của nhà khoa học. Nhà khoa học kia reo lên và trần truồng chạy tung ra khỏi phòng tắm, lúc đó hẳn là rất buồn cười, nhưng không ai trách ông cả, cũng như làm sao mà bộ Đại Bát Nhã 600 quyển, tinh gọn còn vài ba trăm chữ (Tâm Kinh) rồi rút chỉ còn cô đọng trong 6 từ, biến thành một lời “chú” có tính chất đặc biệt linh ứng đến nỗi Tâm Kinh nói: “năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư” mà không mang một ý nghĩa nào? Và ta hãy tưởng tượng vị Bồ tát cũng đang tung cửa chạy ra, reo lên ...
Suzuki là một một học giả có uy tín về Thiền. Ông nghiên cứu rất sâu và trong tài liệu của ông phát hiện những điều lý thú về Tâm kinh. Ông nói bài chú kết thúc Tâm Kinh này luôn luôn được đọc theo lối không dịch nghĩa, làm như âm hưởng đích thực của lối dịch âm Phạn có một tác động nhiệm mầu. Nếu câu đó không sao hiểu nổi, và chúng cứ để cho không hiểu, chúng càng khó hiểu thì uy lực mầu nhiệm đằng sau lại càng có hiệu nghiệm! Rồi Suzuki kết: “Sự thực, hình như toàn thể bản kinh được viết ra vì câu thần chú đó, và không có gì khác hơn” (Suzuki, Sđd).
Ngược lại, Osho giải thích ở góc độ khác, theo ông, mật chú này không phải để tụng niệm. Nó cần được hiểu. Toàn bộ thông điệp Bát Nhã chỉ cần cô đọng trong một câu thôi: như một công thức. Một công thức thần thông, Osho cho đây là một cái “mẹo”, để giúp loại bỏ các bóng ma (đau khổ) do mình gây ra (vọng tưởng!). Ma là giả, mật chú cũng giả, nhưng có ích. Mật chú cần để loại bỏ ảo tưởng, loại bỏ ảo tưởng rồi thì cái còn lại là chân lý. Trực quan bắt đầu vận hành. Một người tưởng mình nuốt một con rắn vào bụng, sợ khiếp và suy sụp nặng. Đi bao nhiêu bệnh viện, bác sĩ vẫn không tìm ra, không chữa khỏi. Sau nhờ một ông “thầy” ra tay: thầy đợi bệnh nhân ngủ, lén bỏ con rắn (rắn không độc) vào mền. Khi bênh nhân thức dậy, “thầy” liền đọc một câu thần chú bala bala gì đó, rắn bò ra, bệnh nhân khỏe ngay tức khắc! Rắn là giả, sợ là tưởng, bệnh cũng không thật. Bùa chú cũng không thật, nhưng có ích, ở đây, trong tình huống này.
Công thức bí mật - mật chú - chỉ linh ứng dành cho một người đã được chuẩn bị. Khi nhìn thấy công thức E = mc2 thì một người chưa đi học chỉ phì cười, người học rồi thì áp dụng, hiểu nó, còn nhà vật lý học thì toát mồ hôi, ngã nón chào! Không tự dưng mà Einstein viết ra được công thức đó. Và viết cho ai?
Tâm Kinh Bát Nhã Balamật gom lại trong một câu, mật chú, linh chú và được ca ngợi là: rất sáng suốt, cao nhất, vô song ... hẳn có ý nghĩa và dành cho ai đó. Phật không triết lý suông. Phật không phải là triết gia mà là một y vương, không chỉ chữa cái đau mà còn chữa cái khổ của kiếp người, giúp người ta hết bệnh - bệnh thiệt và bệnh ảo – thoát khỏi sợ hãi, tham đắm, si mê, sân hận, ngờ vực ... để được hạnh phúc, được an nhiên, tự tại. Vả lại, trong đời sống có biết bao người đang giúp đời, đang xây dựng hạnh phúc cho đời, cho nhân loại, bảo vệ môi trường, tạo yêu thương giữa người với người, người với vật, với muôn loài, với thiên nhiên? Họ cũng là Bồ tát một cách nào đó. Có điều bản thân họ đã thoát sợ hãi chưa? Họ cần một câu chú để nhắc nhở. Để đừng quên. Và khi họ đọc câu chú đó, họ hiểu, hiểu rõ cả một tiến trình hành thâm “Ngũ uẩn giai không”, Vô thường, Vô ngã, Vô trí, Vô đắc. Họ không đọc tụng ngây ngô. Mật chú do vậy là cần thiết như một công thức thần thông, một linh ngữ để nhắc nhở kẻ đã hành thâm.
CỐ THUYẾT BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA CHÚ TỨC THUYẾT CHÚ VIẾT: YẾT ĐẾ. YẾT ĐẾ BALA YẾT ĐẾ. BALA TĂNG YẾT ĐẾ BỒ ĐỀ TÁT BÀ HA!
Chú, mật chú, linh chú, thực ra chỉ “thiêng” với người này mà không thiêng với người kia. Hai người yêu nhau thì một câu một chữ của họ nói với nhau cũng “thiêng” một cách kỳ diệu mà người ngoài nghe cho là vô nghĩa, ngớ ngẩn, buồn cười. Với người này thì “yết đế, yết đế” sẽ linh, với người khác thì “gate, gate ...” sẽ linh hơn.
Chỉ cần cái âm ngữ, âm hưởng là đủ có tác động nhiệm mầu, chẳng cần hiểu nghĩa nữa! Cái âm “OM” chẳng hạn mà Herman Hesse viết trong “Câu chuyện của dòng sông” đâu có cần phải được dịch. Eureka cũng vậy! Dịch ra, có khi lại ngây ngô, gây hiểu lầm, lệch ý. Như cái công thức E = mc2, chỉ vắn tắt vậy nhưng đã là kết quả trọn đời nghiên cứu, tìm tòi của Einstein, có thể chế tạo bom nguyên tử giết người hàng loạt, mà cũng có thể tạo ra năng lượng hạt nhân phục vụ con người! Câu chú của Tâm Kinh cũng là một công thức. Nó nói nhiều điều mà không cần nói gì cả. Với người đã biết và người chưa biết, với người tu và hành ở mức độ này hay mức độ khác, ý nghĩa sẽ rất khác nhau. Suzuki cho rằng “Đó là sự phóng xuất vọt ra từ nội tâm của ngài (Quán Tự Tại) khi đã sang ngang dòng phủ định ... Một khi ngài đi đến đích, kiệt sức và vô vọng ... trí năng và xúc cảm hoàn toàn cùng tận, ngài thực hiện bước nhảy tối hậu ... Với sự phóng xuất đó, mọi vật bừng sáng và Quán Tự Tại đã tu tập Bát Nhã đến chỗ cuối cùng” (Suzuki, Sđđ). Và Quán Tự Tại đã reo lên như Archimède đã reo! Rõ ràng “chú” không là “chú”. Chú là kết quả của một hành trình tu tập dài lâu. Giác Khai nói: “Phải tham thiền chớ không tụng đọc. Kiến tánh thành Phật, làm chủ mình, tự do, tự tại, tức là đạt đến bờ bên kia”. Bờ giải thoát. Bởi vì bên này là bờ mê, bên kia là bến giác. Bên này là buộc ràng, là đối đãi, là khổ đau, là sinh bệnh lão tử ... vượt qua bên kia là tĩnh lặng, là vô ưu, vô úy, là giải thoát. Mà bờ mê bến giác, thực ra cũng chỉ ở một nơi chốn đó thôi. Còn tìm đâu nữa!
Câu “linh chú” mà Quán Tự Tại bốn lần tán thưởng: “Uy lực to lớn, sáng suốt vô cùng, cao nhất, không gì sánh được”, rồi đọc lên 6 âm tiếng Phạn:
“Gate, gate, paragate, parasamgate, bodhi, svaha!” đó, có nhiều cách dịch khác nhau:
Hán dịch âm tiếng Phạn: Yết đế, yết đế, Bala yết đế, Balatăng yếtđế. Bồ đề, Tát bà ha!...
Đoàn Trung Còn dịch nghĩa tiếng Việt: Độ đi, độ đi, độ rốt ráo đi...
Tuệ Sỹ dịch: Đi qua, đi qua, qua bờ bên kia, qua đến bờ bên kia, rồi...
NH dịch: Qua rồi, qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả vượt qua bên kia
Còn Osho thì: Vượt ra, vượt ra, vượt ra ngoài, vượt ra ngoài tất cả!
Dù dịch cách nào thì ý nghĩa vẫn là một: Qua bờ bên kia! Qua bờ bên kia rối! Reo vui! Cái bè “Bát nhã” là Không: chữ Hán viết trông giống như hình ảnh một người đang ngồi thuyền đi qua dòng. Không không phải là Vô. Nhưng mà rồi cũng là vô. Vô ngã, Vô trí, Vô đắc ... Ngộ được Không thì kiến tánh. Thấy chân không cũng là thấy diệu hữu. Vì không cũng là sắc, mà sắc cũng là không. Lệch một bên nào thì thuyền cũng đắm.
Ngã không xấu, Ngã cần thiết. Trải qua vô vàn Ngã mới đạt tới Vô Ngã được. Trong “Câu chuyện của dòng sông”, Herman Hesse cho Tất Đạt từ người con Bà la môn đến một sa môn, tu sĩ, rồi con buôn, dân chơi, để rồi trở thành kẻ chèo đò, kẻ giác ngộ. Đi từ Có tới Không rồi từ Không tới Có, rồi lại từ Có tới Không nhiều lần như vậy mới làm người độ kẻ khác “đáo bỉ ngạn” được. Herman Hesse rõ ràng là đã rất hiểu Tâm Kinh. Có ý thức, có cái tôi, có suy nghĩ, có mơ ước, có muốn, có đắc thì có sợ hãi đi kèm. Càng sống cho tương lai càng lo âu, căng thẳng. Dĩ nhiên là vẫn phải có kế hoạch cho tương lai, nhưng không sống trong tương lai. Vượt qua được Ngã, thì đã vượt ra ngoài, vượt lên trên. Hạnh phúc sẽ mênh mông. Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký cũng phải đẩy Đường Tăng rơi xuống dòng nước mới giải quyết được vấn đề. Truớc đó, có lẽ ông còn vướng nào giới, nào nhân duyên, nào thánh đế ... và cả cái chức quốc sư Đại Đường của chính ông.
Trong khi các triết gia Đông Tây kim cổ loay hoay với câu hỏi ngàn đời ta là ai, từ đâu đến, để làm gì, đi về đâu... Descartes băn khoăn: Je pense, donc je suis (tôi suy nghĩ, vậy có tôi), Sartre than thở: “Tha nhân là tù ngục của tôi”, Lão Tử trầm ngâm “Đạo khả đạo phi thường đạo”, Trang Tử ngậm ngùi “Tôi hóa bướm hay bướm hóa tôi?”. Khổng Tử cũng kêu: “Thiên hà ngôn tai!” thì Phật Thích Ca, sau những năm tháng vật vã kiếm tìm bỗng tủm tỉm cười: Thì ra nó vậy đó, không khác được! Nó không sinh không diệt, nó không nhơ không sạch, nó không thêm không bớt. Nó là Không. Nó kết tập lại rồi tan rã, rồi kết tập lại. Nước rồi bốc hơi, hơi rồi thành mây, mây rồi thành mưa, mưa rồi thành nước, lại bốc hơi; sóng ầm ào vỗ, tan biến đi, rồi hình thành lại, vẫn cứ là đại dương ... Lavoisier khẳng định: năng lượng không mất đi, không sinh ra, nó chỉ chuyển hóa! Einstein thêm vào: vật chất là năng lượng, năng lượng là vật chất. Sắc tức thị không mà không tức thị sắc. Bám cái Sắc đã sai mà bám cái Không còn sai hơn. Bát Nhã là bất nhị (Tôi thích nói như vậy cho dễ nhớ: Bát nhã là Bất nhị. Thiền là Thở). Nỗi sợ lớn nhất của kiếp người mà các triết gia nhiều khi không trả lời được, không thể trả lời được là sự sống chết, “sinh tử” thì Phật đã trả lời: Vô lão tử diệc vô lão tử tận! Nó vậy đó. Như lai. “Vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ”, chẳng từ đâu tới mà cũng chẳng đi về đâu. Và thoát ra ngoài sự sinh tử, không còn sinh tử để mà sợ hãi. Một khi tâm đã không còn “quái ngại”, không gì cản trở được nữa rồi thì “vô hữu khủng bố”. Tâm trở nên trong sáng, tự nhiên như trăng soi trên mặt hồ tĩnh lặng khi không còn làn sóng lớn sóng nhỏ, sóng lăn tăn nào nữa. Khi không sợ hãi nữa (vô úy) thì năng lượng của nỗi sự hãi - rất lớn - được chuyển hóa thành năng lượng của yêu thương, của an lạc.
Trong đời sống thường ngày, ta thấy khi không còn nghi kỵ, không còn ngờ vực, ghen tuông, tham lam, sân giận thì niềm vui tràn đến, ta thấy rộng lòng hơn, biết yêu thương hơn, biết tha thứ hơn. Và ta cũng được đáp lại như vậy. Nhìn mọi loài với con mắt thương yêu (Từ nhãn thị chúng sanh) không dễ nếu bên trong ta chưa chuyển hóa hết năng lượng tham lam, sân giận, nghi kỵ ... thành năng lượng trung tính, rồi từ bi. Từ chưa đủ mà còn phải Bi. Yêu thương chưa đủ mà còn phải giúp đỡ, hỗ trợ. Sự thương yêu giúp đỡ này không phải là bố thí, vì bố thí là từ bên ngoài đưa cho, còn ở đây phải thắp sáng ngọn đèn của chính mình. Cái phát hiện lớn nhất của Phật có lẽ là ở chỗ đó, chỗ quay về chính mình, thay đổi chính mình. Tìm được sự thật rồi, sắc thái của Phật bỗng nhiên ung dung, tự tại, tủm tỉm cười hoài. Trần Nhân Tông vị vua anh hùng thời nhà Trần của nước ta, hơn 700 năm trước, vừa là một thiền sư tu ở chùa Yên Tử cũng tủm tỉm cười bảo: Gia trung hữu bảo hưu tầm mích: Trong nhà có của báu rồi, thôi đừng tìm kiếm đâu nữa cho mệt! Phật không có ở chùa, cũng như sức khỏe không tìm thấy ở bệnh viện - ở đó chỉ có những người bệnh - một vị sư cũng đã nói với tôi như thế. Phật cũng không có ở trên núi. Phật ở trong mỗi chúng ta. Khi thấy Phật trong ta rồi thì ở đâu cũng thấy Phật. Để đạt sự giác ngộ đó, thật không dễ. Không chắc có ai “ngộ” luôn một lèo suốt cả đời, trừ Phật Thích Ca. Nhưng chắc là ngài cũng có lúc mệt mỏi vì phải hướng dẫn, dạy dỗ chúng sanh, đệ tử, phải lập ra bao nhiêu điều lệ này, nội quy nọ, cơ chế kia; phải trừng trị kẻ lợi dụng đạo pháp làm bậy, phải khen thưởng kẻ làm tốt, có công ... Rồi còn bao nhiêu kẻ ganh ghét chực phá rối, bao nhiêu kẻ thù nghịch, bao nhiêu kẻ đến đòi tranh luận. Chắc ngài có lúc cũng khổ, cũng bực mình, nổi giận, đổ quạu, nhăn nhó. Có lúc chắc ngài muốn “nhập niết bàn” cho rồi, cho khỏe, mà nghĩ lại, thương chúng sanh, lại chịu khó ra đi giúp đời, giúp người. Do vậy mà chính ngài cũng phải tu hoài, không lơ đễnh, và khuyên Quán Tự Tại Bồ Tát cũng phải tiếp tục tinh tấn! Không ai có thể là kẻ giác ngộ mà không tu – không tự sửa mình . Niết bàn chỉ có trong cõi Ta bà. Bồ Tát phải dấn thân vào đời, phải giúp đời với sự giác ngộ và lòng từ bi. Coi cách sống của Phật thì rõ đó là một nếp sống lành mạnh: Mỗi ngày đi bộ vài ba giờ (đi khất thực), ăn nhẹ (có gì ăn nấy), nhai kỹ (ăn chánh niệm), nhiều rau trái, nhiều chất xơ nên chắc không bị tăng cholesterol, không bị cao huyết áp, bón, trĩ, tiểu đường, gan nhiễm mỡ .... Nằm nghỉ thì nằm nghiêng bên phải, để gan không đè lên dạ dày. Thở sâu và chậm - thở cơ hoành, thở bụng. Tập trung vào hơi thở - thở chánh niệm – dùng thở chánh niệm. Cử chỉ lúc nào cũng khoan thai, hòa nhã, không hấp tấp, vụt chạc. Luôn chánh niệm từ cách mặc áo đến cài khuy. Nói năng chậm rãi, từ tốn. Và luôn dùng lời từ ái. Luôn mỉm cười với cái vui tự bên trong, cái an lạc tự bên trong. Như vậy các kích thích tố cũng không tiết ra nhiều được, cơ thể tự điều tiết, điều hòa, điều chỉnh. Mùa đông giữ ấm, mùa hè giữ mát. Đói thì ăn. Khát thì uống. Mệt thì ngủ, nghỉ. Không lo lắng cho tương lai, không nhớ tiếc chuyện quá khứ. Thế nhưng không phải là từ bỏ mọi nghĩa vụ mà với lòng đại bi vẫn bương chải trên 40 năm trời để đi đó đi đây giúp đời, mong cho mọi người cũng được thoát bao nỗi khổ đau, sợ hãi của kiếp người. Bát Nhã không chỉ là tri thức, mà đòi hỏi phải thực hành, thay đổi điều kiện sống, môi trường sống mà trước hết là cách sống ở bản thân mỗi người. Với cái nhìn Bát Nhã, mọi sự tranh chấp sẽ triệt tiêu. Tranh chấp với người cũng như tranh chấp với chính mình, bởi đã vô ngã, vô trí, vô đắc. Một cách giải stress tuyệt vời! Khi sắp tranh luận, sắp đấu khẩu - bị khiêu khích, bị chọc giận – thì ngài thở và tập trung theo dõi hơi thở của mình, rồi bình tĩnh, mỉm cười, chậm rãi từ tốn trả lời. Khi quá căng thẳng như khi Sariputra đến đòi tranh luận ngài chỉ đề nghị Sariputra ở lại chơi với ngài một năm, không có gì phải hấp tấp, phải vội vã. Một năm đó có lẽ là thời gian Phật dạy Sariputra “hành thâm Bát nhã”. Dạy mà không cần dạy. Với sẵn vốn tri thức bức bách, tìm kiếm, tri thức vô vọng lâu nay, Sariputra đã chín muồi đến một mức độ nào đó để sau khi gặp Phật thì bùng nổ, Phật đã truyền đạt Tâm Kinh cho ông. Đối với những đệ tử khác, có thể ngài không truyền dạy Tâm Kinh vì chưa phải lúc. Vậy có thể hành thâm Bát nhã hay “sống” Tâm Kinh với hai điều kiện: có cái bức xúc về tri thức, có cái từng trải khổ đau trong cuộc sống và có một quãng thời gian nung nấu thực hành, thể nghiệm. Người trí thức trong thời hiện đại có thể “dị ứng” với Tâm Kinh ngay khi tiếp xúc. Hãy chờ đợi. Đừng nóng vội. Chờ có duyên may. Có bè đó, nhưng cần có người chống, hoặc có buồm rồi cũng cần đợi cơn gió mới qua sông được, mới “đáo bỉ ngạn” được. Cả thế giới Tây phương và cả Đông phương hiện nay đang bị căng thẳng bởi những stress của thời đại, ngập trong kỹ thuật, trong môi trường sống đầy dẫy bất trắc, hận thù, luôn đòi hỏi tốc độ, thành công, tri thức, tuổi trẻ, sắc đẹp, ngày càng trở nên bế tắc đến nỗi tình trạng tử tự gia 2tăng, bệnh tâm thần phát triển, các cuộc chiến tranh vẫn còn tiếp diễn … mãi đem khổ đau lại cho kiếp người. Tâm Kinh có thể cứu vãn, có thể “độ” chăng?