TÌNH YÊU VÀ CÔNG VIỆC
Nguyên tác: Everyday Zen — Love & Work
Tác giả: Charlotte Joko Beck
Biên tập: Steve Smith
Dịch Việt: Lương Thanh Bình
Article I. Chương 7: Giới hạn
Section 1.01 Đường phân cách mỏng manh
Tất cả mọi người trong chúng ta đều nghĩ là, luôn luôn có một cái gì đó để hoàn thành, để nhận thức, có nơi chốn nào đó mà chúng ta phải đạt đến. Với cái ảo tưởng này khởi sinh từ tâm của con người, đã tạo ra biết bao nhiêu là vấn đề cho chính bản thân và cuộc đời của người đó. Thật ra đời sống thì rất ư là đơn giản. Ở bất cứ giây phút nào, nơi đâu, chúng ta luôn luôn nghe, thấy, ngửi, chạm, nghĩ. Nói cách khác, khi có (chúng ta luôn luôn có) cảm xúc giác quan, chúng ta lập tức chuyển giải những khách trần này, để rồi mọi vấn đề phức tạp khác từ đó (tâm nhị biên) mà xuất hiện.
Khi chúng ta thể nhập vào trong đời sống, thì tất cả chỉ đơn thuần là: thấy, nghe, ngửi, chạm, nghĩ (tôi không nói là tư tưởng vị kỷ). Nếu chúng ta sống theo lề lối (đơn thuần) này thì sẽ không có vấn đề gì cả, không thể nào có được. Chúng ta chỉ hiện hữu như thế. Có đời sống và chúng ta cũng ở trong đó; chúng ta vốn không có phân cách từ cuộc sống. Chúng ta chỉ là những gì cuộc sống vốn đang là; bởi vì chúng ta thể nhập và hòa lẫn với đời sống: nghe, nghĩ, thấy, vv… Cả hai cùng hòa hợp và vận hành tốt đẹp. Không có gì cần phải nhận thức, giảng giải bởi vì chúng ta cũng là một phần của thực chất đời sống, chúng ta biết quá rõ thì đâu có nghi vấn gì về đời sống (cũng là chính mình). Nhưng đó không phải là chiều hướng mà chúng ta đang sống — cho nên chúng ta có thật là nhiều nghi vấn.
Khi chúng ta không rơi vào cái cạm bẫy tinh nghịch cá nhân của mình, thì đời sống thật là liền lạc, trọn vẹn. Cả chúng ta và đời sống thì giống như một tấm vải không có nơi chấp vá để dính vào nhau. Nhưng chúng ta không luôn cảm thấy mình gắn liền với đời sống — trong khi đời sống như-nó-là — khi nó chừng như có vẻ đe dọa quan điểm riêng tư của mình (có sự phân biệt giữa đời sống và cá nhân ở đây) cho nên chúng ta bị đảo lộn, và tách rời khỏi nó. Ví dụ, sự việc xảy ra mà chúng ta không thích, hoặc người nào đó làm một việc gì trái lại ý thích của chúng ta, hay là người bạn đời của ta thì không giống như ta mong muốn: có hàng triệu vấn đề có thể làm cho con người nổi giận. Bởi vì họ đặt nền tảng vào giả thuyết là, bất chợt đời sống không còn là chỉ như-nó-là (thấy, nghe, chạm, ngửi, nghĩ) nữa; chúng ta tách rời lẫn nhau ra và bẻ gãy sự lành lặn (không dấu nối) vốn có, cũng vì bởi cảm giác bị đe dọa của mình, do mình tạo ra. Bấy giờ, đời sống thì ở đàng kia và tôi thì ở nơi đây, đang suy nghĩ về nó. Tôi không còn hằn sâu vào nó nữa; sự kiện khổ đau xảy ra ở đàng kia và tôi muốn nghĩ về nó từ nơi này, để hầu mong tìm ra giải đáp dùng để thoát ra khỏi khổ đau của tôi.
Cho nên bây giờ chúng ta chia cắt đời sống ra làm hai phần nhỏ — một ở đây và một khác ở nơi kia. Trong kinh Thánh, tình trạng này gọi là “bị trục xuất ra khỏi khu vườn địa đàng”. Vườn địa đàng là một đời sống liền lạc đơn giản. Tất cả chúng ta đều có cơ hội đến đó khi này hay khi khác. Đôi khi sau khóa tu, sự đơn giản này thì rất tỏ rõ và trong một khoảng thời gian chúng ta biết rằng đời sống thì không phải là một vấn đề.
Nhưng phần lớn thời gian, chúng ta có ảo tưởng rằng, cuộc sống ở bên kia đang phơi bày cho ta thấy những vấn đề ở bên đây. Cái thể nguyên vẹn kia bị cắt rời ra (hay ít nhất ta thấy là thế). Cho nên chúng ta có một đời sống với nỗi phiền toái bởi câu hỏi: “Tôi là ai? Đời sống là gì? Làm thế nào tôi có thể sửa chữa cho nó tốt hơn?” Chúng ta dường như bị vây quanh bởi con người và sự kiện, mà chúng ta phải kiểm soát và sửa chữa bởi vì chúng ta cảm thấy riêng rẽ. Khi chúng ta bắt đầu phân tích đời sống, nghĩ về nó, quan trọng hóa và lo lắng về nó, cố gắng hiện diện với nó, chúng ta bị xoay tít vào tất cả mọi giải pháp giả tạo — trong khi sự thật của vấn đề thì từ lúc rất ban sơ, là không có gì cần phải giải quyết cả. Nhưng chúng ta không thể thấy một cái thể trọn vẹn hoàn hảo như thế; bởi vì sự khác biệt của chúng ta bao phủ lên trên nó, phân cách nó ra từ chúng ta. Đời sống của chúng ta thì rất hoàn hảo, đúng vậy không? Không ai chịu tin vào điều đó cả.
Vậy có đời sống mà chúng ta thật sự gắn sâu trong đó (vì tất cả cái thể trọn vẹn ấy nên chúng ta khả dĩ là đang nghĩ, thấy, nghe, ngửi, chạm) và rồi chúng ta cộng thêm vào cái tư tưởng vị kỷ của mình về “nó không thích hợp cho tôi ra sao.” Để rồi chúng ta không còn có thể chú tâm về sự thể nhập tự thân với đời sống. Chúng ta cộng vào những phản ứng cá nhân của mình và khi chúng ta làm như thế, thì những khoắc khoải và căng thẳng bắt đầu phát sinh. Chúng ta thực hành sự thêm thắt này vào mỗi năm phút, thì nó không còn là một bức tranh đẹp nữa….rồi.
Bây giờ thì, tôi muốn nói gì về đường phân cách mỏng manh? Những gì chúng ta phải làm, để hàn gắn lại những mảnh rời rạc của đời sống, thì cũng giống như đi trên đường phân cách mỏng manh; rồi những mảnh rời này có thể kết nối lại. Nhưng cái gì là đường phân cách mỏng manh?
Tu tập là để hiểu biết về đường phân cách mỏng manh và cách làm việc với nó. Chúng ta luôn luôn có cái ảo giác về trạng thái khác biệt mà chính chúng ta tạo ra. Khi chúng ta đang bị đe dọa hay khi đời sống không làm cho ta hài lòng, chúng ta trở nên lo lắng, chúng ta bắt đầu nghĩ về một phương thức khả dĩ. Không có ai là ngoại lệ trong tiến trình này. Chúng ta không thích sống với đời sống như-nó-là, bởi vì nó có thể bao gồm đau khổ, và đó là điều không thể nào chấp nhận được đối với chúng ta. Dù cho là một cơn bệnh ngặt nghèo, một sự chỉ trích không thích đáng, một hoàn cảnh cô đơn, hay cơn thất vọng - tất cả những thứ đó thì không thể nào chấp nhận được. Chúng ta không có ý định nào cả để sống với nó hay chấp nhận nó, nếu chúng ta nghĩ là mình có thể tránh nó. Chúng ta muốn sửa chữa vấn đề, giải quyết nó, loại bỏ nó. Đó chính là lúc chúng ta cần phải hiểu rằng, sự tu tập là quá trình bước đi trên đường phân cách mỏng manh. Cái điểm mà chúng ta cần phải hiểu đó là, bất kỳ thời điểm nào là lúc chúng ta bắt đầu bị chao đảo (giận dữ, bực tức, phẫn nộ, ganh tị).
Trước tiên, chúng ta cần phải biết được là, chúng ta đang giận. Nhiều người không biết được khi nó sắp hay đang xảy ra. Cho nên bước thứ nhất là, lưu ý rằng cơn giận đang hoạt động. Khi chúng ta tu thiền và bắt đầu làm bạn với tâm mình, phản ứng của mình, chúng ta bắt đầu tỉnh giác và đồng tình rằng: vâng, chúng ta đang giận.
Đó là bước đầu tiên, nhưng nó không phải là đường phân cách mỏng manh. Chúng ta vẫn còn phân biệt nhưng bây giờ chúng ta biết được điều đó. Chúng ta mang những mảnh rời đời sống của ta lại gần với nhau như thế nào? Đi trên đường phân cách mỏng manh là làm việc đó; chúng ta một lần nữa phải là: như chính mình-căn-bản-là (nghĩa là chỉ đang thấy, chạm, nghe, ngửi) chúng ta phải kinh nghiệm bất cứ gì cuộc-sống-của-mình-là ngay trong phút giây này. Nếu chúng ta giận dữ, chúng ta phải kinh nghiệm trạng thái giận. Nếu chúng ta sợ hãi, thì chúng ta kinh nghiệm trạng thái sợ hãi. Nếu chúng ta ganh tị, thì chúng ta phải kinh nghiệm trạng thái ganh tị. Loại kinh nghiệm đó là trạng thái vật lý; nó không có dính dấp gì với những tư tưởng đang phát sinh về cơn giận cả.
Trong khi chúng ta kinh nghiệm một cách không lời, là chúng ta đang đi trên đường phân cách mỏng manh — chúng ta đang sống trong hiện tại. Khi chúng ta đi theo cái đường phân cách mỏng manh, thì tình trạng khoắc khoải của sự cách biệt đang được kéo lại gần nhau, và chúng ta kinh nghiệm - có lẽ không hạnh phúc nhưng có sự phấn khởi. Hiểu thấu đường phân cách mỏng manh (không phải chỉ hiểu mà phải làm) là những gì tu thiền là. Lý do nó trở nên quá khó khăn là vì, chúng ta không bao giờ muốn làm việc đó. Chúng ta biết chúng ta không muốn làm nó. Chúng ta chỉ muốn vượt thoát nó mà thôi.
Nếu tôi cảm thấy rằng tôi đang bị bạn làm cho tổn thương, tôi chỉ muốn ôm giữ, nâng niu cái tư tưởng của tôi về nỗi đau đó. Tôi muốn làm tăng thêm sự ngăn cách của tôi; cảm giác thật mê ly khi bị cạn kiệt do sự thiêu đốt của tư tưởng tự cho mình là đúng. Do suy tư, tôi cố gắng tránh né cái cảm giác đau thương. Sự tu tập của tôi càng trở nên phức tạp bao nhiêu, thì sức nhạy bén tăng nhanh hơn cho tôi thấy ra cái cạm bẫy này và mang tâm trở về để kinh nghiệm cơn đau, đó là đường phân cách mỏng manh. Nơi chốn tôi đã từng có thể giữ cơn giận trong hai năm dài, dần dần cơn giận co lại còn hai tháng, hai tuần lễ, hai phút. Thậm chí tôi có thể kinh nghiệm một cơn giận phát sinh và tồn tại ngay trên đường phân cách mỏng manh.
Thực ra, đời sống giác ngộ thì rất đơn giản, có thể đi trên cái đường phân cách mỏng manh đó trong mọi thời. Tôi không biết một ai có thể làm được thế, nhưng sau nhiều năm tu tập, tôi tin chắc rằng, chúng ta có thể làm được trong khoảng thời gian khá lâu. Nó thật là hạnh phúc trong lúc đang đi trên đường phân cách mỏng manh đó.
Tôi vẫn muốn lập lại: Cần thiết để thừa nhận rằng, phần lớn thời gian của chúng ta đều không muốn đối diện với cái đường phân cách mỏng manh kia; chúng ta muốn ở lại với sự phân cách. Chúng ta muốn đắm mình trong sự thỏa mãn vô sinh “Tôi thì đúng.” Dĩ nhiên, đó là sự thỏa mãn yếu hèn, nhưng chúng ta thường hay tạm ổn định cho một cuộc sống thu hẹp, hơn là kinh nghiệm cuộc sống như-nó-là, dù cho có lúc nó chừng như đau đớn và khó chịu.
Tất cả quan hệ khó khăn ở nhà và ở sở làm đều phát sinh từ ước muốn được khác biệt. Bằng sự dàn xếp này chúng ta hy vọng trở nên một người khác biệt thật sự và thật quan trọng. Khi chúng ta đi trên đường phân cách mỏng manh, chúng ta không còn là quan trọng nữa; chúng ta là Vô ngã, nằm chìm sâu trong đời sống. Đây là những gì mà chúng ta rất lo sợ — mặc dù cuộc sống khi Vô ngã là niềm vui trong sáng. Sự lo sợ của chúng ta đã giữ chân làm cho chúng ta ở lại bên này, trong niềm tự thị một cách cô đơn của mình. Quả là một điều nghịch lý: chỉ khi nào đi trên đường phân cách mỏng manh, trong kinh nghiệm trực giác nỗi sợ hãi, chúng ta mới có thể biết thế nào là không có sợ hãi.
Bây giờ tôi nhận thức ra, chúng ta không thể thấy tất cả điều này trong một lần hay thực hiện tất cả trong một lần. Đôi khi, chúng ta nhảy vô đường phân cách mỏng manh và rồi lại nhảy trở ra, giống như nước rơi vào một cái chảo khô đang nóng trên lò. Đó có lẽ là những gì chúng ta có thể làm vào lúc ban đầu, và như thế cũng tốt. Nhưng càng tu tập thâm sâu, chúng ta trở nên dễ chịu hơn ở đó. Chúng ta tìm thấy ra, đó chỉ là nơi duy nhất mà chúng ta có được bình an. Rất nhiều người đến trung tâm và nói, “Tôi muốn được bình an.” Nhưng lại có rất ít hiểu biết về thế nào là bình an có thể tìm thấy. Đi trên đường phân cách mỏng manh là phương pháp. Không ai muốn nghe điều đó. Chúng ta muốn một ai đó sẽ mang đi nỗi lo sợ của mình hay hứa hẹn cho chúng ta hạnh phúc. Không một ai muốn nghe sự thật, và chúng ta sẽ không bao giờ nghe nó cho đến khi nào chúng ta sẵn sàng để nghe nó.
Trên đường phân cách mỏng manh, chìm sâu trong đời sống, không có “Tôi” và “Bạn”. Loại tu tập này có lợi ích cho tất cả khả năng cảm thụ và dĩ nhiên, là những gì tu thiền là.. cuộc sống của tôi và cuộc sống của bạn phát triển trong trí tuệ và lòng bi mẫn.
Vậy tôi muốn khuyến khích các bạn tìm hiểu, chịu khó vượt qua nó nếu có thể. Ban đầu, chúng ta phải hiểu với tri thức: chúng ta phải biết một cách tri thức tu tập là gì. Sau đó, chúng ta cần phát triển qua thực hành Tỉnh giác sâu sắc mỗi khi chúng ta phân cách tự thân từ cuộc sống của chính mình. Sự hiểu biết lớn mạnh hơn lên do nền tảng gầy dựng từ tọa thiền mỗi ngày, từ nhiều khóa tu học, và với sự tinh tấn duy trì Tỉnh giác trong mọi lần đụng độ từ sáng cho đến tối. Chính vì chúng ta không sẵn lòng để biết về đường phân cách mỏng manh, Trí tuệ hiểu biết này sẽ không tự phơi bày trên cái dĩa cho chúng ta; chúng ta phải nổ lực để có khả nng đó. Nhưng nếu chúng ta kiên nhẫn, khả năng nhìn thấy của chúng ta sẽ trở nên rõ ràng hơn và sau đó chúng ta sẽ thấy viên ngọc đời sống bắt đầu chói sáng. Dĩ nhiên, viên ngọc kia luôn luôn ngời sáng, nhưng nó trở nên vô hình đối với những người không biết cách để nhìn. Để có thể thấy, chúng ta phải đi trên đường phân cách mỏng manh. Chúng ta phản đối, “Không! Không thể nào! Bỏ đi! Nó thì rất tốt cho tựa đề một quyển sách, nhưng tôi không muốn nó trong đời sống của tôi.” Điều đó là thật không? Tôi nghĩ là không. Trên căn bản, chúng ta đều muốn bình an và vui sướng.
Hỏi: Làm ơn nói một ít về sự phân cách từ cuộc đời.
Joko: Vâng! Trong phút giây có sự bất đồng giữa chúng ta và người khác — và chúng ta nghĩ chúng ta là đúng — chúng ta đang phân cách tự thân. Chúng ta ở nơi này và người thô tục đó thì ở bên kia và hắn thì “sai”. Khi chúng ta suy nghĩ theo chiều hướng này, chúng ta không có hứng thú gì về phúc lợi của người ấy. Những gì chúng ta đang quan tâm vào là những quyền lợi của chính mình. Cho nên sự hoà hợp trọn vẹn bị phá vỡ. Đa phần cho chúng ta, thật nhiều năm tu tập không ngừng nghỉ thì rất ư là cần thiết trước khi có thể từ bỏ đi lối suy nghĩ như vậy.
Hỏi: Tôi thấy rằng giận dữ phải có tác động gì đó đối với tôi vì tôi không muốn đối diện với những gì đang xảy ra. Nhưng tôi vẫn chưa rõ ràng về lý do tại sao cơn giận làm phân cách ta từ đời sống.
Joko: Nó (cơn giận) không phân cách ta nếu đó là thực chất kinh nghiệm. Nhưng thường thì chúng ta từ chối làm thế (kinh nghiệm). Chúng ta thích làm gì hơn? Chúng ta thích suy nghĩ hơn về nỗi khốn khổ của mình. “Tại sao anh ta không thấy nó theo chiều hướng của tôi? Tại sao anh ta ngu quá?” Những tư tưởng như thế là những nhân tố cho tình trạng phân cách.
Hỏi: Tư tưởng? Mà không là sự tránh né?
Joko: Tư tưởng là sự tránh né. Chúng ta sẽ không suy tư nếu chúng ta không cố gắng tránh né kinh nghiệm nỗi sợ hãi.
Hỏi: Thầy muốn nói là tư tưởng gây ra sự phân cách?
Joko: Nó (tư tưởng) sẽ không, nếu chúng ta hoàn toàn chú tâm về tư tưởng và biết rõ chúng chỉ là những ý tưởng. Chỉ khi nào chúng ta tin tưởng vào chúng thì sự phân cách khởi sinh. (“Sự khác biệt của một sợi tơ tằm thì thiên đàng cùng địa ngục bị tách rời.”) Không có gì là không đúng đối với thực chất của tư tưởng, ngoại trừ khi, chúng ta không thấy ra bản chất không thật của chúng.
Hỏi: Chúng ta có thể nào phản ứng mà không phát sinh tư tưởng?
Joko: Nếu chúng ta phản ứng thì tư tưởng đang nảy sinh. Chúng có thể không hiển nhiên rõ ràng đối với chúng ta, nhưng chúng (tư tưởng) đã hình thành. Ví dụ, nếu bạn sỉ vả tôi, tôi sẽ không phản xạ trừ khi tôi có vài tư tưởng về hành động xúc phạm đó. Nhưng khi chúng ta bắt đầu phán xét người khác là đúng hay sai, chúng ta đã và đang phân cách tự thân; đúng và sai chỉ là những ý tưởng và không là sự thật.
Hỏi: Những gì mà thầy vừa diễn tả nghe qua thì rất là thụ động hoặc là tiêu cực. Thầy có thể khai thác thêm về vấn đề này?
Joko: Không đâu! Nó không tiêu cực và nhu nhược chút nào cả. Chúng ta không thể nào thỏa hợp một cách nhanh nhẹn với những sự kiện trong đời sống, nếu chúng ta bị kẹt trong những tư tưởng về chúng. Chúng ta phải có một cái nhìn rộng lớn hơn thế. Tu thiền là quá trình của hành động, chúng ta không thể hành xử thích nghi, nếu chúng ta tin vào tư tưởng của mình về hiện trạng. Chúng ta phải thấy theo trực giác những gì đang xảy ra. Nó luôn luôn khác hẳn những gì mà chúng ta nghĩ về nó. Chúng ta có thể chọn một hành động thông minh được trong khi không thật sự nhìn thấy rõ ràng những gì — không phải những gì chúng ta muốn thấy hay những gì làm cho ta thoải mái, mà là như-nó-là ở lúc đó — thật sự xảy ra không? Không! Tôi chắc chắn không đang nói về lối xử thế thụ động và không làm một hành động gì.
Hỏi: Khi tôi thấy người ta, khi họ đang tập trung trong những gì đang xảy ra, họ hành động nhanh hơn và tốt hơn là tôi thường hay làm. Tôi để ý nhận ra trong cuốn phim mẹ Teresa là, bà đi thẳng vào những nơi thảm họa và bắt tay vào việc.
Joko: Chỉ làm. Làm thôi. Bà đã không dừng lại để cân nhắc, “Tôi nên làm việc này không?” Bà chỉ thấy những gì cần phải làm và làm nó mà thôi.
Hỏi: Dường như có nhiều kỳ vọng về chính chúng ta để có thể đi trên đường phân cách mỏng manh, bởi vì ký ức của chúng ta đi vào mỗi phút giây về những gì đã xảy ra trong cuộc đời của chúng ta.
Joko: Kỷ niệm là những tư tưởng và gần như luôn luôn được chọn lựa và đã bị méo mó theo thời gian. Chúng ta có lẽ hoàn toàn quên bẵng đi những gì tốt đẹp mà người bạn của ta đã làm, nếu chỉ có một lần chúng ta cảm thấy sự kiện có nét chống đối ta. Tu tập đòi hỏi sự hợp tác lớn lao của chúng ta; nhưng chúng ta chỉ sống trong phút giây hiện tại; chúng ta không có 150,000 phút giây trong một lần. Chúng ta chỉ có một đời sống. Đó là lý do tại sao tôi nói, “Việc gì khác bạn phải làm đây? — bạn chỉ có thể tu tập tốt trong mỗi phút giây trong hiện tại hay không mà thôi.”
Hỏi: Vâng! Tôi nghĩ đường phân cách mỏng manh thì ở một bình diện nào đó thì rất buồn tẻ. Chúng ta thường hay nhận ra, khi chúng ta có một cơn bộc phát tình cảm mãnh liệt, nhưng khi chúng ta rửa chén, thì không có gì nhiều để mà nói. Nó chỉ …
Joko: Đúng thế! Nếu chúng ta chỉ làm thôi những gì cần phải làm trong mỗi phút giây, thì không có một vấn đề gì cả; chúng ta đang đi trên đường phân cách mỏng manh. Nhưng khi chúng ta cảm thấy giận dữ, thì đường phân cách mỏng manh trở nên xa lạ đối với chúng ta, bởi vì, để kinh nghiệm cơn giận là kinh nghiệm những cảm giác sinh lý không dễ chịu của thân. Do vì bởi chúng không dễ chịu, nên chúng ta không thể thấy ra là, cơn giận trên căn bản của đời sống thì cũng giống như là rửa chén. Cả hai sự việc đều hoàn toàn đơn giản như nhau.
Hỏi: Nếu chúng ta từ bỏ niềm tin trong tư tưởng của chúng ta, nghe qua có vẻ ghê sợ — làm sao chúng ta biết cái gì để làm?
Joko: Chúng ta luôn luôn biết cái gì để làm nếu chúng ta tiếp xúc với đời sống như-nó-là.
Hỏi: Theo tôi, đường phân cách mỏng manh là kinh nghiệm những gì trong giây phút hiện tại. Trong khi tôi tiếp tục tu tập tôi thấy ra được nhiều hơn là, những thứ tầm thường, đơn giản của đời sống không còn nhạt nhẽo đối với tôi như trước kia. Đôi khi tôi còn thấy ra vẻ đẹp và chiều sâu mà tôi chưa từng lưu ý qua trước kia.
Joko: Thật vậy à! Lâu lâu thì có một thiền sinh đến nói chuyện với tôi, cô ta tọa thiền thật tốt nhưng cô ta phàn nàn, “Nó thật là tẻ nhạt! Tôi chỉ ngồi và không có gì xảy ra cả. Chỉ nghe xe cộ qua lại…” Nhưng chỉ nghe tiếng xe cộ là một sự tuyệt vời rồi! Cô ta hỏi, “Ý thầy muốn nói là tất cả chỉ có vậy thôi sao?” Đúng vậy, tất cả chỉ có vậy thôi. Không một ai trong chúng ta muốn đời sống “chỉ vậy” thôi, bởi vì như thế cuộc đời không còn là thứ hấp dẫn cho chúng ta. Nó chỉ vậy như-nó-là; không có những tình tiết, sôi nổi mà trong khi chúng ta thì lại thích những tình tiết. Chúng ta ưa chuộng được “thắng” trong một cuộc tranh cải, nhưng nếu chúng ta không thể thắng, chúng ta thà đành bị thua, còn hơn là không có một tình tiết gì về mình cả. Lão sư Suzuki có một lần đã nói, “Đừng vội chắc chắn rằng bạn muốn được giác ngộ. Từ góc độ nơi bạn đang nhìn, giác ngộ thì thật là chán ngắt một cách kinh khủng.” Chỉ làm những gì bạn đang làm. Không sôi động, tình tiết, pha chế.
Hỏi: Theo dõi hơi thở có là đang đi trên đường phân cách mỏng manh?
Joko: Quả nhiên là vậy. Tôi thích nói như thế này hơn, “kinh nghiệm thân thể và hơi thở.” (chứ không phải đơn thuần “theo dõi hơi thở”.) Tôi muốn thêm vào đó, trong khi theo dõi hơi thở, tốt nhất đừng cố gắng điều khiển nó (điều khiển là nhị biên, tôi điều khiển cái gì đó phân cách từ tự thân), mà chỉ kinh nghiệm hơi thở như nó là: nếu nó phồng, thì kinh nghiệm sự căng phồng; nếu nó nhanh, kinh nghiệm sự nhanh; nếu nó dừng ở ngực, kinh nghiệm thế. Khi sự kinh nghiệm vững vàng, hơi thở sẽ dần dần chậm lại, dài ra, và sâu xuống. Nếu sự vướng mắc vào tư tưởng bị thu nhỏ lại một cách đáng kể, thân thể và hơi thở lập tức thư giãn và hơi thở sẽ trôi chảy ra một cách êm thắm.
Hỏi: Tại sao cơn giận đối với người thân cận với tôi lúc nào cũng mãnh liệt hơn?
Joko: Bởi vì nó mang tính cách đe dọa nhiều hơn. Nếu người bán giày cho tôi công bố, “Tôi sẽ lìa xa bà,” tôi không quan tâm gì cả, mọi sự không có gì ảnh hưởng đối với tôi; tôi sẽ tìm một người bán giày khác. Nhưng nếu chồng của tôi nói, “Tôi sẽ rời xa em,” nó không còn là một chuyện phớt tỉnh chút nào cả.
Hỏi: Sự đe dọa có tính cách cấp bách hay có tính cách ngủ ngầm cho một điều kiện tâm lý chưa giải quyết?
Joko: Vâng! Có sự ngủ ngầm; nhưng nguồn tích trữ ấy thì luôn luôn giữ trong thân thể của chúng ta như sự thu nhỏ trong phút giây hiện tại. Khi chúng ta kinh nghiệm sự co thắt hay căng thẳng, chúng ta kéo theo trọn vẹn cả quá khứ của mình. Quá khứ của chúng ta đâu? Ngay ở đây. Không có quá khứ tách biệt từ hiện tại. Quá khứ là người của chúng ta trong phút giây hiện tại. Cho nên khi chúng ta kinh nghiệm, có nghĩa là chúng ta cũng chăm sóc cho quá khứ. Chúng ta không cần phải biết tất cả về nó.
Hỏi: Nhưng còn đường phân cách mỏng manh liên quan ra sao tới sự giác ngộ? Có ai? Nó (đường phân cách mỏng manh) là giác ngộ.
Joko: Đúng là nó. Không ai trong chúng ta có thể đi trên nó trong mọi thời, nhưng khả năng của chúng ta làm được tăng vượt bậc theo nhiều năm tu tập. Nếu không thì chúng ta tu tập không đúng rồi.
Hãy kết thúc. Nhưng vui lòng duy trì sự Tỉnh giác của mình với tận khả năng trong mỗi phút giây của đời sống. Giữ gìn câu hỏi luôn với mình: bây giờ, tôi có đang đi trên đường phân cách mỏng manh không?
Section 1.02 Tiểu bang New Jersey không tồn tại
Đặt giả thuyết rằng, sự thật là những gì như chúng ta thấy nó và nó cố định, không thay đổi. Ví dụ: Nếu chúng ta nhìn ra ngoài và thấy bụi hoa, cây, và xe cộ, chúng ta giả định là, chúng ta đang thấy mọi vật như-nó-là. Nhưng đó là phương cách chúng ta nhìn thấy sự thật ở mức độ thấp nhất. Nếu chúng ta đang ngồi trên một chiếc phi cơ ở độ cao 35,000 bộ tây trong một ngày bầu trời trong, và chúng ta nhìn xuống, chúng ta không thể thấy được người và xe cộ gì cả. Ở độ cao đó, sự thật của chúng ta không có bao gồm con người, mà là gồm có đỉnh núi, bình nguyên, và nước trong đại dương. Khi phi cơ hạ thấp xuống thì kinh nghiệm về sự thật của ta cũng dần dần đổi thay. Mãi cho đến khi phi cơ xuống gần mặt đất hơn, thì chúng ta có thể thấy được con người, nhà cửa, xe, ngựa. Đối với một con kiến đang bò dọc theo vệ đường, loài người có thể không hiện hữu vì nó quá to lớn đối với loài kiến. Sự thật của con kiến có thể là ngọn đồi và thung lũng của vỉa hè. Cái chân dẫm lên con kiến — đó là cái gì? (Động đất, thiên tai?)
Cái sự thật mà chúng ta đang sống trong đó, cần sự hiện hữu của chúng ta để vận hành theo một chiều hướng nhất định nào đó. Để có thể như vậy, chúng ta phải biệt lập từ những gì chung quanh chúng ta — từ tấm thảm, hay người khác. Nhưng một kính hiển vi thật mạnh sẽ phơi bày cho ta thấy rằng, sự thật trong khi chúng ta va chạm luôn thì, không hoàn toàn thật có sự phân cách giữa chúng ta. Ở mức độ uyên thâm, chúng ta chỉ là một nguyên tử, mà hạt nhân nguyên tử thì luôn di động ở một tốc độ to lớn. Không có sự phân cách giữa chúng ta và tấm thảm hay người khác: tất cả chúng ta chỉ là một vùng năng lượng to lớn mà thôi.
Cách đây không lâu, con gái của tôi đưa cho tôi xem vài tấm ảnh của tế bào bạch huyết cầu trong động mạch của loài thỏ. Những tế bào này là phế liệu, chúng có tác dụng dọn dẹp những mảnh vụn và những chất không cần thiết trong thân thể. Bên trong động mạch ta có thể thấy những sinh vật li ti bò dọc theo và làm sạch bằng cách kết thành những cái nấc thang giả để tiến dần đến mục tiêu của chúng. Sự thật cho bạch huyết cầu thì không phải là sự thật mà chúng ta thấy. Vậy sự thật của những tế bào là gì? Chúng ta chỉ có thể quan sát công việc của nó, là làm sạch. Giờ đây, trong khi chúng ta ngồi đây, có hàng triệu những tế bào như thế bên trong chúng ta, làm sạch các động mạch với mọi khả năng của chúng. Nhìn vào những tấm hình đã chụp được, người ta có thể thấy công việc của các tế bào đang cố gắng làm việc: những tế bào biết mục đích của nó.
Loài người chúng ta, có lẽ là một món quà vô cùng to lớn của tạo hóa, lại là loài sinh vật duy nhất trên trái đất nói, “Tôi không biết ý nghĩa của đời sống của mình. Tôi không biết nguyên do gì tôi hiện hữu nơi đây.” Không có sinh vật nào khác — chắc chắn không phải tế bào bạch huyết cầu — thì lộn xộn, mơ hồ như thế. Tế bào bạch huyết làm việc không biết mệt cho chúng ta; nó ở bên trong chúng ta, làm vệ sinh mãi trong suốt cả đời sống của chúng. Dĩ nhiên, đó chỉ là một trong trăm ngàn chức năng đang xảy ra bên trong loài sinh vật trí thức khổng lồ là chúng ta. Nhưng bởi vì chúng ta có một bộ óc to lớn để suy nghĩ và làm việc, chúng ta lại lạm dụng cái món quà thiên nhiên của mình và chuyên làm những chuyện nghịch ngợm không dính dấp gì cho phúc lợi của đời sống. Có được món quà suy nghĩ, chúng ta sử dụng sai nó bằng cách thả nó đi lung tung. Chúng ta tự trục xuất mình ra khỏi vườn địa đàng. Chúng ta tư duy không theo nề nếp làm việc giúp ích cho cuộc đời, mà là làm thế nào để phục vụ cho cái ngã phân cách của mình — một việc táo bạo không bao giờ xảy ra đối với các tế bào bạch huyết. (Nếu nó lạm dụng như ta thì thân thể của ta không biết ra sao?) Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, cuộc sống của chúng sẽ đi qua; nó sẽ bị thay thế bởi những tế bào khác. Nó không suy nghĩ; nó chỉ làm việc của nó.
Trong khi chúng ta tọa thiền và nhận thức được nhiều hơn về tính chất ảo huyền của sự suy nghĩ sai lầm của mình, trạng thái vận hành tự nhiên bắt đầu vững mạnh lên dần. Trạng thái đó thì lúc nào cũng hiện hữu; nhưng nó đã bị che khuất cho nên chúng ta không biết nó là gì. Chúng ta bị kẹt cứng trong những kích thích, phiền muộn, hy vọng, sợ hãi của mình nên không thể thấy nó. Chức năng của chúng ta không phải là sống vĩnh viễn, mà là sống trong phút giây hiện tại. Chúng ta cố gắng trong vô vọng để bảo vệ lấy mình với những tư tưởng lo lắng: chúng ta bày mưu lập kế để có thể tạo ra hoàn cảnh tốt hơn cho mình, làm thế nào cho chúng ta an toàn hơn, làm sao cho chúng ta có thể duy trì mãi mãi cái Tự ngã của mình. Thân của chúng ta cũng có trí tuệ riêng của nó; nhưng sự lạm dụng của bộ não đã làm rối loạn đời sống của mình.
Cách đây không lâu, tôi bị gãy cổ tay và phải băng thạch cao trong ba tháng. Khi thạch cao được lấy ra, tôi bị kích động bởi cái tôi thấy. Tay tôi chỉ còn da và xương, thật yếu ớt và run rẩy; nó quá yếu để làm bất cứ việc gì. Nhưng khi tôi về đến nhà và bắt đầu làm việc với cánh tay khoẻ, cánh tay nhỏ chỉ còn da bọc xương kia lại cố gắng giúp đỡ. Nó biết những gì nó nên làm. Thật là cảm động: mẩu xương nhỏ bé không có sức mà vẫn muốn giúp đỡ. Nó biết chức năng của nó. Trong khi tôi nhìn nó, dường như nó không có dính dấp gì tới tôi; cánh tay chừng như có đời sống riêng của nó; nó muốn làm việc của nó. Nó di động để thấy mẫu hình nộm ốm yếu đang cố gắng làm việc của một cánh tay bình thường.
Nếu chúng ta không làm cho mình rối loạn, chúng ta cũng biết những gì chúng ta nên làm trong đời sống. Nhưng chúng ta luôn làm cho mình lẫn lộn. Chúng ta bị lôi cuốn vào những mối quan hệ không bình thường; những quan hệ không có kết quả tốt; chúng ta bị ám ảnh với một cá nhân, hay với một hành động, hay với một quan điểm triết lý. Chúng ta làm bất cứ điều gì ngoại trừ sống đời sống của mình theo một chiều hướng lành mạnh. Nhưng với sự tu tập, chúng ta bắt đầu thấy xuyên suốt sự hỗn loạn của mình, và có thể nhận thức rõ những gì chúng ta cần phải làm — giống như cánh tay trái của tôi, dù là khi nó không thể hoạt động bình thường, nhưng vẫn cố gắng góp phần để làm những việc cần phải xong.
Khi có gì đó thật sự làm cho chúng ta cáu gắt, khó chịu, rắc rối, thì chúng ta bắt đầu suy nghĩ. Chúng ta lo lắng, chúng ta kéo ra mọi thứ mà chúng ta có thể nghĩ ra, và nghĩ, nghĩ, nghĩ — bởi vì đó là những gì chúng ta tin tưởng là có thể giải quyết vấn đề của đời sống. Trên thực tế, những gì thường hay giải quyết vấn đề trong đời sống là, chỉ đơn giản kinh nghiệm sự khó khăn đang diễn tiến, và hành động theo chiều hướng đó. Giả sử là, đứa con của tôi hét vào tôi và nói là: tôi là một người mẹ thật tệ. Tôi làm gì đây? Tôi có thể lý giải cho nó biết về tôi, dẫn chứng tất cả các điều tốt đẹp mà tôi đã làm cho nó. Nhưng thực sự cái gì mới là giải pháp tốt nhất trong cái hoàn cảnh này? Đơn giản kinh nghiệm nỗi đau về những gì đang xảy ra, nhìn những tư tưởng của tôi về sự kiện. Khi tôi làm việc đó một cách chân thành và kiên nhẫn, tôi có thể cảm nhận được con tôi một cách khác hơn (những gì tôi đã nghĩ), và tôi có thể thấy ra những gì phải làm. Hành động của tôi phát sinh từ kinh nghiệm của mình. Nhưng chúng ta thì không làm vậy đối với vấn đề của đời sống; thay vì chúng ta xoay cuồng (kinh nghiệm) với chúng, chúng ta lại đi phân tích chúng hoặc là cố gắng tìm xem ai là người mà ta có thể qui trách nhiệm. Sau khi chúng ta làm xong tất cả những bước tuần tự như thế, chúng ta cố gắng tính toán ra một hành động. Đó là lối đi ngược. Chúng ta đã cắt đứt mình ra khỏi hẳn từ vấn đề; với tất cả suy tư, phản ứng, phân tích một cách vô cãm đó, thì chúng ta đâu thể nào giải quyết nó một cách thích đáng và đúng đắn. Tình trạng bế tắt gây ra bởi cái tư tưởng cảm giác lãnh đạm đó của chúng ta làm cho vấn đề trở nên nan giải.
Một lần trong khi tôi ngồi trên phi cơ đang bay xuyên qua lục địa Hoa Kỳ, và tôi phỏng chừng là chúng tôi đang ở khoảng giữa quốc gia, tôi nhìn xuống phía dưới và nghĩ, tiểu bang Kansas thì ở đâu? Không có cách nào để nói nơi nào là Kansas. Nhưng chúng ta thật sự nghĩ rằng, có Kansas, Illinois, New Jersey, New York, trong khi trên thực tế chỉ có mảnh đất chạy dài nối tiếp. Chúng ta hành xử tương tự cho chính mình. Tôi nghĩ tôi là New Jersey và anh ta là New York. Tôi nghĩ rằng, New York thì đổ trách nhiệm cho vấn đề của New Jersey (nó đưa tất cả mọi người đi lại tới New Jersey.) Còn New Jersey lập tức ôm lấy trọn vẹn một khối vấn đề cho riêng nó. Nó nhận diện ra những điều kỳ diệu về New Jersey; và một cách chắc chắn là nó không có lợi ích gì cho Pennsylvania ở bên kia. Thật ra, những ranh giới này được đặt ra cho thuận tiện; nhưng nếu chúng ta nuông chìu theo tư tưởng cảm giác của mình mà phân cách ra, chúng ta nghĩ là có một ranh giới giữa chúng ta và người khác. Nếu chúng ta làm việc với tư tưởng cảm giác một cách tri thức, thì những ranh giới khái niệm kia dần dần sẽ bị phân hóa, và chúng ta nhận ra một cái Tổng thể thì luôn luôn tồn tại ở đó. Nếu tâm của chúng ta cởi mở, chỉ hòa hợp với các cảm xúc giác quan mà đời sống phơi bày, chúng ta không phải phấn đấu cho cái mà ta gọi là “sự giác ngộ vĩ đại”. Nếu New Jersey không tồn tại như một thực thể riêng biệt, thì nó đâu cần phải biện hộ cho chính nó. Nếu chúng ta không tồn tại như một thực thể riêng biệt, thì chúng ta đâu có vấn đề gì. Nhưng cuộc sống của chúng ta bị hấp thụ với câu nghi vấn, “Những gì sẽ tốt nhất cho tôi? Tôi có thể làm sao để mọi thứ tốt đẹp cho tôi?” Chúng ta bao gồm những người khác và sự vật, ở một chừng mực nào đó luôn sẳn lòng vui chơi với cái trò chơi của chúng ta. Dĩ nhiên, họ không bao giờ thật sự vui lòng bởi vì họ cũng giống như chúng ta (họ muốn chúng ta chơi trò chơi của họ hơn!) Cho nên, trò chơi không bao giờ mang đến một kết quả gì. Ví dụ, làm thế nào cuộc hôn nhân có hạnh phúc nếu hai người mà họ cho là mình như là New Jersey và New York? Trông có vẻ nó yên ổn và có kết quả trong một khoảng thời gian nào đó, trong khi họ thấy không có cái ranh giới (đó có nghĩa sự phân hóa của tình trạng bế tắt cảm giác tư tưởng). Khi cái ranh giới kia xuất hiện lại, thì có một trận chiến xảy ra giữa họ.
Chúng ta chưa có bao giờ học qua làm thế nào để sống cho một kiếp con người; chúng ta đã và đang tạo ra một thế giới sai lầm và áp đặt chồng nó lên bên trên một cái thật thể. Chúng ta lẫn lộn cái bản đồ với chính cái sự thật. Bản địa đồ thì rất hữu ích; nhưng chỉ nhìn vào bản đồ chúng ta không thể thấy cái cấu trúc tổng thể của nước Mỹ. Không có một thực thể riêng biệt cho Kansas. Giống như tế bào bạch huyết, chúng ta được sinh ra để làm một chức năng nào đó ở trong một khối năng lượng khổng lồ mà chính ta cũng ở trong ấy. Chúng ta phải có một thể nhất định để hoạt động; giống như tế bào bạch huyết có hình dạng những cái chân nhỏ làm việc dọn dẹp. Chúng ta có một dạng nhất định để sinh hoạt; chúng ta phải trông như là chúng ta độc lập với những gì chung quanh, để chơi cái trò chơi kỳ diệu mà chúng ta đang ở trong đó. Nhưng điều trở ngại là, chúng ta không chơi cái trò chơi thật sự. Chúng ta chơi cái trò chơi giả mà chúng ta tạo ra và đặt nó lên ở bên trên cái trò chơi thật kia; và cái trò chơi kia sẽ tàn phá chúng ta. Nếu chúng ta không rõ thấu hiện trạng này, chúng ta sẽ sống qua những ngày trên trái đất này mà không biết hưởng thụ niềm hạnh phúc chân thật trong kiếp người. Cái trò chơi (thật phía dưới) kia trở nên tốt chỉ khi nào chúng ta chơi nó thật tốt. Nó bao gồm buồn, vui, thất vọng, và khó khăn. Nhưng nó luôn luôn thật (sống) và dồi dào, và nó không tẻ nhạt và vô nghĩa tí nào cả. Tế bào bạch huyết không bao giờ hỏi, “Ý nghĩa của đời sống là gì?” Nó vốn biết. Khi chúng ta vượt thoát được tình trạng bế tắt của tư tưởng cảm giác, thì chúng ta cũng biết chúng ta là ai và những gì chúng ta cần phải làm trong cuộc sống. Những gì chúng ta làm trong đời sống? Nếu chúng ta không làm cho mình rối loạn với dẫy đầy những tư tưởng sai lầm, thì chúng ta sẽ biết. Khi chúng ta quay lưng từ những gì ám ảnh mình, thì giải đáp trở nên rõ ràng. Nhưng chúng ta không làm thế một cách dễ dàng, bởi vì chúng ta bị vướng mắc vào cái lối suy nghĩ luôn tự cho mình là đúng kia.
Nhưng thỉnh thoảng, khi chúng ta tu tập tỉ mỉ, có giây phút (đôi khi nhiều giờ, hay nhiều ngày) chúng ta vẫn còn những trắc trở giống nhau, điều đó không phải là vấn đề lớn lao gì. Càng lâu hơn, càng khó hơn, chúng ta càng tu tập thì trạng thái này càng dài ra. Đó là trạng thái giác ngộ: chừng khi chúng ta chỉ đơn giản thấy, “Ồ! Đó là việc cần làm kế tiếp — Được rồi. Tôi phải gặp nha sĩ ngày thứ Ba; tôi có thể không thích, nhưng cũng không sao. Tôi phải trải qua hai giờ với người rắc rối đó.. được rồi, để xem rồi nó sẽ diễn tiến ra sao.” Thật là kỳ diệu: Dòng chảy thì rất dễ dàng. Sau đó (nếu chúng ta không cẩn thận) sự rối loạn của chúng ta bắt đầu xâm lấn trở lại. Sự trong sáng và sức mạnh bắt đầu mờ nhạt đi. Dấu vết của nhiều năm tu tập tốt là thế, thời gian trong sáng sẽ dài ra và phút giây rối loạn thì ngắn lại.
Dĩ nhiên, không cần biết chúng ta đã tu tập bao lâu, vẫn có một phần của đời sống trông có vẻ xáo trộn và mờ mịt. “Tôi không biết rõ cái gì đang xảy ra ở đây.” Nhưng nói một cách nghịch lý, khi thật sự chấp nhận được tình trạng xáo trộn và mơ hồ, thì bản chất của sự hiểu biết trong sáng lại phát sinh. Tôi nghe lần này sang lần khác từ các thiền sinh, “Bây giờ tôi cảm thấy mơ hồ về sự tu tập của tôi, một chút bồn chồn. Tôi chừng như không thể nào thấy mọi sự một cách rõ ràng.” Cái gì chúng ta làm kế tiếp đây? Thật ra, tất cả đời sống đều như thế cả. Cho mỗi người chúng ta, mỗi ngày đều có những khoảng thời gian như thế. Chúng ta làm gì? Thay vì cố gắng tìm cách giải quyết sự rối loạn và căng thẳng để chúng ta có thể đến một nơi nào khác, chúng ta hãy hỏi mình, “Cảm giác của sự rối loạn như thế nào?” — rồi chúng ta ngồi lại quan sát thân thể, cảm giác của nó, theo dõi những tư tưởng đang trôi dạt. Trước khi chúng ta biết ra, chúng ta đã trở về quỹ đạo rồi.
Trong thời gian của rối loạn và chán chường, việc tệ nhất mà chúng ta có thể làm là cố gắng phản kháng theo chiều hướng khác hơn hiện tại. Cái cổng “Vô môn” thì luôn luôn ở đây, khi chúng ta kinh nghiệm chính mình như-nó-là, chứ không phải là chúng ta nghĩ chúng ta-nên-là. Khi chúng ta thật sự làm được như thế, cánh cửa tự mở ra — nó sẽ mở ra khi đến lúc nó phải mở, chứ không phải là khi chúng ta muốn nó mở. Cho một số người, cánh cửa kia mở ra sớm, sẽ mang lại nhiều tai hại hơn là những lợi ích. Tôi hoài nghi về loại tu tập trục lợi; thúc đẩy cho sự trong sáng quá sớm sẽ tạo ra nhiều vấn đề. Dĩ nhiên, sự thay thế là không phải tọa thiền và không làm gì cả. Chúng ta phải duy trì Tỉnh giác về cảm xúc giác quan, tư tưởng và bất cứ gì khác đang ở đây. Chúng ta không cần đánh giá quá trình tọa thiền của mình có giá trị ra sao, dù cho tốt hay xấu. Mà chỉ đơn giản, “Tôi ở đây, và ít nhất tỉnh giác về đời sống của mình.” Khi tôi ngồi một cách tỉ mỉ thì tỉ lệ có chiều hướng đi lên.
Một phần của chúng ta thì cũng giống tương tự như các tế bào bạch huyết: nó (cũng như ta) luôn luôn hiện hữu và biết nên làm gì. Nó muốn vận hành theo chức năng của mình. Tu tập thì không phải là một sự thúc đẩy kỳ bí để đưa con người đi vào một lãnh vực nào khác hay nơi chốn khác, Thượng đế thì biết chốn nào. Sự tuyệt đối thì không phải ở một nơi nào khác cả; ngoài nơi đây thì có thể ở đâu được? Sự e dè của tôi là gì? Từ khi nó tồn tại ở đây và bây giờ, nếu tôi e thẹn, thì đó là Niết bàn, đó là tuyệt đối. Vậy thôi! Không có nơi nào để đi; chúng ta luôn luôn ở đây. Ngoài nơi đây, còn nơi nào khác ta có thể tới? Chúng ta luôn luôn là ta như-nó-là. Cái thông minh thiên bẩm để biết chúng ta là ai, nó biết những gì chúng ta ở trong thế gian này nếu chúng ta không làm hỏng nó đi.
Section 1.03 Tôn giáo
Người ta đến trung tâm Thiền thì thường hay giận dữ về những mê lầm của những kinh nghiệm về tôn giáo trong quá khứ của họ. Ý nghĩa nguyên thủy của từ “religion” thì rất ngộ nghĩnh: nó từ chữ Latin “religare”, có nghĩa là “trói buộc về phía sau, cột loài người và Thượng đế vào nhau.” “Re” nghĩa là “phía sau” and “ligare” nghĩa là “cột hay buộc lại”.
Chúng ta cột cái gì? Trước hết, chúng ta cột cái Ngã của mình vào cho chính nó — bởi vì ngay cả bên trong chúng ta, chúng ta đã phân cách. Chúng ta cột chính mình vào với người khác và luôn cả tất cả các thứ khác, từ khả năng cảm thụ và cho đến sự vô cảm (vô tri giác). Chúng ta cột người khác vào những người khác nữa. Bất cứ gì không bị ràng buộc với nhau là trách nhiệm của chúng ta. Nhưng phần lớn thời gian, công việc của chúng ta là buộc chính mình vào người sống chung, công ăn việc làm, người hôn phối, con cái hay bạn bè, và rồi cột mình vào Mỹ, vào Việt Nam, rồi tới tất cả mọi thứ trên thế gian này và vũ trụ này.
Bây giờ những thứ đó nghe thì rất hay! Nhưng trên sự thật, chúng ta không thường thấy đời sống theo cách đó. Bất cứ phương thức tu tập chân chính của một tôn giáo nào cũng là, nhìn lại một lần nữa những gì đã xảy ra như vậy: nhìn thấy cái tổng thể cơ bản của mọi sự vật, thấy bản lai diện mục của mình. Cái thấy này đã buông bỏ đi những chướng ngại giữa chúng ta và người khác hay vật khác: để không chấp chặc hay nhìn xuyên qua cái bản chất của tất cả các chướng ngại.
Người ta thường hay hỏi tôi, nếu cái Tổng thể cơ bản này là một trạng thái thật của mọi vấn đề, tại sao nó chừng như chưa bao giờ được thấy? Đó là vì chúng ta còn thiếu trữ liệu khoa học đúng đắn về nó; Tôi biết nhiều nhà vật lý học có tri thức uyên thâm, nhưng khi họ đối diện với đời sống, họ đã không thể phản ảnh sự tỉnh giác này.
Nguyên nhân chính cho những chướng ngại — và lý do chính mà chúng ta không thấy được ra là chướng ngại đã xuất hiện rồi — là sự sợ hãi của ta; vì chúng ta lo sợ bị tổn hại bởi những gì ngoài ta. Không cần phải nói, thân thể của chúng ta thì cần được bảo tồn, bằng như không nó không thể hoạt động. Ví dụ như, nếu chúng ta có một buổi cắm trại ngoài trời trên một đường rầy xe lửa và toa xe thì đang di chuyển về hướng chúng ta; rõ ràng hành động tốt nhất là dọn ra chỗ khác. Cần thiết để tránh vẫn hơn là sửa chữa những hư hại vật chất. Nhưng có sự lầm lẫn to lớn giữa loại tổn hại đó (vật chất) và những chuyện xảy ra khác có ít tính cách ít xác thực hơn (tinh thần) mà lại gây thương tổn đến chúng ta nhiều hơn. “Người yêu của tôi lìa xa tôi, thật là đau khổ khi cô đơn.” “Tôi sẽ không bao giờ tìm được một việc làm.” “Những người kia thật là độc ác.” Chúng ta nhìn tất cả những thứ này như là nguồn gốc của nỗi khổ đau. Chúng ta thường cảm thấy chúng ta luôn bị người khác tổn hại.
Nếu chúng ta nhìn lại trong cuộc đời mình, chúng ta có thể lập ra một bảng kê khai về những người hay những sự kiện đã từng gây thương tổn chúng ta. Tất cả chúng ta đều có bảng kê khai của mình. Ngoài cái bảng dài kia ra, chúng ta khai thác ra một phương pháp điều kiện tính để nhìn cuộc đời: chúng ta học cái đường lối lẩn tránh; chúng ta có phán đoán và ý kiến về bất cứ gì và bất cứ ai mà chúng ta sợ, có thể ám chỉ bóng gió tới chúng ta.
Khả năng thiên phú của chúng ta được sử dụng trong chiều hướng của lẩn tránh, theo chiều hướng của phàn nàn, của một nạn nhân, của cố gắng xắp xếp để cho chúng ta bảo tồn được quyền kiểm soát. Để rồi đời sống chân thật — cái tổng thể cơ bản — vượt thoát khỏi chúng ta. Thật buồn bả, có nhiều người trong chúng ta từ giả cỏi đời mà chưa từng thật sự sống qua, bởi vì chúng ta bị ám ảnh quá nặng nề với việc cố gắng tránh né cho khỏi bị thương tổn. Một điều mà chúng ta chắc chắn là: nếu chúng ta đã bị tổn hại, chúng ta không muốn nó xảy ra lần nữa. Và rồi hệ thống cơ quan dùng cho sự tránh né của chúng ta luôn hoạt động không ngừng nghỉ.
Bây giờ trong nhiều truyền thống tôn giáo, và một cách riêng biệt là trong truyền thống thiền tông, có một cái kho lớn thông dụng được gọi là “Cửa” hay là “Kinh nghiệm tự chứng.” Loại kinh nghiệm như thế thì khá đa dạng. Nhưng nếu chúng là thật, chúng rọi sáng hay đem tới sự lưu ý của ta và luôn luôn xảy ra như vậy: Chân tánh của đời sống, cái tổng thể cơ bản. Cái gì tôi đã thấy (và tôi biết nhiều bạn cũng thấy nó nữa,) là chưa đầy đủ. Chúng có thể có lợi ích; nhưng nếu chúng ta bám chặt vào chúng, thì chúng trở thành chướng ngại cho ta. Cho một số người, những kinh nghiệm này thì không khó khăn mấy để có được. Chúng ta khác nhau trong phương diện đó — và sự khác biệt vốn không phải là vấn đề của đạo đức. Nhưng không có sự gắng công khốc liệt cho sự hợp nhất đời sống một người, thì những kinh nghiệm này không tạo ra sự khác biệt gì nhiều. Những kinh nghiệm này thật sự có giá trị cho sự tu tập; là khi chúng ta phải trải qua từng phút giây với những gì mà chừng như tổn hại đến ta, hay đe dọa chúng ta, hay không vừa lòng chúng ta — có khó hay không khó đối với người cộng sự, gia đình, hay hôn phối của chúng ta hay bất cứ người khác thì không biết được. Bằng ngược lại, trong sự tu tập của chúng ta, chúng ta đến điểm mà chúng ta phản ứng rất ít, thì một kinh nghiệm tự chứng chỉ là sự thừa thãi.
Nếu chúng ta thật sự muốn thấy cái thực chất cơ bản, không chỉ thỉnh thoảng mà là trong phần lớn thời gian — đó là những gì mà đời sống tôn giáo là — thì sự tu tập quan trọng nhất của chúng ta phải như là những gì thiền sư Menzan (tông Tào động) gọi “chướng ngại của tư tưởng cảm giác.” Ý của ngài là, khi sự vật dường như đe dọa chúng ta, chúng ta phản kháng. Ở phút giây chúng ta phản kháng thì chướng ngại khởi sinh để làm mờ khuất cái khả năng nhìn thấy của chúng ta rồi. Đa phần trong loài người, chúng ta phản ứng trong mỗi năm phút, dễ hiểu ra rằng gần như trọn cuộc đời của chúng ta bị bao trùm trong mờ mịt. Chúng ta bị trói buộc bên trong mỗi người của mình, chúng ta bị kẹt trong những chướng ngại này.
Chủ yếu nhất trong quá trình tu tập của chúng ta là đối diện với những chướng ngại này. Không có những đụng độ này, không có sự hiểu biết tất cả từ bên trong cho tới bên ngoài của những chướng ngại mà chúng ta dựng lên — vốn không phải là chuyện dễ dàng gì — chúng ta sẽ vẫn là nô lệ và bị phân cách. Chúng ta có thể thấy bản lai diện mục của mình thỉnh thoảng trong một nháy mắt tình cờ nào đó, nhưng chúng ta vẫn không thể nào sống được với chính mình trong từng giây phút. Nói cách khác, đời sống theo tôn giáo thì không thể trở thành hiện thực: loài người và thượng đế luôn luôn còn phân cách. Có tôi và có cái đời sống ngoài kia mà tôi thấy như là một sự đe dọa — và ngay cả chúng ta đây cũng không thể đến với nhau thật sự.
Những chướng ngại của tư tưởng cảm giác thường hay có dạng của sự do dự giữa hai đối cực. Một bên là sự hòa hợp: hy sinh cho thượng đế, cho tự thân, làm vừa lòng cuộc đời, làm vừa lòng người khác, là người tử tế, cố gắng như là một người hoàn hảo, đè nén những gì thật sự là mình ở vào mọi lúc. Đây là một người cố gắng hành động tốt, cố gắng tu tập nghiêm túc, cố gắng đạt đến giác ngộ, cố gắng và cố gắng.. Sự nổ lực như thế thì rất ư là bình thường, đặt biệt là trong những thiền sinh. Nhưng nếu chúng ta tu tập với sự thông minh, chúng ta bắt đầu cảm nhận ra cái kiểu cách hòa hợp mà chúng ta đang bị chìm đắm trong đó và chúng ta có chiều hướng lắc lư để đi về phía cực bên kia, một hình thức nô lệ khác: sự nổi loạn hay không hòa hợp. Rồi người ta khẳng định, “Không ai có thể bảo tôi phải làm một điều gì! Tôi cần có không gian của riêng tôi, và tôi muốn mọi người phải tránh ra!” Theo lối hành xử này, chúng ta phán xét người khác một cách cay nghiệt và có một quan điểm tiêu cực không thể chấp nhận được. Thay vì nhìn tự thân như kẻ dưới thấp và phụ thuộc, chúng ta bấy giờ lại đi cho mình là cấp trên (tự phụ) và độc lập. Những trạng thái này (hòa hợp và bất hòa hợp) luôn liên tục thay đổi trong từng giây phút. Trong những năm đầu tu tập, phần lớn người ta đong đưa qua lại giữa trạng thái thứ nhất (hòa hợp) và vào trạng thái thứ hai (bất hòa hợp). Ở nơi đó, chừng như đời sống của họ trở nên tệ hơn, nếu không muốn nói là không trở nên tốt hơn! “Con người tử tế của tôi trước kia đâu rồi?” Cả hai trạng thái đều là mất tự chủ cả, vì chúng ta vẫn còn đang phản ứng với đời sống. Hoặc là chúng ta hòa hợp với nó hay là chúng ta chống đối lại nó. Con người và thượng đế vẫn còn đang bị phân cách ở đây.
Mọi người chúng ta luôn đánh đu giữa hai trạng thái này. Vào một ngày của tuần trước, tôi thầm quyết định vào 9 giờ sáng tôi sẽ trả lời một lá thư, một lá thư khó mà tôi đã từ lâu không muốn trả lời. Vào lúc 3 giờ chiều, nó chợt lóe trong đầu tôi là tôi vẫn chưa trả lời lá thư đó. Tôi tìm ra 15 thứ việc để làm từ 9 tới 3 cho nên tôi chưa thể trả lời lá thư. Phản ứng ban đầu của tôi là, “Tôi nên trả lời lá thư.” Đó là sự hòa hợp. “Nó cần tôi, tôi nên làm cho nó.” Nhưng sau đó thì, “Anh không thể nào bắt buộc tôi. Tôi không cần phải làm việc đó. Tôi có thể để nó đó.” Nhưng trong thời gian ngắn, người quan sát thấy cả hai trạng thái, cái gì đã xảy ra? Khi tôi quan sát cả hai tư tưởng, tôi ngồi xuống và trả lời lá thư.
Sự quyết định là gì? Cái gì giải quyết cái trận chiến đang tiếp diễn bên trong ta? Cái gì mang chúng ta và thượng đế lại với nhau? Cho đến khi nào chúng ta hiểu được điều bí ẩn mà chúng ta đang bị kẹt trong đó. Điều trước tiên để thấy là cái gì chúng ta đang làm. Khi chúng ta ngồi xuống, thì nó sẽ tự phơi bày ra. Ban đầu chúng ta sẽ có ý nghĩ, “Tôi nên làm nó.” Và nếu chúng ta ngồi lâu hơn một chút, thì tư tưởng khác nổi lên, “Tôi không muốn làm nó.” Chúng ta bắt đầu thấy rằng, chúng ta đu đưa giữa hai tư tưởng, qua và lại…
Trong suốt quá trình qua-lại, không có gì trong đó cả ngoại trừ sự phân cách. Chúng ta giải quyết nó bằng cách nào? Chúng ta giải quyết nó bằng lối: hãy kinh nghiệm ra là “chúng ta không muốn kinh nghiệm.” Chúng ta cần kinh nghiệm trong im lặng cái khó chịu, giận dữ, nỗi sợ mà chúng đang nằm tiềm ẩn phía dưới sự do dự này giữa hai đối cực. Đó là tu thiền chân chính, cầu nguyện chân chính, tu tập tôn giáo chân chính. Cuối cùng cơn giận (như là kinh nghiệm sinh lý) sẽ bắt đầu thay đổi cấp độ. Nếu chúng ta thật sự giận dữ, cấp độ thay đổi có thể cần thời gian vài tuần lễ hay vài tháng. Nhưng nếu chúng ta chịu thua cho cảm giác kinh nghiệm, nếu chúng ta “ôm lấy con cọp”, nó sẽ luôn luôn lồng lộng — bởi vì khi chúng ta là thực chất của kinh nghiệm, thì không có còn chủ thể và đối tượng nữa. Khi chủ thể và đối tượng thể nhập, cái chướng ngại của tư tưởng cảm giác biến mất và lần đầu tiên chúng ta có thể thấy rõ ràng. Khi chúng ta có thể thấy (rõ), chúng ta biết cái gì để làm. Những gì chúng làm sẽ không ngoài tình thương yêu và lòng bi mẫn. Cuộc sống đạo có thể thực sự trôi chảy từ đây.
Khi nào chúng ta không cảm thấy khoan dung và thương yêu, sự tu tập của chúng ta vẫn còn đang chờ đợi chúng ta ở đó. Nếu phần lớn thời gian mà chúng ta không cảm thấy rộng mở và thương cảm, thì chính ngay trong khoảng thời gian đó chúng ta nên thực hành một cách tỉ mỉ. Đó là đời sống của đạo; đó là “tôn giáo” — mặc dù chúng ta không phải dùng những từ ngữ này. Nó là sự hòa giải của con người và quan niệm phân cách của họ. Lập trường quan điểm của chúng ta về sự hòa giải là, nó nên như thế nào; là người khác nên ra sao, sự hòa giải về sự sợ hãi của chúng ta. Sự hòa giải của tất cả những thứ đó là kinh nghiệm — của cái gì? của Thượng đế? của tất cả như nó là? Đời sống đạo là một tiến trình của sự hòa giải, từng giây, từng giây một.
Mỗi lần chúng ta đi qua chướng ngại này, có gì đó thay đổi bên trong chúng ta. Thời gian đi qua chúng ta trở nên ít phân cách hơn. Nó thì không phải dễ, bởi vì chúng ta muốn bám víu vào những gì thân yêu: là phân cách, là tự phụ hay tự ti, là “người” trong quan hệ với thế gian. Dấu vết của sự tu tập nghiêm túc là trạng thái cảnh giác và nhận diện ra khi sự phân cách đó đang phát sinh. Thời gian ngắn chúng ta có một tư tưởng phán xét người khác phớt qua, thì ngọn đèn đỏ của tu tập nên bật lên ngay.
Tất cả chúng ta đều có làm vài hành động bất thiện, gây tổn hại dù là do vô ý thức. Nhưng chúng ta tu tập càng nhiều, chúng ta thấy rõ hơn về những gì chúng ta không thể thấy trước kia. Đó không có nghĩa là chúng ta sẽ thấy mãi mãi tất cả chúng — luôn luôn có nhiều điều chúng ta không thấy. Điều đó không có nghĩa là tốt hay xấu; đó chỉ là thực chất của đời sống.
Vậy tu tập thì không phải chỉ đi đến khóa tu học hay tọa thiền mỗi buổi sáng. Những thứ đó thì quan trọng, nhưng vẫn chưa đủ. Sức mạnh của sự tu tập và khả năng để truyền đạt sự tu tập của mình với người khác nằm ở trong mức độ sống của chúng ta. Chúng ta không phải cố gắng dẫn dạy hay làm thầy người khác. Chúng ta không cần phải nói một lời gì. Nếu sự tu tập của chúng ta kiên định, nó sẽ biểu lộ trong mọi thời. Chúng ta không phải nói hay chia sẽ về pháp; Pháp đơn giản là chúng ta như-nó-là.
Section 1.04 Sự Giác ngộ
Có người nói với tôi mấy ngày trước đây, “Thầy biết không, thầy không bao giờ nói gì về giác ngộ cả. Thầy có thể nói vài điều về nó không?” Cái vấn đề khi nói về “Giác ngộ” là, lời nói của chúng ta có khuynh hướng phác họa ra một hình ảnh về nó là cái gì — nhưng giác ngộ thì không phải là một hình ảnh, mà là sự tiêu hủy hoàn toàn tất cả những hình ảnh của chúng ta. Một đời sống sụp đổ thì không phải là những gì chúng ta mong đợi.
Nó có nghĩa là gì khi nói, sự tiêu hủy cái lề lối nhìn thường lệ về đời sống của chúng ta. Kinh nghiệm bình thường của tôi về cuộc sống là tâm điểm chung quanh bản thân mình. Sau hết, tôi kinh nghiệm những ấn tượng này đang tiến triển — tôi không thể có kinh nghiệm của bạn về đời sống của bạn. Tôi luôn luôn có nó của riêng tôi. Những gì không thể tránh khỏi xảy ra là, tôi đi đến niềm tin rằng có một cái “Tôi” ở ngay trung tâm đời sống của tôi, vì bởi kinh nghiệm về đời sống của tôi trông như xoay quanh cái “Tôi”. “Tôi” thấy, “Tôi” nghe, “Tôi” cảm giác, “Tôi” nghĩ, “Tôi” có quan niệm này. Chúng ta rất hiếm khi nghi vấn về cái “Tôi” này. Bây giờ trong trạng thái giác ngộ, không có cái “Tôi”; chỉ có thực chất của đời sống đơn giản, một nhịp rung của dòng năng lượng bất tận rất tự nhiên bao gồm — hay chính là — bất cứ thứ gì.
Quá trình tu tập thì bắt đầu để thấy ra tại sao chúng ta không nhận diện ra cái Chân tánh của mình; nó thì luôn luôn là định danh riêng biệt cho thân và tâm của riêng ta, cái “Tôi”. Để nhận ra cái trạng thái chân thật của giác ngộ, chúng ta phải thấy cái sai lầm này và tiêu hủy nó. Con đường tu tập là đi khoan thai ngược lại dòng cuốn say sưa tầm thường của cuộc sống.
Giai đoạn đầu của tu tập là để thấy rằng cuộc sống của tôi là thế giới hoàn toàn đang luôn xoay quanh bản thân tôi: “Vâng! tôi có những Quan niệm Tự ngã , tôi có những Tư tưởng Tự ngã, tôi có những Cảm giác Tự ngã… Tôi, Tôi, Tôi có tất cả những thứ này từ sáng cho đến tối.” Chỉ có được sự nhận thức này, tự nó đã là một bước thay đổi lớn trong cuộc đời rồi.
Giai đoạn kế tiếp (và những giai đoạn này có thể cần nhiều năm) là quan sát những gì chúng ta làm với tất cả những tư tưởng, tưởng tượng, và tình cảm; những thứ mà chúng ta luôn luôn bám víu vào chúng, yêu thích chúng, tin tưởng rằng chúng ta sẽ khốn khổ và lạc lõng khi không có chúng. “Không có người đó tôi sẽ bơ vơ; ngoại trừ khi tình trạng này xảy ra theo ý tôi muốn, tôi không thể nào sống được.” Nếu chúng ta đòi hỏi là đời sống phải diễn ra theo một chiều hướng nào đó, chúng ta đau khổ là một điều không thể nào tránh được — vì đời sống thì luôn luôn thay đổi như-nó-là, và không luôn luôn công bằng, không luôn luôn thú vị. Đặt biệt là, đời sống chừng như không luôn luôn vận chuyển theo chiều hướng chúng ta muốn, nó chỉ là nó vậy thôi, có đường lối vận hành riêng của nó. Nó không cần làm khó không cho chúng ta hưởng dụng nó, cũng không sự cảm kích hay lòng biết ơn của chúng ta đối với nó.
Chúng ta giống như những con chim non, ngồi trong tổ đợi chờ chim mẹ và chim cha đặt thức ăn vào miệng cho mình. Điều đó thì thích hợp cho những chim non, vì mẹ và cha cần có thêm tự do để bay vòng vòng cả ngày. Chúng ta có thể nghĩ là chúng ta không ganh tỵ với đời sống của chim non; nhưng chúng ta lại làm những hành động mà chúng đang làm, kỳ vọng đời sống đặt một ít điều tốt vào miệng của mình: “Tôi muốn nó thế này; tôi muốn cái tôi muốn; tôi muốn bạn gái của tôi khác hơn; tôi muốn mẹ của tôi làm hài lòng tôi; tôi muốn sống nơi tôi thích; tôi muốn tiền hay thành công hay…” Chúng ta giống như những chim non chỉ khác là chúng ta biết giấu vím lòng tham lam của mình còn chúng thì không.
Trong phim tài liệu về thiên nhiên nói về phương cách loài gấu nuôi dưỡng cho con khôn lớn. Con gấu mẹ chỉ dạy cho những gấu con của mình cách săn, bắt cá, leo trèo, những điều mà gấu con cần phải học để sinh tồn. Rồi một ngày, gấu mẹ rượt tất cả các gấu con chạy lên cây. Kế đó gấu mẹ làm gì? Gấu mẹ lìa xa chúng và không bận lòng nhìn trở lại! Những gấu con cảm thấy thế nào về sự kiện này? Có lẽ chúng rất sửng sờ nhưng con đường của tự do thì rất lấy làm đáng kinh sợ.
Tất cả chúng ta đều là chim non hay gấu con, và chúng ta muốn tìm một phần nhỏ cuộc sống của người mẹ để bám chặc vào — hay nhất là trong 18 cách khác nhau, nhưng ít nhất là một cách. Không ai trong chúng ta ước muốn nhảy ra khỏi cái tổ của mình bởi vì đó là điều kinh sợ. Nhưng quá trình để trở nên hoàn toàn độc lập (hay để kinh nghiệm rằng chúng ta đã sẳng sàng tự lập) thì thật là kinh hoàng, hết lần này sang lần khác. Chúng ta phản kháng lại trạng thái được tự do, đối kháng lại sự từ bỏ ước mơ của mình là, cuối cùng đời sống sẽ đúng như là chúng ta mong ước, là nó sẽ bảo vệ chúng ta; đó là lý do tại sao tu tập trông ra thật là khó khăn. Tu thiền là giải phóng mình để sống một đời sống tự tại, trong đó có tự do, không vướng mắc, là một trạng thái giác ngộ — chỉ là bản chất của đời sống.
Trong năm đầu tiên của tu tập, chúng ta tọa thiền để hiểu quá trình bị trói buộc của mình trên bình diện thô thiển; rồi theo thời gian, chúng ta tu tập với những vướng chấp ở mức độ vi tế hơn (và độc hại hơn). Tu tập là việc làm cho cả đời người, không có đoạn cuối. Nhưng nếu chúng ta thật sự tu tập chúng ta chắc chắn nhận thức ra tự do riêng của mình. Một con gấu con xa lìa gấu mẹ trong hai hay ba tháng có thể không có khả năng và sức mạnh như gấu mẹ, nhưng vẫn có thể sống tốt và có lẽ hưởng thụ đời sống hơn là con gấu con còn lẽo đẽo theo sau lưng gấu mẹ bất cứ nơi nào mẹ nó đến.
Tọa thiền mỗi ngày là điều không thể thiếu; nhưng bởi vì chúng ta quá cứng đầu chúng ta thường cần có áp lực của cơn ngồi lâu để thấy những vướng chấp của mình. Ngồi một khóa tu dài là một cú đánh mạnh vào những hy vọng và giấc mơ của chúng ta, vào những chướng ngại đi tới sự giác ngộ. Để nói rằng, không có hy vọng gì cả thì không bi quan tí nào. Có thể là, không hy vọng bởi vì không có gì cả ngoài phút giây hiện tại. Khi chúng ta hy vọng, chúng ta lo âu để rồi chúng ta bị lạc lõng giữa nơi chúng ta đang là và nơi chúng ta hy vọng vào. Không có hy vọng (không chấp vướng, trạng thái giác ngộ) là một đời sống của không nhất định, của bình thản, của tư tưởng chân thật và xúc cảm. Nó là quả ngọt của sự tu tập chân chính đưa đến, luôn luôn có ích cho bản thân và cho người khác, đáng giá cho sự đòi hỏi hy sinh, tu tập vô tận trong suốt quá trình cần phải có.