- Mục Lục
- Lời Tựa Của Thượng Tọa Chaokhun
- Lời Giới Thiệu Của Giáo Sư Paul Demie’ville
- Lời Nói Đầu Của Tác Giả Hòa Thượng Tiến Sĩ W. Rahula
- Lời Của Người Dịch
- Bảng Viết Tắt
- Chương I Thái Độ Tinh Thần Của Phật Giáo
- Chương Ii Tứ Diệu Đế
- Chương Iii Diệu Đế Thứ Hai
- Chương Iv Diệu Đế Thứ Ba
- Chương V Diệu Đế Thứ Tư
- Chương Vi Học Thuyết Về Vô Ngã
- Chương Vii Thiền: Sự Tu Dưỡng Tâm
- Chương Viii Những Điều Phật Đã Dạy & Thế Giới Ngày Nay
- Chương Ix Một Số Kinh Quan Trọng
- Chương X Tam Tạng Kinh Nguyên Thủy
Nguyên tác: What The Buddha Taught
H.T Tiến Sĩ Walpola Rahula
Người dịch: Lê Kim Kha
Nhà xuất bản: Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh 2011
Quyển sách này trình bày về Phật giáo bằng một tinh thần hiện đại bởi một trong những đại diện uyên bác của Phật giáo, một cao tăng ngộ đạo. Hoà thượng Tiến sĩ W. Rahula đã tự học tại Tích-Lan và đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong một tu viện hàng đầu (Tu viện Pirivena) ở đảo quốc này, nơi mà Giáo pháp của Đức Phật đã được truyền bá vào thời vua Asoka và được giữ nguyên vẹn bản sắc của truyền thống đó cho đến tận hôm nay. Dù vậy, sau khi được trưởng thành trong truyền thống tự học đó và để thích ứng với yêu cấu đối diện với tinh thần mới và những phương pháp nghiên cứu mang tính khoa học của quốc tế, Ngài theo học ở trường đại học Tích-Lan, rồi lấy bằng Cử Nhân Danh Dự (ở London), và sau đó lấy bằng Tiến sĩ Triết học tại Đại học Tích-Lan với Luận án uyên thâm về “Lịch sử Phật Giáo của Tích Lan”.
Ngài đã làm việc cùng với những giáo sư danh tiếng ở Đại học Calcutta, Ấn Độ và có tiếp cận mật thiết với Phật giáo Đại Thừa, vốn là trường phái Phật giáo hiện hành từ Tây Tạng đến các nước Viễn Đông. Ngài đã quyết định đi vào nghiên cứu qua văn hệ Tây Tạng và Trung Hoa để mở rộng tầm hiểu biết thấu đáo của mình và Ngài đã hân hạnh đến trường Đại Học Paris (Sorbonne) của chúng tôi để thực hiện một nghiên cứu về Ngài Asanga (Vô Trước) - nhà triết học nghiên cứu lỗi lạc của Phật giáo Đại Thừa vốn được truyền tụng bằng tiếng Phạn mà những tác phẩm chính bằng tiếng Phạn đã bị thất lạc - và phải thực hiện nghiên cứu thông qua những bản dịch bằng tiếng Tây Tạng và Trung Hoa. Từ đó đến nay (1958-ND) đã tám năm kể từ khi Tiến Sĩ Rahula đến với trường chúng tôi, trong cà-sa, y vàng, hít thở không khí ở Trời Tây, sưu tầm nghiên cứu trong “Ngàn năm gương cũ soi Kim Cổ” để tìm trong dòng “gương cũ” đó ánh sáng phản chiếu phổ quát bao trùm của Phật pháp.
Quyển sách này, Ngài nhờ tôi phổ cập ra các nước phương Tây, là một tác phẩm trình bày sáng tỏ về những nguyên lý nền tảng và cốt lõi của học thuyết Phật giáo vốn được tìm thấy trong các Văn bản Kinh cổ xưa, hay được gọi là ‘Kinh A Hàm’ (Agamas) bằng tiếng Phạn (gồm 4 bộ là: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, và Tạp A Hàm) và trong Tam Tạng Kinh (Tipitaka) bằng tiếng Pali (gồm 5 bộ là: Kinh Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi Bộ, Tương Ưng Bộ và Tiểu Bộ). Tiến sĩ Rahula là người có kiến thức vô song về những tạng Kinh nguyên thủy này.
Phật giáo đã được lưu truyền, diễn dịch khác nhau qua nhiều thế kỷ và nhiều vùng rộng lớn khác nhau. Nhưng Phật giáo ở đây được trình bày bởi Tiến sĩ Rahula trong quyển sách này – đầy tính nhân văn, hợp lý và rất khoa học – được củng cố vững chắc bởi rất nhiều bằng chứng chính thống của các Kinh tạng nguyên thủy, những trích dẫn từ Kinh tạng gốc đó đã tự nói lên tất cả, cứ như Ngài chỉ phải đọc lại hộ chúng ta nghe mà thôi.
Trong khi giảng giải Ngài dựa vào các trích dẫn bằng lời dịch thuật nghĩa từ và nghĩa ý một cách chính xác, rất rõ ràng, đơn giản, trực tâm và không hề làm ra vẻ thông thái, khách sáo. Một số giảng giải có thể cần thảo luận thêm, đó là lúc mà Ngài muốn khám phá lại triết lý Phật giáo Đại Thừa từ trong Kinh nguyên thủy tiếng Pàli. Và với sự quen thuộc với nguồn Kinh tạng Pali này đã giúp Ngài mang lại một nguồn ánh sáng mới cho nó.
Ngài thể hiện mình là một người hiện đại, nhưng ngài cố gắng tránh những so sánh, đối đãi này nọ với các dòng tư tưởng khác của thế giới đương đại. Xin dành cho độc giả sẽ đánh giá cao tính hiện đại, khả năng ứng dụng của một học thuyết (Phật giáo) từ trong tác phẩm học thuật này, với những giảng giải giàu tính nguyên thủy nhất mà Ngài đã trình bày.
Giáo sư Paul Demie’ville