- Mục Lục
- Lời Tựa Của Thượng Tọa Chaokhun
- Lời Giới Thiệu Của Giáo Sư Paul Demie’ville
- Lời Nói Đầu Của Tác Giả Hòa Thượng Tiến Sĩ W. Rahula
- Lời Của Người Dịch
- Bảng Viết Tắt
- Chương I Thái Độ Tinh Thần Của Phật Giáo
- Chương Ii Tứ Diệu Đế
- Chương Iii Diệu Đế Thứ Hai
- Chương Iv Diệu Đế Thứ Ba
- Chương V Diệu Đế Thứ Tư
- Chương Vi Học Thuyết Về Vô Ngã
- Chương Vii Thiền: Sự Tu Dưỡng Tâm
- Chương Viii Những Điều Phật Đã Dạy & Thế Giới Ngày Nay
- Chương Ix Một Số Kinh Quan Trọng
- Chương X Tam Tạng Kinh Nguyên Thủy
Nguyên tác: What The Buddha Taught
H.T Tiến Sĩ Walpola Rahula
Người dịch: Lê Kim Kha
Nhà xuất bản: Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh 2011
Chương I
Thái Độ Tinh Thần Của Phật Giáo
Trong tất cả những người sáng lập tôn giáo thì Đức Phật (nếu chúng ta được phép gọi Người là ‘người sáng lập một tôn giáo’ theo nghĩa thông thường của từ này) là người thầy duy nhất không tự cho mình là ai hơn là một con người bình thường, một người trong sạch và giản dị. Những người thầy (đạo sư) khác đều tự cho mình là Chúa, Trời hoặc là hiện thân của Chúa, Trời hoặc là hóa thân của đấng sáng tạo như thế.
Đức Phật không những chỉ là một con người bình thường mà Người còn tuyên bố là không đại diện cho Chúa Trời hay một đấng sáng tạo hay một thế lực siêu nhiên bên ngoài nào cả. Người đã đạt được sự chứng ngộ chân lý bằng những nỗ lực và trí tuệ cá nhân của một con người. Một người, và chỉ có thể là con người, mới có thể trở thành Người Giác Ngộ, trở thành Phật. Mọi người đều có tiềm năng để trở thành một người giác ngộ, một vị Phật, nếu bản thân người đó quyết tâm và nỗ lực. Chúng ta có thể gọi Đức Phật là một Người xuất chúng, Người là một người hoàn thiện về phẩm chất ‘nhân văn’.
Theo Đức Phật, con người là ở vị trí thượng đẳng. Con người chính là chủ nhân của chính mình, và không có một đấng cao siêu hay một thế lực quyền năng nào cao hơn để phán xét hay định đoạt vận mệnh của con người.
Đức Phật đã dạy: “Chính mọi người là nơi nương tựa của chính mình, còn ai khác là chỗ nương tựa của mình?”[1]. Người đã khuyên răn các đệ tự của mình rằng: “Hãy là chỗ dựa của chính bản thân mình” và “không nên đi tìm sự giúp đỡ hay nương tựa ở người khác”[2]. Người đã thuyết giảng, khuyên bảo và kích thích các học trò phải tự mình giải thoát cho mình vì mọi người đều có khả năng để giải thoát mình khỏi những ràng buộc, dính mắc bằng nỗ lực và trí tuệ cá nhân. Đức Phật dạy rằng: “Các thầy hãy tự làm những việc của mình, còn Như Lai[3] chỉ giảng dạy cách làm”[4]. Nếu Đức Phật được gọi là ‘đấng cứu thế’ đi chăng nữa, thì điều đó cũng chỉ có nghĩa là Người đã tìm ra con đường đi đến sự Giải thoát, con đường đi đến Niết-bàn. Nhưng mỗi chúng ta phải tự bước đi trên con đường đó.
Chính vì sự đề cao nỗ lực và trách nhiệm cá nhân trong vấn đề tu tập, mà Đức Phật luôn cho phép các học trò được tự do. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật nói rằng Người không bao giờ nghĩ rằng Người kiểm soát Tăng đoàn[5] hoặc muốn rằng Tăng đoàn phải phụ thuộc vào Người. Người nói rằng không có một triết lý bí truyền trong giáo pháp của mình hoặc không có điều gì còn giữ trong nắm tay của người thầy (acariya-mutthi), hoặc nói cách khác, chẳng có điều gì ‘còn giấu trong tay áo’ của người thầy.[6]
Thông thường không có nhiều sự tự do tưởng như vậy trong các tôn giáo khác. Theo Đức Phật, sự tự do như vậy là rất cần thiết cho sự tu tập của mọi người, bởi vì sự giải thoát cua một người là hoàn toàn phụ thuộc vào sự chứng ngộ Chân Lý của người ấy, chứ không phụ thuộc vào ân huệ được ban cho một tín đồ chỉ vì nghe theo giáo điều của một đấng toàn năng hoặc thế lực siêu nhiên nào đó.
Một lần nọ Đức Phật ghé thăm một thị trấn nhỏ tên là Kesaputta thuộc vương quốc Kosala. Dân ở đây được gọi tên chung là những người Kalama. Khi nghe tin Đức Phật đang ở trong thị trấn, những người Kalama đến thăm Người và thưa rằng:
“Thưa Ngài, có một số ẩn sĩ và Bà-la-môn đến thăm Kesaputta. Họ diễn giải và biểu dương những giáo thuyết của họ, và cùng lúc họ chỉ trích và bài bác những giáo thuyết của người khác. Và rồi lại có những nhóm ẩn sĩ và Bà-la-môn khác cũng đến, và đến phiên họ cũng diễn giải và biểu dương những giáo thuyết của họ và cùng lúc họ chỉ trích và bài bác những giáo lý của người khác. Nhưng đối với chúng tôi, thưa Ngài, chúng tôi luôn luôn nghi ngờ và hoang mang không biết rằng trong số những ẩn sĩ và Bà-la-môn đáng kính đó ai nói đúng lẽ thật và ai nói sai lẽ thật”.
Nghe vậy, Đức Phật đưa ra một số lời khuyên, lời khuyên khách quan duy nhất tìm thấy trong lịch sử các tôn giáo, như sau:
- “Này hỡi các người Kalama, các người có nghi ngờ và hoang mang là điều hợp lý thôi, bởi vì sự nghi ngờ khởi lên từ một vấn đề còn đáng nghi ngờ. Này hỡi những người dân Kalama, đừng bao giờ bị dẫn dắt bởi những lời thuật lại, hay bởi những truyền thống hoặc những lời đồn đại. Đừng để bị dẫn dắt bởi những ảnh hưởng của những kinh kệ, bởi những lý luận suy diễn, hay bởi những hình thức bề ngoài, hoặc bởi những ý thích đưa ra những ý kiến đoán mò, hay bởi những khả năng nhìn có vẻ hợp lý, hay bởi ý nghĩ: “Đây là thầy ta”. Nhưng này những người Kalama, khi nào các người tự mình biết rõ những việc gì là không lành mạnh (akusala), và sai trái, và xấu xa, thì hãy từ bỏ chúng …Và khi các người tự mình biết rõ những điều gì là lành mạnh (kusala), là thiện và tốt thì hãy chấp nhận những điều đó và làm theo chúng”.[7]
Đức Phật thậm chí còn nói xa hơn nữa. Người còn bảo các Tỳ Kheo rằng một môn đệ cần phải xét đoán ngay cả Như Lai (tức Đức Phật), để có thể hoàn toàn tin chắc giá trị đúng đắn của vị thầy mà mình đang theo.[8] Theo giáo lý của Đức Phật, nghi ngờ hay hoài nghi (vicikiccha) là một trong 5 Chướng Ngại (Nivarana)[9], (còn gọi là 5 Triền Cái hay Ngũ Cái), là sự cản trở cho sự hiểu rõ Chân lý và tiến bộ về tâm linh (và cho bất cứ sự tiến bộ nào).
Nghi ngờ, tuy nhiên, không phải là một dạng ‘tội lỗi’, bởi vì không hề có ‘điều khoản’ về ‘đức tin’ trong Phật Giáo. Thật ra, không có gì gọi là ‘tội lỗi’ trong Phật giáo giống như kiểu ‘tội lỗi’ được hiểu trong những tôn giáo khác. Cội rễ mọi điều xấu ác là do Vô Minh (avijja) và những Quan điểm sai lạc (tà kiến, miccha-ditthi) gây ra. Một điều không thể chối cãi là, nếu còn nghi ngờ, hoang mang, do dự thì không thể nào có tiến bộ được. Nhưng một điều song song cũng không thể chối cãi được là chắc chắn phải có sự nghi ngờ một khi người ta không hiểu được, không thấy được lẽ thật rõ ràng. Nhưng để tiến bộ thì một điều tuyệt đối cần thiết là phải dẹp bỏ nghi ngờ. Để đã dẹp bỏ nghi ngờ thì người đó phải thấy được vấn đề một cách rõ ràng.
Không có lý do nào nói rằng một người không nên nghi ngờ hoặc nên tin tưởng vào một điều gì. Chỉ nói là ‘Tôi tin’ không có nghĩa là bạn đã hiểu và thấy. Khi một học sinh đang cố giải một bài toán, cậu ta chắc chắn sẽ đến giai đoạn không còn biết giải tiếp bằng đường nào và chính lúc đó cậu ta có nghi ngờ và hoang mang. Một khi cậu ta còn nghi ngờ, cậu ta không thể tiếp tục giải tiếp bài toán. Nếu cậu ta muốn giải tiếp bài toán, cậu ta phải giải quyết mọi nghi ngờ đó. Và chắc chắn có nhiều cách để giải quyết sự nghi ngờ đó. Nếu chỉ nói ‘Tôi tin’, hoặc ‘Tôi không nghi ngờ’ thì sẽ chẳng giải quyết được vấn đề. Việc bắt ép bản thân mình tin và chấp nhận một điều gì mà mình không hiểu biết thì đó là thái độ mang tính ‘bị động hay chủ động theo hoàn cảnh’ chứ không phải thái độ về tâm linh hay về trí tuệ.
Đức Phật luôn luôn cố gắng xua tan đi những hoài nghi của mọi người. Thậm chí ngay khi sắp từ giã trần gian, Đức Phật đã nhiều lần yêu cầu các môn đệ đặt những câu hỏi nếu vẫn còn nghi ngờ gì về giáo lý của Người, hoặc nếu không hỏi, sau này họ sẽ thấy hối tiếc vì những mối nghi ngờ đó vẫn chưa được đáp ứng rõ ràng. Nhưng các học trò đều im lặng. Khi ấy Đức Phật nói một lời rất cảm động: “Nếu chỉ vì sự tôn trọng dành cho Người Thầy mà các thầy không muốn hỏi điều gì, mỗi người hãy để bạn nói với bạn”[10] - (tức là, các thầy nhờ hay nói với bạn của mình để bạn của mình đặt câu hỏi giùm cho mình).
Không phải chỉ riêng vấn đề tự do tư tưởng, sự bao dung của Đức Phật cũng phải làm cho những người nghiên cứu lịch sử tôn giáo cũng phải ngạc nhiên. Một lần nọ ở Nalanda, một người xuất chúng và giàu có tên Upali, ông là một đồ đệ nổi danh của phái Nigantha (Ni-kiền-tử) thuộc Kỳ-na-giáo của Jaina Mahavira, được biết là do chính Mahavira cử đến gặp đức Phật để tranh luận và bài bác vài điểm trong thuyết “Nghiệp Báo” (Karma), bởi vì quan điểm của đức Phật về vấn đề này khác với quan điểm của Mahàvìra.[11]
Trái với sự mong đợi của họ, sau khi thảo luận, Upali đã được thuyết phục rằng những quan điểm của Đức Phật về vấn đề này là đúng lẽ thật và những luận điểm của thầy ông là sai. Vì vậy, ông xin Đức Phật chấp nhận ông là một đệ tử tại gia (Ưu-bà-tắc). Tuy nhiên, Đức Phật vẫn khuyên ông nên cân nhắc lại thật kỹ lưỡng, chớ nên vội vã, bởi vì “cân nhắc một vấn đề một cách thận trọng là điều tốt cần phải làm đối với một người nổi tiếng như ông”. Khi Upali trình bày ước muốn của mình một lần nữa, Đức Phật khuyên ông sau này phải tiếp tục tôn trọng và ủng hộ vị đạo sư kia của mình như ông đã từng làm.[12]
Vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, Hoàng Đế Phật tử A-Dục-Vương (Asoka) của Ấn Độ, đã theo gương Đức Phật về sự bao dung và đã cảm thông, tôn vinh, kính trọng và ủng hộ tất cả những tôn giáo khác trong đế chế rộng lớn của ông. Trong một tuyên bố được ông cho khắc trên cột đá, mà nguyên bản gốc còn được đọc hôm nay, vị Hoàng Đế tuyên bố rằng:
“Người ta không nên chỉ kính trọng tôn giáo của riêng mình và bài bác những tôn giáo của kẻ khác, mà phải kính trọng tôn giáo kẻ khác vì lý do này hay lý do khác. Như thế ta có thể làm cho tôn giáo mình phát triển và giúp đỡ các tôn giáo khác nữa. Nếu không, tức là ta đã đào huyệt chôn chính tôn giáo của mình, và còn làm hại các tôn giáo khác. Kẻ nào chỉ kính trọng tín ngưỡng của mình và bài xích những tín ngưỡng khác, thực ra họ đã làm thế vì sùng kính tín ngưỡng của riêng mình, nghĩ rằng: "Tôi sẽ làm rạng danh tôn giáo của tôi". Nhưng trái lại, khi làm thế họ đã làm tổn thương tôn giáo mình một cách trầm trọng hơn nữa. Bởi thế sự hòa hảo là tốt đẹp: mọi người nên lắng nghe, và có thiện chí lắng nghe những lý thuyết mà người khác đề xướng.”[13]
Ở đây, ta cũng nên thêm rằng tinh thần hiểu biết cảm thông ấy ngày nay cần được áp dụng, không những chỉ trong vấn đề lý thuyết tôn giáo, mà còn ở trong những lĩnh vực khác nữa.
Tinh thần bao dung, thông cảm ấy từ khởi thủy đã là một trong những lý tưởng được yêu chuộng nhất trong văn hóa và văn minh Phật giáo. Đó là lý do tại sao không hề có một ví dụ nào về sự tương tàn hoặc đổ máu nào trong lịch sử mọi người theo và truyền bá Phật giáo suốt hơn 2.500 năm. Phật giáo được phát triển một cách thanh bình ở các lục địa ở Châu Á và hiện nay có trên 500 triệu Phật tử (con số vào năm 1958, khi tác giả viết quyển sách này -ND). Bạo động, dưới bất cứ hình thức nào, lý lẽ nào, cũng đều tuyệt đối trái ngược với giáo lý đức Phật.
Một câu hỏi vẫn thường được đặt ra là liệu: Phật giáo có phải là một tôn giáo hay không hay là một triết học? - Thật ra gọi tên là gì cũng chẳng quan trọng. Phật giáo chỉ là Phật giáo, cho dù bạn có gắn nhãn hiệu nào lên cho nó. Nhãn hiệu cũng chẳng mang đúng nghĩa gì về bản chất. Ngay cả cái nhãn “Phật giáo” mà chúng ta đặt cho những lời dạy, giáo lý của Đức Phật cũng không quan trọng lắm. Cái tên người ta đặt không phải là cốt lõi của tất cả.
Điều gì trong một cái tên? Sao ta gọi em là hoa hồng Hay dù gọi tên gì, thì mùi hương vẫn ngọt ngào như vậy.
Cũng như vậy, Lẽ Thật hay Chân Lý không cần nhãn hiệu: cho dù Lẽ Thật đó thuộc về Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo hay Hindu giáo. Nó không thuộc về sự độc quyền của ai hết. Những nhãn hiệu giáo phái chỉ là những cản trở cho sự hiểu biết độc lập về Chân Lý, về Lẽ Thật và chúng tạo ra những thành kiến, thiên kiến tai hại trong tư tưởng của con người.
Điều này đúng không những trong những vấn đề về trí tuệ và nhận định tâm linh, mà còn đúng trong những quan hệ của con người. Ví dụ, khi ta gặp một người, ta không bao giờ nhìn anh ta như đúng một con người, mà chúng ta lập tức dán nhãn hiệu cho anh ta như là người Anh, người Pháp, người Đức, người Mỹ hoặc người Do Thái, và bắt đầu nghĩ về anh ta với những định kiến thuộc về nhóm cái nhãn hiệu mà chúng ta gắn cho anh ta. Nhưng có thể anh ta hoàn toàn chẳng có một thuộc tính nào mà chúng ta đã gắn cho anh ta.
Con người vốn ưa thích những nhãn hiệu phân biệt, đến nỗi họ đặt cả tên những nhãn hiệu ấy lên trên những đức tính và cảm xúc mà mọi người đều có. Họ nói đến những "loại" tình bác ái khác nhau, chẳng hạn: Bác ái Phật giáo hay Bác ái Tin Lành, và khinh thường những ‘nhãn hiệu’ bác ái khác. Nhưng lòng bác ái không thể thuộc về giáo phái, nó không thuộc về Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hindu giáo hay Hồi giáo. Tình thương của một bà mẹ đối với con không thuộc về Phật giáo hay Thiên Chúa giáo: đó là tình mẹ. Những đức tính và cảm xúc của con người như tình yêu, bác ái, từ bi, khoan hồng, nhẫn nhục, tình bạn, ham muốn, thù hận, ác tâm, ngu dốt, tự phụ…v.v… không cần đến những nhãn hiệu tông phái, chúng không thuộc riêng một tôn giáo nào cả.
Đối với một người đi tìm Chân Lý, thì tư tưởng hay lẽ thật có được từ đâu là không quan trọng. Để hiểu biết nguồn gốc và sự phát triển của những tư tưởng thì thuộc về lĩnh vực nghiên cứu của học giả hàn lâm. Còn thật ra, để hiểu biết về Chân Lý thì không nhất thiết phải cần biết Chân Lý đó được giảng dạy từ Đức Phật hay từ bất cứ ai khác.
Điều cốt lõi là “thấy” được sự việc và hiểu biết rõ nó. Có một câu chuyện quan trọng trong Trung bộ Kinh (Majjhima-Nikàya, Kinh số 140) đã minh họa cho điều này.
Một hôm, Đức Phật ở lại đêm trong xưởng một người thợ làm đồ gốm. Cũng ở trong xưởng đó, có một ẩn sĩ cũng vừa mới đến trước đó không lâu[14]. Họ không biết nhau. Đức Phật nhìn tướng mạo vị ẩn sĩ này thầm nghĩ: “Lành thay cách thức của vị trẻ tuổi này. Chắc sẽ có điều hay khi ta hỏi thăm về anh ta”. Rồi Đức Phật hỏi anh ta:
- “Này Tỳ Kheo[15], vì ai mà anh phải xuất gia tu hành? Hay ai là Thầy của anh? Hay giáo thuyết nào anh thích?”.
Vị ẩn sĩ trẻ trả lời rằng:
- “Này ‘bạn hữu’, có một ẩn sĩ tên Cồ-Đàm, một người thuộc dòng họ Thích-Ca, người đã rời bỏ họ tộc Thích-Ca để trở thành một ẩn sĩ. Tiếng tăm về người ấy đã lan rộng khắp nơi rằng người ấy là một A-la-hán, một bậc Toàn Giác”(giác ngộ hoàn toàn). Và vì nhân danh Đức Thế Tôn ấy, tôi trở thành một ẩn sĩ. Ngài ấy chính là Thầy của tôi, và tôi thích giáo thuyết của Người”.
- “Vậy thì bậc Thế Tôn, bậc A-la-hán, bậc Toàn Giác đó hiện đang sống ở đâu?”
- “Này bạn hữu, ở những xứ sở phương Bắc có một thành phố được gọi là Savatthi. Đó là nơi mà bậc Thế Tôn, bậc A-la-hán, bậc Toàn Giác đó hiện đang sống”.
- “Anh có bao giờ gặp được Thế Tôn đó chưa? Liệu anh có nhận ra người đó nếu bạn đã gặp người đó?
- “Tôi chưa từng gặp bậc Thế Tôn đó. Vì vậy, tôi không thể nhận ra vị ấy được”.
Đức Phật nhận thấy rằng chỉ vì nghe tên của Người mà chàng trai trẻ vô danh này đã rời bỏ gia đình và trở thành một ẩn sĩ. Tuy nhiên, không cần cho biết danh tánh của mình, Người nói:
- “Này Tỳ Kheo, Ta sẽ dạy cho anh một học thuyết. Hãy chú tâm mà lắng nghe. Ta sẽ nói đây”.
- “Rất tốt, thưa bạn hữu”, chàng trai trẻ liền đồng ý ngay.
Sau đó Đức Phật giảng giải cho anh ta một bài giảng rất quan trọng về Chân Lý, Lẽ Thật của thế gian.
(Cốt lõi của bài giảng này sẽ được trình bày ở Chương sau).[16]
Sau khi kết thúc bài giảng này, vị ẩn sĩ trẻ kia, tên là Pukkusàti, liền nhận ra người vừa thuyết giảng cho anh ta chính là Đức Phật. Anh ta liền đứng dậy, đi về phía Đức Phật, quỳ xuống chân của người Thầy và tạ lỗi với Người vì đã gọi Đức Phật là “bạn hữu”[17] một cách vô tình. Sau đó, anh xin Đức Phật cho anh ta quy y và chấp nhận anh ta vào Tăng đoàn.
Đức Phật hỏi anh ta đã có sẵn y bát chưa. (Một Tỳ kheo phải có 3 y và 1 bình bát để đi khất thực). Khi Pukkusàti trả lời không có, Đức Phật bảo rằng những đức Như Lai (Tathàgatas) sẽ không thọ ký cho một người nào nếu họ không có sẵn y, bát. Bởi thế Pukkusàti ra đi tìm y và bát, nhưng rủi thay dọc đường anh ta bị bò húc chết.[18]
Về sau khi tin buồn ấy đến tai đức Phật, Người bảo các môn đệ rằng Pukkusàti là một người khôn ngoan, trí tuệ, đã thấy được Chân Lý và đã đạt đến giai đoạn gần cuối trên đường thực chứng Niết-bàn, và được tái sinh vào một cõi, ở đấy người ấy sẽ tu trở thành một vị A-la-hán[19] và cuối cùng chết để không bao giờ phải trở lại thế gian này.[20]
Câu chuyện trên cho ta thấy rõ là khi Pukkusàti lắng nghe Đức Phật giảng dạy và hiểu rõ được lời dạy của Người, hiểu rõ Lẽ Thật, dù anh ta không biết người đang nói với mình là ai, hay đấy là giáo lý của ai. Anh ta đã thấy được chân lý. Nếu thuốc tốt thì bệnh sẽ lành. Không cần thiết phải biết ai làm nên vị thuốc ấy hay thuốc từ đâu mà có.
Hầu hết các tôn giáo khác đều được xây dựng trên ‘đức tin‘ (tín ngưỡng), thậm chí như là đức tin mù quáng. Đạo Phật nhấn mạnh vào sự ‘thấy’, sự ‘biết’, sự ‘hiểu rõ’, chứ không dựa vào ‘đức tin’ hay đơn giản chỉ là sự tin, lòng tin. Trong văn hệ Phật giáo, có một từ là “saddha” (tiếng Phạn: sraddha) thông thường được dịch là ‘đức tin’ hay ‘lòng tin’. Nhưng thật ra saddha không có nghĩa là một ‘đức tin’ như vậy, mà mang nghĩa “sự tin chắc”, “tự tin” chứ không phải do quy kết vội vàng mà tin.
Cũng phải thừa nhận rằng, trong Phật học, cũng như trong cách dùng bình thường của từ saddha, cũng có một yếu tố của ‘đức tin’ theo nghĩa diễn tả về “lòng tin” của Phật tử về Phật, Pháp, Tăng (Đức Phật, Giáo pháp (của đức Phật) và Tăng đoàn - hay còn gọi là Tam Bảo).
Theo ngài Asanga (Vô Trước), một triết gia Phật giáo lỗi lạc ở thế kỷ thứ 4 trước C.N, từ sraddha có 3 nghĩa: (1) sự quy kết đầy đủ và chắc chắn về một điều gì đó, (2) sự an lạc do có những phẩm chất tốt, và (3) ý chí hoặc ước muốn sắp được một điều gì đó.[21]
Tuy nhiên, nếu đặt từ sraddha theo nghĩa ‘đức tin’ hay ‘lòng tin’ theo kiểu những tôn giáo khác thì thật sự rất ít liên quan hay giống với nghĩa “tự tin” hay “tín” trong Phật giáo của nó.[22]
Vấn đề của sự tin, lòng tin về một điều gì khởi lên là khi chưa ‘thấy’ được điều đó, thấy ở đây là thấy theo mọi nghĩa thông thường của từ này. Ngay lúc bạn thấy được, thì vấn đề tin hay hay không tin tự nhiên biến mất. Nếu tôi nói với bạn rằng tôi đang có một viên ngọc giấu trong nắm tay của tôi, vấn đề của sự tin sẽ khởi lên trong đầu bạn là có đúng hay không, bởi vì bạn chưa thấy được chắc là có viên ngọc trong tay tôi hay không. Bạn nghĩ có hay không là thuộc về vấn đề bạn tin hay không mà thôi. Nhưng nếu tôi mở bàn tay ra và cho bạn xem viên ngọc, thì bạn sẽ chính mắt mình thấy được nó, ngay lập tức vấn đề tin hay không tin không còn nữa, vì bản thân bạn đã “tự tin” chắc là có viên ngọc trong tay tôi. Một đoạn ngữ văn của tạng Kinh cổ xưa có ghi rằng: “Sự chứng ngộ (tức biết & thấy) như một người thấy viên ngọc (hay trái myrobalan) trong nắm tay”.
Một đệ tử của Đức Phật tên là Musila bảo với một tu sĩ khác:
“Này đạo hữu Savitta, không phải bằng sự dâng hiến, đức tin hay lòng tin[23], không phải vì sự thích hay phóng theo, không phải vì nghe tin đồn hay vì truyền thống, không có suy xét bằng những lý do rõ ràng, không phải vì thích phỏng đoán bằng những ý kiến, tôi biết và thấy rằng sự chấm dứt sự tái sinh là Niết-bàn”.[24]
Và Đức Phật nói rằng: “Này các Tỳ kheo, ta nói rằng sự chấm dứt ô nhiễm và bất tịnh là nói cho những ai biết và thấy, chứ không nói cho người không biết và không thấy”.[25]
Điều đó có nghĩa là phải luôn luôn đặt ra vấn đề sự “Biết & Thấy”, chứ không phải vấn đề của sự “Tin”. Giáo pháp của Đức Phật được coi là “ehi-passika”: mời bạn “đến và thấy”, chứ không phải ‘đến và tin’.
Ngôn từ trong khắp các Kinh nguyên thủy dùng để diễn đạt những người đã chứng ngộ Chân Lý là:
“Con Mắt không bị dính bụi và vẫn đục để nhìn ra Chân lý (hay Pháp nhãn: Dhamma-cakku) đã mở ra”. Hay là:
“Người đó đã thấy được Chân lý, đã ngộ được Chân lý, đã biết rõ Chân lý, đã đi vào Chân lý, đã vượt qua nghi ngờ, không còn lưỡng lự”. Hay là:
“Với trí tuệ đúng đắn (chánh tuệ), người đó đã thấy sự việc, vấn đề ‘như-nó-là’ (yatha bhutam)”.[26]
Khi nói về sự Giác ngộ của mình, Đức Phật nói rằng:
“Con mắt (pháp nhãn) đã có được”(được sinh ra, ND), kiến thức đã có được, trí tuệ đã có được, khoa học đã có được, ánh sáng đã có được”.[27] Phải luôn luôn thấy được (mọi sự việc) bằng kiến thức và trí tuệ (nana-dassana), chứ không là tin bằng đức tin, lòng tin.
Điều này càng được tán thành vào thời ấy, khi mà trường phái chính thống Bà-la-môn một mực đòi hỏi phải tin và chấp nhận truyền thống và danh uy của họ như là một Chân lý duy nhất mà không được nghi vấn gì. Khi có một nhóm những Bà-la-môn nổi tiếng học rộng đến gặp và đã đàm đạo rất lâu với Đức Phật. Một người trong nhóm, là một Bà-la-môn trẻ 16 tuổi, tên là Kapathika, được xem là người thông minh đặc biệt trong nhóm, đã đặt câu hỏi với Đức Phật.[28]
- “Thưa Đức Cồ-Đàm, có những kinh điển thiêng liêng cổ xưa của đạo Bà-la-môn được truyền tụng liên tục trong dân gian từ thế hệ này qua thế hệ khác. Khi nói về những kinh điển đó, những Bà-la-môn đều kết luận tuyệt đối rằng: “Chỉ có những điều này là Chân lý, và tất cả mọi điều khác là sai trái”. Vậy bây giờ Đức Cồ-Đàm nói về những điều ấy như thế nào?’.
Đức Phật hỏi: “Liệu trong số các Bà-la-môn đó có một Bà-la-môn nào tuyên bố rằng bản thân người ấy biết và thấy rõ rằng: “Chỉ có những điều này là Chân lý, và tất cả mọi điều khác là sai trái”?.
Bà-la-môn trẻ tuổi ấy liền thành thật thưa rằng: “Không có”.
- “Vậy thì có bản thân một vị đạo sư (Bà-la-môn) nào hoặc một người thầy của những người thầy Bà-la-môn khác trong bảy thế hệ trước đây, hay thậm chí bất kỳ một trong những người đầu tiên nói ra những kinh điển này, đã từng tuyên bố là chính bản thân mình biết và thấy: “Chỉ có những điều này là Chân lý, và tất cả mọi điều khác là sai trái?”.
- “Không có”.
- “Vậy thì, giống như một hàng người mù, người sau nắm đuôi áo của người trước; người đầu tiên không thấy, người ở giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy. Vì vậy, dường như đối với ta, tình trạng của những Bà-la-môn giống như một hàng người mù vậy’.
Sau đó Đức Phật đưa ra những lời khuyên rất quan trọng cho nhóm các Bà-la-môn đó: “Thật không hợp lý nếu một người khôn ngoan phải giữ mãi, duy trì (nghĩa gốc là:“bảo vệ’) một sự thật mà đưa đến kết luận rằng: “Chỉ có những điều này là Chân lý, và tất cả mọi điều khác là sai trái”?.
Bà-la-môn trẻ đó xin Đức Phật giải thích nghĩa ý về ‘giữ, duy trì hay bảo vệ sự thật’, Đức Phật dạy rằng: “Một người có một đức tin. Nếu anh ta nói “Đây là đức tin của tôi”, thì là anh ta đang duy trì sự thật. Nhưng điều đó cho thấy anh ta không thể nào đúng khi nói hay kết luận là: “Chỉ có những điều này là Chân Lý, và tất cả mọi điều khác là sai trái” - (vì đó chỉ là đức tin của anh ta mà thôi. -ND). Nói cách khác, một người có thể tin vào điều anh ta thích, và có thể nói rằng ‘Tôi tin điều đó’. Như vậy anh ta tôn trọng sự thật. Nhưng chỉ vì bằng đức tin hay lòng tin của mình, anh ta không nên nói rằng anh ta tin rằng chỉ có điều anh ta tin là Chân Lý, và mọi điều khác đều sai trái.
Đức Phật bảo rằng: “Dính mắc vào một điều gì (hay một quan điểm nào đó) và coi thường những điều khác (những quan điểm khác) thì thật là hủ lậu, kém cỏi. Điều đó người có trí gọi là một cái cùm (gông cùm)”.[29]
Đến khi Đức Phật giảng giải[30] về triết lý nhân quả cho những đệ tử của Người, và họ thưa rằng đã thấy được và hiểu được nó một cách rõ ràng. Đức Phật bèn nói rằng:
- “Này các Tỳ kheo, ngay cả quan điểm này, thật trong sáng và rõ ràng, nhưng nếu các thầy bám chặt vào nó, nếu các thầy ôm giữ nó, nếu các thầy trân quý nó, nếu các thầy dính mắc vào nó, thì các thầy đã không hiểu được rằng giáo pháp giống như chiếc bè, dùng để qua sông, chứ không phải để nắm giữ”.[31]
Những lúc khác, Đức Phật cũng giảng dạy bằng ẩn dụ so sánh nổi tiếng này: rằng giáo pháp của Người được ví như chiếc bè để qua sông, chứ không phải để nắm giữ và mang vác nó trên lưng mình:
- “Này các Tỳ kheo, như một người trên chuyến đi. Anh ta gặp phải sông nước mênh mông. Bên bờ này thì toàn hiểm họa, nhưng bên bờ kia thì an toàn, không còn hiểm họa. Không có con thuyền nào có thể vượt sông an toàn và không nguy hiểm. Và cũng chẳng có cầu kiều gì để băng qua sông. Anh ta tự nói với mình: “Sông nước mênh mông. Bên bờ này thì toàn hiểm họa, nhưng bên bờ kia thì an toàn, không còn hiểm họa. Không có con thuyền nào có thể vượt sông an toàn và không nguy hiểm. Và cũng chẳng có cầu kiều gì để băng qua sông. Vì vậy tốt hơn ta nên thu nhặt cỏ, cây, cành, lá để làm một chiếc bè và chiếc bè sẽ giúp đưa ta qua bờ bên kia bằng tất cả nỗ lực tay chân của mình”. Rồi người ấy, này các Tỳ Kheo, thu nhặt cỏ, cây, cành, lá để làm một chiếc bè và chiếc bè sẽ giúp đưa người ấy qua bờ bên kia, anh ta phải tự nỗ lực bằng tay chân của mình. Sau khi đã vượt qua đến bờ bên kia, anh ta nghĩ rằng: “Chiếc bè này thật vô cùng hữu ích đối với ta. Nhờ nó mà ta đã vượt được qua sông một cách an toàn, bằng nỗ lực chân tay của chính ta. Vậy tốt hơn ta vác chiếc bè trên đầu hoặc trên lưng ta theo bất cứ nơi đâu ta đi”.
- “Các thầy nghĩ sao, hỡi các Tỳ Kheo, nếu anh ta mang vác chiếc bè theo mình có đúng không?
- “Thưa không ạ”.
Vậy anh ta làm cách nào thì phù hợp nhất đối với chiếc bè? Sau khi đã vượt qua sông đến bờ bên kia, giả sử người đó nghĩ rằng: “Vậy Chiếc bè này thật vô cùng hữu ích đối với ta. Nhờ nó mà ta đã vượt được qua sông một cách an toàn bằng tất cả nỗ lực tay chân của mình. Vậy sẽ tốt hơn nếu ta kéo chiếc bè đặt lên bờ, hoặc ta cứ để chiếc bè trôi nổi theo dòng nước, rồi ta đi đường ta. Làm như vậy có lẽ là cách làm phù hợp nhất đối với chiếc bè”.
- “Tương tự như vậy, này các Tỳ Kheo, ta đã dạy cho các thầy một giáo pháp giống như chiếc bè dùng để qua sông, chứ không phải để mang vác theo mình (nguyên văn: không phải để nắm giữ nó). Các thầy, này các Tỳ Kheo, ai đã hiểu được lời ta dạy cũng như một chiếc bè, phải nên vứt bỏ ngay cả những điều tốt (giáo pháp, chánh pháp), huống hồ chi những điều xấu sai (tà pháp)”.[32]
Từ ví dụ ngụ ngôn kia cho thấy rõ giáo pháp của Đức Phật nhằm mục đích đưa con người đến chỗ an toàn, thanh tịnh, hạnh phúc, tĩnh lặng và chứng đắc Niết-bàn. Từ ẩn dụ này ta thấy rõ rằng giáo lý của Đức Phật là cốt để đưa con người đến an bình, thanh tịnh, hạnh phúc, đạt đến Niết-bàn (Nirvàna). Toàn bộ triết lý Đức Phật dạy đều dẫn đến cứu cánh sau cùng như vậy. Người không nói ra những điều chỉ để mà thỏa mãn sự tò mò về tri thức. Người là một vị thầy thực tiễn chỉ dạy những điều sẽ đem lại hạnh phúc và an lạc cho con người.
Có lần Đức Phật đang ở rừng Simsapa ở Kosambi (gần Allahabad). Người cầm một nắm lá, và hỏi các môn đệ:
- “Hỡi các Tỳ kheo, các thầy nghĩ thế nào? Lá trong tay ta nhiều hơn hay lá trong rừng nhiều hơn?”
- “Bạch đức Thế Tôn, lá trong tay của đấng Giác Ngộ rất ít, nhưng lá trong rừng Simsapa đây quả thật nhiều hơn muôn vàn”.
- “Cũng như vậy, này các Tỳ Kheo, những gì ta biết ta đã nói với các thầy chỉ là ít ỏi, những gì ta không nói với các thầy thì thật nhiều hơn. Và tại sao ta không nói cho các thầy (những điều đó)? Bởi vì việc đó không đem lại ích lợi gì...không đưa đến Niết-bàn. Vì vậy, ta không nói hết cho các thầy những điều đó”.[33]
Nhiều học giả đã cố gắng một cách vô ích, cứ cố gắng suy đoán, tìm tòi những gì Phật đã chứng ngộ mà chưa nói hết cho chúng ta.
Đức Phật không quan tâm đến việc thảo luận những vấn đề siêu hình, không cần thiết, chỉ mang lại những rắc rối cho suy đoán và tưởng tượng. Người cho đó như là ‘sự lang mang của những ý kiến’ hay ‘rừng quan niệm’. Dường như có vài người trong những đệ tử của Phật đã không tán thành thái độ này của Đức Phật. Bởi vì, như ta biết có một ví dụ rằng một đệ tử của Người, tên là Malunkyaputta đã hỏi Đức Phật 10 câu hỏi cổ điển về những vấn đề siêu hình và xin Đức Phật trả lời[34]. Một hôm, Maflunkyaputta, sau giờ thiền buổi chiều, đi đến Đức Phật đảnh lễ, ngồi xuống một bên và hỏi:
- “Bạch đức Thế Tôn, khi con đang ngồi thiền định một mình, ý nghĩ này đã đến với con: Có những vấn đề mà đức Thế Tôn đã không giải thích, để sang bên và từ chối trả lời. Đó là:
1. Vũ trụ trường tồn, hay 2. Không trường tồn;
3. Vũ trụ hữu hạn, hay 4. vô hạn;
5. Linh hồn là một với thể xác, hay 6. linh hồn khác thể xác khác.
7. Đức Như Lai có còn tồn tại sau khi chết, hay 8. Người không tồn tại sau khi chết.
9. Người (cùng một lúc) vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết, hay 10. Người (cùng một lúc) vừa không tồn tại và cũng vừa không không tồn tại.
Những vấn đề này đức Thế Tôn đã không giải thích cho ta, thái độ này không làm ta hài lòng, ta không tán thành thái độ ấy. Ta sẽ đi đến đức Thế Tôn và thưa hỏi Người về việc này. Nếu đức Thế Tôn không giải thích cho chúng ta, ta sẽ từ bỏ tăng đoàn và ra đi. Nếu đức Thế Tôn biết được vũ trụ trường cửu, Người hãy nói thế với ta. Nếu đức Thế Tôn không biết vũ trụ là trường cửu hay không …v.v.. thì một người không biết hãy nên nói thẳng ra là: "Ta không biết, ta không thấy rõ".
Rồi thì sự trả lời của đức Phật cho Màlunkyaputta quả cũng hữu ích cho hàng triệu người trên thế giới ngày nay đang phung phí thời giờ quý báu vào suy đoán những vấn đề siêu hình và làm bận tâm mình một cách không cần thiết:
- “Này Màlunkyaputta, ta có bao giờ nói với thầy: "Hãy lại đây, Màlunkyaputta, sống đời thánh thiện dưới bóng ta, ta sẽ giải thích những vấn đề ấy cho thầy hay không?"
- “Bạch Thế Tôn, không”.
- “Còn thầy, này Màlunkyaputta, thầy có nói với ta: "Bạch Thế Tôn, con sẽ sống đời thánh thiện dưới bóng Ngài và Ngài sẽ giảng giải những vấn đề ấy cho con không?"
- “Bạch Thế Tôn, không”.
- “Ngay cả bây giờ, Màlunkyaputta, ta không nói với thầy: "Hãy đến sống đời thánh thiện dưới bóng ta, ta sẽ giải thích những vấn đề ấy cho ông". Và thầy cũng không nói với ta: "Bạch Thế Tôn, con sẽ sống đời thánh thiện dưới bóng đức Thế Tôn và Ngài sẽ giải những vấn đề ấy cho con”. Trong những trường hợp ấy, hỡi người rồ dại kia, ai chối từ ai?”.[35]
- “Này Màlunkyaputta, nếu một người nào nói: “Tôi sẽ không sống đời thánh thiện dưới bóng đức Thế Tôn nếu Ngài không giải thích cho tôi những vấn đề ấy” thì y có thể chết trước khi những câu hỏi được Như Lai giải đáp. Này Màlunkyaputta, giả sử một người bị trúng mũi tên độc, bạn bè và bà con đưa y đến một y sĩ. Giả sử khi ấy người kia nói: “Ta sẽ không để rút mũi tên này ra nếu ta không biết được ai bắn, người ấy là một người Ksatriya (thuộc giai cấp quân nhân) hay một Bà-la-môn (thuộc giai cấp tu sĩ) hay một người Vaisya (giai cấp thương nông) hay một người Sùdra (thuộc giai cấp hạ tiện), tên người ấy là gì, gia đình ra sao, người ấy cao, thấp hay tầm vóc trung bình, da người ấy đen, nâu hay vàng, người ấy đến từ làng, thị trấn hay thành phố nào. Ta sẽ không để rút mũi tên này ra nếu ta không biết được loại cung nào đã bắn ta, dây cung ra sao, loại mũi tên gì, làm bằng lông gì và đầu tên làm bằng chất gì”. Này Màlunkyaputta, người ấy sẽ chết trước khi biết được điều nào trong số những câu hỏi ấy. Cũng thế, này Màlunkyaputta, nếu một người nói: “Ta sẽ không theo đời sống thánh thiện dưới bóng đức Như Lai cho đến khi Ngài giải đáp những câu hỏi như: thế giới trường tồn hay không…v.v…, người ấy sẽ chết trước khi được Như Lai giải đáp”.
Khi ấy Đức Phật giải thích cho Màlunkyaputta rằng đời sống thánh thiện không phụ thuộc vào những quan điểm đó. Dù người ta có quan niệm thế nào về những vấn đề đó đi nữa, thì vẫn có sinh, lão, bệnh, tử, sầu, bi, khổ não..., mà: “Sự chấm dứt những thứ này, là Niết-bàn, ta tuyên bố là có thể thực hiện ngay trong chính cuộc đời này”.
- “Bởi thế, này Màlunkyaputta, hãy ghi nhớ trong tâm trí rằng: những gì ta đã giảng giải, thì coi là được giảng giải và những gì ta đã không giảng giải thì xem là đã không được giảng giải. Những gì là điều ta đã không giảng giải? Thế giới trường cửu hay không…v.v (10 câu hỏi trên) ta đã không giải thích. Vì sao, Màlunkyaputta, mà ta đã không giải thích chúng? Bởi vì nó không ích lợi, không quan hệ căn bản đến đời sống thánh thiện tâm linh, không đưa đến sự chán bỏ, sự giải thoát, sự chấm dứt khổ đau, sự an tĩnh, sự thâm nhập, sự chứng ngộ hoàn toàn, tức Niết-bàn. Chính vì thế mà ta đã không nói cho ông về những vấn đề đó”.
- “Còn nữa, này Màlunkyaputta, những gì ta đã giảng giải? Ta đã giảng giải về Khổ (dukkha), Nguyên nhân của Khổ, Sự Diệt Khổ và Con Đường đưa đến Sự Diệt Khổ[36]. Này Màlunkyaputta, vì sao mà ta đã giảng giải những điều đó?. Bởi vì chúng mang lại ích lợi, chúng là căn bản liên hệ đến đời sống thánh thiện tâm linh, chúng đưa đến sự chán bỏ, sự giải thoát, sự chấm dứt khổ đau, sự an tĩnh, sự thâm nhập, sự chứng ngộ hoàn toàn, Niết-bàn. Bởi thế ta đã giảng giải chúng”.[37]
Bây giờ, chúng ta hãy tìm hiểu về “Tứ Diệu Đế” mà Đức Phật vừa nói Màlunkyaputta rằng Người đã giảng giải cho ông ta trong xưởng đồ gốm vào cái đêm yên tĩnh đó.
[1] Dhp. XII 4.
[2] D II (nxb Colombo, 1929), tr.62 (Mahàparinibbàna-sutta: Kinh Đại Bát Niết-bàn).
[3] Tathàgata (Như lai) "Người đã đạt đến Chân Lý", hay "Người đã tìm ra Chân lý". Danh từ này đức Phật thường dùng để tự xưng và chỉ chung các đức Phật khác.
[4] Dhp. XX 4.
[5] Sangha: có nghĩa "cộng đồng”, “đoàn thể", nhưng trong Phật giáo danh từ này chỉ "Cộng đồng các Tu sĩ Phật giáo", nghĩa là: “Tăng đoàn”. Phật, Pháp (Dhamma, Giáo Pháp) và Tăng (Đoàn thể Tu sĩ hay Tăng già) được gọi là Tam Quy (Tisarana) hay Tam Bảo (Tiratana).
[6] D II (nxb Colombo, 1929), tr.62.
[7] A (nxb Colombo, 1929), tr.115.
[8] Vimamsaka-sutta: Kinh Vimamsaka, Số.47 thuộc Trung Bộ kinh.
[9] Năm Triền Cái (Năm sự cản trở) là: (1) Tham dục, (2) Sân hận, (3) Hôn trầm (Lười biếng & ngái ngủ), (4) Trạo hối (Bất an & lo lắng); và (5) Nghi ngờ.
[10] D II (Colombo, 1929), tr.95; A (Colombo, 1929), tr.239.
[11] Mahàvira, người sáng lập Kỳ-na giáo (Jainism), là một người cùng thời với Đức Phật, và có lẽ lớn hơn Phật vài tuổi.
[12] Kinh Upàli, Kinh số 56 thuộc Trung Bộ Kinh.
[13] Lời ghi trên “Trụ đá”, Rock Edict, XII.
[14] Ở Ấn Độ, những xưởng đồ gốm thường rộng rãi & yên tĩnh. Trong các bản kinh Pali ta thấy những Sa-môn khổ hạnh và các du ẩn sĩ, cũng như Phật, thường nghỉ đêm tại một xưởng đồ gốm, trong cuộc sống lang thang, du hành nay đây mai đó của mình.
[15] Điều đáng chú ý là Phật gọi người ẩn sĩ này bằng danh từ Tỳ kheo (bhikkhu), một danh từ vốn được dùng cho tu sĩ Phật giáo. Ngay sau đó, ta thấy vị này không phải một tu sĩ Phật giáo (Tỳ kheo), một thành viên của Tăng đoàn, vì sau khi nghe Phật giảng, anh ta mới xin Phật cho thọ giới để được vào Tăng đoàn. Có lẽ vào thời Phật, danh từ “Tỳ kheo” đôi khi được sử dụng không phân biệt đối với tất cả tu sĩ khổ hạnh, hay chẳng qua vì Phật không nghiêm ngặt lắm khi sử dụng danh từ ấy. “Bhikkhu” hay “Tỳ kheo” nghĩa là khất sĩ, người xin ăn, và có lẽ lúc đó được dùng theo đúng nghĩa về ngôn ngữ và nghĩa gốc của từ đó. Ngày nay danh từ ấy chỉ dùng cho tu sĩ Phật giáo, đặc biệt tu sĩ theo Phật giáo Nguyên thủy như: Tích-lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào, và ở Chittagong.
[16] Xem Chương IV về “Diệu Đế Thứ Ba”.
[17] Danh từ Pali là Àvuso được dùng có nghĩa là bạn. Đó là một từ lễ phép, để xưng hô giữa những người ngang hàng với nhau (như Đạo hữu). Nhưng các đệ tử không bao giờ dùng từ này để xưng hô với Đức Phật. Thay vào đó, họ dùng từ Bhante, gần như có nghĩa là: “Người”, “Đấng” (Thế tôn, Giác ngộ…). Vào thời Đức Phật, các tu sĩ trong Tăng đoàn xưng hô với nhau là Àvuso (bạn, đạo hữu). Nhưng trước khi Bát Niết-bàn, Đức Phật có chỉ dụ rằng những tu sĩ nhỏ tuổi hơn phải xưng hô với các tu sĩ lớn tuổi hơn là Bhante (Ngài) hay Àyasma (Thượng toạ). Và những tu sĩ lớn tuổi phải gọi những tu sĩ trẻ tuổi hơn bằng tên hoặc là Àvuso (bạn, đạo hữu). (D II, nxb Colombo, 1929, tr 95). Truyền thống xưng hô này vẫn còn được giữ trong Tăng đoàn ở các nước Phật giáo này cho đến ngày nay.
[18] Chúng ta đều biết rằng bò ở Ấn-Độ thường đi rong ngoài đường. Theo chi tiết này, thì dường như truyền thống thả bò như vậy có từ rất xưa. Nhưng thường những con bò đi rong này hiền chứ không dã man hay nguy hiểm.
[19] A-la-hán (Arahant) là một người đã thoát khỏi những ô nhiễm và bất tịnh như dục vọng, sân hận, ác độc, ngu si, kiêu ngạo, ngạo mạn, v.v… Người đã đạt đến tầng Thánh đạo Quả thứ tư hay chính là tầng cuối cùng: chứng ngộ Niết-bàn, và có đầy Trí tuệ, Từ bi và những phẩm chất trong sạch và cao quý. Lúc này Pukkusàti chỉ mới đạt đến tầng thứ ba mà thuật ngữ gọi là Bất Lai (Anàgàmi- nghĩa là: không còn trở lại thế gian). Tầng thứ hai gọi là Nhất Lai (Sakadàgàmi- còn một lần trở lại cõi Ta-bà) và tầng thứ nhất gọi là Nhập (Dự) Lưu (Sotàpanna- đã nhập vào dòng Thánh).
[20] Chuyện "The Pilgrim Kamanita" của Karl Gjellerup dường như được lấy cảm hứng từ câu chuyện này về Pukkhusati.
[21] Abhisamuc, tr.6.
[22] Ở đây chữ "saddha" được dùng trong nghĩa thông thường là: "Sự mộ đạo, Đức Tin, Lòng tin”.
[23] Luận án Tiến Sĩ của Edith Ludowyk-Gyomroi nhan đề “The Role of the Miracle in Early Pali Literature” đã chọn Đề tài này. Nhưng rất tiếc là chưa được xuất bản. Cũng tác giả ấy có viết về một đề tài này trên Tờ “The University Of Ceylon Review”, Vol.1, Số. 1 (April, 1943) tr.74 và tr. kế tiếp.
[24] S II (PTS), tr.117
[25] S III PTS), tr.152.
[26] S V, (PTS), tr.423; III, tr.103; M III (PTS), tr.19.
[27] S V (PTS), tr.422.
[28] Cankì-sutta: “Kinh Cankì”, Số 95 của Trung Bộ Kinh.
[29] Sn (PTS), tr.151 (v.798).
[30] Trong Mahà-tanhàsankhaya-sutta: “Đại Kinh Đoạn Tận Đức”, Trung Bộ Kinh , Số 38.
[31] M I (PTS), tr.260.
[32] M I (PTS), tr. 134-135. Dhamma (Pháp) ở đây, theo Luận giảng, có nghĩa những sự chứng đạt tâm linh cao cả, những ý tưởng và quan niệm thanh khiết. Sự dính chấp vào chánh pháp này (mặc dù chánh pháp này là những điều cao quý), còn phải nên xả bỏ, thế thì những điều xấu, ác (tà pháp) lại càng nên xả bỏ hơn nữa. MA II (PTS), tr. 109.
[33] SV (PTS), tr. 437.
[34] Cùla-Màlunkya-sutta: “Tiểu Kinh Man đồng tử”, Trung bộ kinh 63.
[35] Có nghĩa: Cả hai đều tự do và không ai phải có nghĩa vụ làm điều gì cho bên kia thì vấn đề mới được giải quyết. (Tức là, cho dù Đức Phật có yêu cầu ông ta hay ông ta yêu cầu Đức Phật như thế, thì Đức Phật vẫn không giải quyết những câu hỏi thuộc về siêu hình của ông ta -ND).
[36] Tứ Diệu Đế (4 Chân lý Cao Diệu) này được giải thích trong bốn Chương tiếp sau.
[37] A (nxb Colombo, 1929), tr. 345 & 346; S IV (PTS), tr. 72 & tr. kế tiếp. Dường như lời khuyên này của Phật đã có hiệu quả thoả đáng đối với Màlunkyaputta, vì ở trong Kinh khác có ghi lại, ta thấy ông ta lại đến viếng Đức Phật để xin chỉ dạy, và nhờ làm theo lời dạy, ông đã chứng ngộ thành một A-la-hán.