- Mục Lục
- Lời Tựa Của Thượng Tọa Chaokhun
- Lời Giới Thiệu Của Giáo Sư Paul Demie’ville
- Lời Nói Đầu Của Tác Giả Hòa Thượng Tiến Sĩ W. Rahula
- Lời Của Người Dịch
- Bảng Viết Tắt
- Chương I Thái Độ Tinh Thần Của Phật Giáo
- Chương Ii Tứ Diệu Đế
- Chương Iii Diệu Đế Thứ Hai
- Chương Iv Diệu Đế Thứ Ba
- Chương V Diệu Đế Thứ Tư
- Chương Vi Học Thuyết Về Vô Ngã
- Chương Vii Thiền: Sự Tu Dưỡng Tâm
- Chương Viii Những Điều Phật Đã Dạy & Thế Giới Ngày Nay
- Chương Ix Một Số Kinh Quan Trọng
- Chương X Tam Tạng Kinh Nguyên Thủy
Nguyên tác: What The Buddha Taught
H.T Tiến Sĩ Walpola Rahula
Người dịch: Lê Kim Kha
Nhà xuất bản: Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh 2011
Chương VIII
Những Điều Phật Đã Dạy &
Thế Giới Ngày Nay
Có một số người cho rằng Phật Giáo là một hệ thống triết lý thật là cao vời và siêu phàm mà mọi người nam nữ đều không thể thực hành được trong thế giới hiện tại đầy ấp những công việc của chúng ta, và rằng chỉ có những người từ bỏ thế giới hiện tại này để rút lui vào chùa chiềng tu viện, hoặc một nơi vắng vẻ nếu người ấy muốn trở thành Phật tử thật sự.
Đây là một ngộ nhận đáng buồn vì lẽ đó thiếu hiểu biết về những điều dạy của Đức Phật. Người ta thường có những kết luận sai trái, vội vã từ những gì do nghe được hoặc do thỉnh thoảng đọc được đâu đó, hoặc do những điều viết bởi vài người thiếu hiểu biết về tất cả các khía cạnh của Phật giáo mà chỉ đưa ra những quan điểm thiên lệch và chủ quan. Thật ra những lời dạy của Đức Phật không chỉ dành riêng cho giới Tăng Ni, tu sĩ xuất gia ở trong các tu viện, mà cũng dành cho mọi người nam nữ bình thường đang sống ở nhà với gia đình của họ. “Bát Chánh Đạo” là lối sống của người theo Phật, được dạy cho tất cả mọi người mà không hề có phân biệt xuất gia hay tại gia.
Hầu hết mọi người trên thế gian này không thể xuất gia thành tu sĩ hoặc cũng không thể lẫn tránh vào hang động hay rừng sâu để tu hành. Vì thế, Đạo Phật dù cao cả và tinh hoa đến đâu, cũng sẽ vô dụng đối với nhân loại nếu đại đa số mọi người không thể thực hành được trong đời sống hằng ngày, trong gia đình. Nhưng nếu hiểu đúng tinh thần Phật giáo (chứ không phải chỉ hiểu bằng chữ nghĩa, ngôn từ), chắc chắn chúng ta có thể thực hành lời Phật dạy trong khi vẫn sống cuộc đời bình thường của mỗi người.
Có một số người thấy dễ dàng tu theo Phật nếu được ở một nơi xa xôi hẻo lánh tách biệt với xã hội. Cũng có người lại thấy sự ẩn dật đó làm cho họ chán ngán, buồn bã cả thể chất lẫn tinh thần, do vậy nếp sống ấy không giúp ích gì cho sự phát triển đời sống tri thức và tâm linh họ.
Sự từ bỏ chân chính (cuộc sống phàm phu) không có nghĩa là bản thân mình phải xa lánh khỏi thế gian. Sariputta (Xá-Lợi-Phất), một đệ tử hàng đầu của Đức Phật, nói rằng một người có thể sống trong rừng sâu và xả thân thực hành khổ hạnh, nhưng trong đầu toàn những suy nghĩ không thanh tịnh và đầy những ‘dính mắc’. Một người khác có thể sống trong làng mạc hoặc thành thị, không thực hành khổ hạnh, nhưng tâm của anh ta thanh tịnh và không hề bị ô nhiễm bởi những ‘dính mắc’. Trong hai người đó, người sống ở làng mạc hoặc thành thị chắc chắn là hơn hẳn và thanh cao hơn người tu khổ hạnh trong rừng sâu kia.[1]
Suy nghĩ phổ biến của nhiều người là muốn theo thực hành Đạo Phật thì phải xa lánh đời sống, đó cũng là một quan niệm sai lầm. Trong văn học Phật giáo, có rất nhiều chỗ nói đến những người nam nữ sống đời gia đình bình thường mà vẫn thực hành một cách hiệu quả những gì Phật dạy, và chứng ngộ Niết-bàn. Tu sĩ lang thang (du sĩ) tên Vacchagotta (mà ta đã gặp trong Chương về Vô Ngã) một hôm hỏi Đức Phật có nam nữ đệ tử nào của Người sống đời sống gia đình, nhờ theo giáo lý Người, đạt những trạng thái tâm linh cao siêu không. Phật trả lời không phải chỉ một hai người, một trăm, năm trăm, mà còn nhiều hơn thế nữa, những người thiện nam và thiện nữ cư sĩ sống đời sống gia đình đã theo giáo lý Người một cách hiệu quả và đạt được những trạng thái tâm linh cao siêu.[2]
Một điều có thể chấp nhận được cho một số người chọn đời sống lánh trần ở một nơi vắng vẻ, tránh xa sự ồn ào và phiền phức. Nhưng chắc chắn rằng điều đáng khen và đáng khích lệ hơn lẽ nên thực hành Đạo Phật khi sống chung với mọi người, giúp đỡ họ và phục vụ cho họ. Một số người có thể lánh xa xã hội để tu tập ở một nơi vắng vẻ, yên tĩnh để cải thiện tâm tính và tính cách - chẳng hạn như bước đầu tu tập về mặt đạo đức, tâm linh và trí tuệ, để sau đó đủ mạnh mẽ quay về giúp đỡ đồng loại. Nếu có ai sống một cuộc sống đơn độc một mình chỉ suy nghĩ về hạnh phúc và sự ‘cứu rỗi’ cho riêng mình, không quan tâm đến đồng loại xung quanh, thì điều này hoàn toàn không đúng với những điều dạy của Đức Phật vốn dựa vào nền tảng là lòng thương yêu, từ bi và giúp đỡ người khác.
Mọi người có thể đặt câu hỏi rằng: Nếu một người có thể tu tập theo Đạo Phật trong khi vẫn sống cuộc đời bình thường tại gia, vậy thì Đức Phật sáng lập ra Tăng Đoàn tu sĩ (sangha) để làm gì? Tăng Đoàn là nơi dành cho những người muốn cống hiến cả đời mình để tu tập phát triển tâm linh và trí tuệ của riêng mình mà còn để dấn thân giúp đỡ người khác. Một cư sĩ tại gia không thể nào cống hiến tất cả cuộc đời, cuộc sống của mình để giúp đỡ người khác, trong khi đó một tu sĩ (Tỳ Kheo) không còn trách nhiệm gia đình và những ràng buộc thế gian thì hoàn toàn có thể phục vụ, giúp đỡ cho “điều tốt của đại chúng và hạnh phúc của nhiều người khác”, theo như lời dạy của Đức Phật.
Vì vậy, trong suốt lịch sử của Phật giáo, các tu viện, chùa chiềng không chỉ trở thành một trung tâm tâm linh chỉ để tu hành mà còn là trung tâm học thuật và văn hóa (chẳng hạn là nơi để các thầy tu thuyết pháp, giảng dạy Phật pháp cho các Phật tử…).
(I) Kinh Sigala-Sutta (Kinh Lời Khuyên Dạy Sigàla), còn gọi là “Kinh Thiện Sinh”(thuộc Trường Bộ Kinh- Kinh số 31) được đề cập đến sự tôn trọng đời sống cư sĩ, gia đình và những quan hệ xã hội bởi Đức Phật.
Một người trẻ tuổi tên Sigala thường thờ cúng sáu Phương của vũ trụ (Đông, Tây, Nam, Bắc, Thiên đế (nadir) và Thiên đỉnh (zenit), theo như lời dạy và nghi lễ mà người cha quá cố để lại.
Đức Phật nói với chàng trai trẻ rằng: “Những Nguyên Tắc Cao Cả”, hay còn gọi là “Thánh Giới Luật” (ariyassa-vinaye) của Đức Phật về sáu phương thì khác. Theo “Thánh Giới Luật” của Đức Phật, sáu phương đó là:
Đông: Cha mẹ
Nam: Thầy Cô
Tây: Vợ con
Bắc: Bạn bè, những người họ hàng và láng giềng
Thiên đế (nadir): người ở, người làm, nhân viên
Thiên đỉnh (zenith): Những người mộ đạo, người theo đạo, thánh nhân.
- “Con nên tôn thờ sáu Phương như vậy”, Đức Phật nói. Ở đây, chữ ‘tôn thờ’ hay ‘thờ phụng’ (namass eyya) thật sự có ý nghĩa, vì ở đây người nên tôn thờ những điều thiêng liêng, những điều đáng vinh danh và những điều đáng tôn thờ.
Sáu Phương hay sáu Nhóm gia đình và xã hội nêu trên được Phật giáo coi là thiêng liêng, đáng tôn trọng và tôn thờ. Nhưng ‘tôn thờ’ sáu Phương đó bằng cách nào?. Đức Phật dạy rằng một người có thể ‘tôn thờ’ sáu Phương chỉ bằng cách thực hiện đúng nghĩa vụ với sáu Phương đó, như được giải thích trong bài thuyết pháp của Phật dành cho chàng Sigala trong Kinh “Lời Khuyên Dạy Sigàla”, Chương IX.
Đức Phật dạy rằng một người có thể “tôn thờ” sáu Phương chỉ bằng cách sống đúng và cách thực hiện đúng các Bổn Phận với:
1) Cha Mẹ;
2) Quan hệ giữa Thầy (cô) & Trò;
3) Quan hệ Vợ Chồng.
[Trong Kinh: Sự việc mà Đức Phật không quên đề cập đến những món quà người chồng phải nên mua tặng cho vợ, đủ để nói lên sự thấu hiểu và thông cảm sâu sắc đầy tình người của Phật đối với cảm xúc, tình cảm của mọi con người bình thường];
4) Quan hệ giữa Bạn Bè, Bà con Họ hàng & Láng giềng;
5) Quan hệ giữa Chủ & Người làm;
6) Quan hệ với Người mộ đạo, tu sĩ, Thánh nhân, Bà-la-môn những người cư sĩ…
[Trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyuttanikàya), một trong những kinh Pàli cổ xưa nhất, vua trời Đế Thích (Sakka), vua của những vị trời (Devas) tuyên bố rằng không những ông sùng kính các tu sĩ sống đời thánh thiện đức hạnh mà còn kính trọng những cư sĩ (upàsaka, Ưu-bà-tắc) làm những việc công đức, có đức hạnh và duy trì gia đình của họ một cách đúng đắn, phải đạo].[3]
(II) Nếu một người có mong muốn trở thành một Phật tử thì không cần phải qua một nghi lễ dẫn nhập (hay rửa tội) gì cả. Khi một người có hiểu biết về những lời dạy của Đức Phật (Phật Pháp), và nếu tin tưởng những điều Phật đã dạy là con đường đúng đắn (Chánh đạo) và thực hành theo Con đường Chánh đạo đó, thì người đó đã trở thành một Phật tử rồi.
(Chỉ khi người đó xuất gia để trở thành một Tỳ kheo (bhikkhu), tức là trở thành một thành viên của Tăng đoàn, thì người đó phải trải qua một quá trình học đạo và tu tập kỷ luật, giới hạnh…).
Tuy nhiên theo truyền thống lâu đời ở một số quốc gia Phật giáo, mọi người được coi là một Phật tử khi người ấy đã quy y Phật, Pháp, Tăng (thường được gọi Tam Bảo); và chấp nhận tuân theo Ngũ Giới (Panca-sila), tức năm điều giới hạnh tối thiểu dành cho các Phật tử tại gia, bao gồm:
1) Không sát sanh
2) Không trộm cắp
3) Không tà dâm, ngoại tình
4) Không nói dối
5) Không uống rượu, không dùng những thức uống độc hại.
Những điều giới hạnh này được ghi rõ trong các kinh nguyên thủy. Lễ “Quy Y” thường được dẫn dắt bởi một tu sĩ xuất gia (nhà sư), người Phật tử quy y quỳ xuống trước tượng Phật và đọc rõ và nguyện tuân theo năm điều giới hạnh (Ngũ Giới) đã nói trên.
Ngoài ra, không còn những lễ nghi nào khác mà người Phật tử bắt buộc phải làm. Đạo Phật là một cách sống và điều cốt lõi những người theo Phật sống tuân theo Bát Chánh Đạo chứ không phải quan trọng các lễ nghi, cúng bái.
Dĩ nhiên, có nhiều lễ nghi Phật giáo nhiều nước trên thế giới, có chỗ làm đơn giản, có chỗ tổ chức những nghi lễ đơn giản hay rất mỹ lệ. Thường ở những lễ hội Phật giáo có tượng Phật, Bảo tháp (stupas hay dagapas) và Cây “Bồ Đề” trong các tu viện để Phật tử thờ cúng, dâng hoa và nhang đèn. Không nên xem các lễ nghi này như là sự cầu nguyện như trong các tôn giáo hữu thần khác, mà đó chỉ là cách mà mọi người tưởng nhớ đến một người Thầy, vì Đạo Sư (Đức Phật), người đã chỉ ra “Con Đường Chánh Đạo”.
Những lễ nghi truyền thống này, mặc dù là không bắt buộc trong Phật giáo, cũng có giá trị làm thỏa mãn tình cảm và nhu cầu tôn giáo của những thành phần dân chúng vốn còn căn cơ bậc thấp, trình độ trí tuệ và tâm linh còn thấp, và có giá trị hướng họ dần dần vào con đường Chánh đạo
(III) Những người có suy nghĩ rằng Phật giáo chỉ quan tâm đến những ý tưởng xa vời, những tư tưởng tinh thần và triết học cao siêu và bỏ qua những phúc lợi về kinh tế và xã hội của mọi người, thì thật là sai lầm. Đức Phật thật ra quan tâm đến hạnh phúc của con người. Đối với Người, hạnh phúc của con người không thể còn được nếu không sống một cuộc đời thanh tịnh, trong sạch dựa trên nền tảng nguyên tắc về đạo đức và tâm linh. Đức Phật cũng biết rằng tuân thủ cách sống như vậy là rất khó nếu mà điều kiện vật chất và xã hội khó khăn.
Phật giáo không xem hạnh phúc vật chất tự nó là đích đến, là cứu cánh: nó chỉ là một phương tiện để đạt đến một đích đến, cứu cánh cao quý hơn. Nhưng điều kiện vật chất là cần thiết, không thể thiếu được, để con người đạt đến những hạnh phúc cao hơn. Vì vậy, Phật giáo cũng nhận thấy được điều kiện vật chất tối thiểu sẽ giúp ích hơn cho việc tu tập để đạt được hạnh phúc về tâm linh cao hơn. Ngay cả những tu sĩ hành thiền ở những nơi vắng vẻ cũng cần có một số điều kiện vật chất cần thiết tối thiểu.[4]
Đức Phật không tách biệt cuộc sống ra khỏi nền tảng kinh tế và xã hội. Người nhìn nhận nó như một tổng thể, về mọi mặt kinh tế, chính trị và xã hội. Những điều Phật dạy về vấn đề đạo đức, tâm linh và triết lý thì ai cũng biết rồi. Nhưng một số ít người khác, đặc biệt ở Phương Tây, không biết nhiều về những lời dạy của Đức Phật về vấn đề “kinh tế” và “chính trị”. Chúng ta có thể đọc thấy trong các kinh cổ xưa có một số bài thuyết pháp của Đức Phật về những đề tài này.
Hãy lấy một vài ví dụ như sau:
─ Kinh “Chuyển Luân Sư Tử Hống” (Cakkavattisìhanàda-sutta, thuộc Nikaya Trường Bộ kinh 26) nói rõ rằng sự nghèo khó (dàliddiya) là nguyên nhân của vô đạo và tội ác, như: trộm cắp, tà bậy, bạo động, thù hằn, độc ác…v.v. Những vị vua chúa ngày xưa, cũng tương đương với các chính phủ sau này, đã luôn cố đàn áp tội lỗi bằng hình phạt.
─ Kinh “Cứu-La-Đàn-Đầu” (Kùtadanta-sutta, cũng thuộc Nikaya Trường Bộ Kinh 26), giải thích sự vô ích của những hình phạt đó, Kinh cho rằng phương pháp ấy sẽ không bao giờ thành công.
Thay vì vậy, Đức Phật đề nghị muốn diệt tận gốc tội lỗi, cần phải cải thiện điều kiện kinh tế của con người, cần phải cung cấp cho tá điền và nông phu hạt giống và phương tiện trồng trọt, vốn phải được cung cấp cho những thương gia và người buôn bán; lương hướng thích đáng phải được trả cho những người làm công. Khi mọi người đều được cung cấp cơ hội để kiếm được lợi tức đầy đủ họ sẽ bằng lòng, không sợ hãi lo âu, và do đó xứ sở sẽ thanh bình, không có các tội phạm.[5]
Vì những điều đó, Đức Phật đã giảng cho những Phật tử tại gia điều quan trọng của việc “cải thiện” điều kiện kinh tế. *Điều này không có nghĩa là khuyên mọi người làm giàu với lòng tham lam và dính mắc vào của cải vật chất, điều đó ngược lại với giáo lý cơ bản của Đức Phật.
Người cũng không phải luôn luôn tán đồng với bất kỳ phương tiện nghề nghiệp nào làm ra của cải. Chẳng hạn như một số nghề nghiệp như sản xuất, buôn bán vũ khí….thì Phật không coi là nghề nghiệp lương thiện (chánh mạng) mà là nghề bất chính (tà mạng), như chúng ta đã thấy trước đây trong các bài giảng của Phật.[6]
─ Một người tên là Dighajanu đã đến thăm Đức Phật và thưa rằng: “Thưa Thế tôn, chúng con là những người thế tục tại gia đang sống cùng gia đình, vợ con. Mong Thế Tôn chỉ dạy cho chúng con một số lý thuyết để chúng con theo đó mà có được hạnh phúc trong đời này và đời sau”.
Đức Phật nói với ông ta rằng có bốn điều giúp cho con người có được hạnh phúc trong đời này:
a) Trước tiên, là phải có tài khéo, hiệu quả làm việc, hăng hái và mạnh mẽ trong nghề nghiệp của mình, và phải hiểu biết rõ nghề nghiệp của mình (utthana-sampada),
b) Thứ hai, phải biết gìn giữ, bảo vệ tiền bạc của cải làm ra một cách chân chính (arakkha-sampada). (Điều này có nghĩa là bảo vệ tài sản của mình khỏi bị trộm cắp, tương ứng với bối cảnh lịch sử vào thời xa xưa đó).
c) Thứ ba, phải có bạn bè tốt, bạn hiền, bạn trí để giúp đỡ, khuyên bảo mình đi theo đường thiện, tránh xa việc ác.
d) Thứ tư, phải tiêu xài tiền bạc một cách hợp lý, đúng đắn, không nên tiêu xài quá nhiều mà cũng không nên quá ít, keo kiệt. Có nghĩa là không nên hà tiện để tích trữ tài sản như của núi, nhưng cũng không nên tiêu xài hoang phí. Nói cách khác là nên tiêu xài hợp lý trong giới hạn những điều kiện mình có được (samajivikata).
Rồi sau đó Đức Phật giảng giải bốn đức hạnh cần có để giúp con người được hạnh phúc ở sau thế gian này:
a) Tin tưởng (Tín, saddhà): phải tin tưởng vào những giá trị đạo đức, tinh thần, và tâm linh.
b) Giữ giới (Giới hạnh, silà): phải từ bỏ và không sát sinh, không trộm cắp; không tà dâm ngoại tình; không nói dối, nói sai sự thật, nói lời thêu dệt; và không uống rượu hoặc các chất độc hại.
c) Cho đi (Bố thí, càga): phải thực hành lòng rộng lượng, cho tặng, bố thí, không bám víu, dính mắc và tham lam ôm giữ tài sản mình.
d) Trí tuệ (Trí tuệ Bát-nhã, pannà): phải phát triển, nâng cao trí tuệ dẫn đến sự hoàn toàn diệt khổ, chứng ngộ Niết-bàn.[7]
Những lúc khác, Phật còn đi vào giảng giải những chi tiết về cách tiết kiệm và tiêu xài tiền bạc, chẳng hạn như khi Người bảo thanh niên Sigàla rằng anh ta nên dùng ¼ thu nhập của mình vào sự tiêu dùng hằng ngày, dành ½ thu nhập để đầu tư vào công việc làm ăn và để riêng ¼ đề phòng cho chi dùng những việc khẩn cấp.[8]
─ Có lần, Đức Phật nói với ngài Cấp-Cô-Độc, một nhà tài phiệt lớn, ông là một trong những cư sĩ mộ đạo nhất đã bỏ tiền xây và cúng dường Tu Viện Kỳ Đà nổi tiếng (hay thường gọi là Tịnh Xá Kỳ Viên, Jetavana) ở thành Xá-Vệ (Savatthi), rằng có bốn niềm hạnh phúc trong đời sống gia đình của một người bình thường đó là:
1) Được hưởng thụ đầy đủ về kinh tế hay có đủ tài sản kiếm được bằng những phương tiện lương thiện và chân chính (Niềm vui sướng vì có tài sản: Sở hữu lạc, atthisukkha).
2) Tiêu dùng tài sản ấy một cách rộng rãi, tự do cho chính mình, cho gia đình, bà con, bè bạn và trong những việc từ thiện, công đức (Niềm vui sướng vì được tiêu dùng đúng mục đích, ý muốn: Thọ dụng lạc, ananasukkha).
3) Không có nợ nần (Niềm vui không bị nợ nần: Vô trái lạc, anana-sukkha).
4) Sống một đời trong sạch, thanh tịnh, không phạm đến những điều ác dù là trong ý nghĩ, lời nói hay bằng hành vi (Niềm vui vì không mắc tội lỗi: Vô tội lạc, anmajjasukkha).
Ở đây, ta phải chú ý rằng trong bốn yếu tố đem lại hạnh phúc, có đến ba yếu tố thuộc về kinh tế, và cuối cùng còn nhắc cho nhà triệu phú ấy biết rằng hạnh phúc về kinh tế và vật chất thì “không đáng một phần mười sáu” của hạnh phúc tâm linh có được từ một đời sống không tội lỗi và cao đẹp.[9]
─ Từ một vài ví dụ vừa nêu ra ở trên, mọi người đều có thể thấy rằng: Đức Phật đã xem phúc lợi kinh tế là cần thiết cho đời sống hạnh phúc của con người, nhưng con người không nhận ra rằng những hạnh phúc từ vật chất đó không phải là sự tiến bộ thật sự và đúng nghĩa nếu nó không dựa trên nền tảng của hạnh phúc thuộc về đạo đức và tâm linh. Trong khi khuyến khích những tiến bộ về hạnh phúc kinh tế trong đời sống, Phật giáo luôn luôn nhấn mạnh sự phát triển về đạo đức và tâm linh mới tạo ra một xã hội thật sự hạnh phúc, thanh bình và an lạc.
(IV) Đức Phật cũng giảng giải rõ quan điểm của mình về chính trị, chiến tranh và hòa bình. Một điều mà ai cũng biết là Phật giáo xưa nay luôn chủ trương “bất bạo động và hòa bình”, như là một thông điệp nhắn nhủ cho cả thế giới này, hay nói cách khác là không đồng tình với bạo động, chiến tranh và hủy diệt sự sống.
─ Theo như Phật giáo, không có cuộc chiến tranh nào được gọi tên là ‘cuộc chiến công bằng’- đó chỉ là từ ngữ ngụy biện, giống như một đồng tiền giả được đúc ra để lưu hành, để biện minh cho lòng thù hận, sự tàn nhẫn, bạo động và giết chóc hàng loạt. Ai quyết định cái gì là chân chính và cái gì là bất chính? Kẻ mạnh, kẻ chiến thằng là ‘chân chính’, còn kẻ yếu, kẻ bị đánh bại trở thành kẻ ‘bất chính’. Luôn luôn, cuộc chiến ‘của chúng tôi’, ‘của ta’ là ‘chân chính’ và cuộc chiến ‘của các ông’ là luôn luôn bất chính. Phật giáo không chấp nhận lập trường kiểu này.
Đức Phật không những chỉ giảng dạy về bất bạo động và hòa bình, mà bản thân Người còn thân hành đến chiến trận để can thiệp và ngăn cản chiến tranh, ví dụ như trong trường hợp cuộc chiến dòng họ Thích Ca (Sàkyas) và Câu-Lợi (Koliyas), sắp đánh nhau vì vấn đề tranh chấp nước sông Rohini. Và trong lần khác, những lời của Đức Phật đã từng ngăn được vua Ajàtasattu (A-xà-thế) khỏi tấn công vương quốc Vajji (Bạt-Kỳ).
─ Vào thời Đức Phật tại thế, cũng như ở một số nơi ngày nay, các nhà cầm quyền cai trị đất nước một cách bất công. Người dân bị đàn áp và bóc lột, hành hạ và đày đọa, sưu cao thuế nặng và những hình phạt khốc liệt dành cho người dân. Đức Phật đã rất xúc động trước những việc vô nhân đạo như vậy.
Trong “Chú Giải Kinh Pháp Cú” (Dhammapada-atthakathà) có chép lại rằng: “Thuở ấy”, Phật rất chú tâm đến việc giải quyết vấn đề sai trái để mang lại một nền cai trị, một chính quyền tốt đẹp. Quan điểm của Người (về nhà cầm quyền “lúc đó”) đáng được đề cao trong bối cảnh xã hội, kinh tế và chính trị thời ấy.
─ Người đã chỉ ra được những nguyên nhân khiến toàn thể một đất nước “lúc đó” có thể trở nên suy đồi, thối nát và bất hạnh khi những người cầm đầu chính quyền cai trị, đứng đầu là “Vua”, các bộ lại và quan chức, đều thối nát và bất công. Muốn cho dân một nước được sung sướng, cần phải có một nền cai trị, một chính phủ công bằng. Một nền cai trị công bằng có thể được thực hiện bằng cách nào? Đức Phật đã nói rõ trong bài thuyết pháp của Người về “Mười nhiệm vụ của nhà vua” hay “Thập Vương Pháp” (Dasa-ràja-dhamma) như được thuật lại trong kinh về chuyện tiền thân của Đức Phật (Jàkata).[10]
Dĩ nhiên là từ ‘Vua’ (Raja) có thể được dùng có nghĩa như từ ‘nhà cầm quyền’ hoặc ‘chính quyền’ trong thời sau Phật. Vì vậy, “Mười Nhiệm Vụ Của Nhà Vua” có thể được áp dụng cho một chính quyền, người đứng đầu một chính quyền, các bộ trưởng, lãnh đạo chính trị, cả quan chức lập pháp cũng như hành pháp…“lúc đó và thời sau Phật”.
1) Thứ nhất: Sự rộng rãi, bố thí, từ thiện (dàna). Người cai trị không được tham lam và bám víu nào sự giàu có cá nhân, tài sản, tiền của, mà phải bố thí, phân phát vì phúc lợi xã hội và sử dụng nó làm của nhân dân.
2) Thứ hai: một giới hạnh đạo đức cao đẹp (sìla). Vua thì không nên hủy diệt đời sống, sát hại dân lành, lừa bịp, cướp bóc và bóc lột kẻ khác, không được tà dâm; không nói lời sai quấy; không rượu chè. Nghĩa là, ít nhất ông vua cũng phải sống và thực hành Ngũ Giới như phật tử tại gia.
3) Thứ ba: Hy sinh tất cả vì hạnh phúc của dân, biến xả, (pariccàga), ông phải sẵn sàng từ bỏ mọi tiện nghi cá nhân mình, tên tuổi, danh vọng và ngay cả sự sống của mình vì lợi ích của dân
4) Thứ tư: Chân thật và Liêm chính (ajjava). Ông không được sợ hãi và thiên vị khi thi hành nhiệm vụ, phải thành thật trong mọi quyết định, và phải liêm chính, không được lừa bịp quần chúng.
5) Thứ năm: Sự Tử tế và Nhẹ nhàng (Maddava). Ông phải có một tính tình hòa nhã, nhẹ nhàng.
6) Thứ sáu: Sự Tiết chế, từ bỏ những thói quen xấu (tapa). Ông phải sống một đời sống giản dị và không nên quá xa hoa nhung lụa. Ông phải biết tự chủ trong mọi vấn đề
7) Thứ bảy: không thù hận, ác độc, vô sân (akkodha). Ông không được có tư thù với bất cứ ai.
8) Thứ tám: Sự bất hại, bất bạo động (avihimsà) điều đó không những có nghĩa là không được làm hại ai, mà còn có nghĩa ông phải cố tạo hòa bình bằng cách tránh và ngăn ngừa chiến tranh, hay mọi sự dính dáng đến bạo động và sát hại sinh mạng.
9) Thứ chín: Nhẫn nhục, chịu đựng, hiểu biết, nhẫn nhục (khanti). Ông phải có khả năng chịu đựng những khó khăn, khổ nhọc và cả những sự nhục mạ mà không mất bình tĩnh.
10) Thứ mười: Không đối lập, không ngăn cản (arivodha), nghĩa là ông không được đi ngược với ý chí toàn dân, không được cản bất cứ biện pháp nào đưa đến sự phúc lợi cho toàn dân. Nói cách khác ông phải cai trị thuận với ý chí của dân.[11]
Nếu một nước được cai trị bởi một người có những đức tính như thế, thì dĩ nhiên không cần nói là nước ấy chắc chắn rất hạnh phúc. Nhưng đây không phải là một điều không tưởng, vì trong quá khứ đã có những ông vua như A-dục (Asoka) của Ấn Độ đã thiết lập, cai trị các vương quốc của mình dựa trên những ý tưởng đó.
─ Thế giới ngày nay sống trong liên tục của sợ hãi, căng thẳng và đầy hoài nghi. Khoa học đã sản sinh ra những loại vũ khi có sức hủy diệt không thể tưởng tượng hết. Càng ngày càng phát minh ra những vũ khí giết chóc tàn khốc, những thế lực khác nhau dùng chúng để đe dọa và thách thức lẫn nhau, huênh hoang khoe khoan một cách không hổ thẹn về khả năng hủy diệt và tàn phá thế giới của mình hơn các đối thủ khác.
Họ đã đi quá xa trên con đường điên rồ ấy đến nỗi ngày nay họ chỉ cần bước thêm một bước, kết quả sẽ không là gì ngoài ra sự hủy diệt lẫn nhau và hủy diệt toàn thể loài người.
Nhân loại đang sống trong niềm hoảng sợ trước một hoàn cảnh mà chính họ đã tạo ra, con người muốn tìm một lối thoát, một giải pháp nào đó. Nhưng không có giải pháp nào ngoài giải pháp Đức Phật đã đề xướng: “Đó là thông điệp của Phật về Bất bạo động và Hòa bình, tình yêu thương và lòng từ bi, về sự khoan hồng và hiểu biết lẫn nhau, về chân lý và trí tuệ, về sự tôn trọng và đề cao dành cho mọi sự sống, về sự dứt bỏ lòng ích kỷ, hận thù và bạo động”. Những điều này không lẽ có gì sai trái hay lạc hậu sao?
Đức Phật đã dạy rằng:
“Hận thù không bao giờ làm nguôi ngoai được hận thù, chỉ có tình thương yêu mới xoa dịu được hận thù. Đó là một chân lý của muôn đời”.[12]
“Người ta nên lấy từ bi thắng lướt hận thù, lấy lòng tốt đối lại với sự xấu xa, lấy sự rộng lượng đối lại lòng ích kỷ, và lấy sự chân thật đối lại với dối trá”.[13]
Con người không thể nào có hạnh phúc an vui khi còn khao khát ham muốn chinh phục và chế ngự đồng loại. Phật dạy:
“Kẻ chiến thắng nuôi hận thù, kẻ chiến bại ngã gục trong đau khổ. Người nào từ khước cả thắng lẫn bại, sẽ được hạnh phúc và an vui”.[14]
Chỉ có sự chinh phục chính bản thân mình mới đem lại hạnh phúc và an bình:
“Người có thể chiến thắng hàng triệu người trong chiến trận, nhưng chiến thắng với chính mình, chỉ một chính mình, mới là chiến thắng vĩ đại nhất”.[15]
─ Có thể bạn vẫn cho rằng tất cả những điều đó là rất đẹp, cao thượng và đáng quý, nhưng không thực tiễn.
Vậy thì sống trong thù hận lẫn nhau là thực tế hơn chăng? Hay giết chóc lẫn nhau là thực tế chăng? Hay sống trong những nỗi sợ hãi và hoài nghi bất tận giống như những bầy thú hoang sống trong rừng già là thực tế chăng?
Đã bao giờ thù hận được dập tắt bởi những lòng thù hận chưa? Có bao giờ điều ác được chế ngự bởi những điều ác độc hơn chưa?- Hay là ngược lại, ít nhất trong những ví dụ cá nhân, rằng thù hận được xóa bỏ bằng lòng yêu thương và sự tử tế, rằng sự ác độc, xấu xa được chinh phục bởi lòng tốt, điều thiện.
Bạn có thể vẫn cho rằng những điều đó chỉ thực tế và xảy ra đối với những trường hợp cá nhân giữa những con người, chứ không thể nào thực hiện được trong những xung đột chính sự quốc gia và quốc tế. Mọi người bị thôi miên, mù quáng và bị mắc lừa bởi những từ ngữ tuyên truyền như ‘quốc gia’, ‘quốc tế’, ‘chính thể’. Cái gì làm ra một quốc gia nếu không có một tập hợp lớn những cá nhân? Cái ‘quốc gia’, ‘chính thể’ đó không làm gì cả: chính những cá nhân, con người trong cái tập hợp đó hành động. Những gì những cá nhân, con người suy nghĩ và hành động chính là những hành vi của cái ‘quốc gia’, ‘chính thể’ đó.
Thực ra, những gì áp dụng được cho cá nhân con người thì sẽ áp dụng được cho quốc gia và chính thể. Nếu hận thù có thể được xóa bỏ bằng lòng yêu thương và tử tế giữa những cá nhân con người, thì điều đó cũng áp dụng được cho những hận thù trong nước và xung đột quốc tế. Ngay cả một cá nhân muốn đem lòng yêu thương để đáp lại sự hận thù thì anh ta cũng phải có một lòng can đảm, mạnh mẽ và lòng tin tưởng vào sức mạnh thuộc về đạo đức này. Vậy có phải chăng chúng ta cần phải có thêm nhiều tình thương mến, sự cố gắng và lòng tin vào nó lúc giải quyết cách xung đột quốc tế bằng con đường bất bạo động như vậy?.
Nếu khi bạn nói “không thực tế” ý bạn là “không dễ dàng”, thì bạn đúng rồi. Vì chắc chắn điều đó không dễ dàng chút nào. Nhưng chúng ta cần phải thử, phải cố gắng. Bạn có thể lại nói rằng sự thử, sự cố gắng có thể rủi ro, mạo hiểm. Nhưng chắc chắn không gì rủi ro và nguy hiểm hơn việc thử tiến hành cuộc chiến tranh nguyên tử!. Chúng ta đã chần chừ quá lâu trong lịch sử để đến ngày hôm nay đã có nhiều thế lực và quốc gia đã và đang sở hữu những loại vũ khí này và cả thế giới đang sống trong nỗi sợ hãi, hoài nghi và thù hận từng ngày.
Thật là một điều an ủi và khích lệ cho chúng ta ngày nay khi nghĩ rằng ít nhất trong lịch sử cũng đã có một vị vua cai trị lỗi lạc, đã có can đảm, đức tin và tầm nhìn xa đủ để áp dụng lời dạy này của Phật về bất bạo động, hòa bình và yêu thương trong sự cai trị một đế quốc rộng lớn về trong cả nội bộ lẫn ngoại giao: đó là Vua Asoka, vị hoàng đế Phật tử của Ấn Độ (thế kỷ thứ III trước Công nguyên): “người con yêu quý của các vị Trời”, như ông đã được mệnh danh.
Ban đầu, ông theo gương của vị vua cha (vua Bindusara) và ông nội (Chandragupta) với ước muốn hoàn thành việc chinh phục bán đảo Ấn; ông chiếm xứ Kalinga, sát nhập nó vào đế quốc mình. Hàng trăm nghìn người bị giết, bị thương, bị tra tấn và bắt làm tù binh trong trận này. Nhưng về sau, khi trở thành một Phật tử, ông đã hoàn toàn thay đổi và chuyển nghiệp nhờ giáo lý của Phật. Trong một tuyên ngôn danh tiếng của ông khắc trên đá (“Trụ Đá XIII”, tên thường gọi bấy giờ), nguyên bản còn có thể đọc được hôm nay, nói đến sự chinh phục Kalinga, Hoàng đế A-Dục đã công khai bày tỏ sự “sám hối” của ông và nói ông “vô cùng đau đớn khi nghĩ về sự tàn sát ấy”. Ông tuyên bố công khai rằng ông sẽ không bao giờ rút gươm ra để làm một việc chinh phục nào nữa, nhưng ông “mong mỏi tất cả mọi chúng sinh sống trong bất bạo động, sẽ biết tự chủ, tu tập hiền hòa và thanh tịnh”. Điều này dĩ nhiên được coi là sự “chinh phục bản thân” của “Người con yêu dấu của các vị Trời”, sự chiến thắng bản thân bằng lòng mộ Đạo, bằng chánh pháp (dhamma-vijaya), sau khi ông đã trở thành một Phật tử.
Không những ông từ bỏ chiến tranh, mà ông còn tỏ lòng mong ước rằng: “Các con của ta và cháu nội của ta đừng nghĩ về cuộc chinh phục nào khác nữa xem như đáng làm…Hãy để cho chúng chỉ nghĩ đến một sự chinh phục duy nhất là chinh phục bằng Chánh Đạo. Điều đó sẽ tốt cho đời nay và đời sau”.
Đây là một ví dụ duy nhất trong lịch sử nhân loại “về một ông Vua chinh phạt đang ở ngay đỉnh cao của quyền lực và sức mạnh của mình, có thể tiếp tục chinh phạt nhiều lãnh thổ khác”, nhưng đã từ bỏ chiến tranh và bạo lực để quay lại với hòa bình và bất bạo lực.
Đây là một bài học cho thế giới hôm nay. Một nhà cai trị đã quay lưng lại với chiến tranh và bạo lực và gửi thông điệp hòa bình và bất bạo lực đến tất cả thế gian. Cũng không có một chứng cứ lịch sử nào ghi lại bất kỳ nước láng giềng nào lợi dụng tuyên bố từ bỏ chiến tranh và bất bạo lực của vua A-Dục để tấn công lại ông bằng quân sự hoặc có bất kỳ sự trả thù hay bạo loạn nào xảy ra trong nội bộ quốc gia đối với ông trong suốt thời gian còn lại của ông. Ngược lại, hòa bình đã được thiết lập khắp nơi trên đất nước của ông và các nước láng giềng dường như cũng chấp nhận làm nước chư hầu dưới sự lãnh đạo nhân từ của ông.
Nếu nói về sự gìn giữ hòa bình bằng “cách cân bằng các thế lực hoặc bằng sự đe dọa vũ khí hạt nhân”, thì đó là một điều buồn cười. Sức mạnh vũ trang chỉ có thể gieo rắc sự sợ hãi, chứ không tạo ra hòa bình. Và không thể nào có nền hòa bình thật sự và lâu dài nào bên cạnh những sợ hãi. Từ sợ hãi chỉ có thể sinh ra lòng thù hận, ác độc, có thể bị đè nén một thời gian nhưng sẵn sàng bùng dậy và trở nên bạo tàn bất cứ lúc nào. Hòa bình thật sự và bền vững chỉ có thể có được trong một bầu không khí của lòng từ ái (Mettà, tâm Từ), sự thân thiện, không còn những sợ hãi, nghi ngờ và nguy hiểm bao quanh.
(V) Phật Giáo nhắm đến việc xây dựng một xã hội mà ở đó, người ta từ bỏ việc tranh giành thế lực thì phải gây ra chết chóc, điêu tàn. Ở đó, hòa bình và sự lắng dịu ngự trị, không cần có chiến thắng và chiến bại. Ở đó, sự áp bức người vô tội phải bị mạnh mẽ tố cáo. Ở đó, một người tự thắng mình được kính trọng hơn người chiến thắng hàng triệu người khác bằng chiến tranh quân sự và kinh tế. Ở đó, thù hận được chinh phục bằng lòng tốt và cái ác được chinh phục bởi điều thiện. Ở đó, những xung khắc, ganh ghét, ác độc và tham lam không làm mờ mắt hay làm vẫn đục tâm trí con người. Ở đó, lòng từ bi bác ái là động lực cho mọi hành động.
Ở đó, tất cả chúng sinh, kể cả những sinh vật nhỏ bé nhất, đều được đối xử bằng sự công bằng, sự quan tâm và lòng yêu thương.
Và ở đó, một đời sống chan hòa, bình yên trong điều kiện vật chất ấm no, với tinh thần hướng thượng về mục đích tâm linh cao quý nhất - Đó là nhận thấy và chấm dứt sự Khổ (dukkha) bất tận của những vòng đời, chấm dứt vòng nhân duyên từ vô thủy, thoát khỏi vô thường, thoát khỏi những âu lo và nỗi buồn thiên cổ của kiếp người: “sinh, già, chết” - để hướng về sự chứng ngộ Chân Lý Tột Cùng, chứng ngộ Niết-bàn.
[1] M I (PTS), tr. 30-31.
[2] Ibid, từ tr.490.
[3] S I (PTS), tr.234.
[4] MA I (PTS), tr.290. Những tu sĩ Phật giáo, thành viên của Tăng Đoàn (Shangha), không được có tài sản cá nhân riêng, nhưng được phép giữ tài sản chung của Tăng Đoàn (Sanghika).
[5] D I (Colombo, 1929), tr.101.
[6] A (Colombo, 1929), từ tr. 786. Xem chương V, “Diệu Đế Thứ Tư”, “Con đường Bát Chánh đạo”.
[7] A (Colombo, 1929), từ tr. 786.
[8] D III (Colombo, 1929), tr.115.
[9] A (Colombo, 1929), tr. 232-233.
[10] Jataka I, 260, 399; II 400; III, 274, 320; V, 119, 378.
[11] Ở đây ta thấy điều thú vị là Năm Giới Hạnh Cao Cả (Pancha-sìla), là năm giới trong ngành ngoại giao của Ấn Độ cũng giống theo những nguyên tắc nhà Phật mà Vua Asoka, vị vua Phật giáo lỗi lạc của Ấn Độ, đã áp dụng cho nền cai trị của triều đại ông vào thế kỷ thứ 3 trước CN. Danh từ “Panca-sìla” (Năm giới) được ngành ngoại giao dùng cũng là danh từ của Phật giáo.
[12] Dhp., I 5.
[13] Ibid., XVII 3.
[14] Ibid., XV 5.
[15] Ibid., VIII 4.