THIỀN ĐỐN NGỘ
Tác giả: Nguyên Giác Phan Tấn Hải
Nhà xuất bản: Thiện Tri Thức 2001
MỤC LỤC
01-Thói
Nhà Tào Động
02-Ảnh
Trầm Hàn Thủy
03-Tạc
Dạ Nhất Chi Mai
04-Giải
Tín Tâm Minh
05-Phụ
Lục 1: Quy Củ Tọa Thiền
06-Phụ
Lục 2: Krishnamurti và Thiền Định
07-Phụ
Lục 3: Niệm Phật Toàn Thân
08-Phụ
Lục 4: Cốt Tủy Đại Toàn Thiện
09-Phụ
Lục 5: Lời Giảng Ngắn Gọn Về Đại Thủ Ấn
10-Phụ
Lục 6: Kho Tàng Các Bài Ca
11-Phụ
Lục 7:Cốt Tủy Đại Thủ Ấn
Nếu
trong lòng ta được vô tâm là Phật quá khứ,
Trong
lặng lẽ mà khởi tác dụng là Phật vị lai,
Tùy
cơ ứng vật là Phật hiện tại.
(Lời Hương Hải Thiền Sư thị chúng)
Những ngày còn ở Việt Nam, tôi có may mắn tham học ở dòng Thiền Tây Tạng dưới sự chỉ dạy của Thiền Sư Trạm Nhiên Tịch Chiếu. Tông phong dòng tôi vốn là nửa Tây Tạng nửa Lâm Tế do vì Sư Ông vốn dòng Lâm Tế lại qua Tây Tạng tham học rồi mới về khai sơn mở chùa. Nhưng tông chỉ tất cả các dòng thuộc Tổ Sư Thiền (tức Thiền Đốn Ngộ) vẫn là một.
Có nhiều cách để phân loại Thiền. Cách đơn giản dùng trong sách này là, Thiền nhà Phật chia làm hai pháp chính, Như Lai Thiền và Tổ Sư Thiền. Như Lai Thiền do Phật giảng dạy trong các kinh. Tổ Sư Thiền do Phật dạy riêng ngoài kinh điển, không qua văn tự ngôn ngữ, dĩ tâm truyền tâm, được trao truyền từ chư Tổ.
Như Lai Thiền cũng được chia làm hai pháp chính, Thiền Tiểu Thừa và Thiền Đại Thừa.
Thiền Tiểu Thừa chủ yếu dùng Trí Huệ để chiếu phá phiền não, thấy có Niết Bàn để cầu, thấy có phiền não để kinh hãi xa lìa.
Thiền Như Lai Đại Thừa chủ yếu dựa trên nguyên tắc chuyển y, chuyển vọng thành chơn, chuyển thức thành Trí, chuyển phiền não thành Niết bàn.
Thiền Tổ Sư dựa trên quan điểm nào? Thật sự thì không có một pháp nào hết trong Tổ Sư Thiền, do vậy sự truyền dạy rất là khó trao cho người; chúng ta cũng biết là có những dòng trong Tổ Sư Thiền như các dòng Vân Môn, Quy Ngưỡng, Pháp Nhãn ở Trung Hoa, hay ở Việt Nam như Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, Trúc Lâm đã bị mất truyền. Chỗ khó truyền dạy này được Ngài Trường Sa Cảnh Sầm ví như dạy nghề ăn trộm; người cha dạy nghề ăn trộm cho con bằng cách đẩy con vào rương của nhà "thân chủ", rồi tự con mới học được nghề tìm sinh lộ. Trong ngôn ngữ cơ phong vấn đáp cũng vậy, Thầy luôn luôn đẩy trò vào chỗ cùng tình tuyệt lý, suy nghĩ thế nào cũng sai, mà không suy nghĩ cũng sai. Biết thế nào cũng sai, nhưng hỏi Thầy thế nào là đúng thì Thầy không bao giờ nói. Nhưng thật sự thì Tông chỉ đã nằm rải rác trong Pháp Bảo Đàn Kinh, nhiều bộ Kinh khác, các pháp thoại và các bài kệ chư Tổ để lại.
Không chiếu phá xa lìa, không chuyển y, vậy thì Tổ Sư Thiền làm gì? Phiền não với Niết Bàn cũng không từng mộng qua, vọng với chơn đều không lập thì còn làm cái gì nữa. Đây chính là pháp đốn siêu đốn nhập, không thứ lớp gì cả.
Chủ yếu của Tổ Sư Thiền là phải Thấy Tánh trước. Trong Kinh Kim Cang có nói "nhược kiến chư Tướng Phi Tướng tức Kiến Như Lai," nếu thấy các Tướng không phải là Tướng thì là thấy Tánh. Kinh Lăng Nghiêm lại nói "toàn Tướng tức Tánh, toàn Tánh tức Tướng."
Lời Kinh với ý Tổ thật sự không khác.
Âm vang khác trong lời Tổ là "tức Tâm tức Phật," lời Mã Tổ tháo đinh nhổ chốt cho Đại Mai. Khi thấy tăng chúng cắn chữ nhai lời, Mã Tổ bèn đổi là "phi Tâm phi Phật phi Vật." Nói ngược nói xuôi gì, lời nào cũng chỉ thẳng vào Tánh mà nói. Còn nói có pháp nào, hay quy ý chỉ về một cách kỹ thuật, các Tổ mới bất đắc dĩ mà nói, và khi nói vẫn gọi đó là trò hoa đốm đóng tuồng (một khi trong mắt bệnh, hoa đốm rụng tơi bời), dù đó là pháp an tâm hay bảo nhậm.
Sách này gồm bốn bài viết và hai phụ lục.
Bài "Thói Nhà Tào Động" chú giải một cách chi tiết và kỹ thuật về tông phong Tào Động.
Bài "Ảnh Trầm Hàn Thủy" chú giải một pháp thoại giữa Thiền Sư Hương Hải (1628-1715), dòng Trúc Lâm, và vua Lê Dụ Tông. Bài này chỉ pháp cho hàng thượng căn.
Bài "Tạc Dạ Nhất Chi Mai" chú giải bài kệ của Thiền Sư Mãn Giác (1052-1096), đời thứ 8, dòng Vô Ngôn Thông. Bài này chỉ thẳng vào Tánh Không Tịch Thường Chiếu của Pháp Giới Tâm.
Bài "Giải Tín Tâm Minh" chú giải bản văn Tín Tâm Minh của Tam Tổ Tăng Xán, và nhân đây nói về tông phong dòng Lâm Tế..
Phụ Lục I là "Quy Củ Tọa Thiền" của Thiền Sư Đạo Nguyên, Sáng Tổ Tào Động Nhật Bản.
Phụ Lục II là "Krishnamurti và Thiền Định", dịch một số quan điểm của Krishnamurti về Thiền định, cũng để nêu lên Tông chỉ trong một ngôn phong mới của thế kỷ 20.
Tất cả những điều được viết trong sách này không do sự chứng biết bản thân, mà chỉ nhờ may mắn. Nhờ có Tông phong cao tột, nhờ có Thầy giỏi, nhờ được chia xẻ một cộng nghiệp với dòng phái và Bổn Sư, nay đem chút kiến giải sơ thiển mong học nhân sớm vào cửa này.
Nếu có gì sai sót, xin trọn sám hối trước ba đời chư Phật. Nếu có chút gì công đức, xin hồi hướng đến khắp pháp giới chúng sinh trọn thành Phật đạo.
Nam mô Thường Trụ Tam Bảo Phật Pháp Tăng.
Đệ tử đời thứ 3 dòng Thiền Tây Tạng,
Nguyên Giác Phan Tấn Hải.