Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Thân Người Khó Được Phật Pháp Khó Nghe.

Monday, July 30, 201200:00(View: 5060)
Thân Người Khó Được Phật Pháp Khó Nghe.

TÀI SẢN KHÔNG BAO GIỜ MẤT 
Tuyển Tập Một Số Bài Giảng
Của Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Nhà xuất bản: Phương Đông 2012

THÂN NGƯỜI KHÓ ĐƯỢC PHẬT PHÁP KHÓ NGHE

Đức Phật đã dạy “thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, nguyên chữ Hán là “nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn”. Câu này mới nghe qua chúng ta thấy rất dễ, rất gần gũi nhưng hiểu hết giá trị của nó cần phải suy nghiệm chín chắn. Hiện giờ chúng ta có mặt ở đây đều là thân người, nên ta thấy được nó đâu có khó. Đó là cái thấy cạn cợt của chúng sanh. Nếu nhìn theo đức Phật sẽ khác hơn nhiều. Ở đây tôi sẽ thứ tự giải thích cho quí vị hiểu.

Tại sao Phật dạy thân người khó được? Ngài nói thân người khó được là nói thân tương lai, chớ không phải thân hiện tại. Vì hiện tại chúng ta được rồi, nhưng mai sau khi thân này bại hoại, chúng ta có được thân người nữa không, đó là vấn đề rất quan trọng, cần phải tư duy.

Nếu chúng ta có đủ trí tuệ, nhận định, phải xét kỹ sau khi thân này mất, mình còn hay hết? Mất thân này nhưng tâm thức của chúng ta theo nghiệp tiếp tục tái sanh. Bởi vì trong kinh Phật dạy, tất cả chúng sanh không phải chỉ có mặt trên thế gian này một lần, mà đã có mặt vô số lần rồi. Phật còn dạy người tu hành từ khi sơ phát tâm cho tới thành Phật quả trải qua ba vô số kiếp. Như vậy nếu sanh ra, chết đi là mất hết thì đâu có thời gian ba vô số kiếp, không có thời gian tu tập lâu dài đó làm gì có Phật? Chư Phật, Bồ-tát tu nhiều đời nhiều kiếp, công quả ấy không mất nên mới có sự liên tục, đưa đến kết quả thành đạo.

Thân hiện tại của chúng ta mang theo một số tập nghiệp của quá khứ. Như một gia đình có bốn năm anh em, ra đời chung từ một cha mẹ. Nhưng họ không giống nhau từ hình dáng cho tới tâm ý, người hiền, người dữ, người thông minh, người chậm. Tại sao như vậy? Vì nghiệp quá khứ không giống nhau, mà thân đời này do nghiệp quá khứ dẫn sanh nên nó cũng không giống nhau.

Đứa bé mới sanh ra chưa được dạy bảo gì cả, mà chúng đã có những sở thích riêng. đứa ưa ăn, đứa ưa ngủ, đứa thích đồ chơi. Lớn lên đi học đứa giỏi toán, đứa giỏi văn, đứa giỏi sử, địa v.v… Lần đó tôi giảng về luân hồi, có một thầy giáo thưa với tôi: “Giáo lý Phật dạy rất hay, vì làm thầy giáo con hiểu rất rõ điều này. Trong một lớp học thầy, cô dạy bình đẳng như nhau, nhưng học sinh có đứa giỏi môn này, có đứa giỏi môn khác, không giống nhau” .Tại sao? Không giống do học hay do cái gì? - Do nghiệp quá khứ còn lưu lại.

Ví dụ thuở trước người đó làm thợ mộc, bây giờ sanh trở lại làm người, vừa cầm tới búa đục là đã thấy quen tay rồi. Nên chỉ cần nhìn sơ qua công việc của thợ mộc là họ làm theo rất khéo, đâu cần dạy nhiều. Còn người hồi xưa là nhà toán học, bây giờ ra đời nói về toán số họ rất tinh thông, hiểu rất nhanh. Người hồi xưa là nhà văn, bây giờ văn chương rất giỏi. Mỗi người có sẵn chủng tử riêng biệt, không ai giống ai. Nếu do chỉ dạy trong hiện tại thì lẽ ra trong một lớp học mọi người đều giống nhau hết. Nhưng vì tâm tư, nghiệp tập của quá khứ còn cô đọng trong tâm thức, nên ra đời gặp duyên thích hợp nó phát sanh rất dễ.

Hiện nay trên thế giới, lâu lâu chúng ta nghe kể nơi này nơi kia có những vị thần đồng giỏi về toán, giỏi về văn chương, giỏi về âm nhạc… dạy một biết tới mười. Rõ ràng nếu bộ óc con người giống nhau hết, làm sao có những hiện tượng ấy. Hơn nữa nếu đời trước không tích lũy số vốn kia, làm sao trong một thời gian học tập ngắn ngủi mà lại giỏi như vậy. Nên biết chúng ta không phải chỉ có một đời này mà có vô số kiếp.

Trong kinh kể lại, đêm thứ 49 Phật tu dưới cội Bồ-đề từ canh một tới canh hai, Ngài chứng được Túc mạng minh, nhớ rõ vô số đời về trước như việc mới xảy ra hôm qua, nên Phật nói chúng ta luân hồi sanh tử không phải một lần mà đã trải qua biết bao nhiêu lần rồi. Do đó trong chúng ta đã tích lũy những chủng tử nghiệp của quá khứ, chớ không mất. Sau này các thầy Tỳ-kheo kết tập lại những bài giảng của Phật về đời quá khứ của Ngài cũng như của các đệ tử thành hai bộ kinh gọi là Bổn Sanh và Bổn Sự. Kinh Bổn Sanh nói về cuộc đời Ngài, còn kinh Bổn Sự nói về cuộc đời các đệ tử.

Ngày nay chúng ta được thân người, dĩ nhiên mỗi người tích lũy nghiệp khác nhau, cho nên tâm tư, nguyện vọng, khả năng cũng khác nhau, không ai giống ai hết. Theo đây thì biết nếu khi thân này hoại, chúng ta vẫn tiếp tục thọ thân sau theo nghiệp mình đã gây tạo trong đời này chớ không mất. Thân sau ra đời hoặc tiếp tục làm người hay vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, hoặc lên các cõi lành hơn như trời v.v… đều tùy thuộc vào nghiệp hiện tại đây. Do đó vòng luân hồi không cố định, tùy theo nghiệp duyên mình tạo trong đời này.

Hiện giờ chúng ta được làm người nhưng thân sau khó bảo đảm là người. Muốn thân người chúng ta phải làm sao mới được bảo đảm? Phật dạy, muốn đời sau được trở lại làm người thì ngay đời này phải giữ tròn năm giới. Năm giới là: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu hoặc hút xì ke, ma túy, á phiện v.v…

Giới thứ nhất không sát sanh là không được giết người bằng cách tự tay giết, hoặc dùng miệng xúi bảo người khác giết hoặc thấy nghe giết nhau tâm sanh vui thích tùy hỉ, đó gọi là tùy hỉ sát. Không được giết những con vật lớn. Đó là giới thứ nhất.

Giới thứ hai không được trộm cướp. Điều này ai cũng hiểu hết rồi. Giới thứ ba không được tà dâm, nghĩa là vợ chồng có gia đình rồi, không được ngoại tình với kẻ khác. Giới thứ tư không được nói dối. Nói dối là nói không đúng lẽ thật, có ba động cơ. Động cơ thứ nhất do tham nên nói dối gạt người để lấy lợi về mình. Động cơ thứ hai do nóng giận nên mắng người là trâu là chó cho hả giận. Động cơ thứ ba do tâm ác độc, người đó không phạm tội, không lỗi lầm nhưng ta vu oan, họ phạm tội này tội kia, để họ phải chịu tù đày khổ sở. Tóm lại nói dối vì lòng tham, nói dối vì nóng giận, nói dốiác độc thì phạm tội. Giới thứ năm không được uống rượu mạnh, hút các thứ như xì ke, ma túy… Tôi nói rượu mạnh để giản trạch rượu nhẹ và không được uống say. Rượu mạnh không được uống đã đành, rượu nhẹ mà uống say cũng không được luôn. Giới này bên nam dễ phạm hơn nữ.

Dưới đây tôi sẽ nói những tai họa khi chúng ta phạm các điều giới ấy. Là người, mình quí trọng mạng sống không gì bằng, vậy kẻ khác có mạng sống, ta cũng phải biết quí trọng như mình. Nếu bây giờ ta sát phạt mạng sống của họ, thì sau này phải đền trả, họ không thể nào bỏ qua đâu. Chúng ta quí trọng tài sản của mình, thì người ta cũng quí trọng tài sản của họ. Nếu ta xâm phạm tài sản của người, nhất định họ sẽ tìm cách lấy lại, không thể tránh được. Chúng ta quí trọng hạnh phúc gia đình của mình, thì cũng phải quí trọng hạnh phúc gia đình người khác. Nếu ta xâm phạm hạnh phúc gia đình của người khác, thì sẽ có ngày hạnh phúc gia đình mình tan nát. Chúng ta quí trọng trí tuệ thông minh, nhưng lại uống nhiều rượu thì trí tuệ phải bị đần độn thôi. Hút á phiện xì ke ma túy làm cho mình điên cuồng lên, đó là chúng ta tự hại mình trở thành người tối tăm mù mịt, không có hướng đi.

Phật cấm chúng ta không được phạm năm giới không phải vì Phật mà vì chúng ta. Nếu quí Phật tử giữ tròn năm giới bảo đảm đời này làm người, đời sau trở lại làm người tốt hơn. Người giữ tròn năm giới như thế, ngay bây giờ có ai dám phê bình anh hay chị đó xấu không?- Không. Còn nếu người phạm một trong năm giới đó có bị phê bình không? – Có. Ví dụ người phạm tội ăn cắp, ai cũng khinh chê. Như vậy nhân phẩm của chúng ta nằm ở trọn trong năm giới ấy. Đời này chúng ta đủ tư cách làm người, đời sau lại được tiếp tục làm người, không sai chạy tí nào. Phật bảo tu năm giới là tu Nhân thừa Phật giáo, tức đạo làm người.

Quí Phật tử tự xét lại mình hiện giờ đã giữ tròn năm giới chưa? Nếu chưa thì đời này không là người tốt và đời sau không bảo đảm được làm người. Vì vậy Phật nói thân người khó được. Nếu quí vị thấy giữ tròn năm giới dễ thì làm người dễ, nếu thấy giữ tròn năm giới khó thì làm người khó. Như vậy để hiểu câu nói thân người khó đượchết sứcý nghĩa và dễ hay khó là do chúng ta chứ không do ai cả.

Bởi vì năm điều kiện để được thân người chúng ta giữ không tròn nên đời này không thể làm người tốt, đời sau khó được thân người. Trong kinh Phật nói rõ lắm: Không giết người đời sau tuổi thọ dài, không trộm cướp đời sau khá giả, không tà dâm đời sau đẹp đẽ, không nói dối đời sau nói năng lưu loát, nói ra mọi người đều tin quí, không uống rượu mạnh, uống say, không hút á phiện xì ke ma túy đời sau trí tuệ thông minh. Như vậy đời sau muốn trở lại làm người tốt, trong năm giới này không thể thiếu giới nào cả.

Không ai muốn mình sống dainghèo khổ. Sống dai mà phải có tiền xài nữa, vì vậy phải giữ hai giới đầu. Sống dai có tiền, nhưng xấu xí có chịu không? - Không. Muốn đẹp, thì phải giữ giới không tà dâm. Được thân người sống dai, giàu sang, đẹp đẽ mà bị câm ngọng có chịu không? - Cũng không, nên phải giữ giới không nói dối thì đời sau nói năng mới lưu loát, được mọi nguời tin quí. Bây giờ được sống lâu, giàu sang, đẹp đẽ, nói năng lưu loát mà đần độn ngu tối có chịu không? - Không luôn, vì vậy phải đừng uống rượu mạnh, đừng uống say, đừng hút á phiện, xì ke ma túy. Người nào muốn mình được trọn vẹn như thế thì phải giữ tròn năm giới.

Hiện đời chúng ta giữ tròn năm giới xứng đáng người con Phật, đời sau trở lại làm người tốt hơn. Đó là quí Phật tử biết tu, chớ không phải tu là tới rằm, ba mươi đi chùa sám hối, mà về nhà vẫn tiếp tục làm các việc xấu, phạm giới, làm khổ lụy cho mình cho người. Như vậy không gọi là tu. Phật dạy làm người khó nên chúng ta muốn đời sau được làm người toàn vẹn thì phải cố gắng thực hành y theo lời Phật dạy, cố gắng giữ năm giới cấm. Nếu không như thế thì không xứng đáng là đệ tử Phật.

Trong kinh Phật có dạy: Như một bọng cây nổi trên mặt biển, theo sóng gió trôi giạt khắp nơi. Có con rùa mù nằm dưới đáy biển, một trăm năm mới trồi đầu lên một lần. Như vậy thử hỏi chừng nào con rùa mới gặp bọng cây? Phật nói thân người mất rồi, được trở lại cũng khó như con rùa mù gặp bọng cây. Tại sao? Chúng ta cứ kiểm lại xem mình có giữ tròn năm giới không, nếu không tròn làm sao trở lại thân người được. Nhìn khắp trong thế gian, có mấy người giữ tròn năm giới. Vì thế người mất thân này phải rơi vào chỗ tối tăm nhiều hơn được trở lại làm người. Nên nói được thân người rất khó.

Chúng ta có phước duyên lớn mới gặp Phật pháp. Phật dạy chúng ta tu để bảo vệ thân hiện tại tốt đẹp, đúng phẩm hạnh con người, rồi đời sau trở lại làm người tốt hơn, an lành hơn. Nhân quả theo nhau như vậy. Chúng ta thử tưởng tượng trong một xóm, một làng ai cũng giữ năm giới hết thì xóm làng đó có được bình an không? Rất bình an. Đi đâu quên đóng cửa không sợ trộm cắp, cũng không nghi bậy bạ ai, mọi người cùng tin tưởng vui vẻ với nhau. Đó là ta tu cho bản thân mình tốt, rồi cả xóm làng tốt, xã hội tốt, quốc gia tốt. Đó là tôi nói rõ con đường tu của Phật tử, kết quả hiện tại và ngày mai không khác nhau, cho nên tất cả phải ráng tu, được vậy mới xứng đáng là con Phật.

Cổ đức dùng ví dụ này để nói được thân người rất khó:

Thiên niên thiết thọ khai hoa dị,

Nhất thất nhân thân vạn kiếp nan.

Dịch:

Ngàn năm cây sắt trổ hoa dễ,

Thân người mất đi được lại khó.

Chuyện cây sắt trổ bông vậy mà còn dễ, chớ thân người mất đi tìm lại rất khó. Khó hơn cây sắt trổ hoa nữa. Chúng ta thấy được thân người là rất khó. Trước kia có lẽ mình cũng đã tu hành tích lũy tốt phần nào, nên đời này mới được làm người, được nghe Phật pháp. Thế nhưng có những người được làm người rồi lại tự hủy hoại thân này, có phải sáng suốt không? Như tức giận ai liền tự tử, vì nghĩ làm như vậy cho hết khổ cái đời này. Song họ đâu ngờ chẳng những không hết, mà còn khổ hơn nữa. Tại sao? Trong kinh Phật dạy, như con trâu mỗi khi bị chủ tròng ách vô cổ bắt kéo xe. Nó ghét cái ách, nên hôm nào chủ nhà không để ý, nó dùng sừng của mình quật cho gẫy cái ách đi. Vì nó nghĩ cái ách đó gẫy thì khỏi kéo xe nữa, nhưng không ngờ gẫy ách cũ ông chủ làm ách mới còn chắc hơn. Phật nói chỉ khi nào hết làm trâu thì hết kéo xe, còn làm trâu dù bẻ mấy cái ách cũng không khỏi kiếp kéo xe.

Cũng vậy, chừng nào chúng ta hết nghiệp khổ, nghiệp xấu thì được an lành tự tại, chớ hủy hoại thân này không phải là nhân an lành tự tại đâu. Biết thế khi gặp nghịch cảnh, chúng ta phải ráng tu để chuyển, chớ không nên liều lĩnh tự hại thân mình. Được thân người là quí, nên chúng ta phải gìn giữ bảo vệ không nên hủy hoại. Trong nhà Phật cấm không được tự sát, mà phải sống vượt qua mọi thử thách khó khăn để làm điều lợi ích cho mình, cho mọi người. Đó là tinh thần không phạm giới sát sanh của đạo Phật.

Kế đến Phật nói Phật pháp rất khó nghe. Tại sao? Có hai lý do:

Thứ nhất, người sanh trên đời này được gặp, được nghe Phật pháp thật là rất khó. Bởi có người cả đời không biết đến hai chữ Phật pháp, hoặc có những người được nghe lại không hiểu, nên nói khó nghe. Tại sao Phật pháp được nghe mà không hiểu? Bởi vì Phật pháp nói lẽ thật, chỉ lẽ thật cho chúng ta mà mình sống trong ảo tưởng quá nhiều, nên không thể tiếp nhận được sự thật ấy.

Ví dụ quí vị có chấp nhận thân mình nhơ nhớp không? Thầm nhận thôi, nhưng nếu ra ngoài ai phê bình anh hay chị này nhơ nhớp hôi hám quá, chịu không nổi thì mình nổi sân cự người kia liền. Phật nói thân này là đãy da hôi thối, mà mình lại thấy nó quí, nó đẹp, như vậy không phải sống với ảo tưởng là gì? Tưởng mình sạch, tưởng mình đẹp, tưởng mình quí nên nghe nói dơ, xấu chịu không nổi nên sân si liền. Càng sân si thì càng thấy xấu hơn, chớ đâu cải chánh cho cái nhơ nhớp ấy được.

Có những việc hết sức nhỏ nhưng tôi thấy rất hay. Hôm đó thấy một thầy móc trong lỗ mũi ra một cục, tôi hỏi cục gì? Thầy ấy nói cục cứt mũi. Tôi hỏi thêm nếu trong lỗ tai móc ra thì gọi cái gì? Đáp cứt rái. Như vậy cả cái đầu mình toàn cứt ,thế thì nó đẹp chỗ nào, quí chỗ nào, khôn chỗ nào? Từ trên xuống dưới đều là đồ bỏ hết, vậy mà ta tưởng quí, tưởng đẹp, nghe ai phê phán một chút nổi tức lên liền. Thật buồn cười, thật tội nghiệp!

Cho nên khi Phật sắp thành đạo, bọn ma vương giả thành thiếu nữ đẹp tới quyến rũ Ngài trở về thế gian, Phật liền quở: “Đãy da hôi thối hãy đi, ta không dùng.” Chúng xấu hổ tự bỏ đi. Đức Phật nhìn tường tận, thấy rõ lẽ thật, nói ra lẽ thật nhưng vì lẽ thật ấy khó chịu quá nên không ai muốn nghe. Phật pháp khó nghe ở chỗ đó, nó ngược lại với sự tưởng tượng, ước mơ của con người. Ai cũng muốn được khen, được đẹp, được tán thán sạch sẽ thơm tho… Nếu mình thật sạch sẽ thì mấy hãng xà bông thơm, dầu thơm ế hết. Tự ta thơm rồi, đâu cần gì nó, còn dùng tới dầu thơm là biết mình không thơm không sạch. Vậy mà ta cứ quên, tưởng mình thơm lắm, ai đi ngang cũng thích, đó là ảo giác chớ thực tế không phải thế. Thật ra con người sống với ảo tưởng quá nhiều, nên Phật nói lẽ thật chỉ thẳng lẽ thật cho chúng ta đừng lầm. Người nào thấy đúng lẽ thật thì bớt cao mạn, còn sống với ảo tưởng dễ sanh ra tự cao, ngạo mạn, đó là lẽ thường.

Con người thường mơ tưởng sống dai, một trăm tuổi, hai trăm tuổi mới vừa ý. Hồi xưa mấy ông vua còn tham nữa, khi bá quan vô chầu đều chúc vạn tuế, nghĩa là sống tới muôn năm. Bây giờ chúng ta chúc Tết với nhau, cao lắm là bá niên tức trăm năm thôi. Giả sử ai đó trớ trêu chúc anh chị sang năm chết, quí vị chịu không? Chắc đuổi ra khỏi nhà liền.

Bên Nhật có một Thiền sư được nhắc tới mãi. Hôm ấy ngày Tết đầu năm, Phật tử đến đảnh lễ chúc tết Ngài xong, Ngài chúc lại thế này: Tôi chúc cho gia đình anh, ông nội chết, bà nội chết, cha chết, mẹ chết, con chết, cháu chết. Người được chúc ngạc nhiên không hiểu sao ông thầy chúc cái gì kỳ lạ vậy, chúc như trù rủa toàn gia quyến người ta. Nhưng Thiền sư giải thích: Tôi chúc như vậy là hạnh phúc cho gia đình anh đó chứ! Bởi vì có khi ông nội còn, bà nội còn mà cháu chết thì đó là bất hạnh. Tôi chúc theo thứ tự, ông nội chết trước rồi tới cha, con, cháu, chắt. Như vậy là tốt quá, hạnh phúc quá rồi, tại sao lại không chịu?

Chúng ta có bệnh hay trốn sự thật. Nghe chết là chướng tai liền không chấp nhận, nhưng đó là lẽ thật. Có phải lẽ thật khó nghe không? Bởi thế người xưa hay nói “Trung ngôn nghịch nhĩ”, tức lời nói thật thì trái lỗ tai. Tại vì mình sống trong ảo tưởng quá nhiều, mơ ước quá nhiều nên nghe nói thẳng thì buồn, chịu không nổi.

Chẳng những Phật nói cuộc đời vô thường, mà còn nói mạng sống của mình trong hơi thở nữa kìa. Nếu đầu năm Phật tử được huynh đệ tới chúc “Tôi chúc anh chị mạng sống trong hơi thở”, quí vị chịu nổi không? Chắc chịu không nổi. Một ngày còn không chịu huống nữa trong hơi thở, nhưng đó là lẽ thật. Thở ra mà không hít vào là chết, đó là lẽ thật tại sao chúng ta lại không chịu? Thế nên Phật pháp khó nghe là vì vậy.

Chúng ta đã có duyên gặp Phật pháp rồi, phải ráng nghe những lẽ thật ấy để phá cái chấp ảo tưởng của mình, không còn lầm lẫn nữa. Biết đúng như thật về bản thân, về mạng sống của con người, ta không bị ảo tưởng làm mờ tối, khi ấy việc tu rất dễ dàng.

Như vậy khi đã được thân người, chúng ta phải làm gì? Biết rằng thân người khó được mà ngày nay mình được rồi, đó là rất quí. Quí thì làm sao? Kiếm thuốc trường sanh cho nó sống dai phải không? Hay dùng tất cả các chất tẩm bổ cho nó tráng kiện hoài? - Không phải. Chúng ta biết được thân người là điều rất khó, nên khi đã được phải sử dụng sao cho hữu ích đối với bản thân, với mọi người xung quanh. Như vậy mới xứng đáng với giá trị khó được của nó. Chẳng lẽ được thân người rồi, ta cứ để trôi qua hết một đời, sau mất đi không chắc trở lại làm người thì uổng biết mấy. Vì vậy mình phải làm sao cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp, làm sao mọi người chung quanh đều quí mến. Đó là chúng ta biết dùng thân này, chớ quí vị chỉ lo ăn, lo ngủ, lo mặc, lo chỗ ở… lo đã đời rồi ngã xuống chết, không biết đi về đâu, có đáng tiếc không?

Nhiều vị tưởng làm lợi ích cho mình cho người là làm giàu, có nhiều tiền. Không phải vậy. Với tâm lúc nào cũng muốn đem lại sự tốt đẹp cho mình, cho người thì sống trong hoàn cảnh nào ta cũng làm được. Ví dụ thấy bà cụ bảy tám mươi tuổi qua đường, xe cộ dập dìu cụ không dám qua, chúng ta chỉ cần dắt tay đưa bà qua đường. Đó là tốt, là có phước rồi. Việc làm này đâu đòi hỏi phải có tiền, chỉ một chút công thôi cũng đủ có phước. Gặp một đứa trẻ đi học, chạy chơi vấp té, chúng ta đỡ nó lên, phủi quần áo sạch, đâu tốn công bao nhiêu mà lại là một hành động tốt. Thấy ngoài đường người ta bỏ rác dơ, mình lượm vào đốt hoặc chôn, đó là hành động tốt. Không cần ai biết, ai khen, mỗi ngày mình đều làm đẹp cho bản thân, làm đẹp cho xã hội, đó là ta khéo tu, khéo sử dụng thân này.

Đồng thời đối với thân, miệng, ý của mình, chúng ta làm được việc gì có lợi chung cho mọi người thì làm. Miệng nói những lời tốt khiến mọi người an vui. Ý nghĩ tới tình thương, hỉ xả, nghe lời phiền trách chửi rủa, mình đều bỏ qua không giận. Thân giúp đỡ ai được việc gì đều vui vẻ làm không nệ khó nhọc. Đó là người khéo dùng thân tạm bợ này, không để uổng phí. Nếu không như vậy dù ta ăn ngon mặc đẹp mấy, tới chừng nhắm mắt thân này cũng trở thành thây thối mà thôi, có giá trị gì?

Thế nên khi còn sống, chúng ta cố gắng sử dụng thân cho có lợi ích, không tạo tội lỗi vừa để tốt đẹp cho bản thân vừa làm gương cho mọi người noi theo. Có thế đời sau được trở lại làm người, được thân tốt đẹpphước đức nhiều hơn nữa. Muốn thế ta phải gìn giữ thân miệng ý, không làm những điều sai lầm, luôn luôn làm điều tốt đẹp, đó là người khéo tu. Bởi vậy phải giữ tròn năm giới, đừng để thiếu sót đời sau sẽ không được làm người tốt đẹp trọn vẹn. Đó là người biết lo cho mình. Vị nào cao cả hơn nữa nên lợi dụng thân này cố gắng ngày đêm tu hành, sao cho sớm thức tỉnh, sớm giác ngộ. Đó là tiến lên vượt hơn thân người ở mai sau nữa.

Tôi dùng một ví dụ để làm sáng tỏ hơn điều này. Như người ra biển, gặp sóng to gió lớn, thuyền bị đánh chìm. Bấy giờ người ấy bơi lội một đỗi gần đuối, bỗng dưng gặp một khúc cây mục trôi lờ đờ trên mặt nước. Người ấy liền ôm khúc cây mục nên khỏi chết đuối. Nhưng khi được khúc cây mục rồi, người ấy phải làm sao? Phải tìm cách báo cho thuyền bè đi gần hay, họ cứu hoặc nếu gần bờ thì mượn khúc cây mục đó lội vào bờ. Như vậy khúc cây mục là hữu ích. Ngược lại ôm được khúc cây mục, mừng khỏi chết chìm rồi cứ ôm nó hoài, không nhờ ai tiếp cứu hoặc không lội vào bờ, kết quả sẽ ra sao? Khi khúc cây rã, người ấy phải chết thôi. Với người như thế khúc cây mục kia trọn chẳng có lợi ích gì.

Khúc cây mục dụ cho thân này, chúng ta nhờ nó mà sống làm việc này việc kia. Ta nương nó để làm tất cả điều tốt, chớ không nên ôm giữ, bảo vệ nó như kẻ ôm khúc cây. Ngày nào nó rã mục thì uổng đi một đời vô ích. Đó là chỗ thiết yếu trong việc ứng dụng tu hành.

Phật pháp khó nghe, mà chúng ta đã được nghe thì phải làm sao? Người thiếu phước duyên ít có cơ hội nghe pháp, cũng như ít có cơ hội gặp chư Tăng giảng dạy Phật pháp. Bây giờ được gặp, được nghe chúng ta phải biết trân quí pháp, nghe rồi tư duy cho kỹ xem lời Phật dạy, chư Tăng dạy có đúng không. Nếu nghe và suy gẫm biết rõ là đúng thì chúng ta phải thực hành. Đó là tu.

Nghe giảng kinh thuyết pháp không giống như đi nghe nhạc hoặc coi cải lương đâu. Ta không cảm thấy vui ồ ạt một chút rồi hết, mà nó rất thâm trầm. Chúng ta phải suy gẫm, nhận định mới hiểu, mới thấy cái hay của pháp. Từ đó áp dụng thực hành, ta mới thấy giá trịlợi ích thiết thực của giáo pháp. Thực hành gọi là tu. Vị nào học Phật hội đủ ba điều kiện trên, nghe pháp, biết suy gẫm đúng và thực hành, bảo đảm vị ấy là người Phật tử chân chánh, sẽ tu tiến chớ không bao giờ lùi. Được thế chắc chắn quí vị sẽ thoát khỏi những đau khổ trong hiện tạimai sau.

Cho nên trong nhà Phật dạy Tam tuệ học là Văn, Tư, Tu. Văn là được nghe, Tư là suy ngẫm, suy ngẫm rồi Tu. Phật không bắt buộc ai nghe Ngài dạy rồi tin liền, mà phải suy ngẫm, thấy đúng mới tin mới thực hành. Kế đến, chúng ta nghe, hiểu, thực hành, rồi phải thêm cái tâm nữa. Phải có tâm ham tu, muốn chuyển hóa những gì xấu dở thành hay tốt. Những gì mình thấy hay, đúng nên thực hành và khuyên bạn bè, gia đình cùng học cùng hiểu, cùng thực hành theo. Được như vậy vừa có lợi cho gia đình mình, vừa có lợi cho những người chung quanh. Như thế mới đúng với tinh thần tự lợi, lợi tha của đạo Phật. Không nên hài lòng với kết quả của riêng mình, rồi giấu không cho ai biết nữa, đó là tâm ích kỷ không tốt.

Tóm lại, Phật tử phải thực hiện hai bổn phận: Thứ nhất, mình nghe suy ngẫm rồi tu. Thứ hai, đem cái nghe hiểu của mình truyền bá, chỉ dạy lại cho huynh đệ cùng nghe, cùng hiểu. Đó mới đúng là người Phật tử chân chánh biết tự lợi, lợi tha, làm tốt bổn phận của người tu Phật.

Thật ra tu theo đạo Phật không khó mà khó là tại chúng ta không can đảm thôi. Ví dụ Phật tử nào lỡ ghiền rượu, bây giờ nghe nói cấm uống rượu tự nhiên thấy tu khó quá, làm sao bỏ được đây? Nhưng nếu vị nào cả gan bỏ, khi bỏ được rồi mới thấy nhẹ nhàng. Mình không còn bị cái say sưa, mờ mịt lôi kéo nữa. Đó là đã giải thoát một phần, giải thoát nghiệp nghiện ngập trói buộc mình.

Quí vị tự xét xem uống rượu nhiều độc hại hay tốt lành. Rượu làm cho men gan tổn hoại, trí tuệ mờ tối, không còn biết phải quấy tốt xấu gì nữa. Người say sưa chuyện tội lỗi tày trời cũng dám làm, tới hồi tỉnh ra thì đã lỡ hết rồi, chỉ chuốc họa đau khổ mà thôi. Cho nên thoát khỏi nghiệp rượu là thoát khỏi hiểm nạn, thân tâm nhẹ nhàng khỏe khoắn vô cùng. Khi thoát được rồi mới thương những anh em cùng nghiệp như mình. Từ đó tìm cách khuyên nhủ, động viên họ nên chừa bỏ nghiệp rượu một cách mạnh mẽ. Vì bản thân mình đã bỏ được nên tự tin, thấy việc làm này không phải quá khó. Nếu người nào can đảm, cương quyết thì sẽ làm được thôi. Đó là hạnh tự lợi, lợi tha nằm trong tầm tay, trong khả năng của chúng ta. Cho nên tu Phật đâu phải quá khó.

Bên nam nặng nghiệp rượu, còn bên nữ nặng nghiệp nói dối. Quí cô, quí bà hay than buôn bán ngoài chợ không nói dối, khó quá. Quí vị đừng sợ, ban đầu mình nói thật giá, khách hàng chưa tin nhưng nhiều lần như vậy họ tin. Khi tin rồi họ mua ngày càng nhiều, và giới thiệu người khác tới mua nữa. Ban đầu thấy như thiệt thòi, nhưng sau sẽ được lợi ích hơn, mà lợi ích một cách chân chánh. Còn nói dối lừa gạt người, ban đầu họ không biết còn mua, đến chừng biết mình lừa gạt rồi, sau không ai dám tới nữa. Cho nên người khéo tu thấy như bị thiệt thòi mà lại có lợi ích, còn người gian xảo thấy như được lợi nhiều nhưng có ngày sẽ mất hết. Thế nên quí vị đừng ngại bị thiệt thòi, chỉ ngại chúng ta phạm giới thôi. Vì phạm giới đời này sống không an ổnđời sau còn chịu xấu hơn nữa.

Chúng ta sống trên đời này chỉ vài chục năm, lụi đụi cái chết đuổi theo sau. Vậy mà ta không chuẩn bị, không lo cho ngày mai, cứ tạo tội thì chừng chết tới làm sao trở tay kịp. Đó là khôn hay dại? Biết khổ mà không chuẩn bị đó là dại. Người khôn biết ngày mai mình phải chết bây giờ chuẩn bị lần, để sau khi chết được tự tại, được thân tốt đẹp hơn. Như vậy là người biết lo xa.

Quí vị giữ tròn năm giới làm điều lành, khi gần nhắm mắt vui cười ra đi. Tại sao? Vì biết chắc mình sẽ được thân sau tốt hơn, tự nhiên thấy vui, đâu có sợ chết. Thân này ai cũng biết nó bại hoại mà không chịu tu, không chịu chuẩn bị, chờ nó hoại rồi kêu trời khổ quá. Bây giờ biết thân bại hoại chúng ta can đảm, chấp nhận, rồi tạo điều kiện cho ngày mai được đẹp đẽ hơn. Nắm chắc trong tay kết quả rồi thì khi thân hoại ta chỉ việc mỉm cười: “Thôi chào anh tôi đi, sau sẽ tốt hơn. Đừng lo.” Còn không biết ngày mai thân phận ra sao, dĩ nhiên là hoảng hốt sợ sệt thôi.

Đã thế nhiều vị lớn tuổi còn cắm đầu lo cho con cháu, lo hoài không chịu tu. Sao quí vị không nghĩ tới chừng mình ra đi, tụi nó có đứa nào chịu đi theo dẫn đường cho mình không? Hay là chừng đó lủi thủi đi một mình, không biết thân phận ra sao. Chúng ta không phải chỉ có một đời này mà còn tiếp tục nhiều đời, phải ráng làm sao tiến hơn, tiến tới bao giờ thành Phật mới thôi. Có thế mới xứng đáng là đệ tử của Phật. Sở dĩ các Thiền sư gần chết cười là vì các ngài biết mình không mất cái cao quí, đời đời sanh ra gặp Phật pháp, tu hành ngày càng tiến lên, nên mới vui như vậy.

Tôi mong tất cả quí Phật tử có mặt ở đây nghe, hiểu, suy gẫmứng dụng tu, đừng để uổng công phí sức, nghe pháp nhiều mà không làm được gì hết. Phật tử không thể tu được nhiều như Tăng Ni, vì còn lo sự sống, bận bịu gia đình nên mỗi ngày làm một hai điều lành cũng tốt. Cứ thế mỗi ngày một ít, đến khi nhắm mắt cũng tích lũy một số lớn, nghiệp lành ấy sẽ dẫn quí vị đi theo đường lành. Đó là khôn ngoan, sáng suốt.

Tóm lại, tôi tha thiết nhắc tất cả quí Phật tử nhớ rõ thân người khó được. Chúng ta được rồi thì phải ráng giữ gìn cho tốt và tạo duyên cho mai sau càng tốt hơn, chớ đừng thả trôi. Phật pháp khó nghe, ngày nay chúng ta được nghe rồi phải nhận định chín chắnthực hành. Có thực hành mới thấy lợi ích thiết thực, nếu không thực hành dù nghe bao nhiêu kinh, đọc bao nhiêu sách cũng không đi tới đâu hết.

Mong tất cả Phật tử khéo sử dụng thân khó được này cho nó xứng đáng. Phật pháp khó nghe này mà chúng ta lãnh hội được để ứng dụng tiến tu thì không làm Hiền Thánh ít ra ta cũng được làm người tốt hơn đời này. Đó là lợi ích của người hiểu biết chín chắn lời Phật dạy “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”.


HẠNH NHẪN NHỤC

Nói đến nhẫn nhục thì đa số người đều có quan niệm rằng: nhẫn là phải nhục. Nhưng, kỳ thật nhẫn có phải là nhục không? Nhẫn nhục là chữ Hán, dịch theo tiếng Việt là nhịn chịu, chớ không phải nhẫn là nhục. Nếu nhẫn là nhục thì Phật bị nhục nhiều lắm, vì Ngài nhẫn hoài. Song, Ngài là bậc trí tuệtừ bi, có đủ mọi công đức cao cả, người đời tán dương công hạnh ấy, nên gọi Ngài là Đấng Đại Hùng Đại Lực, vậy thì nhục ở chỗ nào?

Tại sao chúng ta phải tu hạnh nhẫn nhục? Phật nói cõi Ta bà là cõi khổ, chúng sanh sanh trong cõi Ta bà phải có sức chịu đựng. Ta bà còn có nghĩa là kham nhẫn; kham là có thể chịu được, nhẫn là nhận chịu. Nỗi khổ ở cõi Ta bà chúng sanh có thể chịu nổi, chớ không phải không chịu được. Chúng ta kiểm điểm lại, từ khi khôn lớn cho tới ngày nay, những điều xảy ra trong cuộc đời này có bao nhiêu điều như ý và bao nhiêu điều bất như ý đối với chúng ta? Có đến 70% điều bất như ý, còn lại chừng 30% điều như ý. Điều mình không bằng lòng mà nó cứ đến hoài, làm sao vui được? Điều mình muốn mà nó ít đến nên cuộc đời khổ nhiều vui ít. Khổ nhiều mà chịu nổi là nhờ có sức kham nhẫn. Có kham nhẫn mới sống được trong cõi Ta bà này. Song, nhẫn ở đây không phải chỉ nhận chịu sự mắng chửi, đối xử tệ bạc của người đời, mà nhẫn ở đây là nhịn chịu mọi trường hợp.

Trường hợp thứ nhất là nhịn chịu sự đòi hỏi quá đángnội tâm mình, đó là tham dục. Tham dục có nhiều thứ là tham tiền của, tham sắc đẹp, tham danh vọng, tham ăn ngon, tham ngủ kỹ. Nếu thỏa mãn những thứ tham đó thì con người nên hay hư. Chắc chắn là hư, thế nên phải nhịn bớt. Muốn mười chỉ thỏa mãn năm ba thôi, nếu đòi thỏa mãn trọn vẹn thì không thể nào ổn được. Chẳng hạn như tham ngủ, đối với một thanh niên trung bình ngủ bảy tiếng đồng hồ là đủ, vừa có thì giờ làm việc hoạt động cho cơ thể khỏe mạnh, vừa có thì giờ học hành cho tinh thần sáng suốt minh mẫn, nếu ngủ một ngày mười hoặc mười hai tiếng đồng hồ thì thân thể béo phệ nặng nề, tinh thần uể oải mê mệt sống một đời bê tha gàn dỡ. Vì vậy mà phải hạn chế sự ngủ nghỉ cho có chừng mực. Khi hạn chế không cho ngủ như ý thích là đã bắt mình phải nhịn chịu để giảm bớt lòng tham ngủ. Rồi đến tham tài, tham sắc, tham danh, tham lợi, đều phải hạn chế, không cho thỏa mãn đúng mức. Như vậy, đối với ngũ dục trong thế gian này, chúng ta luôn luôn phải có sức kham nhẫn để hạn chế nhịn chịu lòng tham của mình. Tiết chế đó là tu nhẫn nhục.

Thứ nữa, bản thân chúng ta khi gặp cảnh bức ngặt như muỗi mòng, nóng lạnh, đói rét... xảy ra bất thường, chúng ta cũng phải nhận chịu tất cả. Ví dụ đang tụng kinh muỗi cứ bay vo ve cắn trên đầu trên mặt đau nhói, nếu đưa tay lên đập muỗi thì loạn động mất trang nghiêm, nên phải đứng yên. Bị muỗi cắn đau nhức mà phải đứng yên nhận chịu đó là nhẫn nhịn muỗi mòng. Hoặc khi đang ngồi thiền bỗng có cảm giác con gì bò nhột trên mặt, rồi bò lên cổ rồi chui vô lỗ tai... nhột nhột khó chịu. Nếu xả thiền ra xoa chà thì xao động, bất an và rồi cứ xoa chà hoài, vì hết chỗ này lan qua chỗ khác. Nên phải nhịn chịu không xoa chà, ngồi yên. Đó là nhẫn nhịn sự phiền toái bức bách trên thân. Hoặc đang khi nắng nóng mà phải làm việc ngoài trời, mồ hôi ra nhễ nhại, vẫn vui với việc làm không bực bội, không than rên, không bỏ dỡ công việc, đó là nhẫn chịu sự nóng bức. Để thấy, nhẫn không phải chỉ nhẫn nhịn khi bị người chửi mắng lấn hiếp, mà chúng ta còn phải nhẫn nhịn với bản thân mình: lòng tham quá trớn cũng phải hạn chế, nóng giận quá đáng cũng phải điều phục, thân nhọc nhằn nóng bức, đói rét cũng phải kham chịu. Đó là nhẫn ở tâm mình và nhẫ ở thân mình.

Thế thường, người đời quan niệm nhẫn là khi người ta nói làm trái tai gai mắt, mình phải trân mình, mím môi để nhịn. Nhẫn theo cách này thì có giới hạn, nhẫn lần thứ nhất, rồi lần thứ hai, đến lần thứ ba thì không chịu nổi. Nên có nhiều người hay nói: “Tôi nhịn đó nghe, tôi nhịn một lần, hai lần rồi, lần thứ ba tôi không nhịn được nữa đó!” Do vì trân mình mím môi để nhịn nên có giới hạn. Phật dạy chúng ta nhẫn không phải gồng mình chịu, mà nhẫn với cái nhìn bằng trí tuệ biết như thật, nên rất nhẹ nhàng êm ái. Tại sao nhẫn nhục mà êm nhẹ như vậy? Phật dụ người dữ mắng chửi hãm hại người hiền, giống như kẻ ngậm nước bọt ngửa mặt phun trời xanh. Nước bọt không tới trời mà rớt lại trên mặt người phun. Ở trên, trời vẫn xanh không có chút bợn nhơ nước bọt, cũng như người hiền không thọ pháp ác nên vẫn an vui không khổ. Phật lại còn nói: “Người dữ muốn hại người hiền giống như người đứng ngược gió ném bụi”. Người đứng dưới gió hốt bụi ném, gió đùa bụi lại phủ trên đầu trên mặt người ném. Người bị ném thì bụi không bay tới, nên không dơ không dính bụi. Như vậy người hiền bị người dữ hại vẫn bình thản không buồn, vì thấy việc làm ác của họ không có tác động đến mình, chỉ gây hậu quả không tốt cho họ mà thôi, nên không buồn. Song, người đời thì không như vậy, nghe ai ở xa xa nói đến tên mình, là đã nổi tức lên giành cái khổ về mình rồi. Đó là không biết tu nhẫn nhục. Nếu nghĩ kẻ kia mắng chửi muốn hại mình, cũng giống như họ đang ngửa mặt trên trời xanh mà phun nước bọt thì lúc đó giận hay là thương họ? thấy họ ngu khờ tội nghiệp, làm sao giận được? Nhẫn như vậy đâu có bậm môi trân mình gắng gượng chịu, mà quá nhẹ nhàng! Nhẫn được như vậy là nhờ trí tuệ thấy được lẽ thật.

Tôi nói thế, quí vị sẽ nghĩ Phật dạy những trường hợp bị phỉ báng, bị mạ nhục, bị ép bức... thì chúng sanh phải nhẫn. Còn Phật là bậc mà ai cũng tôn kính đâu dám xúc chạm đến Ngài, nên Ngài đâu có nhẫn. Phật dạy phàm phu chúng ta nhẫn, Ngài có nhẫn không? Phật nhẫn nhiều hơn chúng ta. Phật thành đạo đi giáo hóa, có rất nhiều người tin và theo Ngài, nhất là đệ tử của ngoại đạo. Một hôm Phật đi khất thực trong làng Bà-la-môn, thầy Bà-la-môn tại địa phương đi theo sau kêu tên Phật chửi, vì đệ tử ông đã theo Phật, Phật chậm rãi đi trước, ông cứ đi theo sau chửi hoài. Phật cứ vẫn làm thinh đi không nói gì hết. Ông tức quá, chạy tới trước đón đường Phật hỏi:

- Cù-đàm, ông có điếc không, tại sao tôi chửi mà ông không trả lời?

Phật đáp bằng câu hỏi:

- Giả sử nhà ông có giỗ, ông mời khách đến dự. Tiệc xong khách ra về, ông đem quà bánh tặng khách, khách không nhận, thì quà bánh đó về ai?

- Tôi tặng mà họ không nhận thì về tôi chớ về ai!

- Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì có dính gì với ta đâu!

Chúng ta thấy, mắng thì mắng, chửi thì chửi, Phật nghe mà không nhận thì có dính gì với Ngài, nên Ngài bình thản như không có gì. Còn chúng ta thì dễ dính, người ở đằng xa xì xầm có tên mình là theo dõi lắng nghe, để rồi sanh chuyện với họ; động tới là dính, nhạy lắm! Phật không gồng mình mím môi nhẫn như chúng ta, Ngài dùng trí tuệ biết người đó đang si mê nên nóng nảy nói bậy, đáng thương, họ nói một lúc rồi sẽ nghỉ. Đâu phải Phật không gặp người đời làm phiền nhiễu, mắng chửi Ngài, nhưng Ngài không động vẫn an nhiên bình thản. Chúng ta ngày nay tu, giả sử có ai nói: “Ông đó tu hú chớ tu cái gì!”. Thì đã nổi giận rồi. Nếu thật tu thì chúng ta không nổi giận, mà đã nổi giận, đó là tu hú chớ còn gì nữa. Chính vì muốn cải chánh, mình là người tu đàng hoàng nó đã tố cáo mình không khéo tu rồi. Người khéo tu sẽ nghĩ rằng: Ông muốn nói gì thì nói, việc ông làm ông biết, việc tôi làm tôi biết, khỏi phải cải chánh làm gì. Song, cái bệnh chung của con người là ưa thọ nhận, nên động tới mình là nhận liền để rồi dính mắc, sanh bao nhiêu thứ phiền não trần lao.

Người tu Phật, không phải chỉ có người mới tu bị khảo đảo, người này theo phá, người kia theo chọc, mà các vị tu càng cao khảo đảo càng lắm; mới tu thì khảo đảo ít, tu lâu khảo đảo nhiều. Tại sao vậy? Người tu giống như đứa học trò đi học vậy; học lớp 5 thì bài học bài thi dễ, học lớp 10 thì bài học và bài thì phải khó. Tới lớo 12 thì bài học và bài thi càng khó hơn nữa; học càng cao chừng nào thì bài học và bài thi càng khó chừng nấy. Đừng tưởng rằng tu cao rồi mọi việc xảy ra đều như ý hết. Tu mà muốn mọi việc đều như ý thì đâu có tu. Nói như vậy, nghe hơi lạ! Tu là chuyển cái dở thành cái hay, chuyển tật xấu thành tánh tốt, nếu mọi việc đều như ý hết thì đâu có gì chuyển đổi, không chuyển đổi tức là không tu. Thế nên chúng tu, lâu lâu có người đến chửi, coi có còn giận không. Nếu còn giận thì tự thấy mình còn dở, phải nổ lực tu hơn nữa để điều phục bệnh sân giận của mình. còn nếu ai gặp mình cũng xá cũng trọng hết thì đâu có gì để sửa, không sửa tức là không tu. Như vậy chúng ta tu mà có cơ hội thử thách thì sức tu của mình mới mạnh. Cho nên nói đến tu là nói đến nhẫn nhục. Người tu mà không nhẫn nhục thì không có tu. Thí dụ tu mà ai động tới là chửi, người ta chửi mình một câu, mình chửi lại mười câu, không để thua một lời thì đâu có tu. Tu là phải có sức chịu đựng, kham nhẫn để chuyển hóa mình và chuyển hóa người.

Một lần khác, Phật cũng đi giáo hóa ở một làng Bà-la-môn nọ, số người Bà-la-môn theo Phật rất đông. Thầy bà-la-môn làng này tức giận lắm. Nhân lúc Phật đi khất thực, ông đi theo sau Phật chửi, Phật thong thả đi, ông cứ đi theo sau chửi hoài. Đến ngã tư đường Phật lấy tọa cụ trải trên đất ngồi kiết già, thầy Bà-la-môn chạy lại trước Phật hỏi:

- Cù-đàm, ông thua tôi chưa?

Phật bèn nói kệ:

Người hơn thì thêm oán

Kẻ thua ngủ chẳng yên

Hơn thua hai đều xả

Ấy được an ổn ngủ.

Phật dạy người tranh giành để phần mình được hơn, thì bị kẻ thua oán hận âm mưu ám hại, sẽ khổ. Còn người cảm thấy mình bị lấn hiếp, bị thua phải ráng nhịn nhục, cho qua hồi nhiễu nhương thì lòng tức tối, bất an không ăn ngủ được, cũng khổ. Cho nên cả hai ý niệm hơn thua đều phải buông xả hết thì tâm thần mới được an ổn thoải mái mà ngủ nghỉ. Chúng ta thấy người giành hơn và kẻ thấy mình thua, cả hai đều chuốc khổ. Thế nên phải sáng suốt nhìn cho thấu cái lý thật của mọi sự việc đến hay đi, mà buông xả bỏ qua không buồn không giận. Thế thường người không làm ác làm quấy, mà bị kẻ xấu miệng cho là ác là quấy thì buồn giận. Và rồi kẻ làm ác làm quấy bị chê là ác là quấy cũng giận, đó là những người không biết tu. Đối với người biết tu, lỡ bất giác làm điều ác quấy bị chê là ác quấy, liền tự tỉnh, nhận lỗi và cám ơn thì mọi chuyện êm xuôi tốt đẹp. Còn nếu không làm ác quấy mà bị chê là ác quấy thì người nói ác quấy đ1o là kẻ không sáng suốt, đầu óc loạn động bất thường, thấy không đúng lẽ thật. Đối với người không tỉnh, bất thường (điên đảo), có nên đi cự lộn với họ không? Nếu chúng ta cự lộn với họ thì chúng ta cũng là kẻ si mê bất thường như họ. Cả hai trường hợp nếu nhận đúng lẽ thật thì không buồn giận. Trường hợp nếu mình là người tốt mà bị chê là ác quấy, mình biết mình rõ hơn người biết mình, nên bình thản cười thôi. Như vậy mình mới còn là người tốt, nếu lúc đó nổi nóng nói bậy thì thái độ của mình chứng minh mình là kẻ xấu ác rồi. Lâu nay chúng at xử kỷ tiếp vật đúng hay sai? Đa số là sai. Nghĩa là mình thấy mình tốt, ai nói mình xấu, nổi giận liền. Mà đã nổi giận thì xấu chớ tốt sao được? Chỉ có người bị chê mà vẫn tươi tỉnh vui vẻ, ai nói sao cũng cười thì người đó mới trọn vẹn tốt. Đó là nhẫn nhục không có nghĩa gồng mình chịu đựng, mà dùng trí thấy đúng lẽ thật. Khi thấy đúng lẽ thật rồi, chúng ta mới có khả năng kham nhẫn được mọi trường hợp bất như ý xảy ra. vậy tất cả người tu muốn cho tiến bộ, có kết quả tốt là phải có đức nhẫn nhục.

Sau đây tôi nói về hạnh Quán Âm qua ý nghĩa biểu trưng của tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm chúng ta thấy có lắm tượng, ở đây tôi chỉ nói ý nghĩa pho tượng phổ thôngQuán Âm Thanh Tịnh Bình Thùy Dương Liễu. Tượng hình người nữ đứng trên hoa sen, tay mặt cầm cành dương liễu, tay trái cầm bình thanh tịnh, trong bình đựng nước cam lồ. Quí Phật tử đi chùa tụng kinh Phổ Môn hằng lạy theo mười hai câu nguyện, trong đó có câu: “Nam mô thanh tịnh bình thùy dương liễu, Quán Âm Như Lai cam lồ sái tâm nguyện”. Câu nguyện này diễn tả đúng hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm.

Tại sao tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lại là người nữ? Theo kinh Di Đà nói: Người sanh về cõi Cực lạc tuy chưa chứng quả Thánh, vẫn không có tướng nam tướng nữ. Kinh A-hàm nói: Người nữ có năm chướng không thể thành Phật. Thế sao Bồ Tát Quán Thế Âm lại hiện thân người nữ?

Bồ Tát quán Thế Âm hiện thân của đức từ bi. Muốn nói lên tình thương chân thành tha thiết nhất trong con người, không tình thương nào qua tình thương mẹ thương con, vừa thâm thúy vừa bao la khó có thể hình dung đo lường được. Cho nên Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân là một người mẹ hiền của nhân loại, hay của tất cả chúng sanh. Người mẹ dầu bận công ăn việc làm gì, một khi nghe tiếng con kêu khóc, mẹ buông bỏ tất cả vội vàng chạy lại vỗ về con. Ngài Quán Thế Âm cũng thế, dù bận việc giáo hóa ở đâu, một khi nghe tiếng kêu than của chúng sanh Ngài liền hiện thân đến an ủi. Vì thế gọi Ngài là Bồ Tát Quán Thế Âm, mẹ hiền của tất cả chúng sanh. Lúc nào cũng lắng nghe tiếng nấc nở từ cõi lòng của đàn con dại đang đắm chìm trong bể khổ mênh mông, để đến xoa dịu cứu thoát, khiến mọi khổ não đều được tiêu tan.

Tay mặt Ngài cầm cành dương liễu là tượng trưng cho đức nhẫn nhục. Tay trái cầm bình thanh tịnh đựng nước cam lồtượng trưng cho tâm từ bi. Chỉ có cành dương liễu mới có khả năng mang nước cam lồ rưới mát chúng sanh.

Dương liễu là loại cây vừa dẻo vừa mềm, gặp gió mạnh thì uốn mình theo chiều gió, gió dừng là trở về vị trí cũ. Nếu cứng như cành cây lim, cây gỏ thì gió không thể lay, một khi bị gió lay là phải gảy. Nếu yếu như cành liễu thì chỉ buông rủ theo chiều gió. Cứng quá, mềm quá đều không có sức chịu đựng lâu dài. Cành dương liễu nhờ sức mềm dẻo nên khéo tùy duyên mà không mất vị trí. Tức là tuy chìu theo cảnh mà không bị cảnh chi phối. Vì thế, cành dương liễu được tượng trưng cho đức nhẫn nhục. Nhẫn nhục không có nghĩa ai làm sao cũng được, ai bảo gì cũng nghe. Chính bản chất của nó là kéo tùy thuận người, để hướng dẫn họ theo đường lối hay lập trường của mình. Tùy thuận mà không bị người chi phối, ngược lại chi phối được người. Người nhẫn nhục mới trông qua thấy rất yếu hèn, kỳ thật họ có sức mạnh phi thường, đã tự chiến thắng được tình cảm và phản ứng của bản năng. Họ đã vượt ra ngoài phạm trù con người phàm tục, nếu lấy con mắt phàm tục nhìn họ thì không thể nào hiểu nổi. Người chửi ta giận, người đánh ta đỡ, đó là bản năng tự vệ của tất cả mọi người. Bị chửi mà không giận, bị đánh mà không đỡ, ấy mới là việc khó làm, phi bậc Thánh giả đâu thể làm được. hằng ngày chúng ta sống theo tình cảm, theo bản năng, thấy những phản ứng như vậy cho là phải lẽ, hợp lý. nếu thấy người bị chửi mà không giận, chúng ta đâm ra bực tức, khi dễ họ, cho là kẻ hèn yếu nhác nhúa. Đâu ngờ, những kẻ ấy đã đứng trên đỉnh chúng ta, mà chúng ta ở dưới vẫn tự cao tự đại.

Nước cam lồ là thứ nước rất trong, mát và thơm ngọt, do hứng ngoài sương mà được. Chữ cam là ngọt, chữ lồ đọc trại chữ lộ, tức là sương hay mốc. Khi người ta bị nóng bức khô khan, nếu được một giọt nước cam lồ vào cỗ sẽ thấy ngọt ngào mát rượi. Nước cam lồ tượng trưng cho lòng từ bi của Bồ-tát. Khi chúng sanh bị lửa phiền não thiêu đốt, thiết tha cầu cứu nơi Bồ-tát. Ngài sẽ mang nước từ bi đến dập tắt và đem lại cho người sự mát mẻ an lành. Chúng ta đang sống trong nhà lửa tam giới, ngọn lửa phiền não của chúng ta đang cháy rần rần, nếu không có giọt nước từ bi của Bồ-tát, chắn hẳn tất cả chúng ta đều phải chết thiêu trong lò phiền não.

Từ bi là lòng thương không vụ lợi, không phân biệt thân sơ, không thấy có quý tiện, lòng thương chân thật bình đẳng. Sự quí báu cao cả của nó, chỉ có nước cam lồ mới đủ tính cách tượng trưng. Nước cam lồ chẳng những cứu người qua cơn khát cháy cổ, mà còn đem lại cho người mùi thơm ngon ngọt dịu. Từ bi chẳng những cứu người trong cơn nguy khốn mà còn đem lại cho người nguồn an lạc vô biên. Bởi tính chất quí báu vô thượng của nước cam lồ như vậy, nên phải đựng nó trong cái bình thanh tịnh. Vì của quí bao giờ cũng được đựng trong món đồ quí.

Bình thanh tịnhtượng trưng cho ba nghiệp trong sạch. Chúng ta ôm ấp lòng từ bi muốn ra cứu độ chúng sanh, nếu thân khẩu ý chưa trong sạch thì khó mong thực hiện lòng từ bi. Nếu cố gắng thực hiện, một thời gian cũng lạc về danh hay lợi. Ví như người có khoa y dược sẵn sàng chữa trị bệnh khổ cho người, khi những con bệnh được lành, đương nhiên có sự đền đáp hay khen ngợi trên báo chí, nếu người ấy ý chưa trong sạch dễ móng lòng danh lợi. Do đó, dần dần làm hoen ố lòng từ bi. Cho nên, muốn thực hiện lòng từ bi, điều kiện tiên quyếtba nghiệp phải thanh tịnh.

Muốn mang nước cam lồ ra rưới mát chúng sanh phải dùng cành dương liễu làm phương tiện. Bởi vì chúng sanh trong đời này nghiệp chướng quá sâu dầy ít khi thấy lẽ phải. Họ chỉ sống theo bản ngã, sống vì dục vọng của họ, khó ai làm cho họ hài lòng. Dù người ấy sẵn sàng tiếp giúp họ trong khi khốn đốn, mà họ vẫn không biết ơn, đôi khi còn phản bội. Người sẵn lòng từ bi ra tế độ chúng sanh, nếu thiếu nhẫn nhục thì sự tế độ khó được viên mãn. Không phải ai ai cũng sẵn sàng đưa tay cho ta dìu ra khỏi đường nguy hiểm hết đâu, dù họ là những kẻ mù. Có kẻ tin đưa tay cho ta dìu đi, song giữa đường vấp phải những hòn đá nhỏ, hay chạm phải những gốc cây, là họ sừng sộ với ta. Có kẻ dìu đi được một đoạn, họ cho là nhọc nhằn khổ sở, không muốn đi nữa, rồi kiếm chuyện làm khó dễ ta. Có kẻ không ưng đưa tay cho ta dìu, lại còn mắng nhiếc ta thậm tệ. Ở những trường hợp đó, dù ta có thiện chí muốn cứu giúp họ thế mấy, nếu thiếu đức nhẫn nhục, thử hỏi ta có thể làm được việc gì? Bởi thế người học đạo từ bi, trước phải tập đức nhẫn nhục, khi nhẫn nhục được thuần rồimới ra thực hiện từ bi. Chưa tập được đức nhẫn nhục đã vội ra thực hành hạnh từ bi, chẳng những không làm được hạnh từ bi, mà lại phát sanh sân hận là khác. Cho nên phải có cành dương liễu rồi, sau mới nhúng nước cam lồ rưới mát chúng sanh.

Sau đây tôi nhắc câu chuyện cổ tíchliên quan đến đức Quán Thế Âm để sáng tỏ thêm ý nghĩa nhẫn nhục. Câu chuyện rất được nhiều người biết đến là Quán Âm Thị Kính. Thị Kính là người đàn bà có chồng, một hôm chồng đang ngủ, nàng thấy có sợi râu mọc ngược nên lấy kéo cắt bỏ. Chẳng may bị chồng và gia đình chồng hiểu lầm cho nàng có y ám sát chồng, nên nàng bị trả về cha mẹ đẻ. Lễ giáo ngày xưa rất nghiêm khắc, người con gái ở trong gia đình đàng hoàng khi có chồng, mà bị đuổi về là một sự nhục nhã lớn cho gia đình. Thị Kính đang kham chịu cái nhục này. nếu là hạng nhi nữ thường tình không chịu nhục nổi thì hủy mình tự tử. Thị Kính không làm việc đó, giả trai vô chùa tu, đó là bước nhẫn nhục thứ nhất.

Vốn dĩ người có nhiều vẻ đẹp nên khi xuất gia ở chùa. Thị Kính bị các cô để ý. Thị Mầu là một trong những cố ấy, nàng lại là đứa con gái không đoan chính thiếu đạo đức. nàng thương Thị Kính, không được Thị Kính đáp lại nên sanh lòng oán hận, bèn lang chạ với kẻ thất phu có thai, rồi cáo gian cho Thị Kính là tác giả của bào thai. Thị Kính bị trị tội đánh đập. Khi bị hành hình nhục nhã tại sao Thị Kính không minh oan rằng: Tôi là người nữ giả trai đi tu, mà cứ làm thinh chịu? Bấy giờ không có chùa Ni mà chỉ có chùa Tăng, nên Thị Kính phải giả trai để được ở chùa. Nếu khai mình là người nữ thì được tha tội, nhưng về chùa thì không được chấp nhận cho ở tu chung với tăng. Trường hợp thứ hai Thị Kính nhẫn nhục để được tu, dù với giá nào cũng phải chịu. Trước Thị Kính cam chịu nhục nhã ở đời để đi tu. Bây giờ cam chịu mọi hình phạt đau đớn nhục nhã, chờ thả ra để được về chùa, vì sự tu mà nhẫn như vậy. Hai cái nhẫn này dễ làm hay khó? Nếu là chúng ta chắc không chịu nổi.

Nhưng tới lần thứ ba thì tuyệt đỉnh. sau khi bị đánh đập, tai tiếng không tốt, Thị Kính đã bị nhà chùa nghi không cho ở trong chùa mà cho ở ngoài hiên. Bấy giờ Thị Mầu sanh con đem bỏ trước hiên chùa. Nếu không quan hệ máu mủ tình cảm, thì đứa bé khóc mặc nó, nó có ra sao cũng mặc nó, nào có liên hệ gì với mình! Thế mà khi thấy đứa bé vô tội bị bỏ hoang khóc oe oe Thị Kính liền ôm vào nuôi dưỡng. Bây giờ muốn trắng án chỉ cần không nhận không nhìn đứa bé là được giải oan rồi. Song, thấy đứa bé bị bỏ hoang, nóng ruột ôm nuôi, như vậy ai Thị Kính trong sạch? Chính Hòa Thượng cũng đâm ra nghi ngờ. Tại sao Thị Kính làm như thế? Vì lòng từ bi! Thà cứu một mạng sống mà mình bị khổ, hơn là ngồi yên để mặc cho người đau khổ. Nuôi đứa bé không dễ dàng. Đã bị dư luận không tốt, lại còn không phương tiện nuôi dưỡng - không tiền, không sữa, không thức ăn... phải vào xóm làng để xin. Đi tới đâu cũng bị khinh thường phỉ báng. Thế mà Thị Kính mặc nhiên ai chửi thì chửi, ai khinh thì khinh, việc nên làm vẫn cứ làm, ngày ngày vẫn đi xin sữa để nuôi trẻ, mấy năm trời đứa bé mới lớn. Nhẫn như thế là tột độ rồi. Chúng ta bị mắng một câu đã ngủ không được, còn thị Kính ngày nào cũng bị miệt khinh, cũng bị chửi mắng mà vẫn cứ an nhiên làm. Công đức ấy cỡ nào, lòng từ bi bao lớn, đức nhẫn nhục có thiếu không? Do đức nhẫn nhục cao tuyệt nên lòng từ bi mới viên mãn. Nhẫn nhụctừ bi viên mãn thì quả Phật hiện kề. Thực hiện lòng từ bi là phải cam chịu cái khổ, cái xấu cái nhục... mà không sờn lòng nản chí, biết điều đó là thiện cứu giúp cho chúng sanh hết khổ thì cứ làm, mặc người đời không biết cứ khen chê mắng chửi. Được như vậy thì công hạnh mới viên mãn, đạo quả mới thành tựu. Chúng ta thấy Thị Kính từ cái nhẫn nhục ban sơ, là thay vì khổ nhục quyên sinh thì trốn đi tu. Lần thứ hai, thay vì minh oan để được trắng án thì chịu nhục, chịu đòn để được tu. Lần thứ ba không vì danh dự, không vì sống cho mình mà sống vì người khác, cứu mạng chúng sanh. Khi hạnh nhẫn nhụclòng từ bi viên mãn thì đạo quả thành tựu. Bấy giờ Thị Kính được tôn xưng là Bồ Tát Quán Thế Âm.

Qua câu chuyện Quán Âm Thị Kính, chúng ta thấy việc tu hành rất cụ thể, muốn thể hiện lòng từ bi là phải thực hiện trọn vẹn hạnh nhẫn nhục. Nếu thiếu nhẫn nhục thì lòng từ bi khó viên mãnđạo quả cũng khó thành tựu. Chúng ta tu muốn thành Phật, muốn thể hiện lòng từ bi mà không chịu nhẫn nhục, như thế là ăn gian, không thật tu. Người thật tu thì phải tu nhân như thế mới được quả như thế, chớ tu nhân này mà đòi quả khác là không được. Chúng ta thấy rất rõ ràngcụ thể, ai tu hành đến độ cao, muốn viên mãn đạo quả đều phải kham nhẫn mọi sự khó khổ, đắng cay không sờn lòng nản chí, thì lòng từ bi mới thể hiện tròn đủ, đạo quả mới viên thành.

Vậy, tất cả người phát tâm tu đều phải học hạnh nhẫn nhục. Có nhẫn nhục chúng ta mới thành người Phật tử chân chính. Nếu không nhẫn nhục, người ta nói một câu nặng một, đáp lại một câu nặng gấp hai, như vậy không phải là người tu. Đáp lại bằng đã không có tu rồi, huống nữa là hơn. Vì vậy tu là phải nhẫn. Nhẫn không có nghĩa gồng mình chịu, mà dùng trí tuệ thấy đúng lẽ thật, buông xả mọi hơn thua phải quấy với người, không cố chấp phiền hận. Người chửi mình, mình không nhận, đó là xả bỏ. Nếu bị chửi một câu mà nhớ hoài không quên, rồi sanh sân si phiền não thù hằn tự mình chuốc khổ và làm người khác khổ lây, đó là không nhẫn, không tu. Vậy tất cả ai tu cũng đều phải thực hành hạnh nhẫn nhục.

 

Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
(View: 2534)
“Tướng” là cái gì? “Tướng” chính là tướng trạng của sự vật biểu hiện nơi ngoài và tưởng tượng ở nơi trong tâm chúng ta.
(View: 36579)
Các chuyên gia đã từng nói cơ năng não bộ của con người so với máy vi tính phức tạp nhất trên thế giới lại càng phức tạp hơn.
(View: 7174)
Duy Thức Học được gọi là môn triết họcmôn học này nhằm khai triển tận cùng nguyên lý của vạn hữu vũ trụ nhân sanh mà vạn hữu vũ trụ nhân sanh...
(View: 7219)
Phật Đà Thập Đại Đệ Tử Tán - Hòa thượng Tuyên Hóa giảng thuật, Nguyễn Minh Tiến Việt dịch
(View: 4183)
Tạo sao gọi là Phổ Môn? vì tự tính của mình phổ biến khắp hư không pháp giới, nên gọi Phổ Môn.
(View: 5458)
“Quán” là xem xét, “Thế Âm” là âm thanh của thế gian. Quán Thế Âmxem xét âm thanh thế gian, tiêu biểu cho lòng từ bi của Bồ-tát.
(View: 12448)
Các tác phẩm của Thầy phần lớn được dịch từ Hán tạng, gồm giới kinh và các nguồn văn học Phật giáo Đại thừa với tư tưởng uyên thâm về triết họctâm lý học.
(View: 31062)
Đã phát khởi chí nguyện Đại thừa, lại kiên quyết thực hiện chí nguyện ấy, đó thực sự là cung cách hùng dũng của con sư tử đang vươn mình, và do đó phải được nhìn đến bằng cung cách của con voi chúa.
(View: 8525)
Tất cả các nhà đạo học và thế học muốn thành tựu kết quả tốt đẹp trong cuộc đời, thì trước hết, họ phải trải qua quá trình kham nhẫn, nỗ lực, tu, học, rèn luyện tự thân, giúp đỡ, và đem lại lợi ích cho tha nhân.
(View: 13137)
Bảy Đức Thế Tôn quá khứ từ Thế Tôn Tỳ Bà Thi, Thế Tôn Thích Ca, và chư Thế Tôn vị lai đều chứng ngộ Vô Thượng Bồ Đề từ sự chứng ngộ sự thật Duyên khởi.
(View: 3498)
Một bài pháp được ban cho chư Tăng Ni ở International Mahayana Institute tại Boudhanath, Nepal, ngày 2 tháng 2, năm 1975. Nicholas Ribush hiệu đính.
(View: 37091)
Quy Sơn Cảnh Sách Học Giải - Tác Giả: Thiền Sư Quy Sơn Linh Hựu; Thích Thiện Trí (Thánh Tri) Phỏng Việt Dịch và Viết Bài Học Giải
(View: 53301)
Nguyên xưa ngài Quán Nguyệt Pháp sư đem hai thời kinh khóa tụng: Mai đóng chung và chiều nhập chung lại làm một đại thể làm một tập lớn. - Chú giải: Ngài Quán Nguyệt; Dịch giả: HT Thích Khánh Anh
(View: 13751)
Đại ý bài kinh này Đức Phật dạy chúng đệ tử không nên truy tìm quá khứ, không nên ước vọng tương lai vì quá khứ đã đoạn tận.
(View: 22979)
Nếu tính từ thời điểm vua Lương Vũ Đế tổ chức trai hội Vu lan ở chùa Đồng Thái vào năm Đại Đồng thứ tư (538), thì lễ hội Vu lan của Phật giáo Bắc truyền đã có lịch sử hình thành gần 1.500 năm.
(View: 10073)
Phật dạy giới này áp dụng chung cho tất cả các Phật tử tại gia, không phân biệt Phật tử này thuộc thành phần hay đẳng cấp xã hội nào.
(View: 3295)
"Niệm Phật" nghĩa là xưng danh hiệu - hay nhớ tưởng đến hình tướng, bản nguyện hay công đức của một đức Phật - như Phật Thích-ca hay Phật A-di-đà.
(View: 10948)
Đức Phật A Di Đà tự thân có ánh sáng vô lượng, chiếu khắp cả mười phương mà không có vật gì có thể ngăn che. Vì vậy nên Phật A Di Đà có nghĩa là Vô Lượng Quang Phật.
(View: 13907)
Nguyên tác Hán văn: Tì-kheo Linh Diệu, tông Thiên Thai soạn - Dịch sang tiếng Việt: Thích Thọ Phước
(View: 13515)
Ngài Buddhaghosa sanh ra và lớn lên nước Magadha, thuộc Trung Ấn Độ, vào thế kỷ thứ V trong ngôi làng Ghosa, gần địa danh nơi đức Phật thành đạo Bodhigaya
(View: 16977)
Nghiên Cứu Về Kinh A Hàm (Ãgama, Sanscrist)
(View: 14612)
Kinh Địa Tạng là một trong các kinh Đại thừa được phổ biến rộng rãi trong quần chúng Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay song song với các kinh Kim Cương, Di Đà, Phổ Môn...
(View: 14913)
Nguyên tác: Tôn giả Thế Thân (Acarya Vasubandhu) - Hán dịch: Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng; Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh
(View: 9760)
No. 1613 - Nguyên tác: Tôn giả An Huệ; Dịch Hán: Tam Tạng Pháp sư Địa-bà-ha-la; Dịch Việt: Tâm Hạnh
(View: 12286)
Duy thức nhị thập luận, do bồ tát Thế Thân soạn, ngài Huyền trang dịch vào đời Đường... được thu vào Đại chính tạng, tập 31, No.1590.
(View: 11977)
Bồ-tát Trần Na tạo luận. Tam tạng Pháp sư Huyền Trang phụng chiếu dịch. Việt dịch: Quảng Minh
(View: 12190)
Đời Đường, Thận Thủy Sa Môn Huyền Giác Soạn; Thánh Tri dịch nghĩa Việt và viết bài học giải...
(View: 13457)
Thích-ca là phiên âm của tiếng Phạn. Phiên âm Hán Việt là Năng Nhân. Tức là họ của đấng hóa Phật ở cõi Ta-bà...
(View: 21445)
Trí Phật là trí Kim – cang, Thân Phật là thân Kim – Sắc, cõi Phật là cõi Hoàng – kim, lời Phật tất nhiên là lời vàng.
(View: 18584)
Niệm Phật Tâm Muội do HT Hư Vân soạn, Sa môn Hiển Chơn dịch; Tọa Thiền Dụng Tâm Ký do Viên Minh Quốc Sư soạn, HT Thích Thanh Từ dịch
(View: 32514)
Viết ra các bài Phật học thường thức này, chúng tôi không có tham vọng giới thiệu toàn bộ Phật pháp và chỉ cốt giúp cho các bạn sơ cơ hiểu được một cách đúng đắn, đạo lý năm thừa trong Phật giáo mà thôi.
(View: 12589)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, Kinh văn số 1675. Tác giả: Long Thọ Bồ Tát; Sa Môn Sắc Tử dịch Phạn sang Hán; HT Thích Như Điển dịch Việt
(View: 12519)
Đức Thế Tôn từ nơi cung trời Đâu-suất sinh xuống thành Ca-duy, chán đời sống dục lạc ở vương cung, thành tựu đạo chơn thường dưới cội cây...
(View: 4552)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 32, Luận Tập Bộ Toàn; Kinh văn số 1678. Pháp Hiền dịch ra chữ Hán. HT Thích Như Điển dịch Việt
(View: 13278)
Kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại là một phẩm của Kinh Pháp Cú Hán tạng có tên là Nê Hoàn Phẩm. Nê HoànNiết bàn (Nirvana, Nibbâna).
(View: 10972)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, quyển thứ 32, luận tập bộ toàn, kinh văn số 1637. HT Thích Như Điển dịch
(View: 17174)
Năm nay (2016) trong chương trình của tôi, không dự định đi sang Úc, nhưng ngày 23 tháng 6 năm 2016 vừa qua...
(View: 12601)
Nay ở nơi chư Phật Chắp tay kính đảnh lễ Con sẽ như giáo nói Tư lương Bồ-đề Phật.
(View: 15472)
Lúc bấy giờ, ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát (1) liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai hữu (2), chấp tay hướng Phật mà bạch rằng:
(View: 12648)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20.
(View: 17622)
Có lẽ Lăng Già là một trong những bộ kinh phân tích cái Tâm một cách chi li, khúc chiết nhất trong kinh điển Phật giáo.
(View: 13207)
Đại Chánh Tân Tu Đại tạng Kinh, quyển thứ 32 thuộc Luận Tập Bộ Toàn. Kinh văn số 1641. HT Thích Như Điển dịch
(View: 54348)
Toàn bộ Đại Tạng Kinh tiếng Việt trên 203 tập đã dịch và in xong...
(View: 13203)
Tại thành Xá Vệ, vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo-ni Avalika khoác y ôm bình bát, đi vào thành Xá Vệ để khất thực.
(View: 10328)
Đại Chánh Tân Tu đại tạng kinh, quyển thứ 32, Luận tập bộ toàn, kinh văn số 1634, HT Thích Như Điển dịch
(View: 15192)
Dịch từ văn Phạn sang văn Trung Hoa: Pháp sư Pháp Đăng; Thật Xoa Nan Đà (Siksananda), Lược giải: Tỳ kheo Thích Minh Điền
(View: 20937)
Nguyên tác Hán văn: sa-môn Pháp Tạng, chùa Sùng Phúc, Kinh Triệu thuật
(View: 14438)
Thời đại Dao Tần, Pháp Sư ba tạng Cưu Ma La Thập, dịch văn Phạn sang văn Trung Hoa, Lược giải: Tỳ kheo Thích Minh Điền
(View: 16029)
Kinh "Chiếc lưới ái ân" được dịch từ kinh Pháp Cú, Hán tạng.
(View: 18049)
Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinhbài kinh được tụng đọc tại các chùa theo hệ thống Phật Giáo Đại Thừa, là bài kinh rất phổ thông...
(View: 17399)
Nhập Trung Quán Luận (PDF) - Tổ Sư Nguyệt Xứng - Chuyển dịch: Thích Hạnh Tấn, TN Nhật Hạnh
(View: 13934)
Luận rằng: Ông bảo lời ta không có đạo lý, nếu thế thì lời ông cũng không có đạo lý. Nếu lời ông không có đạo lý thì lời ta ắt có đạo lý.
(View: 13072)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh,Luận Tập Bộ Tòan thứ 32, Thứ tự Kinh Văn số 1631
(View: 12573)
Như Bà-la-môn nói, trong các kinh điển, bốn Vệ-Đà là chính; Lại, trong đó, niệm là chính ; lại trong niệm này, năng thuyênsở thuyên là chính;
(View: 13850)
Nếu hiểu được Luận này, Ắt được các pháp luận, Nghĩa sâu xa như thế, Nay sẽ rộng tuyên nói.
(View: 13084)
Kinh văn số 1672, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển 32
(View: 26471)
Duy Thức Học, người nào nếu như nghiên cứu đến cũng phải công nhận là một môn học rất thực tế, rất sống động...
(View: 15169)
Từ A-Di Đà, tức là phiên âm từ chữ Sanskrit: अमित​ amita, có nghĩa là: Vô lượng, đây là dịch sát theo ngữ nguyên अमित​ amita của Sanskrit.
(View: 29177)
Nhiều người đọc Kinh Dược Sư hiểu sai ý của Phật Thích Ca muốn nói, hiểu sai nên đã đưa vào đường mê tín mà không biết, vì ở phần đầu của kinh Dược Sư...
(View: 10706)
"Tánh Không" (còn gọi là tính-không) là một từ ngữ liên hệ đến sự giảng dạy chính yếu của mọi ngành Phật giáo, nhưng ý nghĩa thật sự của từ ngữ nầy thường bị hiểu lầm.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant