Đại Tạng No. 1451
CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
- Mùla-Sarvàstivàda -
TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ
- Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu -
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)
Hán dịch: Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Đường, Trung Quốc
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 - TL 1998
--- ooOoo ---
Phần thứ hai nhiếp tụng mười trong biệt môn tám:
Nội nhiếp tụng:
Chúng tập kính Đại-sư,
Văn pháp sinh chánh tín,
Tự thuật niên suy lão,
Thuyết Hành-vũ nhân duyên.
Khi ấy, Thế Tôn bảo cụ thọ A Nan Đà:
- Ta muốn đến ấp Ba Thát Ly.
A Nan Đà thưa:
- Xin vâng, Thế Tôn!
Cùng các Bí-sô, tôn giả theo Thế Tôn rời nước Ma Kiệt Đà tuần tự du hành đến ở gần ngôi tháp thuộc ấp Ba Thát Ly. Nghe đức Phật đến, nhân dân trong ấp đều tập họp đến tháp, lạy sát dưới hai chân Ngài, ngồi qua một bên.
Thế Tôn bảo các Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ:
- Quý vị phải biết sự phóng dật có năm lỗi. Đó là:
1. Khi các Bà-la-môn sống phóng dật đưa đến sự việc tài sản quý và vật dụng của họ bị tiêu tan.
2. Người sống phóng dật nên khi đến chúng hội nào trong lòng của họ đều xấu hổ và khiếp sợ.
3. Người sống phóng dật nên tiếng xấu đồn khắp bốn phương.
4. Người sống phóng dật nên khi lâm chung phải hối hận.
5. Người sống phóng dật nên sau khi qua đời bị đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Đó là năm lỗi của phóng dật.
Lại nữa, khi sống không phóng dật, các Bà-la-môn có năm thắng lợi. Đó là:
1. Những tài sản quý và vật xử dụng của họ không bị tiêu tán.
2. Đến với chúng hội nào, họ cũng không bị xấu hổ và khiếp sợ.
3. Có tiếng khen vang khắp bốn phương.
4. Khi sắp qua đời, không hối hận.
5. Sau khi qua đời, sinh lên trời, hưởng thụ an lạc lâu dài.
Đây là thắng lợi của việc không phóng dật.
Sau khi giảng dạy giáo pháp làm cho các Bà-la-môn ... ở ấp Ba Thát Ly được lợi ích hoan hỷ, Thế Tôn im lặng. Các vị Bà-la-môn ... rời khỏi chỗ ngồi, sửa áo bày vai trái, quỳ gối sát đất, chắp tay bạch Phật:
- Hôm nay, nguyện Phật từ bi nhận lời đến ở phòng yên tịnh của chúng con.
Thế Tôn im lặng nhận lời. Biết Phật đã nhận lời, các Bà-la-môn làm lễ sát chân rồi từ giã. Khi họ đi rồi, đức Phật đi đến trú xứ yên tịnh của họ. Đến nơi, sau khi rửa sạch chân, đức Phật vào phòng ngồi yên.
Bấy giờ, Đại-thần Hành-Vũ nước Ma Yết Đà đang đo đạc bốn phía ấp Ba Thát La, xác định cương giới để tạo thành lũy chiến đấu với nước Phật Lật Thị. Trong khi ấy, trong ấp này, các thiên thần với uy đức lớn đang muốn ở nơi này. Ngay tại chỗ ngồi, với thiên nhãn siêu thiên nhân, Thế Tôn thấy các thiên thần ấy đang muốn ở nơi này. Vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, đi đến nơi mát mẻ, an tọa xong, Thế Tôn bảo A Nan Đà:
- Ông có nghe về việc đo đạc thành ấp không?
Thưa:
- Con có nghe đại thần Hành Vũ muốn xây dựng thành ấp gây thế lực vững chắc để chiến đấu với thành phương Bắc.
Phật dạy:
- Này A Nan Đà! Lành thay, đại thần Hành Vũ có trí tuệ lớn muốn xây dựng thành ấp giống như hình dáng cõi trời Ba mươi ba. Tại trú xứ này, Ta với thiên nhãn thấy các thiên thần lớn đang muốn ở chỗ này.
- Này A Nan Đà! Do chư thiên có thế lực lớn muốn ở đây cho nên những bậc đại nhân có phúc đức trong thành cũng muốn ở đây. Do những chư thiên trung bình muốn ở nơi đây nên những người trung bình và các loài khác cũng muốn ở đây.
- Này A Nan Đà! Trong thành ấp này có bậc thù thắng đang ở nên có lời bàn luận của bậc thù thắng, có thương nhân thù thắng đến cùng nhau giao dịch không ngừng. Đây là (sự thịnh vượng) của thành Ba Thát Ly, nhưng Thành Ba Thát Ly này sẽ bị tàn phá vì ba tai họa nước, lửa và nội phản.
Nghe đức Phật Thế Tôn tuần tự du hành từ nước Ma Yết Đà đến trú ở tháp thuộc ấp Ba Thát Ly, được nhân dân cung kính, đại thần Hành Xá đích thân đến gặp Thế Tôn, cung kính làm lễ thăm hỏi rồi ngồi qua một bên. Sau khi thuyết pháp làm cho ông ta được lợi ích hoan hỷ, Phật im lặng.
Rời khỏi chỗ ngồi, bày vai áo bên phải, quỳ gối phải xuống đất, đại thần Hành Xá chắp tay cung kính bạch Phật:
- Thưa đức Kiều Đáp Ma! Con xin thỉnh Ngài và đại chúng đến nhà con nhận bữa ăn đạm bạc vào ngày mai.
Đức Phật im lặng nhận lời. Biết Phật đã nhận lời, đại thần làm lễ rồi từ giã.
Đến nhà, ngay đêm ấy, Hành Vũ bảo mọi người làm các món ăn thơm ngon hảo hạng. Vào sáng sớm, sau khi chuẩn bị đầy đủ các món ăn, trải chỗ ngồi, bố trí bồn nước sạch, bột rửa, cây chà răng, đại thần sai sứ giả sang báo:
- Đã đến giờ, thức ăn dọn xong rồi, xin Phật định liệu.
Vào sáng sớm, đức Phật mặc y mang bát cùng Tăng chúng đi đến nhà đại thần, an tọa vào trai đường. Thấy Phật và chư Tăng theo thứ tự đã an tọa, đại thần Hành Vũ đích thân dâng các món ăn uống thơm ngon hảo hạng cúng dường đầy đủ lên Phật và đại chúng.
Biết mọi người xỉa răng, súc miệng, thu xếp bát xong, đại thần Hành Vũ đem bình vàng đựng đầy nước đặt trước Phật, phát nguyện:
- Con có được nghiệp Đẳng Lưu thắng thiện đưa đến quả báo an lạc do sự cúng dường này, xin đem năng lực phước nghiệp này làm cho các thiên thần cựu trú trong thành này luôn luôn hưởng thụ lợi lạc thù thắng. Xin Ngài nêu danh hiệu của họ để chú nguyện.
Sau khi nhận bữa cúng dường của đại thần Hành Vũ, đức Phật nói kệ tùy hỷ:
Người nào với lòng tin thanh tịnh,
Cung kính cúng dường đến chúng tăng,
Luôn sống theo chánh pháp của Phật,
Được các Đức Phật luôn khen ngợi.
Người nào có thông minh trí tuệ,
Đến sống nơi vùng thắng diệu này,
Cúng dường bậc trì giới tịnh hạnh,
Lại được chú nguyện với kệ phước.
Ai xứng cung kính và bố thí,
Nên phải ân cần cúng dường họ,
Vì vậy, chư thiên phát tâm từ.
Cũng như cha mẹ thương con đỏ.
Được sự thủ hộ của chư thiên,
Thường sống an ổn, hưởng thắng lạc,
Đời đời thường gặp người hiền thiện,
Cuối cùng sẽ chứng đắc Niết-bàn.
Sau khi thuyết diệu pháp làm cho đại thần lợi ích hoan hỷ, Thế Tôn đứng dậy từ giã.
Biết rõ pháp thế gian phải trở về sự tan hoại nên đại thần mặc y phục đàng hoàng đi theo sau Phật, với suy nghĩ: "Nơi nào mà Thế Tôn đi ra khỏi thành, ta sẽ xây dựng cổng có lầu lớn nơi ấy. Nơi mà Ngài đi qua sông Căng Già, ta sẽ xây bến đò".
Biết tâm niệm của ông ấy, Thế Tôn từ con đường phía Tây trong thành đi ra cửa phương Bắc hướng về sông Căng Già để vượt qua.
Tại sông ấy, muốn đi qua, có nhiều người dùng cỏ, cây, trái bầu và phao nổi để qua lại trên sông không ngừng.
Thấy như vậy, Thế Tôn suy nghĩ:
- Với thần lực, Ta sẽ đi vững vàng trên mặt nước từ bờ này sang qua bờ kia.
Nhập vào định thù thắng, tùy theo ý niệm, Thế Tôn cùng chúng Bí-sô biến mất ở bờ này và hiện ra bên bờ kia.
Khi ấy, có một Bí-sô nói kệ:
Nhiều người muốn qua sông,
Qua lại mãi không ngừng,
Dùng phao nổi, cỏ cây,
Để vượt qua sông Hằng,
Thế Tôn dùng thần lực,
Cùng với cả tăng chúng,
Bờ này sang bên kia,
Không một chút mệt nhọc,
Đất bằng nước lênh láng,
Đào giếng để làm gì,
Tâm phiền não không còn,
Cầu vật khác làm gì?
Ngay nơi đức Phật ra khỏi thành, đại thần Hành-vũ xây dựng cổng lớn, đặt tên là cổng Kiều Đáp Ma, con đường đến bến sông đặt tên là đường Kiều Đáp Ma.
Đến bờ sông phía Bắc, Thế Tôn bảo A Nan Nà:
- Ta muốn đến rừng Thăng Nhiếp Bà phía Bắc thôn Tiểu-xá.
Đến nơi, sau khi an tọa, Thế Tôn bảo các Bí-sô:
- Đây là giới, đây là định, đây là tuệ; do sức trì giới làm định vững chắc an ổn không thối lui; do tu tập định nên phát sinh trí tuệ; do sức trí tuệ nên tâm giải thoát khỏi tham sân si. Như vậy, này các Bí-sô, tâm được giải thoát hoàn toàn, được Chánh liễu-tri: Ta đã hết sinh, phạm hạnh đã lập, không thọ đời sau, việc làm đã xong, Như-thật-tri như vậy. Này A Nan Đa! Ta muốn đến khu rừng bên ngoài tụ lạc Phiến Vi.
Thưa:
- Xin vâng, Thế Tôn!
Khi đến nơi, gặp lúc nhân dân trong tụ lạc bị bệnh dịch. Có một tịnh tín cận sự nam bị bệnh qua đời . Lại các vị cận-sự-nam như Hiền Thiện, Danh Xưng ... cũng đều qua đời.
Vào sáng sớm, các Bí-sô mặc y mang bát vào tụ lạc theo thứ tự khất thực. Họ nghe trong tụ lạc có nhiều người bị chết vì bệnh dịch. Khất thực xong, họ trở lại chỗ ở thọ trai rồi xếp y bát, rửa sạch chân. Sau đó, cùng đến gặp đức Phật, lạy sát chân, ngồi qua một bên, họ bạch:
- Thưa Thế Tôn! Khi vào khất thực trong thôn, nghe có nhiều cận-sự-nam qua đời, chúng con không biết họ sinh về đâu?
Phật dạy:
- Này các Bí-sô! Trong thôn này có 250 Cận sự nam qua đời ở đây đã đoạn năm hạ-phần-kết, được thân hóa sinh chứng quả Bất-hoàn chẳng trở lại cõi này nữa, không còn thối chuyển với quả Niết-bàn. Này các Bí-sô, lại có hơn 300 Cận-sự-nam qua đời ở đây đã làm cạn mỏng tham sân si chứng quả Nhất Lai, còn trở lại nhân gian trong thời gian ngắn sẽ chấm dứt cảnh giới khổ.
- Này các Bí-sô, trong thôn ấp này có năm trăm người qua đời đã đoạn ba kiết sử chứng quả Dự-lưu không còn thối chuyển, chỉ sinh tử bảy lần nữa trong nhân gian và thiên giới sẽ chấm dứt cảnh giới khổ.
- Này các Bí-sô, cần gì phải hỏi như vậy để gây phiền cho Ta, sinh phải có chết, đấy là việc thường tình. Dù Phật có ra đời hay không, pháp sinh tử là như vậy, Như Lai biết rõ nên thuyết giảng phân biệt cho hữu tình, chỉ bày pháp môn mười hai duyên sinh. Đó là cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh. Nghĩa là vô-minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử ưu bi khổ não. Cái này sinh nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt. Nghĩa là vô-minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục xứ diệt, lục xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì ưu bi khổ não diệt; như vậy cả một tập hợp khổ lớn đều bị trừ diệt. Ta lại vì các ông giảng thuyết về gương-pháp, hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ. Gương pháp là gì?
Nghĩa là đối với Phật Pháp Tăng và Thánh giới thanh tịnh, các ông phải tôn trọng, cung kính, cúng dường, lễ bái, khen ngợi, luôn luôn chánh tín chánh niệm; gọi là gương-pháp, nên thọ trì như vậy.
Nghe lời Phật dạy như vậy, các Bí-sô y giáo phụng hành.
Phật bảo A Nan Đà:
- Ta muốn đi đến thành Quảng Nghiêm, ông hãy bảo với đại chúng.
- Xin vâng, Thế Tôn! A Nan Đà thưa.
Tuần tự, Thế Tôn và Tăng chúng đến trú ở vườn Am Một La ở thành kia. Trong thành ấy có một cô gái (xưa gọi Nại Nữ là sai) mà mọi người đều biết, nhan sắc xinh đẹp tên Am Một La là chủ khu vườn này. Nghe Thế Tôn đến ở trong vườn mình, cô ta mặc y phục đẹp, trang sức chuỗi ngọc, sai tỳ nữ cùng tùy tùng đi xe quý đến gặp Phật. Đến khu vườn, cô ta xuống xe đi bộ vào.
Bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô số chúng Bí-sô vây chung quanh. Trông thấy cô gái, Thế Tôn bảo các Bí-sô:
- Các cô gái kia sắp đến đây, các ông hãy buộc niệm, chánh tư duy, đừng nghĩ chuyện khác, hãy lắng nghe lời Ta dạy.
- Này các Bí-sô! Buộc niệm, chánh tư duy như thế nào? Khi Bí-sô nào có ý niệm xấu, tâm bất thiện, hãy từ bỏ ngay, nên phát sinh chánh tín, tinh tấn, hộ trì tâm ý, chánh niệm không tán loạn, làm cho phát sinh thiện pháp, chấm dứt ác niệm, tu tập nhiều chánh trí, phát triển cho đến viên mãn, tinh cần liên tục chớ có ý nghĩ khác.
Này Bí-sô! Như vậy là buộc ý niệm, chánh tư duy. Các ông hãy lắng nghe, chớ nghĩ chuyện khác, Bí-sô nên biết, trong khi đi lại nên quán sát rõ các hành động co, duỗi, cúi, ngữa, mang Tăng-già-chi, mặc y cầm bát, đi, đứng, nằm, ngồi, nói chuyện, im lặng, nghỉ, ngủ, thức dậy, thực hành pháp đối trị bằng cách an trú chánh niệm.
Thế nào là Bí-sô an trú chánh niệm?
- Các ông nên biết, đó là quán sát nội thân, sách tấn tinh cần, khéo huấn luyện, biết rõ các pháp thế gian là ưu khổ. Thế đến quán sát ngoại thân, nội ngoại thân; nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp. Đối với các pháp này, buộc niệm quán sát giữ tâm an trú; sách tấn tinh cần dũng mãnh không ngừng, chế ngự hoàn toàn, biết rõ các pháp thế gian là ưu khổ. Bí-sô nên buộc niệm tư duy như vậy. Các ông hãy chánh niệm vì các cô gái kia sắp đến đây nên Ta phải ân cần dạy bảo như thế.
Gặp đức Phật, cô gái đảnh lễ sát chân rồi ngồi sang một bên. Sau khi thuyết giảng diệu pháp làm cho cô gái lợi ích hoan hỷ, Thế Tôn im lặng.
Rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy, cô Am Một La chắp tay cung kính bạch Phật:
- Thế Tôn! Xin Ngài từ mẫn cùng các Bí-sô đến nhà con nhận bữa ăn đạm bạc vào ngày mai.
Phật im lặng nhận lời. Thấy Phật im lặng nhận lời, cô gái lạy sát hai chân Phật rồi từ giã.
Bấy giờ, nghe Phật du hóa nhân gian đang ở vườn Am Một La, các thanh niên Lật Cô Tỳ ở thành Quảng Nghiêm đều cỡi các loại xe tứ mã quý báu. Có người dùng ngựa xanh, càng xe xanh, thùng xe xanh, dây cương xanh, roi xanh, đội mão xanh, che lọng xanh, mang đao xanh, cầm phất xanh, mặc y phục xanh, chuỗi ngọc và hương xoa đều màu xanh cùng những người tùy tùng đều mặc y phục xanh. Lại có người Lật Cô Tỳ khác cùng những tùy tùng tạo thành một đoàn riêng với xe, ngựa, y phục trang sức đều màu vàng. Một đoàn khác dùng toàn màu đỏ. Một đoàn khác dùng toàn màu trắng. Như vậy, trước sau từng đoàn thổi loa gióng trống kéo nhau ra khỏi thành Quảng-Nghiêm. Họ đều muốn đến gặp Như Lai để thân cận cung kính đảnh lễ.
Biết họ sắp đến, Như Lai bảo các Bí-sô:
- Người nào chưa thấy chư Thiên cõi trời Ba-mươi-ba du ngoạn ở vườn đẹp, hãy nhìn những thanh niên Lật Cô Tỳ ở thành Quảng Nghiêm này. Do uy lực và sự trang sức xinh đẹp rực rỡ nên họ không khác chư Thiên cõi trời Ba-mươi-ba đang du ngoạn ở vườn đẹp.
Đến khu vườn, các thanh niên Lật Cô Tỳ xuống xe đi bộ vào gặp Thế Tôn, lạy sát chân Ngài, ngồi qua một bên, muốn nghe diệu pháp. Thế Tôn thuyết pháp làm cho họ lợi ích vui mừng.
Trong hội, có một thanh niên Bà-la-môn tên Tóc Vàng đứng dậy sửa y phục, chắp tay bạch Phật:
- Thế Tôn! Con đang vui mừng, muốn ca ngợi.
Phật bảo thanh niên ấy:
- Hãy nói tùy ý.
Được Phật cho phép, thanh niên nói kệ:
Đại-vương trang sức với giáp quý,
Nhà vua đang được lợi ích lớn,
Có Phật xuất hiện tại chốn này,
Tiếng khen cao vút như Tu-di,
Như hoa sen trắng ở trong ao,
Đêm nở tỏa hương thơm ngào ngạt,
Như mặt trời chiếu trên hư không,
Ánh sáng tỏa rạng khắp thế gian,
Hãy xem sức trí tuệ của Phật,
Như ánh đuốc sáng phá tối tăm,
Thường làm mắt trí cho trời người,
Ai được gặp Ngài, đều tùy thuận.
Nghe nói kệ xong, các thanh niên Lật Cô Tỳ đồng thanh khen ngợi:
- Chàng trai uy hùng này đã nói kệ rất hay.
Năm trăm thanh niên Lật Cô Tỳ trong hội đều lấy áo trên tặng cho Tóc Vàng.
Sau khi thuyết pháp làm cho mọi người được lợi ích hoan hỷ, Thế Tôn im lặng. Các thanh niên Lật Cô Tỳ đứng dậy, chỉnh y phục, chắp tay bạch Phật:
- Xin thương chúng con, cầu mong Thế Tôn và các Bí-sô vào thành nhận bữa ăn đạm bạc của chúng con vào sáng mai.
Phật đáp:
- Ta cùng Bí-sô đã nhận lời thọ trai của cô Am Một La vào sáng mai.
Họ thưa:
- Đại-đức! Chúng con bị tổn thất, thua cô gái kia rồi. Với trí tuệ, cô ta đã thỉnh Thế Tôn trước. Chúng con không được thân cận cung kính lễ bái Ngài kịp lúc. Sau này, con sẽ cúng dường.
Phật khen:
- Lành thay!
Sau khi nghe Phật khen ngợi, với tâm hoan hỷ, các thanh niên ấy đảnh lễ sát chân Phật rồi từ giả.
Thấy mọi người đã lễ Phật từ giã, một lúc sau thanh niên Tóc Vàng rời chỗ ngồi sửa y phục, chắp tay bạch Phật:
- Đại đức! Nghe con khen ngợi Phật, năm trăm trăm người kia đồng thanh vui mừng. Vì bài kệ hay nên mỗi người tặng cho con một tấm áo. Con dâng chúng lên Ngài, xin từ bi thương xót nhận cho.
Thế Tôn nhận lấy, bảo:
- Này thanh niên, khi đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh đẳng-giác xuất hiện trong thế gian, có năm điều hy hữu xuất hiện. Đó là:
1. Trong thế gian có bậc Đại-sư Như Lai Ứng Cúng Chánh-đẳng-giác Minh-hạnh-viên-mãn Thiện-thệ Thế-gian-giải Vô-thượng-sĩ Điều-ngự-trượng-phu Thiên-nhân-sư Phật Thế Tôn xuất hiện. Pháp của Ngài thuyết đầu giữa cuối đều thiện, văn nghĩa rõ ràng vi diệu thuần nhất viên mãn, đầy đủ tướng trạng phạm hạnh thanh tịnh trong sáng.
Đây là sự hy hữu thứ nhất khi đức Như Lai Ứng Cúng Chánh-đẳng-giác xuất hiện trong thế gian.
2. Nghe được diệu pháp ấy, người nào hết sức chú ý chuyên tâm ghi nhận tư duy quán sát thì hộ trì được các căn. Đây là sự hy hữu thứ hai khi đức Như Lai Ứng Cúng Chánh-đẳng-giác xuất hiện trong thế gian.
3. Nghe được chánh pháp, người ấy phát sinh hoan hỷ được lợi ích lớn, nhàm chán việc thế tục. Đây là sự hy hữu thứ ba khi đức Như Lai Ứng Cúng Chánh-đẳng-giác xuất hiện trong thế gian.
4. Được nghe pháp do những người khác tuần tự nói lại, người ấy cũng dần dần vâng làm theo lời dạy. Đây là sự hy hữu thứ tư khi đức Như Lai Ứng Cúng Chánh-đẳng-giác xuất hiện trong thế gian.
5. Sau khi nghe pháp, người ấy chánh niệm tư duy thì thông đạt pháp bằng trí tuệ vi diệu. Đây là sự hy hữu thứ năm khi đức Như Lai Ứng Cúng Chánh-đẳng-giác xuất hiện trong thế gian.
Lại nữa, này thanh niên, người biết tri ân và báo ân là bậc đại nhân, chút ân nhỏ còn không quên huống chi ân lớn. Thế nên, người hãy chuyên cần tu học như vậy.
Nghe lời Phật dạy, thanh niên ấy hoan hỷ tín thọ, đảnh lễ sát chân Phật, từ giã.
Ngay đêm ấy, Am Một La chuẩn bị đầy đủ các món ăn uống hảo hạng. Vào sáng sớm, cô ta bố trí chỗ ngồi, bồn nước sạch, cây chà răng và bột rửa, sai sứ đến thưa với Phật:
- Thức ăn đã dọn xong, xin Ngài định liệu.
Mặc y mang bát, Thế Tôn cùng các Bí-sô đến nơi dọn ăn. Thấy Phật và chư Tăng đã tuần tự an tọa xong, cô Am Một La đích thân dâng lên đầy đủ các món ăn thơm ngon. Sau khi Phật và chư Tăng thọ trai, rửa tay, xỉa răng, súc miệng, thu xếp bát xong, cô Am Một La đặt một chỗ ngồi thấp trước Phật để lắng nghe pháp.
Thế Tôn nói kệ cho cô ấy:
Người không keo kiệt thường bố thí,
Ai thấy cũng mến, kính, thân cận.
Đến giữa đám đông không sợ hãi,
Được lợi ích lớn, tiếng khen vang.
Thế nên người trí thường bố thí,
Làm cho phước báo luôn phát triển,
Trừ dần phiền não, phá san tham,
Sinh trời Ba-ba hưởng hoan lạc,
Tu các nghiệp thiện tăng công đức,
Sau khi qua đời, được sinh thiên,
Dạo vườn Hoan-hỷ cùng thiên nữ,
Làm đệ tử Phật thường an lạc.
Một lần nữa, tùy theo căn cơ, Thế Tôn thuyết pháp làm cho Am Một La lợi ích hoan hỷ.
Sau khi trở về trú xứ, Ngài bảo A Nan Đà: Hãy báo cho đại chúng, Ta sắp đi đến Trúc Lâm.
Tuân lời Phật dạy, tôn giả A Nan Đà cùng đại chúng theo Phật, đi đến ở rừng Thăng Nhiếp Ba, phía bắc Trúc Lâm.
Gặp lúc đói kém, khất thực khó khăn, Phật bảo các Bí-sô:
- Trong lúc đói kém này, các ông nên tìm nơi quen biết thuận tiện ở những tụ-lạc thuộc Bích Xá Ly mà an cư. Ta cùng A Nan Đà an cư ở trú xứ này. Nếu không giải quyết như vậy thì việc khất thực rất khó khăn.
Nghe Phật dạy như vậy, các Bí-sô đều an cư ở nhà những bạn tốt, riêng tôn giả A Nan Đà an cư với Phật dưới gốc cây. Trong mùa hạ ấy, thân thể bị bệnh đau đớn cơ hồ muốn chết, đức Phật suy nghĩ:
- Không bao lâu nữa, thân Ta sẽ chẳng còn nhưng các Bí-sô đang ở khắp nơi, vậy trong lúc không có đ?i chúng bên cạnh, Ta không nên nhập Niết-bàn, hãy dùng thiền định vô-tướng quán sát thân thể để chấm dứt các cảm giác đau đớn.
Sau khi nghĩ như vậy, đức Phật nhập vào thắng định. Tùy thuận chánh niệm, thân thể Ngài an ổn không còn các cảm giác đau đớn.
Vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, cụ-thọ A Nan Đà đến gặp Phật, lạy sát chân, đứng qua một bên, chắp tay thưa:
- Đại đức Thế Tôn! Vừa rồi thân tâm con mê muội không còn phân biệt được thiện ác, không trì tụng được pháp đã được nghe vì thấy Thế Tôn cảm thọ đau đớn, sợ Ngài sẽ tịch diệt. Hiện tại, được nghe Thế Tôn chưa bát Niết-bàn, con mới hơi tỉnh táo.
Con lại nghe Ngài nói:
- Nếu các Bí-sô chưa tập họp lại hết, Ta chưa Niết-bàn.
Suy luận từ đó, con biết Ngài sẽ thuyết giảng giáo pháp hy hữu.
Phật bảo A Nan Đà:
- Ông suy nghĩ rằng Ta vì dạy bảo các Bí-sô nên chưa Niết bàn; không đúng như vậy. Vì sao?
- Lẽ nào đến lúc này Ta mới chỉ dạy giáo pháp hy hữu hay sao?
- Này A Nan Đà! Điều cần nói, Ta đã nói rồi, làm cho các ông hiểu rõ các pháp trong ngoài. Đó là bốn niệm-trụ, bốn chánh-cần, bốn thần-túc, năm-căn, năm-lực, bảy giác-phần, tám chánh-đạo.
- Này A Nan Đà! Chư Phật Thế Tôn thường thuyết giảng phân minh về pháp này, không có tâm bí mật che dấu. Nhưng này A Nan Đà, thân Ta có bệnh, sắp nhập Niết Bàn nên suy nghĩ: "Ta đang bệnh nặng, chắc chắn từ bỏ thân mạng". Trong lúc các Bí-sô đang ở tứ tản, Ta nghĩ không nên bát Niết bàn mà chẳng có đại chúng bên cạnh, hãy chánh ý dùng thiền định vô-tướng quán sát thân thể làm cho chấm dứt đau đớn trên thân thể, sau khi Ta nhập định những đau đớn đều chấm dứt được an ổn.
- Này A Nan Đà! Hiện nay, thân thể của Ta đã già cả suy nhược, đã 80 tuổi, còn tồn tại là nhờ vào hai việc. Như chiếc xe hư cũ cũng nhờ vào hai việc. Do ý nghĩa này, các ông chớ buồn khổ ưu sầu. Các pháp hữu vi ở Thế gian do nhân duyên sinh mà tồn tại mãi không bị tiêu diệt là điều không thể có. Trước đây, Ta thường giảng cho các ông điều này:- Tất cả dục lạc vinh hoa đáng yêu vừa ý trong thế gian đều bị tan rã; ân ái bị biệt ly không tồn tại mãi. Vì vậy nên biết khi Ta còn tại thế hay sau khi nhập diệt, các ông hãy lấy mình làm hòn đảo tự nương tựa mình, lấy pháp làm hòn đảo, nương tựa vào pháp, không bằng hòn đảo khác, không nương tựa nơi khác. Vì sao? Dù Ta hiện diện hay đã diệt độ, ai nương tựa pháp, ưa thích trì giới, người ấy là đệ tử số một trong hàng Thanh-văn. Như thế nào là Bí-sô lấy mình làm hòn đảo, nương tựa vào mình, không bằng hòn đảo khác không nương tựa nơi khác?
- Này A Nan Đà! Những Bí-sô nào biết rõ tướng trạng của thân trong nội thân, buộc niệm quan sát, giữ tâm an trú, tinh cần dũng mãnh chiến thắng tham sân và những khổ não. Cũng như vậy, đối với ngoại thân, nội thân, nội ngoại thân; nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp buộc niệm quan sát, giữ tâm an trú, tinh cần dũng mãnh chiến thắng tham sân và những khổ não. Bí-sô nào quán sát như vậy được gọi là vị lấy mình làm hòn đảo, tự mình nương tựa mình, sống tùy thuận theo pháp.
Nội nhiếp tụng:
Hành vũ Trúc-lâm nội,
Tu lý Ba-thát ấp
Độ hà nghệ tiểu thôn,
Tiệm hướng Niết-bàn đẳng.
Thế Tôn bảo cụ thọ A Nan Đà:
- Ta muốn đến thành Quảng Nghiêm.
Tuân lời Phật dạy, tôn giả A Nan Đà theo Ngài đến giảng đường Trùng Các, thành Quảng-Nghiêm. Vào sáng sớm, Phật mặc y mang bát có tôn giả A Nan Đà đi theo vào thành khất thực.
Sau khi khất thực, trở về chỗ ở, thọ trai xong, đi đến gốc cây ở tháp Thủ Cung an tọa, Đ?c Phật bảo A Nan Đà:
- Thành Quảng Nghiêm này vật chất hoa lệ, vườn hoa cây trái rất phong phú, tháp miếu ao mát thật khả ái; là nơi rất hy hữu đặc biệt nhất trong cõi Chiêm Bộ Châu này.
- Này A Nan Đà! Người nào tu tập, tu tập nhiều về bốn thần túc có thể sống trong một kiếp hay hơn một kiếp theo ý muốn.
- Này A Nan Đà! Như Lai đã tu tập nhiều về bốn thần túc nên có thể sống một kiếp hay hơn một kiếp theo ý muốn.
Khi ấy, A Nan Đà im lặng không nói gì cả. Thế Tôn nói ba lần như vậy nhưng A Nan Đà vẫn im lặng không nói gì.
Đức Phật suy nghĩ: "A Nan Đà đang bị ma vương làm mê hoặc nên thân tâm hôn loạn, tuy được Ta nêu ra thật rõ đến ba lần nhưng vẫn im lặng không một lời thưa thỉnh, như vậy biết chắc là bị ma vương mê hoặc".
Thêù Tôn bảo:
- Ông hãy đến ngồi riêng dưới một gốc cây khác, Ta không ở chung vì ông đang tạp loạn.
Nghe Phật bảo, A Nan Đà đến chỗ ngồi thường ngày, an tọa dưới gốc cây.
Khi ấy, đến gặp đức Phật, lạy sát chân Ngài, đứng qua một bên, ác ma Ba Tỳ chắp tay cung kính thưa:
- Thế Tôn! Đã đến lúc Niết-bàn, xin Thiện-thệ nhập Niết-bàn.
Phật hỏi:
- Tại sao ngươi nói đến lúc Niết-bàn và thỉnh Ta nhập Niết-bàn?
Ma thưa:
- Đại đức! Trước đây ở dưới gốc cây Bồ-đề bên dòng sông Ny Liên, khi Phật mới vừa thành đạo, con đến thưa: - Thế Tôn đã đến lúc Niết-bàn, xin Thiện-thệ nhập Niết-bàn. Ngài đã bảo con:
- Nếu Thánh chúng Thanh văn đệ tử của ta chưa có trí tuệ thông đạt đầy đủ biện tài, dùng chánh pháp chiến thắng tà-luận, hiển dương thánh giáo làm cho lưu thông, lại nữa các Bí-sô Bí-sô-ny Ô Ba Sách Ca, Ô Ba Tư Ca chưa thể kiên trì giới phẩm, làm cho phạm hạnh của Ta được truyền bá khắp nơi làm lợi ích cho nhân loại và chư thiên thì Ta không nên nhập đại Niết-bàn.
- Đại đức Thế Tôn! Hiện nay chúng Thanh-văn có trí tuệ lớn, thông đạt đầy đủ biện tài vô ngại, dùng chánh pháp chiến thắng tà luận, hiển dương thánh giáo làm cho phổ biến khắp nơi.
Lại nữa, các Bí-sô, Bí-sô-ny, Ô Ba Sách Ca, Ô Ba Tư Ca có thể làm cho phạm hạnh được truyền bá khắp nơi làm lợi ích cho nhân loại và chư Thiên.
Vì các sự việc đã viên mãn nên con thưa Thế Tôn: - Giờ Niết-bàn đã đến, xin Thiện thệ nhập Niết-bàn.
Đức Phật bảo Ma:
- Ngươi hãy đợi một thời gian ngắn, không còn bao lâu nữa, ba tháng sau Như Lai sẽ vào cảnh giới Vô-dư Niết-bàn.
Bấy giờ, với ý nghĩ Sa-môn Kiều Đáp Ma không nói hai lời chắc chắn sẽ Bát Niết-bàn, Ma rất vui mừng, bỗng nhiên biến mất.
Phật suy nghĩ:
- Ta nên nhập vào định như vậy, tùy theo sức định ấy, xả bỏ tuổi thọ, chỉ duy trì mạng sống.
Khi Đức Phật nhập định ấy, xả bỏ tuổi thọ chỉ duy trì mạng sống, cả trời đất chấn động, sáng rực bốn phương, tinh quang rơi rụng, trống trời tự nhiên vang động khắp hư không.
Xuất định, đức Phật nói kệ:
Hữu hạn hay vô hạn,
Mâu Ny đều từ bỏ,
Nội tâm trú thiền định,
Như chim thoát khỏi trứng.
Vào buổi chiều, cụ thọ A Nan Đà rời khỏi chỗ ngồi, đến gặp đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, đứng qua một bên thưa:
- Thế Tôn! Trường hợp nào mặt đất bị chấn động?
Phật bảo A Nan Đà:
- Có tám trường hợp làm mặt đất chấn động. Mặt đất dựa trên nước, nước dựa trên gió, gió dựa trên không khí.
Này A Nan Đà! Gặp lúc gió lớn nỗi lên trong không trung làm cho nước xao động; nước lay động thì đất bị chấn động.
Này A Nan Đà! Đây là trường hợp thứ nhất mặt đất bị chấn động.
Này A Nan Đà! Bí-sô có uy-đức lớn với năng lực vĩ đại dùng sức thần thông quán tưởng đại địa này nhỏ như hạt bụi đi vào nước vô biên, sẽ làm cho mặt đất chấn động. Bí-sô ny và chư thiên nào có uy đức lớn nếu thi hành pháp tưởng này cũng làm cho mặt đất chấn động.
Này A Nan Đà! Đây là trường hợp thứ hai mặt đất bị chấn động.
Này A Nan Đà! Khi Đại bồ tát từ cõi trời Đổ-Sử Đa giáng thần vào thai mẹ thì mặt đất chấn động, ánh sáng rực rỡ hơn cả ánh sáng của chư Thiên. Khi Bồ-tát giáng thần vào thai mẹ thì ánh sáng chiếu soi khắp những nơi rất tối tăm đến nỗi ánh sáng chói lọi của nhật nguyệt trong thế gian cũng không chiếu đến được. Tại đó, những hữu tình từ khi được sinh ra đến nay muốn nhìn tay mình cũng không thể thấy nhưng nhờ ánh sáng chiếu đến nên thấy được cả hữu tình khác đang sống ở đó.
Này A Nan Đà! Đây là trường hợp thứ ba mặt đất bị chấn động.
Này A Nan Đà! Khi Đại Bồ-tát đản sinh thì mặt đất chấn động ... như trên.
Này A Nan Đà! Đây là trường hợp thứ tư mặt đất bị chấn động.
Này A Nan Đà! Khi Bồ-tát thành bậc Chánh-đẳng-giác thì mặt đất chấn động ... như trên.
Này A Nan Đà! Đây là trường hợp thứ năm mặt đất bị chấn động.
Này A Nan Đà! Khi Như Lai chuyển pháp luân ba lần thì mặt đất chấn động.
Này A Nan Đà! Đây là trường hợp thứ sáu mặt đất bị chấn động.
Này A Nan Đà! Khi Như Lai xả bỏ tuổi thọ chỉ còn giữ mạng sống thì mặt đất chấn động, bốn phương rực sáng, lưu quang rơi rụng, trống trời tự nhiên vang động khắp hư không.
Này A Nan Đà! Đây là trường hợp thứ bảy mặt đất bị chấn động.
Này A Nan Đà! Không bao lâu, chỉ ba tháng sau Như Lai sẽ vào cảnh giới Vô-dư-y Niết-bàn. Khi ấy, mặt đất bị chấn động, bốn phương trên dưới chói sáng rực rỡ, chư Thiên kêu lớn vang như tiếng trống.
Này A Nan Đà! Đây là trường hợp thứ tám mặt đất bị chấn động.
Khi ấy, cụ thọ A Nan Đà bạch Phật:
- Thế Tôn! Con thấy trong những điều Thế Tôn dạy có sự việc xả bỏ tuổi thọ chỉ giữ mạng sống nên mặt đất chấn động.
Phật bảo A Nan Đà:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Ta xả bỏ tuổi thọ chỉ lưu lại mạng sống.
A Nan Đà thưa:
- Đại đức! Chính con được nghe Ngài dạy thế này, người nào tu tập và tu tập nhiều về bốn thần-túc thì muốn sống một kiếp hay hơn một kiếp đều được như ý. Đối với bốn thần túc, Ngài đã tu tập, tu tập nhiều, cầu xin Thế tôn trụ thế một kiếp; cầu xin Thiện-thệ trụ thế hơn một kiếp.
Phật bảo A Nan Đà:
- Đây là lỗi của ông vì đã làm việc phi lý. Ta đã bảo với ông ba lần thật rõ nhưng ông không thể hiểu được chủ ý ấy vì tâm ông bị ma Ba-tỳ làm mê hoặc. Này A Nan Đà! Ý ông thế nào? Chư Phật Như Lai có nói hai lời không?
Bạch:
- Thưa không.
Phật dạy:
- Lành thay! Lành thay! Này A Nan Đà, không có sự việc đức Như Lai Đại-sư nói hai lời cả. Ta đã hứa với ma, ông không nên thỉnh nữa. Này A Nan Đà! Ông hãy đến gọi các Bí-sô sống gần tháp Thủ Cung tập trung ở nhà ăn.
Sau khi triệu tập các Bí-sô ấy, A Nan Đà đến gặp Thế Tôn, lạy sát chân, chắp tay bạch:
- Đại đức Thế Tôn! Các Bí-sô đã tập họp tại nhà ăn, xin Phật định liệu.
Rời chỗ ngồi đi đến nhà ăn, sau khi an tọa, Phật bảo chúng Bí-sô:
- Các ông nên quán sát các hành vô thường, là pháp thay đổi, không thể tin tưởng, phải nhàm chán xa lìa, cầu giải thoát. Các ông nên biết, có diệu-pháp thù thắng có thể làm cho sống an lạc lợi ích trong hiện tại và vị lai.
- Này các Bí-sô, hãy thọ trì đọc tụng, hiểu trọn vẹn ý nghĩa, chú tâm thực hành pháp này, có thể làm cho phạm-hạnh tồn tại không mất, phát triển rộng pháp như vậy vì lợi ích hữu tình vì thương xót tất cả làm an lạc cho nhân thiên. Thắng pháp gì làm cho lợi ích an lạc trong hiện tại và vị lai mà các Bí-sô thọ trì đọc tụng, hiểu trọn vẹn ý nghĩa, chú tâm thực hành pháp này, có thể làm cho phạm-hạnh tồn tại không mất, phát triển rộng pháp như vậy vì lợi ích hữu tình vì thương xót tất cả làm an lạc cho nhân thiên?
- Đó là bốn niệm-xứ, bốn chánh-cần, bốn thần-túc, năm căn, năm lực, bảy giác-phần, tám thánh-đạo. Nên biết đây là pháp làm cho lợi ích an lạc trong hiện tại và vị lai, các ông phải đọc tụng thọ trì ghi nhớ.
- Này A Nan Đà! Ta muốn đến thôn Trọng Hoạn.
Nghe lời Phật dạy, tôn giả A Nan Đà theo sau Phật đi đến vùng Viên Lâm về hướng Tây Bắc thành Quảng Nghiêm. Như voi chúa lớn, đức Phật quay toàn thân về bên phải, nhìn lại thành Quảng Nghiêm (ngài Nghĩa Tịnh đích thân đến nơi này làm lễ cầu nguyện thánh-giáo được lưu thông trong thời tượng và mạt pháp).
A Nan Đà bạch Phật:
- Thế Tôn! Như Lai quay về bên phải bồi hồi nhìn lại khắp thành phố, tất có lý do, xin Ngài dạy cho.
Phật bảo:
- Này A Nan Đà! Ta nhìn lại bên phải, đúng như ông nói phải có lý do.
- Này A Nan Đà! Đây là lần cuối cùng đức Như Lai Ứng-cúng Chánh-đẳng-giác nhìn về thành Quảng Nghiêm. Ta muốn đi đến rừng Sa La song thọ ở xứ Lực Sĩ để bát Niết Bàn, không còn trở lại nữa, thế nên quay lại nhìn thành phố này.
Nghe Phật nói như vậy, có Bí-sô nói kệ:
Nhìn lại lần cuối thành Quảng Nghiêm,
Chánh-giác không trở lại nơi này,
Ngài đang muốn đến rừng song-thọ,
Vùng đất Tráng-sĩ, chứng Vô-dư.
Đến rừng Thăng Nhiếp Ba thuộc thôn Trọng-Hoạn, Thế Tôn bảo các Bí-sô:
- Các ông nên biết, đây là Giới - Định - Tuệ; do tu tập giới nên an trú trong định; khéo tu tập định nên tịnh tuệ phát sinh; do có tịnh tuệ nên giải thoát khỏi tham sân si, nhờ vậy tâm đạt đến chỗ giải thoát Vị thánh đệ tử liễu tri như thật: Ta đã hết sinh y, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau.
Tuần tự như vậy, Ngài đi qua hơn mười tụ lạc, tùy căn cơ thuyết pháp cho chúng sinh, đến trú ở rừng phía Bắc thành Thọ Dụng. Khi ấy, mặt đất chấn động, mười phương khói lửa rực sáng, mặt trời mặt trăng mất hết ánh sáng, lưu tinh rơi rụng, trống trời vang động khắp hư không.
Vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, cụ thọ A Nan Đà đi đến gặp Phật, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên, bạch Phật:
- Đại đức Thế Tôn! Vì sao mặt đất chấn động?
Phật bảo:
- Này A Nan Đà! Có ba trường hợp mặt đất chấn động. Đó là: Mặt đất dựa trên nước, nước dựa trên gió, gió dựa trên không khí.
- Này A Nan Đà! Gặp lúc gió lớn nỗi lên trong không trung làm cho nước xao động; nước lay động thì mặt đất bị chấn động. Này A Nan Đà! Đây là trường hợp thứ nhất mặt đất bị chấn động.
- Này A Nan Đà! Bí-sô có uy-đức lớn với năng lực vĩ đại dùng sức thần thông quán tưởng đại địa này nhỏ như hạt bụi đi vào nước vô biên, sẽ làm cho mặt đất chấn động. Bí-sô ny và chư thiên nào có uy đức lớn nếu thi hành pháp tưởng này cũng làm cho mặt đất chấn động. Này A Nan Đà! Đây là trường hợp thứ hai mặt đất bị chấn động.
- Này A Nan Đà! Nếu Như Lai sắp nhập Niết-bàn thì mặt đất chấn động... như nói ở trước. Này A Nan Đà! Đây là ba trường hợp mặt đất chấn động.
A Nan Đà bạch Phật:
- Thế Tôn! Kỳ lạ thay Ngài đã thành tựu được sự việc vượt ngoài suy nghĩ bàn luận như vậy. Như Lai Ưùng Cúng Chánh Đẳng Giác sắp vào Đại Niết-Bàn, do sự việc này nên mặt đất chấn động, hiện ra tướng trạng kỳ lạ ... như nói ở trước.
Phật bảo:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói, đức Như Lai Ưùùng Cúng Chánh Đẳng Giác thật đã thành tựu pháp hy hữu như vậy.
- Này A Nan Đà! Thời quá khứ, Ta đã từng ở nơi vô lượng trăm ngàn chúng Sát Đế Lị làm cho họ thân cận Ta. Bấy giờ, tùy theo hình dáng cao thấp của họ ... Ta cũng mang hình dáng với nhan sắc, âm thanh, ngôn ngữ tương đồng như họ. Ta cũng nói với ý nghĩa như họ nói. Điều họ không hiểu, Ta nói cho họ nghe, dùng pháp thắng thượng chỉ dạy lợi ích hoan hỷ làm cho họ được khai ngộ rồi Ta ẩn mất. Không biết được tung tích của Ta nên họ nói:- Vị ấy đi đâu rồi, là trời hay người, không phải trong cảnh giới của ta.
- Này A Nan Đà! Ta có thể thành tựu vô lượng pháp hy hữu như vậy. Trong giữa chúng Sát Đế Lị, chúng Sa-môn, Bà-la-môn, Trưởng giả, cư-sĩ, cho đến Dục-giới, Sắc-giới, trời Sắc-cứu-cánh, Ta đều đến đó tùy theo hình dáng cao thấp ... như trên ... cho đến ... này A Nan Đà! Ta có thể thành tựu vô lượng pháp hy hữu như vậy.
CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
TỲ-NẠI-DA-TẠP-SỰ
Quyển thứ ba mươi sáu.
--- o0o ---
Quyển thứ ba mươi bảy
--- ooOoo ---
Tiếp theo nhiếp tụng mười trong biệt môn tám
(Thuyết minh bốn pháp đen, bốn pháp trắng, bốn hạng Sa-môn và ra khỏi thành Quảng Nghiêm đi về chỗ Niết Bàn)
Thế Tôn bảo A Nan Đà:
- Như vậy nên biết sự dạy bảo có chân ngụy, kể từ hôm nay nên y vào kinh pháp chớ y theo người. Thế nào là y vào kinh pháp chứ không y theo người? Nếu có Bí-sô đến nói thế này:
- Cụ thọ! Đích thân tôi nghe, ghi nhớ và thọ trì lời này từ đức Như Lai; đây là Kinh điển, đây là luật giáo; đây là lời Phật dạy. Khi nghe vị Bí-sô ấy nói, Bí-sô này không nên tán thán cũng chớ hủy báng, hãy lắng nghe lời ấy và ghi nhớ rõ từng câu, rồi trở về trú xứ kiểm tra lại trong Kinh văn và Luật giáo. Nếu lời vị ấy nói trái với Kinh Luật, nên bảo vị ấy rằng:
- Này cụ thọ! Lời thầy nói không đúng lời Phật. Điều thầy chấp nhận là sai lầm không đúng Kinh Luật, cần phải từ bỏ.
Lại nữa, này A Nan Đà, nếu có Bí-sô đến nói thế này:
- Tôi thấy ở trú xứ ... có đại chúng, toàn là bậc kỳ túc thông thạo Luật Tạng. Tại đó, chính tôi được nghe và ghi nhớ lời nói như vậy đều phù hợp với Kinh Luật, đúng là lời Phật dạy.
Khi nghe người kia nói như vậy, Bí-sô này không nên khen ngợi hay chê bai, hãy lắng nghe lời ấy và nhớ rõ từng câu, rồi trở về trú xứ kiểm tra lại trong Kinh văn và Luật giáo. Nếu lời vị ấy nói trái với Kinh Luật, nên bảo vị ấy rằng:
- Này cụ thọ! Lời thầy nói không đúng lời Phật. Điều thầy chấp nhận là sai lầm không đúng Kinh Luật, cần phải từ bỏ.
Lại nữa, này A Nan Đà! Bí-sô nào đến nói thế này:- Cụ thọ! Ở trú xứ kia, tôi thấy có nhiều chúng Bí-sô đều là bậc trì Kinh, trì Luật, trì Luận. Tại đó, chính tôi được nghe và ghi nhớ lời nói thế này, đều đúng Kinh Luật phù hợp lời Phật dạy.
Khi nghe người ấy nói, Bí-sô này không nên tán thán cũng chớ hủy báng, hãy lắng nghe lời ấy và ghi nhớ rõ từng câu, rồi trở về trú xứ kiểm tra lại trong Kinh văn và Luật giáo. Nếu lời vị ấy nói trái với Kinh Luật, nên bảo vị ấy rằng:
- Này cụ thọ! Lời thầy nói không đúng lời Phật. Điều thầy chấp nhận là sai lầm không đúng Kinh Luật, cần phải từ bỏ.
Lại nữa, này A Nan Đà! Bí-sô nào đến nói thế này:
- Cụ thọ! Ở trú xứ kia, tôi thấy có một Bí-sô là bậc tôn túc trí tuệ. Tại đó, chính tôi được nghe và ghi nhớ lời nói thế này, đều đúng Kinh Luật phù hợp lời Phật dạy.
Khi nghe người ấy nói, Bí-sô này không nên tán thán cũng chớ hủy báng, hãy lắng nghe lời ấy và ghi nhớ rõ từng câu, rồi trở về trú xứ kiểm tra lại trong Kinh văn và Luật giáo. Nếu lời vị ấy nói trái với Kinh Luật, nên bảo vị ấy rằng:
- Này cụ thọ! Lời thầy nói không đúng lời Phật. Điều thầy chấp nhận là sai lầm không đúng Kinh Luật, cần phải từ bỏ.
Lại nữa, này A Nan Đà! Bí-sô nào đến nói thế này:
- Cụ thọ! Ở trú xứ kia, tôi thấy có nhiều chúng Bí-sô đều là bậc trì Kinh, trì Luật, trì Luận. Tại đó, chính tôi được nghe và ghi nhớ lời nói thế này, đều đúng Kinh Luật phù hợp lời Phật dạy.
Khi nghe người ấy nói, Bí-sô này không nên tán thán cũng chớ hủy báng, hãy lắng nghe lời ấy và ghi nhớ rõ từng câu, rồi trở về trú xứ kiểm tra lại trong Kinh văn và Luật giáo. Nếu lời vị ấy nói trái với kinh luật, nên bảo vị ấy rằng:
- Này cụ thọ! Lời thầy nói không đúng lời Phật. Điều thầy chấp nhận là sai lầm không đúng Kinh Luật, cần phải từ bỏ.
Nếu có Bí-sô đến nói thế này:
- Cụ thọ! Đích thân tôi nghe, ghi nhớ và thọ trì lời này từ đức Như Lai đây là Kinh điển, đây là Luật giáo; đây là lời Phật dạy. Khi nghe vị Bí-sô ấy nói, Bí-sô này không nên tán thán cũng chớ hủy báng, hãy lắng nghe lời ấy và ghi nhớ rõ từng câu, rồi trở về trú xứ kiểm tra lại trong Kinh văn và Luật giáo. Nếu lời vị ấy nói đúng với Kinh Luật, nên bảo vị ấy rằng:
- Này cụ thọ! Lời thầy nói đúng với lời Phật. Điều thầy chấp nhận là hoàn toàn đúng Kinh Luật, cần phải thọ trì.
Lại nữa, này A Nan Đà! Nếu có Bí-sô đến nói thế này:
- Tôi thấy ở trú xứ ... có đại chúng, toàn là bậc kỳ túc thông thạo Luật tạng. Tại đó, chính tôi được nghe và ghi nhớ lời nói như vầy đều phù hợp với Kinh Luật, đúng là lời Phật dạy.
Khi nghe người kia nói như vậy, Bí-sô này không nên khen ngợi hay chê bai, hãy lắng nghe lời ấy và nhớ rõ từng câu, rồi trở về trú xứ kiểm tra lại trong Kinh văn và Luật giáo. Nếu lời vị ấy nói đúng với Kinh Luật, nên bảo vị ấy rằng:
- Này cụ thọ! Lời thầy nói đúng với lời Phật. Điều thầy chấp nhận hoàn toàn đúng Kinh Luật, cần phải thọ trì.
Lại nữa, này A Nan Đà! Bí-sô nào đến nói thế này:
- Cụ thọ! Ở trú xứ kia, tôi thấy có nhiều chúng Bí-sô đều là bậc trì Kinh, trì Luật, trì Luận. Tại đó, chính tôi được nghe và ghi nhớ lời nói thế này, đều đúng Kinh luật phù hợp lời Phật dạy.
Khi nghe người ấy nói, Bí-sô này không nên tán thán cũng chớ hủy báng, hãy lắng nghe lời ấy và ghi nhớ rõ từng câu, rồi trở về trú xứ kiểm tra lại trong Kinh văn và Luật giáo. Nếu lời vị ấy nói đúng với Kinh Luật, nên bảo vị ấy rằng:
- Này cụ thọ! Lời thầy nói đúng với lời Phật. Điều thầy chấp nhận hoàn đúng Kinh Luật, cần phải thọ trì.
Lại nữa, này A Nan Đà! Bí-sô nào đến nói thế này:
- Cụ thọ! Ở trú xứ kia, tôi thấy có một Bí-sô là bậc tôn túc trí tuệ. Tại đó, chính tôi được nghe và ghi nhớ lời nói thế này, đều đúng Kinh Luật phù hợp lời Phật dạy. Khi nghe người ấy nói, Bí-sô này không nên tán thán cũng chớ hủy báng, hãy lắng nghe lời ấy và ghi nhớ rõ từng câu, rồi trở về trú xứ kiểm tra lại trong Kinh văn và Luật giáo. Nếu lời vị ấy nói đúng với Kinh Luật, nên bảo vị ấy rằng:
- Này cụ thọ! Lời thầy nói đúng với lời Phật. Điều thầy chấp nhận là hoàn toàn đúng Kinh Luật, cần phải thọ trì.
Này A Nan Đà! Bốn trường hợp đầu, gọi là lời nói rất đen tối. Các Bí-sô hãy khéo tư duy, quán sát thật kỹ, biết rõ đó là ác, không phải là Kinh, đây không phải là Luật, không phải lời Phật dạy, cần phải từ bỏ. Bốn trường hợp sau, gọi là lời nói rất minh bạch. Các Bí-sô hãy khéo tư duy, quán sát thật kỹ, biết rõ đó là thiện, đúng là Kinh, đúng là Luật, đúng là lời Phật dạy, cần phải khéo thọ trì. - Này A Nan Đà! Đây là Bí-sô y vào Kinh giáo không y theo người; nên học như vậy. Nếu khác như thế này thì không phải lời dạy của Ta.
Thế tôn bảo A Nan Đà:
- Ta muốn đến tụ lạc Ba Ba (nghĩa là tội ác).
Đáp:
- Xin vâng.
Muốn đi về thành Câu Thi Na, vùng đất Tráng Sĩ, Thế Tôn đi dần đến thôn Ba Ba, trú nơi rừng Triết Lộc Ca. Nghe như vậy, mọi người bảo nhau cùng ra khỏi thôn Ba La đến gặp đức Phật. Đến nơi, họ lạy sát chân Ngài rồi ngồi qua một bên. Đức Phật thuyết pháp chỉ dạy làm cho họ lợi ích hoan hỷ. Trong chúng này có con người thợ rèn tên Chuẩn Đà cũng đang ngồi nghe pháp. Sau khi nghe pháp xong, mọi người từ giã Phật, ra về.
Rời khỏi chỗ ngồi, Chuẩn Đà sửa y phục chắp tay bạch Phật:
- Thế Tôn! Cầu mong Như Lai và Thánh chúng đến nhà con nhận bữa cúng dường đạm bạc vào ngày mai.
Phật im lặng nhận lời.
Biết Phật im lặng nhận lời, Chuẩn Đà rất hoan hỷ từ giã ra về. Sau khi dọn các món thức ăn thơm ngon hảo hạng, bố trí chỗ ngồi, nước sạch, bột rửa, cây chà răng, Chuẩn Đà sai sứ đến bạch Phật:
- Thức ăn đã dọn xong, xin Phật định liệu.
Vào sáng sớm, Thế Tôn mặc y mang bát cùng đại chúng đến chỗ thọ trai và an tọa. Thấy mọi người đã an tọa, Chuẩn Đà đích thân dâng các món cúng dường lên Phật và Thánh-chúng.
Khi ấy có một Bí-sô xấu ác lén lấy cái chén đồng dấu vào dưới nách. Phật dùng thần lực làm cho mọi người không thấy việc phi pháp ấy ngoại trừ Ngài và Chuẩn Đà. Biết Phật và Tăng đã thọ trai xong, Chuẩn Đà dọn nước sạch, bột rửa, cây xỉa răng. Sau khi Phật và Tăng thu xếp bát và súc miệng xong, Chuẩn Đà đặt một chỗ ngồi nhỏ trước Phật và nói kệ thỉnh Phật:
Con nghe Như Lai Nhất-thiết-trí,
Đã qua bờ kia, hết vô-minh,
Đạo-sư Tối-thắng bậc Điều-ngự,
Xin dạy có mấy hạng sa-môn?
Thế tôn nói kệ đáp:
Bốn hạng Sa-môn, không có năm,
Tuần tự, Ta sẽ dạy cho ông.
Đó là Thắng-đạo và Thị-đạo,
Tịnh-đạo nuôi sống và Ô-đạo.
Chuẩn Đà lại hỏi:
Thưa Ngài, thế nào là Thắng-đạo?
Với ý nghĩa gì gọi Thị-đạo?
Tịnh-đạo nuôi sống có nghĩa gì?
Và xin giảng rõ về Ô-đạo.
Thế tôn nói kệ:
Bẻ gãy tên nghi, hết phiền não,
Chỉ cầu viên-tịch, chẳng muốn gì,
Là bậc đạo-sư của trời người,
Hạng này chư Phật gọi Thắng-đạo.
Hiểu rõ ý nghĩa pháp tối thắng,
Phương tiện giảng rõ pháp vi-diệu,
Của đức Mâu-Ny phá lưới nghi,
Đây là thứ hai: Thầy Thị-đạo,
Ai giỏi trình bày được pháp-cú,
Y theo giáo pháp sống thiểu dục,
Tu tập trọn vẹn pháp và luật,
Là hạng thứ ba sống Tịnh-đạo.
Mặc y giải thoát của sa-môn,
Gây xấu nhà người, không hổ thẹn,
Dối trá, không nói lời chân thật,
Là hạng thứ tư: Người Ô-đạo.
Đối với chúng Thanh-văn chân pháp,
Những người tại gia nên xét kỹ,
Đệ tử của Ta không như nhau,
Thế nên cần phải có chánh tín.
Vì sao vô-tội sống với tội,
Tịnh và bất tịnh ở một nơi?
Do kẻ ngu kia làm điều ác,
Làm cho bậc thiện phải nghi ngờ.
Gặp người chớ tin theo bề ngoài,
Sống chung một lúc thì giúp đỡ,
Kẻ nhiều hiểm ác giả đàng hoàng,
Thường sống dối trá trong thế gian,
Như vòng đeo tai mạ ít vàng,
Bên trong bằng đồng, không giá trị,
Trong giả, bên ngoài giống như thật,
Nhận nhiều môn đồ, loạn người thiện.
Thấy con người thợ rèn dọn thức ăn xong, Thế Tôn nói kệ chúc phước:
Ai cho, phước tăng trưởng,
Oán thù đều chấm dứt,
Đoạn trừ được điều ác,
Hết hoặc, chứng Niết-bàn.
Sau khi thuyết pháp làm cho gia chủ lợi ích hoan hỷ, Thế Tôn đứng dậy từ giã.
Nội nhiếp tụng:
Phật xuất Quảng-Nghiêm Tây,
Hồi cố, vọng thành quách,
Kinh du thập tụ lạc,
Tối hậu chí Ba-ba.
Bấy giờ, Thế tôn bảo A Nan Đà:
- Ta muốn đi đến thành Câu Thi Na.
Nghe Phật bảo, A Nan Đà theo sau Phật đi về thôn Ba ba. Chưa đến sông Kim, nữa đường Thế Tôn tạm nghỉ lại, bảo A Nan Đà:
- Ta đang đau lưng, hãy xếp y Ôn-đản-la-tăng-già của Ta làm bốn để Ta nằm nghỉ.
Nghe lời Phật dạy, tôn giả A Nan Đà vội xếp y và thưa lại với Phật xin Ngài định liệu. Khi ấy, Thế Tôn xếp y Tăng-già-chi để gối đầu, nằm nghiêng qua bên phải, gác hai chân lên nhau, tưởng đến ánh sáng, an trú trong chánh niệm, nghĩ đến lúc sẽ thức dậy. Tác ý như thế rồi, Thế Tôn bảo A Nan Đà:
- Ông hãy đến sông Khước Câu Đa lấy một bát nước đầy. Ta muốn uống nước và lau thân thể.
Khi A Nan Đà mang bát đến bờ sông kia thì trước đó có năm trăm chiếc xe vừa vượt qua sông làm cho nước bị đục ngầu. Lấy nước đầy bát, đem về chỗ Phật, tôn giả thưa:
- Đại đức! Có năm trăm chiếc xe vừa vượt qua sông này nên nước bị đục ngầu. Xin Thế Tôn dùng rửa tay chân chứ không nên uống. Sông Kim gần đây, có nước trong sạch.
Đức Phật dùng nước này rửa chân, lau mặt. Thân thể vừa an ổn, Ngài liền ngồi dậy kiết già, ngồi thẳng chánh niệm tỉnh giác.
Có một đại-thần tráng sĩ tên Viên Mãn đi qua nơi này. Thấy đức Phật Thế Tôn đang ngồi dưới gốc cây với uy nghi nghiêm trang rất ưa nhìn, thân tâm tịch tịnh rất nhu hòa như lá phướng vàng xinh đẹp sáng chói rực rỡ, ông ta đến làm lễ sát hai chân Ngài rồi ngồi qua một bên. Phật hỏi:
- Ông ưa thích pháp thanh tịnh của Sa-môn hay pháp của Bà-la-môn?
Đại thần đáp:
- Đại đức, con ưa thích tịnh pháp của Ca La Ma.
Phật hỏi:
- Vì sao ông ưa thích tịnh pháp ấy?
Đáp:
- Đại đức! Một hôm đang đi, Ca Ma La nghỉ lại dưới gốc cây bên đường. Có năm trăm chiếc xe đi ngang qua chỗ ấy.
Một lúc sau, có người đến đó, hỏi vị ấy:
- Vừa rồi, ngài có thấy năm trăm chiếc xe đi qua đây không?
Đáp:
- Không thấy.
Hỏi:
- Có nghe tiếng không?
Đáp:
- Không nghe.
Hỏi:
- Hay là ngài đang ngủ?
Đáp:
- Không ngủ.
Hỏi:
- Nếu không ngủ, năm trăm chiếc xe đi qua đây sao ngài không nghe thấy?
Đáp:
- Tôi không ngủ say, tâm luôn luôn thức tỉnh nhưng nhờ vào định lực nên không thấy nghe.
Nghe như vậy, người kia suy nghĩ:
- Bậc thượng nhân hiếm có chú tâm tịch tịnh như vậy.
Lại nữa, khi xe chạy qua ồn ào kinh động, bụi bay mù mịt phủ đầy cả thân thể y phục nhưng vị ấy cũng không biết. Thế nên, con có lòng tin thanh tịnh và ưa mến pháp ấy.
Phật bảo đại thần:
- Ngài nghĩ sao, tiếng động do năm trăm chiếc xe chạy so với tiếng sấm trong không trung, tiếng nào lớn hơn?
Thưa:
- Đại đức, chẳng những tiếng vang động của năm trăm chiếc xe mà đến trăm ngàn vạn chiếc đi nữa cũng làm sao so được với tiếng sấm.
Phật bảo:
- Này đại thần, trước đây ở trong giảng đường Trùng Các tại tụ lạc này, vào sáng sớm Ta mặc y mang bát vào làng khất thực, sau khi thọ trai, thu xếp y bát, rửa chân xong, vào ngồi thiền định trong giảng đường. Bỗng nhiên trời nổi sấm, phát tiếng sét lớn. Khi ấy, bốn con bò, hai người nông phu và hai anh em con trưởng giả nghe tiếng sét ấy, sợ hãi đến nỗi cùng bỏ mạng. Nhân dân trong thành kêu la vang động. Bấy giờ, sau khi xuất thiền, Ta ra khỏi giảng đường và đi kinh hành. Có một người ra ngoài thành đến chỗ Ta, làm lễ sát chân và đi kinh hành theo Ta. Ta hỏi:
- Vì sao trong thành kêu la vang dậy như thế?
Thưa:
- Vừa rồi, bỗng nhiên trời nỗi sấm, giáng sét lớn ở trong thành, làm cho bốn con bò, hai nông phu và hai anh em con trưởng giả vì quá sợ hãi nên bỏ mạng, cho nên trong thành vang động tiếng ồn.
Người ấy hỏi Ta:
- Đại đức, chẳng lẽ Ngài không nghe tiếng sấm lớn ư?
- Ta không nghe.
Thưa:
- Thế Tôn đang ngủ phải không?
- Ta không ngủ, bên trong tỉnh giác nhưng không nghe bên ngoài.
Đại thần suy nghĩ:
- Lạ thay, đức Như Lai Ưùng Cúng Chánh-Đẳng Giác sống thật an tịnh, tiếng sấm lớn như thế mà Ngài không nghe, làm cho ta phát tâm tịnh tín.
Nghe xong, Viên Mãn bạch Phật:
- Đại đức, đối với Phật như vậy làm sao không kính tín! Hiện nay con đã có lòng tin sâu xa thanh tịnh với Ngài.
Viên Mãn bảo sứ giả:
- Ngươi hãy lấy tấm vải mới tinh mềm mại thượng hạng màu hoàng kim của ta, để dâng lên đắp cho Thế Tôn.
Sứ giả mang đến, Viên Mãn bạch Phật:
- Thế tôn! Đây là tấm vải mới thượng hạng màu hoàng kim, xin Ngài thương con mà nhận cho.
Để cho ông ta được lợi ích nên Thế Tôn nhận lấy. Viên Mãn lại nói:
- Đại đức Thế Tôn! Con lại muốn cúng dường Phật và Tăng, xin Ngài chấp nhận.
Phật bảo:
- Đấy là việc tốt.
Thấy Phật nhận lời, Viên Mãn vui mừng lạy sát chân Phật rồi từ giã.
Phật bảo cụ thọ A Nan Đà:
- Ông hãy cắt rọc tấm vải vàng này, Ta muốn đắp.
Vâng lời Phật dạy, A Nan Đà dùng dao cắt rọc tấm vải rồi đem dâng lên Phật. Khi Phật đắp lên, ánh sáng trên thân Ngài rực rỡ che khuất cả màu sắc tấm vải. A Nan Đà bạch Phật:
- Con theo hầu Phật đã hơn 20 năm, chưa bao giờ thấy dung nhan của Ngài chiếu sáng rực rỡ như vậy. Vì sao ánh sáng phi thường này xuất hiện như vậy?
Phật bảo A Nan Đà:
- Có hai trường hợp hiện ra ánh sáng như vậy khác với ngày thường. Đó là:
Một: Vào đêm Bồ-tát chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Hai: Vào đêm Như Lai nhập Vô-dư Đại Niết Bàn.
Tướng trạng thù thắng này hiện ra vào hai lúc ấy.
- Này A Nan Đà! Ta muốn đến sông Kim.
Nghe Phật dạy, A Nan Đà theo Phật đến sông ấy. Đến nơi, cổi y để trên bờ, Phật mặc y tắm xuống sông tắm rồi lên bờ lau sạch thân thể, bảo A Nan Đà:
- Chắc Chuẩn Đà sẽ hối hận, thầy hãy an ủi ông ấy với lời lẽ: "Này Chuẩn Đà: Ông đang được nhiều lợi ích tốt đẹp vì đã cúng dường đức Đại-sư vào lần sau cùng và nhận bữa cúng dường này xong, Phật sẽ nhập Vô-dư Niết-bàn; việc này thật khó gặp". Vì hai lý do ấy, Chuẩn Đà sinh hối hận, nên giải thích cho ông ta:
- Này Chuẩn-đà, tôi đích thân nghe Phật dạy thế này, có hai trường hợp nhận cúng dường làm cho người cho được phước vô cùng. Một là khi Bồ-tát nhận bữa ăn cúng dường xong thì chứng Vô-thượng Chánh Đẳng Giác. Hai là khi Như Lai nhận bữa ăn cuối cùng xong thì nhập Vô-dư Niết-bàn.
- Này A Nan Đà! Hai trường hợp cúng dường này được quả báo vô cùng.
- Này A Nan Đà! Chuẩn Đà sẽ được hai thiện nghiệp sống lâu nhiều sức khỏe, tuấn tú, được sinh thiên, tài sản, thức ăn, giàu sang, thân thuộc đều phát triển.
Cụ thọ A Nan Đà bạch Phật:
- Thế Tôn! Bí-sô Xiển Đà tâm tính hung ác, sân hận, bừa bãi, thường không tùy thuận các Bí-sô mà còn phát ngôn hung dữ. Sau khi Phật diệt độ, cộng trú với vị ấy như thế nào?
Phật bảo:
- Này A Nan Đà! Sau khi Ta diệt độ, Bí-sô nên trị ác tính của Xiển Đà bằng cách Mặc-tẫn. Khi bị trị phạt như vậy, nếu đại chúng biết ông ấy hối hận, sinh tâm cung kính mong cầu hối cải, nên cùng nhau hoan hỷ, nói chuyện trở lại như cũ.
Thế Tôn lại bảo A Nan Đà:
- Ta muốn đến thành Câu Thi Na.
Vâng lời, A Nan Đà theo Phật đi đến xứ sở của Tráng Sĩ. Sau khi qua sông Kim, cách thành ấy không xa, nghỉ lại bên đường, Thế Tôn bảo A Nan Đà:
- Ta đau lưng, thầy hãy xếp y Ôn-hằng-la-tăng-già làm bốn, Ta muốn nằm nghỉ.
Nghe Phật dạy, A Nan Đà vội xếp y và thưa lại:
- Con đã làm xong, xin Phật định liệu.
Thế Tôn xếp y Tăng-già-chi gối đầu, nằm nghiêng bên phải ... như trước. Ngài bảo A Nan Đà:
- Thầy hãy thuyết về pháp giác-phần.
A Nan Đà thưa:
- Đại đức Thế Tôn đã tự chứng, tự giác giác phần này và dạy cho con:
- Y vào yên tịnh, y vào ly dục, y vào tịch diệt mà đoạn trừ các ngoại duyên, chuyên cần tu tập Niệm, Trạch-pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh-an, Định, Xả giác phần. Pháp giác phần này, do Đại đức Thế Tôn tự chứng, tự giác mà nói ra.
Phật bảo:
- Với bảy pháp giác phần mà thầy thuyết ra như vậy, nếu y vào yên tịnh ... mà tu tập nhiều, tinh cần tinh tấn, sẽ chứng đắc Vô-thượng Chánh-Đẳng Bồ-đề.
Sau khi dạy như vậy, đức Phật ngồi dậy, chánh niệm tư duy ngồi thẳng.
Có Bí-sô nói kệ:
Thế Tôn tự khuyến khích,
Bảo nói pháp vi-diệu,
Hãy vì những người bệnh,
Nói bảy bồ-đề phần.
Thân Đại-sư có bệnh,
Và vì Bí-sô bệnh,
Đem pháp bảy Bồ-đề,
Diễn thuyết cho khai ngộ.
Lành thay, A Nan Đà,
Đã viên mãn pháp-trắng,
Thông minh có trí lớn,
Giỏi thuyết pháp của Phật.
Với Chánh-niệm, Trạch-pháp,
Tinh-tấn, Hỷ giác-phần,
Khinh-an và Định, Xả,
Giảng giải thật rõ ràng.
Vô-Thượng Điều-Ngự-Sư,
Ưa nghe pháp giác-phần,
Tuy thân có bệnh tật,
Vẫn nghe hết từng câu.
Phật là đấng vua pháp,
Đủ khả năng hướng dẫn,
Mà còn tôn trọng pháp,
Huống chi những người khác.
Lại có những hiền Thánh,
Trong giáo pháp Mười-lực,
Giả sử thân bị bệnh,
Vẫn tinh tấn lắng nghe.
Hạng này giỏi trì Kinh,
Và thông suốt Luật, Luận,
Còn thích nghe chánh-pháp,
Người khác sao không nghe.
Pháp ly-nhiễm của Phật,
Nghe rồi làm đúng pháp,
Tinh cần chuyên niệm pháp,
Sẽ đắc được hỷ phần.
Do tâm đã có hỷ,
Làm thân này khinh an.
Do an nên lạc sinh,
Từ lạc sinh ra định.
Do diệu-định và xả,
Rõ các hành vô-thường,
Đoạn sinh-y ba hữu,
Không sinh tâm nhiễm trước.
Nên hết khổ các hữu,
Không thích cõi trời người,
Chứng Niết-bàn Vô-thượng,
Như củi hết lửa tắt.
Đại lợi ích như vậy,
Đều từ nghe pháp sinh,
Nên khuyên người lâm chung,
Lắng nghe diệu-pháp này.
Thế Tôn bảo A Nan Đà:
- Hãy lên đường đến thành Câu Thi Na.
A Nan Đà vâng lời, theo sau Phật đi đến vùng đất Tráng Sĩ, ở tại rừng Sa La, sắp nhập Niết-bàn. Thế Tôn bảo A Nan Đà:
- Thầy hãy bố trí chỗ nằm cho Ta giữa cây Song-thọ. Ở đó, Ta sẽ nằm hướng đầu về phía Bắc, vào nữa đêm nay Ta sẽ nhập Niết-bàn.
Sau khi thi hành theo đúng lời Phật dạy, A Nan Đà đến gặp Thế Tôn, lạy sát chân Phật, đứng qua một bên bạch rằng:
- Con đã bố trí đúng lời Phật dạy.
Đến chỗ nằm ấy, đức Như Lai nằm nghiêng bên phải, hai chân gác lên nhau, tưởng đến ánh sáng, tỉnh giác chánh niệm quán sát an trú vào tưởng Niết Bàn.
Khi ấy, đứng tựa vào sau lưng chỗ nằm của Phật, A Nan Đà sụt sùi rơi nước mắt khóc lớn, nói:
- Đau thay, khổ thay, vì sao Như Lai mau Niết Bàn như vậy, vì sao Thiện Thệ mau Niết Bàn như vậy, vì sao con mắt của thế gian diệt mau như vậy? Trước đây, mỗi khi các Bí-sô ở khắp nơi đến gặp Phật, được Ngài thuyết pháp đầu đuôi giữa đều thiện, văn và nghĩa vi diệu, thuần nhất viên mãn, tướng phạm hạnh thanh tịnh trong sạch. Nhân đó, ta được nghe pháp thâm diệu ấy. Hiện nay, nghe đức Phật đã nhập Niết-bàn, họ không còn đến nữa, làm cho diệu-pháp thù thắng như vậy chìm mất khỏi thế gian.
Phật hỏi các Bí-sô:
- A Nan Đà đang ở đâu?
Đáp:
- Thế Tôn! Tôn giả đang khóc lóc sau chỗ nằm của Thế Tôn, nói như thế này ... như trên ... diệu pháp thù thắng chìm mất khỏi thế gian.
Phật bảo A Nan Đà:
- Thầy chớ ưu buồn áo não khóc lóc. Vì sao? Thầy đã phục vụ Như Lai, tạo nghiệp từ bi về thân nên được lợi ích lớn, chỉ riêng thân cũng đã được phước vô biên; tạo nghiệp từ bi về miệng và ý cũng được phước vô biên như vậy.
Này A Nan Đà, chư Như Lai trong quá khứ đều có người thị giả cũng chỉ như là thầy đã chuyên tâm thị giả Ta. Chư Như Lai trong vị lai đều có người thị giả cũng chỉ như là thầy.
Này A Nan Đà, tướng trạng thế gian đều vô thường, phải bị tan hoại không ngừng. Do sự thật đó, thầy không nên quá ư buồn bã khóc lóc khổ não. Ta không thấy một pháp nào do nhân duyên sinh trong thế gian mà thường trụ không bị hoại diệt. Ta đã từng dạy pháp yếu cho thầy: những sự việc gì khả ái vừa ý đều vô thường, phải biệt ly.
Thế Tôn ban bố lòng đại bi làm cho A Nan Đà hoan hỷ, rồi Ngài bảo các Bí-sô:
- Chuyển Luân Thánh Vương thành tựu bốn việc hiếm có. Đó là: - Khi đến gặp vua, những chúng Sát-lợi đều rất hoan hỷ; nghe được diệu-pháp lại thêm hoan hỷ. Cũng vậy, có chúng Bà-la-môn, chúng trưởng-giả, các chúng Sa-môn đến gặp vua ... như nói trên ... cho đến hoan hỷ. Các thầy nên biết, như bốn việc hiếm có của Chuyển Luân Thánh Vương, A Nan Đà cũng có bốn việc hiếm có như vậy. Đó là:
- Chúng Bí-sô ở bốn phương đến gặp thầy ấy đều hoan hỷ, nghe diệu pháp càng thêm hoan hỷ. Như vậy, các Bí-sô ny, cận sự nam, cận sự nữ đến gặp A Nan Đà cũng rất hoan hỷ như vậy.
- Này các Bí-sô, A Nan Đà lại có bốn việc kỳ diệu hiếm có. Đó là: Khi thuyết pháp cho chúng Bí-sô, A Nan Đà làm cho hiểu rõ không còn nghi ngờ. Chúng Bí-sô đều suy nghĩ: Lành thay, lành thay, A Nan Đà hãy tuyên thuyết diệu pháp xin chớ im lặng, chớ từ chối vì mệt nhọc, vì những người nghe không thấy chán. Sau khi thuyết pháp, A Nan Đà im lặng. Khi thuyết pháp cho Bí-sô ny, cận sự nam, nữ, A Nan Đà cũng như vậy.
Nghe nói như vậy xong, A Nan Đà vui vẻ bạch Phật:
- Thế Tôn! Trên đất này có sáu thành lớn, là Thất La Phạt, Bà Kê Đa, Chiêm Ba, Ba La Ny Tư, Quảng Nghiêm, Vương Xá, vì sao Thế Tôn bỏ qua những vùng đất nhiều phước với địa hình lớn đẹp mà đến vùng hoang dã cằn cỗi biên địa hạ liệt này để bát Niết-bàn?
Phật bảo A Nan Đà:
- Đừng nói thành Câu Thi Na là nơi biên địa hạ tiện không đáng ưa thích. Vì sao? - Này A Nan Đà, ngày xưa, tại chỗ thành Câu Thi Na này có đô thành tên Câu Xa Phạt Để của Bậc Thánh Vương, an ổn phong phú, nhân dân thịnh vượng, dài 12 du-thiện-na, rộng 7 du-thiện-na. Thành có 7 lớp nhà làm tường bằng bốn loại báu vàng bạc lưu-ly thủy-tinh bao vây. Cửa thành cũng bằng bốn loại báu. Mỗi cửa đều có trụ lớn chạm hoa-văn bằng vật báu, cao bằng bảy người chồng lên. Hào ngoài thành sâu ba người rưỡi. Bờ hào xây bằng gạch báu. Theo trong bảy lớp nhà làm tường, đều có trồng cây đa-la bằng bốn loại báu. Cây đa-la vàng trang sức cành lá hoa quả bằng bạc. Cây bằng bạc có trang trí bằng vàng. Cây bằng lưu-ly có trang sức bằng thủy tinh. Cây thủy tinh trang sức bằng lưu-ly. Khi các cây này bị gió lay động, phát ra âm thanh rất hay thích ý mọi người. Giữa những hàng cây này, có ao tắm, các bậc cấp đi xuống đều bằng bốn loại báu. Lan can bốn bên đều bằng bốn loại báu. Trong ao có nhiều loại hoa khả ái như sen vàng, sen xanh, sen đỏ, sen trắng, hoa rất mềm, hoa rất thơm, hoa thường tươi. Những hoa này không ai quản lý, mọi người xử dụng tùy ý. Bên bờ ao lại có hoa chiêm-bát-ca, hoa ma-lị-ca, hoa mỹ-ý. Những loại hoa ấy đều nở theo mùa.
- Này A Nan Đà! Trong rừng có nhiều cô gái đẹp trang sức nhiều chuỗi ngọc, du ngoạn tùy ý, được cung cấp các loại ăn uống tùy theo nhu cầu. Trong thành này, những người ham thích năm dục lạc du ngoạn trong rừng này, đều toại ý.
Lại thường có các loại âm nhạc, trống, tiêu sáo, ca múa phát ra những âm thanh rất hay khuyến khích về việc tu tập các phước nghiệp, giữ trai giới.
Lại nữa, này A Nan Đà, trong thành ấy, có vua hiệu Đại Thiện Kiến, đầy đủ bảy báu và bốn việc hiếm có. Đó là Luân Bảo, Tượng Bảo, Mã Bảo, Châu Bảo, Nữ Bảo, Chủ Tàng Bảo, Binh Bảo. Bốn việc hiếm có của vua là:
Một: Vua sống rất lâu, đầu tiên làm vương tử, lên làm thái tử, rồi lên ngôi vua, sau cùng tu tập phạm hạnh. Mỗi một giai đoạn này kéo dài tám vạn bốn ngàn năm.
Hai: Tướng mạo nhà vua rất tuấn tú phi phàm.
Ba: Vua ít bệnh, luôn an vui, sự ăn uống thích hợp, đúng lúc.
Bốn: Nhân dân trung hiếu với vua tưởng như cha mẹ mình. Vua cũng thương yêu dân như con đỏ. Khi cỡi xe đi ra ngoài, vua ra lệnh cho người hầu:
- Ông hãy cho xe đi từ từ để dân chúng được thấy ta. Đ?i với thường dân, vua luôn thương yêu. Này A Nan Đà! Bấy giờ dân trong nước mang các loại báu như vàng, bạc, ma-ny đến thưa với vua:
- Đại vương, thần có vật báu này, xin dâng đại vương, mong ngài thương xót nhận cho.
Nhà vua bảo:
- Này các khanh, những vật báu như vậy, ta đã có rất nhiều nên không cần nữa.
Cầu khẩn đến ba lần nhưng vua vẫn không nhận nên mọi người suy nghĩ: "Đem vật này đến đây, chúng ta chỉ muốn dâng vua nhưng ngài không nhận, phải làm sao đây, vậy cứ đặt trước vua rồi trở về".
Sau khi suy nghĩ như vậy, họ đặt báu trước vua rồi trở về. Vua suy nghĩ: "Những báu vật này được đúng với pháp, chẳng phải do mong cầu phi pháp vậy ta nên dùng để xây dựng pháp đường".
Khi ấy, nghe nhà vua sắp làm Pháp đường, tám vạn bốn ngàn tiểu-vương đến tâu vua:
- Xin Thánh vương chớ suy nghĩ làm mệt tinh thần, chúng thần mong muốn được xây dựng cho vua.
Vua bảo:
- Ta đủ tài vật quý báu để làm, không phiền đến các khanh.
Sau ba lần tâu như vậy nhưng vua vẫn không đồng ý, các tiểu-vương cùng đến đỡ chân vua hoặc cầm vạt áo, chắp tay tâu:
- Xin ngài nghỉ ngơi, để cho chúng thần làm.
Thấy họ ân cần như vậy nên vua im lặng chấp thuận. Biết vua đã đồng ý, các tiểu vương trở về chỗ của mình. Có người mang vàng bạc các loại báu vật đến, có người mang từng cây cột báu đến gặp vua, họ tâu:
- Thánh vương, đã đủ những vật cần dùng, không biết sẽ xây dựng nơi nào và lớn nhỏ ra sao?
Vua đáp:
- Chọn vùng đất tốt đẹp ở phía Đông thành, ngang dọc một Du-thiện-na và xây dựng ở đó.
Nghe như vậy, đến chỗ ấy các tiểu vương xây dựng pháp đường theo đúng kích thước.
- Này A Nan Đà! Những xà kèo cột diềm, cầu thang, lan can, hàng hiên vây quanh của ngôi nhà đều làm bằng vàng bạc lưu-ly thủy-tinh các báu vật. Những giường, chỗ ngồi, nệm gối, bàn ghế, tủ rương, y phục trong nhà đều trang trí bằng các vật báu.
- Này A Nan Đà, ở giữa hai trụ ở dưới thềm nhà, đều có trồng cây mà cành lá hoa quả đều bằng bảy báu, các báu trang trí xen nhau như nói ở trước. Khi gió nhẹ thổi phát ra âm thanh hòa nhã như nhạc trời. Trong nhà, được trải bằng cát vàng, thường được rưới bằng nước thơm Chiên-đàn. Dây bằng vàng làm ranh giới đường đi. Bốn phía được giăng lưới báu, rũ các linh báu trang trí cực kỳ xinh đẹp.
Sau khi cùng nhau xây dựng pháp đường lộng lẫy xong, tám vạn bốn ngàn tiểu vương lại xây ao tắm vuông vức 40 dặm bên cạnh ngôi nhà này. Bờ ao đều xây dựng bằng bốn loại báu. Trong ao có bốn loại hoa. Ngoài ao, lại có các bệ trồng hoa tươi như nói ở trước. Trước nhà, có những hàng cây mà cành lá hoa quả trang trí bằng bốn loại báu xen lẫn nhau. Khi gió thổi phát ra tiếng như nói ở trước. Mặt đất ở đó được trải với cát bằng vàng và rưới bằng nước thơm. Có linh báu treo khắp nơi hòa âm với nhau.
Sau khi công việc hoàn mãn, các vị tiểu vương tâu vua:
- Thưa Thánh Vương! Pháp đường và vườn, ao đã hoàn tất rất hoa lệ, xin ngài ngự đến.
Nghe tâu, vua suy nghĩ: "Ta không nên hưởng thụ pháp đường cao đẹp này trước, nên thỉnh tất cả Sa-môn, Bà-la-môn có đức hạnh đến cúng dường đầy đủ các vật đúng pháp trong tòa nhà này".
Theo ý nghĩ ấy, nhà vua tổ chức đại hội bố thí. Sau khi cúng dường đầy đủ, vua suy nghĩ: "Trong pháp đường này, ta không nên sống phóng dật hưởng lạc.
Chỉ dùng một người phục vụ, nhà vua đích thân vào pháp đường tịnh tu phạm hạnh. Ngồi kiết già trên tòa bạc ở lầu vàng, vua chánh niệm tư duy xa lìa các pháp ác bất thiện của dục giới, đoạn trừ tầm từ, chứng sơ thiền. Ra khỏi lầu vàng lên lầu bạc, ngồi trên tòa vàng trang trí với pha-lê thủy-tinh, nhà vua tuần tự đi sâu vào thiền định trừ các nghiệp chướng.
Khi ấy, cùng nhau đến gặp Bảo-nữ, tám vạn bốn ngàn cung nhân thể nữ thưa:
- Thưa ngài! Chúng tôi đều được nhờ ân vua, nhưng từ lâu không được hầu hạ, trong lòng rất khát ngưỡng, mong được yết kiến, mong ngài cho phép.
Đại phu nhân bảo với Chủ Binh Thần:
- Ngài biết cho, đã lâu hậu cung chúng tôi không được gặp Đại vương, trong lòng rất luyến mộ, muốn đến triều kiến, hãy bố trí xe cộ cho.
Vị quan ấy nói:
- Nếu như vậy! Xin quý ngài ra lệnh tùy tùng trang trí tất cả đồ dùng bằng màu vàng. Chúng tôi đang ra lệnh tám vạn bốn ngàn tiểu vương tập họp đội binh.
Tuân lệnh, trước tiên các tiểu vương dàn tám mươi ngàn xe voi, với tượng vương Trưởng Tịnh dẫn đầu. Thứ đến dàn xe ngựa với mã vương Đằng-vân làm thượng thủ. Thứ đến dàn xe kéo với đại xa Hỷ Minh làm thượng thủ. Hai loại này đều có tám mươi ngàn chiếc được trang trí cực kỳ xinh đẹp đặc biệt số một.
Đại phu nhân và các thể nữ đều đi xe Minh Lộ. Những người đi theo đều cỡi voi ngựa, uy nghi nghiêm túc cờ trống rực rỡ, vang trời dậy đất, cùng nhau đến pháp đường.
Nghe tiếng vua hỏi:
- Vì sao xe ngựa rộn rịp ồn ào như vậy?
Người hầu đáp:
- Đại phu nhân, và đông đảo vô số thể nữ cùng các tiểu vương trang sức với y phục, vòng hoa, cờ lọng đều màu vàng, đang đến đây để bái yết đại vương.
Vua bảo:
- Hãy bố trí tòa ngồi bên ngoài pháp đường này, ta sẽ đến xem.
Sau khi bố trí tòa ngồi bằng vàng xong, người hầu tâu vua:
- Thần đã làm xong.
Nhẹ nhàng bước xuống đài, đến nữa bậc thềm, trông thấy ngựa xe trang nghiêm vàng rực, nhà vua suy nghĩ: "Uy nghi của họ thật khả ái, trang sức thật đẹp lạ, sao mà họ rực rỡ đến như vậy".
Sau khi vua an tọa, đại phu nhân ra trước làm lễ rồi đứng qua một bên, tâu:
- Đại vương! Xin dâng tám vạn bốn ngàn cô gái quý báu diễm lệ này lên Đại vương, xin ngài nhận cho đừng từ chối.
Tám vạn bốn ngàn tiểu vương đều đem binh báu thượng thủ của mình, tâu vua:
- Đại vương, xe voi, xe ngựa, xe kéo này và tám vạn bốn ngàn thành ấp với thành Câu Xa Bạt Để đứng đầu, có tám vạn bốn ngàn lầu đài trang trí rất đặc biệt xinh đẹp, xin ngài thương xót nhận lấy và che chở cho.
Vua nói:
- Này chị em! Trước đây ta cùng các người rất thân mật, sao hôm nay trở thành oán địch vì đem các việc phi pháp để khuyến dụ ta.
Nghe vua gọi mình là chị em, đại phu nhân và các thể nữ khóc lóc rơi nước mắt, tâu:
- Xem ý ngài như đã bỏ chúng em.
Dùng vạt áo lau nước mắt, họ thưa tiếp:
- Vì sao trước đây Đại vương đối với chúng em cực kỳ thân mật, nay như là kẻ óan.
Nhà vua bảo:
- Các vị nên biết, mạng người ngắn ngủi, sinh phải có chết, ta cùng mọi người đều phải bị tiêu diệt. Giả như có vô số trăm ngàn cô gái đẹp thì cũng như kẻ óan thù giả làm thân thiết tất gây hại cho ta, tuy thương yêu lắm rồi cũng biệt ly. Cận thần, xe ngựa, lầu đài xinh đẹp nhiều vô số vô biên, mỗi loại có đến tám vạn bốn ngàn thì cũng bị tan hoại không thể còn mãi. Thế nên, người trí hãy mau từ bỏ thật xa, cần tu tập phạm hạnh chớ sinh nhiễm trước.
Nghe vua nói như vậy, đại phu nhân biết vua không thu nhận vì không đúng ý nguyện.
Sau khi dạy bảo đúng như pháp xong, nhà vua trở vào lầu vàng, ngồi kiết già trên tòa bạc, rãi tâm đại từ đến các loài hữu tình, hết mười phương cho đến vô biên, tu tập phổ biến như vậy rồi nhất tâm an trú, vượt qua tâm từ, phát sinh tâm bi, đại hỷ, đại xả với các hữu tình cũng như vậy. Khắp hết mười phương đều có lầu đài và tòa ngồi trang trí bằng các loại báu. Khi vua tu tập từng tâm vô lượng của bốn phạm trú, các dục đều diệt. Khi tuổi thọ sắp hết, bị cái chết bức bách, tâm vua ưu buồn; sau khi qua đời sinh lên Phạm-thiên.
Phật bảo A Nan Đà:
- Từ thành Câu Thi Na đến bờ sông Kim, rừng Sa La, tháp Hệ Quan, thuộc vùng đất Tráng Sĩ chu vi mười hai du-thiện-na, ngày xưa Như Lai làm vua Chuyển Luân đã qua đời tại đây sáu lần, ngày nay lại nhập Niết-bàn nơi này là lần thứ bảy.
Lại nữa, đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác không còn nơi nào bỏ thân vào lần thứ tám trong mười phương thế giới. Vì sao? Ta đã chấm dứt sinh tử, đoạn sạch các hoặc nghiệp, không còn thọ thân khác nữa.
Khi ấy, Phật bảo cụ thọ Ô-Ba Ma Na đang ở trước mặt:
- Thầy không nên ở ngay trước Như Lai.
Nghe bảo, Bí-sô ấy lui qua chỗ khác.
A Nan Đà:
- Bạch Phật!
Con đã hầu Phật hơn nai mươi năm, chưa từng nghe Thế Tôn có lời quở trách như đối với Bí-sô Ô Ba Ma Na.
Phật bảo:
- Này A Nan Đà! Có vô lượng chư Thiên Trường Thọ cùng nhau bất mãn nói:
- Trên đời khó được gặp lúc Như Lai Đại sư xuất thế, lâu xa mới xuất hiện một lần như hoa ô-đàm-bạt. Giữa đêm nay, nhất định Ngài sẽ vào cảnh giới Vô-dư Niết-bàn vi diệu. Do uy đức của Bí-sô đang che trước Phật, chúng ta không sao thân cận Thế Tôn để cúng dường cung kính.
A Nan Đà thưa:
- Có bao nhiêu Chư thiên đến đây?
Phật dạy:
- Phương Nam từ sông Kim đến rừng Song Lâm thuộc thành Câu Thi Na, đến tháp Hệ Quan, trong phạm vi 12 du-thiện-na này đều có chư thiên đại uy đức chen vai nhau, không còn chỗ để dựng cây gậy.
Khi ấy, các Bí-sô đều phân vân, thưa Thế Tôn:
- Cụ thọ Ô-Ba Ma Na trước đây tạo nghiệp gì mà nay có uy đức lớn?
Phật dạy:
- Này các Bí-sô, Ô-Ba Ma Na hiện đang thụ hưởng quả của nghiệp đã gây trước kia ... nói như các nơi khác cho đến nói kệ.
- Này các Bí-sô, thời quá khứ, trong kiếp Hiền này, khi loài người thọ hai vạn năm, có đức Phật xuất thế hiệu là Ca Nhiếp Ba đầy đủ mười hiệu, trú ở rừng Thi Lộc, Tiên nhân đọa xứ, thuộc Ba La Ny Tư. Tiền thân của Ô Ba Ma Na xuất gia trong pháp Phật ấy.
Bấy giờ, các Bí-sô mặc y mang bát đi vào thành khất thực, đến lượt vị ấy ở lại giữ chùa. Khi ấy, có mưa to gió lớn nỗi lên, trời rất lạnh lẽo, vị ấy suy nghĩ: "Các vị đồng phạm hạn đang bị khổ vì gặp phải trời lạnh này, y phục chắc ướt hết. Họ sắp trở về, ta hãy chuẩn bị đầy đủ vật dụng để chờ đợi".
Sau khi suy nghĩ như vậy, vị ấy vào phòng tắm đốt lửa nấu nước nóng và bố trí chỗ ngồi, gác cây làm giá phơi trước hiên rồi đến trước chùa trông ngóng các Bí-sô. Khi các Bí-sô kia về chùa, vị này âm thầm vào phòng tắm, dùng nước giặt sạch y bị ướt rồi phơi trên giá, đưa y phục sạch cho các Bí-sô mặc. Được nghỉ ngơi, thân thể ấm lại, không còn khổ lạnh, các Bí-sô hoan hỷ vừa ý.
Quỳ dài chắp tay hướng về đại chúng, vị Bí-sô giữ chùa phát nguyện:
- Hôm nay, những thiện căn của con nhờ làm cho các vị đồng phạm hết khổ được an vui, như Phật Ca Nhiếp Ba Như Lai Ưùùng Cúng Chánh Đẳng Giác thọ ký cho Đồng-tử vào đời vị lai khi loài người thọ một trăm năm, được thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ny ; cho con được xuất gia trong giáo pháp của Phật ấy, đoạn trừ các phiền não chứng quả A La Hán, nhờ công đức đốt lửa làm cho thân thể sáng rực, chư Thiên không thể đến gần.
Các thầy nên biết, do nguyện lực nên vị ấy được xuất gia trong giáo pháp của Ta, đoạn trừ các phiền não chứng quả A La Hán, có đại uy đức. Thế nên, chư thiên không thể đến gần vị ấy.
Khi ấy, cụ thọ A Nan Đà bạch Phật:
- Sau khi Đại đức Thế Tôn nhập Niết bàn, con nên cung kính cúng dường pháp thân của Như Lai như thế nào?
Phật bảo A Nan Đà:
- Ông hãy bỏ qua việc ấy đi, việc ông hỏi sẽ có các vị Bà-la-môn trưởng giả có tín tâm đứng ra làm.
A Nan Đà lại bạch Phật:
- Những việc mà các trưởng giả làm đó như thế nào?
Phật dạy:
- Tất cả đều như phép tẩm liệm của vua Chuyển-luân.
Hỏi:
- Phép của vua Chuyển Luân như thế nào?
Phật bảo:
- Này A Nan Đà! Sau khi vua Chuyển Luân qua đời, dùng năm trăm tấm vải trắng đẹp bó khắp thân thể và trang sức bằng năm trăm tấm y đẹp, đặt vào quan tài bằng sắt đổ đầy dầu thơm, rồi đậy lại, dùng gỗ thơm hỏa thiêu. Sau khi hỏa thiêu, rưới sữa thơm cho tắt lửa, thu lấy cốt và đặt trong bình bằng vàng, xây tháp lớn thờ ở ngã tư đường, dùng cờ phướng tàn lọng và các hương thơm hoa đẹp cung kính tôn trọng cúng dường và tổ chức đại trai hội. - Này A Nan Đà! Sau khi Ta nhập diệt, trời người cúng Ta theo đúng như sự cung kính cúng dường vua Chuyển Luân nhưng hơn gấp bội ...
- Này A Nan Đà! Hãy đến thành Câu Thi Na, đem lời Ta, nói với năm trăm người thuộc họ Tráng Sĩ rằng này các vị, đức Đại sư Như Lai vào giữa đêm nay chắc chắn nhập Niết bàn Vô-dư-y, hãy làm những gì cần làm để sau này khỏi hối hận vì sao đức Đại sư nhập Niết-bàn ở địa phương này mà chúng ta không biết cúng dường.
Vâng lời Phật dạy, cụ thọ A Nan Đà mang theo y Tăng-già-chi và một thị giả đi đến ngôi nhà hội họp của dân chúng thành Câu Thi Na.
Bấy giờ, năm trăm tráng-sĩ đang bàn luận công việc ở đó, A Nan Đà đem lời của đức Thế Tôn bảo các Tráng Sĩ rằng các vị đã tập họp ở đây, hãy lắng nghe, vào giữa đêm nay chắc chắn nhập Niết-bàn vô-dư-y, hãy làm những gì cần làm để sau này khỏi hối hận vì sao đức Đại sư nhập Niết-bàn ở địa phương này mà chúng ta không được cúng dường.
Nghe như vậy, các tráng sĩ đều đưa vợ con thân quyến, bạn bè, người phục vụ cùng nhau đến rừng Sa La. Đến nơi, họ đảnh lễ sát chân đức Phật rồi ngồi qua một bên.
Sau khi được Thế Tôn thuyết pháp làm cho được lợi ích hoan hỷ, các tráng sĩ rời chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục, chừa vai phải, chắp tay cung kính, bạch Phật:
- Đại đức Thế Tôn! Chúng con đều thuộc họ Tráng sĩ quý tộc ở thành Câu Thi Na, nguyện trọn đời quy y Phật Đà, quy y Đạt Ma, quy y Tăng Già và thọ trì các học xứ.
Tôn giả A Nan Đà suy nghĩ: nếu để từng tráng sĩ ấy thọ trì học xứ cận sự của đức Thế Tôn thì kéo dài thời gian làm trở ngại sự viên tịch. Ta nên thỉnh Ngài cho họ thọ trì học-xứ một lần.
Sau khi suy nghĩ như vậy, tôn giả đứng dậy, sửa y phục, chắp tay bạch Phật:
- Đại đức Thế Tôn! Các vị tráng sĩ cùng quyến thuộc ... có rất nhiều người với tên họ khác nhau, muốn quy y Tam bảo, cầu thọ năm giới. Thọ từng người, sợ kéo dài thời gian, cầu xin Ngài đại bi cho họ thọ một lần.
Sau đó ở trước Thế Tôn, A Nan Đà nêu tên một lần, cho họ thọ giới.
Nghe Phật thuyết pháp, lại được thọ giới, Các tráng sĩ rất hoan hỷ đảnh lễ sát chân Phật, rồi từ giã.
Khi còn là Bồ Tát, ở cõi trời Đỗ Sử Đa,Thế Tôn quán sát về năm việc ở thế gian. Thiên tử trời Lục Dục ba lần làm thanh tịnh bụng người mẹ. Bồ tát hiện tướng voi trắng đi vào thai mẹ. Thiên Đế Thích bảo Thiện Ái Vua Càn Thát Bà:
- Này Thiện Ái, Bồ tát đang ở cung Đỗ Sử Đa, quán sát về năm việc ở thế gian. Thiên tử trời Lục Dục làm sạch bụng người mẹ. Ngài hiện tướng voi trắng giáng thần vào thai mẹ, chúng ta hãy đến hộ vệ Ngài.
Vua Càn Thát Bà thưa:
- Đại thiên hãy đi trước, chúng tôi đang bận tấu âm nhạc ở đây.
Khi Bồ-tát ra khỏi thai mẹ, Thiên Đế Thích lại bảo vua âm nhạc:
- Này Thiện Ái! Bồ tát đang ra khỏi thai mẹ, chúng ta hãy đến hộ vệ.
Thiên Ái cũng đáp như trước.
Khi Bồ tát đang cùng các đồng tử vui chơi, Thiên Đế Thích lại bảo vua âm nhạc:
- Này Thiện Ái, Bồ tát đang đi chơi cùng các đồng tử, chúng ta hãy đến hộ vệ.
Thiện Ái cũng đáp như trước.
Khi Bồ tát quán sát lão, bệnh, tử, trong lòng buồn bã nên đi vào rừng vắng tu tập các hạnh khổ, sau đó dùng cháo sữa được nấu qua 16 lần của hai mục nữ, sức lực phục hồi, ăn uống trở lại, taà'e1m rửa thân thể, thoa các loại dầu, Thiên Đế Thích lại bảo thần âm nhạc đến hộ vệ.
Thiện ái cũng đáp như trước.
Khi Thế Tôn chiến thắng 36 ức quân ma, chứng trí Giác Vô-thượng, Phạm Vương thỉnh đến Ba La Ny Tư chuyển pháp luân ba lần mười hai hành, chế các học-xứ, những ai có duyên đáng được độ đều đã được Ngài độ thoát, cuối cùng đến nằm nghỉ ở thành Câu Thi Na, Thiên Đế Thích lại báo cho thần âm nhạc biết... như trước ... nghe pháp.
Thiện Ái cũng đáp:
- Tôi đang tấu nhạc.
Thiên Đế Thích lại bảo thần âm nhạc:
- Này thần, đức Thế Tôn đang nằm lần cuối cùng, chắc chán Niết-bàn, hãy cúng dường lần cuối cùng.
Thần cũng dáp như trước.
Khi âùy, Thế Tôn suy nghĩ: "Người mà Thanh-văn có thể độ thì Như Lai cũng độ cho họ được, nhưng người phải chờ Phật độ thì không ai có thể độ được vì phải dùng đến phương tiện thiện xảo thắng thượng. Ta hãy độ thần âm nhạc Thiện Ái".
Sau khi suy nghĩ, Thế Tôn nhập định, do định lực nên ngay tại chỗ đang nằm hóa ra một thân khác và hóa ra đàn không-hầu bằng lưu-ly có ngàn dây.
Biến mất tại chỗ nằm, tay cầm đàn không hầu, đến cõi trời Ba-mươi-ba, hóa thân Phật đi vào cửa cung thần âm nhạc Thiện Ái.
Bấy giờ, với sự kiêu mạn, tự cho mình là người giỏi vô địch về đàn không hầu, ở trong cung mình, Thiện Ái vui chơi say đắm tấu nhạc.
Thế Tôn bảo người giữ cửa:
- Ngoài cửa, có Càn Thát Bà đang muốn gặp mặt.
Được người giữ cửa vào báo đầy đủ sự việc, nhạc vương kiêu ngạo nói:
- Ngoài ta ra lại có Càn-thát-bà khác ư?
Đáp:
- Họ đang ở ngoài cửa.
Nghe nói, không thể nhịn được, Thiện Ái vội ra cửa, hỏi:
- Này người kia, ngươi là Càn Thát Bà hay sao?
Đáp:
- Chính ta là vua Càn Thát Bà, nếu ngươi có khả năng hãy tấu âm nhạc với ta.
- Thưa Đại tiên! Rất hay, chúng ta hãy cùng chơi.
Cùng nhạc vương tấu đàn không hầu, Phật bứt đứt một sợi dây, vị kia cũng vậy nhưng âm thanh cả hai bên đều không bị suy giảm. Phật lại bứt đứt cả hai dây, vị kia cũng vậy mà âm điệu hai bên vẫn như nhau. Phật lại bứt đứt ba, bốn dây; vị kia cũng vậy, cho đến chỉ còn một dây mà âm thanh vẫn như cũ. Phật lại bứt đứt dây còn lại, vị kia cũng vậy. Phật lại đưa tay tấu vào khoảng không mà âm điệu lại hay hơn gấp bội. Không thể làm được như vậy nên vị kia rất thán phục biết khả năng âm nhạc của người siêu tuyệt hơn mình nên không còn ngạo mạn nữa.
Biết như vậy, Thế Tôn biến hình Càn Thát Bà trở lại thân Phật. Thấy Phật Thế Tôn với sắc thân vàng ròng ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp chiếu sáng rực rỡ hơn một ngàn mặt trời, như núi báu chúa, ngắm mãi không chán, nhạc thần rất vui mừng kính trọng ngưỡng mộ, lạy sát chân Phật, xin nghe giáo pháp.
Quán sát căn tính, Thế Tôn tùy căn cơ thuyết pháp Tứ thánh đế làm cho vị này được khai ngộ. Dùng chày kim cương trí tuệ phá tan núi hai mươi tà kiến về thân, nhạc thần chứng quả Dự-lưu.
Sau khi kiến đế, rất vui mừng, vị này bạch Phật:
- Đại đức Thế Tôn! Hiện nay sự chứng đắc của con chẳng phải do cha mẹ, vua, trời, quyến thuộc hay các bạn bè, Sa-môn hay Bà-la-môn ... làm cho con thành tựu được thắng sự này, chỉ nhờ Thế tôn từ bi thương xót làm cho con hôm nay được khô cạn biển máu, vượt qua núi xương, đóng nẻo đường ác, mở đường Niết-bàn, an ổn đường trời người. Hôm nay, con xin quy y Phật Pháp Tăng làm cận sự nam, từ nay cho đến trọn đời không sát sinh, cho đến không uống rượu, thọ ba quy và năm học xứ.
Sau khi lại thuyết pháp chỉ dạy làm cho nhạc thần được lợi ích an lạc, Thế Tôn nhập định biến mất khỏi thiên cung trở về chỗ nằm cuối cùng ở Song-lâm.
CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ.
TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ
Quyển thứ ba mươi bảy hết.
- Tag :
- Nghĩa Tịnh
- ,
- Thích Tâm Hạnh