KHÁI QUÁT VỀ LUẬT HỌC PHẬT GIÁO
Thích Tiến Đạt
I. Khái niệm về luật học:
Luật học hay giới luật học là môn học thuộc về hành môn, nhằm nghiên cứu và thực hành về giới luật do đức Phật chế định cho các đệ tử, nhằm thực hiện mục đích lý tưởng giải thoát giác ngộ, xây dựng, củng cố và phát triển Tăng đoàn hoà hợp, thanh tịnh làm cho chính pháp được truyền bá rộng rãi và trường tồn mãi mãi.
Luật là một từ dịch nghĩa của Trung Quốc. Về Phạn ngữ vốn có 3 tên gọi khác nhau:
1. Tỳ-ni hay Tỳ-nại-da (Vinaya): Trung Quốc dịch là Luật, Diệt, Điều phục, Thiện trị (chính dịch là Luật). Luật là pháp cấm chế, lấy đó làm chuẩn mực thì “Diệt” trừ được các điều ác, “Điều phục” phiền não, “Thiện trị” thân tâm mà được thanh tịnh. Sách “Tứ Phận giới sớ” nói: “Luật là pháp, từ giáo mà thành tên; quyết đoán khinh trọng khai gia trì phạm, không pháp nào không xác định nên thuộc chính dịch”.
Tiếng Phạn là Ưu-bà-la-xoa (Uparaksa) mới chính dịch là Luật. Sách “Đại thừa nghĩa chương” giải thích như sau: “Luật, nước ngoài gọi là Ưu-bà-la-xoa, Trung Quốc dịch là Luật, có hai nghĩa: Một là luận theo giáo; hai là biện minh theo sự tu hành. Nếu theo giáo giải thích, cân nhắc thì gọi là Luật. Nếu theo sự tu hành thì điều phục gọi là luật. Giáo pháp của Tỳ-ni giải thích rõ sự tu hành của luật này nên gọi là Luật, lại sinh ra sự tu hành theo luật nên gọi là Luật”.
Luật là pháp cấm chế của Phật, dựa vào pháp luật mà giải thích cân nhắc khinh trọng, phân biệt phạm, không phạm cho nên Ưu-bà-la-xoa theo giáo nghĩa mà dịch là Luật. Nếu nhờ vào luật mà điều phục phiền não, diệt trừ điều tội lỗi sai trái xấu ác thì Tỳ-nại-da theo sự tu hành mà dịch là luật. Trong thực tế các kinh luận phần lớn dùng Tỳ-nại-da (Tỳ-ni) để gọi luật nên luật tạng được gọi là Tỳ-nại-da tạng hay Tỳ-ni tạng mà không gọi là Ưu-bà-la-xoa. Lấy luật làm giáo pháp do ở công năng phòng ngừa (phòng phi chỉ ác) và chữa trị (thiện trị thân tâm), dựa vào công năng thiện thắng làm tên nên phần lớn gọi Tỳ-ni là Luật.
2. Ba-la-đề-mộc-xoa (Pratimoksa): Trung Quốc dịch là Biệt giải thoát, từ nơi nhân mà có tên này. Giới của bảy chúng đệ tử Phật, thông thường được gọi là Giới biệt giải thoát vì có năng lực phòng ngừa, đình chỉ từng điều sai trái nên gọi là Biệt. Mặt khác do trì giới mà tránh được tội lỗi, sai trái và giải thoát các điều ác. Lại do trì giới mà được hai quả giải thoát hữu vi và vô vi nên gọi là Giải thoát.
Biệt giải thoát chính là sự giải thoát tuỳ thuộc và số giới điều được tuân giữ. Nghĩa là giữ giới nhiều thì giải thoát nhiều; giữ ít thì giải thoát ít; giữ giới trọn vẹn thì giải thoát trọn vẹn. Bởi vì mỗi một điều giới mà đức Phật chế định có khả năng ngăn chặn, loại bỏ một loại hành vi bất thiện (phiền não) nào đó, không cho nó len lỏi hoặc xâm nhập vào nội tâm của hành giả.
Ba-la-đề-mộc-xoa còn dịch là Xứ xứ giải thoát hoặc Tuỳ thuận giải thoát. Bởi giới là nguồn gốc (nơi chốn) phát sinh ra các thiện pháp công đức, nó là chỗ an ổn nhất của mọi chúng sinh để đi đến mục đích giải thoát. Còn tuỳ thuận giải thoát tức là sự giải thoát tuỳ thuận vào tâm của hành giả hướng đến quả hữu vi hay vô vi, quả thế gian hay xuất thế gian.
Kinh “Xá-lợi-phất vấn” giải thích: “Ba-la-đề-mộc-xoa nghĩa là tối thắng. Gốc của các điều lành lấy giới làm căn bản, nhiều công đức thiện pháp được sinh ra nên gọi là thắng nghĩa. Lại nữa, giới có hai loại: Một là dựa vào thân khẩu, hai là dựa vào tâm”. Luật nghi của 7 chúng đều phòng ngừa, đình chỉ điều quấy ác của 7 chi tội ở thân và miệng. Điều này tuy thô thiển nhưng lại là căn bản, vì nếu không đủ giới biệt giải thoát này thì chính định, thánh đạo không do đâu mà phát sinh nên lấy nghĩa tối thắng để giải thích tên Ba-la-đề-mộc-xoa. Như vậy càng thấy sự trọng yếu của biệt giải thoát.
3. Thi-la: Chính dịch là Giới, cũng dịch là Thanh lương. Giới được hiểu là phương tiện để ngăn ngừa các hành động sai lầm, chấm dứt mọi điều ác (phòng phi chỉ ác viết giới) hay ngừng làm các điều ác mà làm các điều thiện (chỉ ác tác thiện). Sách “Đại thừa nghĩa chương” giải thích: “Điều sai trái của ba nghiệp thiêu đốt hành giả, những việc ấy như lửa nóng. Giới có khả năng phòng ngừa, đình chỉ điều đó, làm cho thân tâm được mát mẻ nên gọi là thanh lương”. “Đại Trí Độ Luận” nói: “Thi-la dịch là Tính thiện: hạnh tốt đạo lành, không tự phóng dật, đó là Thi-la”.
Tóm lại: Luật thì căn cứ vào phương diện giải thích rõ giáo nghĩa; Giới thì căn cứ vào phương diện hành tướng; Giải thoát thì căn cứ vào phương diện mục đích, có bắt đầu thì phải có kết thúc, tức dựa vào giáo khởi hành, nhân hành mà chứng quả vậy. Nhưng hiện tại chỉ lấy luật đặt tên bởi luật bao hàm nghĩa hết sức rộng, như “Hành sự sao tư trì ký” giải thích ý nghĩa của Luật như sau: “Nay theo chú thích về giới thông suốt bao gồm các văn, không ra ngoài 3 nghĩa:
- Thứ nhất nói luật là pháp (律者法也): Từ giáo nghĩa mà đặt tên, quyết đoán sự khinh trọng, khai gia trì phạm không pháp nào không được xác định… nên gọi là pháp.
- Thứ hai gọi luật là phân chia (律者分也): Là phải xem xét liệu lượng, căn cứ vào lượng hiện có mà phân định, phán đoán, quyết định. Lại nói, giáo tướng giải thích thích rõ 4 việc tất cả ở đây, đó gọi là phạm, không phạm, khinh, trọng. Bốn hiện tượng này không có luật thì không thể phân tích, xác định, do vậy trì phạm không quá lạm.
- Thứ ba nói luật là biên chép (律者筆也): Phải hiểu rõ giáo nghĩa và xét nghiệm tình hình thực tế mới quyết định bằng việc ghi chép (án tại hồ sơ) xử lý nghiêm ngặt, quyết định chính xác. Nếu không có sự biên chép thì không sao minh định được”.
Giới và luật về mặt ý nghĩa có những điểm giống nhau, cũng có điểm khác nhau, tên tuy có khác nhưng vẫn cùng một thể, vì thế thường gọi tên ghép là giới luật. Do vậy luật học chính là toàn bộ học thuật thuộc luật tạng trong Tam Tạng. Cũng như pháp luật hiện hành của xã hội con người, luật là chỉ cho những bộ sách ghi chép chi tiết những quy tắc quy định về thể chế, tổ chức của Tăng-Già cùng những nguyên tắc quy định cách giải quyết những bất đồng trong tổ chức Tăng-Già và biện pháp xử trị đối với những thành viên vi phạm những điều giới luật Phật chế. Để phân biệt, người ta thường dùng danh từ “giới” khi đề cập đến hành động của cá nhân và “luật” nhằm chỉ cho những hoạt động của Tăng đoàn.
4. Luật và nghi: Phép tắc bao hàm thân, lời, tâm ý gọi là luật. Tuân theo phép tắc đó có tiết độ thì gọi là Nghi. Vì uy nghi phải từ giới luật mà sáng tỏ và giới luật phải từ uy nghi mà hiển bày. Người giữ gìn giới luật chắc chắn đầy đủ uy nghi, uy nghi không thiếu khuyết thì giới đức đầy đủ, giới đức đầy đủ mới hoàn thành được mục đích tu đạo và khí tiết cao thượng.
Hai nghiệp thân miệng đều có biểu hiện ở động tác và âm thanh. Động tác và âm thanh biểu hiện ra nếu đều đầy đủ tiết độ thích đáng thì đây chính là uy nghi. Nhưng động tác của thân hình, việc dùng từ ngữ, lời nói, sắc thái của âm thanh hiện ra ngoài có đầy đủ uy nghi phải do giới đức hàm dưỡng bên trong. Cho nên cần phải ba nghiệp thân miệng ý thanh tịnh, đều hợp phép tắc; theo đó cử chỉ hành động, lời nói, nét mặt có tiết độ, đức tốt hiển lộ ra ngoài đủ làm khuôn phép cho người khác khiến họ sinh khởi tâm cung kính. Đây chính là uy nghi (有威可畏有儀可敬).
Toàn bộ giáo nghĩa Phật giáo, thực sự là môn tâm lý học hết sức tinh vi, rộng lớn và thiết thực: Có kinh luận để minh tâm kiến tính, có luật nghi để nhiếp tâm, chế ngự hành vi, sửa trị cả trong ngoài, tạo nên hình tướng uy nghi tuyệt đối trang nghiêm. Cho nên cẩn thận giữ gìn đầy đủ uy nghi thì làm cho tất cả hành vi của mình đều phù hợp với tiết độ hiện hành. Như thế thì thân miệng không nói và làm bừa bãi, tâm ý cũng sẽ không tán loạn, dần dần sẽ tương ứng với thiền định và trí tuệ.
Cho nên Luật tức là Nghi; Nghi cũng tức là Luật, hai phần ắt phải đồng thể mà làm lực dụng cho nhau. Luật nghi đầy đủ thì có thể điều chuyển ba nghiệp làm sinh khởi việc thiện, sửa trị việc ác, tự lợi lợi tha đầy đủ. Đây chính là bản ý chế định luật nghi của đức Thế Tôn vậy.
II. Tư liệu của luật tạng.
Tư liệu nghiên cứu luật tạng khá nhiều, có thể chia ra làm nhiều loại: Hệ Pa-li (Phật giáo Nam truyền); hệ Hán dịch (Phật giáo Bắc truyền); hệ Phạn văn; hệ Tây tạng ngữ; hệ Tây vực ngữ; hệ Anh ngữ v.v…. Trong đó, hệ có ý nghĩa giá trị phong phú nhất, mà hoàn bị nhất phải kể đến là văn hệ Pa-li và hệ Hán dịch. Nay xin giới thiệu sơ lược như sau:
1. Tư liệu của hệ Pa-li (Phật giáo Nam truyền): Trong Tam Tạng Phật giáo Nam truyền thuộc văn hệ Pa-li thì luật tạng được xếp vị trí thứ nhất gồm 5 tập đầu, bao gồm 3 bộ phận:
1.1. Kinh “Đại phân biệt” (Sutta Vibhanga): Phần này được chia làm 2 phần.
- Đại phân biệt (Maha Vibhanga): Tức giới bản của Tỷ khiêu, giải thích 227 giới điều của Tỷ khiêu gồm 8 nhóm.
- Tiểu phân biệt hay Tỷ khiêu ny phân biệt (Bhikkhuni Vibhanga): Chú thích giới bản của Tỷ khiêu ny gồm 311 giới, chia làm 7 nhóm.
1.2. Kiền độ (Khandha): Đây là các nhóm công việc Tăng sự được chia 2 phần:
- Đại phẩm: (Maha Vagga): Gồm 10 kiền độ, trình bày về những chế độ, quy tắc, nghi thức và nguyên nhân thành lập giới luật như: Đại kiền độ, Bố tát, Nhập vũ an cư, Tự tứ, Bì cách, Dược, Ca-thi-na y, Chiêm-ba, Câu-diệm-di kiền độ….
- Tiểu phẩm (Cullavagga): Gồm 12 kiền độ như Yết-ma kiền độ, Biệt trú kiền độ, Tập kiền độ, Diệt tránh kiền độ, Tiểu sự kiền độ, Già thuyết giới kiền độ, Tỷ khiêu ny kiền độ, Ngũ bách kiền độ, Thất bách kiền độ.
1.3. Phụ tuỳ (Parivàra): Phần này thuộc về phụ lục gồm 19 chương, dùng để toát yếu những điểm chính của 2 phần trên.
Ngoài 3 bộ phận nêu trên, trong luật Pa-li còn có bộ sớ giải của ngài Phật Âm là Samantapasadika (Nhất thiết thiện kiến, Nhất thiết hoan hỷ mãn túc) gồm 7 quyển, tương đương với Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa bản dịch Hán ngữ… cùng một số sách khác Patimokha (giới kinh)….
Toàn bộ luật tạng Pa-li được dịch sang tiếng Anh, nằm trong bộ Thánh Điển Phương Đông (3 quyển: 13, 17 và 20)
2. Tư liệu Hán dịch: Tư liệu luật tạng Hán dịch xưa nay thường gọi là “bốn luật, năm luận”. Thực ra toàn bộ quảng luật gồm 5 bộ và hơn nữa, hệ thống cũng rất rõ ràng. Ngoài ra còn có những bản dịch quảng luật không đầy đủ hoàn toàn và nhiều bản giới kinh của các bộ phái.
- Luật Thập Tụng (Tát-bà-đa bộ): 61 quyển – Phất-nhã-đa-la và La-thập dịch.
- Luật Tứ phận (Đàm-vô-đức bộ): 60 quyển – Phật-đà-da-xá và Trúc-phật-niệm dịch.
- Ma ha tăng kỳ luật: (Đại chúng bộ): 40 quyển – Phật-đà-bạt-đà-la và Pháp Hiển dịch.
- Luật Ngũ phận (Di-sa-tắc bộ): 30 quyển – Phật-đà-thập và Trúc Đạo Sinh dịch.
- Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ (Hữu bộ – Tát-bà-đa): 189 quyển do Tam Tạng Nghĩa Tịnh dịch.
- Tỳ-nại-da (Giới nhân duyên kinh): 10 quyển, là quảng luật của Ẩm Quang bộ do Trúc-phật-niệm dịch.
Cùng 5 bộ luận giải thích luật tạng của các bộ phái như:
- Thiện kiến luật tỳ-bà-sa (luật của Thượng toạ bộ Tích Lan): 10 quyển, do Tăng-Già-bạt-đà-la dịch. Đây là tác phẩm của ngài Phật Âm.
- Tát-bà-đa Tỳ-ni Tỳ-bà-sa (Hữu bộ): 9 quyển, mất tên người dịch.
- Tỳ-ni mẫu kinh (luận) (Pháp tạng bộ): 5 quyển, mất tên người dịch.
- Nhị thập nhị minh liễu luận (Chính lượng bộ): 1 quyển – Tam Tạng Chân Đế dịch.
- Tát-bà-đa Tỳ-ni Ma-đắc-lặc-già (Hữu bộ): 10 quyển, do Tăng-Già-bạt-ma dịch.
Giới bản của các bộ phái:
- Giải thoát giới kinh.
- Thập tụng Tỷ khiêu Ba-la-đề-mộc-xoa giới bản.
- Thập tụng Tỷ khiêu ny Ba-la-đề-mộc-xoa giới bản.
- Tứ phận luật Tỷ khiêu giới bản.
- Tứ phận luật Tỷ khiêu ny giới bản.
- Ma ha Tăng kỳ luật đại Tỷ khiêu giới bản.
- Ma ha Tăng kỳ luật Tỷ khiêu ny giới bản.
- Di-sa-tắc ngũ phận luật Tỷ khiêu giới bản.
- Ngũ phận luật Tỷ khiêu ny giới bản.
- Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ giới kinh.
- Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Bật-sô ny giới kinh.
(Căn cứ vào Đại tạng kinh Hán dịch thì còn các tác phẩm biên soạn, chú sớ giải thích luật tạng của các nhà luật học Trung Quốc sẽ giới thiệu trong chương III)
III. Luật học với Kinh học, Luận học:
Trong bài tựa của kinh Trường A-hàm ngài Đạo An có viết: “Như Lai xuất thế, đại giáo có ba: Theo thân khẩu thì phòng ngừa bằng luật cấm; làm sáng tỏ vấn đề thiện ác thì chỉ dẫn bằng khế kinh; diễn đạt sự sâu kín vi diệu thì chỉ dẫn bằng pháp tướng”.
Như vậy, Tam Tạng có sự sai biệt giữa Kinh, Luật, Luận. Vậy chúng ta thử khảo sát xem quan điểm của các nhà Phật học về vị trí của Luật học, Kinh học và Luận học trong Tam Tạng như thế nào?
Có quan điểm cho rằng giữa Kinh, Luật, Luận không có sự sai biệt. Vì sao? Vì tất cả lời dạy của đức Phật đều phát sinh từ một trí tuệ rộng lớn, được xuất sinh từ sự giác ngộ thâm sâu, được nhiếp thụ bằng các lực, vô uý, đồng sinh khởi bằng tâm đại từ bi của đức Phật.
Lại có quan điểm cho rằng có sự sai biệt. Hơn nữa, ngay tên gọi cũng đã có sự sai khác: Đây là Tu-đa-la, đây là Tỳ-nại-da, đây là A-tỳ-đàm….
Trên phương diện vô sai biệt là nói về bản thể, đã đồng lưu xuất từ trong biển trí tuệ của đức Phật (Như Lai Tạng), tự không có đường chia nhiều ngả khác nhau nên gọi chung sự tập thành giáo điển của Phật giáo là Đại tạng kinh. Nhưng quan sát ở phương diện sai biệt thì mỗi phần có tông chỉ, có giáo nghĩa giới hạn rõ ràng, không thể hợp làm một được. Cho nên có hai tạng, ba tạng, bốn tạng, năm tạng các loại không đồng. Nay không gọi là tạng mà gọi là học bởi nghĩa tạng và học thông nhau nên ba phần kinh, luật, luật đều gọi là học.
Nay trên phương diện sai biệt, thuyết minh điểm bất đồng giữa luật học với kinh học, luận học.
Luật học chú trọng ở sự, còn kinh học, luận học thiên trọng ở lý. Sự chỉ cho việc tự thân trải nghiệm, tu tập; là cái học thuộc đạo đức hành vi. Lý có thể nghiên cứu tinh tường, suy nghĩ sâu sắc, thuộc cái học tri thức, ngộ chứng. Luật học và kinh luận vốn có sự sai khác như vậy. Lại có người cho rằng: “Kinh thì chỉ chung cho người khác nói, còn luật chỉ từ đích thân kim khẩu của Phật nói ra” nên đến các bậc thánh cũng không dám thay đổi một câu, một chữ. Mặt khác, đức Phật nói mỗi bộ kinh đều có thời gian nhất đinh, có hạn lượng. Còn đối với luật thì thông suốt từ đầu đến cuối không có hạn lượng.
Luật sư Linh Chi đối với Tam Tạng có sự đánh giá như sau: “Nếu giải thích rõ lý để phát huy trí tuệ, phá vọng hiển chân thì kinh luận là hơn. Nếu theo phép tắc chọn lấy việc tu hành diệt ác sinh thiện thì Tỳ-ni độc tôn. Nên biết Tam Tạng mỗi phần đều có những ưu điểm riêng” (Tư trì ký – q1).
Sự đánh giá trên quả là không nghiêng lệch, hết sức thoả đáng. Chỉ vì từ trước đến nay, những người học Phật theo quan điểm của mình quan tâm đến sự trước sau của Tam Tạng mà tranh luận hơn thua nên không khỏi có các kiến chấp thiên lệch quanh co nhưng nhờ vào đó, chúng ta có thể biết thái độ nghiên cứu, học Phật của người xưa. Quan điểm sai khác có nhiều nhưng tựu trung có ba xu hướng là:
1. Nghiêng nặng về kinh học:
Phân biệt theo con đường thông luận chung thì cho rằng trước Kinh, kế tiếp là Luật, sau cùng là Luận. Cho đến chủ trương nghiêm khắc thì chỉ đặc biệt coi trọng kinh.
Trong “Tam luận huyền nghĩa” có ghi: “Đệ tử của Thượng toạ bộ chỉ hoằng truyền kinh, lấy kinh làm chính. Luật thì khai gia bất định. Tỳ-đàm chỉ giải thích kinh hoặc quá kinh bản, hoặc giảm kinh bản nên không hoằng truyền, cũng không bỏ hai tạng ấy”.
Sách “Dị tông luận” có nói: “Kinh Lượng bộ tự xưng ta lấy A-nan làm thầy vì là người kết tập kinh tạng lần thứ nhất nên chủ trương của Kinh lượng bộ chỉ dựa vào kinh làm chính lượng, không dựa vào luật và Đối pháp. Phàm những chỗ y cứ dẫn giải đều lấy kinh làm chính”.
Đến ngay pháp sư Đạo An ở Trung Quốc cũng có cùng quan điểm: “Ngài A-nan tụng ra 12 bộ kinh, sau đó chia ra các con đường, đến pháp Tiểu thừa là bốn bộ A-hàm…. Ngài Ca Chiên Diên Tử tóm lấy phần thực hành chính yếu, dẫn lời giải thích huấn dụ của kinh là A-tỳ-đàm. Ngài Ưu-ba-ly phân biệt nguyên nhân mà thành lập Tỳ-ni cùng với A-tỳ-đàm và bốn bộ A-hàm mà tạo nên Tam Tạng”. (Tỳ-bà-sa luận – q14)
Luật sư Hoài Tố có đưa ra quan điểm giải thích: Trước kinh sau luật, luận là do các nghĩa sau:
a. Dựa vào thứ tự thuyết giáo: Sau khi thành đạo, đức Phật liền chuyển bánh xe pháp, đầu tiên nói pháp Tứ đế ở vườn nai, đó là kinh tạng. Đã nghe pháp rồi xuất gia thụ giới, thực hành trong việc tu thân xử sự, đó là luật tạng. Đã khởi hành rồi lại phân biệt uẩn, vô ngã… đó là luận tạng.
b. Theo căn cơ: “Người chưa trồng căn lành khiến trồng căn lành nên nói Tu-đa-la. Người đã trồng làm cho thành tựu tương tục nên nói Tỳ-nại-da. Người đã thành thục tương tục khiến cho giải thoát nên nói A-tỳ-đàm” (luận Đại Tỳ-bà-sa – q1).
c. Căn cứ theo sự kết tập: Trong kinh Xuất Diệu và Luận Đại Trí Độ đều nói: Trước kết tập khế kinh, kế tiếp kết tập luật, sau kết tập A-tỳ-đàm.
d. Theo căn bản: “Khế kinh là gốc nên phải thuyết minh trước; giới từ đó sinh ra, tuệ mới sinh khởi được” (Tứ phận luật khai tông ký – q1).
Luật sư Hoài Tố nêu ra 4 lý do như trên hết sức rõ ràng nên những người coi trọng kinh học hết sức tán đồng.
2. Nghiêng về luận học: Sau khi đức Phật nhập diệt không lâu, các đệ tử còn thiên trọng về kinh luật. Về sau, do kiến giải bất nhất về các vấn đề giáo nghĩa nên phát sinh tranh luận mà tạo thành phong trào luận học phát triển rực rỡ, từ đó sản sinh ra các bậc đại luận sư như Mã Minh, Long Thọ, Thế Thân,….
Trong “Tam luận huyền nghĩa” có nói về sự phân chia của Thượng toạ bộ và Tát-bà-đa như sau: “Bộ Tát-bà-đa bảo Tỳ-đàm là tối thắng nên hoằng dương nghiêng về nó. Từ ngài Ca-diếp đến ngài Quật-đa hoằng dương kinh là chính; từ ngài Phú-lâu-na dần dần bỏ gốc hoằng dương ngọn nên hoằng truyền Tỳ-đàm là chính. Đến thời ngài Ca-Chiên-Diên-Ny-Tử thì Tỳ-đàm rất hưng khởi”.
Trong “Dị Tông Tông luận” nói về Kê dận bộ như sau: “Bộ này chỉ hoằng dương Đối pháp, không hoằng dương kinh luật”.
Phật giáo Ấn-độ, sau khi đức Thế Tôn diệt độ đã phát triển rực rỡ muôn màu, thực sự nhờ kết quả của các đại sư đã nỗ lực nghiên cứu luận học. Còn ở Trung Quốc, như các ngài Từ Ân, Gia Tường và các tông Câu-xá, Thành Thực… cũng đều nghiêng về luận học. Luật sư Hoài Tố đã có phát biểu mang tính hài hoà rằng: “Nếu theo sự hơn kém để nói rõ về thứ tự thì luận đứng trước, kế đến kinh, sau đến luật. Bởi vì Đốipháp giải thích rõ về Tuệ – gốc của chủng trí; Định chứng được ở tâm, nhân tuệ mà khởi; Giới điều phục thân và lời nói, đo định mà phòng ngừa được” (Tứ phận luật khai tông ký – q1).
3. Nghiêng nặng về luật học:
Khi đức Phật còn tại thế khen ngợi ngài Ca-diếp tu pháp đầu đà khổ hạnh, chia nửa toà cho ngồi, lại tán thán tôn giả Ưu-ba-ly trì luật đệ nhất nên sự ham chuộng đạm bạc giữ giới thời bấy giờ trở thành đặc sắc của Phật giáo. Đến khi sắp nhập Niết-bàn, Phật còn nhắc đi nhắc lại rằng: “Tỷ khiêu các ông, sau khi ta diệt độ, nên tôn trọng trân kính Ba-la-đề-mộc-xoa như mù tối mà được mắt sáng, như người nghèo được của báu. Phải biết giới là đức thầy cao cả của các ông, cũng như ta ở đời không khác” (Kinh Phật Di Giáo). Cho nên luật học ở Ấn-độ phát đạt, một là do có sự khuyến khích của đức Phật lúc còn tại thế; hai là lời di chúc thiêng liêng mà Ngài căn dặn. Trong luật Thiện Kiến có ghi: “Đại đức Ca-diếp nói với đại chúng rằng: Chúng ta nên kết tập gì trước? Có phải Tỳ-ni không? Các vị Tỷ khiêu đáp: Thưa đại đức! Tỳ-ni tạng là thọ mệnh của Phật pháp, Tỳ-ni tạng trụ, Phật pháp cửu trụ. Cho nên chúng ta trước kết tập tạng Tỳ-ni”. Trong bài tụng của luật Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da có câu:
Phật nói ba tạng giáo
Tỳ-nại-da là đầu
Phật dạo khắp thế gian
Tuỳ nơi nói kinh pháp.
Luật giáo không như thế
Nên hiểu khó được gặp”.
Sau khi Phật diệt độ khoảng 300 năm, các vị đệ tử tôn kính luật học không kém gì lúc Phật tại thế. Đến sau khi có sự phân chia, như một cây gậy vàng bẻ ra từng đoạn nhưng bản thể của vàng chưa từng khác trước nên luật bộ từ khi phân ra 2 bộ, 5 bộ, 18 bộ… song điều chính yếu là đối với luật học căn bản không dám có ý tưởng khinh thị phóng túng. Đối với Phật giáo Nam truyền, luật được đặt trước kinh luận. Phật giáo Bắc truyền đối với luật học cũng theo xu hướng ấy. Luật Tứ phận, Ngũ phận, Thiện kiến càng cho rằng trước luật, kế đến kinh, sau cùng là luận. Luật sư Hoài Tố nêu 4 lý do để chứng minh điều đó:
a. Theo pháp trụ: Tỳ-ni trụ, Phật pháp cửu trụ nên trước kết tập Tỳ-nại-da nên luật Thiện kiến nói: “Tỳ-ni tạng là thọ mệnh của Phật pháp, Tỳ-ni tạng trụ, Phật pháp cửu trụ”.
b. Dựa vào việc khởi hành: Phán xét đến việc tu hành thì giới hạnh ở trước nên luật học đứng đầu. Như nói: “Nhân giới sinh định, nhân định phát tuệ”.
c. Căn cứ vào việc chế lập khác biệt: Gọi Tỳ-nại-da là hơn cả vì có tính bí mật, tạo ra riêng nên hơn hẳn hai tạng kia. Do vậy thuyết minh trước. Trong luật có chế: Chê bai tạng luật phạm tội Ba-dật-đề; nói xấu hai tạng kia chỉ phạm Đột-cát-la.
d. Theo căn cơ: Nói tạng luật che chở cho Tăng chúng cho nên thuyết minh trước. Hai tạng kia không như thế nên ở sau (Tứ phận luật khai tông ký).
“Luật học trọng ở việc hành trì; kinh luận nghiêng về lý thuyết. Nhưng nếu chỉ lý thuyết suông mà không thực hành thì không khác nào miệng nói đến các món trân bảo mà không hề được nếm qua. Cho nên các bậc tiền thánh quả tròn, các vị hậu hiền nhân mãn. Không ai không xuất phát ở luật học mà ra” (Hành sự sao tư trì ký – q3).
Cho nên, tâm của Tỷ khiêu có thấy pháp hay không, người thường không biết nhưng thân miệng của Tỷ khiêu có như luật không, người thường đều biết. Làm được như luật thì Phật pháp được người đời tôn trọng; làm không đúng luật thì bị người đời chỉ trích. Người tại gia đối với Tam bảo tin tưởng hay chê bai tỷ lệ thuận với việc người xuất gia giữ gìn giới luật hay huỷ hoại nó. Sự nhiễm tịnh, tà chính trên hành vi dùng giới luật xét nghiệm thì sẽ biết. Cho nên muốn phân biệt phải trái về sự nhiễm tịnh thì cần phải học luật, trì luật. Người xuất gia ngày nay chỉ muốn siêng năng dũng mãnh học tập kinh luận, song hiện đời không thấy pháp không quan trọng nhưng nếu không học luật, trì luật thì hiện đời này sẽ tuỳ lúc tuỳ nơi chiêu cảm rất nhiều phiền não, chê trách…. Bản thân họ và Tăng đoàn đều sẽ bị tổn thất. Nhìn trên mặt tác dụng thế tục, tính trọng yếu của luật vượt lên trên kinh luận.
Tác dụng đặc thù của luật là kiềm chế bản ngã và buông bỏ riêng tư. Phàm làm việc gì cũng cần phải thông qua sự bàn bạc chung, quyết định chung, lo liệu chung của đại chúng. Ý kiến và quyền uy riêng của cá nhân tuyệt đối không cho tự do phát triển, đây chính là chế ngự bản ngã. Phát tâm phục vụ đại chúng hết sức hạn chế sự bành trướng về địa vị và lợi dưỡng của cá nhân, không được tự ý nhận lấy và tiêu dùng một cách phung phí. Đây gọi là buông bỏ riêng tư. Phật giáo nói phá ngã, cần phải trước hết bắt đầu từ buông bỏ riêng tư (cá nhân). Nếu bỏ qua luật chế thì thông thường một Tỷ khiêu chế ngự bản ngã và buông bỏ riêng tư còn không làm được mà vội bàn đến giáo nghĩa phá ngã và dứt trừ riêng tư sao được? Nhìn từ phương diện tu hành, giới luật trở thành khuôn mẫu thực tế nhất của người xuất gia. Nhất cử nhất động đều không thể tách rời điều này. Cho nên giữa và cuối đời đức Thế Tôn đặc biệt coi trọng giới luật.
IV. Giới học – Định học – Tuệ học.
Một đời thuyết giáo của đức Thế Tôn, chân lý ấy nhất quán từ đầu đến cuối: Đó là muốn chúng ta đem thế giới hữu lậu huyễn vọng này chuyển thành thế giới vô lậu chân thật, tuyệt đối toàn thiện. Công cụ để cải tạo việc này không ngoài ba môn học: Giới-định-tuệ.
Trong lời tựa của sách “Tỷ khiêu đại giới”, pháp sư Đạo An có viết: “Đức Thế Tôn lập giáo, pháp có ba: Một là giới luật, hai là thiền định, ba là trí tuệ. Ba phần này là cửa vào đạo, là căn bản cốt yếu của Niết-bàn”.
Nhưng ba môn học này, luận về hành tướng của mỗi môn thì có sự bất đồng. Nếu căn cứ vào lý được giải thích thì không môn nào không thông nhiếp nhau. Nay nói theo phương diện bất đồng của hành tướng, phân làm ba loại sau:
1. Theo công dụng: Ba phần Giới-định-tuệ đều có công dụng đặc thù của nó. Bảy chi của thân và miệng hợp với cảnh ngũ dục, phải có giới luật phòng cấm mới không sinh khởi các điều trái ác. Sự tán loạn vọng niệm khởi lên trong tâm ý, không có năng lực của thiền định thì không thể nhiếp phục. Phiền não thâm căn cố đế từ vô thuỷ kiếp đến nay, không có gươm bén trí tuệ thì vĩnh viễn không có ngày cắt bỏ được. Trong luận Thành Thực cũng có ví dụ “Giới như bắt giặc, định như trói giặc, tuệ như giết giặc”.
2. Căn cứ trước sau: Định học và tuệ học nhờ có giới học mới phát sinh được, cho nên pháp sư Đạo An có nói: “Tại gia, xuất gia không ai không bắt đầu lấy giới làm nền tảng”. Trong kinh Phật Di Giáo có nói: “Nhờ nương vào giới này mà phát sinh các thiền định và trí tuệ diệt khổ”. Nói cách khác, nếu không trì giới thì không có thiền định, không có thiền định thì trí tuệ cũng không từ đâu mà sinh khởi. Từ đó có thể suy ra: “Giới là nhân của định vì có khả năng kiến lập thật nghĩa của định” (Luận Du Già). “Tuệ là quả của định vì định là chỗ nương tựa của trí. Cho nên thứ tự trước giới, kế định, sau tuệ như những hạt châu xâu thành chuỗi hay như bậc thang vậy” (Luận Thành Thực).
3. Nói rõ về Thắng-Liệt: Nhưng trong ba môn học này, môn nào hơn? Môn nào kém? Có người thiên về giới học, có người thiên về tuệ học, cũng có người bảo cả hai đều có sự thù thắng.
- Người nghiêng về tuệ học thì cho rằng: Xét về con đường thành Phật, lấy việc nghiên cứu tuệ học rốt ráo làm việc cấp bách. Bởi lẽ trì giới tinh nghiêm mà đối với tuệ học lười biếng thì chẳng qua chỉ hưởng phúc báo hữu lậu, hoặc tiểu quả thanh văn mà thôi. Còn đối với quả Đại Bồ-đề, quyết không có dự phần (Kinh Niết-bàn).
- Người nghiêng về giới học thì cho rằng: “Tuy có học rộng nghe nhiều mà không có giới hạnh và trí tuệ cũng khác nào cầm thú. Tuy gọi là thấp hèn, thiếu kiến văn mà trì tịnh giới cũng được gọi là thắng sĩ” (Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội).
Luật sư Đạo Tuyên cũng có chủ trương giới học hơn hẳn định tuệ. Ngài nói: “Tâm là gốc sản sinh ra dục vọng; diệt dục ắt đình chỉ tâm nguyên; tâm đình chỉ do tuệ sáng; tuệ sinh khởi nhờ ở định phát; công của định phát do giới được duy trì. Cho nên đặc biệt phải tôn trọng giới” (Tứ Phận Luật Tuỳ Cơ Yết Ma nguyên tựa).
- Người cho rằng cả ba môn học đều có đủ sở trường thù thắng, như trong Hành Sự Sao có nói: “Nếu mong đoạn hoặc chứng chân thì tuệ là hơn. Giới chỉ đình chỉ nghiệp; định chỉ thu nhiếp tán loạn. Nếu theo thứ tự tu hành, giới phải là đầu, thiền định trí tuệ nhân đó mà sinh…”. Do đó, quan niệm ba môn học tuy khác nhau nhưng không thể nói môn nào hơn, môn nào kém.
Nay lại căn cứ vào nghĩa Sở Thuyên thông nhau cũng chia làm hai loại
1. Giới học thông với định học, tuệ học: Theo Luận Tỳ-bà-sa sắp xếp giới môn gồm có Ba-la-đề-mộc-xoa giới, thiền giới, vô lậu giới. Kỳ thực, thiền giới tức định học; vô lậu giới tức tuệ học. Do nhập thiền định nên ba nghiệp không sinh khởi ra điều xấu ác. Đã chứng được vô lậu, tự nhiên không huỷ phạm tất cả luật nghi nên gọi là định cộng giới, đạo cộng giới. Trong Luật Tứ Phận gọi đó là tăng giới học, tăng tâm học, tăng tuệ học. Cũng chính là bao quát giới học thông với định tuệ. Trong Tứ Phận Trùng Trị nói về nhân quả tương hỗ của ba môn học như sau: “Do trì tịnh giới nên thiền định, công đức trí tuệ phát sinh thì luật nghi là nhân, định đạo là quả. Do lực vô lậu, thiền định mà tính nghiệp, già nghiệp đều được thanh tịnh thì giới là quả, định đạo là nhân duyên”.
Theo Luận Tát-bà-đa Tỳ-ni Tỳ-bà-sa thì cho rằng: “Ba-la-đề-mộc-xoa giới này, nếu đức Phật ở đời thì có giới này. Còn thiền giới, vô lậu giới, dù đức Phật ở đời hay không, luôn luôn đều có. Ba-la-đề-mộc-xoa từ giáo giới mà sinh; thiền giới và vô lậu giới không từ giáo giới mà được. Ba-la-đề-mộc-xoa chỉ có đệ tử của đức Phật mới có; thiền giới ngoại đạo đều có. Duy trì được Phật pháp có bảy chúng ở thế gian, đạo quả ba thừa tương tục không dứt đều lấy Ba-la-đề-mộc-xoa làm căn bản. Thiền giới và vô lậu giới không được như thế”.
2. Luật tạng giải thích cả định tuệ:
Thông thường nói kinh tạng giải thích định học, luật tạng giải thích giới học, luận tạng giải thích tuệ học. Sự thật thì nghĩa không dừng lại ở đây. Ba môn học Giới-định-tuệ đã có điểm thông nhau và giáo pháp năng thuyên cũng tự có khả năng thu nhiếp lẫn nhau như trong luận A-tỳ-đạt-ma Tỳ-bà-sa quyển 1 có nói: “Trong kinh, dựa vào tăng thượng tâm luận đạo là Tô-đát-lãm; dựa vào tăng thượng giới luận đạo tức Tỳ-nại-da; dựa vào tăng thượng tuệ luận đạo tức A-tỳ-đạt-ma.
Trong luật, dựa vào tăng thượng giới luận đạo là Tỳ-nại-da; dựa vào tăng thượng tâm luận đạo tức Tô-đát-lãm; dựa vào tăng thượng tuệ luận đạo tức A-tỳ-đạt-ma.
Trong luận, dựa vào tăng thượng tuệ luận đạo tức A-tỳ-đạt-ma; dựa vào tăng thượng tâm luận đạo tức Tô-đát-lãm; dựa vào tăng thượng giới luận đạo tức Tỳ-nại-da”.
Tam học tương thông được giải thích rõ ràng nhờ văn của luận nên giáo tạng cũng nhân đó thông nhiếp lẫn nhau. Nhưng ở đây có tự tính nhiếp và tha tính nhiếp bất đồng. Theo luận Câu-xá có nói: “Nay bảo tự tính nhiếp là vì Tỳ-ni tạng chính là giải thích luật học, đồng thời ở phương diện tha tính giải thích cả định học, tuệ học. Hai tạng kia cũng vậy”. Nay nêu bằng sơ đồ sau:
Kinh tạng
Tự tính
Định học
Tam học
viên dung
Tha tính
Giới học
Tuệ học
Luật tạng
Tự tính
Giới học
Tam học
viên dung
Tha tính
Định học
Tuệ học
Luận tạng
Tự tính
Tuệ học
Tam học
viên dung
Tha tính
Định học
Giới học
Tự thân của luật học tự nhiên khái quát tất cả giới pháp lành nhưng còn bàng bạc đến cả định học và tuệ học nên tăng tâm học, tăng tuệ học đồng gọi là giới học.
V. Mục đích của việc nghiên cứu luật học
Phàm nghiên cứu một loại học vấn, trước phải xác định được mục đích của nó, sau đó mới đầu cuối nhất quán tiếp tục nỗ lực, tập trung tư tưởng để mong đạt được mục đích đề ra. Chúng ta nghiên cứu luật học cũng vậy, nếu không xác định mục đích, giả sử có thuộc lòng cả quảng luật nhưng đối với việc tu học cũng không có lợi ích gì.
Mục đích nghiên cứu luật học: Về phương diện tự thân chính là mong cầu “đoạn hết sinh tử vô cùng, cắt đứt nghiệp sai trái vô biên, phá mê lầm từ vô thuỷ, chứng pháp thân vô thượng”. Đồng thời về phương diện Tăng-Già lại càng trọng yếu. Đó là xây dựng, củng cố và phát triển Tăng-Già trên cơ sở thanh tịnh hoà hợp nhằm làm cho “Tỳ-ni tạng trụ, Phật pháp cửu trụ”. Đây chính là trách nhiệm phải gánh vác của đệ tử Phật, cũng chính là bản hoài chế định giới luật của đức Thế Tôn.
1. Những khó khăn của việc nghiên cứu luật học:
Khi tiến hành nghiên cứu luật học thì nhất thời không dễ gì giải quyết vì lúc đức Phật còn tại thế, đích thân Ngài chế định giới luật rất nhiều. Sau khi Phật diệt độ, trải qua bao nhiêu thời đại thay cũ đổi mới, trong khoảng thời gian đó, tuy căn bản giới luật không thay đổi nhưng do sự truyền tập ban đầu và tiếp tục theo đó có sự bổ sung, hiệu đính rồi sau nữa do ý kiến bất đồng mà phát sinh sự phân chia. Do phân chia nên có sự biên tập, tổng hợp tìm tòi rồi biên chép lại; sách vở lại lần lượt mai một, lại qua nhiều lần phiên dịch, thật là khó chính xác!
Cân nhắc để có thể nghiên cứu thì luật học thuộc tạng Pa-li của Phật giáo Nam truyền và luật Tiểu thừa Hán dịch của Phật giáo Bắc truyền, chủ yếu là 5 bộ quảng luật có thể làm tài liệu gốc cho việc nghiên cứu luật học. Còn như các kinh luận khác và các sớ giải của Phật giáo Bắc truyền, Nam truyền, phàm có nội dung liên quan đến luật học đều có thể dùng làm tài liệu tham khảo. Tìm kiếm, đào xới, so sánh đối chiếu nhất định tìm ra chỗ nào là chế định ban đầu hay chế định lại của thời đại đức Phật? Sự tăng bổ, hiệu đính của các đệ tử sau khi đức Phật diệt độ như thế nào? Những diễn dịch nhằm tháo gỡ điều gì? Tất cả những điều này đều có thể nghiên cứu tìm ra câu trả lời chính xác.
Luật học đã ra đời trên 2500 năm và nối tiếp từ Ấn-độ đến Trung Quốc rồi Việt Nam. Do tình trạng xã hội của các thời đại và phong tục của các dân tộc, các quốc gia có điểm bất đồng lớn mà về mặt không gian có tính phổ biến, về mặt thời gian có tính liên tục thì luật học Phật giáo không thể không theo thời biến đổi cho thích hợp, tuỳ xứ thích nghi ư? Vì do sự truyền tập mà bổ sung, hiệu đính, phân chia… đều lấy thời đại và bối cảnh địa lý làm căn bản, tuyệt đối không phải là hoạt động đơn độc. Cho nên trong luật Ngũ phận, đức Phật có dạy: “Tuy điều ta chế mà đối với địa phương khác không cho là thanh tịnh thì không nhất định phải tuân theo; tuy chẳng phải điều ta chế mà đối với địa phương khác cho là thanh tịnh thì không được không làm theo”. Qua đó có thể thấy cái nhìn của đức Phật về luật học, tuy chủ trương trước sau là nghiêm khắc, nhất quán nhưng về không gian không hề mang tính cô lập, về thời gian lại luôn mang tính thực tiễn hiện hữu.
Tóm lại: Luật học sở dĩ rắc rối như thế hoàn toàn tuỳ thuộc vào nhu yếu của hoàn cảnh xã hội mỗi thời đại, không thể không hướng đến con đường thích ứng. Cho nên ngày nay, nghiên cứu luật học trong sự phức tạp rắc rối này phải tìm tòi, phát kiến ra những điều then chốt của sự đơn giản thiết yếu. Việt ấy thật không dễ dàng gì!
2. Những khó khăn của việc hoằng dương giới luật:
Đối với việc hoằng dương giới luật, chúng ta hy vọng xuất hiện một phong khí mới nhưng trên thực tế việc này không khả quan lắm. Trong bối cảnh ngày nay, chúng ta nhận thấy những khó khăn chủ yếu sau:
2.1 Luật bản quá nhiều, tổng hợp được chẳng phải dễ: (đây chính là những khó khăn trong việc nghiên cứu đã nêu trên).
2.2 Giới tướng rất phiền phức, không dễ gì ghi nhớ rõ ràng hết được: Một vị Tỷ khiêu học thuộc giới kinh đã là điều rất hiếm nhưng cũng chưa thể gọi là người hiểu luật. Bởi trong mỗi điều giới đều có phân biệt duyên khởi, giải thích từ ngữ, phân biệt khai gia trì phạm,…. Mỗi điều giới đều có xem xét sự khinh trọng về động cơ, phương tiện, kết quả để quyết định phạm, không phạm, khinh hay trọng và phương thức sám hối diệt trừ. Mặt khác, một Tỷ khiêu không chỉ biết về giới tướng khinh trọng và phương thức sám hối là đủ mà còn phải thông hiểu các nguyên tắc tổ chức Tăng-Già và các biện pháp xử lý các công việc trong Tăng (các pháp Yết-ma). Vì thế mà nhiệm vụ của Tỷ khiêu trong 5 năm đầu sau khi thụ giới cụ túc là học, hiểu và thực hiện thành thạo giới và luật. Đây là điều rất khó.
2.3 Muốn hoằng giới cần phải trì giới: Phật giáo coi trọng tri hành hợp nhất, hành giải tương ứng. Cho nên người học luật, hoằng luật phải là người tiên phong trong việc giữ gìn giới luật. Song trong thực tế không thể mọi việc đều hành trì đúng như luật nhưng người đó phải là người trung kiên của giới luật, luôn trung thành với tinh thần căn bản của giới luật trong việc học tập, thực hành và hoằng truyền.
2.4 Thực tế Phật giáo Việt Nam không coi trọng luật học: Căn bản của Phật giáo Việt Nam từ trước đến nay là Phật giáo Thiền tông, rồi Tịnh độ,…. Cho nên đối với luật học không có sự quan tâm nhiều, đặc biệt ngày nay đối với tăng ny trẻ có xu hướng trọng giáo hơn trọng luật. Đây chính là sự trở ngại lớn trong việc hoằng dương luật học….
2.5 Luật văn cố định mà thời đại thì biến đổi: Nếu đem toàn bộ giới điều được chế định của Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ny ra xem xét, đối chiếu với thực tế ngày nay thì có đến quá nửa điều giới không còn được áp dụng. Văn luật vốn cố định do Phật chế cách đây trên 2500 năm nhằm thích ứng với điều kiện thực tế của Ấn-độ cho đến nay đối với chúng ta, thời đại, địa lý, phong tục và căn cơ đã sai khác quá nhiều so với thời Phật, nếu giữ nguyên như vậy thì không thể nhưng bỏ nó, sửa đổi hoặc chế định mới thì lại không được. Đây là điều hết sức khó khăn.
Song tinh thần chế giới của đức Phật cũng hết sức linh hoạt (như đã nói trong luật ngũ phận quyển 22) đủ thấy giới luật không cứng nhắc cố định. Chỉ cần chúng ta không trái với thời đại, căn cơ, quốc đội mà ứng dụng cho thích hợp. Còn việc ứng dụng thế nào thì cần phải học tập nhuần nhuyễn giới luật rồi sau mới có thể áp dụng linh hoạt viên dung mà không trái với tinh thần của luật chế. Thời đại tuy có thay đổi song tinh thần của luật chế dù trải qua hàng ngàn năm vẫn luôn mới mẻ sống động, vẫn đủ sức duy trì và phát triển giáo hội ngày một xương minh.
Kết luận:
Luật học được cấu thành do toàn thể bảy chúng, tất cả chế độ đều do đó phát sinh, gọi là “một phương diện hành pháp, lập pháp phải thông, xử chúng quyết đoán cân nhắc phải dựa vào luật giáo” (Hành sự sao – q1). “Không như gần đây, người thụ giới không biết thụ cái gì, người truyền giới cũng không biết truyền cái gì. Lúc sắp thụ giới mệt mỏi vô cùng; khi đã được rồi, giới không để ý đến, có đầu không có đuôi, thật rất đáng tiếc. Từ khi có một cơ hội cầu thụ giới, thụ rồi không theo thầy học giới, không tụng giới kinh, không học luật điển, uổng công ở trong hàng ngũ Phật pháp, thiệt mình hại người tốn hao. Nếu loại này tiếp tục tồn tại thì thành diệt pháp” (Nghĩa Tịnh – Nam hải ký quy truyện – q3). “Ôi! Giới có thể khinh, sao ngươi phải đăng đàn thụ giới? Luật có thể huỷ, sao ngươi phải cạo tóc mặc y? Thế thì, khinh giới tức là tự khinh, huỷ luật lại thành tự huỷ” (Tư trì ký q3 – Linh Chi).
Chế độ Phật giáo Việt Nam đã không có gốc rễ ở luật nghi mà lại có hại cho nghĩa học. Cân nhắc tình hình thực tế ngày nay và trào lưu của thế giới, nếu không có sự cải cách triệt để, ắt không thể thích ứng với xã hội hiện đại. Cho nên chúng ta nghiên cứu luật học phải lấy nhãn quang của thời đại, suy nghĩ miên mật ở trong luật tạng phức tạp này tìm ra những điểm then chốt thiết yếu. “Theo thời biến đổi cho khế hợp, tuỳ nơi mà thích nghi”, coi trọng sự cấm chế làm đầu, lấy luật học làm một loại cơ sở đặc biệt để xây dựng cơ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động có đường hướng, để thích ứng với nhu cầu của thời đại mới, đạt đến mục đích “Tỳ-ni trụ, Phật pháp cửu trụ”.
- Tag :
- Thích Tiến Đạt