KHOẢNG TRỐNG
Vĩnh Hảo
(viết cho người anh đã khuất, đồng thời kính dâng Me,
và thương tặng tất cả anh chị em của tôi)
Chúng tôi cùng được sinh ra từ một người cha, một người mẹ.
Chúng tôi cùng được lớn lên trong một căn nhà, lúc lớn, lúc nhỏ, lúc chỗ này, lúc chỗ kia, nhưng cuộc sống gia đình tương đối êm ấm, thuận hòa.
Cha mẹ chúng tôi thương yêu, kính thuận nhau, và cũng hết mực thương yêu con trẻ, không bao giờ có ý ngăn cản sự góp mặt chào đời của mỗi đứa chúng tôi trong gia đình ấy. Vì vậy mà anh chị em ruột thịt chúng tôi thật là đông: đến 7 gái, 7 trai!
Bầy con lớn như thổi, thoắt cái mà người chị cả đã trên 70, và cậu em út thì năm nay đúng 50. Anh chị em chúng tôi, mỗi người mỗi ý hướng, mỗi sở thích khác nhau, chọn lấy lối sống của mình theo lý tưởng riêng, hay theo sự xô đẩy của hoàn cảnh xã hội. Nhiều anh chị em đã đi thật xa, không ở gần ngôi từ đường bên ngoại mà mẹ đang sống với chuỗi ngày cuối đời ở tuổi cửu tuần.
Cuộc sống tất bật áo cơm, việc công, việc tư, cùng với khoảng cách không gian đã chia cách anh chị em chúng tôi bao năm tháng, khó có cơ hội gặp nhau riêng rẽ từng người, nói gì một cuộc đoàn tụ đông đủ. Nhưng chúng tôi biết chúng tôi còn có nhau. 14 anh chị em trọn vẹn. 14 anh chị em của một cha, một mẹ. 14 anh chị em có tiếng “phong lưu” theo cái nghĩa là văn nghệ; nói chính xác hơn, là những anh chị em đồng nghiệp, nối bước cha mẹ trên con đường văn học nghệ thuật. Từ những bàn viết cách xa nhau, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn còn liên lạc và thưởng thức nhau qua những sáng tác văn thơ đăng báo này báo nọ, hoặc trên những websites, blogs, facebooks…
Gần 30 năm trước, cha chúng tôi ra đi. Tang lễ của ông, anh chị em chúng tôi có người về được, có người không. Tất cả chúng tôi, trong đó có người chị cả ở nước ngoài và hai em trai đang ở tù, đã cùng mẹ chia sẻ nỗi mất mát to lớn lần đầu tiên đến với gia đình. Mẹ ngồi lại nơi căn từ đường suốt những năm dài sau đó, mỗi dịp sinh nhật, đón nhận lời chúc tụng của bầy con 14 đứa cùng với một đàn cháu chắt ở gần, ở xa. Mẹ đã ngoài 90, như ngọn đèn trước gió. Nhưng tâm mẹ thanh thản, hạnh phúc nhìn bầy con 14 đứa vuông tròn, dù trong gian khó vẫn sống an vui, giữ được nhân đức và phong cách của những người nghệ sĩ ôm đàn, cầm cọ, cầm bút. Hơn 70 năm nuôi dạy con cái, cha mẹ đã không để lại gia sản gì cho bầy con ngoài hai chữ “nhân đức,” và năng khiếu văn nghệ ươm trong máu huyết. Anh chị em chúng tôi thật sự vui hưởng gia sản ấy, không kêu ca than vãn gì. Nhưng có thể nói, trong tất cả những đứa con cưng của cha mẹ (đứa nào cha mẹ cũng cưng), đặc biệt chỉ có anh tôi, Vĩnh Hiền—nhà thơ Phù Du, mới đích thực là một nghệ sĩ tài hoa, đúng nghĩa nhất.
Những anh chị em khác, kể cả tôi, cũng viết văn, làm thơ, vẽ, đàn ca… nhưng hầu như trong đời sống cũng như trong biểu đạt nghệ thuật, ai cũng cố gắng gìn giữ nề nếp gia phong và tư cách cá nhân, do ảnh hưởng bởi chức năng nhà giáo, nhà tu, công chức, và trên tất cả: con của cha mẹ, của một gia đình hoàng phái (dù chỉ còn trên danh nghĩa). Không ai trong anh chị em chúng tôi thực sự sống như một nghệ sĩ, mà chỉ là những nhà giáo, những người đạo đức làm văn nghệ.
Vĩnh Hiền đã sống một đời sống đúng mực phong lưu, nghệ sĩ. Hai câu thơ của anh—mà tất cả anh chị em trong nhà, cũng như bằng hữu văn nghệ đều nhớ nằm lòng, có thể nói là châm ngôn, là quan niệm sống (và chết) của chính anh:
“Sống là thơ mộng mà chơi
Chết là nhảy giữa giọng cười hư không.”
Anh không sợ sống với nghèo khổ, gian khó. Anh cũng không sợ đớn đau, không sợ chết. Anh thách thức đời sống, và thách thức cái chết.
Hơn bốn mươi năm làm thơ, viết văn, trải cả tâm can và trí tuệ cho văn thi đàn, để lại nhiều tác phẩm tuyệt vời. Vẽ tranh, đàn ca, uống rượu, giốc hết chân tình với bằng hữu bốn phương. Đã từng yêu hết mực, và đã từng khổ đau hết mực vì tình yêu. Đã từng xót đau cái khổ chung của quê hương mà múa bút cất lời hiệu triệu để phải trải thân tù tội bao năm. Đã từng một lần trúng số độc đắc, chia sẻ tận cùng với anh chị em và bằng hữu để rồi tiếp tục trắng tay làm nghệ sĩ nghèo. Đã từng vào ra bệnh viện mấy lần, mổ xẻ, đối diện với thần chết vì bệnh nan y. Gã nghệ sĩ ấy, không ai can ngăn được thói phong lưu, bạt mạng. Nhưng ở nơi căn gác xép tồi tàn kia, gã vẫn chu toàn trách nhiệm của người chồng quí vợ, và người cha tận tụy thương yêu chăm sóc con.
Một con người như thế, một đời sống như thế, quá phong phú, quá “chịu chơi,” đâu phải ai cũng làm được. Cho nên, 63 năm ở đời của anh, không thể nói là mệnh yểu. Khi một người hạnh phúc với từng giây phút hiện hữu của mình, người ấy không có tuổi; và cuộc đời người ấy khôn thể đo bằng thời gian, năm tháng.
Một chiều đầu năm, anh nằm đọc báo trên chiếc giường xếp, rồi ra đi.
Gia đình không dám báo tin cho mẹ biết, sợ bà buồn lòng, chịu không nổi với tuổi già yếu. Đã hơn 70 năm đếm 14 đứa con đầy đủ gần 3 lần trên bàn tay năm ngón, nay hụt mất đi một đứa, mẹ sẽ đau xót xiết bao! Đứa con nào mẹ cũng thương, nhưng đứa mẹ quan tâm nhất là đứa không chịu nghe lời khuyên của bà: không chịu bớt hút thuốc, không chịu cữ rượu… để giữ gìn sức khoẻ, để sống lâu bên mẹ. Ôi, mẹ ơi, hẳn mẹ cũng biết rằng dù anh ấy không giảm thuốc, cai rượu như lời mẹ dặn, anh ấy cũng thương mẹ vô vàn, như 13 đứa con kia, có khác gì. Nhưng nếu con người nghệ sĩ bạt mạng kia chưa từng hút thuốc uống rượu trước đây, hoặc đã từng mà ngày nay phải ngưng hút thuốc, ngưng thù tạc cốc rượu với bạn bè văn nghệ… e rằng đã không có một cõi thơ bát ngát và một con người nghệ sĩ đích thực trong gia đình chúng ta.
Nếu một lúc nào đó mẹ vô tình đọc đến những giòng này và biết là anh con đã vĩnh viễn ra đi trước khi mẹ trăm tuổi, con xin thay mặt người anh quá cố của con, cũng như thay mặt tất cả anh chị em còn lại, sám hối với mẹ, xin mẹ hãy bình tâm, đừng quá xót lòng. Mẹ hãy cứ an vui và tiễn anh con bằng một bài thơ; và hãy tin rằng sự ra đi của anh con như thế là tốt đẹp, không có gì đáng phải phiền nàn. Anh đã sống hết mình, sống trọn vẹn, cuộc đời của một nghệ sĩ tài hoa, luôn thiếu thốn vật chất nhưng rất giàu có về tinh thần. Anh con đã rất vững vàng khi sống, và hẳn nhiên cũng rất vững vàng, thản nhiên khi chết. Mẹ hãy lau khô nước mắt và đọc thơ cho anh con đi.
Riêng tôi, lần đầu tiên trong đời, trải nghiệm nỗi đau mất mát của tình anh em ruột thịt. Ngạn ngữ có nói, “Anh em như thể tay chân.” Tôi xa gia đình từ bé, không cảm nhận được sự gắn bó thiêng liêng ấy như các anh chị em tôi. Chỉ bây giờ, khi nghe tin anh tôi mất, tôi đã im lặng nhiều ngày qua… và quả nhiên, có cảm giác là tay chân tôi tuy còn đây, mà như rụng rời, đứt đoạn. Có một khoảng không, một sự trống rỗng, hụt hẫng nào đó ở trong tôi khi mất đi một người anh ruột, một nhà thơ đã từng gây hứng cảm và mở đường nghệ thuật cho những thành viên trong gia đình, trong đó có tôi.
California, ngày 08/01/2015
Vĩnh Hảo
- Tag :
- Vĩnh Hảo