(05.2015)
HẠNH PHÚC ĐƯỢC LÀM CON PHẬT
Được làm con Phật là điều vừa đơn giản, vừa hy hữu.
Đơn giản, vì sinh ra trong một gia đình Phật giáo thì tự động theo cha mẹ đi chùa, lễ Phật, tin Phật ngay từ bé. Hy hữu, vì biết lấy Phật giáo làm lý tưởng đời mình và chọn sự thực hành Phật Pháp như là sinh hoạt nền tảng hàng ngày—không phải ai sinh ra trong gia đình đó cũng đều tin Phật từ nhỏ đến lớn, và nếu tin Phật, cũng không gì bảo đảm là hiểu Phật, thực hành đúng đắn con đường của Phật để gọi là con Phật chân chính.
Điều hy hữu ấy có thể áp dụng cho bất cứ ai thuộc các tôn giáo và tín ngưỡng khác: hầu như tín đồ tôn giáo nào cũng cho rằng mình may mắn được thần linh tuyển chọn và ban thưởng nên mới sinh vào gia đình ấy, xã hội nọ, quốc gia kia để rồi tin và làm theo những điều răn dạy đã được mặc khải.
Người con Phật không tin mình được Phật tuyển chọn, mà tin vào nhân duyên. Người con Phật cũng không xem Pháp Phật là những tín lý, giáo điều, học thuyết bắt buộc phải tin theo, mà tin nơi sự tác động của nhân quả và vận hành của nhân duyên; đặc biệt, tin vào sự chứng thực của mình đối với thực tại sau khi suy nghiệm, quán sát và nhận thức được nó, dựa trên chính nguyên lý nhân duyên và nguyên tắc nhân quả ấy.
Đức Phật cho phép và khích lệ môn đồ tự do dùng trí tuệ để phán xét và tri nhận sự thực; cũng hàm nghĩa rằng họ được quyền tìm hiểu, phán xét, thảo luận, phát biểu về Đức Phật và giáo lý của ngài trước khi tin theo và thực hành. Đây là điều hạnh phúc nhất mà người con Phật được hưởng từ hơn 25 thế kỷ trước: tự do tư tưởng và ngôn luận. Trong khi đó, nhân loại phải chờ 23 thế kỷ sau—từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20, mới chính thức đón nhận ý niệm tự do này qua Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ 1776, Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Pháp 1789, và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948; nhưng quyền tự do trên các văn bản này cũng chỉ áp dụng cho mục tiêu bình đẳng xã hội; còn mỗi cá nhân, đứng trước các thần linh mà họ tôn thờ, vẫn chưa được hưởng cái quyền thiêng liêng ấy.
Chỉ có người con Phật mới thực sự là những con người tự do; bởi vì tự do là nhân của giải thoát, cũng là nhân của trí tuệ giác ngộ. Con người tự do là con người trí tuệ; con người trí tuệ thì phải tư tưởng tự do. Điều mà người con Phật từ ngàn xưa mặc nhiên thừa hưởng và công nhận thì mãi đến năm 1722, Benjamin Franklin (một trong những “cha già” thành lập Mỹ quốc) mới nói “Without freedom of thought there can be no such thing as wisdom…” Không có tự do tư tưởng thì chẳng có gì gọi là trí tuệ cả.
Đức Phật và Phật Pháp không cần được vinh danh, ca tụng. Đức Phật chỉ cần chúng ta quán sát, lắng nghe, tư duy và thực hành những gì đã được trí tuệ sàng lọc, tri nhận; vì chỉ có sự thực hành chánh pháp mới đưa chúng ta đến giải thoát, giác ngộ.
Nhưng khởi nguyên của con đường dẫn đến giải thoát giác ngộ ấy, chính là tự do tư tưởng. Không phải chỉ là thoát khỏi sự lệ thuộc tư tưởng nơi Đức Phật, mà còn phải vượt thoát các tri kiến, kiến giải mà chúng ta nghĩ là đã đạt được qua tư duy và thiền định. Nghĩa là phải bước đi bằng những bước chân tự do, vượt qua tất cả các chướng ngại kiên cố hay mềm dẻo, thô sơ hay vi tế, hữu hình hay vô hình, của con người, xã hội, thế giới bên ngoài và của tâm thức.
Làm con Phật, là điều đơn giản hay hy hữu cũng không quan trọng gì. Quan trọng là được làm người tự do; và hạnh phúc thay, được làm con Phật.
NỘI DUNG SỐ NÀY:
¨ THƯ TÒA SOẠN, trang 2
¨ TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3
¨ ĐỨC PHẬT - VỀ NHÂN BẢN & GIÁC NGỘ (Tuệ Như), trang 8
¨ HOA ĐÀM ỨNG HIỆN (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 9
¨ NĂM PHÁP KHIẾN CHÁNH PHÁP KHÔNG DIỆT Ở THỜI MẠT PHÁP (Chân Hiền Tâm), trang 10
¨ TỨ CÚ LỤC BÁT (thơ Tâm Không Vĩnh Hữu), trang 14
¨ YÊU THƯƠNG (TT. Viên Minh), trang 15
¨ THÔNG BÁO: KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP BẮC MỸ LẦN V (2015), trang 16
¨ THƯ MỜI ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL 2559 (HT. Thích Nguyên Trí), trang 17
¨ PHẬT GIÁO VIỆT, PHẬT GIÁO TÀU (Huỳnh Kim Quang), trang 18
¨ BÓNG CHIỀU (thơ Lê Phương Châu) trang 22
¨ CHUYỆN LIÊU TRAI TRONG KINH ĐIỂN PÀLI (Toại Khanh) trang 24
¨ THE DEFEAT OF THE KING OF KOSALA (Daw Mia Tin), trang 25
¨ PHẬT GIÁO YẾU LƯỢC / Con đường dẫn đến Niết bàn (Thích Trí Chơn dịch), trang 26
¨ KÍNH MỪNG BẬC XUẤT THẾ (TN Giới Định), trang 30
¨ HUỆ TÂM, BÊN BỜ TỬ SINH (thơ Xuyên Trà), trang 31
¨ CHĂN TRÂU – Câu chuyện dưới cờ (Nhóm Áo Lam), trang 32
¨ LƯỚI ĐẾ CHÂU – Phật Pháp thứ Năm (Nhóm Áo Lam), trang 33
¨ VÔ THƯỜNG – Lá thư đầu tuần (GĐPTVN Trên Thế Giới), trang 34
¨ THIỀN PHÁI TỲ-NI ĐA-LƯU-CHI tiếp theo (Nguyễn Lang), trang 35
¨ MỪNG PHẬT ĐẢN SINH, MỪNG SINH NHẬT ĐỨC DALAI LAMA (thơ Đồng Thiện), trang 41
¨ PHIẾU GHI DANH THAM DỰ KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP BẮC MỸ LẦN V (2015), trang 44
¨ SẮP HẾT THÁNG TƯ SAO EM? (thơ Mặc Phương Tử) trang 48
¨ THÂN NGƯỜI KHÓ ĐƯỢC (Phước Hạnh), trang 49
¨ LÝ TƯỞNG BỒ TÁT TRONG PHẬT GIÁO (Nguyên Đạo dịch), trang 51
¨ IF / NẾU (thơ Rudyard Kipling / Tâm Minh NTG dịch), trang 54
¨ SỐNG AN VUI (TN. Trí Hải), trang 55
¨ NGƯỜI MẸ (Thích Minh Chiếu soạn), trang 56
¨ NẤU CHAY: CANH KHỔ QUA NHỒI ĐẬU HỦ (Chân Thiện Mỹ), trang 57
¨ NGUYỄN LƯƠNG VỴ - THƠ NĂM CHỮ NGÀN CÂU... (Tô Đăng Khoa), trang 58
¨ VĂN HÓA CÒN, DÂN TỘC CÒN (Huệ Trân), trang 60
¨ ĐANG TU TẬP (thơ Thích Viên Thành), trang 62
¨ TRUYỆN NGẮN TRĂM CHỮ (Steven N), trang 63
¨ KỸ THUẬT THÔNG TIM (Bs. Nguyễn Ý Đức), trang 64
¨ HẢI ẤN NIỀM THẤY (thơ Ấn Kiên), trang 65
¨ PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – chương 3 (Vĩnh Hảo), trang 68
¨ CÁC CÕI LUÂN PHIÊN, DIỆU THƯỜNG… (thơ Phù Du), trang 71
¨ CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY TRONG ĐẠO PHẬT (Thích Quảng Bình), trang 72
- Tag :
- Báo Chánh Pháp