No. 1486
受十善戒經
Hán dịch: Mất tên người dịch, chỉ biết dịch vào thời Hậu Hán
Việt dịch: Thích Thọ Phước
1. Phẩm Mười nghiệp ác
Đúng thật như thế, chính tôi được nghe:
Một thời, Đức Phật và một nghìn hai trăm năm mươi đại chúng tì-kheo cùng trụ ở tinh xá Mỹ Xưng phu nhân của trưởng giả Tu-đạt, rừng cây của thái tử Kì-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng âm thanh từ Phạm[1] nói với tôn giả Xá-lợi-phất: “Nay Ta sẽ nói cho ông và mọi người nghe cách trừ diệt nghiệp báo bất thiện của mười ác. Các ông phải lắng nghe kĩ! Các ông phải một lòng ghi nhớ, cẩn thận chớ để quên mất!
Mười nghiệp ác là: 1. Nghiệp sát sinh; 2. Nghiệp trộm cướp; 3. Nghiệp dâm dục; 4. Nghiệp nói dối; 5. Nghiệp nói hai lưỡi; 6. Nghiệp ác khẩu; 7. Nghiệp nói lời xuyên tạc; 8. Nghiệp tham dục; 9. Nghiệp sân nhuế; 10. Nghiệp ngu si.
Này Xá-lợi-phất! Nay ông nên dạy tất cả chúng sinh phải làm thanh tịnh nghiệp của thân, làm thanh tịnh nghiệp của miệng, làm thanh tịnh nghiệp của ý; năm vóc sát đất, qui y với hòa thượng, thành tâm sám hối ba nghiệp xấu ác ấy; nói như thế ba lần. Đã sám hối rồi, nghiệp của thân đã thanh tịnh, nghiệp của miệng đã thanh tịnh, nghiệp của ý đã thanh tịnh, mọi người theo thứ tự tự nói tên của mình, qui y với Phật, qui y với Pháp, qui y với Tăng; nói như thế ba lần. Qui y Phật rồi, qui y Pháp rồi, qui y Tăng rồi; nói như thế ba lần.
Lại nên hỏi: “Thiện nam tử, thiện nữ nhân! Các người có thể giữ được không?” Nếu họ trả lời có thể giữ được thì nên hỏi tiếp: “Nay thân, tâm các người không có lỗi lầm gì phải không? Lỗi lầm thuộc về thân, tức các người có làm thân Phật chảy máu, giết bậc A-la-hán, phá hòa hợp Tăng, phỉ báng, đoạn thiện căn, chống Phật, chống chính Pháp không? Nếu họ trả lời không thì nên hỏi tiếp:
“Trong lòng các người có ý muốn gây năm điều nghịch và phỉ báng chính Pháp không? Có bao giờ các người lấy trộm vật thuộc về Phật, vật thuộc về Pháp, vật thuộc về hiền thánh Tăng, vật thuộc về hiện tiền Tăng, vật thuộc về chiêu-đề Tăng chưa? Có bao giờ các người làm việc bất tịnh với mẹ, với chị, với em và với tì-kheo-ni chưa?” Nếu họ trả lời chưa thì nên dạy tiếp: “Nay thân tâm các người thanh tịnh như thế, Đại đức nên nhớ nghĩ, nay con muốn thụ Mười thiện nghiệp giới, con đã sám hối Mười nghiệp bất thiện, cúi xin Đại đức vì thương tưởng con bằng lòng cho con thụ trì!”
Bấy giờ, nên dạy họ: “Này ưu-bà-tắc tên… ưu-bà-di tên… nay các người nên nhất tâm đếm hơi thở, phải buộc niệm ngay hiện tại, bảy Đức Phật quá khứ, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni hiện tại và các Đức Phật vị là như ngài Di-lặc v.v… .”
Sau khi dạy họ niệm Phật, nên nói thế này: “Bảy Đức Phật Tăng lắng nghe, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và các Đức Phật Tăng lắng nghe, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, hiền thánh Tăng lắng nghe, nay có ưu-bà-tắc tên… ưu-bà-di tên… thân, miệng, ý đều đã thanh tịnh, có thể làm vật đựng pháp. Nay họ muốn xin thụ mười thiện tâm giới và tám giới pháp.” Bạch như thế ba lần, sau đó dạy họ nói: “Con qui y với Phật, con qui y với Pháp, con qui y với Tăng.” Nói như thế ba lần. Đệ tử tên… qui y với Phật rồi, qui y với Pháp rồi, qui y với Tăng rồi. Nói như thế ba lần.
Này ưu-bà-tắc tên… ưu-bà-di tên… các người phải ghi nhớ! Các người phải giữ thân các người kĩ! Giữ thân như Phật, giữ thân như Pháp, giữ thân như Tăng. Ba nghiệp thuộc về thân là: 1. Không sát sinh; 2. Không trộm cướp; 3. Không dâm dục. Ba nghiệp thuộc về thân như thế các người phải giữ gìn, từ một ngày, mười ngày cho đến trọn đời.” Nếu họ trả lời giữ được thì nên hỏi tiếp: “Nay các người có muốn làm một ít phần thiện không? Nhiều phần thiện không? Tất cả phần thiện không?”
Nếu họ trả lời có thể làm thì dạy họ thưa: “Sự thật như thế, nên làm theo lời thầy dạy. Đệ tử… qui y với Phật, qui y với Pháp, qui y với Tăng.” Nói như thế ba lần. Qui y Phật rồi, qui y Pháp rồi, qui y Tăng rồi. Nói như thế ba lần. Này ưu-bà-tắc… ưu-bà-di… phải ghi nhớ! Các người phải giữ miệng các người; giữ miệng như Phật, giữ miệng như Pháp, giữ miệng như Tăng. Nghiệp thuộc về miệng có bốn: 1. Không nói dối; 2. Không nói hai lưỡi; 3. Không nói lời thô ác; 4. Không nói lời xuyên tạc. Bốn nghiệp thuộc về miệng như thế, các người phải giữ gìn, từ một ngày, mười ngày cho đến trọn đời.” Nếu họ trả lời giữ được thì nên hỏi tiếp: “Nay các người có muốn làm ít phần thiện không? nhiều phần thiện không? tất cả phần thiện không?”
Nếu họ trả lời có thể làm được thì nên dạy họ thưa: “Sự thật như thế, chúng con sẽ làm theo lời thầy dạy. Đệ tử…. qui y với Phật, qui y với Pháp, qui y với Tăng.” Nói như thế ba lần. “Qui y với Phật rồi, qui y với Pháp rồi, qui y với Tăng rồi.” Nói như thế ba lần. “Các người nên ghi nhớ! Các người phải giữ kĩ tâm mình, giữ tâm như Phật, giữ tâm như Pháp, giữ tâm như Tăng. Ba nghiệp thuộc về y là: 1. Tham dục; 2. Sân nhuế; 3. Ngu si. Ba nghiệp thuộc về y như thế, các người phải giữ gìn, từ một ngày, mười ngày cho đến trọn đời.” Nếu họ trả lời có thể giữ được thì nên hỏi tiếp: “Nay các người có muốn làm ít phần thiện không? nhiều phần thiện không? tất cả phần thiện không?”
Nếu họ trả lời có thể làm được thì nên dạy họ thưa: “Sự thật như thế, chúng con sẽ làm theo lời thầy dạy. Nếu thụ thập thiện mà không giữ tám giới thì cuối cùng cũng không thành tựu được. Nếu hủy hoại tám giới thì thập thiện cũng bị diệt theo. Đệ tử tên… từ sáng sớm hôm nay đến sáng sớm ngày mai, Đại đức nhớ nghĩ, Đại đức làm hòa thượng của con, con sẽ chí tâm giữ vững tám giới. Con qui y với Phật, giữ tâm như Phật; qui y với Pháp, giữ tâm như Pháp, qui y với Tăng, giữ tâm như Tăng.” Nói như thế ba lần.
Qui y Phật rồi, qui y Pháp rồi, qui y Tăng rồi. Nói như thế ba lần. Đại đức nhớ cho, từ sáng sớm hôm nay đến sáng sớm ngày mai, con muốn thụ tám giới, xin Đại đức thương xót chấp nhận cho!” Lại hỏi: “Các người có thể thụ trì tám trai giới không?” Nếu họ trả lời: “Con sẽ giữ tâm, tâm như các Đức Phật và A-la-hán.” Nếu họ đã trả lời giữ được thì nên dạy tiếp: “Các người từ trước đến giờ và trong khoảng giữa, thân, miệng, ý có phạm pháp xả-đọa không? Tội như thế cho đến những tội căn bản nặng nhất, nay ở trước ba đời các Đức Phật, các bậc A-la-hán, Hòa thượng, thành thật thổ lộ, năm vóc sát đất, sám hối các tội, đó gọi là thực hành pháp bố-tát. Khi đã bố-tát xong gọi là thanh tịnh trụ, có thể làm vật chứa pháp.[2]
Tiếp theo nên giữ gìn tám giới của Như Lai. Các người có thể giữ được không?” Nói như thế ba lần. Tám trai giới này là pháp mà các Đức Phật Như Lai ở quá khứ, hiện tại đặt ra cho người tại gia. Tám trai giới đó là: 1. Không sát; 2. Không trộm; 3. Không dâm; 4. Không nói dối; 5. Không uống rượu; 6. Không ngồi giường cao rộng; 7. Không ca hát cũng không đi xem nghe và không xức nước hoa; 8. Không ăn quá ngọ. Phải giữ gìn như thế.
Không giết, cũng không trộm
Không dâm, không nói dối
Bỏ rượu, tránh hương hoa
Giường cao, ăn quá ngọ
Thánh nhân đều lìa xa
Tám pháp như thế đó
Các người nên giữ gìn.
Nhờ công đức giữ gìn trai giới này mà không bị rơi vào địa ngục, không bị làm quỉ đói, không bị làm súc sinh, không làm a-tu-la, thường sinh làm người, chính kiến[3] xuất gia, đạt được đường niết-bàn. Nếu sinh lên trời, thường sinh làm Phạm thiên, gặp Phật xuất hiện ở đời, thỉnh Phật chuyển pháp luân, đắc a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.
Bấy giờ, đức Thế Tôn vì khen ngợi pháp này mà nói bài tụng:
Nếu hay hành thập thiện
Làm theo lời chính pháp
Đời đời thường gặp Phật
Thân, ý đều sáng tỏ
Lìa hẳn các khổ phược
Chóng thành đạo vô thượng.
Người nào giữ tám giới
Đúng luật, hợp tì-ni
Như chính pháp chư Phật
Thụ trì không hủy phạm
Phải biết thân và ý
Cùng lúc được giải thoát
Đây gọi đường niết-bàn
Mà chư Phật thường đi.
Sau khi nói bài kệ, Đức Phật nói với tôn giả Xá-lợi-phất:
- Ông phải khéo thụ trì mười điều thiện, tám giới, chớ để quên mất, chớ phá diệt hạt giống pháp và phải diễn nói cho tất cả trời, người nghe.”
Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:
- Đúng thế! Đúng thế! Con sẽ giữ gìn cẩn thận.
Bấy giờ, tôn giả Xá-lợi-phất và thính chúng nghe Đức Phật nói như vậy, đều hoan hỉ làm theo.
2. Phẩm quả báo của sự bố thí
Phật bảo Xá-lợi-phất
Nay ông phải nên biết
Tất cả loài chúng sinh
Đều luyến tiếc thân mạng
Thế phải hành bố thí
Thương chúng sinh như nhau
Xem chúng như con mắt
Gọi là giới không sát.
Các Đức Phật ba đời
Bậc Nhất Thiết Trí nói
Thí như tha thứ mình
Chớ giết, chớ đánh đập
Nếu thấy người sát sinh
Như dao đâm vào tim.
Xem chúng sinh như mình không khác
Giữ giới bất sát, sinh lên trời
Thường gặp chư Phật, chúng Bồ-tát
Vì thế, thụ trì giới bất sát.
Vì bố thí Nhất thiết vô úy
Qua đời, sinh lên trời Đao-lợi
Voi, ngựa, ngọc nữ cùng vui sướng
Điện Phạm vương, ma-ni, lưu li
Hoa màu như bạch ngân, vàng ròng
Thường trên ngồi giường bảy báu đẹp
Ghế vàng, chén báu, hoa bảy báu
Vô lượng thiên nữ trổi âm nhạc
Đỡ chân, nhấc cung bay trên không
Đầu đội mũ báu ngồi chính điện.
Trừ bỏ tham dâm, vào chính thụ[4]
Gặp được chư Phật nói Bốn đế
Ngộ hiểu, chóng đắc Tu-đà-hoàn
Có người vui sướng phát tâm lớn
Đời sau sẽ thành đạo Bồ-tát
Hoặc sinh Đâu-suất, Diệm-ma-đà
Trời Thủ Đà Hội, A-kì-đa
Phạm Phụ, Phú Lâu Quang, Biến Tịnh
Trên đến trời A-ca-nhị-trá.
Qua lại, dạo chơi khắp vườn trời
Cùng với Bồ-tát từ bi lớn
Ngồi, nằm, đi, đứng và ăn uống
Ngày, đêm sáu thời thường nghe pháp
Di-lặc, Thiên vương thường nói cho
Đại pháp luân bất thoái chuyển hành
Vị lai chắc sẽ gặp Di-lặc
Hàng ma, thành Phật chuyển pháp luân
Ở Phật pháp kia được xuất gia.
Gặp nghìn Như Lai trong kiếp Hiền
Được Phật Tì-lâu-chí thụ kí
A-nậu-đa-la-tam-bồ-đề
Là quả thù thắng của bất sát
Gọi là gốc từ bi, phạm hạnh.
Là lời của tất cả Đức Phật
Là việc làm của tất cả Phật.
Tất cả tiếc con mắt
Thương con cũng như thế
Tiếc thọ mạng vô cùng
Vì thế, không sát sinh
Gọi là Phạm hạnh nhất.
Không giết, không nghĩ giết
Cũng không còn ăn thịt
Xem người giết như giặc
Biết chắc đọa địa ngục
Người ăn thịt, nhiều bệnh
Giết hại để tự vui
Sẽ hành tâm đại từ
Giữ gìn giới không sát
Ắt thành đạo bồ-đề.
Đức Phật nói với tôn giả Xá-lợi-phất: “Nay ông phải biết, nghiệp sát sinh là rất nặng! Thuở xưa Ta và ông du hóa ở ấp Ba-liên-phất. Bấy giờ, ở trong thành lớn kia có nữ trưởng giả Đề-bà-bạt-đề sinh được một bé trai, rất kháu khỉnh không ai bằng, như hoa sen hồng, thiên nữ cũng không đẹp bằng. Người mẹ rất thương đứa bé, bồng nó đến gặp Ta và thưa: “Thưa Thế Tôn! Con trai của con rất đáng thương, giống như thiên đồng tử. Con thương đứa con này hơn bản thân con trăm nghìn vạn lần.” Khi ấy, Ta nói: “Thiện nữ nên biết! Tất cả phàm phu quí tiếc thọ mạng mình như biển tóm thâu các dòng nhưng không bao giờ biết đủ. Nay tại sao cô tự nói mình thương con, vậy lấy gì làm chứng?”
Lúc ấy, người nữ ấy thưa: “Thưa Thế Tôn! Con thương đứa con này, giả sử hỏa hoạn thiêu đốt thân con con cũng không bao giờ buông rời nó.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn vì muốn giáo hóa người nữ kia, nên Ngài dùng thần lực biến làm bốn dạ-xoa, mỗi dạ-xoa nhấc một ngọn núi lửa từ bốn phía đi đến người nữ kia. Khi lửa còn cách xa, người nữ lấy thân và kéo y phục của mình che cho đứa con. Nhưng khi lửa mỗi lúc một đến gần, thì người nữ đưa tay che mặt mình và lấy đứa con để chắn lửa. Thấy vậy, Đức Phật nói: “Ngươi nói thương con, sao lại đem con ra để ngăn lửa cứu mình?”
Bấy giờ, người nữ kia kêu to: “Thế Tôn! Xin hãy cứu con, không cần đứa bé này.” Đức Phật liền thâu thần lực lại, thì ngay lập hai mẹ con được mát mẻ. Nhân đó, người nữ ấy phát tâm vô thượng chính chân đạo.
Đức Phật nói với người nữ: “Ngươi thương bản thân mình và thương con mình, tại sao ngươi tự giết và xúi người giết? Ngươi nên biết sát sinh sẽ chịu quả báo xấu lớn, chắc chắn sẽ rơi vào chỗ khổ nhất trong địa ngục A-tì và bị trói buộc, xử trị bởi pháp luật của vua Diêm-la. Thế nào gọi là những pháp luật rất nặng? Vị vua Diêm-la kia ngày đêm sáu thời đều nói quả báo của sự sát sinh có mười nghiệp ác:
1. Vì nghiệp sát sinh thường sinh vào địa ngục núi đao, hầm lửa, bị bánh xe dao cắt xẻ, đứt từng bộ phận, thành tám vạn bốn nghìn khúc. Một ngày một đêm trải qua sáu mươi ức lần sinh, sáu mươi ức lần chết. Bấy giờ, vua Diêm-la quát mắng tội nhân: “Vì ngươi thích sát sinh, nên nay phải chịu khổ này. Việc này có vui không? Nay ngươi lại phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người khác, không bao giờ hết!”
2. Vì nghiệp sát sinh nhất định sẽ sinh vào địa ngục rừng kiếm. Ở đó có tám vạn bốn nghìn cây kiếm, mỗi cây kiếm cao tám vạn bốn nghìn do-tuần, mỗi cây sinh ra tám vạn bốn nghìn nhánh kiếm, mỗi nhánh kiếm sinh ra tám vạn bốn nghìn hoa kiếm, mỗi hoa kiếm sinh ra tám vạn bốn nghìn quả kiếm. Người sát sinh ấy liền ở trên cây kiếm, tim nằm khắp trên tất cả ngọn cây kiếm. Những bộ phận khác cũng nằm khắp trên rừng kiếm, mỗi mỗi bộ phận nằm khắp tám vạn bốn nghìn nhánh kiếm, vót xương, rút tủy; hoa kiếm, quả kiếm có khắp mọi nơi, thân thể nát vụn như hạt đình lịch; trong một ngày một đêm trải qua tám vạn bốn nghìn lần sinh, tám vạn bốn nghìn lần chết. Nghiệp của sát sinh, việc ấy như thế. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng tội nhân: “Các ngươi vì thích sát sinh nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Nay các người còn phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp để trả nợ cho người, không bao giờ có thể cùng tận.”
3. Nghiệp sát sinh bị rơi vào địa ngục vạc nước sôi. Ở đó có trăm nghìn vạc nước sôi nấu thân người tội đến khi thịt tan rã hết, chỉ còn xương. Sau đó, đem xương ấy để lên cột đồng thì tự nhiên sống lại. Lại có trăm nghìn loại gai nhọn biến đao sắt tự xẻo thịt mà ăn, rồi rơi vào lại trong vạc nước sôi. Một ngày một đêm trải qua tám vạn bốn nghìn lần sinh, tám vạn bốn nghìn lần chết. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng tội nhân: “Vì các ngươi thích sát sinh nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp để trả nợ cho người, không bao giờ có thể cùng tận.”
4. Vì nghiệp sát sinh nên bị rơi vào địa ngục giường sắt. Ở đó có một cái giường sắt vuông vức năm mươi do-tuần, các mũi sắt nhọn từ bốn phía bắn vào tim, xe lưới sắt lớn cán qua đỉnh đầu tội nhân, tay chân đứt lìa. Một ngày một đêm trải qua tám vạn bốn nghìn lần sinh, tám vạn bốn nghìn lần chết. Nghiệp sát sinh, việc ấy như thế. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng các tội nhân: “Vì các ngươi thích sát sinh, nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người, không bao giờ cùng tận.”
5. Vì nghiệp sát sinh nên bị rơi vào địa ngục núi sắt. Hình dáng xung quanh núi sắt là những hang sắt. Lửa trong hang từ bốn phía phát ra. Có năm quỉ dạ-xoa chặt thân người tội ra làm bốn khúc, rồi ném vào trong lửa, bốn núi liền hợp lại, nát vụn như bụi. Chim lửa bỗng nhiên xuất hiện, các chim mỏ sắt và rắn sắt theo các đốt xương bò vào, cắn xương, rút tủy. Một ngày một đêm trải qua tám vạn bốn nghìn lần sống, tám vạn bốn nghìn lần chết. Nghiệp sát sinh, việc ấy như thế. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng các tội nhân: “Vì các ngươi thích sát sinh, nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người, không bao giờ cùng tận.”
6. Vì nghiệp sát sinh nên bị rơi vào địa ngục lưới sắt. Ở đó có núi sắt lớn, cao trăm nghìn do-tuần, nước sắt nóng đầy trong ngục, lưới sắt giăng ở trên, ở mỗi mắt lưới có vô lượng vô biên các giống trùng mỏ sắt, chúng từ đỉnh đầu bò vào, xuyên qua xương, rút tủy, rồi đục thủng tay, chân và bò ra ngoài. Một ngày một đêm trải qua tám vạn bốn nghìn lần sinh, tám vạn bốn nghìn lần chết. Nghiệp sát sinh, việc ấy như thế. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng các tội nhân: “Vì các ngươi thích sát sinh, nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người, không bao giờ cùng tận.”
7. Vì nghiệp sát sinh nên sinh vào địa ngục hoa sen đỏ. Hoa sen ấy có tám vạn bốn nghìn cánh, mỗi cánh giống hoa có hình dáng giống như núi đao, cao năm trăm do-tuần, trăm ức rừng kiếm cùng lúc lửa cháy, người chịu tội ngồi ở giữa và hoa nở từng cánh một. Khi một cánh hoa nở, thì núi lửa, rừng kiếm đốt thịt, bầm xương, đau đớn, khổ sở trăm bề. Khi các cánh hoa xếp lại thì trăm nghìn núi đao cùng lúc cắt ta. Một ngày một đêm trải qua tám vạn bốn nghìn lần sinh, tám vạn bốn nghìn lần chết. Nghiệp sát sinh, việc ấy như thế. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng các tội nhân: “Vì các ngươi thích sát sinh, nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người, không bao giờ cùng tận.”
8. Vì nghiệp sát sinh nên bị sinh vào trong địa ngục năm lần chết, năm lần sống. Trong địa ngục ấy có núi lớn, có năm trăm ức bánh xe đao ở trên đỉnh núi. Bên trên có thủy luân lớn ở trên bánh xe đao. Tội nhân ở trong địa ngục ấy, thân như cánh hoa nở, nằm trên băng lạnh, bánh xe đao của năm núi từ năm phía bay tới, kêu to ‘sống, sống’, chia làm năm khúc, năm lần chết, năm lần sống, thân thể nát vụn như bụi. Một ngày một đêm trải qua tám vạn bốn nghìn lần sinh, tám vạn bốn nghìn lần chết. Nghiệp sát sinh, việc ấy như thế. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng các tội nhân: “Vì các ngươi thích sát sinh, nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người, không bao giờ cùng tận.”
9. Vì nghiệp sát sinh nên bị sinh vào trong địa ngục rừng rắn độc. Trong địa ngục ấy có vô lượng hằng hà sa rắn độc sắt nóng. Mỗi con dài mấy nghìn do-tuần, miệng phun ra nọc độc, như hoàn sắt nóng. Những rắn độc ấy từ đỉnh đầu tội nhân bò vô, bò vào từng bộ phận trong thân và có vô lượng rắn độc phun độc, phu lửa thiêu đốt tội nhân. Một ngày một đêm trải qua tám vạn bốn nghìn lần sinh, tám vạn bốn nghìn lần chết. Nghiệp sát sinh, việc ấy như thế. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng các tội nhân: “Vì các ngươi thích sát sinh, nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người, không bao giờ cùng tận.”
10. Vì nghiệp sát sinh nên bị sinh vào trong địa ngục gông sắt, xích sắt. Địa ngục ấy có mười hai do-tuần núi sắt là gông, sáu mươi do-tuần trụ sắt, lưới lửa là xích, tám mươi do-tuần là móc sắt, miệng phun lửa là xiềng, tên sắt trong hư không rơi xuống trúng tim, xiềng, gông, xích biến thành viên đồng, từ mắt vào, chạy khắp các bộ phận trong cơ thể, rồi chạy ra ở chân. Một ngày một đêm trải qua tám vạn bốn nghìn lần sinh, tám vạn bốn nghìn lần chết. Nghiệp sát sinh, việc ấy như thế. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng các tội nhân: “Vì các ngươi thích sát sinh, nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người, không bao giờ cùng tận.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói với tôn giả Xá-lợi-phất: “Vì nghiệp sát sinh nên bị sinh vào trong địa ngục, dù phải chịu khổ, nhưng đây chỉ là hoa báo, sau sẽ sinh làm người chịu quả báo nhiều bệnh, mạng ngắn, sau đó lại sinh làm các loài chúng sinh trong bốn loại sinh chịu đủ mọi nỗi khổ, nhiều vô lượng vô biên không thể tính kể được.”
Thế nào gọi là giới không trộm? Giới không trộm là bố thí tài vật cho tất cả chúng sinh, trừ mạng sống. Cho nên các Đức Phật nói giới không trộm được gọi là cam-lộ, là mát mẻ, là an ổn; giữ gìn giới này gọi là đường sinh thiên, là nơi đắc đạo, là y niết-bàn, là mạng giải thoát. Vì thế, các Đức Phật khen ngợi hành vi không trộm. Không trộm là đoạn trừ nhân làm quỉ đói.
Trộm cướp có mười loại quả báo xấu:
1. Quả báo của việc trộm cướp nhất định sẽ rơi vào địa ngục núi thịt. Cổ của tội nhân trong ngục núi thịt như ngọn núi lớn. Trên đó có trăm nghìn đầu, hai bên mỗi đầu mọc ra những khối thịt. Có trăm nghìn chó sắt từ trong núi xuất hiện, chúng cắn lốn, sủa rân và giành lấy thịt ăn. Có các đinh sắt từ miệng chó tuôn ra, cắm vào đầu tội nhân rồi chạy suốt xuống chân và ra ngoài. Rồi lột da người tội căng lên trên trăm nghìn do-tuần kim sắt; thân thể và da thịt chịu đau đớn trải qua tám vạn bốn nghìn năm. Tim như dao cắt đau khổ khó có gì hơn. Đó gọi là quả báo thứ nhất của việc trộm cướp. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng các tội nhân: “Vì các ngươi thích trộm cướp, nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người, không bao giờ cùng tận.”
2. Quả báo của việc trộm cướp sẽ sinh vào loài quỉ đói, thân rất cao lớn, khoảng năm mươi do-tuần. Khi đi, tiếng động giống như năm trăm đang chuyển động; lửa đốt trong mỗi bộ phận, giống như mười xe lửa; đói thì nuốt hoàn sắt nóng, khát thì uống đồng tan, tóc như kim sắt, tự quấn lấy thân thể; trải qua trăm nghìn vạn năm chịu vô lượng khổ, tai không nghe đến tên cơm, nước. Đó gọi là quả báo thứ hai của tội trộm. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng các tội nhân: “Vì các ngươi thích trộm cướp, nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người, không bao giờ cùng tận.”
3. Quả báo của việc trộm cướp sẽ sinh vào trong địa ngục băng lạnh. Trải qua trăm nghìn vạn năm thường lấy núi băng ở tám phương làm y phục. Như hoa sen nở, tự nuốt thịt mình, tên lửa bắn trúng tim. Đây là quả báo thứ ba của tội trộm cướp. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng các tội nhân: “Vì các ngươi thích trộm cướp, nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người, không bao giờ cùng tận.”
4. Quả báo của việc trộm cướp sẽ sinh vào trong loài la-sát. Trong loài ấy, la-sát nư giống như thiên nữ, la-sát nam có nghìn con mắt, trên đầu có búi tóc sắt, răng chó chỉa ra ngoài, tai phát ra lửa. Khi các ngươi trộm, toàn thân nổi lửa, uống máu, ăn thịt, nuốt lửa, nuốt than, ăn mủ, ăn bã; trải qua trăm nghìn năm mang thân la-sát, khổ não vô cùng. Đó là quả báo thứ tư của tội trộm cướp. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng các tội nhân: “Vì các ngươi thích trộm cướp, nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người, không bao giờ cùng tận.”
5. Quả báo của việc trộm cướp sẽ sinh vào địa ngục hưu sắt. Người bị sinh vào địa ngục này bị mang thân hưu sắt, có trăm nghìn đầu, trăm nghìn tay, trăm nghìn đuôi, trăm nghìn móng, trăm nghìn lớp da; bị năm trăm ức hổ sắt, năm nghìn ức sư tử sắt lột lấy da; giữa mỗi lớp da sinh ra vô lượng kim sắt, giống như đao kiếm, chặt xương, rút tủy, đau khổ không thể lường; trải qua trăm nghìn vạn năm chịu khổ vô cùng. Đó là quả báo thứ năm của tội trộm cướp. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng các tội nhân: “Vì các ngươi thích trộm cướp, nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người, không bao giờ cùng tận.”
6. Quả báo của việc trộm cướp sẽ sinh làm người. Khi sinh làm người mắc quả báo thân thể trần truồng, đen xấu, mắt lé, hơi miệng hôi thúi, thường ở trong lao ngục, hốt dọn phân dơ, bị vua quan sai sử. Dù được sinh làm người, nhưng thân hình giống như trâu, ngựa; cha không thương con, con không hiếu thảo với cha; mẹ không thương con, con không hiếu thảo với mẹ; trải qua trăm nghìn vạn năm đau khổ không thể lường. Đó là quả báo thứ sáu của tội trộm cướp. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng các tội nhân: “Vì các ngươi thích trộm cướp, nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người, không bao giờ cùng tận.”
7. Quả báo của việc trộm cướp sẽ bị sinh vào trong địa ngục lớn hoa đao kiếm. Trong địa ngục ấy có vô lượng vô biên núi đao, rừng kiếm. Có các tội nhân thân hình to như cái lu sắt, vuông vức năm nghìn do-tuần. Lính ngục đuổi đạp như gió thổi vào hoa, sinh ra gốc hoa kiếm và trăm nghìn hoa kiếm cắt xẻ da tội nhân ra làm vô lượng mảnh, chặt xương, rút tủy, từ trên không rớt xuống. Rồi lại sinh trên hoa đao, các mũi nhọn của hoa đao cắt xẻ da tội nhân ra làm vô số mảnh. Lại dùng tay đập xương người tội ra thành vô số mảnh, rút tủy, cắt tim, cầu chết không được. Núi sắt ở bốn phía biến thành vô lượng gai nhọn như cung tên lớn cùng lúc bắn vào tim; trải qua vô lượng ức năm chịu khổ như thế. Đó là quả báo thứ bảy của tội trộm cướp. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng các tội nhân: “Vì các ngươi thích trộm cướp, nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người, không bao giờ cùng tận.”
8. Quả báo của việc trộm cướp sẽ bị sinh vào trong địa ngục lớn núi lửa, mang thân thú lớn, có trăm nghìn đầu, vác trên lưng năm trăm con di hầu lửa, tay cầm dao lửa để róc da người tội ném lên núi lửa; tim sinh ra chó lửa, cắn xương, hút tủy, thân như đống lửa, chạy quanh bốn phía, chạy vào trong lửa không bao giờ ra được, chịu khổ vô cùng muốn chết cũng không được. Chịu khổ như vậy đến trăm nghìn vạn năm. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng các tội nhân: “Vì các ngươi thích trộm cướp, nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người, không bao giờ cùng tận.”
9. Quả báo của việc trộm cướp sẽ bị sinh vào trong địa ngục lớn xỏ mũi. Trong địa ngục xỏ mũi có mười hai cái móc sắt, móc mắt, tai, mũi và lưỡi, đánh đập, bẻ răng, lột da mặt, cắt thịt thành khúc, rồi nhét vào miệng, thịt biến thành những mũi tên lửa lớn, bắn từ tim đến chân, tội nhân muốn chết cũng không được; trải qua trăm nghìn năm chịu khổ như thế. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng các tội nhân: “Vì các ngươi thích trộm cướp, nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người, không bao giờ cùng tận.”
10. Quả báo của việc trộm cướp sẽ bị sinh vào địa ngục xẻ cắt. Tội nhân trong ngục ấy nằm trên ghế sắt, ngục tốt dùng dao róc da, cắt tim, không bao giờ chịu chết; trải qua trăm nghìn vạn năm chịu khổ như thế. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng các tội nhân: “Vì các ngươi thích trộm cướp, nên nay phải chịu nỗi khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người, không bao giờ cùng tận.”
Thế nào gọi là giới không dâm? Giới không dâm có năm công đức lợi, được các Đức Phật quá khứ, hiện tại, vị lai khen ngợi. Người không dâm, có oai nghi của Phật và thân mùi thơm như Phật. Năm công đức đó là:
1. Không động nhãn thức, không nhìn sắc dâm; giả sử khi thấy sắc thì cũng như thấy phân, trùng, như dao đâm vào tìm, như lửa đốt con mắt, tâm không sinh ưa thích, bị vô thường cắt, mắt như ngọn lửa quay ngang, vậy có gì đáng ưa?
2. Không nghe âm thanh dâm; giả sử nghe âm thanh dâm cũng không động nhĩ thức, sướng thích nhĩ căn, âm thanh ngu si, làm động rừng rắn độc, là hạt giống ái, đây gọi là gió giặc. Từ nhĩ căn phát ra, những cái thấy sai lầm sinh khởi, giống như tiếng dạ-xoa ngâm, vậy có gì đáng ưa? Đây là những tiếng hư ảo, nhưng hàng phàm phu ngu si lại thích chúng. Cổ động các căn là âm thanh của loài người. Từ sông si ái xuôi theo dòng năm dục, biết rõ đó là giặc nên không động nhĩ thức.
3. Tỉ căn ngửi mùi hương, phải biết hương ấy từ tám loại gió nổi lên, do gió si tác động nên gió ái thổi đến và các mùi của hoa v.v… từ vọng tưởng sinh ra, điên đảo dối cho là có. Từ tỉ thức sinh khởi, rồi dối cho đó là hương thơm hoặc gọi là vị ngon. Tỉ thức vọng động, nên cây, cỏ và các loại hoa đều cho là hương thơm. Đức Như Lai nhiếp thân nên không ngửi những mùi hôi, hiểu rõ chẳng phải thật, nên không khen ngợi hương xúc.
4. Không động thiệt căn, không nói đến những lợi ích thế gian, không khen ngợi việc dâm dục, miệng không bao giờ nói đến cảm giác vui sướng của dâm dục, không ở trong am tranh cuồng hoặc, cũng không thích nói những việc đáng vui sướng, để làm cho giặc năm giặc si ái, vô minh lớn thêm. Vì thế, các Đức Phật không động thiệt căn.
5. Ý vắng lặng không động, không khởi tâm dâm dục, không nhớ nghĩ việc dâm dục, không tưởng đến sự sướng thích của dâm dục, không động thiệt căn, thức dâm không thay đổi. Giống như tâm giải thoát, trụ ở nơi vắng lặng, ở trong thành thường lạc, an ổn vô vi, phát tâm theo học với Phật, trụ ở bờ mé chân như, một mực hướng vào mười tám đại không và chín loại niết-bàn.
Phật và Bồ-tát đã thành tựu năm đức nên thân hình thanh tịnh, thường sinh ra trong hoa sen, thân thanh tịnh không nhơ, tâm cũng sáng sạch. Vì thế, các Đức Phật nói giới không dâm là thanh tịnh bậc nhất, là công đức vô thượng, đầy đủ năm lợi, khen ngợi ca tụng, là nhân giải thoát, không thể cùng tận. Dâm dục là sự trói buộc nặng nhất không gì bằng. Thí như con voi già bị đắm trong bùn lầy năm dục, đều là cội gốc của tất cả tội. Nay Ta sẽ nói tội dâm dục:
Các ông một lòng nghe
Dâm trược xấu muôn hành
Không nhận chìm thiền định
Ngăn che đường giải thoát
Này thiện nam, thiện nữ
Muốn tìm đường giải thoát
Xa lìa ngục tam giới
Hầm lửa, sông năm dục
Nước nóng, lửa, núi băng
Thoát khỏi sợ sinh tử
Giữ tâm như chư Phật
Nên giữ giới không dâm.
Muốn cầu trường thọ thiên
Sống lâu vô lượng kiếp
Phạm thiên, Chuyển luân vương
Giàu có, bảy tài bảo
Giữ tâm như chư Phật
Nên giữ giới không dâm.
Nếu muốn gặp chư Phật
Nghe pháp chứng đạo quả
Đầy đủ sáu thần thông
Dạo cõi nước mười phương
Giữ tâm như chư Phật
Nên giữ giới không dâm.
Dâm có mười tai họa. Mười tai họa đó là:
1. Người tham dâm dù sinh lên trời làm trời Đế Thích, hưởng năm thứ dục lạc, tâm như chó ăn lén, thường say không tỉnh, chìm đắm trong dòng chảy của sông năm dục.
2. Người tham dâm dù được làm vua, oai lực tự tại, làm nô lệ cho ân ái, bị người sai sử, được niều tài bảo, như lửa thêm củi, không biết đủ, không biết chán, hại thân, mất nước, chết vào đường ác.
3. Người tham dâm, thường hệ thuộc vào người khác, bị sáu giặc ép bức, bị voi vô thường lớn dẵm đạp lên lưng, tâm như di hầu, không biết các nạn, sắp bị lửa đốt, không biết cha mẹ, anh em, chị em, giống như heo, chó, liên tục mang vác, không còn hổ thẹn.
4. Người tham dâm thường uống máu mủ nhơ uế của người nữ; trải qua vô lượng kiếp thường ở trong bào thai, sinh tạng, thục tạng, tử tạng, các loại trùng lấy đó làm y phục, lấy bộ phận nữ căn dùng làm thức ăn, uống.
5. Người tham dâm, tâm như dao bén, mắt như xe lửa, cắt đứt, đốt sạch công đức hành tạng.
6. Người tham dâm đến chúng Sát-lợi, nhóm lửa kết sử, mồi củi tham dục, ý dục cướp bóc giống như la-sát. Đến chúng Bà-la-môn không sinh hổ thẹn, giống như nhà ảo thuật, chỉ bày ra những trò tốt-xấu, chỉ nói những việc bất tịnh. Đến chúng sa-môn không biết qui y, động các tình căn, giống như keo dính trên cỏ. Các sử dục nhiễm bao quanh ý căn, lửa sáu tình nổi lên đốt cháy hạt giống thiện, phá hỏng bạch nghiệp phạm hạnh đời trước, đưa tay, động chân giống như dao bén, mắt như lửa dữ, miệng như la-sát, bị lửa dâm trên tất cả lỗ chân lông khắp thân thể sai khiến.
7. Người tham dâm tạo tám loại nghiệp, sát sinh, sinh sinh bằng đao, kiếm, gậy v.v… hòa hợp nam nữ, đại vọng ngữ, uống rượu, khen ngợi người làm nên cảnh giới dâm, hoặc trộm cướp tất cả bảo vật, chất thành đống trùng, bị tâm vương sai khiến, nhãn căn như chó dữ, trộm, ăn những thứ hôi nhơ.
8. Người tham dâm bị dâm sai khiến, tâm như lửa dữ, cũng như đống sắt, chắc chắn sập xuống, phá diệt phạm hạnh, ắt rơi vào địa ngục.
9. Người tham dâm sau khi qua đời như ném hạt châu đang đeo trên cổ, nhất định sẽ rơi vào địa ngục đồng đỏ. Địa ngục đồng đỏ vuông vức bảy nghìn do-tuần. Giống như rừng hoa đồng, bên dưới có giường sắt, trên giường lại có trăm nghìn do-tuần trụ đồng lửa hình bát lăng, đầu trụ có gương, trong gương tự nhiên có các hình người nữ hoặc hiện hình người nam; người tham dâm sinh tâm ưa thích, động các tình căn, cùng một lúc lửa nổi lên, hoa đồng hóa thành đinh sắt nóng lớn, trụ đồng biến thành nước đồng sôi, vạc nước sôi, giường sắt nổi lửa, người nữ hóa làm chó, người nam biến thành đao, rượt đuổi người tội chịu vô lượng khổ, nuốt hòn sắt nóng, uống nước đồng sôi, muốn chết không được, trải qua vô lượng năm, thọ mạng một kiếp.
10. Người tham dâm không gặp được Phật, giống như đám mây dày ngăn che; vì phá phạm hạnh nên nhất định sẽ rơi vào địa ngục A-tì; thân đầy ngục, thọ mạng một kiếp, lăn qua, lăn lại trải qua một kiếp. Bấy giờ, vua Diêm-la trách mắng tội nhân: “Vì các ngươi ham thích dâm dục, nên nay phải chịu khổ này. Việc ấy có gì vui không? Các ngươi sẽ phải trải qua trăm nghìn vạn kiếp trả nợ cho người, không bao giờ cùng tận.”
Chết ở địa nhục, sinh làm chim bồ câu, rồi làm rồng, rắn. Vì làm nhiễm ô phạm hạnh nên trăm đời, nghìn đời không gặp được Phật, không nghe chính Pháp, không bao giờ đắc đạo!
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ:
Không đoạn hẳn dâm dục
Sinh làm chúng sinh mãi
Vô minh là cội gốc
Bị dao già, chết cắt.
Phải chịu rừng rắn độc
Máu đầy túi bất tịnh
Như trùng phẩn thích phân
Người tham dâm cũng vậy.
Chín lỗ tuôn lửa dục
Ân ái như gai nhọn
Khởi điên đảo, vọng kiến
Vì huyễn hoặc sinh ái.
Tất cả cốt nữ sắc
Cây ra hoa trái mùa
Bị gió điên đảo thổi
Hoa thối sinh đống trùng.
Người nữ như bình gốm
Máu mũ nhỏ từng giọt
Đầy bình rồi nhỉ ra
Bất tịnh tràn bên ngoài
Mấy thấy chất bất tịnh
Như trộm, chó tham dâm.
Phải tự diệt các ái
Nhất tâm quán bất tịnh
Chỉ uống chất cam lộ
Ở thành niết-bàn lớn.
Đức Phật nói với tôn giả Xá-lợi-phất: “Nếu người nào giữ tâm, giữ thân không làm việc dâm dục, giữ mắt không nhìn sắc dâm, giữ tai không nghe âm thanh dâm dục, giữ mũi không ngửi mùi dâm dục, giữ lưỡi không nếm vị dâm dục; những người như vậy là người có đầy đủ trí tuệ, là người đi trên đường bát chính. Người không dâm dục, giữ thân tâm thanh tịnh, dụ như hoa sen, không dính bụi nhơ, thành tựu đạo Tu-đà-hoàn, đạo Tư-đà-hàm, đạo A-na-hàm, đạo A-la-hán, đạo Bích-chi-phật, Vô thượng đại đạo. Những đạo ấy đều nhờ không dâm dục, giữ thân tâm thanh tịnh mà đạt được.”
Bốn nghiệp thuộc về miệng: nói dối, nói hai lưỡi, nói lời thô xấu, nói khóe cạnh, khen ngợi tà kiến.
Nếu hay không nói dối
Nói giới không nói dối
Giữ miệng như miệng Phật
Thường nói lời thành thật.
Người ấy sinh lên trời
Miệng thơm xông các trời
Nếu sinh ở thế gian
Dùng các hương trang sức
Giống như hương núi, sông
Chảy vào sông niết-bàn.
Nếu không nói hai lưỡi
Tâm không có hai thứ
Lưỡi như lưỡi các Phật
Cánh hoa sen che mặt
Ánh sáng năm loại sắc
Từ trong lưỡi phát ra
Thường nói pháp Đại nhân
Thật không nói hai lưỡi.
Không nói lời thô xấu
Gọi là đại trượng phu
Đoan chính trong loài người
Mọi người đều thích nhìn.
Hương chiên đàn, các loại
Nếu không nói khéo cạnh.
Miệng phát ra hương thơm
Như hoa Ưu-bát-la.
Sinh ra được gặp Phật
Nghiệp của miệng thanh tịnh.
Nếu không khen tà kiến
Không nói nghiệp tà kiến
Sinh ra thường xuất gia
Chính mạng luôn đầy đủ.
Như Phật trụ niết-bàn
Được đều nhờ lời thật.
Đức Phật nói với tôn giả Xá-lợi-phất: “Bốn lỗi của miệng mắc mười nghiệp ác lớn. Đó là:
1. Người nói dối, người hủy báng, không nghe nói nghe, không đắc đạo quả nói đắc đạo quả, không thấy nói thấy, những người ác này dù không mắc bệnh nhưng giống như chó loét.
Tất cả trong trời, người
Lửa dữ nung hoàn sắt
Đốt cháy tất cả người
Giặc ấy không phải hơn.
Thế nào là giặc lớn?
Chỉ có một loài người
Thà khiến đóm đóm lửa
Xương biến thành nước đồng
Ngốn nuốt ở núi đao
Vạc sôi, đao cắt đứt
Đập thân, thành đống lửa
Khổ ấy chưa phải ác.
Nói dối độc hại lớn
Đốt hết phúc trời, người
Rơi vào ngục A-tì
Bị xe đao cắt chân
Lưỡi là rắn sắt độc
Lửa miệng đốt đại thiên
Mắt như hòn sắt nóng
Mưa nước sôi vạc lớn
Đốt hết gốc hoa tươi
Nhất định vào đường ác
Vô lượng ức nghìn kiếp
Muốn ra không ra được
Người đại ác như thế
Toàn thân là núi lửa
Đốt cháy tất cả thiện.
Người nói lời thô xấu, thì dù miệng ngậm hương cũng thối như xác chết. Người hay thích nói những việc bất thiện của người khác thì những gì miệng nhả ra như gai nhọn, như đao, như kiếm, như kích, như phân, như nước tiểu, như trùng, như mủ. Hương trong loài trời, người không có gì hơn lời hay khéo; mùi thối trong ba cõi không gì hơn lời nói thô xấu.
2. Người nói lời thô xấu, những gì miệng nhả ra như mưa hòn sắt, đốt cháy nhà người. Người này đời sau bị rơi vào địa ngục lớn, bị sắt nóng đốt thân, uống nước sắt sôi; nếu sinh ở thế gian, mắc bệnh chó loét và bịnh ghẻ lở; trải qua vô lượng kiếp thường ăn máu mủ; những gì tâm nghĩ đều là những việc bất thiện và ác.
3. Người nói hai lưỡi giống như nước với lửa, không làm nói làm; người khác làm thiện, nói lời thành thật, cho là nói lời sai trái; người không làm mà nói người làm; tất cả người thế gian thông thích gặp. Người ấy nhất định sẽ rơi vào đường ác lớn, bị cưa đồng cắt lưỡi ra mấy nghì khúc.
4. Người nói khóe cạnh, trên cho là dưới, dưới cho là trên, đùa giỡn không kiềm chế, nói xuyên xỏ, nói lời không lợi ích, nói lời gây bất lợi, nói lời vô nghĩa, khen ngợi năm dục, tâm không hiểu rõ lời nói, nói những lời đen tối, như đâm, như nhốt, như giam cùm chúng sinh. Sau khi người có ác báo qua đời sẽ rơi vào địa ngục rừng gai, bị trăm nghìn gai sắt đâm, móc lưỡi đứt ra thành trăm nghìn khúc.
5. Khen ngợi tà kiến. Người tà kiến như miệng đầy lửa, thiêu đốt căn lành, cho rằng không có cha, không có mẹ, không có Phật, không có Pháp, không có tì-kheo Tăng, không có A-la-hán, không có Bích-chi-phật, không có thầy, không có bạn, không có thiện tri thức.
Tâm như gió dữ, thổi trốc tất cả các gốc cây thiện căn. Đây là giặc lớn. Nói không có nhân, không có quả, miệng như sông lớn cuốn trôi ba cõi, dâm dục vô độ, chế giễu đồng loại, tạo tội vô gián, đoạn dứt bát-nhã, phạm bốn giới nặng, dẫn đến tội vô gián, đều từ tà kiến, điên đảo ác tâm, gió tà thổi động miệng ác bất thiện, sinh vào địa ngục A-tì bị dao lửa bằng sắt cắt lưỡi.
Như thế, nói dối, nói lời thô xấu, nói hai lưỡi, nói cạnh khóe, khen ngợi tà kiến, người đại ác này dù ở nhân gian do bốn đại kết thành, ngũ uẩn trang sức, nhưng phải biết trong đó, địa đại chính là núi sắt, rừng đao, cây kiếm, trăm nghìn gai sắt, vô số trùng sắt, mỏ sắt, các giống chim, lưới sắt, xe chông nghiến đứt thân, phải biết nước chính là nước đồng; vô số vạc nước sôi chính là hòn sắt nóng; nước sôi và phân ở trong dòng sông sắt chảy vào các đốt. Phải biết hỏa đại tự bốc cháy trong mỗi đốt, giống như cột đồng; các lửa cùng lúc nổi lên trong sáu căn, đốt tan thân tâm và rơi vào địa ngục lớn. Phải biết phong đại giống như mưa đá, vô số rừng đao, trăm nghìn cây kiếm, chấn động ở các bốn chi sinh ra từ các khe hang. Phải biết năm uẩn chính là năm giặc, mười tám la-sát bị ràng buộc trong địa ngục, là dòng họ dân của vua Diêm-la, thức là sắt nóng, hình dáng giống như nước đồng, đầy khắp ngục A-tì, tự cao lớn mạnh, sức mạnh ác khẩu, mắng chửi, phỉ báng, hủy nhục người, nay ở đâu?
Đức Phật nới với tôn giả Xá-lợi-phất: “Người nói lời thô ác, nói dối, nói hai lưỡi, nói cạnh khóe, khen ngợi tà kiến, người này chẳng những là giặc của một người mà là kẻ cướp nguy hiểm của tất cả trời, người ở thế gian. Thí như oai lực tự tại của bọn giặc đốt cháy một thành, giết hại tất cả chúng sinh và tất cả người trong bốn thiên hạ. Tội báo mà người ấy phải chịu là nhiều hay ít?”
Tôn giả Xá-lợi-phất thưa: “Bạch Thế Tôn! Người ấy mắc tội như núi Tu-di không thể tính kể.”
Đức Phật nói với tôn giả Xá-lợi-phất: “Tuy người ấy mắc tội báo lớn, nhưng không bằng báo lớn nặng do nói dối, nói lời thô ác, nói hai lưỡi, nói cạnh khóe, khen ngợi tà kiến trong mảy may. Người này sau khi qua đời sẽ rơi vào địa ngục lớn, trải qua vô lượng kiếp chịu khổ vô cùng, dù có trăm nghìn Đức Phật cũng không thể cứu được. Các Đức Phật quan sát thấy người này với tội nhân phỉ báng chính pháp cùng sinh vào địa ngục ở mười phương thế giới, cùng diệt địa ngục ở mười phương thế giới. Vì thế, người trí phải thâu nhiếp thân, miệng.”
Đức Phật nói với tôn giả Xá-lợi-phất: “Người nào giữ gìn Thập thiện giới này, phá trừ mười nghiệp ác, trên thì sinh lên trời được làm Phạm Thiên Vương, dưới thì sinh ở thế gian làm Chuyển luân vương, dùng thập thiện giáo hóa, mãi mãi xa lìa địa ngục và ba đường ác, giống như nước sông chảy vào biển niết-bàn. Người nào hủy phạm Thập thiện giới sẽ đọa vào địa ngục, trải qua vô lượng đời chị các khổ não. Này Xá-lợi-phất! Ông thích giữ gìn pháp yết-ma của Thập thiện giới, phá trừ mười nghiệp bất thiện.”
Bấy giờ, tôn giả Xá-lợi-phất và các đại chúng nghe Đức Phật nói như vậy đều hoan hỉ làm theo.
[1] Phạm âm 梵音: âm thanh vi diệu, thanh tịnh của Phật, Bồ-tát, một trong 32 tướng tốt của Phật.
[2] Vật chứa pháp 法器: dụ cho người có khả năng lãnh nhận giáo pháp.
[3] Chính kiến 正見 (S: Samyag-dṛṣṭi): kiến giải đúng về lí Tứ đế, xa lìa hai thứ tà kiến hữu, vô. Đay là một trong Bát chính đạo.
- Tag :
- Thích Thọ Phước