TƯỞNG NIỆM MÙA PHẬT ĐẢN
Như Hùng
Hai ngàn năm trăm bốn mươi mốt năm đã trôi qua, nhưng hình bóng và biểu tượng cao quý của Đức Phật vẫn luôn ngời sáng trong lòng mọi người con Phật. Qua bao nhiêu biến thiên, vật đổi sao dời, bao nhiêu hình thành rồi tan hoại và cũng không biết bao nhiêu chủ thuyết, chế độ đã tàn phai. Nhưng bóng dáng hùng vĩ và pháp âm của ngài luôn bất diệt, xoa dịu, vỗ về con người đang chìm đắm trong thế giới mộng mị, đầy thống khổ phủ vây. Âm vang của bốn mươi chín năm thuyết pháp, vẫn còn phảng phất vương vấn đọng lại đâu đây, như dư âm của tiếng chuông chiều bay trong gió thoảng, làm tan đi bao nỗi u hoài phiền lụy.
Chiêm nghiệm, suy tưởng hình bóng của đức Phật, không phải đánh đổi lời nguyện cầu để được ân sủng, hay vẽ ra một thế giới không tưởng để dọa nạt khiến ta mãi miết cắm đầu rảo bước. Chiêm nghiệm ở đây nhằm đánh thức chủng tử Phật tánh đang tàng chứa trong mỗi chúng ta, từ đó vận chuyển tâm thức thăng hoa ở những bình diện cao đẹp hơn. Kết qủa này tự nó là một nổ lực giải thoát, chỉ có chính mình mới đủ thẩm quyền thừa hưởng, chứ không một ai dọn sẵn bàn tiệc đào viên ở thiên đường để mời ta dự. Và càng không có một phi thuyền nào, nấp đàng sau sao chổi để đón ta thoát khỏi thế giới này*. Tất cả đều phải ở đây, mọi ân oán họa phước hay hạnh phúc đều được giải quyết ở chốn này, ngoài ra tất cả chỉ là sự lừa dối, hư ảo, và không thật.
Sự mất mát đau khổ do con người tạo ra thật khủng khiếp không gì có thể sánh được. Đồng loại giết hại, tù đày, tra tấn lẫn nhau dưới chiêu bài này chủ thuyết nọ, hoặc do vì bất đồng tư tưởng, tín điều, tôn giáo, chiến tranh, biên giới, chủng tộc... Nhưng, đau lòng thay điều mà chúng ta có thể tránh được thì lại không tránh. Điều chúng ta không thể tránh được như thiên tai, bảo tố, động đất v.v....thì lại cố tránh. Nếu cộng chung sự mất mát do thiên tai tạo nên vẫn còn quá ít so với loài người gây ra, không chỉ tiêu diệt một đời mà nhiều đời, không những một ngày hai ngày mà từ thế kỷ này đến thế kỷ khác. Có phải vì sự sống mà chúng ta tương tàn lẫn nhau? Hay vì sự bất đồng tư tưởng, ý thức hệ, niềm tin? Có phải đây là điều huyền hoặc không tưởng? Nhưng oái ăm thay, nó lại là động cơ to lớn trong tất cả những cuộc tàn sát, tiêu diệt lẫn nhau. Lịch sử cũng đã chứng minh bạo lực và hận thù không phải là phương cách giải quyết tốt đẹp. Đức Phật kêu gọi lòng từ bi thể hiện trong mỗi con người, trong mỗi tư duy và hành động. Ý nghiã đích thực của từ bi là ban vui và cứu khổ. Mọi ân oán hận thù được giải quyết trên căn bản này, thì thế giới sẽ bớt đi phần nào thống khổ, con người sẽ được an lạc.
Đức Phật kêu gọi sự vân dụng của Trí Tuệ trong mọi suy tư, hành hoạt. Trí tuệ này chỉ có trong nổ lực nhằm đánh thức bản tâm của mình trổi dậy, sống tỉnh thức vẹn toàn và độc lập trong mọi suy tư thường nghiệm. Ta quyết không để những tình huống tăm tối có cơ may xen vào gây chia rẽ lũng đoạn. Nổ lực và tỉnh thức cũng có nghĩa, ta nâng cảm quan trở nên bén nhạy, minh mẫn hơn trong việc phát hiện ra những lừa dối ngụy tạo, ru ngũ, đầu độc, trong tâm thức của mình. Một khi ta trông thấy được bản chất hiện hữu như thật của chính nó, cũng chính là lúc bóng hào quang, huyền thoại, thần tượng, toàn năng, bổng tan nhanh như bọt biển.
Thông điệp Từ Bi và Trí Tuệ mà Đức Phật gởi đến cho con người trở thành hai biểu tượng tối siêu việt, đó là căn nguyên, mấu chốt của mọi nguồn cơn trong việc hoán chuyển tâm thức và nhân cách của từng con người, làm thay đổi khuynh hướng ỷ lại lệ thuộc vào kẻ khác. Từ đó mở ra một hướng đi cho đến bây giờ, vẫn trở nên tiêu điểm mà loài người cần đạt được. Và chỉ có điều này may ra mới không bị sự chi phối của thời không, một khi ta biết ứng dụng nó trong nổ lực vượt ra ngoài tử sinh. Ta không thể mãi làm kẻ khóc than quá khứ, đi giữa hoàng hôn với bóng tối phủ vây. Đức Phật không mang đến cho ta Niết Bàn hay Địa Ngục, vì ngài không phải là đấng toàn năng, cho nên không một ai có thể dành giựt và lợi dụng, để từ đó tha hồ tước đoạt, ban bố, doạ nạt. Quyền năng vốn không có trong tay ngài, và cũng không một ai có được, bỡi lẽ quyền năng chỉ là sự sáng tạo, mê hoặc của con người, đã là con người tức vẫn còn bị phong tỏa, tác động bởi vô minh, nên những sáng tạo ấy đồng nghĩa với vô minh, nó chỉ có giá trị nhất thời cho một mục đích nào đó. Điều này càng tố giác sự phi lý không thật, trấn lột, áp chế hơn là mở rộng tâm thức để tự mình thăng hoa.
Chúng ta chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, được mệnh danh là của khoa học, của tin học hiện đại, của những thành tựu mà trong đó sự áp chế, bắt buộc kẻ khác phục tùng, không có cơ may tồn tại, tất cả là phải đương đầu, chịu trách nhiệm với chính mình, hơn là phủi tay để kẻ khác thế cho. Trong hai sản phẩm mà con người sáng tạo, một là quyền năng về sự tác tạo cho một thiên đường hay điạ ngục nằm trong tay một đấng tối cao. Điều thứ hai, thì ngược lại, ngày hôm nay với những thành tựu vượt bực của khoa học, cũng nhằm chứng minh, đặt lại điều mà con người của những thế kỷ về trước dựng nên. Dù đứng từ góc độ nào, tựu trung đều nằm trong bàn tay và khối óc của con người, nhưng điều đáng nói là khi khoa học tìm cách chứng minh thêm phần nào về chân lý của như thật, thì điều này càng sáng soi thêm hình ảnh, nhân cách và những điều đức Phật đã truyền trao. Ngày nay đạo Phật không còn là cổ vật cất dấu trong viện bảo tàng, mà trở thành lý tưởng sống cho con người, đạo Phật khuyến khích chúng ta mở rộng Trí Tuệ, phát triển lòng Từ Bi, đó là hai báu vật nằm sẳn trong ta, chứ không ai độc quyền sản xuất, bán vé hoặc khống chế, gieo rắc trong ta nổi sợ hãi, tưởng như không bao giờ rứt ra được.
Ý nghĩa đích thực của tưởng niệm, là làm sống mãi hình bóng, nhân cách, pháp âm của Đức Phật, để khơi mở và hoán chuyển tâm năng, bằng sự nổ lực vượt thoát giác ngộ nơi chính mình.
Như Hùng
Trích từ Tạp Chí Trúc Lâm số 6 năm 1997 Mùa Phật Đản 2541
Ghi chú: * Tin tức gây chấn động lúc bây giờ, có một giáo phái ở San Diego Hoa Kỳ, đồng loạt tự vẫn, vì tin có một phi thuyền nấp đàng sau sao chổi mang họ về thiên đường.
- Tag :
- Như Hùng