GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
VIETNAMESE AMERICAN UNITED BUDDHIST CONGREGATION
HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH
COUNCIL OF MANAGEMENT
CENTRAL OFFICE
803 S. Sullivan St., Santa Ana, CA 92704 – U.S.A. | Tel.: (714) 571-0473 * Fax: (714) 568-1009
QUYẾT NGHỊ
Đại Hội Thường Niên lần thứ III, nhiệm kỳ II (2012-2016)
của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ
Đại Hội Thường Niên lần thứ III, nhiệm kỳ 2 (2012 – 2016) được triệu tập chiếu theo Điều 22, Chương 6, Quy Chế của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, và theo Quyết Nghị của Đại Hội Thường Niên lần thứ II, nhiệm kỳ 2 được thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2014.
Đại Hội được tổ chức tại Phật học viện Quốc Tế vào ngày 15.6.2015, từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều, qui tụ 40 đại biểu chính thức và quan sát viên, bao gồm chư tôn đức Tăng Ni, Cư sĩ và Huynh trưởng GĐPT từ các tu viện, tự viện, tịnh xá, trung tâm văn hóa Phật giáo, tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ.
Nội dung của Đại Hội được triển khai qua 3 phiên khoáng đại, trong đó toàn thể cử tọa được lắng nghe và theo dõi phúc trình của Tổng Thư Ký Văn Phòng Thường Trực, báo cáo ngân sách của Tổng Thủ Quỹ và báo cáo phật-sự từ các Tổng vụ thuộc Hội Đồng Điều Hành (Khoáng Đại I); cũng như đã thảo luận, kiểm điểm và tái duyệt các đề án chưa được thực hiện, đồng thời biểu quyết về các dự án sắp tới của Giáo Hội (Khoáng Đại II & III).
Đúc kết từ các vấn đề quan yếu được thảo luận trong nghị trình Đại Hội, nhận thức và quan điểm chung của toàn thể cử tọa được ghi nhận như sau:
a) Ý thức cá nhân: Tự do là yếu tố then chốt cho sự phát triển tinh thần, và cũng là ưu điểm cho sự tăng trưởng kinh tế, xã hội và các cơ cấu tổ chức; nhưng nếu tự do của mỗi cá nhân không được đặt trên đường hướng và mục tiêu rõ rệt, sẽ dẫn đến những thất bại, đổ vỡ cho bản thân, thậm chí trở thành sự phá hoại đến lợi ích chung của tập thể. Thành viên Giáo Hội nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung, cần ý thức vai trò của mình như là một người con Phật có lý tưởng và mục tiêu phù hợp chánh pháp.
b) Trách nhiệm tập thể: Người con Phật, hơn ai hết, phải thấu rõ sự tương quan tương thuộc trong đời sống, không chỉ trong gia đình, xã hội, quốc gia, mà còn trên toàn thế giới; do đó, mỗi cá nhân cần ý thức từng tác nghiệp của mình: nếu không góp phần lợi ích cho tha nhân, cho tập thể, thì cũng tránh gây tổn thương cho bất cứ ai; nhất là không làm phương hại đến phẩm giá và danh dự của tập thể mà mình tự nguyện tham gia, cụ thể như là một thành viên của Giáo hội, hay là một nhân tố trong ngôi nhà Phật Việt.
c) Củng cố và phát triển: Trong giai đoạn Phật giáo Việt Nam phải đối mặt với những thử thách và chướng duyên xuất phát từ ngoại giới cũng như nội bộ, thành viên Giáo Hội cũng như chư tôn đức Tăng Ni hành đạo tại hải ngoại đã đoàn kết và sát cánh bên nhau, chung lòng củng cố nội lực của Tăng đoàn và Giáo Hội, để rồi vượt qua những nghịch cảnh, bảo vệ thanh danh Phật giáo Việt Nam, giữ gìn tín tâm của bốn chúng. Nhưng khi sóng gió qua rồi, nhiều hiện tượng tiêu cực, cá nhân tha hóa, lần lượt xảy ra trong cộng đồng PGVN hải ngoại, gây tai tiếng và làm tổn thương niềm tin của quần chúng đối với Tam Bảo. Thành viên của Giáo Hội trong những năm gần đây cũng trở nên thờ ơ với các phật-sự chung của Giáo Hội, thậm chí không quan tâm đến trách nhiệm do chính mình đảm nhận. Do đó, Đại Hội nêu cao tinh thần “tương kính, tương thuận” cũng như ý thức dấn thân phụng sự làm nền tảng cho việc củng cố và phát triển nội lực của Tăng đoàn nói chung, Giáo Hội nói riêng.
Từ nhận thức trên, Đại Hội đã cùng chia sẻ và thống nhất các quan điểm về đối nội và đối ngoại của Giáo Hội như sau:
a) Mỗi thành viên Tăng Ni nỗ lực thực hành giới pháp và tuân thủ các nguyên tắc yết-ma trong mọi ứng xử là góp phần vào việc củng cố nội lực Tăng đoàn, giữ gìn tín tâm phật-tử;
b) Mỗi Tổng vụ cố gắng thực hiện các đề án phật-sự thuộc phạm vi của mình, cùng lúc tương trợ các Tổng vụ khác để đồng bộ phát huy công cuộc hoằng pháp, giáo dục của Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ;
c) Cần tiến hành cụ thể việc xây dựng hạ tầng cơ sở của Giáo Hội trên toàn cõi Hoa Kỳ như đã nêu đặt từ những năm trước; vì hạ tầng cơ sở là những mảnh đất tốt để ươm mầm và phát triển nền Phật Việt trên xứ người;
d) Sự xâm lăng của Trung quốc đối với lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam là điều đã quá rõ ràng; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vì đặt sự tồn tại của mình trong sự tồn tại của dân tộc, không thể điềm nhiên tọa thị, mà trong cương vị của đạo Phật từ bi, trí tuệ, và uy dũng, phải bày tỏ thái độ và hành động thích đáng nhất khi cần, để bảo vệ giang sơn gấm vóc.
Với nhận thức và quan điểm chung như trên, chúng tôi, toàn thể đại biểu tham dự Đại Hội Thường Niên lần III, nhiệm kỳ II (2012 – 2016) của GHPGVNTN Hoa Kỳ, hợp nhất ý chí, tâm lực, đồng thanh:
QUYẾT NGHỊ
Quyết Nghị này gồm 12 điểm đã được toàn thể Đại Hội, gồm 40 đại biểu Tăng Ni, Cư sĩ và Huynh trưởng GĐPT đồng biểu quyết thông qua lúc 6 giờ chiều ngày 15 tháng 6 năm 2015 tại hội trường Phật Học Viện Quốc Tế, thành phố North Hills, tiểu bang California, Hoa Kỳ.